Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Cuốn theo lời hứa............ Vũ Duy Chu

Cuốn theo lời hứa
Vũ Duy Chu

Một cuộc phỏng vấn lạ đời tôi được đọc cách nay đã mấy năm nhưng không quên được.

Ngày 15.11.2005, tờ Vietbao.vn [đăng] phỏng vấn ông Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội về việc kiểm tra đôn đốc các vị Bộ trưởng thực hiện lời hứa trước Quốc hội ở kỳ họp trước như thế nào (34 lời hứa). Ông nói rằng: Có một số Bộ trưởng bảo những lời phát biểu ấy của họ không phải là một lời hứa. Ông Bình nói tiếp: “Theo tôi, phải có một hình thức như nghị quyết hay hướng dẫn gì đó để cam kết của thành viên Chính phủ là lời hứa, khi đó chúng tôi mới có thể đôn đốc và thực hiện giám sát được. Hiện nay chưa có văn bản qui định thế nào là lời hứa của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ…”.

Tôi chưa từng thấy diễn đàn Quốc hội nước nào mà một ông nghị lại đề nghị Chính phủ ra nghị quyết hướng dẫn các đại biểu thế nào là một lời hứa. Đã là một ông nghị thành viên Chính phủ thực sự thì phải biết phát hiện các vấn đề ở tầm vĩ mô và đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề ấy. Làm ông nghị mà chỉ đến hội trường gật gù, bấm nút đồng thuận, bị chất vấn trả lời vòng vo, né tránh trách nhiệm thì nên từ chức cho dân khỏe. Ngồi vào chiếc ghế bộ nọ bộ kia lĩnh lương và bổng lộc từ tiền đóng thuế của dân đương nhiên phải là người làm được việc.

Một người nhận quyết định bổ nhiệm, phải hiểu bản quyết định ấy là một cam kết pháp lý về vai trò, nghĩa vụ mà mình phải hoàn thành. Sự cam kết này cao hơn mọi lời hứa, bởi vừa có sự ràng buộc trách nhiệm của người ký quyết định bổ nhiệm, vừa có sự nhất trí tự nguyện của người được bổ nhiệm. Không ai có quyền ép ai ngồi vào chiếc ghế quyền lực khi không có khả năng làm việc được giao phó…

Ở những đất nước trình độ quan trí cao, mỗi phát biểu trước dân chúng của các quan chức chính phủ đều thể hiện tư duy chặt chẽ, minh bạch và gắn chặt với trách nhiệm của họ. Người ta nhìn vào văn hóa ứng xử của các quan chức là đánh giá được đất nước ấy văn minh ở mức nào.

Sau 8 tháng nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ngày 2.6.2010, ông Yukio Hatoyama đã từ chức. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông từ chức là ông đã không thực hiện lời hứa di chuyển căn cứ Futenma của Thủy quân lục chiến Mỹ rời khỏi Okinawa. Nội các và dân chúng Nhật Bản đã không thể quên lời hứa của ông, dù sự có mặt của quân đội Mỹ ở nước này vẫn cần được duy trì, nhất là trong bối cảnh hiện nay quan hệ Nhật - Trung đang gia tăng căng thẳng…

Còn ở ta, những quan chức nào đã hứa trước dân chúng và hứa những gì?

Tháng 10.2006 khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng hứa:

Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay!

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Ông Thủ tướng hứa với Đại tướng rằng: Chính phủ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến của Đại tướng về dự án Bô xít Tây Nguyên.

Cả hai lời hứa quan trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được ông thực hiện thế nào, ai mà không biết!

Thế thì dù có văn bản chính thức định nghĩa được thế nào là lời hứa đâu có tác dụng gì, thưa ông Lê Quang Bình.

Bây giờ dư luận xã hội và diễn đàn quốc hội đang nóng lên từng ngày vì dự án Bô xít Tây Nguyên, vì vụ Vinashin… Người dân muốn biết, có quyền được biết đích xác ai là người chịu trách nhiệm chính về việc làm biến mất hàng trăm ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của họ trong vụ Vinashin. Có thể cái thời “lão cơ chế” chịu trách nhiệm, chúng ta chịu trách nhiệm chung đã qua rồi chăng?

Bây giờ những lời hứa kiểu “hồ bùn đỏ an toàn”, “làm bô xít có lãi” của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên và nhiều vị quan chức khác không còn ai tin nữa. Vụ Vedan của ông Khôi Nguyên còn chưa kịp nguội. Các ông hãy nhìn kết quả thăm dò dư luận về dự án Bô xít của tờ điện tử Dân trí hôm nay, 26.10.2010 thì rõ. Hãy nhìn bản Kiến nghị dừng khai thác Bô xít do Giáo sư Phạm Toàn khởi xướng [Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng Kiến nghị năm 2009; một số thành viên IDS cũ cùng với ba vị này khởi xướng Kiến nghị 2010 – BVN]với hàng ngàn chữ ký của các nhân sĩ trí thức yêu nước, các vị lão thành cách mạng thì rõ.

Dường như bắt đầu một thôi thúc mới mẻ với Việt Nam. Đó là việc phải thực hiện văn hóa từ chức với mọi quan chức các cấp khi không còn uy tín.

Chỉ có như thế mới góp phần chấm dứt được hiện tượng hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền thuế của nhân dân lao động cuốn theo lời hứa.

Sài Gòn, 26.10.2010

V.D.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét