Tiếng Gào Trong Đêm
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Nhung
Dưới đây là một truyện ngắn giá trị của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Nhung, mô tả những diễn biến rùng rợn của một chuyến vượt biên, trong đó tác giả là nạn nhân. Truyện được viết dưới dạng tự thuật, nên lôi cuốn từ đầu đến cuối, khiến người đọc vô cùng hồi hộp, như được sống lại những kỷ niệm hãi hùng của ngày xưa vượt biên.
Ghe chòng chành giữa dòng nước, tôi sợ hãi ngồi bám chặt mạn thuyền, mắt láo liên nhìn trời đêm sáng lờ mờ ánh trăng mười chín. Chúng tôi ngồi dồn đống trong khoang thuyền. Hai tên đàn ông to người chèo ghe gõ nhẹ trên mui báo hiệu đã đến nơi tạm an toàn, chúng tôi có thể cử động đôi chút. Người chèo mũi vén tấm lá che mui nhìn vào.
"Bây giờ mình phải đi bộ một khoảng, tui dẫn hai người một lần. Chia ra để khỏi lộ. Mấy người khác cứ ngồi đợi đến phiên, nhớ đừng nói chuyện lớn tiếng."
Hắn dẫn hai người đàn bà ngồi sát cửa mui đi trước. Cả đám ngồi đợi ẩn nhẫn. Tim tôi chưa hết hồi hộp đập thình thịch thể như bất cứ người nào ngồi gần cũng đều có thể nghe được nhịp ấy. Phong nắm tay tôi. Tay Phong đẫm mồ hôi và lạnh. Tôi phải ngồi bệt và khom lưng, hai đầu gối co đụng cằm, gọn lỏn trong lòng Phong. Khoang ghe quá chật cho mười người ngồi lèn nhau, phía ngoài còn tấn mấy buồng chuối mùi nhựa nồng chát. Bên trái tôi, cha mẹ Phong dúi sát nhau. Một bé trai độ bốn, năm tuổi, bị uống thuốc ngủ, nằm im lìm trong lòng cha nó. Bà vợ ngồi kế bên, chân trái đạp chân tôi nhưng hình như bà không biết và tôi cũng không thể dời chân đi nơi khác. Đành chịu. Người con gái ngồi kế có lẽ là em gái bà, mặc bà ba đen như gái quê, mặt từa tựa nét.
Khí trời đêm hơi lạnh nhưng bên trong khoang, nóng hầm hơi người. Hình như cái nóng hậm hực ấy tăng gấp bội vì trộn lẫn với nỗi căng thẳng bập bùng ngập ngụa không gian. Tôi lén nhìn đồng hồ giấu trong ngực áo. Khoảng 2g15 sáng. Tôi thì thầm nơi tai Phong "Hơn hai giờ sáng rồi anh." Phong gật nhẹ đầu. Người đàn ông chèo lái ngồi im như pho tượng. Đôi khi ánh mắt của hắn lấp lánh nhẹ dưới ánh trăng khi chớp. Cái mũi dài mang nét khoằm khiến mặt hắn lộ đầy vẻ gian ác nhưng nụ cười nở rộng với hàm răng thưa làm giảm bớt ấn tượng xấu nơi người đối diện. Hắn mặc áo bà ba đen, tay áo xắn quá cùi chỏ.
Người đàn ông đưa hai người đàn bà lội bộ băng qua hàng cây thấp trở lại. Hơi thở của hắn nóng hôi hổi phà ngay mặt tôi khi thò đầu vào khoang kêu người đàn ông ẵm đứa con ngủ mê mệt. Người chồng bò ra đằng lái, vác đứa bé trên vai như vác bị gạo mò mẫm bước lên bờ. Vấp phải vật gì trên bờ đất, ông chúi nhủi suýt té, tay cố giữ thằng bé, người lảo đảo bước quàng xiên lòm khòm rồi mới đứng thẳng lên được.
Tên đàn ông dẫn đường mặc áo sơ mi màu nâu đen, quần tây nhàu nát ống nhỏ túm hơi ngắn trên mắt cá, có chỗ sờn, đôi dép mỏng. Hắn ta tương đối trông được hơn người ngồi lái. Với nước da tái, môi thâm vì thuốc lá nhưng lại vẽ nên một nụ cười thật đẹp với lúm đồng tiền bên trái, kẽ răng đóng nhựa thuốc. Đôi mắt mí to với hàng mi rậm, duy có ánh mắt của hắn là không thẳng thắn, còn ngoài ra hắn dễ dàng lấy cảm tình của người xa lạ với giọng nói trầm và chậm.
Tôi và Phong chưa bao giờ gặp hai người đàn ông này. Chuyến đi này chúng tôi qua trung gian bởi người bạn thân giới thiệu. Người bạn đó đã đến Mã Lai an toàn, chính vì vậy mà tôi và Phong mới tin tưởng nơi người trung gian này. Hơn nữa, chuyến đi có cả gia đình người thân gì đó của người trung gian cùng đi, như vậy thì không có gì để chúng tôi lo ngại. Thường là chắc ăn, người trung gian mới dẫn gia đình đi sau khi đã mối lái nhiều lần có vàng có tiền làm của hoặc manh mối bắt đầu bị lộ. Ba mẹ Phong và tôi phải xuống Cần Thơ, giả đi thăm bà con. Tôi mặc hai bộ đồ trên người, giấu theo ít vàng và nữ trang. Phong mặc quần áo nhăn nhíu không ủi. Mẹ Phong thì mặc bà ba quần thâm. Ba Phong thì vận đồ rách, vá chùm vá đụp mấy chỗ, chân mang dép rách quai cột nối bằng cọng kẽm. Tất nhiên là không dễ gì qua mắt người miệt quê đó nhưng hình như họ cảm thông (hay tội nghiệp) trước sự trá hình không mấy chỉnh nên tôi thường bắt gặp ánh mắt ái ngại nhìn mà không dám hỏi vài lần suốt đường đi.
Đến nơi, cả bốn được dẫn đến một căn nhà nằm dựa mé sông chờ đến tối mới xuống ghe nhỏ theo sông ra cửa biển nơi có ghe lớn đợi sẵn. Trong nhà có độ hơn mười người khác đợi sẵn khi chúng tôi đến rồi chia nhóm theo ghe. Tôi dặn Phong tìm cách đi chung với người trung gian, bảo đảm hơn. Phong gật nhưng gia đình người đó cả thảy là tám, thêm hai người thì vừa đủ cho một chuyến. Nhưng tôi lẫn Phong đều không muốn đi tẻ riêng thành ra đành phải chờ chuyến chót, mười người, hơn mười giờ tối.
Thoạt đầu, ngồi chen chúc trong khoang, tôi muốn ngộp thở với hơi người và mùi bùn non lẫn mùi nước đọng hôi hám nơi đáy ghe. Hai người chèo bắt chúng tôi khom lưng gần như nằm mọp xuống, tấn bên ngoài dằn bên trên, mấy buồng chuối xanh ngắt sau khi đậy bao bố tời dơ bẩn lên đầu mọi người. Đường đi may mắn yên tĩnh không có chuyện gì xảy ra tuy rất chậm và kéo dài như không bao giờ đến nơi.
Người đàn ông dẫn đường trở lại, kêu bà vợ và cô em gái của bà cùng đi. Tôi chợt ngửi phải mùi nồng tanh tưởi nơi áo hắn khi hắn nghiêng người khều vai bà vợ. Bỗng dưng tôi nghe lợm giọng không hiểu tại sao. Cái mùi thật lạ lùng. Bóng tối trong khoang không cho phép tôi nhìn rõ mặt hắn. Mùi tanh đến lạ. Hơi thở của hắn cũng nặng nề hơn. Tôi thì thào với Phong sau khi hắn đã đi.
"Anh có nghe mùi gì không?"
"Không. Mùi gì?"
"Có mùi tanh tanh kỳ lắm... "
Phong bâng quơ qua chuyện.
Mùi bùn đó mà."
Cũng khá lâu người đàn ông dẫn đường mới trở lại. Có thể hắn đi không lâu lắm nhưng khi chờ đợi thì năm ba phút dễ biến thành năm ba giờ. Chỉ còn bốn người trong khoang. Hai tên đàn ông bàn tính nho nhỏ trên bờ. Tôi bỗng nghe gai ốc nổi đầy người. Tôi nắm chặt tay Phong. Mồ hôi tươm ướt lưng. Người đàn ông đẹp trai kêu chúng tôi ra khỏi khoang. Hắn nói, giọng khoan thai.
"Bây giờ tui dẫn ông bà đi, hai người một. Để khỏi mất thì giờ, hai người đi với anh Ban, hai người đi với tui. Tụi tui đi hai đường nhưng đường nào cũng dẫn tới chỗ ghe lớn. Đi đông nhiều tiếng động dễ bị lộ. "
Rồi không đợi phản ứng của người nào hết, hắn hất hàm người mũi khoằm tên Ban, đẩy cha mẹ Phong về phía đó. Quay nhìn hai đứa tôi, hắn cười, hàm răng lởn nhởn dưới ánh trăng, bóng đen lúm đồng tiền nổi rõ trên má, rồi hắn quay lui bắt đầu đi về phía rừng cây thấp. Phong nắm tay tôi đi theo hắn. Rừng cây tối mờ dù là rừng thưa, bóng lá đen ngòm trên đường lồi lõm. Tôi vấp té loạng choạng nhiều lần, đi chậm hẳn lại.
Chợt một nhánh cây đập vào mặt đau điếng, tôi khựng lại, giằng tay khỏi tay Phong rồi đỡ nhánh cây cúi người lom khom. Bỗng dưng, tôi nghe thấy... không chắc mình nghe đúng, nhưng tứ chi chai cứng. Thứ âm thanh nhọn như tiếng mèo gào giữa khuya. Tim tôi đập nhịp cuồng. Tôi quờ quạng tìm tay Phong. Chàng đứng sát tôi, chợt tôi cảm thấy cả người mệt mỏi và thỏng dài. Người đàn ông dẫn đường quay nhìn hai đứa tôi. Bóng tối mờ nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt kỳ lạ của hắn. Bỗng nhiên nỗi sợ hãi ùa tới tràn ngập người tôi với sự im lặng kỳ lạ của người dẫn đường không thúc hối khi thấy chúng tôi khựng lại. Hắn không hề kêu chúng tôi nhanh bước. Thời gian đứng khựng và cả ba đứng im như chờ đợi phản ứng của nhau. Chợt Phong kéo ngược tay tôi chạy trở lại hướng vừa rời đi lúc nãy. Tôi chạy cuống cuồng theo tay kéo mù loà. Rừng cây như mê hồn trận, chúng tôi chạy bất kể mọi thứ.
Rồi cả hai cũng trở lại được bờ sông nơi ghe cặp bến. Người đàn ông tên Ban đang cúi khom lục lọi chi nơi bóng đen nằm im bên chân hắn. Tôi đứng sựng kêu không ra tiếng. Miệng lưỡi dính thành một khối nghèn nghẹn. Bóng đen dưới chân hắn là mẹ Phong, nửa trên loã thể, tư thế co quắp, mặt úp xuống bùn. Ban hình như cũng không ngờ sự có mặt của tôi và Phong. Hắn đờ người, tay còn cầm sợi dây chuyền vàng lòng thòng. Trong khoảnh khắc chúng tôi nhìn hắn, nhìn cái búa bửa củi vất bên chân. Tôi không thấy máu vì bóng đêm làm nhoè bẩn mọi thứ. Nỗi sợ hãi dâng lấp trí óc. Ý nghĩ lướt thật nhanh trong đầu. Tôi đã hiểu tại sao chúng muốn dẫn từng hai người một. Tôi sực nhớ đến người dẫn đường. Đầu óc hoảng sợ nhưng vẫn còn sáng suốt để nghe rõ tiếng chân chạy đuổi và tiếng la của hắn đâu đó "Ê Ban, coi chừng tụi nó chạy. Ban! Ban! Tụi nó chạy rồi!" Phong vụt chạy về chỗ neo ghe. Tôi chạy theo tay níu của Phong đến sát mé nước, chân vấp vật gì. Tôi ré lên như đạp phải giòi. Nhìn xuống, ba Phong nằm nửa người vùi dưới nước. Phong khựng lại vì tiếng la của tôi rồi đẩy tôi ra sông. Tôi sặc sục, nước mới ngang ngực. Phong hét vào tai tôi.
"Lội mau lên, lội ra giữa sông."
Tôi bơi hối hả, tay chân nặng chình chịch vì hai bộ đồ ướt nước. Tôi quay cuồng tứ phía, không rõ mình bơi về hướng nào mới đúng. Tiếng người la hét sau lưng nghe chói tai đến độ hãi hùng. Một tràng đạn bắn vãi quanh tôi và Phong. Chàng đè đầu tôi ngụp xuống nước. Không mấy lâu, tôi ngộp thở hất tay Phong trồi lên hớp không khí. Súng nổ liên hồi như sát mang tai. Tôi luýnh quýnh đập tay chân loạn xạ, chưa đầy mấy phút đã mệt lả. Tôi càng ráng trồi lên chừng nào thì lại càng chìm xuống nhanh chừng nấy. Tôi lặn hụp lên xuống như người sắp chết đuối. Có lẽ nhờ vậy mà tôi tránh được đạn bắn xối xả chung quanh. Phong khi lặn kéo tôi hụp xuống, khi nổi đẩy tôi trùi tới. Tôi bơi tới tấp với cảm tưởng mình nổi ì một chỗ. Đầu óc tôi rối loạn nhưng hình như vẫn tỉnh táo, rất tỉnh táo để thấy ánh trăng mờ trên cao, cây cối đứng im nơi bờ, bóng nước lấp lánh quanh mình, hơi thở hào hễn, cơn mệt muốn đứt hơi và mấy bóng đen trên bờ với loạt đạn dữ dội. Tôi bơi như máy, hơi thở dần ngắn với nước tuôn vào mũi mồm sặc sục. Biết mình không đủ sức, tôi thả ngửa để Phong vịn vai đẩy đi. Hình như chúng tôi đã ra được giữa sông. Tôi nhìn vào bờ, chỉ thấy dạng cái ghe, hai bóng đen tàn ác nhoè lẫn trong bóng đêm nhưng ánh lửa nháng với tiếng nổ vẫn hiện hữu. Tôi đạp chân phụ sức với Phong, mắt nhìn thẳng lên lòng đêm có trăng sao đầy đủ. Trời đất có đó nhưng hình như bịt tai im lặng trước hành động dã man. Tôi nhẩm cầu những đấng tối cao mà tôi có thể nghĩ đến trong nhịp tim hỗn loạn.
Tiếng súng bỗng im. Sự im lặng hãi hùng đè chụp lấy tôi. Tiếng đập nước vùng vẫy của chúng tôi bỗng trở thành tiếng động duy nhất rõ mồn một trong đêm. Tôi lật sấp người lại tiếp tục bơi, bờ bên kia vẫn còn xa thăm thẳm. Có bơi mới thấy con sông không nhỏ như tôi tưởng khi còn ngồi trên ghe. Phong nhìn lại rồi nói qua hơi thở đứt quãng.
Trang 2 của 2
"Tụi nó chèo theo... bơi lẹ... lên em... May ra mình... thoát."
Câu nói của Phong lại được đệm bằng tiếng súng nhưng rời rạc hơn lúc nãy. Tôi muốn bịt tai để đừng nghe thứ âm thanh dữ dằn chở đầy gai nhọn đâm thẳng tim óc. Tôi nhìn lui, không hiểu sao trong lúc bấn loạn, trí óc vẫn tiếp tục có lúc minh mẫn để thấu suốt những thứ không dính dáng gì hết, quanh mình. Chiếc ghe trôi lừ lừ ra giữa sông thật nhanh. Lửa đỏ loé quanh. Tôi nghe được tiếng giầm quậy nước lẫn với tiếng súng mỗi lúc thưa hơn. Tiếng lủm chủm của đạn rơi không còn nghe gần đâu đây nữa mà vạt xa xa về phía bờ bên phải. Phong kề tai thì thào.
"Tụi nó không thấy mình. Em bơi nhẹ dưới nước trôi lần vào bờ, đừng gây tiếng động mạnh. Khi tụi nó bắn thì mình bơi nhanh hơn một chút."
Đám lục bình nhẩn nha trôi đâu đó làm hai tên đàn ông lầm lẫn. Chúng la hét lẫn nhau.
"Mày bắn lục bình không hà, Ban! Ê. Đ.m. tụi nó trôi hướng này sao mày cứ bắn hướng đó hoài vậy? Đ.m. giết có hai đứa mà cũng không xong, biết làm gì ăn đây mậy?"
"Câm cái miệng của mày lại. Đứa nào để xẩy? Hả? Mẹ cha nó, tao bắn đúng chỗ, chắc tụi nó chìm rồi. Không tin thì thôi. Đ.m, bỏ cho rồi. Sống chết kệ mẹ tụi nó. Về cho xong, trời gần sáng rồi, làm cả đêm, mệt chết mẹ!"
Mọi thứ vụt im. Không có tiếng chèo lẫn tiếng chửi thề. Tay Phong nắm cứng vai tôi trong khoảnh khắc rồi buông. Tôi chúi đầu sát mặt nước, tay chân cố khuẫy thật nhẹ nhưng vẫn mang cảm tưởng nặng chịt lào xào khuyấy nước. Im lặng nặng như tấm màn sũng nước phủ đè lên tâm trí. Tim tôi đập rối rít, mạch máu nhảy theo nhịp tim hào hễn, tai tôi nghe được tiếng bình bịch của tim mình tưởng như ai cũng đều nghe ra. Chợt có người dúi chân tôi xuống. Tôi hơi giật mình khi chân đạp phải lớp sình mềm. Phong đứng, mặt ngửa chừa mũi thở, cả đầu dìm gần hết dưới nước. Tôi bắt chước Phong, đỡ mệt vì chân chạm đáy sông nhưng phải đổi chân chống vì lớp sình mềm khiến chân chuồi nghiêng không vững. Được một lát, tôi ngẩng nhìn vừa lúc bóng đen nơi ghe lên tiếng.
"Đằng kia kìa. Đó. Đ...đ... tụi nó vừa hụp xuống. Chỗ này nè. Mày bắn chỗ đó coi."
Phong nắm tay tôi kéo hụp xuống nước. Nghe được câu nói của người trên ghe nên tôi kịp chuẩn bị để hít một hơi không đến nỗi chịu ngộp lâu. Đạn bắn tung toé sát nơi tôi đứng. Phong dò dẫm bước đi dưới nước. Tôi bước theo mò mẫm, chân đạp sình loạng choạng nhằm nơi trũng sâu làm tôi hốt hoảng bíu chặt tay Phong. Miệng há ra bất ngờ khiến nước ùa vào mồm, tôi ngột ngạt trồi đầu lên thở. Trước mặt, đám lục bình kẹt nhánh cây chết dồn đống bên bờ. Tôi truồi sâu vào đám lá, chỗ nước cạn ngang bụng nên ngồi chồm hỗm dưới nước. Bóng ghe đi ngang thật rõ. Tiếng nói chuyện vang vang.
"Kệ mẹ tụi nó, về cho rồi. Mày cất đồ chưa?"
Giọng trầm khoan thai trả lời như không bị ảnh hưởng chi hết với hỗn loạn máu me vừa rồi.
Rồi, hỏi hoài! Xét hết mấy cái thây rồi. Trừ khi nào họ nuốt vô bụng thì tao chịu chớ... Ờ, hay là mình quay lại mổ mấy cái thây đàn bà. Tụi nó có khi nuốt hột xoàn..."
Giọng kia bẳn gắt hơn. "Sao hồi nãy hổng nói? Mẹ nó. Xì. Đ.m, gì cũng mày. Đợi xong rồi mới nói. Xẩy hết hai đứa... Gần sáng rồi, mổ miết gì nữa. Đ. m.."
Tiếng nói nhỏ dần theo dạng ghe loãng dần trong đêm tối. Phong đứng dậy, lần mò trượt lên trượt xuống với lớp sình nơi bờ rồi mò lên bờ đất. Tôi đạp sình nhão nhoẹt len chảy qua mấy kẽ chân, theo Phong lên chỗ có đất cứng. Bờ đất đầy rễ chằng chịt của thân cây chết, không rõ cây gì. Tôi lại vấp chân đau điếng nhưng cơn đau không đủ nồng độ để tôi nhận biết lâu hơn. Ngồi bệt xuống, tôi lần mò ngực áo tìm đồng hồ. Ánh lân tinh mờ ảo. 4g20 sáng. Tôi nói với Phong, hơi khựng lại khi nhận ra mình lạc giọng.
"Gần bốn rưỡi rồi anh. Giờ tính sao đây?"
Phong cởi áo vắt nước không trả lời. Tôi cởi bớt một bộ đồ bên ngoài cố vắt cho ráo rồi phơi đại trên mấy nhánh cây gần đó. Hơi lạnh thấm qua lần áo ướt còn lại trên người khiến tôi nổi ốc. Cả người tôi run từng cơn theo phản xạ cơ thể. Tôi ngồi bó gối, hai tay ôm chân co ro. Phong choàng tay qua vai tôi cho ấm. Hai đứa chúi vào nhau. Trí óc tôi dần dần tỉnh và tôi cố tránh không nghĩ đến những gì vừa xảy ra.
Rừng cây thưa thớt không một bóng nhà hay bóng đèn. Sao thật sáng và thật nhiều. Tiếng ếch nhái ễnh ương đâu đó nổi lên thật bình yên như không có chuyện gì xảy ra. Nước mắt tôi rơi chầm chậm nhiểu trên tay mới hay. Cơn sợ hãi lắng xuống, giờ chỉ còn lạc lõng khốn cùng sau cơn bão tàn khốc. Tôi mang cảm tưởng vừa rỗng không vừa đầy ắp đến độ muốn nôn. Không biết tôi nên nói gì, làm gì. Sau con giông tàn bạo, sực thấy mình không là gì cả, tay chân dư thừa, đầu óc đầy rẫy những hình ảnh chết chóc và cảm tưởng mình rất mỏng manh dễ bị xúc phạm thì lấp đầy cả người.
Giọt nước mắt đầu rơi xuống, khơi dậy trùng dương trong tôi. Tôi khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Trí óc lần mò trở lại xác người vấp phải nơi mé nước, sợi dây chuyền vàng đong đưa nơi tay gã đàn ông cúi mình trên cái xác trần. Hoá ra, tim tôi hụt nhịp, những người chung ghe đã chết. Tôi nhớ đứa bé trai ngủ mê vì thuốc. Cô gái trẻ thì thầm với tôi "Bồ em ở Texas. Ảnh hứa sẽ đón khi em tới đảo. Mấy năm rồi em chỉ đợi có dịp này. Tưởng sẽ không bao giờ gặp rồi chứ. " Giọng cười khẽ vui sướng đầy hy vọng của cô. Giờ thì thật là không bao giờ gặp. Tôi gục đầu ủ rũ với nước mắt. Phong ngồi im lặng lẽ. Chúng tôi đã gặp phải lũ cướp cạn tàn ác. Lũ cướp cùng màu da cùng tiếng nói với mình. Tôi thường nghe nói đến hải tặc Thái lan nhưng chưa nghe nói đến lũ cướp cùng màu da tiếng nói với mình. Giờ thì tôi hiểu, nạn nhân chết cả, lấy ai kể lại câu chuyện thương tâm nơi bờ sông vắng. Biết bao bờ sông vắng đã chứng kiến những cảnh tượng tương tự? Tôi lau nước mắt trên tay áo còn ẩm ướt, nằm lăn ra đất. Phong nằm theo, gối đầu tôi lên tay chàng. Tôi sờ soạng mặt Phong trong đêm tối mờ, ngón tay tôi ướt khi lướt ngang mắt. Tôi vùi mình trong lòng Phong, cảm kích và đau đớn vô vàn.
o O o
Bà ngoại Phong mất khoảng sau hai giờ sáng cùng ngày hôm ấy. Dì Sáu cho chúng tôi hay mấy ngày sau, khi hai đứa mò về đến nhà. Bà mất cùng ngày chúng tôi bị nạn. Lúc hai giờ, bà còn đòi dì Sáu rót cho tách trà. Sau đó, dì Sáu về giường của mình. Đến sáng thì bà đã chết cứng, hai chân thò ra ngoài như sửa soạn xuống giường, tay phải níu chặt thành giường, mắt mở hé.
Phong ngồi ôm đầu nghĩ ngợi. Chập sau Phong hỏi.
"Dì có chắc là sau hai giờ không?"
"Chắc. Dì cho ngoại uống nửa tách trà. Lúc để tách xuống bàn sực thấy đồng hồ gần hai giờ chớ dì có tính coi giờ đâu mà nhớ."
Dì Sáu là em út của mẹ Phong. Dì lớn tuổi nhưng không con. Chồng dì còn ở trại học tập nên dì không đi với chúng tôi, vả lại không ai trông nom bà ngoại, đã hơn bảy mươi lăm già yếu nhiều bệnh tật. Dì giống mẹ Phong nhiều nét nhưng khô khan cằn cỗi hơn. Mặt dì sưng húp vì khóc nhiều.
Lúc mở cửa thấy hai đứa tôi, dì oà khóc như trẻ nhỏ. Thấy trở về, hiểu ngay là không thoát, phần mới chôn mẹ một mình nên dì tủi thân. Đến khi biết cha mẹ Phong tử nạn, dì khóc thảm thiết hơn. Phong chỉ ngồi yên nhìn tôi và dì Sáu, mặt chàng chai cứng với giận dữ và oán hờn.
Tối hôm đó, Phong ngồi nơi giường ngoại, vụt nói một câu lạ.
"Mình thoát được là nhờ ngoại!"
Tôi nhìn Phong không hiểu. Dì Sáu hỏi.
"Sao? Con nói sao?"
Phong chậm rãi kể, mắt nhìn mông lung.
"Lúc Ngà giật tay con đứng lại, tự nhiên con thấy bà ngoại. Thấy như thế nào thì con không biết, chỉ biết là thấy mà trong người không hề thắc mắc tại sao. Bà ngoại xua xua tay nói. Chạy đi con, lội qua bên kia sông. Lẹ lên. Chạy đi con! Con nghe rõ ràng giọng thúc hối nóng lòng của Ngoại. Con đang hoang mang chưa biết làm gì thì lại nghe bà nói. Mẹ mày chết rồi. Chạy mau lên con ơi. Rồi như có gì ám, con lôi tay Ngà chạy về phía bờ sông theo lời Ngoại. "
Tôi nghe lạnh nơi sống lưng. Tôi đã không kéo tay Phong đứng lại vô cớ, rõ ràng có nhánh cây đập nơi mặt đau như trời giáng nên tôi đứng lại không suy nghĩ. Khi mặt trời lên, Phong nhìn và không thấy vết bầm hay trầy trụa nào trên mặt tôi cả. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì cái đau xé da thịt kia không thể nào không để lại dấu vết trên mặt. Còn tiếng gào, thứ tiếng đau đớn của một con thú bị nạn. Thứ âm thanh chỉ có thể tạo được bởi cơn đau tận cùng xương tuỷ. Phong đã không nghe tiếng gào nào hết khi giật tay tôi quay lui chạy ngược về hướng cũ. Không dám suy tưởng nhiều hơn, tôi chỉ giản dị cho rằng mẹ Phong đã tìm cách cứu chúng tôi bằng tiếng gào mà bà đã không kịp thoát thành tiếng. Tôi đã nghe được thứ âm thanh xé rách màn đêm chọc thẳng óc mình, đã ngửi được mùi máu trên áo kẻ giết người. Nếu không có nhánh cây quật mặt, tôi đã không dừng lại và đã tiếp tục ngoan ngoãn đi theo tên dẫn đường gian ác. Nếu không có tiếng gào, có lẽ tôi vẫn tiếp tục đi không chút ngờ vực. Tiếng gào và cái đau của nhánh cây quật mặt, cả hai đều thật, thật như nỗi hãi hùng của cuộc thảm sát ghê rợn nơi bờ sông vắng. Tôi đã cảm thấy được tất cả mọi thứ bằng mọi giác quan trên người. Có thể, nhánh cây làm tôi đau nhưng không để lại dấu vết, nhưng còn tiếng gào, tôi phải giải thích làm sao khi Phong không hề nghe có tiếng gào nào hết. Hai đứa tôi đã được báo động cùng một lúc bằng hai hình thức khác nhau. Và nhờ hành động vụt chạy bất thần khiến tên dẫn đường không kịp trở tay. Nếu không, nếu không... tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không, nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra và tôi sẽ làm gì nếu gã đàn ông không gờm tay với mình giả như tôi và Phong cùng rơi vào tình trạng sống chết dưới tay hắn? Đây là nỗi ám ảnh không biết đến khi nào tôi mới được quên dù đã yên ổn xứ người nhiều năm sau đó.
Hết
Tìm kiếm Blog này
Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010
Miễu Bà Chúa Xứ
Miễu Bà Chúa Xứ
Miễu Bà Chúa Xứ, Đìa Gừa, Gò Mả Lạn... phải qua một chòm cây cổ thụ, những vùng lau sậy hoang vu ấy rồi mới đến nhà ông Tư Đạt.
Trời đã quá chạng vạng. Ánh nắng thoi thóp, đỏ khè, trong giây phút trở sang màu tím bầm. Muỗi dậy ổ, kêu vo ve khắp gần xa. Loài ếch nhái, côn trùng bắt đầu lên tiếng, chào mừng bóng tối đang tràn ngập qua nhanh chóng.
Cô đơn làm sao, căn nhà giữa đồng này! Gió thổi lành lạnh. Tôi rùng mình:
- Thưa ông, cháu về.
Ông Tư Đạt cười ngất:
- A ha! Đứa cháu này sợ ma. Nãy giờ tôi quên. Vô đây, đốt thêm ngọn đèn nữa. Phải rồi, đèn lu quá! Sợ ma sao? Ở đây chơi mà!
Tôi trả lời, ấp úng:
- Dạ, cũng hơi sợ. Thiên hạ nói ở Đìa Gừa, ở Gò Mả Lạn này...
Ông Tư nói nhanh:
- Có ma hả? Hơi đâu mà tin. Họ nói ma buông xuống lòng thòng từ cánh tay, từ bàn chưn, cái đầu rồi ráp lại. Họ nói ma ở truồng bỏ tóc xõa, đứng trên ngọn cỏ mà múa. Mình hú, nó hú trả lời. Mình chạy, nó rượt theo. Nhưng tôi nhứt quyết xứ này không có loại đó. Xứ này, cháu biết không, là xứ của ma...
Tôi trầm ngâm suy nghĩ: Tại sao ông Tư Đạt nhìn nhận có ma rồi bảo rằng không có? Chớ ma ở gò mả này thuộc về loại nào? Dầu sao vẻ mặt trầm tĩnh, can đảm của ông cũng làm cho tôi được yên tâm chút ít:
- Thiên hạ đồn đãi nhiều. Cháu phải sợ theo.
Ông Tư khều ngọn đèn rồi vào trong đem ra một chai rượu đế:
- Uống đi cháu. Thủng thỉnh tôi nói qua chuyện khác vui hơn... Đồn đãi là một chuyện. Nhưng sự thật lại khác. Cái gì được người ta lập đi lập lại nhiều lần bằng câu hát đưa em? Vậy mà có người không hiểu rõ. Thí dụ như:
Một mai thiếp có xa chàng
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thiếp trả, đôi vàng lại xin? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam? Sự thiệt nó có tích như vầy: đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng “trả đôi bông” lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng - “xin giữ đôi vàng” - nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao siêu lắm! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe câu hát đó thì hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. Cái chuyện ma ở Gò Mả Lạn này cũng như câu hát đó. Lâu ngày, thiên hạ không hiểu, họ nói xàm, làm mất phẩm giá người đời xưa rồi đâm ra sợ sệt vô lý. Chung quanh này có ma thiệt...
- Ghê quá vậy ông!
- Phải! Đó là hồn oan. Mình phải thấy rõ họ, mình phải thương họ. Thường bữa, họ tới lui, muốn làm quen với mình nữa. “Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn” mà...
Non 80 năm về trước, hồi đó ở tại Gò Mả Lạn này xóm nhà đông đúc hơn bây giờ. Họ sống về nghề ruộng rẫy, giăng câu, bắt rắn. Giặc Tây đến, chúng đóng binh ở ngoài huyện Kiên Giang. Binh sĩ của ông Nguyễn Trung Trực lén kéo về Châu Thành để công kích. Dân chúng nghe tiếng súng, nửa mừng nửa sợ. Tới một đêm đó, nhiều loạt súng nổ chát chúa ngay đầu xóm, tại Đìa Gừa.
Không ai dám bước khỏi nhà. Họ đoán rằng có người bị giết và tiếng súng sát nhơn nọ là của Tây. Sáng hôm sau, vài người bạo dạn ra dò xét. Họ kéo mấy cái thây người dưới đìa lên, chôn cất kỹ lưỡng gần bờ thềm.
Từ đó, đêm nào đêm nấy giống nhau. Cứ quá nửa đêm dân chúng phải cắn răng, nuốt lệ mà nghe súng nổ. Khi thì nghe tiếng rên rú, khi thì nghe tiếng chim bay.
Nước dưới đìa lần lần đen ngầu, hôi tanh. Cỏ bên bờ ngày một cao vì dân làng không còn ai lui tới để gánh nước như trước. Trong khi đó, con đường từ thềm đìa ra lộ cái trở nên mòn lẵn vì dấu chân của bọn đao phủ Tây tà và của những nghĩa quân, dân lương vô tội từ nơi xa lạ dẫn tới.
Dân làng quá đỗi hiền lương, hằng đêm, họ thức để chờ nghe tiếng súng đầu tiên nổ ngoài bờ giếng. Rồi họ cúi đầu lầm thầm đọc kinh vãng sanh, cầu nguyện cho người quá cố.
Trưa đó ngày mùng bảy tháng Chạp, bất thường giặc kéo nhau đến bờ Đìa Gừa. Chúng dừng lại nhìn xuống Đìa Gừa, đếm mấy gò mả xung quanh. Nào ai dám hó hé! Chập sau, chúng rút lui. Một thằng bé chăn trâu được may mắn núp ở gần bờ đìa khi nãy. Nó về xóm thuật lại:
- Tui thấy ông Tây này cười, ông kia la hét, ông Tây nọ gật đầu. Mấy ổng dòm vô xóm mình...
Điềm lành, điềm dữ hay là không có điềm gì hết? Không ai đoán trúng cả. Vì đó là điềm dữ, nhưng dữ quá mức tưởng tượng của họ.
Đêm ấy cả xóm đều bị bao vây.
Nhờ ngủ ngoài chuồng trâu, đứa bé chạy thoát được. Nó qua xóm kế bên cầu cứu trong khi súng nổ liên hồi, lửa bốc cháy.
Đầu canh năm, tiếng súng vẫn còn thưa thớt. Mặt trời gần mọc, chừng đó dân làng kế bên mới dám đi qua cứu giúp.
Người chết quá nhiều. Người còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến quá sanh ra mệt mỏi! Họ không đặt xác chết lên tấm ván để khiêng. Họ khiêng bằng võng, đặt hai xác chết trên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía sau.
- Đúng vậy! Hồi đó hai người nằm một võng, theo kiểu con nít ngủ trưa như bây giờ thiên hạ đưa con.
Đêm về khuya, chai rượu cạn dần. Đứa bé chăn trâu thuở trước là ông Tư Đạt ở Gò Mả Lạn buổi này, nói tiếp:
- Lâu quá rồi! Thiên hạ chết oan! Cả xóm chết giống nhau. Không một người khóc, không một miếng khăn tang. Cả tháng sau, quạ còn bay đen trời như tàn nhà cháy... Tôi không sợ ma, nhờ đó mà ít gặp ma. Vậy mà không hiểu can cớ gì buổi trưa đó tôi gặp họ.
- Ban ngày hả ông?
Ông Tư Đạt nói:
- Chánh hiệu là... ban ngày. Đi gặt về, dọc đường tôi ghé lại bờ Đìa Gừa. Thấy nước trong quá, tôi nhảy xuống tắm rồi ngắt một cọng bông súng, nhai vô miệng cho mát. Tôi nhớ rõ: cọng bông súng dài lắm. Nhai một hồi, bỗng nhiên thấy một ông già hiện ra, đâu mặt với tôi, miệng ổng thì nhai đầu kia của cọng bông súng. Sợ quá, tôi nhả ra nhưng không được. Hàm răng của tôi cứng lại rồi... đánh bùa cạp. Sau rốt, ông già nọ nhai lần cọng bông súng đến gần mặt tôi, hai mặt đụng nhau, sát rạt, lạnh ngắt.
Ông già nọ hỏi tôi:
- Cái thằng Đạt chăn trâu! Nhớ ta đây không?
- Ông là ai?
- Bà con mà! Mấy chục năm nay, mày làm ăn thế nào?
- Dạ nghèo quá!
- Vậy thì thằng Đạt mày còn sống tới bây giờ cũng không sung sướng gì hơn mấy người chết yểu cả xóm hồi đó. Nhớ không Đạt? Bà con chết đêm mùng bảy tháng Chạp. Phải cúng kiến chớ! Có thịt ăn thịt. Có muối ăn muối. Rồi cất nhà cho bà con mày ở. Nhớ thắp nhang.
Ông Tư Đạt nói tiếp câu chuyện:
- Đêm đó, về nhà tôi ngủ không yên. Sau rốt, tôi kêu gọi bà con lối xóm cất một cái miễu. Hương chức hội tề hỏi tại sao cất miễu mà không xin phép; tôi trả lời đó là miễu thờ Bà Chúa Xứ, nào dám nói sự thật, sợ mình bị buộc vô tội làm quốc sự. Bởi vậy cháu hiểu vì đâu mà tôi giữ nhang khói ở miễu này, vì sao ở sát Gò Mả Lạn mà tôi không sợ ma. Ba bốn mươi năm nay, ruộng nương thất bát, có một lần bỏ xứ mà đi nhưng buồn bực quá, tôi trở về nền nhà cũ. Tôi nghĩ: mình ở đây nghèo, nhưng mà vui. Nhiều đêm, tôi nằm nói thơ Vân Tiên một mình mà không đỡ buồn. Tôi đứng nhìn trời đất đồng ruộng đỡ buồn. Tối thui vậy mà vui quá! Cháu ra đây coi thử...
Ông Tư Đạt bước ra cửa, đưa tay làm dấu hiệu bảo tôi đi theo. Đồng ruộng mơ hồ. Trăng non chưa hé. Đám lau sậy mịt mùng chạy dài như bước tường thành, nối liền Gò Mả Lạn qua Đìa Gừa, tiếp đến miễu Bà Chúa Xứ ở đằng xa.
Ông lẩm bẩm:
- Không riêng gì ở Gò Mả, ở Đìa Gừa... Rải rác đầy ruộng nương, hồi đó ở đâu cũng có mả, có xương người. Kìa! Cháu nhìn thấy không? Sao trên trời xẹt xuống một đốm... hai đốm. Rồi đất ruộng rung rinh, lúa mới cấy đều như sóng dậy ngoài biển. Cháu thấy không?
Tôi lạnh người. Gió thổi hiu hiu. Phải chăng oan hồn thuở trước đang về đây? Họ trở thành cát bụi, đang thu mình vào rễ lúa để vươn lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái.
Hay là họ buồn rầu khi nhìn cậu bé chăn trâu còn sống sót thuở trước giờ đây sống hẩm hiu. Từng vệt sao rơi, phải chăng đó là niềm tin tưởng soi sáng quyển sử trường cửu của đất nước, một quyển sử không có số trương mà mỗi luống cày là một tờ giấy bao la, mỗi bụi lúa là một nét chữ không nhòa, muôn năm linh động?
Ông Tư Đạt vỗ vai, bảo với tôi:
- Bây giờ cháu thấy ma chưa? Không thấy thì ráng đứng hoài cho tới chừng nào thấy rõ. Ông ở đây mấy chục năm rồi mà chưa biết đủ mặt người. Bởi vậy đêm nào ông cũng thức, cũng nhìn...
SƠN NAM
Miễu Bà Chúa Xứ, Đìa Gừa, Gò Mả Lạn... phải qua một chòm cây cổ thụ, những vùng lau sậy hoang vu ấy rồi mới đến nhà ông Tư Đạt.
Trời đã quá chạng vạng. Ánh nắng thoi thóp, đỏ khè, trong giây phút trở sang màu tím bầm. Muỗi dậy ổ, kêu vo ve khắp gần xa. Loài ếch nhái, côn trùng bắt đầu lên tiếng, chào mừng bóng tối đang tràn ngập qua nhanh chóng.
Cô đơn làm sao, căn nhà giữa đồng này! Gió thổi lành lạnh. Tôi rùng mình:
- Thưa ông, cháu về.
Ông Tư Đạt cười ngất:
- A ha! Đứa cháu này sợ ma. Nãy giờ tôi quên. Vô đây, đốt thêm ngọn đèn nữa. Phải rồi, đèn lu quá! Sợ ma sao? Ở đây chơi mà!
Tôi trả lời, ấp úng:
- Dạ, cũng hơi sợ. Thiên hạ nói ở Đìa Gừa, ở Gò Mả Lạn này...
Ông Tư nói nhanh:
- Có ma hả? Hơi đâu mà tin. Họ nói ma buông xuống lòng thòng từ cánh tay, từ bàn chưn, cái đầu rồi ráp lại. Họ nói ma ở truồng bỏ tóc xõa, đứng trên ngọn cỏ mà múa. Mình hú, nó hú trả lời. Mình chạy, nó rượt theo. Nhưng tôi nhứt quyết xứ này không có loại đó. Xứ này, cháu biết không, là xứ của ma...
Tôi trầm ngâm suy nghĩ: Tại sao ông Tư Đạt nhìn nhận có ma rồi bảo rằng không có? Chớ ma ở gò mả này thuộc về loại nào? Dầu sao vẻ mặt trầm tĩnh, can đảm của ông cũng làm cho tôi được yên tâm chút ít:
- Thiên hạ đồn đãi nhiều. Cháu phải sợ theo.
Ông Tư khều ngọn đèn rồi vào trong đem ra một chai rượu đế:
- Uống đi cháu. Thủng thỉnh tôi nói qua chuyện khác vui hơn... Đồn đãi là một chuyện. Nhưng sự thật lại khác. Cái gì được người ta lập đi lập lại nhiều lần bằng câu hát đưa em? Vậy mà có người không hiểu rõ. Thí dụ như:
Một mai thiếp có xa chàng
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
Tại sao đôi bông thiếp trả, đôi vàng lại xin? Không lẽ người đàn bà nước mình mang thói tham lam? Sự thiệt nó có tích như vầy: đôi bông là vật cha mẹ chồng cho nàng dâu hồi đám nói; đôi vàng là của riêng mà hai vợ chồng trẻ nhờ dành dụm sắm được lúc sau. Nàng dâu than vãn bà mẹ chồng khắc nghiệt, sẵn sàng “trả đôi bông” lại cho mẹ chồng. Nhưng nàng vẫn thương chồng - “xin giữ đôi vàng” - nài nỉ chồng cất nhà ở riêng để thoát ách. Câu hát đó cao siêu lắm! Hồi xưa, khách qua đường hễ nghe câu hát đó thì hiểu được tánh tình của bà mẹ chồng trong nhà như thế nào. Bởi vậy người hát phải biết hát, người nghe phải biết nghe. Cái chuyện ma ở Gò Mả Lạn này cũng như câu hát đó. Lâu ngày, thiên hạ không hiểu, họ nói xàm, làm mất phẩm giá người đời xưa rồi đâm ra sợ sệt vô lý. Chung quanh này có ma thiệt...
- Ghê quá vậy ông!
- Phải! Đó là hồn oan. Mình phải thấy rõ họ, mình phải thương họ. Thường bữa, họ tới lui, muốn làm quen với mình nữa. “Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn” mà...
Non 80 năm về trước, hồi đó ở tại Gò Mả Lạn này xóm nhà đông đúc hơn bây giờ. Họ sống về nghề ruộng rẫy, giăng câu, bắt rắn. Giặc Tây đến, chúng đóng binh ở ngoài huyện Kiên Giang. Binh sĩ của ông Nguyễn Trung Trực lén kéo về Châu Thành để công kích. Dân chúng nghe tiếng súng, nửa mừng nửa sợ. Tới một đêm đó, nhiều loạt súng nổ chát chúa ngay đầu xóm, tại Đìa Gừa.
Không ai dám bước khỏi nhà. Họ đoán rằng có người bị giết và tiếng súng sát nhơn nọ là của Tây. Sáng hôm sau, vài người bạo dạn ra dò xét. Họ kéo mấy cái thây người dưới đìa lên, chôn cất kỹ lưỡng gần bờ thềm.
Từ đó, đêm nào đêm nấy giống nhau. Cứ quá nửa đêm dân chúng phải cắn răng, nuốt lệ mà nghe súng nổ. Khi thì nghe tiếng rên rú, khi thì nghe tiếng chim bay.
Nước dưới đìa lần lần đen ngầu, hôi tanh. Cỏ bên bờ ngày một cao vì dân làng không còn ai lui tới để gánh nước như trước. Trong khi đó, con đường từ thềm đìa ra lộ cái trở nên mòn lẵn vì dấu chân của bọn đao phủ Tây tà và của những nghĩa quân, dân lương vô tội từ nơi xa lạ dẫn tới.
Dân làng quá đỗi hiền lương, hằng đêm, họ thức để chờ nghe tiếng súng đầu tiên nổ ngoài bờ giếng. Rồi họ cúi đầu lầm thầm đọc kinh vãng sanh, cầu nguyện cho người quá cố.
Trưa đó ngày mùng bảy tháng Chạp, bất thường giặc kéo nhau đến bờ Đìa Gừa. Chúng dừng lại nhìn xuống Đìa Gừa, đếm mấy gò mả xung quanh. Nào ai dám hó hé! Chập sau, chúng rút lui. Một thằng bé chăn trâu được may mắn núp ở gần bờ đìa khi nãy. Nó về xóm thuật lại:
- Tui thấy ông Tây này cười, ông kia la hét, ông Tây nọ gật đầu. Mấy ổng dòm vô xóm mình...
Điềm lành, điềm dữ hay là không có điềm gì hết? Không ai đoán trúng cả. Vì đó là điềm dữ, nhưng dữ quá mức tưởng tượng của họ.
Đêm ấy cả xóm đều bị bao vây.
Nhờ ngủ ngoài chuồng trâu, đứa bé chạy thoát được. Nó qua xóm kế bên cầu cứu trong khi súng nổ liên hồi, lửa bốc cháy.
Đầu canh năm, tiếng súng vẫn còn thưa thớt. Mặt trời gần mọc, chừng đó dân làng kế bên mới dám đi qua cứu giúp.
Người chết quá nhiều. Người còn sống quá ít. Làm sao mà chôn? Ban đầu còn bó thây bằng chiếu, mỗi hầm chôn một người. Sau cùng, cứ chôn chung một hầm, đủ già trẻ bé lớn. Khiêng nhiều chuyến quá sanh ra mệt mỏi! Họ không đặt xác chết lên tấm ván để khiêng. Họ khiêng bằng võng, đặt hai xác chết trên một võng, người trở đầu phía trước, người trở đầu phía sau.
- Đúng vậy! Hồi đó hai người nằm một võng, theo kiểu con nít ngủ trưa như bây giờ thiên hạ đưa con.
Đêm về khuya, chai rượu cạn dần. Đứa bé chăn trâu thuở trước là ông Tư Đạt ở Gò Mả Lạn buổi này, nói tiếp:
- Lâu quá rồi! Thiên hạ chết oan! Cả xóm chết giống nhau. Không một người khóc, không một miếng khăn tang. Cả tháng sau, quạ còn bay đen trời như tàn nhà cháy... Tôi không sợ ma, nhờ đó mà ít gặp ma. Vậy mà không hiểu can cớ gì buổi trưa đó tôi gặp họ.
- Ban ngày hả ông?
Ông Tư Đạt nói:
- Chánh hiệu là... ban ngày. Đi gặt về, dọc đường tôi ghé lại bờ Đìa Gừa. Thấy nước trong quá, tôi nhảy xuống tắm rồi ngắt một cọng bông súng, nhai vô miệng cho mát. Tôi nhớ rõ: cọng bông súng dài lắm. Nhai một hồi, bỗng nhiên thấy một ông già hiện ra, đâu mặt với tôi, miệng ổng thì nhai đầu kia của cọng bông súng. Sợ quá, tôi nhả ra nhưng không được. Hàm răng của tôi cứng lại rồi... đánh bùa cạp. Sau rốt, ông già nọ nhai lần cọng bông súng đến gần mặt tôi, hai mặt đụng nhau, sát rạt, lạnh ngắt.
Ông già nọ hỏi tôi:
- Cái thằng Đạt chăn trâu! Nhớ ta đây không?
- Ông là ai?
- Bà con mà! Mấy chục năm nay, mày làm ăn thế nào?
- Dạ nghèo quá!
- Vậy thì thằng Đạt mày còn sống tới bây giờ cũng không sung sướng gì hơn mấy người chết yểu cả xóm hồi đó. Nhớ không Đạt? Bà con chết đêm mùng bảy tháng Chạp. Phải cúng kiến chớ! Có thịt ăn thịt. Có muối ăn muối. Rồi cất nhà cho bà con mày ở. Nhớ thắp nhang.
Ông Tư Đạt nói tiếp câu chuyện:
- Đêm đó, về nhà tôi ngủ không yên. Sau rốt, tôi kêu gọi bà con lối xóm cất một cái miễu. Hương chức hội tề hỏi tại sao cất miễu mà không xin phép; tôi trả lời đó là miễu thờ Bà Chúa Xứ, nào dám nói sự thật, sợ mình bị buộc vô tội làm quốc sự. Bởi vậy cháu hiểu vì đâu mà tôi giữ nhang khói ở miễu này, vì sao ở sát Gò Mả Lạn mà tôi không sợ ma. Ba bốn mươi năm nay, ruộng nương thất bát, có một lần bỏ xứ mà đi nhưng buồn bực quá, tôi trở về nền nhà cũ. Tôi nghĩ: mình ở đây nghèo, nhưng mà vui. Nhiều đêm, tôi nằm nói thơ Vân Tiên một mình mà không đỡ buồn. Tôi đứng nhìn trời đất đồng ruộng đỡ buồn. Tối thui vậy mà vui quá! Cháu ra đây coi thử...
Ông Tư Đạt bước ra cửa, đưa tay làm dấu hiệu bảo tôi đi theo. Đồng ruộng mơ hồ. Trăng non chưa hé. Đám lau sậy mịt mùng chạy dài như bước tường thành, nối liền Gò Mả Lạn qua Đìa Gừa, tiếp đến miễu Bà Chúa Xứ ở đằng xa.
Ông lẩm bẩm:
- Không riêng gì ở Gò Mả, ở Đìa Gừa... Rải rác đầy ruộng nương, hồi đó ở đâu cũng có mả, có xương người. Kìa! Cháu nhìn thấy không? Sao trên trời xẹt xuống một đốm... hai đốm. Rồi đất ruộng rung rinh, lúa mới cấy đều như sóng dậy ngoài biển. Cháu thấy không?
Tôi lạnh người. Gió thổi hiu hiu. Phải chăng oan hồn thuở trước đang về đây? Họ trở thành cát bụi, đang thu mình vào rễ lúa để vươn lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái.
Hay là họ buồn rầu khi nhìn cậu bé chăn trâu còn sống sót thuở trước giờ đây sống hẩm hiu. Từng vệt sao rơi, phải chăng đó là niềm tin tưởng soi sáng quyển sử trường cửu của đất nước, một quyển sử không có số trương mà mỗi luống cày là một tờ giấy bao la, mỗi bụi lúa là một nét chữ không nhòa, muôn năm linh động?
Ông Tư Đạt vỗ vai, bảo với tôi:
- Bây giờ cháu thấy ma chưa? Không thấy thì ráng đứng hoài cho tới chừng nào thấy rõ. Ông ở đây mấy chục năm rồi mà chưa biết đủ mặt người. Bởi vậy đêm nào ông cũng thức, cũng nhìn...
SƠN NAM
Truyện Ma - Hồn Về Trong Gió
Hồn Về Trong Gió
Trang 1 của 2
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ngạn
Ở làng Vạn Yên, dòng họ ông Đào Ngọc Phú là gia đình duy nhất có nghĩa trang tư thành hình cách đây đã ba thế hệ. Người ta kể rằng lúc ông nội của ông Phú còn ngồi ghế quan huyện đã dùng thế lực để mua lại cơ ngơi của một gia đình lân cận giáp ranh phía sau nhà ông rồi cho san bằng, và lập nghĩa địa riêng, dặn con cháu là khi ông xui tay nhắm mắt thì an táng ấy là miếng đất có long mạch tiềm ẩn. Dòng họ Đào Ngọc sẽ tiếp tục phát thêm được mấy đời nữa.
Khu nghĩa trang ấy nằm vào khu đất trũng, có hàng rào gỗ bao bọc. Quanh năm âm u vì lũy tre già rũ xuống che phủ. Lại thêm cây đa cổ thụ mọc bên hông, tàn lá ngăn hết ánh sáng mặt trời, khiến những ngôi mộ nằm trong đó trông càng lạnh lẽo. nhất là những buổi sáng mờ sương hay những khi chiều tối.
Nhưng có lẽ thầy địa lý đoán sai, cho nên hai ba thế hệ kế tiếp nhau, dòng họ Đào Ngọc cứ xuống dần, thoái Quan vi dân về làm ruộng. Gọi là xuống, nhưng ruộng đất còn rất nhiều, so với đại đa số dân làng thì họ Đào Ngọc vẫn thuộc hàng ăn trên ngồi tróc, vinh hoa phú quý hơn đời.
Chỉ có điều làm ông Phú không hả dạ là vì trong thâm sâu, ông mê làm Quan. ông thích chức quyền để dược nể sợ, chứ không muốn chỉ làm người phú hộ. Tuy giàu mà thiếu cái oai phong, hách dịch. ông bỏ thời gian đi tìm thầy địa lý mãi trên cao bằng, đón về để coi khu nghĩa địa sau vườn, và kể rõ câu chuyện ông nội làm Quan năm xưa, hy vọng là có thể nhờ thầy xoay chuyển lại số mệnh, tái lập con đường hoàng lộ lại cho ông và con cháu.
Nhưng thầy coi xong thế đất rồi bảo:
- Vận số của ông chỉ được đến thế thôi, như vậy cũng được đại phúc lắm rồi. Tương lai hung khiết chưa biết thế nào, cần phải thi ân bố đức cho thật nhiều. Nhân đã dạy là Tiên tích đức, hậu tầm long. Xưa Cao Biền thời Đường bên Tàu sang cai trị nước ta, xây thành Đại La, dùng phép phong thủy để yểm chấn những nơi có long mạch, hòng làm cho dân Nam mỗi ngày một suy yếu, không vùng lên được. Phép yểm buà của Cao Biền hiểm hóc lắm, giết đứa con gái 17 tuổi, moi hết ruột gan, nhồi cỏ vào bụng, rồi cho mặc quần áo màu vàng, giả làm Thần Linh để đánh lừa Thần Núi Tản ở nước ta. Phép ấy thì tôi cũng có thể làm được để xoay chuyển vận số cho ông. Nhưng xét ra ác động và tội âm đức lắm. Con cháu về sau sẽ phát cuồng, mà đi ăn xin tha phương cầu thực.
ông Phú nghe xong, thở dài não ruột, chia tay ông thầy địa lý, rồi ông ra phía trang sau nhà thắp nhang khắp lượt, con mèo đen thoăn thoắt chạy theo, con mèo này ông nuôi từ khi mới đẻ, lúc nào cũng gắn bó không rời ông. ông buồn rầu nhìn gần 20 ngôi mộ xây cùng kích thước. Phần lớn lớp xi măng bọc ngoài đã lên riêu xanh mốc. Người lạ đến nhà ông bất chợt ra vườn sau, nhìn thấy những ngôi mộ san sát ấy, thường khó tránh khỏi cái cảm giác rờn rợn bao phủ. Nhưng với cả nhà ông thì đã quá quen mắt từng ngày, nên chẳng bao giờ bận tâm đến. Thậm chí có những đêm trăng mờ, lũ con ông còn dám rủ nhau ra, chọn một ngôi mộ bằng phẳng, leo lên ngồi cầu cơ gọi hồn về để hỏi chuyện tương lai. Thầy địa lý đi rồi, bà Phú ngước mắt nhìn chồng và nhắc lại:
- Thầy nói đúng lắm đó ông à! Mình được như thế này là quý lắm rồi. Phúc đức tại tâm, Thầy bảo phải thi ân bố đức, thì cứ nghe lời thầy mà làm. Từ nay, giúp được ai cái gì thì mình cứ giúp ; ông đừng có đón Thầy về nữa, tốn phí mà chẳng có lợi lộc gì. Theo tôi thì, cứ ăn ở cho phải đạo là tốt hơn cả.
ông Phú nhíu mày gắt nhẹ:
- Bà nói chuyện hay nhỉ? Thi ân bố đức thì lúc nào mà tôi chả rộng rãi hơn người? Cái dạo vỡ đê năm thìn, không có tôi bỏ tiền cứu lụt ở làng này, thì cả làng không có đủ đất mà chôn người chết, bà quên rồi hay sao? Rồi cái dạo năm Dậu bị hạn hán, củ chuối củng không có mà ăn, dân làng chết như rạ. Nửa năm trời tôi xuất kho phát chẩn cứu bao nhiêu người đều không là thì ân bố đức hay sao?
Bà Phú dè dặt góp ý:
- Hời... Nói của đáng tội, tiền của ông nội nhà mình thì đều là... .là...
- Đều là thế nào? Có phải bà định bảo là tiền của phi nghĩa, bóc lột của người nghèo có phải không? Tôi cấm bà mở miệng nhắc đến việc ấy. Nghe lời những quân mất dạy ở ngoài đường.
Bà Phú nhẫn nhục phân trần:
- Sao mà cứ động một tí là ông cứ mắng tôi? Tôi là tôi vì ông, vì các con, nên mới bàn góp cho ông vài lời, chứ tôi có muốn nói ra làm gì? Tôi chỉ nhắc lại lời thầy địa lý bảo là mình phải làm phúc. ông cứu lụt rồi ông phát chẩn thì tôi quên làm sao được? Chính tôi cùng với người làm gánh từng gánh cơm ra đê cho người ta ăn mà. Rồi tôi múc cơm rồi tôi phát vải ra cho dân nghèo. ông tưởng tôi không nhớ hay sao? Nhưng mà ông ạ! Những việc ấy mình làm là vì lúc ấy ông định ra tranh cái ghế nghị viên, cần mua cảm tình của thiên hạ chứ không phải là vì lòng tốt đâu ông? Mình thì mình lừa người được chứ mình che mắt Thánh thế nào được?
ông Phú tái mặt quát lớn:
- Bà câm đi! Bà vào nhà này bưng bát cơm đầy, kẻ hầu người hạ, ăn trắng mặc trơn. Không nhớ ơn thì thôi, lại còn giở giọng bạc bẻo.
Bà Phú sợ quá vội lủi thủi bỏ vào nhà. Bà ngẩm nghĩ lại chuổi ngày dài đăng đẳng sống với chồng, sinh cho chồng bốn đứa con: hai trai, hai gái. Quả thực, miếng cơm manh áo thì bà chưa bao giờ phải bận tâm dù gia cảnh có sa sút đôi chút so với thời trước. Nhưng hai vợ chồng có những khác biệt quá sâu đậm về tính tình mà luôn luôn bà phải chịu đựng. Bà hiền lành bao nhiêu thì hình như ông Phú là người mang ác tính bẩm sinh.
Anh bếp Nhỡ ở với gia đình bà gần 10 năm, một hôm ăn cắp mấy đấu gạo mang về cho Mẹ già, bị cô con gái bắt gặp tri hô lên. Với bà Phú thì chuyện ấy nhỏ nhặt quá, chẳng có gì phải làm lớn. Bà gọi anh lại và mắng:
- Này, mày dốt vừa vừa thôi! Mày cần gạo sao không bảo tao một tiếng? Lần sau mà giở cái thói ăn cắp là chết với tao đấy nhé.
Bà nạt cho có lệ thôi, chứ bà biết Nhỡ hiền lành. Lấy trộm gạo là điều bất đắc dĩ. Nhưng không may cho Nhỡ là ông Phú ở trên nhà nghe thấy, ông gọi Nhỡ lên, phang cho mấy gậy gần què chân rồi đuổi thẳng, bà Phú xin mải cũng không được. ông bảo:
- Nuôi thứ ấy trong nhà thì thế nào cũng có ngày nó làm nội ứng dắt cướp vào. Đuổi nó đi, cẩn tắc vô ấy náy
Bà Phú dúi cho ít tiền và bảo Nhỡ mang về nhà cho mẹ già và dặn hễ khi nào túng quẩn quá, không biết trông vào đâu, thì tìm cách gặp riêng bà, bà sẽ giúp đỡ. Những việc nhân đức bà làm ngoài sự thúc đẩy tự nhiên do bản tính trời sinh, bà còn muốn thực hiện để phần nào trả nợ cho chồng, trả cái nợ do những hành vi bất chính và nhẩn tâm của ông Phú. Bà không phải là người sùng đạo của bất cứ tôn giáo nào, nhưng bà tin một cách đơn giản rằng: làm lành thì hưởng phước, gieo gió thì ắt có ngày gặt bảo.
Trước đó ông Phú có mối thù với ông Kháng Lạc chỉ vì tranh nhau mua lại mấy sào ruộng chiêm ở đầu làng. Việc chưa ngã ngủ, ông Phú cho người nhà nữa đêm lẻn đến nhà ông Lạc, ra lũy tre bên hông, dấu mấy chai rượu lậu và đồ nghề gần bờ ao rồi báo Tây đoan về bắt. Quả nhiên cái tết năm ấy, ông Lạc đi tù với đầy đủ tang vật: Cái nồi đồng ba mươi lưng lửng bá rượu, thúng gạo nếp đã vo sẳn, cái trỏ và hai cái bong bóng trâu. Toàn những thứ chỉ dùng cho việc nấu rượu.
Bà Phú biết việc này, nhưng không dám lên tiếng trách chồng, chỉ thở dài vì thấy chồng làm những điều thất đức quá. Bà lo cho đàn con mai sau phải gánh chịu hậu quả bởi bà vốn tin vào luật vay trả, vào thuyết quả báo. Con cái nhờ đức của cha, bà thường nghe nói thế, nên bà rất sợ cho hai cô con gái của mình.
Bốn đứa con của bà, Long đã có vợ hai con cũng ở ngay trong làng. Kim mới lấy chồng chưa có con, ở khác làng nhưng cùng tổng, cách một cánh đồng ngô. Còn con gái thứ ba là Nhàn và cậu út Hoành đang ở chung với bố mẹ. Gia đình như thế thì kể củng là ít người bởi căn nhà cổ kính truyền đã ba đời của ông Phú thuộc loại đồ sộ, tường xây mái ngói, cột gỗ lim, trông oai phong và vĩ đại lắm. Một cơ ngơi rộng rãi như vậy mà chỉ có hai vợ chồng, hai đứa con, thêm chị người làm và con mèo là hết.
Chị người làm ở với ông bà Phú đã 20 năm còn con mèo đen thì ông Phú nuôi từ khi mới đẻ đến nay đã lớn lắm, người ta cứ gọi nó là con cò con. Con mèo gắn bó với ông Phú, đi đâu nó cũng theo đấy, thậm chí ban đêm nó cũng chui vào buồng ngủ với ông. Ít khi thèm đi rình bắt chuột.
Làng Vạn Yên phần đông là người nghèo, mái tranh vách đất san sát bên nhau càng làm nổi bật căn nhà đồ sộ của ông Phú truyền từ đời ông nội để lại. Nhà dựng trên nền cao, mái ngói rêu phong cổ kính, với những cây cột gỗ lim đỏ thẳm, càng làm tăng thêm vẻ nghiêm trang và tăng thêm cái uy thế cho gia chủ mỗi khi người làng khúm núm đến vay nợ.
Nghề cho vay lãi cắt cỗ giúp cho ông Phú đã giàu thêm, bà Phú thường vẩn giấu chồng giảm tiền lời hoặc rộng lượng xí xóa mỗi khi con nợ gặp phải túng bấn,không trả nổi. Riêng ông thì một xu cũng không bỏ qua. Trong cái cơ ngơi khoảng khoắc ấy, gia đình ông Đào Ngọc Phú rất thanh thản, chẳng những vì của cải dư thừa mà vì các con đều ngoan ngoãn. Riêng bà Phú lại càng cảm thấy hạnh phúc vì Long đã cho bà hai đứa nội kháu khỉnh. Còn Kim tuy chưa có con, nhưng lấy dược chồng hiền, và cho đến nay thì gia đình chồng cũng tỏ ra quý dâu, chứ không hành hạ như nhiều gia đình khác ở làng Vạn Yên.
Bà tin rằng đó là do cái phúc mà đã tạo được quua những việc từ thiện. Nhưng chồng bà thì khác, mỗi khi nghe vợ khen bên thông gia đối xử tử tế với con gái ông, ông đều vênh mặt hiu hiu tự đắc nói:
- Họ sợ cái uy của tôi chứ tử tế cái gì? Bố bảo tụi nó cũng chẳng dám động đến cái Kim nhà này.
Bà Phú nén tiếng thở dài, cố đè nén nổi bực mình để khỏi cãi lại.
Cuộc sống đang bình thường như dòng nước êm trôi. Chỉ một buổi sáng tinh mơ, cả nhà chưa ai thức giấc, gà trong thôn chưa gáy tiếng thứ nhất. Bổng con mèo đen đang nằm thiu thiu trên cái ghế bên cạnh giường ông bà Phú, chồm lên lao vọt qua cửa sổ và kêu thét liên hồi, và cùng với tiếng thét ngân dài ấy, con mèo chạy vùn vụt trên mái ngói, vụt phóng xuống trước sân, gầm gừ rên rỉ như giận dữ. Mèo cắn nhau kêu lên là chuyện thường, nhưng bổng ông bà Phú nghe gõ cửa. Bà Phú giật mình ngồi nhổm dậy, quay đầu ngó qua khe cửa sổ, thấy trời còn tối lắm. Tưởng chồng chưa thức, bà rón rén bước xuống, không muốn làm mất giấc ngủ của chồng, bà vừa vấn tóc, vừa cằn nhằn nho nhỏ:
- Đứa nào mà gỏ cửa sớm thế này?
Nhưng ông Phú cũng đã dậy ngay từ lúc con mèo lao ra cửa sổ, ông định nhân tiện đi tiểu, nên bảo vợ:
- Bà cứ nằm đây, để tôi xem đứa nào mà dám đánh thức tôi với bà vào giờ này?
Trong thâm tâm, cả hai ông bà yên chí là chị Thuần, người giúp việc lâu năm của gia đình này hằng đêm ngủ dưới bếp, sáng nay bẩm báo việc gì gấp hoặc một trong hai đứa cởno buồng bên kia có chuyện phải gặp bố mẹ. ông xỏ guốc, đứng dậy tiến ra tháo then cửa. Trời mờ tối, lại dày đặc sương mù, ông mở to cặp mắt, chưa kịp lên tiếng thì giật mình ngạc nhiên thấy một đứa bé gái khoảng ba tuổi đứng dưới sân trong vùng sương mờ ảo, không trông rõ mặt. Con bé chià tay xin:
- Ông... ông làm ơn cho con nắm cơm... Con đói quá!
Đứa bé đứng ngay trước mặt ông, cách có mấy bước, nhưng giọng nói nghe âm vang xa lạ quá, như từ chốn thăm thẳm nào vọng về ; ông bực mình quát lớn theo thói quen hống hách của mình:
- Con cái nhà ai đi ăn xin nữa đêm thế này? Xéo ngay! Làm mất giấc ngủ của ông. ông lại vả cho mấy cái bây giờ.
Mặc cho phản ứng dữ tợn của ông, đứa bé vẫn đứng im ngước lên nhìn ông như thoát tục, mặt nó trắng toát, đôi mắt trừng trừng, nhìn ông đăm đăm. Khiến chỉ vài giây sau, ông đã mất hẳn bình tỉnh, và như có luồng gió lạnh buốt bất chợt thổi ập vào người, làm ông lẩy bẩy run sợ. Đứa bé lập lại bằng giọng sâu thẳm hơn:
- Con..Con đói quá, xin ông làm phúc cho con bát cơm.
ông Phú đứng á khẩu tại chỗ, mồm há ra, mắt tự nhiên lạc thần. Vừa lúc ấy có giọng nói đàn bà từ cổng đưa vào:
- Con ơi! về con ơi! Về với mẹ con ơi!
ông Phú kinh hãi nhìn ra cửa, thấy một người phụ nữ mặc đồ trắng toát, đứng tuốt ở cuối sân, sát cái cổng xây nhà ông giơ tay vẫy vẫy. Khoảng cách khá xa, lại gặp màn sương đục, ông không trông rõ mặt, chỉ thấy mái tóc dài đen nhánh phủ xuống vai nổi bật trên nền áo trắng. Ông còn đang ngơ ngác, mất thần thì con mèo đen từ lưng sau lao vụt xuống bên ông kêu thét lên, đôi mắt nó lông lên sòng sọc và nhe hàm răng nhọn hoắt ra gầm gừ, muốn lao lại vồ đứa bé. Hai chân với những móng sắt dài, nó cào liên tiếp trên nền gạch. ông Phú nghe rõ tim mình đập thình thịch như sắp phá vỡ lồng ngực. Thoáng trong chớp mắt, ông không còn thấy đứa bé nữa. ông ngước nhìn ra xa, thì hai cái bóng trắng ấy đã ra tuốt ngoài cuối sân,đang dắt tay nhau bước ra khỏi cổng nhà ông, và mất hút ở khóm tre bên đường.
Cả lúc sau, ông mới định thần, chập choạng bước lui vào nhà, miệng ú ớ kêu:
- Bà, bà ơi! bà..bà... bà ra ngay đây..bà ơi!
ông lùi hẳn vào bên trong, đóng ập cánh cửa lại, bà Phú từ trên giường bước xuống ngạc nhiên hỏi:
- Ủa cái thuần nó cần cái gì mà nó gọi sớm thế?
ông Phú run rẩy ngồi xuống giường lắc đầu lia lịa, một lúc sau ông mới lấy lại chút bình tỉnh bảo:
- Không! không phải cái Thuần.
- Ơ... không phải cái Thuần thì đứa nào mà gõ cửa sớm thế? Con Nhàn hay thằng Hoành?
ông Phú nắm chặt bàn tay vợ, còn bàn tay ông thì lạnh toát như nước đá, ông thở hổn hển bảo vợ:
- Bà... bà ra xem nó có còn ở ngoài ấy không?
Bà Phú không hiểu gì chỉ biết từ ngày về với ông Phú, hiếm thấy khi nào ông như thế này. Bà hỏi lại:
- Đứa nào mới được chứ?
- Đứa bé con.
Bà Phú càng ngạc nhiên:
- Đứa bé con nào? Nhà này làm gì có trẻ con?
- Không... biết con nhà ai mà nó đi xin ăn.
- Khổ thân! Ăn xin mà vào giờ này? Nhà này thiếu gì cơm nguội. Sao ông không cho nó một bát? thôi được, để tôi xuống bếp, tôi bảo cái Thuần nó lấy cho nó vậy.
Dứt lời, bà bước nhanh ra cửa, bởi vì bà vốn có lòng từ tâm. ông Phú nói với theo:
- Ừ... bà ra xem nó có còn ngoài sân không?
Rồi ông ngồi trố mắt nhìn theo, hồi hộp chờ đợi. Mở cửa, con mèo đen lao vụt vào, nhảy lên cái ghế thường của nó. Đêm tối, đôi mắt nó nhìn đăm đăm như hai ngọn lửa loé sáng có pha chút xíu màu đỏ. Bà Phú bước hẳn ra thềm, đứng nhìn quanh khắp sân và hai bên hiên, nhưng không thấy đứa bé nào cả. Bà nhướng mắt, cố phóng tầm nhìn ra phía cổng vì sương sơm dày đặc quá. Bà đứng trên thềm, quay đầu nói vọng vào:
- Có cái đứa nào đâu? Già trẻ lớn bé, chả có thấy ai hết. ông chỉ trông gà hóa cuốc, chứ có ăn mày nào mà dám vào nhà mình giờ này?
ông Phú lo lắng nói vọng ra:
- Không có ai thì bà vào đi. Bà vào rồi khép cửa lại.
Bà Phú làm theo lời chồng, trở vào giường nằm. Nhưng ông Phú bảo bà thắp cho ông ngọn đèn vặn lớn đặt trên cái bàn giữa nhà rồi vào nằm bên ông. Bà thấy rõ toàn thân ông Phú vẫn còn run lên bần bật từng cơn, ông kéo tấm chăn mỏng phủ lên tới cổ và mắt mở trừng trừng ngó lên trần. Bà Phú lấy làm lạ là tự dưng ông Phú chống bà lại đòi thắp đèn, bình thường khi đi ngủ, ông không chịu được ánh sáng dù chỉ một ngọn đèn leo lét dựng trên bàn thờ, ông cũng bắt che lại, đừng để lọt vào mắt ông. Có đèn ông không ngủ được, ông thường lập đi lập lại như thế!
Bà Phú xoay về phía ông, đưa một tay đặt lên trên trán, và lần xuống cánh tay, và bàn tay ông, thấy chỗ nào cũng lạnh toát, bà lo lắng hỏi:
- Sao mà lạnh hết lên thế này? Trời muà hè mà sao lạnh rét lên thế này?
Bà nghe thấy rõ hai hàm răng ông đập vào nhau lách cách như đi ngoài tời muà đông, gặp gió bấc thổi mạnh, bà đăm chiêu hỏi:
- Ông ơi, ông thấy trong người như thế nào? hay là lúc nãy ông mở cửa ra thì gặp luồng gió độc? Thôi cứ nằm yên đấy đi, tôi lấy lá dầu không tôi hơ lửa, tôi đánh gió cho ông nhé!
ông Phú lắc đầu, cố nói bằng giọng điềm tỉnh hơn:
- Có gì đâu! Nhưng mà bà nhớ là cả bà và tôi cùng nghe thấy tiếng gõ cửa, có phải không nào?
- Đúng rồi, tôi còn nghe thấy trước ông nữa kia mà. Tiếng con mèo nhà mình nó kêu trước rồi tiếng đập cửa sau.
ông Phú chậm rãi kể:
- Ừ! Bà làm chứng đấy nhé, rõ ràng là có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì thấy có đứa bé con đứng ở dưới sân chià tay xin cơm, da nó trắng xanh như con nhà giàu mà lại đi ăn xin vào giờ này, thế có lạ không? Tôi đuổi nó đi, thì nó cứ đứng im nhìn tôi, rồi tôi bổng nhiên lạnh buốt. Tháng này làm gì có gió lạnh?
ông đang nói dỡ câu thì bổng con mèo lại tru lên và lao xuống đất. Lần này nó không phóng qua cửa sổ phía sau mà chồm lên, cào mạnh trên cánh cửa ra vào, nhe răng gầm gừ liên tục. ông Phú đang nói, quay mặt lại, nắm chặt cánh tay vợ, trố mắt nhìn theo con mèo. Vài giây sau quả nhiên có tiếng gõ cửa, ông Phú toan hét lên vì kinh sợ, nhưng ông nằm bất động, níu cánh tay vợ thật chặt. Tiếng gõ càng thôi thúc khiến con mèo chồm lên gào cánh cửa, tiếng gầm gừ càng thảm thiết hơn, ông run lập cập bảo bà:
- Nó... nó... nó đấy bà, nó chưa đi đâu.
Bà Phú gỡ tay chồng ra và bảo:
- Ra cho nó bát cơm để nó đi. Rõ lẩn thẩn! Đêm hôm khuya khoắt thế này nó vào đây xin bát cơm, chả lẻ đuổi nó đi à? Thôi được rồi, ông cứ nằm im đó đi. Tôi xuống bếp lấy cơm cho nó.
Bà tuột nhanh xuống giường, xỏ guốc đi ra. öng Phú ngồi bật lên, trố mắt nhìn theo chờ đợi. Bà Phú vừa tháo then ngang, vừa nói lớn:
- Đứa nào đập cửa đấy? Từ từ rồi tao mở, làm cái gỉ mà inh ỏi lên thế?
Rồi bà mở rộng cánh cửa gỗ, con mèo liền đi ra, nhưng chỉ vài giây sau bước vào, nhẹ nhàng nằm khoang thai bên ông Phú. Bà Phú bước ra thềm, ngạc nhiên chẳng thấy ai. Bà đứng trên hiên, nhìn ra phía cổng, cũng chẳng thấy bóng người nào. Bà bực mình hỏi lớn:
- Đứa nào đập cửa nhà bà đấy?
Không có ai đáp lại, bà buột miệng nói:
- Lạ nhỉ? Rõ ràng là vừa đập cửa cơ mà, biến đi đâu mà nhanh thật đấy? Này này, con cái nhà ai mà nghịch như quỷ thế hả? Bà mà túm được là mày chết với bà đấy!
Bà đứng thêm một lúc rồi vén mùng quay vào nằm bên chồng, ông Phú hồi hộp hỏi:
- Bà có thấy đứa bé không?
- Có thấy gì đâu?
- Ơ! Mà rõ ràng cả hai lần nó gõ cửa bà đều nghe thấy chứ đâu phải là tôi ngủ mê! Lần trước tôi ra, thì nó đứng ngay trước mặt tôi, bận này bà ra thì lại không thấy, thế này là thế nào?
Cả hai cùng im lặng vì cả hai không tìm ra được câu trả lời, một hồi ông Phú hạ giọng nói như tự hỏi:
- Chả biết là người hay là ma?
Bà Phú đáp ngay:
- Ma với quỷ cái gì? Chắc đứa nào nó trêu mình!
Tuy bà nói thế nhưng lòng bà bắt đầu thắc mắc, vì bà biết làm gì có đứa nào dám trêu chọc bà ở giữa khuya khoắt như thế này? Ban ngày còn chả dám huống chi là ban đêm. Đắn đo một chút bà hỏi:
- Mà này ông! Thế ông thấy đứa bé thật à? ông có chắc không đấy?
ông Phú gắt nhẹ:
- Bà ơi, tôi ngần này tuổi. Cả đời có biết ma là cái gì đâu. Nhưng mà hôm nay... hôm nay thì tôi thấy lạ lắm... .
Bà Phú ngắt lời:
- Tôi thì..tôi chỉ sợ ông ngáy ngủ, mắt nom không rõ thôi. Chứ ông nghĩ mà xem ăn xin gì... chả ai ăn xin vào lúc nữa đêm như thế này! huống hồ trẻ con thì giờ này ngủ say như chết ấy, lay không dậy nổi chớ đừng nói là giờ này lang thang ngoài đường!
ông Phú càng kinh sợ qua những lời vợ ông vừa nói thì rõ ràng là ma chứ không phải là người. Bà Phú bổng nhổm dậy, bước nhanh xuống giường, ông Phú hốt hoảng hỏi:
- Bà đi đâu đấy?
Bà Phú vừa xỏ guốc vừa đáp:
- Tôi đi gọi cái Thuần
Bà mạnh dạn bước ra tháo then cửa, khe khẻ hé mở, tiếng bản lề để lâu ngày rỉ sét, kêu lên kèn kẹt. bà mở to mắt nhìn xa xa, dĩ nhiên không thấy ai, sương vẫn dày đặc trong không gian mờ tối. Bà bước hẳn ra, đứng lại một lúc trên thềm không thấy động tỉnh gì, bà mới đi nhanh xuống bếp và gọi:
- Thuần ơi!
Chị người làm nằm trên cái giường kê sát cửa bếp, ngồi dậy vấn tóc và đáp:
- Ớ! Bà gọi con ạ? Có việc gì sớm thế ạ?
Bà Phú ngồi xuống bên cạnh và hỏi:
- Này, tối ngày hôm qua mày quên đóng cửa phải không?
Chị Thuần quả quyết:
- Ấy chết! Sao bà nói thế ạ? Con đóng cổng, cài then cẩn thận lắm, quên làm sao được ạ? Có cô Nhàn làm chứng, lúc đó cô con vừa tắm ở dưới ao lên, đi ra cổng cùng với con. Bà không tin thì hỏi cô con là biết ngay ấy.
Bà Phú ngồi thừ người im lặng, chị người làm sốt ruột hỏi thêm:
- Có cái gì thế bà? Có việc gì thế bà? Trộm vào nhà mình hở bà? hay là có chuyện gì không? Bà làm con lo quá bà ạ!
Bà Phú không muốn để chị người làm kinh hãi, sợ chị sẽ kể với hai đứa con, cho nên bà đứng dậy và bảo:
- Không, tao chỉ hỏi thế thôi!
Rồi bà bước ra sân, vừa đi vừa nhìn xung quanh một lần nữa.
ông Phú vẫn nằm nhắm mắt trên giường, nghe tiếng chân vợ vội lên tiếng:
- Bà kể với cái Thuần ấy à?
- Không, tôi chỉ hỏi nó là tối hôm qua nó có đóng cổng hay không thôi.
- Rồi nó bảo sao?
- Nó quả quyết là nó có đóng, có cả cái Nhàn ra cùng đóng cổng với nó.
Dứt lời, bà mén vùng chui vào, ngả người nằm xuống và nói bâng quơ:
- Lạ thật đấy, tôi thì tôi vẫn cứ cho là ông quáng gà chứ làm gì có đứa bé con nào?
ông Phú đã bình tĩnh trở lại, ông gắt nhẹ:
- Ừ thì cứ cho là tôi nhìn lầm đi. Nhưng cả hai lần nó gõ cửa, bà đều nghe thấy, chứ nào phải riêng tôi? hỏi bà ai gõ mới được chứ? Đây nhé, vừa nghe tiếng gõ cửa bà chạy ra ngay lập tức, mà không thấy ai, tôi hỏi bà cái sân nhà mình nó trống hốc ấy. Giả như có đứa nào nó cố ý trêu tôi với bà, thì nó núp vào đâu?Nó vừa gõ cửa, bà ra ngay cơ mà! Người mà chạy nhanh đến thế hay sao? Bà thử nghĩ xem!
Nghe những lời phân tích ấy, bà cho là chồng hoàn toàn có lý, buộc miệng nói theo:
- Ờ, sân nhà mình thì làm gì có chỗ núp ông nhỉ?
ông Phú càng tin là mình đã gặp ma, rồi từ đó hai người im lặng nằm bên nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Mãi cho đến khi gà trong xóm rộn rã gáy khắp lượt, tiếng bước chân, tiếng nói chuyện huyên náo của dân làng kéo nhau ra đồng trên con đường đất rộng chạy ngang trước nhà. ông Phú mới mệt mỏi ngồi dậy ra thềm đứng nhìn khoảng sân gạch đang sáng dần trong ánh bình minh.
Mặt trời lên, làm ông thấy tỉnh táo hẳn, không còn sợ hãi như trong đêm. ông bước xuống sân thong thả đi ra cổng, và quả nhiên thấy cánh cổng vẩn còn khép kín, cài then trong với chiếc khóa đồng to bản vẩn nằm im ở vị trí thường lệ. Nhà ông từ mấy đời vì của cải khá nhiều nên xây tường bao quanh, và đêm đêm bao giờ cũng đóng then để đề phòng trộm cắp. Cổng khóa có nghĩa là người lớn không hề vào được, huống hồ là đứa con nít ba bốn tuổi. ông thơ thẩn quay vào, đi quanh một vòng.
Mặt trời lấp ló sau rặng tre, chiếu những tia nắng ban mai rực rỡ, in bóng ông chạy dài in trên nền gạch. ông bước lên hiên, uể oải ngồi xuống bậc thềm ngay chỗ sáng nay ông đúng nói chuyện với đứa bé lạ mặt. Con mèo đen lấm lét bước theo, rồi leo lên nằm trên đùi ông.
Bà Phú từ dưới bếp đi lên bưng khay trà toan bước vào nhà để đặt lên bàn cho chồng như thường lệ. Nhưng ông Phú vẫy bà, chỉ tay xuống sân và nói:
- Chỗ này nè bà! Nó đứng ngay chỗ này này.
Bà Phú đặt khay trà trên hè và cũng ngồi xuống bên cây cột gỗ lim. Bà lật hai cái cốc thủy tinh rồi rót nước trà, hơi nóng bốc lên nhè nhẹ. ông Phú có thói quen sáng thức dậy là phải uống ngay một cốc nước trà thật nóng và thật đặc trước khi ra hông nhà bếp xúc miệng rửa mặt. Nhìn nét ưu tư trong ánh mắt chồng, bà Phú tự hỏi:
- Hay là thật sự có đứa bé hàng xóm nữa đêm lẻn vào chọc ghẹo, cốt để làm cho vợ chồng bà sợ? Trẻ con làng này thì có thiếu gì đứa quấy phá thiên hạ.
Nghĩ thế, bà hỏi:
- Này, nó... nó... con cái nhà ai? ông thấy mặt mũi nó ra làm sao? ông có nhớ nó không?
- Nào tôi có biết. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy chắc một điều là nó không phải là đứa bé ăn xin. Con nhà ăn mày làm gì có quần áo trắng tinh như thế! Với lại bà nói đúng, bố mẹ nào mà xui con đi ăn xin mà lại đập cửa nhà người ta giữa nữa đêm như thế. Người ta đánh cho què chân chứ lị!
Tất cả những nhận xét của ông Phú, thật ra bà Phú đã nghĩ đến từ nãy đến giờ, nhưng không muốn nói ra sợ làm chồng càng thêm sợ, bà chỉ khẻ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, ông Phú lại thêm:
- Bà ạ, tôi vừa ra coi lại ngoài cổng, thì cổng vẩn còn khóa
Bà Phú bưng cốc nước nóng xoay xoay trên tay quay sang nhìn chồng. Một người bản tính hung hăng như chồng bà mà từ lúc nhìn thấy đứa bé lạ mặt trong đêm khuya, bổng dưng biến thành con người khác với những sợ sệt không che dấu nổi, thì chắc hẳn đứa bé ấy có cái ma lực gì ghê gớm lắm. Có thể nó là một oan hồn từ khu nghĩa trang ngay sau vườn nhà bà hiện về chăng? Nhưng bà lại lắc đầu gạt đi vì bà nhớ lại 20 người chôn sau nhà bà không ai chết trẻ. Đó là điều làm cho bà vẫn còn ngờ ngợ, nữa tin nữa không tin. Bà phân vân hỏi chồng:
- Ý ông thì... .thì ông nhất định cho rằng đứa bé ấy nó... nó... không phải là người à?
- Ma chứ không phải là người. Bà nhớ lại mà xem, có bao giờ con mèo nhà mình nó lồng lộn như đêm hôm qua đâu? Hễ nó gào lên, là lập tức có tiếng gõ cửa. Giống mèo nó nhận được ma ấy bà ạ! Bà không nghe người ta kể là quỷ nhập tràng hay sao?
- Có, có nghe! Nhưng mà quỷ nhập tràng nghĩa là quan tài người chết vẫn quàng trong nhà chưa đem chôn, nếu như mà có con mèo đen nó nhảy qua thì quan tài sẽ đứng bật dậy, rồi nắp quan tài bung ra, rồi người chết đuổi theo con mèo. Tôi thì tôi nghe người ta kể như thế.
Bất giác, ông Phú cuối xuống nhìn con mèo đen của mình đang nằm bên cạnh đùi ông. Và tự dưng ông thấy rờn rợn vì biết đâu nó chẳng biến thành tinh khi gặp quan tài người chết. Bà Phú uống ngụm nước, đặt lên, rồi trầm ngâm tiếp:
-..Tôi, thì tôi về ở với ông hơn hai mươi mấy năm rồi trong cái căn nhà này, chưa hề nghe nói nhà mình có mà bao giờ. Nhưng mà hôm nay nếu ông tin là có ma, thì để tôi bảo cái Thuần nó chạy đi mời Thầy, Thầy Lĩnh Quang ở bên Xuân Diễn ấy. Ngoài chợ người ta cứ đồn là Thầy Lĩnh Quang cao tay lắm. Thầy sai được cả âm binh và có phép mỡ mả chị thằng Trùng ấy. Để tôi thỉnh Thầy về cúng kiến xem sao, đuổi hồn ma đi khỏi quấy rầy nhà mình ông nhé.
ông Phú giơ tay ngăn lại:
- Hẳng khoan bà, tôi không muốn cái chuyện này ầm ỉ lên. Từ từ xem thế nào đã. Cần thì cũng phải mời nhưng thư vài hôm nữa xem sao.
Bà Phú đồng ý ngay:
- Thì tôi sợ ông lo quá rồi thành bệnh nên tôi mới đề nghị ông như thế, chứ thật ra tôi đâu muốn chuyện này nó lan ra ngoài cho thiên hạ biết đâu. Miệng đời nó ác dộc lắm! Người ta lại bảo là nhà mình thất đức bị trả quả báo.
Hai chữ thất đức, bà Phú nhấn mạnh để ám chỉ chính ông chồng những năm tháng đã qua. ông Phú dường như cũng biết ý vợ nên chớp mắt nâng ly trà hớp một ngụm lớn rồi không nói gì. Bà Phú liếc mắt nhìn chồng, thấy ông đã tỉnh hẳn chứ không lạnh người như trong đêm. Tuy vậy ánh mắt ông vẫn nặng trĩu ưu tư và da mặt sáng nay chợt xanh xao như người sốt rét lâu năm. Để trấn an ông, bà quay về với luận ngữ cũ hy vọng giúp chồng quên hẳn nổi sợ hãi vừa xảy ra, bà bảo:
- Trời ơi, đêm qua ông làm tôi sợ quá, tôi tưởng ông lên cơn sốt rét.
ông Phú gật đầu rồi nói:
- Bà nhớ đấy nhé, bà đừng dể hở cái câu chuyện nhà mình cho người ngoài nghe đấy nhé! Con Thuần, cái Nhàn, thằng Hoành, bà không được nói với chúng nó.
Bà Phú đồng ý ngay, bà nhắc lại:
- Với lại đã chắc gì là ma? ông bảo sáng nay ông nom thấy đứa bé đứng ở đây xin cơm, nhưng mà khi tôi mở cửa ra, tôi chả thấy đứa bé nào cả. Tôi thì tôi chỉ sợ lúc ấy ông ngái ngủ, mắt nhắm mắt ngủ, trời lại lắm sương mù cho nên ông nom cái nọ nó xọ ra cái kia chăng?
Ông Phú cũng mong như thế, mong rằng hình ảnh đứa bé sáng nay ông thấy đứa bé trước cửa nhà ông cũng như người đàn bà đứng ngoài cổng, đều chỉ là ảo giác. Nhưng rõ ràng không phải, ông nom thấy thật, ông ônở nụ cười héo hắt bảo vợ:
- Tôi là chúa ghét chuyện nhảm nhí, ghét những chuyện mê tín dị đoan, bà thì còn hay tin vớ vẩn chứ bà có thấy tôi tin ma quỉ bao giờ? Ấy thế mà bây giờ chính tôi lại gặp.
ông vừa dứt lời thì từ dưới bếp, chị người làm và hai đứa con cùng kéo lên, cái Nhàn hơn 20 tuổi, con gái cưng của bà Phú. Thằng Hoành 16 tuổi, học chữ Quốc ngữ hết lớp ba bậc Tiểu học thì trường làng không còn lớp cho nó tiếp tục nên đành quanh quẩn ở nhà. Nhàn ngồi xuống bên cạnh mẹ và hỏi một cách lo lắng:
- Nhà có việc gì thế hở mẹ? Đêm qua có trộm hay sao mà sáng nay con thấy mẹ xuống bếp đánh thức chị Thuần sớm thế?
ông Phú đưa mắt nhìn vợ làm hiệu, bà Phú vội xua tay phân trần:
- Trộm đâu mà trộm, mẹ chỉ hỏi chị Thuần là có quên khóa cổng hay không thôi.
Cái Nhàn thắc mắc hỏi:
- Ơ... nhưng mà rõ ràng con nghe tiếng bố nói chuyện với ai ngoài hè cơ mà? Lúc đó con giật mình thức dậy, con tính con chạy ra con thấy mẹ chạy xuống bếp gọi chị Thuần.
Bà Phú cười đẩy con:
- Bố mày mê ngủ đấy chứ có nói chuyện với ai đâu! Chuyện vãn gì nữa đêm vậy?
Thằng Hoành ngồi xuống bên cạnh chị, chăm chú theo dõi nhưng không nói lời nào, chị người làm lên tiếng đổi đề tài:
- Hôm nay bà với cô Nhàn có đi chợ không ạ? Để con mang quang gánh ra cho bà.
Bà Phú quay sang hỏi con gái:
- Đi hay ở nhà con?
Nhàn ngạc nhiên nhìn mẹ và đáp:
- Đi chứ mẹ! Chợ phiên mà! Mẹ bảo là mẹ mua vải may cho con và thằng Hoành mỗi đứa hai cái áo cánh mà!
Bà Phú thở dài:
- Ờ... ừ... thì đi, nếu đi thì phải đi cho sơm con ạ. Hôm nay sương nhiều, chốc nữa nắng to phải biết.
Rồi bà quay sang chồng:
- Thế ông có cần mua cái gì không?
ông Phú uể oải đáp:
- Bà xem trong tủ có còn chè mạn sen không? Hết thì mua cho tôi mấy gói.
Bà Phú đứng dậy bước vào nhà và nói:
- Ừ, để tôi xem coi
Rồi bà giục con gái chuẩn bị lên đường, bà bảo chị người làm:
- Lấy cái thúng được rồi. Có mua gì nhiều đâu mà cần quang với gánh.
Chị Thuần và Nhàn xuống bếp, thằng Hoành ra vườn sau xem tổ chim trên cây bưởi, chỉ còn mình ông Phú ưu tư ngồi trên
thềm nhìn ra cổng, không nói lời nào. Nổi lo sợ trong đêm gần như tan biến hết dưới ánh sáng mặt trời. ông ngẩm nghĩ mãi về cuộc đời, ông không hiểu tại sao ông lại gặp ma, hay đúng hơn là tại sao ma lại đến với ông?
Những câu chuyện về thế giới bên kia, về oan hồn vươn vấn dương gian. Ai mà chả từng nghe kể, mà chỉ toàn là tưởng tượng, là hoang đường, chứ có ai tận mắt gặp phải hồn ma bao giờ? Cả đời ông vẫn tin như thế cho đến đêm qua thì suy nghĩ của ông rẻ hẳn sang một khúc quanh khác. Chuyện tiếp xúc với cõi âm là có thật, chứ chẳng phải là ảo giác thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn người đời. ông mong rằng câu chuyện sẽ kết thúc ở đây, đừng tái diễn thêm một lần nào nữa. ông thở mạnh, vói tay lấy cái điếu cày, rồi tình cờ ngước lên ngọn cây soan mọc ở đầu nhà, trên một nhánh khác có con quạ đen đậu từ lúc nào, mắt đăm đăm nhìn ông. ông vung tay đuổi, con quạ vẫn lì lợm đứng tại chỗ, ông tìm cục đá nhỏ quăng lên, con quạ vỗ cánh đảo một vòng rồi trở về chổ cũ và vẫn nhìn ông soi mói, khiến ông hoang mang, đứng dậy bỏ vào nhà.
Một ngày trôi qua rất nhanh, buổi trưa ông thơ thẩn đi bách bộ trên thềm nhà dưới mái hiên dịu mát. Bà Phú và Nhàn đi chợ chưa về, con mèo đen đang lửng thửng bước theo ông trên trên hè bổng dưng thét lên rồi chạy vụt ra cái cổng chính, rồi cứ thế nó nhảy chồm lên cào vào cánh cổng như đang quần thảo với một kẻ thù vô hình nào đó rất hung dữ. ông Phú đứng trên nhà, toàn thân nổi da gà, trố mắt nhìn ra dù không thấy gì ngoài con mèo một mình gầm thét và cào cấu.
Một lúc sau, con mèo ngừng kêu, đứng lặng im trước bụi tre một lúc rồi quay vào với ông. ông thở hổn hển, ngồi xuống bậc thềm xoa lưng nó bởi biết rằng hồn ma vừa hiện vào cổng trước nhà ông, nhưng có lẽ vào ban ngày, ông không thấy được. Tuy nhiên, nhìn vào cảnh tượng ấy, ông cũng thấy rõ là người xưa nói không sai: chung quanh người sống, có biết bao nhiêu hồn người chết đang lởn vởn bên cạnh, mà mắt trần gian không trông thấy được.
Biết đâu trong lúc này, ông đang ngồi đây thì hai cái bóng ma xa hai mẹ con xa lạ đó cũng đang ngồi sát bên ông mà ông không biết. ông hoang mang nghĩ ngợi mãi cho đến lúc vợ ông và cô con gái đi chợ về, ông mới gượng cười đứng dậy, và cũng không kể cho ai nghe câu chuyện con mèo vừa đánh nhau với ma ở ngoài cổng.
Hiện tượng quái dị ấy tuy có làm ông sợ, nhưng dù sao đi nữa nó cũng diễn ra vào ban ngày, ông không hãi hùng lắm. ông chỉ lo đêm nay, đứa bé con mặc đồ trắng sẽ lại gõ cửa tìm ông. Cho nên buổi chiều, ông lặng lẽ ra nghĩa trang sau nhà thắp nhang từng ngôi mộ. Thành khẩn cầu xin tổ tiên phù hộ cho ông qua cơn khủng hoảng. Có nghĩa là đừng để hồn ma đứa bé tìm ông một lần nữa.
Lần đầu tiên trong nghĩa trang của chính gia đình ông, mà ông cảm thấy cái không khí rờn rợn, vương đầy tử khí. ông vừa nhắm mắt để khấn nguyện thì chợt linh cảm từ phía sau có người nào đó đang nhìn ông, ông quay đầu lại thì chẳng thấy ai. ông nhắm mắt đọc kinh tiếp thì lại thấy rõ có ai đứng nhìn lén mình, ông quay lại nữa, thì chợt nhận ra con quạ đen đậu trên cành đa chỉ cách ông có mấy thước, ông giựt mình, nhặt cục đá ném lên, con quạ kêu lên mấy tiếng ai oán rồi bay về chờ ông trên nhánh cây soan bên hông nhà. Buổi tối ông ăn qua loa mấy chén cơm rồi vào buồng vì ông sợ bóng tối ngoài sân cũng như trong các lùm cây. Lên giường nằm, ông trằn trọc thao thức mãi. Bà Phú thắp nhang trên bàn thờ rồi chìu chồng cũng lên giường sớm và con mèo đen theo thói quen, nhảy lên cái ghế dành cho nó bên cạnh giường.
Bà Phú kể cho chồng nghe các thứ chuyện vặt vãnh ngoài chợ, tránh nhắc đến chuyện đêm qua, để khỏi làm chồng thêm sợ. ông Phú nghe vợ nói chuyện, cũng ậm ừ cho qua, nhưng rõ ràng ông không chú ý vì đầu óc vẫn đang vướng bận, cố gạt đi mà không gạt nổi. Gần nữa đêm bà Phú mệt mỏi ngủ mất trong khi ông vẫn còn trăng trở, hết xoay bên phải lại đổi sang bên trái. Nằm lâu ông buồn tiểu lắm, nhưng không dám đi một mình, mà chẳng lẽ lại đánh thức vợ dậy để rũ vợ cùng đi chung với mình. Nhà cầu nằm mãi sau bếp, ông tưởng tượng giờ này ông phải băng ngang mảnh sân ra đó, bất chợt đang đi mà hai cái bóng trắng lao ra chắn lối, thì chắc chắn có thể làm ông kinh sợ đến ngất đi được.
ông nén tiếng thở dài, nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ. Bên ngoài trời đã khuya lắm, ông gnhe tiếng sương đêm từng giọt đều đặn từ mái ngói đến sân gạch, ông kéo tấm chăn phủ kín trên mặt rồi cảm thấy rất khó chịu vì ngộp thở. Không gian hoàn toàn tỉnh mịch, trời đứng gió, ngoài vườn bao nhiêu cây lá không một chút lay động.
ông hồi tưởng lại bao nhiêu năm sống ở làng này, từ thuở thiếu thời, ông đã lang thang một mình trên đường khuya, dù là đêm trăng sáng hay đêm tối trời, có bao giờ biết sợ là gì? Rồi sau này khi lập gia đình, có địa vị trong làng xóm, cũng biết bao đêm ông đi uống rượu ở nhà người này, người kia. Hoặc khi ra sân đình xem hát chèo, rồi một mình trở về trên những khúc đường vắng lặng, chỉ có tàn tre hai bên rũ xuống, chuyện ma quỷ có khi nào làm cản trở bước chân lịch lãm của ông đâu? Ấy thế mà từ đêm qua đến giờ, hễ nhìn thấy bóng đêm là ông run sợ. Vườn nhà ông cây trái xum xuê, từ nay ông chỉ dám ra chơi ban ngày mà thôi. Ông nhớ có lần nghe người ta bảo ma lúc nào cũng hiện diện quanh ta, nhưng chỉ người nào ma muốn cho thấy, thì mới thấy được. ông tự hỏi tại sao ma lại chọn ông để hù dọa?. ông nghĩ mãi không tìm ra lý do. Một lúc sau, ông Phú vừa lật người nằm ngửa, thì bổng con mèo bên cạnh ông kêu rú lên, lao vọt qua cửa sổ, và chạy vùn vụt trên mái nhà, tiếng gào thét như xé màn đêm. Sau đó có tiếng gỏ cửa phía trước, ông Phú giật thót người, hất mạnh tấm chăn ra khỏi, ngóc đầu dậy lắng nghe. Vẫn những tiếng cọc cọc giống hệt đêm qua.
ông hít thở chờ đợi, tiếng gõ vang lên như giục giã, ông đưa mắt nhìn vợ, hy vọng là bà cũng nghe thấy. Nhưng bà vẫn đang say giấc nồng, hơi thở vẫn đang đều đều, chứng tỏ bà vẫn chưa thức giấc. ông Phú khẻ lay vai vợ, bà Phú trở người nằm nghiêng, úp mặt vào tường, xoay lưng về phía ông. Tiếng gõ cữa vẫn tiếp tục, tiếng mèo gào thê lương vẫn vang lên rộn rã, tiếng móng vuốt cào cào rin rít trên cánh cửa gỗ. ông Phú như người say thuốc, như kẻ bị hớp hồn, nữa tỉnh nữa mê, mất hết tự chủ, tung chăn bước xuống giường, thất thểu đi ra, ông tháo then ngang, đẩy rộng cánh cửa. Con mèo đen lao vọt lại chân ông, cắn gấu quần ông, lôi thật mạnh, như cố ý kéo ông vào nhà. Nhưng ông cứ đứng yên như người bị thôi miên
Trang 2 của 2
Cảnh cũng lại diễn ra y hệt như là đêm qua, trong màn sương nhạt, đứa con gái mặc quần áo trắng toát, mái tóc rũ xuống, che một phần khuôn mặt xanh xao, chià bàn tay xin:
- Ông cho con xin bát cơm. Con đói quá!
ông Phú đứng chết cứng như chôn chân xuống nền gạch, á khẩu không nói được lời nào. Xa xa ở cuối sân sát cổng ra vào, ông lại thấy người đàn bà trẻ mặc đồ trắng, cất tiếng gọi:
- Về con ơi, về với mẹ con ơi!
ông Phú kinh hãi đến tột cùng, tiếng nói của cả hai mẹ con vừa trong, vừa lạnh như vọng về từ cõi âm. Cả hai khuông mặt đều mờ ảo, ông không trông rõ, không nhận diện được. Đứa bé chìa tay khẩn khoảng nhắc lại:
- Xin ông bố thí cho con bát cơm, con đói lắm.
Và ngay sau đó tiếng người mẹ từ ngoài cổng cũng cất lên:
- Về con ơi, về với mẹ con ơi!
Con mèo đen từ chân ông, lao về phía đứa bé. Lập tức đứa bé quay lưng và vụt mất. ông Phú chớp mắt mấy cái và bừng tỉnh. Bấy giờ ông mới thấy ở cuối sân, hai mẹ con dắt nhau ra cổng. ông vẫn đứng run rẩy tại chỗ như có ai níu chặt lấy đôi chân ông, cả phút sau mới hoàn hồn. ông toan bước vào nhà, thì một bàn tay bấu mạnh trên vai ông, ông hét lớn quay đầu lại thì hóa ra vợ ông, bà hỏi:
- Ông làm cái gì ngoài này thế?
ông Phú thở hồng hộc như người chạy đua đường trường, bà Phú dìu ông vào nhà, để ngồi ở ghế và vặn to ngọn đèn dầu. Con mèo đen cũng theo vào, nhảy lên chỗ củ. Bấy giờ, bà Phú mới nhận ra nét nhợt nhạt đẩm ướt mồ hôi trên khuôn mặt của chồng. Bà rót nước tro cho ông và bảo:
- Ngồi xuống, ông ngồi xuống hẳng đi rồi uống cốc nước nóng này đi đã. Uống rồi cho tỉnh.
Rồi bà lấy cái khăn vải máng ở đuôi giường lau mặt cho chồng. ông Phú uống cạn cốc nước, đòi thêm một ly nữa, rồi run run bảo bà:
- Bà... .bà cầm đèn đi với tôi, tôi phải đi giải một cái đã.
Bà Phú làm theo chồng. Lần đầu tiên sau hiền lành bạc nhược khác hẳn với thái độ hách dịch và hung bạo thường ngày. Bà đi trước, giơ cao cái đèn soi bước, bà đẩy cái cánh cửa cho chồng bước ra, nhưng cánh cửa vừa mở, ông đã kêu thét lên và lùi lại. Vì thấy hai cái bóng người đứng ngay trên thềm nhìn ông chờ đợi. Bà Phú vội trách:
- Cái gì mà ông cứ la ầm lên giữa đêm khuya vậy? Làng xóm người ta kéo sang bây giờ.
Hai bóng người đứng đó cùng lao lại đở ông vì đó là chị người làm và cô con gái. Chị Thuần lên tiếng:
- Ơ! Con đây mà ông.
ông Phú đặt bàn tay lên ngực, khò khè thở và mắng:
- Chúng mày... .chúng mày ra làm cái gì đây? Tao cứ tưởng là ma.
Cô con gái đáp:
- Tại con đang ngủ, tự nhiên con nghe bố hét to quá à. Con vội lay chị Thuần dậy, chạy lên xem bố có việc gì không?
Bà Phú buồn rầu bảo:
- Thôi, đi ngủ hết đi. Mẹ rửa mặt cho tỉnh táo, từ hôm qua đến giờ cứ mê man, nói lung tung.
Và bà bảo chị người làm:
- Thôi, chị cũng đi ngủ đi, còn sớm lắm. Có cần gì thì tôi gọi ngay.
Bà Phú bước xuống sân, ông Phú nắm chặt cánh tay vợ đi từng bước chậm chạp sát bên cạnh. ông không dám nhìn ra phía cổng, bởi ông hình dung hai cái bóng trắng vẫn đứng đó chờ đợi ông. Ra tới bên hông nhà, bà Phú đặt cây đèn trên bệ nước xi măng, lấy khăn nhúng ướt cho ông lau mặt, rồi đứng chờ ông đi tiểu bên bệ chuối. Gió thổi xào xạc trong hốc cây, những tàn lá chuối run lên phần phật, ngọn đèn dâù tắt phụt làm ông Phú lại một phen khiếp vía.
Trăng thượng tuần soi mờ không gian, chẳng cần đèn ông cũng đã rành đường đi nước bước từng hốc cạnh trên mãnh đất lâu đời của ông. Nhưng vì cảm giác hoản loạn, ông cần ngọn đèn cho đỡ sợ. Bà vợ nắm tay ông dắt vào nhà, ngang qua mảnh sân, ông bổng nghe tiếng chó gầm gừ, rồi sủa vang ở ngoài cổng, ông bấu chặt cánh tay vợ và hổn hển nói:
- Mẹ con nó đang đi ngoài ấy!
Bà Phú ngơ ngác hỏi:
- Mẹ con ai? ông làm sao thế?
ông Phú run rẫy đáp:
- Bà không nghe tiếng chó sủa hay sao?
Quả thực ngoài ngõ, tiếng chó đang tru lên từng hồi như ai oán, và lại sủa lên. Và cứ mỗi lúc một xa dần. ông Phú nhắc lại:
- Đấy, bà có nghe thấy không? Mẹ con nó dắt nhau đi ngoài đường.
Bà Phú mệt mỏi nhắc lại:
- Mẹ con ai mới được chứ lị? Chó thì đêm nào mà chả sủa, có khi chó nó sủa bóng trăng, rồi có khi chó nó sủa người đi đánh dặm. ông lẩn thẩn mất rồi, ở nhà quê mà đêm không có nghe tiếng chó thì chẳng lẽ cả đêm người ta thức để canh trộm à?
Bà nói dứt câu, thì hai người cũng vừa lên tới bậc thềm, đẩy cửa bước vào nhà. Bà Phú bật diêm châm đèn, vừa ngáp vừa bảo chồng:
- Thôi, ngủ đi ông, đừng có giựt mình rồi thức dậy nữa. Cố ngủ đi một tí, trời sắp sáng rồi. Chốc nữa tôi bảo con Nhàn đi mời thầy thuốc bắc, bốc thuốc cho ông.
Rồi bà lên giường nằm quay mặt vào vách, nhắm mắt lại. ông Phú cũng nằm nhắm mắt, phủ chăn lên tận ngực, nhưng tất nhiên không ngủ được. ông nằm lan man nghĩ ngợi một lúc khá lâu, rồi bỗng vùng dậy ngồi tựa lưng vào vách là vì trong mớ trí tưởng hổn độn của quá khứ vừa ùa về trong trí ông. ông chợt thấy lạnh toát toàn thân vì nhớ ra câu chuyện cũ đã lâu lắm, lâu đến nổi chẳng bao giờ ông nghĩ tới cho đến đêm nay bổng loé lên trong đầu ông, dắt ông về một kỷ niệm của ngày tháng cũ.
Dạo ấy, ông đã có ba con rồi, nhưng vẫn đam mê cái thú cô đầu trên phố huyện. Trò tiêu khiển cuối muà này lôi cuốn ông không phải vì ông thích văn chương thơ phú, hay ghiền tiếng trống chầu kêu khách, mà chỉ vì nhà hát có những cô hầu rượu trẻ trung lúc nào cũng tựa má, kề vai thân thiết với ông.
Gọi là đào rượu bởi thiếu nữ ấy không phải là ca nhi, họ chỉ vì túng thiếu, phải bỏ nhà quê lên thành phố. Tấp vào những nhà hát để làm công việc hầu rượu và quạt mát cho Quan viên đến thưởng thức. Ông Phú là một trong những Quan viên lắm của nhiều tiền, thường xuyên ghé chơi vào những ngày rãnh rỗi. ông có xe kéo riêng, từ làng Vạn Yên lên phố huyện chỉ mất khoảng ba tiếng đồng hồ. ông hách dịch lắm nhưng phóng tay xài rộng nên chủ chứa rất quí trọng và ra sức chìu chuộng. Họ giao ông cho cô đào Tuyết mới ngoài 20, vào nghề chưa được nữa năm. Tuyết phục dịch ông chu đáo lắm, từ lời ăn tiếng nói, dáng đi dáng đứng, từ cái quạt nan cầm tay phe phảy liên tục cho ông, tới cốc rượu nồng nâng lên miệng ông khi ông kê gối ngã đầu trên đùi cô. Sự chung đụng xác thịt dĩ nhiên không thể dừng lại ở đó. Lần nào trước khi ra hát từ, ông cũng ngủ với cô một đêm, rồi mới chia tay hẹn gặp chuyến tới.
Bà Phú cũng biết cái thú của chồng, nhưng chuyện ấy không làm bà bận tâm nhiều lắm. Bởi ông làm ra tiền, thì đi ngang về tắt để giải sầu một tháng đôi ba ngày cũng không có gì quá đáng đối với đàn ông thời ấy.
Bẵng đi một thời gian, ông Phú không lên phố huyện để chuẩn bị ra tranh chức ông Nghị. Gọi là tranh, nhưng có tranh với ai đâu, đó là thứ Nghị hách, Nghị gật, ngồi làm bù nhìn để diễn tuồng dân chủ cho thực dân Pháp mà thôi. Quan tỉnh quan huyện hổ trợ sau lưng, là tất nhiên ông thắng cử, nghênh ngang vào ngác trong các nghị trường. Có điều ông Phú cũng phải bỏ thì giờ học chữ Quốc ngữ và mấy câu tiếng Tây, vì chẳng lẽ vào nghị trường mà không biết đọc, biết viết. ông say mê chức trọng quyền cao, thú cô đầu dường như ông quên hẳn.
Cô đào Tuyết ở phố huyện ngóng ông mãi không thấy tăm hơi. ông không lên, thì cô không có tiền mà nhà chứa cũng mất nhiều lợi tức. Cô dọ hỏi cả tháng trời, mới biết ông ở làng Vạn Yên. Đắn đo mãi, cô đánh liều thuê xe kéo về làng Vạn Yên. Tất nhiên cô không dám đến thẳng nhà, cô dừng chân ở ngoài cánh đồng làng, mướn một đứa bé đang thả diều gần đó bảo nó vào gặp riêng ông Phú, nhắn ông ra gốc cây đa cho cô gặp. Làng này thì già trẻ lớn bé, ai mà không biết mặt ông Phú, cô dặn đi dặn lại thằng bé rằng:
- Này, mày phải gặp cho bằng được ông Phú rồi hẳn đưa cái mảnh giấy này nhé! nhớ chửa? Đừng có bạ ai cũng đưa, nhất là bà Phú thì nên lảng đi ngay. Phải đưa tận tay cho ông Phú, bảo là có cô Tuyết đang đợi ở gốc cây đa đầu làng ấy. Thôi đi đi! Nhanh chân lên một tí nhé! Đưa giấy rồi ra đây tao cho thêm tiền nhé!
Thằng bé nhận tiền và mảnh giấy, bỏ luôn cái diều và chạy thẳng vào làng Vạn Yên. Nó cũng biết ông Phú, nhưng là vì con nhà cùng đinh, nên chưa bao giờ đặt chân vào nhà ông. Nó đến trước cổng nhà ông, dừng lại thở, mồ hôi nhễ nhại khắp mặt và lên áo. Trong sân nhà ông hôm nay lố nhố cả chục người, rồi lại có cả ô tô trên tỉnh xuống, làm nó càng sợ không dám vào.
Khoảng thời gian này ông Phú bận lắm vì đang chạy chức nghị viên. Chờ đến hơn một tiếng đồng hồ, thằng bé phân vân không biết làm sao. Quay lại gốc đa nói thật với Tuyết thì sợ cô đòi lại tiền mà xông vào nhà gặp ông Phú thì liều lĩnh quá. Lơ phật ý ông, ông tát cho thì sưng mặt ; Nó cứ đứng sớ rớ mãi ở ngoài cổng cho đến khi chị thuần xách giỏ đi mua thêm rượu, thấy cử chỉ lấm lét của nó, cất tiếng hỏi:
- Này, mày con nhà ai thế? Làm gì mà cứ thập thò ở đây thế này? Ăn trộm hả? Xéo ngay không chết bây giờ đấy nhé!
Thằng bé sợ hãi đáp:
- Cháu hỏi thăm ông Phú ạ!
Chị Thuần mắng:
- Ớ! Cái thằng này láo thật! Mày là đứa nào mà dám hỏi tới ông Phú? Cút đi, ốm đòn bây giờ đó!
Thằng bé luống cuống đáp:
- Dạ, cháu cần đưa cho ông Phú mảnh giấy này ạ!
Nó rút trong cạp quần miếng giấy nhỏ đã nhoè nhoẹt mồ hôi, trao cho chị Thuần rồi bỏ chạy. Chị Thuần không biết chữ nên đứng nhìn đăm đăm một lúc, rồi trở vào đưa cho anh Long, con trai đầu lòng của ông Phú. Mảnh giấy nguệch ngoạc mấy chữ ông ra cho em gặp, em đang chờ ở gốc cây đa. Có việc cần. Tuyết. Long đọc lướt nhanh rồi cất vào túi. Anh không biết Tuyết là ai mà lại đòi gặp bố mình. Anh lưỡng lự một chút rồi vào nhà mời ông Phú ra mãi sau vườn rồi đưa cho ông mãnh giấy. ông Phú đang lúc say sưa với công danh sự nghiệp, nghĩ đến tương lai ông nghị, nên lập tức nổi nóng nghiến răng bảo:
- Cái con đĩ này! Ai cho phép nó xuống tận đây để tìm tao? Láo thật!
Rồi ông vò mãnh giấy, quăng mạnh xuống gốc cây. Long ngước lên hỏi bố:
- Cô ấy là ai mà tìm bố, bố có định ra gặp cô ấy không?
ông Phú gắt:
- Gặp làm gì? Nó là con đào rượu ở nhà hát trên phố huyện. Tao mà gặp là tao vả ngay cho mấy cái
Dứt lời, ông toan quay vào nhà vì khách đang chờ ở bàn tiệc. Nhưng Long níu lại và ôn tồn nói:
- Bố ạ! Bố không ra gặp cô ấy, ngộ lỡ cô ấy đến thẳng đây rồi làm sao? Bố sắp sang nghị viên. Hôm nay nhà mình đông đủ Quan viên, chức sắc, chẳng may cô ấy đến làm ầm ỉ lên thì làm sao?
Chính ông Phú cũng vừa sực nghĩ ra điều ấy, đường hoạn lộ của ông đang thênh thang, lại để một đứa con gái nghèo hèn làm vỡ chân ông. Nhưng ông vẫn trấn an con trai:
- Nó chẳng dám đến đây đâu! Có mà uống thuốc liều!
Long tha thiết nói:
- Bố ạ! Cô ấy đã từ huyện xuống làng ta, thì sợ gì mà không đến thẳng đây? Chả qua là cô ấy ngại mẹ con thôi! Nhưng nếu bố không ra gặp thì thể nào cô ấy cũng đến.
ông Phú đăam chiêu cuối đầu, Long lại đề nghị:
- Hay là bố để con chạy ra xem sao! Con sẽ nói khéo bảo cô ấy đừng đến đây. Bảo cô cứ về đi rồi nay mai bố sẽ lên huyện gặp.
ông Phú ngượng ngùng nhìn con:
- Ờ! Tính thế cũng phải. Đi hộ bố đi. Bảo với nó dứt khoát từ nay không được lai vãng về đây nữa. Mai kia bố lên huyện, bố sẽ cho nó một trận.
Long gật đàu, cuối lượm lại mảnh giấy mà vừa rồi ông Phú đã vứt vào gốc cây. Rồi anh tất tả chạy ra ngoài đầu làng. Từ xa anh đã thấy Tuyết đứng ở gốc cây, nón cầm tay phe phẩy, anh chạy lao lại thở hồng hộc vì quảng đường khá xa mà anh thì cố lướt thời gian. Tuyết ngừng quạt, trố mắt nhìn Long nhưng không dám hỏi. Long đứng lại, cố lấy bình tĩnh và lên tiếng:
- Cô..cô là cô Tuyết phải không ạ?
- Vâng ạ, tôi,đây! Xin hỏi ông là... .
- Tôi tên là Long, bố tôi nhận được mảnh giấy của cô nhưng bận lắm, không ra gặp cô được.
Dứt lời Long giơ mảnh giấy nhàu nát ra trước mặt Tuyết. Tuyết thất vọng ngồi bệch xuống đất trên nhánh cây cổ thụ, cô buồn rầu hỏi:
- Thế ông Phú có nhắn gì tôi nữa không?
Long vốn biết bố mình nóng tính, đôi khi không dằn được cơn giận, nên anh tội nghiệp bảo Tuyết:
- Bố tôi chỉ bảo là từ nay tuyệt đối cô đừng có về làng tìm bố tôi. Bố tôi không bằng lòng như thế. Gặp ở nhà hát chứ sao cô về tận đây? Nếu mẹ tôi biết thì làm sao?
Tuyết ứa nước mắt sụt sùi đáp:
- Tôi đâu muốn lê thân về đây đâu, chẳng qua là vì tôi... tôi... tôi có..mang với bố anh, nên mới phải xuống tìm chứ tự dưng lặn lội về đây để làm cái gì? Có chửa thì tất nhiên nhà hát người ta đuổi tôi đi rồi, chứ ai mà cho hầu rượu nữa! Bây giờ thì bụng còn bé nên còn nán được, chứ tháng sau rồi tháng sau nữa, dấu làm sao được với thiên hạ? ông nghĩ coi, tôi thì tôi không nhà không cửa, nhà hát đuổi tôi đi thì tôi chả biết làm sao để sống qua ngày để sinh đẻ? Vạn bất đắc dĩ tôi mới phải liều xuống đây thưa thật với bố anh.
Cô nghẹn ngào dừng lại, Long mủi lòng nhìn cô gái tội nghiệp, cô còn trẻ, lại có nhan sắc mặn mà, bố anh say mê là phải, Long dè dặt hỏi:
- Thế bây giờ cô tính thế nào? Cô tìm gặp bố tôi dể làm gì?
Tuyết đã dự định trước, rành mạch kể:
- Tôi bây giờ lâm vào bước đường cùng rồi, nên mới phải ngữa tay nhờ cậy bố anh. Đẻ xong, tôi sẽ đem con tôi cho các bà sơ, rồi tôi đi làm thuê, làm mướn nuôi thân. Tôi không có dám làm phiền bố anh nữa đâu. Tôi chỉ cần từ đây đến ngày ở cử thôi.
Long hiểu ra, xúc động vì hoàn cảnh dỡ dang của cô gái do bố mình gây nên. Anh thọt tay vào túi nhưng không có đồng bạc nào vì anh không hề dự trù trước, anh dịu dàng bảo:
- Hay là thế này, tại bố tôi không biết là cô có mang với bố tôi, bây giờ cô cứ ngồi đợi đây để tôi chạy về cho bố tôi hay, thể nào bố tôi cũng ra gặp cô.
Tuyết thở phào nhẹ nhỏm:
- Vâng..vâng, trăm sự nhờ anh. Anh đi nhanh hộ tôi một tí nhé, tôi chờ!
Long toan chạy thì Tuyết lại thêm:
- Ấy, ấy, nhược bằng như là bố anh bận quá không ra được để gặp tôi, thì nhờ anh nói khéo tôi chỉ xin ít tiền thôi, để tôi sống qua ngày chờ ngày sinh nở thôi.
Long gật đầu, rồi lập tức chạy lao vào làng, anh vẫn biết ông Phú ham thú trăng hoa, nhưng anh không ngờ anh sắp có một đứa em cùng cha khác mẹ.
Về tới nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh lại làm hiệu gọi ông Phú ra sau vườn và kể lại từ đầu đuôi, đồng thời giục bố ra gặp, nhưng ông Phú gạt đi:
- Quân láo lếu, nó bảo nó có chửa à? Đã chắc gì nó có chửa với tao? Cái thứ mèo mã gà đồng, ngủ hết người này đến người khác. Thấy tao có tiền lại giở trò vòi vĩnh. Kệ mẹ nó!
Thế là ông quay gót vào nhà, Long chạy theo níu kéo:
- Bố ơi! Không phải con của bố thì đời nào cô ấy mò về tận đây?
ông Phú phất tay:
- Mày ngu lắm con ạ! Làm cái nghề đào rượu như nó phải biết mánh khoé chứ! Rồi mày xem, nó sẽ vác cái bụng chữa đi vòi tiền của tất cả mọi thằng đàn ông đã đến cái nhà hát ấy. Gặp ai nó cũng sẽ bảo người ấy. Tao già đầu rồi, tao không có dại.
Long đứng thừ người một lúc rồi nói:
- Nếu thế thì để con chạy ra bảo cho cô ấy biết để cô ấy quay về huyện trước trời tối. Bắt người ta chờ khổ thân. Vả lại cô ấy đã có công mò về tận đây thì... cũng nên biếu cho cô ấy một ít tiền chứ bố!
ông Phú gay gắt xua tay:
- Đã bảo là kệ nó, mày cứ hay mua việc. Tao không ra, mày không ra thì nó sẽ phải về. Chửa biết chừng nó sẽ đi tìm thằng khác để báo tin là có chửa. Tiền bạc tao không tiếc, nhưng giúp nó một lần, nó sẽ ăn quen thấy mùi ăn mãi, phiền phức lắm.
Long còn đang phân vân, thì có tiếng bà Phú gọi:
- Anh Long đâu, mẹ nhờ một tí nào!
ông Phú giục:
- Vào xem mẹ mày cần cái gì.
Long thở dài chạy vào nhà tìm mẹ, bà Phú gắt:
- Con phải ngồi tiếp khách hầu rượu các Quan chứ! Sao mà cứ thập thò ở dưới bếp là thế nào? Lên nhà trên mau, đừng để người ta chờ!
ông Phú trở lại bàn tiệc, nói cười oan oan với cốc rượu nồng, không mảy may bận tâm với Tuyết đang sốt ruột chờ ông ngoài gốc cây đa. Riêng Long thì rất áy náy nhưng không thể rời bàn tiệc. Ngoài cánh đồng Tuyết hết đứng lại ngồi, nỗi oán hận cả bố lẫn con mỗi lúc một dâng cao, cho đến khi mặt trời lặng, vẫn không thấy ông Phú hoặc Long ra gặp, cô đành thất thiểu thất vọng tìm đường trở về phố huyện.
Thời gian cứ thế mà trôi, suốt cả nữa năm ông Phú tíu tít tiếp khách, lại biết mình sắp làm lớn, nên không lên phố huyện hát cô đầu nữa. Nhưng người tính không bằng trời tính, phút chót tình thế biến chuyển dồn dập. Cái chức nghị viên bị bãi bỏ sau khi ông tốn khá nhiều tiền để lót đường từ làng lên tỉnh. ông buồn đứt ruột vì công danh trắc trở và vì tiếc tiền vung tay quá hào phóng. Có lẽ mả nhà ông không phát về đường Quan lộc nữa.
Ngồi buồn vài tháng sau, ông lại mò lên phố huyện đến nhà hát cũ. Chị chủ nhà ra đón ngậm ngùi bảo ông:
- Gớm, lâu quá mới lại thấy Quan bác quá bộ đến thăm chúng em đấy. Chúng em cứ nhắc đến Quan bác mãi.
ông Phú nghênh ngang bước vào và khinh bạc hỏi:
- Không biết cô Tuyết của tôi bây giờ ra làm sao, chả biết có còn nhớ tôi hay quên bén mất rồi?
Chủ nhà trố mắt nhìn ông vì tưởng ông nói đùa, giây lâu chị mới kể:
- Ủa, chả lẽ Quan bác chưa biết hay là sao? Cô ấy nghĩ việc từ khi có mang tháng thứ ba rồi. Em thì chả biết cô ấy phiêu bạt về đâu, mãi sau này mới nghe người ta nói là cô đẻ thiếu tháng ở nhà thương thí ấy, rồi cả hai mẹ con chết rồi.
ông Phú nghe qua chả có phản ứng gì, chủ nhà liền ngâm bốn câu ngữ, tức là bốn câu thơ mỡ đầu bài hát nói của Dương khuê mà ngày trước ông Phú thích nghe mỗi khi nằm kề bên Tuyết.
Lấy ai là kẻ đồng tâm
Lấy ai là kẻ tri âm với nàng
Đêm khuya luống nhưng đàng hoàng
Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?
ông Phú nghe xong, vẩn không tỏ một lời tiếc thương kẻ bạc mệnh. Chủ nhà biết ý nên cũng không nhắc thêm chuyện ấy nữa, mãi đến khi tiển chân ông ra về, chủ nhà mới kể thêm:
- Cái dạo mà cái Tuyết mới có mang, nó có xuống tận làng Vạn yên để tìm Quan bác để báo cho Quan bác biết, nhưng mà nó chờ mãi mà Quan bác cứ lờ đi. Nó về đây khóc cả tuần lễ rối khăn gói ra đi. Từ đấy, em chả gặp nó bao giờ cho đến khi em nghe tin nó chết đấy.
ông Phú khẻ nhíu mày nhưng không nói gì, chỉ biết sau lần ấy ông không lên phố huyện nữa, cũng ít khi nào ông nghĩ đến người con gái bạc số đã từng kề cận nhiều đêm bên ông và cưu mang đứa con bất hạnh của ông. Mãi đến hôm nay, hai cái bóng trắng hiện ra ngoài sân trong đêm, hai mẹ con dắt tay nhau trong sương mù, thất thểu đi ra khỏi cổng nhà ông, mới làm ông giật mình liên tưởng đến chuyện cũ. ông buộc miệng thảng thốt kêu lên nho nhỏ:
- Hay là hai mẹ con nó hiện về báo oán?
Bà Phú đang nằm thiu thiu, ngơ ngác quay lại hỏi:
- Hai mẹ con nào?
ông Phú không dám tiết lộ chuyện cũ với vợ, nên làm bộ lảng sang chuyện khác, ông thản nhiên nói:
- Bà chưa ngủ à? Tôi thì tôi mới chợp mắt lại nằm mê ngay lập tức.
Bà Phú ngồi dậy vấn tóc và bùi ngùi nói:
- Tôi thì tôi biết ông còn thức chứ chưa ngủ đâu. Có phải là ông đang nhớ đến con bé gì trên phố huyện, dạo mà ông mê đi hát cô đầu, đúng chưa? ông ngủ với nó, rồi nó có mang, rồi nó về làng tìm ông mà ông nhất định không ra gặp, có đúng thế không?
ông Phú kinh hãi hỏi lại vợ:
- Sao... sao bà biết?
Bà Phú ngậm ngùi thở dài trách bằng giọng có pha nước mắt:
- Tôi thì tôi biết từ dạo ấy cơ! Thằng Long nó kể cho tôi nghe hết. ông ác lắm, con ông mà ông còn bỏ, con bé bụng mang dạ chửa, lang thang đầu đường xó chợ, không cơm ăn, không áo mặc. Tất nhiên là nó đẻ non rồi, hai mẹ con nó cùng chết đói. ông à! đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Sao ông không bảo với tôi một tiếng để tôi giúp nó? Tôi không có muốn ông thất đức, con gái tôi nó phải gánh chịu.
Ngừng một chút cốt ý để chồng suy gẩm, bà Phú lại tiếp:
- Đấy, thằng Long nó trách ông đấy! Cho nên hôm nó có dịp lên phố huyện, tôi bảo là nó cố tìm cái con bé ấy để dúi cho nó ít tiền. Nhưng mà nhà chủ đuổi đi lâu lắm rồi, chả biết nó đi đâu?
ông Phú nằm yên không biết nói sao. Giờ này ông vẫn không hối hận vì đã xử bạc với Tuyết. ông chỉ sợ hồn ma hai mẹ con về báo oán, nên ông tự bào chửa:
- Bà bảo tôi ác là oan cho tôi. Cái hôm nó về chờ tôi ở gốc cây đa ngoài cánh đồng, tôi không ra là vì đã chắc gì cái thai trong bungnó là con tôi? Đào rượu ở nhà cô đầu thì nay tiếp người này, mai tiếp người khác. Biết nó có mang với ai?
Bà Phú không nói gì nữa. Chuyện này bà đã dấu kín bao nhiêu năm, bà vẫn thầm trách chồng là người nhẫn tâm. Bà không nói chỉ vì bà không muốn các con biết thêm những cái xấu của bố chúng nó, nhất là cô con gái. Bà ngồi lên đẩy cái liếp cửa sổ cho không khí trong lành ngoài vườn luà vào, nhưng trời vẫn còn tối quá, nên bà lại hạ xuống. Làng xóm còn im lìm ngủ yên, gà chưa gáy tiếng nào. Dưới bếp chưa có tiếng động, chứng tỏ chị Thuần chưa dậy pha trà, bà Phú buồn rầu bước xuống, bưng cây đèn ra hiên để xuống bếp, bà nói:
- Thôi ông ngủ đi một tí để lấy sức, tôi xuống tôi đun ấm nước.
- Sao không gọi cái Thuần nó dậy bảo nó đun?
- Thôi, còn sớm mà! để cho nó ngủ. Đằng nào tôi cũng dậy rồi.
Bà bước ra ngoài, ông Phú nằm một mình nhớ lại từng chi tiết cái hôm Long trao cho ông mảnh giấy, rồi giục ông ra gốc đa gặp Tuyết. Chuyện cũ bao nhiêu năm qua giờ này bổng sống lại trong ông. Nhưng để khỏi áy náy, ông tự bảo mình:
- Đã chắc gì đứa bé trong bụng là con mình!
ông vừa dứt lời thì bổng thấy cơn lạnh từ trên vách ùa vào xối xả như gió bấc muà đông. Lập tức con mèo đen của ông kêu thét lên và lao mạnh vào liếp cửa sổ. Ngay sau đấy có tiếng gõ cửa liên hồi, ông giật thót người run lên bần bật. Tiếng gõ không phải ở trước cửa như đêm qua mà ngay trên liếp cửa sổ, sát cái giường ông đang nằm. ông co rúm người, cố nhích ra xa, rồi ú ớ gọi vợ. Con mèo vẫn cào mạnh, vẫn gầm gừ, nhảy lên tuột xuống. ông cố kêu nhưng cổ ông dường như bị bóp nghẹt khiến ông không thốt được một tiếng, chỉ nghe tiếng âm thanh nghèn nghẹn như người sắp tắt thở. Tiếng gõ trên cửa sổ vẫn vang lên, rồi giọng nói con nít như rót vào tai ông:
- Xin ông bát cơm... xin ông bát cơm... Con đói quá...
ông Phú lết mãi mới ra được mép giường rồi ngã lăn xuống đất, ông lồm cồm bò dậy thì bên ngoài cửa sổ có tiếng nói của người đàn bà mà ông đã nghe đêm qua:
- Về con ơi..về với mẹ... về con...
Mấy tiếng ấy cứ lập đi lập lại xa dần, nhỏ dần cho đến khi ông không còn nghe thấy nữa. ông há hốc mồm, hai tay ôm cái gối, từ từ đứng dậy. Vừa lúc ấy cánh cửa trước mở tung, ông thét lên kinh hãi... .Nhưng đó là bà vợ vừa từ dưới bếp đi lên, bà bực bội cằn nhằn:
- Ông làm cái gì mà tôi giật mình? Đêm hôm mà cứ hét ầm lên là thế nào?
Thấy ông ngơ ngác đứng giữa nhà, bà nói tiếp:
- Sao mà tôi đi có một tí mà ông không dám nằm một mình là sao?
ông Phú hổn hển đáp:
- Mẹ con nó lại vừa mới hiện về bà ơi!
- Hiện về đâu? Bình tĩnh cái đã nào!
- Nó đứng ngay sau cái cửa sổ, tôi hãi quá mới phải vùng dậy, toan xuống bếp tìm bà, bà cho tôi cốc nước.
Bà Phú dịu dọng tội nghiệp:
- Tôi đang đun. Nước trong ấm ủ thì hết sạch rồi. Thôi xuống bếp uống tạm miếng nước mưa đi vậy!
Vừa nói, bà vừa bước ra ngoài, ông Phú lẽo đẽo đi sau ; Nhưng khi ra thềm nhà, ông Phú đứng khựng lại ngay, là vì dưới ánh trăng mờ ông nhìn thấy hai cái bóng trắng, hai mẹ con dắt nhau ở cuối sân, lầm lũi đi ra ngõ. ông giật tay bà Phú, chỉ ra cổng và hoảng hốt kêu:
- Chúng nó kia kià, thấy không? Bà... .bà có thấy hai mẹ con nó không?
Bà Phú lắc đầu, giờ này bà Phú cũng mơ hồ đoán rằng hồn ma hai mẹ con về chọc ghẹo chồng bà, nhưng đồng thời bà cũng tin rằng có thể tâm trí chồng bà khủng hoảng trầm trọng cho nên có ít chiết ra nhiều. Người hoảng loạn thì rất dễ thấy ma, bởi nhìn thấy gì cũng tưởng là ma, bà chán nản nói:
- Tôi có thấy cái gì đâu!
Bà vừa dứt lời thì ngoài cổng có chó tru lên thảm thiết, rồi gầm gừ sủa vang rồi cứ thế xa dần, nhỏ dần, cho đến khi im hẳn trả lại sự yên tỉnh cho màn đêm. ông Phú run run nói:
- Chúng nó đấy, mẹ con chúng nó đấy!
Vào bếp, ông Phú bưng cái gáo đựng nước mưa tu ừng ực rồi ông lắc đầu mệt mỏi bảo vợ:
- Bà ơi, chắc phải bán bỏ căn nhà này đi chỗ khác bà ơi!
Bà Phú gạt phắt đi:
- Cái gì? Mồ mã tổ tiên của ông ở cả đây mà, bán nó sao được? Với lại nếu quả thực ông thấy ma đó, thì ma đi theo người, ông đi đâu cho thoát?
Đối với ông Phú lúc này thì mồ mã tổ tiên cũng không còn quan trọng nữa, và căn nhà đồ sộ này ông cũng chẳng thấy tiếc chút nào vì ông sợ quá mức rồi. Đi đâu cũng được, miễn là hai cái bóng trắng kia đừng rượt theo quấy phá ông, ông lắc đầu bảo vợ:
- Tôi không ở đây được nữa, nhà này bây giờ là nhà ma. ở với ma làm sao được?
Bà Phú tội nghiệp bảo chồng:
- Thôi hay là như vầy đi, ông sang ở tạm bên thằng Long vài hôm xem sao?
Bà Phú đưa đề nghị này là một sự bất đắc dĩ vì sợ chồng khủng hoảng quá mà kiệt sức, chứ trong thâm tâm bà không muốn mang phiền toái sang nhà con trai. Vợ chồng nó bận buôn bán lại vướng hai đứa con còn nhỏ. Chồng bà qua đó rồi cả đêm cứ kêu thét lên như thế này thì chỉ làm khổ con trai và hai đứa cháu nội mà thôi. Riêng ông Phú thì gật đầu đồng ý ngay:
- Ừ, để tôi sang ở bên thằng Long, chứ ở bên đây chắc tôi chết mất!
Bước sang ngày thứ ba, ông Phú hốc hác thấy rõ. Hai đêm thức trắng, ban ngày cố ăn một hai bát cơm mà nuốt không vào, người ông phờ phạc, hai mắt trũng sâu, mất hết thần khí. Bước đi lảo đảo như sẳn sàng quỵ ngã bất cứ lúc nào. Với ông bây giờ ngày đi quá nhanh, cứ đến lúc mặt trời lặn là ông bắt đầu lo sợ. Bà Phú bảo cái Nhàn chạy đi gọi Long để bàn cái việc đón ông Phú sang ở tạm bên ấy, nhưng hôm ấy Long lên tỉnh chưa về, còn bà Phú và thằng Hoành thì qua nhà cô con gái thứ hai là Kim vì tin vào luật vay trả cha ăn mặn, con khát nước, nên bà rất lo cho hai cô con gái.
ở nhà một mình, ông Phú đăm chiêu đi tới đi lui trên sân gạch. Chợt nghe tiếng quạ kêu trên nhành cây soan, ông giật mình ngẩng lên, vẫn con quạ đen đậu chỗ cũ nhìn ông như thách thức, ông lượm cục đất ném lên, nó kêu mấy tiếng oai oán và bay vụt đi. Một lúc sau tình cờ ngó lại, ông vẩn thấy nó đậu ở chổ cũ. ông bực mình lắm, nhưng cố lờ đi, không thèm để ý đến nó nữa. ông thơ thẩn đi ra đi vào, cả ngày chỉ hút thuốc lào và uống nước trà, cơm canh nuốt không vô.
Bên ông chỉ có con mèo đen làm bạn đồng hành, không rời ông một bước. Buổi trưa ông ra nằm trên cái võng căng ở đầu nhà, con mèo cũng nhảy lên nằm gọn trong lòng ông. Cách đầu nhà khoảng 20 thước, có cái ao nhỏ mà diện tích chỉ bằng hai chiếc chiếu, ông đào cũng cả chục năm để thả cá giống. Con mèo đang nằm trên bụng ông bổng nhe răng gầm gừ rồi thét lên và phóng vọt lại phía cái ao. ông Phú giật mình xoay người, té bịt xuống đất, ông run rẫy nằm yên nhìn con mèo đen đang vùng vẫy gầm thét dù chẳng thấy ai bên cạnh nó.
ông biết hồn ma của hai mẹ con đang ở đó, chỉ cách ông 20 bước, và con mèo trung thành của ông đang gắng sức ngăn cản hai bóng ma không cho tiến về phía ông. ông toát mồ hôi muốn vùng dậy chạy vào nhà, nhưng không ngồi dậy nổi. Bổng con mèo rớt xuống ao, nó cố gắng vùng vẫy ngoi lên, nhưng rõ ràng có những bàn tay vô hình dìm nó xuống, khiến nó cứ ngoi lên lại chìm xuống, rồi chỉ trong khoảnh khắc con mèo bị ngộp nước, không cử động được nữa.
ông Phú nằm im khá lâu, sợ hãi quá không đứng dậy nổi. Con mèo của ông đã chết đuối dưới ao. Tim ông thắt lại, mồ hôi vả ra đầy người, ông vừa tiếc con mèo, vừa sợ cho chính mình. Mấy phút sau ông mới vịn tay vào cột nhà đứng dậy, ông mở to mắt, từ từ tiến lại bờ ao khom người vớt xác con mèo lên, rồi thơ thẩn bước những bước không hồn vào ngồi trền cỏ dại. ông mệt mỏi cất tiếng gọi:
- Thuần ơi, Thuần ơi Thuần!
ông gọi hai ba tiếng, chị người làm mới nghe thấy chạy lên, chị hốt hoảng nhìn con mèo ướt đẩm nằm chết bên cạnh ông. Mèo có sức khoẻ dai dẳng. ở nhà quê muốn giết mèo chỉ có cách trấn nước, chị người làm nbgơ ngác hỏi:
- Ối giời ơi, ông ơi, sao ông giết con mèo hở ông?
ông Phú buộc miệng đáp:
- Tao có giết nó đâu! Ma giết chứ không phải tao giết!
Chị người làm trố mắt nhìn ông vì chẳng hiểu ông nói gì. Chị đứng tần ngần một lúc rồi nói:
- Trời ơi! Không có con mèo thì chuột nó tha hồ mà lộng hành. ông ơi! Con đem... . con chôn con mèo ông nhé?
ông Phú lơ đãng:
- Ừ! Đem chôn đi.
Từ đó cả ngày ông thơ thẩn như kẻ mất trí. Đi tới đi lui trên hè, nói lảm nhảm những câu vô nghĩa. Mất con mèo ông cảm thấy như mất một người bảo vệ an toàn, hồn ma giết được con mèo thì cũng có thể giết được ông. Nhớ lời vợ dặn, xế chiều ông lại ra nghĩa trang phía sau nhà, thắp nhang khấn vái và chuẩn bị đi ngủ sớm để lấy sức. người cứng đầu tới đâu, gặp lúc nguy khốn, cũng phải bám víu vào lời cầu nguyện.
Bà Phú trước khi sang nhà con gái đã dặn ông:
- ở nhà ông cứ đi ngủ sớm đi nhé. Tôi sang cái Kim một lát rồi tôi về ngay.
ông cũng có ý định đi ngủ sớm vì ông nghiệm ra rằng hồn ma chỉ quấy phá ông vào lúc gần sáng. Trưa nay cụ lang Triệu đã đến bắt mạch, cắt cho ông bảy thang thuốc bổ và dặn ông nên ngủ sớm để lấy sức vì khi thiếu ngủ, người ta dễ sinh ra hoảng hốt. ông Phú nói gì thì nói, cụ lang Triệu dứt khoát cũng không tin là có ma mà chỉ quả quyết là cơ thể ông suy nhược quá, nên bị những cơn ác mộng làm khổ trong giấc mộng. Cụ bảo:
- Ma với quỷ! Toàn là những chuyện hoang đường, tôi năm nay đã ngoài 70, chưa biết mặt ngang mũi dọc con ma nó ra làm sao? ông cứ ăn ngủ điều độ cho lại sức, ma nó thấy ông cũng phải bỏ chạy.
ông Phú bực lắm nhưng đành chịu vì không làm sao chứng minh được. ông cũng mong là cụ lang nói đúng, chứ tình trạng này kéo dài thì sớm muộn gì ông cũng sẽ chết gục vì kinh sợ hoặc kiệt sức.
Từ trong nhà cầm bó nhang ra vườn sau, ông Phú bổng nghe con quạ đen trên cây soan kêu mấy tiếng rồi bay theo ông, đậu trên cành vườn cây trên đầu ông. ông nhìn lên, vừa bực bội vừa hoang mang, miệng cào nhào xua tay đuổi, nhưng con quạ gan lì đứng yên nhìn ông. ông thở dài cuối xuống, cố gắng lờ đi và tiếp tục bước xuống con dốc lần ra nghĩa địa. ông cần cầu xin tổ tiên phù hộ để ông và con cháu có thể ở lại căn nhà hương quả, nối tiếp nhau nhang khói phụng thờ tổ tiên.
Con quạ trên cành bưởi lại kêu một hồi dài rất ai oán rồi bay vụt đi mất. ông ngơ ngác nhìn theo và từ đó nó không trở lại nữa. Nhưng ông bổng giật mình kinh hãi vì khi còn cách nghĩa trang khoảng chừng mấy chục thước, ông thấy hai cái bóng trắng của hai mẹ con đang ngủ trên phần ngôi mộ trong làn khói xanh bao phủ dầy đặc. Lạ nhất là bao nhiêu cây nhang dù không ai thắp đều bốc khói mờ mịt khiến hai bóng người áo trắng ấy lúc ẩn lúc hiện, khi còn khi mất.
ông run rẩy bước lùi lại, lưng đập mạnh vào gốc cây, bó nhang rớt xuống đất lúc nào không hay. ông đưa tay dụi mắt và nhìn lại thì không thấy hai cái bóng trắng đâu nữa. Làn khói dày đặc mới lúc nãy bốc lên cao trên ngôi mộ, giờ cũng tan biến hẳn, không còn dấu vết gì để lại. ông đứng ngơ ngác và mừng rỡ vì đoán đó chỉ là ảo giác do nổi sợ trong lòng tạo nên.
ông cuối xuống nhặt từng cây nhang lên, lưỡng lự mấy giây rồi quay vào nhà không dám ra nghĩa trang nữa.
Để thử lại cho chắc ăn, ông xuống bếp đưa bó nhang cho chị Thuần và bảo:
- Mày ra cắm mỗi ngôi mả ba que hương rồi thắp lên cho tao!
Chị Thuần ngạc nhên hỏi:
- Ơ... hôm nay là ngày gì mà thắp hương hở ông?
ông Phú ậm ừ đáp:
- Thì nhớ đến ông bà cha mẹ thì thắp chứ có là ngày gì đâu. Mày thì hay có cái tật hỏi lôi thôi. Đi đi!
Chị Thuần là người thích nói chuyện, nhưng biết tính ông Phú nóng nảy nên không dám nói gì mặc dù chị thấy ông rất vô lý. Những người nằm trong gnhĩa trang kia là dòng họ của ông chứ có liên quan gì đến chị. ông nhớ đến tổ tiên, sao ông không tự ra thắp nhang mà lại sai chị? Có điều hai hôm nay chị thấy ông lẩn thẩn như người mất hồn, mặt mũi hốc hác tiêu điều nên chị cũng thông cảm vì ông đang đau nặng, thậm chí phải đón thầy thuốc bắc đến tận nhà bắt mạch và hốt thuốc cho ông. Sáng nay chị đã hỏi bà Phú:
- Ông ốm hả bà? Bịnh gì bà có biết không bà?
Bà Phú phân vân chưa biết trả lời ra sao thì chị người làm nói luôn:
- Hay là ông bị ma đè đấy bà ạ!
Bà Phú sợ tiếng đồn sẽ lan ra ngoài cho nên bà vội gạt đi:
- Ma với quỷ cái gì? Trái gió trở trời ốm đau là chuyện thường.
Dứt lời bà bỏ vào buồng hỏi ông Phú:
- Hai mẹ con nó chôn ở đâu, ông có biết hay không? Hay là ông chịu khó lên phố huyện hỏi thăm rồi làm lễ phát tang cầu siêu cho mẹ con nó.
ông Phú bướng bỉnh đáp:
- Cầu với đạo cái gì? Tôi đã bảo đã chắc gì của mình mà cứ phải bận tâm.
Bà Phú chán nản bước ra giục Nhàn và thằng Hoành lên đường và dặn chị Thuần ở nhà thường xuyên để ý xem chồng bà có cần gì hay không.
Chị Thuần cầm bó nhang đi ra, ông Phú lấm lét theo sau nhưng núp ở gốc cây xa xa theo dõi, tuyệt nhiên chẳng có chuyện gì. Hai bóng ma đó không hề xuất hiện, như vậy rõ ràng là lúc nãy ông hoảng quá rồi đâm ra quáng gà chứ hồn ma nào hiện giữa ban ngày. ông chờ chị Thuần đốt nhang khắp lượt rồi quay vào, ông chạy nhanh vào trước để chị Thuần đừng nhìn thấy ông núp sau cây bưởi. Con quạ đậu trên cành bưởi ngay trên đầu ông mà ông không để ý vì trời đã nhá nhem. Khi thấy ông bỏ chạy vào nhà, nó mới kêu lên mấy tiếng làm ông giật mình cào nhào chửi.
ông lên hè, ngồi hút điếu thuốc lào rồi vào buồng, ông kinh hãi muốn đứng tim khi thấy con quạ đen đậu ngay trên cánh cửa sổ, ở đầu giường ông. ông rút một chiếc guốc ném mạnh, nó mới kêu lên mấy tiếng và bay đi. ông hạ cái liếp xuống rồi lên giường ngủ lúc trời bên gnoài vẫn còn sáng rõ. Vợ ông chưa về, lại không có con mèo bên cạnh. ông thấy căn buồng âm u, bao trùm một nổi sợ hãi đến rợn người, mặc dầu trời chưa tối hẳn.
ông nằm thao thức một hồi thì trời bổng chuyển mưa, bên ngoài không gian tối sầm lại và gió nổi vùn vụt rờn rợn trong các khóm mây. Lẫn trong tiếng gió rít, ông bổng nghe văng vẳng có tiếng nói âm vang của hai mẹ con bên ngoài cửa sổ lúc được lúc mất
- Con ơi... về với mẹ... con ơi.
Bàn tay run lẩy bẩy, ông kéo tấm chăn phủ trên mặt và nín thở chờ đợi những phút kinh hoàng sẽ lại tái diễn như hai đêm vừa qua. Trong khoảnh khắc mưa trút nước xối xả và từng tia chớp chói loà như giận dữ sau cả một tuần nắng gắt. Nước chảy ào ào trên mái ngói, gió thổi hất nước từng đợt vào liếp cửa. ông Phú nghĩ đến vợ ông đang bên nhà con gái, chẳng biết bao giờ mưa dứt để về với ông.
Nằm một lúc không nghe tiếng hồn ma nữa, ông lấy hết can đảm bước xuống thắp đèn, vặn thật to, để trên cái bàn cạnh đầu giường, nơi con mèo thường ngủ. Nhưng gió luà qua kẻ vách liên hồi làm ngọn đèn cứ chập chờn sắp tắt, ông lại bưng cây đèn lên, nhìn quanh tìm một chỗ khuất gió. Đang loay hoay giữa nhà thì chợt có tiếng gõ cửa thình lình, ông hốt hoảng hét lên, đánh rơi cây đèn xuống đất và mò mẩm bước lùi lại giường, ngồi phịch xuống.
Mới khoảng 7 giờ tối, gà chưa lên chuồng mà sao hồn ma đã về gõ cửa. Tiếng gõ càng mạnh hơn và tiếp theo là giọng chị người làm lẩn trong tiếng gió:
- Ông ơi, con đây ông ơi, Thuần đây! Mở cửa cho con với!
ông Phú hoàng hồn, đặt bàn tay lên ngực và đứng dậy, ông tiến ra tháo then cửa. Một luồng gió cực mạnh đẩy tung cánh cửa, tát nước vào mặt ông, chị người làm chạy tụt vào và khép cửa lại. Nước mưa ướt đầm đià trên mái tóc, trên mặt và lan xuống áo chị, chị hổn hển nói:
- Sao ông không thắp đèn lên, để tối thế này? Con lên hỏi ông là con có cần sang nhà cô Kim đón bà về hay không? hay là để bà ngủ bên ấy ạ?
ông Phú đang muốn dấu chuyện hồn ma, và càng không muốn người làm và các con biết là mình đang sợ hãi bóng đêm, cho nên ú ớ đáp:
- Chả biết bà mày muốn về hay ở lại?
- Bà con thì chắc muốn về ấy, nhưng mà mưa gió thế này thì chắc bà chả dám về một mình đâu. Con không đón thì chắc bà ngủ bên ấy luôn đấy!
ông Phú ngượng ngùng nói:
- Thôi thế mày chịu khó sang bên ấy đưa bà mày về vậy. Tao có chuyện cần bàn với bà mày.
Chị Thuần quay ra cửa nhìn trời ái ngại, nhưng đành xuống nhà lấy áo tơi đội mưa ra đi. ông Phú trở lại giường, bên ngoài từng tia chớp vẫn loá lên, soi rõ căn buồng âm u của ông. ông vừa kéo tấm chăn đắp lên ngực, thì lại có tiếng gõ cửa đập thình thịch, mà mỗi lần nghe tiếng đập cửa là mỗi lần ông muốn đứng tim. ông ngấc đầu lên, hoàng hồn vì nghe giọng nói chị Thuần vọng vào:
- Ông ơi, ông đừng ngủ vội ông nhé! Bà dặn là ông phải uống thuốc đã, thuốc con đang sắc ở dưới bếp ấy. Độ nữa giờ nữa là ông rót ra uống là vừa ông nhé! Nữa giờ thôi ông ạ, đừng để lâu quá nó cạn hết, bà lại mắng con ấy. Thôi con đi đón bà đây!
ông Phú dặn theo:
- Chịu khó đi nhanh nhanh lên.
- Vâng, nhưng mà trời mưa to thế này thì chắc cũng gần nữa đêm bà và con mới về đấy. ông uống thuốc đi nhá rồi ngủ trước đi ông nhá!
Nằm lại một mình, ông Phú lang mang nghĩ ngợi và cái cảm giác kinh sợ càng tăng lên bởi giờ này chỉ có mình ông trong căn nhà mênh mông. Bên ngoài, tiếng mưa bổng dạt hẳn, chỉ còn lớt ngớt rơi nhẹ trên mái ngói. Gió cũng ngừng theo, chỉ lâu lâu mới xào xạt qua những nhánh cây, những tàu lá chuối sau nhà.
Hai đêm vừa qua, dường như ông không ngủ được chút nào. Giờ đây đôi mắt cay nhức, cứ mở ra nhắm lại vô cùng mệt mỏi mà cũng không sao ngủ được. Nằm mãi càng mệt, ông quyết định xuống bếp canh chừng siêu thuốc bắc, nhưng chưa kịp ngồi lên thì cánh cửa trước bổng từ từ mở ra, tiếng bản lề chậm rãi kêu lên ken két. Một tia chớp sáng loé kéo theo cơn gió cực mạnh đẩy tung cánh cửa chính, hất nước ào ào vào đến tận giường chổ ông nằm.
ông Phú đưa tay vuốt mặt rồi trố mắt nhìn ra, hai cái bóng trắng của hai mẹ con đang từ dưới sân dắt tay nhau chậm rãi bước lên thềm. Nước mưa chảy ướt đẩm chảy từ đầu tới chân, hai cái bóng trắng ấy cừ lừ lừ tiến vào, đi thẳng lại phía ông, ông Phú mắt nhìn trừng, mồm há ra, ngã vật ra giường, miệng vẩn mở lớn nhưng không nói, không kêu được. Khi vào tới giường, hai cái bóng trắng bổng thu nhỏ lại, chỉ như hai con chim sẻ bay lượn quanh ông, tỏa ra một sức nặng đè xuống khủng khiếp mà ông không tài nào vùng lên nổi. ông cảm thấy như có tản đá nghìn cân đè lên ông và bàn tay bóp chẹt lấy cổ ông cho đến lúc ông nghẹt thở và ngất đi, không biết gì nữa.
Lâu lắm ông mới tỉnh lại, ông nằm im một lát, người nhẹ lâng lâng vì không bị bóng đè nữa. Bên ngoài mưa lâm râm, ông thẩn thờ bước xuống giường, lảo đảo đi ra phía đầu nhà.
Chị Thuần đội mưa đi đón bà Phú,đúng như lời chị dặn trước, gần nữa đêm mới cùng bà Phú và thằng Hoành trở về, Nhàn thì ngủ lại bên anh chị Long vì mưa dài dai dẳng, anh chị Long không cho Nhàn về sợ bị cảm lạnh. Đến nhà, bà Phú không kịp thay quần áo ướt, vào thẳng buồng xem ông Phú đã ngủ chưa, bà ngạc nhiên không thấy chồng đâu. Bà đánh diêm châm đèn, nhưng cái đèn ở vị trí thường lệ cũng không thấy, bà lo lắng nhìn quanh rồi cất tiếng gọi lớn:
- Ông ơi... ông đâu rồi?
Không có tiếng trả lời, chị Thuần từ dưới bếp lao lên và lo âu cất tiếng từ ngoài cửa để bà Phú đừng mắng chị:
- Bà ơi... bà... Lúc con đi, con đang sắc thuốc, con dặn ông là độ nữa giờ ông xuống bếp rót ra rồi uống, nhưng mà chắc ông ngủ quên, ông để siêu thuốc cháy hết rồi bà ạ!
Bà Phú đáp:
- Mà ông mày có trong nhà đâu... mày sang buồng cái Nhàn xem sao... xem ông mày có... Hay là mày chạy ra ngoài nhà cầu xem...
Rồi bà gọi Hoành, cả ba cùng sục xạo mọi góc ngách trong nhà xem ông Phú ngủ ở đâu. Tìm mãi, gọi mãi không có tiếng trả lời, bà Phú bắt đầu lo sợ. Trời mưa gió thế này thì chắc ông không ra khỏi nhà, huống chi mấy hôm nay ông đang khủng hoảng tinh thần, đời nào ông dám đi đâu một mình giữa đêm khuya? Chị Thuần bưng đèn dầu lên buồng ông bà phú, vô tình đạp phải miếng thủy tinh của cái chụp đèn mà lúc nãy rớt xuống vỡ tung trên nền gạch, chị hớt hãi chạy ra hè, lớn tiếng gọi:
- Bà ơi... bà... Con mời bà lên ngay đây ạ!
Bà Phú cùng cậu con út chạy lao lên, nhìn cái đèn dầu nằm ở trên giường và những mảnh thủy tinh tung toé khắp nơi, đưa mắt nhìn nhau không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong căn buồng này lúc cả nhà đi vắng. Chị Thuần sực nhớ ra bảo bà:
- Bà ơi... .Con quên..nói với bà... là hồi chiều ở nhà... ông... ông..trấn nước chết con mèo rồi. Con hỏi ông thì ông bảo là ma giết nó chứ không phải ông ạ.
Bà Phú hốt hoảng kêu lên:
-..Thật không?... ông mày quý con mèo lắm mà... Sao... sao lại giết nó?
Chị người làm lắc đầu đáp:
-..Con..con cũng đâu có biết đâu. Con đang ở dưới bếp thì ông gọi con ra đầu nhà và bảo con chôn nó đi... ông dìm nó xuống dưới ao cá giống ấy bà ạ!
Bà Phú không nói gì cả, nếu quả thực như thế thì có lẽ chồng bà bị ma nhập thật rồi. Bởi không đời nào ông giết chết con mèo mà ông gắn bó bao nhiêu năm nay. Nghe chị Thuần nhắc đến cái ao cá giống, bà thảng thốt bưng đèn chạy vội ra đầu nhà xem ông có bị rớt xuống ao không? Chị Thuần và thằng Hoành cũng vội vã chạy theo, rồi cả ba cùng thở phào nhẹ nhỏm vì không có gì. Chị Thuần bảo:
- Ao nông lắm ạ... ông có ngã... Chắc cũng không sao đâu bà ạ!
Bà Phú thở dài và trở lại đứng trên thềm nhà và gọi lớn:
- Ông ơi... .ông ơi... .
Bà sực nhớ đến những câu chuyện kinh dị bà nghe hồi còn nhỏ là ma hay dấu người trong bụi rậm hay dưới bờ ao. Ngày xưa bà không tin những chuyện hoang đường đó, bây giờ bà tự hỏi biết đâu đó là những chuyện thật?. Cả ba cái miệng cùng cất tiếng gọi, nhưng tiếng kêu của họ chỉ tan biến trong màn đêm âm u mà thôi.
Thật ra thì ông Phú không đi đâu cả, trong lúc cả nhà nhốn nháo tìm ông, thì ông đang ở ngoài nghĩa địa vườn sau. Tối nay, sau khi bị hai cái bóng trắng xuất hiện và đè lên người ông trên giường. ông ngất đi một lúc rồi tỉnh dậy, ông thơ thẩn ra đầu nhà, lấy cái xẻng rồi lầm lũi tiến ra nghĩa địa mặc dù trời vẫn đang mưa rã rít. Bên cạnh ngôi mộ của cha ông, còn một khoảng đất trống, ông sắn nhát xẻng đầu tiên xuống đất, rồi cứ thế hì hục đào dưới trời mưa phùn và gió bấc thổi từng cơn buốt giá.
Tuổi tuy đã cao, đất lại nặng vì đã biến thành bùn, rít chặt vào lưởi xẻng, nhưng đêm nay có một sức lực phi thường nào đó nhập vào đô cánh tay ông, khiến chỉ một khoảng sau, ông đã hình thành rất nhanh một cái huyệt hình chữ nhật cùng kích thước với những cái huyệt khác. ông sẽ xây cho Tuyết, người con gái bạc mệnh mà ông đã hất hủi, một ngôi mộ giả trong nghĩa trang gia tộc để trả món nợ tình năm xưa, giờ này đang làm ông ân hận.
Trời đã tối hẳn, mưa lại tuôn xuống xối xả, nhưng ông cứ cắm đầu hăm hở đào, sắn từng mảnh đất lớn hất lên hai bên, bắn văng lên cả mấy ngôi mộ xây bên cạnh. Nghĩa trang nằm ở thế đất trũng, nước trong vườn cứ liên tục chảy xuống, ông đào tới đâu, nước tràn vào huyệt tới đó. Người ông ướt đẩm từ đầu, ngưng ông không dừng tay, không mệt mỏi. Vợ con ông và chị người làm chẳng bao giờ hình dung giờ này, giữa đêm khuya ông ra nghĩa địa đào huyệt, cho nên cả ba người cứ tìm quanh quẩn trong nhà, dưới bếp, ngoài sân và vạch các bụi rậm trong vườn xem ma có giấu ông trong đó hay không?
Không thấy gì, bà Phú cầm đuốc chạy sang mấy nhà hàng xóm hỏi thăm. Bà hỏi thăm cầu may thôi, chứ xưa nay mấy khi ông Phú sang chơi nhà hàng xóm, nhất là ban đêm. Đối với ông đa số những gia đình láng giềng đều nể sợ nhưng trong lòng họ không ưa bởi ông vừa giàu, vừa hách dịch. Họ không ưa, mà chính ngay bản thân ông cũng chưa bao giờ thân thiện vì ông vẫn chủ trương không nên ngồi chung với đám cùng đinh, chúng nó sẽ lờn mặt. Bà Phú vào gõ cửa mấy căn nhà lân cận, ai cũng ngạc nhiên lắc đầu. Bà rơm rớm nước mắt cảm ơn hàng xóm rồi quay về.
Cơn mưa vừa ngớt được một lúc, bây giờ lại trở nên nặng hạt. hất nước từng đợt vào mặt bà, bà hắt hơi mấy cái liền rồi bảo chị người làm:
- Thôi, ngủ lấy lại sức đi con ạ, gần sáng đến nơi rồi, ngủ đi rồi mai mình tính. Dứt khoát sáng mai thì chắc ông mày phải sang ở tạm bên nhà thằng Long rồi.
Chị người làm vừa ngáp vừa nói:
- Vâng, con cũng mệt quá rồi ạ! Về mau đi bà, con đốt lửa con sưởi cho bà, không khéo cảm mất bà ạ! Tại bà với con dầm mưa cả ngày rồi. ông đi đâu thì chắc sáng mai rồi ông phải về thôi.
Bà Phú không nói gì nửa, xưa kia chồng bà vắng nhà cả mấy ngày liền, bà có bận tâm bao giờ bởi biết ông lên phố huyện vui thú cô đầu. Đêm nay bà lo lắng chỉ vì mơ hồ cảm thấy có chuyện bất thường đang xảy đến với ông. Về đến nhà bà thay bộ quần áo rồi vào buồng lên giường nằm và cứ nung nấu mãi một câu hỏi trong đầu là chồng bà đi đâu giữa nữa đêm về sáng thế này?
Bà nhớ lại lúc nào cũng nghe ông bảo là ông gặp ma, hay là thực sự ma đem ông giấu ở đâu? nếu đúng như vậy,t hì đành phải đợi sáng mai vậy vì ban ngày khi mặt trời lên, ma nó sẽ phải lui về cõi âm của chúng. Chừng đó, ông Phú sẽ phải tự tìm về nhà.
Bên ngoài mưa vẫn rơi đều đặn trên mái ngói và trên những chòm cây rậm rạp ngoài vườn, mệt quá, bà Phú thiếp đi lúc nào không hay. Chẳng biết bà ngủ được bao lâu, nhưng lúc choàng tỉnh dậy thì trời vẫn chưa sáng rõ, nhất là mưa đêm vẫn chưa dứt hẳn, bà đưa tay dụi mắt và ngạc nhiên vui mừng thấy ông Phú đang ngồi ở đuôi giường, bên ngoài cái bục màu trắng đục, xoay lưng lại phía bà. Bà ngồi bật dậy và lên tiếng trách:
- Ông đi đâu cả đêm mà tôi tìm mãi vậy?
ông Phú vẫn ngồi im không đáp, không quay lại, dáng điệu gục xuống, bà Phú gắt nhẹ:
- Ơ hay, đi vào ngủ đi. Sao lại ngồi ngoài đấy cho muỗi nó cắn à.
Vừa nói, bà vừa đưa tay định kéo ông vào mùng thì ông lẳng lặng đứng dậy, lủi thủi bước ra cửa. Bà bực bội tuột xuống giường và nói:
- Ơ..ông đi đâu đấy? Còn sớm mà. Sao không ngủ lấy một giấc đi đã?
ông Phú cũng vẫn chẳng nói gì, ông bước nhanh ra hè rồi vòng qua hông hè, bà Phú xỏ được đôi guốc để chạy theo, thì ông Phú đã ra tới đầu nhà và đi ra vườn sau. Mặc dầu dường trơn ướt tối tăm lại thoai thoải dốc, rất dễ ngã trong những ngày mưa, nhưng ông Phú vẫn bước thoăn thoắt dường như không muốn bà vợ bắt kịp mình. Bà Phú ra tới hiên sau thì bóng ông đã thấp thoáng ở cuối con dốc nối liền nghĩa trang.
Bà bực mình toan quay vào nhà, bỏ mặc ông, nhưng bà thấy tội nghiệp vì bà biết chắc ông đang bị khủng hoảng tinh thần một cách trầm trọng. Bà thở dài lắc đầu rồi tìm cây gậy chống, lần ra nghĩa địa để kéo ông vào ngủ. Nhưng ra đến nơi, trong không gian mờ mờ của buổi sáng tinh sương, bà nhìn quanh thì lại không thấy ông đâu nữa. Tiến sâu vào thêm chút nữa, bà mới giật mình thấy đất bùn văng tung toé, phủ lên cả mấy ngôi mộ cũ. Bà leo lên ngôi mộ thấp và cất tiếng gọi:
- Ông ơi... ông đâu rồi? ông làm cái gì ngoài đây ông ơi...
Không có tiếng trả lời, bà mở to mắt, chăm chú nhìn quanh, rồi bổng hét lên giữa không gian vắng lặng:
- Á... ông có sao không... ông ơi... sao..sao ông đến nổi như thế này ông ơi?
Tiếng khóc thống thiết tan nhanh trong tiếng mưa rơi và gió thổi:
- Hu..hu.hu... Nhàn ơi... Hoành ơi... bố chết rồi... huhu... bố chết rồi các con ơi... Giời ơi... ông ơi...
Bà phát hiện một cái huyệt mới đào, nước ngập đầy tới miệng và xác ông Phú, chồng bà nổi lềnh bềnh trong đó. Thì ra ông đã bị ngộp nước, chết đuối trong cái huyệt do chính tay ông hì hục đào.
Hết
Trang 1 của 2
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ngạn
Ở làng Vạn Yên, dòng họ ông Đào Ngọc Phú là gia đình duy nhất có nghĩa trang tư thành hình cách đây đã ba thế hệ. Người ta kể rằng lúc ông nội của ông Phú còn ngồi ghế quan huyện đã dùng thế lực để mua lại cơ ngơi của một gia đình lân cận giáp ranh phía sau nhà ông rồi cho san bằng, và lập nghĩa địa riêng, dặn con cháu là khi ông xui tay nhắm mắt thì an táng ấy là miếng đất có long mạch tiềm ẩn. Dòng họ Đào Ngọc sẽ tiếp tục phát thêm được mấy đời nữa.
Khu nghĩa trang ấy nằm vào khu đất trũng, có hàng rào gỗ bao bọc. Quanh năm âm u vì lũy tre già rũ xuống che phủ. Lại thêm cây đa cổ thụ mọc bên hông, tàn lá ngăn hết ánh sáng mặt trời, khiến những ngôi mộ nằm trong đó trông càng lạnh lẽo. nhất là những buổi sáng mờ sương hay những khi chiều tối.
Nhưng có lẽ thầy địa lý đoán sai, cho nên hai ba thế hệ kế tiếp nhau, dòng họ Đào Ngọc cứ xuống dần, thoái Quan vi dân về làm ruộng. Gọi là xuống, nhưng ruộng đất còn rất nhiều, so với đại đa số dân làng thì họ Đào Ngọc vẫn thuộc hàng ăn trên ngồi tróc, vinh hoa phú quý hơn đời.
Chỉ có điều làm ông Phú không hả dạ là vì trong thâm sâu, ông mê làm Quan. ông thích chức quyền để dược nể sợ, chứ không muốn chỉ làm người phú hộ. Tuy giàu mà thiếu cái oai phong, hách dịch. ông bỏ thời gian đi tìm thầy địa lý mãi trên cao bằng, đón về để coi khu nghĩa địa sau vườn, và kể rõ câu chuyện ông nội làm Quan năm xưa, hy vọng là có thể nhờ thầy xoay chuyển lại số mệnh, tái lập con đường hoàng lộ lại cho ông và con cháu.
Nhưng thầy coi xong thế đất rồi bảo:
- Vận số của ông chỉ được đến thế thôi, như vậy cũng được đại phúc lắm rồi. Tương lai hung khiết chưa biết thế nào, cần phải thi ân bố đức cho thật nhiều. Nhân đã dạy là Tiên tích đức, hậu tầm long. Xưa Cao Biền thời Đường bên Tàu sang cai trị nước ta, xây thành Đại La, dùng phép phong thủy để yểm chấn những nơi có long mạch, hòng làm cho dân Nam mỗi ngày một suy yếu, không vùng lên được. Phép yểm buà của Cao Biền hiểm hóc lắm, giết đứa con gái 17 tuổi, moi hết ruột gan, nhồi cỏ vào bụng, rồi cho mặc quần áo màu vàng, giả làm Thần Linh để đánh lừa Thần Núi Tản ở nước ta. Phép ấy thì tôi cũng có thể làm được để xoay chuyển vận số cho ông. Nhưng xét ra ác động và tội âm đức lắm. Con cháu về sau sẽ phát cuồng, mà đi ăn xin tha phương cầu thực.
ông Phú nghe xong, thở dài não ruột, chia tay ông thầy địa lý, rồi ông ra phía trang sau nhà thắp nhang khắp lượt, con mèo đen thoăn thoắt chạy theo, con mèo này ông nuôi từ khi mới đẻ, lúc nào cũng gắn bó không rời ông. ông buồn rầu nhìn gần 20 ngôi mộ xây cùng kích thước. Phần lớn lớp xi măng bọc ngoài đã lên riêu xanh mốc. Người lạ đến nhà ông bất chợt ra vườn sau, nhìn thấy những ngôi mộ san sát ấy, thường khó tránh khỏi cái cảm giác rờn rợn bao phủ. Nhưng với cả nhà ông thì đã quá quen mắt từng ngày, nên chẳng bao giờ bận tâm đến. Thậm chí có những đêm trăng mờ, lũ con ông còn dám rủ nhau ra, chọn một ngôi mộ bằng phẳng, leo lên ngồi cầu cơ gọi hồn về để hỏi chuyện tương lai. Thầy địa lý đi rồi, bà Phú ngước mắt nhìn chồng và nhắc lại:
- Thầy nói đúng lắm đó ông à! Mình được như thế này là quý lắm rồi. Phúc đức tại tâm, Thầy bảo phải thi ân bố đức, thì cứ nghe lời thầy mà làm. Từ nay, giúp được ai cái gì thì mình cứ giúp ; ông đừng có đón Thầy về nữa, tốn phí mà chẳng có lợi lộc gì. Theo tôi thì, cứ ăn ở cho phải đạo là tốt hơn cả.
ông Phú nhíu mày gắt nhẹ:
- Bà nói chuyện hay nhỉ? Thi ân bố đức thì lúc nào mà tôi chả rộng rãi hơn người? Cái dạo vỡ đê năm thìn, không có tôi bỏ tiền cứu lụt ở làng này, thì cả làng không có đủ đất mà chôn người chết, bà quên rồi hay sao? Rồi cái dạo năm Dậu bị hạn hán, củ chuối củng không có mà ăn, dân làng chết như rạ. Nửa năm trời tôi xuất kho phát chẩn cứu bao nhiêu người đều không là thì ân bố đức hay sao?
Bà Phú dè dặt góp ý:
- Hời... Nói của đáng tội, tiền của ông nội nhà mình thì đều là... .là...
- Đều là thế nào? Có phải bà định bảo là tiền của phi nghĩa, bóc lột của người nghèo có phải không? Tôi cấm bà mở miệng nhắc đến việc ấy. Nghe lời những quân mất dạy ở ngoài đường.
Bà Phú nhẫn nhục phân trần:
- Sao mà cứ động một tí là ông cứ mắng tôi? Tôi là tôi vì ông, vì các con, nên mới bàn góp cho ông vài lời, chứ tôi có muốn nói ra làm gì? Tôi chỉ nhắc lại lời thầy địa lý bảo là mình phải làm phúc. ông cứu lụt rồi ông phát chẩn thì tôi quên làm sao được? Chính tôi cùng với người làm gánh từng gánh cơm ra đê cho người ta ăn mà. Rồi tôi múc cơm rồi tôi phát vải ra cho dân nghèo. ông tưởng tôi không nhớ hay sao? Nhưng mà ông ạ! Những việc ấy mình làm là vì lúc ấy ông định ra tranh cái ghế nghị viên, cần mua cảm tình của thiên hạ chứ không phải là vì lòng tốt đâu ông? Mình thì mình lừa người được chứ mình che mắt Thánh thế nào được?
ông Phú tái mặt quát lớn:
- Bà câm đi! Bà vào nhà này bưng bát cơm đầy, kẻ hầu người hạ, ăn trắng mặc trơn. Không nhớ ơn thì thôi, lại còn giở giọng bạc bẻo.
Bà Phú sợ quá vội lủi thủi bỏ vào nhà. Bà ngẩm nghĩ lại chuổi ngày dài đăng đẳng sống với chồng, sinh cho chồng bốn đứa con: hai trai, hai gái. Quả thực, miếng cơm manh áo thì bà chưa bao giờ phải bận tâm dù gia cảnh có sa sút đôi chút so với thời trước. Nhưng hai vợ chồng có những khác biệt quá sâu đậm về tính tình mà luôn luôn bà phải chịu đựng. Bà hiền lành bao nhiêu thì hình như ông Phú là người mang ác tính bẩm sinh.
Anh bếp Nhỡ ở với gia đình bà gần 10 năm, một hôm ăn cắp mấy đấu gạo mang về cho Mẹ già, bị cô con gái bắt gặp tri hô lên. Với bà Phú thì chuyện ấy nhỏ nhặt quá, chẳng có gì phải làm lớn. Bà gọi anh lại và mắng:
- Này, mày dốt vừa vừa thôi! Mày cần gạo sao không bảo tao một tiếng? Lần sau mà giở cái thói ăn cắp là chết với tao đấy nhé.
Bà nạt cho có lệ thôi, chứ bà biết Nhỡ hiền lành. Lấy trộm gạo là điều bất đắc dĩ. Nhưng không may cho Nhỡ là ông Phú ở trên nhà nghe thấy, ông gọi Nhỡ lên, phang cho mấy gậy gần què chân rồi đuổi thẳng, bà Phú xin mải cũng không được. ông bảo:
- Nuôi thứ ấy trong nhà thì thế nào cũng có ngày nó làm nội ứng dắt cướp vào. Đuổi nó đi, cẩn tắc vô ấy náy
Bà Phú dúi cho ít tiền và bảo Nhỡ mang về nhà cho mẹ già và dặn hễ khi nào túng quẩn quá, không biết trông vào đâu, thì tìm cách gặp riêng bà, bà sẽ giúp đỡ. Những việc nhân đức bà làm ngoài sự thúc đẩy tự nhiên do bản tính trời sinh, bà còn muốn thực hiện để phần nào trả nợ cho chồng, trả cái nợ do những hành vi bất chính và nhẩn tâm của ông Phú. Bà không phải là người sùng đạo của bất cứ tôn giáo nào, nhưng bà tin một cách đơn giản rằng: làm lành thì hưởng phước, gieo gió thì ắt có ngày gặt bảo.
Trước đó ông Phú có mối thù với ông Kháng Lạc chỉ vì tranh nhau mua lại mấy sào ruộng chiêm ở đầu làng. Việc chưa ngã ngủ, ông Phú cho người nhà nữa đêm lẻn đến nhà ông Lạc, ra lũy tre bên hông, dấu mấy chai rượu lậu và đồ nghề gần bờ ao rồi báo Tây đoan về bắt. Quả nhiên cái tết năm ấy, ông Lạc đi tù với đầy đủ tang vật: Cái nồi đồng ba mươi lưng lửng bá rượu, thúng gạo nếp đã vo sẳn, cái trỏ và hai cái bong bóng trâu. Toàn những thứ chỉ dùng cho việc nấu rượu.
Bà Phú biết việc này, nhưng không dám lên tiếng trách chồng, chỉ thở dài vì thấy chồng làm những điều thất đức quá. Bà lo cho đàn con mai sau phải gánh chịu hậu quả bởi bà vốn tin vào luật vay trả, vào thuyết quả báo. Con cái nhờ đức của cha, bà thường nghe nói thế, nên bà rất sợ cho hai cô con gái của mình.
Bốn đứa con của bà, Long đã có vợ hai con cũng ở ngay trong làng. Kim mới lấy chồng chưa có con, ở khác làng nhưng cùng tổng, cách một cánh đồng ngô. Còn con gái thứ ba là Nhàn và cậu út Hoành đang ở chung với bố mẹ. Gia đình như thế thì kể củng là ít người bởi căn nhà cổ kính truyền đã ba đời của ông Phú thuộc loại đồ sộ, tường xây mái ngói, cột gỗ lim, trông oai phong và vĩ đại lắm. Một cơ ngơi rộng rãi như vậy mà chỉ có hai vợ chồng, hai đứa con, thêm chị người làm và con mèo là hết.
Chị người làm ở với ông bà Phú đã 20 năm còn con mèo đen thì ông Phú nuôi từ khi mới đẻ đến nay đã lớn lắm, người ta cứ gọi nó là con cò con. Con mèo gắn bó với ông Phú, đi đâu nó cũng theo đấy, thậm chí ban đêm nó cũng chui vào buồng ngủ với ông. Ít khi thèm đi rình bắt chuột.
Làng Vạn Yên phần đông là người nghèo, mái tranh vách đất san sát bên nhau càng làm nổi bật căn nhà đồ sộ của ông Phú truyền từ đời ông nội để lại. Nhà dựng trên nền cao, mái ngói rêu phong cổ kính, với những cây cột gỗ lim đỏ thẳm, càng làm tăng thêm vẻ nghiêm trang và tăng thêm cái uy thế cho gia chủ mỗi khi người làng khúm núm đến vay nợ.
Nghề cho vay lãi cắt cỗ giúp cho ông Phú đã giàu thêm, bà Phú thường vẩn giấu chồng giảm tiền lời hoặc rộng lượng xí xóa mỗi khi con nợ gặp phải túng bấn,không trả nổi. Riêng ông thì một xu cũng không bỏ qua. Trong cái cơ ngơi khoảng khoắc ấy, gia đình ông Đào Ngọc Phú rất thanh thản, chẳng những vì của cải dư thừa mà vì các con đều ngoan ngoãn. Riêng bà Phú lại càng cảm thấy hạnh phúc vì Long đã cho bà hai đứa nội kháu khỉnh. Còn Kim tuy chưa có con, nhưng lấy dược chồng hiền, và cho đến nay thì gia đình chồng cũng tỏ ra quý dâu, chứ không hành hạ như nhiều gia đình khác ở làng Vạn Yên.
Bà tin rằng đó là do cái phúc mà đã tạo được quua những việc từ thiện. Nhưng chồng bà thì khác, mỗi khi nghe vợ khen bên thông gia đối xử tử tế với con gái ông, ông đều vênh mặt hiu hiu tự đắc nói:
- Họ sợ cái uy của tôi chứ tử tế cái gì? Bố bảo tụi nó cũng chẳng dám động đến cái Kim nhà này.
Bà Phú nén tiếng thở dài, cố đè nén nổi bực mình để khỏi cãi lại.
Cuộc sống đang bình thường như dòng nước êm trôi. Chỉ một buổi sáng tinh mơ, cả nhà chưa ai thức giấc, gà trong thôn chưa gáy tiếng thứ nhất. Bổng con mèo đen đang nằm thiu thiu trên cái ghế bên cạnh giường ông bà Phú, chồm lên lao vọt qua cửa sổ và kêu thét liên hồi, và cùng với tiếng thét ngân dài ấy, con mèo chạy vùn vụt trên mái ngói, vụt phóng xuống trước sân, gầm gừ rên rỉ như giận dữ. Mèo cắn nhau kêu lên là chuyện thường, nhưng bổng ông bà Phú nghe gõ cửa. Bà Phú giật mình ngồi nhổm dậy, quay đầu ngó qua khe cửa sổ, thấy trời còn tối lắm. Tưởng chồng chưa thức, bà rón rén bước xuống, không muốn làm mất giấc ngủ của chồng, bà vừa vấn tóc, vừa cằn nhằn nho nhỏ:
- Đứa nào mà gỏ cửa sớm thế này?
Nhưng ông Phú cũng đã dậy ngay từ lúc con mèo lao ra cửa sổ, ông định nhân tiện đi tiểu, nên bảo vợ:
- Bà cứ nằm đây, để tôi xem đứa nào mà dám đánh thức tôi với bà vào giờ này?
Trong thâm tâm, cả hai ông bà yên chí là chị Thuần, người giúp việc lâu năm của gia đình này hằng đêm ngủ dưới bếp, sáng nay bẩm báo việc gì gấp hoặc một trong hai đứa cởno buồng bên kia có chuyện phải gặp bố mẹ. ông xỏ guốc, đứng dậy tiến ra tháo then cửa. Trời mờ tối, lại dày đặc sương mù, ông mở to cặp mắt, chưa kịp lên tiếng thì giật mình ngạc nhiên thấy một đứa bé gái khoảng ba tuổi đứng dưới sân trong vùng sương mờ ảo, không trông rõ mặt. Con bé chià tay xin:
- Ông... ông làm ơn cho con nắm cơm... Con đói quá!
Đứa bé đứng ngay trước mặt ông, cách có mấy bước, nhưng giọng nói nghe âm vang xa lạ quá, như từ chốn thăm thẳm nào vọng về ; ông bực mình quát lớn theo thói quen hống hách của mình:
- Con cái nhà ai đi ăn xin nữa đêm thế này? Xéo ngay! Làm mất giấc ngủ của ông. ông lại vả cho mấy cái bây giờ.
Mặc cho phản ứng dữ tợn của ông, đứa bé vẫn đứng im ngước lên nhìn ông như thoát tục, mặt nó trắng toát, đôi mắt trừng trừng, nhìn ông đăm đăm. Khiến chỉ vài giây sau, ông đã mất hẳn bình tỉnh, và như có luồng gió lạnh buốt bất chợt thổi ập vào người, làm ông lẩy bẩy run sợ. Đứa bé lập lại bằng giọng sâu thẳm hơn:
- Con..Con đói quá, xin ông làm phúc cho con bát cơm.
ông Phú đứng á khẩu tại chỗ, mồm há ra, mắt tự nhiên lạc thần. Vừa lúc ấy có giọng nói đàn bà từ cổng đưa vào:
- Con ơi! về con ơi! Về với mẹ con ơi!
ông Phú kinh hãi nhìn ra cửa, thấy một người phụ nữ mặc đồ trắng toát, đứng tuốt ở cuối sân, sát cái cổng xây nhà ông giơ tay vẫy vẫy. Khoảng cách khá xa, lại gặp màn sương đục, ông không trông rõ mặt, chỉ thấy mái tóc dài đen nhánh phủ xuống vai nổi bật trên nền áo trắng. Ông còn đang ngơ ngác, mất thần thì con mèo đen từ lưng sau lao vụt xuống bên ông kêu thét lên, đôi mắt nó lông lên sòng sọc và nhe hàm răng nhọn hoắt ra gầm gừ, muốn lao lại vồ đứa bé. Hai chân với những móng sắt dài, nó cào liên tiếp trên nền gạch. ông Phú nghe rõ tim mình đập thình thịch như sắp phá vỡ lồng ngực. Thoáng trong chớp mắt, ông không còn thấy đứa bé nữa. ông ngước nhìn ra xa, thì hai cái bóng trắng ấy đã ra tuốt ngoài cuối sân,đang dắt tay nhau bước ra khỏi cổng nhà ông, và mất hút ở khóm tre bên đường.
Cả lúc sau, ông mới định thần, chập choạng bước lui vào nhà, miệng ú ớ kêu:
- Bà, bà ơi! bà..bà... bà ra ngay đây..bà ơi!
ông lùi hẳn vào bên trong, đóng ập cánh cửa lại, bà Phú từ trên giường bước xuống ngạc nhiên hỏi:
- Ủa cái thuần nó cần cái gì mà nó gọi sớm thế?
ông Phú run rẩy ngồi xuống giường lắc đầu lia lịa, một lúc sau ông mới lấy lại chút bình tỉnh bảo:
- Không! không phải cái Thuần.
- Ơ... không phải cái Thuần thì đứa nào mà gõ cửa sớm thế? Con Nhàn hay thằng Hoành?
ông Phú nắm chặt bàn tay vợ, còn bàn tay ông thì lạnh toát như nước đá, ông thở hổn hển bảo vợ:
- Bà... bà ra xem nó có còn ở ngoài ấy không?
Bà Phú không hiểu gì chỉ biết từ ngày về với ông Phú, hiếm thấy khi nào ông như thế này. Bà hỏi lại:
- Đứa nào mới được chứ?
- Đứa bé con.
Bà Phú càng ngạc nhiên:
- Đứa bé con nào? Nhà này làm gì có trẻ con?
- Không... biết con nhà ai mà nó đi xin ăn.
- Khổ thân! Ăn xin mà vào giờ này? Nhà này thiếu gì cơm nguội. Sao ông không cho nó một bát? thôi được, để tôi xuống bếp, tôi bảo cái Thuần nó lấy cho nó vậy.
Dứt lời, bà bước nhanh ra cửa, bởi vì bà vốn có lòng từ tâm. ông Phú nói với theo:
- Ừ... bà ra xem nó có còn ngoài sân không?
Rồi ông ngồi trố mắt nhìn theo, hồi hộp chờ đợi. Mở cửa, con mèo đen lao vụt vào, nhảy lên cái ghế thường của nó. Đêm tối, đôi mắt nó nhìn đăm đăm như hai ngọn lửa loé sáng có pha chút xíu màu đỏ. Bà Phú bước hẳn ra thềm, đứng nhìn quanh khắp sân và hai bên hiên, nhưng không thấy đứa bé nào cả. Bà nhướng mắt, cố phóng tầm nhìn ra phía cổng vì sương sơm dày đặc quá. Bà đứng trên thềm, quay đầu nói vọng vào:
- Có cái đứa nào đâu? Già trẻ lớn bé, chả có thấy ai hết. ông chỉ trông gà hóa cuốc, chứ có ăn mày nào mà dám vào nhà mình giờ này?
ông Phú lo lắng nói vọng ra:
- Không có ai thì bà vào đi. Bà vào rồi khép cửa lại.
Bà Phú làm theo lời chồng, trở vào giường nằm. Nhưng ông Phú bảo bà thắp cho ông ngọn đèn vặn lớn đặt trên cái bàn giữa nhà rồi vào nằm bên ông. Bà thấy rõ toàn thân ông Phú vẫn còn run lên bần bật từng cơn, ông kéo tấm chăn mỏng phủ lên tới cổ và mắt mở trừng trừng ngó lên trần. Bà Phú lấy làm lạ là tự dưng ông Phú chống bà lại đòi thắp đèn, bình thường khi đi ngủ, ông không chịu được ánh sáng dù chỉ một ngọn đèn leo lét dựng trên bàn thờ, ông cũng bắt che lại, đừng để lọt vào mắt ông. Có đèn ông không ngủ được, ông thường lập đi lập lại như thế!
Bà Phú xoay về phía ông, đưa một tay đặt lên trên trán, và lần xuống cánh tay, và bàn tay ông, thấy chỗ nào cũng lạnh toát, bà lo lắng hỏi:
- Sao mà lạnh hết lên thế này? Trời muà hè mà sao lạnh rét lên thế này?
Bà nghe thấy rõ hai hàm răng ông đập vào nhau lách cách như đi ngoài tời muà đông, gặp gió bấc thổi mạnh, bà đăm chiêu hỏi:
- Ông ơi, ông thấy trong người như thế nào? hay là lúc nãy ông mở cửa ra thì gặp luồng gió độc? Thôi cứ nằm yên đấy đi, tôi lấy lá dầu không tôi hơ lửa, tôi đánh gió cho ông nhé!
ông Phú lắc đầu, cố nói bằng giọng điềm tỉnh hơn:
- Có gì đâu! Nhưng mà bà nhớ là cả bà và tôi cùng nghe thấy tiếng gõ cửa, có phải không nào?
- Đúng rồi, tôi còn nghe thấy trước ông nữa kia mà. Tiếng con mèo nhà mình nó kêu trước rồi tiếng đập cửa sau.
ông Phú chậm rãi kể:
- Ừ! Bà làm chứng đấy nhé, rõ ràng là có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì thấy có đứa bé con đứng ở dưới sân chià tay xin cơm, da nó trắng xanh như con nhà giàu mà lại đi ăn xin vào giờ này, thế có lạ không? Tôi đuổi nó đi, thì nó cứ đứng im nhìn tôi, rồi tôi bổng nhiên lạnh buốt. Tháng này làm gì có gió lạnh?
ông đang nói dỡ câu thì bổng con mèo lại tru lên và lao xuống đất. Lần này nó không phóng qua cửa sổ phía sau mà chồm lên, cào mạnh trên cánh cửa ra vào, nhe răng gầm gừ liên tục. ông Phú đang nói, quay mặt lại, nắm chặt cánh tay vợ, trố mắt nhìn theo con mèo. Vài giây sau quả nhiên có tiếng gõ cửa, ông Phú toan hét lên vì kinh sợ, nhưng ông nằm bất động, níu cánh tay vợ thật chặt. Tiếng gõ càng thôi thúc khiến con mèo chồm lên gào cánh cửa, tiếng gầm gừ càng thảm thiết hơn, ông run lập cập bảo bà:
- Nó... nó... nó đấy bà, nó chưa đi đâu.
Bà Phú gỡ tay chồng ra và bảo:
- Ra cho nó bát cơm để nó đi. Rõ lẩn thẩn! Đêm hôm khuya khoắt thế này nó vào đây xin bát cơm, chả lẻ đuổi nó đi à? Thôi được rồi, ông cứ nằm im đó đi. Tôi xuống bếp lấy cơm cho nó.
Bà tuột nhanh xuống giường, xỏ guốc đi ra. öng Phú ngồi bật lên, trố mắt nhìn theo chờ đợi. Bà Phú vừa tháo then ngang, vừa nói lớn:
- Đứa nào đập cửa đấy? Từ từ rồi tao mở, làm cái gỉ mà inh ỏi lên thế?
Rồi bà mở rộng cánh cửa gỗ, con mèo liền đi ra, nhưng chỉ vài giây sau bước vào, nhẹ nhàng nằm khoang thai bên ông Phú. Bà Phú bước ra thềm, ngạc nhiên chẳng thấy ai. Bà đứng trên hiên, nhìn ra phía cổng, cũng chẳng thấy bóng người nào. Bà bực mình hỏi lớn:
- Đứa nào đập cửa nhà bà đấy?
Không có ai đáp lại, bà buột miệng nói:
- Lạ nhỉ? Rõ ràng là vừa đập cửa cơ mà, biến đi đâu mà nhanh thật đấy? Này này, con cái nhà ai mà nghịch như quỷ thế hả? Bà mà túm được là mày chết với bà đấy!
Bà đứng thêm một lúc rồi vén mùng quay vào nằm bên chồng, ông Phú hồi hộp hỏi:
- Bà có thấy đứa bé không?
- Có thấy gì đâu?
- Ơ! Mà rõ ràng cả hai lần nó gõ cửa bà đều nghe thấy chứ đâu phải là tôi ngủ mê! Lần trước tôi ra, thì nó đứng ngay trước mặt tôi, bận này bà ra thì lại không thấy, thế này là thế nào?
Cả hai cùng im lặng vì cả hai không tìm ra được câu trả lời, một hồi ông Phú hạ giọng nói như tự hỏi:
- Chả biết là người hay là ma?
Bà Phú đáp ngay:
- Ma với quỷ cái gì? Chắc đứa nào nó trêu mình!
Tuy bà nói thế nhưng lòng bà bắt đầu thắc mắc, vì bà biết làm gì có đứa nào dám trêu chọc bà ở giữa khuya khoắt như thế này? Ban ngày còn chả dám huống chi là ban đêm. Đắn đo một chút bà hỏi:
- Mà này ông! Thế ông thấy đứa bé thật à? ông có chắc không đấy?
ông Phú gắt nhẹ:
- Bà ơi, tôi ngần này tuổi. Cả đời có biết ma là cái gì đâu. Nhưng mà hôm nay... hôm nay thì tôi thấy lạ lắm... .
Bà Phú ngắt lời:
- Tôi thì..tôi chỉ sợ ông ngáy ngủ, mắt nom không rõ thôi. Chứ ông nghĩ mà xem ăn xin gì... chả ai ăn xin vào lúc nữa đêm như thế này! huống hồ trẻ con thì giờ này ngủ say như chết ấy, lay không dậy nổi chớ đừng nói là giờ này lang thang ngoài đường!
ông Phú càng kinh sợ qua những lời vợ ông vừa nói thì rõ ràng là ma chứ không phải là người. Bà Phú bổng nhổm dậy, bước nhanh xuống giường, ông Phú hốt hoảng hỏi:
- Bà đi đâu đấy?
Bà Phú vừa xỏ guốc vừa đáp:
- Tôi đi gọi cái Thuần
Bà mạnh dạn bước ra tháo then cửa, khe khẻ hé mở, tiếng bản lề để lâu ngày rỉ sét, kêu lên kèn kẹt. bà mở to mắt nhìn xa xa, dĩ nhiên không thấy ai, sương vẫn dày đặc trong không gian mờ tối. Bà bước hẳn ra, đứng lại một lúc trên thềm không thấy động tỉnh gì, bà mới đi nhanh xuống bếp và gọi:
- Thuần ơi!
Chị người làm nằm trên cái giường kê sát cửa bếp, ngồi dậy vấn tóc và đáp:
- Ớ! Bà gọi con ạ? Có việc gì sớm thế ạ?
Bà Phú ngồi xuống bên cạnh và hỏi:
- Này, tối ngày hôm qua mày quên đóng cửa phải không?
Chị Thuần quả quyết:
- Ấy chết! Sao bà nói thế ạ? Con đóng cổng, cài then cẩn thận lắm, quên làm sao được ạ? Có cô Nhàn làm chứng, lúc đó cô con vừa tắm ở dưới ao lên, đi ra cổng cùng với con. Bà không tin thì hỏi cô con là biết ngay ấy.
Bà Phú ngồi thừ người im lặng, chị người làm sốt ruột hỏi thêm:
- Có cái gì thế bà? Có việc gì thế bà? Trộm vào nhà mình hở bà? hay là có chuyện gì không? Bà làm con lo quá bà ạ!
Bà Phú không muốn để chị người làm kinh hãi, sợ chị sẽ kể với hai đứa con, cho nên bà đứng dậy và bảo:
- Không, tao chỉ hỏi thế thôi!
Rồi bà bước ra sân, vừa đi vừa nhìn xung quanh một lần nữa.
ông Phú vẫn nằm nhắm mắt trên giường, nghe tiếng chân vợ vội lên tiếng:
- Bà kể với cái Thuần ấy à?
- Không, tôi chỉ hỏi nó là tối hôm qua nó có đóng cổng hay không thôi.
- Rồi nó bảo sao?
- Nó quả quyết là nó có đóng, có cả cái Nhàn ra cùng đóng cổng với nó.
Dứt lời, bà mén vùng chui vào, ngả người nằm xuống và nói bâng quơ:
- Lạ thật đấy, tôi thì tôi vẫn cứ cho là ông quáng gà chứ làm gì có đứa bé con nào?
ông Phú đã bình tĩnh trở lại, ông gắt nhẹ:
- Ừ thì cứ cho là tôi nhìn lầm đi. Nhưng cả hai lần nó gõ cửa, bà đều nghe thấy, chứ nào phải riêng tôi? hỏi bà ai gõ mới được chứ? Đây nhé, vừa nghe tiếng gõ cửa bà chạy ra ngay lập tức, mà không thấy ai, tôi hỏi bà cái sân nhà mình nó trống hốc ấy. Giả như có đứa nào nó cố ý trêu tôi với bà, thì nó núp vào đâu?Nó vừa gõ cửa, bà ra ngay cơ mà! Người mà chạy nhanh đến thế hay sao? Bà thử nghĩ xem!
Nghe những lời phân tích ấy, bà cho là chồng hoàn toàn có lý, buộc miệng nói theo:
- Ờ, sân nhà mình thì làm gì có chỗ núp ông nhỉ?
ông Phú càng tin là mình đã gặp ma, rồi từ đó hai người im lặng nằm bên nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Mãi cho đến khi gà trong xóm rộn rã gáy khắp lượt, tiếng bước chân, tiếng nói chuyện huyên náo của dân làng kéo nhau ra đồng trên con đường đất rộng chạy ngang trước nhà. ông Phú mới mệt mỏi ngồi dậy ra thềm đứng nhìn khoảng sân gạch đang sáng dần trong ánh bình minh.
Mặt trời lên, làm ông thấy tỉnh táo hẳn, không còn sợ hãi như trong đêm. ông bước xuống sân thong thả đi ra cổng, và quả nhiên thấy cánh cổng vẩn còn khép kín, cài then trong với chiếc khóa đồng to bản vẩn nằm im ở vị trí thường lệ. Nhà ông từ mấy đời vì của cải khá nhiều nên xây tường bao quanh, và đêm đêm bao giờ cũng đóng then để đề phòng trộm cắp. Cổng khóa có nghĩa là người lớn không hề vào được, huống hồ là đứa con nít ba bốn tuổi. ông thơ thẩn quay vào, đi quanh một vòng.
Mặt trời lấp ló sau rặng tre, chiếu những tia nắng ban mai rực rỡ, in bóng ông chạy dài in trên nền gạch. ông bước lên hiên, uể oải ngồi xuống bậc thềm ngay chỗ sáng nay ông đúng nói chuyện với đứa bé lạ mặt. Con mèo đen lấm lét bước theo, rồi leo lên nằm trên đùi ông.
Bà Phú từ dưới bếp đi lên bưng khay trà toan bước vào nhà để đặt lên bàn cho chồng như thường lệ. Nhưng ông Phú vẫy bà, chỉ tay xuống sân và nói:
- Chỗ này nè bà! Nó đứng ngay chỗ này này.
Bà Phú đặt khay trà trên hè và cũng ngồi xuống bên cây cột gỗ lim. Bà lật hai cái cốc thủy tinh rồi rót nước trà, hơi nóng bốc lên nhè nhẹ. ông Phú có thói quen sáng thức dậy là phải uống ngay một cốc nước trà thật nóng và thật đặc trước khi ra hông nhà bếp xúc miệng rửa mặt. Nhìn nét ưu tư trong ánh mắt chồng, bà Phú tự hỏi:
- Hay là thật sự có đứa bé hàng xóm nữa đêm lẻn vào chọc ghẹo, cốt để làm cho vợ chồng bà sợ? Trẻ con làng này thì có thiếu gì đứa quấy phá thiên hạ.
Nghĩ thế, bà hỏi:
- Này, nó... nó... con cái nhà ai? ông thấy mặt mũi nó ra làm sao? ông có nhớ nó không?
- Nào tôi có biết. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy chắc một điều là nó không phải là đứa bé ăn xin. Con nhà ăn mày làm gì có quần áo trắng tinh như thế! Với lại bà nói đúng, bố mẹ nào mà xui con đi ăn xin mà lại đập cửa nhà người ta giữa nữa đêm như thế. Người ta đánh cho què chân chứ lị!
Tất cả những nhận xét của ông Phú, thật ra bà Phú đã nghĩ đến từ nãy đến giờ, nhưng không muốn nói ra sợ làm chồng càng thêm sợ, bà chỉ khẻ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, ông Phú lại thêm:
- Bà ạ, tôi vừa ra coi lại ngoài cổng, thì cổng vẩn còn khóa
Bà Phú bưng cốc nước nóng xoay xoay trên tay quay sang nhìn chồng. Một người bản tính hung hăng như chồng bà mà từ lúc nhìn thấy đứa bé lạ mặt trong đêm khuya, bổng dưng biến thành con người khác với những sợ sệt không che dấu nổi, thì chắc hẳn đứa bé ấy có cái ma lực gì ghê gớm lắm. Có thể nó là một oan hồn từ khu nghĩa trang ngay sau vườn nhà bà hiện về chăng? Nhưng bà lại lắc đầu gạt đi vì bà nhớ lại 20 người chôn sau nhà bà không ai chết trẻ. Đó là điều làm cho bà vẫn còn ngờ ngợ, nữa tin nữa không tin. Bà phân vân hỏi chồng:
- Ý ông thì... .thì ông nhất định cho rằng đứa bé ấy nó... nó... không phải là người à?
- Ma chứ không phải là người. Bà nhớ lại mà xem, có bao giờ con mèo nhà mình nó lồng lộn như đêm hôm qua đâu? Hễ nó gào lên, là lập tức có tiếng gõ cửa. Giống mèo nó nhận được ma ấy bà ạ! Bà không nghe người ta kể là quỷ nhập tràng hay sao?
- Có, có nghe! Nhưng mà quỷ nhập tràng nghĩa là quan tài người chết vẫn quàng trong nhà chưa đem chôn, nếu như mà có con mèo đen nó nhảy qua thì quan tài sẽ đứng bật dậy, rồi nắp quan tài bung ra, rồi người chết đuổi theo con mèo. Tôi thì tôi nghe người ta kể như thế.
Bất giác, ông Phú cuối xuống nhìn con mèo đen của mình đang nằm bên cạnh đùi ông. Và tự dưng ông thấy rờn rợn vì biết đâu nó chẳng biến thành tinh khi gặp quan tài người chết. Bà Phú uống ngụm nước, đặt lên, rồi trầm ngâm tiếp:
-..Tôi, thì tôi về ở với ông hơn hai mươi mấy năm rồi trong cái căn nhà này, chưa hề nghe nói nhà mình có mà bao giờ. Nhưng mà hôm nay nếu ông tin là có ma, thì để tôi bảo cái Thuần nó chạy đi mời Thầy, Thầy Lĩnh Quang ở bên Xuân Diễn ấy. Ngoài chợ người ta cứ đồn là Thầy Lĩnh Quang cao tay lắm. Thầy sai được cả âm binh và có phép mỡ mả chị thằng Trùng ấy. Để tôi thỉnh Thầy về cúng kiến xem sao, đuổi hồn ma đi khỏi quấy rầy nhà mình ông nhé.
ông Phú giơ tay ngăn lại:
- Hẳng khoan bà, tôi không muốn cái chuyện này ầm ỉ lên. Từ từ xem thế nào đã. Cần thì cũng phải mời nhưng thư vài hôm nữa xem sao.
Bà Phú đồng ý ngay:
- Thì tôi sợ ông lo quá rồi thành bệnh nên tôi mới đề nghị ông như thế, chứ thật ra tôi đâu muốn chuyện này nó lan ra ngoài cho thiên hạ biết đâu. Miệng đời nó ác dộc lắm! Người ta lại bảo là nhà mình thất đức bị trả quả báo.
Hai chữ thất đức, bà Phú nhấn mạnh để ám chỉ chính ông chồng những năm tháng đã qua. ông Phú dường như cũng biết ý vợ nên chớp mắt nâng ly trà hớp một ngụm lớn rồi không nói gì. Bà Phú liếc mắt nhìn chồng, thấy ông đã tỉnh hẳn chứ không lạnh người như trong đêm. Tuy vậy ánh mắt ông vẫn nặng trĩu ưu tư và da mặt sáng nay chợt xanh xao như người sốt rét lâu năm. Để trấn an ông, bà quay về với luận ngữ cũ hy vọng giúp chồng quên hẳn nổi sợ hãi vừa xảy ra, bà bảo:
- Trời ơi, đêm qua ông làm tôi sợ quá, tôi tưởng ông lên cơn sốt rét.
ông Phú gật đầu rồi nói:
- Bà nhớ đấy nhé, bà đừng dể hở cái câu chuyện nhà mình cho người ngoài nghe đấy nhé! Con Thuần, cái Nhàn, thằng Hoành, bà không được nói với chúng nó.
Bà Phú đồng ý ngay, bà nhắc lại:
- Với lại đã chắc gì là ma? ông bảo sáng nay ông nom thấy đứa bé đứng ở đây xin cơm, nhưng mà khi tôi mở cửa ra, tôi chả thấy đứa bé nào cả. Tôi thì tôi chỉ sợ lúc ấy ông ngái ngủ, mắt nhắm mắt ngủ, trời lại lắm sương mù cho nên ông nom cái nọ nó xọ ra cái kia chăng?
Ông Phú cũng mong như thế, mong rằng hình ảnh đứa bé sáng nay ông thấy đứa bé trước cửa nhà ông cũng như người đàn bà đứng ngoài cổng, đều chỉ là ảo giác. Nhưng rõ ràng không phải, ông nom thấy thật, ông ônở nụ cười héo hắt bảo vợ:
- Tôi là chúa ghét chuyện nhảm nhí, ghét những chuyện mê tín dị đoan, bà thì còn hay tin vớ vẩn chứ bà có thấy tôi tin ma quỉ bao giờ? Ấy thế mà bây giờ chính tôi lại gặp.
ông vừa dứt lời thì từ dưới bếp, chị người làm và hai đứa con cùng kéo lên, cái Nhàn hơn 20 tuổi, con gái cưng của bà Phú. Thằng Hoành 16 tuổi, học chữ Quốc ngữ hết lớp ba bậc Tiểu học thì trường làng không còn lớp cho nó tiếp tục nên đành quanh quẩn ở nhà. Nhàn ngồi xuống bên cạnh mẹ và hỏi một cách lo lắng:
- Nhà có việc gì thế hở mẹ? Đêm qua có trộm hay sao mà sáng nay con thấy mẹ xuống bếp đánh thức chị Thuần sớm thế?
ông Phú đưa mắt nhìn vợ làm hiệu, bà Phú vội xua tay phân trần:
- Trộm đâu mà trộm, mẹ chỉ hỏi chị Thuần là có quên khóa cổng hay không thôi.
Cái Nhàn thắc mắc hỏi:
- Ơ... nhưng mà rõ ràng con nghe tiếng bố nói chuyện với ai ngoài hè cơ mà? Lúc đó con giật mình thức dậy, con tính con chạy ra con thấy mẹ chạy xuống bếp gọi chị Thuần.
Bà Phú cười đẩy con:
- Bố mày mê ngủ đấy chứ có nói chuyện với ai đâu! Chuyện vãn gì nữa đêm vậy?
Thằng Hoành ngồi xuống bên cạnh chị, chăm chú theo dõi nhưng không nói lời nào, chị người làm lên tiếng đổi đề tài:
- Hôm nay bà với cô Nhàn có đi chợ không ạ? Để con mang quang gánh ra cho bà.
Bà Phú quay sang hỏi con gái:
- Đi hay ở nhà con?
Nhàn ngạc nhiên nhìn mẹ và đáp:
- Đi chứ mẹ! Chợ phiên mà! Mẹ bảo là mẹ mua vải may cho con và thằng Hoành mỗi đứa hai cái áo cánh mà!
Bà Phú thở dài:
- Ờ... ừ... thì đi, nếu đi thì phải đi cho sơm con ạ. Hôm nay sương nhiều, chốc nữa nắng to phải biết.
Rồi bà quay sang chồng:
- Thế ông có cần mua cái gì không?
ông Phú uể oải đáp:
- Bà xem trong tủ có còn chè mạn sen không? Hết thì mua cho tôi mấy gói.
Bà Phú đứng dậy bước vào nhà và nói:
- Ừ, để tôi xem coi
Rồi bà giục con gái chuẩn bị lên đường, bà bảo chị người làm:
- Lấy cái thúng được rồi. Có mua gì nhiều đâu mà cần quang với gánh.
Chị Thuần và Nhàn xuống bếp, thằng Hoành ra vườn sau xem tổ chim trên cây bưởi, chỉ còn mình ông Phú ưu tư ngồi trên
thềm nhìn ra cổng, không nói lời nào. Nổi lo sợ trong đêm gần như tan biến hết dưới ánh sáng mặt trời. ông ngẩm nghĩ mãi về cuộc đời, ông không hiểu tại sao ông lại gặp ma, hay đúng hơn là tại sao ma lại đến với ông?
Những câu chuyện về thế giới bên kia, về oan hồn vươn vấn dương gian. Ai mà chả từng nghe kể, mà chỉ toàn là tưởng tượng, là hoang đường, chứ có ai tận mắt gặp phải hồn ma bao giờ? Cả đời ông vẫn tin như thế cho đến đêm qua thì suy nghĩ của ông rẻ hẳn sang một khúc quanh khác. Chuyện tiếp xúc với cõi âm là có thật, chứ chẳng phải là ảo giác thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn người đời. ông mong rằng câu chuyện sẽ kết thúc ở đây, đừng tái diễn thêm một lần nào nữa. ông thở mạnh, vói tay lấy cái điếu cày, rồi tình cờ ngước lên ngọn cây soan mọc ở đầu nhà, trên một nhánh khác có con quạ đen đậu từ lúc nào, mắt đăm đăm nhìn ông. ông vung tay đuổi, con quạ vẫn lì lợm đứng tại chỗ, ông tìm cục đá nhỏ quăng lên, con quạ vỗ cánh đảo một vòng rồi trở về chổ cũ và vẫn nhìn ông soi mói, khiến ông hoang mang, đứng dậy bỏ vào nhà.
Một ngày trôi qua rất nhanh, buổi trưa ông thơ thẩn đi bách bộ trên thềm nhà dưới mái hiên dịu mát. Bà Phú và Nhàn đi chợ chưa về, con mèo đen đang lửng thửng bước theo ông trên trên hè bổng dưng thét lên rồi chạy vụt ra cái cổng chính, rồi cứ thế nó nhảy chồm lên cào vào cánh cổng như đang quần thảo với một kẻ thù vô hình nào đó rất hung dữ. ông Phú đứng trên nhà, toàn thân nổi da gà, trố mắt nhìn ra dù không thấy gì ngoài con mèo một mình gầm thét và cào cấu.
Một lúc sau, con mèo ngừng kêu, đứng lặng im trước bụi tre một lúc rồi quay vào với ông. ông thở hổn hển, ngồi xuống bậc thềm xoa lưng nó bởi biết rằng hồn ma vừa hiện vào cổng trước nhà ông, nhưng có lẽ vào ban ngày, ông không thấy được. Tuy nhiên, nhìn vào cảnh tượng ấy, ông cũng thấy rõ là người xưa nói không sai: chung quanh người sống, có biết bao nhiêu hồn người chết đang lởn vởn bên cạnh, mà mắt trần gian không trông thấy được.
Biết đâu trong lúc này, ông đang ngồi đây thì hai cái bóng ma xa hai mẹ con xa lạ đó cũng đang ngồi sát bên ông mà ông không biết. ông hoang mang nghĩ ngợi mãi cho đến lúc vợ ông và cô con gái đi chợ về, ông mới gượng cười đứng dậy, và cũng không kể cho ai nghe câu chuyện con mèo vừa đánh nhau với ma ở ngoài cổng.
Hiện tượng quái dị ấy tuy có làm ông sợ, nhưng dù sao đi nữa nó cũng diễn ra vào ban ngày, ông không hãi hùng lắm. ông chỉ lo đêm nay, đứa bé con mặc đồ trắng sẽ lại gõ cửa tìm ông. Cho nên buổi chiều, ông lặng lẽ ra nghĩa trang sau nhà thắp nhang từng ngôi mộ. Thành khẩn cầu xin tổ tiên phù hộ cho ông qua cơn khủng hoảng. Có nghĩa là đừng để hồn ma đứa bé tìm ông một lần nữa.
Lần đầu tiên trong nghĩa trang của chính gia đình ông, mà ông cảm thấy cái không khí rờn rợn, vương đầy tử khí. ông vừa nhắm mắt để khấn nguyện thì chợt linh cảm từ phía sau có người nào đó đang nhìn ông, ông quay đầu lại thì chẳng thấy ai. ông nhắm mắt đọc kinh tiếp thì lại thấy rõ có ai đứng nhìn lén mình, ông quay lại nữa, thì chợt nhận ra con quạ đen đậu trên cành đa chỉ cách ông có mấy thước, ông giựt mình, nhặt cục đá ném lên, con quạ kêu lên mấy tiếng ai oán rồi bay về chờ ông trên nhánh cây soan bên hông nhà. Buổi tối ông ăn qua loa mấy chén cơm rồi vào buồng vì ông sợ bóng tối ngoài sân cũng như trong các lùm cây. Lên giường nằm, ông trằn trọc thao thức mãi. Bà Phú thắp nhang trên bàn thờ rồi chìu chồng cũng lên giường sớm và con mèo đen theo thói quen, nhảy lên cái ghế dành cho nó bên cạnh giường.
Bà Phú kể cho chồng nghe các thứ chuyện vặt vãnh ngoài chợ, tránh nhắc đến chuyện đêm qua, để khỏi làm chồng thêm sợ. ông Phú nghe vợ nói chuyện, cũng ậm ừ cho qua, nhưng rõ ràng ông không chú ý vì đầu óc vẫn đang vướng bận, cố gạt đi mà không gạt nổi. Gần nữa đêm bà Phú mệt mỏi ngủ mất trong khi ông vẫn còn trăng trở, hết xoay bên phải lại đổi sang bên trái. Nằm lâu ông buồn tiểu lắm, nhưng không dám đi một mình, mà chẳng lẽ lại đánh thức vợ dậy để rũ vợ cùng đi chung với mình. Nhà cầu nằm mãi sau bếp, ông tưởng tượng giờ này ông phải băng ngang mảnh sân ra đó, bất chợt đang đi mà hai cái bóng trắng lao ra chắn lối, thì chắc chắn có thể làm ông kinh sợ đến ngất đi được.
ông nén tiếng thở dài, nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ. Bên ngoài trời đã khuya lắm, ông gnhe tiếng sương đêm từng giọt đều đặn từ mái ngói đến sân gạch, ông kéo tấm chăn phủ kín trên mặt rồi cảm thấy rất khó chịu vì ngộp thở. Không gian hoàn toàn tỉnh mịch, trời đứng gió, ngoài vườn bao nhiêu cây lá không một chút lay động.
ông hồi tưởng lại bao nhiêu năm sống ở làng này, từ thuở thiếu thời, ông đã lang thang một mình trên đường khuya, dù là đêm trăng sáng hay đêm tối trời, có bao giờ biết sợ là gì? Rồi sau này khi lập gia đình, có địa vị trong làng xóm, cũng biết bao đêm ông đi uống rượu ở nhà người này, người kia. Hoặc khi ra sân đình xem hát chèo, rồi một mình trở về trên những khúc đường vắng lặng, chỉ có tàn tre hai bên rũ xuống, chuyện ma quỷ có khi nào làm cản trở bước chân lịch lãm của ông đâu? Ấy thế mà từ đêm qua đến giờ, hễ nhìn thấy bóng đêm là ông run sợ. Vườn nhà ông cây trái xum xuê, từ nay ông chỉ dám ra chơi ban ngày mà thôi. Ông nhớ có lần nghe người ta bảo ma lúc nào cũng hiện diện quanh ta, nhưng chỉ người nào ma muốn cho thấy, thì mới thấy được. ông tự hỏi tại sao ma lại chọn ông để hù dọa?. ông nghĩ mãi không tìm ra lý do. Một lúc sau, ông Phú vừa lật người nằm ngửa, thì bổng con mèo bên cạnh ông kêu rú lên, lao vọt qua cửa sổ, và chạy vùn vụt trên mái nhà, tiếng gào thét như xé màn đêm. Sau đó có tiếng gỏ cửa phía trước, ông Phú giật thót người, hất mạnh tấm chăn ra khỏi, ngóc đầu dậy lắng nghe. Vẫn những tiếng cọc cọc giống hệt đêm qua.
ông hít thở chờ đợi, tiếng gõ vang lên như giục giã, ông đưa mắt nhìn vợ, hy vọng là bà cũng nghe thấy. Nhưng bà vẫn đang say giấc nồng, hơi thở vẫn đang đều đều, chứng tỏ bà vẫn chưa thức giấc. ông Phú khẻ lay vai vợ, bà Phú trở người nằm nghiêng, úp mặt vào tường, xoay lưng về phía ông. Tiếng gõ cữa vẫn tiếp tục, tiếng mèo gào thê lương vẫn vang lên rộn rã, tiếng móng vuốt cào cào rin rít trên cánh cửa gỗ. ông Phú như người say thuốc, như kẻ bị hớp hồn, nữa tỉnh nữa mê, mất hết tự chủ, tung chăn bước xuống giường, thất thểu đi ra, ông tháo then ngang, đẩy rộng cánh cửa. Con mèo đen lao vọt lại chân ông, cắn gấu quần ông, lôi thật mạnh, như cố ý kéo ông vào nhà. Nhưng ông cứ đứng yên như người bị thôi miên
Trang 2 của 2
Cảnh cũng lại diễn ra y hệt như là đêm qua, trong màn sương nhạt, đứa con gái mặc quần áo trắng toát, mái tóc rũ xuống, che một phần khuôn mặt xanh xao, chià bàn tay xin:
- Ông cho con xin bát cơm. Con đói quá!
ông Phú đứng chết cứng như chôn chân xuống nền gạch, á khẩu không nói được lời nào. Xa xa ở cuối sân sát cổng ra vào, ông lại thấy người đàn bà trẻ mặc đồ trắng, cất tiếng gọi:
- Về con ơi, về với mẹ con ơi!
ông Phú kinh hãi đến tột cùng, tiếng nói của cả hai mẹ con vừa trong, vừa lạnh như vọng về từ cõi âm. Cả hai khuông mặt đều mờ ảo, ông không trông rõ, không nhận diện được. Đứa bé chìa tay khẩn khoảng nhắc lại:
- Xin ông bố thí cho con bát cơm, con đói lắm.
Và ngay sau đó tiếng người mẹ từ ngoài cổng cũng cất lên:
- Về con ơi, về với mẹ con ơi!
Con mèo đen từ chân ông, lao về phía đứa bé. Lập tức đứa bé quay lưng và vụt mất. ông Phú chớp mắt mấy cái và bừng tỉnh. Bấy giờ ông mới thấy ở cuối sân, hai mẹ con dắt nhau ra cổng. ông vẫn đứng run rẩy tại chỗ như có ai níu chặt lấy đôi chân ông, cả phút sau mới hoàn hồn. ông toan bước vào nhà, thì một bàn tay bấu mạnh trên vai ông, ông hét lớn quay đầu lại thì hóa ra vợ ông, bà hỏi:
- Ông làm cái gì ngoài này thế?
ông Phú thở hồng hộc như người chạy đua đường trường, bà Phú dìu ông vào nhà, để ngồi ở ghế và vặn to ngọn đèn dầu. Con mèo đen cũng theo vào, nhảy lên chỗ củ. Bấy giờ, bà Phú mới nhận ra nét nhợt nhạt đẩm ướt mồ hôi trên khuôn mặt của chồng. Bà rót nước tro cho ông và bảo:
- Ngồi xuống, ông ngồi xuống hẳng đi rồi uống cốc nước nóng này đi đã. Uống rồi cho tỉnh.
Rồi bà lấy cái khăn vải máng ở đuôi giường lau mặt cho chồng. ông Phú uống cạn cốc nước, đòi thêm một ly nữa, rồi run run bảo bà:
- Bà... .bà cầm đèn đi với tôi, tôi phải đi giải một cái đã.
Bà Phú làm theo chồng. Lần đầu tiên sau hiền lành bạc nhược khác hẳn với thái độ hách dịch và hung bạo thường ngày. Bà đi trước, giơ cao cái đèn soi bước, bà đẩy cái cánh cửa cho chồng bước ra, nhưng cánh cửa vừa mở, ông đã kêu thét lên và lùi lại. Vì thấy hai cái bóng người đứng ngay trên thềm nhìn ông chờ đợi. Bà Phú vội trách:
- Cái gì mà ông cứ la ầm lên giữa đêm khuya vậy? Làng xóm người ta kéo sang bây giờ.
Hai bóng người đứng đó cùng lao lại đở ông vì đó là chị người làm và cô con gái. Chị Thuần lên tiếng:
- Ơ! Con đây mà ông.
ông Phú đặt bàn tay lên ngực, khò khè thở và mắng:
- Chúng mày... .chúng mày ra làm cái gì đây? Tao cứ tưởng là ma.
Cô con gái đáp:
- Tại con đang ngủ, tự nhiên con nghe bố hét to quá à. Con vội lay chị Thuần dậy, chạy lên xem bố có việc gì không?
Bà Phú buồn rầu bảo:
- Thôi, đi ngủ hết đi. Mẹ rửa mặt cho tỉnh táo, từ hôm qua đến giờ cứ mê man, nói lung tung.
Và bà bảo chị người làm:
- Thôi, chị cũng đi ngủ đi, còn sớm lắm. Có cần gì thì tôi gọi ngay.
Bà Phú bước xuống sân, ông Phú nắm chặt cánh tay vợ đi từng bước chậm chạp sát bên cạnh. ông không dám nhìn ra phía cổng, bởi ông hình dung hai cái bóng trắng vẫn đứng đó chờ đợi ông. Ra tới bên hông nhà, bà Phú đặt cây đèn trên bệ nước xi măng, lấy khăn nhúng ướt cho ông lau mặt, rồi đứng chờ ông đi tiểu bên bệ chuối. Gió thổi xào xạc trong hốc cây, những tàn lá chuối run lên phần phật, ngọn đèn dâù tắt phụt làm ông Phú lại một phen khiếp vía.
Trăng thượng tuần soi mờ không gian, chẳng cần đèn ông cũng đã rành đường đi nước bước từng hốc cạnh trên mãnh đất lâu đời của ông. Nhưng vì cảm giác hoản loạn, ông cần ngọn đèn cho đỡ sợ. Bà vợ nắm tay ông dắt vào nhà, ngang qua mảnh sân, ông bổng nghe tiếng chó gầm gừ, rồi sủa vang ở ngoài cổng, ông bấu chặt cánh tay vợ và hổn hển nói:
- Mẹ con nó đang đi ngoài ấy!
Bà Phú ngơ ngác hỏi:
- Mẹ con ai? ông làm sao thế?
ông Phú run rẫy đáp:
- Bà không nghe tiếng chó sủa hay sao?
Quả thực ngoài ngõ, tiếng chó đang tru lên từng hồi như ai oán, và lại sủa lên. Và cứ mỗi lúc một xa dần. ông Phú nhắc lại:
- Đấy, bà có nghe thấy không? Mẹ con nó dắt nhau đi ngoài đường.
Bà Phú mệt mỏi nhắc lại:
- Mẹ con ai mới được chứ lị? Chó thì đêm nào mà chả sủa, có khi chó nó sủa bóng trăng, rồi có khi chó nó sủa người đi đánh dặm. ông lẩn thẩn mất rồi, ở nhà quê mà đêm không có nghe tiếng chó thì chẳng lẽ cả đêm người ta thức để canh trộm à?
Bà nói dứt câu, thì hai người cũng vừa lên tới bậc thềm, đẩy cửa bước vào nhà. Bà Phú bật diêm châm đèn, vừa ngáp vừa bảo chồng:
- Thôi, ngủ đi ông, đừng có giựt mình rồi thức dậy nữa. Cố ngủ đi một tí, trời sắp sáng rồi. Chốc nữa tôi bảo con Nhàn đi mời thầy thuốc bắc, bốc thuốc cho ông.
Rồi bà lên giường nằm quay mặt vào vách, nhắm mắt lại. ông Phú cũng nằm nhắm mắt, phủ chăn lên tận ngực, nhưng tất nhiên không ngủ được. ông nằm lan man nghĩ ngợi một lúc khá lâu, rồi bỗng vùng dậy ngồi tựa lưng vào vách là vì trong mớ trí tưởng hổn độn của quá khứ vừa ùa về trong trí ông. ông chợt thấy lạnh toát toàn thân vì nhớ ra câu chuyện cũ đã lâu lắm, lâu đến nổi chẳng bao giờ ông nghĩ tới cho đến đêm nay bổng loé lên trong đầu ông, dắt ông về một kỷ niệm của ngày tháng cũ.
Dạo ấy, ông đã có ba con rồi, nhưng vẫn đam mê cái thú cô đầu trên phố huyện. Trò tiêu khiển cuối muà này lôi cuốn ông không phải vì ông thích văn chương thơ phú, hay ghiền tiếng trống chầu kêu khách, mà chỉ vì nhà hát có những cô hầu rượu trẻ trung lúc nào cũng tựa má, kề vai thân thiết với ông.
Gọi là đào rượu bởi thiếu nữ ấy không phải là ca nhi, họ chỉ vì túng thiếu, phải bỏ nhà quê lên thành phố. Tấp vào những nhà hát để làm công việc hầu rượu và quạt mát cho Quan viên đến thưởng thức. Ông Phú là một trong những Quan viên lắm của nhiều tiền, thường xuyên ghé chơi vào những ngày rãnh rỗi. ông có xe kéo riêng, từ làng Vạn Yên lên phố huyện chỉ mất khoảng ba tiếng đồng hồ. ông hách dịch lắm nhưng phóng tay xài rộng nên chủ chứa rất quí trọng và ra sức chìu chuộng. Họ giao ông cho cô đào Tuyết mới ngoài 20, vào nghề chưa được nữa năm. Tuyết phục dịch ông chu đáo lắm, từ lời ăn tiếng nói, dáng đi dáng đứng, từ cái quạt nan cầm tay phe phảy liên tục cho ông, tới cốc rượu nồng nâng lên miệng ông khi ông kê gối ngã đầu trên đùi cô. Sự chung đụng xác thịt dĩ nhiên không thể dừng lại ở đó. Lần nào trước khi ra hát từ, ông cũng ngủ với cô một đêm, rồi mới chia tay hẹn gặp chuyến tới.
Bà Phú cũng biết cái thú của chồng, nhưng chuyện ấy không làm bà bận tâm nhiều lắm. Bởi ông làm ra tiền, thì đi ngang về tắt để giải sầu một tháng đôi ba ngày cũng không có gì quá đáng đối với đàn ông thời ấy.
Bẵng đi một thời gian, ông Phú không lên phố huyện để chuẩn bị ra tranh chức ông Nghị. Gọi là tranh, nhưng có tranh với ai đâu, đó là thứ Nghị hách, Nghị gật, ngồi làm bù nhìn để diễn tuồng dân chủ cho thực dân Pháp mà thôi. Quan tỉnh quan huyện hổ trợ sau lưng, là tất nhiên ông thắng cử, nghênh ngang vào ngác trong các nghị trường. Có điều ông Phú cũng phải bỏ thì giờ học chữ Quốc ngữ và mấy câu tiếng Tây, vì chẳng lẽ vào nghị trường mà không biết đọc, biết viết. ông say mê chức trọng quyền cao, thú cô đầu dường như ông quên hẳn.
Cô đào Tuyết ở phố huyện ngóng ông mãi không thấy tăm hơi. ông không lên, thì cô không có tiền mà nhà chứa cũng mất nhiều lợi tức. Cô dọ hỏi cả tháng trời, mới biết ông ở làng Vạn Yên. Đắn đo mãi, cô đánh liều thuê xe kéo về làng Vạn Yên. Tất nhiên cô không dám đến thẳng nhà, cô dừng chân ở ngoài cánh đồng làng, mướn một đứa bé đang thả diều gần đó bảo nó vào gặp riêng ông Phú, nhắn ông ra gốc cây đa cho cô gặp. Làng này thì già trẻ lớn bé, ai mà không biết mặt ông Phú, cô dặn đi dặn lại thằng bé rằng:
- Này, mày phải gặp cho bằng được ông Phú rồi hẳn đưa cái mảnh giấy này nhé! nhớ chửa? Đừng có bạ ai cũng đưa, nhất là bà Phú thì nên lảng đi ngay. Phải đưa tận tay cho ông Phú, bảo là có cô Tuyết đang đợi ở gốc cây đa đầu làng ấy. Thôi đi đi! Nhanh chân lên một tí nhé! Đưa giấy rồi ra đây tao cho thêm tiền nhé!
Thằng bé nhận tiền và mảnh giấy, bỏ luôn cái diều và chạy thẳng vào làng Vạn Yên. Nó cũng biết ông Phú, nhưng là vì con nhà cùng đinh, nên chưa bao giờ đặt chân vào nhà ông. Nó đến trước cổng nhà ông, dừng lại thở, mồ hôi nhễ nhại khắp mặt và lên áo. Trong sân nhà ông hôm nay lố nhố cả chục người, rồi lại có cả ô tô trên tỉnh xuống, làm nó càng sợ không dám vào.
Khoảng thời gian này ông Phú bận lắm vì đang chạy chức nghị viên. Chờ đến hơn một tiếng đồng hồ, thằng bé phân vân không biết làm sao. Quay lại gốc đa nói thật với Tuyết thì sợ cô đòi lại tiền mà xông vào nhà gặp ông Phú thì liều lĩnh quá. Lơ phật ý ông, ông tát cho thì sưng mặt ; Nó cứ đứng sớ rớ mãi ở ngoài cổng cho đến khi chị thuần xách giỏ đi mua thêm rượu, thấy cử chỉ lấm lét của nó, cất tiếng hỏi:
- Này, mày con nhà ai thế? Làm gì mà cứ thập thò ở đây thế này? Ăn trộm hả? Xéo ngay không chết bây giờ đấy nhé!
Thằng bé sợ hãi đáp:
- Cháu hỏi thăm ông Phú ạ!
Chị Thuần mắng:
- Ớ! Cái thằng này láo thật! Mày là đứa nào mà dám hỏi tới ông Phú? Cút đi, ốm đòn bây giờ đó!
Thằng bé luống cuống đáp:
- Dạ, cháu cần đưa cho ông Phú mảnh giấy này ạ!
Nó rút trong cạp quần miếng giấy nhỏ đã nhoè nhoẹt mồ hôi, trao cho chị Thuần rồi bỏ chạy. Chị Thuần không biết chữ nên đứng nhìn đăm đăm một lúc, rồi trở vào đưa cho anh Long, con trai đầu lòng của ông Phú. Mảnh giấy nguệch ngoạc mấy chữ ông ra cho em gặp, em đang chờ ở gốc cây đa. Có việc cần. Tuyết. Long đọc lướt nhanh rồi cất vào túi. Anh không biết Tuyết là ai mà lại đòi gặp bố mình. Anh lưỡng lự một chút rồi vào nhà mời ông Phú ra mãi sau vườn rồi đưa cho ông mãnh giấy. ông Phú đang lúc say sưa với công danh sự nghiệp, nghĩ đến tương lai ông nghị, nên lập tức nổi nóng nghiến răng bảo:
- Cái con đĩ này! Ai cho phép nó xuống tận đây để tìm tao? Láo thật!
Rồi ông vò mãnh giấy, quăng mạnh xuống gốc cây. Long ngước lên hỏi bố:
- Cô ấy là ai mà tìm bố, bố có định ra gặp cô ấy không?
ông Phú gắt:
- Gặp làm gì? Nó là con đào rượu ở nhà hát trên phố huyện. Tao mà gặp là tao vả ngay cho mấy cái
Dứt lời, ông toan quay vào nhà vì khách đang chờ ở bàn tiệc. Nhưng Long níu lại và ôn tồn nói:
- Bố ạ! Bố không ra gặp cô ấy, ngộ lỡ cô ấy đến thẳng đây rồi làm sao? Bố sắp sang nghị viên. Hôm nay nhà mình đông đủ Quan viên, chức sắc, chẳng may cô ấy đến làm ầm ỉ lên thì làm sao?
Chính ông Phú cũng vừa sực nghĩ ra điều ấy, đường hoạn lộ của ông đang thênh thang, lại để một đứa con gái nghèo hèn làm vỡ chân ông. Nhưng ông vẫn trấn an con trai:
- Nó chẳng dám đến đây đâu! Có mà uống thuốc liều!
Long tha thiết nói:
- Bố ạ! Cô ấy đã từ huyện xuống làng ta, thì sợ gì mà không đến thẳng đây? Chả qua là cô ấy ngại mẹ con thôi! Nhưng nếu bố không ra gặp thì thể nào cô ấy cũng đến.
ông Phú đăam chiêu cuối đầu, Long lại đề nghị:
- Hay là bố để con chạy ra xem sao! Con sẽ nói khéo bảo cô ấy đừng đến đây. Bảo cô cứ về đi rồi nay mai bố sẽ lên huyện gặp.
ông Phú ngượng ngùng nhìn con:
- Ờ! Tính thế cũng phải. Đi hộ bố đi. Bảo với nó dứt khoát từ nay không được lai vãng về đây nữa. Mai kia bố lên huyện, bố sẽ cho nó một trận.
Long gật đàu, cuối lượm lại mảnh giấy mà vừa rồi ông Phú đã vứt vào gốc cây. Rồi anh tất tả chạy ra ngoài đầu làng. Từ xa anh đã thấy Tuyết đứng ở gốc cây, nón cầm tay phe phẩy, anh chạy lao lại thở hồng hộc vì quảng đường khá xa mà anh thì cố lướt thời gian. Tuyết ngừng quạt, trố mắt nhìn Long nhưng không dám hỏi. Long đứng lại, cố lấy bình tĩnh và lên tiếng:
- Cô..cô là cô Tuyết phải không ạ?
- Vâng ạ, tôi,đây! Xin hỏi ông là... .
- Tôi tên là Long, bố tôi nhận được mảnh giấy của cô nhưng bận lắm, không ra gặp cô được.
Dứt lời Long giơ mảnh giấy nhàu nát ra trước mặt Tuyết. Tuyết thất vọng ngồi bệch xuống đất trên nhánh cây cổ thụ, cô buồn rầu hỏi:
- Thế ông Phú có nhắn gì tôi nữa không?
Long vốn biết bố mình nóng tính, đôi khi không dằn được cơn giận, nên anh tội nghiệp bảo Tuyết:
- Bố tôi chỉ bảo là từ nay tuyệt đối cô đừng có về làng tìm bố tôi. Bố tôi không bằng lòng như thế. Gặp ở nhà hát chứ sao cô về tận đây? Nếu mẹ tôi biết thì làm sao?
Tuyết ứa nước mắt sụt sùi đáp:
- Tôi đâu muốn lê thân về đây đâu, chẳng qua là vì tôi... tôi... tôi có..mang với bố anh, nên mới phải xuống tìm chứ tự dưng lặn lội về đây để làm cái gì? Có chửa thì tất nhiên nhà hát người ta đuổi tôi đi rồi, chứ ai mà cho hầu rượu nữa! Bây giờ thì bụng còn bé nên còn nán được, chứ tháng sau rồi tháng sau nữa, dấu làm sao được với thiên hạ? ông nghĩ coi, tôi thì tôi không nhà không cửa, nhà hát đuổi tôi đi thì tôi chả biết làm sao để sống qua ngày để sinh đẻ? Vạn bất đắc dĩ tôi mới phải liều xuống đây thưa thật với bố anh.
Cô nghẹn ngào dừng lại, Long mủi lòng nhìn cô gái tội nghiệp, cô còn trẻ, lại có nhan sắc mặn mà, bố anh say mê là phải, Long dè dặt hỏi:
- Thế bây giờ cô tính thế nào? Cô tìm gặp bố tôi dể làm gì?
Tuyết đã dự định trước, rành mạch kể:
- Tôi bây giờ lâm vào bước đường cùng rồi, nên mới phải ngữa tay nhờ cậy bố anh. Đẻ xong, tôi sẽ đem con tôi cho các bà sơ, rồi tôi đi làm thuê, làm mướn nuôi thân. Tôi không có dám làm phiền bố anh nữa đâu. Tôi chỉ cần từ đây đến ngày ở cử thôi.
Long hiểu ra, xúc động vì hoàn cảnh dỡ dang của cô gái do bố mình gây nên. Anh thọt tay vào túi nhưng không có đồng bạc nào vì anh không hề dự trù trước, anh dịu dàng bảo:
- Hay là thế này, tại bố tôi không biết là cô có mang với bố tôi, bây giờ cô cứ ngồi đợi đây để tôi chạy về cho bố tôi hay, thể nào bố tôi cũng ra gặp cô.
Tuyết thở phào nhẹ nhỏm:
- Vâng..vâng, trăm sự nhờ anh. Anh đi nhanh hộ tôi một tí nhé, tôi chờ!
Long toan chạy thì Tuyết lại thêm:
- Ấy, ấy, nhược bằng như là bố anh bận quá không ra được để gặp tôi, thì nhờ anh nói khéo tôi chỉ xin ít tiền thôi, để tôi sống qua ngày chờ ngày sinh nở thôi.
Long gật đầu, rồi lập tức chạy lao vào làng, anh vẫn biết ông Phú ham thú trăng hoa, nhưng anh không ngờ anh sắp có một đứa em cùng cha khác mẹ.
Về tới nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, anh lại làm hiệu gọi ông Phú ra sau vườn và kể lại từ đầu đuôi, đồng thời giục bố ra gặp, nhưng ông Phú gạt đi:
- Quân láo lếu, nó bảo nó có chửa à? Đã chắc gì nó có chửa với tao? Cái thứ mèo mã gà đồng, ngủ hết người này đến người khác. Thấy tao có tiền lại giở trò vòi vĩnh. Kệ mẹ nó!
Thế là ông quay gót vào nhà, Long chạy theo níu kéo:
- Bố ơi! Không phải con của bố thì đời nào cô ấy mò về tận đây?
ông Phú phất tay:
- Mày ngu lắm con ạ! Làm cái nghề đào rượu như nó phải biết mánh khoé chứ! Rồi mày xem, nó sẽ vác cái bụng chữa đi vòi tiền của tất cả mọi thằng đàn ông đã đến cái nhà hát ấy. Gặp ai nó cũng sẽ bảo người ấy. Tao già đầu rồi, tao không có dại.
Long đứng thừ người một lúc rồi nói:
- Nếu thế thì để con chạy ra bảo cho cô ấy biết để cô ấy quay về huyện trước trời tối. Bắt người ta chờ khổ thân. Vả lại cô ấy đã có công mò về tận đây thì... cũng nên biếu cho cô ấy một ít tiền chứ bố!
ông Phú gay gắt xua tay:
- Đã bảo là kệ nó, mày cứ hay mua việc. Tao không ra, mày không ra thì nó sẽ phải về. Chửa biết chừng nó sẽ đi tìm thằng khác để báo tin là có chửa. Tiền bạc tao không tiếc, nhưng giúp nó một lần, nó sẽ ăn quen thấy mùi ăn mãi, phiền phức lắm.
Long còn đang phân vân, thì có tiếng bà Phú gọi:
- Anh Long đâu, mẹ nhờ một tí nào!
ông Phú giục:
- Vào xem mẹ mày cần cái gì.
Long thở dài chạy vào nhà tìm mẹ, bà Phú gắt:
- Con phải ngồi tiếp khách hầu rượu các Quan chứ! Sao mà cứ thập thò ở dưới bếp là thế nào? Lên nhà trên mau, đừng để người ta chờ!
ông Phú trở lại bàn tiệc, nói cười oan oan với cốc rượu nồng, không mảy may bận tâm với Tuyết đang sốt ruột chờ ông ngoài gốc cây đa. Riêng Long thì rất áy náy nhưng không thể rời bàn tiệc. Ngoài cánh đồng Tuyết hết đứng lại ngồi, nỗi oán hận cả bố lẫn con mỗi lúc một dâng cao, cho đến khi mặt trời lặng, vẫn không thấy ông Phú hoặc Long ra gặp, cô đành thất thiểu thất vọng tìm đường trở về phố huyện.
Thời gian cứ thế mà trôi, suốt cả nữa năm ông Phú tíu tít tiếp khách, lại biết mình sắp làm lớn, nên không lên phố huyện hát cô đầu nữa. Nhưng người tính không bằng trời tính, phút chót tình thế biến chuyển dồn dập. Cái chức nghị viên bị bãi bỏ sau khi ông tốn khá nhiều tiền để lót đường từ làng lên tỉnh. ông buồn đứt ruột vì công danh trắc trở và vì tiếc tiền vung tay quá hào phóng. Có lẽ mả nhà ông không phát về đường Quan lộc nữa.
Ngồi buồn vài tháng sau, ông lại mò lên phố huyện đến nhà hát cũ. Chị chủ nhà ra đón ngậm ngùi bảo ông:
- Gớm, lâu quá mới lại thấy Quan bác quá bộ đến thăm chúng em đấy. Chúng em cứ nhắc đến Quan bác mãi.
ông Phú nghênh ngang bước vào và khinh bạc hỏi:
- Không biết cô Tuyết của tôi bây giờ ra làm sao, chả biết có còn nhớ tôi hay quên bén mất rồi?
Chủ nhà trố mắt nhìn ông vì tưởng ông nói đùa, giây lâu chị mới kể:
- Ủa, chả lẽ Quan bác chưa biết hay là sao? Cô ấy nghĩ việc từ khi có mang tháng thứ ba rồi. Em thì chả biết cô ấy phiêu bạt về đâu, mãi sau này mới nghe người ta nói là cô đẻ thiếu tháng ở nhà thương thí ấy, rồi cả hai mẹ con chết rồi.
ông Phú nghe qua chả có phản ứng gì, chủ nhà liền ngâm bốn câu ngữ, tức là bốn câu thơ mỡ đầu bài hát nói của Dương khuê mà ngày trước ông Phú thích nghe mỗi khi nằm kề bên Tuyết.
Lấy ai là kẻ đồng tâm
Lấy ai là kẻ tri âm với nàng
Đêm khuya luống nhưng đàng hoàng
Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?
ông Phú nghe xong, vẩn không tỏ một lời tiếc thương kẻ bạc mệnh. Chủ nhà biết ý nên cũng không nhắc thêm chuyện ấy nữa, mãi đến khi tiển chân ông ra về, chủ nhà mới kể thêm:
- Cái dạo mà cái Tuyết mới có mang, nó có xuống tận làng Vạn yên để tìm Quan bác để báo cho Quan bác biết, nhưng mà nó chờ mãi mà Quan bác cứ lờ đi. Nó về đây khóc cả tuần lễ rối khăn gói ra đi. Từ đấy, em chả gặp nó bao giờ cho đến khi em nghe tin nó chết đấy.
ông Phú khẻ nhíu mày nhưng không nói gì, chỉ biết sau lần ấy ông không lên phố huyện nữa, cũng ít khi nào ông nghĩ đến người con gái bạc số đã từng kề cận nhiều đêm bên ông và cưu mang đứa con bất hạnh của ông. Mãi đến hôm nay, hai cái bóng trắng hiện ra ngoài sân trong đêm, hai mẹ con dắt tay nhau trong sương mù, thất thểu đi ra khỏi cổng nhà ông, mới làm ông giật mình liên tưởng đến chuyện cũ. ông buộc miệng thảng thốt kêu lên nho nhỏ:
- Hay là hai mẹ con nó hiện về báo oán?
Bà Phú đang nằm thiu thiu, ngơ ngác quay lại hỏi:
- Hai mẹ con nào?
ông Phú không dám tiết lộ chuyện cũ với vợ, nên làm bộ lảng sang chuyện khác, ông thản nhiên nói:
- Bà chưa ngủ à? Tôi thì tôi mới chợp mắt lại nằm mê ngay lập tức.
Bà Phú ngồi dậy vấn tóc và bùi ngùi nói:
- Tôi thì tôi biết ông còn thức chứ chưa ngủ đâu. Có phải là ông đang nhớ đến con bé gì trên phố huyện, dạo mà ông mê đi hát cô đầu, đúng chưa? ông ngủ với nó, rồi nó có mang, rồi nó về làng tìm ông mà ông nhất định không ra gặp, có đúng thế không?
ông Phú kinh hãi hỏi lại vợ:
- Sao... sao bà biết?
Bà Phú ngậm ngùi thở dài trách bằng giọng có pha nước mắt:
- Tôi thì tôi biết từ dạo ấy cơ! Thằng Long nó kể cho tôi nghe hết. ông ác lắm, con ông mà ông còn bỏ, con bé bụng mang dạ chửa, lang thang đầu đường xó chợ, không cơm ăn, không áo mặc. Tất nhiên là nó đẻ non rồi, hai mẹ con nó cùng chết đói. ông à! đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Sao ông không bảo với tôi một tiếng để tôi giúp nó? Tôi không có muốn ông thất đức, con gái tôi nó phải gánh chịu.
Ngừng một chút cốt ý để chồng suy gẩm, bà Phú lại tiếp:
- Đấy, thằng Long nó trách ông đấy! Cho nên hôm nó có dịp lên phố huyện, tôi bảo là nó cố tìm cái con bé ấy để dúi cho nó ít tiền. Nhưng mà nhà chủ đuổi đi lâu lắm rồi, chả biết nó đi đâu?
ông Phú nằm yên không biết nói sao. Giờ này ông vẫn không hối hận vì đã xử bạc với Tuyết. ông chỉ sợ hồn ma hai mẹ con về báo oán, nên ông tự bào chửa:
- Bà bảo tôi ác là oan cho tôi. Cái hôm nó về chờ tôi ở gốc cây đa ngoài cánh đồng, tôi không ra là vì đã chắc gì cái thai trong bungnó là con tôi? Đào rượu ở nhà cô đầu thì nay tiếp người này, mai tiếp người khác. Biết nó có mang với ai?
Bà Phú không nói gì nữa. Chuyện này bà đã dấu kín bao nhiêu năm, bà vẫn thầm trách chồng là người nhẫn tâm. Bà không nói chỉ vì bà không muốn các con biết thêm những cái xấu của bố chúng nó, nhất là cô con gái. Bà ngồi lên đẩy cái liếp cửa sổ cho không khí trong lành ngoài vườn luà vào, nhưng trời vẫn còn tối quá, nên bà lại hạ xuống. Làng xóm còn im lìm ngủ yên, gà chưa gáy tiếng nào. Dưới bếp chưa có tiếng động, chứng tỏ chị Thuần chưa dậy pha trà, bà Phú buồn rầu bước xuống, bưng cây đèn ra hiên để xuống bếp, bà nói:
- Thôi ông ngủ đi một tí để lấy sức, tôi xuống tôi đun ấm nước.
- Sao không gọi cái Thuần nó dậy bảo nó đun?
- Thôi, còn sớm mà! để cho nó ngủ. Đằng nào tôi cũng dậy rồi.
Bà bước ra ngoài, ông Phú nằm một mình nhớ lại từng chi tiết cái hôm Long trao cho ông mảnh giấy, rồi giục ông ra gốc đa gặp Tuyết. Chuyện cũ bao nhiêu năm qua giờ này bổng sống lại trong ông. Nhưng để khỏi áy náy, ông tự bảo mình:
- Đã chắc gì đứa bé trong bụng là con mình!
ông vừa dứt lời thì bổng thấy cơn lạnh từ trên vách ùa vào xối xả như gió bấc muà đông. Lập tức con mèo đen của ông kêu thét lên và lao mạnh vào liếp cửa sổ. Ngay sau đấy có tiếng gõ cửa liên hồi, ông giật thót người run lên bần bật. Tiếng gõ không phải ở trước cửa như đêm qua mà ngay trên liếp cửa sổ, sát cái giường ông đang nằm. ông co rúm người, cố nhích ra xa, rồi ú ớ gọi vợ. Con mèo vẫn cào mạnh, vẫn gầm gừ, nhảy lên tuột xuống. ông cố kêu nhưng cổ ông dường như bị bóp nghẹt khiến ông không thốt được một tiếng, chỉ nghe tiếng âm thanh nghèn nghẹn như người sắp tắt thở. Tiếng gõ trên cửa sổ vẫn vang lên, rồi giọng nói con nít như rót vào tai ông:
- Xin ông bát cơm... xin ông bát cơm... Con đói quá...
ông Phú lết mãi mới ra được mép giường rồi ngã lăn xuống đất, ông lồm cồm bò dậy thì bên ngoài cửa sổ có tiếng nói của người đàn bà mà ông đã nghe đêm qua:
- Về con ơi..về với mẹ... về con...
Mấy tiếng ấy cứ lập đi lập lại xa dần, nhỏ dần cho đến khi ông không còn nghe thấy nữa. ông há hốc mồm, hai tay ôm cái gối, từ từ đứng dậy. Vừa lúc ấy cánh cửa trước mở tung, ông thét lên kinh hãi... .Nhưng đó là bà vợ vừa từ dưới bếp đi lên, bà bực bội cằn nhằn:
- Ông làm cái gì mà tôi giật mình? Đêm hôm mà cứ hét ầm lên là thế nào?
Thấy ông ngơ ngác đứng giữa nhà, bà nói tiếp:
- Sao mà tôi đi có một tí mà ông không dám nằm một mình là sao?
ông Phú hổn hển đáp:
- Mẹ con nó lại vừa mới hiện về bà ơi!
- Hiện về đâu? Bình tĩnh cái đã nào!
- Nó đứng ngay sau cái cửa sổ, tôi hãi quá mới phải vùng dậy, toan xuống bếp tìm bà, bà cho tôi cốc nước.
Bà Phú dịu dọng tội nghiệp:
- Tôi đang đun. Nước trong ấm ủ thì hết sạch rồi. Thôi xuống bếp uống tạm miếng nước mưa đi vậy!
Vừa nói, bà vừa bước ra ngoài, ông Phú lẽo đẽo đi sau ; Nhưng khi ra thềm nhà, ông Phú đứng khựng lại ngay, là vì dưới ánh trăng mờ ông nhìn thấy hai cái bóng trắng, hai mẹ con dắt nhau ở cuối sân, lầm lũi đi ra ngõ. ông giật tay bà Phú, chỉ ra cổng và hoảng hốt kêu:
- Chúng nó kia kià, thấy không? Bà... .bà có thấy hai mẹ con nó không?
Bà Phú lắc đầu, giờ này bà Phú cũng mơ hồ đoán rằng hồn ma hai mẹ con về chọc ghẹo chồng bà, nhưng đồng thời bà cũng tin rằng có thể tâm trí chồng bà khủng hoảng trầm trọng cho nên có ít chiết ra nhiều. Người hoảng loạn thì rất dễ thấy ma, bởi nhìn thấy gì cũng tưởng là ma, bà chán nản nói:
- Tôi có thấy cái gì đâu!
Bà vừa dứt lời thì ngoài cổng có chó tru lên thảm thiết, rồi gầm gừ sủa vang rồi cứ thế xa dần, nhỏ dần, cho đến khi im hẳn trả lại sự yên tỉnh cho màn đêm. ông Phú run run nói:
- Chúng nó đấy, mẹ con chúng nó đấy!
Vào bếp, ông Phú bưng cái gáo đựng nước mưa tu ừng ực rồi ông lắc đầu mệt mỏi bảo vợ:
- Bà ơi, chắc phải bán bỏ căn nhà này đi chỗ khác bà ơi!
Bà Phú gạt phắt đi:
- Cái gì? Mồ mã tổ tiên của ông ở cả đây mà, bán nó sao được? Với lại nếu quả thực ông thấy ma đó, thì ma đi theo người, ông đi đâu cho thoát?
Đối với ông Phú lúc này thì mồ mã tổ tiên cũng không còn quan trọng nữa, và căn nhà đồ sộ này ông cũng chẳng thấy tiếc chút nào vì ông sợ quá mức rồi. Đi đâu cũng được, miễn là hai cái bóng trắng kia đừng rượt theo quấy phá ông, ông lắc đầu bảo vợ:
- Tôi không ở đây được nữa, nhà này bây giờ là nhà ma. ở với ma làm sao được?
Bà Phú tội nghiệp bảo chồng:
- Thôi hay là như vầy đi, ông sang ở tạm bên thằng Long vài hôm xem sao?
Bà Phú đưa đề nghị này là một sự bất đắc dĩ vì sợ chồng khủng hoảng quá mà kiệt sức, chứ trong thâm tâm bà không muốn mang phiền toái sang nhà con trai. Vợ chồng nó bận buôn bán lại vướng hai đứa con còn nhỏ. Chồng bà qua đó rồi cả đêm cứ kêu thét lên như thế này thì chỉ làm khổ con trai và hai đứa cháu nội mà thôi. Riêng ông Phú thì gật đầu đồng ý ngay:
- Ừ, để tôi sang ở bên thằng Long, chứ ở bên đây chắc tôi chết mất!
Bước sang ngày thứ ba, ông Phú hốc hác thấy rõ. Hai đêm thức trắng, ban ngày cố ăn một hai bát cơm mà nuốt không vào, người ông phờ phạc, hai mắt trũng sâu, mất hết thần khí. Bước đi lảo đảo như sẳn sàng quỵ ngã bất cứ lúc nào. Với ông bây giờ ngày đi quá nhanh, cứ đến lúc mặt trời lặn là ông bắt đầu lo sợ. Bà Phú bảo cái Nhàn chạy đi gọi Long để bàn cái việc đón ông Phú sang ở tạm bên ấy, nhưng hôm ấy Long lên tỉnh chưa về, còn bà Phú và thằng Hoành thì qua nhà cô con gái thứ hai là Kim vì tin vào luật vay trả cha ăn mặn, con khát nước, nên bà rất lo cho hai cô con gái.
ở nhà một mình, ông Phú đăm chiêu đi tới đi lui trên sân gạch. Chợt nghe tiếng quạ kêu trên nhành cây soan, ông giật mình ngẩng lên, vẫn con quạ đen đậu chỗ cũ nhìn ông như thách thức, ông lượm cục đất ném lên, nó kêu mấy tiếng oai oán và bay vụt đi. Một lúc sau tình cờ ngó lại, ông vẩn thấy nó đậu ở chổ cũ. ông bực mình lắm, nhưng cố lờ đi, không thèm để ý đến nó nữa. ông thơ thẩn đi ra đi vào, cả ngày chỉ hút thuốc lào và uống nước trà, cơm canh nuốt không vô.
Bên ông chỉ có con mèo đen làm bạn đồng hành, không rời ông một bước. Buổi trưa ông ra nằm trên cái võng căng ở đầu nhà, con mèo cũng nhảy lên nằm gọn trong lòng ông. Cách đầu nhà khoảng 20 thước, có cái ao nhỏ mà diện tích chỉ bằng hai chiếc chiếu, ông đào cũng cả chục năm để thả cá giống. Con mèo đang nằm trên bụng ông bổng nhe răng gầm gừ rồi thét lên và phóng vọt lại phía cái ao. ông Phú giật mình xoay người, té bịt xuống đất, ông run rẫy nằm yên nhìn con mèo đen đang vùng vẫy gầm thét dù chẳng thấy ai bên cạnh nó.
ông biết hồn ma của hai mẹ con đang ở đó, chỉ cách ông 20 bước, và con mèo trung thành của ông đang gắng sức ngăn cản hai bóng ma không cho tiến về phía ông. ông toát mồ hôi muốn vùng dậy chạy vào nhà, nhưng không ngồi dậy nổi. Bổng con mèo rớt xuống ao, nó cố gắng vùng vẫy ngoi lên, nhưng rõ ràng có những bàn tay vô hình dìm nó xuống, khiến nó cứ ngoi lên lại chìm xuống, rồi chỉ trong khoảnh khắc con mèo bị ngộp nước, không cử động được nữa.
ông Phú nằm im khá lâu, sợ hãi quá không đứng dậy nổi. Con mèo của ông đã chết đuối dưới ao. Tim ông thắt lại, mồ hôi vả ra đầy người, ông vừa tiếc con mèo, vừa sợ cho chính mình. Mấy phút sau ông mới vịn tay vào cột nhà đứng dậy, ông mở to mắt, từ từ tiến lại bờ ao khom người vớt xác con mèo lên, rồi thơ thẩn bước những bước không hồn vào ngồi trền cỏ dại. ông mệt mỏi cất tiếng gọi:
- Thuần ơi, Thuần ơi Thuần!
ông gọi hai ba tiếng, chị người làm mới nghe thấy chạy lên, chị hốt hoảng nhìn con mèo ướt đẩm nằm chết bên cạnh ông. Mèo có sức khoẻ dai dẳng. ở nhà quê muốn giết mèo chỉ có cách trấn nước, chị người làm nbgơ ngác hỏi:
- Ối giời ơi, ông ơi, sao ông giết con mèo hở ông?
ông Phú buộc miệng đáp:
- Tao có giết nó đâu! Ma giết chứ không phải tao giết!
Chị người làm trố mắt nhìn ông vì chẳng hiểu ông nói gì. Chị đứng tần ngần một lúc rồi nói:
- Trời ơi! Không có con mèo thì chuột nó tha hồ mà lộng hành. ông ơi! Con đem... . con chôn con mèo ông nhé?
ông Phú lơ đãng:
- Ừ! Đem chôn đi.
Từ đó cả ngày ông thơ thẩn như kẻ mất trí. Đi tới đi lui trên hè, nói lảm nhảm những câu vô nghĩa. Mất con mèo ông cảm thấy như mất một người bảo vệ an toàn, hồn ma giết được con mèo thì cũng có thể giết được ông. Nhớ lời vợ dặn, xế chiều ông lại ra nghĩa trang phía sau nhà, thắp nhang khấn vái và chuẩn bị đi ngủ sớm để lấy sức. người cứng đầu tới đâu, gặp lúc nguy khốn, cũng phải bám víu vào lời cầu nguyện.
Bà Phú trước khi sang nhà con gái đã dặn ông:
- ở nhà ông cứ đi ngủ sớm đi nhé. Tôi sang cái Kim một lát rồi tôi về ngay.
ông cũng có ý định đi ngủ sớm vì ông nghiệm ra rằng hồn ma chỉ quấy phá ông vào lúc gần sáng. Trưa nay cụ lang Triệu đã đến bắt mạch, cắt cho ông bảy thang thuốc bổ và dặn ông nên ngủ sớm để lấy sức vì khi thiếu ngủ, người ta dễ sinh ra hoảng hốt. ông Phú nói gì thì nói, cụ lang Triệu dứt khoát cũng không tin là có ma mà chỉ quả quyết là cơ thể ông suy nhược quá, nên bị những cơn ác mộng làm khổ trong giấc mộng. Cụ bảo:
- Ma với quỷ! Toàn là những chuyện hoang đường, tôi năm nay đã ngoài 70, chưa biết mặt ngang mũi dọc con ma nó ra làm sao? ông cứ ăn ngủ điều độ cho lại sức, ma nó thấy ông cũng phải bỏ chạy.
ông Phú bực lắm nhưng đành chịu vì không làm sao chứng minh được. ông cũng mong là cụ lang nói đúng, chứ tình trạng này kéo dài thì sớm muộn gì ông cũng sẽ chết gục vì kinh sợ hoặc kiệt sức.
Từ trong nhà cầm bó nhang ra vườn sau, ông Phú bổng nghe con quạ đen trên cây soan kêu mấy tiếng rồi bay theo ông, đậu trên cành vườn cây trên đầu ông. ông nhìn lên, vừa bực bội vừa hoang mang, miệng cào nhào xua tay đuổi, nhưng con quạ gan lì đứng yên nhìn ông. ông thở dài cuối xuống, cố gắng lờ đi và tiếp tục bước xuống con dốc lần ra nghĩa địa. ông cần cầu xin tổ tiên phù hộ để ông và con cháu có thể ở lại căn nhà hương quả, nối tiếp nhau nhang khói phụng thờ tổ tiên.
Con quạ trên cành bưởi lại kêu một hồi dài rất ai oán rồi bay vụt đi mất. ông ngơ ngác nhìn theo và từ đó nó không trở lại nữa. Nhưng ông bổng giật mình kinh hãi vì khi còn cách nghĩa trang khoảng chừng mấy chục thước, ông thấy hai cái bóng trắng của hai mẹ con đang ngủ trên phần ngôi mộ trong làn khói xanh bao phủ dầy đặc. Lạ nhất là bao nhiêu cây nhang dù không ai thắp đều bốc khói mờ mịt khiến hai bóng người áo trắng ấy lúc ẩn lúc hiện, khi còn khi mất.
ông run rẩy bước lùi lại, lưng đập mạnh vào gốc cây, bó nhang rớt xuống đất lúc nào không hay. ông đưa tay dụi mắt và nhìn lại thì không thấy hai cái bóng trắng đâu nữa. Làn khói dày đặc mới lúc nãy bốc lên cao trên ngôi mộ, giờ cũng tan biến hẳn, không còn dấu vết gì để lại. ông đứng ngơ ngác và mừng rỡ vì đoán đó chỉ là ảo giác do nổi sợ trong lòng tạo nên.
ông cuối xuống nhặt từng cây nhang lên, lưỡng lự mấy giây rồi quay vào nhà không dám ra nghĩa trang nữa.
Để thử lại cho chắc ăn, ông xuống bếp đưa bó nhang cho chị Thuần và bảo:
- Mày ra cắm mỗi ngôi mả ba que hương rồi thắp lên cho tao!
Chị Thuần ngạc nhên hỏi:
- Ơ... hôm nay là ngày gì mà thắp hương hở ông?
ông Phú ậm ừ đáp:
- Thì nhớ đến ông bà cha mẹ thì thắp chứ có là ngày gì đâu. Mày thì hay có cái tật hỏi lôi thôi. Đi đi!
Chị Thuần là người thích nói chuyện, nhưng biết tính ông Phú nóng nảy nên không dám nói gì mặc dù chị thấy ông rất vô lý. Những người nằm trong gnhĩa trang kia là dòng họ của ông chứ có liên quan gì đến chị. ông nhớ đến tổ tiên, sao ông không tự ra thắp nhang mà lại sai chị? Có điều hai hôm nay chị thấy ông lẩn thẩn như người mất hồn, mặt mũi hốc hác tiêu điều nên chị cũng thông cảm vì ông đang đau nặng, thậm chí phải đón thầy thuốc bắc đến tận nhà bắt mạch và hốt thuốc cho ông. Sáng nay chị đã hỏi bà Phú:
- Ông ốm hả bà? Bịnh gì bà có biết không bà?
Bà Phú phân vân chưa biết trả lời ra sao thì chị người làm nói luôn:
- Hay là ông bị ma đè đấy bà ạ!
Bà Phú sợ tiếng đồn sẽ lan ra ngoài cho nên bà vội gạt đi:
- Ma với quỷ cái gì? Trái gió trở trời ốm đau là chuyện thường.
Dứt lời bà bỏ vào buồng hỏi ông Phú:
- Hai mẹ con nó chôn ở đâu, ông có biết hay không? Hay là ông chịu khó lên phố huyện hỏi thăm rồi làm lễ phát tang cầu siêu cho mẹ con nó.
ông Phú bướng bỉnh đáp:
- Cầu với đạo cái gì? Tôi đã bảo đã chắc gì của mình mà cứ phải bận tâm.
Bà Phú chán nản bước ra giục Nhàn và thằng Hoành lên đường và dặn chị Thuần ở nhà thường xuyên để ý xem chồng bà có cần gì hay không.
Chị Thuần cầm bó nhang đi ra, ông Phú lấm lét theo sau nhưng núp ở gốc cây xa xa theo dõi, tuyệt nhiên chẳng có chuyện gì. Hai bóng ma đó không hề xuất hiện, như vậy rõ ràng là lúc nãy ông hoảng quá rồi đâm ra quáng gà chứ hồn ma nào hiện giữa ban ngày. ông chờ chị Thuần đốt nhang khắp lượt rồi quay vào, ông chạy nhanh vào trước để chị Thuần đừng nhìn thấy ông núp sau cây bưởi. Con quạ đậu trên cành bưởi ngay trên đầu ông mà ông không để ý vì trời đã nhá nhem. Khi thấy ông bỏ chạy vào nhà, nó mới kêu lên mấy tiếng làm ông giật mình cào nhào chửi.
ông lên hè, ngồi hút điếu thuốc lào rồi vào buồng, ông kinh hãi muốn đứng tim khi thấy con quạ đen đậu ngay trên cánh cửa sổ, ở đầu giường ông. ông rút một chiếc guốc ném mạnh, nó mới kêu lên mấy tiếng và bay đi. ông hạ cái liếp xuống rồi lên giường ngủ lúc trời bên gnoài vẫn còn sáng rõ. Vợ ông chưa về, lại không có con mèo bên cạnh. ông thấy căn buồng âm u, bao trùm một nổi sợ hãi đến rợn người, mặc dầu trời chưa tối hẳn.
ông nằm thao thức một hồi thì trời bổng chuyển mưa, bên ngoài không gian tối sầm lại và gió nổi vùn vụt rờn rợn trong các khóm mây. Lẫn trong tiếng gió rít, ông bổng nghe văng vẳng có tiếng nói âm vang của hai mẹ con bên ngoài cửa sổ lúc được lúc mất
- Con ơi... về với mẹ... con ơi.
Bàn tay run lẩy bẩy, ông kéo tấm chăn phủ trên mặt và nín thở chờ đợi những phút kinh hoàng sẽ lại tái diễn như hai đêm vừa qua. Trong khoảnh khắc mưa trút nước xối xả và từng tia chớp chói loà như giận dữ sau cả một tuần nắng gắt. Nước chảy ào ào trên mái ngói, gió thổi hất nước từng đợt vào liếp cửa. ông Phú nghĩ đến vợ ông đang bên nhà con gái, chẳng biết bao giờ mưa dứt để về với ông.
Nằm một lúc không nghe tiếng hồn ma nữa, ông lấy hết can đảm bước xuống thắp đèn, vặn thật to, để trên cái bàn cạnh đầu giường, nơi con mèo thường ngủ. Nhưng gió luà qua kẻ vách liên hồi làm ngọn đèn cứ chập chờn sắp tắt, ông lại bưng cây đèn lên, nhìn quanh tìm một chỗ khuất gió. Đang loay hoay giữa nhà thì chợt có tiếng gõ cửa thình lình, ông hốt hoảng hét lên, đánh rơi cây đèn xuống đất và mò mẩm bước lùi lại giường, ngồi phịch xuống.
Mới khoảng 7 giờ tối, gà chưa lên chuồng mà sao hồn ma đã về gõ cửa. Tiếng gõ càng mạnh hơn và tiếp theo là giọng chị người làm lẩn trong tiếng gió:
- Ông ơi, con đây ông ơi, Thuần đây! Mở cửa cho con với!
ông Phú hoàng hồn, đặt bàn tay lên ngực và đứng dậy, ông tiến ra tháo then cửa. Một luồng gió cực mạnh đẩy tung cánh cửa, tát nước vào mặt ông, chị người làm chạy tụt vào và khép cửa lại. Nước mưa ướt đầm đià trên mái tóc, trên mặt và lan xuống áo chị, chị hổn hển nói:
- Sao ông không thắp đèn lên, để tối thế này? Con lên hỏi ông là con có cần sang nhà cô Kim đón bà về hay không? hay là để bà ngủ bên ấy ạ?
ông Phú đang muốn dấu chuyện hồn ma, và càng không muốn người làm và các con biết là mình đang sợ hãi bóng đêm, cho nên ú ớ đáp:
- Chả biết bà mày muốn về hay ở lại?
- Bà con thì chắc muốn về ấy, nhưng mà mưa gió thế này thì chắc bà chả dám về một mình đâu. Con không đón thì chắc bà ngủ bên ấy luôn đấy!
ông Phú ngượng ngùng nói:
- Thôi thế mày chịu khó sang bên ấy đưa bà mày về vậy. Tao có chuyện cần bàn với bà mày.
Chị Thuần quay ra cửa nhìn trời ái ngại, nhưng đành xuống nhà lấy áo tơi đội mưa ra đi. ông Phú trở lại giường, bên ngoài từng tia chớp vẫn loá lên, soi rõ căn buồng âm u của ông. ông vừa kéo tấm chăn đắp lên ngực, thì lại có tiếng gõ cửa đập thình thịch, mà mỗi lần nghe tiếng đập cửa là mỗi lần ông muốn đứng tim. ông ngấc đầu lên, hoàng hồn vì nghe giọng nói chị Thuần vọng vào:
- Ông ơi, ông đừng ngủ vội ông nhé! Bà dặn là ông phải uống thuốc đã, thuốc con đang sắc ở dưới bếp ấy. Độ nữa giờ nữa là ông rót ra uống là vừa ông nhé! Nữa giờ thôi ông ạ, đừng để lâu quá nó cạn hết, bà lại mắng con ấy. Thôi con đi đón bà đây!
ông Phú dặn theo:
- Chịu khó đi nhanh nhanh lên.
- Vâng, nhưng mà trời mưa to thế này thì chắc cũng gần nữa đêm bà và con mới về đấy. ông uống thuốc đi nhá rồi ngủ trước đi ông nhá!
Nằm lại một mình, ông Phú lang mang nghĩ ngợi và cái cảm giác kinh sợ càng tăng lên bởi giờ này chỉ có mình ông trong căn nhà mênh mông. Bên ngoài, tiếng mưa bổng dạt hẳn, chỉ còn lớt ngớt rơi nhẹ trên mái ngói. Gió cũng ngừng theo, chỉ lâu lâu mới xào xạt qua những nhánh cây, những tàu lá chuối sau nhà.
Hai đêm vừa qua, dường như ông không ngủ được chút nào. Giờ đây đôi mắt cay nhức, cứ mở ra nhắm lại vô cùng mệt mỏi mà cũng không sao ngủ được. Nằm mãi càng mệt, ông quyết định xuống bếp canh chừng siêu thuốc bắc, nhưng chưa kịp ngồi lên thì cánh cửa trước bổng từ từ mở ra, tiếng bản lề chậm rãi kêu lên ken két. Một tia chớp sáng loé kéo theo cơn gió cực mạnh đẩy tung cánh cửa chính, hất nước ào ào vào đến tận giường chổ ông nằm.
ông Phú đưa tay vuốt mặt rồi trố mắt nhìn ra, hai cái bóng trắng của hai mẹ con đang từ dưới sân dắt tay nhau chậm rãi bước lên thềm. Nước mưa chảy ướt đẩm chảy từ đầu tới chân, hai cái bóng trắng ấy cừ lừ lừ tiến vào, đi thẳng lại phía ông, ông Phú mắt nhìn trừng, mồm há ra, ngã vật ra giường, miệng vẩn mở lớn nhưng không nói, không kêu được. Khi vào tới giường, hai cái bóng trắng bổng thu nhỏ lại, chỉ như hai con chim sẻ bay lượn quanh ông, tỏa ra một sức nặng đè xuống khủng khiếp mà ông không tài nào vùng lên nổi. ông cảm thấy như có tản đá nghìn cân đè lên ông và bàn tay bóp chẹt lấy cổ ông cho đến lúc ông nghẹt thở và ngất đi, không biết gì nữa.
Lâu lắm ông mới tỉnh lại, ông nằm im một lát, người nhẹ lâng lâng vì không bị bóng đè nữa. Bên ngoài mưa lâm râm, ông thẩn thờ bước xuống giường, lảo đảo đi ra phía đầu nhà.
Chị Thuần đội mưa đi đón bà Phú,đúng như lời chị dặn trước, gần nữa đêm mới cùng bà Phú và thằng Hoành trở về, Nhàn thì ngủ lại bên anh chị Long vì mưa dài dai dẳng, anh chị Long không cho Nhàn về sợ bị cảm lạnh. Đến nhà, bà Phú không kịp thay quần áo ướt, vào thẳng buồng xem ông Phú đã ngủ chưa, bà ngạc nhiên không thấy chồng đâu. Bà đánh diêm châm đèn, nhưng cái đèn ở vị trí thường lệ cũng không thấy, bà lo lắng nhìn quanh rồi cất tiếng gọi lớn:
- Ông ơi... ông đâu rồi?
Không có tiếng trả lời, chị Thuần từ dưới bếp lao lên và lo âu cất tiếng từ ngoài cửa để bà Phú đừng mắng chị:
- Bà ơi... bà... Lúc con đi, con đang sắc thuốc, con dặn ông là độ nữa giờ ông xuống bếp rót ra rồi uống, nhưng mà chắc ông ngủ quên, ông để siêu thuốc cháy hết rồi bà ạ!
Bà Phú đáp:
- Mà ông mày có trong nhà đâu... mày sang buồng cái Nhàn xem sao... xem ông mày có... Hay là mày chạy ra ngoài nhà cầu xem...
Rồi bà gọi Hoành, cả ba cùng sục xạo mọi góc ngách trong nhà xem ông Phú ngủ ở đâu. Tìm mãi, gọi mãi không có tiếng trả lời, bà Phú bắt đầu lo sợ. Trời mưa gió thế này thì chắc ông không ra khỏi nhà, huống chi mấy hôm nay ông đang khủng hoảng tinh thần, đời nào ông dám đi đâu một mình giữa đêm khuya? Chị Thuần bưng đèn dầu lên buồng ông bà phú, vô tình đạp phải miếng thủy tinh của cái chụp đèn mà lúc nãy rớt xuống vỡ tung trên nền gạch, chị hớt hãi chạy ra hè, lớn tiếng gọi:
- Bà ơi... bà... Con mời bà lên ngay đây ạ!
Bà Phú cùng cậu con út chạy lao lên, nhìn cái đèn dầu nằm ở trên giường và những mảnh thủy tinh tung toé khắp nơi, đưa mắt nhìn nhau không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong căn buồng này lúc cả nhà đi vắng. Chị Thuần sực nhớ ra bảo bà:
- Bà ơi... .Con quên..nói với bà... là hồi chiều ở nhà... ông... ông..trấn nước chết con mèo rồi. Con hỏi ông thì ông bảo là ma giết nó chứ không phải ông ạ.
Bà Phú hốt hoảng kêu lên:
-..Thật không?... ông mày quý con mèo lắm mà... Sao... sao lại giết nó?
Chị người làm lắc đầu đáp:
-..Con..con cũng đâu có biết đâu. Con đang ở dưới bếp thì ông gọi con ra đầu nhà và bảo con chôn nó đi... ông dìm nó xuống dưới ao cá giống ấy bà ạ!
Bà Phú không nói gì cả, nếu quả thực như thế thì có lẽ chồng bà bị ma nhập thật rồi. Bởi không đời nào ông giết chết con mèo mà ông gắn bó bao nhiêu năm nay. Nghe chị Thuần nhắc đến cái ao cá giống, bà thảng thốt bưng đèn chạy vội ra đầu nhà xem ông có bị rớt xuống ao không? Chị Thuần và thằng Hoành cũng vội vã chạy theo, rồi cả ba cùng thở phào nhẹ nhỏm vì không có gì. Chị Thuần bảo:
- Ao nông lắm ạ... ông có ngã... Chắc cũng không sao đâu bà ạ!
Bà Phú thở dài và trở lại đứng trên thềm nhà và gọi lớn:
- Ông ơi... .ông ơi... .
Bà sực nhớ đến những câu chuyện kinh dị bà nghe hồi còn nhỏ là ma hay dấu người trong bụi rậm hay dưới bờ ao. Ngày xưa bà không tin những chuyện hoang đường đó, bây giờ bà tự hỏi biết đâu đó là những chuyện thật?. Cả ba cái miệng cùng cất tiếng gọi, nhưng tiếng kêu của họ chỉ tan biến trong màn đêm âm u mà thôi.
Thật ra thì ông Phú không đi đâu cả, trong lúc cả nhà nhốn nháo tìm ông, thì ông đang ở ngoài nghĩa địa vườn sau. Tối nay, sau khi bị hai cái bóng trắng xuất hiện và đè lên người ông trên giường. ông ngất đi một lúc rồi tỉnh dậy, ông thơ thẩn ra đầu nhà, lấy cái xẻng rồi lầm lũi tiến ra nghĩa địa mặc dù trời vẫn đang mưa rã rít. Bên cạnh ngôi mộ của cha ông, còn một khoảng đất trống, ông sắn nhát xẻng đầu tiên xuống đất, rồi cứ thế hì hục đào dưới trời mưa phùn và gió bấc thổi từng cơn buốt giá.
Tuổi tuy đã cao, đất lại nặng vì đã biến thành bùn, rít chặt vào lưởi xẻng, nhưng đêm nay có một sức lực phi thường nào đó nhập vào đô cánh tay ông, khiến chỉ một khoảng sau, ông đã hình thành rất nhanh một cái huyệt hình chữ nhật cùng kích thước với những cái huyệt khác. ông sẽ xây cho Tuyết, người con gái bạc mệnh mà ông đã hất hủi, một ngôi mộ giả trong nghĩa trang gia tộc để trả món nợ tình năm xưa, giờ này đang làm ông ân hận.
Trời đã tối hẳn, mưa lại tuôn xuống xối xả, nhưng ông cứ cắm đầu hăm hở đào, sắn từng mảnh đất lớn hất lên hai bên, bắn văng lên cả mấy ngôi mộ xây bên cạnh. Nghĩa trang nằm ở thế đất trũng, nước trong vườn cứ liên tục chảy xuống, ông đào tới đâu, nước tràn vào huyệt tới đó. Người ông ướt đẩm từ đầu, ngưng ông không dừng tay, không mệt mỏi. Vợ con ông và chị người làm chẳng bao giờ hình dung giờ này, giữa đêm khuya ông ra nghĩa địa đào huyệt, cho nên cả ba người cứ tìm quanh quẩn trong nhà, dưới bếp, ngoài sân và vạch các bụi rậm trong vườn xem ma có giấu ông trong đó hay không?
Không thấy gì, bà Phú cầm đuốc chạy sang mấy nhà hàng xóm hỏi thăm. Bà hỏi thăm cầu may thôi, chứ xưa nay mấy khi ông Phú sang chơi nhà hàng xóm, nhất là ban đêm. Đối với ông đa số những gia đình láng giềng đều nể sợ nhưng trong lòng họ không ưa bởi ông vừa giàu, vừa hách dịch. Họ không ưa, mà chính ngay bản thân ông cũng chưa bao giờ thân thiện vì ông vẫn chủ trương không nên ngồi chung với đám cùng đinh, chúng nó sẽ lờn mặt. Bà Phú vào gõ cửa mấy căn nhà lân cận, ai cũng ngạc nhiên lắc đầu. Bà rơm rớm nước mắt cảm ơn hàng xóm rồi quay về.
Cơn mưa vừa ngớt được một lúc, bây giờ lại trở nên nặng hạt. hất nước từng đợt vào mặt bà, bà hắt hơi mấy cái liền rồi bảo chị người làm:
- Thôi, ngủ lấy lại sức đi con ạ, gần sáng đến nơi rồi, ngủ đi rồi mai mình tính. Dứt khoát sáng mai thì chắc ông mày phải sang ở tạm bên nhà thằng Long rồi.
Chị người làm vừa ngáp vừa nói:
- Vâng, con cũng mệt quá rồi ạ! Về mau đi bà, con đốt lửa con sưởi cho bà, không khéo cảm mất bà ạ! Tại bà với con dầm mưa cả ngày rồi. ông đi đâu thì chắc sáng mai rồi ông phải về thôi.
Bà Phú không nói gì nửa, xưa kia chồng bà vắng nhà cả mấy ngày liền, bà có bận tâm bao giờ bởi biết ông lên phố huyện vui thú cô đầu. Đêm nay bà lo lắng chỉ vì mơ hồ cảm thấy có chuyện bất thường đang xảy đến với ông. Về đến nhà bà thay bộ quần áo rồi vào buồng lên giường nằm và cứ nung nấu mãi một câu hỏi trong đầu là chồng bà đi đâu giữa nữa đêm về sáng thế này?
Bà nhớ lại lúc nào cũng nghe ông bảo là ông gặp ma, hay là thực sự ma đem ông giấu ở đâu? nếu đúng như vậy,t hì đành phải đợi sáng mai vậy vì ban ngày khi mặt trời lên, ma nó sẽ phải lui về cõi âm của chúng. Chừng đó, ông Phú sẽ phải tự tìm về nhà.
Bên ngoài mưa vẫn rơi đều đặn trên mái ngói và trên những chòm cây rậm rạp ngoài vườn, mệt quá, bà Phú thiếp đi lúc nào không hay. Chẳng biết bà ngủ được bao lâu, nhưng lúc choàng tỉnh dậy thì trời vẫn chưa sáng rõ, nhất là mưa đêm vẫn chưa dứt hẳn, bà đưa tay dụi mắt và ngạc nhiên vui mừng thấy ông Phú đang ngồi ở đuôi giường, bên ngoài cái bục màu trắng đục, xoay lưng lại phía bà. Bà ngồi bật dậy và lên tiếng trách:
- Ông đi đâu cả đêm mà tôi tìm mãi vậy?
ông Phú vẫn ngồi im không đáp, không quay lại, dáng điệu gục xuống, bà Phú gắt nhẹ:
- Ơ hay, đi vào ngủ đi. Sao lại ngồi ngoài đấy cho muỗi nó cắn à.
Vừa nói, bà vừa đưa tay định kéo ông vào mùng thì ông lẳng lặng đứng dậy, lủi thủi bước ra cửa. Bà bực bội tuột xuống giường và nói:
- Ơ..ông đi đâu đấy? Còn sớm mà. Sao không ngủ lấy một giấc đi đã?
ông Phú cũng vẫn chẳng nói gì, ông bước nhanh ra hè rồi vòng qua hông hè, bà Phú xỏ được đôi guốc để chạy theo, thì ông Phú đã ra tới đầu nhà và đi ra vườn sau. Mặc dầu dường trơn ướt tối tăm lại thoai thoải dốc, rất dễ ngã trong những ngày mưa, nhưng ông Phú vẫn bước thoăn thoắt dường như không muốn bà vợ bắt kịp mình. Bà Phú ra tới hiên sau thì bóng ông đã thấp thoáng ở cuối con dốc nối liền nghĩa trang.
Bà bực mình toan quay vào nhà, bỏ mặc ông, nhưng bà thấy tội nghiệp vì bà biết chắc ông đang bị khủng hoảng tinh thần một cách trầm trọng. Bà thở dài lắc đầu rồi tìm cây gậy chống, lần ra nghĩa địa để kéo ông vào ngủ. Nhưng ra đến nơi, trong không gian mờ mờ của buổi sáng tinh sương, bà nhìn quanh thì lại không thấy ông đâu nữa. Tiến sâu vào thêm chút nữa, bà mới giật mình thấy đất bùn văng tung toé, phủ lên cả mấy ngôi mộ cũ. Bà leo lên ngôi mộ thấp và cất tiếng gọi:
- Ông ơi... ông đâu rồi? ông làm cái gì ngoài đây ông ơi...
Không có tiếng trả lời, bà mở to mắt, chăm chú nhìn quanh, rồi bổng hét lên giữa không gian vắng lặng:
- Á... ông có sao không... ông ơi... sao..sao ông đến nổi như thế này ông ơi?
Tiếng khóc thống thiết tan nhanh trong tiếng mưa rơi và gió thổi:
- Hu..hu.hu... Nhàn ơi... Hoành ơi... bố chết rồi... huhu... bố chết rồi các con ơi... Giời ơi... ông ơi...
Bà phát hiện một cái huyệt mới đào, nước ngập đầy tới miệng và xác ông Phú, chồng bà nổi lềnh bềnh trong đó. Thì ra ông đã bị ngộp nước, chết đuối trong cái huyệt do chính tay ông hì hục đào.
Hết
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)