Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Tin động trời : Bí thư Nguyễn Bá Thanh ra lệnh hơn 500 tàu cá tấn công tàu TQ ?

22/05/2010

Ông Nguyễn Bá Thanh tuyên bố đã chỉ đạo: ” dùng một lúc… năm, sáu trăm chiếc tàu đánh cá HÚC MẸ vào giàn khoan của nó (Trung Quốc), khiến nó phải nhổ giàn khoan mà chạy..” (Trích nguyên văn)

***

Gần đây trên mạng xuất hiện bản ghi âm cuộc hội thoại giữa blogger TraiSongTien(*) và một người được cho là Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Cuộc nói chuyện dài gần 1h30’, trong đó ông bí thư Thanh tiết lộ một thông tin khá ấn tượng: đã từng chỉ đạo tàu cá VN tấn công tàu khoan dầu Trung Quốc, khiến tàu này phải bỏ chạy.

Về tính xác thực của nhân vật, FreeLCD đã nhờ một số bạn đọc tại Đà Nẵng kiểm chứng. Sau khi nghe xong đoạn ghi âm, các bạn đều khẳng định đây là giọng nói của ông Nguyễn Bá Thanh. Thêm vào đó, một bạn khác cho biết chính ông Thanh cũng đã xác nhận cuộc hội thoại này là có thật (tin chắc chắn).

Nội dung đoạn ghi âm khá dài, qua đó ông Thanh cho thấy bản tính “hay cãi”, nói nhiều và… thích nói về mình. Tuy nhiên, những chuyện ấy sẽ bàn sau. Ở đây chúng ta muốn nói đến chi tiết khi blogger TraiSongTien đặt vấn đề về việc ngư dân VN bị TQ bắt giữ, ông bí thư Thanh cho biết nhận định nguyên văn như sau:

“Giờ giữa mình với TQ tranh chấp trên Biển Đông, mình chỉ vùng biển đó nói của mình, hắn nói của hắn. Thôi thì tránh …cha chỗ khác đi chứ vô chi mấy chỗ đó cho nó bắt …..(cười) rắc rối lên thêm. Nó bắt hồi cũng thả ra thôi”.

Nghe đến đây chắc anh chàng Blogger hết hồn. Chỉ biết ngọng nghịu cãi: “Nhưng mà hồi nào giờ chỗ đó của mình mà… Giờ nó tịch thu hết tàu thì sao, dân lấy gì ăn ?”

Có lẽ trong thoáng chốc, Bí Thư Thanh cảm thấy “tự ái” trào dâng. Ông hùng hồn tuyên bố tiếp :

“Mình cũng đấu tranh đấy chớ ! Đà Nẵng đã từng dí tàu khoan dầu Trung Quốc chạy 3 lần, ông biết không ? Tui chỉ đạo dùng một lúc… năm sáu trăm chiếc tàu đánh cá HÚC MẸ vào giàn khoan của nó (Trung Quốc), nó phải nhổ giàn khoan mà chạy. Ông có biết không ?”

Dũng khí trong người ông Thanh đang hừng hực, tự nhiên nghĩ đến điều gì đó, bỗng xìu hẳn đi. Rồi ông lại than vãn do hải quân ta yếu, nước ta nhỏ, nói chung linh tinh cả lên… Than vãn mãi mà anh chàng Blogger nọ không thấu hiểu, lại còn dám mang lịch sử ra so sánh, ông bực quá mắng anh là “học lịch sử không đến nơi đến chốn”. Ông mang lịch sử của Đảng ra dạy dỗ, ông kể chuyện chiến tranh với TQ năm 79 đã “oánh cho nó (TQ) tơi tả”. Rồi nhân tiện ông cũng không quên tuyên truyền về việc giữ bình yên và xây dựng đất nước giàu mạnh. Còn giành chủ quyền bây giờ thì “không làm nổi được đâu”.

Rồi ông khuyên ngư dân đừng ra chỗ tranh chấp “nóng” (ý nói Hoàng Sa), chỉ đánh bắt cá ở những chỗ tranh chấp gần gần, lại còn: “mắc gì mình ra đó cho nó phức tạp ra”.

Nghe đến đây, anh chàng Blogger nhà mình không chịu tâm phục, dám vặn vẹo: “ vậy có thông báo cho ngư dân mình biết không”. Ông cau có trả lời: “Họ có biết chứ, nhưng tại vì chỗ đó cá nhiều, nói chung họ cũng hơi… tham lam (???)”.

Rôi ông bắt chước nói theo kiểu bà Nguyễn Phương Nga, bàn phương pháp kêu gọi quốc tế ủng hộ, đấu tranh bằng con đường ngoại giao, từ từ mua vũ khí… Ông cũng kể tiếp sự kiện cho tàu VN húc vào giàn khoan dầu TQ, theo lời bí thư, tất cả xảy ra 2 lần. Gần nhất cách là đây 2 năm, ông chỉ đạo trên 500 tàu cá Việt Nam không mang vũ khí, đồng loạt kéo đến uy hiếp tàu TQ, buộc “nó” phải ra hiệu đầu hàng và nhổ giàn khoan bỏ chạy. Sự kiện này không công bố trên báo chí, ông gọi đó là thế mưu luợc “im lặng đấu tranh”.

Đến đây, nhận hấy anh chàng Blogger TraiSongTien có vẻ đang “trầm trồ thán phục”, ông lên giọng khoái chí “Ông làm sao biết được mấy chuyện đó, cỡ ông thì…”.

Không biết ông Thanh có “nổ” quá về sự kiện này hay không, nếu đúng thì đây quả là tin chấn động, phải hoan hô mới đúng. Khi mới nghe audio này, tôi từng nghĩ, thôi thì Nguyễn Bá Thanh cũng là quan tham, nhưng được cái lão là người “chịu chơi”, khá hơn các ông chóp bu hiện tại. Lão mà lên làm Tổng Bí Thư thì biết đâu ngư dân mình được nhờ, ít nhất khi cao hứng, lão cũng húc tiếp vài tàu TQ, cho nó đỡ hoành hành…

Nhưng nghĩ lại, tôi chợt nhớ chuyện bãi biển lạ có tên “China Beach” ở ngoài Đà Nẵng, nếu ông bí thư “oai” thế thì sao dám để chuyện tày đình như vậy xảy ra được. Hơn nữa, “China Beach Bar” cũng là tên loại dịch vụ, hay hàng lưu niệm có đầy trong khu Sandy Beach của ông Thanh. Nghe đâu mấy năm trước, các ông Sở du lịch đã yêu cầu phải bỏ cái tên “China Beach”, nhưng thách ông nào dám đụng đến cơ sở kinh doanh của Bí thư. Rồi chưa kể đến chuyện đổi tên đường Trường Sa ngoài Đà Nẵng nữa, có người cho là ông Thanh đứng sau hành động “lục súc tranh công” này… Chao ôi, lại mừng hụt !

@ Blog FreeLeCongDinh

TS Cù Huy Hà Vũ, từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp

Cách đây một năm, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội đã nạp đơn kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra toà do đã xâm hại nghiêm trọng quyền lợi quốc gia khi cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên quy mô lớn tại Tây Nguyên mà không thông qua Quốc hội, tạo nên một sự kiện pháp lý – chính trị chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà trong lịch sử thế giới cộng sản. Kỷ niệm một năm vụ kiện, VOA có cuộc phỏng vấn người khởi kiện.
VOA: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, việc ông khởi kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được dư luận trong và ngoài Việt Nam đánh giá rất cao. Các nhà trí thức của trang mạng Bauxite Việt Nam thậm chí coi hành vi khởi kiện này của ông là một cuộc cách mạng khi gọi đó là “Xô Viết Nghệ - Tĩnh thời nay”. Ông nghĩ sao về sự đánh giá này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận rộng rãi mà trước hết của người dân Việt Nam đối với vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà tôi tiến hành ngày 11/6/2009 chắc chắn là một sự động viên vô cùng đặc biệt đối với cá nhân tôi, một người luôn tâm niệm Thượng tôn Tổ quốc Việt Nam, Hiến pháp và Pháp luật. Nhưng thành thật mà nói, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn là vui.

VOA: Tại sao có chuyện buồn hơn vui khi được sự ủng hộ của nhiều người, thưa ông?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Bởi vì một hành vi pháp lý quá ư bình thường ở các nước khác lại trở thành một sự kiện ở Việt Nam. Thực vậy, ở các quốc gia thực sự dân chủ hay thực sự pháp quyền thì việc công dân kiện người đứng đầu Chính phủ hay nguyên thủ quốc gia, tất nhiên phải có lý do chính đáng, thậm chí là chuyện đáng khuyến khích vì nó thể hiện ở mức độ mẫu mực nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Thế nhưng ở Việt Nam, mặc dầu nguyên tắc trên được Hiến pháp quy định rất rõ ràng ở Điều 52 và mặc dầu được cả một hệ thống các đạo luật, từ Luật Khiếu nại, tố cáo cho đến Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành bảo hộ, việc công dân khởi kiện ra tòa quan chức chính quyền dù ở cấp thấp do có những hành vi hay quyết định hành chính trái pháp luật trên bình diện chung vẫn là bất khả thi hay vẫn là chuyện “con kiến kiện củ khoai” theo cách nói dân gian Việt Nam. Mà đã không kiện được thì người đi kiện cầm chắc khả năng bị đòn thù từ phía chính quyền.

Nghĩa là Việt Nam đang ở trong một “quái trạng pháp luật”!

Thành thử, việc tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dĩ nhiên là nằm ngoài sự suy nghĩ thông thường của mọi người và bởi thế trở thành sự kiện, đáng tiếc là bất đắc dĩ.

VOA: Vậy theo Tiến sĩ, làm thế nào để những điều bình thường về pháp luật trên thế giới không còn trở thành bất bình thường, không còn trở thành “sự kiện bất đắc dĩ” ở Việt Nam?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Về nguyên tắc, không có sự tha hóa chính trị - pháp luật nào không giải quyết được nếu ta xác định đúng nguyên nhân.

Cho dù ở Việt Nam có câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì tôi vẫn phải nhắc lại, và luôn sẵn sàng nhắc lại, rằng nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4.

Thực vậy, sở dĩ tòa án không dám xử quan chức chính quyền, Quốc hội không dám giải tán Chính phủ tham nhũng và yếu kém là vì cả Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp chỉ là công cụ cai trị của Đảng cộng sản chứ không phải là công cụ quản lý quốc gia, quản lý xã hội của nhân dân. Huống hồ Đảng cộng sản lại đồng nhất với Chính phủ trên thực tế mà một trong những bằng chứng rõ nhất là đảng chi tiêu bằng ngân sách Nhà nước do Chính phủ quản lý.

Cái sự lệ thuộc của cơ quan lập pháp đối với Đảng cộng sản còn thể hiện ở sự lép vế của Quốc Hội trước đảng cũng ngay trong Hiến pháp khi văn bản pháp lý cao nhất này khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành của cả dân tộc” trong khi chỉ dành cho Quốc Hội quy chế “đại biểu của nhân dân”, nếu như ta bỏ qua cái sự buồn cười là người dân được đại diện những hai lần bởi hai cơ cấu chính trị khác hẳn nhau!

Mặc dầu biết rõ hơn ai hết không thể có sự độc lập hoạt động giữa Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp với nhau hay “Tam quyền phân lập” dưới sự cai trị của họ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản cũng không thể công nhiên khẳng định sự độc tài, chuyên chế của đảng nhất là trong thời buổi hội nhập quốc tế trở thành vấn đề sống còn của Việt Nam. Vả lại, trung thành với truyền thống mỵ dân bằng ngôn từ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã sáng tác ra một công thức gồm ba vế hòng thay thay thế “Tam quyền phân lập”: đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Thế nhưng “lợi bất cập hại”, công thức mỵ dân mới này của bậc thầy tuyên truyền trong giới cộng sản châu Á lại có tác dụng ngược, vạch rõ hơn bao giờ hết bản chất toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam

VOA: Tại sao ông lại cho rằng công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong thực tế đã thể hiện bản chất toàn trị, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trong công thức này thì vế “Đảng lãnh đạo” hẳn không phải giải thích gì thêm.

Thế nhưng tiếp đến vế “Nhà nước quản lý” thì quả là điên rồ vì “Nhà nước” đồng nhất với “quản lý”. Thực vậy, “Nhà nước” được sinh ra là để thực hiện chức năng “quản lý” quốc gia, xã hội. Nếu thay thuật ngữ “Nhà nước” bằng thuật ngữ “quản lý” và ngược lại thì chúng ta sẽ có “Nhà nước Nhà nước” và “Quản lý quản lý” hoàn toàn vô nghĩa.

Vậy tại sao sự vô nghĩa trên vẫn có thể tồn tại? Là bởi tầm quan trọng của “Nhà nước quản lý” là ở chỗ khác, ở chỗ ai là Nhà nước.

Có thể nói không ngoa rằng 100% người có chức vụ trong bộ máy công quyền là đảng viên. Vậy hoàn toàn có thể nói “Nhà nước quản lý” là “Đảng quản lý”.

Còn vế cuối “Nhân dân làm chủ” thì trừ con nít ai cũng hiểu rằng nhân dân không thể trực tiếp làm chủ đất nước mà phải thông qua Nhà nước. Vậy “Nhân dân làm chủ” là “Nhà nước làm chủ”. Mà Nhà nước lại là Đảng cộng sản như trên vừa phân tích, thành thử “Nhà nước làm chủ” là “Đảng làm chủ”. Rốt cuộc, “Nhân dân làm chủ” là “Đảng làm chủ”!

Tóm lại, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thực chất là “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”. Vậy nói thể chế chính trị ở Việt Nam không phải là chế độ dân chủ mà là chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản là tuyệt đối chính xác!

Để nói, không thể có “Tam quyền phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” do Đảng cộng sản lũng đoạn đồng nghĩa tòa án mặc nhiên bó tay trước những xâm hại lợi ích quốc gia, xâm hại lợi ích của người dân từ phía chính quyền sẽ không được giải quyết chừng nào độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản vẫn được Hiến định tại Điều 4.

VOA: Thế nhưng như Tiến sĩ đã phân tích, mọi thứ đều do Đảng cộng sản nắm, kể cả Quốc Hội, thì làm sao việc thay đổi độc quyền lãnh đạo của đảng này lại có thể diễn ra được?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Không có gì là không thể. Trước hết phải xem Điều 4 Hiến pháp có lý không đã. Nếu không có lý thì xóa bỏ là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nguyên văn Điều 4 Hiến pháp là: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Ỏ đây có nhiều phi lý đến cùng cực.

Thứ nhất, “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước” mà Nhà nước là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, tức gồm Quốc Hội. Nghĩa là đảng lãnh đạo Quốc Hội.

Thế nhưng, cũng vẫn Điều 4 Hiến pháp ghi: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì điều này có nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải tuân thủ Điều 83 Hiến pháp theo đó “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”.

Nghĩa là trên Quốc Hội không còn cơ quan quyền lực nào khác có thể lãnh đạo, có thể ra lệnh cho Quốc Hội, đồng nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu sự lãnh đạo của Quốc Hội, bởi nếu ngược lại thì Điều 83 Hiến pháp đã phải ghi: “Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao thứ Nhì của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau Đảng cộng sản Việt Nam”.

Thứ hai, vẫn theo Điều 4 Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vì đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Thế nhưng “đại biểu” phải là kết quả của bầu cử. Thực vậy, “đại” là đại diện”, “biểu” là biểu quyết, “đại biểu” là đại diện được lựa chọn thông qua biểu quyết, tức thông qua bầu cử. Thú thật là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng nghe Đảng cộng sản Việt Nam hay ai đó nói rằng trong cuộc bầu cử X, Y, Z nào đó đảng được “giai cấp công nhân”, “nhân dân lao động” và “cả dân tộc” bầu làm “đại biểu”cho bản thân.

Đến như các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội mà bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, với tư cách là công dân trực tiếp bầu ra, còn chưa bao giờ được Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, thành phố Hà Nội là nơi tôi cư trú thông báo để tôi có thể tham gia thì lấy đâu ra các cuộc họp hay đại hội của “giai cấp công nhân”, của “nhân dân lao động”, của “cả dân tộc” để bầu Đảng cộng sản Việt Nam làm “đại biểu” cho mình!

Nói cách khác, “đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có nên quyết không thể là “chính danh”. Mà đảng đã không “chính danh” thì quyết không thể “lãnh đạo” bất kỳ ai!

Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ.

Người Việt Nam có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” mà Trời ở đây chính là Nhân dân thì dù nguồn gốc là do Đảng cộng sản chọn hay theo ngôn từ của đảng, “cơ cấu” đi chăng nữa Quốc Hội cũng phải sớm thôi là công cụ của đảng và trở lại thiên chức “đại biểu cao nhất của Nhân dân” để làm cái việc phế bỏ này, cho dù có khổ tâm.

VOA: Theo như Tiến sĩ đã phân tích thì Điều 4 Hiến pháp Việt Nam không thể tồn tại, thế nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn lập luận rằng đảng có công trong chiến tranh thì phải lãnh đạo quốc gia thời hậu chiến. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Lập luận này của Đảng cộng sản Việt Nam cũng sai nốt, vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, tiến hành chiến tranh chỉ để giành quyền cai trị quốc gia, tức coi quốc gia là “chiến lợi phẩm” thì đó là tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc” đặc sệt lục lâm, thảo khấu, chứ không phải lý tưởng của những người Cộng hòa Dân chủ mà Đảng cộng sản Việt Nam tự mệnh danh suốt 30 năm chiến tranh, từ 1945 đến 1975.

Thứ hai, trong thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong thế kỷ trước, phải khẳng định rằng Đảng cộng sản Việt Nam có công lớn nhưng vai trò quyết định và công đầu luôn thuộc về nhân dân, điều mà đảng chưa bao giờ dám công khai phủ nhận.

Vậy xét theo quan điểm “lãnh đạo theo công trạng” thì lãnh đạo đất nước phải là nhân dân chứ quyết không thể là Đảng cộng sản Việt Nam. Thành thử việc đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước chỉ có thể là hành vi tiếm quyền, là hành vi chiếm đoạt thành quả của nhân dân!

Thứ ba, tất cả những người Việt Nam đã chấp nhận sự chỉ huy hay lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là vì họ đã đặt sự tồn vong của Tổ quốc lên trên hết chứ tuyệt nhiên không vì chủ nghĩa Mác – Lê nin bởi nếu không thì đảng đã có hàng triệu chứ không chỉ 5.000 thành viên khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945, có cả chục triệu chứ không chỉ 1,5 triệu thành viên khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975. Và tôi cũng tin chắc rằng đó cũng chính là lý do gia nhập đảng của tuyệt đại đa số các đảng viên trong giai đoạn máu lửa này.

Vậy một khi Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước đã đạt được thì sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam tất không còn lý do tồn tại. Do đó, để có cơ hội tiếp tục vai trò lãnh đạo quốc gia Việt Nam thời hậu chiến thì Đảng cộng sản phải giành được sự tín nhiệm của đa số công dân thông qua các cuộc tổng tuyển cử thực sự dân chủ với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập.

Nói cho đúng thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã phải cạnh tranh gay gắt và đi đến thỏa hiệp với nhiều đảng phái và phong trào chính trị khác để có được vai trò lãnh đạo trong chiến tranh.

Thực vậy, Đảng cộng sản Đông Dương - tên khác của Đảng cộng sản Việt Nam - đã phải tự giải thể vào tháng 11/1945 và hoạt động dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh để có được sự ủng hộ của quảng đại nhân dân, đã phải liên hiệp với Việt Nam Quốc Dân Ðảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng minh hội (Việt Cách) để lập ra Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rồi Chính phủ Liên hiệp quốc gia vào năm 1946; liên hiệp với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch để lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào năm 1969...

Để nói sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ngay trong giai đoạn chiến tranh cũng không phải là mặc nhiên mà là kết quả của sự thỏa hiệp với các đảng phái và phong trào chính trị khác thì không có lý gì đảng lại có thể độc quyền lãnh đạo quốc gia thời bình, thời mà cơ hội tham gia quản lý Nhà nước và xã hội được chia đều cho mọi công dân, như Điều 53 Hiến pháp đã quy định.

Cũng phải nói rõ là không có Đảng cộng sản Việt Nam thì Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt hai nghìn năm qua, vì chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism) của người Việt, mà nội hàm của nó là - Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia - không cho phép có kết quả nào khác.

Chắc chắn, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh…không phải là Tổng bí thư hay ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để dành Độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước.

Bốn là, thời chiến và thời bình tuân theo những quy luật khác hẳn nhau, nôm na thời chiến là “phá” còn thời bình là “xây”, thời chiến là “ra mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh”, thời bình là “dân chủ hay tự do phản biện”. Do đó tư lệnh quân sự mà chuyển sang quản lý kinh tế ngay sau chiến tranh thì kinh tế quốc dân chỉ có nước “nát”. Điều này giải thích vì sao những anh hùng thời chiến như Tướng De Gaulle của Pháp, Thủ tướng Churchill của Anh đã bị người dân bỏ phiếu “veto” ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.

Còn ở Việt Nam sau năm 1975, Đảng cộng sản đã thực hiện “chủ nghĩa xã hội trại lính” với kết quả ăn mày đầy đường vào năm 1986 và từ 1986 trở đi, “chủ nghĩa tư bản dã man” dẫn đến tài nguyên bị tàn phá tan hoang, người lao động bị bóc lột thậm tệ, thậm chí trở thành món hàng xuất khẩu béo bở mà vì lẽ đó Việt Nam đã bị Hoa Kỳ liệt vào diện quốc gia buôn người… ngần ấy sự việc đã quá đủ để chứng minh không phải cứ “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là có thể giải quyết thành công mọi vấn đề của đất nước thời hậu chiến, ngược lại là đằng khác!.

Suy cho cùng, quy chế “lãnh đạo suốt đời” của Đảng cộng sản Việt Nam được cụ thể hoá bằng Điều 4 Hiến pháp là nhằm bảo đảm cho ban lãnh đạo đảng không bị thách thức trong việc bỏ túi tài sản quốc gia chứ không phải là kết quả của chủ nghĩa duy ý chí trong điều hành đất nước của đảng.

VOA: Ngoài những gì mà Tiến sĩ vừa nói về Điều 4 Hiến pháp thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có nói đại ý là “Bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trước hết phải khẳng định rằng đã sinh ra trong đời là để sống chứ không phải để chết và vì thế tự sát họa là hành vi của kẻ tâm thần, bệnh hoạn. Tuy nhiên sự sống không bao giờ giáo điều mà ngược lại, luôn thực tiễn. Nghĩa là không phải cứ hô mình vạn tuế là mình không thể chết và ngược lại, dám nhảy vào chỗ chết thì lại ra đất sống!

Vấn đề là ai “tự sát” trong phát biểu này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, là dân tộc Việt Nam hay Đảng cộng sản Việt Nam?

Nếu đó là “dân tộc Việt Nam” thì phát biểu này là hoàn toàn ngô nghê, ngớ ngẩn vì dân tộc Việt Nam tồn tại từ 4000 năm nay trong khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam mới tồn tại non hai thập kỷ nay, từ 1992. Vậy chỉ còn khả năng chủ thể của “tự sát” trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là “Đảng cộng sản Việt Nam”.

Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ ai mà nói đảng cầm quyền rời bỏ vị trí đang nắm giữ là “tự sát” ắt bị trẻ nó cười vào lỗ mũi. Thế nên một âm hưởng “sợ chết” đến như vậy chỉ có thể toát ra từ những bạo chúa, từ những kẻ cầm quyền phạm tội ác chống lại chính dân tộc, chống lại chính nhân dân mình! Vậy phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam hay chính xác hơn, ban lãnh đạo đảng thuộc trường hợp này?

Điều không thể chối cãi là bằng việc tiếp tay cho Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam qua việc cho các công ty nước này hoặc trá hình khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên và thuê trong 50 năm hàng bốn trăm nghìn hécta rừng đa phần giáp giới nước phương Bắc có thâm niên bành trướng này, bằng sự đớn hèn trước sự lấn lướt và đe dọa xâm lược vũ trang của Bắc Kinh tại những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bằng tham nhũng siêu nghiêm trọng từ tham ô trực tiếp tài sản quốc gia đến vay bừa tiêu vung để nhiều thế hệ người dân sẽ phải è cổ trả nợ, bằng cướp đất của người dân, đặc biệt của nông dân tràn lan kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng bóp nghẹt những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ các quyền tự do như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền biểu tình, quyền đình công, quyền giữ gìn nơi thờ tự của các tín ngưỡng…, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đi ngược 180 độ lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chính bởi những hành vi “phản Nước hại Dân” siêu nghiêm trọng ấy mà sự tiêu vong của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kéo theo sự tiêu vong của đảng với tư cách tổ chức là có thể nhìn thấy trước! Vì vậy, nỗi hãi hùng, thậm chí hoảng loạn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đại diện cho ban lãnh đạo đảng trước viễn cảnh này là hoàn toàn có cơ sở.

Vì vậy, để tránh bị triệt tiêu thậm chí một cách thê thảm, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải quay về với dân tộc, quay về với nhân dân bằng cách tự phá bỏ quy chế độc tài của bản thân và thực hiện một nền chính trị Đa đảng.

Vả lại, Đa đảng là cội nguồn, là đường lối của chính Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này - sáng lập.

VOA: Ông căn cứ vào đâu để xác quyết như vậy, trong khi Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi đi thăm Ấn Độ mới đây khẳng định đại ý là “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Chính sử của Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ: tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đảng theo Đệ tam Quốc tế là Đông dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông dương cộng sản Liên đoàn.

Như vậy, Đa đảng không những là thực tại khách quan của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam mà hơn thế nữa, Đa đảng đã “đẻ” ra chính Đảng cộng sản Việt Nam!

Còn trong cả bốn bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 1946, 1959 mà cha tôi Bộ trưởng Cù Huy Cận là Tổng thư ký Ủy ban soạn thảo và 1980, 1992 – không có bất cứ Điều nào, Khoản nào quy định Đảng cộng sản Việt Nam là đảng phái chính trị duy nhất ở Việt Nam.

Không kể Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên của nhiều đảng phái chính trị như Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ hoạt động hoàn toàn hợp pháp dưới chính thể Việt Nam cộng sản cho đến năm 1988 là thời điểm hai đảng này tuyên bố tự giải thể cho dù bất đắc dĩ. Không những thế, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Nghiêm Xuân Yêm và Tổng thư ký Đảng Xã hội Nguyễn Xiển còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trên bình diện quốc tế, chưa kể Việt Nam và trừ Cuba, Triều Tiên, Lào, Syria, Turmenistan và Eritrea theo chế độ độc đảng mà hầu hết thuộc diện quốc gia kém phát triển nhất, con số 185 quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, chiếm 97% thành viên Liên Hiệp Quốc cũng đã đủ chứng minh đa đảng là thực tại bao trùm, là sự cần thiết khách quan đối với mọi quốc gia trong thế giới hiện tại.

Cũng cần nói thêm rằng ở Trung Quốc ngoài Đảng cộng sản còn có 8 đảng phái chính trị khác song song tồn tại.

Do đó, với phát biểu “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương và là đương kim Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, không chỉ cho thấy ông này, oái ăm thay, hoặc lú lẫn hoặc thực hiện “chính sách đà điểu” – rúc đầu vào cát để khỏi nhận chân sự thật đang diễn ra xung quanh - mà nghiêm trọng hơn, đã xuyên tạc trắng trợn lịch sử dân tộc Việt Nam đương đại, xuyên tạc trắng trợn lịch sử của chính Đảng cộng sản Việt Nam.

Nói cách khác, việc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay khăng khăng chống đa đảng dứt khoát là hành vi phản bội dân tộc, phản bội ngay chính Đảng cộng sản Việt Nam, phản bội ngay chính Hồ Chí Minh.

Một sự bội phản như vậy chắc chắn không chỉ nhân dân Việt Nam không dung mà hàng triệu đảng viên cộng sản và bản thân Hồ Chí Minh - nếu quả thật “sống mãi” như khẩu hiệu của đảng - không tha!

Do đó tôi nhắc lại một lần nữa, quay lại chế độ Đa đảng là con đường sống duy nhất đối với Đảng cộng sản Việt Nam!

VOA: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, giả sử Đảng cộng sản Việt Nam làm theo như ông nói thì có thể có những kịch bản nào xảy ra?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trong trường hợp đó, tựu trung có hai kịch bản sau đây cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, Quốc Hội chủ động hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký sẽ là Tòa án tối cao. Nếu kịch bản này xảy ra thì tôi tin chắc Đảng cộng sản Việt Nam sẽ được vinh danh bởi toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới, kể cả những người chống cộng cực đoan nhất.

Thứ hai, căn cứ Khoản 14 Điều 84 Hiến pháp, Quốc hội quyết định Trưng cầu dân ý về Điều 4 Hiến pháp và về quyền bình đẳng của các đảng phái chính trị trong việc sử dụng các phương tiện tài chính và truyền thông của Nhà nước trong vận động bầu cử Quốc Hội.

Sở dĩ tôi đưa vào Trưng cầu dân ý nội dung thứ hai vì đây là điều kiện tiên quyết để bầu cử Quốc Hội không trở thành màn độc diễn của Đảng cộng sản như đã từng, để bầu cử Đa đảng không trở thành “hữu danh vô thực”.

Thực vậy, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, mọi phương tiện truyền thông đều nằm trong tay Nhà nước, tức trong tay Đảng cộng sản. Do đó, nếu ứng viên của các đảng phái chính trị khác không được tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, tức không có cơ hội trình bày cương lĩnh tranh cử của mình trước cử tri rộng rãi thì thất cử trước ứng viên của Đảng cộng sản là không phải bàn cãi.

Tiếp sau Trưng cầu dân ý, Quốc hội sẽ tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký, như tôi đã đề cập, là Tòa án tối cao.

Cả hai kịch bản đều để ngỏ cửa cho Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước cũng như dành một lối thoát danh dự cho đảng trong trường hợp đảng không dành được tín nhiệm của đa số cử tri.

VOA: Thưa Tiến sĩ, trong hai kịch bản này thì cái nào khả thi nhất?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cá nhân tôi không cho rằng ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ dũng cảm và tự tin để đi theo kịch bản đầu. Vậy chỉ có kịch bản thứ hai là khả thi. Tuy nhiên ngay cả kịch bản này để diễn ra một cách nghiêm túc và thực chất thì cũng phải có điều kiện đi kèm.

VOA: Điều kiện nào vậy, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Với kinh nghiệm của một người đã từng tranh cử Đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập, tôi khẳng định một lần nữa rằng Quốc Hội Việt Nam gọi là do dân bầu nhưng thực tế là do Đảng cộng sản chọn sẵn. Thực vậy, tuyệt đại đa số những người tự ứng cử, tức không do đảng chọn, đều bị ban tổ chức bầu cử loại bỏ ngay từ vòng ngoài bằng những thủ đoạn có thể nói vô liêm sỉ nhất.

Chẳng hạn Luật bầu cử Quốc Hội quy định lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố nơi ứng viên có hộ khẩu thường trú, mà ai cũng biết rằng ở Việt Nam hộ khẩu thường trú chỉ có một, thì trong kỳ bầu cừ Quốc Hội năm 2007 Mặt trận Tổ quốc phường Điện Biên lại đạp lên Luật, triệu tập cử tri của 4 tổ dân phố thay vì của 1 tổ dân phố nơi tôi có hộ khẩu thường trú, tức vượt khung “hai đánh một chẳng chột thì què”, để lấy ý kiến về tôi với tư cách ứng viên Đại biểu Quốc Hội. Kết quả là ứng viên Cù Huy Hà Vũ chỉ được tín nhiệm của 1/3 cử tri của 4 tổ dân phố và thế là bị loại một cách cực kỳ “dân chủ”!

Đó chưa kể những lời vu cáo của những người tôi chưa từng nghe tên, thấy mặt, nhẹ nhất cũng là “ứng viên không gương mẫu vì chẳng thấy ứng viên tham gia quét rác đường phố”, giọng thì hồng hộc, hậm hực, hổn hển, ngất lên, ngất xuống, như thể tôi là kẻ thù của “giai cấp”, kẻ thù của “cách mạng” trong các cuộc đấu tố địa chủ thời kỳ cách ruộng đất những năm 1950 của thế kỷ trước cũng vẫn do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức.

Vì vậy, để không lặp lại màn “tự biên tự diễn” hay “dân chủ giả hiệu” của Đảng cộng sản Việt Nam như trong bầu cử Quốc hội và để Trưng cầu dân ý phản ánh chính xác và đầy đủ nguyện vọng của nhân dân thì cơ chế dân chủ này cần được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên đầy đủ.

Việc Việt Nam mong muốn đưa quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc càng cho thấy việc Liên Hiệp Quốc thực hiện giám sát Trưng cầu dân ý ở Việt Nam là rất khả thi. Vấn đề còn lại là tài chính để tổ chức giám sát Trưng cầu dân ý thì tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc sẽ không quá eo hẹp để có thể từ chối.

Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có thể chính danh lãnh đạo đất nước nếu giành được sự tín nhiệm của đa số thường cử tri thông qua Trưng cầu dân ý được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc.

VOA: Bây giờ xin trở lại vụ công dân Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vụ này đã đến đâu rồi, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cho đến giờ Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình không thụ lý nhưng cũng không dám trả lại tôi Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì không tìm nổi lý do để trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng cái việc Chánh án Trương Hòa Bình ngâm đơn khởi kiện của tôi không những là hành vi trực tiếp phá hoại Công lý mà còn là hành vi tiếp tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xâm hại nghiêm trọng quốc phòng, an ninh quốc gia, xâm hại môi trường và bản sắc văn hoá Việt Nam.

Phải khẳng định một lần nữa rằng Nước Việt đã hình thành từ bốn nghìn năm nay bằng xương máu và công sức của biết bao thế hệ người Việt trong đó có Đô chỉ huy sứ Cù Ngọc Xán, Tổng chỉ huy quân đội thời Nhà Lê, được vua ban quốc tính, được Triều Nguyễn sắc phong Thần là bậc tổ nội của tôi ở xã Ân Phú, Đức Thọ (nay là Vũ Quang), Hà Tĩnh, địa danh đặt theo danh ngôn “Dân Ân Quốc Phú – Dân Giàu Nước Mạnh”, có Đại tư mã Ngô Văn Sở và mười tám Quận công họ Ngô là những bậc tổ ngoại của tôi ở xã Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh, địa danh đặt theo câu “Xã tắc Trảo Nha – Nanh vuốt của Quốc gia” do Chúa Trịnh tặng võ thần cự tộc họ Ngô ở mảnh đất này - chứ tuyệt nhiên không phải từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam thì mới hình thành để ban lãnh đạo đảng bây giờ muốn phá thì phá, muốn bán thì bán!

Cũng cần nói rõ vùng Hồng Sơn hay Hồng Lĩnh bao gồm ba huyện Đức Thọ, Can Lộc và Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh với cư dân là Việt Thường thị hay tộc Việt Thường chính là Cội nguồn, là Tổ của Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết Hồng Bàng và Trăm trứng từ đó mà có.

Ngoài ra, làm mất nước Việt Nam không chỉ là làm mất những giá trị vật chất như lãnh thổ, tài nguyên, mà còn làm mất những giá trị phi vật thể vô giá mà ở đây là lịch sử, là văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt trong đó cha tôi, thi sĩ Huy Cận cùng bác ruột và là cha nuôi tôi, thi sĩ Xuân Diệu, đã đóng góp một phần không nhỏ.

Do đó, bên cạnh tư cách công dân thì với nghĩa vụ của con cháu trực hệ của Tổ Nước Việt, với nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ di sản cả vật chất lẫn phi vật thể mà gia tộc từ xưa tới nay để lại, Cù Huy Hà Vũ này quyết chặn đứng và chấm dứt những hành vi xâm phạm Hiến pháp và pháp luật gây hiểm hoạ mất nước Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình nói riêng, của toàn thể ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, trước hết bằng những biện pháp tư pháp quyết liệt trong thời gian tới.

VOA: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự chân thành và thẳng thắn, cũng như về thời gian mà ông đã dành cho VOA trong cuộc phỏng vấn này.

Ấn Độ với chiến lược thầm lặng chống Trung Quốc

Posted on Tháng Ba 19, 2011 by truongthondlb1


Nitin Gokhale- Trong khi tỏ ra công khai lo ngại về chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” của Trung Quốc, những nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Ấn Độ vẫn lặng lẽ tăng cường các liên minh ở châu Á.Trận động đất và cơn sóng thần khủng khiếp tàn phá miền đông bắc Nhật Bản tuần trước có thể sẽ trì hoãn rất lâu cuộc tập trận trên biển giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà theo kế hoạch là diễn ra vào đầu tháng tư tới. Nhưng bất luận diễn ra ở đâu, cuộc tập trận có tên Malabar sẽ chứng kiến năm thứ hai Hải quân Nhật tham gia vào những cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Mỹ.



Mới nhìn thì điều này có vẻ là chuyện thường tình. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần đây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như căn cứ vào những luận điệu mạnh mẽ hơn trong năm qua của mỗi nước có lợi ích ở Biển Đông, thì thấy cuộc tập trận thường niên này đang mang một ý nghĩa lớn lao hơn.

Tập trận Malabar, ban đầu được dự trù là một hoạt động song phương giữa Mỹ và Ấn Độ, kể từ năm 2007 đã thu hút sự chú ý hơn khi cả Singapore, Nhật Bản lẫn Australia đều tham gia cùng thao diễn tại Vịnh Bengal, khiến Bắc Kinh gửi điện phản đối đến cả 5 nước tham dự. Trung Quốc cho là việc 5 quốc gia này hợp tác cùng nhau đánh dấu điểm bắt đầu của một hàng rào hải quân chống Trung Quốc, dù lỏng lẻo, trong khu vực Ấn Độ Dương.

Sau khi Trung Quốc lên tiếng phản đối, New Delhi và Washington cũng hạn chế việc mời một nước thứ ba tham gia những cuộc tập trận chung trong năm 2008 và 2009. Nhưng năm ngoái, 2010, họ lặng lẽ để cho Nhật Bản tham dự tập trận ngoài khơi vịnh Okinawa. Sự tham gia của Nhật Bản đã không gây ra bão tố chính trị nào, từ đó, Ấn Độ quyết định rằng họ rất vui lòng để cho Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản lại tiếp tham gia lần tập trận vào tháng tư tới.

Hải quân Mỹ cho biết, mục tiêu của đợt tập trận là nhằm “tăng cường sự ổn định ở Thái Bình Dương”. Dù vậy, Ấn Độ đã chính thức gạt bỏ tuyên bố chung chung này bằng việc nói rằng tập trận đơn giản chỉ là một cơ hội học hỏi đối với Hải quân Ấn. Theo nhiều nguồn, trọng tâm của cuộc “tập trận học hỏi” sắp tới đây của Hải quân Ấn sẽ là kỹ thuật chống tàu ngầm, kỹ thuật chiến đấu trên mặt biển (surface warfare), không quân, đào tạo kỹ năng bắn đại bác đạn thật (live-fire gunning), và đi thăm, lên khoang, các hoạt động lục soát và bắt giữ (search and seizure).

Vậy lợi ích của Nhật Bản là gì nếu họ tham gia? Ban đầu, khi quan hệ của Nhật với Matxcơva và Bắc Kinh còn chưa vững chắc, Ấn Độ được coi là một đối tác dài hạn đáng tin cậy và ổn định. Đó là điểm mà Nhật Bản đã nhấn mạnh trong bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng công bố gần đây.

Sau khi nói sơ qua về Mỹ và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là những lực lượng đem lại những thông số lợi ích truyền thống cho Nhật Bản, bản hướng dẫn tuyên bố rằng Nhật phải tăng cường hợp tác với Ấn Độ và những quốc gia nào cùng chia sẻ lợi ích chung với họ. Lợi ích đó là việc tăng cường an ninh hàng hải suốt từ châu Phi sang Trung Đông, tới Đông Á.

Về phần mình, Ấn Độ hy vọng duy trì được khả năng tiếp cận với nền tảng quốc phòng và những công nghệ mà Nhật Bản ưu tiên, chẳng hạn như tuần tra hàng hải, không quân, tên lửa đạn đạo, vận tải và chỉ huy thông tin (command communications).

Để đạt được mục tiêu trọng tâm của cuộc tập trận tới, một vài cuộc trao đổi cấp cao về quốc phòng đã diễn ra giữa Ấn Độ và Nhật Bản kể từ giữa năm 2010.

Đại tướng không quân P V Naik – chủ tịch Ủy ban Tham mưu Trưởng của Ấn Độ, và là quan chức quân sự cao cấp nhất của nước này – đã dẫn đầu một phái đoàn Ấn Độ sang thăm Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái để tham gia những cuộc đàm phán cấp quân đội đầu tiên giữa hai nước.

Chuyến đi của ông Naik diễn ra chỉ vài tuần trước một chuyến đi khác của Thủ tướng Manmohan Singh tới Tokyo vào cuối tháng 10, và là sự tiếp tục những cuộc thảo luận ở Nhật Bản hồi năm 2009 của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony. Tại các cuộc trao đổi đó, hai bên đã bày tỏ cam kết hợp tác song phương và khu vực. Mặc dù vậy, các nhà quan sát “đọc giữa hai dòng chữ” đã phát hiện được một hiện tượng khác – đó là nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ đối tác khu vực để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Bên cạnh các chuyến viếng thăm cấp cao này, Hải quân Ấn Độ cũng ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện các cuộc thăm chớp nhoáng mang tính “hữu nghị” khu vực Thái Bình Dương, trong đó có lần một đội tàu chiến của Ấn Độ triển khai quân suốt một tháng trời ở Thái Bình Dương, đi thăm cả Australia, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Quả thật, những chuyến đi đó cho thấy rõ một thực tế là Ấn Độ đang lẳng lặng tiến xa hơn các siêu cường khu vực, thiết lập mối quan hệ đối tác cấp quân đội bền chặt hơn với những quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á. Chỉ trong 8 tháng qua thôi, quan chức quân sự Ấn đã đến thăm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Tháng 7 năm ngoái, chỉ huy Quân đội Ấn Độ, tướng V K Singh, đến Việt Nam với hy vọng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược vốn đã mạnh mẽ. Tiếp sau chuyến thăm của ông là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony tới Hà Nội vào giữa tháng 10, khi ông Antony tham dự hội nghị đầu tiên của các quan chức quốc phòng khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam, đương nhiệm chủ tịch ASEAN khi ấy, đã mời Ấn Độ đến dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN + 8.

Có hai lý do khiến Ấn Độ tranh thủ Việt Nam. Thứ nhất là cả Ấn Độ và Việt Nam đều có kinh nghiệm về chịu đựng sức mạnh của một Trung Quốc hung hãn – với Ấn Độ là năm 1962 và với Việt Nam là năm 1979. Thứ hai là một việc xảy ra gần đây hơn: Sự sụp đổ của Liên Xô – một thời rất lâu là người đảm bảo an ninh cho cả Ấn Độ và Việt Nam ở châu Á – đã khiến New Delhi và Hà Nội mất đi người bạn hùng mạnh, luôn sẵn sàng mọi lúc.

Kinh nghiệm chung đó, và việc cả hai quốc gia đều đã có tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc, đã thúc đẩy họ đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù chung.

Nằm ở rìa Đông Nam Á, Việt Nam là nơi lý tưởng để chống lại sự mở rộng ra Biển Đông của Trung Quốc. Ý thức được điều đó, Ấn Độ trong suốt thập kỷ qua đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hải quân và không quân, trong một nỗ lực thách thức uy quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng Ấn Độ cũng để mắt đến việc nuôi dưỡng các quan hệ ở Đông Á, và không chỉ là với Nhật Bản. Tháng 9 năm ngoái, A.K. Antony – người đang nổi lên nhanh chóng như một nhân vật lặng lẽ nhưng rất có năng lực trong lĩnh vực ngoại giao quân sự của Ấn Độ – đã trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Ấn Độ đi thăm Hàn Quốc.

Chuyến thăm này nối tiếp một tuyên bố chung của cả hai nước nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm cấp nhà nước sang New Delhi vào tháng 1 năm ngoái. Dịp ấy, cả hai bên đã quyết định rằng quan hệ song phương cần được nâng cấp thành “quan hệ chiến lược”.

Mặc dù vào thời điểm hiện nay thì chưa bằng mức độ hợp tác về quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam, nhưng quan hệ đối tác đang tiến triển giữa Ấn Độ và Hàn Quốc cũng được xem như yếu tố quan trọng sống còn trong các nỗ lực của Ấn Độ nhằm chống lại thế đứng ngày một vững chắc của Trung Quốc tại tiểu lục địa.

Thật vậy. Seoul được xem là một đối trọng hoàn hảo với trục Trung Quốc – Bắc Triều Tiên – Myanamar – Pakistan, cái trục mà New Delhi và Washington coi như yếu tố chủ yếu gây mất ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các động thái này – một số rất tế nhị, một số thì ít tế nhị hơn – tô đậm một thực tế là trong khi các nhà chiến lược của Ấn Độ thường xuyên cảnh báo về sự xâm nhập ngày càng tăng của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương (và cũng thường xuyên cường điệu hóa nỗi lo ngại của họ về chiến lược “Chuỗi Ngọc Trai” của Trung Quốc), thì một mặt khác, lực lượng quốc phòng của New Delhi cũng đang lặng lẽ tiến hành các biện pháp riêng của Ấn Độ nhằm chống lại Trung Quốc.

Cho dù chiến lược này đem lại kết quả hay hậu quả gì thì cũng có một điều chắc chắn là: Ấn Độ Dương và vùng ngoại vi của nó sẽ trở thành sân chơi mới cho Cuộc Chơi Lớn của thế kỷ 21. (Nguyên văn: the Great Game, Cuộc Chơi Lớn, khái niệm chỉ cuộc xung đột giữa Đế quốc Anh và Đế quốc Nga nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á, từ khoảng năm 1813 đến năm 1907, và một giai đoạn từ sau Cách mạng Nga 1917 tới trước Thế chiến II – ND).

Nitin Gokhale là biên tập viên chuyên về các vấn đề quốc phòng và chiến lược, làm việc cho hãng truyền hình Ấn Độ NDTV 24×7.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://basam.info/2011/03/19/403-%E1%BA%A5n-d%E1%BB%99-v%E1%BB%9Bi-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-th%E1%BA%A7m-l%E1%BA%B7ng-ch%E1%BB%91ng-trung-qu%E1%BB%91c/

Nợ máu

Posted by truongthondlb1


Đinh Linh (Danlambao) – Thật do dự và cảm thấy bứt rứt khi phải lấy hai chữ “NỢ MÁU” này làm chủ đề diễn đạt và trao đổi tư tưởng cùng người đọc. Không có cách khác hơn – Đành phải chịu cho thuận những gì mình muốn bày tỏ.

“Nợ máu” không phải từ ngữ của người viết hôm nay, nó đã được khai sinh từ ngày khởi đầu cách mạng tháng 8 của đảng CSVN khi họ dành được ưu thế hơn và được các đảng viên CS ưu tú áp dụng cho đến thời kỳ “Việt Nam đổi mới”. Nợ máu đã được họ áp dụng triệt để trong hơn nửa thế kỷ. Thế hệ ba mươi tuổi trở về sau tính đến ngày hôm nay chắc ít còn nghe hoặc được nhắc nhở, nhưng trong tâm khảm của gần bốn triệu đảng viên đảng CS Việt Nam, hai chữ này chắc không thể mất, hoặc trong các tài liệu học tập nguyên thủy của bộ chính trị Đảng đã còn ít nhiều nhắc nhở đến “các thành phần có nợ máu với nhân dân…”

Định nghĩa và dẫn chứng hàng nghìn trang chẳng đủ. Trên 60 triệu người VN chúng ta từ tuổi “tứ tuần đến bách niên giai lão” cứ nhắc lại cụm từ “…có nợ máu với nhân dân” tức khắc mọi người sẽ hình dung và hiểu được ngay những ai oán ngất trời của toàn dân Việt Nam trong quá khứ mà Đảng CS đã áp đặt trên đầu những con dân vô tội. Những người vô tội đó là ai?

Hôm nay ta có thể gồm lại bằng một định nghĩa chung, ngắn, giản dị, dễ hiểu: Họ là những người khác chính kiến với người CS – Họ là địch là ngụy – Họ là những người có của cải tiền bạc hơn những đảng viên chuyên chính vô sản – Họ là những thành phần chuyên gia khoa học – Tri thức, không tuân theo mênh lệnh, đường lối chủ nghĩa Đảng CS – Tất cả họ là những thành phần phản động cần khai trừ và được xếp vào “thành phần có nợ máu với nhân dân”; Và cũng do có cái thành phần này nên TÒA ÁN NHÂN DÂN mới được thành hình để khai tử gần hai trăm ngàn (200.000) thường dân vô tội riêng trong chính sách cải cách ruộng đất – Diệt tư sản, chưa kể hàng trăm ngàn dân chính trí thức , đảng viên các đảng phái khác bắt buộc Đảng CS phải khai trừ. Chắc chắn khi tự quay lại khúc phim lịch sử hãi hùng này, các đảng viên CS lão thành, các cựu đảng viên các cấp còn chút lương tâm, các đảng viên yếu thế đã bị quên lãng, các đảng viên đã tự mình khai sáng lương tâm, đã trả thẻ đảng – Quí vị có can đảm xác nhận đoạn viết ngắn này của người viết đúng hay sai? Dân chúng trong những giai đoạn này mọi người sẽ không phủ nhận. Vâng, “Có nợ máu với nhân dân” là như thế, và trong nhà tù CS Việt Nam còn bao nhiêu tù nhân thế kỷ vì có nợ máu?!

Không thể viết dài dòng và dụng từ khó hiểu, tôi thấy như thế đã quá đủ để trở lại cái máy chém dân tộc mà đảng quyền cộng sản còn duy trì đánh bóng để bảo vệ quyền độc tài lãnh đạo của Đảng.

Cái máy chém đó là Tòa Án Nhân Dân Việt Nam đã và đang được phối hợp chặt chẽ với lực lượng CÔNG AN NHÂN DÂN khổng lồ, nhiều quyền hạn nhưng thiếu lương tâm nghèo nhân cách trên toàn cõi VN. Nhìn mọi sự kiện đang xảy ra hàng ngày trên cả nước, nhìn bao bất trắc lãnh thổ mà toàn dân đang đau xót chịu đựng, nhìn lại khoảng cách giàu nghèo của dân chúng để tìm ra sự bất công nó nằm ở khoảng nào đang đày ải dân tộc. Khi Đảng còn chuyên chính vô sản, Đảng đã dùng TAND và CAND đàn áp cai trị. Khi Đảng trở thành “Đảng tư bản”, cũng lại dùng TAND để bảo vệ, bao che cho tập đoàn lãnh đạo, khủng bố dân chúng, chia quyền bóc lột. Toàn dân VN không có thói chụp mũ nói ngoa cho những người CS. Đảng lãnh đạo phải tự vấn điều này, một sự thật không thể phủ nhận trước nhân dân sau này.

Trở lại cụm từ “có nợ máu với nhân dân”. Bây giờ thì ai nợ ai? Nhân dân nợ Đảng hay Đảng nợ nhân dân?

Không kể những sự việc mà Đảng lãnh đạo đã lấp liếm từ nhiều năm qua. Những sự việc gần đây nhất đã lên con số ngàn, từ chiếm đất tư để dân oan phải khiếu kiện, từ tráo trở chia đất nhượng biển để dân chúng bị Trung Quốc mà Đảng chỉ dám gọi là “tàu lạ”, nước ngoài bắt bớ sát hại, từ khủng bố bắt bớ những người vì bất đồng chính kiến muốn kiện toàn đường hướng xây dựng một đất nước phồn vinh, ngay dân chúng muốn chứng tỏ lòng yêu nước, muốn bênh vực quyền lợi nhân dân của mình cũng bị áp chế tù đày. . . Thêm vào đó dân chúng lại bị chính quyền hành hung, gây máu đổ và chết chóc v.v… Bao thương tâm từ suy thoái kinh tế đến bất ổn dân sinh, Dân tộc Việt Nam đã biết so sánh và hiểu biết nhiều hơn nhà cầm quyền rồi đó.

“Ai nợ ai món nợ . . . này”

Đinh Linh (danlambao)

Khi ai cũng có thể là nhà báo

Posted by truongthondlb1


Phan Văn Tú – Năm 2007, tạp chí Time (Mỹ) đã quyết định chọn nhân vật của năm là “Bạn” với lý giải rằng bởi vì chính bạn, chứ không phải chúng tôi, đang làm thay đổi kỷ nguyên thông tin. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử của tờ tạp chí nổi tiếng này (thay vì chọn những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực)…



Đầu năm nay, tạp chí “Times” bình chọn là nhân vật của năm 2010 là tỷ phú 26 tuổi Mark Zuckerberg, cha đẻ ra mạng xã hội Facebook, người có công khởi động trào lưu mạng xã hội phát triển rầm rộ trên toàn thế giới, và được đánh giá là người kế tục “kỳ tích” Bill Gates.



Trong vòng 4 năm, hai cuộc bình chọn ấy cho thấy một điều: Sự phát triển công nghệ những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và cũng tạo ra một lớp công chúng truyền thông mới. Họ là những người vừa đọc/nghe/xem các thông tin toàn cầu, vừa đồng thời là chủ nhân của thông tin trên môi trường internet.

Ai cũng là người đưa tin

Các thiết bị ghi âm, ghi hình ngày càng rẻ. Điều kiện để được “sống” và làm việc trong không gian trực tuyến ngày càng dễ dàng. Một em học sinh cấp II giờ đây cũng có thể sở hữu chiếc di động với đủ các chức năng ghi hình, chụp ảnh, ghi âm, kết nối 3G mọi lúc mọi nơi… Trong khi đó, internet là mảnh đất màu mỡ không tốn tiền mua cho nên ai cũng thành “người đưa tin” đủ cấp độ, đủ nội dung, từ chuyện riêng tư của chính họ đến chuyện quốc gia đại sự.

Clip âm thanh, video, hình ảnh trở thành thú chơi của một bộ phận cư dân mạng. Và trong cái chợ thông tin ồn ào, xô bồ ấy, có những clip đặc biệt tạo sự chú ý trong dư luận. Ví dụ, cảnh phòng the hay “lộ hàng” của người nổi tiếng, cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo, bị sỉ nhục; hình ảnh cán bộ đánh dân, tài xế taxi kéo lê cảnh sát giao thông…

Thế mạnh tương tác của truyền thông mạng kéo các cơ quan báo chí cho ra đời nhiều hình thức để công chúng online khắp nơi có thể tham gia đưa tin, bình luận bằng văn bản, hình ảnh, video/audio clip về những sự kiện họ tận mắt chứng kiến.

Khái niệm báo chí công dân (citizen journalism) được các nhà lý luận báo chí phương Tây đề ra để chỉ các hoạt động truyền thông của những người không phải nhà báo chuyên nghiệp. Hiểu một cách rộng, báo chí công dân là hoạt động thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng (chính xác là trên môi trường internet) của những người không phải nhà báo.

Internet là một thực thể truyền thông đặc biệt, nó vừa là môi trường giao tiếp xã hội có tính chất cá nhân (như gửi email, chat) nhưng nó cũng đồng thời là một phương tiện thông tin đại chúng – vốn trước đây được xem là công cụ của các tổ chức, các nhóm xã hội nào đó. Một blog cá nhân giờ đây cũng “bình đẳng” như một tờ báo lớn với biên độ tương tác, không gian “phủ sóng” toàn cầu, với khả năng làm phát thanh, làm truyền hình… nhờ đặc trưng internet.

Báo chí công dân ở Việt Nam?

Dưới manchette của báo Sài Gòn Giải Phóng, có dòng tiêu ngữ “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM” hoặc gần 36 năm qua, Đài phát thanh TP.HCM trong nhạc hiệu cất lên hằng ngày có lời xướng “Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”…

Đứng ở góc độ pháp lý, ở Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền được công bố thông tin. Blog hay mạng xã hội là phát minh của nhân loại cho phép người dân có một kênh chia sẻ thông tin cá nhân của mình.

Nhưng vì sao, đến nay, khái niệm “báo chí công dân” không được thừa nhận? Vì theo Luật Báo chí Việt Nam, báo chí là tiếng nói của các tổ chức của Đảng, diễn đàn của nhân dân. Luật báo chí Việt Nam cũng cho thấy trên lãnh thổ này không có báo chí tư nhân (dù trên thực tế, mấy chục năm qua, tư nhân đã tham gia làm báo dưới nhiều hình thức). Từ đó, có thể thấy, xét ở góc độ pháp lý thì blog, website cá nhân, các trang mạng xã hội không phải là “tờ báo”.

Tất nhiên, trong thực tế, blog hay mạng xã hội có những điểm giống với báo chí xuất phát từ bản chất truyền thông của nó. Với internet, một blog cá nhân vẫn bình đẳng trong thông tin, trong không gian quảng bá, trong đối tượng tiếp nhận như những “tờ báo” lớn. Thông tin đưa lên blog khi để chế độ cho cộng đồng đọc được là thông tin đã được xã hội hóa.

Bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng có nhiều mặt. Từ rất sớm, Việt Nam chúng ta đã có những quy định pháp lý liên quan đến việc công bố thông tin lên mạng internet. Nhưng hành lang pháp lý cũng chỉ là công cụ để điều chỉnh hành vi của mọi người. Sự phát triển quá nhanh và do đặc trưng của môi trường internet, các công cụ ấy dễ dàng lạc hậu. Nhưng đó là vấn đề khác.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong các quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều đó có nghĩa ai cũng có quyền đưa các hình ảnh, clip, bài viết lên mạng, miễn là những thông tin ấy không được xâm hại lợi ích của Nhà nước, không được xâm phạm đời tư và danh dự, nhân phẩm của người khác…

Vai trò của báo chí “chính thống”

Năm qua, cơ quan chức năng vào cuộc khá nhanh sau khi 2 đoạn video clip “người giữ trẻ ở Bình Dương hành hạ bé Thúy Ngân” và “vụ bắt mại dâm của công an Cẩm Phả (Quảng Ninh)” đưa lên YouTube. Có rất nhiều điều để nói về chi tiết này nhưng, ở đây, có một sự thật cần thừa nhận: hiện nay, chức năng thông tin đại chúng không còn là độc quyền của các cơ quan báo chí chính thống nữa!

Trong lịch sử báo chí thế giới và Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua, những tấm hình, những thước phim, những bài viết của người dân bình thường trở thành sự kiện truyền thông không phải là chuyện hiếm có. Điểm khác nhau ở đây là, ngày trước, các sản phẩm báo chí “không chuyên” ấy phải nhờ kênh truyền tải là cơ quan báo chí “chính thống”, dòng báo chí “chủ lưu”. Còn giờ đây, người dân bình thường có thể chủ động truyền đi thông điệp của mình!

Người Việt Nam vốn có truyền thống “biết ngâm thơ và đánh giặc”, gặp môi trường truyền thông như internet, niềm say mê tham gia làm báo của cộng đồng sẽ được nhân lên như một cách cùng tham gia giám sát xã hội. Thế mạnh của thông tin do công dân cung cấp là ở chỗ: Họ có mặt ở khắp mọi nơi, họ đưa tin mọi lúc. Và họ không chỉ đưa tin mà còn bình luận, tranh luận, thảo luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Và họ góp phần tạo nên dư luận xã hội – vốn được xem là cơ chế tác động của báo chí. Đã có những clip mang thông điệp nhân ái và thông điệp đó đã nhân lên thành một lực lượng tinh thần lớn trong cộng đồng, dấy lên tình thương, trách nhiệm và những hành động cụ thể trong đời sống. Đã có những clip đó mang thông điệp phê phán một hành vi xấu và thông điệp đó cũng góp phần giúp cộng đồng được giáo dục cách ứng xử, lối sống.

Nhưng, thực tiễn truyền thông xã hội thời gian qua cũng cho thấy, thông tin của “báo chí công dân” cũng lộn xộn tốt xấu, đúng sai. Những ví dụ về các clip bôi nhọ cá nhân, xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ, các bài viết gây tác hại thuần phong mỹ tục v.v… cũng không ít.

Khi ai cũng có thể trở thành “nhà báo” thì vai trò của báo chí chính thống trong đời sống truyền thông hết sức quan trọng. Nhưng làm thế nào để báo chí chính thống thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân, trở thành kênh chuyên chở “tiếng nói nhân dân”? Mối quan hệ giữa báo chí chính thống và “báo chí công dân” trong tương lai sẽ ra sao?

Câu trả lời chắc không khó nhưng vấn đề là ai sẽ trả lời một cách trung thực?

Phan Văn Tú

http://phanvantu.wordpress.com/2011/03/18/khi-ai-cung-co-th%E1%BB%83-la-nha-bao/

Không thể dùng luật rừng với luật sư Cù Huy Hà Vũ!

Posted by truongthondlb1


Bùi Tín - Vụ án Hà Vũ là vụ án lớn. Hà Vũ là một nhân vật ngay thật, có tính cách mạnh mẽ, học vấn uyên thâm, từng tốt nghiệp ở Pháp, từng nghiên cứu ở Hoa Kỳ, thuộc dòng họ lớn, có quá khứ trong sáng, yêu nước đằm thắm, thương dân sâu đậm. Giới trí thức quý anh. Giới trẻ phục anh. Giới luật sư tin anh. Người tốt bênh anh, chỉ có kẻ xấu ghét bỏ anh…

*

Ngày 24-3 tới, tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngày 10-3 vừa qua tòa án Hà Giang đã sử dung “luật rừng” để xử án 2 em nữ sinh Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy, cố tình lẫn lộn nạn nhân và tội phạm, biến 2 em nạn nhân vị thành niên thành tội phạm, chạy tội cho nhóm quan chức cộng sản. Nhóm này do viên chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô cầm đầu thật sự là bọn tội phạm đầu sỏ của vụ án, và vụ án lẽ ra phải gọi chính xác là “Dùng quyền lực ép các nữ sinh vị thành niên làm nô lệ tình dục”.

Đây là sự đổi trắng thay đen hèn hạ, trị người ngay, bênh bọn gian manh, để lại một vết nhơ lớn không sao gột rửa trong nền tư pháp đảng trị bẩn thỉu và nhục nhã.

Rất có khả năng chế độ độc đảng lại áp dụng “luật rừng” với luật sư Hà Vũ.

Luật sư Ngô Bá Thành, luật sư dưới 2 chế độ, từng là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội từng thốt lên:“Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Năm 2008, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trịnh Ngọc Dương tuyên bố xanh rờn ngay trước Quốc hội: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”, quả là một nền tư pháp tùy tiện, xoay như chong chóng !

Thế nhưng tình hình đã thay đổi. Phiên tòa ở Hà Giang là ở tỉnh nhỏ, xa Hà Nội. Các em nữ sinh ngây thơ non dại, gia đình các em không có thanh thế xã hội, quốc tế không hề biết đến. Tuy vậy vụ án phi lý này vẫn có thể bị xã hội đòi hỏi phải xem xét lại một cách quang minh chính đại, khó mà dập cho tắt ngấm được.

Vụ án Hà Vũ là vụ án lớn. Hà Vũ là một nhân vật ngay thật, có tính cách mạnh mẽ, học vấn uyên thâm, từng tốt nghiệp ở Pháp, từng nghiên cứu ở Hoa Kỳ, thuộc dòng họ lớn, có quá khứ trong sáng, yêu nước đằm thắm, thương dân sâu đậm. Giới trí thức quý anh. Giới trẻ phục anh. Giới luật sư tin anh. Người tốt bênh anh, chỉ có kẻ xấu ghét bỏ anh.

Ra tòa, tự anh thừa sức cãi lý để bảo vệ mình vô tội. Vợ anh, chị luật sư Dương Hà tin chồng, thấu hiểu luật, cũng thừa sức bảo vệ anh vô tội. Lão tướng luật sư Trần Lâm, từng là thẩm phán Tòa án Tối cao, cũng thừa đủ tâm và tầm để biện hộ cho anh. Luật sư Trần Đình Triển từng phá án tại toà án Hà Giang, buộc chánh án hủy bỏ phiên tòa sơ thẩm để mở lại cuộc điều tra từ đầu, cũng sẵn sàng biện hộ cho anh. Hơn thế, dư luận quốc tế rất quan tâm đến phiện tòa này. Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Hoa Kỳ đã chuyển hồ sơ và đơn khiếu kiện của gia đình anh Hà Vũ đến Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ngày 13-3, luật sư nổi tiếng Lewis Gordon Chủ tịch Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường – Environmental Defender Law Center – đã gửi thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu hủy bỏ việc xử án phi lý này.

Mong rằng dư luận nước ta, nhất là các công dân của thủ đô Hà Nội, hãy tỏ rõ sự quan tâm đến vụ án này. Bạn Kami trên mạng thông tin của mình kêu gọi bạn bè và nhân dân mấy ngày tới, mỗi người hãy mang một bó hoa, gửỉ một lá thư, một tờ thiếp đến nhà anh Hà Vũ trên đường Điện Biên, tỏ rõ sự ủng hộ anh. Cử chỉ nhỏ nhưng tác dụng lớn, không ai ngăn cấm nổi.

Sáng thứ năm 24-3, hãy đến đông đảo trước trụ sở Tòa án Hà Nội, 43 Hai Bà Trưng, với yêu cầu tòa án xử đúng luật, công khai, để báo chí trong và ngoài nước tham dự, yêu cầu bắc loa ra ngoài tòa án, truyền hình tại chỗ cho đông đảo đồng bào theo dõi. Các bạn trong ngành tư pháp nên theo dõi chặt chẽ từng thái độ, cử chỉ, lời nói của từng thẩm phán, của đại diện Viện kiểm sát, đặc biệt là Chủ tọa Hội đồng xét xử, để xem các nhân vật này có theo đúng Luật tố tụng hình sự hay không, có luận án nghiêm chỉnh, khách quan, công bằng hay không, có chỉ tuân theo pháp luật hay không? có kết tội theo chứng cứ hay không, có lắng nghe lời trình bày của bị cáo và các luật sư hay không. Nghĩa là nhân dân cần đóng đúng vai trò là trọng tài, giám sát kỹ xem bộ máy xét xử có công tâm, có cầm cân nảy mực thật sự trong quá trình xử án hay không?

Xin chúc anh luật sư Cù Huy Hà Vũ khỏe, vui, cứ việc làm thơ, rung đùi, ung dung thư thái, tâm hồn luôn tự do. Tôi biết 14 người trong Bộ Chính trị đang lo nghĩ hơn anh nhiều. Họ rất sợ công luận đang thức tỉnh, sợ dư luận thế giới đối với vụ án này. Bộ máy xét xử anh đang lo ngại, vì tìm mãi mới có người liều nhận tham gia phiên tòa, họ rất sợ đóng vai thẩm phán, công tố viên và nhất là chủ tọa Hội đồng xét xử.

Ở Liên Xô cũ và Đông Đức cũ, sau khi chế độ độc đảng sụp đổ, đã có nhiều “thẩm phán nhân dân” tìm gặp các chiến sỹ dân chủ từng bị họ kết án để tỏ lòng kính trọng, ăn năn hối lỗi; năm 1993, có một nguyên chánh án ở Odessa từng xử án đưa nhiều trí thức đi trại cải tạo khủng khiếp ở Siberia còn tự sát vì bị lương tâm cắn rứt.

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/khong-the-dung-luat-rung-03-18-2011-118257414.html

Biến động thị trường mua bán ngoại tệ tại VN

Posted on Tháng Ba 19, 2011 by truongthondlb1


Vũ Hoàng, phóng viên RFA - “Tôi cũng có cháu đang ở bên nước ngoài, đang có việc cần phải gửi đô la cho cháu. Tôi có ra ngân hàng hỏi mua khoảng 6,000 đô, nhưng thấy nhân viên ở đấy yêu cầu giấy tờ chứng minh, mua để làm gì, nói chung là mua rất khó, không đáp ứng được cho tôi, nên tôi đành phải ngậm ngùi đi. Tôi có qua mấy cửa hàng ở Hà Trung, họ đều xua tay không có, không giao dịch và họ có chỉ lên mạn Hàng Bạc, họ nói là giá hơn 22,000 gì đấy, tôi cũng chưa qua Hàng Bạc, để sau này xem thế nào.“

*

Giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ với việc cấm các giao dịch mua bán đô la ngoài thị trường tự do đang tạo ra một số biến động trong hoạt động cung cầu đô la tại Việt Nam.

Vậy qui định mới này ảnh hưởng ra sao đến thói quen mua bán đô la của người dân hay những hộ kinh doanh cá thể vốn được thực hiện dễ dàng lâu nay?

Ảnh hưởng cả người mua …

Cùng với hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô, thông qua kiểm soát chặt chẽ thị trường tự do trao đổi ngoại tệ, Bộ Công an cũng đang triển khai nhiều biện pháp chống lại hoạt động kinh doanh ngoại tệ trên “chợ đen” vốn đã hoạt động từ lâu trong nền kinh tế. Bỗng chốc thói quen vốn có, chỉ cần có tiền là dễ dàng mua được đô la của người dân, giờ bị chặn lại. Hiện tại, mọi hoạt động trao đổi ngoại tệ phải được thực hiện ở ngân hàng và tuân theo những quy định mới của Nhà nước nhằm kiểm soát ngoại tệ và thống nhất một tỷ giá trao đổi cho toàn bộ nền kinh tế.



RFA photo – Một điểm thu đổi ngoại tệ chính thức ở SG

Tất nhiên, với một chính sách mới ra bao giờ cũng đi kèm theo là “độ trễ” để phát huy tác dụng trong dài hạn, nhưng về mặt ngắn hạn thì những điều lệ mới, khiến cho nhu cầu mua bán ngoại tệ của người dân và của những cơ sở kinh doanh không nằm trong diện ưu tiên cần ngoại tệ cho xuất nhập khẩu gặp nhiều trở ngại.

Người dân vốn ưa sự nhanh gọn, đơn giản mua đô la ngoài các tiệm vàng bạc, thì bây giờ họ phải vào ngân hàng và chứng minh lý do cũng như các giấy tờ khác có liên quan.
Theo lời anh Đức Anh, có cậu con trai đang du học bên Hoa Kỳ, muốn gửi ít tiền sang cho con đóng học phí hè, anh gặp khó khăn khi tìm mua tiền đô vào đúng thời điểm này:

“Tôi cũng có cháu đang ở bên nước ngoài, đang có việc cần phải gửi đô la cho cháu. Tôi có ra ngân hàng hỏi mua khoảng 6,000 đô, nhưng thấy nhân viên ở đấy yêu cầu giấy tờ chứng minh, mua để làm gì, nói chung là mua rất khó, không đáp ứng được cho tôi, nên tôi đành phải ngậm ngùi đi. Tôi có qua mấy cửa hàng ở Hà Trung, họ đều xua tay không có, không giao dịch và họ có chỉ lên mạn Hàng Bạc, họ nói là giá hơn 22,000 gì đấy, tôi cũng chưa qua Hàng Bạc, để sau này xem thế nào.”

Theo quy định của Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Trung ương Việt Nam, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập hay chữa bệnh ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua, với hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Tuy vậy, dù có chứng minh đầy đủ giấy tờ vì sao cần mua đô la, thì đôi khi họ vẫn bị từ chối khéo với câu trả lời là ngân hàng đang thiếu ngoại tệ.

Chị Quỳnh Hương, chia sẻ câu chuyện của bạn mình khi mua đô la để đi công tác nước ngoài:

“Họ không từ chối thẳng với mình là họ không bán cho mình, họ sẽ nói khéo với mình là Ngân hàng chưa có nguồn, là tạm thời phải chờ đợi và chờ đợi thì không biết đến bao giờ. Ngày xưa cứ đi ra ngoài là mua được, còn bây giờ thì phải mua chui, giá đắt hơn vì bây giờ không có giá niêm yết.”

Đó là câu chuyện của những người đi mua ngoại tệ. Về phía những người đi bán ngoại tệ cho Ngân hàng, họ không gặp khó khăn nhiều về thủ tục hành chính, nhưng quyền lợi về mặt kinh tế của họ lại bị ảnh hưởng khá nhiều.

… lẫn người bán

Lâu nay, tỷ giá mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do đều cao hơn của Nhà nước. Vì thế, bây giờ khi phải bán đô la cho ngân hàng với giá rẻ hơn so với những gì lẽ ra mình được nhận ngoài thị trường tự do, người dân tỏ ra không hài lòng lắm. Chị Ngọc Hà, sống tại Gò Vấp kể:


Tiền đôla Mỹ. AFP photo

“Bây giờ bên ngoài họ không đổi nữa, không thu nữa, ai muốn đổi chỉ có vô ngân hàng thôi, thứ nhất là mình bị lỗ tiền rồi, ở bên ngoài mình đổi được hai triệu hai, bây giờ vào ngân hàng chỉ được chưa tới hai triệu mốt nữa, mà giá bây giờ lại xuống chứ không còn lên như vậy nữa. Mà không có thoải mái như bên ngoài, phải đưa chứng minh thư nhân dân, cực vậy đó.”

Về phía các doanh nghiệp tư nhân, anh Việt Tú, giám đốc Công ty Uỷ thác xuất khẩu chia sẻ về câu chuyện bán đô la mà các khách hàng của anh thực hiện. Các giao dịch không chỉ thua thiệt về mặt kinh tế, mà nếu họ bán đô la ra ngoài cũng là vi phạm các quy định của Nhà nước:

“Hiện tại một số khách hàng của mình đang làm, nhập đô la về, bán cho Ngân hàng thì thấp hơn giá chợ đen. Thường khách hàng xuất khẩu họ có đô la về tài khoản của họ, họ không thể nào rút tiền và mang ra ngoài chợ đen bán được, vì ngân hàng NN không cho phép làm chuyện đó, người ta buộc phải bán lại cho Ngân hàng, nếu có được một cái giá hợp lý thì người ta sẽ bán, còn không thì người ta găm giữ trên tài khoản của người ta.”

Phải chăng nếu hiện tượng “găm giữ” ngoại tệ diễn ra triền miên như trường hợp anh Việt Tú nói, thì lại càng làm cho tình hình căng thẳng ngoại tệ của Việt Nam thêm trầm trọng, ít nhất là về mặt ngắn hạn?

Sẽ phát sinh tiêu cực

Trong khi đó, chị Quỳnh Hương, chủ doanh nghiệp tư nhân, chuyên về thu mua sản phẩm tiêu dùng và xuất sang Châu Âu cho biết, những rắc rối về lượng ngoại tệ thu về nhưng khó quy đổi ra tiền Việt, nhằm quay vòng, đặt mua hàng trong nước. Chị nói:


Một khu mua bán ngoại tệ chợ đen ở SG. AFP photo

“Tạm thời thị trường bây giờ vẫn đóng băng ở ngoài. Vì sáng nay đi hỏi để bán thì họ nói không mua, còn không biết trên thực tế có mua hay không, khách biết mình nhưng họ không đủ độ tin tưởng, sợ nhỡ có vấn đề gì nên không dám mua. Kiểu gì mà Nhà nước không mở lại thị trường đen thì nó sẽ hoạt động ngầm, theo kiểu gọi là “buôn lậu” đấy.”

Cũng theo lời chị Quỳnh Hương để thích nghi với những quy định mới, muốn mua bán với số lượng lớn, ngoài chợ đen, người ta trao đổi qua điện thoại và giao thu tại nhà chứ không công khai như trước đây.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, việc dẹp bỏ thị trường chợ đen là chuyện khó làm:

“Tôi không nghĩ là có biện pháp triệt để dẹp thị trường tự do đâu. Chính phủ đang có nỗ lực ổn định tỷ giá theo tỷ giá chính thức và tránh những trường hợp đơn vị thu đổi ngoại tệ áp dụng tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức, nhằm ổn định tiền tệ trong giai đoạn hiện nay. Còn việc dẹp bỏ hoàn toàn thị trường ngoại tệ tự do là việc rất khó khăn và phải cần thời gian khá lâu dài mà trên thực tế có thể nói rằng là chuyện bất khả thi.”

Có cầu thì ắt hẳn có cung. Những bất cân đối giữa cung cầu ngoại tệ như hiện nay sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều tiêu cựu trong ngành ngân hàng. Chẳng hạn để có được số ngoại tệ cần thiết, các doanh nghiệp có thể phải trích lại khoản tiền phần trăm cho ngân hàng; hoặc là sẽ tồn tại một loại tỷ giá thoả thuận không chính thức giữa ngân hàng và doanh nghiệp do tình trạng độc quyền cung ứng ngoại tệ.

Không rõ liệu những công cụ kiểm soát của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả tới đâu hay câu chuyện muôn thuở “không làm được là cấm” lại xuất hiện. Hi vọng rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt nhằm cải thiện môi trường mua bán ngoại tệ, tránh tắc nghẽn luồng ngoại tệ thực tế, đảm bảo được những nhu cầu chính đáng về ngoại tệ của người dân cũng như hạn chế tối đa những tiêu cực có thể có.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/buying-and-selling-dollars-vh-03182011164508.html