Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM THÍCH ĐÙA???

Đọc bài viết “Người Việt Nam lạc quan, có vui không?” của tác giả Trương Duy Nhất 05/01/2011 và bài “Người Việt lạc quan” của Giáo sư, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc 15/01/2011 trên blog Tin tức hằng ngày. Nhìn hình minh họa cho hai bài viết này, một là bức ảnh: những anh công nhân đang ngồi nghỉ giải lao với khuôn mặt tươi cười, bức ảnh còn lại: một gia đình lao động đang chở nhau trên một chiếc xe gắn máy, hòa trong dòng chảy xe cộ, cũng với những bộ mặt tươi cười. Cả hai bài viết đều đề cập đến kết quả thăm dò của viện BVA của Pháp và của viện GALLUP của Mỹ về mức độ lạc quan trên 53 quốc gia được thăm dò và kết quả là: VN với hơn 70% cho rằng lạc quan với nền kinh tế đất nước, được đánh giá là đất nước lạc quan nhất thế giới trong bối cảnh khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới .



Qua bài viết cả hai tác giả đều bộc lộ nỗi lo của những người Việt chân chính có cái nhìn trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, mặc dù một người hiện ở Úc châu xa xôi .


Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc với quan niệm cho rằng người Việt có cách nhìn ngắn và có xu hướng so sánh Lịch đại, chỉ biết so sánh với những gì đã có được trong quá khứ, mà không có sự so sánh Đồng đại, có cái nhìn hướng ngoại, nhìn ra những nước trong khu vực và trên thế giới có cùng xuất phát điểm, hoàn cảnh tương tự như VN đã đạt được ngày hôm nay. Và vì thế ông lo lắng.
Tác giả Trương Duy Nhất cũng lo lắng không kém vì cho rằng: “Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng,dễ dàng chấp nhận với thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng”
Âu cũng là cái lo của những kẻ sỹ trước vận mệnh đất nước.
Riêng thằng tôi, khi ở Sài Gòn bị gọi là Bắc kỳ rau muống?, khi ra Hà Nội lại bị cho là anh hai Sài Gòn?, tha hồ bị các “thần đanh đỏ mỏ, giang hồ đất bắc” chặt chém, lại cho rằng đó là một tín hiệu lạc quan(lạc quan tếu chăng?). Tôi không biết chính xác trong số 1000 người được phỏng vấn, BVA, GALLUP có thống kê, phân loại: trình độ, nghề nghiệp hoặc vùng miền(bắc, trung, nam) hay không? Nhưng tôi chắc một điều rằng cả BVA và GALLUP đã không hiểu tí gì về tính cách của người Việt và hơi võ đoán khi tin vào những câu trả lời và vội đưa ra kết luận như trên.
Thật vậy không cần trình độ, nhận thức cao xa gì, người dân VN với những tin tức mà 700 tờ báo lề phải chính thức đưa tin, sau khi đã qua kiểm duyệt:
Thất thoát, thua lỗ của VINASHIN, tập đoàn điện lực EVN nợ 26.000 tỷ đồng, quỹ bình ổn xăng dầu bị bốc hơi, lạm phát lên tới hai con số, tết nhất đến nơi mà theo báo chí, thưởng tết, người thấp nhất chỉ được 50.000đ. Thầy cô giáo, ở thành phố nghe đâu được 700.000/người, còn ở những nơi xa xôi thì 100-200.000. Có nơi chẳng có gì.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền, trước cơn bão giá hiện tại, thế mà khi được hỏi về tương lai của nền kinh tế đất nước, hết 70% trả lời là lạc quan và cười nhăn răng, vui vẻ, thế mới kinh?
Đằng sau cái chỉ số niềm tin đó là gì? Cái chỉ số này có đáng tin hay không?
Tôi nghĩ rằng chỉ số này không đủ độ tin cậy và đằng sau nó là sự đùa cợt cực kỳ đểu ? của những người được hỏi.
Nhìn những nụ cười trên những bức hình minh họa, tôi không thể không nghĩ đến bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, được đăng trên Đông Dương Tạp chí cách đây chỉ sơ sơ có 97 năm với tựa đề “ Gì cũng cười”.
Ông viết: “An Nam ta có một thói lạ, là thế nào cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Và
“ Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cái láo xược khinh người, có câu chửi người ta, có nghĩa yên trí không phải nghe hết người ta, mà gièm trước ý tưởng của người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc của người ta”
Tôi nghĩ những câu hỏi của viện BVA và GALLUP, chắc chắn đã được trả lời với tâm lý này. Không biết nhân viên điều tra của hai viện trên có nghe được tiếng cười “HÌ HÌ”, khi trả lời của người được phỏng vấn hay không?
Vào thời của ông, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn chưa giải mã, đặt tên được cho những nụ cười mà ông cho rằng: “Thực không có gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế!”. Theo tôi, theo cách nói hiện tại của Nam bộ: “cười khi dễ, cười chọc quê”, nhưng cách diễn đạt của Bắc bộ là chính xác nhất: “ cười đểu”, một thái độ cực kỳ đểu, để đối kháng với những gì đểu giả.
Và những câu hỏi thăm dò của BVA, GALLUP về triển vọng của kinh tế VN trong tương lai, trong hoàn cảnh hiện tại, khác gì những câu hỏi đểu?
Và tôi cũng tin chắc rằng khi hỏi bất kỳ ngườ dân VN nào “ Bạn(Ông, Bà, Anh, Chị) nghĩ ai sẽ là tổng bí thư kỳ này?. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhận được câu trả lời kèm theo tiếng cười hì hì “ Mẹ, thằng nào lên, cũng thế. Thằng nào cũng tranh thủ ăn thôi”, “hoặc ông nào cũng được thôi”.
Hơn nữa sống ở VN, phải tập thói quyen: nghĩ ngược lại những gì nghe được, đọc được. Điểm lại những sự kiện trong quá khứ: báo chí, truyền hình, truyền thanh đều tuyên bố: “ Sẽ không đổi tiền lần 1, lần 2” nhưng sáng hôm sau thức dậy đã nghe loa phát thanh phường thông báo đổi tiền và cán bộ phụ trách đổi tiền đã có mặt tự bao giờ?. Bộ Công thương tuyên bố không tăng giá xăng, nhưng hôm sau bảng giá mới đã lù lù xuất hiện?. Ngân hàng tuyên bố không phá giá đồng tiền, nhưng từ 10/2010 đến nay đã ba lần phá giá?. Chính phủ tuyên bố: “Quyết liệt bình ổn giá”, nhưng giá cả cứ lừng lững, phi nước kiệu. Dân lao động cứ hụt hơi chạy theo sau?. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố: “Nếu không chấn chỉnh được tham nhũng, sẽ từ chức”. Đợt này mua keo dán sắt 502, dán chặt đít vào ghế, quyết không rời?. Triệu Quốc Mạnh, bộ trưởng bộ Y tế tuyên bố: “Sẽ giảm số bệnh nhân, nằm ghép giường” nhưng đến nay vẫn ba, bốn người một giường?. Chính phủ tuyên bố: “Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng Bản Giốc, Hoàng sa đã rơi vào tay Tàu từ phia v v….
Do đó chỉ số 70% niềm tin, lạc quan vào nền kinh tế trong tương lai là một con số rất CUỘI.
Và tôi cũng có một lời khuyên cho bất cứ một viện thăm dò nào còn có ý định tiến hành điều tra tại VN, thì nên để ý nét mặt của những người được phỏng vấn: xem họ có nhăn răng cười, khi trả lời không?
Và cũng phải nhớ nằm lòng một điều này nữa: người VN rất thích đùa… dai.
NÓI ZẬY MÀ HỔNG PHẢI ZẬY!
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, anh Trương Duy Nhất hãy yên tâm COI ZẬY MỜ HỔNG PHẢI ZẬY ĐÂU? LẦM CHẾT???
HI HI!!!???
Hà Nội 18/01/2011
Một ngày rét và mưa, hi hi!?
Oanh Yến Thị Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét