Từ tháng 5, mức lương cơ bản mới được áp dụng cho những người hưởng lương Ngân sách. Hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được chi ra để tăng lương là một nỗ lực lớn Chính phủ. Với nhiều người được hưởng lương, tăng lương là niềm vui nhưng luôn đi kèm với nỗi lo.
Tiền lương tăng nhưng đồng tiền mất giá, tiền lương tăng nhưng mức lương vẫn quá thấp... không đáp ứng đủ nhu cầu sống khiến cho ý nghĩa tăng lương cứ nhạt dần.
Tăng thành giảm
Bảng lương hiện nay của Nhà nước, ngoài việc được áp dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước thì còn được sử dụng tại các đơn vị, tổ chức nhà nước nhưng hoạt động tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp có thu; các DNNN... Vì thế, mỗi lần tăng lương không chỉ có công chức, viên chức mà rất đông đảo người lao động đều thuộc diện điều chỉnh.
Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh lại khác nhau. Vì thế mới có chuyện, lương tăng mà thu nhập lại giảm.
Minh Thành, đang làm ở trung tâm dịch vụ của một viện nghiên cứu về cơ khí và kỹ thuật, cho biết, làm ở viện là thuần túy ăn lương ngân sách nhà nước. Song, trung tâm dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ lại là một bộ phận làm dịch vụ và có nguồn thu về cho cơ quan. Nhờ đó, nhân viên trung tâm có khoản thu nhập, được gọi là lương, gồm 2 phần: lương nhà nước cộng thêm khoản thu nhập từ hiệu quả kinh doanh của trung tâm. Mức thu nhập này thường cao gấp 2-2,5 lần lương nhà nước.
Cụ thể, hiện trung bình lương tháng của Thành khoảng 6 triệu đồng. Mức lương chung thường giữ khá ổn định và chỉ tăng khi kết quả kinh doanh của cơ quan tăng đột biến hay người lao động làm việc hiệu quả cao. Còn việc nhà nước tăng lương cơ bản chưa bao giờ là yếu tố để tăng tổng thu nhập.
Vì thế, mới xảy ra nghịch lý lương tăng mà thành giảm. Minh Thành giải thích, tổng lương là 6 triệu, dù nhà nước có tăng nhưng lương cơ quan trả sẽ không có gì thay đổi. Nếu phần lương từ nhà nước trả tăng lên thì phần từ hiệu quả kinh doanh sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, khi lương nhà nước tăng thì kéo theo các khoản đóng góp như bảo hiểm y tế, xã hội, các loại phí đều tăng... Như thế, số tiền thực trả giảm đi. Đấy là chưa kể, những khoản đóng góp bất thường khác đều tính theo ngày lương mới của nhà nước nên cũng phải đóng nhiều hơn.
Còn Thu Hoàn, đang là nhân viên kế toán của một công ty thuộc ngành bưu điện - DN chưa cổ phần hóa. Khoản lương thực nhận của Hoàn hiện khoảng 7 triệu.
Tuy không ăn lương từ ngân sách nhưng lương cũng có hai phần khá rõ ràng. Một phần tình theo bảng lương nhà nước để làm căn cứ tính các khoản phí và bảo hiểm, một phần như là lương hiệu quả kinh doanh. Thế nên, cũng như Thành, khi lương nhà nước tăng thì các khoản đóng góp tăng theo nhưng tổng thu nhập không tăng.
Do vậy, khi lương tăng, mọi người lo lắng sẽ không bằng mức tăng giá, thậm chí có người còn cực đoan cho rằng đừng tăng lương còn hơn. Song, Thành và Hoàn lại chính là người có nỗi niềm nhất. Họ vừa chịu thiệt thòi phần nào khi tăng lương do thu nhập không tăng mà lại giảm, còn giá cả thị trường vẫn tăng với lý do tăng lương.
Tương tự với các cơ sở và DN này, mỗi lần tăng lương, điều họ lo không phải là quỹ lương tăng lên mà chính là các khoản đóng góp ngày càng nhiều của DN cho người lao động.
Thờ ơ với tăng lương cơ bản
Mỗi lần nhà nước tăng lương là cả một cố gắng lớn. Chính phủ phải tính toán, cân nhắc, không chỉ là con số mấy ngàn tỷ đồng ở đâu ra mà còn lo làm gì để đảm bảo các yếu tố ổn định thị trường và nền kinh tế. Vì thế, tăng lương luôn là sự kiện được chuẩn bị kỹ và được cơ quan quản lý tập trung thực hiện.
Tuy nhiên, đối với trường hợp những tổ chức và DN trên thì tăng lương chưa hẳn đã là điều quan trọng và đáng quan tâm.
|
Lương cơ bản đã không còn được quan tâm nhiều, và đang mờ dần vai trò trong nhiều đơn vị mang "mác" nhà nước (ảnh anninhthudo). |
Trước hết, dưới góc độ là những đơn vị tự chủ, gần như quỹ lương đã được đóng khung từ sớm cùng với cách chi tiêu, phát triển kinh doanh và lợi nhuận. Việc tăng giảm lương phần lớn được quyết định bởi hiệu quả kinh doanh và các quy định của đơn vị. Còn lương cơ bản với ý nghĩa "quản lý gốc" và tính toán các khoản phải nộp theo quy định, nên dù có tăng, cũng không được quan tâm nhiều bởi không gây ảnh hưởng đến nguồn chi của đơn vị.
Chính vì thế, cách điều chỉnh như trên đã trở thành thông lệ ở hầu hết các tổ chức và DN còn thực hiện các quy định nhà nước nhưng thu nhập thực tế lại đã dần theo cơ chế của thị trường. Động tác đơn giản được thực hiện mỗi khi tăng lương là các đơn vị sẽ điều chỉnh lại cơ cấu và thu thêm các khoản phải thu từ người lao động; đồng thời, chi thêm một khoản không lớn để nộp bảo hiểm theo quy định mà không bao giờ phải lo chuyện tăng lương thì tăng chi.
Giám đốc một công ty kinh doanh điện tử nhận xét, đối với DN ông, điều chỉnh lương không có gì phải suy nghĩ nhiều vì nhân công ít ỏi, mức lương thực tế hiện đã cao hơn lương cơ bản nhiều lần. Khoản đóng thêm thì cả hai bên cùng chịu nên không có thay đổi nhiều.
Ai cũng hiểu, muốn tăng lương thì bản thâa phải làm việc hiệu quả và DN có lợi nhuận lớn, chứ không thể dựa vào lương cơ bản dù các thang bảng lương ở đây đều theo quy định nhà nước.
Các đơn vị khác trong trường hợp này cũng đều có chung một cách hành xử như trên.
Tuy nhiên, khó khăn hơn có thể sẽ đến với một số DN có số lượng nhân công đông khi phần đóng góp của đơn vị sử dụng lao động tăng lên.
Từ phía người lao động, trong trường hợp này họ đã không được lợi, và tất nhiên việc tăng lương sẽ không còn là sự kiện quan trọng lắm, ngoài việc sẽ được hưởng một mức lương hưu hay phụ cấp tốt hơn khi nghỉ việc trong tương lai.
Hơn thế, với mức lương cơ bản mới nhất là 830.000 đồng/tháng thì vẫn còn thấp so với thu nhập và giá cả thị trường cũng như nhu cầu thực tế. Do vậy, điều quan tâm nhất là phải tìm mọi cách để có thu nhập "riêng" cao lên chứ không trông chờ vào lương cơ bản.
Thực tế này cho thấy, tăng lương cơ bản dù là một sự kiện lớn nhưng nó không có ý nghĩa nhiều đối với những trường hợp trên, và càng ít ý nghĩa hơn nếu so với thu nhập hiện tại và chi tiêu cần thiết của người dân. Vì thế, lương cơ bản đã không còn được quan tâm nhiều, và đang mờ dần vai trò trong nhiều đơn vị mang "mác" nhà nước như trên.
Mới đây, trong tống kết về cải cách hành chính, các cơ quan quản lý đã nói đến mục tiêu 10 năm nữa thì "người nhà nước" có thể sống bằng lương. Đó là cả một lộ trình dài với nhiều nỗ lực liên tục cả từ tăng lương, nâng cao hiệu quả lao động, tổ chức bộ máy hiệu quả, đồng thời bình ổn được giá cả và giá trị đồng tiền.
Có như thế, đồng lương mới có giá và người lao động sống được bằng lương. Còn hiện nay, lương cơ bản dù có tăng cũng không là yếu tố quyết định trong thu nhập của người làm công trong khu vực nhà nước.
Điều mà các tổ chức và người lao động quan tâm là bằng nhiều cách để có thu nhập cao nhất trước khi nghĩ đến viễn cảnh có thể sống bằng lương.