Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

"Dự án bô-xít: Thà không vận hành còn hơn"

"Dự án bô-xít: Thà không vận hành còn hơn"
Phạm Huyền (thực hiện)



Ông Nguyễn Văn Ban, Nguyên Trưởng ban dự án Nhôm, Tổng công ty Khoáng sản (ảnh: Phạm Huyền)


(VNR500) - “Nếu bây giờ làm thì sang năm, hồ bùn đỏ cũng không vỡ ngay đâu. Nhưng có thể một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ lĩnh đủ”, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban dự án Nhôm, Tổng công ty Khoáng sản, bày tỏ về dự án bô-xít Tây Nguyên.

- Thưa ông, trước kiến nghị dừng dự án bô-xít Tây Nguyên của các nhân sĩ, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên môi trường đã khẳng định về tính hiệu quả dự án và độ an toàn của hồ chứa bùn. Ông có suy nghĩ thế nào về các câu trả lời đó?

- Ông Nguyễn Văn Ban: Tôi nghĩ rằng, các nhân sĩ, trí thức có ý kiến nên dừng dự án bô-xít, đó là một điều băn khoăn bức bối trong giới trí thức, khoa học, lo cho vận mệnh đất nước vào thời điểm quan trọng này.

Họ trăn trở những dự án như thế này không biết có mang lại được kinh tế hay không, nếu có là bao nhiêu nhưng mà rủi ro xảy ra thì thiệt hại vô cùng lớn. Băn khoăn ấy là đúng.

Trước sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, tôi thấy lãnh đạo TKV, Bộ Công Thương lo lắng và rất quan tâm đến.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nói hay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói, hay bất cứ ai ở TKV phát biểu, thì người dân sẽ đều ghi nhận các cam kết ấy.


Nhưng khi các ông là nhà quản lý, dù người dân có nghe thì họ cũng vẫn cứ băn khoăn, không biết ông nói thế thì cơ sở nào để hiểu, để tin?

Trong khi, lũ miền Trung vừa xảy ra, có ai lường trước rằng miền Trung sẽ bị như vậy, cuốn cả nhà máy thủy điện, cả đập? Không ai dám chắc được, địa điểm xây dựng các hồ bùn đỏ, trong tương lai không xảy ra một trận bão lũ như ở miền Trung! Mà nếu bão lũ xảy ra, các hồ bùn đỏ này không vỡ thì cũng bị tràn. Trên thế giới cũng đã xảy ra điều ấy như Canada, Ukraina.

Thực sự mà nói, theo tôi, để yên lòng dư luận xã hội, không gì bằng việc có một hội đồng khoa học thẩm định bao gồm các chuyên gia đầu ngành đánh giá. Kết luận của hội đồng sẽ trả lời được tất cả. Như vậy, TKV được lợi, Chính phủ được lợi và dư luận yên tâm.

Còn giờ, cho dù vị lãnh đạo TKV hay quan chức nào hứa, khẳng định thì dư luận vẫn cứ nghi ngờ.

- Thưa ông, xin ông nói rõ quan điểm của ông về việc nên tiếp tục hay dừng các dự án bô-xít Tây Nguyên?

Theo tôi, Chính phủ nên thành lập một Hội đồng khoa học độc lập.

Với dự án Tân Rai, nếu kết quả thẩm tra của Hội đồng này cho thấy an toàn thì cho nhà máy Tân Rai họat động, nếu không an toàn thì bắt phải làm sao cho an toàn.

Tuy nhiên, xem xét kỹ lưỡng thì tôi thấy dự án sẽ rơi vào tình trạng: để tăng độ an toàn thì sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền, tổng mức đầu tư dự án tăng lên và như vậy, hiệu quả kinh tế tụt xuống và có khi, không có hiệu quả.

Mà trong trường hợp ấy, vận hành nhà máy là “dở”, vì càng vận hành sẽ càng lỗ. Thà không vận hành còn hơn!

Đối với dự án Nhân Cơ, chính TKV đã cho biết rằng, rủi ro kinh tế là lớn. Chính Trưởng ban Dự án nhôm hiện nay khi trình Chủ tịch HĐQT TKV, bấy giờ là ông Đoàn Văn Kiển, đã nêu rằng, chỉ cần một vài chi phí thay đổi, thì dự án này đã không có hiệu quả.

Thế mà so với Tân Rai, dự án Nhân Cơ này có nhiều vấn đề hơn như đường sá xa xôi, nằm ở Tây Nguyên, rồi môi trường… Dự án tính đến nay gần như chưa bắt đầu, mới chỉ san gạt mặt bằng thôi. Nếu thế, nên dừng dự án này.

Dừng dự án Nhân Cơ ở thời điểm này thì sẽ cứu vãn được nhiều về mặt kinh tế, còn để thi công rồi mà lại dừng thì thiệt hại rất lớn.

Bô-xít của mình, có nhiều ưu điểm nhất định, nhưng đồng thời cũng có những nhược điểm nhất định. Có lẽ, những người làm dự án chỉ biết đánh giá về những cái “ưu” mà về nhược điểm, chưa chú ý và đánh giá hết.




Dự án bô xít Tân Rai bị chậm tiến độ (ảnh minh họa: vustar)



- Trước đây, tính hiệu quả kinh tế của dự án bô-xít đã gây tranh cãi nhiều như đặc điểm mỏ có khai trường lớn, chất lượng quặng, phương án vận chuyển phức tạp… Đến nay, những yếu tố nào cho thấy nhìn rõ rủi ro về mặt kinh tế ở dự án, thưa ông?

Nói tới dự án Tân Rai, ban đầu, chỉ số hiệu quả kinh tế IRR là tương đối tốt. Tuy nhiên, mức đầu tư hiện tăng lên rất nhiều.

Lúc đầu, TKV tính chỉ khoảng trên 600 triệu USD rồi sau đó, chính ông Đoàn Văn Kiển Chủ tịch TKV tại cuộc họp ở Văn phòng Trung ương Đảng có báo cáo, là tổng mức đầu tư đã tăng lên 714 triệu USD.

Nhưng khi thông báo cho đoàn chuyên gia của Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật rằng, ban dự án của TKV đã cho biết, con số này đã lên tới khoảng 800 triệu USD.

Qua theo dõi, tôi được biết rất nhiều chi phí ở dự án này đã đều tăng lên, ví dự như chi phí đền bù trước đây là 300 triệu đồng/ha, nay, chính TKV đã thông báo đã lên 1,2 tỷ đồng/ha. Mỏ có khai trường lớn nên phạm vị ảnh hưởng lớn, diện tích đền bù nhiều.

Khâu vận tải tính bằng ôtô, dự án tính giá 1.300 đồng/tấn/km mà thực tế hiện nay cước vận tải đó đã tăng gấp đôi và sẽ càng ngày càng tăng theo giá xăng dầu.

Rõ ràng khi tổng mức đầu tư tăng lên thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi và rủi ro là rất lớn.

Bên cạnh đó, dự án chậm tiến độ.

Theo hợp đồng EPC với Trung Quốc, nhà máy alumin Tân Rai giờ đã phải hoàn thành. Và đáng lẽ, khâu mỏ tuyển ít nhất cũng phải hoàn thành trước 5-6 tháng để tuyển ra tinh quặng và dùng tinh quặng ấy chạy thử nhà máy alumin.

Rất tiếc rằng, đến nay, nhà máy alumin vẫn chưa xong, dự kiến phải 1-2 tháng nữa mới xong. Nhưng đặc biệt, khâu đáng lẽ phải xong sớm là mỏ tuyển cũng chưa xong và có khả năng còn chậm hơn cả nhà máy alumin.

Và như vậy, nhà máy alumina xong trước, sẽ phải nằm chờ và cứ mỗi một tháng chờ, với tổng số tiền đầu tư lớn, phải trả lãi, mất ít nhất 6-7 triệu USD/tháng.

Tất cả những việc ấy làm cho dự án mất tính khả thi. Tất nhiên là, đến thời điểm này, không ai cho biết rõ chính xác con số là bao nhiêu. Có lẽ, phải chờ đến một ngày, người ta thẩm định, kiểm toán dự án, mới có thể biết chắc chắn tổng mức đầu tư và hiệu quả là ra sao. Nhưng khả năng rủi ro là rất lớn.

- Lợi nhuận là yếu tố hàng đầu đối với một doanh nghiệp. Như ông nói, chính TKV đã cho hay dự án Nhân Cơ có rủi ro về kinh tế, thế mà TKV vẫn quyết tâm làm. Ông có đánh giá thế nào về sự mâu thuẫn khó hiểu này?

Đó là một câu hỏi phức tạp hiện nay. Nó cũng giống như Vinashin tại sao lại đổ vỡ, lại chìm như hiện nay? Bài toán kinh tế là quan trọng nhất của một tập đoàn nhưng tập đoàn ấy có coi như vậy không?

Theo tôi, cái “quy tắc” trên thì chỉ đúng với Tập đoàn kinh tế tư nhân, tiền vốn do họ bỏ ra thì họ lo đồng tiền ấy sử dụng sao cho hiệu quả. Đồng tiền đi liền với khúc ruột, khi tiền vốn không phải của anh thì sẽ khác.

Với doanh nghiệp nhà nước thì rất phức tạp. Báo chí hay gọi là lợi ích nhóm.

Không chỉ nước mình, kể cả Anh, Mỹ hay các nước tư bản phát triển, nếu là một tập đoàn Nhà nước sau một thời gian vận hành không tốt thì cuối cùng họ đành phải bán đi, tư nhân hóa đi.

Nguồn: Vnr500

Đôi lời với ông Lê Dương Quang

Đôi lời với ông Lê Dương Quang
Dân Thường

Tôi không có chuyên môn gì về bauxite nhưng những điều ông Lê Dương Quang quả là lẩm cẩm và có quá nhiều mâu thuẫn, vào đầu lại còn lên giọng trịch thượng.

Thứ nhất, ông nói: “Rất tiếc là đơn kiến nghị này chỉ được gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà không gửi tới Bộ Công Thương, TKV”. Thật buồn cười. Những người kiến nghị đã chứng tỏ họ sáng suốt, ít ra là hơn ông. Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Làm hay không là do Đảng và Chính phủ quyết định, Bộ Công thương chỉ được phép làm theo chỉ đạo chứ đâu có được tự tung tự tác. Vì vậy kiến nghị phải gửi cho những người chỉ đạo. Gửi cho ông làm gì! Ông cứ ngồi chờ đấy. Khi nào Đảng và Chính phủ gọi, ông hãy báo cáo.

Thứ hai, ông nói: “Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào”. Ông quên rằng để làm dự án này toàn dân đã phải chi hết bao nhiêu tiền. Cứ cho là năm 2011 có được sản phẩm để bán. Thu được bao nhiêu chưa biết nhưng vốn bỏ ra cả đống, lại còn phải mua thêm xăng dầu phục vụ cho việc vận chuyển và bao nhiêu thứ khác nữa. Vậy thu hẹp nhập siêu bao nhiêu? Còn phát triển đời sống đồng bào? Chính Bộ ông cũng tính toán phải 50-70 năm thậm chí hơn nữa mới có lãi. Vậy thì ông phải nói lại là “đồng bào thế hệ này tạm chịu khổ để 2-3 đời sau may ra có chút lãi từ bauxite mang lại”. Có lẽ chỉ có mang vàng đi bán mới có quyền nói thu tiền nhanh.


Thứ ba, ông nói sẽ “xem xét lại dự án Tân Rai đang thi công để bảo đảm an toàn”, rồi “thuê đơn vị tư vấn độc lập về phương án thiết kế hồ bùn đỏ”, rồi “xét lại các vấn đề về động đất ở Tây Nguyên”, rồi đi sang các nước để học tập. Những lời này chúng tôi đã quen lắm rồi. Nhiều công trình trọng điểm các loại, đủ thứ tư vấn giám sát nhưng không hiểu sao mọi sự cố vẫn xảy ra, từ cầu đường đến nhà máy, xí nghiệp. Không hiểu khi xây mấy cái nhà máy điện có tư vấn giám sát không mà ì ạch mãi không xong để đến nỗi thiếu điện triền miên. Nhà máy đồng Sinh Quyền tốn bao nhiêu tiền mà vẫn lỗ, càng sản xuất càng lỗ không biết, ông có biết không? Chắc khi xây dựng những nhà máy này không có “phương án thiết kế” và không được “xem xét”, giám sát! Còn chuyện đi tham quan các nước học tập thì thành thực khuyên các ông đừng tiêu tốn thêm tiền dân lại kéo dài thêm cảnh khổ của dân Tây Nguyên do phải chi thêm một khoản tiền tính vào giá thành làm chậm có lãi. Chưa đi nhưng kết quả chuyến tham quan ra sao chẳng nói ai cũng rõ. Sẽ đắp thêm đất vào đập, xẻ vài cái rãnh và sẽ chẳng có gì thay đổi lớn vì nhà máy đã xây, công nghệ đã định, chuyên gia nước bạn đã làm việc. Tất cả chỉ chờ ngày khánh thành. Làm sao mà có chuyện thay đổi? Nếu như vụ bùn đỏ ở Hungary xảy ra từ 1,2 năm trước các ông đi tham quan còn có lý. Nhưng thôi, các ông là “đơn vị trực tiếp liên quan đến dự án” nên nhân dịp này đi cho biết đó biết đây.

Thứ tư, ông nói hồ bùn đỏ được chia làm nhiều ngăn để nếu vỡ, ngăn này chảy sang ngăn khác. Tôi không hiểu thiết kế ra sao nhưng nghe ông đưa ra ví dụ “khi có một chiếc bát to chứa nhiều ngăn, vỡ các ngăn nhỏ thì còn có ngăn to”. Vậy xin hỏi nước đầy quá tràn ra khỏi bát hoặc cả cái bát vỡ, tức là cái ngăn to vỡ hoặc tràn thì ra sao?

Thứ năm, nói đến chuyện động đất, ông nói: “Nếu ai nói rằng vẫn có thể nguy hiểm thì hãy gửi các con số kỹ thuật để chứng minh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe”. Vậy ông hãy đưa con số để chứng minh hoàn toàn không nguy hiểm để khỏi phải nói “không ai nói trước được rủi ro”!

Thứ sáu, về việc bán alumina, tuy chưa có sản phẩm ông đã nói đến “phương án phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn”. Đúng là nhu cầu lớn cũng như đồng vậy. Và Bộ ông đã bán đồng thành đồng… nát. Nghe ông nói làm ta lại nhớ đến chuyện cô bé bán sữa của La Phôngten.

Thứ bảy, ông nói “kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia. Tiêu biểu trong đó là Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…”. Xin nói thẳng, trong công nghệ hiện nay chỉ có ai làm chủ được công nghệ hoàn toàn mới nói đến chuyện học mỗi nơi một ý để tiếp tục sáng tạo, còn những ai không làm chủ được công nghệ, phải mua, phải nhập, phải thuê tư vần, phải thuê thi công, thậm chí phải vay mượn cả vốn để làm thì chẳng kế thừa được cái gì cả. Vì khi đã nhập máy móc ở đâu thì công nghệ là của anh bán máy giao cho chứ đâu có thay đổi được. Nếu ông nói là kế thừa của các nước, vậy xin hỏi với toàn bộ dây chuyền và máy móc thiết bị của nước ngoài và do nước ngoài lắp đặt, những kinh nghiệm ông “kế thừa” từ các nước khác được đặt vào đâu trong cái dự án này? Mà không biết kỹ sư, công nhân ta đã biết gì về các thiết bị đã lắp đặt hay phải chờ bàn giao?

Thứ tám, chuyện bùn khô, bùn ướt tôi thấy ông Nguyễn Thành Sơn giải thích cặn kẽ và có lý hơn ông nhiều.

Đáng lẽ tôi chấm dứt ở đây nhưng thấy ông quàng vào chuyện luyện thép nên tôi phải thêm đoạn này. Cũng xin nói, không chỉ công nghệ luyện thép mà nhiều công nghệ khác cũng có từ đời nảo đời nào. Nhưng thép cũng có nhiều loại. Có thép của Ý, của Nhật , của Mỹ và cả thép của… phong trào toàn dân làm gang thép ở bên láng giềng. Còn ta cũng có thép Thái Nguyên, thép liên doanh và có thời cả thép Bắc Ninh. Không biết ông định nói thép nào?

Mong ông Lê Dương Quang, với trách nhiệm được giao hãy đối thoại và trả lời cụ thể ý kiến của những nhà trí thức. Xin đừng nói cho có lệ.

D. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Dự toán khai thác bauxite của TKV quá rủi ro

Dự toán khai thác bauxite của TKV quá rủi ro
Mai Hà (thực hiện)

Trái với khẳng định của Tập đoàn Than khoáng sản VN (TKV) rằng các dự án bauxite có hiệu quả kinh tế cao, trả lời PV Thanh Niên hôm qua, không chỉ các nhà khoa học mà ngay người của TKV cũng nhìn nhận có nhiều rủi ro về giá alumin [nhôm oxit].

Dừng dự án Nhân Cơ bây giờ thiệt hại ít nhất

Đó là nhận định của TS Nguyễn Văn Ban (ảnh), nguyên Trưởng ban Nhôm TKV.

Ông Ban nói: Tôi và nhóm các chuyên gia thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật (VUSTA) trước đây đã 3 lần có công văn yêu cầu TKV cung cấp các số liệu gốc để tính hiệu quả kinh tế dự án, nhưng TKV không cung cấp chính thức. Còn nếu nhìn bài tính kinh tế dựa trên những số liệu của TKV mà chúng tôi có được, rủi ro dự án rất cao, đặc biệt dự án Nhân Cơ. Tổng mức đầu tư các dự án thay đổi liên tục, phần lớn đều vượt dự toán (dự án Tân Rai tổng mức đầu tư từng thay đổi: 628 triệu USD, báo cáo tại Văn phòng T.Ư Đảng lại tăng lên 714 triệu USD, và khi VUSTA vào xem xét tại chỗ, BQL dự án Tân Rai cung cấp số liệu lại là 800 triệu USD).





Thi công khu vực hồ chứa bùn đỏ ở nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: Trần Ngọc Quyền



Như dự án Nhân Cơ, phân tích báo cáo tại thời điểm tháng 2.2009, tỷ suất chiết khấu 9,41% là quá rủi ro. Thời điểm xây dựng dự toán, Ban Nhôm cũng đã báo cáo tới Chủ tịch HĐQT TKV lúc đó (ông Đoàn Văn Kiển - PV), khẳng định rủi ro ở chỗ dự án tính hiệu quả dựa trên mức thuế suất xuất khẩu alumin chỉ 5% (biểu thuế hiện tại là 20%), phí môi trường tạm tính là 15.000 đồng/tấn (quy định hiện tại là 30.000/tấn quặng nguyên khai). Những con số trên cực kỳ yếu, vì chỉ lệch một chút là dự án sập. Chưa kể, bài tính này cũng thiếu rất nhiều chi phí như vận tải (gồm cả phí bao gói, lưu kho, bốc dỡ).

Hiện tại, các dự án đều đã tăng tổng mức đầu tư, với nhiều phát sinh, mà con số cuối cùng chỉ TKV biết. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ để giải quyết vấn đề bùn đỏ, phải tăng cường đầu tư vào hồ chứa bùn, làm tăng tổng mức đầu tư, tức dự án sẽ chết.

* Việc đầu tư riêng một đường sắt phục vụ cho khai thác alumin được đánh giá là quá lãng phí. Ý kiến của ông ra sao?

- Không có dự án thì không có đường sắt. Đường này chạy qua những vùng heo hút, không có khu công nghiệp, dân cư đáng kể. Nếu nói để phát triển kinh tế xã hội vùng, người ta có xây đường ấy không? Chưa kể, xây dựng ở đường này, địa hình cực kỳ phức tạp, chi phí đầu tư và vận hành rất tốn kém. TKV cũng không tính vốn đầu tư cho đường sắt vào dự án, mà coi như đó là ngân sách nhà nước.

Tôi đã đi khảo sát với đoàn chuyên gia Pháp về đường sắt (thuộc một công ty nhôm của Pháp đã dự kiến hợp tác với TKV trong dự án Tân Rai), họ cho rằng dự án tốt nhất nên đặt phía biển, dùng đường ống vận chuyển tinh quặng xuống. Khi dự án Tân Rai gặp khó khăn về vốn, có ý định liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài như Mitsui, Marubeni (Nhật), họ cũng đề nghị kéo dự án xuống dưới biển, thay vì làm đường sắt, vừa tốn vừa nguy hiểm.

* Theo phương án kinh tế của dự án Nhân Cơ, dự án chỉ có lãi khi giá bán alumin trên 333 USD/tấn. Điều này có quá rủi ro khi giá alumin luôn biến động, thưa ông?

- Rủi ro giá bán sản phẩm rất lớn, giá alumin khoảng 12,5% - 14% giá nhôm thị trường London. Nhưng đây không phải giá bán ngay, mà là giá bán theo hợp đồng ít nhất 3 tháng và giá này bao giờ cũng thấp hơn nhiều giá giao ngay. Vì thế, mức giá xuất sẽ không được như TKV mong muốn.

Dự án Tân Rai theo hợp đồng EPC tháng 11 này bắt đầu chạy, nhưng chậm vài tháng. Để cung cấp tinh quặng cho nhà máy, phần mỏ và tuyển phải xây dựng xong trước nhà máy alumin về nguyên tắc ít nhất 4 - 5 tháng. Hơn nữa, phải khai thác quặng, để trong kho trung hòa khoảng 12% mới đưa quặng vào sử dụng được. Nhưng như hiện nay, nhà máy alumin dù hoàn thành xong phải chờ khu mỏ này, trong khi mỗi tháng nhà máy không làm việc mất ít nhất 5-7 triệu USD lãi. Cách làm này của TKV rất không chặt chẽ, không hiệu quả.

* Ông nhìn nhận thế nào về kiến nghị dừng khai thác bauxite của nhiều trí thức, nhà khoa học mới đây?

- Bauxite là tài nguyên lớn của chúng ta, nhưng bên cạnh ưu điểm cũng có những nhược điểm rất lớn. Để phát triển đất nước, ta phải tận dụng mọi lợi thế, nhưng điều này không có nghĩa phải làm với bất cứ giá nào. Phải nắm rõ đặc thù bauxite, lựa chọn dự án và các giải pháp đảm bảo nhất về hiệu quả kinh tế cũng như an toàn môi trường. Sự cố Hungary cộng thêm lụt lội lớn ở miền Trung khiến chúng ta càng phải suy nghĩ.

Dự án Nhân Cơ rủi ro kinh tế rất lớn, khả năng sập là chuyện rõ ràng. Dự án này mới chỉ san lại mặt bằng, cộng thêm tính kinh tế thấp nhất, lại sinh ra túi bùn khổng lồ treo lơ lửng trên nóc nhà Tây Nguyên, nên dừng bây giờ thiệt hại sẽ ít nhất. Cần dừng và tính toán chuyển xuống bờ biển là tốt nhất.

Riêng Tân Rai xây gần xong, Chính phủ nên thành lập một hội đồng thẩm định độc lập, với thành phần là các chuyên gia có uy tín, tính toán lại hiệu quả và rủi ro môi trường của dự án. Nếu rủi ro không cao, tiếp tục dự án, nếu rủi ro nhiều thì khắc phục, xử lý, còn nếu rủi ro rất lớn thì dừng hẳn dự án, tháo dỡ các thiết bị máy móc lắp đặt nhà máy gần biển.

* Bản kiến nghị cho rằng 20-30 năm tới mới nên tính tới khai thác bauxite? Ông nhìn nhận điều này thế nào?

- Thời điểm này nên bắt đầu phát triển, nhưng phải chọn dự án và giải pháp đảm bảo hiệu quả kinh tế. Vì alumin chỉ là sản phẩm trung gian ra kim loại là nhôm, nhôm mới đóng góp cho các ngành kinh tế phát triển. Alumin giá không cao, tỷ lệ lãi 10% chỉ được vài chục USD/tấn, nếu làm không khéo vài chục USD này cũng bay hết. Làm ra nhôm, giá trị gia tăng sẽ cao lên, nhưng chúng ta chưa có nhà máy điện phân alumin ra nhôm do thiếu điện.

Dự án Tân Rai theo thiết kế đầu tiên có sản lượng 300.000 tấn alumin và 72.000 tấn nhôm, mô hình này sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Nhưng thời điểm đó, điện kêu thiếu nên phải sửa lại thiết kế, đảo lộn tính kinh tế. Thời điểm đó tôi cũng đề nghị chuyển nhà máy xuống biển, nhưng không ai nghe.


Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Chủ tịch HĐQT TKV: Không thể nói dự án không rủi ro về giá
Về nguyên tắc, không ai tính hiệu quả của một dự án đầu tư có tuổi đời hàng chục năm chỉ với một thông số về giá bán duy nhất. Giá bán alumin 335 USD/tấn là giá bán bình quân được tính dựa trên cơ sở phân tích biến động giá 15 năm trở lại đây và dự báo cho 20 năm tiếp, với số liệu từ nhiều nguồn khác nhau (Sàn giao dịch kim loại London LME, Tập đoàn tư vấn và phân tích kinh doanh độc lập CRU, Tạp chí Habor Research & Metal Bulletin, dự báo của các tập đoàn hàng đầu về bauxite nhôm như Alcoa, BHPB, Rio Tinto...).
Tuy nhiên, tôi thừa nhận là không thể nói dự án không có rủi ro nào về giá. Vấn đề là lường trước rủi ro để có biện pháp đối phó. Đối với dự án này cũng như bất cứ dự án nào khác của TKV, trong quá trình vận hành phải làm tốt việc quản trị rủi ro nói chung để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất và TKV - với vai trò một tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực - có đủ điều kiện để làm được việc này.
* Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về việc nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức kiến nghị dừng dự án bauxite?
- Việc nhiều người ký kiến nghị tạm dừng các dự án bauxite-alumin, theo tôi hiểu, xuất phát từ sự lo ngại đối với mức độ an toàn của các dự án này sau khi xảy ra sự cố vỡ bể chứa bùn đỏ ở Hungary và 2 trận lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Đây là mối lo ngại hoàn toàn chính đáng và bản thân tôi cũng chia sẻ sự lo ngại đó.
Song tôi cho rằng lo ngại là để đừng chủ quan, để suy nghĩ, tính hết đến các khả năng có thể xảy ra và có phương án phòng ngừa, có giải pháp xử lý, khắc phục ở mức tối đa, như ý kiến của đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân là “phải có phương án cho tình huống xấu kể cả nghìn năm một lần”, chứ không phải lo ngại để rồi không dám làm gì.
Vì vậy, mặc dù cả 2 dự án đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, qua nhiều lần rà soát, thẩm định, nhưng ngay sau sự cố Hungary, Bộ Công thương đã chỉ đạo TKV khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung, các phương án xử lý, khắc phục sự cố nhằm hạn chế hậu quả đến mức thấp nhất nếu chẳng may xảy ra mưa lớn, động đất ngoài quy luật, thậm chí kể cả trong trường hợp xảy ra phá hoại.

Thu Trang (thực hiện)



M.H

Nguồn: Baomoi

“Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án bô xít”

“Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án bô xít”




Chuyên gia Phạm Chi Lan. Ảnh: N.M.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng minh dự án khả thi. TKV đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla.

Sau khi tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) lần lượt được khởi công, tôi và nhiều nhân sĩ tri thức cả nước đã lo ngại về hiệu quả cũng như nguy cơ môi trường mà dự án có thể gây ra. Sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary mới đây lại là một luận cứ rõ ràng dấy lên mối lo ngại mà trước đây chúng tôi từng đưa ra.

Chính vì thế, một lần nữa, tôi và các nhân sĩ lại gửi đơn kiến nghị đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội dù tôi biết, đặt lại vấn đề dừng triển khai khi dự án đang thi công sẽ khó hơn rất nhiều so với trước kia. Thế nhưng chúng ta cần có dũng khí quyết định dừng lại đúng lúc.

Trước đây, Hungary và Liên Xô đã thẳng thắn khuyên Việt Nam chưa nên khai thác bô xít vì tác động môi trường rất lớn. Hungary là một trong những nước tiên tiến, trình độ cao hơn Việt Nam mà sự cố vẫn xảy ra. Chúng ta liệu có dám tự tin mình hơn Hungary không?

Cách đây 20 năm, việc khai thác dầu khí để xuất khẩu khi đất nước còn nghèo có thể thông cảm được. Thế nhưng bài học về bán tài nguyên thô với giá rẻ để rồi nhập lại chính tài nguyên đó với giá đắt hơn rất nhiều vẫn còn đó. Khi nhà máy Dung Quất bắt đầu vận hành cũng là lúc nguồn dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Việt Nam đã phải lo tìm kiếm nguồn dầu từ bên ngoài với giá đắt hơn rất nhiều so với thời điểm chúng ta xuất khẩu. Than cũng là câu chuyện tương tự. Chúng ta đã và đang xuất khẩu than đi nhiều nơi để rồi than rơi vào tình trạng thiếu thốn.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định dự án có hiệu quả cao, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Hãy nhìn lại mà xem, có dự án nào khi đề xuất xin làm, chủ đầu tư không nói đến "hiệu quả cao", nhất là các dự án của tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Phải chăng chúng ta chưa thuộc lòng bài học khai thác tài nguyên từ dầu mỏ, khí đốt đến than và một số khoáng sản khác?


Hãy lấy dự án Dung Quất làm ví dụ. Năm 2005, dự án Dung Quất điều chỉnh từ số vốn đầu tư dự kiến 1,5 tỷ USD thành 2,5 tỷ USD và đến nay con số này đã hơn 3 tỷ USD. Hiệu quả thu hồi vốn trước kia được tính đến hơn 9% và nay hạ xuống còn 7%. Ngay con số 7% này cũng rất khó tin bởi mức đầu tư 2,5 tỷ USD có khả năng thu hồi vốn là 5%. Tổng vốn đầu tư dự án tăng lên đến 3 tỷ USD mà hiệu quả tăng lên thật khó thuyết phục.

Quốc hội qua nhiều kỳ họp luôn cảnh báo về tình trạng đầu tư dàn trải gây thất thoát và chi phí đội lên của dự án. Thực tế đã chứng minh, nhiều dự án ở giai đoạn cuối hoặc trong quá trình thực hiện thường có số vốn cao hơn ban đầu rất nhiều. Các nhà máy điện, đường giao thông, cây cầu... không một dự án nào của Việt Nam thoát khỏi tình trạng lúc đầu tư là 1 nhưng thực tế số vốn tăng lên tới 1,5-2 lần. Tôi tin rằng dự án bô xít Tây Nguyên cũng khó thoát khỏi tình trạng tương tự.

Tôi hoài nghi hiệu quả kinh tế dự án mang lại bởi chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng minh dự án khả thi. TKV đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla. Chủ đầu tư chi ra 30 triệu USD để đầu tư cho môi trường nhưng chưa thấy đánh giá chung về tác động môi trường đối với dự án. Ngay việc xây dựng nhà máy điện phục vụ dự án cũng không cụ thể. Tôi cho rằng, chủ đầu tư đã chưa nghiên cứu thấu đáo hoặc không hình dung hết giá cả biến động trên thị trường cũng như những phức tạp trong quá trình tăng vốn của dự án.

Thêm vào đó, tôi thực sự lo ngại về vấn đề giám sát. Những dự án được bộ ngành đầu tư liệu có được thẩm định đúng? Tôi e rằng nếu đúng thì câu chuyện Vedan đã không xảy ra. Không lẽ cách đây 14-15 năm, chủ đầu tư không thẩm định tác động của môi trường hay sao? Tại sao để đến 15 năm trời, người dân kêu, con sông Thị Vải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vấn đề mới được đưa ra ánh sáng? Câu chuyện về con tàu Vinashin là một bài học lớn vẫn còn đang nóng bỏng. Chỉ trong thời gian ngắn, Vinashin nợ đến 86.000 tỷ đồng mà không có ai giám sát. Tôi tự hỏi trách nhiệm của các ngành đến đâu?

Ai dám chắc bô xít Tây Nguyên không rơi vào tình trạng tương tự? Cần có bài toán minh bạch và đưa ra một cách công khai cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu. Dự án bô xít là tiền của dân đổ ra, cần cho người dân biết thực hư hiệu quả đầu tư thế nào. Tôi biết, dự án đầu tư đã lên tới 400 triệu đôla và nếu dừng thì sẽ gây ra những tốn kém không nhỏ. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn lại, tôi cho rằng dù tốn kém, giá thiệt hại vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta nhắm mắt làm liều.

Tôi quan ngại việc Bộ Công Thương "lắng nghe" ý kiến trái chiều nhưng vẫn chỉ đạo tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đến bây giờ, tôi vẫn tin như tôi đã tin cách đây hơn 1 năm rằng dự án bô xít Tây Nguyên không mang lại hiệu quả kinh tế và thay vì đầu tư vào bô xít chúng ta có nhiều việc phải làm hơn. Chúng ta nói tiến hành dự án để cải thiện đời sống đồng bào Tây Nguyên vậy tại sao không đầu tư trực tiếp vào khu vực này?

Cà phê, ca cao và nhiều cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Tây Nguyên đang bị bỏ qua. Dường như chúng ta quên mất rằng, chúng ta đang phát triển nông nghiệp ở đó. Chỉ một phần nhỏ đầu tư cho người dân có thể làm thay đổi cuộc sống của họ đâu cứ gì dự án bô xít với số vốn khổng lồ kia? Dự án bô xít Tây Nguyên nói tạo thêm việc làm cho người lao động nhưng hãy thử nhìn xem có bao dự án khu công nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho người dân hay sau đó người dân lại bơ vơ? Tôi cho rằng chỉ cần bỏ 10% vốn dự án bô xít đầu tư cho Tây Nguyên thì đời sống đồng bào cũng đã khác nhiều.

20 năm sau khi thu nhập chúng ta có thể đạt trung bình 3.000 USD thì hãy nghĩ đến triển khai dự án bô xít. Tôi cho rằng nguồn tài nguyên bô xít nên để dành. Tôi sợ cứ bắt tay vào khai thác, con cháu chúng ta sẽ oán trách thế hệ cha ông chúng tiêu xài phung phí nguồn tài nguyên đất nước. Biết đâu một ngày nào đó, chúng lại phải mua tài nguyên với giá đắt đỏ như chính chúng ta đang sắp phải mua than, mua dầu? Nguồn tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt với mức đáng báo động như hiện nay thì những gì còn lại sẽ càng quý hơn hiếm hơn và hãy để con cháu chúng ta hưởng điều đó.

Hoàng Lan (ghi)

Cuốn theo lời hứa............ Vũ Duy Chu

Cuốn theo lời hứa
Vũ Duy Chu

Một cuộc phỏng vấn lạ đời tôi được đọc cách nay đã mấy năm nhưng không quên được.

Ngày 15.11.2005, tờ Vietbao.vn [đăng] phỏng vấn ông Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội về việc kiểm tra đôn đốc các vị Bộ trưởng thực hiện lời hứa trước Quốc hội ở kỳ họp trước như thế nào (34 lời hứa). Ông nói rằng: Có một số Bộ trưởng bảo những lời phát biểu ấy của họ không phải là một lời hứa. Ông Bình nói tiếp: “Theo tôi, phải có một hình thức như nghị quyết hay hướng dẫn gì đó để cam kết của thành viên Chính phủ là lời hứa, khi đó chúng tôi mới có thể đôn đốc và thực hiện giám sát được. Hiện nay chưa có văn bản qui định thế nào là lời hứa của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ…”.

Tôi chưa từng thấy diễn đàn Quốc hội nước nào mà một ông nghị lại đề nghị Chính phủ ra nghị quyết hướng dẫn các đại biểu thế nào là một lời hứa. Đã là một ông nghị thành viên Chính phủ thực sự thì phải biết phát hiện các vấn đề ở tầm vĩ mô và đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề ấy. Làm ông nghị mà chỉ đến hội trường gật gù, bấm nút đồng thuận, bị chất vấn trả lời vòng vo, né tránh trách nhiệm thì nên từ chức cho dân khỏe. Ngồi vào chiếc ghế bộ nọ bộ kia lĩnh lương và bổng lộc từ tiền đóng thuế của dân đương nhiên phải là người làm được việc.

Một người nhận quyết định bổ nhiệm, phải hiểu bản quyết định ấy là một cam kết pháp lý về vai trò, nghĩa vụ mà mình phải hoàn thành. Sự cam kết này cao hơn mọi lời hứa, bởi vừa có sự ràng buộc trách nhiệm của người ký quyết định bổ nhiệm, vừa có sự nhất trí tự nguyện của người được bổ nhiệm. Không ai có quyền ép ai ngồi vào chiếc ghế quyền lực khi không có khả năng làm việc được giao phó…

Ở những đất nước trình độ quan trí cao, mỗi phát biểu trước dân chúng của các quan chức chính phủ đều thể hiện tư duy chặt chẽ, minh bạch và gắn chặt với trách nhiệm của họ. Người ta nhìn vào văn hóa ứng xử của các quan chức là đánh giá được đất nước ấy văn minh ở mức nào.

Sau 8 tháng nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ngày 2.6.2010, ông Yukio Hatoyama đã từ chức. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông từ chức là ông đã không thực hiện lời hứa di chuyển căn cứ Futenma của Thủy quân lục chiến Mỹ rời khỏi Okinawa. Nội các và dân chúng Nhật Bản đã không thể quên lời hứa của ông, dù sự có mặt của quân đội Mỹ ở nước này vẫn cần được duy trì, nhất là trong bối cảnh hiện nay quan hệ Nhật - Trung đang gia tăng căng thẳng…

Còn ở ta, những quan chức nào đã hứa trước dân chúng và hứa những gì?

Tháng 10.2006 khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng hứa:

Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay!

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Ông Thủ tướng hứa với Đại tướng rằng: Chính phủ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến của Đại tướng về dự án Bô xít Tây Nguyên.

Cả hai lời hứa quan trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được ông thực hiện thế nào, ai mà không biết!

Thế thì dù có văn bản chính thức định nghĩa được thế nào là lời hứa đâu có tác dụng gì, thưa ông Lê Quang Bình.

Bây giờ dư luận xã hội và diễn đàn quốc hội đang nóng lên từng ngày vì dự án Bô xít Tây Nguyên, vì vụ Vinashin… Người dân muốn biết, có quyền được biết đích xác ai là người chịu trách nhiệm chính về việc làm biến mất hàng trăm ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của họ trong vụ Vinashin. Có thể cái thời “lão cơ chế” chịu trách nhiệm, chúng ta chịu trách nhiệm chung đã qua rồi chăng?

Bây giờ những lời hứa kiểu “hồ bùn đỏ an toàn”, “làm bô xít có lãi” của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và nhiều vị quan chức khác không còn ai tin nữa. Vụ Vedan của ông Khôi Nguyên còn chưa kịp nguội. Các ông hãy nhìn kết quả thăm dò dư luận về dự án Bô xít của tờ điện tử Dân trí hôm nay, 26.10.2010 thì rõ. Hãy nhìn bản Kiến nghị dừng khai thác Bô xít do Giáo sư Phạm Toàn khởi xướng [Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng Kiến nghị năm 2009; một số thành viên IDS cũ cùng với ba vị này khởi xướng Kiến nghị 2010 – BVN]với hàng ngàn chữ ký của các nhân sĩ trí thức yêu nước, các vị lão thành cách mạng thì rõ.

Dường như bắt đầu một thôi thúc mới mẻ với Việt Nam. Đó là việc phải thực hiện văn hóa từ chức với mọi quan chức các cấp khi không còn uy tín.

Chỉ có như thế mới góp phần chấm dứt được hiện tượng hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền thuế của nhân dân lao động cuốn theo lời hứa.

Sài Gòn, 26.10.2010

V.D.C.

Ông Robert Kaplan: Ấn Độ Dương sẽ trở thành bãi chiến trường của Ấn Độ và Trung Quốc

Ông Robert Kaplan, tác giả sách: “Gió mùa: Ấn Độ Dương và tương lai của cường quốc Mỹ”, đã nói với một nhóm nhỏ ở Cambridge: “Trung Quốc muốn có sự hiện diện. Ấn Độ mất bình tĩnh vì tất cả điều này”.


Stephen Kurczy

26-10-2010

Hãy chơi trò kết nối các dấu chấm. Sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Tổng thống Obama sẽ đi thăm Ấn Độ, Indonesia, Nam Hàn và Nhật Bản. Liên kết các quốc gia lại với nhau, nhận ra rằng nó kết nối với nhau như thế nào, băng qua Ấn Độ Dương và quay ngược trở lại, xuyên qua biển Đông và biển Hoa Đông, tạo thành một hình bán nguyệt vòng quanh Trung Quốc.

Tuyến đường này nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia và các vùng biển khi Hoa Kỳ tìm cách kiểm tra sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, ông Robert Kaplan, tác giả quyển sách vừa được xuất bản “Gió mùa: Ấn Độ Dương và tương lai của cường quốc Mỹ”.

Ông Kaplan nói với một nhóm nhỏ hôm thứ Hai ở hiệu sách Harvard, tại Cambridge: “Đó không phải là một cuộc chiến tranh mà tôi dự đoán, nhưng những gì tôi đang ám chỉ là một sự sắp xếp quyền lực ở Metternichian rất phức tạp, từ vùng Sừng châu Phi lên tới tận ngang qua vùng biển Nhật Bản. Chúng tôi không phải can thiệp ở khắp mọi nơi, chúng tôi chỉ cần xích lại gần hơn với các đồng minh dân chủ của chúng tôi trong khu vực để họ có thể làm nhiều hơn nữa công việc nặng nhọc này”.


Tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc với Nhật ở biển Hoa Đông về các đảo mà Nhật tuyên bố chủ quyền là một thí dụ gần đây nhất về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên biển. Nam Hàn và Indonesia – các điểm dừng chân khác của ông Obama vào tháng tới – cũng là để cảnh giác đến các tuyên bố hàng hải rộng lớn của Trung Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Hillary Clinton dường như là lấp vào các khoảng trống giữa các quốc gia này với các chuyến viếng thăm sắp tới của bà tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Papua New Guinea, Australia, và New Zealand.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc

Một phóng viên phụ trách vùng Đại Tây Dương và là thành viên của Ủy ban Cố vấn Chính sách Quốc phòng Liên bang, ông Kaplan nói, ông tin rằng phương Tây nên tập trung vào vai trò mà các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng, khi họ tranh giành sự thống trị ở Ấn Độ Dương, khu vực giàu tài nguyên và là tuyến đường vận chuyển quan trọng.

Ông nói: “Trong thế giới hậu Iraq, hậu Afghanistan này... chúng ta đang thấy sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc. Hãy suy nghĩ việc Trung Quốc đang cố gắng di chuyển về phía Nam Ấn Độ Dương và Ấn Độ đang di chuyển về phía Tây và phía Đông. Trường hợp họ gặp nhau sẽ là nơi cho sự cạnh tranh suốt thế kỷ 21”.

Trung Quốc hiện có máy bay chiến đấu đặt ở Tây Tạng, có thể vươn tới không phận Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ hiện đang có mặt tại biển Đông. Và ở Ấn Độ Dương, cả hai cường quốc đang chạy đua để thiết lập sự hiện diện của họ.

Trung Quốc đang xây dựng các dự án cảng lớn ở Pakistan, Bangladesh, Miến Điện (Myanmar), và Sri Lanka, trong khi cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự đáng kể cho những nước này. Tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên hồi tháng Tám đã có mặt ở Miến Điện, theo tin tức gần đây của ông Ben Arnoldy, phóng viên tờ [Christian Science] Monitor, cảnh báo rằng Ấn Độ Dương có thể trở thành một điểm nóng nghiêm trọng hơn cho các tham vọng chồng chéo của Trung Quốc và Ấn Độ.

“Trung Quốc muốn có sự hiện diện. Ấn Độ mất bình tĩnh vì những điều này”, ông Kaplan nói.

Trung Quốc cần đến biển cả

Hoa Kỳ cũng sẽ cần phải chơi trò chơi “quyền lực mềm” này trong khu vực. “Chúng tôi đã quen với Burger King, kiểu chiến tranh lạnh”, ông Kaplan nói với một khán giả đang cười. Trong tương lai, quân đội Mỹ có thể cung cấp viện trợ cho các quốc gia duy trì các căn cứ quân sự để đổi lấy quyền sử dụng. “Nói cách khác, [điều này đúng] hơn là một mối quan hệ tế nhị”.

Cũng như Hoa Kỳ đã tăng cường lực lượng hải quân và gia tăng các hoạt động hàng hải sau khi củng cố biên giới đất liền của mình, Trung Quốc đang mở rộng trên các đại dương hiện nay mà họ đã gần như hoàn thành việc vẽ biên giới đất liền của họ từ Tây Tạng đến Đài Loan.

“Trung Quốc có thể xây dựng một lực lượng hải quân lớn vì biên giới đất liền của họ thì an toàn”, ông Kaplan nói. Ngược lại, ông nói Ấn Độ vẫn cố gắng kiểm soát biên giới với Pakistan (tại Kashmir), Nepal, và Bangladesh, việc này lấy hết năng lực của hải quân Ấn.

Không còn sân chơi cho Mỹ

Điều này nhấn mạnh Ấn Độ vẫn còn ở đằng xa, phía sau Trung Quốc. Trung Quốc lót nhiều dặm đường mỗi năm hơn là Ấn Độ đã có. Nền kinh tế và quân sự của Trung Quốc đều lớn hơn nhiều so với Ấn Độ. Ngay cả các trò chơi Commonwealth gần đây tại Delhi, đầy chậm trễ và phiền hà, làm nổi bật sự phô trương bằng sức mạnh của Trung Quốc đánh bật qua Olympic Bắc Kinh 2008.

Bất kể khi nào hoặc nếu Ấn Độ đuổi kịp Trung Quốc, điều này rất rõ ràng đối với Washington, ông Kaplan nói: “Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương không còn là cái hồ của Mỹ”.

S. K.

Ngọc Thu dịch từ Csmonitor

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Toàn văn buổi tranh luận trực tuyến bô-xít Tây Nguyên

Toàn văn buổi tranh luận trực tuyến bô-xít Tây Nguyên
Posted on 28/10/2010 by danlambaoblog
“Trên cái nhìn tổng thể, tôi cho là làm bô-xít hiện nay không có lợi gì cho sự phát triển của Tây Nguyên” – nhà văn Nguyên Ngọc. “Nếu không cẩn thận, TKV có thể sẽ đóng góp thêm khái niệm “Fulro đỏ” trên Tây Nguyên” – TS. Nguyễn Thành Sơn.

Xin mời độc giả theo dõi toàn bộ nội dung buổi tranh luận trực tuyến về dự án bô-xít, diễn ra lúc 14h chiều 27/10.

- Phóng viên Phạm Huyền: Xin kính chào quý khán giả và độc giả. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VNR500), báo VietNamNet xin mời độc giả theo dõi tranh luận trực tuyến “Nên tiếp tục hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên”.

Sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, dự án bô-xít ở Tây Nguyên do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư một lần nữa lại trở thành điểm nóng trong dư luận khi mới đây, ngày 9/10, hơn 1.500 trí thức, các nhà khoa học cả nước đã lại một nữa cùng ký thư kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ khẩn thiết yêu cầu dừng ngay dự án này.

Nhằm cung cấp góc nhìn toàn diện, đa chiều và khách quan, hôm nay, Diễn đàn VNR500 mời 4 vị khách cùng tranh luận về chủ đề này.

Xin giới thiệu ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhà văn Nguyên Ngọc – một trong những người đã ký tên vào bản kiến nghị xin dừng dự án, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Thanh Liêm – Trưởng ban Nhôm – titan của TKV, và TS. Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng – một thành viên của TKV.

Làm 1 tấn bô-xít, mất 1 tấn lúa

- Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, ông là một trong những người đã ký tên vào bản kiến nghị tạm dừng khai thác bô-xít. Ông có thể chia sẻ lý do cũng như tâm tư của giới nhân sĩ cả nước về dự án này?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Thưa quý vị, thưa các chị các anh. Tôi nghĩ là vấn đề mà hôm nay chúng ta cùng ngồi ở đây và nói với nhau không phải là vấn đề mới. Cách đây mấy năm khi dự án bô xít ở Tây Nguyên bắt đầu, trong dư luận cũng đã có nhiều suy nghĩ và nhiều ý kiến khác nhau, và những ý kiến đó tôi nghĩ là không chỉ tập trung vào một vài vấn đề, ví dụ như là hiệu quả kinh tế hoặc là vấn đề môi trường.


Nhà văn Nguyên Ngọc (ảnh L.A.D)
Tôi nghĩ là dự án này gợi lên ra nhiều suy nghĩ, lo lắng về nhiều mặt, có thể nói là rất toàn diện, cả về hiệu quả về mặt kinh tế, cả về vấn đề môi trường, cả về xã hội, an ninh quốc phòng. Đặc biệt dự án này được triển khai ở một vùng đất đặc biệt, hết sức nhạy cảm.

Chúng ta coi Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương, nó ảnh hưởng tới tất cả khu vực rộng lớn xung quanh về tất cả các mặt. Vì vậy dự án này đã gây ra nhiều suy nghĩ, cân nhắc, lo lắng của nhiều giới trong xã hội.

Và đây cũng không phải là lần đầu tiên mà chúng tôi – những nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà hoạt động xã hội – quan tâm tới vấn đề này và lên tiếng về vấn đề này.

Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi cũng đã có kiến nghị, cũng gửi đến các cơ quan cao nhất của Đảng và của Nhà nước, và bày tỏ những ý kiến, quan tâm và lo lắng của chúng tôi và cũng đề xuất một số kiến nghị của chúng tôi về dự án này, đặc biệt là ở hai điểm đầu tiên đang làm là nhà máy Tăng Rai ở Lâm Đồng và nhà máy Nhân Cơ ở Đăk Nông.

Lần này, tôi nghĩ là vấn đề được đặt trở lại vì nó xảy ra sự cố bùn đỏ ở Hungary. Sự cố vỡ hồ bùn đỏ được coi là một tai họa quốc gia của Hungary, và thậm chí người ta coi là một thảm họa có tính chất châu lục của châu Âu. Có thể nói sự cố bùn đỏ ở Hungary đặt trở lại vấn đề chúng ta bàn cãi trong những năm qua, cho chúng ta những thực tế để chúng ta suy nghĩ, cân nhắc lại về vấn đề này.

Trong khi, đây là nước có truyền thống về làm bô-xít rất là lâu năm, làm nhôm rất lâu năm, ở một nước mà so với nước ta có thể nói là rất tiên tiến… tất cả những cái đó khiến chúng ta phải suy nghĩ trở lại về dự án của chúng ta.

Chúng tôi thấy tính chất cấp bách của vấn đề như vậy cho nên một số nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội có ký kiến nghị gửi tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và các cấp, bày tỏ ý kiến về dự án bô-xít Tây Nguyên.

Cũng xin nói rõ là bày tỏ các ý kiến rất toàn diện, về tất cả các phương diện, chứ không phải là chỉ về phương diện kinh tế hay là môi trường. Đến hôm nay, đã có hơn 2.000 người ký vào bản kiến nghị đó, gần 2.200 người ký tên vận động.

Chúng tôi cũng rất mong là có những cuộc trao đổi như thế này, tức là giữa những người quan tâm ở trong xã hội và những người đóng góp trách nhiệm trong chương trình này để chúng ta có thể cùng nhau trao đổi làm thế nào đó tìm được cách giải quyết việc này tốt nhất, có lợi ích nhất về trước mắt và cả lâu dài cho đất nước và cho cả dân tộc của chúng ta.

- Phóng viên Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông. Thưa ông Nguyễn Thanh Liêm, trước tâm tư của nhà văn Nguyên Ngọc vừa mới chia sẻ, ông có ý kiến gì? Dẫu biết rằng dự án đã triển khai được một thời gian, và chắc là chủ đầu tư cũng có rất nhiều những băn khoăn, tâm tư, rất mong ông chia sẻ rõ hiện nay TKV đang triển khai dự án này tới đâu và trước những yêu cầu khẩn thiết của giới nhân sĩ như vậy, Tập đoàn có ý kiến gì?

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm – Titan (TKV): Thứ nhất, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới Báo VietNamNet cho tôi được đại diện cho chủ đầu tư tham dự diễn đàn này. Và cũng rất cảm ơn các độc giả đã quan tâm theo dõi. Về vấn đề như trao đổi, các dự án hiện nay của chúng tôi, Tập đoàn đang triển khai hai dự án, thứ nhất là dự án tổ hợp bô-xít Tân Rai ở Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ ở Đăk Nông.

Dự án Tổ hợp Bô xít Lâm Đồng có quy mô, công suất đợt 1 là 650.000 tấn alumin một năm và đã được khởi công xây dựng từ 2008. Theo kế hoạch, đầu 2011 nhà máy sẽ vận hành và có sản phẩm.

Còn dự án alumin Nhân Cơ thì như quý vị cũng đã biết, còn phải kiểm tra lại các tính toán về kinh tế, và vừa rồi cũng đã được kiểm tra, thẩm định và Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép khởi công xây dựng.

Ngày 28/2/2010, dự án này cũng đã được làm lễ khởi công. Theo kế hoạch, dự kiến 2012, dự án này sẽ đưa vào vận hành. Đó là tiến độ thực hiện dự án. Tình hình thực hiện thì đến nay, đã cơ bản là hoàn thành dự án Tân Rai. Phần xây dựng nhà máy alumin còn đang tiến hành phần lắp đặt cũng như làm công tác nghiệm thu để có thể tiến hành chạy thử, dự kiến vào tháng 11 và chạy toàn bộ không tải vào tháng 3/2011, đến quý II/2011 có sản phẩm.


Ông Nguyễn Thanh Liêm
Còn về tình hình thực hiện dự án Alumin Nhân Cơ, hiện nay chủ yếu nhà thầu đang làm công tác là xây dựng các công trình tạm để chuẩn bị cho việc thi công và vào mùa khô sẽ tiến hành công việc thi công xây dựng công trình.

Về các ý kiến của các nhân sĩ, nhà khoa học, chúng tôi cho rằng đó cũng là điều bình thường vì sự cố tại Hungary là một lời cảnh báo cho Tập đoàn xem xét.

Tôi cho rằng đó cũng là điều khiến chúng tôi cần xem xét lại thận trọng hơn, kiểm tra các tính toán lại làm sao cho các dự án đảm bảo về hiệu quả môi trường, cũng như hiệu quả về kinh tế – xã hội.

- Phóng viên Phạm Huyền: Tại các hội thảo năm 2008-2009, nhiều nhà khoa học đã phản biện về tính an toàn và hiệu quả kinh tế không cao của các dự án bô-xít. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, đã có nhiều trăn trở, băn khoăn. Vậy trước chia sẻ của nhà văn Nguyên Ngọc và thông tin từ ông Nguyễn Thanh Liêm, ông có ý kiến gì?

TS. Nguyễn Thành Sơn: Trước hết, dự án alumina này, ý kiến và quan điểm của chúng tôi đã được trình bày từ năm 2008 – tức là từ khi hội thảo đầu tiên được tổ chức trong Tây Nguyên. Ngay từ khi đó, chúng tôi cũng đã nói rõ rồi. Cách đây ba chục năm, thậm chí là các nước thành viên trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế, trong đó đi đầu là Hungary và Liên Xô, người ta cũng đi vào nghiên cứu các bước triển khai để làm cho mình dự án bô-xít ở trên Tây Nguyên.

Lúc bấy giờ, trong phía XHCN rất thiếu nhôm, đặc biệt là cho quốc phòng. Nhưng sau khi nghiên cứu, các chuyên gia của khối SNG cũng cảnh báo chúng ta là: nếu các anh làm một tấn bô-xít ở Tây Nguyên thì các anh sẽ mất đi một tấn lúa ở dưới đồng bằng Nam Trung Bộ.

Và vấn đề không phải là ảnh hưởng tới môi trường, mà là ảnh hưởng tới sinh thái. Bùn đỏ liên quan tới vấn đề tại chỗ là môi trường, nhưng nó liên quan tới toàn vùng, toàn cục thì đó là vấn đề môi trường sinh thái.

Cách đây mấy chục năm, các chuyên gia đã nhìn xa hơn, rõ hơn về vấn đề sinh thái. Người ta đã so sánh giữa cái lợi ích, lợi ích khai thác bô-xít với vấn đề bảo đảm lợi ích canh tác nông nghiệp ở dưới vùng đồng bằng Nam Trung Bộ, vựa lúa Nam Trung Bộ của chúng ta. Người ta đã cảnh báo rồi và người ta cũng khuyên chúng ta là thôi, tạm quên đi.


TS. Nguyễn Thành Sơn
Như chúng ta thấy là trong những năm 70-80, Liên Xô và các nước XHCN giúp chúng ta trên Tây Nguyên là làm chè, cà phê mặc dù chè và cà phê họ có thể nhập ở Ấn Độ hoặc ở đâu đấy cũng được, còn bô-xít người ta thiếu nhưng cũng không dám giúp mình làm bô-xít trên Tây Nguyên, mà chỉ dám làm cà phê và chè.

Đấy là thông tin mà ai cũng đã biết để nói rằng làm dự án bô-xít ngay từ lúc bấy giờ người ta đã nhìn nhận, đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào.

Gần đây, trong cái vụ sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary, chúng tôi cũng xin nói lại là đây không phải là sự cố duy nhất. Năm 2005 ở Ukraina – cũng là nước nằm trong hệ thống XHCN – đã bị sự cố rồi. Và Tổng thống Ukraina lúc đó là Victor Yushenko cũng phải trực tiếp xuống tận hiện trường. Sông Đờ Nhép lúc đó cũng đỏ rực lên. Tổng thống xuống can thiệp và yêu cầu phải nghiên cứu lại công nghệ thải bùn.

Năm 2005 chúng ta chưa có gì nên chưa quan tâm. Còn lúc đó, trên các phương tiện truyền thông của Ukraina người ta gọi bùn đỏ là “khủng bố đỏ”.

Quan điểm của tôi là trước sau như một, như đã trình bày tại hai hội thảo ở trên Tây Nguyên và sau này là hội thảo ở Văn phòng Trung ương Đảng và hội thảo VUSTA cũng vậy, chúng tôi cho rằng vấn đề sinh thái, môi trường là cái rất nguy hiểm trong chuyện triển khai dự án bô-xít của TKV trên Tây Nguyên.

Nếu không cẩn thận, TKV có thể sẽ đóng góp thêm khái niệm nữa là “Fulro đỏ” trên Tây Nguyên.

Đã mổ xẻ thực tế như bác sĩ hội chẩn

- Phóng viên Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông. Hiện nay, dự án bô xít Tây Nguyên đã triển khai tại Tân Rai đang có hai luồng ý kiến tranh luận về phương pháp xử lý bùn thải. Một bên phản biện cho rằng cần triển khai bằng công nghệ xử lý thải bùn khô, trong khi TKV vẫn kiên trì theo đuổi công nghệ ướt. Chung quy lại, dù là công nghệ nào thì vẫn phải đảm bảo vấn đề môi trường, vấn đề sinh thái đầu tiên. Dự án này đã được Bộ TN&MT thẩm định. Vậy, ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ đánh giá như thế nào về tác động môi trường, nhất là vấn đề sinh thái khi triển khai dự án bô-xít tại Tây Nguyên?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Thưa quý vị độc giả và các bạn nghe đài, về phía Bộ TN&MT nói chung và Tổng cục Môi trường nói riêng, chúng tôi cũng có một số ý kiến như sau: Tổng cục Môi trường là một đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, mới được thành lập 2 năm gần đây. Khi đó, chúng tôi cũng có một số nhiệm vụ liên quan tới sản xuất và chế biến bô-xít ở Tây Nguyên. Chúng tôi đã tiến hành một số công việc có liên quan.

Như chúng ta đều biết là trong năm 2009 thì đã có một hội nghị rất lớn, suốt cả một ngày, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì vào tháng Tư, và sau đó thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một văn bản 650 phân công cho 6-7 Bộ và các địa phương có liên quan.

Như vậy, về yếu tố liên quan tới vấn đề môi trường của hồ bùn đỏ, Bộ TN&MT được phân 4 nhiệm vụ, trong đó hai cái là phối hợp, một cái là đề xuất và một cái là chủ trì. Hai cái phối hợp nằm trong mục 1, trong văn bản số 650. Mục 1 này giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương là có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ trên cơ sở trình của TKV và đảm bảo an toàn lâu dài về môi trường.

Về phân công này, Bộ TN&MT đã cử một tiến sĩ vào hội đồng do Bộ Công Thương thành lập, và các chuyên viên của Bộ cũng đã họp nhiều lần để đóng góp ý kiến với Bộ Công Thương nhiều lần về việc này. Sau đó, Bộ Công Thương đã có một văn bản gần đây vào tháng Tư về việc thẩm định bước đầu của thiết kế hồ bùn đỏ do Tập đòan TKV đệ trình.

Đó là nhiệm vụ thứ nhất mà Chính phủ giao. Nhiệm vụ thứ hai mà Chính phủ giao nằm trong mục 2. Mục 2 giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT.

Liên quan tới chủ đề về bùn đỏ và yếu tố môi trường thì có ba việc như hồi nãy tôi nó đó: một đề xuất, một phối hợp và một chủ trì. Một phối hợp trong mục 2 này là gì? Đó là phối hợp với chính quyền địa phương để giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp môi trường của hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.


Về nhiệm vụ do Thủ tướng giao thì Bộ TN&MT đã làm được những việc sau:

Thứ nhất, đã họp với chính quyền địa phương của Lâm Đồng và Đăk Nông và đã tư vấn cho hai sở TN&MT của hai địa phương này thành lập hai dự án với đầy đủ các chi tiết cho việc thành lập hai trung tâm quan trắc và các chỉ tiêu quan trắc đối với môi trường của hai tỉnh nói chung và đối với khu vực sản xuất bô-xít nói riêng. Và kinh phí là do Tập đoàn TKV cung ứng và Tập đoàn TKV cũng đã có những văn bản để gửi UBND các địa phương này về việc cung cấp kinh phí cho việc thực hiện hai hệ thống quan trắc này.

Thứ hai, Bộ TN&MT đã thành lập một tổ giám sát và cử một Phó Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, trong đó có rất nhiều thành viên là những chuyên viên của Sở TN&MT địa phương và có người của bên TKV cùng tham dự.

Và tổ giám sát này cho tới bây giờ đã tổ chức giám sát ba lần và đã báo cáo kết quả giám sát nằm đầy đủ trong kết quả hồ sơ mà chúng tôi đã lưu trữ. Và trong ba lần giám sát như vậy đều có biên bản đối với nơi giám sát, và sau đó là có văn bản đối với chủ đầu tư, những khuyến nghị mà tổ giám sát đã quan sát thấy ở trong thời kỳ giám sát.

Như vậy là đối với việc phối hợp với chính quyền địa phương thì có hai nội dung như vậy mà Bộ TN&MT đã hòan thành đối với trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc thứ ba là một đề xuất. Thì đề xuất là gì? Đề xuất mà Chính phủ giao là tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án bô-xít.

Về việc này, trước khi diễn ra cuộc thẩm định, Bộ TN&MT đã cử tất cả là 3 đoàn đi tham quan. Đoàn thứ nhất đi Brazil, vùng South Louis, những vùng mỏ của Bắc Brazil trong vùng Amazon. Ở đó, bô-xít cũng tương tự như ở Việt Nam về tính chất. Bản thân tôi cũng có mặt trong đoàn đó, người thứ hai là Cục trưởng cục Địa chất – Khoáng sản, người thứ ba là Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ, người thứ tư là một chuyên viên của cục Địa chất – Khoáng sản, người thứ năm là một người lo về thông tin truyền thông của Bộ. Cùng đi với đoàn là có người của Văn phòng Chính phủ, của Trung ương Đảng, của TKV và một số người khác. Chúng tôi đã khảo sát ở đó.

Đoàn thứ hai đi tây Úc do Cục trưởng Cục Địa chất – Khoáng sản tiến hành nhằm nghiên cứu về chế biến và khai thác bô xít tại đây và một số đoàn khác sang Trung Quốc để tìm hiểu thực tế ở đó.

Chúng tôi làm theo cách thức như là bác sĩ hội chẩn đó, tức là mình khảo sát nhiều nơi, thông tin tập trung có ý kiến, góp ý, đánh giá về lĩnh vực này. Trước khi diễn ra việc thẩm định DTN của Nhân Cơ cũng như bổ sung cho Tân Rai, chúng tôi đã có những chuyến đi khảo sát. Và như vậy, riêng vùng South Louis trong vùng Amazon, Bắc Brazil thì số lượng phim quay và ảnh chụp lên tới mấy chục Gigabyte.

Chúng tôi đã có những nghiên cứu cụ thể để tìm hiểu vì Việt Nam mình là một đất nước đang phát triển thành ra vấn đề này cũng vẫn còn mới cho nên việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn là một vấn đề rất quan trọng.

Bộ TN&MT cũng ý thức được việc đó nên chúng tôi cũng cố gắng hết sức để tìm hiểu, học hỏi để tìm ra những gì hữu ích cho việc này. Đó là những đề xuất. Sau khi nghiên cứu xong, khi về chúng tôi thành lập ra một tổ kỹ thuật để tìm hiểu và đọc trước các đánh giá về tác động môi trường của TKV. Và tổ kỹ thuật này cũng như là hội đồng thẩm định về sau, trên 80% là những nhà khoa học, những nhà quản lý chừng mười mấy %. Chúng tôi có mang theo danh sách các hội đồng kèm theo đây.

Trên 80% là các nhà khoa học đầu ngành có liên quan về vấn đề khai khoáng về hóa học, về môi trường, về địa chất. Danh sách đều có ở đây và ngay cả trong tổ kỹ thuật về môi trường cũng thế và hội đồng thẩm định cũng vậy.

Chúng tôi hết sức chú ý lắng nghe về tiếng nói của các nhà khoa học trong các tổ như thế. Nói về các đề xuất, chúng tôi đã có các việc làm đề xuất trong các tổ thẩm định. Thứ ba là về chủ trì.

Chính phủ giao là chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chế biến, khai thác khoáng sản bô xít thì cái này chưa thể làm được bởi vì trên thực tế là chưa có ở đâu có khai thác và chế biến nên nhiệm vụ chủ trì này là chúng tôi đưa nó vào thì “tương lai” – như là anh Liêm mới nói là cho tới bây giờ chưa có khai thác và chế biến ở đâu cả và tới năm 2011 mới bắt đầu, nên chúng tôi phải chờ đợi.

Và nói tóm lại, là về một cơ quan chính phủ cấp dưới, chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ và giao nhiệm vụ gì thì chúng tôi đã cố gắng hoàn tất những nhiệm vụ có thể làm được trong thời gian vừa qua.


Quan trọng là xác định xác suất rủi ro

- Phóng viên Phạm Huyền: Có một điều mà rất nhiều nhà khoa học, nhân sĩ khác băn khoăn là tính an toàn và nguy cơ tác động tới môi trường của hai dự án bô-xít Tây Nguyên. Mọi sự lo ngại đều nằm ở thì tương lai, về lý thuyết có thể an toàn, nhưng biến đổi khí hậu là khôn lường. Ông Tuyến có thể cho biết với kịch bản xấu nhất, như mưa lũ và động đất cấp 7 cấp 8 thì điều gì sẽ xảy ra? Ông nghĩ gì về những nguy cơ này?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Tất cả hoạt động của con người, dù trong công nghiệp hay nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ hay bất kỳ lĩnh vực nào khác đều có chứa đựng rủi ro.

Chính vì vậy các ngành khoa học sau này có hình thành ngành khoa học đánh giá rủi ro, và khoa học này nó dựa trên nền tảng toán học, dựa trên hai môn học, gốc là xác suất thống kê. Nó sẽ xác định trong ngành nào đó độ rủi ro là bao nhiêu.

Ví dụ như hãng Boeing, Airbus chế tạo ra chiếc máy bay thì khả năng nó nổ trên trời là bao nhiêu, cái đó người ta tính được.

Ngành khai khoáng cũng là ngành hết sức rủi ro, ví dụ như là khai khoáng ở Nhật Bản trên bờ sông Jinsu, nó gây ra bệnh cho người dân Nhật. Thậm chí việc hết sức từ thiện như Unicef giúp Bangladesh lấy nước ngầm lên để tránh bệnh đường ruột nhưng đã gây ra bệnh tật rất nhiều cho người dân ở đây.

Những chuyện trong ngành khai khoáng các loại khác nó cũng hàm chứa những rủi ro đó, quan trọng nhất là phải làm sao tính toán được xác suất rủi ro đó và có những kế hoạch quản lý rủi ro.

Ở đây, việc này đã phân định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành.

Ở trong văn bản của Thủ tướng CP thì vấn đề thiết kế hồ bùn đỏ là trách nhiệm của TKV, về mặt thẩm định bản báo cáo tác động môi trường là Bộ TN&MT, thẩm định về thiết kế kỹ thuật, thiết kế chi tiết hồ bùn đỏ khi thi công là trách nhiệm của TKV và Bộ Công Thương.

Chúng tôi về mặt phê duyệt DTM thì chúng tôi đã rất kỹ lưỡng rồi.

Tôi lấy ví dụ: Khi phê duyệt dự án Nhân Cơ, nếu bây giờ chủ đầu tư làm đầy đủ tất cả những yêu cầu đã nêu ra trong báo cáo thì tình hình rất tốt, chỉ trừ những xác xuất rất nhỏ do tai biến.

Chẳng hạn bây giờ chúng ta lo nhất là về hồ bùn đỏ thì trong quyết định phê duyệt dự án Nhân Cơ, ngày 31/12/2009, có nói: Trong quá trình xây dựng các hạng mục của dự án thực hiện nghiêm túc các giải pháp kỹ thuật theo đúng thiết kế xây dựng hồ bùn đỏ, các hạng mục chính và các hạng mục khác đã được các cơ quan phê duyệt, sử dụng các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Như vậy về trách nhiệm của Bộ TN&MT là chỉ nêu ra nguyên lý, mục tiêu phải đạt được. Còn đạt được như thế nào và những chi tiết kỹ thuật thì các anh em chuyên viên, các nhà khoa học ngành khai thác có trách nhiệm đưa ra để bảo đảm được mục tiêu.

Và trong chuyện phê duyệt này chúng tôi cũng nói đến việc tái sử dụng nước, những vấn đề thu gom nước bên hai hồ và bảo đảm thoát nước mưa bề mặt, đảm bảo không có hồ bùn đỏ chảy tràn ngay cả khi có lượng mưa lớn.

Những kế hoạch phòng ngừa ứng cứu thảm họa môi trường, tiến hành phục hồi, hoàn thổ, rồi phải đảm bảo kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo cho việc hoạt động của nhà máy không ảnh hưởng đến cộng đồng.

Ở đây trong phạm vi quan sát được thì tôi nói được đến đâu trình bày đến đó.

Như dự án bô-xít ở Brazil thì hồ bùn đỏ của họ được thiết kế và chính khoảng 10 người của nhóm khảo sát đã chứng kiến những cây đã mọc được hơn 20 tuổi trên hồ bùn đỏ thứ nhất.

Còn hồ thứ 2 là trên đó đã thiết lập một công viên và cây cũng được mười mấy tuổi rồi. Nếu VietNamNet cần tôi sẽ cung cấp toàn bộ hình ảnh và video về việc đó để bất kỳ độc giả nào cần xem thì xem.

Còn hồ bùn đỏ thứ 3 đang sử dụng, chúng tôi chưa được biết đặc tính hồ ở Bungary, nhưng ở Brazil thì họ đào sâu xuống đất từ 15-20m và bùn đỏ bên trong chịu lực do chính bản thân nền đất và khi họ đổ đến ngang mặt đất rồi thì họ đổ thêm theo hình kim tự tháp, tức là họ bắt đầu dùng các bao chứa vật liệu để nâng cao 2 đến 3 tấc, lớp đất khô đi thì họ bắt đầu co hẹp lại, đổ thêm một lớp nữa.

Sau cùng là họ đổ thêm một lớp đất nước chừng 6-7m và trồng cây.

Và bên hồ bùn đỏ thứ 3 mà họ đang sử dụng, cạnh đó có hồ thứ 4 chưa sử dụng và cùng diện tích. Như vậy trong quá trình nước mưa chảy chính trên mặt hồ, tôi khảo sát thấy nó sẽ chảy theo máng như kim tự tháp và nó sẽ về dọc các đường rãnh xung quang và sau đó nó sẽ được bơm ra bằng đường ống dẫn.

Trong trường hợp mưa lớn mà bơm không hết thì nó sẽ chảy vào hồ thứ 4, sẽ được sử dụng trong tương lai và độ lớn của nó bằng hồ đang sử dụng.

Đó là những điều chúng tôi khảo sát được ngay tại chỗ và trong mấy chục năm sử dụng nó không có vấn đề gì.

Còn ở Hungary tôi không phát biểu được vì cũng chưa khi nào đến để xem và chưa biết nó thế nào. Tuy nhiên những gì thấy từ việc xử lý bùn đỏ ở Brazil, họ làm rất là bài bản và đáng tin cậy.

Một việc nữa tôi cũng muốn đề cập ở đây là vấn đề hoàn thổ.

Phái đoàn chúng tôi đã đứng sát ngay tại chỗ khu vực mà họ đang khai thác. Bên Brazil thì những điều mà chúng tôi khảo sát thấy là lớp bô-xít không cạn như ở Việt Nam, ở chúng ta chỉ cần 2-3m là có thể bóc được lớp bô-xít bên dưới rồi. Nhưng Brazil thì phải bào lớp đất phía trên sâu hơn, nó mới lấy lớp bô-xít.

Cách họ làm là họ bào lớp đất ấy sang một bên, họ khai thác hết lớp bô-xít đi, sau đó họ đẩy lớp đất mặt ấy về, sau đó họ mới khai thác đất bên cạnh. Sau đó họ trồng cây lên.

Trước đây tôi là Hiệu trưởng của một trường đại học nông nghiệp, tôi đã đến nhiều Đại học Nông nghiệp rồi nhưng tôi chưa thấy ở đâu có một vườn ươm cây lớn như thế trong Đại học Nông nghiệp Việt Nam.

Tại đó người ta làm một vườn cây cực lớn. Họ đã làm một nhà lưu trữ các loại thực vật.


- Phóng viên Phạm Huyền: Như ông nói thì chúng ta đã khảo sát và học hỏi nhiều bài học ở các nước nhưng điều băn khoăn là nhìn vào thực tế TKV triển khai các dự án khai thác than, đôi điều đâu đó người ta vẫn băn khoăn là từ lý thuyết đến hành động lại là một khoảng cách. Vậy với những chia sẽ mà ông Tuyến vừa nêu thì ông Liêm có thể có một cam kết nào liệu TKV có thể đảm bảo sự an toàn cho các hồ chứa bùn được như vậy không?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Về tính an toàn của hồ bùn đỏ thì đã được cơ quan thiết kế, một viện tư vấn hàng đầu của Trung Quốc về lĩnh vực này và họ cũng đã làm nhiều công trình ở nước ngoài.

Thứ hai nữa là các tiêu chuẩn họ sử dụng phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam về bãi lấp chất thải rắn và chôn lấp chất thải nguy hại.

Vì ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế về bùn đỏ thế nên phải sử dụng các tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng như tham khảo các tiêu chuẩn của nước ngoài, đặc biệt là các thiết kế của Brazil và Úc.

Thêm nữa là về thiết kế này đã được Hội đồng các nhà khoa học như anh Tuyến đã nói, rất nhiều các nhà khoa học cũng như các bộ ngành thẩm định, trao đổi với bên thiết kế để đảm bảo tính an toàn của hồ bùn đỏ.

Để đảm bảo an toàn thì hồ bùn đỏ này chia ra rất nhiều khoang, các khoang này thường từ 14-16ha, dung tích từ 600-1,6 triệu m3. Nên việc ảnh hưởng của nó khi có sự cố thì cũng được giảm tối thiểu nếu có xảy ra.

Hơn nữa về các nguyên tắc chống thấm thì chúng tôi đã thiết kế theo các tiêu chuẩn.

Chống lũ thì chũng tôi đã thiết kế các kênh thoát lũ, ngăn không cho nước chảy vào hồ bùn đỏ khi có lũ, hồ bùn đỏ chỉ chịu lượng mưa trên bề mặt trực tiếp thôi. Chúng tôi cũng đã tính toán khi có mưa lớn thì có hệ thống để chống tràn, có hồ dự phòng, nếu xảy ra sự cố.

Về nguyên tắc sẽ có 2 hồ, một hồ đang hoạt động và một hồ dự phòng, khi xảy ra sự cố thì nó sẽ được chuyển sang hồ sự phòng.

Thứ 3 nữa là về việc đối phó với động đất, theo như các báo cáo của Viện Vật lý địa cầu cung cấp thì phông động đất ở vùng này chỉ ở cấp 5 thôi, chúng tôi thiết kế chống được động đất cấp 7 và hiện nay yêu cầu tư vấn kiếm tra lại xem việc chống động đất này thế nào.

Hơn nữa, hồ bùn đỏ lại được đặt trong thung lũng và mặt thải bùn đỏ thấp hơn so với địa hình xung quanh từ 2-3m nên việc tràn là khó xảy ra.

Thứ nữa là hồ bùn đỏ, thời gian sử dụng ở các khoang rất ngắn. Ví dụ khoang đầu tiên đang làm chỉ khoảng hơn 1 năm, khoang tối đa cũng chỉ hơn 2 năm thì nó đã đóng. Tổng hồ chứa thì lớn, nhưng tỷ lệ rắn/lỏng chỉ 50/50. Tức việc xảy ra tràn là rất khó xảy ra.

Điều này cũng có nghĩa là hệ số rủi ro rất là thấp.

Về lý thuyết cũng chưa thấy thật an toàn

- Phóng viên Phạm Huyền: Bạn đọc Công Hoàng từ Hà Nội có câu hỏi: Với công nghệ thải bùn ướt mà TKV đang áp dụng thì rất nhiều nhà khoa học đều nói rằng đó là công nghệ lạc hậu. Nếu chúng ta kiên quyết chọn công nghệ thải bùn khô thì hiệu quả và an toàn hơn. Tại sao trước những ý kiến đó, TKV vẫn kiên quyết chọn công nghệ thải bùn ướt?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Về câu hỏi này tôi xin trả lời thế này:

Hiện nay trên thế giới đều đang sử dụng cả hai công nghệ này, nếu theo thống kê thì tỷ lệ thải bùn ướt thì cũng vẫn rất cao. Việc lựa chọn công nghệ nào cũng có điểm ưu và nhược và nó phải phụ thuộc vào từng điều kiện áp dụng.

Ví dụ như về thải khô thì thường hay được sử dụng ở những vùng có lượng mưa ít và lượng bốc hơi lớn. Còn thải ướt thì thường được áp dụng ở các khu vực mà lượng mưa nhiều và lượng bốc hơi nhỏ.

Ở Tây Nguyên, lượng mưa tập trung theo mùa, lượng mưa tập trung rất lớn vào mùa mưa.

Thực ra việc này cũng không phải do chúng tôi lựa chọn mà là do tư vấn cũng đã xem xét ngay khi lập dự án. Phương án này cũng đã qua rất nhiều các hội đồng, sau đó là tính cả nhiều điều kiện khác nữa, cuối cùng lựa chọn phương pháp thải ướt.

Và chúng tôi thấy rằng với phân tích của các nhà tư vấn cũng như của hội đồng thẩm định thì việc này là phù hợp.

Còn hiện nay theo như chỉ đạo của Bộ Công Thương thì chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu đơn vị tư vấn Trung Quốc phối hợp thêm với nước ngoài nghiên cứu xem xét có thể áp dụng phương pháp thải khô với điều kiện hiện nay được không.

Nếu mà áp dụng được mà nó hiệu quả cả về kinh tế và môi trường thì chúng ta sẵn sàng áp dụng thôi chứ không có điều gì phải ngại cả.


Ông Nguyễn Thành Sơn: Anh Liêm cần nói rõ hơn chứ nói thế thì bạn đọc có thể không hiểu. Vấn đề ở đây là hạn chế các nguy hại. Bản chất của vấn đề là ướt thì nó rất hại, khô thì nó không hại, nó liên quan đến chất xút ăn da chứ nó không liên quan đến mưa nhiều hay mưa ít hay là độ ẩm.

Tôi rất buồn là TKV được Chính phủ giao cho thực hiện dự án lớn, nhạy cảm như thế này mà nhận thức về nguy hại về bùn đỏ như anh Liêm nói là rất lơ mơ.

Còn tại sao hiện nay công nghệ thải ướt vẫn nhiều là vì khai thác nhôm đã có trăm năm nay rồi, nó làm ướt là nhiều nhưng xu thế hiện nay là người ta chuyển sang làm khô, nó mới giải quyết tận gốc vấn đề. Tất nhiên nó phải đắt nhưng nó là tiên tiến, nó là an toàn. Phải nói rõ như thế chứ không phải chúng ta mưa nhiều trên Tây Nguyên, nhưng mưa làm ướt bùn đỏ Tây Nguyên nó không gây nguy hại gì, cái bây giờ là các nhà máy của TKV thải ra với các kim loại nặng có xút, cái làm bỏng như mọi người nhìn thấy trên ảnh của Hungary thì cái đó mới hại.

Bùn đỏ nó khác hẳn với bùn than, bùn bẩn, nó dính vào quần áo thì không giặt được, bỏng ở đây mang tính chất hóa học không phải là khô hay ướt, đây không phải liên quan đến nước mưa.

Cái nữa là lúc nãy anh Tuyến có đề cập đến vấn đề hoàn thổ, rõ ràng Tây Nguyên chúng ta là một vấn đề. Lợi thế của chúng ta là lớp đất mặt mỏng, lớp thân quặng rất dày. Bây giờ chúng ta gạt quặng đi rồi thì lấy đất đâu mà bù, lớp trên mặt thì chỉ 1-2m, quặng thì 5-7m, thế thì lấy đất đâu ra mà hoàn thổ.

Anh Tuyến cũng nói chúng ta chưa bao giờ khai thác bô-xít nên nhiều cái không nói cụ thể được nhưng ngay Tổng công ty Hóa chất Tân Bình người ta làm trong miền Nam lâu rồi. Tôi nhớ cách đây khoảng 2 năm, có báo cũng đã chụp được cảnh tàn phá môi trường của công ty này với những con suối bị ô nhiễm.

Ở đây chúng ta phải nói cụ thể thực chất vấn đề chứ còn Brazil tôi không biết nhưng Hungary với công nghệ rất giống của TKV.

Còn công nghệ thải khô vì mới được sử dụng nên có thể bây giờ thống kê nó ít, gần đây người ta mới áp dụng. Chúng ta là người đi tắt đón đầu, lẽ ra chúng ta phải tận dụng được công nghệ tiên tiến.

Trong ngành nhôm với hơn 100 năm phát triển, riêng về vấn đề thải bùn đỏ này thì nó đang tiến bộ hàng này.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Qua ý kiến của anh Tuyến và anh Liêm thì tôi có cảm giác thế này.

Bây giờ tôi nói chỉ về mặt môi trường thôi, các anh nói như thể các nhà máy ở đâu cũng được. Tôi rất ngạc nhiên khi làm dự án bô-xít này, khi nói chúng ta ít đề cập là nó đang được làm ở Tây Nguyên.

Tôi là người sống ở Tây Nguyên hơn 30 năm liền, sau này thời gian còn đi lại, nếu cộng lại tổng thời gian tôi sống ở Tây Nguyên phải trên 50 năm. Ở đây là một môi trường hết sức đặc biệt và chúng ta không thể đặt nó cô lập ra ngoài Tây Nguyên được, vấn đề môi trường là vấn đề của cả Tây Nguyên chứ không phải chỉ ở địa phương xung quanh nhà máy.

Ở Tây Nguyên trong hơn 30 năm qua, tôi nói thực là bây giờ không còn có rừng tự nhiên nữa, chúng ta đã phá xong hết rừng tự nhiên ở Tây Nguyên rồi, và nó đang tác động đến môi trường tự nhiên như thế nào. Nhà máy của TKV nằm ở đây nó bị sự thay đổi đó ảnh hưởng như thế nào.

Điều thứ hai nữa là Tây Nguyên có đặc điểm về địa hình là hai đầu nó rất cao, hai vùng phía Bắc và phía Nam đều là hai vùng mưa lớn nhất ở Tây Nguyên, nhà máy bô-xít đặt ở phía Nam, và bây giờ với biến đổi khí hậu và với tác động từ việc chúng ta đã phá hủy môi trường bấy lâu nay của Tây Nguyên, đã tàn phá ghê gớm. Tôi ngạc nhiên là trong dự án chúng ta làm mà dự án này là dự án rất lớn, ta không hề quan tâm đến những sự thay đổi do chính chúng ta gây ra trong suốt bao nhiêu năm qua.

Tôi nói năm 2009, với lượng mưa 500mm thì đã gây ra tai họa lớn, hàng nghìn cây gõ to bị quét xuống, mà mới mưa từng ấy thôi.

Bây giờ trong tình trạng phá rừng như thế này nữa, tôi nghĩ tai họa sẽ đến không phải là lâu lắm đâu. Việc xảy ra một trận như ở miền Trung vừa rồi hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ tỉnh nào của Tây Nguyên.

Thử hình dung, các anh vẫn nói đến những công nghệ hồ chứa bùn…, tôi cũng đã trực tiếp đến Tân Rai rồi, tôi cũng đã đến Nhân Cơ, mấy hôm nay tôi thấy trên các phương tiện truyền thông các anh bảo các hồ đó nằm trong thung lũng nên nguy cơ vỡ không lớn.

Nhưng thực ra ở đây là gì có thung lũng! Đây chỉ là những cái khe giữa mấy cái đồi thôi. Và như vậy, chúng ta chứa những chất thải như vậy ở chỗ tụ thủy là rất nguy hiểm.

Hôm trước tôi cũng đã đến xem hồ chứa ở Tân Rai, với lượng mưa như ở Hà Tĩnh vừa rồi thì chắc chắn nó tràn ra ngoài.

Ở Nhân Cơ thì cũng cái khe như vậy nhưng có sâu hơn cho nên tôi ngạc nhiên tất cả những nguy cơ này chúng ta chưa đặt trong những nguy cơ cụ thể của chúng ta, giải quyết những vấn đề môi trường này phải nói trong môi trường cụ thể của mình chứ không thể nói chung chung.

Tôi nghe ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cứ bảo rằng lý thuyết mãi thế này thì chúng ta không giải quyết được những vấn đề cụ thể.

Tôi không đồng tình, chúng tôi phản đối là vì chúng tôi nói đến môi trường cụ thể, ở Tây Nguyên chúng ta đã phá hết rừng rồi, bây giờ chúng ta đào nốt đất ở đó thì chúng ta phá Tây Nguyên đến tận cùng rồi đó.

Tôi là người sống và gắn bó với Tây Nguyên gần cả cuộc đời của tôi, và như vậy chúng ta mất Tây Nguyên, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xã hội như thế nào, ảnh hưởng đến vấn đề dân tộc như thế nào, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như thế nào, không thể chỉ nói những vấn đề kỹ thuật mà không đặt nó trong bối cảnh chung như thế được.

Ông Nguyễn Thành Sơn: Tôi xin bổ sung thêm ý kiến của bác Ngọc. Hồ bùn đỏ như TKV chọn cũng không phải an toàn, trên Tây Nguyên các đồi như bát úp, chỗ thung lũng thực ra như là khe núi, đó mới là những nơi đất màu mỡ nhất, nơi đồng bào có thể canh tác được. TKV tuyên truyền chỉ sử dụng những đất không trồng trọt được nhưng địa điểm làm hồ chứa bùn đỏ hiện nay chính là những nơi làm đất canh tác.

Thứ hai, nó là những địa điểm nằm trong điểm tụ thủy, nguy cơ lớn nhất.

Về địa chất, kiến tạo mà nói thì những điểm này thường nằm trên các khay địa chất. Ví dụ xây dựng nơi khác chỉ cần tính đến động đất cấp 7 nhưng nếu nằm chỗ khay địa chất và những chỗ đứt gãy địa chất, thì phải tính cả cấp động đất cao hơn nhiều.

Cho nên theo tôi cả về mặt lý thuyết cũng chưa có gì gọi là thật an toàn.

Về vấn đề đánh giá tác động môi trường, trong Nghị định nêu rõ rồi, bản thân chủ đầu tư bây giờ phải đưa ra kế hoạch xử lý sự cố. Tôi rất muốn TKV nói được kế hoạch xử lý sự cố nếu xảy ra.

Chúng ta huy động được bao nhiêu máy bay, huy động được bao nhiêu lính, bao nhiêu xe cứu hóa, bộ đội, xe cứu thương…

Bây giờ TKV cần đưa ra các giải pháp để xử lý, chúng ta không thể nói an toàn được. Kế hoạch xử lý sự cố hồ bùn đỏ như thế nào?

Lẫn lộn khái niệm “ướt” và “khô”

- Phóng viên Phạm Huyền: Ông Liêm có thể lý giải ngay tại đây những câu hỏi do ông Sơn và nhà văn Nguyên Ngọc nêu lên được không?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Tôi cũng rất đồng ý với quan điểm là chúng ta phải đi vào các vấn đề cụ thể. Chúng tôi cũng đang nói về vấn đề cụ thể.

Anh Ngọc có thể lấy ví dụ của Kon Tum, tôi thì ở Bảo Lâm, ở Nhân Cơ, điều kiện tôi chọn thế nào.

Đó là những nguyên tắc để chọn thiết kế hồ bùn đỏ, đó là những vùng có lưu vực nhỏ nhất. Nếu các anh đã đến Tân Rai, đã đến Nhân Cơ thì những vùng chúng tôi chọn đều ở những vùng phân thủy cả, tức là khi có mưa thì lưu vực của nó không có mà chủ yếu là nước trực tiếp.

Tôi cũng đồng ý với anh Sơn là nguyên tắc thiết kế hồ bùn đỏ không ai thiết kế trên những điểm đứt gãy, nếu có tài liệu địa chất chứng minh nó đặt trên địa điểm đứt gãy anh cứ mang ra đây chứng minh.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến (ảnh L.A.D)
Còn chúng tôi khẳng định những khu vực chúng tôi chọn không có đứt gãy.

Điều thứ 3 là các giải pháp chúng tôi đều đã tính đến. Ví dụ các anh đến khoang số 1, nó ở mãi đầu phía Tây và tổng thể có 8 khoang, dung tích các khoang tăng dần nhưng hiện nay chúng cũng đã có giải pháp. Ngoài khoang hoạt động, chúng tôi luôn có khoang dự phòng. Đoạn cuối cùng để thoát lũ ra ngoài thì hiện nay chúng tôi đã đắp một cái đập ở đó và có cống để khi mưa bình thường thì thoát nước ra ngoài.

Trong trường hợp có sự cố thì chúng tôi sẽ đóng lại.

Chúng tôi cũng đã tính toán với một hồ chứa rộng như vậy, với lượng khi mưa lớn thì cũng đã hòa tan lượng xút và lượng kiềm cũng đã giảm. Bùn đỏ chủ yếu độc hại là do độ kiềm cao, khi mưa lớn thì độ kiềm cũng được giảm và chúng tôi bao giờ cũng có kiểm tra giám sát. Khi nào độ kiềm lớn hơn 9 thì phải giữ lại, khi nào nhỏ hơn thì có thể thải ra một cách bình thường.

Lại nói về thải khô hay thải ướt, thực ra chúng tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều và cũng đã đi tham quan rất nhiều và chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều cảnh bảo của các nhà môi trường, những nhà chuyên về bùn đỏ.

Người ta nói về bùn đỏ khô là việc không hề đơn giản tý nào. Tức là bùn đỏ rất là mịn, cộng với mùa khô Tây Nguyên thì các bạn biết rồi, thải khô thì bụi của nó không đơn giản tí nào, nó phát tán ra thì khó kiểm soát. Đặt ra vấn đề là khi nó bị khô thì xử lý thế nào mùa khô Tây Nguyên cũng là bài toán môi trường.

Thứ hai, vào mùa mưa Tây Nguyên mưa liên tục, xử lý ra sao cũng là một bài toán, chúng tôi không phải là không đặt ra và chúng tôi vẫn tha thiết các nhà khoa học, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu, nó áp dụng được và ổn định thì chúng tôi sẵn sàng. Qua thực tế bùn đỏ khô, tức công nghệ ngày càng tiến bộ, chúng tôi cũng mong muốn tiến bộ nhưng phải thực tế, chứ nếu áp dụng mà trục trặc cũng không áp dụng được.

Ông Nguyễn Thành Sơn: Cái nguy hại của công nghệ khô mà anh Liêm vừa nói là chính từ công nghệ ướt, rồi qua một thời gian nó khô lên, rồi cái khô đó nó gây hại.

Chứ còn ngay từ đầu chúng ta áp dụng công nghệ khô thì cái nguy hại như anh Liêm nói là không có. Chúng ta dừng có lẫn lỗn ở chỗ này. Bùn ướt của TKV thải ra đến một lúc nào đó nó sẽ khô, nó cũng sẽ nguy hiểm như anh Liêm nói, đấy là bản chất của vấn đề, còn nếu bây giờ chúng ta xử lý khô thì nó lại khác. Trong bài báo gần đây liên quan đến vấn đề này tôi đã có sự giải thích.

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Tôi muốn nói với anh Sơn một chút nữa, rất tiếc thời gian này anh không được đi tham quan. Nhưng mà bùn đỏ của chúng tôi không để trơ ra ngoài, mà khi đóng hồ anh biết nguyên tắc rồi chúng tôi sau khi đóng hồ thì có giải pháp tránh phát tán đó. Bùn đỏ ướt để chống bụi thì nó an toàn hơn rất nhiều lần.

Ông Nguyễn Thành Sơn: Tôi lưu ý anh Liêm là chống bụi thì người ta chống bằng nước H20, chứ không ai chống bằng nước sút N2OH cả.

Chống bụi là người ta phải chống bằng nước, nên khái niệm giữa ướt và khô của TKV rất là lẫn lộn, vì cái ướt nếu nó là nước thì nó vô hại nhưng ướt của chúng ta đang bàn đây nó là sút, nó mà rơi vào da, vào quần áo là không sạch được và thậm chí bị bỏng. Như vậy, hai cái đó nó khác nhau. Tôi cũng nói thêm là cái ướt của TKV đến một lúc nào đó thì nó cũng sẽ khô, gió bốc lên mà không có đất mà phủ lên thì bụi lại bay và trong đó có chưa rất nhiều kim loại nặng.

- Phóng viên Phạm Huyền: Vấn đề này trong khoảng 2 năm nay cũng gây tranh cãi rất nhiều. Rất tiếc trong bàn tròn của ngày hôm nay không có đại diện của Bộ Công Thương và Bộ KH-CN. Vậy Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, ông cho ý kiến như thế nào về vấn đề tranh luận giữa ông Sơn và ông Liêm?

Một bạn đọc cho rằng, vấn đề thuê tư vấn để đánh giá tác động đến môi trường của chúng ta là khá sơ sài. Ông có thể chia sẻ gì trước ý kiến này?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Chúng tôi là cơ quan cấp dưới. Bộ trưởng Văn phòng CP, ông Nguyễn Xuân Phúc, nói rồi, Chính phủ sẵn sàng nghe ý kiến đa chiều của nhân sỹ, giới khoa học về vấn đề này, chúng tôi cấp dưới không nói gì khác đâu, nếu có các bằng chứng khoa học để cho nó rõ ra tất cả mọi việc thì cực kỳ hoan nghênh.

Bản thân tôi cũng là nhà giáo, nhà khoa học 29 năm nay rồi nên tôi không nói cái gì mà tôi không có bằng chứng cả, không bao giờ dùng khái niệm cảm quan để tuyên bố về cái gì cả.

Mọi thứ đánh giá về rủi ro thì mình phải dựa vào tính toán xác suất thống kê, tính toán số liệu hẳn hoi như thế mới có minh chứng khoa học rõ ràng. Tôi thấy khai thác bô-xít liên quan đến nhiều khía cạnh, vấn đề này như hàm đa biến. Hôm nay, như lời mời của VietNamNet là mình bàn về khía cạnh môi trường về hồ bùn đỏ, thành ra bản thân tôi cũng giới hạn trong trách nhiệm mà Bộ và Chính phủ đang giao. Lãnh đạo cao nhất sẽ hội tụ và có lời giải cuối cùng khi có tất cả thông tin biến số đó.

Bên VietNamNet bảo tôi có lời khuyên, tôi chưa thể có lời khuyên cuối cùng vì Bộ TN&MT cũng chỉ là một bộ phận.

Không phải 5 ăn 5 thua mà 5 ăn 10 thua

- Phóng viên Phạm Huyền: Bùn đỏ khi thải ra môi trường là chất rất nguy hiểm nhưng không phải hôm nay TKV xây hồ thì mai hồ vỡ, mà có thể xảy ra trong 10 năm, 20 năm, 30 năm tới. Cứ cho rằng hai dự án bô-xít ở Tât Nguyên đều đảm bảo an toàn, nhưng về hiệu quả kinh tế thì nhiều luồng ý kiến cũng lo ngại rủi ro rất lớn.

Nhiều ý kiến băn khoăn là Chủ tịch TKV trước đây, ông Đoàn Văn Kiển, nói hiệu quả kinh tế là 50/50, thấp như vậy mà TKV vẫn kiên quyết theo đuổi dự án. Vậy ông Nguyễn Thanh Liêm có thể giải đáp về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Tôi có thể nói thế này. Thứ nhất, dự án ở Lâm Đồng đã lập dự án cũng như tính toán. Đặc biệt dự án Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn dự án Nhân Cơ. Vì vậy, tôi không nói nhiều về dự án này mà nói về Nhân Cơ, vì so với Lâm Đồng thì nó khó khăn rất là nhiều.

Với nhiều khó khăn và lo lắng như vậy, Chính phủ đã yêu cầu hiện nay nên phải tính toán lại hiệu quả dự án và giao cho Bộ Công Thương chủ trì việc này. Bộ Công Thương đã thành lập Hội đồng và có tư vấn độc lập, đó là Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng là cơ quan chuyên ngành của Việt Nam về đánh giá hiệu quả của dự án, sau khi kiểm tra đánh giá lại với các điều kiện như hiện nay, ví dụ như thuế, phí, các điều kiện đầu vào, sau khi kiểm tra lại vẫn đạt hiệu quả kinh tế nhưng mức độ rủi ro cao hơn.


Cũng như tôi hiểu, Chủ tịch Ông Đoàn Văn Kiển trước đây trả lời đã nói như kiểu nôm na, dễ hiểu, những dự án ở đây mức độ rủi ro cao chứ không phải 50/50 một cách số học như vậy.

Dự án cũng mới gần đây, cho nên mọi tính toán rất tính thời sự, chứ không phải cách đây vài năm mới mất tính thời sự, nên tôi cho rằng dự án đang tiếp tục triển khai.

Trong tính toán bao giờ cũng có dự phòng cho nên tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm soát với những dự báo về giá, cũng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Nhưng tại sao vẫn có nhiều kiến nghĩ, bởi vì dự án nắm trong địa điểm khó khăn và có nhiều vấn đề cho nên chúng tôi vẫn kiến nghị có chính sách về thuế có thể giảm thuế để dự án tránh được khó khăn và có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Thành Sơn: Đúng như PV. VietNamNet nói, có thể bây giờ chúng ta chưa thấy được hậu quả mà phải sau nhiều năm nữa nhưng cái hồ về kinh tế, cái hồ về hiệu quả thì sang năm nếu đi vào hoạt động thì vỡ rồi. Tôi rất ủng hộ ý kiến của anh Liêm là chúng ta phải cập nhật rất thời sự.

Thời kỳ khủng hoảng vừa rồi, giá uranium xuống thấp nhất cho đến 80 đôla/tấn, tức là bằng một nửa cái giá mà TKV đưa ra để đánh giá hiệu quả kinh tế.

Đến năm 2011 nếu các dự án này đi vào hoạt động thì các chuyên gia này đều dự báo rằng giá án uranium trên thị trường thế giới không vượt quá 270 đôla, rõ ràng khác với TKV dự đoán trên 300 đôla thì khác nhau nhiều.

Tôi không hiểu giá TKV bây giờ có cập nhật đúng nữa không, nhưng bể bùn kinh tế của TKV là vỡ rồi. Cho đến 2013 gồm cả Tân Rai nữa thì lượng dư thừa uranium trên thị trường có thể lên tới 1,5 triệu tấn và cả khi Nhân Cơ vào nữa thì nó có thể lên tới con số 16 triệu tấn.

Vì vậy, xét về mặt toàn cục cung – cầu thì đến năm 2011 cũng vỡ rồi và đến 2013 lại càng vỡ to. Đến lúc này ta không thể nói 5 ăn 5 thua nữa rồi mà phải nói 5 ăn 10 thua.

- Phóng viên Phạm Huyền: Có thể những cập nhật só liệu của TS. Nguyễn Thành Sơn và ông Nguyễn Thanh Liêm chênh nhau. Nhiều độc giả chất vấn ông Nguyễn Thanh Liêm, đề nghị ông cho biết dự án Tân Rai và những kinh phí đã bỏ ra cho dự án Nhân Cơ đã tăng lên bao nhiêu so với dự kiến ban đầu và có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án không?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Tôi có cung cấp một thông tin như thế này, thứ nhất là về giá thì như ngày hôm qua giá của nó là 235 USD, và như tỷ lệ của uranium thì từ 13 đến 16, 20% thì các bạn tính xem giá của nó là bao nhiêu %.

Chúng tôi có một cái nguồn đặc biệt về nghiên cứu thị trường và làm quy hoạch thì chúng tôi đã bỏ 150 triệu để mua đánh giá độc lập này.

Về hiệu quả kinh tế, ví dụ như dự án Tân Rai, chúng tôi vừa điều chỉnh mức đầu tư. Với chi phí phát sinh, nằm trong mức chúng tôi dự phòng, vẫn nằm trong dự phòng và chưa vượt mức đánh giá của các nhà tư vấn. Nhân Cơ cũng vậy, hiện nay có mấy cái tăng như về đền bù, ảnh hưởng không nhiều, rồi tỷ giá, biến động nằm trong kiểm soát vì Tân Rai là gần xong rồi. Tuy nhiên số liệu chính xác thì tôi cũng không nắm chuẩn, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

- Phóng viên Phạm Huyền: Các dự án bô-xít ở Tây Nguyên vẫn chưa có phương án rõ ràng về vận chuyển. Các chi phí đầu tư vào vận chuyển có được tính vào dự án hay không, nếu có sẽ ảnh hưởng như thế nào tới giá thành sản phẩm?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Về phương án vận chuyển không phải chúng tôi không có phương án, chúng tôi đều có phương án, hiện nay chúng tôi đang tiến hành thủ tục, đầu tư cho cảng Kê Gà phục vụ cho công nghệ nhôm. Trong trường hợp không có cảng Kê Gà thì cũng có phương án là lựa chọn giai đoạn đầu của dự án là đi theo quốc lộ 20 về cảng Gò Dầu, Đồng Nai, còn về cầu thì một số cầu yếu phải tăng cường gia cố.

Theo chỉ đạo của Chính phủ thì chi phí cho việc này chúng tôi cũng tính, như thuê vận tải bình thường thôi. Chúng tôi tính như thuê một đơn vị ngoài, vẫn đảm bảo hiệu quả dự án.

Còn Chính phủ chỉ đạo đầu tư nâng cấp một số tuyến, thì có thể cho TKV làm, việc này cũng đang xem xét và sau này bồi hoàn vì việc này phục vụ chung cho cả xã hội chứ không chỉ riêng cho TKV.


- Phóng viên Phạm Huyền: Vậy các chi phí đó của TKV về vận tải có được tính vào vốn đầu tư không?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Hiện nay, chúng tôi không tính vào tổng mức đầu tư.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi có đi con đường 28 từ Kê Gà lên Tân Rai, theo tôi về phía Nam là hết sức dốc đứng cho nên con đường này vô cùng hiểm trở. Có đến hơn 20km là đường cua và rất nhỏ.

Chúng tôi đi từ Kê Gà lên cho đến Tân Rai thì chỉ thấy có 3 cái ôtô đi ngược chiều thôi, có nghĩa là con đường chỉ dùng để chở bô-xít chứ không ai đi trên con đường đó nữa. Cho nên làm con đường đó thì tôi đồng ý cái ý của anh Sơn trong bài anh ấy có viết là không thể nghĩ là có thể vận chuyển theo con đường đó đâu. Còn chuyển ngược lên đường 20 rồi đi theo quốc lộ đã có ấy thì các chuyên gia đã nói rồi là sẽ phá nát con đường.

Nếu không tính chi phí đầu vào, thuế không tính vào nữa thì tôi thấy là vô lý khi tính hiệu quả kinh tế của dự án bô xít này.

Như vậy, bây giờ thuế cũng không phải tính này, vận tải cũng không phải tính này, đường sá cũng không phỉ tính này thì làm dự án này có ích gì trên Tây Nguyên. Đó là hôm nay chúng ta chưa nói đến những cái hệ quả về mặt xã hội, về mặt những mặt khác nữa. Nếu loại bỏ những cái ấy ra thì rõ ràng bài toán kinh tế là không chính xác.

Ông Nguyễn Thành Sơn: Tôi thấy mọi người mới chỉ quan tâm vận chuyển từ Tây Nguyên ra biển thôi chứ chúng ta chưa quan tâm vận chuyển ngược từ dưới biển lên hóa chất và các nguyên vật liệu và một số thứ khác.

Tôi không nghĩ rằng, những cái này đã tính toán một cách cụ thể như thế. Bây giờ ta cứ tưởng tượng vận chuyển một tấn từ Tây Nguyên xuống thì chúng ta phải chuyển lên ấy từng ấy tấn than.

Nói về nhà máy điện, tôi cũng hỏi luôn anh Tuyến là các anh đã đánh giá được ảnh hưởng của các nhà máy điện này chưa, vì để cho nhà máy điện vận hành thì chúng ta cũng phải vận chuyển một khối lượng than là rất lớn. bài toán vận tải phải được xem xét kỹ về vận tải tiêu thụ, vận tải cung cấp và bài toán này rõ ràng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

- Phóng viên Phạm Huyền: Mời ông Liêm, ông có ý kiến gì trước ý kiến của ông Sơn cho rằng bài toán vận tải là không hiểu quả? Nhân đây ông có thể cho biết chi phí vận tải mà TKV đã tính toán trước đây thì hiện nay đã có sự khác biệt như thế này?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Bài toán kinh tế chúng tôi đã tính đầy đủ, nếu anh Sơn cần có thể sang bên Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng hoặc bên chúng tôi xem thêm tài liệu, xem chúng tôi đã tính toán đầy đủ chưa.

Còn về phía chúng tôi, đã tính hết các yếu tố chi phí, và đều tính trên cơ sở cước phí vận tải. Cước phí vận tải là sao, nghĩa là do nhà nước thu trong các phí để phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng. Trách nhiệm chúng tôi cũng như các đơn vị vận tải bình thường, không ai người ta bỏ tiền. Các loại xe trọng tải chạy như thế nào thì phải theo luật, như Bộ GTVT đã yêu cầu.

Còn vấn đề như Bác Ngọc nói thì tôi nghĩ cũng nên xem xét.

- Phóng viên Phạm Huyền: Theo chúng tôi biết, hiện dự án Tân Rai đang chậm tiến độ, ông Nguyễn Thành Liêm có thể lý giải vì sao? Trong bài báo mới cập nhật của chúng tôi được biết rằng, mỏ tuyển hiện nay chưa xong và có khả năng còn chậm hơn nhà máy alumin. Giả sử nhà máy đã xong mà mỏ tuyển chưa xong thì phải nằm chờ và gây thiệt hại mỗi tháng có thể là 6 đến 7 triệu đôla, mong ông Liêm xác định thông tin này?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Đúng là Tân Rai có chậm tiến độ, đến 18/11/2010 lẽ ra dự án phải hoàn thành. Có nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Cái việc chậm đây là do dự án đặc biệt, mà thực tế thì có nhiều dự án chậm, tuy nhiên chúng tôi đánh giá vẫn đáp ứng được yêu cầu, chỉ chậm có 3-4 tháng không có gì ghê gớm.

Vấn đề mỏ tuyển mà bạn đọc quan tâm, về lý thuyết làm sao 2 dự án phải khớp lại với nhau thì như thế mới thuận lợi, vì một ông nào chờ đều là bị thiệt hại cả. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo làm sao cho bên dự án mỏ tuyển là đẩy nhanh tiến độ để phù hợp với tiến độ của nhà máy dự án alumin.

Dự kiến trước đây, tháng 1/2011 dây chuyển một sẽ hoạt động nhưng bây giờ do nhiều lý do bị chậm lại phải sang tháng 3.

Không có văn hóa thì không còn dân tộc

- Phóng viên Phạm Huyền: Từ trước đến nay, Tây Nguyên vốn phát triển về nông lâm nghiệp và chưa phát triển công nghiệp. Sự phát triển của bô-xít alumina sẽ là bước khởi đầu cho sự phát triển của một nền công nghiệp lớn, không chỉ cho Tây Nguyên mà còn cho Việt Nam nói chung. Đặt dự ánbô-xít tại Tây Nguyên là cũng mong muốn phát triển kinh tế tại khu vực này. Lợi ích trực tiếp không chỉ là cho doanh nghiệp mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, bạn đọc Duy Đông ở Hà Nội hỏi nhà văn Nguyên Ngọc: ông đồng thời cũng là nhà văn hóa, một người nghiên cứu sự phát triển của Tây Nguyên, vậy tại sao ông lại không đồng ý khi về tổng thể, dự án bô-xít sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất tốt?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Hôm nay tôi thấy cuộc trao đổi này chủ yếu nói một số vấn đề môi trường theo nghĩa hẹp, tức là môi trường bùn đỏ, thứ 2 là nói một ít về kinh tế.

Nhưng tôi nghĩ cần nhìn toàn thể vấn đề dự án bô-xít Tây Nguyên trong một cái nhìn tổng thế lớn hơn rất nhiều: kinh tế, sinh thái, môi trường, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng.

Phải cân nhắc trên tất cả những mặt đó. Theo tôi, dự án bô-xít triển khai bây giờ hoàn toàn không có lợi. Chúng ta đã phá môi trường Tây Nguyên trong hơn 30 năm qua rất ghê gớm. Có thể nói đó là vùng bị tàn phá kinh khủng nhất về mặt môi trường. Ở Tây Nguyên bây giờ không còn 1 chút rừng tự nhiên nào nữa hết. Chỉ còn một ít rừng trồng thôi, mà đó là cái mái nhà nó giữ cho toàn bộ Đông Dương.


Trong những vấn đề lũ vừa qua có vấn đề thời tiết, theo tôi cái tác động quan trọng nhất của rừng là giữ nước trở lại. Vừa qua là nước không được giữ, trên độ cao này, cho nên tình hình hiện nay không phải là lụt nữa mà tình hình hiện nay là lũ, cứ cơn áp thấp nhẹ thôi là lũ quét ngay lập tức.

Hà Tĩnh vừa qua là như vậy, tất nhiên có vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng trước kia có những trận như thế nhưng nó không bị lũ quét như thế này. ĐBSCL trước đây mùa nước nổi là mùa làm ăn của người ta, vì Tây Nguyên cũng đổ nước về sông Mê Kông một nửa, chính là cái sườn phía Tây của Tây Nguyên rộng hơn sườn phía Đông, cho nên nó cũng có cái ảnh hưởng. Bây giờ người ta không gọi là mùa nước nổi nữa rồi, mà là mùa nước lũ.

Tất cả những điều như vậy theo tôi cái nhìn môi trường, hôm nay chúng ta mới nói đến môi trường theo nghĩa rất hẹp, tôi đồng ý phải nói nó là vấn đề sinh thái mà sinh thái thì nó theo cái nghĩa rộng như vậy.

Về vấn đề xã hội thì từ môi trường như vậy, tại vì cái văn hóa Tây Nguyên, và văn hóa Tây Nguyên tôi nghĩ không nên nghĩ nó là mấy cái cồng chiêng, mấy bài hát, cái nhà Rông thì không phải đâu.

Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng, khi không còn rừng thì không còn văn hóa Tây Nguyên, chỉ còn văn hóa dỏm của Tây Nguyên thôi, văn hóa dỏm làm cho khách du lịch, cho Tây ba lô đến xem thôi.

Và như vậy thì không có văn hóa thì không còn dân tộc. Và như vậy không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề về môi trường, rừng vừa qua, đất đai vừa qua đã trở thành vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên.

Cho nên tôi nghĩ vấn đề dự án bô-xít Tây Nguyên phải đặt trong một tổng thể như vậy. Tôi không đồng tình với việc này từ đầu, vì theo tôi nói là nên dừng mọi khai thác và ra sức trồng rừng trở lại trong 100 năm nếu chúng ta muốn sống. Cái mái nhà không còn chút rừng nào cả, trọc hết cả mái nhà thì không biết VN của chúng ta sống như thế nào, không phải chỉ riêng miền Nam đâu.

Tôi không đồng tình với dự án này ngay từ đầu là vì như vậy.

Thế còn nói về cái tạo công ăn việc làm, tôi xin nói một con số thôi, với dự án bô-xít 2,5 ha tạo được 1 việc làm cho một người, còn trồng cây công nghiệp thì 1 ha tạo việc làm cho 5 người.

Nói về việc làm trong thực tế chúng ta cũng biết rồi, đồng bào dân tộc tại chỗ bị loại ra khỏi việc làm này, cho nên nói tạo công ăn việc làm tôi sợ là nói lừa, không có đâu.

Trên toàn thể cái nhìn tổng thể như vậy tôi cho là làm cái bô-xít hiện nay ở Tây Nguyên không có lợi gì cả, không lợi cho sự phát triển của Tây Nguyên đâu, chỉ có hại thôi. Và cũng không nên quan niệm rằng cái tỉnh Đăk Nông có một cái nhà máy thì nó thành tỉnh công nghiệp, không phải.

Nếu ta quan niệm về công nghiệp hóa như thế thì cực kỳ là sai, không phải có một cái nhà máy thì tự dưng nó thành công nghiệp. Cái cơ cấu trong tổng GDP của nó do cái nhà máy đem lại nhiều hơn, thì phần công nghiệp vượt phần nông nghiệp thì nó trở thành tỉnh công nghiệp thì tôi nghĩ như thế là vô cùng sai về quan điểm phát triển.

Đừng hy vọng có ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên

Ông Nguyễn Thành Sơn: Tôi xin bổ sung ý kiến của bác Nguyên Ngọc thế này, chỗ này chúng ta phải nói cho nó rõ ràng.

Cho đến nay tôi và cho đến 10 năm nữa tôi bảo đảm là không có cái từ công nghiệp nhôm ở Việt Nam này cả. Bởi vì làm gì chúng ta có điện mà làm nhôm. Cho nên ở đây chúng ta chỉ có bô-xít và bô-xít thôi, và làm đến alumina là một nguyên liệu để làm ra nhôm, mà alumina như anh Liêm vừa nói nó chỉ chiếm tối đa 20% giá thành của nhôm kim loại.

Cho nên chúng ta đừng hi vọng có một ngành công nghiệp nhôm ở trên Tây Nguyên gì cả, đừng lẫn lộn.

Thứ hai nữa chúng tôi cũng xin nói, bây giờ như ở vùng than của chúng tôi ở ngoài Quảng Ninh thì cái nộp ngân sách lớn nhất là nằm ở ngoài bờ biển cơ chứ đâu ở trên Tây Nguyên. Sau này quặng alumina là chúng ta xuất ở dưới Bình Thuận, hóa đơn chứng từ ghi dưới đấy. Về nguyên tắc cho đến bây giờ là các tỉnh dưới ấy người ta thu chứ đâu phải các tỉnh Tây Nguyên.

Các tỉnh Tây Nguyên bây giờ chỉ là thu thuế tài nguyên là cùng thôi. Thế bây giờ chúng tôi ở ngoài Quảng Ninh lợi nhuận đổ dồn hết vào cái anh xuất khẩu than ở Cửa Ông, Cẩm Phả chứ còn ở Cao Sơn, ở Mông Dương là không có, là sẽ được điều tiết về, điều tiết từ dưới bờ biển về cho các mỏ, chứ không phải chúng ta làm thế này mà các tỉnh đương nhiên là có thì không có đâu, cái này là phải có sự điều tiết của các tỉnh, trên Tây Nguyên không có cái gì cả.

Cái nữa là thế này, cái công nghiệp nhôm mà chúng ta nói là sẽ không có đâu, bởi vì bây giờ chính phủ giao cho TKV phát triển điện, Đồng Nai 5 ý, Đồng Nai 5 có hơn 70 kw thôi và sản lượng điện của nó chắc là làm ra vài ba cân nhôm là hết.


Còn trông vào các điện của nhà nước thì giờ đến điện để sản xuất ra cái khác còn không có thì làm gì ra điện để mà làm nhôm, mà mọi người biết là điện làm nhôm rất nhiều.

Có anh Liêm ở đây anh trả lời là tiến độ của dự án Đồng Nai 5 của TKV đến đâu thì anh rõ ngay. Nhưng ở đây nói về đánh giá thì tôi nghĩ phải nói rất cụ thể chứ đừng chung chung, hiệu quả kinh tế xã hội mà như anh Liêm nói lúc nãy là cần thì chúng ta dẹp thuế đi, nói thế thì quá đơn giản, thuế là cái tối thiểu để doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách địa phương.

Nói dẹp đi thì tôi thấy là chả hiểu tư duy TKV ở đây như thế nào cả. (Tôi nói là thuế xuất khẩu, thuế nào thì cũng thế).

Tôi cũng xin nói là ngành khai thác khoáng sản nó không giống như những ngành kinh tế khác, tức là nó không có nguyên liệu chính đầu vào, tức là làm ra cái alumina này thì cái nguyên liệu là bô-xít là tài sản của toàn dân.

Lẽ ra chúng ta sản xuất ra những sản phẩm khác như cốc nước này chẳng hạn thì nguyên liệu chính của nó phải chiếm 60-70%.

Nhưng cái alumina thì về nguyên lý là không có. Vì thế vấn đề thuế là phải có, không những thế với ý thức chính trị cao TKV phải kiến nghị với chính phủ là thuế là 5-10%, thuế khoáng sản bây giờ là phải nâng lên ngang với dầu khí, phải cao như thế thì mới là có ý nghĩa về mặt xã hội.

Bây giờ anh đã được hưởng cái lợi của thiên nhiên ưu đãi cho không rồi, tức là cái nguyên liệu chính trong cái alumina là bằng 0 rồi, mà cái đó trong các sản phẩm khác của các doanh nghiệp là nó chiếm đến 50-70%, bây giờ lại bàn là xem xét giảm thuế nữa thì tôi không hiểu là chúng ta bàn đến dự án kinh tế để làm gì.

- Phóng viên Phạm Huyền: Bạn đọc tên là Nguyễn Mạnh Kính có đề nghị TKV đưa ra số liệu cụ thể về khách hàng tiềm năng cho sản phẩm mà có thể bán được trong tương lai để có thể chứng minh về khả năng sinh lời của dự án, ông Liêm có thể cho biết thông tin không ạ?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Về khách hàng thì hiện nay chúng tôi có các khách hàng như thế này. Trước đây, chúng tôi đã ký một thỏa thuận với một đối tác Trung Quốc để cung cấp từ 600.000-900.000 tấn alumin/năm.

Và vừa rồi chúng tôi tiến hành đàm phán thì họ đề nghị mua toàn bộ tức là chúng tôi sản xuất ra bao nhiêu họ sẽ mua hết. Khách hàng thứ hai là một tập đoàn của Nhật Bản, họ cũng đề nghị được mua sản phẩm đó cho các nhà máy của họ cũng như là cho một số trên thị trường. Tức là họ cũng đề nghị được mua rất nhiều.

Thế nhưng chúng tôi đang xem xét để cân đối trong mức có thể, tức là 100.000-150.000 tấn. Còn khách hàng Trung Đông, tức là Benin, cũng đặt hai vấn đề: có thể 2 bên hợp tác với nhau, vì bên ấy giá điện của họ rất rẻ, muốn TKV hợp tác với họ, muốn TKV cung cấp Alumin sang điện phân nhôm, vấn đề này cũng đang bàn.

Còn một số đối tác khác nữa. Chúng tôi hiện nay dự kiến cũng áp dụng như là than, nghĩa là tiến hành đấu giá. Tức là bán thì theo từng lô một, sau đó sẽ tiến hành đấu giá để xem đối tác nào có khả năng trả giá cao thì sẽ tiến hành bán cho họ.

Đang đẩy nhanh để hoàn thành tiến độ

- Phóng viên Phạm Huyền: Có một câu hỏi của một bạn đọc từ Mỹ gửi về. Câu hỏi này có lẽ sẽ dành cho cả ông Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cũng như ông Liêm.

“Vấn đề hồ chứa bùn đỏ được ví như là quả bom bùn ở trên cao và với những Việt kiều ở nước ngoài thì đều thấy rằng là những vấn đề như chiến tranh, khủng bố xảy ra ở khá nhiều nước. Vậy không biết những nhà thiết kế đã nghĩ đến vấn đề này hay chưa nếu như có thể xảy ra những tình huống như vậy?”

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi cũng đã nghĩ đến những kịch bản như vậy và thực ra nó cũng giống như cái kịch bản vỡ đập.

Thì như chúng tôi đã trình bày trước, thứ nhất là có 2 cái hồ, một hồ hoạt động và một dự phòng, giả sử có vỡ thì nó sẽ tràn sang hồ dự phòng.

Và chúng tôi có giải pháp nữa, là chúng tôi đã thiết kế một cái đập ở dưới là cái cống thoát nước mưa, chúng tôi thiết kế có cánh phai để trong trường hợp xảy ra sự cố chúng tôi sẽ đóng lại cái đập đó, nên giả sử xảy ra sự cố nó sẽ được chứa trong thung lũng và không bị thoát ra ngoài.

Đó là giải pháp chúng tôi đã tính đến, và còn rất nhiều giải pháp mà chúng tôi tính đến, như các bao cát đặt tại các khu vực mà chúng tôi tính là có thể xảy ra sự cố, để có thể nhanh chóng lấp lại các khu vực có vấn đề.

- Phóng viên Phạm Huyền: Vấn đề ở đây là bạn đọc băn khoăn về cái an ninh, mức độ bảo vệ của hồ chứa bùn đỏ.

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Về vấn đề này, chúng tôi cũng đánh giá hồ chứa bùn đỏ giống như là được bảo vệ nghiêm ngặt, tức là một công trình tối quan trọng và sẽ có chế độ bảo vệ.

Ví dụ những người không có nhiệm vụ vào được khu vực bùn đỏ thì không phải là dễ dàng vì chúng tôi có tiến hành rào các khu vực bùn đỏ để bảo vệ. Thứ hai chúng tôi thường xuyên kiểm tra, canh gác, đặc biệt là những khu vực xung yếu.

- Phóng viên Phạm Huyền: Có một bạn đọc cũng đang quan tâm về hàm lượng oxit nhôm trong alumin. Ông có thể cho biết là bao nhiêu phần trăm được không ạ, tức là về tiêu chí chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Chất lượng sản phẩm thì chúng tôi đã thiết kế và theo như nhà thầu cam kết thì cái này thiết kế dùng cho điện phân nhôm và cũng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Thì tiêu chí chúng tôi đặt ra là phải lớn hơn 98,6%

- Phóng viên Phạm Huyền: Có một băn khoăn cuối cùng là với các kiến nghị của các nhà khoa học, hiện nay đã hơn 2.000 nhân sĩ ký vào bản kiến nghị. Vậy đặt tình huống là Chính phủ yêu cầu TKV tạm ngừng để nghiên cứu, thì TKV đã chuẩn bị trước phương án này hay chưa và trong trường hợp đó thì mức thiệt hại kinh tế mà TKV dự kiến trong hai dự án này là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Hiện nay chúng tôi chưa có một chỉ đạo như thế nào, nên hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh, theo chỉ đạo là đang đẩy mạnh để dự án hoàn thành đúng tiến độ, để phát huy được hiệu quả đồng vốn cũng như hiệu quả của dự án.

Còn trong trường hợp phải dừng dự án thì thiệt hại chắc là sẽ rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều, đến không chỉ tập đoàn mà còn cho địa phương và nhiều vấn đề khác nữa. Khi nào có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ tuân thủ thôi và sẽ tính toán, và tính toán cái này thì thực ra nó rất là rộng, còn cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. Cho nên hôm nay tôi chỉ có thể trả lời được như vậy.

- Phóng viên Phạm Huyền: Xin cảm ơn các vị khách mời. Như vậy là buổi tranh luận trực tuyến của Diễn đàn VNR500 – Báo VietNamNet đã diễn ra trong hai tiếng, với rất nhiều thông tin cần thiết, sâu sắc đã được các khách mời cung cấp, mặc dù có những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về độ an toàn và hiệu quả kinh tế của dự án bô-xít.

Do vậy, như kiến nghị của các nhân sỹ tri thức thì Việt Nam cần thành lập một hội đồng khoa học độc lập, bao gồm những chuyên gia đầu ngành, những người có đạo đức, trình độ, tâm huyết, có thể nghiên cứu, thẩm định lại toàn bộ dự án này. Không có gì thuyết phục bằng chúng ta sẽ có một hội đồng khoa học khách quan và không bị chi phối bởi bất cứ áp lực nào cả.

Hy vọng bàn tròn trực tuyến sẽ cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về dự án này. Chúng tôi hy vọng, dù dự án tiếp tục hay dừng thì cuối cùng, vùng Tây Nguyên sẽ được đảm bảo về môi trường cũng như nhận được sự đồng thuận của cộng đồng các nhà khoa học, nhân sĩ cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm. Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời, quý độc giả đã theo dõi chương trình.

(Nguồn: VNR500)

http://vedinh.wordpress.com/2010/10/28/toan-van-bu%E1%BB%95i-tranh-lu%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%B1c-tuy%E1%BA%BFn-bo-xit-tay-nguyen/#more-4170