* Thời tiết làm thiệt hại hàng ngàn hecta lúa ở Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế
TT - Ngày 5-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ gạo cứu trợ nhân dân Thanh Hóa trong lúc giáp hạt 2011. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ xin trung ương hơn 2.048 tấn gạo để cứu trợ cho 71.395 hộ (136.574 nhân khẩu).
Có hơn 6ha lúa bị mất mùa, bà Hồ Thị Oanh ở xã Phú Hồ, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế phải chạy gạo ăn từng ngày - Ảnh: Hà Linh |
Video clip "Nông dân điêu đứng vì lúa lép" - Nguồn: TVO |
Giải thích về việc tỉnh Thanh Hóa chỉ xin trung ương hơn 2.048 tấn gạo, trong khi Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh này đề xuất 3.700 tấn gạo để cấp cho 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu ăn, ông Trịnh Văn Chiến, phó bí thư Tỉnh ủy - chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Tỉnh chỉ xin trung ương số gạo nêu trên để cấp cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Số gạo còn lại tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã phải tự cân đối ngân sách để hỗ trợ cho nhân dân ở địa phương mình”.
Theo ông Trịnh Văn Chiến, tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lạc hậu. Đặc biệt như huyện Mường Lát, bà con nông dân đang thiếu trầm trọng đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa nước, lúa nương, ngô nương, cây màu các loại. Xác định rõ vấn đề này nên trong nghị quyết của đại hội đảng bộ (nhiệm kỳ 2010- 2015) đã đưa chương trình phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền tây (gồm 11 huyện miền núi) của tỉnh thành một trong năm chương trình trọng điểm phải thực hiện cấp bách, có hiệu quả.
Ông Chiến cũng cho biết tỉnh đã triển khai các chương trình cụ thể, như thành lập đội công tác đặc biệt để giúp huyện Mường Lát phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các huyện ven biển, UBND tỉnh Thanh Hóa tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm dẫn nước ngọt về các xã ven biển thau chua rửa mặn...
* “Hiện nay đang mùa gặt nhưng nông dân ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chỉ gặt cây lúa để đốt bỏ vì lúa có bông mà không có hạt. Trong đó có bốn xã hầu như bị mất trắng, ruộng lúa không có hạt nào” - một bạn đọc báo tin ngày 4-5.
Bốn xã ở huyện Phú Vang bị thiệt hại nặng do lúa lép gồm: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Đa, Phú Xuân. Trưa 5-5, tại cánh đồng Di Đông thuộc xã Phú Hồ, chúng tôi chứng kiến cảnh đồng lúa bạc phếch như lau đang bị đốt cháy, khói lửa nghi ngút. Toàn bộ diện tích lúa ruộng cạn hơn 200ha của người dân thôn Di Đông đều cùng chung tình trạng: bông lúa “đứng đọt”, đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chẳng có hạt nào ngậm sữa, bông lúa bị lép hoàn toàn.
Ông Đặng Khắc Cấu, chủ tịch UBND xã Phú Hồ, cho biết toàn xã có hơn 500ha lúa nhưng có đến 220ha bị “đứng đọt”. Hiện hàng trăm hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói và thiếu cả lúa giống.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có hơn 1.600ha lúa vụ đông xuân bị thiệt hại do rét hại hồi đầu năm. Trong đó huyện Phú Vang thiệt hại nặng nhất hơn 1.100ha, Phú Lộc 200ha, Quảng Điền 155ha... Sở NN&PTNT tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh xin hỗ trợ lúa giống cho nông dân.
* Tại Trà Vinh, ông Trần Trung Hiền, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết vừa đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 10 tỉ đồng cho 16.000 hộ dân có lúa thiệt hại do nhiễm mặn và khô hạn cuối vụ đông xuân. Theo đó, hộ bị thiệt hại trên 70% diện tích được hỗ trợ 1 triệu đồng, còn lại hỗ trợ mức 500.000 đồng/hộ.
Theo ông Hiền, kết quả thống kê cho thấy có 11.728ha lúa của hơn 16.000 hộ dân trong tỉnh bị thiệt hại do nhiễm mặn và khô hạn. Hiện nay nông dân trong tỉnh chỉ mới xuống giống vụ hè thu được 20% diện tích do ảnh hưởng nước mặn và khô hạn. Tới đây khi mưa xuống, nông dân mới dám xuống giống tiếp.
H.ĐỒNG - H.LINH - T.LỘC - N.HẬU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét