Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM THÍCH ĐÙA???

Đọc bài viết “Người Việt Nam lạc quan, có vui không?” của tác giả Trương Duy Nhất 05/01/2011 và bài “Người Việt lạc quan” của Giáo sư, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc 15/01/2011 trên blog Tin tức hằng ngày. Nhìn hình minh họa cho hai bài viết này, một là bức ảnh: những anh công nhân đang ngồi nghỉ giải lao với khuôn mặt tươi cười, bức ảnh còn lại: một gia đình lao động đang chở nhau trên một chiếc xe gắn máy, hòa trong dòng chảy xe cộ, cũng với những bộ mặt tươi cười. Cả hai bài viết đều đề cập đến kết quả thăm dò của viện BVA của Pháp và của viện GALLUP của Mỹ về mức độ lạc quan trên 53 quốc gia được thăm dò và kết quả là: VN với hơn 70% cho rằng lạc quan với nền kinh tế đất nước, được đánh giá là đất nước lạc quan nhất thế giới trong bối cảnh khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới .



Qua bài viết cả hai tác giả đều bộc lộ nỗi lo của những người Việt chân chính có cái nhìn trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, mặc dù một người hiện ở Úc châu xa xôi .


Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc với quan niệm cho rằng người Việt có cách nhìn ngắn và có xu hướng so sánh Lịch đại, chỉ biết so sánh với những gì đã có được trong quá khứ, mà không có sự so sánh Đồng đại, có cái nhìn hướng ngoại, nhìn ra những nước trong khu vực và trên thế giới có cùng xuất phát điểm, hoàn cảnh tương tự như VN đã đạt được ngày hôm nay. Và vì thế ông lo lắng.
Tác giả Trương Duy Nhất cũng lo lắng không kém vì cho rằng: “Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng,dễ dàng chấp nhận với thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng”
Âu cũng là cái lo của những kẻ sỹ trước vận mệnh đất nước.
Riêng thằng tôi, khi ở Sài Gòn bị gọi là Bắc kỳ rau muống?, khi ra Hà Nội lại bị cho là anh hai Sài Gòn?, tha hồ bị các “thần đanh đỏ mỏ, giang hồ đất bắc” chặt chém, lại cho rằng đó là một tín hiệu lạc quan(lạc quan tếu chăng?). Tôi không biết chính xác trong số 1000 người được phỏng vấn, BVA, GALLUP có thống kê, phân loại: trình độ, nghề nghiệp hoặc vùng miền(bắc, trung, nam) hay không? Nhưng tôi chắc một điều rằng cả BVA và GALLUP đã không hiểu tí gì về tính cách của người Việt và hơi võ đoán khi tin vào những câu trả lời và vội đưa ra kết luận như trên.
Thật vậy không cần trình độ, nhận thức cao xa gì, người dân VN với những tin tức mà 700 tờ báo lề phải chính thức đưa tin, sau khi đã qua kiểm duyệt:
Thất thoát, thua lỗ của VINASHIN, tập đoàn điện lực EVN nợ 26.000 tỷ đồng, quỹ bình ổn xăng dầu bị bốc hơi, lạm phát lên tới hai con số, tết nhất đến nơi mà theo báo chí, thưởng tết, người thấp nhất chỉ được 50.000đ. Thầy cô giáo, ở thành phố nghe đâu được 700.000/người, còn ở những nơi xa xôi thì 100-200.000. Có nơi chẳng có gì.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền, trước cơn bão giá hiện tại, thế mà khi được hỏi về tương lai của nền kinh tế đất nước, hết 70% trả lời là lạc quan và cười nhăn răng, vui vẻ, thế mới kinh?
Đằng sau cái chỉ số niềm tin đó là gì? Cái chỉ số này có đáng tin hay không?
Tôi nghĩ rằng chỉ số này không đủ độ tin cậy và đằng sau nó là sự đùa cợt cực kỳ đểu ? của những người được hỏi.
Nhìn những nụ cười trên những bức hình minh họa, tôi không thể không nghĩ đến bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, được đăng trên Đông Dương Tạp chí cách đây chỉ sơ sơ có 97 năm với tựa đề “ Gì cũng cười”.
Ông viết: “An Nam ta có một thói lạ, là thế nào cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Và
“ Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cái láo xược khinh người, có câu chửi người ta, có nghĩa yên trí không phải nghe hết người ta, mà gièm trước ý tưởng của người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc của người ta”
Tôi nghĩ những câu hỏi của viện BVA và GALLUP, chắc chắn đã được trả lời với tâm lý này. Không biết nhân viên điều tra của hai viện trên có nghe được tiếng cười “HÌ HÌ”, khi trả lời của người được phỏng vấn hay không?
Vào thời của ông, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn chưa giải mã, đặt tên được cho những nụ cười mà ông cho rằng: “Thực không có gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế!”. Theo tôi, theo cách nói hiện tại của Nam bộ: “cười khi dễ, cười chọc quê”, nhưng cách diễn đạt của Bắc bộ là chính xác nhất: “ cười đểu”, một thái độ cực kỳ đểu, để đối kháng với những gì đểu giả.
Và những câu hỏi thăm dò của BVA, GALLUP về triển vọng của kinh tế VN trong tương lai, trong hoàn cảnh hiện tại, khác gì những câu hỏi đểu?
Và tôi cũng tin chắc rằng khi hỏi bất kỳ ngườ dân VN nào “ Bạn(Ông, Bà, Anh, Chị) nghĩ ai sẽ là tổng bí thư kỳ này?. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhận được câu trả lời kèm theo tiếng cười hì hì “ Mẹ, thằng nào lên, cũng thế. Thằng nào cũng tranh thủ ăn thôi”, “hoặc ông nào cũng được thôi”.
Hơn nữa sống ở VN, phải tập thói quyen: nghĩ ngược lại những gì nghe được, đọc được. Điểm lại những sự kiện trong quá khứ: báo chí, truyền hình, truyền thanh đều tuyên bố: “ Sẽ không đổi tiền lần 1, lần 2” nhưng sáng hôm sau thức dậy đã nghe loa phát thanh phường thông báo đổi tiền và cán bộ phụ trách đổi tiền đã có mặt tự bao giờ?. Bộ Công thương tuyên bố không tăng giá xăng, nhưng hôm sau bảng giá mới đã lù lù xuất hiện?. Ngân hàng tuyên bố không phá giá đồng tiền, nhưng từ 10/2010 đến nay đã ba lần phá giá?. Chính phủ tuyên bố: “Quyết liệt bình ổn giá”, nhưng giá cả cứ lừng lững, phi nước kiệu. Dân lao động cứ hụt hơi chạy theo sau?. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố: “Nếu không chấn chỉnh được tham nhũng, sẽ từ chức”. Đợt này mua keo dán sắt 502, dán chặt đít vào ghế, quyết không rời?. Triệu Quốc Mạnh, bộ trưởng bộ Y tế tuyên bố: “Sẽ giảm số bệnh nhân, nằm ghép giường” nhưng đến nay vẫn ba, bốn người một giường?. Chính phủ tuyên bố: “Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng Bản Giốc, Hoàng sa đã rơi vào tay Tàu từ phia v v….
Do đó chỉ số 70% niềm tin, lạc quan vào nền kinh tế trong tương lai là một con số rất CUỘI.
Và tôi cũng có một lời khuyên cho bất cứ một viện thăm dò nào còn có ý định tiến hành điều tra tại VN, thì nên để ý nét mặt của những người được phỏng vấn: xem họ có nhăn răng cười, khi trả lời không?
Và cũng phải nhớ nằm lòng một điều này nữa: người VN rất thích đùa… dai.
NÓI ZẬY MÀ HỔNG PHẢI ZẬY!
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, anh Trương Duy Nhất hãy yên tâm COI ZẬY MỜ HỔNG PHẢI ZẬY ĐÂU? LẦM CHẾT???
HI HI!!!???
Hà Nội 18/01/2011
Một ngày rét và mưa, hi hi!?
Oanh Yến Thị Phạm

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ: có cũng như không

Hoàng Kim (Đồng Tháp)



Trong việc mua bán lúa gạo có hai điều quan trọng: ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, và ấn định giá thu mua lúa cho nông dân. Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo đã không hề quan tâm một chút nào đến hai vấn đề quan trọng vừa nêu.

1. Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu

Lẽ ra, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo phải ấn định giá sàn xuất khẩu gạo, linh động thay đổi giá sàn theo giá gạo trên thị trường thế giới, giám sát việc Hiệp hội lương thực Việt Nam thực hiện việc bán gạo trên giá sàn, xử phạt các doanh nghiệp bán phá giá gạo.

Thế nhưng, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ lại giao hết những việc trên cho VFA.

Chúng ta biết rằng: giá sàn được định ra là để chống các doanh nghiệp bán phá giá gạo, nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, thế mà lại giao cho VFA – những doanh nghiệp bán gạo – ấn định, thì làm sao chống bán phá giá?

Năm 2010 này, kể từ tháng 3/2010, VFA xóa bỏ giá sàn để bán phá giá gạo.

Ngày 27/03/2006, khi gạo Việt Nam bán rẻ hơn gạo Thái Lan cùng loại 60 USD/tấn, Chính ông Phong đã phản đối: “Chúng ta có thể thấy sự chênh lệch giá gạo giữa VN và Thái Lan hiện nay rất bất hợp lý. Cùng một chủng loại gạo 5% tấm nhưng giá gạo Thái Lan cao hơn gạo VN trên 60 USD/tấn, một mức chênh lệch không bình thường. Cũng xin nhấn mạnh rằng hiện nay chỉ có Thái Lan và VN mới có gạo 5% tấm cung cấp cho nhu cầu thị trường, do đó càng khẳng định loại gạo này không thể rớt giá” [1].

Việc bán gạo rẻ một cách bất thường này đã được sửa sai vào năm 2007, cuối năm này, ông Trương Thanh Phong cho biết trên báo Sài Gòn giải phóng Online: “Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã ngang với giá gạo Thái Lan” [2].

Thế nhưng hai năm 2008 và 2009, VFA lại bán gạo của nông dân chúng tôi rẻ hơn giá bán gạo cùng loại của Thái lan từ 100-160 USD/tấn. Năm 2010 này, VFA bán gạo rẻ hơn gạo Thái Lan 120 USD/tấn [3]!

Vậy mà từ năm 2008 đến nay, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ không hề có ý kiến gì với VFA, không hề có bất cứ động thái nào tìm cách kéo giá gạo của Việt Nam tiệm cận với giá gạo Thái Lan theo đúng thực chất.

Kể từ năm 2008 đến nay, Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo không hề có cuộc họp nào để tìm hiểu tại sao VFA lại bán gạo Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại một cách phi lý như vậy.

Chắc có lẽ, Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ muốn đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân thế giới (!?).

2. Tổ Điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm đến giá VFA mua lúa của nông dân

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, lẽ ra, phải là nơi phân chia lợi nhuận từ mua bán lúa gạo một cách hợp lý cho nông dân và VFA, thế nhưng hiện nay, hoạt động của Tổ điều hành xuất khẩu gạo không hề quan tâm một chút nào đến quyền lợi của nông dân, mà chỉ chăm chút cho quyền lợi của VFA.

Qua bảng xuất khẩu gạo, chúng ta nhận thấy từ tháng 1 đến tháng 3, VFA bán gạo xuất khẩu với giá bình quân 549 USD/tấn. Tính thành tiền Việt Nam 10.485.900 đồng/tấn gạo; quy ra giá lúa là 6.291 đồng/ kg.

Thế nhưng khi nông dân bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân vào khoảng giữa tháng 2 thì VFA nói không ký được hợp đồng bán gạo nên hạ giá mua lúa của nông dân.

Ngày 25/2, ông Phạm Văn Bảy, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tuyên bố mua lúa đông xuân với giá từ 4.300 - 4.400 đồng/kg.

Như vậy VFA bán gạo xuất khẩu qui ra giá lúa 6.291 đồng/kg, nhưng mua lúa của nông dân chúng tôi với giá tối đa 4.400 đồng/kg.

Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo đã không hề có ý kiến gì về việc VFA bán gạo giá cao và mua lúa giá thấp này.

Từ tháng 4 đến tháng 7, VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 451,9 USD/tấn, quy ra giá bán lúa 5.178 đồng/kg.

Vậy mà, khi nông dân thu hoạch lúa hè thu vào giữa tháng 6, VFA tiếp tục luận điệu không có khách hàng và giá bán gạo thấp nên không mua lúa hè thu, để lúa ách tắc trong nông dân rồi mua lúa giá tạm trữ.

Ngày 9/7, ông Trương Thanh Phong – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiêm chủ tịch VFA đưa ra sáng kiến: “Chúng ta nên... phớt lờ mức lợi nhuận 30%, phớt lờ luôn giá sàn thu mua, nhưng yêu cầu DN không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg, trên cơ sở đó VFA sẽ tính toán ra giá gạo để triển khai thu mua” [5].

Bài báo trên cho biết tiếp: ““Sáng kiến” này được Thứ trưởng Nguyễn Thanh Biên tán thành. Ông Biên nói:“Trong điều kiện thị trường đầu ra khó khăn, giá giảm xuống mức quá thấp thì việc mua 1 triệu tấn gạo hè thu sẽ không đề cập mức lợi nhuận 30% và giá sàn thu mua nữa. Nhưng thống nhất yêu cầu DN mua lúa hàng hóa không dưới 3.500 đồng/kg. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ giãn nợ quá hạn cho nông dân trong thời gian mua tạm trữ để giảm sức ép bán lúa hàng hóa trả nợ ngân hàng. Đồng thời VFA phải điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn để giữ giá”.


VFA đang bán lúa với giá 5.178 đồng/kg, thế mà lại “phớt lờ” Nghị quyết của Chính phủ cam kết cho nông dân lời trên 30% so với giá thành, đưa ra giá mua lúa chỉ có 3.500 đồng/kg; thế mà ông Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Tổ trưởng Tổ điều hành xuất khẩu gạo Nguyễn Thành Biên lại “tán thành”. Không biết là cớ làm sao (!?)

Giá bán gạo bình quân của VFA từ tháng 4 đến tháng 7 là 451,9 USD/tấn. Tháng bán thấp nhất là tháng 8 cũng đã là 373 USD/tấn. Thế mà ông Biên lại phán “VFA phải điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn để giữ giá” (!?).

Thưa ông Biên, “điều hành không để giá gạo xuất khẩu xuống dưới 300 USD/tấn” trong khi giá gạo đang là 451,9 USD/tấn, là cách điều hành phá giá gạo xuất khẩu chớ không phải “để giữ giá”.

3. Tổ điều hành xuất khẩu gạo đang điều hành theo kiểu bất trí và bất nhân

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ để cho VFA bán gạo Việt Nam với giá rẻ nhất thế giới năm này qua năm khác, thua gạo Thái Lan cùng loại từ 100-160 USD/tấn, không hề có một động thái nâng cao giá gạo, đó là điều hành theo kiểu bất trí.

Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ để cho VFA bán gạo xuất khẩu giá cao, nhưng mua lúa của nông dân với giá thấp – để cho VFA cướp đoạt hết lợi nhuận của nông dân – đó là điều hành theo kiểu bất nhân.

Với cách điều hành “bất trí” của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, trong năm 2010 này, VFA đang bán gạo với giá thấp nhất thế giới, thấp hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 120 USD/tấn.

Với cách điều hành “bất nhân” của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, trong năm 2010 này, VFA bán gạo xuất khẩu giá bình quân 469,4 USD/tấn nhưng mua lúa của nông dân với giá quy gạo 350 USD/tấn (quy theo giá lúa VFA bán 5.378 đồng/kg lúa nhưng mua lúa của nông dân chỉ có 4.000 đồng/kg lúa).

Với cách điều hành “bất trí và bất nhân” này thì Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ có cũng như không!

Tại sao Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ lại điều hành theo kiểu “bất trí và bất nhân” như vậy? Đó là điều nông dân chúng tôi muốn biết. Đó là điều mà Chính phủ phải thay đổi.

Một vị Giáo sư đáng kính – người Thầy, người bạn của nông dân – khi đọc bài “mua bán lúa gạo năm 2010: nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp, nông dân đang bị bóc lột thậm tệ” đã chua chát gởi mail cho tôi: “Mình nói mãi mà không thấu thượng đình vì... thượng đình cũng là tòng phạm, cùng ăn chia nhau cả. Chúng ta phải tiếp tục can thiệp cho đến khi nông dân được đem lại công bằng”.

Vâng! Thưa Thầy.

Dù thượng đình có ăn chia, em cũng sẽ tiếp tục đi tìm lương tâm của Chính phủ, để đòi hỏi công bằng cho nông dân.

Ngày 12/1/2010

H.K

(1) Tuổi trẻ Online, bài “ Bất thường trong xuất khẩu gạo: gạo ngon, bán rẻ!” http://tuoitre.vn/Kinh-te/126155/Bat-thuong-trong-xuat-khau-gao-Gao-ngon-ban-re.html

(2) SGGP Online, bài “Gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có giá” http://www.sggp.org.vn/kinhte/2007/10/123578/

(3) Tầmnhìn.net, bài “ Xuất khẩu gạo “ nhường sân” giá cao cho Thái Lan?” http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/tamnhin.net/Xuat-khau-gao-nhuong-san-gia-cao-cho-Thai-Lan/5415070.epi

(4) Hải quan Việt Nam Online http://www.customs.gov.vn/DocLib/Forms/AllItems.aspx?RootFolder=%2FDocLib%2FCac%20Bieu%20Thong%20Ke%2FNam2010

(5) Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài “ Mua lúa gạo tạm trữ: DN “ phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”

http://dddn.com.vn/2010071310081581cat101/mua-lua-gao-tam-tru-dn-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.htm

HK

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Hành trang vươn tới một quốc gia công nghiệp

Phạm Duy Nghĩa



Bước vào năm 2011, người nước ta còn đúng một thập kỷ để thực hiện mơ ước trở thành một quốc gia công nghiệp. Cảng biển, khu công nghiệp, tàu cao tốc, mọi văn minh vật chất có thể dành dụm hoặc dựa vào tiền vay mà dựng lên nhanh chóng. Song một quốc gia công nghiệp còn cần tới phong cách ứng xử công nghiệp. Nhà nước, người dân, mọi phần tử trong xã hội phải tin được vào những chuẩn mực ứng xử bền vững. Năm mới cũng nên là một dịp để chiêm nghiệm lại hành trang của người dân nước ta trước khi ngấp nghé trở thành công dân của một quốc gia công nghiệp.

Kỷ luật thị trường và tập đoàn

Từ hai chục năm nay chúng ta lại yêu kinh tế thị trường. Ồn ào giữa chợ, rượt đuổi theo lợi nhuận, người thắng kẻ thua, nửa triệu doanh nghiệp đủ loại ganh đua nhau giành lấy trái tim khách hàng. Nhớ lại một thời bao cấp chưa xa, với bộ máy kế hoạch Nhà nước đã nghĩ thay người sản xuất và nghĩ thay cả cho người tiêu dùng. Thật vĩ đại, kỷ luật thị trường đã thay đổi đáng kể nếp nghĩ trên đất nước chúng ta.

Thay vì cai trị, để phục vụ nhân dân được tốt hơn, từ chỗ quản lý hàng vạn xí nghiệp quốc doanh nay nhà nước đã thu hẹp phạm vi kinh tế quốc doanh, chỉ còn giữ lại 12 tập đoàn và khoảng 1.500 doanh nghiệp, hết thảy được ép phải chơi cùng một luật chung với dân doanh. Đồng thời bộ máy công vụ đang tách dần ra khỏi khu vực hành chính sự nghiệp, công chức tách dần khỏi viên chức. Một nhà nước ôm đồm đang làm cuộc tự lột xác không hề dễ dàng để trở thành một nhà nước nhỏ hơn, nhưng năng động hơn, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Chỉ có điều, số lượng tuy giảm, song 12 tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được ưu ái vốn và nguồn tài nguyên, riêng vốn cho Vinashin đã lên tới 113 nghìn tỷ đồng, tức là gấp trên 100 lần ngân sách của một tỉnh quy mô nhỏ như Đồng Tháp. Năm 2010, người ta không thể quên Vinashin, một tập đoàn thua lỗ, phơi bày ra những lỗ hổng đáng báo động về trách nhiệm quản lý vốn nhà nước đầu tư cho các công ty quốc doanh. Chỉ có được những nguồn tin thứ cấp, một khối tài sản lớn của quốc gia được giao cho những thành viên hội động quản trị công ty mà thiếu vắng những thiết chế giám sát hiệu quả.

Vinashin không chỉ là câu chuyện trả 86 nghìn tỷ đồng nợ khó đòi. Lấy tiền dân đầu tư vào các tập đoàn, tiền ấy không phải của nhà nước, càng không phải của cá nhân các quan chức. Giao tất cả tài nguyên quốc gia cho nhà nước quản lý, ông chủ nhân dân phải làm gì để giám sát chính quyền. Vinashin thua lỗ, Quốc hội, Chính phủ và các bộ đều có phần lỗi, song chưa có cơ sở để quy rõ hơn trách nhiệm thuộc về ai, một nhu cầu sắp xếp lại nền quản trị quốc gia đã trở nên bức bách.

Sở hữu tư nhân và công bằng xã hội

Hai thập kỷ tái khởi động nền kinh tế thị trường đã làm sống lại sở hữu tư nhân. Những ông chủ đang thay khuôn mặt mới. Bùn đỏ từ khai khoáng xuất hiện ở Cao Bằng, rừng biên giới ở Lạng Sơn được cho người nước ngoài thuê, đất Ba Vì lên cơn sốt, bờ sông Sài Gòn tới những bãi biển miền Trung bị khoanh thành của riêng, tránh tư nhân hóa song trớ trêu thay chúng ta lại mở cửa cho tài nguyên quốc gia đôi khi được khai thác thiếu kiểm soát vì lợi ích tư nhân.

Khi kinh tế tư nhân đã chiếm tới 48% GDP, đã tới lúc phải nhìn nhận lại vai trò của sở hữu công cộng và sở hữu tập thể của các hợp tác xã. Nếu tiếp tục đề cao công hữu, do khả năng quản lý kém, của công có nguy cơ ngấm ngầm biến thành tư. Tích lũy tiền bạc lâu ngày sẽ trở thành sức mạnh, tới khi cái vỏ cũ bị đục rỗng, một trật tự của cường lực và những đặc quyền mới sẽ lộ diện.

Một quốc gia công nghiệp phải là một chế độ có nền công lý đảm bảo tự do của mọi người dân, tức là phải có một chế độ pháp quyền. Luật pháp dày đặc, song nếu chúng chỉ nhằm thay thế danh tước những ông chủ một cách tân thời, thì nguồn lực trong quốc gia vẫn bị kiểm soát bởi những nhóm lợi ích đặc quyền. Khi ấy lợi ích tư nhân thắng thế, hệ thống nhà nước và luật pháp trở thành pháo đài chiến lũy bảo vệ người có quyền và thế lực, ngăn cản quyền tiệm cận nguồn lực và thi thố tài năng của bất kỳ ai. Nếu điều ấy xảy ra, cũng tựa như vô số nước đang phát triển khác, chúng ta có nhà máy lọc dầu và có thể có đường sắt cao tốc, song chưa có nền tảng ứng xử công bằng của một xã hội công nghiệp.

Xã hội công dân

Từ năm 2001 Hiến pháp nước ta được sửa đổi, bổ sung thêm một quy định rằng Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Luật pháp đã được ban hành nhiều, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hướng tới một xã hội thượng tôn pháp luật. Kinh tế thị trường không còn nghi ngờ gì nữa đã cởi trói cho sở hữu tư nhân. Song càng khuyến khích kinh tế tư nhân, càng phải có một nhà nước mạnh để phân bổ phúc lợi và sự thịnh vượng trong quốc gia một cách công bằng.

Nhà nước thường chỉ mạnh khi người dân ý thức được quyền và trách nhiệm công dân, tìm cách kiểm soát, giám sát chính quyền. Năm 2010 đã xuất hiện những vụ kiện Bộ Công thương vì thông tư của Bộ có dấu hiệu trái luật, gây thiệt hại tiền tỷ cho doanh nghiệp hoặc người dân khởi kiện chính quyền địa phương do “lô cốt” cản trở việc kinh doanh của họ. Cứ đà ấy, “quy hoạch treo, hố tử thần” một ngày kia có thể trở thành những vụ kiện khi người dân học được cách chất vấn và truy tìm trách nhiệm của chính quyền.

Từ văn hóa cho đến pháp luật

Dùng văn để giáo hóa, dùng văn để trị, nôm na hành xử văn hóa tức là tập ứng xử như một con người xã hội. So với cách hiểu ấy, hai chữ văn hóa ngày nay đã thay đổi nhiều. Như một ngành thực hiện quản lý nhà nước, năm 2010 diễn ra vô số sự kiện văn hóa và phi văn hóa. Sự kiện lớn 1000 năm Thăng Long đã qua. Tự hào vì thủ đô cũng như vô số các đô thị mới phát triển nhanh, ngày càng mới, song để đô thị đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn, biết nâng niu những giá trị cổ truyền, để mỗi con người sống trên đất đô thị ứng xử với nhau văn hóa hơn, hình như còn ngổn ngang những việc phải làm.

Năm 2010 cũng là năm mà người sành điệu tân thời được cung cấp vô số mẩu phim phản cảm trên Internet, từ cô bảo mẫu dội nước vào mặt, tắm cho trẻ bằng chân, bé Hào Anh bị hành hạ, cho tới nhan nhản bạo lực nơi học đường. Văn hóa tức là cách người ta hành xử, nhân nào quả nấy, có biết bao nhiêu căn cứ để lý giải vì sao con người ta hành xử thì cũng có bấy nhiêu cội nguồn nhào nặn ra văn hóa của con người nước ta. Hãy giải thích vì sao dân tộc chúng ta hầu như chưa quen xếp hàng, chưa quen tuân thủ luật lệ giao thông, chưa tự giác xả rác đúng nơi quy định. Như lá cành thân rễ, từ muôn đời nay đời sống tư tưởng, tâm linh, tôn giáo, thói quen, tục lệ và pháp luật, hết thảy những quy phạm xã hội đa dạng ấy đã tựa như một cái cây vững chãi tạo nên văn hóa của người dân nước ta.

Muốn đạt tới cách ứng xử văn minh trong một quốc gia công nghiệp, không thể thụ động chờ tập quán người dân nước ta tự diễn biến, tự đổi thay. Từ truyền thống văn trị, phải cần tới một trật tự pháp trị rõ ràng, lấy những chuẩn mực pháp luật nghiêm minh làm thước đo thay đổi hành vi con người. Hướng tới một quốc gia công nghiệp, nếu định hướng hành vi ứng xử văn hóa trở nên khó khăn và thiếu cụ thể, phải định hướng hành vi con người theo những chuẩn mực cụ thể của pháp luật, dần dà con người văn hóa sẽ được định hình dần theo.

Hai thập kỷ đổi mới theo kinh tế thị trường cũng là hai thập kỷ văn bản luật trên giấy tăng nhanh theo thời gian. Song từ luật trên giấy cho đến luật ngoài đời còn quá nhiều vênh lệch. Không thể áp dụng những tiêu chuẩn kép, luật pháp phải công bằng, áp dụng công khai cho mọi đối tượng, không phân biệt lý lịch, thành phần xuất thân. Khi pháp trị được thiết lập, qua năm tháng những tín hiệu này sẽ tác động ngược trở lại hành vi ứng xử có văn hóa của người dân.

Một thập kỷ mới đang tới. Trở thành một quốc gia công nghiệp, ngoài những chỉ số kinh tế lớn lao, cũng có nghĩa thật giản dị rằng người dân nước ta phải biết dừng trước đèn đỏ và nhường nhịn khi tham gia giao thông. Từ thái độ ứng xử của từng người dân tới người có quyền cao chức trọng, trong một quốc gia công nghiệp quan chức phải từ chức khi mất tín nhiệm của cử tri. Cũng như vậy, nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân về mọi thiệt hại gây nên bởi hành vi quản lý yếu kém của mình. Để có được một quốc gia như vậy, ngoài kinh tế thị trường, trong hành trang vươn tới văn minh, dân tộc chúng ta rất cần một chế độ thượng tôn pháp luật và nhiều hơn nữa tinh thần công dân.

P. D. N.

Chuyện của blogger Anh Ba Sài Gòn và gia đình ......... Kami

Mình quen biết với blogger Anh Ba Sài Gòn – Luật sư Phan Thanh Hải cũng đã lâu, từ trước vụ biểu tình chống Trung Quốc tháng 12/2007, nhưng gọi là thân thì cũng khoảng hai ba năm lại đây. Thân có nghĩa là hai anh em hay tìm đến nhau để nói chuyện, trao đổi những chuyện thường ngày của cuộc sống mỗi người và những vấn đề xã hội khác. Gọi là hay tìm đến nhau cũng chỉ là liên lạc trên mạng internet, khi thì chat, khi thì gọi điện thoại chứ ít khi gặp mặt, vì Anh Ba SG thì ở mãi trong ấy, còn mình thì ở mãi ngoài Hà Nội. Còn nhớ hồi tháng 9 năm vừa rồi, khi mình trông ông cụ thân sinh ốm nằm trong Viện quân y 108, mình cũng có nói chuyện điện thoại với Anh Ba SG mấy lần, nghe tin cụ nhà mình ốm, Anh Ba SG bảo muốn ra thăm cụ lắm nhưng dạo này vợ sắp ở cữ, lại lo đưa đón tụi nhỏ đi học nên không dứt ra được, mong Kami thông cảm.

Khi ấy mình cũng nói, thôi để cụ ông đỡ Kami sẽ tranh thủ vào thành phố Hồ Chí Minh có chút việc, nhân thể ghé thăm anh luôn. Mình nhớ khi ấy còn hỏi trêu Anh Ba SG rằng “Dạo này đã đỡ chưa?”, Anh Ba SG cười và bảo mình rằng “Oài, giờ ngoan lắm rồi, chả bờ lốc bờ liếc gì hết, Kami cứ vào vô tư, không sao đâu. Giờ chỉ ngày hai buổi đưa đón con đi học”. Đợt ấy do cụ ông không đỡ mà còn nặng thêm, mình cũng không dám đi vì lo cho cụ. Và đến khoảng trung tuần tháng 10 thì nghe tin Anh Ba SG bị bắt với lệnh tạm giam 4 tháng vì tội tuyên truyền sai sự thật. Mọi chuyện theo mình biết Anh Ba SG đã xác định trước và đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ.



Gia đình Phanh Thanh Hải lúc chưa có bé Phan Khôi. Ảnh: Blogger Người Buôn Gió



Chị Liên vợ Anh Ba SG (Phan Thanh Hải) cùng với cháu gái lớn chăm sóc bé Phan Khôi. Ảnh: Blogger Người Buôn Gió



Bé Phan Khôi. Ảnh: Blogger Người Buôn Gió

Blogger Người Buôn Gió và bé Phan Khôi. Ảnh: Blogger Người Buôn Gió

Thôi buồn ngủ rồi, không chơi với chú Gió nữa. Ảnh: Blogger Người Buôn Gió

Tên là Anh Ba SG, cộng với cái ngoại hình của Anh Ba SG nếu ai gặp lần đầu thì chắc ít có thiện cảm vì cái dáng dấp có pha chút vẻ dữ dằn kiểu anh chị, giống như cái nick name của anh, nhưng đằng sau cái ngoại hình ấy thì Anh Ba SG là một con người tuyệt vời về tính cách, nhất là sự nhiệt tình, sẵn sàng hy sinh cho bạn bè và đặc biệt là sự tôn trọng sự thật và lẽ phải. Ít người biết Anh Ba SG, người có cái bí danh rất miền nam lại là người ngõ Thổ Quan, Hà Nội. Mình trước cũng thế, cứ tưởng là anh hai, anh ba là người Nam, lần đầu gặp Anh Ba SG khi chào hỏi nhau, mình sửng sốt khi thấy anh ấy nói giọng Hà Nội, hỏi ra thì mới biết như thế.

Từ lần ấy mỗi khi vào Sài Gòn có công việc mình cũng hay nhắn tin cho Anh Ba SG trước để anh em gặp nhau lai rai tí ti vừa nói chuyện. Nhớ lần cuối ngồi với anh Ba SG là khoảng tháng 7/2009, lần ấy Anh Ba SG nói cho biết dạo này thường bị an ninh theo bám liên tục, vì nghi anh ấy hoạt động chính trị, và khuyên Kami nên cẩn thận, đừng gặp kẻo bị vạ lây. Tưởng anh nói đùa, mình mới hỏi kỹ thì mới biết là bên An ninh họ vẫn quan tâm đến cái gọi là Câu lạc bộ nhà báo tự do của các bloggers Sài Gòn, mà Anh Ba SG trước đây là một thành viên của nhóm những người đã thành công trong những ngày cuối năm 2007 biểu tình chống Trung Quốc, khi TQ tuyên bố thành lập đơn vị hành chính của họ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau lần ấy, tin lời Anh Ba SG mình cũng hạn chế gặp anh ấy, không ngờ lại là lần cuối cùng.

Chắc Anh Ba SG cũng tin mình, nên chuyện gì anh ấy cũng kể cho nghe, và thăm dò ý kiến. Biết ý, mình cũng tham gia hay góp ý với Anh Ba SG nên khéo léo hơn, phải cẩn thận, nhất là một vài đối tượng trong số bạn bè. Mình khuyên Anh Ba SG đừng xốc nổi, và đặc biệt là đừng dính dáng vào các tổ chức chính trị, là lý do để bên An ninh họ bắt giữ. Anh Ba SG cũng nói cho mình nghe chuyện trong số bạn bè thì anh X hay thích cờ bạc gái gú, anh Y thì hay thích manh động v.v., nhắc mãi họ cũng không sửa nên anh rất buồn. Mình nhiều khi nghĩ cũng thương các anh ấy, vì tôn trọng sự thật, lẽ phải và hy vọng vào một tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc Việt Nam mà đã dũng cảm đấu tranh công khai, trực diện cho dù biết trước cánh cổng nhà tù của chính quyền luôn mở sẵn để đón các anh vào, hòng bóp nghẹt tiếng nói tuy là yếu ớt nhưng rất hiếm hoi của những con người dũng cảm.

Người Việt mình là như thế, biết rất nhanh và quên cũng rất nhanh. Cứ để ý, mỗi khi có tin về một hay vài nhân vật bất đồng chính kiến nào bị chính quyền bắt, thì tin truyền rất nhanh, nó rộ lên rất nhiều các luồng dư luận được mọi người bàn thảo sôi nổi, nhưng rồi chỉ ít bữa là lại chìm xuống và mọi người cũng quên họ đi. Blogger Anh Ba SG cũng cùng chung một số phận, hình như bị bạn bè và cộng đồng bloggers nói riêng và bà con mình nói chung đã quên anh mất rồi thì phải, cá nhân tôi cũng vậy. Chắc mọi người cũng như tôi, vì cuộc sống đời thường phải lo côi cút kiếm ăn, toan lo nghèo khó, nên đã quên những con người dũng cảm của ngày hôm qua.

Hôm qua đọc bài “Bé Phan Khôi ngày mai đầy tháng” của Blogger Người Buôn Gió, mới chợt nhớ lại đến Anh Ba SG. Nghe nói chị Liên và các cháu con Anh Ba SG bây giờ cũng vất vả lắm, vì với gia đình này thì Anh Ba SG lao động chính, mọi thu nhập đều do Anh Ba SG lo toan. Nhất là trong điều kiện như Anh Ba SG thường tâm sự với mình nhiều lần là rất thương và chăm lo cho sự học hành của mấy đứa lớn, nhất là hy vọng cho đứa con gái lớn đang học lớp 8 học hành đến nơi đến chốn. Giờ thì Anh Ba đã bị cách ly khỏi xã hội, không hiểu gánh nặng này sẽ trút sang vai ai, khi mà chị Liên vợ anh mới sinh con hơn một tháng.

Nghĩ vậy, mình nhấc máy gọi điện vào số 090.289.9038 gặp chị Liên vợ của Anh Ba SG, phải gọi tới lần thứ hai mới có người bốc máy, đầu dây kia là chị Liên cũng là người Hà Nội, mình hỏi thăm tình hình Anh Ba SG và các cháu. Nghe chừng chị Liên vợ của Anh Ba SG vẫn còn bình tĩnh lắm, khi nghe mình giới thiệu là Kami, chị bảo trước có nghe Anh Ba SG nhắc tên luôn. Mình hỏi cuộc sống hiện tại của chị và các cháu ra sao? Chị Liên bảo trước giờ chị ấy bao giờ cũng chỉ là người nội trợ, các khoản thu nhập do anh Ba SG là người mang về đưa cho, nay cũng chưa biết tính sao?

Nghĩ mà thương cho một người đàn bà có chồng là nhà bất đồng chính kiến, giờ bao nhiêu gánh nặng còn chờ chị ở phía trước, khi mà chồng thì ở tù và có ba đứa con nhỏ. Nghe vậy, sau khi hỏi thăm, mình ngỏ ý muốn giúp chị Liên và các cháu chút tiền còm, và xin chị cái số tài khoản ngân hàng. Chị Liên lúng túng và đắn đo lắm, chị bảo chuyện của Anh Ba SG còn chưa xong, nay sợ dính vào chuyện tiền bạc phiền phức và liên lụy. Hình như chị Liên sợ hay rất ngại thì đúng hơn.

Xin tài khoản ngân hàng của chị Liên không được, nói mãi chị mới cho mình cái tên, tuổi, địa chỉ và số chứng minh thư để mình gửi biếu chị và các cháu chút ít. Cũng xin viết ra đây để cho những ai có lòng hảo tâm cũng bớt chút tiền bạc ủng hộ chị Liên và các cháu:

Tên: Nguyễn Thị Liên
CMT số: 023887108
Địa chỉ: 79/7 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quận Bình Thạnh, TP HCM.
Thường trú: 212 Nguyễn Xí, Quận Bình thạnh, TP HCM

Bản thân Kami nghĩ mình hèn, đã không dám dấn thân xuất đầu lộ diện để đấu tranh như các anh Hải Điếu Cày, Anh Ba SG… và nhiều người khác nữa. Mình hèn thì còn chấp nhận được, nhưng nếu sự thiếu tình cảm đùm bọc cho gia đình họ trong những lúc nguy khốn này thì chắc chắn không chấp nhận được. Trong bối cảnh số lượng những nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện tại dám xuất hiện công khai để đấu tranh trực diện chỉ đếm đủ mười đầu ngón tay, không lẽ hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước ủng hộ cuộc đấu tranh tự do nay không có khả năng hỗ trợ cho gia đình của họ? Tất nhiên không ai họ nghĩ họ dấn thân vì những đồng bạc từ thiện từ mỗi chúng ta cho vợ con là hậu phương của họ, nhưng vào thời điểm này nếu có sự giúp đỡ của mọi người sẽ là món quà có giá trị về mặt động viên tinh thần cho họ, những người như Anh Ba SG còn đang ngồi sau song sắt của nhà tù nói riêng và cho những người đã và đang nối bước các anh tiếp theo nói chung.

Hy vọng, bằng tình cảm của mỗi người, chúng ta hãy bớt chút chi tiêu không cần thiết để giúp đỡ chị Liên vợ của Anh Ba SG và các cháu bé để giúp họ vượt qua lúc khó khăn này. Mọi người có thể liên lạc trực để tiếp hỗ trợ cho gia đình Anh Ba SG dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt là bà con ta ở hải ngoại với tình thương và sự đùm bọc trên tinh thần của ít, lòng nhiều.

Mong lắm thay.

Ngày 16/01/2011

KM

Ghi nhận từ Đại hội Đảng --- Nam Nguyên, phóng viên RFA

TBT Nông Đức mạnh tại phiên khai mạc Đại hội Đảng hôm 12/1/25011 tại HN. AFP photo


Những ngày họp đầu tiên ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 cho thấy sự bất đồng ý kiến khá sâu sắc. Báo chí đưa lên mạng một số thông tin đầy lo ngại liên quan tới bản dự thảo cương lĩnh bổ sung 2011.

Công hữu tư liệu sản xuất

Theo SGGP Online, thảo luận tại Đại hội Đảng một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, vì một trong những nội dung đề cập của dự thảo Cương lĩnh 2011 là sẽ “công hữu tư liệu sản xuất”. Đại biểu Cao Viết Sinh, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay gồm nhiều thành phần trong đó có doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy việc nêu rõ “công hữu tư liệu sản xuất” có thể gây lo ngại cho các loại hình doanh nghiệp vừa nêu.

Vẫn theo SGGP Online, Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội – đầy băn khoăn về điều Đảng đang tự mâu thuẫn với chính mình khi xác định thời kỳ quá độ có mô hình nền kinh tế thị trường. Nếu xác định “công hữu về tư liệu sản xuất” thì lại đi ngược với kinh tế đa sở hữu. Ông Thuận cho rằng, không thể trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, nếu vẫn giữ những nội dung đó. Ông Nguyễn Văn Thuận và ông Cao Viết Sinh kêu gọi nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi Đại hội 11 chính thức thông qua cương lĩnh và ban hành thành nghị quyết cụ thể của Đảng.

Nhất định là phải cởi mở chứ không lẽ nào mức độ công hữu hóa quốc hữu hóa lại nặng hơn trước được. Ngay người nông dân bây giờ người ta cũng đòi được tự do về kinh tế, không chịu bị ràng buộc về đất đai.

LS Trần Lâm

Trao đổi với Nam Nguyên, LS Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, phát biểu:

“Nhất định là phải cởi mở chứ không lẽ nào mức độ công hữu hóa quốc hữu hóa lại nặng hơn trước được. Tôi tin là nhất định phải ‘mở’ bởi vì cái đòi hỏi của xã hội như thế, ngay người nông dân bây giờ người ta cũng đòi được tự do về kinh tế, không chịu bị ràng buộc về đất đai.

Thế rồi các nhà tư bản người ta đòi hỏi về thuế má về tự do kinh doanh. Một số anh em chúng tôi ở trong nước trao đổi với nhau cho rằng, nói gì thì nói rồi cũng phải mở ra. Bởi vì như bên Trung Quốc người ta chặt chẽ thế mà ông Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi phải mở ra, bởi vì một nhà kinh tế học, nhà lý luận của họ nói rằng việc mở rộng dân chủ, mở rộng về mặt kinh tế là việc bó buộc phải làm. Bởi vì mở rộng như thế không phải là đi theo con đường phương Tây mà mở rộng như thế là để tồn tại”.

Theo VietnamNet, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể chiều 13/1, mong muốn Đại hội bầu ra một Ban chấp hành Trung ương Đảng đoàn kết.

Ông Võ Hồng Phúc vạch ra sự mâu thuẫn về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội nêu trong văn kiện đại hội mang tên “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” bổ sung phát triển năm 2011.

Theo đó dự thảo cương lĩnh 2011 có nội dung về nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Ông Võ Hồng Phúc phân tích, trong cương lĩnh 1991 có yếu tố “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Đại hội 6 đã quyết định thay chế độ công hữu bằng chế độ đa sở hữu. Tới Đại hội 10, tổng kết 20 năm đổi mới, thay đổi thành “quan hệ sản xuất phù hợp”. Bây giờ lại đòi bỏ đi quay trở lại cương lĩnh 1991 dựa trên lý luận Mác-Lê.

Vỗ béo rồi thịt

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Đảng vẫn xác định quan hệ đa sở hữu, có công có tư. Vậy bây giờ nói “công hữu tư liệu sản xuất” thì ai còn yên tâm đầu tư cho Việt Nam”. Nếu vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước động viên họ đầu tư để làm gì. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tự đưa ra câu trả lời: “Để rồi sau thời kỳ quá độ “nuôi vỗ béo rồi thịt”, thì ai dám làm ai dám đầu tư”. Ông Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều người nói cái gốc của chủ nghĩa xã hội là sở hữu. Nhưng cá nhân ông cho rằng cái gốc của chủ nghĩa xã hội là công bằng xã hội, điều tiết thu nhập. Nếu cứ vẫn giữ quan niệm cũ thì sẽ vấp vào những sai lầm những năm trước đây. Ông Võ Hồng Phúc kêu gọi sự thống nhất trong Đảng.



Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần 11 hôm 12/1/2011. AFP photo

Do có nhiều ý kiến khác biệt về dự thảo Cương lĩnh 2011, theo VietnamNet, Hội nghị Trung ương 14 đã phải biểu quyết hai phương án. Phương án thứ nhất, giữ nguyên như dự thảo Cương lĩnh với nội dung một nền kinh tế cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Phương án thứ hai, kế thừa quan điểm của văn kiện Đại hội 10 với nội dung có nền kinh tế phát triển cao… và quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp.

Thế nhưng khi biểu quyết, 55,06% tức quá bán số đại biểu Hội nghị Trung ương 14 đã chọn phương án 1 tức trở về với lý thuyết Mác-Lê, chủ nghĩa xã hội thì phải áp dụng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Kết quả biểu quyết dự thảo cương lĩnh được PGS TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương xác nhận trong cuộc họp báo trước khi Đại hội Đảng diễn ra.

Đáp câu hỏi của chúng tôi phải chăng đang có sự chia rẽ trong Đảng một bên cấp tiến một bên bảo thủ, LS Trần Lâm nhận định:

“Tôi có ý kiến hơi khác, trước đây tình hình nó giản đơn các tầng lớp nhân dân người ta chưa đứng lên, thế cho nên mạnh ai người nấy làm. Nay tình hình khác, bị săm soi nhiều rồi cho nên cũng phải cẩn thận, còn chuyện nói là lùi lại, tôi tin là không thể lùi lại được.

Những câu mà họ cứ nói đi nói lại, người nói bên phải người nói bên trái, như thế chứng minh rằng ở trong tư tưởng, trong quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề của những người trong Đảng kể cả những người cầm đầu đã có sự chao đảo, đã có sự nhìn nhận lại mặt này mặt kia, đã có sự phản biện lại là phải thay đổi. Theo ý tôi những dấu hiệu đó kết hợp với phong trào nhân dân hiện nay thì hai động lực đó là một.

Phong trào nhân dân sẽ tác động trong Đảng, rồi trong Đảng có sự chuyển biến tự nó tác động lại trong Đảng và như thế trở lại kích động nhân dân.

LS Trần Lâm

Phong trào nhân dân sẽ tác động trong Đảng, rồi trong Đảng có sự chuyển biến tự nó tác động lại trong Đảng và như thế trở lại kích động nhân dân. Đó là một sự phản ứng dây chuyền theo mắt xích như thế này thì nhất định phải có thay đổi”.

Theo VietnamNet, trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, đất nước xây dựng một quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải thích đó là quan hệ sản xuất đan xen đa sở hữu, có công hữu, có tư hữu, có tư nhân, có tất cả các thành phần kinh tế. Ông hy vọng Cương lĩnh 2011 xác định lại điều này. Đây chính là thành tựu 20 năm đổi mới được tổng kết và rút ra.

Ông Võ Hồng Phúc 66 tuổi, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội 2 khóa 11&12 khẳng định rằng nền kinh tế nhà nước, bao gồm đất đai, ngân sách, tài sản nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, không phải vấn đề “công hữu là chủ đạo”.

N.N

Nguồn: RFA

Cuộc “Cách mạng hoa nhài” từ Sidi Bouzid đến cuộc bỏ trốn của Ben Ali

Quay nhìn lại một tháng phản kháng với cuộc tự thiêu của một thanh niên mới tốt nghiệp và thất nghiệp, dẫn tới sự sụp đổ chế độ cai trị của Ben Ali sau 23 năm cầm quyền.

Bài trên trang mạng báo Pháp Libération.fr

PT dịch



Một người Tunisie sống ở Pháp đốt ảnh Ben Ali ngày 15 tháng 1-2011 tại Marseille. (REUTERS)

1 tháng 12-2010. Mohamed Bouazizi tự thiêu trước trụ sở Sidi Bouzid, thành phố 40.000 dân ở miền Trung Tunisie. Mới tốt nghiệp và thất nghiệp như vô số thanh niên trai Tunisie, Mohamed Bouazizi kiếm sống bằng bán rau quả không giấy phép ở chợ. Sau khi bị cảnh sát tịch thu hàng họ, anh tìm cách khiếu nại. Nhưng vô vọng.

«Ngay khi biết tin anh tự thiêu, nhiều người buôn bán và thanh niên đã tập trung đấu tranh ngồi lì không bạo động trước cửa trụ sở và đòi gặp chức quan công quyền địa phương», báo Libération ngày 21-12-2010.

19 tháng 12-2010. Ngày thứ sáu, phiên chợ, cuộc đấu tranh dâng cao và lan rộng. Tiếp tục biểu tình ngồi lì trước cửa thị sảnh. Cảnh sát dùng dùi cui và khí cay giải tán người biểu tình. Suốt mấy ngày cuối tuần, đụng độ bạo lực giữa lực lượng công quyền và những người biểu tình trẻ tuổi. Bắt đầu các cuộc bắt bớ.



Manifestation à Sidi Bouzid ngày 23 tháng 12-2010 (AFP)

20 tháng 12-2010. Biểu tình ủng hộ ở thành phố Meknassi. Các thành phố khác đều nổi dậy: Sidi Ali Ben Aoun, Menzel Bouzaiane, v.v…

22 tháng 12-2010. Lại một thanh niên thất nghiệp khác tự tử ở Sidi Bouzid. Anh thanh niên Houcine Neji leo lên một cột điện cao và tự để cho điện giật chết.

24 tháng 12-2010. Ở Menzel Bouzayane, cách Sidi Bouzid sáu chục km, cảnh sát bắn vào người biểu tình. Hai người chết.

25 và 26 tháng 12-2010. Cuộc biểu tình đầu tiên của những người mới tốt nghiệp bị thất nghiệp ở ngay thủ đô Tunis.

28 tháng 12-2010. Tập hợp tỏ tình đoàn kết của các Luật sư, hai Luật sư bị bắt rồi được thả ngay.

Cảnh Luật sư biểu tình ở Tunis,ngày 28 tháng 12-2010.




Nguồn: YouTube/TheTunisieeTunisiea

Tổng thống Ben Ali lên tiếng lần đầu tiên. Ông nói, ông hiểu «tình cảnh khó khăn do cảnh thất nghiệp gây ra, nhưng ông nói tới một sự “giật dây mang động cơ chính trị”. Hôm sau, Bộ trường Thông tin bị cách chức.

Từ 3 đến 7 tháng 1-2011. Biểu tình và đàn áp tiếp tụcvà loang sang càng nhiều thành phố khác: Thala, Bizerte, Sfax, Kairouan, Meknessi, Regueb, Souk Jedid, Ben Gardane, Medenine, Siliana, Sousse, v.v….

Ngày 6 tháng 1-2011, các chủ trang blog và nhà hát nhạc rap El General bị bắt.

4 tháng 1-2011. Mohamed Bouazizi, người đầu tiên gây ra cuộc bạo loạn bị chết vì các vết bỏng. Sáng hôm sau, đám ma người “tuẫn đạo” – tên gọi tất cả những ai chết trong tháng bạo loạn này.

8, 9 và 10 tháng 1-2011. Những ngày cuối tuần đẫm máu, đặc biệt ở Kasserine, Thala và Regueb. Nhà cầm quyền công bố có 21 người chết, nguồn tin của phe nổi dậy nói riêng ở Kasserine đã hơn 50 người chết. Các đám tang bị người ta nhắm bắn vào. Các biểu trưng của chính quyền cũng bị người biểu tình hạ bệ.

ỞA Kasserine, người biểu tình hạ chân dung to tướng của Ben Ali khỏi một tòa nhà của chính quyền. Nguồn: YouTube/Nawaat

Xuất hiện ngày càng nhiều cảnh quay những cuộc tàn sát và bắn đạn thật trên Internet, đặc biệt trên các mạng xã hội và mạng của phe đối kháng, như Nawaat.

Đụng độ tại Kasserine, ngày 10 tháng 1-2011.




Nguồn: YouTube/Nawaat

10 tháng 1-2011. Ben Ali lên tiếng lần thứ hai. Ông cảnh báo các «hành động khủng bố» tiến hành bởi bọn “lưu manh đội mũ che kín mặt”. Ông hứa từ nay đến năm 2012 sẽ tạo ra 300.000 việc làm thêm.

Manifestations de lycéens et d'étudiants: Cảnh biểu tình của sinh viên đại học và học sinh trung học ở thủ đô Tunis.

11 tháng 1-2011. Đụng độ ở thủ đô Tunis, và cả ở những thành phố du lịch ven biển như Sfax hoặc Sousse. Các cuộc biểu tình tiếp diễn khắp cả nước nhất là ở Kasserine. Nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa trường học và đại học “cho tới khi có lệnh mới”. Đọc ở đây ici.

Michèle Alliot-Marie Bộ trường của Pháp về các vấn đề đối ngoại và Âu châu đề nghị với nhà cầm quyền Tunisie hợp tác an ninh “để bảo đảm quyền biểu tình đồng thời với bảo đảm an ninh cho người biểu tình».

Nguồn YouTube của trang mạng đối kháng Nawaat

2 tháng 1-2011. Bộ trưởng nội vụ bị cách chức, thành lập Ủy ban điều tra tham nhũng.

Một nhà nghiên cứu Pháp gốc Tunisie bị giết ở Douz. Đụng độ ở thành phố Ettadgamen thuộc vùng ngoại vi thủ đô.

Thiết quân luật ở thủ đô Tunis, nhưng các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn làm 8 người chết. Theo Liên đoàn quốc tế quyền con người, kể từ giữa tháng 12-2010, tổng cộng ít nhất 66 người chết.



13 tháng 1-2011. Ben Ali lại nói trên truyền hình. Ông hứa từ nhiệm vào năm 2014, và ra lệnh chấm dứt bắn đạn thật chống người biểu tình, hứa hẹn “tự do hoàn toàn” về thông tin và vào mạng internet và tuyên bố giảm giá hàng.

Những người ủng hộ Ben Ali gọi đó là bài diễn văn “lịch sử” song bài diễn văn quá xa với những khát vọng của người biểu tình, họ đòi ông Tổng thống cút đi thôi (Ảnh Reuters)

Thủ tướng Pháp lo ngại về việc «sử dụng vũ lực không cân sức». Cho tới khi đó, Pháp vẫn chỉ dừng lại ở chỗ “lên án” bạo lực và từ chối “can thiệp” vào công việc có tính chất «địa phương».

Mười ba người chết ở thủ đô Tunis, hai ở Kairouan. Khu vực nghỉ mát Hammamet, nơi du khách châu Ấu rất thích đến cũng bị phá phách và cướp bóc.

14 tháng 1-2011. Lại nhiều cuộc biểu tình khắp nơi trong cả nước với khẩu hiệu «Ben Ali cút đi». Ở thủ đô Tunis, đám đông biểu tình càng lúc càng đông, có tới 5.000 người.

Người biểu tình hát quốc ca ở Tunis. Nguồn: YouTube/Nawaat

Biểu tình bị giải tán. Đụng độ bạo lực ở thủ đô Tunis.

Khoảng 16h, Chính phủ bị bãi chức và tuyên bố trong vòng sáu tháng có tuyển cử. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp khắp cả nước kể từ 17 giờ, cấm các cuộc biểu tình ở nơi công cộng, bắt đầu thiết quân luật. Lại cho phép bắn đạn thật. Đóng cửa vùng trời.

Tới 18 giờ 50, Thủ tướng Mohammed Ghannouchi lên tivi báo tin ông giữ quyền Tổng thống lâm thời thay thế Zine El Abidine Ben Ali. Ông Tổng thống này đã chạy trốn bằng máy bay. Pháp từ chối cho ông ta tá túc, sau rồi Ben Ali phải hạ cánh xuống A-rập Xê-ut.

Sau một tháng nổi dậy và biểu tình bị đàn áp bằng bạo lực khiến nhiều người chết, chế độ cai trị của Ben Ali đã sụp đổ. Trang @jawher tóm lược tình hình trên mạng xã hội Twitter: «Tunisie: đất nước ở đó một anh bán hàng rong ở chợ Đuổi đã làm cho một anh độc tài bị lăn kềnh”.

Mừng cho nhân dân xứ Tunisie

Đỗ Đăng Giu



Cách đây năm sáu năm, có một lần tôi đã phải đi nghỉ mát ở Tunisie. Tôi nói phải đi là vì thực ra tôi không muốn đi chút nào hết nhưng chỉ vì có một vài cặp vợ chồng những người bạn của chúng tôi đã rủ được bà xã của tôi đi cùng và dĩ nhiên tôi phải đi theo.

Tôi không muốn đi nghỉ mát ở Tunisie trước hết là vì thường ra tôi không thích cái cảnh ngày ngày, trong suốt một tuần lễ, không có gì để làm ngoài việc ăn uống, đi bơi và nằm phơi trên bãi biển. Lý do thứ hai quan trọng hơn là vì tôi ghét cái chính thể độc tài của xứ này theo sự hiểu biết cuả tôi dựa trên những gì mà tôi nghe và đọc được qua các phương tiện truyền thông.

Tuy nhìên, cũng nhờ chuyến đi nghỉ mát bắt buộc này mà tôi đã có dịp trông thấy tận mắt một phần những gì mà tôi đã nghĩ. Tôi xin kể ba chuyện sau đây :

· Một hôm, cả đoàn chúng tôi được dẫn đi thăm thủ đô Tunis. Trước khi đi, người hướng dẫn dặn kỹ với chúng tôi là, trong khi đi tham quan ở trong phố, nếu có trông thấy cảnh sát ở ngoài đường thì phải tránh đừng nhìn thẳng vào mắt họ, nếu không có thể sẽ bị bắt giữ! Tôi nghe mà choáng váng cả người. Tôi thường nghe nói là khi đi safari, nếu bất ngờ tới trước mặt một con voi hay thú dữ thì phải tránh nhìn thẳng vào mắt nó. Mấy ông cảnh sát Tunisie cũng giống như những con thú dữ chăng.

· Sau đó, chúng tôi được đưa tới một khu công viên nằm bên cạnh dinh của Tổng thống Ben Ali. Chỗ gần nhất mà chúng tôi tới được cũng cách dinh Tổng thống khoảng 300 mét, chỉ đủ để trông thấy cửa vào dinh có mấy người lính gác. Thế mà người hướng dẫn cũng bảo cho chúng tôi biết là chúng tôi không được phép quay máy ảnh về phia đó! Không những thế, chúng tôi cũng được khuyến cáo là đừng chụp ảnh bất cứ biệt thự nào có cắm một lá cờ của Tunisie!

· Sau hai ba hôm ăn no và nằm dài trên bãi biển, tôi bắt đầu thèm cái món ăn quen thuộc cuả tôi là internet. Tôi đi tìm hỏi những người làm trong khu nghỉ mát đó thì được biết là họ có một máy điện tử để làm việc nhưng chúng tôi không được quyền sử dụng, dù tôi bằng lòng trả chi phí. Còn ở ngoài trại, nếu tôi muốn có internet thì phải đi tới một tỉnh cách đó 100 cây số! Không có tư do internet ở xứ này.

Sau vụ đi nghỉ đó, tôi thề là không bao giờ trở lại xứ Tunisie khi mà chính thể độc tài cuả Ben Ali còn tồn tại.

Vì vậy mà hôm nay, nghe tin cái ông Tổng thống Ben Ali phải bỏ chạy như một thằng ăn cắp, trong lòng tôi thấy khoan khoái và sung sướng bội phần. Lại một chính thể độc tài bị tiêu diệt. Tôi mừng cho dân xứ Tunisie đã thoát khỏi gông cùm của một chế độ độc tài khát máu. Tôi khâm phục sự can đảm của đám trẻ đã dám xuống đường giương ngực ra trước những họng súng của cảnh sát để đòi hỏi cái quyền căn bản của con người: quyền tự do. Tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp… Ước mong rằng những người lãnh đạo mới biết lợi dụng cơ hội này để xây dựng một nền dân chủ cho xứ Tunisie.

Hôm nay tôi rất vui mừng. Vẫn biết là Tunisie là một nước xa lạ, nhưng tôi cứ mừng đi đã… Biết đâu đấy.

ÐÐG


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.