NGŨ ĐẠI GIA của Sân Khấu Cải Lương: Mục Lục
LỜI BẠT
Tôi nghe tên soạn giả Nguyễn Phương lúc ở Sài gòn vào thập niên 60 khi tôi có dịp đi xem các vở ca kịch cải lương do anh đạo diễn trên các sân khấu Thanh Minh Thanh Nga và Dạ Lý Hương đã mê tiếng ca vọng cổ của Thanh Nga và Thành Được, tôi lại càng khâm phục hơn tài sáng tạo của soạn giả. Lòng tự hỏi soạn giả phải học ở trường kịch nghệ nào và kinh nghiệm sống lịch lãm ra sao để có được một sức sáng tạo tuyệt vời mà lời ca và ý tình cứ mãi vấn vương tôi rất lâu sau khi xem một vở tuồng do anh soạn thảo hay nghe một vở thoại kịch của anh trên làn sóng điện do ban kịch Kim Cương trình diễn.
Tôi gặp anh Nguyễn Phương lần đầu nơi quê hương thứ hai năm 1997 khi anh đến với Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Trung Học Mỹ Tho như một cựu học sinh và một soạn giả . Anh đến góp ý cho các diễn viên cây nhà lá vườn của Hội trong việc tập dượt một trích đoạn vở kịch “Hoa rơi cửa Phật” để trình diễn trong buổi hợp mặt. Tuy tuổi đời đã quá 70, tuy phong thái vẫn còn nhanh nhẹn, anh lại có vẻ trầm ngâm và xa vắng.
Tôi quên đi cái cảm phục lúc nào của tôi thời niên thiếu. Tôi tự hỏi phải chăng những giông bão của cuộc đời đã biến dạng tài năng và tạo anh đức khiêm cung.
Tôi thực sự biết anh Nguyễn Phương gần đây khi anh trở lại cầm bút, không phải để soạn tuồng mà để viết lại năm mươi năm lịch sử cải lương. Tôi thương anh và cảm phục anh khi biết được cái tình gắn bó của anh với nghệ thuật sân khấu cải lương mà trong tuổi già sức yếu, thay vì thảnh thơi ngơi nghỉ, anh đã ép mình với một kỷ luật, thu mình trong một căn phòng nhỏ hẹp để như kiếp tằm tiếp tục nhả tơ, anh viết lại lịch sử của cuộc đời của những người bạn nghệ sĩ đã cùng anhthăng trầm trong nghiệp dư cải lương. Là một chứng nhân và tác giả hiếm hoi còn giữ lại được một ký ức bén nhạy và một kiến thức dồi dào trong lãnh vực cải lương từ lúc phôi thai đến lúc cực thịnh qua đến lúc đổi đời, quyển Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương mà các bạn cầm trong tay là một quyển sách duy nhất về lịch sử cải lương miền Nam.
Không những anh viết bằng ký ức, bằng tài liệu ít ai có được mà bằng cả sự chính xác. Để biết đích xác về năm sanh của một nghệ sĩ, anh đã cho đi truy tầm mộ chí của người nghệ sĩ quá cố. Để kiểm nhận một sự kiện mà bụi thời gian đã nhạt nhòa ký ức, anh không quản ngại tìm kiếm cho bằng được người trong cuộc để xác minh.
Tuy quyển sách có bản chất kể chuyện, nhưng tác giả đã tài tình diễn đạt những tình tiết qua một phương thức vừa phân tích, vừa tổng hợp để người đọc có được một cái nhìn bao quát về lịch sử cải lương qua câu chuyện ngũ đại gia. Từ hát bội qua hát bội pha cải lương, tiến đến tuồng Tàu, Hồ Quảng, cải lương kiếm hiệp, rồi đến tuồng cải lương dã sử Việt Nam, tuồng xã hội cận đại đến kịch nói, tác giả đã trình bày có lớp có hồi, chuyển đoạn nhẹ nhàng như một cuốn phim. Không những phải là một nghệ sĩ dồi dào kiến thức và kinh nghiệm sống, anh Nguyễn Phương phải là một nhà nghiên cứu có phương pháp và là một nhà văn có tài để chúng ta đọc lịch sử của 50 năm cải lương Việt Nam từ trang đầu đến trang cuối như một quyển tiểu thuyết.
Quyển Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương như vậy là một tự điển, một tài liệu tham khảo quý giá cho mọi thế hệ để nhớ được hay biết được cái xã hội huy hoàng đầy tình người và tình nghệ thuật của sân khấu cải lương miền Nam. Các bạn sẽ có dịp trông lại các hình ảnh quen thuộc của những nghệ sĩ mà một thời hay mãi mãi các bạn ưa thích, biết được muôn khía cạnh của cuộc đời nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương.
Không phải là nhà nghiên cứu cũng không phải là nhà văn, nhưng từ gần 30 năm nay, tôi làm văn hóa với sách vở của các nhà nghiên cứu và các nhà văn. Gần gũi với môi trường văn hóa Việt Nam và bản địa, tôi hân hạnh viết lời bạt này để giới thiệu với các độc giả người Việt quyển Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương như là một tài liệu hữu ích về lịch sử cải lương Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản ở hải ngoại.
Montréal, mùa Giáng Sinh 2003.
Lâm Văn. MLS
Giám Đốc Sở Văn Hóa và Thư Viện
Phố thị Côte-des-Neiges/Notre-Dame-de-Grâce
Thành phố Montréal, Canada.
Giám Đốc Sở Văn Hóa và Thư Viện
Phố thị Côte-des-Neiges/Notre-Dame-de-Grâce
Thành phố Montréal, Canada.
ĐÔI LỜI PHI LỘ
Nguyễn Phương tên thật Nguyễn Văn Hòa, sanh ngày 01-07-1922 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, tốt nghiệp trường Bá Nghệ Sài gòn, cựu công chức phòng kỹ thuật Sở Bưu Điện Sài gòn.
Vào nghề cải lương từ 1948 đến 1989 (từ 1989 định cư tại Canada, thôi hành nghề soạn giả), tôi đã cộng tác với nhiều đoàn hát:
- Ánh Sáng (Bầu Tập),
- Tiếng Chuông (Bầu Càng),
- Việt Kịch Năm Châu (Bầu Năm Châu – Tám Kiết),
- Kim Thoa (Bầu Khai, Nguyễn Huỳnh Phước),
- Thanh Minh (Bầu Nghĩa),
- Thanh Minh Thanh Nga (Bầu Thơ),
- Dạ Lý Hương (Bầu Xuân)
Trưởng ban cải lương Ban Phương Nam Đài Phát Thanh Sài gòn,
Trưởng Ban Kịch Phương Nam Đài Truyền Hình,
Viết kịch cho Ban Kịch Sống Túy Hồng, Ban Kịch Kim Cương, Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, Chương Trình Lúc Không Giờ,
Tác giả các truyện phim :
- Triệu phú bất đắc dĩ (Mỹ Vân phim),
- Lẽ sống đời tôi,
- Lệnh bà Xã (Mỹ ảnh phim),
- Chàng ngốc gặp tiên (Trùng Dương phim),
- Con ma nhà họ Hứa (Dạ Lý Hương phim).
Sau năm 1975, chuyên viên kỹ thuật sân khấu các đoàn hát :
- Thanh Nga,
- Đoàn Sài gòn 3,
- Đoàn Phước Chung,
- Đoàn Hương Miền Nam,
- Đoàn Sài gòn 2…
Đã sáng tác hơn trăm kịch bản cải lương và kịch nói (tác phẩm tiêu biểu: Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bọt biển, Tình xuân muôn tuổi, Hoa đồng cỏ nội, Người tình của biển, Chuyện tình 17, Tiền rùng bạc biển, Chén trà của quỷ, Lệnh của bà, Bóng chim tăm cá…)
Định cư ở Canada đến nay đã hơn 10 năm, nhiều đêm tôi vẫn thường nằm mơ thấy mình đang tập tuồng cải lương cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga trên sân khấu rạp Trần Hưng Đạo Biết bao kỷ niệm thân thương với các bạn bè đồng nghiệp, nhiều lúc đồng cam cộng khổ với các nam nữ nghệ sĩ trên đường lưu diễn, vui buồn với các khán giả Mạnh Thường Quân ở khắp mọi miền đất nước. Những kỷ niệm của cả một đời “THEO NGHIỆP TỔ” sôi trào trong ký ức đã thúc đẩy tôi phải cầm viết, viết những chuyện vui buồn của cải lương, viết về các bạn nghệ sĩ gần bốn thế hệ mà tôi có dịp cộng tác hay quen biết, viết về một số vấn đề có liên quan tới nghệ thuật ca, diễn, sáng tác, hát bội, cải lương, kịch nói, truyện phim, nói chung, những gì mà suốt cuộc đời tôi đã tận tâm học hỏi và thực hành. Không phải viết để tự giải tỏa ẩn ức của mình, mà tôi viết đây là để ghi ơn, gợi nhớ tài năng và công sức của biết bao nghệ sĩ đã đóng góp xây dựng nên một nền nghệ thuật sân khấu cải lương, được hàng triệu triệu khán giả trong và ngoài nước yêu thích, một loại hình sân khấu đầy tính độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Tuy viết những chuyện có thật, kể lại những bước thăng trầm của một ngành sân khấu cải lương nổi trôi theo vận nước hơn nửa thế kỷ đầy biến động, với những kỷ niệm và kinh nghiệm sống tôi vẫn cảm nhận có thể có điều tôi thiếu sót, hoặc không biết, không đủ khả năng hiểu tới. Tôi mong các bậc thức giả, các bạn yêu mến nghệ thuật và các nghệ sĩ cải lương góp ý, bổ túc. Tôi cũng kỳ vọng những dòng chữ này sẽ đóng góp được chút tư liệu về lịch sử sân khấu cải lương miền Nam, chia sẻ với đồng bào định cư ở nước ngoài một chút hình ảnh và đời sống nghệ thuật của một thời huy hoàng đã qua, giới thiệu với các bạn trẻ được sinh ra ở nước ngoài, những hiểu biết và kinh nghiệm về nghệ thuật sân khấu cải lương, một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Montréal, mùa Giáng Sinh năm 2000.
Nguyễn Phương.
MỤC LỤC
Lời bạt
Đôi lời phi lộ
Dẫn nhập: Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương
PHẦN I:
Gia đình Vĩnh Xuân – Bầu Thắng
- Nghệ thuật hát cương
- Hát bội pha cải lương
- Gia đình nghệ sĩ Minh Tơ
- Giai thoại vui về Hát Bội pha Cải Lương
Gia đình nghệ sĩ Thành Tôn – Bạch Lê
Đại gia đình nghệ sĩ Tư Hélène – Kim Hoa – Thanh Hằng – Thanh Ngân
- Nữ nghệ sĩ Kim Hoa ( thế hệ thứ 3)
- Thanh Hằng, Thanh Ngân, Ngân Quỳnh, Hồng Ngọc (thế hệ thứ 4)
Gia đình nghệ sĩ Năm Nghĩa – Bầu Thơ – Thanh Nga – Bảo Quốc
- Nghệ sĩ danh ca Năm Nghĩa
- Bà Bầu Thơ: Bầu của những Ông Bầu, Bà Bầu
- Tưỏng nhớ Thanh Nga
- Phạm Duy Hà Linh: con trai duy nhất của nghệ sĩ Thanh Nga
- Các thế hệ con cháu của Năm Nghĩa – Bầu Thơ
Đại gia đình nghệ sĩ Năm Phỉ – Bảy Nam – Kim Cương
- Nghệ sĩ Năm Phỉ
- Nghệ sĩ Bảy Nam và kỳ nữ Kim Cương trên đường rẽ sang thoại kịch.
- Kỳ nữ Kim Cương trên con đường nghệ thuật phim ảnh.
- Kỳ nữ Kim Cương trên lối rẽ sang con đường thoại kịch.
PHẦN II
Từ hát bội đến cải lương: các soạn giả tiêu biểu
Các soạn giả hát bội
- Hội khuyến lệ cổ ca
- Tiểu sử ông Đỗ Văn Rỡ
Nhà nghiên cứu hát bội:
-Tiểu sử ông Đinh Bằng Phi
Các soạn giả cải lương
- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền
- Mộng Vân Nguyễn Văn Trung : soạn giả khai sáng loại tuồng cải lương kiếm hiệp
- Nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu: người thầy của sân khấu cải lương miền Nam
+ Cô Sáu Trâm, người vợ đầu tiên của Năm Châu
+ Đệ nhất danh ca tiền phong Tư Sạng, người vợ thứ hai của Năm Châu
+ Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, người vợ thứ ba của Năm Châu.
- 60 năm qua.. nhắc lại mối tình dang dở của đôi nghệ sĩ tài danh Năm Châu – Phùng Há
- Mừng nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há 93 tuổi
- Tưởng niệm soạn giả tiền phong Lê Hoài Nở (Năm Nở), người viết tuồng cải lương trào phúng duy nhất ở Việt Nam (1909 – 25.05.2000)
- Vua sân khấu cắc bùm: Danh ca Bảy Cao, Bầu đoàn cải lương Hoa Sen
- Soạn giả kiêm hoạ sĩ Thiếu Linh
- Đôi soạn giả tài danh Hà Triều – Hoa Phượng
- Vĩnh biệt soạn giả tài danh Hà Triều
- Soạn giả Viễn Châu
Ngô Văn Mạnh – Người đầu tiên chế tạo dĩa hát tại Việt Nam
Tại sao người ta thích coi cải lương mà không ít người có thành kiến không tốt về cải lương ?
Cảm tạ.
Đánh máy: Lê Thy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét