Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Báu vật trị giá triệu đô của Mỹ đang ở VN?


Một mặt của đồng xu in nổi hình ông Ulysses Grant - Vị tổng thống thứ 18 (1869 - 1877) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mặt còn lại đúc nổi danh hiệu Mỹ và những dòng chữ đã bị nhòe và mờ ít nhiều.


Ông Lê Văn Phú - người từng làm chấn động dư luận cách đây 3 năm khi tuyên bố đang sở hữu một đồng xu có giá trị lên đến 16 triệu USD - thường xuyên gọi điện cho tôi để báo những tin vui xung quanh việc có một số tổ chức nước ngoài đã công nhận giá trị "báu vật" của ông. Giờ đây điều làm tôi ngạc nhiên không phải là giá trị "khổng lồ" của đồng xu này mà là sự bền bỉ của người đàn ông đã dành cả cuộc đời cho cổ vật.

Đồng xu kỳ lạ

Đồng xu đặc biệt đó được gói đơn giản trong một mảnh linon nhét sâu trong ngăn của chiếc tủ ly lổn nhổn những tượng, bình... Giải thích cho sự lộn xộn của mình, ông Phú cười thoải mái: "Tôi cái gì cũng đơn giản, tuềnh toàng. Mấy trăm cổ vật quý của tôi đều được cất trong căn phòng này cả. Chẳng có cái két sắt nào mà có bao giờ mất trộm đâu". Nhìn quanh tôi thấy hoành phi, câu đối, thạp đồng được dựng ngổn ngang ở lan can còn chiếc tủ kính nhỏ trong phòng thì để bừa bãi khá nhiều lọ, bình, bát, thìa cũ kỹ.
Hai mặt của đồng xu
Xòe bàn tay thô ráp, ông Phú từ từ cho tôi nhìn thấy một đồng xu nhỏ có đường kính khoảng 2 cm có màu đồng đã sỉn. Tôi cầm lên tay thì thấy rất mỏng và nhẹ. Một mặt của đồng xu in nổi hình ông Ulysses Grant - Vị tổng thống thứ 18 (1869 - 1877) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mặt còn lại đúc nổi danh hiệu Mỹ và những dòng chữ đã bị nhòe và mờ ít nhiều. Tạm dịch là: "Trung úy trong cuộc chiến tranh với Mexico, thăng chức từ Đại úy lên Tổng chỉ huy lực lượng liên minh, nổi bật trong cuộc nội chiến, người trầm lặng của Appomattox". Dưới cùng là dòng chữ: "Chấp nhận vô điều kiện". Đồng tiền không thấy đề mệnh giá là bao nhiêu.

Đi tìm giá trị vật báu

Theo như ông Phú cho biết thì đây là một cổ vật trong bộ sưu tầm của các cụ thân sinh ra ông để lại cho con cháu. Ông kể: "Từ thời Pháp thuộc, ông bà nội của tôi là Lê Văn Thơ và Phạm Thị Đức đã là những thương gia, có cơ sở sản xuất bánh kẹo bán buôn, bán lẻ và kinh doanh bách hóa tại thị xã Quảng Yên, thuộc khu Hồng Quảng (nay là phố Lê Lợi, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh).
Kho đồ cổ của ông Phú

Là những người ham mê cổ vật, lại có điều kiện kinh tế khá giả, nên các cụ rất thích sưu tầm những vật quý hiếm trong thiên hạ. Trong số những đồng xu, đồng trinh căng, bạc hào, bạc xòe... mà tôi thấy rất lạ thì có đồng tiền cổ mà các bạn vừa xem. Phát hiện ra đồng tiền lạ, thấy nhiều khả năng đây là đồng tiền quý hiếm có giá trị lớn, tôi đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương xác nhận quyền sở hữu đồng tiền cổ đó cho tôi. Lá đơn UBND xã Yên Giang ký, đóng dấu và được phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Ninh chứng thực".

Nhờ chính quyền chứng nhận xong quyền sở hữu, ông Phú tiếp tục lên lịch trình đi xác định giá trị của đồng tiền lạ. Bằng nhiều mối quan hệ khác nhau, ông Phú đã gửi thông tin và hình ảnh về đồng xu cho môt nhà sưu tầm tem ở Mỹ có địa chỉ in trên Tạp chí Tem Việt Nam để nhờ tìm hiểu nội dung và giá trị của cổ vật này.
Hai mặt của đồng xu và bằng chứng nhận của Đại sứ quán Mỹ

Đúng một tháng sau, ông Phú bất ngờ nhận được lá thư hồi âm của nhà sưu tầm tem Ah Shaw ở 91 đường Baxter, Williams Town, Massachusetts, 01267, USA. Trong thư, ông Ah Shaw cung cấp cho ông Phú một vài thông tin về cuộc chiến tranh Mexico (1846 - 1848): "Đó cuộc chiến tranh xung đột giữa Mexico và Mỹ. Mexico phải xin hòa bình...

Với Hiệp ước Guadelope Hidalgo, Mexico đòi hỏi phần đất Texas phía Bắc sông Rio Gamde và nhượng nam Mexico và Califonia cho Mỹ với số tiền 15 triệu usd. Việc sửa đổi biên giới giữa hai nước được hoàn tất bằng Hiệp định mua Garden vào năm 1853...". Theo như lập luận của nhà nghiên cứu này thì đồng xu mà ông Phú sở hữu chính là vật tín chấp mà Mỹ trả cho Mexico để đổi lấy phần đất phía Nam Mexico và Califonia. Ông Phú cười hồ hởi mà rằng: "Nếu cứ từ đó mà suy ra thì đồng tiền cổ của tôi phải có giá trị là...15 triệu USD (tương đương hơn 300 tỉ VND tại thời điểm thực hiện bài viết này)".

Chưa dừng lại ở đó, ông Phú kể tiếp: "Sau khi câu chuyện về đồng tiền cổ của tôi được anh Đặng Vương Hưng viết trên báo Văn nghệ Công an tháng 5/2004 thì 3 tháng sau, nhà báo Hồng Sơn có bài viết "Vụ án về những tài khoản bê bối trong Ngân hàng Riggs" đăng trên báo An ninh thế giới ngày 12/8/2004. Trong bài anh Sơn viết: "Riggs vào năm 1847 đã cho Chính phủ Mỹ vay 16 triệu USD trong cuộc chiến chống lại Mexico". Tôi đã nhờ anh Đặng Vương Hưng trao đổi kỹ với anh Hồng Sơn ở bên Mỹ để khẳng định chắc chắn lại thông tin này là đúng. Như vậy, đồng tiền cổ của tôi là vật tín chấp mà Mỹ trả cho Mexico cũng sẽ có giá trị là 16 triệu đô usd chứ không phải là 15 triệu USD nữa".

Chưa có kết luận cuối cùng

Ông Phú cho biết thêm: "Qua sự giúp đỡ tìm tòi tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo và bạn bè trong giới cổ vật, tôi được biết thêm một số những thông tin quý giá liên quan đến đồng tiền cổ của mình. Tôi được biết vào những năm 1860 - 1870, Chính phủ Mỹ đã phải vay khá nhiều tiền để chi phí trong các cuộc nội chiến... ngân hàng lo ngại mức dự trữ vàng trong kho bị hao hụt nhiều. Họ rất lo sợ nếu miền Nam giành chiến thắng thì phần vay có thể bị mất trắng. Vì thế, để đối phó với sự suy thoái, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ hồi đó là ông Salomon Chase đã phải cho phát hành thêm nhiều tiền giấy và tiền kim loại hòng đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi chế độ kim bản vị (được bảo đảm bằng vàng). Phải chăng, đồng tiền cổ mà tôi đang sở hữu chính là một trong những bảo chứng thanh toán của nước Mỹ thời đó?

Để củng cố niềm tin cho mình, ông Phú đã khăn gói đi hỏi bạn bè khắp nơi về những thông tin liên quan đến đồng xu kỳ lạ và cuộc chiến giữa Mexico với Mỹ. Một người bạn ở báo Sài Gòn Giải Phóng cho ông biết, năm 1861, Sở Đúc tiền New Orleans bị kiểm soát bởi các bang ly khai với Hoa Kỳ để gây cuộc nội chiến Bắc - Nam vào những năm 60 của thế kỷ XIX nhưng không có dự trữ các loại kim loại quý. Phe kiểm soát miền Nam liền cho đúc một số tiền xu để chu cấp cho cuộc nội chiến. Có rất ít tiền xu được Liên minh ly khai bí mật đúc trong thời gian này. Và chúng chỉ được công chúng biết đến khi bất ngờ xuất hiện trong một vài bộ sưu tập cá nhân ít ỏi khi cuộc nội chiến kết thúc.

Đầu tháng 3/2004, ông Phú lại đọc được thông tin trên báo chí nói về việc vừa tìm được đồng bạc cực hiếm và là đồng xu nổi tiếng nhất bị trộm trong một cái hộp đựng nhiều đồng xu. Người ta phát hiện một quản thủ thư viện ở bang Maine, được một người bạn giao làm vật tín chấp để vay tiền.

Trong lịch sử tiền tệ Mỹ, chỉ có hai đồng USD bằng bạc in năm 1866 là không có dòng chữ In God We Trust. Đồng xu này trị giá ít nhất 1 triệu USD, nổi tiếng nhờ liên quan đến một vụ cướp có vũ trang trong nhà một gia đình danh tiếng ở Florida năm 1967. Ông Phú vui vẻ khẳng định: "Cạnh mẩu tin trên, tờ báo đó còn in hình đồng xu làm bằng chứng. Đồng xu đó trông rất giống với đồng tiền cổ tôi đang sở hữu. Chính vì thế tôi tin rằng đồng tiền của mình là báu vật hiếm hoi và có giá trị hàng trăm tỉ đồng".
Phác hoạ trận đánh Veracruz nổi tiếng trong chiến tranh Mỹ - Mêxicô.
Thấy tôi cứ mãi băn khoăn và lo lắng về sự an toàn của "bảo vật", ông Phú "động viên": "Báo chí viết lên ai cũng biết đồng tiền cổ này là vật sở hữu của ông Lê Văn Phú ở Chợ Rừng, nếu có lấy trộm thì cũng không bán ở đâu được vì sẽ bị phát hiện ngay là đồ ăn cắp". Hiện ông dị nhân Chợ Rừng này vẫn miệt mài đi về Hà Nội - Quảng Ninh để nhờ những người bạn tin cậy, có kiến thức giúp đỡ xác định giá trị thực của đồng tiền. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết vì tất cả những thông tin mà ông Phú có được vẫn chỉ là những tìm hiểu cá nhân, những sự xâu chuỗi logic mà chưa có một văn bản chính thức của một cơ quan có thẩm quyền nào xác định giá trị đích thực của "báu vật triệu đô". 
Trong tiền tệ của nước Mỹ, chỉ có 4 vị tổng thống được vinh dự in chân dung lên những đồng USD phổ biến là: George Washington, Andrew Jackson, Abraham Lincoln và Ulysses S.Grant. Ngoài ra còn có 4 vị tổng thống được in chân dung lên các đồng tiền có mệnh giá cao như 5.000 USD, 1.000 USD nhưng ít được phổ biến là: James Madison, Grover Cleveland, William McKinley và Woodrow Wilson.

Riêng với loại tiền xu, những vị tổng thống được in hình là: Abraham Lincoln (1 cent), Thomas Jefferson (5 cent), Franklin Roosevelt (10 cent), George Washington (25 cent) và John F.Kennedy (50 cent). Ngoài ra, đồng xu 5 cent thì không in hình tổng thống nào mà in hình ảnh di sản kiến trúc cổ Monticello, công trình được xây dựng theo bản vẽ của Tổng thống Thomas Jefferson.

Đồng tiền cổ của ông Phú không nằm trong số các loại tiền trên.
(Nguoiduatin.vn)

Nguy cơ vỡ bong bóng BĐS là có thật

Nhiều nhà đầu tư thực sự lo lắng khi thị trường bất động sản (BĐS) nói chung đang liên tục “lao dốc” và vô cùng ảm đạm dù cho các dự án đã tung đủ “chiêu” nhưng vẫn ế ẩm.
Trước thực trạng đó, có chuyên gia dự đoán rằng, nguy cơ vỡ bong bóng BĐS là có thực...
Những vật cản thị trường
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa BĐS nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Theo kết quả khảo sát thực tế, giá BĐS nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của BĐS.
Cơ cấu hàng hoá BĐS còn thiếu cân đối. Thị trường nhà ở những năm trước có sự phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp. Đến nay, thị trường căn hộ cao cấp dần rơi vào bão hòa, nhà xây nhiều trong khi nhu cầu có khả năng thanh toán thực tế thấp. Nguồn cung loại nhà giá cao (nhất là các chung cư cao cấp) có thời điểm dư thừa, trong khi nguồn cung những nhà giá thấp thì quá thiếu. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.
Chuyên gia dự đoán, nguy cơ vỡ bong bóng BĐS là có. Ảnh: Nguyễn Lê
Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, thị trường BĐS vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân. Nguồn tín dụng trung và dài hạn hầu như không có, trong khi lãi suất vay ngắn hạn cũng rất cao (đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất từ 16%/năm đến 18%/năm hoặc cao hơn). Do đó, khi ngân hàng siết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, thậm chí phải dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường.
Đặc biệt, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ. Một số những người môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng cơ hội "làm giá" để trục lợi, làm méo mó thị trường.
"Nguy cơ vỡ bong bóng BĐS là có"
Trao đổi với báo chí về diễn biến trên thị trường BĐS hiện nay, TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay thị trường BĐS của chúng ta đang chiếm giữ khá nhiều vốn nằm im, chờ thời vì đa số đều bị ảnh hưởng tâm lý BĐS vẫn là kênh đầu tư siêu lợi nhuận. Thống kê của một số chuyên gia cho thấy, trong 10-15 năm qua chúng ta đã lãng phí hàng chục, hàng trăm tỷ USD vào nguồn đất đai. Nếu nhà nước quản lý tốt, có chính sách tốt thì có thể chúng ta biến được tài nguyên đất đai thành nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Theo ông Ân, việc thị trường BĐS đã và đang trầm lắng nguyên nhân chính là do Nhà nước siết tín dụng với lĩnh vực BĐS. Ông phân tích, khi kinh tế lạm phát hiện nay, Nhà nước hạn chế nguồn vốn cho BĐS, thị trường trầm lắng, giao dịch ít đi. Cùng với đó, trong bối cảnh này tâm lý những người dân có tiền bỏ ra mua cũng chần chừ, chờ đợi diễn biến. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ dè dặt trong việc tham gia thị trường lúc này tiếp tục góp phần vào sự trầm lắng của thị trường.
"Dù mới chỉ là dự đoán thôi, nhưng nguy cơ vỡ bong bóng của thị trường BĐS Việt Nam là có. Nếu người ta tính tổng nhu cầu nhà ở của 6-8 triệu dân Hà Nội so với sức chứa của hàng trăm dự án căn hộ, khu đô thị mới hiện nay, thì nhu cầu của Hà Nội không đến mức thế. Nếu phát triển hết ra thì chắc là cung vượt cầu, nguy cơ đó là hiện hữu. Tất nhiên, thị trường Hà Nội còn có nhu cầu của người dân các tỉnh về mua nhưng đến một lúc nào đó, nó cũng dễ "bội thực" như thời kỳ người ta đua nhau nuôi vẹt và chó Nhật. Vì tâm lý hiện nay, không phải người mua BĐS căn hộ là có nhu cầu, phần lớn cái đó là một kênh đầu tư của người dân" - ông Ân cho hay.
Vì thế, ông Ân cho rằng, bài toán ổn định vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Chỉ khi ổn định vĩ mô, giải quyết được bài toán lạm phát thì doanh nghiệp mới làm ăn được, còn hiện nay trên danh nghĩa, doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng thực tế là lỗ.
Theo Lao Động

Nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng Việt

Ngày hôm qua(30/5), tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã đưa ra đánh giá, lãi suất tăng cao khiến việc vay vốn khó khăn hơn và nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong năm nay và tiếp tục trong năm tới.
Theo Moody's, báo cáo của các ngân hàng Việt Nam cho thấy, các khoản vay không có khả năng thu hồi hoặc mất vốn vào cuối năm 2010 đã tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Ông Christine Kuo, một chuyên gia về tín dụng của Moody's tại Singapore cho biết, xu hướng này vẫn đang tiếp tục. "Sự gia tăng các khoản nợ xấu phản ánh sự suy yếu dòng tiền của các doanh nghiệp do lợi nhuận thấp, gánh nặng nợ tăng cao vì lãi suất đi vay tăng quá cao", ông Christine Kuo nói.
Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất trên thị trường mở từ 14% lên 15% và từ 10% vào đầu năm nay.  Thông tin từ VinaCapital cho biết, mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã cao tới 28%.
Ở những tháng quý I vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay, giảm so với một mục tiêu trước đó là 23%.
Theo ông Kuo, tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ giúp kiềm chế lạm phát, giúp các ngân hàng tăng chất lượng vốn cho vay. Tỷ lạm phát của Việt Nam trong tháng 5 năm nay đã tăng 19,78% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong hơn hai năm.
Cũng theo ông Kou, tuy nhiên, thắt chặt tín dụng sẽ dẫn đến gia tăng nợ xấu trong năm nay, và có thể tiếp tục tăng trong năm tới, nhưng tăng trưởng tín dụng thấp sẽ khuyến khích các ngân hàng tập trung vào việc lựa chọn các khách hàng uy tín để cho vay.
Theo VnMedia

Tư duy lại mô hình công ty "gia đình trị"

Top 500 thương hiệu công ty thành công nhất trên thế giới có hơn 1/3 là công ty theo mô hình "gia đình trị".
Ở Việt Nam, công ty gia đình cũng là hình thức khá phổ biến. Từ năm 1986 đến nay, các công ty gia đình của Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển quốc gia, đã thực hiện những thay đổi vượt bậc về kinh doanh và nhiều công ty trở thành công ty lớn/thương hiệu lớn trong nền kinh tế Việt Nam như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (xếp thứ nhất Việt Nam và thứ 16 thế giới), Công ty bánh kẹo Kinh Đô, Công ty gốm sứ Minh Long, Công ty giấy Sài Gòn...
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc điều tra, điều đáng buồn là các công ty gia đình của Việt Nam khó có thể tồn tại và phát triển qua thế hệ thứ 3. Sự chuyển giao công ty theo hình thức "cha truyền con nối" cũng chỉ mới bắt đầu ở thế hệ thứ 2. Và ngay cả sự chuyển giao giữa 2 thế hệ này cũng đã khiến cho một công ty "gia đình trị" bắt đầu những xung đột về quyền lợi và có dấu hiệu đi xuống. Tại sao vậy?
Tại sao một công ty có hàng chục năm kinh doanh thành công trên thương trường và nắm giữ các vị trí trụ cột là những người cùng huyết thống, cùng "chung một thuyền" lại suy sụp nhanh chóng khi thực hiện chuyển giao giữa các thế hệ?
Người ta nói rằng, điểm mạnh nhất của công ty gia đình là quan hệ "hợp tác" giữa các thành viên chủ chốt.  Tuy nhiên, cũng chính điểm mạnh ấy lại là yếu điểm có tính chất trọng yếu quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp "gia đình trị". Khi thực hiện chuyển giao giữa các thế hệ, những người thừa kế phải chia sẻ quyền sở hữu công ty trên tinh thần quan hệ "đối tác".
Họ phải cùng nhau quyết định cách thức quản trị và điều hành công ty như tài sản chung. Và đến lúc này, các vấn đề quản trị công ty nảy sinh. Đại đa số các công ty gia đình sẽ thất bại trong việc giải quyết vấn đề quản trị này.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn gia đình trị trên thế giới đều cho thấy quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định sự trường tồn và phát triển bền vững của các công ty gia đình. Như vậy, tư duy lại mô hình công ty "gia đình trị" ở Việt Nam có nghĩa là các công ty phải thay đổi tư duy về cách quản trị, quản lý công ty mà quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy quản trị về nguồn nhân lực.
Cốt lõi thành công là hệ thống quản trị tốt
Anh Lê Quang Phúc - Chủ tịch Công ty BDSC - chuyên tư vấn về chiến lược và tái lập doanh nghiệp, nhận xét rằng một trong những cách quản trị phổ biến, thường thấy nhất của các công ty gia đình ở Việt Nam là quản trị theo sự thuận tiện.
Điều này được hiểu là điều hành doanh nghiệp dựa trên "năng khiếu và sử dụng người thân". Nó là một sự xuất phát tự nhiên của mọi ông chủ trên đời này khi bắt đầu kinh doanh. Vì là năng khiếu nên khi quyết định công việc, chủ doanh nghiệp thiên về thói quen và sự thuận tiện.
Thói quen thường nặng về tình cảm (yêu - ghét) và nhẹ về lý trí (phải - trái). Sự thuận tiện thôi thúc ông ta thay đổi quyết định khi cần, vì nó giúp giải quyết khó khăn trước mắt. Việc sử dụng người thân trong cách này cũng là đương nhiên; cần người giữ tiền của mình an toàn thì không ai bằng vợ. Tương tự, giao cho anh hay em làm việc này việc nọ cho mình thì dễ dàng nhất và an tâm nhất. Trong "khung cảnh gia đình" ấy, một người ngoài tham gia vào - dù có giỏi hay không - thì không dễ dàng.
Do môi trường làm việc thiếu tính chuyên nghiệp này mà hầu hết người giỏi không thích đầu quân vào các công ty gia đình trị. Họ cảm thấy rằng dù được trả lương thật cao nhưng không được chia sẻ quyền lợi, không cảm thấy ổn định và an toàn. Họ cũng rất ngại va chạm với cách quản trị "sếp của sếp"!
Và những người trẻ tuổi cũng vậy, họ luôn cảm thấy rất áp lực khi làm việc trong các công ty gia đình bởi "sếp ông nói một đằng, sếp bà bảo làm một nẻo" và các mối quan hệ, quyền lợi đan xen, chồng chéo...
Do vậy, các công ty gia đình muốn tồn tại và phát triển, muốn giữ người thì nhất thiết phải thay đổi cách quản trị. Cần phải chuyển từ quản trị theo sự thuận tiện sang khoa học.
Như thế nào là quản trị khoa học? Ông Đoàn Hồng Việt - CEO của Tập đoàn Digiworld, cho rằng các công ty gia đình cần phải có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, thừa nhận vai trò của một hội đồng quản trị độc lập và xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu với hội đồng quản trị và bộ máy điều hành.
Có nghĩa là trong mỗi công ty phải có được một hệ thống cơ cấu tổ chức, cơ chế điều hành với người thực hiện công việc đúng khả năng và làm theo quy định. Kèm theo đó chủ nhân cũng ấn định cách thức kiểm soát để cho mọi người không làm khác. Tạm gọi nó là guồng máy. Nó do người chủ quyết định sau khi nghiên cứu việc sản xuất nhờ đã điều hành lâu hay thuê tư vấn làm.
Với cách quản trị này sẽ tạo nên người giỏi, ai làm cũng được, không cần phải là người thân thiết. Sự tin tưởng của chủ nhân không còn phải đặt vào người thân, mà vào cách quản trị rõ ràng, hợp lý cùng sự thực hiện đúng đắn các quy tắc quản trị đã đặt ra.
Nhiều người vẫn nghĩ các doanh nghiệp "gia đình trị" phải bỏ ra rất nhiều tiền để trả cho lòng trung thành của nhân viên. Nhưng bà Ngô Thị Báu - Tổng Giám đốc Công ty Thời trang Foci, cũng là một công ty gia đình trị có thương hiệu của Việt Nam không gọi đó là "chi phí cho lòng trung thành" mà bà cho rằng đó là chi phí xứng đáng doanh nghiệp phải trả cho nhân viên vì sự quen việc, hiệu quả làm việc của nhân viên.
Bà Báu nhấn mạnh, rằng dù công ty gia đình hay không phải gia đình thì yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp vẫn là hệ thống quản trị của công ty. Các nhà đầu tư cũng cho biết yếu tố đầu tiên để họ quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp không phải là khả năng tài chính của công ty mà chính là cách quản trị của công ty. Tiền bạc không thể tạo nên giá trị của một thương hiệu. Chỉ có một hệ thống quản trị tốt mới phát huy bền vững những giá trị tiềm năng của một công ty.
Các chuyên gia cũng nói rằng để khắc phục yếu điểm của các công ty "gia đình trị" không quá khó. Chỉ cần những người chủ đó thay đổi tư duy quản trị, quản trị công ty một cách khoa học hơn, mở rộng tư tưởng hơn thì thương hiệu công ty sẽ tồn tại, phát triển không ngừng cho dù phải trải qua nhiều cuộc chuyển giao thế hệ.
(Theo Tầm nhìn)

CK tuần mới: "Bình thường hóa" xoa dịu tiếng than?

(VEF.VN) - "Sell in May and go away" - ngạn ngữ của chứng khoán là thế - bán tháng Năm rồi đi chơi. Với việc chỉ số VNI phá mốc 425 điểm và có triển vọng trở thành "thùng không đáy", dù kịch bản đánh lên có được thực hiện hay không vào thời gian này, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn
Rốt cuộc thì lịch sử của tháng Năm cũng đã lặp lại. Vào tháng 5/2010, sau một đợt tăng giá chóng mặt của các cổ phiếu nhỏ và vừa (chủ yếu trên sàn Hà Nội), thị trường đã có pha bứt phá theo chiều xuống với VNI mất 12% và HNX mất 18%.
"Sell in May and go away" - ngạn ngữ của chứng khoán là thế - bán tháng Năm rồi đi chơi, cũng ứng với đà tụt dốc của các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới vào tháng Năm này, bao gồm cả chỉ số Laos Composite chỉ còn cách điểm khởi đầu của nó đúng 5%.
Với Việt Nam, tháng Năm năm nay cũng không khác gì năm 2010, chỉ có điều giá trị mất mát lớn hơn hẳn: VNI giảm 20%, còn HNX cũng không chịu thua kém người đồng liêu của mình. Sau giai đoạn được kéo ngang từ đầu tháng 3-giữa tháng 5/2011, tâm lý kiên nhẫn hy vọng của nhà đầu tư đã được đền đáp bằng cú đánh xuống quyết liệt đi kèm với một khối lượng khổng lồ cổ phiếu cần phải giải chấp tại các công ty chứng khoán.
Trong nhận định thị trường đầu tuần trước về "kịch bản đánh lên tốn kém", chúng tôi có đề cập đến khả năng nếu VNI bị kéo xuống dưới mốc 425 điểm thì HNX sẽ được "cho" dừng ở vùng 70-72 điểm. Trong thực tế tuần qua, đáy ngắn hạn của HNX được thiết lập ở mốc 69 điểm. Ngay tại mốc này là một đợt đánh lên bất ngờ như chúng ta đã chứng kiến. Nhưng khác hoàn toàn với những phiên tăng điểm "xanh vỏ đỏ lòng" gần đây, lần này nhà tạo lập thị trường (MM) đã chấp nhận tung một lượng chi phí đáng kể để đẩy thị trường lên.
Hai phiên cuối tuần qua là hai sắc thái khác biệt. Nếu phiên giao dịch ngày 26/5/2011 mang đầy màu sắc bẫy tăng giá (bulltrap) và làm cho đa số các công ty chứng khoán phải nghi ngờ vào tính trung thực của nó, thì trong phiên giao dịch tiếp theo lại xảy ra một hiện tượng lạ: điểm số sàn HNX chỉ tăng nhẹ trong khi thực tế phần lớn cổ phiếu của sàn này tăng mạnh. Hiện tượng này rất có ý nghĩa và có thể phủ nhận những suy đoán về bulltrap của phiên trước.
Hiện tượng trên, cùng với chi phí thực được tung ra của nhóm MM trong phiên cuối tuần, mặc dù những mã vốn hóa lớn như BVH, MSN cũng được đẩy tăng trần, đã nhen nhóm hy vọng về một đợt đánh lên thực chất như đã từng xảy ra vào giữa tháng 11/2010. Điểm trùng hợp giữa thời gian đó và hiện nay là chỉ số HNX đều đã giảm gần 30% tính từ đỉnh phục hồi gần nhất.
Sau hai phiên tăng mạnh, vấn nạn giải chấp cổ phiếu bỗng chốc bay biến. Chỉ còn nỗi lo ngại loáng thoáng trong tâm trí nhà đầu tư, dù chỉ ngay trước đó họ đã bị một phen hoảng loạn tra tấn. Khối lượng giao dịch giảm trong phiên cuối tuần cũng bắt đầu cho thấy hiện tượng găm hàng. Đó là tâm lý găm giữ khá thuận lợi cho nhóm MM nếu họ có ý đồ tiếp tục đánh lên.
Nếu thị trường tiếp diễn sự phục hồi, có thể vấn đề giải chấp sẽ được quan niệm đơn giản là đã được giải quyết gọn ghẽ qua những phiên tăng giá, cũng như nguy cơ bùng vỡ nợ tín dụng tại các công ty chứng khoán trong mối quan hệ mật thiết với ngân hàng dường như đang được xem nhẹ hơn. Sự thay đổi nhanh chóng về quan niệm lẫn tâm trạng nhà đầu tư càng làm cho lực cầu chảy vào thị trường dễ tăng lên nếu những phiên giao dịch tới được tiếp nối bởi sự đi lên của nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.
Cũng có một nguyên do tương đối hợp lý cho sự phục hồi của HNX. Tính từ đỉnh phục hồi 122 điểm, chỉ số này đã giảm đến 44% tại đáy vừa qua. Với độ sụt giảm quá mạnh như thế, việc sắp tới HNX đạt được tỷ lệ phục hồi khoảng 20% hoặc hơn thế không phải là bất bình thường. Đồng thời, ý đồ phục hồi phần nào chỉ số HNX cũng sẽ làm cho cho tình hình trở nên "bình thường hóa" khi xoa dịu tiếng kêu than nổi lên khắp nơi của nhà đầu tư và vô hình trung làm nhụt chí những ai đang có ý định "cứu chứng khoán".
Do vậy, nhận định về "kịch bản đánh lên tốn kém" có khả năng được phát triển rõ hơn với hai kịch bản nhánh: hoặc hai sàn được đánh lên với tỷ lệ tăng khoảng 10%; hoặc tỷ lệ này có thể nằm trong khoảng 20-23%.
Xét từ các yếu tố thực tế, có thể kịch bản thứ hai cần được chú ý hơn. Trong trường hợp kịch bản này diễn ra, HNX để có thể đạt đến vùng điểm 84-85, trong khi chỉ số VNI trở về khu vực 470-475 điểm. Trường hợp này cũng có nghĩa là lực cầu của tổ chức phải được duy trì đến hết tuần này và khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu phải liên tục được nâng lên, với mức tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ phải dần dần gần tương đương với mức tăng của nhóm cổ phiếu lớn và vừa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đợt đánh lên có thể diễn ra sắp tới vẫn nằm trong bối cảnh hoàn toàn không thuận lợi cho TTCK. "Bóng ma" giải chấp vẫn còn đó và vẫn chưa ai nêu ra được con số chính thức cần phải giải chấp là bao nhiêu. Trong khi đó, CPI vẫn khá cao, lãi suất cho vay vẫn chưa có chiều hướng giảm và chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho dòng tiến từ tiết kiệm chuyển sang kênh chứng khoán.
Ở một khía cạnh khác, đã xảy ra hiện tượng cục bộ khi một phần nguồn tiền của nhà đầu tư chứng khoán đã chảy dần sang phân khúc đất nền. Hiện tượng này là kết quả tất yếu của chuyển động trái chiều tương đối giữa hai TTCK và thị trường bất động sản trong thời gian qua, đặc biệt trong những ngày TTCK lao dốc thảm hại. Do vậy, không loại trừ việc một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán sẽ chốt lãi hoặc cắt lỗ trong đợt tăng điểm có thể diễn ra sắp tới để chuyển tiền sang kênh bất động sản.
Cũng cần nhắc lại thái độ hết sức thận trọng trong phân tích và nhận định thị trường của các công ty chứng khoán và các tổ chức phân tích độc lập khác. Không phải vô cớ mà hầu hết những tổ chức này đều kêu gọi nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư dùng tiền nhàn rỗi hòng bắt đáy chứng khoán, gia tăng sự cẩn trọng, tránh mua đuổi giá và hạ thấp tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt.
Với việc chỉ số VNI phá mốc 425 điểm và có triển vọng trở thành "thùng không đáy", dù kịch bản đánh lên có được thực hiện hay không vào thời gian này, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn và chỉ thích hợp cho những nhà đầu tư mạo hiểm lướt sóng mà thôi.

Kiểm soát tín dụng: Chặt hóa lỏng


NHNN vừa ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại "duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011". Có lẽ chưa muộn!
Ngày 20/5/2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thêm một văn bản 3976/NHNN-CSTT về kiểm soát hoạt động tín dụng. Nói "thêm", vì đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải văn bản đầu tiên bắt buộc các ngân hàng tuân thủ trần tăng trưởng tín dụng đã được thiết lập cho năm.
Điểm khác duy nhất của văn bản mới là ở câu "các tổ chức tín dụng duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011".
Ngắn hóa kỳ hạn cho vay
Khi đưa ra mốc chặn tăng trưởng tín dụng đến cuối năm dưới 20% cho cả hệ thống và từng ngân hàng, cơ quan quản lý ngành quan niệm đơn giản rằng mức tăng sẽ tuần tự thấp hơn 5%/quí, mỗi tháng tăng trên dưới 1-2%, cộng dồn cuối năm không vượt trần là được. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản thế! Các ngân hàng đang rất linh hoạt trong hoạt động tín dụng từng tháng bằng cách ngắn hóa kỳ hạn cho vay.
Tín dụng tháng này của ngân hàng A có thể tăng tới 25% so với cuối năm ngoái, sang đến tháng sau đã tụt nhanh xuống 5% vì hầu hết hợp đồng cho vay có kỳ hạn một tháng. Tình trạng trên được thúc đẩy bởi hai nguyên nhân: vốn huy động của ngân hàng hiện nay chủ yếu ở kỳ hạn vài tuần đến một tháng. Tỷ lệ khách hàng gửi tiền ba tháng đếm trên đầu ngón tay. Đầu vào ngắn thì đầu ra cũng phải ngắn. Thứ hai, các hợp đồng ngắn hạn dễ tái tục, thu lời ngay, đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp.
Vì sao phải "trong suốt cả năm"?
Cả người vay và cho vay đã khéo léo tận dụng sự kiểm soát máy móc và hành chính của trần tăng trưởng tín dụng trong ba tháng đầu năm. Ngày 24/3/2011 Thông tư 07 quy định về cho vay ngoại tệ mới được ban hành và tận 9/5/2011 mới có hiệu lực. Ngày 9/4/2011 Thông tư 09 hạ lãi suất huy động ngoại tệ của dân cư và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ mới được ban hành.
Trước hai thông tư, huy động và cho vay ngoại tệ vẫn tăng ở mức cao kỷ lục. Theo NHNN, lãi suất vay ngoại tệ bình quân từ đầu năm đến 16-3-2011 ở mức 6,83%/năm, trong khi cùng thời điểm lãi suất đầu ra tiền đồng bình quân 16-18%/năm. Vay ngoại tệ với chi phí rẻ thế, tội gì không vay? Kết quả là tăng trưởng tín dụng quí 1 của các "ông lớn" đều ở mức 7-10% so với cuối năm 2010, cao hơn hẳn toàn ngành.
Cụ thể, Vietinbank cho vay đến cuối quí I/2011 là 251.442 tỉ đồng so với 234.204 tỉ đồng cuối năm ngoái, tức tăng trưởng 7,36% (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất CTG quí 1-2011, trang 1). Con số cho vay tương ứng cùng thời gian đó ở Vietcombank là 197.931 và 176.813 tỉ đồng, tăng trưởng 11,94% (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất VCB quí I/2011, trang 3).
Chỉ từ giữa tháng 4 đến nay tín dụng chung mới khựng lại do tăng trưởng cho vay ngoại tệ giảm dần sau khi thông tư 07, 09 phát huy tác dụng. Tuy nhiên tình trạng ngắn hóa kỳ hạn cho vay vẫn đang tiếp diễn. Vốn được đẩy ra nhanh, rút vào nhanh rồi lại đẩy ra nhanh. Cứ thế luồng tiền từ ngân hàng chảy vào nền kinh tế vẫn cao nhờ tốc độ luân chuyển vốn mau lẹ. Thanh tra NHNN có vào cuộc cũng không thể bắt bẻ các ngân hàng. "Anh đòi hỏi tôi tới cuối năm không được tăng quá 20%, tôi chấp hành. Còn tuần này, tháng này, quí này tôi tăng trưởng tín dụng bao nhiêu đâu có phạm luật?". Nhìn ra vấn đề, NHNN liền hạ bút "duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011". Có lẽ chưa muộn!
Bút sa gà chết
Văn bản 3976 thòng thêm một câu: "Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất so với năm 2010". Chẳng là ở một số ngân hàng dư nợ cho vay phi sản xuất năm ngoái thấp. Năm nay sau khi tính toán dư nợ phi sản xuất đến cuối tháng 6 tối đa bằng 22% và cuối năm bằng 16% tổng dư nợ, số tuyệt đối có thể cho vay vẫn còn dư địa cao hơn năm 2010, nên một số ngân hàng xây dựng kế hoạch cho vay lĩnh vực này cao hơn năm ngoái. Quy định chi tiết ở câu thòng trên đã xóa luôn dư địa đó.
Sự kín kẽ của văn bản mới được ghi nhận. Các ngân hàng không vui mừng gì. Thanh tra NHNN trong phần cuối văn bản được yêu cầu giám sát và xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện đúng quy định về kiểm soát tín dụng. Nói thẳng ra, ở bất kỳ thời điểm nào hiện nay nếu thanh tra NHNN phát hiện ngân hàng nào có mức tăng trưởng vượt quá trần, ngân hàng đó sẽ gặp rắc rối.
Chưa thể nói quy định mới liệu có tác dụng sửa sai những kẽ hở của tăng trưởng tín dụng đến đâu, nhưng ít nhất nó đã thừa nhận thực trạng tín dụng ba tháng đầu năm chính là một trong những tác nhân gây nên sự thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng. NHNN đã điều hành tiền đồng một cách chủ quan dựa trên các rào chắn, mà thiếu quan tâm đến các kẽ hở.
Trong khi ba-ri-e tín dụng không mang lại hiệu quả trông đợi, tín dụng đến 21-4-2011 vẫn tăng 5,1%, huy động vốn hầu như không tăng, NHNN lại bóp chặt đột ngột tổng phương tiện thanh toán (chỉ tăng 0,98% so với cuối năm ngoái, thấp nhất trong 15 năm), làm cho tiền lưu thông ngoài ngân hàng tăng tới 4,12%. Khi tiền trong lưu thông tăng, lẽ ra lãi suất huy động phải thả nổi để ngân hàng hút tiền về, thì trần lãi suất 14% lại được áp đặt. Việc này chẳng khác nào xây hàng loạt bờ đập trên dòng sông, khiến nước chỗ tràn, chỗ cạn, nay chống hạn mai lại lo chống úng.
(Theo TBKTSG)

Sẽ ra sao nếu NASDAQ mua lại HOSE, HNX?


Tôi đồng ý vì muốn tìm hiểu thêm về TTCK của quê hương mình và dù sao, ông ta cũng chịu trả một khoản tiền hậu hĩnh. Bài viết 5 trang bằng tiếng Anh, ông ta nói đã trân trọng trao cho vị giám đốc; nhưng sau 3 tháng, ông ta không nghe gì thêm. Sau này, khi quen lối làm ăn tại VN, tôi mới biết sự im lặng không phản hồi là việc bình thường, rất phổ biến. Không nơi nào áp dụng triệt để câu "im lặng là vàng" như ở VN.
Tình cờ, tôi đọc lại bài viết này khi lục lọi các hồ sơ trên một máy tính cũ. Tôi chia sẽ vài ý tưởng chính ở đây vì thấy nó vẫn khá phù hợp với giai đoạn này của thị trường, dẫu bài viết đã ghi ra hơn 4 năm về trước. Dĩ nhiên, qua 4 năm, bài viết có thể sai lầm về vài chi tiết nhỏ trong dự đoán, những tựu trung, giải pháp đưa ra vẫn là những gì tôi cho là đúng trong bối cảnh hiện nay.
Hiện trạng thị trường
Bài viết bắt đầu những mô tả về TTCK lúc bấy giờ (ngày 6 tháng 10 năm 2006, VN Index chốt điểm là 536, lượng giao dịch khoảng 13 triệu cổ phiếu và có 186 công ty niêm yết trên 2 sàn, tổng cộng gi trị của thị trường là 13 tỷ USD).
Dựa trên kinh nghiệm ở Trung Quốc, tôi tiên đoán là một thị trường còn phôi thai như vậy sẽ lôi kéo nhiều nhà đầu cơ với các thủ thuật làm giá. Theo tính bầy đàn cố hữu của mọi thị trường, các nhà đầu tư VN sẽ ào ạt đổ tiền vào kênh này và VN Index có thể lên cao gấp đôi trong 2 năm tới. (Tôi hơi sai ở điểm này, vì chỉ trong vòng 5 tháng, vào 16 tháng 3 năm 2007, VN Index vọt lên 1,109 với 45 triệu cổ phiếu giao dịch).
Tôi cũng dựa vào kinh nghiệm bên Trung Quốc mà tiên đoán rằng sau khi kiếm được khối tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư lớn và các công ty CK cũng như các nhóm đầu cơ sẽ chốt lời, và thị trường sẽ tụt lại về khoảng 500 sau 1 năm (một lần nữa, tôi hơi sai vì VN Index không rớt về 500 mà xuống đến 245 vào 27 tháng 2 năm 2009, sau 16 tháng).
Vì những hoạt động này thường xảy ra ởTTCK phôi thai và lượng giao dịch kém sẽ khiến cho việc làm giá khá dễ dàng, nên tôi cảnh báo các vị quản lý TTCK nên xét lại những yếu tố căn bản trong việc vận hành một thị trường CK và phải thực thi những biện pháp hành chánh và pháp lý rõ ràng để tránh hay làm nhẹ đi những hố sâu trên đường phát triển. Tôi lập lại những thành tố để tạo dựng một TTCK bền vững và một giải pháp, dù hơi "táo bạo" nhưng cần cho một thực tế mới về kinh tế toàn cầu.
Yếu tố căn bản
Vấn đề lớn nhất trong quyết định mua bán của các quỹ đầu tư thế giới là yếu tố "tin cậy" (trust). Sự tin cậy thường dựa trên quản trị công ty (corporate governance), minh bạch thông tin và tài chính (transparency), giá trị thực sự của  báo cáo công ty và kiểm toán quốc tế, chất lượng của nhóm quản lý, sự tôn trọng quyền lợi các cổ đông thiểu số, sự nghiêm minh công bằng trong việc áp dụng luật của cơ quan giám sát, các điều kiện vĩ mô rõ ràng về hối đoái và thuế vụ, cũng như một cam kết về "chơi cho phải" (fair play); không bị bóp méo bởi điều lệ thay đổi bất cập, hay bị thao túng bởi các nhóm có tay trong. Không có tin cậy là không thể có một thị trường bền vững và phát triển.
Dĩ nhiên, còn các yếu tố khác gồm tính thanh khoản (liquidity), tầm cỡ của công ty, hệ số tài chính, chi phí mua bán, và vài yếu tố cá nhân khác như bầy đàn (herding), lướt sóng, đầu cơ.. khi nhà đầu tư mua bán cổ phiếu.
Nói chung, hiện nay, rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đã không tham dự vì thị trường chứng khoán việt nam thiếu yếu tố tin cậy này.
Thêm vào đó, viễn cảnh trong 5 năm tới của thị trường VN không gì là sáng sủa. Khi các nhà đầu cơ và các quỹ lớn đẩy giá cả các cổ phiếu lên quá cao, rồi chốt lời, thị trừơng sẽ tụt hâu về lại điểm khởi hành trong 3 năm tới. Điều này sẽ làm mất cái niềm tin quý báu mà các nhà đầu tư cá nhân đã đổ vào thị trường bằng đồng tiền xương máu của họ.
Tôi cũng tiên đoán là TTCK cũng như các điều kiện vĩ mô của kinh tế thế giới sẽ gặp vấn đề vào 2007 và ảnh hưởng dây chuyền sẽ làm xáo trộn hoạt động và kết quả tài chánh của phần lớn các công ty niêm yết (một lần nữa, tôi hơi sai vì chuyện này xảy ra vào 2 năm sau, 2009). Các nhà đầu tư trong nước sẽ không còn tài lực để tiếp tục cuộc chơi. Nếu không có các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, thị trường chứng khoán VN coi như ngưng nghỉ.
Giải pháp đột phá
Trước hết, hãy phân tích lợi ích quốc gia trong vai trò của thị trường chứng khoán. Mục tiêu chính của thị trường chứng khoán là gây vốn cho doanh nghiệp, dù công hay tư. Nó không có một giá trị chiến lược nào khác, từ quốc phòng đến kinh tế. Phần lớn các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều do công ty tư nhân đảm trách điều hành. Chính phủ chỉ giám sát để bảo đảm cuộc chơi không bị thao túng gian lận.
Theo khuynh hướng quản trị của công ty tư nhân, các vị giám đốc của NYSE (New York Stock Exchange), Nasdaq, LSE (london), v.v... luôn luôn tìm cách phát triển và mua lại các công ty điều hành những thị trường nhỏ hơn. Gần đây, NYSE đã mua liên tiếp sàn Archipalego, rồi đến Euronext và Amex.Trong khi đó, sau khi mua lại BSE, NASDAQ lại mua thêm OMX, PHLX. Tất cả các công ty điều hành thị trường chứng khoán tại Âu Mỹ đã xài hơn 53 tỷ USD trong 2 năm qua trong việc sát nhập và tiếp thu. Lý do là các công ty điều hành thị trường vẫn có lợi nhuận rất khả quan trong bối cảnh khủng hoảng vì họ kiếm lời qua phí giao dịch, không nhận rủi ro gì về tài chính.
Dù rằng HOSE và HNX còn rất nhỏ trong dịch vụ giao dịch hiện tại, nhưng với tiềm năng của một thị trường có 84 triệu dân số và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, HOSE và HNX hội đủ yếu tố phát triển nhanh chóng để NYSE, NASDAQ hay các công ty điều hành quốc tế lớn chú ý. Do đó, tôi nghĩ nếu có cơ hội để mua và điều hành HOSE và HNX, những công ty như NYSE và NASDAQ sẵn sàng mua đa số cổ phần với giá phải chăng. Giải pháp kích cầu hữu hiệu nhất cho chứng khoán VN là tìm cách để một công ty điều hành lớn và danh tiếng như NYSE hay NASDAQ đầu tư và mua lại HOSE và HNX. Dĩ nhiên, Chính phủ phải điều chỉnh vài dự luật về đầu tư chứng khoán để phù hợp với tình thế mới.
Những tác động có thể nhìn thấy
Những điều gì có thể xẩy đến nếu chúng ta thuyết phục được NYSE hay NASDAQ mua lại hai thị trường HOSE và HNX?
1. Tác động lớn lao nhất là thiết lập lại "sự tin cậy" cho mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước. với niềm tin vào một sân chơi bằng phẳng, và uy tín thương hiệu lâu đời của NYSE hay NASDAQ, thị trường chứng khoán VN sẽ thu hút sự chú ý không những của cộng đồng đầu tư mà còn của mọi giới truyền thông khắp thế giới. Sự chú ý này cũng ảnh hưởng không ít đến uy tín chung của quốc gia VN trên toàn cầu. Khi đó, chúng ta có thể hãnh diện tuyên bố là thị trường chứng khoán VN có một chất lượng quản lý và điều hành cao hơn thị trường Hongkong hay Singapore.
2. Với thương hiệu, hệ thống phân phối, khách hàng truyền thống, kỹ năng công nghệ cao, lối quản trị tân kỳ, NYSE hay NASDAQ sẽ đem lại cho HOSE và HNX một yếu tố vô cùng cần thiết: tính thanh khoản. Việc thu hút các khách hàng quốc tế mới sẽ là một liều thuốc hồi sinh cho chứng khoán VN. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một dung lượng giao dịch gấp 10 lần hiện tại để sống còn.
3. Ngoài dung lượng giao dịch, thương hiệu NYSE hay NASDAQ sẽ làm tăng ít nhất là 15% đến 30% thị giá các công ty. Mọi doanh nhân đều thấu hiểu giá trị của thương hiệu: hai chiếc đồng hồ có cùng một chất lượng và vẻ đẹp tương đương, nhưng chiếc đồng hồ mang tên Rolex sẽ có giá bán gấp 20 lần chiếc Seiko.
4. Dưới sự điều hành của NYSE hay NASDAQ, và sự tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư Âu Mỹ, các công ty niêm yết cần phải chấp hành nghiêm túc các luật lệ và điều kiện của cơ quan giám sát mỹ, SEC (securities and exchange commission). Quan trọng nhất là quản trị công ty và minh bạch thông tin. Các kiểm toán quốc tế phải hội đủ điều kiện để sec chấp thuận và phương thức kiểm toán phải phù hợp với GAAP (general accepted accounting practices). Dù phải gia tăng chi phí, nhưng các công ty niêm yết sẽ học được bài học đáng giá về nâng cao chất lượng quản trị công ty. Những thay đổi này sẽ giúp các công ty và ban quản trị cạnh tranh hữu hiệu sau này với các đối thủ hàng đầu của thế giới. nó không khác bao nhiêu với hệ thống tiêu chuẩn iso đã được mọi nhà sản xuất chấp nhận.
5. Dĩ nhiên trong mọi tình huống, đều có những điểm tiêu cực đi kèm với lợi ích. hậu quả tệ nhứt là có thể hơn 50% các công ty đang niêm yết hiện nay sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục niêm yết trên sàn mới. những lý do thải lọc bao gồm việc công ty không đủ tầm cỡ, hay kế toán không đủ minh bạch, hoặc gian dối trong thông tin, hay bị mâu thuẫn lợi ích về quản trị và các vi phạm luật lệ chứng khoán khác theo điều luật mới. Cổ đông hiện tại của các công ty này sẽ phải nhận chịu lỗ lả khi giá cổ phiếu rơi rớt. đây là giá phải trả để có một thị trường phong cách quốc tế.
6. Sở chứng khoán của Chính phủ vẫn tiếp tục giám sát theo luật lệ đặc thù của VN; nhưng ai cũng hiểu rằng, trên thực tế, vai trò giám sát của SEC (Mỹ) sẽ rất quan trọng. Lý do là luật lệ Mỹ khắt khe hơn và SEC có nhiều tài lực để thi hành luật pháp nghiêm chỉnh hơn. Thêm vào đó, luật giới hạn sở hữu cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài là 49% sẽ phải thay đổi và Chính phủ sẽ mất đi quyền hạn can thiệp vào thị trường để điều chỉnh các hệ số vĩ mô khác của nền kinh tế quốc gia.
Mục tiêu thực sự của TTCK
Như đã trình bày, mục tiêu chính của thị trường chứng khoán là để tìm vốn cho doanh nghiệp công hay tư; mọi ý đồ can thiệp hay kiềm chế khác đều phá hoại tính chất sòng phẳng của sân chơi và làm mất niềm tin của mọi nhà đầu tư chân chính.
Tóm lại một giải pháp thật đơn giản nhưng rất hữu hiệu, có thể gia tăng dung lượng giao dịch và giá cổ phiếu, nâng tầm chất lượng quản lý công ty, tạo thương hiệu cho thị trường, không tốn kém Chính phủ một đồng bạc nào, phải là một giải pháp hợp lý hợp tình trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Nhưng trên hết, nó trả lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào chứng khoán VN.
Theo bạn, những nhận định và giải pháp trên đây có phù hợp với tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán VN? Liệu có nên để NYSE hay NASDAQ mua lại HOSE và HNX? Mọi ý kiến thảo luận mời gửi về vef@vietnamnet.vn hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.