Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Kịch bản nào cho cuộc cờ này?

Nguyễn Gia Kiểng -
Một người bạn bảo tôi: "Đọc những bài của anh hơi
nhức đầu". Vậy thì lần này tôi phải đổi đề tài, nhất
là lúc này bắt đầu vào hè, nhiều bạn đọc sắp hoặc đã
đi nghỉ, bài này có thể sẽ được đọc trên bãi biển,
dưới bóng dù che nắng trong thời gian nhàn hạ. Cũng có những
bạn sẽ đánh cờ giải trí. Vậy xin hầu chuyện các bạn về
môn cờ.

Tôi còn nhớ rất rõ cái ngày mà trình độ đánh cờ của tôi
tiến một bước nhảy vọt. Đó là một buổi chiều mưa. Khác
với những trận mưa hè của Sài Gòn, xối xả nhưng ngắn
ngủi, như Nguyên Sa mô tả ("em chợt đến chợt đi anh vẫn
biết, trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu"), cơn mưa
này khá dài. Anh em tôi đang chơi cờ dưới mái hiên thì một
bác đạp xích-lô dừng lại, đậu xe ở trước cửa và đến
bên cạnh chúng tôi để trú mưa. Bác ngồi xuống cái ghế
đẩu và nhìn chúng tôi đánh cờ. Một lúc sau bác nói: "Các
cậu chưa biết đánh cờ".

Chưa biết đánh cờ? Lúc đó tôi đã 14, 15 tuổi rồi. Anh em
tôi đều đánh cờ từ hồi năm, sáu tuổi. Như vậy là chúng
tôi đã có gần mười năm kinh nghiệm rồi. Chúng tôi không
những biết đi quân (mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo
cách) mà còn biết nhiều nước: chiếu tướng bắt xe, tiền mã
hậu pháo v.v. Chúng tôi biết đánh cờ. Ông xích-lô này đúng
là nói bậy.

Thấy chúng tôi bất mãn, ông bèn đề nghị đánh thử vài bàn.
Và quả nhiên là ông hạ chúng tôi chớp nhoáng. Ông này đi
quân gần như không cần suy nghĩ. Hình như ông biết trước
phải đi nước nào, có ai đó cầm tay ông đánh cờ. Ông làm
chúng tôi ngạc nhiên và thán phục. Sau cùng, thấy chúng tôi có
vẻ dễ thương, ông chỉ bảo:

- Đánh cờ là để bắt tướng chứ không phải để bắt con
xe, con ngựa. Vậy các cậu phải học cách bắt tướng như thế
nào. Đó là các thế làm thua. Có nhiều thế làm thua lắm. Đi
quân, bắt quân chỉ là để dần dần tiến đến những thế
đó. Càng biết nhiều thế làm thua càng giỏi đánh cờ, thế
này không được thì chuyển sang thế khác. Quen với những thế
làm thua các cậu sẽ dần dần biết cách tiến đến đó. Đánh
cờ là như thế.

Rồi ông chỉ cho chúng tôi những thế chiếu bí. Tất cả
những nước đó chúng tôi đều đã biết, nhưng chỉ thấy khi
chúng đã hiện ra trước mắt. Điều độc đáo là bằng một
vài thí dụ ông dạy cho chúng tôi hiểu rằng đánh cờ là tìm
cách đi đến những thế cờ đó. Tôi chợt hiểu tại sao ông
cụ bên cạnh nhà tôi tối ngày cứ đem những cuốn sách cờ
thế ra đánh một mình. Thì ra ông ấy học đánh cờ.

Cơn mưa tạnh, ông xích-lô từ giã ra đi, sau khi dặn riêng tôi
một lần chót, có lẽ vì thấy tôi nghe chăm chú nhất:

- Cậu nên học thuộc lòng càng nhiều thế cờ càng hay. Học
thật kỹ và tìm cách đưa địch thủ vào những thế đó.

Ông ra đi và tôi bắt đầu hiểu thế nào là đánh cờ. Tôi
bắt đầu biết học cách đánh cờ. Tôi khám phá ra một điều
kỳ thú là từ trước tôi cứ tưởng mình biết đánh cờ mà
thực ra không biết gì, ngay cả học đánh cờ!

Tôi đem câu chuyện kể với bố tôi. Bố tôi đáp: "Thì đúng
là thế chứ còn gì nữa". Thế nhưng bố tôi không hề chỉ cho
tôi điều đó. Lý do một phần là vì ông không muốn chúng tôi
đánh cờ. Ông thường nói: "Gia trung hữu kỳ nam tử tất suy,
gia trung hữu cầm nữ tử tất dâm" (Nhà có bàn cờ con trai
không khá, nhà có đàn con gái lẳng lơ). Ông muốn chúng tôi
để hết thì giờ học hành. Một phần khác có lẽ là vì ông
cho đó là sự thực hiển nhiên, không nói cũng biết. Nhưng
thực tế là chúng tôi không biết, nếu không tình cờ có cơn
mưa làm ông xích-lô dừng lại nhà tôi.

Từ hôm đó, tôi bớt đánh cờ đi mà thường đem các thế cờ
ra quan sát, từ những thế đơn giản nhất, những "thế làm
thua" như sư phụ xích-lô của tôi nói, dần dần đến những
thế phức tạp hơn. Và tôi hiểu thế nào là đánh cờ. Sự
hiểu biết này có hai tác dụng trái ngược nhau lên tôi: một
mặt tôi đánh cờ khá hẳn lên, mặt khác tôi ý thức được
rằng mình đánh cờ rất kém nhưng lại vui vì ít nhất biết
mình phải học cái gì. Và tôi cũng hiểu tại sao có những
người đánh cờ cao như tiên, có những người đánh cờ thấp
như dế. Lý do không phải ai thông minh hơn ai như người ta
thường nghĩ mà chủ yếu là vì có những người chỉ đánh
cờ mà không học đánh cờ, hay học không đúng phương pháp, do
đó chỉ biết đi những nước đuổi xe, bắt ngựa, chiếu
tướng linh tinh không nằm trong một kịch bản tổng quát nào,
và thua.

Sự nghiệp đánh cờ của tôi dừng lại ở đó vì chẳng bao
lâu tôi phải học thi trung học, rồi tú tài; các anh tôi,
người nhập ngũ, người bận học. Bàn cờ bỏ đó.

*


Rồi tôi du học Pháp và trong những ngày cuối tuần ở nhà
nội trú được các bạn Pháp dạy cho một môn cờ khác: cờ
vua. Tôi không có thì giờ, họa hiếm một tháng chỉ đánh
được một vài bàn thôi. Và dĩ nhiên là đánh cờ rất dở,
nhưng tôi vẫn thường thắng các bạn Pháp của tôi vì ít
nhất tôi hơn họ ở một điểm: tôi biết thế nào là đánh
cờ. Họ cứ tưởng tôi thông minh hơn họ. Sai lầm lớn. Sau
này khi đã ra trường, tôi có thì giờ hơn và đọc một số
sách về cờ vua, nghiên cứu được một số thế cờ. Tuy vậy,
môn cờ của tôi vẫn chỉ đủ để thắng những người mà
chắc ông thầy xích-lô của tôi sẽ gọi là "chưa biết đánh
cờ", dù có thể họ chơi cờ nhiều. Tôi đánh cờ dở nhưng
rất thoải mái vì tôi hiểu tại sao mình kém: đó là vì tôi
không có thì giờ để học hỏi thêm. Và tôi cũng hiểu tại
sao có những tay "kỳ thánh" như Murphy (anh chàng này quá mê
đánh cờ đến phát điên lên mà chết), Steinitz (ông này cũng
là một nhà toán học lớn), Fisher, Karpov, Kasparov (anh này giờ
đây bỏ cờ vua để tranh đấu cho dân chủ tại Nga), và cũng
có những người đánh cờ như tôi. Tôi không mặc cảm, không
ghen tức mà còn thích thú chấp nhận và giữ nguyên sự tồi
dở của mình vì tôi đã giác ngộ. Không nhất thiết phải là
hào kiệt mới có được hạnh phúc.

Sở dĩ tôi không luyện thêm về môn cờ vua vì từ khi tới
Pháp tôi còn có một đam mê khác: chính trị. Thực ra tôi không
thích chính trị, tôi mê nhiều môn khác hơn, đọc tiểu thuyết
chẳng hạn. Tôi đi vào hoạt động chính trị như một nghĩa
vụ, rồi ra không được vì làm chưa xong và tính tôi không
thích bỏ cuộc. Một duyên hai nợ âu đành phận!

*


Một điều tôi nhận xét là chính trị và cờ, cờ tướng cũng
như cờ vua, rất giống nhau. Chả thế mà người Pháp có thuật
ngữ "bàn cờ chính trị", l'échéquier politique. Điểm giống
nhau nổi bật là trong cả hai môn này người ta rất dễ tưởng
là mình đã biết hết lý thuyết dù thực ra không biết và cứ
lăn xả vào hành động, rồi bực tức vì thấy mình không khá
và ganh tị với những người khá hơn mình, coi như một vấn
đề danh dự. Không thiếu trường hợp người ta đánh cờ giao
hữu rồi cãi nhau, giống hệt như trong chính trị người ta
chơi xấu lẫn nhau ngay cả trong cùng một phe. Trong cả hai bộ
môn, tuyệt đại đa số, nhất là người Việt Nam, cho rằng
không cần học nhiều, cứ hành động và học hỏi qua kinh
nghiệm. Cứ nhìn người khác đánh cờ, hay làm chính trị, rồi
theo đó mà làm là xong. Cao hay thấp, giỏi hay dở là do thiên
tư. Và dĩ nhiên là không ai chấp nhận là mình thiếu thông
minh. Thế là không ai chịu ai, và lộn xộn.

Nhiều người đánh cờ cũng rất chịu khó quan sát người khác
đánh cờ và trong lúc đánh cờ cũng cố gắng để suy nghĩ
nhiều nước trước, nhưng họ thiếu cái nhình tổng quát về
triết lý của môn cờ là phải biết rõ những thế thắng để
trong mỗi trường hợp nhìn thấy mình có khả năng tiến đến
thế thắng nào và mỗi nước đi phải là một bước tiến
gần tới thế đó. Nói tóm lại, phải có một kịch bản
chiến thắng và mỗi nước đi phải nằm trong kịch bản đó.
Vì không có cái nhìn chiến lược tổng quát đó họ đánh cờ
một cách lăng nhăng, dù cố nặn óc suy nghĩ, và sau cùng thua,
trừ khi đối thủ cũng là người "chưa biết đánh cờ" như
mình.

Một cách tương tự, trong hoạt động chính trị, trong rất
nhiều trường hợp, có thể nói là trong tuyệt đại đa số
các trường hợp của những người đối lập Việt Nam, người
ta có thể đọc rất nhiều sách báo, sưu tầm rất nhiều tài
liệu nhưng trước đó không đặt câu hỏi thế nào là thắng,
kịch bản nào đưa đến thắng lợi, và muốn thực hiện kịch
bản đó ta cần biết những gì và làm những gì. Cũng như trong
môn đánh cờ, người ta tưởng cứ biết đi quân, bắt xe,
chiếu tướng là biết đánh cờ, trong đấu tranh cho dân chủ
người ta cũng tưởng rằng khi đã biết rằng một chế độ
dân chủ phải có hành pháp, lập pháp và tư pháp, phải có tự
do ngôn luận và báo chí, phải có đối lập và bầu cử tự do
là người ta đã biết hết, vấn đề còn lại là hành động.
Và người ta hành động. Viết báo, viết sách, rủ nhau ra tuyên
ngôn, tổ chức biểu tình, hội thảo… Khi bài báo hay cuốn
sách gây được một chút tiếng vang, khi những cuộc hội thảo
qui tụ được 100 người, những cuộc biểu tình tập hợp
được 1.000 người (có thể chỉ là những cuộc biểu tình
chống Trần Trường hay một vài ca sĩ từ trong nước ra),
những bản tuyên ngôn thu thập được vài trăm chữ ký, người
ta cho là đã thành công. Trong hơn 30 năm qua đã có biết bao
nhiêu là thành công như vậy, nhưng chúng chẳng đóng góp bao
nhiêu cho cuộc vận động dân chủ bởi vì chúng không nằm
trong một kịch bản thắng lợi nào cả. Dĩ nhiên những hành
động này cũng có thể có tác dụng tốt - thí dụ như việc
vận động yểm trợ các hoạt động dân chủ trong nước với
điều kiện là yểm trợ đúng người, đúng việc và đúng
mức - nhưng chúng không đưa ta tới gần thắng lợi của dân
chủ nếu không nằm trong một kịch bản thắng lợi.

*


Có kịch bản thắng lợi nào cho cuộc vận động dân chủ
không? Tôi tin là có.

Trước hết phải định nghĩa thế nào là thắng lợi. Chúng
tôi coi thắng lợi là khi Việt Nam có dân chủ thực sự, nghĩa
là nếu có tự do ngôn luận, có tự do đảng phái và có tự do
bầu cử, ngay cả nếu trong chế độ dân chủ đó đảng cộng
sản tiếp tục cầm quyền. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vì
vậy là tạo ra hoặc tăng cường áp lực buộc đảng cộng
sản chấp nhận luật chơi dân chủ.

Có hai loại áp lực, những áp lực từ bối cảnh quốc tế và
những áp lực đến từ xã hội và quần chúng Việt Nam, trong
đó áp lực quyết định -đồng thời cũng là áp lực mà chúng
ta có thể tác động- là áp lực quần chúng. Cố gắng của
các lực lượng dân chủ như vậy chủ yếu là vận động
quần chúng. Phân tích này chẳng có gì mới, trừ ra là để ý
thức được hai điều : một là cần khuyến khích thay vì ngăn
cản những quan hệ hợp tác của Việt Nam với nước ngoài,
càng hợp tác với các nước dân chủ phát triển nhà nước
cộng sản Việt Nam càng bị áp lực dân chủ hóa từ bối
cảnh quốc tế; hai là đừng nên quá trông cậy vào các nước
dân chủ phát triển, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu; áp lực từ
xã hội Việt Nam mới là quyết định và áp lực này chúng ta
có thể và phải tạo ra

Điều đáng nói là kịch bản chiến thắng rút ra từ phân tích
này. Ở đây rõ ràng là có sự giống nhau giữa những người
đánh cờ như tôi trước khi gặp sư phụ xích-lô và đa số
những người tự coi là đấu tranh cho dân chủ: không chịu
học hỏi và do đó không hiểu kịch bản chiến thắng. Đành
rằng phải vận động quần chúng, cũng như đánh cờ phải có
chiếu bí, nhưng vận động quần chúng như thế nào là một
vấn đề rất khác. Nếu chịu bỏ thì giờ nghiên cứu và học
hỏi người ta sẽ thấy ngay rằng mọi chuyên gia về tâm lý xã
hội và chính trị xã hội đều nhất trí trên một điều :
một khối quần chúng dù đông đảo đến đâu và dù hoàn toàn
đồng ý rằng mình bị ức hiếp cũng không nổi dậy đánh
đổ tập đoàn thống trị. Họ chỉ nổi dậy khi đã hội đủ
hai điều kiện:

- Một là họ ý thức một cách rõ rệt rằng họ là một khối
người liên đới trong một số phận chung đang bị một nhóm
người khác ức hiếp. Nói cách khác, phải có sự hiện hữu
được nhìn nhận một cách rõ rệt của hai tập thể: một
tập thể ta và một tập thể địch. Các phong trào cộng sản
trước đây đã thành công ở một số nước nhờ tạo được
ý thức về một giai cấp vô sản (hay bần cố nông) bị giai
cấp chủ nhân (hay địa chủ) bóc lột.

- Hai là quần chúng chỉ đứng dậy tranh đấu khi có niềm tin
ở thắng lợi. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu về bản
chất, cái khác nhau là ở chỗ trong một hoàn cảnh lịch sử
nào đó có những dân tộc có được niềm tin rằng có thể
thay đổi được số phận. Niềm tin này cũng đã được mọi
nhà nghiên cứu tâm lý, xã hội và chính trị nhìn ra : nó đòi
hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo và tổ chức này phải
mạnh, phải có đủ phương tiện và phải rất gắn bó. Những
tổ chức nhỏ dĩ nhiên là không thể động viên được quần
chúng, và nếu có động viên được một phần quần chúng nhỏ
thì cũng chỉ là để gây thất vọng sau đó, vì động viên
không phải là tất cả, điều quan trọng hơn nhiều là lãnh
đạo và tổ chức quần chúng sau đó, và điều này chỉ những
tổ chức mạnh mới làm được. Nhiều tổ chức thi đua nhau
kêu gọi quần chúng chỉ gây hỗn loạn tâm lý, chia rẽ quần
chúng và cuối cùng kềm giữ quần chúng trong thế thụ động
bất lực.

Trường hợp mà mọi người dân chủ mong đợi, ít nhất trong
lời nói, là thay vì có quá nhiều tổ chức nên có một vài
tổ chức dân chủ mạnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp này
(được coi là lý tưởng vì chúng ta đa nguyên không nên chỉ
có một tổ chức thôi, như thế không khác độc đảng là bao
v.v.) sức mạnh quần chúng cũng không vận động được. Quần
chúng đòi hỏi lãnh đạo và họ không thể nhận cùng một lúc
nhiều chỉ thị. Và nếu do một phép mầu nào đó tất cả
mọi người dân chủ qui tụ trong một tổ chức ? Cũng chưa
đủ nếu tổ chức đó thiếu gắn bó và lãnh đạo thống
nhất. Một tổ chức không có nhất trí dưới mắt quần chúng
giống như một người phân vân chưa biết mình muốn gì. Quần
chúng đòi hỏi một đường lối và những chỉ thị rõ rệt,
xuất phát từ những cấp lãnh đạo bằng xương bằng thịt mà
họ biết và tín nhiệm.

Những gì vừa nói trên đây không phải là một lý thuyết của
riêng ai, đó là những kết luận của mọi nghiên cứu về
quần chúng. Nhưng hình như đa số những người đấu tranh cho
dân chủ không biết hoặc cố tình làm như không biết. Kết
quả là ngay cả những tổ chức vừa mới thành lập với một
số người ít ỏi, chưa có gì bảo đảm là có khả năng và
cũng chưa có gì bảo đảm là có thể làm việc lâu dài với
nhau, đã vội vã ra tuyên ngôn, tuyên cáo kêu gọi quần chúng
đứng dậy. Có khác gì những người "chưa biết đánh cờ"
chiếu tướng một cách vô tác dụng?

Nhiều vị sẽ trả lời rằng những lời kêu gọi đó, cũng
như những bài báo, bài thuyết trình, những cuốn sách công
kích chế độ cộng sản và vận động cho dân chủ cũng có
tác dụng thức tỉnh và giáo dục quần chúng. Đúng, với
điều kiện là phải rất đặc sắc, đó không phải là
trường hợp của đại đa số những văn bản này. Và cũng
chỉ đúng một phần thôi, vì thực ra quần chúng Việt Nam
không còn cần được thuyết phục rằng chế độ cộng sản
hiện nay là độc tài, tham nhũng, bạo ngược nữa. Họ cần
một giải pháp và một niềm tin vào thắng lợi, ho cần được
tổ chức và lãnh đạo. Họ cần một tổ chức dân chủ thực
sự mạnh. (Chúng ta có thể nhận xét rằng chính quyền cộng
sản có thể nương tay với những chống đối cá nhân nhưng
họ rất thẳng tay với các tổ chức và những người mà họ
nghĩ là có thể trở thành những "ngọn cờ" cho một kết hợp.
Họ sợ nhất là đối lập có tổ chức. Họ tỏ ra hiểu biết
hơn nhiều người chống lại họ).

*


Áp lực quần chúng không phải là tất cả, cũng phải kể
đến sức đề kháng của chính quyền. Một đảng cầm quyền
mạnh có thể đương đầu được với những áp lực lớn,
trái lại một chính quyền chao đảo có thể không chịu đựng
nổi những áp lực nhỏ. Ở giai đoạn này, khi sự chán ghét
chính quyền đã là một sự thực, thuyết phục chủ yếu là
thuyết phục những người trong guồng máy đảng và nhà nước
cộng sản về sự cần thiết của một chuyển hóa nhanh chóng
về dân chủ; những phản kháng từ trong lòng chế độ có sức
tàn phá đặc biệt. Điều này không phải ai cũng làm được.
Nhận xét của tôi qua một số tiếp xúc là những người trong
guồng máy đảng và nhà nước cộng sản không đánh giá cao
cả lực lượng đối lập lẫn đa số những gương mặt đối
lập. Đây là hậu quả của tình trạng phân tán xô bồ.

Từ những nhận thức trên, kịch bản đấu tranh tự nhiên là
xây dựng tổ chức và làm yếu đi lực lượng bảo thủ trong
đảng cộng sản. Việc xây dựng tổ chức tự nó cũng là một
kịch bản trong kịch bản chiến thắng của dân chủ. Nó không
giản dị như người ta có thể nghĩ: chỉ cần tìm một số
người có uy tín, tạo một số thành tích và kêu gọi hưởng
ứng. Nếu dễ như vậy thì phe dân chủ đã có một tổ chức
mạnh từ lâu rồi, đâu đến nỗi sau hơn 30 năm dưới chế
độ cộng sản vẫn chưa có nổi một tổ chức dân chủ có
tầm vóc. Kịch bản xây dựng tổ chức phải qua hai giai đoạn
đầu khó khăn: xây dựng một cơ sở tư tưởng và tạo dựng
một đội ngũ cán bộ nòng cốt. Hai giai đoạn này có thể
đòi hỏi nhiều thập niên nhưng nhất định phải trải qua, và
một khi đã hoàn tất thì tất cả phần còn lại của kịch
bản thắng lợi có thể thực hiện nhanh chóng, trong vài năm,
thậm chí vài tháng. Nhưng cho tới nay hai giai đoạn này không
được đánh giá đúng tầm quan trọng và mức độ khó khăn
của chúng.

Có cần một bằng chứng không? Trong nhiều năm lập trường
dân chủ đa nguyên, hòa giải dân tộc, bất bạo động bị
đả kích, rồi sau đó được chấp nhận. Nhưng người ta lại
nghĩ rằng như thế là đủ, không cần những người chủ
xướng nữa, họ chỉ gây sự khó chịu là nhắc lại rằng
chúng ta đã lầm lẫn trước đây. Nhưng một lập trường
chính trị không thể vay mượn. Phải hiểu triết lý nền tảng
của nó và thực sự chấp nhận nó trong trí tuệ và tâm hồn
người ta mới có thể tránh được những mâu thuẫn, nhìn
thấy mối quan hệ của nó với thực tại, nhất là nhìn ra
cách khai dụng nó trong một kịch bản thắng lợi. Một cách
ngây thơ tương tự, người ta nghĩ rằng một số nhân sĩ có
thể «ngồi lại với nhau» và nhanh chóng tạo được một
«lực lượng». Chỉ khi hai yếu tố cần thiết, dự án chính
trị và đội ngũ nòng cốt, đã tạm giải quyết xong mới có
thể nghĩ đến giai đoạn thứ ba là phát triển tổ chức về
số lượng, và cũng phải luôn luôn giữ một tỷ lệ hợp lý
giữa số cán bộ nòng cốt và số thành viên, hay đảng viên
cơ sở. Không thiếu trường hợp những tổ chức tan vỡ vì
phát triển quá nhanh.

Chỉ sau khi đã có tổ chức thực sự và kiểm điểm những
phương tiện cần thiết người ta mới có thể nghĩ đến
những bước kế tiếp. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện
tự nó cũng phải được coi là một giai đoạn trong tiến kịch
bản thắng lợi, bởi vì hoặc là ta có những phương tiện
cần thiết để thực hiện dự án của ta; hoặc là ta sẽ
phải thực hiện dự án của kẻ cung cấp phương tiện.

Và những bước kế tiếp? Một cách giản dị, đó là xây
dựng cơ sở và hậu thuẫn quần chúng, để rồi sau cùng, nếu
cần, tổ chức sự nổi dậy của quần chúng để áp đặt
chế độ dân chủ.

Xét cho cùng thì cuộc đấu tranh cho dân chủ, cũng như mọi
cuộc đấu tranh đổi đời, là một cuộc chiến tranh động
viên, une guerre de mobilisation như người Pháp nói. Một bên là
chính quyền lập luận rằng mỗi người có thể giải quyết
những vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá
nhân, trong khuôn khổ của chế độ hiện tại ; một bên là
những người đối lập cố thuyết phục quần chúng rằng
phải có giải pháp cho toàn dân tộc bằng một thay đổi chế
độ. Một bên khuyến khích chủ nghĩa luồn lách, một bên kêu
gọi kết hợp đấu tranh cho một giải pháp chung. Đây là cuộc
đấu rất không cân xứng bởi vì một mặt chính quyền có
rất nhiều phương tiện, kể cả khả năng làm những nhượng
bộ mị dân nhất thời và, mặt khác, tâm lý chung của mọi
người là tránh gian nguy và trước hết tìm giải pháp cho cá
nhân mình. Bình thường chính quyền thắng. Đối lập chỉ có
hy vọng nếu chứng minh được rằng mình là giải pháp đáng
tin cậy của một tương lai phải đến trong khi chính quyền
hiện tại chỉ là cái đuôi của một quá khứ phải chấm
dứt. Kẻ thù chính của cuộc cách mạng dân chủ không phải
là chủ nghĩa cộng sản mà là chủ nghĩa luồn lách. Hiểu như
thế thì cách làm chính trị nhân sĩ - đấu tranh không tổ
chức hay trong những nhóm một vài người – không đóng góp cho
cuộc vận động dân chủ mà còn gián tiếp hỗ trợ chính
quyền vì đó chính là sự thể hiện chủ nghĩa luồn lách mà
chính quyền cổ võ. Chính mình đã luồn lách thì có tư cách
nào để thuyết phục quần chúng đừng luồn lách?

*


Một điểm quan trọng cần được nói rõ: việc vận động
hậu thuẫn quần chúng có mục đích tạo ra một khả năng nổi
dậy của quần chúng như đình công, biểu tình, chiếm đóng
các cơ quan, xí nghiệp làm sụp đổ chính quyền. Tất cả
những hành động này, nếu có, chỉ xảy ra trong một thời gian
ngắn và không dùng tới bạo lực nên không ra ngoài khuôn khổ
của một cuộc đấu tranh bất bạo động; trong trường hợp
này chính quyền đổ vì không cầm quyền được nữa chứ
không phải bị lật đổ. Tuy vậy chính quyền cộng sản vẫn
có thể ngụy biện rằng đây là một âm mưu gây bạo loạn.
Điều này có vẻ gây bối rối cho nhiều người dân chủ, một
số thừa nhận rằng cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ tuy
về bản chất là bất bạo động nhưng cũng bao hàm những
"hành động mạnh". Một số còn bối rối đến độ lý luận
một cách lúng túng rằng đấu tranh thuần túy bất bạo động
là điều không thể có và do đó dù muốn hay không trên lý
thuyết không thể loại bỏ một khả năng nào. Họ tưởng như
vậy là lý luận chính xác và thành thực, nhưng họ sai và nối
giáo cho giặc. Họ không khác những người đánh cờ mà sư
phụ tôi coi là "chưa biết dánh cờ".

Các bạn đã bao giờ thấy một bàn cờ trong đó con tướng
thực sự bị bắt chưa? Tôi thì chưa bao giờ thấy cả, dù đã
đánh và xem cả nghìn bàn cờ. Bao giờ cũng thế, người ta
chịu thua khi thấy mình hoàn toàn tuyệt vọng. Chính trị cũng
giống cờ tướng ở điểm này. Không cần phải đình công,
xuống đường, chiếm đóng, chỉ cần có khả năng đó là
đủ. Đảng cộng sản sẽ nhượng bộ trước. Họ không mù
quáng đến độ ngoan cố trong một tình thế tuyệt vọng; kiên
trì trong tuyệt vọng là thái độ của những người chiến
đấu cho một lý tưởng cao cả, không phải là trường hợp
của những người lãnh đạo cộng sản hiện nay. Họ sẽ
nhượng bộ nếu hiểu rằng quần chúng một mặt đã chán ghét
chế độ của họ và mặt khác có thể nổi dậy bất cứ lúc
nào theo tiếng gọi và dưới sự hướng dẫn của một tổ
chức dân chủ. Nhất là nếu tất cả những gì chúng ta đòi
hỏi không phải là để tiêu diệt hay hạ nhục họ mà chỉ là
thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc trong một nước
Việt Nam dân chủ, nhìn nhận và bảo đảm quyền lợi, chỗ
đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người. Các
«hành động mạnh» sẽ không xẩy ra. Cuộc tranh đấu của
chúng ta sẽ hoàn toàn không có bạo động.

Điều khó hiểu nhất trong cuộc vận động dân chủ này có
lẽ là ở chỗ ta phải cố gắng động viên quần chúng tham
gia, dù rằng những biến động quần chúng sẽ không cần. Tại
sao? Vai trò của quần chúng là cung cấp phương tiện và nhân
sự, kể cả cán bộ nòng cốt, nghĩa là nuôi dưỡng các tổ
chức dân chủ và tạo ra một khả năng dứt điểm chế độ
bằng hành động quần chúng. Khả năng này sẽ không cần dùng
tới nhưng bắt buộc phải có.

Nhắc lại một lần nữa: khả năng này chỉ có được nếu
dưới mắt quần chúng có một tổ chức dân chủ mạnh.

Như thế cuộc đấu tranh này chủ yếu là cuộc đấu giữa hai
tổ chức, giữa đảng cộng sản và một tổ chức dân chủ mà
ta phải xây dựng ra. Mọi hành động phải được đánh giá
trong cái nhìn này. Những hành động có ích là những hành
động hoặc có tác dụng làm phân hóa đảng cộng sản, hoặc
giúp ta tiến thêm một bước trong tiến trình xây dựng một
tổ chức dân chủ mạnh. Tất cả những hoạt động khác đều
chỉ có tác dụng nhất thời vì không nằm trong kịch bản
chiến thắng, và vì thế không được lôi kéo sự chú ý khỏi
kịch bản chiến thắng.

*


Nhưng làm thế nào để tiến tới thống nhất trong một tổ
chức giữa những người theo chủ nghĩa đa nguyên mà hệ luận
hiển nhiên là có nhiều kết hợp khác nhau? Sự thống nhất
đó có mâu thuẫn với tinh thần đa nguyên không?

Tôn trọng quyền thành lập các tổ chức không đồng nghĩa
với bắt buộc phải có phân tán và chia rẽ, càng không cấm
cản cố gắng thuyết phục để thống nhất hành động trong
một giai đoạn nhất định. Ý thức đấu tranh có tổ chức
sẽ dần dần khiến những hành động ngẫu hứng và những
kết hợp lỏng lẻo nhất thời không được hưởng ứng nữa,
sẽ chỉ để lại những tổ chức nghiêm túc. Giữa các tổ
chức này cũng sẽ có sàng lọc và các tổ chức còn lại sẽ
có đủ sáng suốt để kết hợp với nhau trong một mặt trận
dân chủ với mục tiêu giai đoạn, nhưng lịch sử, là áp đặt
dân chủ. Mặt trận này sẽ không nhốn nháo, nó sẽ có lãnh
đạo đúng nghĩa bởi vì nó là kết hợp của những người
hiểu biết, có quyết tâm và đã trải qua sự sàng lọc. Giữa
những người hiểu biết, hợp tác trong một mục tiêu chung là
điều hoàn toàn có thể được. Những người có bản lĩnh
biết nhìn ra nhau. Sự hình thành của mặt trận dân chủ này
là một cột mốc trong kịch bản dân chủ hóa Việt Nam.

Nguyễn Gia Kiểng
© Thông Luận 2007

“Giá trị Mỹ” và “Lợi ích Mỹ” trong ván bài “Cách mạng hoa nhài”

Lê Nguyên -
Giá trị Mỹlợi ích Mỹ luôn là hai mặt
không thể thiếu trong chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ. Giá
trị Mỹ là những giá trị về mặt tư tưởng, tinh thần, ý
thức hệ, giáo dục, mô hình chính trị và quản trị xã
hội,… tóm lại là những giá trị mà Mỹ luôn tự hào và
quảng bá ra toàn thế giới, xây dựng thương hiệu Mỹ và đi
kèm với đó là mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ra toàn thế
giới.
Trong khi đó, lợi ích Mỹ là những vấn đề gắn liền, trực
tiếp, thiết thân với an ninh quốc gia và quyền lợi kinh tế
của Mỹ. Trong mối tương quan giữa giá trị Mỹ và lợi ích
Mỹ thì có thể nói giá trị Mỹ là lợi ích lâu dài và mang
tính chiến lược của Hoa Kỳ, còn lợi ích Mỹ là trực tiếp
và mang tính chiến thuật, bổ trợ cho giá trị Mỹ.

Thực ra, "giá trị" và "lợi ích" luôn là hai mặt khó
tách rời trong chiến lược ngoại giao của hầu hết các
nước, đặc biệt là các nước lớn; chỉ có điều chúng
biểu hiện khác nhau ở các thời đại và quốc gia khác nhau.

Trong thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô trong quá trình mở rộng
ảnh hưởng ra toàn thế giới cũng có "giá trị" và "lợi
ích" của mình: "giá trị" của Liên Xô gắn liền với
niềm tin mang tính ý thức hệ, hướng tới xây dựng một xã
hội đại đồng theo lí thuyết của chủ nghĩa Marx và các học
thuyết khác nhau giải thích về chủ nghĩa Marx của các đồ
đệ của Marx như Lenin, Stalin,… Đằng sau "giá trị" mang
tính ý thức hệ đó bao giờ cũng là mặt "lợi ích": bành trướng quyền lợi và bảo vệ an ninh
quốc gia của Liên Xô dưới sự cầm quyền của các lãnh đạo
kế tiếp, từ Stalin cho đến khi Liên Xô sụp đổ.


Trong thời hiện tại, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc
– một đối thủ quan trọng nhất của Mỹ hiện nay – cũng
không thể vắng mặt hai bình diện "giá trị" và "lợi
ích." Trung Quốc mang tiền đi khai thác tài nguyên và đầu tư
ở các nước khác chính là phục vụ cho các "lợi ích" của
Trung Quốc.

Đồng thời trong quá trình đó, nó cũng chú ý phổ biến các
"giá trị" của mình, thể hiện ở việc gián tiếp hay trực
tiếp khoa trương về mô hình kinh tế-chính trị của mình cũng
như các giá trị truyền thống mà người Trung Quốc luôn tự
hào.

Đặt các cường quốc trong thế so sánh thì có thể thấy Liên
Xô có phần ảo tưởng và ngây thơ khi xây dựng "giá trị"
cho mình là một niềm tin ý thức hệ có tính không tưởng.
Trong khi đó, Trung Quốc thực ra vẫn còn lúng túng trong việc
chọn lựa các yếu tố để xây dựng "giá trị" cho mình:
yếu tố truyền thống, cụ thể là đạo Khổng, thì chưa chắc
đã phù hợp với thời hiện tại và chưa chắc đã hợp khẩu
vị với các nước xa lạ với văn minh Đông Á.

Thứ nữa, quá chú trọng đến mặt "lợi ích," chỉ tập
trung vơ vét tài nguyên của các nước khác để làm lợi cho
mình, Trung Quốc đã làm các nước nghi kị và cảnh giác trong
quá trình làm bạn với nó, và do vậy, ở khía cạnh nào đó,
Trung Quốc vô hình trung đã huỷ hoại bình diện "giá trị"
của mình.

Có thể nói rằng Mỹ là quốc gia khôn ngoan nhất trong việc
kết hợp và quyền biến các "giá trị Mĩ" và "lợi ích
Mĩ" trong chiến lược ngoại giao của mình. "Giá trị Mỹ"
luôn là yếu tố mà Hoa Kỳ đề cao, tự hào và rao giảng, và
quả thực nó là cái làm nên quyền lực mềm của Mỹ, tạo
nên hấp lực khiến các nước ngưỡng mộ và theo Mỹ.

Song, trong những mối quan hệ đặc biệt nào đó, khi "lợi
ích" đóng vai trò quan trọng hơn và tác động trực tiếp
tới chiến lược toàn cầu của Mỹ, thì Mỹ sẵn sàng phớt
lờ và xem nhẹ yếu tố "giá trị" kia để dung túng và nuôi
dưỡng cho các bộ phận nào đó hoặc các thế lực cầm quyền
tại các quốc gia mà đường hướng cai trị của các thế lực
đó mâu thuẫn với "giá trị Mỹ".

Mặt khác, trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi "lợi ích"
nào đó không còn có cơ hội để tiếp tục duy trì, Mỹ sẵn
sàng đổi chác để giành lấy các "lợi ích" khác lớn hơn.
Thời gian đủ để chúng ta nhìn lại cuộc chiến khốc liệt
của dân tộc trong thế kỉ 20 và nhận thấy rằng chính Việt
Nam là một trong những nước thấm thía nhất ván bài đó trong
cuộc chơi quyền lực của Mỹ.

* * *


Các cuộc xuống đường rầm rộ ở Tunisia, Ai Cập và thế
giới Ả rập nói chung diễn ra đầu năm 2011 này làm chấn
động cả thế giới và sẽ là những sự kiện đi vào lịch
sử trong quá trình nhân loại phấn đấu xây dựng và đi đến
với tự do và dân chủ.

Trải qua những bất ngờ ban đầu về quy mô và thắng lợi
nhanh chóng của các cuộc xuống đường đó – mà giờ đây nó
được đặt tên là "Cách mạng hoa Nhài" – các nhà
nghiên cứu bắt đầu đi sâu tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân
từ nhiều phía của cuộc cách mạng này. Một trong các khía
cạnh đáng quan tâm để hiểu sâu thêm về cuộc cách mạng hoa
Nhài này là mối quan hệ giữa "giá trị Mỹ" và "lợi ích
Mỹ."

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính quyền Mỹ từ triều
đại George W. Bush cho đến triều đại của Barack Obama đã có
các chiến lược ngầm hoặc công khai trong việc xây dựng và
phát triển các tổ chức, hội đoàn để cổ xuý và thúc đẩy
dân chủ tại các nước Ả rập và Bắc Phi. Đó luôn là các
hoạt động nằm trong chiến lược phát triển "giá trị Mĩ"
mà Hoa Kỳ tiến hành từ xưa đến nay, đối với không chỉ
các nước đang bùng nổ cuộc cách mạng hoa Nhài.

Khi bình diện "lợi ích Mỹ" đang cần thiết và cấp bách
hơn trong chiến lược ngoại giao, thì bên cạnh việc thúc đẩy
các giá trị Mỹ thông qua các hoạt động vừa đề cập ở
trên, Hoa Kỳ vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với giới cầm quyền
ở các nước sở tại cho dù họ là những tên độc tài với
chính sách quản lí quốc gia đi ngược lại với các giá trị
Mỹ mà Hoa Kỳ luôn tự hào và thúc đẩy ra toàn thế giới.

Nhưng một khi phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở
các nước đó bùng lên chống lại sự kìm kẹp về chính trị
của giới cầm quyền, thì Mỹ đã thủ sẵn các con bài để
lập tức quay sang đề cao bình diện "giá trị Mỹ," hối
thúc sự ra đi của các chính quyền độc tài, và đằng sau sân
khấu chính trị đó, chắc chắn Mỹ sẽ có các nước đi ngầm
để chính quyền mới được lập nên thay thế chế độ độc
tài tại các nước đó cũng sẽ là các chính quyền có xu
hướng thân Mỹ, bảo vệ các "giá trị Mỹ" và "lợi ích
Mỹ" trong phạm vi tốt nhất có thể được.

Phân tích như vậy không phải để nhìn nhận một chiều và
hoàn toàn thù nghịch với chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa "giá trị" và "lợi ích,"
như vừa được phân tích ở trên, luôn luôn là các yếu tố
cấu thành trong chiến lược ngoại giao của các nước, với
các mức độ, quy mô khác nhau. Là một siêu cường dẫn đầu
thế giới, các bình diện "giá trị" và "lợi ích" đó
thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết trong chiến lược ngoại
giao của Mỹ.

Thứ nữa, như chúng tôi cũng vừa phân tích ở trên, Mỹ là nước vận dụng một cách khôn
ngoan, linh hoạt nhất, quyền biến nhất mối quan hệ giữa
"giá trị Mỹ" và "lợi ích Mỹ" trong chiến lược ngoại
giao toàn cầu của mình nhằm luôn giữ vững được vị trí
thống lĩnh và lãnh đạo thế giới
.

Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng dù sao đi nữa, các "giá
trị Mỹ" cũng chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ, phù hợp
với xu thế phát triển của nhân loại, tạo nên quyền lực
mềm của Mỹ và trở thành hấp lực khó cưỡng đối với
thế giới.

Hơn nữa, phải thấy nguyên nhân quan trọng nhất cho sự bùng
nổ của cuộc cách mạng hoa Nhài phải là bản thân sự khủng
hoảng của mô hình chính trị tại các nước sở tại, sự kìm
kẹp, thiếu tự do về chính trị, sự mâu thuẫn giữa việc
cải cách chính trị không đồng bộ và không theo kịp cải
cách kinh tế, tình trạng độc tài và tham nhũng của giới chóp
bu nắm quyền.

Nếu không có các yếu tố nội tại đó thì cho dù Mỹ có
ngấm ngầm hay công khai thực hiện các chiến lược nào đó
để phục vụ cho chiến lược toàn cầu của mình, thì các
yếu tố bên ngoài cũng khó lòng mà chuyển hoá thành cách mạng
của quần chúng được.

Vậy, bài học nào rút ra cho các nước, đặc biệt là các
nước nhỏ trong đó có Việt Nam, những nước đang trong quá
trình xây dựng kinh tế và hoàn thiện mô hình xã hội, trong
cuộc cờ chính trị thế giới này?

Rõ ràng, bài học thứ nhất phải là dám nhìn nhận vào thực
tế, nhận ra các điểm yếu trong mô hình quản lí kinh tế và
quản trị xã hội của mình để cải tiến, chuyển đổi, phù
hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại. Đó cũng là
việc đánh giá khách quan và sòng phẳng các "giá trị Mỹ"
trong quá trình làm bạn với Mỹ, học tập các điểm tích cực
của nó, các yếu tố khiến Mỹ trở nên một quốc gia hùng
mạnh nhất thế giới và tạo ra hấp lực của quyền lực mềm
khiến cả thế giới ngưỡng mộ và học tập.

Thứ hai, phải nhận rõ mối quan hệ giữa "giá trị Mỹ" và
"lợi ích Mỹ" để luôn có sự tỉnh táo trong việc ra
quyết sách nội trị lẫn ngoại giao đúng đắn. Giá trị Mỹ
hay lợi ích Mỹ, lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn, tất
cả cũng chỉ để phục vụ cho quyền lợi của nhân dân Mỹ,
bởi cho dù là nước Mỹ hay bất kì nước nào cũng vậy, chung
quy lại cũng luôn hoạt động theo nguyên tắc lợi ích.

Do vậy, để thoát khỏi những cảnh bạo loạn đổ máu, để
thoát khỏi thân phận là con tốt luôn có nguy cơ bị "thí"
trên bàn cờ chính trị quốc tế, chỉ còn một con đường duy
nhất: phải xây dựng một nền dân chủ đích thực và phải
trở nên giàu mạnh về kinh tế để có nội lực thực sự.

Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể có được khi người cầm
quyền biết dũng cảm gạt bỏ các ảo tưởng mù quáng hay là
các lợi ích phe nhóm, biết đặt lợi ích của dân tộc, của
nhân dân lên cao nhất, biết nhận ra đâu là quy luật khách quan
phải theo.

Hùng mạnh về kinh tế chỉ có thể được đảm bảo và hỗ
trợ vững chắc bởi cải cách về thể chế chính trị, để
mô hình chính trị của đất nước mình theo kịp với trào lưu
dân chủ của nhân loại, để sự vững mạnh về kinh tế phải
đi kèm với sự giàu có, sự tự do và các giá trị dân chủ
cho mỗi người dân.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể khai thác tối đa mối quan
hệ giữa "giá trị Mỹ" và "lợi ích Mỹ," cũng như
"giá trị" và "lợi ích" của bất kì đối tác nào trong
một thế giới mà xu hướng phụ thuộc lẫn nhau ngày càng trở
nên khăng khít; biến các yếu tố "giá trị" và "lợi
ích" của đối tác thành các yếu tố có lợi và tương
thuận với sự phát triển của chính bản thân Việt Nam.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hi vọng Việt Nam hoá rồng
hay hoá hổ trong cuộc cờ chính trị thế giới ngày càng sôi
động và phức tạp này./.

Nguồn: Văn
hóa Nghệ An

Cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước

Vũ Thành Tự Anh -
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính
đến 31/12/2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước là 287.000 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ
nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh
nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.

Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày
1/11/2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước
(chưa tính Vinashin) là 813.435 tỷ đồng, tương đương với 49%
GDP.

Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính
là 86.000 tỷ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009
(không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã
lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Rõ ràng là nợ của cả DNNN và Chính phủ đều tăng rất nhanh
trong một thời gian rất ngắn, trong đó mức tăng nợ của khu
vực DNNN thật sự đáng lo ngại.

Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ
nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong
năm 2009, khu vực DNNN chiếm không dưới 60% trong tổng tín dụng
nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây là bằng
chứng cho thấy các DNNN là đối tượng được hưởng lợi
nhiều nhất từ chương trình hỗ trợ lãi suất và kích cầu
của Chính phủ năm 2009.

Việc nợ của DNNN và nợ của Chính phủ đang ở mức khá cao,
đồng thời tăng rất nhanh đòi hỏi phải sớm có những biện
pháp quản lý nợ công hiệu quả.

85530_91.jpg

Nội dung quan trọng nhất trong quản lý nợ công là quản lý
rủi ro. Đầu tiên là rủi ro thị trường - chủ yếu liên quan
đến sự thăng giáng thất thường của thị trường. Với
viễn cảnh phục hồi đầy bất trắc, cộng thêm sự lan tỏa
khủng hoảng nợ trên thế giới, thị trường có thể không
mặn mà với trái phiếu chính phủ, đặc biệt là đối với
những quốc gia có mức tín nhiệm tín dụng thấp và triển
vọng tiêu cực. Phương pháp chủ yếu để hạn chế rủi ro
thị trường là đảm bảo sự linh hoạt về thời điểm, cấu
trúc, và các điều khoản của việc phát hành nợ.

Thứ hai là rủi ro lãi suất. Rủi ro này chủ yếu xảy ra đối
với các khoản nợ có lãi suất thả nổi hoặc không được
phòng vệ. Vì tỷ lệ nợ chính phủ với lãi suất thả nổi
của Việt Nam còn thấp nên rủi ro lãi suất không phải là
điều lo ngại trước mắt. Tuy nhiên, vì Việt Nam đã trở
thành một nước thu nhập trung bình nên tỷ trọng các khoản
vay thương mại sẽ tăng. Vì lãi suất thương mại thường cao
và biến động mạnh hơn lãi suất ưu đãi nên trước khi phát
hành nợ, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ ngày càng phải cân
nhắc nhiều hơn tới rủi ro lãi suất.

Thứ ba là rủi ro về dòng tiền. Cho đến nay, nợ ngắn hạn
chiếm chưa tới 15% trong tổng nợ chính phủ của Việt Nam. Tuy
nhiên, việc tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại tệ
đang tăng lên sẽ đòi hỏi Bộ Tài chính phải hết sức thận
trọng trong hoạt động quản lý nợ của mình.

Thứ tư là rủi ro về tỷ giá. Hiện nay khoảng một phần ba
nợ chính phủ của Việt Nam là bằng đồng yen, vì vậy nếu
đồng yen vẫn tiếp tục xu thế lên giá như hiện nay thì gánh
nặng nợ nần cũng gia tăng theo. Tương tự như vậy, với sức
ép của Mỹ và EU, xu thế đồng nhân dân tệ tăng giá là khó
tránh khỏi.

Trong khi đó, tín dụng thương mại bằng nhân dân tệ, đặc
biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng
ở Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng. Chính phủ cũng
như doanh nghiệp vì vậy cần rất thận trọng khi đi vay bằng
nhân dân tệ.

Cuối cùng, rủi ro lớn nhất có lẽ nằm ở hoạt động...
quản lý rủi ro nợ công! Cho đến nay, từ Bộ Tài chính cho
đến các DNNN đều chưa coi trọng đúng mức việc phân tích,
đánh giá, và có biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế rủi ro
khi phát hành nợ.

Cần lưu ý rằng vì nợ của DNNN và nợ của Chính phủ có
tính chất và cấu trúc khác nhau nên cần có những biện pháp
quản lý rủi ro thích hợp. Tuy nhiên, dù nợ ở cấp độ nào
thì cũng phải tuân thủ một số nguyên lý cơ bản: không nên
chấp nhận rủi ro khi không có biện pháp hữu hiệu để thấu
hiểu và quản lý nó; không nên chấp nhận một mức độ rủi
ro vượt quá một ngưỡng an toàn; và không nên chấp nhận rủi
ro nếu không có một sự đền bù thỏa đáng.

Khi bỏ qua những nguyên lý hết sức giản dị nhưng cơ bản
này, một doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng khó khăn,
thậm chí mất khả năng trả nợ, từ đó ảnh hưởng tiêu
cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Trường hợp Vinashin mới đây là một ví dụ điển hình.
Tương tự như vậy, một nền kinh tế cần có chiến lược
quản lý rủi ro nợ tốt để tránh đưa đất nước rơi vào
gánh nặng nợ nần.

Huân chương vắt sữa

Chí Phèo -
baonhandan.jpg
Báo Nhân Dân: Cơ Quan Trung Ương
của ĐCS Việt Nam

Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt
Nam

Tiếng nói của Đảng CS thì đúng 100%(ở VN có hàng trăm tờ
báo là tiếng nói của Đảng CS), còn của nhân dân thì phải
xét lại.

Mới đây, không cần qua trưng cầu dân ý "đồng chí" Đinh Thế
Huynh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nhà báo, ĐBQH,
Tổng Biên tập Báo Nhân dân đã phát ngôn một câu xanh rờn
trước thềm ĐH XI rằng "Việt Nam không có nhu cầu và dứt
khoát không đa nguyên, đa đảng
". Ngài Đinh cứ nghĩ rằng
Đảng CS là tiếng nói của toàn dân hoặc là ngài có ý định
khoác lên người nhân dân VN tấm vải đỏ loét có hình búa
liềm... Có lẽ nhờ cái "tinh thần" quyết tử cho Đảng CS
quyết sinh đó nên "đồng chí" nghiễm nhiên có 1 ghế Ủy Viên
BCT và dĩ nhiên là cũng "nhờ" phát biểu đỉnh cao đó nên
"đồng chí" thăng lên làm Trưởng ban Tuyên Giáo TW. Hoặc giả
"đồng chí" đã biết trước mình nằm trong "cơ cấu" rồi nên
trước thềm Đại hội cũng phải tỏ ra trung thành. "Con
không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo
" , đằng này
chủ lại rất giàu.

Không nói đâu xa xôi, ngay cái tờ báo mà "đồng chí"
từng làm Tổng Biên Tập - một tờ báo không ai đọc, vẫn
tồn tại và phát triển sau 60 năm.

Báo Nhân Dân tất lẽ ngẫu dĩ nhiên là được nuôi bằng "bầu
sữa" của nhân dân, từ đó "bắt buộc" các chi bộ Đảng
phải mua (cũng bằng "bầu sữa" của nhân dân), nên 60 năm báo
vẫn sống khỏe, cực khỏe là đằng khác. Vừa rồi, báo khánh
thành trụ sở mới tại 40 Phạm Ngọc Thạch TP. HCM với diện
tích "vỏn vẹn" 6000 mét vuông với 12 tầng và 2 tầng hầm,
cùng với đó là một số trụ sở tại nước ngoài.

Trước đây, khi chưa có báo mạng, tờ báo Nhân dân chỉ
thấy ở các cơ quan nhà nước, nó được xếp một cách rất
ngay ngắn trên bàn làm việc, không một nếp nhăn, mép phẳng
lì, thơm lừng mùi giấy mới. Và khi mà đống báo đó xếp
thành chồng cao thì người ta đem bán cho các cửa hàng thịt
quay hoặc bánh mỳ pa-tê. Bởi thế mà nhiều khi cầm cái bánh
mỳ đưa lên mồm nhai cũng thấy chữ Nhân Dân to uỳnh oàng.
Báo chủ yếu phát hành đến hệ thống chi bộ Đảng CS. Và
tất nhiên cũng được bán rộng rãi ở các sạp báo. Cũng bởi
báo giá rẻ, nên nhân dân thường mua về để gói đồ, làm
hàng mã, và một số việc... ối giời ơi khác (không biết các
bác thấy sao chứ cháu thấy... nhục dần rồi). Bây giờ hàng
mã đã chuyển qua làm bằng bìa cứng, giấy vệ sinh thì nhiều
loại vừa mềm, vừa rẻ vừa tự tiêu, các hàng bánh mỳ,
thịt quay lại tận dụng những tờ báo như Thể thao - bóng
đá, đọc xong cắt ra làm giấy gói, nên báo Nhân Dân cũng
giảm doanh thu. Mặc dù thế nhưng báo vẫn cố đấm ăn xôi
phát hành 200 ngàn bản / ngày, chưa kể tạp chí hàng tháng,
báo mạng.

Túm cái quần lại thì chả thấy ai khen. Mà chả ai khen thì
mình phải "tự sướng" thôi. "Báo Nhân Dân đã có những
đóng góp quan trọng. Báo đã kiên trì bảo vệ đường lối
Ðổi mới của Ðảng, giữ vững định hướng chính trị,
thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích của báo Ðảng.
Thông tin kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của
Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các
tầng lớp nhân dân. Bám sát tình hình đất nước, những vấn
đề nóng bỏng trong đời sống xã hội...
"

60 năm với 2 Huân chương Hồ Chí Minh (Huân chương dành cho tờ
báo vắt sữa tốt nhất chăng???) nhưng có lẽ "cột mốc chói
lọi" nhất của báo Nhân Dân là số ra ngày 22 tháng 9 năm 1958
với "Công
hàm bán nước
" của cố chủ tịch Phạm Văn Đồng (cháu xin
lỗi lại phải kêu ông dậy).

197263_1613438224684_1498148856_31275461_6442167_n.jpg


Nhân kỷ niệm 60 năm ngày báo ra số đầu tiên và được treo
Huân chương nặng cờ, thiết nghĩ nên có thêm một câu Slogan
cho báo thêm phần hoành tá tràng:

Báo Nhân Dân - Còn Đảng còn báo!

Giấc mộng đầu xuân

TriVu -
Lâu nay đã nghe phong thanh rằng Viện Nghiên Cứu Điện Tử Ứng
Dụng Cao Cấp sắp được thành lập, lại nghe nói ngài Steven
Jobs sẽ được mời về làm giám đốc của viện và định
hướng cho nền công nghiệp điện tử Việt Nam nên tôi cũng
như các đồng nghiệp vui mừng không thể nào tả được, các
giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư phần cứng, phần mềm… ai ai cũng hy
vọng được làm việc tại đây với mong muốn đóng góp phần
nào sức lực nhỏ bé của mình cho tổ quốc.
Này nhé, tuy được đặt tên là Viện Nghiên Cứu Điện Tử
Ứng Dụng Cao Cấp, nhưng viện sẽ không làm những chuyện trên
trời như là cố nghiên cứu làm ra con MCU đầu tiên của Việt
Nam (1) để lấy tiếng (và tiền) rồi không ai xài, không phí
tiền vô việc tìm ra vật liệu Carbon nanotube (2) để (ảo
tưởng) cạnh tranh làm mực in với HP, không đăng ký làm các
đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước để tiêu tốn biết
bao nhiêu tiền thuế của nhân dân mà khả năng ứng dụng thì
rất hạn chế… Viện Nghiên Cứu Điện Tử Ứng Dụng Cao Cấp
sẽ bắt đầu từ những sản phẩm điện tử cơ bản nhất,
tương tự như các sản phẩm điện tử nước ngoài đang tung
hoành tại thị trường Việt Nam. Hàng điện tử có tên tuổi
từ Nhật Bản, Hàn Quốc thì quá mắc, hàng từ nước bạn
phương Bắc thì quá rẻ nhưng chất lượng thì chưa xài đã
hư. Tóm lại, viện sẽ chế tạo và sản xuất ra các sản
phẩm điện tử của kỹ sư Việt Nam, để phục vụ cho người
Việt Nam.

Cụ thể hơn, chắc quí bà con cô bác biết cái đèn pin chứ.
Sản phẩm này ở thôn quê thì cần lắm đấy nhé. Thời những
năm 80 của thế kỷ trước, ai mà sắm được các đèn pin vỏ
bằng inox của Trung Quốc thì quá tốt. Sau hơn 25 năm, nay ở
thôn quê cũng xài đèn pin của Trung Quốc nhưng bóng đèn dây
tóc thay bằng đèn LED, có pin xạc được nhiều lần. Sản
phẩm này độ khó của nó chỉ bằng bài toán lớp 1 đem cho
học sinh lớp 12 giải, cho nên lâu nay các kỹ sư chúng ta đâu
có thèm làm. Nay viện sẽ thiết kế ngay và triển khai sản
xuất bán cho bà con với giá phải chăng, có bảo hành hẳn hoi
và dĩ nhiên là bền ơn đồ Tàu rất nhiều.

Rồi còn nữa, hiện nay tình trạng thiếu điện rất nghiêm
trọng, giá điện lại tăng cao… viện sẽ làm ra bóng đèn
giống như bóng đèn neon vậy đó, nhưng bên trong thì dùng linh
kiện phát sáng là LED lamps (3), bảo đảm ánh sáng sẽ trong
trẻo hơn, tiết kiệm điện hơn, sản phẩm cũng nhỏ gọn
hơn… và tốt hơn các sản phẩm của Tàu bán trên thị
trường.

Rồi cái bàn ủi, cái máy giặt, máy lạnh, đầu đĩa… lâu nay
được sản xuất trên chính xứ mình chứ đâu. Người Việt
mình đi làm công lắp ráp cho người ta mấy chục năm nay rồi,
nay phải tự học lấy cái kỹ thuật, cái công nghệ mà mạnh
dạn làm ra đồ cho dân mình xài… Thay vì phải đổi mấy tấn
lúa để mua cái máy giặt LG, thì nay bà con chỉ mất phân nửa
số đó để mua hàng của Việt Nam vừa rẻ vừa bền. Số
tiền còn lại bà con có thể tích lũy lo cho gia đình mình giàu
có, thịnh vượng hơn.

Rồi cái ông Steven Jobs này, vậy mà hay. Nghe nói hãng của ổng
trước kia đâu có chuyên về điện thoại, vậy mà mấy năm
gần đây ổng âm thầm nghiên cứu và tung ra cái iPhone làm cho
cả thế giới mê mệt, thu vô biết bao nhiêu tiền, làm lợi
rất nhiều cho nước Mỹ. Ổng đâu có viển vông làm chuyện
đội đá vá trời mà cải tiến các chức năng ngay trên cái
điện thoại di động ra đời cách đây chục năm nay rồi để
làm cái sản phẩm của mình. Trong cái bình thường có cái phi
thường là vậy. Cho nên quyết định mời ổng làm giám đốc
của viện là điều hết sức sáng suốt của lãnh đạo. Chỉ
cần ổng chỉ cho kỹ sư mình vài chiêu làm ra cái điện thoại
giá rẻ để người Việt Nam dùng, không phải tốn tiền đô
nhập điện thoại từ nước ngoài về thì lợi ích lớn biết
chừng nào.

***


Tôi đang hứng chí với cái nội dung định hướng của Viện
Nghiên Cứu Điện Tử Ứng Dụng Cao Cấp, sao mà có nhiều lợi
ích cho dân mình quá, rồi đang lo cái CV mình phải viết làm sao
cho hay ho để được lọt vào mắt xanh của ngài Steven Jobs
đây, thì bỗng nghe cái "chát" đau điếng bên vai, rồi nghe
cái giọng quen thuộc hoảng hốt của bà vợ tôi cất lên:
"Anh ơi, lo dậy đi làm. Sao hôm nay ngủ dậy trễ quá vậy,
tám giờ rồi đó".

Tôi vội vàng vùng dậy, đầu nhức như búa bổ. Ôi thôi, vậy
là câu chuyện vừa rồi là mơ chứ không phải thiệt. Chắc là
lâu nay nghe nhiều về chuyện nhà nước lập Viện Nghiên Cứu
Cao Cấp về toán, mời giáo sư Ngô Bảo Châu về làm Giám Đốc
Khoa Học, mà tôi bị nhập tâm, nghĩ rằng ngành điện tử với
nhiều tiềm năng to lớn, thiết thực rồi cũng được quan tâm
như vậy.

Nhưng thôi, chuyện đâu còn có đó, việc của mình phải lo
trước. Tuần rồi đã đi trễ một lần, hôm nay mà đi làm
trễ nữa, cuối tháng này bị trừ lương thì gia đình mình
đói thôi. Tôi chạy vội ra đánh răng, rửa mặt, khoác vội
cái áo, dắt xe ra đường. Ngoài kia, dòng người đông nghẹt
đang bị kẹt xe chen chúc dưới cái nắng bắt đầu chói
chang…

Chú thích:

Nguyễn Trường Tộ hiến kế dụng Tây chặn Tầu để bảo vệ biển Đông của Việt Nam

Nguyễn Thanh Giang -
Tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam
Á và đặc biệt với Việt Nam ngày càng quyết liệt. Sự việc
càng trở nên nghiêm trọng từ khi họ trình ra Liên Hợp Quốc
vào tháng 5 năm 2009 tấm bản đồ hình lưỡi bò "liếm"
hầu như toàn bộ Biển Đông. Họ ngang nhiên bắt bớ, giam
giữ, tịch thu tầu thuyền ngư phủ Việt Nam ngay tại những
vùng biển mà cha ông ta vẫn đánh bắt hải sản từ xưa. Báo
chí Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố: "Phải gia tăng sức
mạnh chấp pháp hải dương tại vùng Biển Đông, xua đuổi và
bắt giữ kịp thời những thuyền cá tác nghiệp phi pháp tại
vùng biển của ta, đồng thời căn cứ vào luật pháp có liên
quan của Trung Quốc tiến hành xử lý, và cũng phải tiến hành
hành động chống bắt giữ, chống xua đuổi, nhằm bảo đảm
an ninh cho ngư thuyền tác nghiệp nước ta"
.
Họ không chỉ ngăn trở các tập đoàn đa quốc gia BP, Exxon…
hợp tác với Việt Nam mà còn sách nhiễu tàu của hải quân Hoa
Kỳ qua lại trên vùng biển này. Cho nên trong một hội nghị
quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, bà
Hillary Clinton, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phải tỏ thái độ
cứng rắn: "Hoa Kỳ, cũng như mọi quốc gia khác, có lợi
ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển
chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển
Đông"
.

Về phía các nước Đông Nam Á, tháng 4 năm ngoái, tàu Ngư Chính
của Trung Quốc đã bị tàu Malaysia bám theo sát suốt 17 tiếng
đồng hồ, cùng lúc, phi cơ chiến đấu của Malaysia đã xuất
hiện và bay lượn liên tục khoảng 15 phút bên trên hai chiếc
tàu này. Kết quả: tàu Ngư Chính của Trung Quốc phải bỏ
chạy.

Đầu tháng 3 năm nay, tàu chiến Trung Quốc đến gây sự với
tàu địa vật lý đang thăm dò địa chấn tại khu vực Reed Bank
– Trường Sa liền bị không quân Philippines săn đuổi bạt
vía.

Trong khi đó, biết là Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép
trên lãnh hải Trường Sa của mình nhưng một tuần sau đó,
ngày 2 tháng 3 vừa rồi Việt Nam mới lên tiếng phản đối;
biết là tàu kẻ cướp Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân ta
nhưng báo chí của Đảng chỉ dám nói chại: "tàu lạ"! Duy
có lần trong một bài bình luận trên đài phát thanh Thành phố
Hồ Chí Minh, người ta nghe thấy tiếng nói của nhân dân địa
phương này dám ví hải quân Trung Quốc như hải tặc Somali:
"Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010
đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc
bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ,
sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ
phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc
làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali"
.

Các nước trong khu vực: Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia,
Brunei và Thái Lan đã cùng với Mỹ thành lập nhóm "Karat"
như một liên minh quân sự bảo vệ cho nhau trước hiểm họa
bá quyền Trung Quốc.

Tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có hai quân cảng ở Guam và
Changi (Singapore). Dư luận cho biết Hoa Kỳ rất muốn thuê cảng
Cam Ranh như Liên Xô trước đây bởi nếu có thêm Cam Ranh thì
sẽ hoàn tất được cụm tam giác bao vây Trung Quốc. So với
mọi căn cứ hải quân của Trung Quốc việc điều quân từ
Vịnh Cam Ranh ra bất kỳ đảo nào ở Biển Đông đều thuận
lợi hơn.

Trước thực trạng đó, một số trí thức ưu thời mẫn thế,
các nhà cách mạng lão thành, các chính khách và cơ quan thông
tấn nước ngoài đặt ra câu hỏi: nên làm gì? Tôi vừa ngợp
trước vấn đề khó và lớn quá, vừa không tiện nói thẳng,
nói thật, chỉ xin được viện dẫn ý kiến của nhà chí sĩ
đại tài Nguyễn Trường Tộ.

Cách đây 143 năm, trong bản văn "Tiễu trừ giặc biển" đề
ngày 15 tháng 10 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ đã cho biết
"đường biển có ba cái hại lớn: Một là gió bão, hai là
giặc biển, ba là người Tây". Trong ba cái hại ấy thì:
"Gió bão thì phạm vào thiên thời, …. làm hại rất ghê
gớm, mãi mãi không thôi, rất khó xử trí", "Còn người Tây
thì giỏi về thủy lộ, nước ta khó chống đỡ được. Chỉ
có cách bình tĩnh mà đối phó, giữ hòa để bao vây, khéo bề
xử sự thì họ cũng chưa vội nhiễu hại ta, mà trái lại còn
giúp ta nữa". Duy bọn "Người Thanh (Trung Quốc) ở trên các
đảo này tụ nhau làm giặc. Đây là số giặc biển nhiều
nhất trên địa cầu. (Trên địa cầu có hai chỗ có giặc
biển, một ở Địa Trung Hải nay đã dẹp yên, duy chỉ có hình
thế Nam Dương - tức Thái Bình Dương thì khác. Người Thanh quá
đông không có cách gì để trừ hết được)
".

Với trí xét đoán mang giác quan thần linh, Cụ nhận định:
"Giặc biển là mối hại chung cho cả nước ta, nạn giặc
này đã lâu lắm rồi chẳng phải một sớm một chiều nữa mà
tương lai cũng không biết đến lúc nào thì hết, nghiễm nhiên
là một giặc dai dẳng. Những thứ giặc khác cũng có lúc bại
vong, chứ bọn giặc biển này thì cha truyền con nối. Nước ta
bị chúng nhiễu hại, nếu chỉ một vài năm còn có thể dần
dà mong khỏi, nếu chỉ có một vài lần còn có thể tìm cách
bắt. Nhưng đến nay chúng tới lui chẳng phải chỉ một hai
năm, cướp bóc giết hại chẳng phải chỉ một hai lần nữa.
Sự tổn thất của công và của tư mỗi năm kể có số vạn,
đường thương mại không thông, hàng hóa ứ đọng, thật là
một cái hại lớn cho sinh dân. Năm này qua năm khác chẳng đã
thiệt hại hằng ức triệu đó sao? Dân ven biển, những nhà
buôn bán giàu sang là cửa họng của cư dân thượng bạn hạ
bạn, thế mà mấy năm nay bị chúng cướp phá giết chóc không
biết bao nhiêu nay đã trở thành nghèo cùng".


Trên cơ sở so sánh tương quan: "Giặc biển so với binh
thuyền người Tây thì cũng như chuột so với hổ mà
thôi"
, Nguyễn Trường Tộ đã khuyên triều đình nên
"Nhờ vào thế lực của Tây": "Nếu ta biết cư xử
thỏa đáng với người Tây thì sẽ cùng nhau sống yên ổn vô
sự, mà lại có thể tăng cường tiễu trừ giặc biển khiến
chúng không dám lui tới"
.

Cụ đưa ra phân tích chi tiết về mối lợi đôi bên để lôi
kéo đồng minh: "Nay nếu ta thành thật đi lại với họ,
coi như anh em, đem việc đó nói rằng: Bọn giặc biển lấy
biển làm vườn, lấy nước làm nhà, ẩn hiện bất thường,
nước tôi có lắm việc không thể phòng tiễu được hết, nay
Tây Nam đã hòa hiếu mà đường đi lại Nam Bắc không thông
như thế cũng chẳng lợi ích gì cho quý quốc, quý soái trước
đã có lời như vậy nay nếu thỉnh thoảng tuần hành trên mặt
biển bắt hết thuyền phỉ giao cho nước chúng tôi xử trị
thì chẳng những thông được đường buôn bán mà còn làm tăng
thêm tình giao hảo giữa hai nước"
.

Dưới đây là trích đoạn nguyên văn di thảo "Tiễu trừ
giặc biển "của Nguyễn Trường Tộ:


"Giặc biển là mối hại chung cho cả nước ta, nạn giặc này
đã lâu lắm rồi chẳng phải một sớm một chiều nữa mà
tương lai cũng không biết đến lúc nào thì hết, nghiễm nhiên
là một giặc dai dẳng. Những thứ giặc khác cũng có lúc bại
vong, chứ bọn giặc biển này thì cha truyền con nối. Nước ta
bị chúng nhiễu hại, nếu chỉ một vài năm còn có thể dần
dà mong khỏi, nếu chỉ có một vài lần còn có thể tìm cách
bắt. Nhưng đến nay chúng tới lui chẳng phải chỉ một hai
năm, cướp bóc giết hại chẳng phải chỉ một hai lần nữa.
Sự tổn thất của công và của tư mỗi năm kể có số vạn,
đường thương mại không thông, hàng hóa ứ đọng, thật là
một cái hại lớn cho sinh dân. Năm này qua năm khác chẳng đã
thiệt hại hằng ức triệu đó sao? Dân ven biển, những nhà
buôn bán giàu sang là cửa họng của cư dân thượng bạn hạ
bạn, thế mà mấy năm nay bị chúng cướp phá giết chóc không
biết bao nhiêu nay đã trở thành nghèo cùng. Thử xem nội tình
hình Ba Trang hiện nay đã không nói hết được, thì suy ra cả
nước cũng có thể biết như thế nào. Có hằng sản mới có
hằng tâm, dân nếu đói khổ thì tuy có bụng thích việc nghĩa
việc công cũng chẳng làm được gì. Sở dĩ nước Anh cường
thịnh cũng chỉ do trước hết thi hành cái kế sách làm cho
của cải dồi dào, và sửa sang binh bị cũng lấy việc nuôi
dân làm trước hết. Như thế có thể nói họ biết được cái
căn bản. Nước ta một mặt là bờ biển, đất hẹp mà dài,
đường bộ khó đi lại, không như hình thế nước khác hoặc
tròn hoặc vuông đi lại không xa. Cho nên cái mà ta nhờ vào đó
để lấy xa làm gần thì duy chỉ có đường biển mà thôi.

Nhưng đường biển lại có ba cái hại lớn: Một là gió bão,
hai là giặc biển, ba là người Tây. Muốn trừ được ba cái
hại đó thì chỉ có kế khai cảng. Ở đoạn cuối trong bài
"Tế cấp bát điều "tôi đã nói kỹ. Đó là kế hay nhất.
Thứ đến, tuy cũng có những mưu kế khác nhưng đều thiếu
sót không được trọn vẹn, trong cái lợi có cái hại, tôi xin
phân tích như sau:

Đường duyên hải nước ta từ Quảng Yên trở vào từ Bình
Định trở ra là một trong ba đường gió bão trong địa cầu
này. (Ba đường gió bão ấy là: Một ở biển ta, một ở vịnh
Mạnh Gia Ấn Độ và một ở vịnh Mạch Tây Ca ngoài ra không
đâu có gió bão nữa). Biển thì ba mặt Đông Nam Bắc có rất
nhiều đảo đếm không hết. Người Thanh ở trên các đảo này
tụ nhau làm giặc. Đây là số giặc biển nhiều nhất trên
địa cầu. (Trên địa cầu có hai chỗ có giặc biển, một ở
Địa Trung Hải nay đã dẹp yên, duy chỉ có hình thế Nam Dương
- tức Thái Bình Dương thì khác. Người Thanh quá đông không có
cách gì để trừ hết được). Gió bão thì phạm vào thiên
thời, giặc biển thì phạm vào địa lợi, cả hai thứ đó làm
hại rất ghê gớm, mãi mãi không thôi, rất khó xử trí. Còn
người Tây thì giỏi về thủy lộ, nước ta khó chống đỡ
được. Chỉ có cách bình tĩnh mà đối phó, giữ hòa để bao
vây, khéo bề xử sự thì họ cũng chưa vội nhiễu hại ta, mà
trái lại còn giúp ta nữa. Trong các bài từ trước tôi đã
bẩm rõ. Nói về việc khai cảng thì rất cần thiết đối với
việc trừ hai cái hại gió bão và giặc biển nói trên (Trước
đã bẩm rõ sự lý, nay không nói nữa), còn đối với người
Tây thì tựa hồ như chưa cần thiết. Nhưng cứ theo như bài
tôi đã nói trước đây là sau này khi ta đã đủ sức gây khó
khăn cho họ thì cái khoản đó (khai cảng) thật là thượng
kế. Cái lợi hại của nó gió bão giặc biển không sao so sánh
được. Cho nên khai cảng là một kế lớn có lợi dài lâu cho
nước ta, thế mà nhiều người không hiểu rõ cái quan hệ lợi
hại đối với quốc dân sau này, chỉ thấy cái cực nhọc tạm
thời trước mắt mà bàn chuyện cản trở, đó là điều do
chưa suy kỹ mà thôi. Bởi vì thói thường người ta chỉ lo
cứu hoạn mà không biết lo làm sao cho mối hoạn không sinh ra.
Đợi cho hoạn nạn sinh ra rồi thì ngày nào cũng lo cứu không
xong còn nói gì đến lợi được nữa? Nếu khiến cho hoạn
không sinh thay vì cứu hoạn thì có thể nói rằng khai cảng là
khiến cho hoạn không sinh ra vậy. Cho nên mới bảo đó là kế
rất hay. Nếu ta biết cư xử thỏa đáng với người Tây thì
sẽ cùng nhau sống yên ổn vô sự, mà lại có thể tăng cường
tiễu trừ giặc biển khiến chúng không dám lui tới. Hai việc
đó còn có thể làm được, còn đối với gió bão mà không
mở cảng thì không thể làm được. Nếu đường cảng làm
thành rồi, thì ba cái nạn kia không thể làm hại ta được
nữa, như thế mới là kế vạn toàn. Trong bài từ trước tôi
đã nói rất rõ nay chỉ nói sơ qua lý lẽ của nó mà thôi.
Đấy là kế sách lâu dài không phải là việc có thể làm trong
một lúc. Nay trong những việc cấp bách tuần tự có bốn
điều kế sách sau đây tưởng cũng có thể làm được:

1. Nhờ vào thế lực của Tây.

Vì bấy lâu ta bị bọn giặc bể cướp phá giết chóc, đến
quan lính cũng không thể phòng chế được, huống nữa thường
dân trong tay không có một tấc sắt. Việc đó từ lâu mọi
người đã tai nghe mắt thấy, thiên hạ không ai không biết,
không thể che giấu được. Nước ta sở dĩ bị người ta xem
là yếu hèn vì có nhiều lẽ mà đấy là lẽ thứ nhất. Giặc
biển so với binh thuyền người Tây thì cũng như chuột so với
hổ mà thôi. Đến bọn phỉ hèn mọn như thế mà ta còn không
thể tiễu trừ được huống chi là kẻ địch lớn. Cho nên
bảo rằng ta yếu là vì thế. Nay nếu không mượn binh lực
của họ thì hèn yếu mà vẫn không được lợi gì, vẫn hoàn
hèn yếu. Nếu họ thay ta tiễu trừ thì tuy mang tiếng hèn yếu
nhưng được lợi lớn, cái tiếng hèn yếu tuy không khác, nhưng
lợi hại thì có khác, những cái đó đều do ta cả. Xưa kia
Thân Hậu nhờ Nhung binh trừ nội loạn, Đường Thái Tôn nhờ
Đột Quyết lấy thiên hạ, cho nên nói chịu nhẫn nhục để
được việc lớn thì có gì xấu hổ đâu? Nay nếu ta thành
thật đi lại với họ, coi như anh em, đem việc đó nói rằng:
Bọn giặc biển lấy biển làm vườn, lấy nước làm nhà, ẩn
hiện bất thường, nước tôi có lắm việc không thể phòng
tiễu được hết, nay Tây Nam đã hòa hiếu mà đường đi lại
Nam Bắc không thông như thế cũng chẳng lợi ích gì cho quý
quốc, quý soái trước đã có lời như vậy nay nếu thỉnh
thoảng tuần hành trên mặt biển bắt hết thuyền phỉ giao cho
nước chúng tôi xử trị thì chẳng những thông được đường
buôn bán mà còn làm tăng thêm tình giao hảo giữa hai nước.
Như thế họ sẽ vui lòng giúp ta, ta có thể ngồi hưởng lợi.
Nếu bảo để họ đi lại đường biển, ra vào cửa cảng như
thế, lâu ngày sẽ có bụng này khác, như người xưa nói: Dẫn
lang binh để trừ nội khấu, nhưng sự thế bây giờ khác không
thể cứ nói mãi một cách như vậy được. Nếu có thời cơ
có thể quấy nhiễu ta thì dù không tiễu phỉ họ cũng đột
nhập đất ta. Dù không qua lại mà nước ta không có chỗ nào
họ không biết, che giấu cũng chẳng được nào!

Năm trước có một quan Tây tên là Vĩ An (Vial), lên Kinh đến
sứ quán ba ngày rồi trở về Gia Định. Tôi giả hỏi ông ta
hình thế Phú Xuân, để xem tầm mắt nhận xét của ông ta như
thế nào. Ông nói: "Chỗ ấy rất có hình thế, nhưng sự bố
trí còn nhiều chỗ thất thế không hợp với địa lý binh
pháp. Nếu người Tây mà ở đấy thì dù lực lượng nào cũng
không thể xâm nhập được. Tôi nói: "Nếu người Nam mà bố
trí đúng phương pháp như người Tây thì thế nào?"Ông ta
cười nói: "Tuy có công cụ nhưng không có người biết sử
dụng điều khiển thì cũng bị vây hãm mà thôi". Tầm mắt
của ông ta thật là tinh vi, thấy một góc mà có thể biết
được bốn mặt, cho nên mới nói như thế. Còn chỗ nào có
thể ngăn trở được họ đâu? Nếu ta đối xử khéo với họ
thì mối hoạn sau này chưa chắc đã sinh ra ngay mà hiện tại
có thể trừ được hại lớn. Thế thì ta nhân lợi ích đó
để làm con đường đi đến giàu mạnh không được sao? Họ
sở dĩ có bụng giúp ta đánh phỉ cũng là muốn thông đường
buôn bán với nhau, cũng là vì lợi cho họ mà cũng nhân đây dò
xem ta có thành thật hòa hảo với họ hay không. Nay ta nên nhân
đấy mà thuận với họ để có lợi cho ta để phá cái thâm
kế đó của họ, để họ không gấp rút mưu tính được ta
(Trong các bài trước tôi đã bẩm rõ). Như thế thì ta mới
được thung dung để tìm kế khác. Đó là giả cách thuận với
họ, trọng vọng họ để được lợi. Cách này trong binh pháp
gọi là ty mà kiêu là thế. Nếu bảo rằng chịu ơn của họ
thì sau này hoặc có yêu sách gì cũng sẽ khó bề thoái thác.
Theo tình thế hiện nay mà nói thì ta tuy không chịu ơn họ, mà
vạn nhất họ cứ nhất định đưa yêu sách liệu ta có thể
có sức chống lại được không? Ta cũng không thể chống
được thì bất kỳ chịu ơn hay không chịu ơn cũng bị sự
phiền nhiễu đó. Chi bằng chịu ơn mà được lợi rồi cam
chịu sự phiền đó còn hơn. Nhưng yêu sách là việc chưa chắc
đã xảy ra mà ta có thể thư giãn được tình thế cấp bách
hiện thời, nhân cái việc chưa chắc đã có đó để mà
được cái lợi nhất định, chẳng còn hơn là đợi đến lúc
không thể chối từ mà chẳng được lợi gì cả hay sao? Vả
lại, ta đã từng chịu lụy họ mà chưa được đền bù, nay
họ bỗng nhiên muốn thi ân cho ta phải chăng ý trời lấy đó
làm sự đền bù cho ta cũng chưa biết chừng, như thế sao lại
không chịu? Xưa kia, quan nhà Thanh cũng đã từng nhờ người Anh
hợp lực tiễu trừ giặc biển mà cũng chưa hề thấy người
Anh nói gì đến ân với huệ. Trung Quốc còn nhún mình để
được lợi huống hồ ta? Đem khí khái ra mà nói thì cũng khó
nhún mình thực đấy, nhưng cái câu "Tuy bại mà vinh"của
người xưa thật đã tạo sai lầm cho không biết bao nhiêu
người. Đó là chỉ nghĩ đến cái danh riêng mà không biết vụ
cái lợi ích chung. Binh pháp có nói: "Tiến không cầu danh,
chỉ làm sao bảo vệ được dân mà thôi". Nói về cái dũng
có ý nghĩa thì những việc làm vì nước vì dân ai có thể
bảo đó là sai trái? Cho nên cái kế nhờ vào sức người Tây
hiện nay có thể thực hành được".
*


Nhân được tin Philippines vừa mua một khu trục hạm tối tân
của Hoa Kỳ, kính nhờ độc giả chuyển thêm ý kiến liên quan
của Nguyễn Trường Tộ trong bản điều trần gửi Tự Đúc
đề ngày 10 tháng 4 năm 1871 kèm đây đến các vị lãnh đạo
đất nước ngày nay:

"Mấy năm trở lại đây, sở dĩ nước ta mỗi ngày một
thêm nhiều nạn cướp biển là vì ở Trung Quốc hiện nay ngành
mậu dịch mỗi ngày một thịnh. Họ đã tạo được nhiều tàu
tuần dương chạy bằng máy và các tàu buôn, tàu nhà binh của
phương Tây qua lại đường biển như mắc cửi. Người Pháp
cũng tuần hành nghiêm ngặt suốt từ Bình Thuận đến Hà Tiên.
Do đó thuyền phỉ khó bề phóng túng hoành hành ở hai mặt
biển ấy được mà phải trốn sang tá túc nơi hải phận
nước ta. Nay nếu ta mua được năm, sáu chiếc thuyền máy chắc
chắn, mỗi thuyền có độ mười khẩu đại pháo lớn nhỏ.
Rồi lại thuê người Anh người Pháp mỗi thuyền một người
trông nom máy móc và bốn người tập bắn, hợp cùng lính của
ta vừa đi tuần vừa tập luyện dàn thành chữ nhất đi từ Nam
ra Bắc, từ Bắc vào Nam, gặp thuyền phỉ đều bắt hết đưa
về xử trí còn thuyền thì sung công. Nếu giặc biển dồn tụ
thành sào huyệt thì thuyền máy của ta hợp lại tiêu diệt,
giặc sẽ tan vỡ, mất chỗ tụ tập khó có thể xâm nhập nội
địa được"
.


Nội 8 tháng 3 năm 2011

Nguyễn Thanh Giang

Thư ngỏ cổ vũ những người tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa XIII

Phạm văn Điệp -
Kính gửi những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa
XIII,
Lời đầu tiên của tôi là kính mong tất cả quý vị mạnh
khỏe, lạc quan và luôn luôn thành đạt. Với tư cách là một
cử tri tôi rất mong quý vị được trúng cử làm Đại biểu
Quốc hội khóa XIII của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Trong tương lai, những mong muốn, nguyện vọng và
quyết tâm của người dân Việt nam có đạt được kết quả
hay không là nhờ ở quý vị. Như tôi được biết những
người được giới thiệu, tuy họ không phải do người dân
giới thiệu, nhưng họ có đủ những thuận lợi hơn quý vị.
Tự quyết định để tham gia ứng cử là một vấn đề vô
cùng khó khăn, cũng như được đông đảo cử tri nhận biết
trong một thời gian ngắn càng khó khăn hơn và có số phiếu
tín nhiệm cao hơn các ứng cử khác lại càng khó khăn nữa.
Đã bao năm theo dõi những người làm Đại biểu Quốc hội các
khóa trước, quả thật tôi không để lại một điều gì cả,
tôi cũng như bao cử tri khác không biết họ rõ là ai, họ đã
làm những gì thành công hay thất bại chúng tôi cũng không rõ,
nhưng vẫn phải không gạch tên họ và để họ làm Đại biểu
cho mình, mặc dù biết luôn rằng những người đó không thể
làm Đại biểu đại diện cho mình, biết rằng những người
đó sẽ không làm đại diện theo ý của mình.

Tôi có thể nhận xét rằng, những người không tự ứng cử
lâu nay mà tôi nghe tên đều là những người không có đủ tư
chất của một người đại biểu của tôi và không tin ở họ
có những phẩm chất cần có như Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí,
Công, Vô tư và tình yêu thương đất nước, dân tộc Việt Nam.
Điều này cũng dễ hiểu vì những người không tự ứng cử
họ đều là những người do Đảng Cộng sản Việt Nam sắp
đặt, phân công phải sống theo ý Đảng Cộng sản Việt Nam là
Đảng của lực lượng cầm quyền cai trị nhân dân chứ không
phải sống theo ý dân. Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội phải
là người Đại biểu, đại diện và làm việc theo ý của cử
tri là người dân Việt Nam và người dân Việt Nam không cần ai
khác mà cần chính quý vị sẽ là những người đại diện cho
ý chí, tâm tư, nguyện vọng của mình ở Quốc hội để soạn
thảo và giải quyết các vấn đề trọng điểm của toàn xã
hội. Tôi hy vọng rằng những người tự ứng cử không bị
bắt buộc phải làm theo ý Đảng mà chỉ làm theo ý của
người dân tín nhiệm mình, đó cũng là sự cân nhắc của tôi
để ủng hộ những người tự ứng cử có tương lai thuận
lợi đại diện cho mình.

Thưa những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội,

Trước khi tham gia tự ứng củ Đại biểu Quốc hội khóa XIII,
những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội đã có những
công việc, chuyên môn và lĩnh vực khác nhau và những thứ đó
đã giúp cho những người tự ứng cử vốn liếng tự tin tham
gia vào công việc mới. Sau khi quyết định tự ứng cử để
làm Đại diện cho người dân làm việc tại Quốc Hội là cơ
quan đại biểu quyền lực cao nhất của quốc gia thì vốn
liếng trước đây không còn là quan trọng nữa mà quan trọng
hơn cả, những người tự ứng cử là người của cử tri và
chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ cần có là biết lắng nghe và
phản ảnh những tâm tư, nguyện vọng và quyết tâm của các
cử tri để cùng các Đại biểu khác bàn bạc, thực hiện tại
các cuộc họp, hội thảo của Quốc Hội. Lúc đó, những
người tự ứng cử Đại biểu quốc hội sẽ có những kiến
thức mới, thông tin mới và thành quả mới mà các cử tri
chuyển đến. Tôi đã quan sát nhiều năm, những Đại Biểu
Quốc hội dù họ có nhiều chức vụ và học vấn nhưng luôn
luôn mờ nhạt tại nghị trường và không được nhiều sự
tín nhiệm của cử tri vì họ không hiểu hết và không diễn
đạt được tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, quyết tâm của
các cử tri. Cho nên tôi hy vọng những người tự ứng cử sẽ
gác hết những công việc, kiến thức cá nhân của mình để
lắng nghe, tiếp nhận mọi tâm tư, nguyện vọng, phản ánh,
quyết tâm của các cử tri và bàn bạc tại các cuộc họp,
hội thảo của Quốc Hội thì đó là thành công và sự hoàn
thành xuất sắc vai trò của người Đại biểu cho các cử tri.
Do hoàn cảnh của Việt Nam chúng ta, mọi thứ, mọi việc không
phải một lúc mà hoàn thiện. Từ những khó khăn, thiếu thốn,
việc làm dần dần và ngày càng phát triển là mong muốn chung
của đa số thì ngay bây giờ, vai trò của những người tự
ứng cử Đại Biểu Quốc hội khóa XIII sẽ vô cùng lớn lao
trong hy vọng của toàn dân. Đó cũng là gánh nặng trên vai của
những người tự ứng cử, nhưng đó cũng là vinh quang của
những người tự ứng cử trước đòi hỏi của cả dân tộc.
Tôi sẽ vô cùng vinh dự được tham gia trực tiếp bỏ phiếu
bầu cho những người tự ứng cử trong ngày bầu cử 22/5/2011
mà trong đó tôi chỉ mong các Đại biểu làm sao đó để có
một xã hội công bằng, bình đẳng, minh bạch và tốt đẹp.

Trong đợt bầu cử Quốc Hội khóa XIII, có thể có những
người không đủ số phiếu để được trúng làm Đại biểu
Quốc hội, tôi cũng sẽ rất mong những người tự ứng cử
kiên trì và quyết tâm cho đợt bầu khóa sau vì dù sao cũng đã
có rất nhiều điều thú vị thu được trong thời gian qua và
khi đã thể hiện không phụ lòng cử tri, thì cử tri sẽ không
thể không tín nhiệm. Một lần nữa kính mong những người tự
ứng cử thành công trong lựa chọn của mình và xin cảm ơn
quyết định tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII của
quý vị.

Trân trọng
Cử tri Phạm văn Điệp

Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại

3:40 chiều hôm qua (Thứ Bảy, 12/3/2011) đã xảy ra một vụ nổ
trong một toà nhà gần lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện
nguyên tử Fukushima. Nhà máy điện nguyên tử Fukushima có hai tổ
hợp: Fukushima Daiichi (Fukushima 1) và Fukushima Daini (Fukushima 2),
gồm tất cả 6 lò phản ứng, và là một trong 25 nhà máy điện
nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhà mà được thiết kế chịu
được động đất 7.9 độ Richter. Trận động đất kinh hoàng
giáng xuống Nhật Bản một ngày trước đó có sức mạnh tại
tâm động đất (cách bờ 126 km) 9 độ Richter, vượt hơn 30
lần sức chịu đựng theo thiết kế nhà máy. Vào đến bờ,
sức mạnh của động đất còn khoảng 6.5 – 7 độ Richter. Vụ
nổ đã làm toàn bộ phần tường bao bọc phía trên toà nhà
đó vỡ tung, chỉ còn trơ ra cái khung sắt. Nhưng lò phản ứng
số 1 không bị hư hại và phóng xạ thoát ra không lớn. Thực
tế ngay sau vụ nổ người ta đo thấy các nguyên tố phóng xạ
giảm đi so với trước vụ nổ, và mật độ phóng xạ không
tăng lên. Hiện thời mức độ phơi nhiễm phóng xạ lên một
người trong một ngày bên ngoài nhà máy bằng mức độ phơi
nhiễm cực đại mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ một
người có thể chịu trong một năm. Khoảng 200,000 người dân
được sơ tán ra ngoài vùng bán kính 20 km quanh Fukushima 1 và
Fukushima 2.
Tuy lõi các lò phản ứng không (chưa) chảy (hoặc có thể mới
chỉ bị chảy một phần) nhưng người ta chưa làm nguội
được chúng nên tất cả vẫn đang ở trong tình trạng nguy
hiểm. Người ta đã bơm nước biển rồi nước ngọt vào để
làm nguội lò phản ứng số 1 và số 3 nhằm cứu lõi lò khỏi
bị nóng chảy. Đó là biện pháp cuối cùng và có lẽ sẽ làm
hai lò này ngừng hoạt động vĩnh viễn, miễn là thảm hoạ
hạt nhân đừng xảy ra. Nước Nhật đã ban bố tình trạng
hạt nhân khẩn cấp. Từ ngày mai, 14/3/2011, điện sẽ bị cắt
luân phiên trên toàn quốc.

Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này
đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả
lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động
đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã
đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất
trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người
Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn
kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình
thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ
dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp
người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không
nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng
để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính
cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng
viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà
mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin.
Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội
các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả,
từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng
đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển
khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày
thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn
bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót
trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự,
giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm
hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực
sự vĩ đại.

Nguyễn Đình Đăng
Tokyo 13/3/2011

Bí ẩn quanh động đất kinh hoàng ở Nhật

Một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cho biết, trận động đất mạnh 8,9 độ richter hôm 11/3 vừa qua tại nước này có thể đã xảy ra với nhiều tâm chấn, trải trên diện rộng hơn so với dự đoán.

Đài truyền hình NHK của Nhật đưa tin, một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật đã đưa ra kết luận rằng trận động đất lần này xảy ra với 4 tâm chấn, trải trên diện rộng hơn so với dự đoán.

Theo kết luận trên, 4 tâm chấn đã xuất hiện cùng một lúc. Bốn khu vực tâm chấn tạo thành một vành đai dài vài trăm kilômét, từ khu vực ngoài khơi tỉnh Miyagi tới khu vực ngoài khơi tỉnh Ibaraki.

Khung cảnh hoang tàn được chụp từ trên cao ở vùng tâm chấn động đất Sendai, Nhật (Ảnh: Mainichi) Ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật cho biết các chuyên gia địa chất đã không hình dung được là sẽ có một trận động đất với nhiều tâm chấn cùng một lúc.

Ngay tối 11/3, một buổi họp báo của Ủy ban Nghiên cứu Động đất đã được tổ chức do Giáo sư Danh dự Abe Katsuyuki thuộc trường Đại học Tokyo chủ trì.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Abe cho biết các dữ liệu quan trắc thu được tại một đài quan sát sử dụng hệ thống theo dấu động đất bằng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) cho thấy, mặt đất đã di chuyển khoảng 4m về phía tây.

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình CNN ngày 13/3, nhà địa vật lý học của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) Kenneth Hudnut cho biết trận động đất hôm 11/3 đã khiến đảo Honshu của Nhật xê dịch đến 2,4m. Ông cũng cho biết sự rung chuyển cực lớn của trận động đất là do các thềm lục địa nằm sâu dưới biển tạo ra, đã làm trục trái đất chệch đi ít nhất 8cm.

Một khu vực đô thị bị sóng thần tàn phá ở Minami Sanriku, Miyagi, bắc Nhật Bản. (Ảnh: AP) Còn Phó Giám đốc Viện Địa lý thuộc Học viện Khoa học Nga Arcady Tishkov thì đổ lỗi cho mặt trăng và mặt trời trong động đất kinh hoàng hôm 11/3 vừa qua tại Nhật.

Ông Arcady Tishkov phân tích trên Đài Tiếng nói nước Nga rằng: Thứ nhất, chu kỳ hoạt động địa chấn của trái đất liên quan mật thiết với mặt trời. Mặt trời tuôn ra các luồng proton, ảnh hưởng tới sự hoạt động của trái đất.

Thứ hai, mặt trăng hiện nay đang ở gần trái đất nhất, kết hợp với ảnh hưởng của mặt trời có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các đại dương, cụ thể là chế độ hoạt động của hải lưu. Và khi đó, Thái Bình Dương thay đổi chế độ mặc định của thủy triều, chắc chắn ảnh hưởng đến chuỗi núi lửa, được gọi là vành đai lửa của Thái Bình Dương.

Thu Hằng (Tổng hợp)

Gaddafi có hàng chục tỷ USD tiền mặt

Lệnh phong tỏa tài sản của quốc tế đối với chính phủ Libya dường như không có tác động gì với đại tá Gaddafi khi ông đang nắm trong tay hàng chục tỷ USD tiền mặt và sẵn sàng chi ra bất cứ lúc nào.

Lãnh đạo Libya Gaddafi đã rút hàng chục tỷ USD khỏi các ngân hàng ở Tripoli để chi tiêu cho các chiến dịch phản công lực lượng nổi dậy, tình báo Mỹ cho biết. Lượng tiền mặt khổng lồ trên cho phép Gaddafi tiếp tục cuộc chiến bất chấp nỗ lực phong tỏa tài sản chính phủ Libya của quốc tế.
Đại tá Gaddafi đã giấu tiền trong hàng loạt ngân hàng ở khắp thủ đô, gồm cả ngân hàng trung ương Libya. Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc nổi dậy bùng nổ, Gaddafi đã chuyển phần lớn số tiền vào kho riêng ở thủ đô Lybia, một nguồn tin tình báo nói với CNBC.
Thông tin trên được phát đi sau khi có các báo cáo rằng ba chiếc máy bay thuộc sở hữu riêng của Gaddafi đã rời Libya để tới Vienna, Athens và Ai Cập hồi đầu tuần này. Quan chức Hy Lạp cho biết, họ đã phát hiện được một chiếc Falcon 900 của Hàng không Lybia vào không phận nước này khoảng 15 phút trước khi rời đi vào sáng sớm hôm 7/3. Thông tin này làm dấy lên tin đồn Gaddafi hoặc người thân của ông này đã chạy khỏi Libya.
Tuy nhiên, không lâu sau có tin, một máy bay đã hạ cánh xuống Ai Cập và người ở trong là lãnh đạo cơ quan cung cấp và hậu cần của Libya.
Hiện, quan chức tình báo Mỹ cho biết, không thể xác nhận khối tài sản đồ sộ của Gaddafi. Một quan chức tình báo Mỹ nhận xét, người đứng đầu Libya có thể có tới hàng chục tỷ USD tiền mặt ở trong nước và có thể lấy ra dùng bất cứ lúc nào. Và rằng, Gaddafi có thể lấy tiền mặt, hầu hết là dinar Libya và đôla Mỹ, để trả cho các binh sĩ trung thành, lính đánh thuê châu Phi và các quan chức chính phủ. Kết quả là việc phong tỏa tài sản quy mô quốc tế không tác động gì tới Gaddafi như các nhà lãnh đạo vẫn mong đợi.
Luật sư Kenneth Barden, chuyên gia về tài chính và vấn đề rửa tiền ở Trung Đông cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Gaddafi đã chuyển hàng tỷ USD ra tài sản chỉ vài ngày trước khi cuộc nổi dậy nổ ra, dường như để bảo vệ của cải gia đình khỏi lệnh trừng phạt toàn cầu.
Theo chuyên gia này, số tiền được ghi dưới tên Gaddafi có lẽ rất nhỏ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này sẽ giấu nhiều tiền của dưới tên của các thành viên trong gia đình và những người thân cận.
Thông tin trên đã khiến cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực hạn chế nguồn tài trợ cho Gaddafi. Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma hôm 12/3 yêu cầu Bộ Tài chính phong tỏa các tài sản liên quan tới Gaddafi và những người thân cận với ông này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Phi là Clayson Monyela nói: "Quá trình này đang được thực hiện và chúng tôi viết thư cho lãnh đạo Libya về việc sẽ không được phép rút tiền khỏi Nam Phi". Nhật báo địa phương Bussiness Day của Nam Phi cho biết, chính phủ Libya đã đầu tư nhiều tiền vào công ty đầu tư Ả rập châu Phi Libya (Laaico), sở hữu khách sạn Ensemble, gồm cả khách sạn sang trọng Michelangelo ở Johannesburg. Libya có hàng tỷ USD trị giá tài sản ở châu Phi ở các công ty con của quỹ thịnh vượng chủ quyền trị giá 70 tỷ USD.
Hiện, các lãnh đạo EU đang thảo luận cách làm thế nào để chất thêm sức ép lên chính quyền Libya, đặc biệt là cô lập Gaddafi và đảm bảo người ủng hộ ông này phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Sự giàu có của chính phủ Libya được thể hiện qua những tấm ảnh về các máy bay riêng mà nước này sở hữu thông qua một công ty du lịch hàng không sang trọng. Máy bay của United Aviation gồm một chiếc Bombardier Challenge 8,500, một chiếc Bombardier Global 5,000 và Bombardier Challenge 3,000.
Hoài Linh (Theo Mail)

Đầu làng cuối xóm: Hàng Trung Cộng sẽ biến mất trên thị trường ?

Luật Mỹ và Canada, buộc các nhà sản xuất phải in rõ hàng chữ “Made in + tên quốc gia” để khách hàng biết sản phẩm ấy do nước nào sản xuất. Điều đó làm cho Trung Cộng kẹt. Hàng “Made in China” ban đầu được chuộng vì quá rẻ, nhưng khách mua về mới biết trong 100 món đã có tới 95 món xài không được: phẩm chất kém, không bền, không an toàn và độc hại.

Khi người ta bắt đầu chê hàng “Made in China”, các nhà sản xuất ở Trung Cộng bắt đầu in hàng “Made for + tên hãng + tên quốc gia”. Thí dụ: “Made for ABCD, USA”. Made in là làm tại, made for là làm cho. “Made for ABCD, USA” là làm cho hãng ABCD ở Mỹ. Cũng có câu “Made in… tại đâu” in chữ to hơn nửa con kiến riện “bê-bi” một chút, nằm co ro đâu đó trên hộp. Nhờ tên “ABCD” quen thuộc, hàng lại bán chạy.

Một cách lường gạt khác, các hãng sản xuất in hàng chữ “Packaged in + tên quốc gia”, nghĩa là vô hộp, đóng gói tại nước nào đó, dĩ nhiên không phải China. Câu “Made in China” vẫn in chữ to hơn nửa con kiến riện mới nở một chút, nằm khiêm tốn đâu đó trên hộp, xa xa hàng chữ “Packaged in…” Khách mua không để ý, quên rằng món hàng chỉ được vô hộp tại bản xứ chứ không hề bao giờ được sản xuất tại bản xứ. Hàng lại bán chạy tiếp.

Rồi chính phủ các nước phát giác, đổi luật. Con rùa hành chánh ì ạch bò mãi rồi cũng tới nơi. Luật mới buộc: phải in chữ “Made in … tại đâu” [hải to ngang cỡ chữ “vô hộp tại đâu”, hay “làm cho ai” bán. Hai hàng chữ này phải đi cặp kè với nhau như Mao xếnh xáng cặp kè với nường Giang Thanh thời còn son trẻ. Luật mới giúp khách hàng đỡ toi tiền, và mấy anh sản xuất ở Trung Cộng lại bắt đầu xẹp túi.

Hàng “Made in China” vơi dần, vơi dần và có thể biến mất tăm luôn trong một ngày đẹp trời nào đó.

Nhưng đừng vội an tâm! Mấy anh nhà buôn Tàu phù sẽ “động não”, “khẩn trương phấn đấu với bản thân” để tìm ra cách lường gạt mới. Quả vậy! Hàng mới xuất hiện, đông đảo, ồ ạt, tràn ngập như độ nào: “Made in PRC”. Thì ra với bản tính gian xảo cố hữu – mà văn học Trung Hoa – gọi là cơ trí, một tiếng khen, các nhà sản xuất Trung Cộng có cách lường gạt khác: Thay vì in là “Made in Chinna” khó bán, họ in là “Made in PRC”.

PRC là của khỉ gì, mấy ai nhớ cho ra! Và người ta cứ mua. Mua về xài không được, vất đi thì tiếc mà giữ lại chật nhà, khi ấy mới tức mình nặn óc truy tầm mấy chữ viết tắt PRC xem nó là con quái vật nào, mới hay nó là People Republic of China, Cộng hoà Nhân dân Trung quốc, vẫn cái tổ con chuồn chuồn! Lại chờ các ông nhà nước tây đổi luật lần nữa. Lần này khi luật mới nữa ra đời, cấm in tên nước bằng chữ viết tắt, thì mấy anh gian thương Ba Tàu đã hốt một mớ tiền khuân về nhà hỉ hả ngồi đếm và ngẩm nghĩ tìm ra chữ “Made in … lưu manh” khác để tiếp tục lường gạt mấy anh da trắng và mọi màu da khác.

Mõ (Làng Văn)

Bọn Tàu cộng gian manh lừa bịp "Made in PRC"

Sau khi hàng Made In China bị lật tẩy nay Tàu cộng đang đổi tên Made in PRC trên các sản phẩm của chúng. PRC = People's Republic of China

Chúng ta nhờ giới trẻ, con cháu đưa vào Internet, Facebook và các trò chơi để kêu gọi tẩy chay bọn gian manh này tiếp cho đến khi chúng sập tiệm mới thôi.

VHT

Chuyện lạ có thiệt---tuần rồi, tui theo vợ đi chợ, thấy có một hiện tượng lạ là những hàng hóa Made in China được chuyển thành Made in PRC. Rất nhiều (>50%) hàng hóa Tàu đều chuyển thành PRC (People Republic of China).

Tui chắc là tụi China nhận thấy khách hàng tẩy chay Made in China nên tính bài lập lờ đánh lận con đen. Lớp trẻ như mọi người ở đây thì không nhưng các bà, các cụ, thậm chí các cụ trẻ nhưng thiếu kiến thức đều có thể lầm lẫn.

Mấy bác nên khuyến cáo bà con cô bác tránh luôn PRC dùm.

(E.M.)

Not 'MADE IN CHINA' anymore?

Now 'they're' made in P.R.C. *!?!!

I noticed this on the back of

Isabel's new set of AIM

Lại là “Lỗi hệ thống”!

Xã hội Việt Nam bây giờ tràn ngập những chuyện bất công, trái tai gai mắt, dù có muốn lạc quan hơn để không bị mang tiếng là “có cái nhìn sai lệch, thiếu thiện chí do bị “các lực lượng thù địch” tuyên truyền, nhằm chống phá thành quả cách mạng của đảng và nhà nước” cũng không thể lạc quan nổi.

Chỉ cần mỗi ngày lướt qua các trang báo “lề phải” chứ chưa nói đến “lề trái”, cũng đã đủ chuyện phơi bày trước mắt.

Trong tuần qua chỉ xin nhắc lại ba trong số rất nhiều vụ việc khiến dư luận bất bình, phẫn nộ: Vụ cô Lượm “giả” trong chương trình “Người xây tổ ấm” của đài truyền hình Việt Nam (VTV), phiên tòa phúc thẩm vụ án hiệu trưởng mua dâm học trò và vụ trung tá công an đánh dân gãy cổ dẫn đến tử vong.

Tóm tắt các sự việc trên như sau:

Câu chuyện về cô Lượm, một nhân vật có số phận đáng thương “mồ côi, phải đi ăn xin, bán vé số, sống lang thang và bị công an bắt vì tội bán bồ đà, bị người yêu bỏ rơi khi đang mang thai, phải một mình nuôi con nhỏ…” phát trên chương trình “Người xây tổ ấm” bị phát hiện là chuyện bịa. Lượm thật ra là cô Trần Thị Thùy Dương, có cha mẹ, có chồng con, có nhà cửa.

Sau khi vụ việc bị vỡ lở, bản thân cô Trần Thùy Dương đã gửi thư “hàng ngàn lần xin lỗi” khán giả cả nước. Trong khi đó, nhà đài mà cụ thể là ban biên tập chương trình “Người xây tổ ấm” – những người được học hành tử tế hơn, bằng cấp cao hơn “cô Lượm”, là dân làm báo chuyên nghiệp và do đó, phải chịu trách nhiệm lớn hơn – đã không làm được như vậy mà đổ lỗi hết cả cho cô Thùy Dương. Ðiều này khiến dư luận càng thêm bức xúc và thất vọng.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên VTV tỏ ra coi thường khán giả. Một số vụ gần đây như MC Lại Văn Sâm dịch sai tiếng Anh lời phát biểu của diễn viên Hongkong Ngô Ngạn Tổ tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất rồi sau đó im lìm không một lời xin lỗi. Hay trong vụ clip sex của nữ diễn viên HTL thì nhà đài lại tổ chức cả một buổi ghi hình chia tay nhân vật một cách “hoành tráng” và phản cảm, chẳng hạn. Trong thực tế, người dân nào từng tiếp xúc hoặc có việc phải liên hệ, “nhờ vả” đến các nhà đài đều biết, một bộ phận phóng viên, biên tập viên, đội ngũ làm tin, làm chương trình của các nhà đài ở Việt Nam thường có lối hành xử với người dân theo kiểu mình là đài truyền hình nhà nước, người dân phải cần đến mình để được đưa tin, lên sóng, trở nên nổi tiếng… Người của các nhà đài đến đưa tin, ghi hình là phải tiếp đón niềm nở, lo ăn uống chu đáo, chưa kể, nếu quay buổi lễ ra mắt của một công ty, giới thiệu về một doanh nghiệp, sản phẩm… thì thường phải có “phong bì”, chuyện này đã trở thành một thông lệ bất thành văn, nếu không, lần sau đừng hòng mà nhờ vả nhau!

Suy cho cùng, xã hội đã quá nhiều sự giả dối, thiếu trung thực: Bằng cấp giả, ngồi nhầm ghế, đạo văn, v.v. thì nhân vật giả cũng đâu có gì là quá bất ngờ.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án “Hiệu trưởng mua dâm học trò” ầm ỹ suốt hai năm qua đã kết thúc. Hai em học sinh Thúy, Hằng trước đó bị kết tội “môi giới mại dâm” với bản án 5, 6 năm tù đã được trả tự do, đây là kết quả sức mạnh của dư luận trong suốt thời gian qua. Nhưng người dân thì không thể hoàn toàn vui mừng bởi công lý vẫn chưa được thực thi. Ngoại trừ ông hiệu trưởng bị 9 năm tù vì tội không chỉ mua dâm mà còn bắt học trò phải phục vụ tình dục cho một số quan chức ở tỉnh là những mối “quan hệ cần thiết” của mình, các nhân vật như chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô và hàng loạt các quan chức có tên trong “danh sách đen” mua dâm vẫn bình an vô sự. Người ta có cảm giác kết quả của phiên tòa chỉ là một sự thỏa hiệp, vừa xoa dịu dư luận vừa tránh mở rộng vụ án để khỏi phơi bày mặt trái của chế độ hơn nữa. Thậm chí có người còn cho rằng nếu phiên tòa được xử công khai minh bạch, và các em dẫu có bị tù về tội môi giới nhưng những kẻ mua dâm trẻ vị thành niên cũng bị xử án đúng người đúng tội thì mọi người còn đỡ ấm ức hơn.

Vụ án này, một lần nữa cho thấy công lý, công bằng là không thể có khi luật pháp nằm dưới sự kiểm soát, chỉ đạo lẫn thao túng của bộ máy chính quyền.

Lại thêm một người dân bị công an đánh chết! Ðó là ông Trịnh Xuân Tùng, chỉ vì gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại và đôi co với công an nên đã bị tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, phường Thịnh Liệt, Hà Nội, đánh đến gãy hai đốt sống cổ, sau khi đưa vào bệnh viện một tuần thì qua đời. Việc người dân bị công an sử dụng bạo lực dẫn đến tử vong chỉ vì những sai phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm hay cự cãi với hàng xóm… đã không còn là chuyện mới mẻ gì. Vào google search chữ “công an đánh chết người” sẽ cho ra 16,100,000 kết quả trong vòng 0.11 giây!

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch năm 2010 đã từng lên tiếng báo động về tình trạng nhiều người dân bị tử vong sau khi bị công an Việt Nam bắt giữ. Trong thông cáo, tổ chức Human Rights Watch đưa ra 19 vụ bạo hành của công an, gây thiệt mạng 15 người. Con số này tất nhiên chỉ là những vụ mà tổ chức này nắm được thông tin, thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. (Chưa kể những vụ đánh nhưng… chưa chết!)

Qua những lời kể của con gái nạn nhân Trịnh Xuân Tùng với các báo, đài cho thấy mạng người chả là cái gì cả đối với những kẻ được gọi là “công an nhân dân”. Nạn nhân bị đánh đau, người nhà xin được cho ăn uống, được đưa đi bệnh viện… công an nhất định không cho, đến khi thấy nặng mới đưa đi nhưng vào đến bệnh viện vẫn còng tay dù nạn nhân đã bị liệt hết tay, chân!

Sau khi ông Tùng chết, người nhà phản ứng, dư luận xôn xao thì công an mới ra lệnh khởi tố tay trung tá đánh chết người. Thực chất chỉ là nhằm xoa dịu, sợ người dân “tức nước vỡ bờ” nhưng rồi nay mai ai dám đảm bảo tay trung tá này lại không nhận được một bản án nhẹ hều như bản án 7 năm dành cho tay trung úy đã đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang cũng vì không đội mũ bảo hiểm?

Cả ba sự kiện tuy khác nhau nhưng cho chúng ta thấy điều gì về bức tranh xã hội Việt Nam?

Từ những sai phạm của giới truyền thông cho tới ngành luật pháp, công an đều là “lỗi hệ thống”- một cụm từ rất hay được sử dụng ở Việt Nam gần đây. Nói cách khác, sở dĩ những sự việc bất công, ngang trái như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở Việt Nam là do hệ quả từ một thể chế chính trị độc tài. Nếu trong một xã hội dân chủ tam quyền phân lập ở đó ngành tư pháp có những quyền hạn độc lập nhất định, các quan tòa cũng như luật sư có thể làm việc công tâm hơn; truyền thông cũng không phải chịu sức ép từ bộ máy đảng và nhà nước để có thể lên tiếng đến cùng trước những bất công, sai trái, còn công an cũng không dám ngang nhiên hành xử với dân như vậy. Bởi, truyền thông hay tư pháp, công an đều phải chịu “búa rìu” của dư luận, chính nhân dân mới là những người có quyền lực lớn nhất.

Ngược lại, trong một xã hội không có tự do dân chủ, người dân phải chịu đựng từ sự cẩu thả, tắc trách của giới truyền thông nhà nước cho đến những vụ án oan sai, những cái chết oan mà có lên tiếng hay kêu ca thì cũng chẳng được gì.

Gần đây, khi xảy ra một số sự việc, nhà nước Việt Nam cũng tìm cách xoa dịu dư luận nhưng bản chất của các vấn đề xã hội vẫn còn đó không thay đổi bởi muốn vậy, phải thay đổi toàn bộ cái thể chế chính trị này.

Một hậu quả khác, khi phải sống quá lâu trong một môi trường có quá nhiều cái xấu, sự bất công, thói lừa lọc… người ta không chỉ mất lòng tin vào bộ máy nhà nước, vào luật pháp, công an, truyền thông và vào con người nói chung mà dần dần trở nên quen và không còn biết là mình đang phải chịu đựng những gì. Sự việc nào cũng vậy, khi mới xảy ra thì dư luận ồn ào, phẫn nộ rồi lại lắng xuống, lại đâu vào đó. Ðiều đó cũng lý giải vì sao Việt Nam chưa thể có cách mạng hoa nhài: Mâu thuẫn đã gay gắt, mồi lửa đã có – như vụ dân chết oan hay vụ kỹ sư Phạm Thành Sơn tự thiêu, nhưng tiếc thay, người dân lại quá giỏi chịu đựng!