Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ hai)

Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ hai)
... Cô giáo viên người thị xã Quảng Ngãi đã đuổi tôi trong tiết học thứ 3, sau đó đã bật khóc khi biết lý do “vô kỷ luật” của trò Đức.

Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi

(tiếp theo kỳ trước)

Bạn nhìn kỹ tấm hàng rào kẽm gai bị ngã về phía ruộng lúa trong bức ảnh bên dưới và bao lỗ trống trong ruộng lúa xanh tươi, đó là chỗ nằm của những xác người.


Ronald L Haeberle chụp chưa được toàn cảnh, phía sau chỗ ông đứng và phía bên trái khi đó còn rất nhiều xác đàn bà và trẻ em.

Vừa rời Tháp Canh không xa, một chiếc trực Thăng xuất hiện từ hướng đồn Voi rồi bỗng dưng bay rất thấp. Tôi sợ quá ôm em Hà nằm rạp xuống để tránh đạn. Nhìn lên máy bay thấy rất rõ có vài tên lính Mỹ và một tên ngồi ngoài cửa máy bay, chắc là để chụp hình chứ không phải bắn người, nếu họ bắn thì Đức và Hà đã trúng đạn rồi,vì họ bay rất thấp. Sau đó máy bay biến mất, tôi ôm em Hà đứng dậy và tiếp tục chạy lên hướng Trường An theo lối đường truông để về Sơn Hội.

Trên đoạn đường ôm kéo em đi, thỉnh thoảng vẫn gặp vài xác người có lẽ đi làm đồng buổi sáng hoặc đi chợ xa bị lính gặp và bắn chết. Xa xa phía trong làng, tiếng súng vẫn còn đang bắn dữ dội, khói cháy từ những căn nhà bị đốt bốc cao đen mịt cả một vòm trời.

Máy bay trực thăng vẫn còn oanh tạc, Sơn Mỹ và bao người dân vô tội, cùng những đứa trẻ thơ đang bị tấn công tiêu diệt, trời đất Mỹ Lai đảo điên như sụp đổ. Bao người thân quen, bà con Mỹ Lai chân quê mộc mạc họ làm gì nên tội? Tại sao phải tiêu diệt họ? Cuộc tàn sát mỗi lúc một dữ hơn, những tên lính càng bắn giết càng man rợ và điên cuồng hơn... Ôm em Hà chạy về đến Gia Hoà, tôi ghé nhà ông bác xin nước uống vì khát quá, nhưng ông ta không cho. Chắc do thấy 2 anh em tôi đang bị thương, máu me đầy người, ahy vì một lý do gì khác tôi cũng không rõ.

Tiếp tục ôm em lủi thủi về Tăng Long. Gần xế mới về đến nhà ngoại. Ngoại ôm 2 cháu và khóc thật nhiều. Bà đi gọi y tá về băng bó, cứu chữa cho tôi và Hà. Tôi bị thưong ở trán, Hà thì bị ở bụng. Ông Hùng y tá ở Tăng Long là người đã chạy chữa trị thương cho 2 anh em tôi. Dân Tăng Long ngày đó kéo đến nhà ngoại đông lắm để xem , hỏi thăm và giúp đỡ.

Chị Mỹ năm đó 9 tuổi. Khi lính Mỹ nã súng bắn vào đám dân tập trung, loạt súng đầu tiên thật kinh hoàng nhiều người chết lắm, những người khác đồng loạt đứng dậy bỏ chạy xuống ruộng lúa, nhưng lính tiếp tục bắn vào họ. Phần lớn bị trúng đạn và ngã chết dưới ruộng. Chị Mỹ của tôi cũng bị ngã xuống ruộng và nằm im giả chết, máu thịt của những người bị bắn chết bên cạnh văng vãi lên mình. Thoạt nhìn tưởng chị đã bị bắn chết. Khi lính Mỹ bỏ đi, chị lom khom bò dậy và cố đi tìm mẹ. Chị gặp một người đàn bà khác cũng còn sống sót bảo rằng “mẹ con đã đi về ngoại của con rồi“. Rồi bà dẫn chị Mỹ cùng đi tìm con của bà. Con bà cũng đang nằm gần đó. Bà thấy và ôm xốc lên, đứa bé bị thương rất nặng. Bà hớt hải ôm con chạy, chạy lên hướng Trường An để tìm nơi cấp cứu. Chị Mỹ cứ vậy mà chạy theo bà, lên khỏi Trường An đến Tịnh Thiện, bà gửi chị Mỹ vào nhà một người dân và ôm con đến trạm xá cấp cứu. Chị Mỹ bảo: đứa bé chắc không qua khỏi vì vết thương khá sâu và dài, máu chảy ra nhiều quá... Người ta bảo chị tôi ở lại một đêm, sáng mai yên yên hãy về. Và sáng ngày 17-03-1968 người dân cũng đã chỉ đường cho chị tôi tìm về được Sơn Hội. Gặp lại chị tôi vui mừng khôn tả, nhưng chưa khỏi bàng hoàng. Tôi hỏi chị về chị Hồng và em Huệ của tôi, chị bảo bị lính Mỹ bắn chết hết rồi.

Ba tôi ngày 16-03-1968 đang công tác ở Vĩnh Ty, Tịnh Hiệp. Nghe tin vụ thảm sát, ông hớt hải tìm đường về Sơn Mỹ. Đường đi rất khó khăn vì ông là cách mạng, mãi tối 17-03-1968 ông mới về đến Tư Cung. Than ôi, ông về không kịp. Tối 16-03-1968 đồng chí của ông đã chôn vợ và mấy đứa con của ông rồi. Không được tự tay chôn cất những người thân yêu nhất của mình, nhưng vẫn còn kịp đón nhận những thông tin và di vật của gia đình từ những người đồng chí mà tối qua đã giúp ông chôn cất.

Vài ngày sau, tình hình Mỹ Lai lắng xuống dần. Một đêm tối trời và lâm râm mưa, ông ghé về Tăng Long thăm mẹ vợ. Rất mừng vì đến lúc đó mới biết được 3 đứa con của ông vẫn còn sống sót và đang đứng trước mặt ông... Tôi nhớ rất rõ hình ảnh ba ôm ghì lấy tôi, Hà cùng chị Mỹ vào lòng và khóc thật lâu. Sau ngày ấy ba rất thường về thăm chúng tôi và để lo chữa vết thương cho tôi và em Hà.

Sau khoảng 2 tuần tôi thấy ông cạo trọc đầu và trông rất buồn thảm. Vì đang bận công tác ở Vĩnh Ty, Tịnh Hiệp cho nên ba lưu lại ở quê không lâu, hơn 1 tháng ông phải trở lại đơn vị. Trước khi đi ông còn lo thật kỹ vấn đề cuộc sống và ăn học của 3 chị em tôi , ông gửi gắm cho những người bạn thâm tình những gì chúng tôi cần giúp đỡ sau này.

16-03-1968- ngày định mệnh của 3 chị em chúng tôi. Giặc Mỹ đã cướp đi người mẹ yêu quí, người chị và đứa em thật hiền hòa, chúng tôi đã bị mất một gia đình thật sung túc và đầm ấm...

Những ngày đầu tiên, những tuần đầu tiên, 3 chị em cứ ngồi ôm nhau khóc. Ngoại tôi buồn thật buồn, bà càng khuyên chúng tôi càng tủi thân hơn và khóc nhiều hơn.... Nhưng rồi, dần dần lũ trẻ chúng tôi cũng phải... tuân theo qui luật của cuộc sống, cố gắng để tồn tại.

Nhà ngoại tôi nghèo, thật nghèo. Nhà tranh vách đất, nằm trên đất công dưới lũy tre làng bên dòng sông Sơn Hội hiền hòa. Trước đó không lâu cứ mỗi lần cùng 2 chị về thăm ngoại, tôi thường coi nơi này là tiên cảnh, có dòng sông tôi tha hồ tắm, có bãi cát trắng cho chúng tôi nô đùa và đám trẻ con nơi đây sao mà dễ làm quen đến thế.. Vậy mà hôm nay, những tháng ngày đầu tiên 3 chị em chúng tôi phải tự lực sống, tôi cảm thấy căn nhà thân quen của ngoại sao xa lạ đến thế. Nét hồn nhiên trong tôi không còn nữa... Tôi thấy thật đắng cay!

Ngoại già yếu, bà cũng cố gắng đi phiên chợ chiều An Lộc để mua bán cá, với số vốn ít ỏi cho nên lời cũng không được nhiều, nhưng đó là nguồn sống chính của 4 bà cháu chúng tôi. Chị Mỹ và tôi sau vài tuần hoàn hồn là phải đương đầu với sự thật, chị xin đi ở đợ cho bà Bốn Thường dưới An Lộc để kiếm cơm ăn và phụ với ngoại. 3 tháng sau, thấy gia đình thiếu thốn đủ bề, dù ngoại và chị rất cố gắng, tôi bắt đầu đi mót lúa ,củ lang, củ mì... để phụ thêm cho sinh nhai của gia đình.

Mới có vài tháng mất mẹ, xa gia đình đầm ấm mà chị Mỹ cùng tôi như kẻ ăn mày từ lâu lắm rồi. Hai chị em trông thật đen và ốm. Cứ sáng sớm phải ra đồng và mãi tận chiều tối mới về đến nhà. Tôi đội chiếc nón rách, bộ quần áo tả tơi, cây cuốc chỉa và một cái bao Đại Hàn. Người dân nơi đây thu nhập gì tôi cũng đến mót, lúa, mì, lang, bắp củ, huỳnh tinh... Đôi khi tôi phụ giúp cả ngày cho họ để đón nhận một chút công ít ỏi là vài trái bắp, đôi ba cân củ lang...

Với em Hà càng thật gian nan hơn. 14 tháng tuổi mất mẹ, tìm đâu ra sữa để nuôi thân, em khóc nhiều và teo riết. Ngoại hay ôm em Hà đi tìm phụ nữ trong làng có con mọn để xin bú nhờ...

... Ngày 19-12-1969, lại một tin sét đánh với chúng tôi: ba hy sinh. Niềm hy vọng còn lại của 3 chị em chúng tôi đã mất. Dù rất ít về thăm và thỉnh thoảng gửi tiền phụ giúp ngoại tôi, nhưng với 3 chị em chúng tôi, ông là nguồn động viên vô cùng lớn. Ông thường nói với 3 chị em: cố gắng ăn học nghe lời dạy bảo của ngoại, mai sau khôn lớn sẽ đi với ba...

Cuộc sống kinh tế gia đình vốn khó. Khi ba tôi mất lại càng khó khăn hơn.

Năm 1970, tôi và chị Mỹ được ngoại cho đi học. Mái trường nơi tôi hằng mơ ước, nơi tôi sẽ đón nhận những gì cao quí nhất... Vậy mà tôi cảm thấy đắng cay chua chát quá...

Vài tiếng đồng hồ mỗi ngày trong lớp học. Còn lại tất cả thời gian, chị em chúng tôi phải bươn chải với đời, khó nhọc kiếm từng miếng cơm manh áo, khi trái gió trở trời kiếm không được miếng ăn thì chúng tôi đành chịu đói... Bà Rân, ông Tám em, ông Yên và tất cả dân thôn Tăng Long ngày ấy, họ rất đau lòng trước cảnh ngộ của 3 chị em chúng tôi, cái củ mì, củ lang đọt phay của vườn nhà bà Rân đã cầm hơi được bao cơn đói lả cho 3 chị em. Rất nhiều lần tôi bị ngã gió, say gió do đói quá phải ăn nhiều quả “uma“ (trái trứng gà).

... Hà dần lớn lên, cùng chị Mỹ và tôi bươn chải gian lao để kiếm miếng ăn manh áo. Ngoại càng ngày càng già, bà buôn bán đâu còn được nữa, gia đình tôi càng ngày càng thiếu túng hơn.

Năm 1972, chị Mỹ học đến lớp 3 trường cơ sở Tăng Long thì phải đành nghỉ học. Chị buồn và tiếc lắm, nhưng phải đành vậy, chị chấp nhận và chọn hy sinh để 2 đứa em mình được học tiếp. Sau những giờ học tôi và Hà, nếu không đi làm cho người ta thì đi mót lúa,củ lang.... Nhưng nhìn chị, chúng tôi càng buồn hơn. Chị đi ở cho người ta thật khổ sở, quần áo rách rưới, ăn uống thiếu thốn, rất nhiều hôm thật khuya chị mới về đến nhà ,chị luôn dành cho tôi và Hà những chén cơm đầy, những thức ăn ngon, còn chị ăn qua loa gì cũng xong. Chị thường ăn sau cùng để cố nuốt những thức ăn còn lại, nhưng tôi nghĩ chị rất ít được những bữa no.

Từ ngày 16-3-1968, 3 chị em tôi về ở với ngoại đã tạo cho bà một gánh quá nặng, thật trầm luân và gian khổ cho bà. Bà lầm lũi và rất cố gắng để 3 đứa cháu của bà khỏi chết đói hoặc đưa đẩy vào dòng đời đen bạc. Hồi đó, bà hay bị chính quyền xã Sơn Hội bắt ra xã để hội đồng tra hỏi vì có con đi làm cách mạng, và họ thường xuyên bắt bà ngủ lại để canh giữ cơ quan xã khỏi bị cộng sản gài mìn hoặc tấn công.

Bà cũng thiếu thốn lắm, nhường tất cả những gì bà có cho các cháu, thật tội nghịệp cho bà...

Thời gian những năm 1972-1973, chiến tranh quê tôi lan rộng khắp mọi nơi. Không chỉ Bình Đức, Sơn Mỹ mà lan rộng đến Sơn Hội, Sơn Thành, Sơn An... Dân quê tiếp tục chết nhiều dưới bom đạn. Cuối năm 1972, Sơn Hội cũng là bãi chiến trường. Gia đình tôi cùng bà con Sơn Hội phải tản cư lên Tịnh Ấn, vài tuần khi tiếng súng tạm yên trở lại, căn nhà của ngoại bị một trái bom Mỹ thả trúng cháy sạch chỉ còn lại một cái hố bên cạnh khá sâu.

Bà con dân làng vốn rất thương gia đình tôi. Sau trận bom này, họ giúp đỡ thật tận tình, và ròng rã 2 tháng vất vả dựng xây nên một căn nhà lợp tranh lẫn bói vách đất. Thoạt nhìn khi trở lại từ Tịnh Ấn, tôi có cảm giác cuộc đời tôi sẽ không bao giờ còn mái ấm che thân. Vậy mà nhờ kẻ gánh đất người cho tre, còn 3 chị em tôi cùng ngoại thì ra bãi bồi cắt bói, ra đồng lúa xin rạ, nên sau 2 tháng ròng túp liều tranh ngoài sức tưởng tượng của tôi được dựng lên. Đó là mái ấm che chở cho 4 bà cháu tiếp tục sống trong những ngày tháng vất vả gian nan...

Những buổi chiều mệt lả, từ núi Tranh hay Sơn Mỹ, tôi đi mót củ mót lúa trở về, qua cánh đồng Mã Sơn Hội, nhìn đám bạn trang lứa học cùng trường đang thả diều , đá banh, tung tăng đùa ngịch... đôi khi đứng lại lặng nhìn thật lâu mà lòng dâng lên bao nỗi buồn, tủi thân khôn tả. Tôi không dám đến gần hoặc đi theo đường cũ, chọn cách rẽ đường khác để giữ khoảng cách xa hơn. Những lúc ấy tôi hay nhìn lại mình, trên vai mang chiếc cuốc chỉa cán dài, đầu kia treo lủng lẳng một cái bao Đại Hàn màu xanh cũ nát, chắc cũng được vài cân củ lang nhỏ xíu mà người ta hay dùng nó để nấu cám cho heo ăn, bộ đồ tôi mặc đã rách nát và đổi màu từ lâu cùng chiếc nón cời thật thảm thê mà tôi đâu có tiền để mua chiếc khác...

30.4.1975, quê hương giải phóng. Hòa bình trở lại, tất cả dân quê tôi vui mừng như hội. Chị Mỹ, em Hà cùng ngoại tôi không biết lúc đó nghĩ gì? Chứ còn tôi, như một kẻ mất hồn, tôi đến rất nhiều nhà , những ai có người thân đi tập kết hay chiến dịch trở về, dù đã biết ba mình 6 năm rồi khuất núi, nhưng trong tôi ngày ấy mơ tưởng vẫn còn, biết đâu tin xưa không thực, trong bao người trở lại từ các chiến trường khốc liệt biết đâu có ba tôi... Tôi đứng khá xa và nhỏ lệ khi nhìn ông Hộ ôm Hồng bạn tôi ngày trở lại qua bao năm xa cách, Hồng là con trai của ông...

Chú Phan Thế Mạnh, bạn cùng đơn vị của ba tôi vỗ về an ủi: Ba của con hy sinh rất anh dũng, bị Mỹ bắn chết khi đang làm công tác cứu thương cho đồng đội...

Cũng năm ấy tôi vào lớp 6, được chuyển cấp, từ Sơn Hội lên Sơn Thành học cấp 2. Niềm vui sướng và mong mỏi thật lâu của tôi. Nhưng ngay ngày đầu tiên nhập học, tôi bị đuổi ra khỏi lớp: “trò Đức vô kỷ luật, không mặc quần dài khi đi học“... Tôi khóc thật nhiều và tủi thân lắm. Tôi có quần dài đâu mà mặc? Dì Tám thấy vậy chạy về nhà lục tìm trong tủ của người dượng quá cố từ năm 1973, may quá trong tủ còn tìm được 1 chiếc quần kaki dài cũ màu đen. Dì Tám đưa cho dì út sửa lại bằng tay để tôi mặc đi học. Chiếc quần dài đầu đời của tôi có được là vậy.

Cô giáo viên người thị xã Quảng Ngãi đã đuổi tôi trong tiết học thứ 3 sau đó đã bật khóc, khi biết lý do “vô kỷ luật” của trò Đức ...

Trần Văn Đức, Remscheid- Germany 2009