Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Dân biểu Smith: Hồ Cẩm Đào “đứng đầu nhà nước tù ngục”

Corey Boles, Wall Street Journal

19-01-2010

Khi Tổng thống Barack Obama gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng sáng thứ Tư, một số thành viên Hạ viện đã phỉ báng Chủ tịch Trung Quốc tại một buổi điều trần cùng thời gian với chuyến thăm của ông.

Dân biểu Christopher Smith (Cộng hòa – bang New Jersey), là nhà phê bình Trung Quốc hàng đầu ở Quốc hội, nói rằng ông Hồ Cẩm Đào "đứng đầu nhà nước tù ngục, rõ ràng là một chế độ độc tài". Ngoài những điều khác, ông Smith nói rằng ông Hồ "trực tiếp chịu trách nhiệm về việc giam giữ và tra tấn có hệ thống hàng triệu người Trung Quốc [tranh đấu] hòa bình, những Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ".

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại buổi điều trần của Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện đã chê trách Chính phủ Trung Quốc về việc giam cầm các nhà hoạt động chính trị, phớt lờ những quan ngại vấn đề nhân quyền, lợi dụng của các nước châu Phi về vấn đề khoáng sản thiên nhiên, đe dọa trừng phạt các nước láng giềng, bao gồm cả Đài Loan, Nhật Bản, và lợi dụng mối quan hệ kinh tế với Mỹ.

Dân biểu Dana Rohrabacher (Cộng hòa – bang California) nói rằng người đứng đầu “chế độ tàn ác” đó là “tham gia vào những sự ngược đãi nhân quyền tồi tệ nhất thế giới” không nên cho bước vào Nhà Trắng.

Dân biểu Albio Sires (Dân chủ – bang New Jersey) nói ông nghĩ rằng chương trình nghị sự bí mật của Bắc Kinh là "thống trị thế giới" và rằng thay vì lên án đất nước này, Washington đã giúp nó đạt được mục tiêu.

Dân biểu Don Manzullo (Cộng hòa – bang Illinois) bày tỏ quan ngại rằng, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã làm thiệt hại đến các lợi ích khu vực sản xuất nhỏ của Mỹ vốn đã bị bao vây. “Cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Trung Quốc, gồm các vấn đề tiền tệ, các khoản hỗ trợ bất hợp pháp, và xử lý lỏng lẻo các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ”, gây khó khăn cho các công ty Mỹ cạnh tranh, ông nói.

Các nhân chứng điều trần đã khai về những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, về sự gia tăng leo thang quân sự và các mối quan hệ kinh doanh với các nước đang phát triển…


Ông G. Gordon Chang, tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc, có một lưu ý trái ngược. Ông nói, ông tin rằng Hoa Kỳ thực sự là nước chiếm ưu thế trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng chính quyền liên bang đã ít sẵn sàng phô trương sức mạnh.

Ông nói, Trung Quốc dựa vào Mỹ để có được phần lớn xuất khẩu. Ông cũng nói rằng nếu Trung Quốc quyết định bán các khoản nợ của Mỹ mà nó hiện đang nắm giữ, nó sẽ buộc phải mua nợ của các nước lớn khác, như đồng yên Nhật hay đồng euro, do đó sẽ dẫn đến việc các quốc gia kia mua đô la Mỹ để cố gắng ổn định tiền tệ của riêng nước mình.

Ngọc Thu dịch từ Blogs.wsj.com

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình sau khi đuợc phục hồi công tác Hải chiến Tây Sa(tức Hoàng Sa) thắng Nam Việt Nam

Tư liệu của Bắc Kinh: Trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình sau khi đuợc phục hồi công tác Hải chiến Tây Sa(tức Hoàng Sa) thắng Nam Việt Nam

Dương Danh Dy giới thiệu

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân nhân dân (Trung Quốc) tiến hành đánh trả tự vệ hải quân Nam Việt Nam xâm lược quần đảo Tây Sa, đánh chìm 1 hộ vệ hạm và bắn bị thương 3 tuần dương hạm địch, làm chết và bị thương hơn 100 quân địch . Trận hải chiến lấy yếu thắng mạnh đó đã trở thành trận đánh kinh điển trong lịch sử tác chiến trên biển của quân đội ta. Ngụỵ Minh Sâm lúc đó là Phó tư lệnh căn cứ hải quân Du Lâm (Hải Nam) đã kể lại những bí mật xung quanh trận hải chiến này.

Chu Ân Lai tuyên bố: quần đảo Tây Sa xưa nay là lãnh thổ Trung Quốc

Quần đảo Tây Sa một trong bốn hải đảo lớn nhất Trung Quốc cách đảo Hải Nam hơn 200 hải lý về phía Đông Nam, là đường hàng hải nhất định phải qua, khi từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Ấ, địa vị chiến lược vô cùng quan trọng. Ngay từ thời Hán Vũ Đế ngưòi Trung Quốc đã khai thác quần đảo Tây Sa (?). Ngày 15 tháng 8 năm 1951, Chu Ân Lai Thủ tướng Chính Vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố: quàn đảo Tây Sa xưa nay là lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng 5 năm 1956, nhà đương cục Nam Việt Nam đề xuất quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc sở hữu của họ, rồi cử quân đội xâm chiếm phi pháp. Một lần nữa Chính phủ Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 9 năm 1973, hơn 10 đảo, bãi như Nam Uy, Thái bình v.v. trong quần đảo Nam Sa bị đưa vào bản đồ của nhà đương cục Nam Việt Nam. Tháng 1 năm 1974, bất chấp nhiều lần cảnh cáo của Chính phủ Trung Quốc nhà đưong cục Nam Việt Nam đã cho 1 khu trục hạm và 3 hộ vệ hạm xâm nhập vùng lãnh hải Vĩnh Lạc quần đảo Tây Sa.

13 giờ ngày 15 tháng 1 quân hạm Nam Việt Nam quấy nhiễu các tàu đánh cá của ta đang sản xuất bình thường tại vùng phụ cận đảo Cam Tuyền, đồng thời pháo kích đảo Cam Tuyền có cắm quốc kỳ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 16 tháng 1 hạm đội Hải Nam chỉ thị: tình hình Tây Sa khẩn cấp, điều hạm đội anh em tới đã không kịp nữa, nay cử Ngụy Minh Sâm làm chỉ huy biên đội trên biển theo chỉ thị trước đó, trong bất kỳ tình huống nào cũng không nổ súng trước, Nhưng nếu kẻ địch tấn công thì kiên quyết đánh trả tự vệ. 19 giờ 37 phút hai chiếc tàu săn tàu ngầm loại nhẹ của Trung Quốc vừa bảo dưỡng xong tiến vào vùng biển Tây Sa. Ngày 17 tháng 1 quân đội Nam Việt Nam xâm chiếm đảo Cam Tuyền và Kim Ngân.

Vừa phải tấc đất không nhưòng lại vừa không để chiến tranh mở rộng

Đêm khuya ngày 17 tháng 1 Chu Ân Lai gọi điện thoại cho Phó Cục trưởng Cục Tác chiến hỏi tỉ mỉ về Tây Sa, nói Tây Sa có thể dẫn tới chiến tranh, đó là vấn đề rất lớn cần thỉnh thị Chủ tịch Mao quyết định. 20 giờ ngày 18 tháng 1 Chu Ân Lai triệu tập hội nghi tác chiến, phương châm chung là: hành động sau nhưng kiềm chế người, tranh thủ chủ động về chính trị, vừa phải tấc đất không nhường lại vừa không để chiến tranh mở rộng

Ngụy Minh Sâm lúc đó đã tới Tây Sa, triệu tập hội nghị chuẩn bị tác chiến khẩn cấp trên chiến hạm.

Được biết, quân hạm Nam Việt Nam có tổng tải trọng khoảng 6000 tấn, trang bị 50 khẩu pháo cỡ từ 127 mm trở xuống. Phía Trung Quốc mặc dù cũng là 4 quân hạm nhưng tổng tải trọng chỉ là 1600 tấn, số lượng pháo ít hơn và cỡ nòng pháo cũng nhỏ hơn

5 giờ 40 phút ngày 19/1 một lần nữa Chu Ân Lai lại gọi điện cho Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu nói, xem ra ngày hôm nay có khả năng đánh nhau, Trung ương sau khi nghiên cứu, quyết định thành lập Tổ lãnh đạo 6 người gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa, do Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình phụ trách, thay mặt Trung ương Đảng tới Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu chỉ huy trận hải chiến Tây Sa.

Chu Ân Lai vừa đặt máy là Đặng Tiẻu Bình, Diệp Kiếm Anh v.v. đã đến ngay phòng trực ban của Cục Tác chiến. Phó Tổng Tham mưu trưởng Hướng Trọng Hoa, Phó Tư lệnh hải quân Khổng Chiếu Niên, Phó Tư lệnh Không quân Trương Tích Tuệ cũng đến. Lúc này theo đề nghị của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình vừa mới được khôi phục công tác, ngày 5 tháng 1 năm 1974 đựoc cử làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm bị đình chức ông chỉ huy một hành động quân sự trọng đại. Câu nói đầu tiên của Đặng là, hãy báo cáo tình hình một chút. Sau đó nói, trước tiên cần xác định rõ quan hệ chỉ huy, bộ đội lục, hải, không quân tham chiến do Hứa Thế Hữu, Tư lệnh quân khu Quảng Châu chỉ huy. Tiếp đó Đặng Tiểu Bình ra lệnh tác chiến bằng miệng. Sau khi các tham mưu tác chiến có ý kiến, ông sửa mấy chữ và mấy dấu câu cá biệt, hỏi những lãnh đạo khác có ý kiến khác hay không. Sau đó Đặng Tiểu Bình vung tay, nói quả đoán: “Gửi đi”. Và như vậy điện báo đã được gửi tới Quân khu Quảng Châu.

Được tin thắng trận, Đặng Tiểu Bình vứt đầu thuốc lá đã dụi nói, chúng ta đi ăn cơm thôi.

8 giờ 5 phút ngày 19/1 cuộc chiến bắt đầu, sau hơn một giờ nổ súng, trong 4 quân hạm Nam Việt Nam thì 1 chiếc bị trọng thương, hai chiếc bị nhẹ hơn một chút, lần lượt tháo chạy chỉ còn lại 1 chiếc. Chiếc này trên đưòng rút chạy bị quân hạm Trung Quốc bắn cháy rồi chìm.

14 giờ cùng ngày Cục Tác chiến nhận được tin chiến thắng. Đặng Tiểu Bình khẽ dụi điếu thuốc trên tay nói, chúng ta đi ăn cơm thôi! Trước khi rời khỏi phòng trực ban, Đặng Tiểu Bình gửi điện cho Quân khu Quảng Châu, xác định quyết tâm chiến đấu cuối cùng trong chỉ huy hải chiến Tây Sa: phát huy tác phong tốt đẹp tác chiến liên tục của quân đội ta, tiếp tục khuếch trương chiến quả, thu phục lại các đảo San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân đang bị quân xâm lược Nam Việt Nam chiếm đóng phi pháp.

13 giờ ngày 20/1/1974, 3 đảo nói trên được thu hồi toàn bộ, bắt đựoc 48 tù binh, trong đó có 1 sĩ quan liên lạc Mỹ. Ngày 27/2 Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố thả toàn bộ tù binh. Trong trận hải chiến này, phía Trung Quốc hy sinh 18 ngưòi

DDD

*Nguồn “baoguo. org” ngay 23/7/2009, mục “Trung Quốc cộng sản tân văn”

- Mong các vị thức giả Việt Nam trong ngoài nước cho biết những điều Trung Quốc nói trên có đúng sự thực lịch sử hay không? Người giới thiệu vô cùng biết ơn

Cần đầu tư một khoản kinh phí lớn để thu hút Việt kiều

Nguyễn Hữu Quý




Chùa Một Cột 1049 – Nơi còn hội tụ “Hồn thiêng sông núi”...


Khó có ai mà biết được chính xác rằng, hàng năm số tiền thất thoát do tham nhũng, lãng phí ở nước ta là bao nhiêu; nhưng nếu đặt nó trong môi trường “… bây giờ tìm được người gọi là ‘sạch sẽ’ một tí thì chắc là cũng khó, cũng hiếm”[1], như ý kiến của ĐB Nguyễn Chí Dũng tại một phiên họp trong ĐHXI vừa rồi; hoặc như trong bài phát biểu do ông Nông Đức Mạnh đọc tại buổi lễ khai mạc ĐHXI, ông nói: “… Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương” [2]…; trong môi trường như thế, nếu ta cứ tạm tính một cách khiêm tốn ước khoảng bằng 5% GDP, thì hàng năm nước ta mất đi khoảng 5 tỷ USD (khoảng 100.000 tỷ VNĐ); số tiền này bằng khoảng 2 lần chi phí quốc phòng; và “…bằng một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng/một năm, phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm gì một thế kỷ mới trả nợ được” [3] v.v.

Vài nội dung tóm lược như vậy để thấy rằng, đất nước ta không nghèo đói, lạc hậu… mới là chuyện lạ.

Nói một cách công tâm, nguyên nhân trên là do Đảng độc quyền lãnh đạo, và vì thế, triệt tiêu môi trường dân chủ, minh bạch…; và đến lúc này, niềm tin của nhân dân đối với Đảng xem như cũng đã hết; điều này không phải lãnh đạo Đảng không biết, nhưng hầu như đã vượt quá tầm kiểm soát ngay trong nội bộ Đảng (?!). Nghĩa là, những người cộng sản chân chính đã là thiểu số ngay trong tổ chức Đảng, không đủ mạnh để đưa ĐCSVN trở lại với sự tận tuỵ, hy sinh, dám xả thân vì đất nước… như những ngày đang còn hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Nếu như trước đây, bằng sự mẫu mực, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều nhân tài là Việt kiều, sẵn sàng bỏ cuộc sống xa hoa ở xứ người, về nước và đến với núi rừng Việt Bắc, và rồi cùng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” với bộ đội và nhân dân…; trong thiếu thốn như thế, vũ khí được tạo ra, thuốc sốt rét cũng được nghiên cứu để đáp ứng một phân cho chiến trường v.v. để cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày nay nghĩ lại, ta thấy tiếc cho Đảng, và trên tất cả là cho Đất nước; Và nếu đem so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng trong hoàn cảnh tương tự, ta lại càng xót xa, đau lòng.

Phải chăng, Đảng đã mắc quá nhiều sai lầm trên con đường đi của mình (?!). Tất cả là do thói ích kỷ, tham lam, cục bộ, si mê quyền lực… của một số cá nhân tại những thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử (?!).

Bài học của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thu hút hiền tài, mà trong đó có lực lượng Việt kiều, như ngày đầu nước nhà giành được độc lập, phải chăng như tiếng gọi của lịch sử, và rằng Đảng phải nhìn lại mình nếu như muốn đồng hành cùng dân tộc (?!).



Tổng Đốc Hoàng Diệu
như hàng triệu vong linh tiền nhân ngã xuống cho nước Việt trường tồn!

Về trí tuệ của người Việt, có lẽ chúng ta cũng không cần phải nói đến nữa; ấy thế mà, con gái phải đi lấy chồng xứ người “để làm kinh tế” cứu giúp gia đình, nhiều trai tráng phải đi khắp thế giới bán sức lao động nhằm cứu đời sống cha mẹ vợ con đang lâm tình cảnh đói khát cùng kiệt. Xã hội Việt Nam hôm nay đã phát minh ra từ “suy thoái về đạo đức”, liệu có còn gì tồi tệ hơn trong lương lai...? Đất nước đang phải bán tháo tài nguyên, hậu quả trước mắt thấy được là hủy hoại môi trường sống… để lo miếng ăn hàng ngày và tìm kiếm sự tăng trưởng…

Đất nước ta hôm nay đang như một gia đình nông thôn nghèo; mới lo được một phần gạo trong bữa ăn hàng ngày, phần còn lại là tương, cà, mắm, muối… muốn có ăn thì phải đôn đáo đi vay.

Tóm lại, VN hiện là một quốc gia đang đi vay để ăn; và vì vậy, vỡ nợ và “gán” nhà khi nào thì chưa biết (?!).

Không có lẽ hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng [cụ thể là BCT] không biết?

Vậy đâu là lối thoát?

Rõ ràng là, cho dù có “Biển bạc, rừng vàng” đi chăng nữa, thì cũng là quá ít và nhỏ nhoi… so với trí tuệ của toàn dân tộc; trong đó, trí thức Việt kiều với nhiều ưu thế ngay trong hiện tại phải được tính đến.

Vấn đề là, 14 vị Ủy viên BCT mới được bầu, các vị có thật sự vì Đất nước, vì Nhân dân để xoay chuyển lịch sử, có muốn thay đổi hay không?

Người viết bài này tin rằng, nếu trong mỗi vị còn lương tâm; phần “người” còn lớn hơn các phần khác, vốn là thuộc tính trong mỗi con người…, thì hoàn toàn có thể cứu rỗi được đất nước, dân tộc.

Đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, chúng ta hãy quên hết những lỗi lầm mà Đảng đã gây ra; hãy xem những mất mát về vật chất, tiền bạc do tham nhũng, lãng phí… trong suốt hơn 35 năm qua [kể từ ngày đất nước thống nhất], là do khoảng 1000 cơn bão, là thiên tai gây ra cuốn mang theo ra ngoài Biển Đông; không quy kết trách nhiệm cho bất kỳ một cá nhân nào; không đụng đến bất kỳ ai.

Nhân dân ta hãy nhẹ lòng, cho dù những mất mát trong suốt 35 năm qua; nó có thể là 30 tỷ, 50 tỷ USD hay bao nhiêu đi chăng nữa…, hãy xem như là quá khứ… không thể so sánh được với linh hồn của bao thế hệ đã ngã xuống trên đất nước này.



Nghĩa trang Trường Sơn - một trong hàng trăm nghĩa trang trên đất nước ta; những mất mát trong suốt 35 năm qua; nó có thể là 30 tỷ, 50 tỷ USD hay bao nhiêu đi chăng nữa…, hãy xem như là quá khứ… không thể so sánh được với linh hồn của bao thế hệ đã ngã xuống...!

Với một lòng vị tha vốn có của dân tộc, như đã từng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, tôi tin rằng nhân dân ta hoàn toàn chấp thuận điều tôi đặt ra [r trên như một tâm nguyện; trên cơ sở đó, BCT sẽ thay đổi toàn bộ hình thái nhà nước hiện nay; bắt đầu cho một xã hội dân chủ thực sự; để huy động toàn bộ trí tuệ dân tộc; trong đó, lực lượng trí thức là nòng cốt.

Riêng đối với trí thức là Việt kiều, cần đầu tư trước mắt là 4 trung tâm: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và TP HCM; tại mỗi nơi đầu tư những làng Việt Kiều, mà mô hình tương tự như khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Cách làm và làm như thế nào, chính lực lượng Việt kiều tham gia có ý kiến, giao cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài triển khai thực hiện.

Thiết nghĩ, nếu có đầu tư 4 trung tâm như đã nói trên, thì cũng chỉ khoảng 4-5 tỷ USD; bằng số tiền thất thoát trong một năm; đổi lại là hòa hợp dân tộc; bỏ qua tất cả sự thù hằn, là tiền để để nước nhà cất cánh, bay lên…

Nếu tôi là ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ nêu ra ý tưởng này đối với 13 vị còn lại; ông Nguyễn Phú Trọng và BCT khóa XI của Đảng CSVN mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, như một điểm son chói lọi!

Các vị vẫn ngồi tại vị để điều hành; toàn bộ bộ máy hành chính cấp Trung ương phải vận hành tối đa, trước mắt là thay đổi Hiến pháp. Sau khi Hiến pháp được thông qua, mọi việc dựa trên Hiến pháp mới để vận hành…

Tôi nghĩ rằng, nếu làm được điều này thì những người có tuổi Đảng từ 50 trở lên hiện đang còn sống, trước khi nhắm mắt cũng thật mãn nguyện; bởi một đời cống hiến không phải là vô nghĩa….

Không biết tôi có quá hoang tưởng không nhỉ?

Tôi viết ra suy nghĩ của mình, vì tôi tin vong linh bao tiền nhân đã ngã xuống cho nước Việt trường tồn; và bởi “Hồn thiêng sông núi” như đang vọng về nơi đất Thăng Long lịch sử, sau Đại hội Đảng!

21.01.2011

NHQ

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Hai tin về đường sắt cao tốc

Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc đến Singapore qua Việt Nam


Thụy My


Bạn đọc hãy đọc kỹ bài báo này và tự mình ngẫm nghĩ một chút thì sẽ hiểu ra ngay vì sao Quốc hội chúng ta mới bác bỏ kế hoạch viển vông Đường sắt cao tốc hồi cuối năm ngoái làm nức lòng toàn dân, vậy mà chỉ đến đầu năm nay, mặc những cảnh báo khủng khiếp như vụ Vinashin (mà lẽ ra ông Thủ tướng đã phải chịu hình thức bỏ phiếu tín nhiệm, nếu chính quyền thực sự do dân vì dân), Bộ GT&VT vẫn cố đấm ăn xôi, cố vẽ ra bản kế hoạch xây dựng tiếp đường sắt cao tốc ở Việt Nam để chuẩn bị trình lên Chính phủ cho bằng được. Đã có cái “vỗ vai” của ai đó thì từ trên xuống dưới đố mà dám ho he phản đối, đành là bấm bụng vay tiền mà làm vậy thôi.

Bạn cũng hãy đọc kỹ bài viết về thực trạng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc hiện tại do tờ báo lề phải chúng ta vừa mới đăng nóng hổi mà chúng tôi đưa tiếp bên dưới, để thử ngẫm xem, tự mình sung vào trường phái đi tắt đón đầu “Đường sắt cao tốc” có phải là một chú ếch phình bụng để làm con bò hay không, trong khi dân đang đói la liệt, miền Trung vừa qua những trận lũ lụt kinh người?


Bauxite Việt Nam




Tàu cao tốc Trung Quốc. Nguồn: wikipedia

Theo tờ China Daily, Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường này có tổng chi phí trên 3 tỉ đô la, sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam. Dư luận cho rằng mục đích của Bắc Kinh là để duy trì vị trí thống lĩnh trong khu vực, giành ảnh hưởng với Tokyo.

Trong giai đoạn đầu tiên sẽ được khởi công từ giữa năm 2011, tuyến đường này sẽ nối thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây với thành phố Bình Hương của tỉnh Giang Tây, ở gần biên giới Trung – Việt. Tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Ủy ban Cải cách Phát triển cho biết, tuyến đường sắt cao tốc trên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Giám đốc Sở Giao thông Nam Ninh nói rằng, tuyến đường sắt cao tốc chạy đến Singapore ngang qua Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore. Hành lang này bắt đầu từ Nam Ninh của Quảng Tây, chạy qua thủ đô Hà Nội của Việt Nam, sang Vientiane (Lào), Phnom Penh (Cam Bốt), Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) trước khi đến Singapore. Cũng theo tờ China Daily, như vậy Quảng Tây sẽ trở thành trung tâm buôn bán của toàn khu vực với ASEAN, là khối đối tác thương mại lớn nhất.

Tờ báo trên mạng FastCompany nhận định, Bắc Kinh loan báo tin xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vào thời điểm Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam. Điều này làm người ta phải đánh một dấu hỏi, vì sao dấu nhấn được đặt vào một tỉnh giáp biên giới với Việt Nam? Tờ báo cho rằng, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc hôm thứ Hai, rõ ràng là Trung Quốc muốn duy trì vị trí thống lĩnh của mình trong khu vực, cho dù không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

T.M

Nguồn: RFI

Trung Quốc đang “trả giá” cho đường sắt cao tốc

SGTT.VN - Với 8.358km, Trung Quốc đã có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới và đến năm tới, con số đó sẽ được mở rộng lên 13.000km.

Song, việc đầu tư rầm rộ hàng loạt tuyến đường sắt cao tốc tại Trung Quốc đang gây nên nghịch lý đường sắt thì quá tải trong khi các tàu cao tốc vẫn vắng khách.



Một vé giường nằm tàu cao tốc tuyến Thượng Hải - Thành Đô lên tới 2.330 Nhân dân tệ, hơn gấp đôi giá vé máy bay cho hành trình tương tự. Ảnh: TL Internet

TTXVN dẫn nguồn báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hongkong ngày 20.1 đăng bài bình luận cho rằng ở thời điểm cuối năm trước Tết Nguyên đán như lúc này, mạng lưới đường sắt Trung Quốc đang trở nên quá tải với nhu cầu đi lại lên tới khoảng 6 triệu lượt người/ngày.

Đáng lẽ, đây là lúc hệ thống được giảm bớt sức ép với hàng loạt tuyến đường sắt cao tốc được xây dựng nhanh chóng trong vài năm qua, nhưng dường như tình hình lại diễn ra ngược lại.

Mỗi năm, Bộ Đường sắt Trung Quốc đầu tư khoảng 700 tỷ Nhân dân tệ cho việc mua mới các tàu và mở rộng thêm hàng nghìn km đường ray. Vấn đề là thay vì giúp giao thông của người dân thuận tiện hơn trước thì việc đầu tư rầm rộ đó lại tạo ra nhiều trở ngại hơn.

Trung Quốc đang đặt cược quá nhiều vào đường sắt cao tốc. Với 8.358km, quốc gia này đã có mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới và đến năm tới, con số đó sẽ được mở rộng lên 13.000km. Tuyến mới nhất được công bố trong tháng này là Quảng Châu-Chu Hải, trong khi tuyến dài nhất thế giới nối Bắc Kinh-Thượng Hải sẽ đi vào hoạt động từ tháng Sáu.

Ngoài ra, năm 2011 cũng sẽ chứng kiến sự khởi công của ít nhất là 15 tuyến đường sắt cao tốc khác ở Trung Quốc.

Trong khi đường sắt cao tốc giúp rút ngắn thời gian hành trình, việc xây dựng, bảo dưỡng và hoạt động của nó lại rất tốn kém. Điều đó có nghĩa là giá vé đường sắt cao tốc sẽ cao hơn nhiều so với đường sắt thông thường.

Nhiều người Trung Quốc băn khoăn tại sao một quốc gia đang phát triển lại chuyển mạng lưới đường sắt của mình thành một hệ thống mà hầu như người dân bình thường không kham nổi chi phí.

Một minh họa là giá vé tuyến đường sắt cao tốc Vũ Hán-Quảng Châu lên đến 490 Nhân dân tệ loại hạng hai và tuyến này nhanh chóng bị gọi là “đường sắt cao cấp” kể từ khi đi vào hoạt động tháng 12.2009. Trong khi đó, một vé giường nằm tuyến Thượng Hải-Thành Đô lên tới 2.330 Nhân dân tệ, hơn gấp đôi giá vé máy bay cho hành trình tương tự.

Vì thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tuyến đường sắt cao tốc đang chạy với một nửa số ghế trống. Điều đáng nói là vì chúng được đưa vào hoạt động nên số lượng các tàu thông thường buộc phải giảm.

Đầu tháng 1.2011, Bộ Đường sắt Trung Quốc thừa nhận sẽ có ít dịch vụ đường sắt thông thường hơn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Giờ đây, những lao động ngoại tỉnh và sinh viên – lượng khách chính trong dịp nghỉ lễ – phải đối mặt với vô số khó khăn nếu muốn có tấm vé về thăm nhà. Họ buộc phải chuyển sang lựa chọn các xe buýt đường dài, chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, với việc số lượng xe buýt tăng mạnh đáp ứng nhu cầu đó, vấn nạn ùn tắc giao thông ở Trung Quốc càng thêm trầm trọng.

Việc thiếu vắng hành khách cho những tuyến đường sắt cao tốc đã làm nảy sinh câu hỏi về khả năng sinh lợi của chúng. Được cấp vốn gần như toàn bộ bởi các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh, hàng trăm tỷ Nhân dân tệ đang bị kẹt trong các khoản vay nợ đường sắt. Cho đến giờ, chưa một tuyến cao tốc nào hòa vốn.

Ví dụ, tuyến Bắc Kinh-Thiên Tân cần bán 30 triệu vé/năm mới giải quyết được các chi phí. Đây là tuyến ở khu vực có mức thu nhập cao bậc nhất Trung Quốc.

An toàn cũng là một lo ngại lớn. Để có được nền móng vững chắc đặt các đường ray mà trên đó tàu chạy với tốc độ tới 350 km/giờ, cần phải trộn “tro bay” chất lượng cao vào bêtông. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể sản xuất đủ lượng “tro bay” đạt yêu cầu này cho việc xây dựng hàng nghìn km đường sắt cao tốc mỗi năm.

Điều không tránh khỏi là phải sử dụng “tro bay” chất lượng thấp, như vậy các đường ray đáng lẽ có tuổi thọ 100 năm thì nay tuổi thọ bị giảm một nửa.

Một khía cạnh nữa là thực tế có tới 50% mạng lưới đường sắt cao tốc đang được dùng để chuyên chở hàng hóa, chủ yếu là than phục vụ nhu cầu nhiên liệu của các thành phố, ngành công nghiệp. Có lẽ hợp lý hơn cho việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đắt đỏ là xây dựng nhiều tuyến đường sắt thông thường chuyên vận chuyển hàng hóa.

Ở Trung Quốc hiện đang có tâm lý lo ngại rằng nếu không được điều chỉnh hợp lý, thay vì tiến tới một kỷ nguyên mới của giao thông, mạng lưới cao tốc Bắc Kinh lại là “ga cuối” cho ngành đường sắt của nước này.

PV (tổng hợp)

Nguồn: SGTT

Hai tin tức về hải tặc

Trông người lại ngẫm đến ta,

Một dày một mỏng biết là có nên.

Nguyễn Du

Hàn Quốc diệt hải tặc, cứu thủy thủ

Đặc nhiệm Hàn Quốc xông lên con tàu mà cướp biển Somalia khống chế trên Ấn Độ Dương hôm nay, tiêu diệt 8 tên hải tặc và giải cứu toàn bộ thủy thủ.


Tàu Samho Jewelry của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

"Lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đã đột kích tàu Samho Jewelry và giải thoát tất cả các con tin", AFP dẫn lời phát ngôn viên liên quân Hàn Quốc Lee Bung-Woo cho hay.

Ông cũng nói thêm rằng 8 tên cướp biển bị tiêu diệt và mọi thủy thủ được xác nhận là còn sống. Vụ giải cứu diễn ra ở địa điểm cách bờ biển Somalia khoảng 1.300 km về phía Đông Bắc. Thuyền trưởng tàu Samho Jewelry bị thương vào bụng trong cuộc giải cứu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Tàu chở hóa chất có trọng tải 11.500 tấn bị khống chế và 21 thủy thủ bị bắt làm con tin hôm 15/1 khi trên đường từ Sri Lanka tới Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

Ngay sau đó, Seoul cử khu trục hạm Choi Young đang tuần tra ở vùng vịnh Aden đi lùng hải tặc. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak yêu cầu dùng "mọi biện pháp có thể" để giải cứu 21 thủy thủ trên tàu Samho Jewelry.

Thủy thủ đoàn gồm 8 người Hàn Quốc, 11 người Myanmar, 2 người Indonesia. Tàu Samho Jewelry thuộc quyền sở hữu của Công ty Samho Shipping.

Trước đó hai tháng, tàu chở dầu Samho Dream của cùng công ty nói trên đã được cướp biển Somali phóng thích sau 7 tháng bắt giam. Những tên cướp biển tuyên bố chúng đã thu được khoản tiền chuộc kỷ lục là 9,5 triệu USD để đổi lấy con tàu chở dầu siêu trọng này.

Ngọc Sơn

Nguồn: Vnexpress

Hải tặc bắt tàu của Việt Nam

Hải tặc Somalia hôm qua đã bắt giữ một tàu chở hàng của Việt Nam cùng 24 thủy thủ.



Hải tặc Somalia. Ảnh: Press TV.

Lực lượng chống hải tặc của Liên minh châu Âu hôm qua cho biết con tàu MV Hoang Son Sun, trọng tải 23.000 tấn, bị bắt khi cách cảng của Oman 836 km về phía Đông Nam, trên Ấn Độ Dương. Thông báo cũng cho biết tàu do người Việt làm chủ, cắm cờ Mông Cổ, và không đăng ký với cơ quan chống hải tặc vùng Sừng châu Phi.

Hiện thông tin về quốc tịch của các thủy thủ khác nhau. Press TV không nói rõ liệu có phải toàn bộ 24 thủy thủ là người Việt hay không. Tuy nhiên đài phát thanh Mỹ VOA, dẫn tin của lực lượng chống hải tặc châu Âu, nói rằng toàn bộ số người bị bắt cùng tàu là người Việt.

Vùng biển ngoài khơi Somalia ở Ấn Độ Dương được cho là vô cùng nguy hiểm do số lượng các vụ tấn công của hải tặc trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, vịnh Aden, nối Ấn Độ Dương với kênh đào Suez và biển Địa Trung Hải, là tuyến đường vận chuyển hàng hải nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới.

Hồi tháng 11, Liên Hợp Quốc cho biết cướp biển Somalia hoạt động với tần suất nhiều hơn, bạo lực hơn và phạm vi lớn hơn. Hiện có 30 tàu và hơn 700 thủy thủ bị bắt giữ làm con tin ở Somalia.
Somalia vẫn chưa có chính phủ hoạt động hiệu quả. Chính quyền lâm thời không có nhiều ảnh hưởng ở thủ đô Mogadishu.

Tháng trước, một nhóm thủy thủ Việt Nam cùng với các bạn nghề khác cũng bị hải tặc bắt giữ khi chúng tấn công một tàu cá của Đài Loan trên Ấn Độ Dương.

Mai Trang

Nguồn: Vnexpress