Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

QUỐC HỘI NÊN XIN LỖI CỬ TRI

Bùi Hoàng Tám thực hiện

Khi Chính phủ không thực hiện được những nghị quyết của Quốc hội giao thì với chức năng giám sát của mình, Quốc hội phê bình Chính phủ và đương nhiên, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vậy khi Quốc hội không thực hiện được chính những điều luật do mình ban hành thì bằng lòng tự trọng và sự công bằng, Quốc hội nên và cần nhận lỗi cử tri cả nước đồng thời quyết tâm sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, sai lầm. Công bằng với cử tri, công bằng với Chính phủ và công bằng với Quốc hội chính là thực hiện chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Đảng.

Năm 2001, Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó bổ sung nội dung: bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thế nhưng đến thời điểm này, việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa một lần được thực hiện. Một điều luật ra đời đã gần 10 năm với 3 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn chưa đi vào cuộc sống thì dù với bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh cho một sự thất bại.
Vì sao điều luật này vẫn “nằm trên giấy” và nó sẽ còn như vậy đến bao giờ? Điều quan trọng hơn, cần phải làm gì và làm thế nào để điều luật trên đi vào cuộc sống? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, một trong số các tác giả của Ban soạn thảo dự Luật Tổ chức Quốc hội 2002.
Hành trình gian nan và sóng gió
Thưa, ông đánh giá như thế nào về nội dung các điều luật này?

Tôi phải khẳng định nội dung của các điều luật này là sản phẩm của Đổi mới. Không có công cuộc Đổi mới, sẽ không có các quy định này dù nó đã trải qua một hành trình đầy gian nan, sóng gió. Khi đưa được vào Hiến pháp đã là một việc rất khó thì khi đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội còn khó khăn hơn rất nhiều bởi phải có các quy định, cách thức cụ thể. Nếu không có những quy định hợp lý thì luật khó và thậm chí không đi vào cuộc sống.
Gian nan, sóng gió. Ông có thể làm rõ khái niệm này?
Tôi nói như vậy bởi ngay từ khâu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, đã có rất nhiều tranh luận và là sự kiện chính trị, gây chấn động dư luận thời điểm đó. Người đồng tình thì hoan nghênh nhưng ngược lại, một số người vẫn còn những băn khoăn, ví dụ như: Nên dùng từ bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm? Với điều kiện của ta hiện nay, đưa điều này ra có phù hợp không? Rồi vai trò lãnh đạo sẽ như thế nào? Cũng lại có ý kiến cho rằng, quy định miễn nhiệm, bãi nhiệm trong Hiến pháp 1992 đã bao hàm cả nội dung sự tín nhiệm hay không tín nhiệm rồi…

Còn ý kiến đánh giá của cá nhân ông?

Theo tôi, quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 92 là dấu son trong tiến trình đổi mới, dân chủ của Việt Nam.
Là một dấu son nhưng một điều luật dù đúng đắn đến mấy mà sau 10 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống thì không thể nói là thành công?
Tôi không muốn dùng từ thất bại mà muốn đi vào bản chất là luật chưa phù hợp với cuộc sống.
Cần đổi mới công tác nhân sự
Theo ông, vì sao điều luật này lại khó đi vào cuộc sống như vậy?

Có thể nêu lên mấy lý do:
Nguyên nhân thứ nhất là, ngay từ ngày ban hành, nó đã có một số phận khá chật vật. Nó được thai nghén từ Đại hội Đảng 6 (1986), hơn năm năm sau mới có Hiến pháp năm 1992 và phải mất 10 năm tiếp theo (2002), mới được đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội để thực thi. Tiếc thay lại gần 10 năm nữa trôi qua nhưng nó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đây là vấn đề tư duy và nhận thức.
Nguyên nhân thứ hai là, Luật Tổ chức Quốc hội quy định phải có ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là một việc rất khó. Từ đó đã nảy sinh nhiều vấn đề như yêu cầu một tỉ lệ như thế liệu có quá cao không? Có được bàn bạc, trao đổi không? Nếu trao đổi, bàn bạc thì dễ bị hiểu rằng, có tư tưởng chia rẽ, bè cánh…
Nguyên nhân thứ ba là, Luật Tổ chức Quốc hội quy định phải có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, uỷ ban của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là việc rất khó bởi vì tâm lý e dè, ngại mất lòng nhau… ở nước ta còn khá phổ biến, các vị Đại biểu Quốc hội và ngay cả Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cũng có tâm lý ấy.
Nguyên nhân thứ tư là, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội có những quy định mới về việc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng lại chưa kịp thời có những quy định của cấp có thẩm quyền về công tác nhân sự liên quan đến các quy định đó.
Không thể dừng lại bởi bất cứ lý do gì
Tại sao Quốc hội không chủ động lấy ý kiến của đại biểu, thưa ông?

Như trên đã nêu, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải tuân theo quy định của pháp luật, bây giờ hỏi tại sao Quốc hội không chủ động lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội thì không thể nói Quốc hội một cách chung chung được, mà phải cụ thể là ai đưa ra ý kiến đó? Người ta sẽ thắc mắc ngay rằng, tại sao lại đưa ra ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm người này hay người kia? Rồi dựa trên cơ sở thước đo nào để định lượng trường hợp này thì có mà trường hợp kia thì không? Và đó là những lý do khiến sự việc đến nay vẫn còn dang dở, bế tắc.

Nhưng Luật trên còn quy định vai trò của các ủy ban của Quốc hội?
Như trên tôi đã nói rồi đấy. Mỗi ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát một hoặc một số bộ, ngành. Các ủy ban này có trách nhiệm như đã ghi trong Luật. Nhưng để có được sự ủng hộ của đa số thành viên trong ngay ủy ban đó cũng không dễ. Tâm lý ngại va chạm cũng là một trở ngại không nhỏ. Rồi giả sử nếu ủy ban nào đó có sự nhất trí trình Ủy ban Thường vụ thì tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải có sự đồng thuận cao thì mới trình ra Quốc hội. Chúng ta nhớ lại, có lần một ủy ban của Quốc hội đã đề nghị đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm một vị giữ chức vụ do Quốc hội bầu, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng không nên, vì thế đã dừng lại.
Những điều ông nói cho thấy việc thực thi đang bế tắc. Vậy trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội có nên dũng cảm xin lỗi cử tri và rút điều này?
Không! Không thể dừng lại bởi bất cứ lý do gì vì đây là thành tựu to lớn của nhận thức, của đổi mới tư duy mà đổi mới tư duy là quan trọng nhất, phải đi tiên phong. Đây là mong muốn của đa số đại biểu Quốc hội cũng như khát vọng của cử tri. Nhiệm vụ của Quốc hội nhiệm kỳ tới là phải nghiên cứu thật kỹ, có những bổ sung cần thiết trong các văn bản pháp luật để Điều luật này thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông, cụ thể phải điều chỉnh những gì?

Ở đây có hai khía cạnh: Một là, như trên đã nói, cần bổ sung văn bản pháp quy cho phù hợp. Hai là cần có những thao tác kỹ thuật khi thực hành. Ví dụ có thể trước mỗi kỳ họp Quốc hội nên phát cho mỗi Đại biểu một phiếu để ghi các kiến nghị của mình tại kỳ họp, trong đó có cả việc đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu xuất hiện việc đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một vị nào đó với tỷ lệ trên 20% thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm các thủ tục theo đúng quy định và trình Quốc hội.

Một “cơ hội” vừa bị bỏ qua
Có ý kiến cho rằng việc một số đại biểu kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm một số thành viên Chính phủ vừa qua là một cơ hội để Điều luật này được thực thi. Nhưng rất tiếc là nó đã bị bỏ qua…?

Hiến pháp và Luât Tổ chức Quốc hội đã quy định thì phải làm và coi đó là việc làm thường xuyên của Quốc hội. Đây là cơ hội tốt để những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình bày đầy đủ những ý kiến của mình.
Tôi nghĩ rằng, làm đựợc mười việc tốt thì cũng có đôi ba việc có sai sót, thậm chí có khuyết điểm nặng cũng là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phân tích để tìm rõ ngọn nguồn và nguyên nhân, nhận lỗi và kiên quyết sửa chữa. Tôi tin rằng với truyền thống nghiêm khắc và bao dung của dân tộc ta, truyền thống ấy cũng có ngay trong Quốc hội ta; chắc chắn những ai thật lòng vì dân, vì nước, biết nhìn nhận khách quan và quyết tâm sửa chữa để làm tốt hơn, thì người đó vẫn nhận được sự tín nhiệm của Quốc hội và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Xin cám ơn ông!

BOX: Ngày 7/1/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Lệnh số 02/2002 – CTN ban hành Luật Tổ chức Quốc hội sau khi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-12-2001. Điều 12, Chương II của Luật Tổ chức Quốc hội đã cụ thể hóa nội dung này của Hiến pháp 1992: … Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, ủy ban của Quốc hội.

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)

Nhà nước cần can thiệp ổn định thị trường vàng

By rfavietnam

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2010-11-21

Khi giá vàng thế giới vừa nhích lên hai mươi đô la thì giá vàng trên thị trường nội địa tăng vọt đột ngột và có ngày đã vượt ngưỡng ba mươi sáu triệu đồng một lượng. Tình hình hiện tại cho thấy giá đô la cũng đang tăng trở lại.


AFP Photo/Hoang Dinh Nam

Hôm 8-1-2004, khách hàng đang mua vàng tại một tiệm bán vàng ở Hà Nội.

Tăng từng giờ
Giá vàng trên thị trường nội địa Việt Nam diễn biến đột ngột và gần như tăng lên từng ngày, nếu không muốn nói từng giờ. Có lúc đã tới mức cao nhất là ba mươi sáu triệu hai trăm bốn chục nghìn đồng một lượng.

Ngay 8 giờ sáng thứ Năm, Sacombank niêm yết giá vàng thu vào ba mươi lăm triệu bảy trăm chín chục nghìn, bán ra ba mươi lăm triệu chín trăm chín chục nghìn, tức là tăng gần một triệu rưỡi so với giá hôm thứ Tư.

Thế nhưng ba mươi phút sau đó, giá vàng nhảy thêm hai trăm năm chục nghìn, tức ba mươi sáu triệu ba trăm năm chục nghìn một lượng, tăng một triệu bảy so với ngày hôm trước.

Đầu cơ làm giá vàng?

Một tiệm vàng ở Hà Nội. AFP photo
Giá đô la cũng biến động nhưng không đến tình trạng đảo chiều đột ngột như giá vàng. Giá vàng tăng do đâu và việc tăng giá vàng có làm ảnh hưởng tới những sự tăng giá khác hay không?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả và thị trường thuộc Bộ Tài Chánh Việt Nam, phân tích rõ về ba yếu tố có thể tác động đến sự tăng vọt bất thường của giá vàng trên thị trường nội địa.

Theo ông, giá vàng Việt Nam chịu sự tác động của giá vàng thế giới, nhưng lý do thứ nhất của giá vàng tăng vọt là do độ trễ trong việc nhập khẩu vàng, vì thế tình hình gọi là biến thiên trên thị trường thế giới không phản ảnh một cách đột ngột như trên thị trường Việt Nam:

“Đó là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai thì có thể là áp lực liên quan đến câu chuyện về tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên thì cho đến mấy ngày gần đây, những dấu hiệu về áp lực tỷ giá hối đoái cũng đã giảm nhẹ đi một phần rồi, nên tôi cho rằng đó không phải là tác động cơ bản.”

Còn yếu tố thứ ba là yếu tố tâm lý, tiến sĩ Vũ Đình Ánh giải thích tiếp. Ít nhất trong ba ngày qua ông đã theo dõi sát và nhận thấy diễn biến của giá vàng có thể nói là liên tục, thậm chí được điều chỉnh hàng giờ. Dưới con mắt phân tích của ông, điều này liên quan chủ yếu đến các nguyên nhân nội tại:

“Tức là có thể các giới kinh doanh vàng họ đang làm giá chứ không phải là liên quan tới câu chuyện của tỷ giá hay câu chuyện của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, để tìm căn cứ xác đáng hơn thì chắc còn phải chờ đợi một thời gian để xác định lại những thông tin kiểu như vậy.”

Về giá đô la, ông Vũ Đình Ánh cho rằng không phải lúc nào ở Việt Nam giá đồng Mỹ kim cũng đột biến như vậy, tuy rằng thường giá vàng tăng thì giá đô la cũng tăng và ngược lại, mà đó là qui luật thông thường cách đây trên một năm:

“Tuy nhiên trong thời gian gần đây vấn đề vàng tăng và đô la cũng tăng thì có thể giải thích là do áp lực cung cầu đồng đô la. Thế còn diễn biến của mấy ngày gần đây, như tôi nói, có thể vì giá vàng được điều chỉnh phải nói là hàng giờ, và diễn biến có thể nói là khá bất thường với biên độ giao động khoảng trên một triệu cho một lượng. Ví dụ hôm qua đã lên tầm một triệu rưỡi một lượng.”

Tức là có thể các giới kinh doanh vàng họ đang làm giá chứ không
phải là liên quan tới câu chuyện của tỷ giá hay câu chuyện của giá vàng
thế giới.

TS Vũ Đình Ánh

Từ điểm này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định diễn biến tăng giá của vàng không đồng chiều với diễn biến tăng giá của đồng đô la. Theo ông, thị trường đô la tuy có biến động nhưng hiện chỉ giao động dưới mức hai mươi mốt ngàn đồng ăn một đô la Mỹ:

“Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng đã có khá nhiều động tác để ổn định thị trường đô la. Nhưng mà câu chuyện về ổn định thị trường vàng thì vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng, ngoại trừ câu chuyện cho phép nhập khẩu vàng mà hiện nay thì cũng đã nhập khẩu rồi.”

Là chuyên gia về giá cả và thị trường, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét diễn biến của giá vàng trên thị trường nội địa trong mấy ngày qua là điều khó giải thích, nhất là trong bối cảnh việc sử dụng vàng dưới dạng tích trữ hay dưới dạng kinh doanh mà có sự tận dụng độ chênh lệch về giá cả thì cho đến nay vẫn chưa tìm được thông tin nào xác thực hơn.

Với câu hỏi phải chăng đang có sự thả nổi thị trường vàng và đang có hiện tượng đầu cơ tích trữ mặt hàng này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh trả lời rằng chuyện đầu cơ hay làm giá trên thị trường thả nổi như hiện nay là chuyện thường và diễn biến của nó cũng khá là bình thường.

Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc cho phép các doanh nghiệp có thể nhập khẩu vàng theo diễn biến thị trường.

Điểm quan trọng nhất hiện nay mà tiến sĩ Vũ Đình Ánh muốn nói, là coi thị trường vàng như một bộ phận của thị trường tiền tệ, tài chính hay chỉ là một loại hàng hóa đơn thuần:


Một tiệm vàng ở Hà Nội chụp năm 2009. AFP photo.
“Khi mà giải quyết đứt điểm quan điểm vừa trình bày thì tôi cho rằng cũng sẽ có những biện pháp để làm giảm đầu cơ hay làm giá trên thị trường bởi vì thực sự ở Việt Nam vàng đóng vai trò rất quan trọng kể cả về mặt truyền thống cũng như về mặt kinh tế.

Rõ ràng câu chuyện vàng ở Việt Nam tùy thuộc hoàn toàn vào câu chuyện nhập khẩu vàng. Do đó cơ chế để bình ổn hay có thể nói để vàng vận động theo đúng nguyên tắc thị trường thì tôi cho rằng điểm quan trọng đầu tiên phải xử lý là ứng xử thị trường vàng như là thị trường tài chính tiền tệ hay là thị trường hàng hóa đơn thuần, tuy rằng vàng vẫn là một loại hàng hóa đặc biệt.

Chính sự chưa rõ ràng này đôi khi làm các cơ quan chức năng cơ quan quản lý lung túng trong diễn biến của thị trường vàng, do đó hạn chế hiệu quả từ các công cụ can thiệp vào thị trường này.”

“Vàng hóa”
Nếu thị trường vàng cứ diễn biến đột ngột, liên tục, có khuynh hướng tăng lên hơn là giảm xuống như mấy ngày qua, thì liệu có tạo ảnh hưởng đáng kể lên lương thực thực phẩm trong nước không, đặc biệt trong thời điểm năm hết Tết đến như hiện giờ ? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng tác động trực tiếp thì không có:

“Bởi như tôi đã nói thị trường vàng nếu cứ coi nó là hàng hóa đi chăng nữa thì đó là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó mối liên hệ trực tiếp giữa thị trường vàng, thị trường tiền tệ, với thị trường lương thực và thực phẩm gần như là không có.”

Ngay cả các chợ bán lẻ bình thường thì nhiều người bán mớ rau hay
cân gạo cũng lý giải việc chỉ số giá tăng lên là do giá vàng tăng mặc
dù thực sự giữa hai thị trường đấy rất khó có mối liên hệ trực tiếp.

TS Vũ Đình Ánh

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, thực tế là trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đã bị “đô la hóa “, thậm chí gần đây có thuật ngữ mới là “vàng hóa” khá là cao, thì những biến động trên thị trường vàng cũng ít nhiều tác động đến thị trường lương thực và thực phẩm cũng như các thị trường khác:

“Ngay cả các chợ bán lẻ bình thường thì nhiều người bán mớ rau hay cân gạo cũng lý giải việc chỉ số giá tăng lên là do giá vàng tăng mặc dù thực sự giữa hai thị trường đấy rất khó có mối liên hệ trực tiếp.

Tuy nhiên như tôi đã nói, các hiệu ứng mà người ta dựa vào đó để điều chỉnh giá và thông qua đó thì tác động toàn bộ tới các thị trường khác.”

Tiến sĩ Ánh khẳng định điều người dân quan tâm trong giai đoạn này là giá cả tiêu dùng và gần đây là chất lượng hàng hóa trên thị trường lương thực thực phẩm, bởi nó ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số dân chúng mà hết bảy chục phần trăm là người dân ở nông thôn.

Nha Trang, Mũi Né theo xếp hạng của National Geographic

By rfavietnam

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

2010-11-20

Tạp chí National Geographic trụ sở tại Hoa Kỳ vừa công bố bản xếp hạng 99 bãi biển trên thế giới, Nha Trang, Mũi Né của Việt Nam bị xem là một trong những bãi biển tệ nhất trong năm.


Photo courtesy of Wikitravel

Bãi Gió ở Mũi Né

Việc đánh giá và xếp hạng các bãi biển khắp thế giới do National Geographic thực hiện với sự tham gia của 340 chuyên gia thuộc các lãnh vực bảo tồn môi sinh, văn hóa, du lịch dựa trên các tiêu chuẩn như: môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội, đường nét, thẩm mỹ, bảo tồn cổ tích, điều hành du lịch và triển vọng trong tương lai.

Các chuyên gia xếp 99 bãi biển vào năm nhóm từ cao xuống thấp: những bãi biển sạch đẹp đứng đầu bảng, kế đó là kinh doanh tốt, ổn định, đang đối diện với khó khăn và dở, tồi nhất.

Phát triển bừa bãi
Qua bản đánh giá thì Nha Trang bị xem là một bãi biển phát triển kém bền vững vì phải chịu áp lực mạnh mẽ từ việc phát triển thương mại không đồng đều, xây cất ồ ạt hủy hoại những cảnh quan thiên nhiên; nhiều nhà hàng, khách sạn được dựng lên một cách không hợp lý nếu không muốn nói là bừa bãi, mọc lên như nấm dọc theo các bãi biển.

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng đánh giá bãi biển Nha Trang phát triển kém bền vững là một nhận xét đúng đắn, nên xem sự xếp hạng này là một lời cảnh báo, để từ đó các cơ quan và viên chức hữu trách phải nhìn lại và xem xét những khuyết điểm của chính mình.

Sau khi bản xếp hạng của National Geographic được công bố, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa nói rằng các du khách thập phương vẫn đánh giá cao du lịch biển Nha Trang và lượng khách đến thăm nơi đây ngày càng đông chứ không giảm.

Tuy nhiên theo một viên chức thuộc tỉnh Khánh Hòa thì tình trạng mạnh ai nấy làm là có thật, nhà sau xây cao hơn nhà trước, không có kế hoạch cụ thể, không quy hoạch đúng bài bản.

Các du khách từng đến thăm Miền Thùy Dương cát trắng thì kể lại là hiện nay ở bãi biển Nha Trang dọc khu trung tâm dài bốn kí lô mét có nhiều nơi bị phân lô, có những nơi bãi cát bị doanh nghiệp nước ngoài rào lại. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, khu nghỉ mát chỉ được dành riêng cho khách có nhiều tiền lui tới.

Cảnh tỉnh cho du lịch VN

Một bãi biển ở Nha Trang chụp hôm 14/05/2003. AFP photo/Hoang Dinh Nam.
Qua câu chuyện với đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty lữ hành quốc tế Lửa Việt đưa ra nhận xét của mình về bảng xếp hạng của tạp chí National Geographic của Mỹ:

“Khi mình nhận được tin đó thì phải hết sức bình tĩnh, phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, như quản lý của mình chưa tốt, xử lý môi trường cũng chưa đảm bảo, là cái chuyện mà mình không nên né tránh. Nếu chỉ dựa vào một số thông tin như vậy rồi xếp hạng là bãi biển là tồi nhất thì tôi cho rằng điều đó cũng oan cho Nha Trang.

Những người làm nghề du lịch biển như chúng tôi thì đều hiểu rằng biển có mùa, có những mùa gió ngược đó, không hiểu vì sao rác lại cứ tấp vào bờ khiến khách không tắm được. Nếu đi vào mùa gió ngược mà phê phán là bờ biển dơ thì có khi tội cho các resort, khách sạn hay là người dân ở đó.

Thật ra trong quá khứ đã có một số nhà báo đi vào mùa gió ngược rồi chụp hình, phê phán các resort ở Mũi Né, Hòn Rơm dơ, bản thân tôi rất hiểu chuyện đó, lúc ấy khách không tắm biển được, có khả năng là những nhà chuyên môn khi họ đi khảo sát vào mùa đó thì mình không thể nào mà biện minh được, vì người Việt mình có câu ‘ Tình ngay mà lý gian’”.

Quan điểm của tôi là mình nên xem xét lại mình, như người Việt mình
có câu nói rất hay ‘Tiên trách kỷ hậu trách nhân’, đây cũng là một lời
cảnh tỉnh, có thể là chưa chính xác hoàn toàn nhưng cũng làm chúng ta
giựt mình, trước chuyện về quy hoạch phát triển du lịch.

Ô. Nguyễn Văn Mỹ

Tuy nhiên theo ông Mỹ thì đây là một thực tế đáng được lắng nghe, ghi nhận hầu tìm ra đáp số đúng đắn, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau:

“Quan điểm của tôi là mình nên xem xét lại mình, như người Việt mình có câu nói rất hay ‘Tiên trách kỷ hậu trách nhân’, đây cũng là một lời cảnh tỉnh, có thể là chưa chính xác hoàn toàn nhưng cũng làm chúng ta giựt mình, trước chuyện về quy hoạch phát triển du lịch.

Những người tham gia bình chọn có thể mang thành kiến ít nhiều, bởi vì trước đây đã có thông tin nói là Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ chối chuyện đưa Nha Trang trở thành một trong những vùng biển đẹp của thế giới, bởi vì nếu tham gia như vậy thì họ không thể đầu tư về kinh tế, không phát triển các cơ sở đóng tàu hay các ngành khác được.

Báo chí cũng như dư luận thành phố cũng rất bất bình, bởi vì du lịch là một nền kinh tế bền vững, vì thế nếu chọn du lịch thì phải hy sinh những ngành nghề khác, chứ nếu bây giờ mình muốn phát triển nền kinh tế nóng song song với phát triển du lịch thì không thể đảm bảo môi trường được.

Sự bình chọn đó là lời cảnh tỉnh, có ích, hãy cùng nhìn lại quy hoạch phát triển của mình, chứ không thể chủ quan phát triển theo ý mình được.”

Người dân Nha Trang: biết nói sao

Hoàng hôn trên biển Nha Trang. RFA photo
Kế đó, ông Quý, một cư dân sinh trưởng và sinh sống phần lớn cuộc đời ở Nha Trang kể về những điều ông chứng kiến hàng ngày, cái đẹp thiên nhiên bị mất dần:

“Nói chung bây giờ bãi biển miền Trung là như vậy, cái lợi của người dân bị gác lại, chỉ là lợi của nhà nước là được quý, mà nhà nước đâu thì không thấy, chỉ thấy toàn những công ty từ đâu tới, đó là nói theo nghĩa rộng. Nếu nói hẹp lại thì riêng ở Nha Trang thì có chuyện hết cấm móc lô này rồi tới lô kia.

Người dân ở Mũi Né cũng vậy chứ không nói gì tới Nha Trang, đánh bắt cá rồi muốn vào bờ phải đi con đường chật hẹp như trên TV chiếu đó. Lý thuyết thì nói ‘dân là nước chở con thuyền’ mà do nước cũng có thể lật thuyền, nhưng trên thực tế thì khó quá. Mấy ông này nói cái gì cũng tôn trọng dân hết, nhưng thật sự thì quyền lợi của dân bị coi thường quá.”

Dịp này, ông Quý cũng nói lên tâm trạng của người dân Nha Trang, Khánh Hòa, như ông thuộc thành phần thấp cổ, bé miệng trong xã hội, thì chỉ biết lặng thinh thôi:

“Thật sự ra, nếu nhìn về mức độ xây dựng thì dòm thấy bắt mắt, nếu chụp hình, quay phim, còn nếu hỏi là người dân có thưởng thức được những cảnh quan đẹp đẻ ấy hay không thì chỉ có những người có tiền, chứ người dân lao động chăm chỉ như thường được đề cao ‘lao động là quang vinh’ thì người ta thấy buồn lắm, bởi vì muốn đi ra bờ biển cũng khó quá, anh phải đi xuyên qua những resort (khu nghỉ mát), nhưng tiền đâu vô resort, cho nên rất khó khăn khi muốn bước ra bãi biển.

Nói chung bây giờ bãi biển miền Trung là như vậy, cái lợi của người dân bị gác lại, chỉ là lợi của nhà nước là được quý…

Ông Quý

Phải đi rất xa men theo mé nước mà đi thôi. Hồi đó, từ phi trường Nha Trang anh đi tắt ra là có bãi biển, bây giờ chỗ nào có công viên mới đi được, chứ không có công viên thì liền kề hết, lô này tới lô kia chạy dài cho tới Cam Ranh luôn.

Nhiều khi mấy ông cấm cọc để đấy thôi chứ có làm gì đâu, cũng không hiểu việc làm ăn của mấy công ty với viên chức nhà nước như thế nào mà thấy kết quả như vậy. Buồn thì buồn đó, nhưng người dân biết nói làm sao, cứ phải chịu đựng thôi.”

Qua những ý kiến của các viên chức cũng như từ phía người dân địa phương thì cho rằng việc đánh giá “Nha Trang là bãi biển tồi nhất trong năm” đó là lời cảnh tỉnh cho ngành du lịch Việt Nam.

Nhận xét thực tế này giúp cho các bộ ngành, cơ quan nhà nước, người dân và du khách cần có ý thức cùng góp phần mình làm cho Nha Trang lấy lại nét đẹp, thơ mộng, từng được thế giới xem là một bãi biển xanh, sạch, đẹp vì đã được Ủy ban Olympic Á Châu chấp nhận là địa điểm có thể chọn để tổ chức Olympic thể thao bãi biển của Châu Á lần thứ 5, tranh tài vào năm 2016.

Thấy gì đằng sau những tập đoàn kinh tế Việt Nam

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

2010-11-21

Sau vụ thua lỗ đầy tai tiếng của tập đoàn Tàu thủy Vinashin, cả xã hội đang lật lại vấn đề về tính khả thi của việc xây dựng thí điểm các tập đoàn kinh tế.


AFP photo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội hôm 29 tháng 10 năm 2010.

Với 8 tập đoàn và 96 tổng công ty, họ sở hữu đến 75% tài sản cố định quốc gia, song hiệu quả đồng vốn thu về của các tập đoàn này rất thấp, thậm chí dưới 10%, đã có lúc thấp hơn cả mức lãi suất tiền gửi ngân hàng. Vậy tại sao những tập đoàn này vẫn tồn tại, liệu họ có còn xứng danh là “quả đấm thép” nữa hay không?

“Bình mới rượu cũ” hay “Thủ Tướng chủ quản”
Theo cuộc nói chuyện với Tiến Sĩ Khoa học Nguyễn Quang A thì suốt một thời gian dài trước đây có một sự lẫn lộn giữa các cơ quan nhà nước, các bộ hay Chính phủ làm kinh tế; họ không chuyên nghiệp trong kinh doanh, một ông thứ trưởng lại ngồi làm chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty hay một tập đoàn là điều tối kỵ.

Tuy nhiên, giờ đây hình thức đã thay đổi, các tập đoàn bây giờ không còn là của Bộ chủ quản, mà bây giờ là vào tay của Thủ tướng.

Đối với các tập đoàn bây giờ không còn Bộ chủ quản, mà
bây giờ là vào tay của Thủ tướng, cho nên tôi mới sử dụng
thuật ngữ “Thủ tướng chủ quản” …

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A

Như vậy, ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình hình thành, vấn đề “bình mới rượu cũ” lại được đem ra áp dụng. Câu hỏi đó đang được nhiều người quan tâm. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Quang A:

“Đối với các tập đoàn bây giờ không còn Bộ chủ quản, mà bây giờ là vào tay của Thủ tướng, cho nên tôi mới sử dụng thuật ngữ “Thủ tướng chủ quản” và điều đó là một điều hoàn toàn không phù hợp với bất kể một kinh nghiệm nào trên thế giới cũng như về khoa học quản trị kinh doanh, nó không còn phù hợp, bởi vì đó không phải là chức năng của ông Thủ tướng hay ông Bộ trưởng.”

Thiếu minh bạch thông tin
Và gần đây nhất, với kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về quản trị doanh nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước, dư luận thấy nổi bật lên hai yếu tố chủ chốt, đó là thiếu minh bạch trong thông tin và sự tách biệt của chức năng làm kinh tế và công tác xã hội của các tập đoàn kinh tế này.

Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cho hay, các tập đoàn kinh tế độc quyền, nhiều đơn vị hoàn toàn không công bố thông tin dưới mọi hình thức, thậm chí là cả những thông tin mà pháp luật bắt buộc qui định phải tiết lộ, vì thế mà những thông tin “nhạy cảm” như chính sách rủi ro của doanh nghiệp, thưởng cho cán bộ chủ chốt, thông tin về giao dịch kinh doanh của thành viên hội đồng quản trị đều bị ém nhẹm, đó là chuyện dễ hiểu.

Cần phải nhớ rằng, chủ sở hữu các tập đoàn này là Chính phủ, và bản chất là thuộc sở hữu toàn dân, vì thế tính minh bạch thông tin lại càng cần phải rõ ràng hơn.

Mác “Công tác xã hội”

Trụ sở Vinashin tại Hà Nội hôm 19/7/2010. AFP photo
Mặt khác, cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là hiện nay có những tập đoàn kinh tế Việt Nam không chịu đổi mới bản thân, chính các tập đoàn này đã cố tình gắn vào cái mác “công tác xã hội” để biện minh cho những yếu kém trong việc mình không làm và không làm được. Mục tiêu của doanh nghiệp là phải đem về lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh, chứ không thể đánh đồng trách nhiệm xã hội, làm công ích với chuyện thua lỗ trong làm ăn được.

Đem chuyện này ra hỏi T.S.K.H Nguyễn Quang A, thì được ông cho hay:

“Có một sự lẫn lộn hết sức là cơ bản về mặt khái niệm, doanh nghiệp là phải hoạt động như một doanh nghiệp, hoạt động vì lợi nhuận, không thể có chuyện doanh nghiệp làm công tác xã hội hay làm công ích, cái đó là chuyện khác.

Cái đó là chuyện mà Nhà nước hoặc là xã hội phải làm bằng các công cụ khác, bằng các biện pháp, không thể buộc doanh nghiệp đồng thời làm hai việc ấy, bởi vì đó là một sự nhập nhằng, một sự không minh bạch và sẽ tạo ra rất nhiều kẽ hở cho việc lý giải tại sao hoạt động không hiệu quả.”

Cái đó là chuyện mà Nhà nước hoặc là xã hội phải làm
bằng các công cụ khác, bằng các biện pháp, không thể buộc
doanh nghiệp đồng thời làm hai việc ấy, bởi vì đó là một sự
nhập nhằng, một sự không minh bạch và sẽ tạo ra rất nhiều kẽ
hở cho việc lý giải tại sao hoạt động không hiệu quả.

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A

Rõ ràng, nếu đã là tập đoàn kinh tế thì cần phải rạch ròi tách hẳn nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội. Phải chăng các tập đoàn đang cố tình duy trì các công tác xã hội để lấy đó làm “bia đỡ đạn” với lý do nếu lợi nhuận thấp là còn phải làm công tác xã hội.

“Người ta hô hào tập đoàn này phải hỗ trợ huyện A, huyện B, huyện C, đấy là một việc làm tôi nghĩ là hoàn toàn sai về mặt quan niệm.”

Ông A cho biết thêm: “Phải dùng những công cụ khác nhau, dùng biện pháp khác nhau, dùng chính sách khác nhau để giải quyết, đem nhào nó vào thành một thì nó trở thành một thứ bùng nhùng và khó giải quyết và có những hậu quả xấu.”

Như vậy, một lần nữa câu chuyện về tổ chức quản lý, phân chia trách nhiệm và các quy định về đầu tư kinh doanh của các tập đoàn kinh tế tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa giá trị của nó.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc

By rfavietnam

2010-11-21

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945, tại Quảng Trị. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 60. Tuyển tập đầu tiên của ông “Hát Trong Dòng Sông Xưa” được xuất bản năm 1970.


Hình: Dân Huỳnh/Người Việt

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, với chiều tình ca “Về Ðây Nghe Em” vào ngày 12 tháng 12 tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

Những tác phẩm nổi tiếng của Trần Quang Lộc như “Về Đây Nghe Em”, “Em Còn Nhớ Huế Không”, “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”, “Chợt Nghe Em Hát” vẫn đang được ái mộ mặc dù đã được sáng tác nhiều năm về trước.

Nhạc của ông không bị lệ thuộc thời gian. Ca khúc “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” tuy được sáng tác vào năm 1972 nhưng người nghe khó phân biệt được nó với những ca khúc về Hà Nội trong thời gian gần đây.

“Về Đây Nghe Em”
Cũng thế, nhạc phẩm “Về Đây Nghe Em” tuy xuất hiện trước năm 1975 nhưng người nghe hải ngoại gần 40 năm sau vẫn tưởng Trần Quang Lộc sáng tác cho mình!

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi

Những ca từ hết sức dễ thương này như đi thẳng vào lòng người nghe với tất cả ngạc nhiên thích thú. Người con trai thầm thì bên tai cô gái những lời ru buồn nhưng thanh khiết, có khả năng lay động những bức tường kiên cố nhất cản trở bước chân cô.

Chàng trai không có gì để trao đổi lại với lời yêu cầu nhưng cô gái biết rằng những âm thanh ngập ngừng đứt quãng này phát xuất từ một trái tim rất hồng đang đập những nhịp điệu yêu thương về cô, người con gái bé nhỏ đang chơi với giữa giòng đời lạ lẫm.

Người nghe những lời thầm thì này bên ngoài đất nước Việt Nam sẽ nghĩ rằng từ nơi đất mẹ xa xôi, chàng trai xưa cũ đang cố thuyết phục người yêu làm một cuộc trở về, trở về với quê hương thanh tú chứa đầy kỷ niệm.

Hình ảnh đôi guốc mộc bình dị là thế nhưng lại có khả năng gây xao động cả một giòng sông ký ức. Người xa quê ai mà không nhớ những hình ảnh chân quê, mộc mạc này.

“Tôi viết năm 69-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến trang đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán Bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave…những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…

Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng…cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc “về đây nghe em…”

Bài hát này sau đó cũng được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã mười mấy năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó”.

Thì ra là vậy! Ca khúc “Về Đây Đi Em” có tuổi đời già hơn nhiều người lầm tưởng!

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể lại tiểu sử bài hát được nhiều người yêu thích này khiến vỡ ra rằng đây không phải là bài hát được sáng tác tại hải ngoại sau khi hàng triệu người bỏ nước ra đi.

Vậy mà lạ thay, cái hồn phách của nhạc phẩm này sao chừng như gọi mời người con xa xứ lắm vậy. Chiếc áo the, đôi guốc mộc, nồi khoai, hạt lúa mới… không phải đang gợi lại hình ảnh khó quên trong tâm trí hay sao…

Nhạc “Về đây đi em”…..

“Tôi bắt đầu viết nhạc vào khoảng năm 1967. Tôi học trường âm nhạc Huế và sau đó tôi về Sài Gòn theo học tại nhạc viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, về môn hòa âm sáng tác. Hiện nay tôi đi dạy nhạc và sống tại Bà Rịa Vũng Tàu.”

“Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”

Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm. Photo courtesy of Wikipedia.
Chúng ta vừa nghe một phần của nhạc phẩm “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội?” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ của thi sĩ Tô Như Châu. Về nhạc phẩm nổi tiếng này nhạc sĩ cho biết:

“Bài hát này tôi sáng tác năm 197, tôi về Sài Gòn nghỉ hè thì gặp anh Tô Như Châu. Anh ấy cho xem bài thơ “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”, bài thơ viết dài lắm năm sáu trang gì đấy tôi lấy ý bài thơ viết lại thành ca khúc. Bài này viết trước năm 1975, hồi đó được Thái Thanh hát nhưng sau đó ngưng không được phổ biến.

Mãi đến năm 1993 thì ca khúc này được nhiều ca sĩ hát, trong đó ca sĩ Thu Phương được giải thưởng bài hát này đứng đầu Top Ten trong chương trình nhạc Top Ten ở Sài Gòn được giải nhất mà kéo dài trong một năm. Bài này cũng được giải thưởng ca khúc viết hay nhất trong năm của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trao giải cho tôi.”

Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ..

Trần Quang Lộc có đôi mắt xanh nên sớm nhìn ra tài năng của nhà thơ Tô Như Châu cùng những lấp lánh châu báu nằm bên dưới ngôn ngữ của bài thơ:

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Khi lời thơ được những nốt nhạc tương cảm nâng lên thì bài thơ như chấp cánh. Đôi cánh âm thanh mang lời thơ lượn lờ trong không gian Hà Nội xưa gây cho người nghe bao nhiêu là cảm hoài, và nếu được sinh ra từ Hà Nội không chắc người nghe có cầm được nôn nao khi lá vàng từng chiếc rơi trong nỗi nhớ hay không!

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.

“Bên trời xa sương tóc bay” câu thơ vang lên như tiếng chuông chiều làm bâng khuâng hoàng hôn. Trời xa làm cho hơi sương mù mịt hay thời gian mịt mù làm cho tóc bay trong sương chiều lan tỏa. Câu thơ mở ra thật rộng cho người đọc cảm thụ cái vi tế của nó và tiếng hát của người ca sĩ não nuột hơn mang Hà Nội lúc xa lúc gần.
Cuối cùng nhà thơ an ủi lấy mình như người thợ săn hụt hơi đuổi theo con mồi trong không gian lả tả lá vàng…

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát

Quý vị vừa theo dõi hai tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc đó là “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” và “Về Đây Nghe Em”. Chúng tôi hy vọng quý vị đã có những giây phút thoải mái cùng với những chi tiết thú vị mà hai tác phẩm này chuyên chở….