Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

“Đánh hơi” tăng giá, găm xăng dầu


Hiện tượng khan hiếm xăng dầu bất thường ở nhiều tỉnh, TP chủ yếu do hệ thống phân phối găm hàng vì đồn đoán giá mặt hàng này sẽ tăng. Các doanh nghiệp đầu mối khẳng định không thiếu xăng dầu

Theo tin từ Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 5-5, nguồn nhiên liệu lưu kho hiện không thiếu, bảo đảm cung ứng cho thị trường trong 30 ngày. Petrolimex đã ký hợp đồng cho cả quý II với tổng lượng xăng dầu nhập khẩu lên đến 5 triệu m3, đủ cung ứng cho cả 6 tháng đầu năm. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, cùng ngày cho biết mỗi tháng Saigon Petro cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 m3 xăng dầu các loại.
Hiện nguồn hàng nhập về vẫn bình thường, hàng trong kho luôn bảo đảm ở mức đủ cung cấp từ 20 ngày đến 40 ngày. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác cũng cho biết việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay không gặp trở ngại nào; nguồn cung cấp từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã bình thường trở lại từ giữa tháng 4 qua.
Đóng cửa, ngừng bán hoặc chỉ bán cầm chừng
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm xăng dầu lại diễn ra ở các tỉnh ĐBSCL những ngày qua.
Dọc Tỉnh lộ 955B, đoạn từ thị trấn Ba Chúc đến các xã Lương Phi, Châu Lăng về trung tâm huyện Tri Tôn - An Giang và Tỉnh lộ 948 từ thị trấn Nhà Bàn qua Chi Lăng về huyện Tri Tôn, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều cây xăng đóng cửa im ỉm vào ban ngày.
Chúng tôi ghé cây xăng Hữu Thành Tài ở xã Lương Phi giữa trưa 5-5, hàng rào sắt đã chắn ngang; bên trong, nhân viên đang lăn ra ngủ.

Cây xăng Kim Liên ở huyện Kiên Lương - Kiên Giang ngày 5-5 bán nhỏ giọt. Ảnh: Quốc Dũng
Theo một số người dân sống gần đó, nhiều ngày qua, cây xăng này chỉ bán 20.000 đồng/xe và không ít lần bất ngờ đóng cửa. Chủ một cửa hàng xăng dầu khác trên Tỉnh lộ 948 cho biết mỗi tuần, cây xăng của ông chỉ được rót vài ngàn lít nên đành phải bán nhỏ giọt. “Hiện tôi chỉ bán 20.000 đồng/xe/lần. Từ đây qua huyện Tri Tôn có nhiều cây xăng đóng cửa lắm” - ông ta nói.
Tại tuyến Quốc lộ N1 từ thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang đến thị xã Hà Tiên - Kiên Giang cùng ngày, chúng tôi nhận thấy hầu hết các cây xăng cũng đóng cửa, ngừng bán.
Dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc các huyện, thị, TP của tỉnh An Giang cũng có nhiều cây xăng đột ngột đóng cửa. Trong khi đó, nhiều “cây xăng cục gạch” bên ngoài đã lợi dụng tình hình để tăng giá xăng dầu vô tội vạ.
Ông Phan Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, thừa nhận tình trạng trên đã diễn ra những ngày qua. QLTT đã tung lực lượng đi kiểm tra. “Nếu phát hiện cây xăng nào còn hàng mà ngưng bán hoặc đóng cửa sớm bất thường, chúng tôi kiên quyết lập biên bản xử lý” - ông Lợi nói.
Bán theo giá… 15 - 30 ngày tới!
Tình trạng khan hiếm xăng dầu cũng đang diễn ra đáng báo động tại tỉnh Kiên Giang. Nhiều chủ tàu cá than không mua được xăng dầu để tiếp liệu cho các tàu đang đánh bắt trên biển.
Ông Bảy Lam, một chủ tàu cá cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, cho biết 3 ngày trước, ông chạy khắp nơi tìm mua dầu nhưng không có. “Mấy người bạn nghề của tôi ở huyện đảo Phú Quốc cũng đang nóng ruột vì không mua được dầu” - ông Lam nói.
Ông Trần Hon, chủ 4 chiếc tàu cá ở TP Rạch Giá, than thở: “Vì thiếu nhiên liệu, hiện 4 chiếc tàu của tôi đều nằm bờ, chưa biết khi nào mới ra khơi đánh bắt trở lại”.
Ngư dân Trịnh Văn Xì ở thị xã Hà Tiên than giá dầu liên tục tăng từ đầu năm đến nay đã đẩy chi phí một chuyến đi biển (1 cặp tàu = 2 chiếc) lên gần 1 tỉ đồng. Anh em thủy thủ, thuyền viên ngao ngán, không còn tha thiết với nghề vì thu nhập chẳng bao nhiêu.
Ông Nguyễn Văn Lực, một chủ tàu cá ở TP Rạch Giá, cho rằng các cây xăng ở địa phương vẫn còn hàng dồi dào và sẵn sàng bán khối lượng lớn với điều kiện khách phải… mua thiếu!
“Muốn bao nhiêu dầu cũng có, có điều là tiền sẽ được trả theo giá mới của thị trường trong khoảng 15 - 30 ngày tới. Đó là một kiểu làm giá” - ông Lực bức xúc.
Do hoa hồng giảm hay chờ giá lên?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần do có thông tin giá xăng dầu sắp tới sẽ tăng nên các cửa hàng găm hàng chờ giá lên, phần vì nhiều chủ cây xăng không “mặn mà” bán hàng bởi khoản hoa hồng bị cắt giảm mạnh.
Nhiều đại lý xăng dầu cấp 1 cho biết sau đợt tăng giá xăng dầu hôm 29-3, họ được các doanh nghiệp đầu mối tăng hoa hồng lên 400 đồng - 500 đồng/lít nhưng đến giữa tháng 4, hoa hồng bắt đầu giảm và đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, chỉ còn 100 đồng - 150 đồng/lít, thậm chí có đầu mối cắt mạnh, chỉ còn 70 đồng/lít.
Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (đại lý cấp 1) tại TPHCM, mức hoa hồng hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho đến cây xăng. Các cửa hàng xăng giờ đây gần như không có chút hoa hồng nào nên họ phải bán nhỏ giọt, nếu càng bán nhiều thì càng lỗ nặng.
Ông Đặng Vinh Sang cho biết trong tháng 4 vừa qua, mức lỗ của doanh nghiệp lên đến 1.000 đồng - 1.200 đồng/lít xăng dầu. Tuần qua, mức lỗ tăng lên 1.200 đồng - 1.400 đồng/lít do giá xăng dầu thế giới tiếp tục lên. Do đó, dù biết các đại lý xăng dầu đang bị lỗ khoảng 100 đồng/lít nhưng doanh nghiệp đầu mối không thể tăng hoa hồng.
Từ hiện tượng trên có thể thấy các cửa hàng xăng dầu đã và đang “đánh hơi” tin đồn tăng giá mặt hàng này. Trước đó, vào những ngày cận thời điểm tăng giá xăng dầu mới nhất (29-3), ở ĐBSCL, các cửa hàng cũng bán nhỏ giọt hoặc ngưng bán hẳn và sau đó không lâu thì giá xăng dầu… tăng thật! 
Thiếu nguồn cung, gas tăng giá
Từ giữa cuối tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thiếu hàng trầm trọng. Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty Khí hóa lỏng Cội Nguồn, cho biết công ty thiếu 20% lượng hàng, phải tìm mua hàng nhiều nơi để bù lại nhưng rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP MT Gas, thời gian qua, công ty thiếu hàng do nguồn cung trong nước thiếu hụt, doanh nghiệp phải nhập khẩu nhưng gas về bị trễ. Một doanh nghiệp kinh doanh gas lớn tại TPHCM cho hay nhiều công ty khác đã tìm đến đơn vị để “mượn” hàng với số lượng lớn nhưng công ty này không thể đáp ứng.
Các doanh nghiệp gas cho biết nguồn cung trong nước đầu tháng 5 này đã bình thường trở lại nhưng họ vẫn chưa thể nhập hàng đúng tiến độ mà luôn bị trễ nhiều ngày.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng nguồn gas trên thế giới không thiếu nhưng do doanh nghiệp Việt Nam không chủ động ký hợp đồng dài hạn mà chỉ ký mua hàng đơn lẻ nên giá bị đẩy lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước.
N.Hải
Quốc Dũng - Nguyễn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét