Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CK tuần mới: "Bình thường hóa" xoa dịu tiếng than?

(VEF.VN) - "Sell in May and go away" - ngạn ngữ của chứng khoán là thế - bán tháng Năm rồi đi chơi. Với việc chỉ số VNI phá mốc 425 điểm và có triển vọng trở thành "thùng không đáy", dù kịch bản đánh lên có được thực hiện hay không vào thời gian này, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn
Rốt cuộc thì lịch sử của tháng Năm cũng đã lặp lại. Vào tháng 5/2010, sau một đợt tăng giá chóng mặt của các cổ phiếu nhỏ và vừa (chủ yếu trên sàn Hà Nội), thị trường đã có pha bứt phá theo chiều xuống với VNI mất 12% và HNX mất 18%.
"Sell in May and go away" - ngạn ngữ của chứng khoán là thế - bán tháng Năm rồi đi chơi, cũng ứng với đà tụt dốc của các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới vào tháng Năm này, bao gồm cả chỉ số Laos Composite chỉ còn cách điểm khởi đầu của nó đúng 5%.
Với Việt Nam, tháng Năm năm nay cũng không khác gì năm 2010, chỉ có điều giá trị mất mát lớn hơn hẳn: VNI giảm 20%, còn HNX cũng không chịu thua kém người đồng liêu của mình. Sau giai đoạn được kéo ngang từ đầu tháng 3-giữa tháng 5/2011, tâm lý kiên nhẫn hy vọng của nhà đầu tư đã được đền đáp bằng cú đánh xuống quyết liệt đi kèm với một khối lượng khổng lồ cổ phiếu cần phải giải chấp tại các công ty chứng khoán.
Trong nhận định thị trường đầu tuần trước về "kịch bản đánh lên tốn kém", chúng tôi có đề cập đến khả năng nếu VNI bị kéo xuống dưới mốc 425 điểm thì HNX sẽ được "cho" dừng ở vùng 70-72 điểm. Trong thực tế tuần qua, đáy ngắn hạn của HNX được thiết lập ở mốc 69 điểm. Ngay tại mốc này là một đợt đánh lên bất ngờ như chúng ta đã chứng kiến. Nhưng khác hoàn toàn với những phiên tăng điểm "xanh vỏ đỏ lòng" gần đây, lần này nhà tạo lập thị trường (MM) đã chấp nhận tung một lượng chi phí đáng kể để đẩy thị trường lên.
Hai phiên cuối tuần qua là hai sắc thái khác biệt. Nếu phiên giao dịch ngày 26/5/2011 mang đầy màu sắc bẫy tăng giá (bulltrap) và làm cho đa số các công ty chứng khoán phải nghi ngờ vào tính trung thực của nó, thì trong phiên giao dịch tiếp theo lại xảy ra một hiện tượng lạ: điểm số sàn HNX chỉ tăng nhẹ trong khi thực tế phần lớn cổ phiếu của sàn này tăng mạnh. Hiện tượng này rất có ý nghĩa và có thể phủ nhận những suy đoán về bulltrap của phiên trước.
Hiện tượng trên, cùng với chi phí thực được tung ra của nhóm MM trong phiên cuối tuần, mặc dù những mã vốn hóa lớn như BVH, MSN cũng được đẩy tăng trần, đã nhen nhóm hy vọng về một đợt đánh lên thực chất như đã từng xảy ra vào giữa tháng 11/2010. Điểm trùng hợp giữa thời gian đó và hiện nay là chỉ số HNX đều đã giảm gần 30% tính từ đỉnh phục hồi gần nhất.
Sau hai phiên tăng mạnh, vấn nạn giải chấp cổ phiếu bỗng chốc bay biến. Chỉ còn nỗi lo ngại loáng thoáng trong tâm trí nhà đầu tư, dù chỉ ngay trước đó họ đã bị một phen hoảng loạn tra tấn. Khối lượng giao dịch giảm trong phiên cuối tuần cũng bắt đầu cho thấy hiện tượng găm hàng. Đó là tâm lý găm giữ khá thuận lợi cho nhóm MM nếu họ có ý đồ tiếp tục đánh lên.
Nếu thị trường tiếp diễn sự phục hồi, có thể vấn đề giải chấp sẽ được quan niệm đơn giản là đã được giải quyết gọn ghẽ qua những phiên tăng giá, cũng như nguy cơ bùng vỡ nợ tín dụng tại các công ty chứng khoán trong mối quan hệ mật thiết với ngân hàng dường như đang được xem nhẹ hơn. Sự thay đổi nhanh chóng về quan niệm lẫn tâm trạng nhà đầu tư càng làm cho lực cầu chảy vào thị trường dễ tăng lên nếu những phiên giao dịch tới được tiếp nối bởi sự đi lên của nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.
Cũng có một nguyên do tương đối hợp lý cho sự phục hồi của HNX. Tính từ đỉnh phục hồi 122 điểm, chỉ số này đã giảm đến 44% tại đáy vừa qua. Với độ sụt giảm quá mạnh như thế, việc sắp tới HNX đạt được tỷ lệ phục hồi khoảng 20% hoặc hơn thế không phải là bất bình thường. Đồng thời, ý đồ phục hồi phần nào chỉ số HNX cũng sẽ làm cho cho tình hình trở nên "bình thường hóa" khi xoa dịu tiếng kêu than nổi lên khắp nơi của nhà đầu tư và vô hình trung làm nhụt chí những ai đang có ý định "cứu chứng khoán".
Do vậy, nhận định về "kịch bản đánh lên tốn kém" có khả năng được phát triển rõ hơn với hai kịch bản nhánh: hoặc hai sàn được đánh lên với tỷ lệ tăng khoảng 10%; hoặc tỷ lệ này có thể nằm trong khoảng 20-23%.
Xét từ các yếu tố thực tế, có thể kịch bản thứ hai cần được chú ý hơn. Trong trường hợp kịch bản này diễn ra, HNX để có thể đạt đến vùng điểm 84-85, trong khi chỉ số VNI trở về khu vực 470-475 điểm. Trường hợp này cũng có nghĩa là lực cầu của tổ chức phải được duy trì đến hết tuần này và khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu phải liên tục được nâng lên, với mức tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ phải dần dần gần tương đương với mức tăng của nhóm cổ phiếu lớn và vừa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đợt đánh lên có thể diễn ra sắp tới vẫn nằm trong bối cảnh hoàn toàn không thuận lợi cho TTCK. "Bóng ma" giải chấp vẫn còn đó và vẫn chưa ai nêu ra được con số chính thức cần phải giải chấp là bao nhiêu. Trong khi đó, CPI vẫn khá cao, lãi suất cho vay vẫn chưa có chiều hướng giảm và chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho dòng tiến từ tiết kiệm chuyển sang kênh chứng khoán.
Ở một khía cạnh khác, đã xảy ra hiện tượng cục bộ khi một phần nguồn tiền của nhà đầu tư chứng khoán đã chảy dần sang phân khúc đất nền. Hiện tượng này là kết quả tất yếu của chuyển động trái chiều tương đối giữa hai TTCK và thị trường bất động sản trong thời gian qua, đặc biệt trong những ngày TTCK lao dốc thảm hại. Do vậy, không loại trừ việc một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán sẽ chốt lãi hoặc cắt lỗ trong đợt tăng điểm có thể diễn ra sắp tới để chuyển tiền sang kênh bất động sản.
Cũng cần nhắc lại thái độ hết sức thận trọng trong phân tích và nhận định thị trường của các công ty chứng khoán và các tổ chức phân tích độc lập khác. Không phải vô cớ mà hầu hết những tổ chức này đều kêu gọi nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư dùng tiền nhàn rỗi hòng bắt đáy chứng khoán, gia tăng sự cẩn trọng, tránh mua đuổi giá và hạ thấp tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt.
Với việc chỉ số VNI phá mốc 425 điểm và có triển vọng trở thành "thùng không đáy", dù kịch bản đánh lên có được thực hiện hay không vào thời gian này, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trung hạn và chỉ thích hợp cho những nhà đầu tư mạo hiểm lướt sóng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét