Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

"Chỉ sợ lòng dân không theo"


Nếu Hồ Nguyên Trừng còn sống, chắc ông sẽ nói: Thần không ngại ra chính sách, chỉ sợ lòng dân không theo. Dân không theo thì chính sách dù hay đến đâu cũng trở nên vô dụng
Chuyện xưa
Chuyện xưa kể rằng, sau khi thâu tóm quyền lực vào tay mình, năm 1400, Lê Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lập ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, đổi niên hiệu là Thánh Nguyên. Ông đổi sang họ Hồ vì cho rằng mình là hậu duệ của Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Thuấn, và lập ra nhà Hồ.
Sau đó, Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng như ban hành các đồ đo lường để làm chuẩn trong việc buôn bán (1403), sửa lại quy định thi cử: những người đỗ thi Hương phải qua kỳ thi toán pháp mới được thi Hội (1404). Trước đó, ông cũng đã cho phát hành tiền giấy lần đầu tiên trong lịch sử (1396).
Những cải cách của Hồ Quý Ly đều nhằm mục đích xây dựng một nước Đại Ngu cường thịnh. Tuy nhiên, những cải cách này được tiến hành trong một thời gian quá ngắn, làm dân chúng hoang mang, nên không đạt hiệu quả như ông mong đợi, và trên thực tế, đã trở nên phản tác dụng.
Năm 1405, trước nguy cơ xâm lược của giặc Minh, Hồ Quý Ly cho họp quần thần để bàn kế chống giặc. Khi được hỏi, con trai ông là Hồ Nguyên Trừng đã nói: Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.
Sử gia Ngô Sĩ Liên đời sau, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, đã khen rằng: Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó.
Chuyện nay
Chuyện nay kể rằng, trước những khó khăn dồn dập của đời sống như thiếu điện, thiếu xăng, lạm phát tăng cao, tắc đường kẹt xe, trường học bệnh viện chật chội, môi trường ô nhiễm..., những người có trách nhiệm đã đưa ra nhiều giải pháp, triển khai bằng nhiều chiến dịch đủ loại. Nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Những giải pháp tình thế này, những chiến dịch ồn ào to nhỏ, xem ra, năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Nếu có một cuộc họp đặc biệt như năm xưa để đối phó với tình trạng khó khăn này, và nếu Hồ Nguyên Trừng còn sống, chắc ông sẽ nói: Thần không ngại ra chính sách, chỉ sợ lòng dân không theo.
Dân không theo thì chính sách dù hay đến đâu cũng trở nên vô dụng. Vì thế, việc đầu tiên mỗi khi ra chính sách, là chính sách đó phải làm cho dân theo.
Muốn dân theo, thì dân phải tin. Muốn dân tin, thì chính sách phải thuyết phục, người điều hành phải gương mẫu.
Tiếc là đã có không ít chính sách của ta chưa thuyết phục bởi làm khó cho dân. Đơn cử như nhiều người có trách nhiệm dự định đưa ra chính sách "ngày chẵn đi xe biển số chẵn, ngày lẻ đi xe biển số lẻ" đang được ồn ào bàn thảo. Với chính sách ấy, dù có muốn, dân cũng khó mà thuận lòng theo.
Ảnh: vntec.vn
Hơn nữa, chính sách ấy lại đi kèm với người điều hành thiếu gương mẫu. Trách sao dân phạm luật khi không thiếu người giữ gìn luật pháp phạm luật trước. Trách sao dân không mê tín, khi xe công đổ về các đền miếu chùa chiền cúng bái...
Vậy làm sao để có chính sách thuyết phục, người điều hành gương mẫu?
Muốn có chính sách thuyết phục, phải sử dụng được người tài, phải có cơ chế ra chính sách thích hợp.
Muốn người điều hành gương mẫu, bên cạnh tài năng và đạo đức của cá nhân, thì cơ chế điều hành phải minh bạch.
Từ 2500 năm trước, những điều này đã được Khổng Tử nhắc đến. Khi Ái Công hỏi Khổng Tử: Làm thế nào thì dân phục tùng? Ông đáp: Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tùng. Khi Quý Khang Tử hỏi: Chính trị là gì? Ông đáp: Chính trị là chính đính - tạm hiểu: Chính trị là minh bạch.
Nếu để hạng cong queo lên trên người ngay thẳng, nếu không minh bạch, thì lời nói của chính khách có hoa mỹ đến mấy đi chăng nữa, chính sách của họ có được quán triệt đến mấy đi chăng nữa, dân cũng không theo.
Dân không theo, đó là đại họa. Cho nên, dù đã hơn sáu trăm năm, câu nói "Chỉ sợ dân không theo" của Hồ Nguyên Trừng vẫn nóng hổi tính thời sự, nhắc nhở người có trách nhiệm luôn phải giật mình mỗi khi ban hành chính sách.
Nói cách khác, "chỉ sợ dân không theo" chính là bùa hộ mệnh của người làm chính sách và chiếc đũa thần tạo ra mọi chính sách đúng.

PN&HĐ: Cái chết, vụ gạ tình và báo chí sính nude



Cái chết nói chuyện với...mũ bảo hiểm
Hàng trăm người chết vì tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ. Cái chết đầy uẩn khúc của một thanh niên khi bị tạm giữ và vụ gạ tình tai tiếng của vị điều tra viên. Lại thêm cặp người mẫu gây sốc dư luận bằng cách bán nude trên báo. Những lát cắt của Phát ngôn – Hành động tuần này quá nhiều điều đáng để bất bình.
"172 người chết vì tai nạn dịp 30/4", thông tin ngắn gọn, rõ ràng trên VNExpress vào chiều 4/5, đọc chỉ mất đôi ba phút, nhưng cảm giác buồn thì còn mãi. Không thật chi tiết, vì đó là thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an). Cũng không quá bất ngờ, vì số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam luôn là con số nhức nhối, lớn hơn rất rất nhiều lần so với số người chết vì bất cứ bệnh tật hay dịch bệnh nào.
Như thống kê cuối năm 2010 cũng cho thấy trong cả năm, cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người. So với năm 2009 thì số vụ giao thông tăng 1.778 vụ, số người chết giảm 47 người, nhưng số người bị thương tăng 2.544 người. Nếu chia trung bình cho 365 ngày thì cứ mỗi ngày lại có hơn 31 người chết vì tai nạn giao thông, con số đáng giật mình.
Thế mà so với số người chết trung bình hàng ngày, số người chết trong 4 ngày nghỉ lễ nhiều hơn, vì tính ra mỗi ngày nghỉ lễ có tới 43 người chết. Có lẽ phải suy luận theo logic thông thường để an ủi rằng, dịp nghỉ lễ mọi người đi lại nhiều hơn, đường xá đông đúc hơn, nên số người chết nhiều hơn? Nhưng cái chết đột ngột, không báo trước, để lại nỗi đau khôn nguôi (và trong nhiều trường hợp là gánh nặng) cho gia đình, người thân, bạn bè. Những con số khô khan, 43 -31 = 12, nhưng tính mạng con người, số phận con người có bao giờ khô khan lạnh lùng như phép tính cộng trừ nhân chia?
Trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận hàng trăm trường hợp tai nạn giao thông, hầu hết bị chấn thương sọ não. Ảnh Tuổi Trẻ
Chưa dừng lại ở đó, bản tin về tai nạn giao thông dịp 30/4 còn đưa ra những con số "đau thương" khác để khẳng định rằng số nạn nhân bị chấn thương sọ não tăng. Như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu 209 trường hợp, gần bằng số ca cấp cứu trong tuần cuối cùng của tháng 4/2011, trong đó có 120 ca chấn thương sọ não. Hay bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) trong 3 ngày đã tiếp nhận 323 ca chấn thương do TNGT, trong đó có tới 240 ca chấn thương sọ não. Các bệnh viện lớn khác của TPHCM, tỷ lệ nạn nhân chấn thương sọ não chiếm khoảng 65 - 75%.
Đọc đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là, các nạn nhân bị chấn thương sọ não có đội mũ bảo hiểm không? Với những trường hợp chết, thông tin có thể không rõ ràng, bởi nạn nhân có thể ngồi trên ô tô chẳng hạn? Nhưng nhắc đến chấn thương sọ não thì cầm chắc là nạn nhân ngồi trên xe máy.
Nhớ lại khi tuyên truyền để toàn dân đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy trên mọi tuyến đường (bắt đầu từ 15/12/2007), lý do "thuyết phục" nhất được đưa ra là để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, cụ thể là để giảm thiểu thương vong, đặc biệt là giảm chấn thương sọ não. Vậy giờ số vụ chấn thương sọ não tăng cao đến thế, lý do vì sao?
Tìm lại thông tin trên báo chí, thấy báo Tuổi trẻ ngày 17/12/2007, tức chỉ 2 ngày sau khi toàn dân đội mũ bảo hiểm, đã khẳng định số vụ chấn thương sọ não giảm nhờ có sự bảo vệ của mũ bảo hiểm, với những con số rất thuyết phục, cũng từ các bệnh viện lớn của TPHCM, Đà Nẵng. Đến 15/1/2008, 1tháng sau khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cũng có thống kê rằng số ca tổn thương não do tai nạn giao thông thấp hơn nhiều so với trước. Tiếc rằng, sau những "rốt ráo" ban đầu, không còn thấy những thông tin thuyết phục về tác dụng của mũ bảo hiểm nữa. Hết mỗi năm chủ yếu chỉ là thống kê số người chết vì tai nạn giao thông, như năm 2008 giảm so với 2007 (10400 người so với 13.150 người), lúc đó đã có nhiều người tự nhủ, giảm nhiều thế là do có đội mũ bảo hiểm đấy! Nhưng rồi đến 2009 lại tăng lên thành 11516 thì không biết lý giải thế nào đây (dù thật ra vẫn thấp hơn năm 2007 khi chưa đội mũ bảo hiểm!).
Ngay trong thông tin về tai nạn giao thông dịp 30/4 vừa qua, cụm từ "mũ bảo hiểm" chỉ xuất hiện một lần duy nhất, "trong số 120 người bị chấn thương sọ não, 40 trường hợp không đội mũ bảo hiểm" khi thống kê số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), còn các bệnh viện khác lại không có thống kê. Một con số quá khô khan, chẳng diễn tả điều gì có ý nghĩa. 40 người không đội mũ bảo hiểm bị chấn thương sọ não so với 80 người đội mũ bảo hiểm cũng bị chấn thương sọ não là thế nào? Không đội mũ bảo hiểm thì có bị chấn thương sọ não nặng hơn không? Những người đội mũ bảo hiểm bị chấn thương sọ não có phải vì mũ của họ rởm, hay họ đội mũ không đúng cách, hay vì tai nạn quá nghiêm trọng nên dù mũ đàng hoàng, đội đúng cách, vẫn bị chấn thương sọ não nặng...?
Đã hơn 3 năm trôi qua từ khi đội mũ bảo hiểm trở thành "luật", không đội mũ bảo hiểm là bị phạt, chưa có một thống kê thật sự nghiêm túc nào về tác dụng của mũ bảo hiểm với việc giảm thiểu số người chết hay chấn thương sọ não khi gặp TNGT. Dĩ nhiên, những người tỉnh táo đều hiểu rằng, không phải cứ đội mũ bảo hiểm là không lo bị CTSN (nên có thể đi ẩu hơn chẳng hạn), nhưng ít nhất người dân cần những thông tin cụ thể hơn, thuyết phục hơn, để họ có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm.
Lại tìm trên mạng (xin cảm ơn... Google), đã thấy có một đề tài nghiên cứu khoa học của hai bác sĩ Trần Chí Kỷ và Lê Chí Điền, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ khảo sát trên 660 bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT có đội mũ bảo hiểm (trong năm 2009), với phân tích (so sánh với kết quả nghiên cứu năm 2005, khi chưa đội mũ bảo hiểm của một đồng nghiệp tại bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) cho thấy mức độ chấn thương sọ não nhẹ hơn, khẳng định tác dụng tốt của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nhưng đó chỉ là một đề tài riêng lẻ, chưa thể "khái quát" hóa cho toàn quốc.
Thiết nghĩ, một thống kê thuyết phục về sự liên quan giữa chấn thương sọ não với mũ bảo hiểm, chắc chắn sẽ khiến người dân tự giác đội mũ bảo hiểm chất lượng, đúng cách, thay vì nhiều trường hợp chỉ đội mũ bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông, để không bị phạt... 100 đến 200.000 đồng.
Gạ tình không cho thì... chồng phải chết?
Lại một "cái chết" nữa nóng hổi trên báo chí tuần qua, cái chết nhiều uẩn khúc của anh Nguyễn Công Nhựt - trưởng phòng Quản lý kho thành phẩm, Công ty TNHH Kumho - tại trụ sở Công an huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) vào ngày 25/4.
Câu chuyện ban đầu, theo thông báo của Công an huyện Bến Cát là do anh Nhựt treo cổ tự tử bằng dây điện thoại trong phòng họp, sau khi được đưa về trụ sở để làm rõ việc công ty báo mất hàng ngàn vỏ xe (lốp). Nếu chỉ có thế thì "chuyện không có gì phải ầm ĩ", dù chắc chắn gia đình anh, bạn bè anh sẽ rất đau buồn.
Nhưng, cái chữ "nhưng" đáng buồn ấy, có quá nhiều điểm không rõ ràng trong cái chết của anh Nhựt, mà đến hôm nay, 10 ngày sau khi anh ra đi, vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Vợ chồng anh chị Nhựt - Tuyền và bức thư "tuyệt mệnh" đầy bí ẩn, Ảnh NLĐ
Đầu tiên là việc anh Nhựt bị tạm giữ từ ngày 21/4, đến ngày 25/4 thì Công an huyện Bến Cát báo cho gia đình anh đã tự tử chết. Còn trong suốt thời gian đó, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ anh, nhiều lần đến Công an huyện Bến Cát nhưng không được gặp chồng. Việc tạm giữ anh Nhựt có đúng pháp luật không? Bị tạm giữ đến ngày thứ 5 thì anh Nhựt chết, nhưng gia đình không hề được thông báo về sự tạm giữ anh. Bất luận anh Nhựt chết vì lý do gì, thì việc anh bị tạm giam tới ngày thứ 5 mà Viện trưởng VKSND Huyện Bến Cát không hề biết, đã là sai luật.
Rồi đến việc hai lá thư tuyệt mệnh được cho là của anh Nhựt gửi cho vợ và "gửi anh Phu, anh Phú, chị Phương và anh Nguyên" (là các điều tra viên), nhưng cả chị Tuyền và em ruột của anh Nhựt đều khẳng định nét chữ trong lá thư tuyệt mệnh không giống chữ của anh, như chị Tuyền "thật thà" là "Do nét chữ quá khác nên chị cũng không muốn đọc hết nội dung thư", nhưng báo Người lao động đã đăng lại một đoạn trong thư tuyệt mệnh khen các cán bộ điều tra "là những người điều tra tuyệt vời nhất".
Anh Nhựt được thông báo chết do treo cổ tự tử, nhưng trên người đầy vết bầm tím, Ảnh NLĐ
Thông tin càng "nóng" hơn khi trưa 27/4, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của nạn nhân, đã cung cấp cho báo chí hai đoạn băng ghi âm cuộc điện thoại
giữa chị và một người đàn ông tên Phú. Tất nhiên, cuộc điện thoại diễn ra khi anh Nhựt còn sống, và đang bị tạm giữ ở công an huyện Bến Cát. Hai đoạn băng sau đó đã được Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận phục vụ công tác điều tra, được báo Người lao động trích đăng với những câu thật sự... gây sốc (sau đó toàn bộ file ghi âm đã được đưa lên trang báo), "Tại vì anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó!", "Gặp mấy chỗ đó không có được, đi vô khách sạn gặp", "Nếu em có suy nghĩ kiểu đó thì sau này hậu quả... Tại sao ban đầu mình không làm đi?"...
Quả thật, khi thông tin công bố người có những câu trò chuyện "gạ tình" chị Tuyền chính là điều tra viên, Thiếu tá Nguyễn Thành Phú, được tăng cường từ Công an thị xã Thuận An về huyện Bến Cát để điều tra vụ mất trộm lốp xe ở Công ty Kumho, dư luận không khỏi phẫn nộ. Nhiều độc giả đã bức xúc gửi phản hồi về cho báo chí. "Nghe đoạn ghi âm giữa chị Tuyền và một người tên Phú, đêm qua tôi mất ngủ. Sao xã hội bây giờ có nhiều kẻ vô lương tâm và có thể nói là tàn ác đến thế. Không thể chấp nhận được một cán bộ mất hết nhân cách như ông Phú làm trong ngành công an, ngành bảo vệ sự bình yên cho nhân dân".
Dù theo trả lời của Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, ông Phú khẳng định đó là nói đùa, thì đúng như Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương khẳng định với báo chí, hành vi này đáng bị kỷ luật "vì không thể chấp nhận một cán bộ công an lại nói chơi như thế". Chưa kể, báo chí đã đăng tải danh sách những số điện thoại mà chị Tuyền nhận được trong những ngày anh Nhựt bị tạm giữ, có tới 11 lần ông Phú gọi điện cho chị Tuyền, không lẽ phải nói đùa đến cả... 11 lần?
Chợt nghĩ, nếu chị Tuyền không nảy ra ý định ghi âm lại những cuộc điện thoại của ông Phú gọi cho chị, thì dù chị có kể ra, cũng nào ai dám tin khi không có bằng chứng xác đáng? Dù xã hội không thiếu người xấu, nhưng xã hội cũng luôn đòi hỏi công an, những người nắm cán cân công lý, phải là những người tử tế. Đòi hỏi ấy là hoàn toàn xác đáng, nên chuyện một cán bộ công an không tốt sẽ khiến dư luận bất bình hơn, nhất là khi vụ việc đang còn nhiều... vết mờ.
Rồi như thông tin bà Thái Thị Lượm, mẹ anh Nhựt, cho biết "Khi tôi hỏi bác sĩ (bác sĩ pháp y của Bệnh viện Bình Dương) thì ông này nói là thời gian anh Nhựt tử vong khoảng 13-14 giờ ngày 24-4, nhưng tại sao đến trưa 25-4, công an mới cho gia đình tôi biết?". Tất cả là những câu hỏi trong đau đớn của gia đình anh Nhựt.
Anh Nhựt đã chết, điều đó không thể thay đổi. Nhưng vì sao anh chết, có đúng anh tự tử không, những ai phải chịu trách nhiệm xung quanh cái chết của anh, là những câu hỏi mà dư luận đang chờ đợi có câu trả lời rõ ràng.
Như chính khẳng định của đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương, người đứng đầu tổ điều tra độc lập đã trả lời với Báo Người lao động: "Không ai có quyền tước đoạt sinh mệnh một con người. Anh Nhựt chết đã để lại nỗi đau lớn cho cha mẹ, vợ anh và bạn bè. Cơ quan điều tra kiên quyết làm sáng tỏ. Nếu Nhựt có "tự chết" thì cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh vì sao anh chết". Dư luận chỉ mong cơ quan điều tra mau chóng công bố kết quả, để chuỗi những ngày... chỉ có báo chí đồng hành cùng gia đình chị Tuyền sớm qua.
Báo thích nude hơn cả...người mẫu?
Sau khi Ngọc Quyên gây sốt, rùm beng trên truyền thông với bộ ảnh nude bảo vệ môi trường, tuần qua, đến Hằng Nguyễn (hay Nguyễn Thanh Hằng), người đẹp Next Top Model công bố ảnh nude. Lần này "dường như" chỉ bán nude thôi, nhưng là chụp cùng siêu mẫu Sơn Tùng trong nhưng tư thế khá "nhạy cảm", nên cũng gây xôn xao dư luận. Hiển nhiên là dư luận chê nhiều hơn khen, như với những trường hợp nude trước đó.
Người ngoài cuộc thì bảo đó là cách để PR tên tuổi, còn người trong cuộc hiển nhiên sẽ bảo không. Nhưng đọc cùng lúc ý kiến của cả nhà thiết kế Cao Minh Tiến, người thực hiện bộ ảnh và người mẫu Hằng Nguyễn, mới thấy cả hai thật "ăn ý", "đồng điệu" trong cách trả lời.
Cao Minh Tiến khẳng định "sởn da gà khi xem ảnh nude Hằng Nguyễn", còn Hằng Nguyễn thừa nhận "khi nhìn lại, mình cũng thấy gai người". Còn lý do "chắc nịch" để khẳng định đây không phải bộ ảnh thực hiện với mục đích PR tên tuổi được Hằng giải thích là "nếu muốn gây sốc để lấy danh, cô sẽ chụp nhiều hơn, hở hơn và sẽ bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu bộ ảnh của các đàn chị như Kim Minh, Ngọc Quyên và Thanh Hoài....", còn Cao Minh Tiến thì bảo "Nếu muốn PR, tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho concept của mình, số lượng ảnh nhiều hơn. Nhìn vào thực tế, với Sơn Tùng, nghề người mẫu chỉ là nghề tay trái, Hằng Nguyễn thì mới 18 tuổi, quá trẻ để chịu đựng những rủi ro nếu có, còn riêng tôi, không kiếm tiền bằng việc chụp ảnh".
Thanh Hằng phân trần cô không định PR bản thân, rằng cô và ekip chụp bộ ảnh một cách ngẫu hững trong 15 phút, tóm lại "thích là tụt" !!? Ảnh Đất Việt
Nhìn lại trường hợp gần nhất của Ngọc Quyên, dù bộ ảnh bị chê tơi tả, nhưng tần suất xuất hiện của Ngọc Quyên trên báo thì dày đặc, hết báo này đến báo khác, hết phỏng vấn bản thân Ngọc Quyên đến phỏng vấn nhiếp ảnh gia, rồi những người chê nhiếp ảnh gia nữa chứ. Tha hồ cho độc giả phải nhớ Ngọc Quyên là ai, tha hồ mà đắt show sau đó, như chính Ngọc Quyên khẳng định là sau scandal ảnh nude, cô đang sống những ngày tươi đẹp nhất, đắt show hơn, cũng hot hơn trong mỗi lần cô tham gia một event.
Vậy là quá thành công rồi. Chính Ngọc Quyên khi thực hiện bộ ảnh "nude", chắc cũng không ngờ mình lại thành công đến thế, bị chê tơi tả nhưng nổi tiếng hẳn lên thì... cũng đáng. Chẳng thế mà mặc kệ sự khẳng định chắc nịch của cả Hằng Nguyễn lẫn Cao Minh Tiến, mặc kệ việc "Hằng Nguyễn còn quá trẻ để chịu đựng những rủi ro nếu có", bộ ảnh vẫn gây sốt trên nhiều mặt báo. Người chê thì cứ chê, chỉ thấy một sự thật là báo chí phải tốn nhiều giấy mực hơn với cô người mẫu trước đó đã được gán biệt danh "Siêu mẫu ngực bự" mà cô cũng khẳng định không muốn bị gắn với danh hiệu này.
Không biết sau Hằng Nguyễn sẽ là ai? và sẽ có "chiêu" nào độc đáo? Nghĩ đi thì phải nghĩ lại, ai bảo truyền thông cứ đua nhau phô ảnh nude lên cho thiên hạ ngắm? Rồi thiên hạ chửi thì cứ chửi, nhưng cũng săm soi tìm kiếm ảnh nude, clip sex để xem rồi bàn tán đó sao? cứ nhìn vào danh sách tin bài đọc nhiều nhất của các báo để hiểu. Báo chí chạy đua để chiều lòng độc giả, chẳng phải những người mẫu có lẽ đang "hy sinh" bản thân mình để giúp báo chí đó sao?
Cứ tưởng tượng nếu bộ ảnh của Ngọc Quyên, của Hằng Nguyễn... chẳng báo nào thèm đăng, hay đăng lên chẳng ai thèm đọc, thì sẽ chẳng ai mất công chụp ảnh nude làm gì. Thế nên, trước hết hãy trách truyền thông, rồi trách độc giả đã vẽ đường cho người mẫu... nude.

10 phụ nữ độc ác nhất Trung Hoa




Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã thống nhất lựa chọn ra “Top ten” “đại độc nữ” điển hình. Chính những người đàn bà ghê gớm này đã làm chao đảo bao triều chính, tan nát bao gia đình...

Người Trung Quốc gọi những người đàn bà hiểm độc là “độc phụ”. Nghiên cứu lịch sử nước Trung Quốc phong kiến mấy ngàn năm, người ta thấy “độc phụ” có rất nhiều, hầu như triều đại nào cũng có.

Lã Hậu: Người đàn bà độc ác nhất trong lịch sử

Lã Hậu
Hán Cao tổ Lưu Bang và Lã Trĩ quả là một cặp vợ chồng hoạn nạn có nhau, thế nhưng sự xuất hiện của Thích Phu nhân là một trở ngại nghiêm trọng cho cuộc sống hạnh phúc của cặp vợ chồng đế hậu này.

Người Trung Quốc có câu “Nam nhi ái hậu phụ, nữ tử trọng tiền phu” (Đàn ông thì yêu vợ sau, đàn bà thường trọng người chồng trước). Thích Phu nhân mặt đẹp như hoa, thân hình gợi cảm, hát hay múa giỏi, lại sinh được cho Lưu Bang hoàng tử Như Ý.

Như Ý thông minh khôi ngô, Lưu Bang rất yêu nên có ý muốn phế trưởng lập thứ. Lã Hậu rất hoảng, tưởng bị phế đến nơi, may nhờ có các đại thần ủng hộ nên bà ta mới giữ vững được ngôi hậu.

Sau khi Hán Cao tổ qua đời, Lã Hậu chuyên quyền, bắt đầu tính đến chuyện trả thù những phi tần đã được Lưu Bang sủng ái khi trước. Thích Phu nhân là nạn nhân đầu tiên.

Bà ta sai người chặt hết chân tay Thích Phu nhân, chọc mù mắt, đâm thủng tai, bắt uống thuốc độc cho câm, sau đó quẳng kẻ tình địch trong tình trạng sống dở chết dở như thế vào một căn hầm tối, gọi là “Người lợn”. Tình cảnh của Thích Phu nhân đáng sợ đến mức một lần con trai Lã Hậu là Hán Huệ Đế tình cờ nhìn thấy, sợ quá lâm bệnh, nằm liệt giường.

Những thủ đoạn giết người tàn bạo không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng thủ đoạn tàn ác như Lã Hậu thì quả là có một không hai. Không những hại Thích Phu nhân, Lã Hậu còn lừa Như Ý vào trong cung.

Huệ Đế biết rõ tính mẹ, sợ đứa em cùng cha bị mẹ hãm hại nên ăn ngủ cùng nhau, không rời một bước. Nhưng dù được người anh tốt bụng che chở thì Như Ý cũng không thoát khỏi tay người đàn bà hiểm độc được mãi. Một lần, nhân lúc Huệ Đế đi săn ngoài cung, Lã Hậu đã sai người bóp chết con trai của kẻ tình địch.

Chiêu Tín: Quái vật trong triều Hán

Chiêu Tín

Chiêu Tín là cơ thiếp của Quảng Xuyên Vương Lưu Khứ, cháu nội vua Hán Cảnh Đế. Chiêu Tín đẹp thế nào thì không thấy sử sách ghi, nhưng tính tình tàn nhẫn hiểm ác thì vào loại hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.

Theo sử chép thì lúc đầu Lưu Khứ rất sủng ái hai nàng Vương Chiêu Bình, Vương Địa Dư, hứa hẹn lập họ làm hoàng hậu. Nhưng vốn là kẻ hoang dâm vô độ nên sau này ông ta lại quay ra sủng ái Chiêu Tín. Chiêu Bình, Địa Dư rất căm tức nên bàn mưu định hại Chiêu Tín.

Chuyện bị bại lộ, Lưu Khứ bắt Chiêu Bình ra dùng khổ hình tra khảo. Đánh roi mây, Chiêu Bình nén chịu không khai, chuyển sang dùng dùi sắt đâm, Chiêu Bình đau quá phải khai. Thế là Lưu Khứ bèn triệu tập các phi tần đến, bắt họ dùng kiếm đâm chết Địa Dư, còn Chiêu Bình thì để Chiêu Tín đâm chết. Ông ta còn cho treo cổ 3 thị tỳ, sau đó đem đốt xác hai người đẹp ông ta hằng yêu dấu thành tro rồi đổ đi.

Chưa hài lòng, Chiêu Tín còn vu cáo Vọng Ngưỡng, một ái thiếp khác được Lưu Khứ sủng ái. Nghe Chiêu Tín siểm tấu, Lưu Khứ cho gọi các phi tần cùng kéo đến nơi Vọng Ngưỡng ở, lột hết quần áo nàng, bắt các phi tần dùng dùi nung đỏ gí vào người nàng. Vọng Ngưỡng bỏ chạy, nhảy xuống giếng tự vẫn, Chiêu Tín lôi lên, dùng giáo đâm vào chỗ kín, xẻo mũi cắt miệng, cắt lưỡi nàng… đem nấu chín, bắt các phi tần khác xem.

Chưa hết, Chiêu Tín còn vu cáo hãm hại một cung phi là Vinh Ái. Vinh Ái sợ quá nhảy xuống giếng nhưng không chết. Chiêu Tín lôi lên, trói lại, gí dao nung làm mù hai mắt, cắt hai tay, nung chì đổ vào miệng nàng. Vinh Ái chết, Chiêu Tín còn sai phân thây bắt chôn mỗi thứ một nơi. Có tới 14 cung phi từng được Lưu Khứ sủng ái bị Chiêu Tín hành hạ như vậy.

Lệ Cơ: Kẻ giết người không dao

Lệ Cơ

Sự hiểm độc của Lệ Cơ khác với những người khác ở chỗ “giết người không dao”.

Thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công xuất binh đánh Lệ Nhung - một nhánh của Tây Nhung, nay thuộc huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây - giết vua Lệ Nhung, bắt Lệ Cơ công chúa là con gái ông ta mang về trung nguyên.

Lệ Cơ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nên Hiến Công rất thích. Bất chấp lời can ngăn của quan chiêm bốc (thầy bói), ông ta vẫn lấy làm thiếp, sau đó Lệ Cơ sinh được con trai, đặt tên là Khê Tề.

Sinh được con trai rồi, Lệ Cơ tìm cách hành động để lo liệu cho tương lai của hai mẹ con. Trước hết, nàng dọn sạch mọi trở ngại trên con đường đưa Khê Tề đến ngai vàng, lập mưu trừ bỏ 3 công tử tài hoa là Thân Sinh, Trùng Nhĩ, Di Ngô. Nàng thẽ thọt bẩm với Hiến Công sai Thân Sinh mang quân đi đánh Nhung Địch rồi thừa cơ nắm lấy chỗ yếu, đẩy Thân Sinh đến chỗ chết, nhưng không thực hiện được.

Tiếp đó, Lệ Cơ tìm cách vu cáo bỏ thuốc độc vào thức ăn dâng lên để giết hại vua cha, bức Thân Sinh phải thú nhận rồi ôm hận tự sát. Thân Sinh chết rồi, Lệ Cơ bèn vu cho Di Ngô đồng mưu khiến Công tử Trùng Nhĩ phải bỏ chạy về Bồ Thành, còn Di Ngô chạy đến Khuất Thành.

Tấn Hiến Công nghe nói hai con trai bỏ trốn liền nổi giận lôi đình, càng tin rằng hai người đồng mưu với Thái tử Thân Sinh hại cha và Lệ Cơ nên ra lệnh điều binh đi đánh Bồ Thành. Viên quan coi Bồ Thành sợ quá khuyên Trùng Nhĩ tự sát để tạ tội, Trùng Nhĩ vội nhảy xuống dưới thành chạy trốn, người này chỉ kịp vung gươm cắt lấy tay áo của Trùng Nhĩ. Hiến Công sai người đánh Khuất Thành nhưng không được.

Sau khi Hiến Công chết, các quan đại phu tập hợp dư đảng của các công tử làm loạn giết chết Khê Tề và Trác Tử, đón Di Ngô trở về lên ngôi vua, cơn sóng gió do Lệ Cơ gây nên bấy giờ mới yên.

Triệu Phi Yến đời Hán: Cặp chị em ghê gớm

Triệu Phi Yến

Vẻ đẹp của Triệu Phi Yến có thể nói là “Đệ nhất thiên hạ”, không ai sánh bằng, nhưng sự hiểm độc của đại mỹ nhân này thì cũng không ai so được.

Triệu Phi Yến và người em gái là Triệu Hợp Đức sau khi được Hán Thành Đế đưa vào cung làm phi đã cùng nhau lật đổ Hứa Hoàng hậu.

Nói về tài múa hát và nghệ thuật phòng the của Phi Yến thì không ai sánh bằng, có giả thuyết nàng xuất thân gái lầu xanh. Chính vì là gái ca kỹ nên không còn khả năng sinh đẻ.

Người em gái cũng vậy, “hoa không thể đẹp mãi”, nếu không sinh được con trai để củng cố địa vị thì chẳng chóng thì chầy sẽ bị gạt bỏ, hai chị em họ biết rõ mối nguy hiểm đó. Hai người bắt đầu chú ý đến các cung phi được Thành Đế sủng ái khác. Một số cung phi có mang đã chuốc họa vào thân vì điều đó.

Một cung phi là Tào Cung sau khi “tiến ngự” sinh được con trai khiến Thành Đế tuổi đã 40 mà chưa có con trai mừng đến phát cuồng. Thế nhưng chị em Phi Yến hay tin đã ép vua xử tử cả hai mẹ con Tào Cung, gây nên vụ thảm án kinh hoàng. Một năm sau, tình cảnh tương tự lại xảy ra với Hứa mỹ nhân - một người cũng vừa sinh được con trai.

Thành Đế không phải không biết đến sự hiểm độc của hai người đàn bà này, nhưng do quá chìm đắm trong sắc dục nên ông ta không cương quyết được. Tận mắt thấy cốt nhục của mình bị chị em Phi Yến hãm hại mà chỉ đành gạt nước mắt than vãn.

Sử ký còn ghi “Vô số cung phi mang thai đều bị ép uống thuốc để phá bỏ”. Ông vua hoang dâm ấy gục ngã dưới váy chị em nhà họ Triệu, để mặc họ tàn hại cốt nhục của mình, bất chấp nguy cơ Hán triều bị tuyệt tự, như thế đủ biết sức quyến rũ của hai chị em nhà ấy ghê gớm đến thế nào.


Giả Nam Phong đời Tấn: Vua sợ như cọp

Nói về sự hiểm độc, xấu xa lẫn dâm đãng thì khó ai qua mặt được Giả Nam Phong, hoàng hậu của Tấn Huệ Đế.

Là hoàng hậu nhưng bà ta sinh liền 4 công chúa, không có con trai thì các phi tần khác trong cung nếu ai may mắn được Huệ Đế lâm hạnh dĩ nhiên sẽ lãnh đủ. Giả Nam Phong hung tàn hơn hẳn Triệu Phi Yến. Sau khi biết tin một cung phi có thai, bà ta chạy ngay đến nơi người đó ở, giật lấy kích của thị vệ đâm cho cô ta một nhát vào ngực chết tươi. Tấn Huệ Đế sợ Giả Nam Phong như sợ cọp. Tuy luôn mồm nói mình tôn sùng “lễ pháp”, nhưng trước sự hoành hành bạo ngược của Giả Nam Phong, ông vua này cũng chỉ biết than thầm.

Độc Cô hoàng hậu đời Tùy: Cậy công làm càn

Hoàng hậu của Tuỳ Văn Đế họ Độc Cô thực ra có thể ăn no ngủ kỹ chẳng phải lo gì đến chuyện giết chóc những người thân thích vì bà ta sinh đến 5 con trai, hơn nữa cả 5 người đều đã trưởng thành, thì còn lo gì chuyện bị thất sủng? Thế nhưng tâm lý phòng bị đã khiến bà ta trở thành người hiểm độc.

Tùy Văn Đế từng sủng ái một cung nữ ở cung Thượng Nhân Thọ, người này họ Úy Trì, rất xinh đẹp trẻ trung, có thể coi như một đóa hoa mới nở. Tùy Văn Đế bị trói buộc với Độc Cô hoàng hậu nhiều năm nay ít được những người đẹp khác chiều chuộng, gặp Úy Trì liền mê mẩn ngay.

Độc Cô hoàng hậu nghe tin, lập tức sai người đi giết Úy Trì thị khiến Tùy Văn Đế uất quá phóng ngựa ra ngoài cung lang thang suốt ngày, đến chiều tối mới rầu rĩ về cung.

Độc Cô hoàng hậu sở dĩ dám hung hãn đối kháng với chồng như thế vì bà ta luôn tự hào về việc mình đã góp công lớn cùng chồng đánh lấy thiên hạ, bà ta có làm thế thì Tùy Văn Đế cũng chả dám làm gì bà ta.

Võ Tắc Thiên thời Đường: Vì chính trị không từ điều gì

Võ Tắc Thiên

Tự cổ chí kim, ở Trung Quốc chưa có ai sánh được với Võ Tắc Thiên cả về tài hoa lẫn sự độc ác. Nhưng sự độc ác của bà ta là vì mục đích chính trị, giết con giết cháu, không điều gì không dám làm để dọn đường cho việc bản thân buông rèm nhiếp chính.

Một người phụ nữ đã được Đường Thái Tôn Lý Thế Dân ngự hạnh, sau đó lại được vị hoàng đế mới là Lý Trị đón vào cung, không phải bởi sức quyến rũ, mà bởi tình thế cuộc đấu đá tranh giành sự sủng ái trong cung đưa đẩy mà nên.

Vương Hoàng hậu tuy là người có gương mặt rất đẹp nhưng thân hình lại mảnh mai. Ở vào thời đại nhà Đường, phụ nữ đẹp phải là người đầy đặn, béo tốt thì Tiêu Thục Phi bằng vóc người phốp pháp và vẻ yêu kiều nũng nịu đã chiếm được sự sủng ái của Cao Tông Hoàng đế, Hoàng hậu gửi gắm vào Mị Nương nên cho đón vào cung để dùng làm công cụ đối phó lại Tiêu Thục Phi.

Lúc mới vào cung, Mị Nương hiền lành đáng yêu, rất được mọi người trong cung quý mến. Nhưng dần dần tình thế thay đổi, Mị Nương liên tiếp sinh hạ hai hoàng tử nên nhanh chóng trở thành thế lực mới trong cung. Từ chỗ là đồng minh, giờ đây Vương Hoàng hậu lại lo sợ, quay ra hợp mưu với Tiêu Thục Phi để đối phó lại Mị Nương.

Sau đó xảy ra vụ công chúa Như Ý con của Mị Nương bị đột tử khiến hoàng đế rất đau xót. Giữa lúc đó có người trong cung báo, trước lúc xảy ra chuyện Vương hoàng hậu có đến thăm công chúa, cử chỉ có nhiều điểm đáng ngờ. Rồi một loạt tin đồn bất lợi với Vương hoàng hậu lan ra, dần dà bà sống trong nỗi lo bị phế bỏ và trị tội.

Sau khi thanh lọc các thế lực đối địch trong triều, Mị Nương bắt đầu chĩa mũi nhọn vào các phụ nữ trong cung. Lúc đầu là việc các thuật phù thủy trừ tà của Vương hoàng hậu bị phát giác, sau đó đến chuyện bà cùng Tiêu Thục Phi bị phế làm dân thường với tội danh định dùng rượu độc làm hại Võ chiêu nghi. Hai người bị giam trong phòng tối cách biệt với bên ngoài.

Có lần Cao Tông nghĩ lại tình ân ái khi trước, động lòng trắc ẩn, định tha cho họ ra ngoài thì tin lan đến tai Mị Nương. Thế là họ bị người của Mị Nương bám theo đánh, chặt chân tay, quẳng vào chum rượu... Sau mấy ngày trong chum rượu, cả hai người đều chết thảm. Trước khi chết, Tiêu Thục Phi nguyền rủa sau khi chết sẽ hoá thành mèo để bắt chuột là “Võ yêu tinh”. Tin truyền đến tai Võ Tắc Thiên (Mị Nương), bà ta lo sợ, từ đó cấm tiệt việc nuôi mèo trong cung. Và truyền thuyết Võ Tắc Thiên sợ mèo còn truyền đến tận ngày nay.

Lý Hoàng hậu nhà Tống: Ghen tuông bệnh hoạn

Lý Hoàng hậu

Một bà hoàng khác là Lý Hoàng hậu thời vua Nam Tống Quang Tôn cũng nổi tiếng về sự độc ác với những kẻ tình địch và những thủ đoạn ngăn chặn thói lăng nhăng của chồng.

Một hôm khi Quang Tôn rửa tay chợt thấy bàn tay của thị nữ đang rửa tay cho mình trắng ngần gợi cảm, rất thích, bất giác nắm lấy ve vuốt, hôn hít và buông lời khen đẹp. Mấy hôm sau, Lý Hoàng hậu sai người dâng vua một cái hộp nói đây là thứ vua rất yêu thích nên tiện thiếp lấy để dâng lên. Quang Tôn nghe nói cả mừng, vội mở ra xem thì ra trong đó là... đôi bàn tay của thị nữ hôm nọ vua khen đẹp đã bị chặt ra. Vua kinh hãi, sây xẩm cả mặt mày.

Minh triều Vạn Trân Nhi: Không được ăn thì đạp đổ

Vạn Trân Nhi chính là nguyên mẫu trong vụ án Ly miêu tráo Thái tử được nói đến trong các phim về Bao Công.

Vạn Thị là người Thanh Châu, Sơn Đông, được tuyển vào cung từ nhỏ làm cung nữ. Lớn lên, Vạn Thị được hầu hạ Chu Kiến Thâm, dần dà hai người nảy sinh tư tình. Năm Thiên Thuận thứ 8, Anh Tôn băng hà, Chu Kiến Thâm lên ngôi khi tròn 18 tuổi, lấy hiệu là Hiến Tôn, lúc đó Vạn Thị đã 35 tuổi. Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng hai người vẫn lén mây mưa cùng nhau. Vạn Trân Nhi đẹp một cách đầy đặn phốp pháp, có câu rằng “Thanh tú tựa Triệu Hợp Đức, đầy đặn như Dương Quý Phi”, bà ta rất được Hiến Tôn sủng ái.

Nhưng sau khi Hiến Tôn lên ngôi thì hai vị Thái hậu đã tuyển chọn vào cung nhiều mỹ nữ, trong đó phải kể đến Hoàng hậu Ngô Thị, hai nàng phi Vương Thị và Bách Thị, khiến Vạn Trân Nhi đem lòng ghen ghét, thù hận.

Ngô Hoàng hậu thấy Vạn Trân Nhi không coi ai ra gì, muốn trị cho một trận. Một hôm khi Vạn Trân Nhi vào gặp, rất ngạo mạn vô lễ, bà liền mắng. Vạn Thị không vừa liền đáp trả nói năng chỏng lỏn. Bực quá, Hoàng hậu vớ lấy chiếc gậy trong tay thái giám gõ cho mấy cái. Vạn Thị bèn tìm đến vua khóc lóc tố khổ và bịa chuyện nói khích. Hiến Tôn tức giận liền truyền chỉ phế bỏ Ngô Hoàng hậu rồi lập Vương Thị làm hậu.

Năm Thành Hoá thứ 2 (1466), Vạn Thị sinh được con trai, được phong làm Quý phi, nhưng ít lâu sau thì đứa bé chết yểu, từ đó về sau bà ta không sinh được nữa. Vạn Thị thường ghen tuông đến mức điên khùng trước việc những phi tần, cung nữ khác trong cung được vua sủng ái. Nếu phát hiện thấy ai có thai bà ta liền sai người lấy cớ chữa bệnh để bắt uống thuốc phá thai, vậy mà vua chẳng dám làm gì ngoài việc nhỏ nhẹ phủ dụ bà ta.

Một lần, Hiến Tôn lâm hạnh một cung phi họ Kỷ, người này có bầu. Vạn Thị sai một cung nữ đi dò xét, người này bản chất lương thiện nên về nói dối là không có mang. Sau đó Kỷ Thị sinh hạ một bé trai, biết cả hai mẹ con sẽ lâm nguy nên khẩn cầu viên thái giám hãy bóp chết đứa bé đi. Thái giám thấy bất nhẫn, bèn lén đưa vào nuôi trong phòng kín. Ngô Hoàng hậu sau khi bị phế cũng thường vào thăm đứa bé.

Bấy giờ Hiến Tôn mới có một con trai là Tá Cực, chưa đầy 2 tuổi vừa được lập làm Thái tử đã bị Vạn Thị sai người giết chết. Trước nỗi đau mất con, vua vô cùng sầu não. Một hôm, vua soi gương và than thở mình tuổi đã cao mà không có con trai nối dõi. Thái giám Trương Mẫn thừa cơ bẩm báo chuyện mình đã lén nuôi được một hoàng tử. Vua cả mừng, cho đón Kỷ Thị và đứa bé vào cung. Vạn Thị nổi điên, hại chết Kỷ Thị. Trương Mẫn hoảng sợ, cũng phải nuốt vàng tự tử.

Khách Thị: Người đàn bà làm loạn triều Minh

Khách Thị

Khách Thị vốn là nhũ mẫu của Minh Hy Tôn, sau khi câu kết với thái giám Nguỵ Trung Kiên, bà ta bắt đầu khống chế các thế lực trong triều và ra tay sát hại những người phụ nữ trong cung mà xưa nay bà ta không ưa.

Minh Quang Tôn tuyển được một người phi là Triệu Thị. Người này có chút xích mích với Khách Thị, bà ta bèn giả thánh chỉ buộc Triệu Thị phải thắt cổ tự vẫn. Dụ Phi Trương Thị nói năng có điều chạm đến Khách Thị khiến bà ta nuôi hận trong lòng, bèn kiếm lời xúc xiểm với Hy Tôn, nói đứa bé do Dụ Phi sinh ra không phải cốt nhục của vua. Hy Tôn tin lời, tống giam Dụ Phi vào lãnh cung. Khách Thị không cho tiếp tế đồ ăn khiến bà phải uống nước mưa cầm hơi rồi chết đói.

Trương Hoàng hậu rất ghét Khách Thị nên lựa lời khuyên Hy Tôn đừng nghe lời bà ta trừng phạt người ngay, nhưng ông ta không nghe. Khách Thị mua chuộc được một cung nữ trong cung Càn Ninh để ra tay hại Hoàng hậu. Khi đó Trương Hoàng hậu đang có mang, thường mỏi lưng nên sai cung nữ bóp lưng. Cung nữ đã ra tay khiến bà bị sảy thai. Chỉ vì dung túng cho Khách Thị làm hại những phụ nữ trong cung mà Minh Hy Tôn đã chịu họa tuyệt tự.

SƯU TẦM

‘Lột mặt’ những siêu lừa chứng khoán


Những vụ án lừa đảo có liên quan tới chứng khoán đang có xu hướng xuất hiện dày đặc với tính chất ngày càng tinh vi, nghiêm trọng hơn.

Tội phạm loại này đa phần là những người có trình độ kiến thức, có hiểu biết pháp luật, thậm chí còn giữ chức vụ cao, nhưng mải lao theo lợi nhuận bong bóng trước mắt, để rồi khi "sa cơ, lỡ vận", phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ không có khả năng chi trả, họ biến thành kẻ lừa đảo lúc nào không hay.
Mới đây nhất là vụ "siêu lừa" Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, trú tại phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị vạch mặt. Từ cuối năm ngoái, dư luận đã được một phen "hoảng hồn" khi những "chiêu lừa" tinh vi của Nghĩa được phanh phui.
Theo cáo buộc, trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2008, Nghĩa đã tự giới thiệu có quen biết với những người có khả năng mua giúp được các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa chưa đưa lên sàn giao dịch (cổ phiếu OTC). Nếu mua được loại cổ phiếu này thì chắc chắn sẽ thu lãi từ 5 đến 10%. Nhiều người đã tin tưởng đưa tiền cho Nghĩa để đầu tư chứng khoán và đã bị Nghĩa chiếm đoạt với tổng cộng hơn 40 tỷ đồng.
Hiện, Nghĩa không có khả năng khắc phục, hoàn trả cho các bị hại số tiền "khủng" trên. Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/9/2010 bị hoãn lại do Nghĩa đề nghị thay kiểm sát viên thì đến thời điểm này, vụ lừa đảo đang sắp sửa được đưa ra xét xử lại, dự kiến vào cuối tháng 5 tới.
Đây không chỉ là lần đầu tiên giới đầu tư chứng khoán bị "lợi dụng". Ngay khi thị trường cổ phiếu "nóng" dần lên và ngày càng thu hút được nhiều người tham gia thì các hành vi "ăn theo" phạm pháp cũng lập tức nở rộ, chủ yếu "đánh" vào những cá nhân nhẹ dạ, thiếu cảnh giác.
Siêu lừa Đoàn Vũ Thanh Nghĩa.
Cách đây 1, 2 năm, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên án phạt Ngô Quốc Hoàng (37 tuổi, ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) 4 năm 6 tháng tù giam do có hành vi làm giả cổ phiếu để bán lấy tiền... trả nợ.
Hoàng đã dùng bộ hồ sơ giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội thật, mang ra hàng photo scan lại mẫu dấu, mẫu tên của cán bộ bộ phận chuyển nhượng, sau đó mang đến cửa hàng để thuê khắc dấu giả.
Với hai con dấu giả này, Hoàng đóng khống vào các đơn yêu cầu chuyển nhượng cổ phần để lừa những người có nhu cầu mua. Sau khi mua đi bán lại qua nhiều trung gian, một khách hàng đã mua phải 10.000 cổ phiếu rởm của Hoàng với giá 146 triệu đồng.
Cũng tại thời điểm này thì Lý Thị Trúc Quỳnh (vốn là Trưởng phòng khu vực số 9, Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội) đã dùng "chiêu" lừa đảo môi giới cổ phiếu để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Tháng 12/2005, lợi dụng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn điều lệ, Quỳnh đã "rao tin" là có nguồn mua 4 tỷ trái phiếu VCB với giá chỉ bằng 80% mệnh giá thị trường.
Nhiều "đối tác" của Quỳnh thấy "ngon ăn" đã góp gần 9,1 tỷ đồng để mua số trái phiếu này. Tuy nhiên, Quỳnh chỉ giao được 1,3 tỷ đồng trái phiếu VCB và chiếm đoạt gần 7,8 tỷ đồng còn lại. Hàng loạt "khách hàng" khác cũng đã phải ngã ngửa khi biết chiêu lừa "hiểm" này.
Còn nhiều "siêu lừa" chứng khoán khác đã bị "vạch mặt, chỉ tên" trong thời gian qua, chứng tỏ "nghề" chứng khoán cũng là một "nghề nguy hiểm" nếu nhà đầu tư không cảnh giác và thận trọng.
(Theo báo Đất Việt)

Chất xám đang rời bỏ chú Sam


.Với tinh thần phản đối nhập cư đang lên cao khắp cả nước, và đám mây chủ nghĩa bản địa đang cuốn quanh Washington DC, những người nhập cư có trình độ đang quay trở về quê hương.
Không phải chỉ những người Mỹ từ chối chấp nhận thị thực mới bỏ đi; ngay cả những người đã định cư tại Mỹ và những công dân Mỹ "chính hiệu" cũng đang tìm đến nơi họ cho rằng "cỏ non hơn". Kết quả là, Ấn Độ và Trung Quốc đang trải qua cuộc bùng nổ doanh nghiệp mạnh mẽ. Và họ đang học cách đổi mới giống như Thung lung Silicon từng làm
Người thì gọi đây là cuộc "chảy máu chất xám", số khác gọi đây là chu kỳ "tuần hoàn chất xám". Dù nói thế nào, điều này chắc chắn rất có ích cho các nước đó cũng như cho cho thế giới. Nhưng với Mỹ, có lẽ họ đã thua: những đổi mới mà theo nhiều người Mỹ lẽ ra phải diễn ra ở đây thì lại đang xuất hiện ở nước ngoài. Như thế, phải chăng Mỹ đang "cho đi" cái sự sự thịnh vượng của mình và gia tăng sức mạnh cho các đối thủ cạnh tranh.
Chưa có dữ liệu chính thức nào thống kê lượng người nhập cư tay nghề cao đã rời khỏi Mỹ. Ước đoán của tác giả là khoảng 150.000 người đã trở lại mỗi nước Ấn Độ và Trung Quốc trong hai thập niên qua. Xu hướng này đang tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây; hàng chục nghìn người "hồi hương" mỗi năm.
Hầu hết các nhà chức trách đều đồng tình với những dự đoán này. Đơn cử, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc ước đoán, năm 2009, số người Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài trở về nước lên đến 108.000: tăng 56,2% so với năm trước. Năm 2010, con số này đạt mức kỷ lục với hơn 134.800 người (trong đó một phần đáng kể học tập tại Mỹ).
Mỹ đang chảy máu chất xám.
Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi, như nghiên cứu do nhóm chuyên gia (trong đó có tác giả) tại Đại học Duke, UC-Berkeley, Harvard, và New York tiến hành cho thấy, 52,4% doanh nghiệp mới ở Thung lũng Silicon, từ năm 1995-2005, được thành lập bởi người nhập cư.
Với việc lớp người này đang muốn bỏ đi, và thế hệ doanh nhân sinh ra ở nước ngoài mới mắc kẹt trong các vấn đề nhập cư hiện nay, Mỹ sẽ không còn nhiều doanh nghiệp được người nước ngoài thành lập nữa trong tương lai. Những người chủ trương bài ngoại đang vận động chống nại việc nhập cư của lao động có trình độ có thể thấy hân hoan, nhưng sẽ không có thêm nhiều việc làm cho người Mỹ; bởi sẽ có ít doanh nghiệp thành lập tại Mỹ hơn so với bên ngoài ngoài. Miếng bánh Mỹ sẽ trở nên nhỏ hơn.
Nhóm của tác giả đã nghiên cứu thông tin về các ông chủ là người nhập cư và phát hiện: đa số đến Mỹ khi còn là sinh viên; 74% có bằng đại học hoặc sau đại học, trong đó 75% thuộc các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hay toán học. Trung bình, người nhập cư bắt đầu thành lập doanh nghiệp sau 13 năm đến Mỹ.
Trong 20 năm qua, Mỹ đã chấp nhận số lượng kỷ lục sinh viên quốc tế và lao động trình độ cao với thị thực tạm thời. Kết quả là hơn một triệu lao động có trình độ - bác sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, và kỹ sư - có nguy cơ phải trở về nước. Họ đang làm cho cùng một công ty và cùng một công việc làm và họ có thể nộp đơn xin cấp hộ khẩu thường trú; nhưng đấy là chuyện của 15 năm trước rồi.
Một sinh viên nước ngoài tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ kỹ thuật tại Duke hay Stanford, giờ đây, nếu muốn xin hộ khẩu thường trú phải đợi từ 10-20 năm, hay lâu hơn. Họ không thể thành lập doanh nghiệp hay tiếp tục sự nghiệp trong giai đoạn công hiến nhất của cuộc đời. Tại sao họ lại phải chịu đựng điều đó?
Thực tế, một cuộc điều tra do nhóm của tác giả tiến hành với 1.224 người nước ngoài đang học tại các trường của Mỹ năm 2009, và những người vừa tốt nghiệp, cho thấy, họ không còn coi Mỹ là điểm đến lý tưởng của sự nghiệp của mình nữa. Hầu hết không muốn ở lại đây lâu dài.
58% sinh viên Ấn Độ, 54% sinh viên Trung Quốc, và 40% sinh viên châu Âu cho biết họ sẽ ở lại Mỹ ít nhất vài năm sau khi tốt nghiệp nếu có cơ hội, nhưng chỉ 6% sinh viên Ấn Độ, 10% sinh viên Trung Quốc, và 15% sinh viên châu Âu cho biết họ muốn định cư lâu dài tại đây.
Rất nhiều những người trả lời - 55% Ấn Độ, 40% Trung Quốc, và 30% châu Âu - muốn trở về nhà trong vòng năm năm. Đây là hiện tượng rất khác với những gì diễn ra cách đây vài thập niên: đa phần người Ấn Độ và Trung Quốc muốn lưu lại vĩnh viễn.
Các khảo sát của nhóm năm 2008 với 1.203 người nhập cư Ấn Độ và Trung Quốc làm việc hay được đào tạo tại Mỹ đã trở lại nước nhà, cho thấy dù các chính sách hạn chế nhập cư khiến một số người không muốn lưu lại, nhưng các yếu tố lớn nhất trong quyết định "về quê" của họ lại nằm ở cơ hội nghề nghiệp, gia đình và chất lượng cuộc sống.
Đơn cử, chỉ 10% người Ấn Độ nhập cư giữ các chức vụ quản lý cao tại Mỹ, nhưng 44% khi trở về lại tìm được việc làm ở chức vụ tương tự tại Ấn Độ. Tỷ lệ này đối với Trung Quốc lần lượt là 9% và 36%. Đa số nghĩ rằng chất lượng cuộc sống, cơ hội thăng tiến, và quan hệ gia đình ở trong nước ít nhất cũng không kém ở Mỹ.
Vivek Wadhwa  học giả dự giảng tại Khoa Thông tin ĐH UC-Berkeley, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Entrepreneurship and Research Commercialization, trường Kỹ thuật Pratt, ĐH Duke, và thành viên nghiên cứu cấp cao Chương trình Labor and Worklife Program tại Khoa Luật, ĐH Harvard.

Chọn kênh đầu tư thời "sờ đâu cũng héo"



(VEF.VN) - Thời buổi đầu tư gì cũng chỉ có xác suất thắng được 50%, nhà đầu tư nên chọn kênh nào để được an toàn nhất? Vàng, chứng khoán hay bất động sản?
Kênh nào cũng lỗ!
"Nhà đầu tư mất phương hướng" là nickname là P tự đặt cho mình trên các diễn đàn chứng khoán. Biệt danh này chỉ mới xuất hiện gần đây bởi vào năm 2009, P đã kiếm được một số lời lãi kha khá từ cổ phiếu và cũng chẳng cần biết đến diễn đàn chứng khoán là gì.
Nhưng đến năm 2010 thì nhà đầu tư này phải tự nhận là tình hình đã có một "bước ngoặt bản lề". Ôm cổ phiếu DRH của doanh nghiệp Căn nhà mơ ước từ lúc giá còn 16.000, không ngờ chỉ trong nửa năm từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2010, DRH đã trở thành một trong những cổ phiếu nhỏ có mức "down" tệ hại nhất sàn HOSE: 50%. Giấc mơ đã tan biến!
Cũng trong thời gian đó, không những thua sạch tiền kiếm được trước đó, mà do quá ham hố dùng đòn bẩy tài chính nên P còn bị thâm hơn phân nửa vào vốn liếng của mình. Trong tay chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng, mà nếu quy theo "trượt giá vàng" thì có lẽ chưa đầy một tỷ rưỡi, P đành ngậm ngùi bán gần sạch danh mục cổ phiếu trên sàn chứng khoán, vừa tính xem nên dùng số "đạn" ít ỏi còn lại đầu tư vào kênh nào.
Nghe nói vàng vẫn có chiều hướng lên giá, P liền ôm tiếp hai chục cây. Ai dè ngay sau đó Nhà nước cấm kinh doanh vàng miếng, thế là P tức khí tống vội đi cái "của nợ" kia, lỗ thêm một mớ. Sau đó lại nghe "đô" có thể tăng, P lại nhào ra chợ đen rước một chục ngàn tờ bạc xanh.
Nhưng trời không đãi người hiền, chỉ mấy ngày sau lãi suất USD trong ngân hàng giảm do ông nhà nước muốn thu hút tiền đổng để kềm chế lạm phát. Bà con nháo nhào chạy đến ngân hàng gửi tiền Việt thay vì tiền đô. Vậy là công cốc.
Bao giờ chứng khoán lại sôi?
Đến lúc này, P đã quá cám cảnh thừa nhận mình là một "nhà đầu tư mất phương hướng" theo đúng nghĩa bóng và cả nghĩa đen của cụm từ này.
Câu chuyện trên có lẽ chỉ là một trong nhiều trường hợp người tiêu dùng và nhà đầu tư đang hàng tháng đau đầu tìm ra một kênh khả dĩ nào đó có thể "tác chiến". Số người có khoản tiền tiết kiệm từ 1,5 - 2 tỷ đồng nhưng đang phân vân giữa việc gửi toàn bộ vào ngân hàng để hưởng lãi tháng, với việc chia nhỏ khoản tiền này ra để đầu tư sang một kênh khác, đang chiếm phần lớn trong xã hội.
Thế nhưng đầu tư vào kênh nào bây giờ? Trong các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2010 về việc chọn kênh đầu tư, thường vẫn có ít nhất 30% số người được hỏi chọn thị trường chứng khoán. Nhưng đó là vào lúc thị trường này còn "có giảm, có tăng", mang lại đôi chút kỳ vọng cho nhà đầu tư, ít nhất là những nhóm lướt sóng.
Còn từ giữa tháng 12/2010 đến nay, chứng khoán đã trở nên một thứ "bệnh lý" trong cơ thể những người còn bám trụ, mòn mỏi ngày này qua tháng nọ, khiến cho tuyệt đại đa số một nhà đầu tư không thể đoán định được xu hướng của thị trường. Cũng chính vì thế, số người rời bỏ "chứng" mỗi lúc càng đông đảo hơn.
Thử vận may
Suy đi tính lại, ngân hàng vào mọi thời vẫn là chỗ tạo ra tiền chợ hàng tháng. Nhưng một vấn đề đau đầu khác là chỉ mới có 4 tháng đầu năm 2011 mà lạm phát đã vượt qua 16% thì chẳng hiểu năm nay tiền gửi ngân hàng có bị mất giá tương đối so với lạm phát hay không. Do đó, có lẽ chỉ có những người an phận thực sự mới bỏ hết tiền vào ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.
Còn vàng ư? Đã quá cao? Cho dù tâm lý nhà đầu tư vẫn luôn dành cho mảng vật chất quý hiếm này một góc không suy xuyển trong tâm trí của họ, nhưng nói gì thì nói, vàng không thể là thứ có thể được đầu cơ thoải mái như cổ phiếu, không phải muốn lên bao nhiêu tùy thích.
Có nghĩa là Nhà nước đã "canh me", hễ cứ thấy vàng lên mạnh là lập tức có biện pháp kềm chế ngay. Với lại vàng trong nước cũng còn phụ thuộc giá vàng thế giới. Mà vàng thế giới thì cứ theo diễn biến lịch sử của nó từ năm 2010 đến nay, có thể thấy trong trường hợp kinh tế thế giới "đi ngang", tức GDP Mỹ tăng ổn định như dự đoán ở mức 3,6% trong năm 2011, đồng thời phải bảo đảm điều kiện cần là tỷ lệ thất nghiệp trong nước Mỹ giảm xuống khoảng 8,3-8,4% từ mức 8,8% hiện nay, thì nhiều khả năng giá vàng thế giới có thể đạt đến 1.550 - 1.600 USD/ounce.
Tương ứng với mặt bằng giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có thể vượt qua mốc 40 triệu đồng/lượng một chút. Với giả định như thế, có thể đa số người dân, chứ không phải là giới đầu cơ, sẽ chọn vàng là kênh tích trữ cho dù không đem lại lời lãi bao nhiêu. Những kết quả khảo sát gần đây với hơn 40% người được hỏi chọn kênh vàng cũng cho thấy rõ hơn luồng tâm lý này.
Trong khi đó, USD được dự báo có thể "nhảy" tới 23.000 đồng vào cuối năm 2011. Nhưng ngay cả với mức tăng đó thì cũng chẳng thể bằng lãi suất tín dụng của ngân  hàng. Hơn nữa một trong những biện pháp để hạ thấp lạm phát của Nhà nước là giảm lãi suất USD để thu hút tiền đồng, vậy nên USD có vẻ càng "mất giá". Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định và thị trường chứng khoán Mỹ không bị trồi sụt mạnh, giá USD quốc tế cũng khó có biến động lớn.
Tuy vậy, xét ra vẫn còn kênh bất động sản là nhà đầu tư có thể thử vận may. Nếu so với thị trường chứng khoán èo uột đã quá lâu và còn không biết bao lâu nữa mới hết ảm đạm, mặt bằng giá cổ phiếu đã thấp nhưng vẫn có thể còn thấp, thấp hơn nhiều nữa, dường như tình hình căn hộ chung cư giá trung bình và đất nền có vẻ khả quan hơn đôi chút.
Những phân khúc bất động sản này từ mấy tháng nay có mặt bằng giá đi ngang, tạo nên một vùng đáy khá vững chắc, cho dù tình hình giao dịch vẫn ở mức thấp. Cũng không loại trừ phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sẽ được ưu ái và tạo nên một cú bứt phá trong năm nay và năm 2012.
Nếu trong mấy tháng tới, chỉ số CPI vẫn tiếp diễn đà tăng chóng mặt của nó thì có thể dòng tiền sẽ dứt khoát hơn trong việc tạm rời bỏ ngân hàng. Nhưng một khi không còn chỗ trú thân truyền thống ở nhà băng, dòng tiền sẽ phải tự thân quyết định hoặc vào chứng khoán hoặc vào bất động sản.
Lại nhắc đến "nhà đầu tư mất phương hướng" tên P ở trên. Trong trường hợp này, sẵn có máu đỏ đen, hẳn anh ta sẽ dành cho chứng khoán ít nhất 30% vốn liếng để bắt đáy nếu cái thị trường này tiếp tục lao dốc. Nhưng rút tỉa kinh nghiệm xương máu từ sàn chứng khoán, anh ta cũng không quên thử vận may với một nền đất hay căn hộ loại trung nào đó. Không sóng chứng khoán thì cũng phải có sóng của cái gì đó chứ. Xác suất vận may vẫn còn được 50% mà..