Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Những quý tử khét tiếng nhà Gaddafi

Hannibal Gaddafi từng gây căng thẳng giữa Libya và Thụy Sĩ
Những người con của lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không ít lần dựa vào quyền thế của cha để tự tung tự tác và gây nhiều tai tiếng.
Hầu hết 8 người con của ông Muammar Gaddafi đều từng gây xôn xao dư luận vì những hành động thiếu kiềm chế. Vì thế, dù con thứ Seif el-Islam được cho rằng có thể trở thành “thái tử” nhưng đến nay, ông Gaddafi vẫn chưa thật sự tin tưởng người nào để chọn làm người nối nghiệp. Bù lại, ông dành nhiều vị trí quan trọng chia cho các con nắm giữ.

Các “hoàng tử lắm chiêu”

Người con cả Mohamed Gaddafi, 40 tuổi, hiện là Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Libya, theo tờ 24 heures. Mohamed còn là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia và Hiệp hội Cờ vua Địa Trung Hải. Ông nhiều lần tự làm khó cho con đường quyền lực của mình bằng những phát biểu “linh tinh” như công khai khuyên Giáo hoàng Benedict XVI nên… cải đạo sang Hồi giáo. Năm 1996, khi đội bóng của ông thất bại trước đội của em trai Saadi Gaddafi, Mohamed đã không chấp nhận kết quả và để cận vệ của mình đọ súng với phe đối phương. Hậu quả là 20 người thiệt mạng, bao gồm 1 trọng tài.

Người con thứ 3, Saadi Gaddafi, 38 tuổi, không có tham vọng trên chính trường nhưng lại rất mê bóng đá. Ông Muammar Gaddafi không ngần ngại mua cổ phiếu để con trai có chân trong Hội đồng quản trị của CLB Ý Juventus. Bỏ ra 1 triệu USD, cha con Gaddafi vận động thành công để đưa trận chung kết Siêu cúp nước Ý về thủ đô Tripoli năm 2002. Một sự kiện đình đám khác là vào ngày 31.12.1999, Libya tổ chức một trận đấu vào lúc 23 giờ và sắp xếp để Saadi trở thành cầu thủ ghi bàn thắng cuối cùng của thiên niên kỷ. Trong khi đó, với khả năng bóng đá của mình, Saadi chỉ để lại ấn tượng lớn nhất khi bị… treo giò 3 năm vì sử dụng chất kích thích lúc thi đấu cho CLB Perugia của Ý năm 2002.


Seif el-Islam Gaddafi được xem là sáng giá nhất để kế nghiệp cha - Ảnh: Reuters Trong khi đó, dù được xem là sáng giá nhất nhưng con trai thứ 2 Seif al-Islam Gaddafi, 39 tuổi, vẫn chưa ghi được dấu ấn rõ nét trên chính trường. Theo tờ El Pais, Seif lấy bằng kỹ sư công nghiệp tại Đại học Al Fateh năm 1993 và lập tức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổ chức Gaddafi, vốn có vai trò như một cơ quan ngoại giao không chính thức của Libya.
Năm 1997, Seif được nhận vào trường Internationnal Business School ở thủ đô Vienna của Áo. Tuy nhiên, khi đó chính quyền Áo rất ngần ngại trong việc cấp giấy tờ cho ông, đặc biệt khi “du học sinh” xứ Libya này mang theo 4 cận vệ và… 2 chú cọp Bengal. Để con trai được tiếp đón tử tế hơn, ông Muammar Gaddafi dọa trừng phạt các công ty Áo tại Libya. Sau cùng, chính quyền Vienna đã đồng ý cho Seif lưu lại với điều kiện phải gửi “cọp cưng” vào Sở thú Schönbrunn.

Coi trời bằng vung

Ông Gaddafi tuyên bố vẫn ở Libya

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hôm 21.2 lên truyền hình quốc gia bác bỏ thông tin ông chạy đến Venezuela. Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Gaddafi, 68 tuổi, từ khi biểu tình nổ ra hôm 15.2. Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao Libya ở nước ngoài như đại diện ở Liên đoàn Ả Rập, LHQ, các đại sứ tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc và Úc đều chỉ trích mạnh mẽ hoặc từ chức để phản đối tình trạng trấn áp biểu tình gây thương vong cao, theo AFP. Trong một diễn biến khác, nội các Nhật Bản hôm qua họp khẩn cấp để thảo luận tình trạng giá dầu lên đến mức cao nhất trong 2 năm qua do bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Hôm qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) thông báo giá dầu thô lên đến 100,59 USD/thùng.

Xét về khoản “chơi ngông” thì không ai qua mặt được con trai thứ 5 Hannibal Gaddafi. Sinh năm 1976, tốt nghiệp bác sĩ, từng phục vụ trong quân đội và hiện là cố vấn của Công ty vận tải hàng hải quốc gia nhưng Hannibal thường xuyên gây tai tiếng và tranh cãi ngoại giao.
Tháng 8.2001, tại thủ đô Rome của Ý, rời khỏi vũ trường trong tình trạng say xỉn, Hannibal dùng bình chữa cháy xịt vào cảnh sát khiến 3 người bị thương, theo tờ L’Express. Tháng 9.2004, quý tử nhà Gaddafi phóng ngược chiều với tốc độ 140 km/giờ trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris, Pháp. Bị chặn lại, ông cùng các cận vệ hành hung 1 cảnh sát đến mức phải nhập viện. Điều đáng nói là những lần Hannibal gây chuyện hầu hết đều được tha bổng, xử án treo hoặc chính quyền địa phương chỉ xử phạt cận vệ của ông. Chỉ một lần duy nhất xảy ra ngoại lệ tại Thụy Sĩ và ngoại lệ này đã khiến quan hệ ngoại giao giữa Tripoli và Bern căng thẳng suốt hơn 2 năm nay.

Ngày 15.7.2008, Hannibal Gaddafi và vợ bị bắt tại Genève vì 2 người giúp việc tố cáo thường xuyên bị họ đánh đập trong suốt thời gian dừng chân ở Thụy Sĩ. Hannibal bị tạm giam 2 ngày, trong khi vợ được đưa đến bệnh viện vì sắp đến ngày sinh nở. Vợ chồng ông được đưa về Libya sau khi đóng 340.000 euro tiền bảo lãnh. Việc con trai bị áp giải và tạm giữ khiến lãnh đạo Muammar Gaddafi nổi trận lôi đình. Ông đã có hàng loạt động thái trả đũa như đóng cửa các công ty Thụy Sĩ tại Libya, không cho tàu Thụy Sĩ cập bến và ngừng cung cấp dầu cho nước này…

Nghiêm trọng hơn, chính quyền Libya bắt giữ 2 doanh nhân Thụy Sĩ với lý do vi phạm luật cư trú. Tình hình căng thẳng đến mức trong chuyến thăm Tripoli vào tháng 8.2009, Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz phải ngỏ lời xin lỗi “nhân dân Libya” vì việc bắt giữ “không chính đáng” đối với Hannibal Gaddafi. Sau đó, 2 người Thụy Sĩ nói trên được thả về nước lần lượt vào tháng 2 và tháng 6.2010.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Việt Nam 'không phát hành tiền 1 triệu đồng'

Hiện tiền Việt Nam mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bác bỏ tin đồn sẽ phát hành tiền đồng mệnh giá 1 triệu trong thời gian tới.

Gần đây, với việc đồng tiền nội địa của Việt Nam bị phá giá tới bốn lần trong vòng 15 tháng, xuất hiện tin đồn trên các trang mạng cũng như trong giới kinh doanh về việc một đồng tiền mệnh giá lớn hơn sẽ được phát hành.

Cho tới nay, tiền đồng Việt Nam có mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng. Tiền mệnh giá nhỏ nhất vẫn được lưu hành là 100 đồng, tuy loại tiền này gần như vắng bóng trong giao dịch do giá trị quá thấp.

Chiều thứ Hai 21/02, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố khẳng định "không hề có chủ trương phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng".

Theo cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam, đây là tin đồn vô căn cứ, có mục đích xấu và "gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân, gây bất ổn thị trường và an toàn kinh tế xã hội".

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu cơ quan chức năng "xử lý người tung ra tin đồn" tương tự.

Được biết một năm trước, cũng đã có tin đồn phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng.

Hôm 11/02, tiền đồng đã bị phá giá 8,5% với tỷ giá chính thức 20.900 VND/ 1 USD trong nỗ lực ổn định kinh tế.

Một ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tỷ giá thêm 0,1% với tỷ giá bình quân liên ngân hàng nay là 20.713 VND ăn 1 USD.

Trước khi có tin đồn phát hành tiền mệnh giá lớn là tin đồn đổi tiền, xuất hiện hồi tháng 12 năm ngoái.

Giới chức ngân hàng cũng khẳng định đây là tin thất thiệt.

Sau 1975 ở Việt Nam đã có một số lần đổi tiền, mỗi lần đều xảy ra sau khi có tin đồn. Lần đổi tiền vào năm 1986, nhiều người dân đã biết trước tới vài ngày

Gió không lặng đâu!

(Ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Đông đối với các nước Á Châu và đặc biệt là Trung Quốc)

Tin giờ chót: Trong ngày 20 tháng 2, Associated Press đã loan tin rằng những cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc đã bắt giam một số người bất đồng chính kiến, gia tăng số cảnh sát viên trên đường phố, ngưng dịch vụ nhắn tìn dưới hình thức văn bản (text message) qua hệ thống điện thoại di động, gia tăng kiểm soát Internet, ngăn chặn thông tin về các cuộc nổi dậy ở Trung Đông. Cùng trong ngày, Chủ Tịch Nhà Nước Hồ Cẩm Đào ra lệnh cho những viên chức địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm của dân chúng làm hại cho sự hoà hợp và ổn định trong xã hội. [1]

oo0oo

Những lãnh tụ độc tài ở Á Châu lo ngại

Những chế độ độc tài tại Tunisia và Ai Cập bị lật đổ nhanh chóng bởi những cuộc biểu tình của dân chúng đã làm cho những lãnh tụ độc tài ở khắp mọi nơi lo sợ. Tại Á Châu, những lãnh tụ này đã theo rõi làn sóng khát vọng dân chủ lan tràn khắp vùng Trung Đông và tự hỏi làn sóng này sẽ đi xa đến đâu. Ngay tại Trung Quốc, mặc dù bên ngoài làm ra vẻ tự tin vào đường lối đúng đắn đã chọn lựa, chánh quyền tỏ ra thận trọng về biến cố tại Cairo [thủ đô Ai Cập] vì nó có thể làm sống lại những ký ức cũ và về những hi vọng mà chánh quyền có thể lặp lại.

Những chế độ chuyên quyền tuyệt đối như Miến Điện và Bắc Hàn có thể cảm thấy trơ đối với sức mạnh của dân bởi vì những chế độ này có thể dựa vào sự cô lập và sự đàn áp tàn bạo tuyệt đối. Trong những chế độ độc tài ở Trung Á, gần gũi với Trung Đông hơn về địa lý, văn hóa và tôn giáo, tiếng vang của những cuộc cách mạng mới đây có thể lớn hơn. Nhưng phần đông người ta nghĩ đến những điểm của Trung Quốc tương tự với những biến cố vừa qua.

Ký ức Thiên An Môn

Những điểm tương tự này có những hậu quả to lớn trên thế giới không phải chỉ vì vai trò của Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn, nhưng sự lớn mạnh của Trung Quốc đã đưa đến một điều gọi là “sự đồng thuận Bắc Kinh” (Beijing consensus), theo đó sự phát triển kinh tế nhanh chóng đáng kể hơn là tự do. Vào năm 1989, sau cuộc tàn sát tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu thay phiên nhau sụp đổ, Trung Quốc là một quốc gia đứng ngoài lề, chống lại khuynh hướng lịch sử mà một ngày nào đó nó cũng sẽ bắt kịp. Sự thành công sau đó của Trung Quốc đã làm giảm bớt niềm tin rằng khuynh hướng tự do dân chủ chắc chắn sẽ xẩy ra, và khuynh hướng này trở nên kém ước ao đối với một số người. Ngay cả những nhà bình luận Tây Phương đã phải thừa nhận rằng hệ thống của Trung Quốc đã đạt được những điều hứa hẹn.

Viên chức Trung Quốc nói rằng nước họ không thích hợp với chế độ dân chủ Tây Phương. Một điều họ không đề cập đến là chính cơ cấu của Đảng Cộng Sản có nguồn gốc Nga (Tây Phương). Ngoài ra họ còn che giấu một yếu tố quan trọng của Phương Tây không hiện hữu ở Trung Quốc, là khả năng loại bỏ một chính quyền không được dân chúng ưa thích mà không cần phải có một cuộc cách mạng. Đây là lý do tại sao mà những cuộc cách mạng ở những nơi khác lại gây sự chú ý mạnh mẽ.

Ký ức về những cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn là một lý do khiến cho những viên chức kiểm duyệt của Trung Quốc làm việc cần cù để giới hạn việc bàn cãi đến tình trạng bất ổn tại Ai Cập. Kịch bản rất quen thuộc đối với những ai có mặt tại Bắc Kinh vào năm 1989: Những cuộc biểu tình lớn lao, không khí đoàn kết của quần chúng và lòng yêu nước vùng dậy, đông đảo dân chúng tập hợp tại quảng trường chính của thủ đô, những khẩu hiệu chống tham nhũng và độc tài, sự tin tưởng rằng quân đội về phe dân chúng và chống lại kẻ cầm quyền, ngay cả sự xuất hiện của những tên du côn ủng hộ chế độ. Tuy nhiên lần này câu chuyện có một kết thúc vui vẻ hoặc ít nhất tạo ra một cảm giác thắng lợi và lạc quan.

Báo chí Trung Quốc quả thực có đề cập đến biến cố làm sụp đổ của chính quyền Mubarak một cách rõ ràng. Một bài báo viết rằng “Ai Cập đã thắng một trận đánh, nhưng không phải là cả một cuộc chiến”. Tờ China Daily lập luận: “Bất cứ một thay đổi chính trị nào sẽ đều vô nghĩa … quốc gia sụp đổ cuối cùng sẽ làm mồi cho hỗn loạn”. Tuy nhiên có những kết luận khác. Mạng Caixin bình luận rằng “Chế độ chuyên quyền tạo ra xáo trộn; dân chủ xây dựng hoà bình” .

Những lãnh tụ độc tài Trung Quốc có ba lý do để nghĩ rằng họ có thể gạt bỏ sự so sánh với Tunisia và Ai Cập. Thứ nhất, Trung Quốc có ba thập niên phát triển kinh tế một cách tuyệt vời. Một cuộc điều nghiên do Pew Research Centre thực hiện vào năm vừa qua cho thấy rằng 87% dân Trung Quốc hài lòng với sự việc đã diễn tiến trong nước. Thứ hai, ngay cả nếu không hài lòng, dân chúng cũng không có một nhân vật nào để quy trách nhiệm: Trung Quốc là một chế độ độc tài độc đảng, không phải một cá nhân. Không có một bạo chúa nào cố bám vào quyền lực lâu dài. Vào năm 2002, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thực hiện một cuộc chuyển tiếp quyền hành một cách trật tự và cam kết một cuộc chuyển tiếp nữa vào năm 2012.

Thứ ba, bộ máy nội an rất lớn và hiệu lực và quân đội lệ thuộc vào Đảng Cộng Sản. Nhưng không ai biết lực lượng an ninh sẽ phản ứng ra sao nếu có lệnh đàn áp một cuộc nội dậy lớn nữa của quần chúng? Lực lượng này đã sẵn sàng bắn vào những người biểu tình để dẹp tắt cuộc nổi dậy của sắc dân Uighurs tại Urumqi, thuộc tỉnh Tân Cương (Xinjiang) vào năm 2009. Tuy nhiên ngay vào năm 1989, quân đội đã không chứng tỏ là hoàn toàn đáng tin cậy – Ít nhất có một sĩ quan cấp tướng đã không tuân lệnh đem quân tiến vào Bắc Kinh.

Một đảng cộng sản thật sự tự tin đã không dành quá nhiều cố gắng vào việc kiểm soát Internet để ngăn chặn người sử dụng so sánh tình trạng quốc nội với những biến cố ở nước ngoài. Họ luôn luôn chú ý đến những dấu vết có thể đưa tới bất ổn và có nhiều lý do để buồn phiền. Nạn lạm phát lên cao dữ dội vào cuối thập niên 1980 trước khi xẩy ra cuộc biểu tình Thiên An Môn, nay lại một lần nữa gia tăng. Những giai cấp trung lưu, thông thường là những động cơ thúc đẩy những thay đổi chính trị, đang phát triển rất nhanh. Nạn thất nghiệp của giới trẻ mới tốt nghiệp lên rất cao làm hao mòn niềm hi vọng của những người đáng lẽ phải lạc quan về tương lai của Trung Quốc. Hàng năm, người ta chứng kiến hàng chục ngàn cuộc biểu tình, trong nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề tịch thu đất đai bởi những viên chức địa phương hống hách.

Cây muốn lặng

Những cuộc vùng dậy mới đây của quần chúng tạo ra hai khó khăn cho những người bênh vực hệ tư tưởng của Trung Quốc. Thứ nhất, họ không thể đổ lỗi cho những kẻ thông thường bị tình nghi là thủ phạm, “những bàn tay lông lá” ngoại bang – điển hình là Hoa Kỳ. Trái lại những cuộc nổi loạn này một phần mang tính cách chống Mỹ. Như tại Phi Luật Tân vào năm 1986, Nam Hàn 1987, và Nam Dương 1998, những lãnh tụ độc tài được Mỹ nuông chiều bị lật đổ.

Thứ hai, những cuộc nổi dậy thiếu chủ đích tư tưởng và thiếu tổ chức chặt chẽ. Mật vụ của Trung Quốc rất giỏi trong việc bóp chết những phong trào chính trị vừa mới đâm trồi. Nhưng họ đã không thấy được sự bành trướng của tổ chức Pháp Luân Công (Falun Gong) thành một lực lượng chống chánh quyền trên toàn quốc. Mặc dù có bức tường lửa và những đội quân kiểm duyệt, lực lượng an ninh Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kiểm soát những trang blog nhỏ, tin nhắn dưới hình thức văn bản (text message), hoặc những hệ thống thông tin đại chúng. Cố gắng ngăn chặn thông tin về Trung Đông chỉ thành công một phần. Đây là lý do tại sao họ cảm thấy tin tức gây ra rối loạn – bởi vì dân Trung Quốc không coi đó là ký ức của quá khứ đầy ác mộng, nhưng là viễn tượng của một tương lai đầy hi vọng.

Nguồn: “The wind that will not subside”, The Economist, 19/02/2011
Nguyễn Quốc Khải dịch

Việt Nam cần loại bỏ thâm hụt của cán cân thanh toán

Việt Nam cần loại bỏ thâm hụt của cán cân thanh toán và giữ cho dự trữ ngoại hối ở mức thỏa đáng trước khi triển vọng xếp hạng tín dụng được nâng cấp.

Theo tin của hãng Bloomberg, một viên giám đốc cao cấp của Công ty xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết như thế hôm thứ Tư.

Bản tin trích lời ông Thomas Byrne, Phó tổng giám đốc Moody’s ở Singapore, nói rằng sự thiếu sót về tính chất minh bạch và thông tin liên lạc của chính phủ Việt Nam về các chính sách kinh tế và tài chánh là một mối rủi ro.

Tháng trước, công ty Moody's đã hạ mức tín dụng ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ Ba3 xuống còn B1, với triển vọng tiêu cực.

Ông Byrne cho biết rằng “một mối lo ngại chính là mối rủi ro về một vụ khủng hoảng cán cân thanh toán,” mà theo nhận định của công ty ông là đã tăng cao vì thâm hụt cán cân thanh toán trong 3 năm qua, và sự sút giảm của mức dự trữ ngoại hối. Ông nói thêm rằng kiềm chế lạm phát sẽ hữu ích cho kinh tế Việt Nam.

Nhận định của Moody’s về Việt Nam tương phản với đánh giá của họ về triển vọng của hầu hết các nước khác ở Á châu, nơi mà công ty này mới đây đã nâng thứ hạng tín dụng của những nước như Indonesia và Trung Quốc.

Theo nhận định của Moody’s, thứ hạng tín dụng quốc gia của các nước Á châu Thái bình dương có xu hướng tăng cao và dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng giây chuyền của vụ khủng hoảng nợ ở Âu châu.

Hôm thứ Hai ngày 17 tháng 1, 2011, Moody’s đã nâng thứ hạng tín dụng của Indonesia lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh Á châu năm 1997, với lý do là kinh tế nước này có nhiều khả năng phục hồi và khu vực nợ công đã được cải thiện.

Nguồn: Bloomberg/Saigon Times

Việt Nam sẽ chi 2,6 tỉ đôla cho ngân sách quốc phòng năm 2011

Việt Nam dự định chi tiêu 2,6 tỉ đô la, tương đương với 1,8% tổng sản lượng quốc nội GDP, cho ngân sách quốc phòng năm 2011.

Theo tin hôm thứ năm của hãng thông tấn Đức, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đã nói như thế với phái viên của báo Dân Trí bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.

Ông Thanh cho biết rằng một ưu tiên trong kế hoạch quốc phòng hiện nay là xây dựng một số binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên chính qui, hiện đại để bảo vệ đất nước trong “tình hình mới”.

Bản tin của Dân Trí cho hay các lãnh vực ưu tiên là hải quân, phòng không không quân, trinh sát điện tử, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật và thông tin liên lạc.

Theo ghi nhận của hãng tin DPA, Việt Nam đang đối mặt với một thái độ ngày càng hung hãn hơn của Trung Quốc liên quan tới các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Trong năm vừa qua, các lực lượng Trung Quốc đã không ngớt bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam trong vùng biển gần Hoàng Sa, quần đảo mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền. Quần đảo này đã bị Trung Quốc chiếm đoạt vào năm 1974 từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Đại tướng Phùng Quanh Thanh cho biết cương lĩnh của Đại hội Đảng đã xác định cả một thời kỳ dài, có thể đến giữa thế kỷ, Việt Nam sẽ xây dựng quân đội cách mạng chính qui, tinh nhuệ và hiện đại; còn trong trong chiến lược kinh tế xã hội thì xác định sẽ xây dựng quân đội từng bước chính qui, hiện đại.

Nguồn: DPA, Dan Tri

‘Khó ổn định kinh tế vĩ mô VN nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn’

Thưa quý vị, Việt Nam mới thông báo sẽ tăng giá điện hơn 15% vào tháng tới, trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu cũng đang ‘leo thang’. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái mới nhất này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cũng như khiến nỗ lực ngăn chặn lạm phát tăng cao trở nên khó khăn hơn. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Nguyễn Trung với tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập và nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, về những diễn biến trong nền kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Trung


Hình: Reuters
Ông Long cho rằng 'các cơ quan chức năng và nhà nước phải làm sao để tạo được lòng tin'.
Chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'
Tiến sĩ Ngô Trí Long nói: 'Người dân phải cùng chia sẻ với nhà nước thôi, bằng các biện pháp chi tiêu hợp lý, chi tiêu tiết kiệm và thông minh nhất. Căn cứ vào tình hình giá cả như vậy thì phải biết chi cái gì, không chi tiêu cái nào'.


Tiến sĩ Ngô Trí Long: Nói chung, trong bối cảnh đó, đời sống của người dân gặp khó khăn hơn trước kia. Lương thì chưa tăng mà giá cả lại tăng, cho nên thu nhập thực tế của người dân bị giảm.

Với điều kiện đó thì ngoài đồng lương thì tôi cũng phải đi kiếm thêm những thu nhập khác nữa bằng sức lao động của mình, ví dụ như làm thêm trong các dự án của nhà nước hay của các tổ chức phi chính phủ.

VOA: Thế còn với tư cách một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá ra sao về các quyết sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà nhà nước đưa ra thời gian qua?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay, thực trạng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa ổn định, ví dụ như bội chi ngân sách luôn ở mức cao. Về chính sách tiền tệ, hiện nay thực chất lãi suất vẫn còn hai giá giữa mức nhà nước quy định và hoạt động thực chất của các ngân hàng. Lãi suất còn quá cao, nên các doanh nghiệp khó có khả năng chịu nổi.

Về chính sách tỷ giá, đồng tiền Việt Nam hiện đang mất giá. Sức mua của đồng tiền hiện nay cũng đã giảm sút, và chưa ổn định. Cán cân thương mại cũng thâm hụt rất là lớn, và nhập siêu vẫn còn rất là cao. Vậy nên, vấn đề quan trọng hiện nay là nhà nước phải cải thiện các cân đối vĩ mô, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại cũng như trong tương lai.

VOA: Trả lời báo chí trong nước, thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói, xin trích, ‘Tôi mong rằng người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần tin tưởng vào thông điệp và những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà chính phủ sắp triển khai. Không có cơ sở nào để cho rằng kinh tế nước ta biến động ngoài tầm kiểm soát’. Suy nghĩ của ông về tuyên bố này?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Thực chất hiện nay, đối với những người ở cấp điều hành, ở các cơ quan quản lý nhà nước thì người ta luôn luôn phải tạo ra một niềm tin để cho người dân tin tưởng vào đó. Hiện nay cái lớn nhất và cái cần phải giải quyết không phải vấn đề lạm phát mà là nỗi lo lạm phát và tâm lý của người dân thực sự chưa tin tưởng vào sức mua và sự ổn định của đồng tiền hay các chính sách tiền tệ.

Theo tôi, các cơ quan chức năng và nhà nước phải làm sao để tạo được lòng tin. Để tạo được lòng tin đó thì phải bằng sự ổn định thực sự của nền kinh tế vĩ mô bằng tiềm lực kinh tế của nhà nước, chứ không thể bằng lời nói.

Vừa qua, nhà nước điều hành tỷ giá với mức điều chỉnh rất lớn tới 9,3%. Đây là lần đầu tiên điều chỉnh tỷ giá rất là cao. Nhà nước nghĩ rằng với cách điều hành tỷ giá đó, nhà nước có đủ lực lượng, nguồn ngoại tệ, nhưng trong thực tế vừa qua, thực lực của nền kinh tế và dự trữ ngoại hối thấp, nên trong bối cảnh đó, ảnh hưởng tới nguồn ngoại tệ có thể cung ứng cho thị trường, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Điều đó làm cho tỷ giá thị trường tự do không ăn nhập với tỷ giá do nhà nước quy định.

VOA: Thưa ông, có ý kiến cho rằng các quyết sách kinh tế không nhất quán càng làm các nhà kinh tế lo ngại về sự thiếu định hướng cho nền kinh tế Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay, thực chất do tiềm lực kinh tế, năng lực kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, cho nên mặc dù các quyết sách đã được đưa ra, nhưng ‘lực bất tòng tâm’. Khả năng thì có hạn nhưng ước muốn thì rất là lớn, cho nên điều đó cũng làm cho các khó khăn trong nền kinh tế còn tồn tại và những bất cấp vẫn hiện hữu.
VOA: Vâng, vậy liệu Việt Nam có rơi vào ‘vòng xoáy giá’ như nhận định của một số chuyên gia không, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay chính phủ cũng đã khẳng định, lạm phát là vấn đề cốt lõi số một mà nhà nước cần phải kiềm chế. Cho nên, vừa qua, phiên họp của chính phủ cũng coi đây là mục tiêu hàng đầu, và vì thế đã tiến hành các biện pháp tài chính hay tiền tệ. Có nghĩa là phải thắt chặt, giảm bội chi ngân sách, hay thực hiện vấn đề đầu tư có trọng điểm, đầu tư có hiệu quả. Đấy là những vấn đề tôi nghĩ chính phủ đã bắt đầu nhận thấy.

Nếu chính phủ đã nhận thấy và phải nỗ lực thực sự quyết tâm thì mới có khả năng ổn định kinh tế vĩ mô. Khi đã ổn định kinh tế vĩ mô là giải quyết gốc rễ vấn đề. Chứ còn như giải quyết bằng những quyết sách như điều hành tỷ giá, hay giải quyết các vấn đề ngọn khác, thì khó có khả năng tạo ra một sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.

VOA: Trong tình trạng kinh tế như hiện nay, người dân nên làm gì, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Người dân phải cùng chia sẻ với nhà nước thôi, bằng các biện pháp chi tiêu hợp lý, chi tiêu tiết kiệm và thông minh nhất. Căn cứ vào tình hình giá cả như vậy thì phải biết chi cái gì, không chi tiêu cái nào. Phải chi tiêu đúng lúc và đầu tư hợp lý. Chứ còn đối với người dân, không có cách nào khác.

Một kiểu cách mạng mới_Nguyễn Hưng Quốc

Cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập trong mấy ngày đầu tháng 2 khiến cả thế giới sửng sốt. Sửng sốt, trước hết, vì sự bất ngờ; sau đó, vì tốc độ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng; và cuối cùng, vì những đặc điểm mới mẻ và có phần lạ lùng của chúng.

Báo chí Mỹ tiết lộ là từ tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một bản báo cáo mật về khả năng nổi dậy của dân chúng ở các quốc gia thuộc khối Ả Rập. Điều này có nghĩa là lúc ấy, ông và các quan chức cao cấp trong Tòa Bạch ốc đã nhận thức được sự bất mãn của dân chúng đã lên cao, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vậy mà, khi các cuộc biểu tình tại Ai Cập nổ ra, giới tình báo Mỹ vẫn không hề biết trước, và chính phủ Mỹ vẫn thấy ngỡ ngàng và lúng túng, khiến nhiều người, nhất là những người trong đảng Cộng Hòa, cho là Tổng thống thiếu hẳn thông tin và cũng thiếu cả những dự đoán cần thiết để có thể đưa ra những quyết định nhanh nhạy và phù hợp với các diễn biến mới. Riêng chính phủ Pháp, dù có quan hệ lâu đời và mật thiết với Tunisia, cũng thấy bất ngờ trước các chuyển biến ở quốc gia cựu thuộc địa ấy.

Không những bất ngờ, các cuộc xuống đường của dân chúng tại Tunisia và Ai Cập còn diễn ra với một tốc độ rất đáng kinh ngạc. Nhanh. Cực nhanh. Từ lúc khởi sự cho đến lúc kết thúc, cuộc cách mạng ở cả Tunisia lẫn Ai Cập chỉ mất có mấy tuần.

Nhưng điều khiến nhiều người, nhất là giới chính trị gia và trí thức sửng sốt nhất chính là những đặc điểm của các cuộc cách mạng mới vào đầu năm 2011 này.

Trước, trong thế kỷ 20 vừa qua, có vô số cuộc cách mạng ở khắp nơi trên thế giới. Có thế nói thế kỷ 20 là thế kỷ cách mạng, từ cách mạng cộng sản đến các cuộc cách mạng giành độc lập của các quốc gia thuộc địa của phương Tây. Riêng tại Việt Nam đảng Cộng sản thường tự hào là họ tiến hành đến cả ba cuộc cách mạng, có khi cùng lúc: cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng thống nhất đất nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là chưa kể các cuộc cách mạng gọi là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng văn hóa, v.v...

Tất cả các cuộc cách mạng trong thế kỷ 20 đều có một số đặc điểm giống nhau: một, gắn liền với một đảng chính trị; hai, đảng ấy gắn liền với một ý thức hệ nhất định; và ba, đảng ấy có một tổ chức chặt chẽ, được rèn luyện và đã gặp nhiều thử thách, hơn nữa, còn đặt dưới sự lãnh đạo của một cá nhân dược xem là có tài kiệt xuất.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nửa đầu thế kỷ 20 như thế. Các cuộc cách mạng phản- xã hội chủ nghĩa vào hai thập niên cuối của thế kỷ 20 cũng như thế. Cũng gắn liền với các tổ chức chống cộng và tranh đấu cho tự do dân chủ. Cũng được đặt trên nền tảng một ý thức hệ phi-vô sản nào đó. Cũng có những gương mặt lãnh tụ sáng chói từng vào tù ra khám và được đông đảo dân chúng cũng như thế giới ủng hộ. Nếu trước đây, trong các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, có những gương mặt đầy hào quang như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Tito, v.v... thì gần đây, trong các cuộc cách mạng giải-vô sản hóa, tức cách mạng đánh dấu sự cáo chung của chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng nổi bật lên những tên tuổi lớn, có sức quyến rũ đặc biệt đối với quần chúng, chẳng hạn, trường hợp của Vaclav Havel, người sau này lên làm Tổng thống của Czechoslovakia; hay trường hợp của Lech Walesa, người đồng sáng lập phong trào Đoàn Kết, giải Nobel hòa bình năm 1983, sau trở thành Tổng thống đầu tiên của Ba Lan thời hậu-cộng sản.

So với các cuộc cách mạng trong quá khứ, các cuộc cách mạng gần đây ở Tunisia cũng như ở Ai Cập và nhiều cuộc cách mạng khác đang manh nha ở một số quốc gia Ả Rập như Yemen, Bahrain, Libya và Iran có những đặc điểm khác hẳn.

Nét khác biệt đầu tiên là: chúng thực sự là cuộc cách mạng của quần chúng. Xưa nay, nói đến cách mạng, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh đến yếu tố quần chúng. Nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, quần chúng bị/được kích động, xúi giục, dẫn dắt, điều khiển, quay cuồng phía trước hoặc phía sau một tổ chức, thường là một đảng chính trị nào đó, vốn đóng vai trò đầu não, lãnh đạo. Còn các cuộc cách mạng vừa diễn ra ở Tunisia và Ai Cập? Trước và sau quần chúng, không có tổ chức chính trị nào cả. Một số người đóng vai trò cổ động chỉ giữ chức năng điều hợp, vậy thôi. Chứ không phải là những nhà lãnh đạo. Đó là những cuộc nổi dậy của dân chúng, hoàn toàn có tính chất tự phát. Mở đầu cuộc cách mạng ở Tunisia không phải là một buổi ra mắt chính trị với những tuyên ngôn, tuyên cáo, thề nguyền, quyết tâm thư ồn ào. Mà chỉ là cái chết của một thanh niên 27 tuổi nghèo khó tên Mohamed Bouazizi. Bán hàng ngoài đường, bị cảnh sát sách nhiễu và nhục mạ, anh tự thiêu để phản đối vào ngày 17 tháng 12 năm 2011. Chính ngọn lửa thiêu cháy anh cũng sẽ thiêu cháy cả chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, khiến nhà độc tài này phải từ bỏ quyền hành từng nắm giữ trong cả 23 năm và chạy trốn vào ngày 14 tháng 1, đúng 10 ngày sau khi Mohamed Bouazizi chết vì các vết bỏng quá nặng.

Nét khác biệt thứ hai là: cuộc nổi dậy tự phát của quần chúng, các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập không gắn liền với một ý thức hệ với những cương lĩnh hay guồng máy tổ chức nào cả. Chúng chủ yếu chỉ gắn liền với những mạng truyền thông xã hội, từ facebook đến twitter, điện thoại di động, v.v... Trước hết là facebook. Với nhiều nhà nghiên cứu chính trị, dấu mốc xa xôi khởi đầu cuộc cách mạng ở Ai Cập vừa qua là việc một phụ nữ trẻ mở trang facebook để ủng hộ cuộc đình công của các thợ dệt vào tháng 4 năm 2008. Người phụ nữ ấy bị bắt và chỉ được thả ra sau đó trước áp lực của dư luận quốc tế. Chính việc làm ấy đã giúp người dân Ai Cập, đặc biệt giới trẻ, nhận thức được sức mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại. Và họ đã sử dụng facebook như một thứ vũ khí hữu hiệu trong việc tập hợp lực lượng trong cuộc nổi dậy vừa qua. Đóng vai trò có khi còn quan trọng hơn facebook là điện thoại di động. Theo các bình luận gia trên thế giới, chính cái máy chụp hình gắn trong các chiếc điện thoại di động được sáng chế từ đầu thập niên 1990 đã trở thành một vũ khí chống độc tài quan trọng. Nó cho phép mọi người, bất cứ là ai, cũng có thể chụp được những bức ảnh ấn tượng nhất rồi đăng tải trên các mạng xã hội như facebook hoặc twitter, hoặc gửi cho bạn bè hoặc giới truyền thông, từ đó, lan rộng khắp thế giới. Trong cuộc biểu tình tại Iran vào tháng 6, 2009, bức ảnh về cái chết của Neda làm chấn động thế giới đã được chụp và truyền bá rộng rãi bằng cách ấy. Trong hai cuộc nổi dậy tại Tunisia và Ai Cập vừa rồi, cũng chính những bức ảnh tương tự đã là những mồi lửa làm thiêu rụi nền chuyên chế kéo dài cả mấy chục năm một cách nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Cuối cùng, là một cuộc nổi dậy tự phát của quần chúng chung quanh các phương tiện truyền thông hiện đại, các cuộc cách mạng mới mẻ mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này không hề có lãnh tụ! Hình ảnh nổi bật nhất trong cuộc nổi dậy ở Tunisia là hình ảnh anh thanh niên tự thiêu Mohamed Bouazizi 27 tuổi; còn ở Ai Cập là anh thanh niên tên Wael Ghonim, 30 tuổi, giám đốc điều hành về tiếp thị của công ty Google ở Dubai.

Những đặc điểm vừa kể - theo nhiều nhà nghiên cứu - sẽ là những đặc điểm chung của các cuộc cách mạng thế kỷ 21. Theo tôi, chúng cũng giúp giải đáp nhiều thắc mắc từng dày vò những người Việt Nam hay ưu tư đến tự do, dân chủ và tiền đồ của đất nước lâu nay liên quan đến một số vấn đề "cổ điển" như lãnh tụ và tổ chức. ( VOA )

Libya, chế độc độc tài sắp sụp đổ

TRIPOLI — Hôm thứ Hai lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi từ chối nguồn tin cho rằng ông đã bỏ chạy sang Venezuela sau khi người biểu tình tràn ngập một vài thành phố, và chế độ cai trị hơn bốn mươi năm của ông đang trên đà sụp đổ cùng lúc có nhưng cuộc “thảm sát” tại thủ đô Tripoli.

“Tôi sẽ đến gặp họ (những người đòi dân chủ) tại Quảng trường Xanh” (Green Square trong trung tâm thành phố Tripoli), ông nói, “Điều này để chứng minh rằng tôi đang ở Tripoli và không phải ở Venezuela.

Đó là phát biểu đầu tiên của nhà độc tài Libya kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra vào cuối thứ ba ở phía đông của quốc gia Bắc Phi, nơi Gaddafi đã cai trị 41 năm.

Sau nhiều ngày bất ổn, cuộc nổi dậy hiện đã lan đến thủ đô Libya, với tiếng súng vang rền ở Tripoli, nơi người biểu tình đã tấn công trạm cảnh sát và các văn phòng của đài truyền hình nhà nước, cơ quan ngôn luận của Gaddafi, và đốt cháy các tòa nhà chính phủ.

Người dân ở hai quận lỵ ở Tripoli nói với AFP Cairo qua điện thoại là đã có “một cuộc thảm sát”, lính đánh thuê “bắn bừa bãi” vào những người biểu tình ở quận Tajura.

Một người khác ở Fashlum cho biết máy bay trực thăng đã đổ bộ những người ông gọi là “lính đánh thuê” người châu Phi và đoàn quân này đã nổ súng vào bất cứ ai trên đường phố làm một lớn những biểu tình thiệt mạng. “Chắc chắn đây là ngày tàn của chế độ. Chưa khi nào ở Libya xảy những việc như thế. Chúng tôi đang cầu cho nhanh chóng đến kết cuộc”.

Quốc tế đang tỏ mối quan ngại hơn trước những cuộc đàn áp người biểu tình làm rúng động Libya, thông tin từ các tổ chức nhân quyền cho biết đã có từ trên 200 đến 400 người đã thiệt mạng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng thế giới đang “theo dõi tình hình ở Libya với sự quan ngại.”

“Chúng tôi cùng cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án bạo lực ở Libya,” bà nói trong một bản tuyên bố. “Bây giờ là lúc phải ngưng ngay sự đổ máu không thể chấp nhận được do chính quyền Lybya gây ra.”

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon nói ông “xốc” vì những bản tin cho hay lực lượng an ninh Libya đã bắn vào người biểu tình từ các phi cơ chiến đấu và trực thăng võ trang.

TTK LHQ Nói: LHQ muốn Gaddafi phải “ngay lập tức” chấm dứt dùng bạo lực, Martin Nesirky cho biết, “Những cuộc tấn công chống lại dân thường, nếu được xác nhận, sẽ là một vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế và sẽ bị ông Tổng Thư ký lên án bằng nhừng từ ngữ mạnh mẽ nhất.”

NATO, Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Anh, Pháp, Canada và Ý tất cả đề kêu gọi ngừng bạo lực.

Một số nhà ngoại giao Libya tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Gaddafi từ chức, phó đại sứ Ibrahim Dabbashi nói với CNN rằng, Gaddafi đã “tuyên chiến” với nhân dân Libya và Gađafi đang phạm tội “diệt chủng.”

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC World, Dabbashi nói thêm, “Tôi nghĩ rằng đó là những cố gắng cuối cùng của Đại tá Gaddafi, nó là một vấn đề của vài ngày, một là ông ta bước xuống hoặc hai là người dân Libya sẽ đá ông ta đi.”

Benghazi, thành phố thứ hai của Libya và là thành trì của những phe đối lập ở phía đông, đã thuộc quyền kiểm soát của những người biểu tình chống chế độ sau khi các đơn vị quân sự bỏ ngũ, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (IFHR) trụ sở ở Paris cho biết.

Đài truyền hình nhà nước Libya cho biết lực lượng an ninh đã chiến đấu với những “tổ khủng bố” trong một cuộc càn quét và đã giết chết một số người, nhưng không cho biết nơi hoặc ai đã là mục tiêu của cuộc càn quét ấy.

Báo cáo sau đó cho hay Seif al-Islam, con trai của Gaddafi, nói rằng quân đội Libya đã bắt đầu tấn công vào kho vũ khí ở vùng ngoại ô.

“Quân đội đã tấn công kho vũ khí nằm xa khu dân cư,” các đài truyền hình đưa tin với một biểu ngữ trên màn hình, trích dẫn Jana, cơ quan thông tin chính thức của Libya.

Bản tin nói rằng Seif al-Islam phủ nhận “tin quân đội đã đánh bom thành phố Tripoli và Benghazi ,” sau khi các kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar thông tin về các cuộc không kích tại Tripoli.

Trước đó, truyền hình nhà nước thông báo rằng Seif al-Islam đã thành lập một ủy ban điêu tra “những sự kiện đáng tiếc”, và cho hay ủy ban này sẽ có cả “các thành viên của Libya và của các tổ chức nhân quyền nước ngoài.”

Seif al-Islam con trai của Gaddafi trên đài truyền hình qua đêm
Con trai của Gaddafi đã lên đài truyền hình qua đêm để cảnh báo về khả năng có nội chiến, “Libya đang đứng trước cửa của sự tan vỡ. Nếu chúng ta không đồng ý ngày hôm nay về những đổi mới … máu sẽ chảy thanh sông xuyên qua Libya.
“Chúng tôi sẽ dùng vũ lực … chúng tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chúng tôi sẽ tiêu diệt các phần tử gây bạo loạn. Nếu tất cả mọi người đều vũ trang, đó là một cuộc nội chiến, chúng ta sẽ tàn sát lẫn nhau.”

Trong khi đó ngày hôm nay, hai phi công máy bay chiến đấu Libya – cả hai cùng là đại tá – đã bay hai chiếc Mirage F1 sang Malta và cho biết họ đã đào thoát sau khi phải nhận lệnh để tấn công vào người biểu tình tại Benghazi, tin quân sự Malta và các nguồn chính thức cho AFP hay tin.

Ý đã tăng mức cảnh báo tối đa ở tất cả các căn cứ không quân các sau khi máy bay chiến đấu F1 hạ cánh, cơ quan thông tấn ANSA cho biết.

Souhayr Belhassen, Giám đốc IFHR, cho biết người biểu tình bây giờ kiểm soát Benghazi, Sirte, Tobruk ở phía đông, cũng như Misrata, Khoms, Tarhounah, Zenten, Al-Zawiya và Zouara, gần thủ đô. Nguồn tin còn cho biết các cuộc biểu tình đã khiến gần đến 400 người thiệt mạng. Human Rights Watch trước đó đã đưa số người chết là 233.

Bộ trưởng tư pháp của Libya, Mustapha Abdeljalil, đã từ chức để phản đối “việc sử dụng bạo lực” chống lại người biểu tình, báo Quryna đưa tin.

Tại Cairo, Đặc sứ của Liên đoàn Ả Rập Libya cho biết ông cũng đã từ chức để “tham gia vào cuộc cách mạng.” Đại sứ của Libya tại Delhi cùng một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cũng đã từ bỏ chế độ, đài truyền hình Al-Jazeera cho hay.

© Đàn Chim Việt

GDP: vai trò và hạn chế

Hứa Hiến Xuân (Trung Quốc)

Phó Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia

Dương Danh Dy lược dịch


Trong tình hình bình thường, GDP là một chỉ tiêu có tính cơ sở phản ảnh sự tăng trưởng kinh tế, qui mô kinh tế, trình độ phát triển kinh tế bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế và sự thay đổi mức giá cả của một nước, vì vậy nó là một công cụ quan trọng được dùng thích hợp phổ biến trên quốc tế để khảo sát những phát triển, thay đổi trong nền kinh tế quốc dân. Nhận thức chính xác và sử dụng hợp lý chỉ tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong việc khảo sát và đánh giá tình trạng phát triển bền vững nhịp nhàng toàn diện nền kinh tế Trung Quốc.


GDP là công cụ quan trọng phản ảnh tình hình phát triển thay đổi của nền kinh tế quốc dân.

Trước tiên, tỷ lệ tăng trưỏng GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhất mô tả tình hình tăng trưởng kinh tế. Trên thế giới hầu như không có quốc gia nào không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, bởi vì nếu không có tăng trưỏng kinh tế thích đáng sẽ không có sự phồn vinh kinh tế của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Trước mắt, ngành thống kê các nước đều coi tỷ lệ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tính tổng hợp quan trọng nhất để mô tả tình hình tăng trưỏng kinh tế.

Thứ hai, GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhất mô tả qui mô kinh tế. Qui mô kinh tế của một quốc gia là một trong những tiêu chí quan trọng của thực lực kinh tế và vị thế quốc tế của nước đó. Tất nhiên, qui mô kinh tế, thực lực kinh tế và vị thế quốc tế không phải là ngang bằng. Trong cùng một qui mô kinh tế như nhau, do chất lượng và hiệu quả của tăng trưỏng kinh tế, hàm lượng kỹ thuật của tăng trưởng kinh tế cũng như tiềm lực tăng trưỏng kinh tế khác nhau, mà thực lực kinh tế và vị thế quốc tế cũng tồn tại khoảng cách tương đối lớn. Thế nhưng không có qui mô kinh tế nhất định thì không thể bàn nổi chuyện thực lực kinh tế và cũng khó phát huy tác dụng cần phải có trên quốc tế.

Thứ ba, GDP bình quân đầu người là chỉ tiêu quan trọng để mô tả trình độ phát triển kinh tế bình quân đầu người. Trình độ phát triển kinh tế bình quân đầu người ở mức độ nhất định phản ánh trình độ giàu có và sự cao thấp của đời sống nhân dân một nước. Có quốc gia qui mô kinh tế tương đối lớn, nhưng đông dân, trình độ phát triển kinh tế bình quân đầu người rất thấp, nên vẫn bị coi là nước nghèo; có quốc gia qui mô kinh tế không lớn, nhưng trình độ phát triển kinh tế bình quân đầu người rất cao, nên được coi là đất nước giàu có, ví dụ như các nước Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, v.v.

Thứ tư, GDP là chỉ tiêu quan trọng để mô tả cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế bao giờ cũng là khâu quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhiều cơ cấu kinh tế quan trọng như cơ cấu ngành nghề, nhu cầu tiêu dùng, cơ cấu kinh tế vùng v.v. đều thông qua GDP để được trình bày, miêu tả. Hiện nay cơ cấu ngành nghề, cơ cấu nhu cầu và cơ cấu kinh tế vùng của Trung Quốc đều tồn tại một số mâu thuẫn đột xuất, như trong cơ cấu ngành nghề, tỷ trọng ngành sản xuất thứ ba còn thấp, trong cơ cấu nhu cầu, tỷ trọng nhu cầu tiêu dùng còn thấp, trong cơ cấu kinh tế vùng, tỷ trọng vùng Trung và Tây còn thấp v.v. Những vấn đề này đều thông qua GDP phản ảnh ra, chúng là căn cứ quan trọng để chế định cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chiến lược và sách lược kinh tế.

Thứ năm, GDP là chỉ tiêu quan trọng để mô tả sự thay đổi của tổng mức giá cả. Trên quốc tế có hai chỉ tiêu thường dùng để trinh bày, miêu tả sự thay đổi của tổng mức giá cả, một cái là CPI, tức chỉ số giá tiêu dùng của cư dân, trình bày, miêu tả của nó được dùng cho sự thay đổi giá cả sản phẩm cuối cùng của tiêu dùng cư dân; một cái khác là chỉ số co giảm GDP, trình bày, miêu tả của nó là sự thay đổi giá cả của mọi sản phẩm cuối cùng, tức ngoài việc dùng cho sản phẩm cuối cùng của tiêu dùng cư dân ra, còn bao gồm những thay đổi giá cả của sản phẩm cuối cùng dùng cho tiêu dùng chính phủ, hình thành tư sản cố định, biến động của hàng tồn đọng và xuất nhập khẩu. CPI rất quan trọng, bởi vì nó ảnh hưỏng trực tiếp tới mức sống thực tế của cư dân, liên quan tới lợi ích thiết thân của cư dân; chỉ số co giảm GDP cũng rất quan trọng, bởi vì nó phản ảnh sự thay đổi giá cả toàn diện hơn.


GDP là công cụ quan trọng và căn cứ quan trọng của mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô.

Trước tiên GDP là công cụ quan trọng để chế định mục tiêu chiến lược và qui hoạch phát triển kinh tế. Ví dụ qui hoạch “năm năm lần thứ mưòi một” có 22 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu có liên quan tới GDP, bao gồm 2 chỉ tiêu cơ cấu kinh tế, 2 chỉ tiêu tài nguyên dân số môi trường, 2 chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Hai chỉ tiêu tăng trưỏng kinh tế, một là tăng trưởng trung bình năm của GDP là 7,5%, một là bình quân đầu người GDP năm 2010 tăng gấp đôi so với năm 2000, tăng trưởng trung bình năm là 6,6%.

Hai chỉ tiêu cơ cấu kinh tế, một là tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ chiếm trong GDP sẽ từ 40,3% năm 2005 nâng cao lên 43,3% năm 2010, một là tỷ trọng mà kinh phí dành cho nghiên cứu và thử nghiệm phát triển sẽ từ 1,3% năm 2005 tăng lên 2%. Hai chỉ tiêu tài nguyên dân số môi trường, một là tiêu hao năng lưọng cho một đơn vị GDP năm 2010 so với năm 2005 giảm khoảng 20%; một là giá trị gia tăng lượng nước dùng cho công nghiệp của năm 2010 giảm 30% so với năm 2005.

Thứ hai, GDP là căn cứ quan trọng để chế dịnh chính sách kinh tế vĩ mô. Biến động của chính sách kinh tế vĩ mô cùng tăng trưởng kinh tế và tổng mức giá cả của Trung Quốc tồn tại quan hệ vô cùng chặt chẽ. Ví dụ như năm 1998, chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và độ tăng của CPI nhanh chóng giảm xuống, nhà nước đã thực thi chính sách tài chính tích cực từ năm 2003 đến năm 2007, kinh tế nuớc ta lại một lần nữa duy trì được tăng trưỏng tốc độ cao hai con số liền 5 năm, một lần nữa vận hành kinh tế xuất hiện hiện tượng quá nóng, từ năm 2005 đến 2006, nhà nước thực thi chính sách tài chính, tiền tệ; năm 2007 thực thi chính sách tài chính và chính sách tiền tệ ổn định có sức mạnh, chính sách tiền tệ xiết chặt đúng mức; tháng 9 năm 2008, bùng nổ khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế, nhu cầu với bên ngoài co giảm mạnh, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng giảm xuống, nhà nước thực thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng đúng mức. Có thể thấy tỷ lệ tăng trưỏng kinh tế mà GDP trình bày, miêu tả là căn cứ quan trọng của quyết sách kinh tế vĩ mô.


GDP là thủ đoạn quan trọng có tính khoa học và có tính hiệu quả để kiểm nghiệm chính sách kinh tế vĩ mô.

GDP không chỉ là căn cứ căn cứ quan trọng để chế định chính sách kinh tế vĩ mô mà còn là thủ đoạn quan trọng có tính khoa học và tính hiệu quả để kiểm nghiệm chính sách kinh tế vĩ mô. Ví dụ như, vào lúc kinh tế suy thoái, nhà nước thường áp dụng chính sách kích thích kinh tế, những chính sách có tính kích thích đó có thể ghìm được suy thoái có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phục hồi; vào lúc kinh tế quá nóng, nhà nước thường áp dụng chính sách kinh tế co nén, chính sách co nén nền kinh tế có liên quan sẽ kìm nén có hiệu quả kinh tế quá nóng, lôi kéo kinh tế trở về trình độ bình thưòng; vào lúc cơ cấu kinh tế không hợp lý, nhà nước thường áp dụng chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chính sách điều chỉnh kinh tế có liên quan sẽ phát huy tác dụng trong thời gian dự liệu. Tất cả những tính khoa học và tính có hiệu quả của chính sách kinh tế vĩ mô này đều phải thông qua GDP để kiểm nghiệm


GDP là chỉ tiêu quan trọng của qua lại ngoại giao.

Sự nặng nhẹ của nghĩa vụ quốc tế mà một quốc gia gánh vác, sự nhiều ít của thụ hưởng ưu tiên đãi ngộ cũng như sự lớn nhỏ của phát huy tác dụng quốc tế, thưòng có liên hệ chặt chẽ với GDP của một quốc gia. Ví dụ như GDP và GDP bình quân đầu người là một trong những căn cứ quan trọng mà Liên hiệp quốc xác định các nước thành viên của mình phải gánh vác kinh phí và chi phí duy trì hoà bình của Liên hiệp quốc, và cũng là một chỉ tiêu quan trọng để Ngân hàng Thế giới xác định các nước thành viên của mình được thụ hưỏng ưu tiên đãi ngộ. Đồng thời tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi xác định quyền phát ngôn của nước thành viên cũng phải khảo sát trọng điểm chỉ tiêu này

Tuy nhiên cùng với sự phát triển theo chiều sâu của nền kinh tế xã hội, chỉ dựa vào mỗi một mình chỉ tiêu GDP để đánh giá tình trạng phát triển của nền kinh tế quốc dân thì không thể thu được kết luận toàn diện, chính xác.


GDP không thể phản ảnh phát triển kinh tế một cách toàn diện

Thứ nhất, GDP không phản ảnh đầy đủ vai trò quan trọng của dịch vụ công trong phát triển kinh tế. Những dịch vụ công do các bộ môn chính quyền cung cấp như, dịch vụ hành chính, dịch vụ an ninh chung, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế khám chữa bênh, dịch vụ bảo vệ môi trường v.v. đã phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Thế nhưng hạch toán GDP lại lấy hoạt động thị trường làm chủ thể, thuớc đo tiêu chuẩn để nó đo hoạt động kinh tế là giá cả thị trường, trong khi dịch vụ công mà các bộ môn chính quyền cung cấp không tồn tại giá cả thị trường, hiện nay cách làm thông thường trên quốc tế là lợi dụng giá thành đầu vào của những dịch vụ công do các bộ môn chính phủ cung cấp để đo giá trị của chúng mà giá thành những đầu vào này còn lâu mới có thể phản ảnh được vai trò quan trọng của những dịch vụ công này trong phát triển kinh tế.

Thứ hai, GDP không thể phản ảnh sự khác biệt chất lượng phát triển kinh tế. Chất lượng sản phẩm của các quốc gia khác nhau, có sự khác biệt rất lớn về số lượng nhãn hiệu sản phẩm, nhất là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác biệt rất rõ rệt; trình độ kỹ thuật, năng suất lao động, tỷ suất sinh sản tư bản, tỷ suất sản xuất tài nguyên có sự khác biệt rất lớn về cường độ thả khí thải của các quốc gia khác nhau cũng khác biệt rất lớn. GDP không phản ảnh đựoc những khác biệt chất lượng phát triển kinh tế này.

Thứ ba, GDP không thể phản ảnh một cách chuẩn xác sự tăng trưởng của cải. Thực lực kinh tế của một quốc gia ở một trình độ rất lớn quyết định bởi nó có tồn lượng của cải, chứ không phải chỉ là của cải gia tăng mới của thời kỳ hiện tại; mức sống nhân dân của một quốc gia ở một trình độ rát lớn quyết định bởi tồn lượng của cải mà nhân dân nước đó có, chứ không chỉ là những của cải gia tăng mới trong thời kỳ hiện tại. Chất lượng tăng trưởng kinh tế không cao sẽ dẫn tới tổn thất và lãng phí to lớn của cải, dẫn tới giảm bớt tồn lượng của cải. Dưới tình hình này, tồn lượng của cải và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không thể duy trì tăng trưởng đồng bộ, do đó GDP không thể phản ánh một cách chuẩn xác sự tăng trưởng của cải.

Thứ tư, GDP không phản ảnh được lao động việc nhà có tính phi thị trường. Lao động việc nhà là không thể thiếu được đối với đời sống nhân dân. Các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau thì trình độ thị trường hóa của lao động việc nhà tất nhiên cũng khác nhau. Nói chung, trình độ thị trường hóa lao động việc nhà của các nước phát triển tương đối cao, còn trình độ thị trường hóa lao động việc nhà của các nước đang phát triển tương đối thấp. Bất kể trình độ thị trường hóa lao động việc nhà cao hay thấp, bản thân những lao động đó đều tồn tại, thế nhưng do GDP chỉ tính toán lao động việc nhà được thị trường hóa, từ đó dẫn tới các nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau mà GDP của họ lại có tính không thể so sánh ở một trình độ nhất định.


GDP không thể phản ảnh một cách toàn diện tiến bộ xã hội.

Một là, GDP không phản ánh một cách đầy đủ vai trò quan trọng của dịch vụ công trong tiến bộ xã hội. Do GDP lợi dụng bộ môn chính quyền cung cấp giá thành đầu vào những dịch vụ công này để đo giá trị của nó, nó không phản ảnh đầy đủ vai trò quan trọng của những dịch vụ công này trong tiến bộ xã hội.

Hai là GDP không thể phản ảnh tình trạng việc làm. Cái mà GDP phản ảnh là thành quả cuối cùng của hoạt động xã hội, nhưng nó không liên quan tới có bao nhiêu người tham dự hoạt động sáng tạo thành quả sản xuất này, càng không liên quan tới còn có bao nhiêu người hy vọng tham dự hoạt động sản xuất này, vì thế nó không thể phản ảnh tình trạng việc làm của một quốc gia.

Ba là, GDP không thể phản ảnh phân phối thu nhập có công bằng hợp lý hay không. GDP là một chỉ tiêu sản xuát, không phải là một chỉ tiêu phân phối thu nhập, nó chỉ lợi dụng mấy loại hình thức thu nhập phản ánh thành quả hoạt động sản xuất, không thể phản ánh một cách hoàn chỉnh phân phối thu nhập lần đầu, do đó không thể phản ánh phân phối thu nhập của một quốc gia là có công bằng hợp lý hay không. Bốn là, GDP không thể phản ánh tình hình cải thiện phúc lợi xã hội. Ví dụ như, GDP không thể phản ánh tình hình cải thiện về bảo đảm đời sống thấp nhất, bảo đảm thất nghiệp, bảo đảm y tế, bảo đảm nhà ở.


GDP không thể phản ảnh những thay đổi của tài nguyên môi trường.

GDP là chỉ tiêu phản ảnh tình hình phát triển kinh tế, thế nhưng phát triển kinh tế tất nhiên phải tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, và cũng thường xuyên sinh ra ảnh hưởng mặt trái đối với môi trường, ví dụ như, tiêu hao tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản; ví dụ như ô nhiễm nuớc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai v.v., GDP không phản ảnh được giá thành tiêu hao tài nguyên và cái giá phải trả cho tổn thất môi trường mà phát triển kinh tế mang lại. GDP cũng không thể phản ảnh một cách toàn diện hành động tự giác của loài người đối với việc cải thiện môi trường thiên nhiên, Vì vậy trên quốc tế có người đề xuất khái niệm GDP màu xanh, đó là một khái niệm khoa học, nhưng thao tác thực tế lại rất khó khăn. Hiện nay, trên quốc tế vẫn còn chưa có một phương pháp thành thục để tính toán GDP màu xanh, vẫn chưa có bộ môn thống kê của một quốc gia nào chính thức công bố số liệu GDP màu xanh.


GDP không thể phản ảnh một cách toàn diện những thay đổi của mức sống nhân dân.

Một là, GDP không thể phản ảnh một cách đầy đủ vai trò trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội trong các dịch vụ công như dịch vụ hành chính, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh v.v., từ đó nó không thể phản ảnh một cách toàn diện ảnh hưởng của những cải thiện dịch vụ công này đối với mức sống của nhân dân.

Hai là, do GDP không thể phản ảnh tình trạng việc làm, tình trạng phân phối thu nhập và tình trạng phúc lợi xã hội, từ đó, nó không thể phản ánh được những cải thiện tình trạng sinh sống của nhân dân mà tiến bộ xã hội về những mặt này mang lại.

Ba là, do GDP không thể phản ánh sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, do đó nó không thể phản ánh ảnh hưởng của tổn thất môi trường và cải thiện môi trường đối với chất lượng sống của nhân dân.

Tổng hợp những điều trình bày trên thấy, GDP vừa có vai trò quan trọng, nhưng cũng tồn tại tính hạn chế rõ rệt. Chúng ta nên đánh giá một cách khách quan chỉ tiêu thống kê kinh tế vĩ mô này, khi nhấn mạnh vai trò của nó, không được xem thường tính hạn chế của nó; khi thấy tính hạn chế của nó, không được phủ định vai trò của nó. Chúng ta không thể tham vọng GDP có thể thỏa mãn yêu cầu mọi mặt; trên thế giới này chẳng có chỉ tiêu thống kê nào có thể làm được điểm đó. Then chốt là chúng ta phải biết lợi dụng GDP có thể làm được cái gì, không thể làm được cái gì, trong phạm vi nó dùng thích hợp, thì sử dụng nó một cách chính xác, trong những lĩnh vực vượt qua phạm vi dùng thích hợp của GDP thì cấn phải phát huy vai trò của các chỉ tiêu thống kê thích hợp khác

DDD


Nguồn: Tạp chí Cầu thị Trung Quốc số đầu tháng 5 năm 2010

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Lấy đâu ra con số 40% GDP?

Nguyễn Quang A




Các tổng công ty nhà nước cần đóng góp nhiều cho GDP (ảnh có tính chất minh hoạ). Ảnh: Hoàng Hà


(LĐ) - Từ mấy năm nay có các cuộc làm việc của Chính phủ với các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Tại các cuộc gặp đó, và tại hội nghị năm nay ngày 15-2-2011 cũng thế, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước báo cáo về những thành tích thật hoành tráng và đồng trở giọng đua nhau kêu khó khăn, xin đủ thứ từ cho được tăng giá bán theo “giá thị trường”, cho mua ngoại tệ với giá chính thức, đến cho vay với lãi suất thấp, thậm chí “dọa” nếu không... thì... vân vân và vân vân.

Những điệp khúc muôn thuở và khá dễ hiểu, hệt như những đứa trẻ được nuông chiều thích khoe thành tích và hay vòi vĩnh, thậm chí “dọa nạt” bố mẹ.

Hãy ngó vài con số đẹp của năm nay trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.

“Những chỉ số cơ bản về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ nợ trong giới hạn cho phép,... đã cho thấy các doanh nghiệp nhà nước đầu tàu (đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước sớm vượt qua tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới”.

Tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty này tăng lên 540.701 tỉ đồng, tăng 11,75% so với 2009.

Tổng doanh thu năm 2010 ước đạt 1.173.489 tỉ đồng, vượt 22% kế hoạch năm và tăng 36% so với năm 2009.

Có 20/21 tập đoàn, tổng công ty làm ăn có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỉ đồng. Tổng nộp ngân sách ước đạt 173.549 tỉ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2009.

Các con số, nếu chính xác, thì thật là ngoạn mục!

Hãy ngó kỹ hơn vào chính các con số trên. Lợi nhuận trước thuế bằng 6,03% tổng doanh thu, bằng 13,1% tổng vốn chủ sở hữu. Lạm phát ở mức 11,75% và 13,1% vẫn lớn hơn 11,75% một chút, nói cách khác, mức lợi nhuận thực cũng vẫn dương (1,35%).

Con số nộp ngân sách chẳng nói gì mấy về thành tích của chúng (chủ yếu là thu từ dầu thô, tức là từ tài nguyên vốn có của đất nước, và thuế chủ yếu là người khác nộp cho Nhà nước chứ không phải là thành tích của các doanh nghiệp này).

20/21 đơn vị có lãi. Ai cũng nghĩ cái doanh nghiệp lỗ duy nhất chắc chắn phải là Vinashin. Không phải! Theo Vietnamnet đó là Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Nếu Vinashin cũng lỗ thì số trên phải là 19/21 đơn vị có lãi chứ! Hay Vinashin vẫn có lãi trong năm 2010? Chẳng biết số liệu chính xác đến mức nào, nhưng hãy cứ tin vào các số liệu ấy khi xem xét ở dưới đây.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2010 tính bằng giá thực tế là 1.980.914 tỉ đồng. Nếu so với GDP thì tổng doanh thu của các doanh nghiệp này lớn bằng 59,24% của GDP. Chúng “đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước”. Con số 40% này là gì?

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước của các năm 2000 đến 2008 là: 38,52%; 38,40%; 38,38%; 39,08%; 39,10%; 38,40%; 37,39%; 35,93% và 34,35%.

Cũng nên lưu ý rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP, theo Tổng cục Thống kê, bao gồm cả đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hóa thể thao, Đảng và đoàn thể (1,8% năm 2008) [7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP, là trên 30% nhưng dưới 31% trong các năm từ 1998 đến 2003; của năm 2004 và 2005 là 31,29 và 31,33%; của ba năm 2006 -2008 là: 29,46%; 28,15% và 27,17%.

Theo số liệu trên, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27% cho GDP năm 2008, và phần của các tập đoàn không thể vượt quá con số này.

Năm nay con số 40% GDP ấy vẫn được lặp lại!

Cơ cấu của nền kinh tế chưa có gì thay đổi mấy so với 2009 và các năm trước. Theo Tổng cục Thống kê đóng góp cho GDP năm 2010 của các lĩnh vực ngoài doanh nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước là: quản lý nhà nước (2,79%); giáo dục đào tạo (2,55%); y tế, văn hoá, Đảng,... (1,71%) [tổng cộng là 7,05% GDP, chẳng khác con số của năm 2008 là mấy]. Như thế theo số liệu của Tổng cục Thống kê đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức 27-28% GDP chứ lấy đâu ra 40%!

Giá mà minh bạch được cách tính của mình thì chúng ta đã chẳng phải đau đầu với mấy con số này.

N. Q. A

Nguồn: Laodong.com.vn

Trung Quốc nằm bên cạnh Việt Nam được lợi những gì?

Nguyễn Hoàng Hà

Trong khi thế giới đang bước vào khủng hoảng lương thực trầm trọng thì Trung Quốc, đất nước với hơn tỷ người lại vẫn cứ bình chân như vại. Lý do cho câu trả lời này là họ đã sống ngay sát cạnh một vựa thóc lớn vô tận và giá rẻ như bèo chỉ bằng 1/4 giá gạo trong nước đang ngày ngày cung cấp cho mình. Đó là nhận định của Giáo sư Nguyễn Quốc Việt, người chuyên nghiên cứu về lương thực thế giới đã phát biểu.

Theo Giáo sư Việt thì Trung Quốc đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất 60 năm qua, và Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) lo ngại diễn biến này có thể đẩy giá lúa gạo thế giới tăng cao.

Theo Tân Hoa xã, mùa mưa vừa qua, nhiều vùng nông nghiệp chính của Trung Quốc chỉ nhận được một lượng mưa rất ít, dẫn đến nhiều nơi bị khô hạn. Riêng tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc), một trong những "vựa lúa" chủ yếu của cả nước, hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất 200 năm qua: từ tháng 9 năm ngoái, tỉnh này chỉ nhận được lượng mưa 12mm, tức chỉ bằng 15% so với bình thường. Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động hơn 4.000 trạm bơm nước, tình hình vẫn hết sức tồi tệ: hơn 1/2 trong số 4 triệu hecta đất trồng lúa mì bị khô nẻ không thể trồng trọt.

Tình hình tại tỉnh Hà Nam (miền Trung Trung Quốc) cũng không khá hơn khi lượng mưa ở đây xuống thấp nhất trong 60 năm qua. Khoảng 1,4 triệu hecta đất trồng đang chờ được tiếp nước.

Tại nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc, suốt 5 tháng qua không có một trận mưa nào. Không có nước, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng. Nhưng nước giếng cũng đang cạn dần và không còn sạch. "Nước không thể uống được, chỉ có thể dùng để giặt giũ", một người dân nói. Và để có nước sinh hoạt, họ buộc phải đi lấy nước ở cách đó nhiều km. Hạn hán thậm chí tấn công cả những nơi vốn có khí hậu ẩm ướt, chẳng hạn phía bắc tỉnh Giang Tô.

Một nông dân Trung Quốc bơm nước từ dòng kênh đang khô cạn để tưới cho cánh đồng lúa mì của mình ở làng Yangzhuang, tỉnh Sơn Đông hôm 8-2. Ảnh: Xinhua

Hãng tin ABC (Úc) ngày 9-2 cho biết tình hình này khiến Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc lo ngại. Họ nhận định nếu không có mưa trong vài tháng tới, vụ lúa mì của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đó, nước này sẽ phải nhập khẩu thêm lúa gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, và điều này sẽ gây áp lực lên giá lương thực thế giới - hiện đã ở mức khá cao.

Cũng theo báo chí Trung Quốc loan tải thì hiện nay có đến 60 % diện tích trồng trọt của Trung Quốc bị mất đi với hai lý do là hạn hán khiến đất đai bị sa mạc hóa không còn cơ hội cho canh tác và nạn lấy đất xây dựng thành phố, nhà máy công xưởng của chính sách đô thị hóa hiện nay gây ra. Còn ngay cả số diện tích canh tác còn lại dành cho rau và gạo, bột mỳ nếu có trồng thì cũng không thể sử dụng được vì trong đất chứa hàm lượng hóa chất độc hại quá lớn do các nhà máy, công xưởng thải ra hàng ngày. Một ví dụ, vừa qua người ta đã phát hiện trong gạo được trồng ở Trung Quốc nhiễm độc tố cadmium, cao gấp 5 lần mức độ cho phép, người ăn vào có thể bị gây bệnh ung thư dạ dày, ung thư máu và các chứng bệnh nguy hiểm khác như phù thận v.v... Tuần san Thế kỷ của Bắc Kinh (Trung Quốc) đưa tin: khoảng 10% lượng gạo bán ra tại Trung Quốc hiện nay có chứa cadmium, một loại hóa chất độc hại có thể gây ra bệnh suy thận và mềm hóa xương. Hóa chất trên được phát hiện có trong gạo được sản xuất ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Đông.

Tuần san Thể kỷ còn nói đất trồng ở Trung Quốc đang bị nhiễm một số kim loại nặng xuất phát từ vấn nạn khai thác mỏ ồ ạt cũng như hoạt động của các ngành công nghiệp khác suốt nhiều năm qua. Tờ tuần san trên còn dẫn kết quả nghiên cứu của Trường đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết, một số hóa chất khác, trong đó có chì, cũng được phát hiện thấy trong gạo.

10% số gạo bán ra tại Trung Quốc có chứa cadmium. Ảnh: AFP

Bài báo của Tuần san Thế kỷ nói hàng chục người dân ở một ngôi làng tại huyện Dương Sóc, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, nơi có mức độ ô nhiễm cadmium nặng, được cho là có triệu chứng của bệnh itai-itai. Đây là một loại bệnh liên quan đến xương. Chữ "itai-itai" có nghĩa là "đau - đau" trong tiếng Nhật.

Bài báo cũng trích dẫn thống kê từ Viện Công nghệ tỉnh Quế Lâm chỉ ra rằng mức cadmium có trong mỗi kg gạo trồng ở tỉnh này vào năm 1986 là 1,005mg, cao gấp 5 lần mức độ cho phép. Theo các nhà khoa học thì càng gần các thành phố công nghiệp hay đô thị lớn, gạo mỳ và rau quả càng nhiễm chất độc nặng hơn gấp nhiều lần vì ở đây chất thải công nghiệp và ô nhiễm cũng cao hơn. Vì thế hiện nay có tình trạng nhiều quan lớn và các đại gia đã lập vườn rau sạch trong biệt thự sang trọng của mình để cung cấp cho họ hàng ngày, còn gạo và lúa mỳ thì mua từ Việt Nam hay Thái Lan để ăn chứ tuyệt nhiên không dám đụng hàng Trung Quốc. Nhiều nhà hàng nổi tiếng Trung Quốc cũng phải treo biển: cơm hay mỳ của họ là loại hảo hạng từ Việt Nam hay Thái Lan để câu khách. Tất nhiên là người nghèo Trung quốc vẫn cứ phải dùng th]ứ gạo nguy hiểm đó, và một phần thì họ mang vào bán tại Việt Nam và Lào hay các nước lân bang rồi lại mua lương thực thực phẩm từ đó mà mang vào Trung Quốc.

Theo Giáo sư Quốc Việt thì trong tiềm thức sâu thẳm người Trung Quốc cho rằng ai có nhiều tiền kẻ đó thắng và mình đang ở gần vựa lúa Việt Nam, Thái Lan thì làm gì mà phải sợ. Đất có cho là bị sa mạc hóa hết hay đô thị hóa quá nhiều thì vẫn có nơi có gạo giá rẻ lại ngon cung cấp cho mình nên làm gì phải lo tính nhiều cho bạc tóc? Vào những năm sau này khi Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đô thị hóa và các sân Gofl bành trướng và nạn nước dâng lên hàng năm ngày càng cao khiến diện tích canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hẹp lại thì chắc chắn giá lương thực sẽ cao lên rất nhiều và chính người Việt Nam sẽ chịu khó khăn về lương thực trước tiên; mặc dù mình là người trồng ra lúa nhưng sống bên cạnh một đất nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn như núi thì chắc chắn gạo Việt Nam và Thái Lan sẽ lại được các thương lái mang về Trung Quốc một cách dễ dàng không sao cưỡng nổi, nhất là với những kinh nghiệm cay đắng thời gian qua, kẻ độc quyền xuất gạo ra nước ngoài chính là... những “công ty nhà nước”, đã làm thiệt thòi khốn đốn cho nông dân mà các chuyên gia nông nghiệp phải lên tiếng trên báo chí.

Từ tình hình trên đây, một câu hỏi lớn rõ ràng đang đặt ra khẩn cấp cho các nhà chiến lược Việt Nam: phải tính toán cả về hai mặt - quản lý bảo vệ diện tích đất canh tác và bảo vệ lương thực chặt chẽ qua các cửa khẩu với Trung Quốc. Có như vậy mới hy vọng đáp ứng được tình hình lương thực hiện nay và trong tương lai của nước ta, hơn nữa, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm thấy lợi thế trong mặt hàng xuất khẩu chiến lược của mình, nếu như có một đội ngũ quan chức có lương tâm, hết lòng vì đất nước và có trình độ nghiệp vụ, giỏi tính toán đường đi nước bước.

Vì thế, ta không lạ trong nhiều năm qua Trung Quốc đã tăng cường mở rộng các cửa khẩu giao thông đường bộ, đường thủy, cầu hàng không và đặc biệt là tàu hỏa để họ thuận lợi cho việc mua lương thực cung cấp cho nước họ và bán đi những món hàng mà dân chúng họ không dám xài cũng như các mặt hàng công nghệ nhái từ ti-vi, hàng điện, đồ dân dụng và mọi thứ kém chất lượng khác với giá rẻ bèo mà người Trung Quốc nay không dùng nữa, chỉ để xuất sang các nước lân bang thu lợi nhuận mà thôi. Đường tàu hỏa cao tốc xuyên Việt, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore... là cả một kế hoạch lớn có tính chiến lược để chiếm lĩnh thị trường to lớn này và là nền tảng quan trọng cho việc nhanh chóng thu mua lương thực thực phẩm đúng thời vụ cho chính Trung Hoa đại lục. Như báo Thanh niên ngày 20 tháng 2 năm 2011 đã có bài đăng tin về tình trạng gạo lạ vào Việt Nam, chúng ta hãy cảnh giác với gạo Trung Quốc nhiễm độc vì khai thác mỏ đang bắt đầu tràn vào nước ta theo đường xuyên Việt và hàng đoàn tàu gạo từ Việt Nam cũng sẽ ồ ạt vào Trung Quốc.

Đúng là ở gần Việt Nam, Trung quốc lợi đủ mọi đường. Và đúng là ở gần một đế quốc Đỏ vừa nham hiểm vừa khôn như thế, cảnh giác bao nhiêu cũng không thừa.

NHH

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Phụ lục:

Cảnh giác với gạo 'lạ'

Tiết lộ sơ đồ phân bố gạo nhiễm độc. Gạo Trung Quốc nhiễm độc vì khai thác mỏ

Người dân TP HCM hiện đang bàn tán về loại gạo "lạ", đẹp mắt với giá rẻ bất ngờ.


Gạo bình thường dù xay thế nào cũng phải có ít nhất 5% tấm và hình dáng không thẳng, đẹp nguyên vẹn (Nguồn: Interner).

Theo đó, loại gạo này hạt dài, nhỏ hơn gạo bình thường và đều tăm tắp. Khi nấu thì cơm không nở nhiều, không có mùi thơm và tơi, dai dai.

Theo tìm hiểu, hầu như chưa người bán nào mà chúng tôi tiếp xúc tận mắt được chiêm ngưỡng loại gạo "độc" này. Nhiều người kinh doanh gạo tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Q.12... cho biết họ chưa từng thấy loại gạo này.

Chị Ngọc Diệu, chủ đại lý gạo Ngọc Diệu (Hoàng Hoa Thám, P.12, Q.Tân Bình) cho biết, thường thấy mấy người chở một hai bao gạo bằng xe đạp, xe máy vào các hẻm sâu để bán lẻ cho người dân. Có nhiều người "lười" ra đại lý mua, lại thấy gạo đẹp, rẻ nên ham và mua.

Tuy chưa thể kết luận gạo nói trên là loại gì nhưng chị Diệu cho biết, gạo rẻ thì khó đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, những người bán dạo chỉ xuất hiện chào bán một lần rồi… “mất tích” nên khi mua nhầm gạo bất thường cũng không biết đâu đổi lại.

Chị Diệu cũng nói thêm, bất kỳ nhà máy gạo dù xay kiểu gì thì gạo cũng có tấm, ít nhất là gạo 5% tấm. Gạo phải có gạo gãy, nứt và mùi cám. Nếu người bán chào loại gạo đều mười mươi, hạt dài thẳng đuột thì người mua cần xem lại.

Tương tự, chị Bảo Ngọc, chủ đại lý gạo Bảo Ngọc (đường Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12) cho biết, chưa thấy loại gạo “lạ” như báo chí đăng.

"Đối với loại gạo “lạ” mà báo chí đăng thì người chào bán chỉ có thể lừa các đại lý mới mở vì chưa có kinh nghiệm hoặc người dân lao động ham rẻ lại không rành về gạo", chị Ngọc nói.

Một chủ đại lý gạo tại Q.10 cho biết đã nghe râm ran xuất hiện gạo “tổng hợp” do những người bán dạo hoặc đại lý không có địa chỉ cụ thể chào bán.

Tuy nhiên, cũng chỉ nghe đồn đại vậy thôi chứ chưa tận mắt thấy loại gạo này. Nếu có người chào bán, người dân nên tránh, đừng ham rẻ mà mang bệnh.

Trao đổi với Thanh niên Online, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện chưa thể đưa ra kết luận chính thức gì về những hạt gạo "lạ" này.

“Phải phân tích cụ thể các chỉ số về chất lượng gạo mới xác định được đây là gạo gì. Tôi đã chỉ đạo cán bộ trong TP HCM lấy mẫu gửi đi phân tích tại các phòng thí nghiệm”, ông Ngọc cho biết.

Theo ông Ngọc, hiện có nhiều giống lúa khác nhau nên mới chỉ nhìn bề ngoài khó mà khẳng định hạt gạo đó là gạo gì. Ông Ngọc cũng không loại trừ khả năng những hạt gạo “lạ” này là gạo nhân tạo được làm từ nhựa đã phát hiện trên thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

“Khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, tốt nhất người dân chưa nên sử dụng loại gạo này”, ông Ngọc khuyến cáo. Quang Duẩn (ghi)

Theo Hoàng Việt

Thanh niên

Hoa Kỳ: Sôi nổi các hoạt động thiết thực mừng Ngày sinh nhật Bác Washington

Posted by truongthondlb1


Đêm giao lưu nghệ thuật gồm những câu chuyện xúc động về cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu bao la của Bác George, được thể hiện qua những ca khúc hay nhất về Người: “Em mơ gặp Bác George”, “Chặt cây táo lại nhớ đến Người”, “Bác George sống mãi cùng Las Vegas”, “Texas nhớ Bác”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Giữa Miami nghe câu hò Virgina”… Mỗi bài hát lại mang một kỷ niệm, thể hiện lòng kính yêu của tác giả, nghệ sĩ với Bác George.

Diên Vỹ, X-Cafe tổng hợp từ báo Washington D.C. Mới

(Washington D.C.) – Ngày 18-02, tiểu bang Virginia đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Tổng thống George Washington tại Trung tâm Văn hóa Lao động tiểu bang. Dự lễ có các đồng chí: Tim Kaine, Thường trực Ban Bí thư Đảng Dân chủ; Phó Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Quốc hội John Boehner, cùng đại diện các bộ, ban, ngành và lãnh đạo tiểu bang Virginia .

Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Thượng viện Harry Reid và Đại tướng Michael Mullen đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Sau phút tưởng niệm tưởng nhớ công ơn của Tổng thống George Washington, Thống đốc tiểu bang Virginia Bob McDonnell đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời vẻ vang của Tổng thống Washington, từ khi sinh ra, lớn lên, đến khi tìm thấy chân lý chủ nghĩa tư bản và lãnh đạo cách mạng Hoa Kỳ giành thắng lợi. Diễn văn khẳng định: Di sản mà Người để lại cho thế hệ mai sau là vô giá, trong đó tỏa sáng rực rỡ và có sức mạnh kỳ diệu là tư tưởng Washington, nhân cách Washington, đạo đức Washington. Tư tưởng ấy, đạo đức ấy, nhân cách ấy mãi mãi là ngọn cờ tập hợp, hiệu triệu, cổ vũ và động viên nhân dân ta vững bước tiến lên chủ nghĩa tư bản.


Chương trình nghệ thuật trong lễ kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Tổng thống George Washington
* Tối 19-02, chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Lời Bác George dặn trước lúc đi xa”, do Tạp chí TIME, Đài Truyền hình CBS phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại Cung Văn hóa John F. Kennedy. Đồng chí Mike Honda, Ủy viên TƯ Đảng Dân chủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo đảng Dân chủ đã đến dự.

Đêm giao lưu nghệ thuật gồm những câu chuyện xúc động về cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu bao la của Bác George, được thể hiện qua những ca khúc hay nhất về Người: “Em mơ gặp Bác George”, “Chặt cây táo lại nhớ đến Người”, “Bác George sống mãi cùng Las Vegas”, “Texas nhớ Bác”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Giữa Miami nghe câu hò Virgina”… Mỗi bài hát lại mang một kỷ niệm, thể hiện lòng kính yêu của tác giả, nghệ sĩ với Bác George.

Khán giả được gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử, những người chuyên nghiên cứu về cuộc đời Bác, những điển hình tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Washington”.

Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo TƯ đảng Dân chủ đã tặng 50 suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc đại học Harvard.

* Ngày 20-02, 350 thiếu nhi, phụ trách đội dự Đại hội đại biểu “Cháu ngoan Bác George – Chủ nhân Washington D.C.” TP Los Angeles lần thứ XII đã vào Lăng viếng Tổng thống Washington tại Mount Vernon, báo cáo với Bác những thành tích đạt được trong học tập, rèn luyện, công tác đội của thiếu nhi Los Angeles giai đoạn 2005-2010.


Triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Washington” được tổ chức tại Virginia thu hút đông đảo người dân tham quan.
* Ngày 20-02, tại tiểu bang Virgina, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Tổng thống George Washington. Đây là bộ tem do họa sỹ Kenneth G. Libbrecht thiết kế, trên tem là chân dung Tổng thống George Washington. Bộ tem gồm 1 mẫu giá mặt 43 xu. Tem được in ốp sét nhiều màu trên giấy tiêu chuẩn (có tráng keo mặt sau) tại Công ty In Kinko.

* “Đi bộ đồng hành theo gương Bác – Hướng tới Đại lễ 220 năm D.C.” là tên của chương trình do Bộ VH, TT&DL và UBND TP Washington D.C. tổ chức, diễn ra vào sáng 16-5 nhân kỷ niệm 279 năm Ngày sinh của Tổng thống Washington (22/2/1732 – 22/2/2011) và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 220 năm D.C.. Gần 10.000 người (gồm thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, các VĐV, HLV, đại diện doanh nghiệp, lãnh sự quán, công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP Washington D.C.) đã tham gia hoạt động này.

* Sáng 21-2 từ hai điểm Washington Monument (Washington D.C.) và Las Vegas(tiểu bang Nevada) đã diễn ra chương trình cầu truyền hình mang tên “Trời Tây thương nhớ đất D.C.”. Chương trình hình thành từ ý tưởng của Đài NBC và nhận được sự phối hợp thực hiện chặt chẽ của Đài HBO nhằm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 220 năm D.C., kỷ niệm 279 năm Ngày sinh của Tổng thống Washington.

* Kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Tổng thống Washington, Nhà Văn hóa (NVH) Phụ nữ TP Washington D.C. khởi động hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng sinh nhật Bác bằng lễ khai mạc triển lãm tem bưu chính chủ đề “Người là niềm tin tất thắng”; vòng chung kết trao giải hội thi văn nghệ “Những bông hoa trong vườn Bác”. Ngày 21-2, NVH Thanh niên TP Washington D.C. khai mạc triển lãm ảnh “George Washington đẹp nhất tên Người” với 250 tác phẩm ảnh màu, đen trắng. Tại đây, liên hoan văn nghệ “Bài ca dâng Bác” được tổ chức dành cho các bạn đoàn viên của 24 quận, huyện. Cũng vào sáng 21-2, tại Trung tâm Văn hóa quận George Town, Chi hội Nhiếp ảnh người Anh TP Washington D.C. và CLB Nhiếp ảnh Quận Cam, California tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Bác Washington”, giới thiệu gần 100 bức ảnh đẹp của 12 tác giả.

* Tập đoàn Dầu khí Shell phối hợp với Đài Truyền hình Fox News vừa tổ chức lễ kỷ niệm 279 năm Ngày sinh Tổng thống George Washington (22/2/1732 – 22/2/2011) với chương trình giao lưu, tọa đàm “Yêu Bác George lòng ta trong sáng hơn”.

Với mục tiêu lập thành tích chào mừng các ngày lễ trọng đại trong năm 2011, ngay từ đầu năm, Tập đoàn Dầu khí Shell đã phát động thi đua với nội dung: Toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành dầu khí quyết tâm nỗ lực phấn đấu về đích trước kế hoạch đối với tất cả các chỉ tiêu năm 2011 và kế hoạch 5 năm và gắn biển các công trình chào mừng Đại hội toàn quốc lần của Đảng Dân chủ. Kết quả, đến nay đã có 14 đơn vị về đích, hoàn thành vượt mức kế hoạch một cách toàn diện tất cả các chỉ tiêu được giao.

Nguồn : http://www.x-cafevn.org/node/1842

Nghị Việt Nam sướng nhất thế giới

Posted by truongthondlb1


Tạ Phong Tần – Còn không đầy 100 ngày nữa, cử tri cả nước Việt Nam sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu “Hạ Viện” và “Thượng Viện”, nhưng đến thời điểm này, chưa cử tri nào được biết ai là ứng viên, còn các ứng viên vẫn giữ vững truyền thống “ngọa hổ tàng long” “không bao giờ tranh cử”, những việc sắp xếp “quân xanh quân đỏ” nhiêu khê ấy đã có “cánh tay nối dài” của đảng CSVN là Mặt Trận Tổ Quốc…

Bên Tây, để được dân chúng bầu làm các ông nghị, bà nghị, ứng cử viên nào cũng phải tham gia chiến dịch tranh cử trước ngày chính thức bỏ phiếu khoảng 3 tháng. Ứng viên phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, trình bày cho cử tri thấy các chương trình “quốc kế dân sinh” của họ sẽ làm cho cộng đồng nếu họ đắc cử. Tất nhiên, chi phí cho hoạt động tranh cử là tiền cá nhân của ứng viên và các loại quỹ họ tự vận động được, ngân sách quốc gia không bao giờ “gồng gánh” những việc này bao giờ.

Vừa rồi, ông Arnold Schwarzenegger- cựu ngôi sao màn bạc phim hành động, vừa mãn nhiệm 2 nhiệm kỳ làm thống đốc bang California (Mỹ) cho Reuters biết việc “hành nghề thống đốc” đã khiến ông “mất ít nhất 200 triệu USD thu nhập từ nghề diễn viên”, tức là ông Arnold Schwarzenegger bị “lỗ vốn” khi làm thống đốc. Với ông Arnold Schwarzenegger, điều đó không quan trọng vì ông rất giàu có nhờ thu nhập diễn viên, ông cho rằng những kinh nghiệm thu được khi làm thống đốc “còn đáng giá hơn tiền bạc”.

Cách đây vài tháng, người Việt ở Mỹ cũng chưa quên “cuộc chiến” tranh cử tái nhiệm kỳ nghị sĩ giữa bà Loretta Sanchez (người Mỹ chính gốc) và ông Trần Thái Văn (người Mỹ gốc Việt). Cuối cùng, tuy không phải là người gốc Việt, bà Loretta Sanchez lại thắng cử vì bà chiếm được một số khá lớn lá phiếu của cử tri người Việt. Tại sao cộng đồng người Việt lại ủng hộ bà Loretta Sanchez? Có thể gọi đó là nghệ thuật, chương trình, hay kế hoạch tranh cử của bà Loretta Sanchez làm hài lòng cử tri Việt hơn ông Trần Thái Văn?

Cách đây 2 năm, bạn tôi – một cư dân Mỹ gốc Việt, gởi thư cho bà Loretta Sanchez trình bày về những chuyện riêng của gia đình anh ta có “gút mắc” với chính quyền Mỹ. Trong vài ngày, bạn tôi nhanh chóng được văn phòng Dân Biểu Loretta Sanchez trả lời thư bằng văn bản, thư có chữ ký của bà Loretta Sanchez. Ở đây, tôi không nói về nội dung thư và cách giải quyết của bà Loretta Sanchez khi cử tri cần đến bà là đúng hay sai, tôi muốn nhấn mạnh về tính minh bạch, công khai cũng như phương pháp làm việc nhanh nhẹn, tôn trọng con người của dân biểu Mỹ đối cử tri Mỹ.


Khi ông Nghị Nguyễn Minh Thuyết đang phát biểu thì VTV đã quay được hình ảnh một ông Nghị Việt Nam ngủ gật! (Hình: VTC)
Ở nước ta thì ngược lại với bên Tây. Trước khi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp dưới (nói nôm na giông giống như Hạ Viện ở các nước tư bổn cho dễ hiểu) và đại biểu Quốc Hội (giông giống như Thượng Viện), cận kề đến ngày bầu cử chừng chục ngày, người dân được xem danh sách kèm hình, tóm tắt tiểu sử vài dòng của các vị “nghị” mà mình phải bầu dán ở các nơi cộng là hết chuyện. Không bao giờ có hoạt động tranh cử, không ai biết năng lực làm việc của các vị ra sao, thậm chí đến lúc bỏ phiếu cũng không nhớ nổi mặt các vị ấy như thế nào. Thế nên mới có chuyện cử tri đi bầu chỉ là “gạch tên cho đủ số quy định” bằng cách: Người thì gạch từ trên xuống, người gạch từ dưới lên, người lại cứ cách 1 dòng thì gạch tên 1 người… hên xui ráng chịu.

Năm 2007, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ X (1997-2002). Buổi chiều trước bầu cử 1 ngày, sếp tôi kêu cả đơn vị lại “họp khẩn cấp” (nguyên văn từ của sếp) rồi sếp nói: “Cái này thông báo nội bộ, nói nhỏ chớ không có nói lớn. Ở trên (chẳng biết là trên cỡ nào) mới thông báo ngày mai bầu đại biểu Quốc Hội thì bầu cho con R, gạch tên bà S. đi”. Cả đơn vị trố mắt nhìn sếp ngạc nhiên, hổng hiểu bữa nay sếp có “bị gì hong” mà sếp ăn nói trái luật dữ vậy cà. Sếp nói tiếp: “Ở trển nói con R. là nữ, người dân tộc, hạt giống đỏ đủ tiêu chuẩn cơ cấu. Bà S. là để cho có mà gạch thôi. Lịnh ở trên, mình là cấp dưới thì mình phải chấp hành. Vậy thôi hén!” Nói xong, sếp giải tán “cuộc họp khẩn cấp”. Tôi ra ngoài coi kỹ lại danh sách thì thấy “con R.” trình độ mới có phổ thông trung học (tức học hết lớp 12, tốt nghiệp hay không chưa biết), nghề nghiệp dưới trình độ, không biết ngoại ngữ, so với bà S. thì kém xa. Hôm sau đi bầu cử, tôi không gạch tên bà S. như “chỉ đạo” mà gạch tên cô R., tôi để ý thấy những người khác thì “thi hành ý kiến cấp trên” răm rắp.

Mấy ngày sau, một ông cán bộ cơ quan khác (lãnh đạo thường thường bậc trung, tôi đánh giá ông này cũng có năng lực) sang cơ quan tôi làm việc, tôi bèn hỏi dò ông bầu cử gạch tên ai. Ông bèn xổ ra một tràng: “Tao gạch tên con R., để tên bà S. Vô duyên! Bầu ai là quyền của tao, ai có năng lực thì bao bầu. Tự dưng kêu phải gạch người này, để người kia, thiệt lãng nhách”. Tôi hỏi thêm: “Theo ý anh thì ai đậu?” Ổng nói: “Con R. sẽ đậu, làm cái kiểu đó thì nó đậu là cái chắc. Ðể rồi coi, tao nói sai cho mày đánh lên đầu tao nè”. Kết quả y chang như ổng nói. Nhiệm kỳ sau, rồi sau nữa tôi không đi bầu cử. Ðến nay, “con R.” (giờ đã thành bà R.) đã “đắc cử” liên tiếp 3 nhiệm kỳ X, XI, XII của Quốc Hội. Còn tôi thì chưa bao giờ có “hân hạnh” được biết địa chỉ, số điện thoại liên lạc của quý vị “đại diện cho tôi”, khi cần tìm tôi không biết phải tìm họ ở đâu. Ngược lại với nghị sĩ nước tư bổn, nghị sĩ Việt Nam không hề có trang web riêng, văn phòng làm việc riêng, và cử tri cũng không hề thấy công bố số điện thoại riêng để trực tiếp liên hệ.

Còn không đầy 100 ngày nữa, cử tri cả nước Việt Nam sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu “Hạ Viện” và “Thượng Viện”, nhưng đến thời điểm này, chưa cử tri nào được biết ai là ứng viên, còn các ứng viên vẫn giữ vững truyền thống “ngọa hổ tàng long” “không bao giờ tranh cử”, những việc sắp xếp “quân xanh quân đỏ” nhiêu khê ấy đã có “cánh tay nối dài” của đảng CSVN là Mặt Trận Tổ Quốc (hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước) bao biện hết từ A tới Z bằng cái lá nho “hiệp thương”. Mấy chục năm nay, nó đã thành một cái công thức không đổi là “một tỉnh được bầu bốn đại biểu thì hai trong số đó mặc nhiên sẽ là các lãnh đạo địa phương, còn lại hai người phải đảm bảo cơ cấu đồng thời là nữ, trẻ, người dân tộc, người ngoài đảng…”

Theo ông Nguyễn Văn Pha – phó chủ tịch ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, bầu đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ XIII này, ngoài những tiêu chuẩn cũ còn có thêm tiêu chuẩn “không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”. Nghe thì rất hay, rất tiến bộ nhưng nghĩ kỹ lại thấy tiêu chuẩn mới ghi thêm để coi chơi chớ không thực tế. Người Việt Nam ai mà không biết phát hiện tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, phát hiện những vụ án tham nhũng… đều là quần chúng và báo chí, chớ hổng phải cán bộ trong cơ quan có tham nhũng lẫn cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng tự mình phát hiện. Tài sản ứng viên không kê khai minh bạch cho quần chúng biết, năng lực ứng viên cỡ nào quần chúng có tiếp xúc được đâu mà biết. Trường hợp có ai đó phát hiện ứng viên tham nhũng hay có khuất tất cái gì đó thì cũng không còn thời gian đâu mà vác đơn đi khiếu nại tư cách đại biểu.

Nhiệm kỳ XIII tới đây, nếu luật chưa có quy định cấm làm “nghị” liên tục 4-5 nhiệm kỳ, hổng chừng bà R. tiếp tục “đắc cử” theo kiểu tôi đã kể ở trên, khỏi cần tranh cử gì hết ráo. So với ông Arnold Schwarzenegger thì bà R. “lời lớn” (miền Bắc gọi là “lãi to”) chớ không “lỗ” đồng nào. Trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam hiện nay không có cụm từ “tranh cử bình đẳng”, cho nên làm “nghị viên” ở Việt Nam là sướng nhất thế giới.

Tạ Phong Tần

Chuyện thời lạm phát

Posted on Tháng Hai 23, 2011 by truongthondlb1


Người Buôn Gió – “Thằng X cả thằng đảng viên cứ gặp nhau là cãi chửi nhau. Nhưng duy mình biết hai ông mãnh đều có điểm chung là thương các em công nhân, sinh viên khó khăn lắm. Thương theo cái kiểu của mấy thằng bạn của cậu lái ta xi….”

Mình có việc phải đột ngột đi khỏi nhà lúc nửa đêm, vì nhà ở khu tập thể không lấy được xe máy. Đành phải ra đường nghiến răng tìm taxi.

Leo lên xe đi được vài chục mét, cậu lái xe bắt đầu tán chuyện cho khỏi buồn ngủ:

- Năm nay có tiền thì sướng đấy anh à.

Mình nói:

- Có tiền thì lúc nào chả sướng.

Cậu lái xe taxi thanh minh:

- Em không nói tiền theo ý đấy, mà năm nay lạm phát ngất ngưởng thế này. Cái bọn công nhân ở khu công nghiệp chết đói hết. Lương chúng nó hơn triệu mà trả đủ thứ chịu sao nổi. Mấy thằng bạn em chuyên đi săn bọn rau sạch ở khu công nghiệp. Toàn các em ở quê, ngon lành, sạch sẽ. Tháng bỏ vài trăm đầu tư giúp đỡ các em sống là tha hồ ” phịch”. Có thằng bao cả hai , ba con luôn, rẻ mà anh.

Mình buông câu cho có chuyện:

- Chắc gì gái công nhân, khéo toàn hàng thải dạt về đóng giả sinh viên gần trường học.

Cậu lái xe cả quyết:

- Không, đúng bọn công nhân thật mà. Chơi ở phòng trọ nó luôn chứ anh. Mấy con thuê chung phòng, làm theo ca. Tiền đi khách sạn thì chơi luôn ở phòng nó,tiền để cho chúng nó luôn. Mấy lão già quanh đó được tiền bồi thường đất, chia chác cho vợ con xong, còn lại găm bụng chơi gái dần. Cứ giả vờ nhận cháu họ đến thăm rồi làm việc luôn.

Hôm rồi Tết về quê, thấy mấy đứa con gái hàng xóm, họ hàng vẫn lởn vởn ở nhà. Mình hỏi bố mẹ chúng nó sao chúng nó nghỉ Tết mãi chưa đi làm. Bố mẹ nó bảo:

- Ở nhà luôn thôi, lương chả được bao nhiêu. Ra đấy tiền nhà, tiền ăn không đủ về còn phải vòi bố mẹ. Ở mẹ nhà còn cọng rau, con cá đỡ đần việc nhà tí nào hay tí ấy, đằng nào cũng phải nuôi. Đi kiếm được tiền thi đi chứ đi mà còn phải trông chờ bố mẹ thì đi làm cái gì.

Mình thắc mắc:

- Sao có khối đứa nó vẫn sống được mà.

Ông bà kia nói:

- À tao cũng thắc mắc thế, sau mới biết mấy con đó nó có người yêu ngoài đó. Người yêu chúng nó bao thêm cho, chứ lương sống có được đâu. Chúng nó yêu đương nhau thì mới trụ lại, chứ không chả đứa nào trụ được.

Mình bảo:

- Chịu khó các công ty khác tuyển người, chỗ nào lương kha khá chui vào làm, nhiều công ty lương 3, 4 triệu nhiều mà anh.

- Tìm mấy chỗ chán rồi, chỗ ngon bọn tuyển người nó vòi tiền, không thì thân quen nó vào. Con nhà mình học hành, nghề ngỗng chưa có. Chẳng thế nào được, giá như mà mọi thứ không tăng cao, thì chúng nó cũng sống được bằng sức lao động tay chân. Con nhà nông mà, nhưng giờ chú bảo ra ngoài đó củ su hào đã 4 nghìn mẹ nó rồi. Sống sao được.

Ở quê ra gặp thằng bạn thưở cởi trần đá bóng, giờ là đảng viên ở một cơ quan nhiều màu mỡ. Bệ vệ trong bộ vét, lại còn cài cái huy hiệu đảng ở ve áo như cán bộ cấp cao. Nó cả mình ngồi uống bia, mình kể chuyện quê và công nhân. Thằng đảng viên nốc ngụm bia quệt mép nói:

- Đấy tại không học hành, nghề ngỗng nó thế. Giờ xã hội tiến bộ cần phải có kỹ năng, kiến thức chứ.

Mình hỏi:

- Thế mày ở giai cấp lãnh đạo, người ta không có kiến thức, kỹ năng thì lãnh đạo chúng mày không có trách nhiệm à.

Thằng kia nói:

- Ông nói thế là quy chụp, ông nói phải khách quan, nhìn nhiều chiều. Nhà nước tạo điều kiện cho mở các trường đào tạo, dạy nghề đầy. Vào đó mà học.

Mình nói:

- Xã hội có người sống bằng kiến thức, nhưng không thể thiếu người lao động cơ bản thuần túy bằng sức lực. Vấn đề tao muốn nói là giờ làm bằng sức lao động, đổ mồ hôi mà đồng lương không đủ sống. Người ta lao động cũng cần ăn rau, thịt để nạp năng lượng. Mà tiền lương của họ bây giờ không theo kịp giá cả, phải tằn tiện. Tao từng thấy mấy đứa công nhân góp gạo thổi cơm chung, cơm ăn với đậu phụ và lạc.

Thằng đảng viên xua tay:

- Thì cái thời tôi và ông còn bé, cũng ăn đậu lạc mãi đó có sao đâu. Chuyện thiên hạ ông cứ lôi vào đây làm gì, anh em gặp nhau còn chưa tâm sự gì nhiều.

Hai thằng chuyện về đứa bạn nọ, đứa bạn kia. Rồi ai về nhà nấy. Lúc về đến nhà mình mới nhớ ra không kể chuyện thằng X. Thằng X bố nó trước kia hàm tương đương thứ trưởng, bố nó mất cũng lâu rồi. X nhà 5 tầng hai mặt tiền, lúc đi ô tô này lúc ô tô khác. Lạ mỗi cái hôm nọ ngồi mấy thằng với nhau. Thằng X nhìn bọn bạn bàn nhau về xe cộ, nhà cửa nó nói:

- Đm giờ mà làm được cách mạng, tao cào bằng tất. Vì sao, vì toàn thằng giàu đéo phải do tài năng. Do quan hệ thân quen trục lợi mà có, tài cán đéo gì mà khoe.

Mấy thằng kia tím mặt, có thằng bảo:

- Cào bằng thế mày mất trước.

Thằng X nói:

- Đm mất cũng được, cào bằng rồi thì thằng nào giỏi nó lại kiếm được. Cho bọn cơ hội hết nói phét. Mẹ nhốn nháo, toàn thằng làm giả ăn thật lại còn phét lác.

Thằng X cả thằng đảng viên cứ gặp nhau là cãi chửi nhau. Nhưng duy mình biết hai ông mãnh đều có điểm chung là thương các em công nhân, sinh viên khó khăn lắm. Thương theo cái kiểu của mấy thằng bạn của cậu lái ta xi.

Người Buôn Gió

http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/242/242

Có lẽ “Cụ Rùa” sắp… đi ?

Posted by truongthondlb1


Hay ” Cụ” biết là bên Ai cập, Libya bên xứ Trung đông có mấy tay độc tài chó chết đều đã bị Dân đuổi chạy chí chết nên Cụ nổi nên chúc mừng bà con bên đó ?…

*

Chiều nay bà con quanh Bờ hồ lại nháo nhác vì ” Cụ Rùa “ tiếp tục nổi lên, chìm xuống liên tục cả giờ đồng hồ.

Nhìn thấy nguyên cái đầu và mắt của ” Cụ “, cảm nhận được dung nhan “Cụ” có vẻ rất nhiều điềm xấu. Nhìn cái mặt nước bẩn thỉu như hiện nay của hồ thì ai có ngu dốt đến mấy cũng hiểu rằng : việc bơi lặn hay sống trong cái hồ như vậy quả là một cực hình, nó tựa như con người phải sống trong nhà tù vậy.

Hay “Cụ” biết là bên Ai cập, Libya bên xứ Trung đông có mấy tay độc tài chó chết đều đã bị Dân đuổi chạy chí chết nên Cụ nổi nên chúc mừng bà con bên đó ?

Xưa Bác Hồ ta đi tù ở bên Tàu, đủ loại cực hình từ xiềng xích đến cùm kẹp, chỗ ỉa đái gần chỗ ăn uống khiến Bác phải thốt thành thơ ” Ngục trung nhật ký ” là gì ?

Giá như “Cụ Rùa” biết làm thơ hay chỉ cần biết …lắc cái đầu cũng được. Để mỗi khi cụ bị viêm da hay viêm phổi do nước ô nhiễm thì cứ nổi lên và lắc lư cái đầu để bà con biết, các nhà khoa học sẽ có thể hiểu được “Cụ” và kịp thời cứu “Cụ”. Đàng này …

Theo mình nghĩ thì rất nhiều khả năng là “Cụ” sẽ ra đi trong năm nay. Báo chí khi ấy sẽ có ối thứ để viết và bán được báo cho bà con chợ Đồng xuân hay chợ Ninh Hiệp đọc rồi sau đó mang hương và tiền lẻ đến lễ ” Cụ”. Các nhà quản lý có lẽ cũng đã lường trước việc này, phương án mở rộng đền Ngọc sơn, xây bệ (và để vài thùng công đức bên cạnh) để cho ” Cụ ” vào đó nằm cùng với ” Cụ “ khác có khi đã được ban bệ trình cho Ủy ban để xin kinh phí triển khai rồi ấy chứ. Nếu mà mình được hỏi ý kiến về việc này thì mình cho rằng phải xây cái lăng to tát cho các ” Cụ ” nằm cho đàng hoàng, dù sao các ” Cụ ” cũng là Quốc Rùa cơ mà. Mấy tay đại gia tư bản thời nay còn đang sống nhăn mà đã mua hàng hec ta đất ở quê để xây sẵn lăng mộ hoành tráng, lâu đài chống cả bom như báo chí đã đăng đấy thôi.

Đúng, phải xây lăng, ốp đá xẻ Tàu cho nó hoành tráng, xứng tầm …Quốc Rùa.

Khổ thân ” Cụ”. Lúc ” Cụ ” còn trẻ thì chả anh nào quan tâm đến môi trường sống cho ” Cụ”, nước bẩn, nhà nào có chai lọ vỡ có khi còn ném trộm xuống hồ. Giá như lúc ” Cụ” còn trẻ, các nhà khoa học quan tâm, lấy vợ cho Cụ, để Cụ sinh con đẻ cái để vui vẻ và hưởng thú điền viên lúc về già, đàng này…cứ để Cụ độc thân, đi dâu chả biết, cặp với em nào không hay. Hay là do ” Cụ” đi với các em mà không mang bao cao su nên lưng cụ …lở như báo đăng ? các nhà khoa học cần tìm hiểu cái này cho rõ.

Thậm chí cạnh hồ có khi nhiều nhà còn đem thả đám rùa tặc tai đỏ hay đỏ toàn thân kia xuống hòng gỡ gạc tí lương tâm vốn đã mục nát bởi lối sống chụp giựt, cướp đoạt của thiên hạ bao năm.

Một mình ” Cụ ” thì làm sao chống nổi đám rùa tặc đỏ kia chứ ? chắc ” Cụ “ đi mất thôi.

Nhưng mà biết đâu lại có vài ” Cụ ” khác tiếp tục nổi lên cùng với lở loét đầy mình ? nào ai biết được.

Thời thế sinh anh hùng mà, dân gian chả nói mãi đấy thôi.

http://vn.360plus.yahoo.com/Elec-Life/article?mid=1158

Tàu thì Lạ, hèn hạ thì quen

Posted by truongthondlb1


Dân Làm Báo – Mời các bạn đọc bài báo của Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân về sự hy sinh của một chiến sỹ Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung. Nhân dân Việt Nam đâu có nhục nhã đến mức này để mà những tờ báo của đảng cứ độc quyền 2 từ này cho những tờ báo của đảng.

Tờ báo Nhân Dân được ghi chú là “Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam“.

Tờ báo Quân Đội Nhân Dân thì là “Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tiếng nói của Lực lượng Vũ trang và Nhân dân Việt Nam“.

Với những bài báo như thế này dưới sự lãnh đạo của đảng và cầm đầu bởi Đinh Thế Huynh, đề nghị đổi lại như sau cho chính xác và ngắn gọn: “Tiếng nói của một lũ hèn”



danlambao1.wordpress.com

*

Một cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ

QĐND – Tối 16-2, trong lúc xuống địa bàn để nắm tình hình, Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) nhận được nguồn tin từ nhân dân cho biết, có một thuyền máy lạ đang dùng kích điện đánh bắt cá trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận biên giới Việt Nam. Ngay lập tức, Trung úy Trần Văn Duẩn đã phối hợp với dân quân địa phương triển khai vây bắt. Trong lúc đón bắt đối tượng, Trung úy Trần Văn Duẩn đã bị ngã xuống sông và gặp nạn do nước chảy mạnh. Sự việc xảy ra, đã được báo cáo về Đồn biên phòng A Mú Sung. Ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được huy động để tìm kiếm anh nhưng đã không thấy. Đến 11 giờ ngày 17-2, thi thể anh đã được tìm thấy trên sông, cách vị trí đồn khoảng 200m về phía thượng nguồn. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lào Cai cho biết: “Thời điểm này, nước sông chảy xiết và rất lạnh nên khi gặp nạn đồng chí Duẩn không thể thoát hiểm”.

Viết Lam

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/37/37/139235/Default.aspx

*

Một sĩ quan biên phòng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên sông Hồng


ND – Chiều nay 20-2, tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai cho biết: Trung úy Trần Văn Duẩn, Đội trưởng đội vũ trang Đồn biên phòng A Mú Sung (Bát Xát- Lào Cai) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên dòng sông Hồng, tối ngày 16-2-2011.

Đại úy Đinh Văn Lào, đồn phó chính trị Đồn biên phòng A Mú Sung, cho biết, đêm 16-2, khi nhận tin báo có một chiếc thuyền “lạ” xâm nhập trái phép đường phân thủy của biên giới, Trung úy Trần Văn Duẩn lập tức đến hiện trường. Anh đã kịp huy động lực lượng dân quân địa phương chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập này và cùng một dân quân chặn ở quãng giữa.


Trung úy Trần Văn Duẩn ( bên phải), trong một lần gặp phóng viên Đài PTTH Lào Cai
Theo Đại úy Đinh Văn Lào, những chiếc thuyền “lạ” kiểu này là những chiếc ghe sắt đánh bắt cá bằng xung điện, máy nổ khói đen mù mịt. Với bộ kích điện để tận diệt các loại thủy sản, những chiếc ghe này có thể lợi dụng đêm tối hay lúc vắng vẻ để tranh thủ lấn qua đường phân thủy, xâm phạm chủ quyền biên giới.

Khi chặn đuổi chiếc thuyền “lạ” ở quãng sông cách vị trí Đồn A Mú Sung chừng 500m thì Trung úy Duẩn bị ngã xuống sông. Sự việc xảy ra, đã được báo cáo về Đồn Biên phòng A Mú Sung, ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được huy động để tìm kiếm anh nhưng đã không thấy. Đến 11 giờ ngày 17-2, thi thể anh đã được tìm thấy trên sông cách vị trí đồn khoảng 200m về phía thượng nguồn.

Gia đình đã đưa thi thể trung úy Trần Văn Duẩn về quê tại Nam Định an táng. Được biết, trung úy Duẩn đã có một con trai nhỏ và vợ đang dạy học ở Trường tiểu học A Mú Sung, huyện biên giới bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Quốc Hồng

http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/lao-cai-m-t-s-quan-bien-phong-hy-sinh-khi-lam-nhi-m-v-1.285989#lSEAg8rxVlO0

*

Báo Tuổi Trẻ đã viết một phóng sự về người chiến sỹ biên phòng Trần Văn Duẩn với niềm trân quý về sự hy sinh của anh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Dù phải tuân hành chủ trương “tàu thì lạ hèn hạ là tao” của ban tuyên giáo, bài viết ít ra đã nói lên được sự trân trọng đối với một chiến sỹ QĐND.

Sông Hồng khóc gọi tên anh!

TT – Chiều 18-2, chúng tôi – những người từng lên công tác tại đồn biên phòng A Mú Sung (huyện Bát Xát) hồi tháng trước – nhận tin nhắn từ anh em biên phòng Lào Cai: “Còn nhớ Trần Văn Duẩn không? Duẩn vừa hi sinh khi làm nhiệm vụ, hôm nay linh cữu đã đưa về quê nhà ở Nam Định”.


Trung úy Trần Văn Duẩn ở đồn biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) ngày 17-11-2010. Nụ cười chói ngời hạnh phúc của người sĩ quan trẻ nay đã không còn nữa – Ảnh: L.Đ.D.

Chúng tôi lặng người bàng hoàng! Duẩn sinh năm 1982, như thế anh đã ngã xuống khi vừa bước vào tuổi 29. Trong ký ức chúng tôi còn in đậm hình ảnh chàng trung úy trẻ, đẹp trai và đầy năng lực.

“Tổ ấm trong mơ” bên cột mốc biên cương

Có lẽ bạn đọc còn nhớ tấm hình về gia đình người lính biên phòng với nụ cười rạng rỡ của hai vợ chồng và đứa con trai vừa tròn 1 tuổi trong câu chuyện về Lũng Pô – A Mú Sung, miền đất của sương mù giá rét, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở đó có nhiều người lính chọn làm quê hương thứ hai và quyết định ăn đời ở kiếp cùng biên ải (“Đất lành Lũng Pô” – Tuổi Trẻ ngày 21-11-2010).

Vợ chồng trung úy Trần Văn Duẩn và cô giáo Nguyễn Vân Chi cũng đã có một căn nhà nhỏ ở bản Lũng Pô, cạnh trạm kiểm soát gần mốc số 92 biên giới Việt – Trung, đúng vị trí ngã ba suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng. Chúng tôi đã nhìn thấy một ngày mai tươi sáng của biên ải qua những căn nhà ấm sắc nắng mai giữa mía, chuối ngút xanh chốn đất lành. Nơi đây tình yêu của anh lính biên phòng quê biển Nam Định đã đơm hoa kết trái cùng cô giáo Nguyễn Vân Chi từ Yên Bái lên đây cắm bản và thành quả của họ là bé trai Bảo Nam kháu khỉnh. Chúng tôi còn nhớ mãi câu nói của Duẩn khi hỏi về tên con trai của anh: “Cái tên Bảo Nam có nghĩa là “bảo vệ nước Nam” hay “báu vật nước Nam?”, Duẩn cười: “Với gia đình là “báu vật” nhưng với đất nước thì “bảo vệ” nước Nam, anh ạ!”. Duẩn cũng là một người lính và anh ký thác sứ mệnh của mình trong cái tên đặt cho con, đứa con được sinh ra và chôn nhau cắt rốn ngay bên cột mốc biên ải.

Một tổ ấm lý tưởng nơi biên cương cho đến bây giờ nhìn tấm hình với ba nụ cười tỏa sáng ấy chúng tôi vẫn không dám tin Duẩn đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.


Cô giáo Chi và bé Bảo Nam – vợ và con của trung úy Trần Văn Duẩn – trong niềm đau vô hạn – Ảnh: Ngọc Quang

Sông đầu nguồn nức nở gọi anh…

Từ Hà Nội, chúng tôi về quê của trung úy Duẩn ở đội 1, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Nghĩa Thắng là xã miệt biển tận cùng của huyện, gần phía dòng sông Ninh Cơ đổ ra biển. Hình như mảnh làng chân sóng luôn sẵn sàng đón gió bão đã thấm vào trong tính cách của chàng sĩ quan trẻ những tố chất can đảm và thích mạo hiểm. Bây giờ nụ cười rạng rỡ của cả nhà hôm tiễn anh em chúng tôi tới tận cổng đồn A Mú Sung không còn nữa. Cô giáo Chi như vẫn chưa tin vào sự thật vừa diễn ra. Kể

chúng tôi nghe, Chi nói trong nước mắt: Tối 16-2, gần 21g, Chi thấy chồng mang quân phục, quân hàm chỉnh tề. Đã quen với những công việc như vậy của chồng vốn là đội trưởng trinh sát của đồn biên phòng nên Chi chỉ hỏi: “Anh đi khi nào về?”. Vừa đội chiếc mũ lên đầu, Duẩn vừa quay lại hôn bé Bảo Nam đang ngủ và nói: “Chừng một tiếng đồng hồ anh về”. Từ Lũng Pô về đồn chừng 7km. Chi nằm thao thức đợi chồng cho đến hơn 0g sáng vẫn không thấy Duẩn về. Biết công việc của lính biên phòng, anh lại là lính trinh sát nhưng Chi vẫn vô cùng nóng ruột. Gọi điện thoại không thấy chuông đổ. Nằm thao thức, ruột gan như lửa đốt, đến rạng sáng Chi thấy mấy người bạn giáo viên bên trường ghé nhà bảo Chi hãy bình tĩnh rồi nói đồn biên phòng báo lên là Duẩn bị mất tích khi đi tuần tra, động viên Chi hãy bình tĩnh.

Chi vẫn chưa biết rằng cho đến lúc ấy, đêm 16 rạng 17-2, người chồng thân yêu của cô đã nằm lại trên quãng sông Hồng biên giới.

Đại úy Đinh Văn Lào, đồn phó chính trị đồn biên phòng A Mú Sung, cho chúng tôi hay đêm ấy, khi nhận tin báo có một chiếc thuyền “lạ” xâm nhập trái phép đường phân thủy của biên giới, Duẩn lập tức đến hiện trường. Anh đã kịp huy động lực lượng dân quân địa phương chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập này và cùng một dân quân chặn ở quãng giữa. Chúng tôi từng trông thấy những chiếc thuyền “lạ” kiểu này trên đầu nguồn sông Hồng. Đó là những chiếc ghe sắt đánh bắt cá bằng xung điện, máy nổ khói đen mù mịt. Với bộ kích điện để tận diệt các loại thủy sản, những chiếc ghe này có thể lợi dụng đêm tối hay lúc vắng vẻ để tranh thủ lấn qua đường phân thủy, xâm phạm chủ quyền biên giới. Bộ kích điện trên những con thuyền này không chỉ tận diệt cá mà còn là một thứ vũ khí nguy hiểm khi sa cơ.

Và đêm 16-2 ấy, khi chặn đuổi chiếc thuyền “lạ” ở quãng sông cách vị trí đồn A Mú Sung chừng 500m thì Duẩn đã ngã xuống sông. Đêm tối, nước sông Hồng chảy xiết, những người đi cùng Duẩn vừa tìm cách cứu anh vừa báo cho đồn. Đơn vị huy động tất cả anh em cán bộ chiến sĩ tìm kiếm. Tiếng gọi “Duẩn ơi” vang trên biên cương, xé toang màn đêm sương mù dày đặc của A Mú Sung. Kiệt sức kiếm tìm cho đến sáng nhưng vẫn vô vọng. Đến 11g ngày 17-2 mới tìm thấy thi thể Duẩn ở quãng sông cách đồn chừng 200m về phía thượng nguồn.

Cùng lúc đó, sáng sớm 17-2, từ Nghĩa Thắng, ông Trần Ngọc Hiểu – bố của Duẩn – nhận tin báo vội vã đi taxi lên. Khi đến Lũng Pô, người con trai, niềm kỳ vọng duy nhất của gia đình, đã nằm lặng im trong khói nhang của nhà văn hóa thôn. Quanh anh là đồng đội và bà con dân bản. Đêm đó, thể theo nguyện vọng gia đình và dòng họ, thi hài Duẩn được đơn vị đưa từ Lũng Pô về quê nhà. Đoàn xe đi trong đêm từ 21g ngày 17-2 đến 9g ngày 18-2 thì về đến Nghĩa Thắng. Bà Lương Thị Hạnh, mẹ của Duẩn, đã ngất xỉu vì không chịu nổi sự mất mát quá lớn này.

Và như bao đồng đội giữ chủ quyền…


Ảnh: L.Đ.Dục
Trung úy Trần Văn Duẩn – “Bạn đồng hành quanh tôi”

Sáng 19-2, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã trao giấy chứng nhận “Bạn đồng hành quanh tôi” của ban biên tập báo Tuổi Trẻ truy tặng trung úy Trần Văn Duẩn đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, kèm giá trị giải thưởng là 7 triệu đồng cho đại diện gia đình, cô giáo Nguyễn Vân Chi.

Là một người lính từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở Phố Lu, Lào Cai, ông Hiểu khi biết con trai nộp đơn thi vào Học viện Biên phòng cũng ủng hộ con, dù biết theo truyền thống dòng tộc, Duẩn đang là đích tôn và sẽ là tộc trưởng của họ Trần ở quê nhà.

Năm 2001, 19 tuổi, Duẩn đậu vào học viện. Ra trường Duẩn về nhận công tác tại trạm Tùng Sáng, ngay đầu nguồn sông Hồng từ đó đến nay. Năm 2006, khi lên công tác tại đây, chúng tôi đã có những đêm trò chuyện cùng Duẩn, khi ấy anh đang yêu cô giáo Chi. Tháng 11-2010, khi trở lại A Mú Sung, chúng tôi thấy họ đã thành một tổ ấm. Niềm vui muốn sẻ chia cùng gia đình Duẩn chưa kịp nguôi thì giờ đây chúng tôi nghẹn ngào nghe bé Bảo Nam gọi bập bẹ tiếng “bố, bố” đầu đời. Cô giáo Chi kể hai tuần nay cậu con trai Bảo Nam bắt đầu tập nói, đi đâu Duẩn cũng gọi điện về cho vợ, bảo áp điện thoại lên để nghe tiếng con gọi. Nhưng bố của Bảo Nam, người sĩ quan biên phòng năng lực và tận tụy ấy, đã không còn nữa.

Tết vừa rồi Duẩn và Chi cùng con trai ăn tết với anh em trên đồn, không về quê. Hôm nhận những tờ báo Tuổi Trẻ có bài viết về mình mà anh em gửi tặng, Duẩn còn gọi điện về cảm ơn, hẹn ngày nào về phép thăm quê sẽ gặp anh em tại Hà Nội, vậy mà…

Theo chân Định, người em rể của Duẩn, chúng tôi ra mộ thắp nén nhang cho anh. Ngôi mộ nằm chìm giữa đồng nước mênh mông màu phù sa. Trong dòng nước đang tưới cho những cánh đồng châu thổ sông Hồng, chúng tôi tin có những hạt phù sa thấm máu những người lính biên phòng phía đầu nguồn sông theo con nước hòa vào về quê Duẩn để miền chân sóng này nhận những mùa màng phong nẫm.

Chúng tôi chợt nhớ tấm hình chụp bia tưởng niệm các chiến sĩ đồn A Mú Sung trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc hơn 30 năm trước. Trên tấm bia đó có khắc tên 30 người lính, hầu hết hi sinh ngày 17-2-1979, nhưng cuối tấm bia có tên năm người lính hi sinh vào ngày 17-2-1984. Và có ngẫu nhiên không, khi ngày Duẩn hi sinh cũng là một ngày như thế, đêm 16 rạng ngày 17-2-2011.

Rồi đây trên tấm bia ấy sẽ khắc thêm tên của người đội trưởng trinh sát biên phòng của đồn A Mú Sung – trung úy Trần Văn Duẩn.

LÊ ĐỨC DỤC – ĐỨC BÌNH

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/425428/Song-Hong-khoc-goi-ten-anh.html