Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Nguy cơ của quá trình dân chủ hóa ở Nga

Posted by truongthondlb1


Hiếu Tân dịch – Tháng giêng, những cuộc biểu tình phản đối ở Tunisia đã buộc tổng thống độc tài bất ngờ bỏ trốn khỏi đất nước, chạy sang Saudi Arabia. Đó là một trong hàng loạt cuộc nổi dậy chống các lãnh tụ độc tài trong thời gian gần đây, những cuộc nổi dậy mà ở Liên xô cũ đã được gán cho cái tên “những cuộc cách mạng màu” và chúng ám những cơn ác mộng cho các nhà lãnh đạo từ Minsk đến Tashkent. Câu hỏi lớn cho Tunisia bây giờ là loại chế độ nào sẽ tiếp quản: một nền dân chủ thì chưa có sẵn, nhưng đó là cái mà mọi người hy vọng.

Renaissance Capital (Rencap) phát hành một bản báo cáo thú vị ngay sau khi xảy ra những sự kiện ở Tunisia: nhìn vào những cơ chế đã thúc đẩy các cuộc cách mạng và các cuộc nổi dậy, trong đó nó cố gắng nhận dạng những dấu hiệu mách cho ta biết về các nhà độc tài. Trong khi bản báo cáo tập trung vào các nước châu Phi, những sự tương đồng với các khu vực thuộc Liên xô cũ được thấy rõ ràng.

Nó nhận dạng ba quy tắc cơ bản của các cuộc dân chủ hóa:

1. Nhân dân càng giầu có thì càng có vẻ dễ nổi dậy, nhưng một khi đã là chế độ dân chủ, thì nước ấy không bao giờ từ bỏ chế độ.

2. Các nước xuất khẩu năng lượng thô lớn không phải là các nền dân chủ.

3. Tỉ lệ người trẻ trong dân chúng càng lớn, càng có khả năng xảy ra nổi loạn.

Các phép đo cách mạng

Sự thịnh vượng rõ ràng là một nhân tố cơ bản. Những dân chúng nghèo chỉ nghĩ kiếm đâu ra bữa sau. Một giai cấp trung lưu khá giả quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống, đến dịch vụ công và các quyền tự do cá nhân. Viện dẫn một nghiên cứu được tiến hành đầu tiên từ năm 1959 và được cập nhật trong một luận văn nhan đề “Hiện đại hóa: Lý thuyết và thực tế”, của Adam Przeworski, Fernando Limongi năm 1997, bản báo cáo của Rencap phác thảo những phương pháp đo lường về cách mạng.

Dùng tỉ suất sức mua tính bằng đô la làm cơ sở, thì trong một nước với thu nhập tính theo đầu người dưới 2.000$, khả năng xảy ra một cuộc cách mạng là rất thấp. Tuy nhiên, khi thu nhập nâng lên đến 2000-8000$, thì cơ hội một cuộc nổi dậy trở nên vừa phải, 1-2% trong một năm nào đó. Sự việc sẽ nhiều may rủi hơn nếu tiền lương tăng giảm thất thường. Nếu lương tăng, thì cơ hội nổi dậy là 4-5%, (bởi vì người ta tập trung hơn vào những thiếu thốn về chất lượng cuộc sống); và nếu lương giàm, thì nguy cơ có cuộc nổi dậy tăng lên có khi đến 6-11% (bởi vì nhân dân muốn quyền lực chính trị để thay đổi một tình hình rõ ràng quá tồi tệ)

Tunisia năm 2009 có thu nhập theo đầu người 8.300$, nó đặt nước này lên trên đỉnh nguy hiểm của giải thu nhập. Và trong khắp các nước thuộc Liên xô cũ, nguy cơ nổi dậy chống các chế độ độc tài cũng cao, vì tất cả các nước này đều đã lên đến đỉnh của giải thu nhập 2000-8000$. Hơn nữa, trong hai năm qua khả năng xảy ra nổi loạn đã tăng lên, khi thu nhập giảm do khủng hoảng: Kyrgyzstan và Moldova cả hai nước đều đã tống cổ các tổng thống tham nhũng vì bị khủng hoảng toàn cầu nện trúng.

Nước Nga đứng ngoài bảng kê giàu có này, vì các công dân của nó có thu nhập cao nhất trong khu vực, khoảng 14.000$. Là một nước có thu nhập trung bình, Nga lẽ ra từ lâu đã tham gia vào các nền dân chủ “bất hủ” giống như các nước phương Tây – không nước nào có mức thu nhập cao hơn 14.000$ mà lại đánh mất nền dân chủ đã từng được thiết lập. Nhưng ở đây lại có quy luật thứ hai của dân chủ hóa: – các nước xuất khẩu năng lượng lớn không phải là nước dân chủ. “Trong số 20 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất năm 2008, theo số liệu chúng tôi có từ BP, chỉ có ba nước là có nền dân chủ tự do đầy đủ theo Freedom House. Trong đó, hai nước là dân chủ trước khi họ trở thành nước xuất khẩu năng lượng thô lớn (Canada và Na uy), bởi vậy tuân theo quy tắc thứ nhất, chỉ có nước thứ ba (Mexico) là ngoại lệ thú vị của quy tắc này,” bản báo cáo viết.

Tuy nhiên, dân chúng Nga rõ ràng là đang trở nên bất yên hơn – một hậu quả tự nhiên của sự tăng thu nhập trong thập kỷ qua. Khủng hoảng chỉ khiến họ càng thêm bị khích động, vì nó cho thu nhập tụt xuống. Vào tháng Mười, trung tâm Moscow trở thành hiện trường của các cuộc ẩu đả trên đường phố khi các cổ động viên bóng đá đụng độ trong cuộc bạo lực giữa các chủng tộc trong nhiều ngày sau khi một cổ dộng viên bị giết. Khu vực xung quanh Kievskya bị phong tỏa và các nhóm của lực lượng đặc biệt Omon đi tuần các đường phố lần đầu tiên sau một thập kỷ rưỡi. Các cuộc náo loạn này là biểu thị đầy ấn tượng về nỗi bất an rõ ràng đang tăng lên trong dân chúng.

Và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, vì lý do tại sao quy luật thứ hai của dân chủ hóa lại là các nước giàu năng lượng kiếm được nhiều tiền đến mức họ không đánh thuế nhân dân của họ. Nếu nhân dân không phải đóng thuế, thì người dân bình thường không quá chú ý đến phản kháng chính trị. “Với thuế trực tiếp thấp, có ít hơn yêu cầu về đối kháng trực tiếp. Giống như nước Anh phát hiện ra điều mà nó phải trả giá năm 1776: khi anh đánh thuế nhân dân anh, họ có thể sẽ phản kháng.” Charles Robertson chuyên viên kinh tế trưởng ở Renaissance Capital nói.

Người Nga đóng thuế thấp nhất trong khu vực, nhưng cả điều đó nữa cũng sẽ thay đổi trong năm nay, khi một loạt thuế mới sẽ được đưa ra để giúp trang trải khoản nợ đầu tiên của nhà nước trong một thập kỷ.

Con người nổi dậy

Nước Nga cũng dễ bị nguy vì mối nguy thứ ba: quá nhiều người trẻ. Tuổi trẻ thất vọng trong những nước nghèo dễ tụ tập với nhau và tràn ra đường phố. “Lý thuyết “tuổi trẻ bùng ra” cho rằng khi tuổi trẻ trong một nước chiếm đến 30% dân số, thì nguy cơ xảy ra cách mạng hay chiến tranh đặc biệt cao,” Robertson nói, ông lấy 15% làm con số khởi điểm của “giải nguy cơ” khi các độc tài nên bắt đầu lo âu về một cuộc nổi dậy của tuổi trẻ.

Ở Tunisia những người thuộc lứa tuổi 15-34 chiếm 17,3 % và thật ra hầu hết các nước Trung Đông và Phi châu đã vượt ngưỡng này rồi. Một dân số lớn, trẻ, sẽ thành vấn đề hơn với Trung Đông, và Trung Á – Kazakhstan là nước duy nhất thuộc Liên xô cũ đã đạt mức 15% – nhưng liếc qua biểu đò phân bố lứa tuổi ở Nga dưới đây từ Rosstat cho năm 2007 ta thấy có sự bùng nổ lớn lớp người trẻ dễ gây rắc rối với tuổi trung bình hiện nay là 20, mặc dầu tuổi trung bình nói chung ở Nga đã vào khoảng cuối lứa 40 và đang tăng lên.

Điểm cuối cùng là trong khi các nhân tố giàu có, thuế, và tuổi trẻ có thể kết hợp lại thành một cuộc bạo động làm thay đổi chế độ, thì nó không nhất thiết dẫn đến sự hình thành các nền dân chủ. Cuộc cách mạng “tulip” của Kyrgyzstan đã đẩy cựu tổng thống Askar Akayev ra nhưng rồi chỉ thay thế ông bằng nhà độc tài Kurmanbek Bakiyev, ông này đến lượt mình cũng bị bật ra vào năm ngoái.

Những căng thẳng tăng lên, thu nhập giảm xuống và các thứ thuế mới đến vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Kremlin. Như những sự kiện xảy ra ở Minsk trong Tháng Chạp cho thấy, không có thời gian nào có thể cho nhiều xúc tác vào các cuộc bất ổn xã hội hơn những cuộc bầu cử, và nước Nga có hai cuộc bầu cử lớn diễn ra trong năm tới – các cuộc bầu cử Duma vào tháng Chạp và các cuộc bầu cử tổng thống vào 2012. Rắc rối là ở chỗ nếu cỗ xe Putin-Medveded bị đổ, thì không có ứng viên đối lập nào đang đợi bên cánh gà để tiếp thu. Tuy nhiên, bên trong Kremlin có nhiều người có quan hệ lớn có lẽ đã sẵn sàng chiếm chỗ của họ, không ai trong số đó có thể là một hứa hẹn cho tình hình sáng sủa hơn.

Nguồn: http://www.bne.eu/story2470

Đã đăng trên Văn Chương Việt

http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/01/moscow-blog-nguy-co-cua-qua-trinh-dan.html

Văn hóa, nhân cách lãnh đạo và vận mệnh đất nước

Trần Văn Thọ - Những quyết định về chính trị hay quân sự của người ở vị trí lãnh đạo thường đưa đến những hệ quả lớn đối với vận mệnh của một đất nước, một dân tộc.

Người lãnh đạo nếu có trình độ văn hóa cao, có tố chất nhân văn cao cả hay ít nhất có bên mình những quân sư, cố vấn thông hiểu lịch sử và quy luật vận động phức tạp của xã hội, của tâm tình con người, của biến chuyển trên thế giới thì các quyết định thường đem lại một thời đại xán lạn của dân tộc, của đất nước sau đó, hay ít nhất là tránh được những hiểm họa. Ngược lại thì có thể đưa đến bất hạnh cho đất nước và con người liên hệ.

Giữa thế kỷ XIX trong buổi giao thời giữa hai chế độ ở Nhật Bản, trình độ văn hóa và tố chất nhân văn của các lãnh đạo các bên tranh chấp đã cứu được nước Nhật thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài, thoát khỏi nanh vuốt của các cường quốc âu – Mỹ đang mở rộng thuộc địa, và mở ra thời đại canh tân, hiện đại hóa đất nước. Hai nhân vật nổi bật, nắm vận mệnh đất nước hồi đó là Saigo Takamori (1827-1877) và Katsu Kaishu (1823-1899).

Trong 15 năm giữa thế kỷ XIX tình hình chính trị ở Nhật vô cùng rối ren. Năm 1853, hạm đội của Đô đốc Perry (Mỹ) đến bến cảng Uraga đòi chính quyền Mạc Phủ Tokugawa (1603-1867) mở cửa giao thương. Đến năm 1858, Nhật phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với Mỹ và một số nước Tây phương khác. Trước tình thế đó, các phiên ở địa phương ngày càng mất tin tưởng vào khả năng của chính quyền Tokugawa trong việc giữ nước và cận đại hóa đất nước. Đặc biệt hai phiên ở phía Nam là Choshu và Satsuma tập họp lực lượng để đánh đổ chế độ tướng quân Tokugawa (thủ phủ đặt tại Edo tức Tokyo bây giờ), giành lại thực quyền cho thiên hoàng (ở Kyoto). Saigo Takamori, lúc đó là Đông chinh Đại tổng đốc, trở thành chỉ huy trưởng của lực lượng này.



Bức tượng đá mô tả cảnh hai ông Saigo và Katsu hội đàm ở đền Atago.Ảnh Trần Thanh Việt – ERCT

Tướng quân đương thời và cũng là tướng quân cuối cùng của Tokugawa là Yoshinobu (1837-1913) thỏa hiệp bằng cách trả lại thực quyền cho thiên hoàng (tháng 10/1867) với hy vọng tham gia chính phủ mới trong đó quyền lợi của Tokugawa được duy trì. Tuy nhiên kết cuộc phía Tokugawa thấy mình bị mất quá nhiều quyền lợi, kể cả quyết định không cho Yoshinobu tham gia chính quyền mới và phải giải tán quân đội đã có từ trước, nên đã đem quân chống lại phía thiên hoàng. Cuộc nội chiến kéo dài gần nửa năm, cuối cùng Tokugawa suy yếu phải rút quân về cố thủ thành Edo. Tướng giữ thành lúc đó là tổng đốc lục quân Katsu Kaishu. Quân đội phía thiên hoàng do Saigo Takamori chỉ huy tiến về Edo chuẩn bị vây thành.

Lúc này trong thành nhiều người chủ trương tử thủ, kể cả kế hoạch dùng hỏa công thiêu chết quân đội thiên hoàng nếu họ công thành dù thành Edo phải cháy tan theo. Tình thế này buộc những nhà lãnh đạo hai bên phải có quyết định để tránh tổn thất lớn cho đất nước, trước mắt là bảo đảm sinh mạng của khoảng một triệu người đang sống trong thành. Cần nói thêm là lợi dụng tình thế rối ren, nội loạn ở Nhật, một số nước phương Tây muốn nhảy vào hòng thôn tính Nhật Bản. Cụ thể là Anh đã liên hệ với phe thiên hoàng, còn Nga và Pháp đã liên hệ với phía Tokugawa hứa sẵn sàng viện trợ để chiến thắng trong cuộc tranh chấp này. Tuy nhiên cả tướng Saigo và tướng Katsu đều cương quyết từ chối sự can thiệp của nước ngoài. Katsu nhận định rằng nếu cầu viện Nga thì ít nhất sẽ phải cắt cho họ miền đất Hokkaido (đảo lớn ở phía Bắc) và mất đất thì không thể chấp nhận được. Còn Saigo đã nói thẳng với sứ giả Anh rằng “chuyện nước tôi để chúng tôi lo, đối với chúng tôi không có gì xấu hổ hơn là cầu viện nước ngoài”.

Cuối cùng, phân tích lực lượng hai bên và tình hình thế giới, và suy nghĩ về tương lai đất nước, tướng Katsu đã đi đến quyết định là phải đầu hàng quân đội thiên hoàng mới cứu được nước Nhật ra khỏi thảm họa. Ông thuyết phục phe chủ chiến trong thành và hứa sẽ đưa ra các điều kiện đầu hàng không phương hại đến tính mạng và tài sản tối thiểu của gia đình, thân tộc và quan lại của tướng quân Yoshinobu. Tướng Katsu vốn biết tiếng tướng Saigo là người bao dung, trọng nhân nghĩa và có con mắt nhìn xa trông rộng nên tự tin là Saigo sẽ chấp nhận các điều kiện đầu hàng do phía Tokugawa đưa ra.



Tượng ông Katsu Kaishu. Ảnh Trần Thanh Việt – ERCT

Cuộc đàm phán giữa hai tướng Saigo và Katsu đã diễn ra thuận lợi ngoài dự tưởng của Katsu, nhất là thái độ của Saigo đối với người chiến bại đã làm phía Tokugawa thấy yên tâm và không hề có mặc cảm của người thất thế. Theo Okazaki Hisahiko trong Học tập những người khổng lồ về trí tuệ thời Minh Trị (Nhà xuất bản Seishun, 2005), Katsu sau đó đã nói với những người chung quanh như sau: “Trong cuộc hội đàm, đối với chúng tôi, những đại thần của Tokugawa, Saigo luôn giữ thái độ tôn trọng người đối thoại. Từ đầu đến cuối ông ấy luôn ngồi thẳng, tay để trên đầu gối, không một mảy may cho thấy uy phong của người chiến thắng, không hề tỏ thái độ xem thường người chiến bại”.

Phía tướng Katsu cũng trình bày nội tình của phe Tokugawa với thái độ chân thành. Saigo đã đồng ý các điều kiện đầu hàng. Ông đã về thuyết phục những người chủ chiến phía thiên hoàng. Phía thiên hoàng lúc đó không ít người chủ trương bắt phía Tokugawa phải đầu hàng vô điều kiện, kể cả xử tử hình tướng quân Yoshinobu. Nhưng với uy tín của Saigo, cuối cùng họ đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh theo kết quả cuộc hội đàm của Saigo và Katsu. Lịch sử đã ghi lại sự kiện này bằng bốn chữ Vô huyết khai thành (mở cửa thành đầu hàng để tránh đổ máu). Tướng quân Yoshinobu được cho về sống cuộc đời ẩn dật tại Shizuoka (gần núi Phú Sĩ). Những người tài giỏi của thời Tokugawa được chính quyền Minh Trị mời cộng tác. Đặc biệt tướng Katsu được mời làm bộ trưởng hải quân vì ông nguyên là chuyên gia về kỹ thuật quân sự Tây phương, am hiểu nghệ thuật cầm quân trên biển. Hải quân của Nhật được cận đại hóa và sau này giành thắng lợi trong chiến tranh Nhật – Nga (1905) một phần to lớn có công lao của Katsu, nói rộng ra là nhờ chính sách đặt lợi ích dân tộc lên trên hết của những người lập ra chính quyền Minh Trị nên những người tài của chế độ cũ được trọng dụng.

Vài tháng sau sự kiện vô huyết khai thành, Edo được đổi tên là Tokyo (tháng 7/1868) và sau đó ít lâu Minh Trị thiên hoàng dời đô từ Kyoto về Tokyo (tháng 10/1868). Tuy nhiên một số phiên trấn phía Bắc tiếp tục chống lại chính quyền mới, đến giữa năm 1869 phiên trấn cuối cùng mới quy thuận. Một điểm đáng nói thêm ở đây là trong các cuộc hành quân đi đánh dẹp các phiên trấn này, tướng Saigo có lần được phân công cử binh đến thu phục Shonai, một phiên trấn phía Đông Bắc. Quân dân của Shonai đã nghe uy của Saigo nên lo sợ và xin đầu hàng. Cũng theo Okazaki trong sách đã dẫn, trong bàn thương lượng về điều kiện đầu hàng, thái độ của Saigo rất ôn hòa, luôn giữ lễ đối xử với người đối thoại đến nỗi người thứ ba nhìn vào bàn thương lượng không biết ai là người thắng và ai là người phải xin đầu hàng.



Tượng Saigo Takamori ở công viên Ueno, Tokyo. Ảnh Trần Thanh Việt – ERCT

Saigo Takamori xuất thân từ tầng lớp vũ sĩ cấp thấp tại phiên Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay). Từ nhỏ quyết chí học tập cả văn lẫn võ. Về văn, ông theo nho học, thấm nhuần đạo đức nho giáo “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” và triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khắc khổ trong học tập và tu thân đã đưa Saigo lên vị trí lãnh đạo trong thế lực tôn phò thiên hoàng sau khi hai phiên trấn Satsuma và Choshu trở thành đồng minh trong cuộc vận động đánh đổ Tokugawa để lấy lại thực quyền cho thiên hoàng.

Katsu Kaishu giống Saigo ở chỗ sinh ra trong gia đình vũ sĩ cấp thấp (Katsu thì ở Edo) và khắc khổ học tập, tu thân. Nhưng Katsu thì theo Tây học từ năm 17 tuổi vì sớm biết được sức mạnh của văn minh phương Tây. Ông nghiên cứu nghệ thuật và khoa học quân sự, nhất là lĩnh vực hải quân. Ông từng giữ chức giám đốc Trường thao luyện hải quân và là người có vai trò chủ chốt trong việc lập ra hải quân cho chính quyền Tokugawa. Vào cuối thời kỳ của chính quyền này, ông là tổng đốc lục quân. Tuy theo Tây học nhưng Katsu cũng thấm nhuần văn hóa Đông phương, hiểu được tinh hoa của đạo quân tử. Katsu cũng để lại nhiều bài thơ chữ Hán, đặc biệt bài thơ nói tâm trạng của mình khi đưa ra quyết định vô huyết khai thànhđược nhiều người biết đến.

Nước Nhật có cái may là ở buổi giao thời của hai chế độ và trước hiểm họa ngoại xâm, ở cả hai chiến tuyến đều có những người lãnh đạo nhìn xa trông rộng, đầy trí tuệ mà cũng đầy nhân cách của bậc quân tử. Nhờ vậy, Nhật đã chấm dứt sớm cuộc nội chiến và bước vào giai đoạn canh tân đất nước.

(Tokyo, đầu Xuân 2011)

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-25-van-hoa-nhan-cach-lanh-dao-va-van-menh-dat-nuoc

Chừng nào ba Dũng kêu tui mới… làm

Posted by truongthondlb3




Dân Làm Báo – Cả một tập đoàn mang thẻ đỏ, toàn quan chức lớn lập quỹ đen 15 triệu đô Mỹ chia nhau bốc hốt; đồng chí quan to Lê Đức Thúy bị nêu đính danh, thế mà khi hỏi đến thì ngài phó TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ- cục trưởng ục Phòng chống THAM NHŨNG lại phán: “hiện tại, đơn vị này chưa nhận được chỉ đạo phải theo dõi, tìm hiểu vấn đề gì về vụ việc trên“.

Đồng chí phó tổng kiêm trưởng cục Mai Quốc Bình thỏ thẻ: “Tôi không được giao theo dõi vụ việc này nên không biết. Tôi chỉ đọc thấy trên báo thôi. Vụ này rất phức tạp, còn nhiều đoạn đường dài lắm và bên trên chưa cho làm…”

Hỏi đồng chí liền nè:

1. Chứ vậy thì Thanh tra là cái mốc xì gì? Đó tới giờ dân đen nhà em cứ tưởng thanh tra là phải tự tìm hiểu, điều tra để tìm cho ra những đồng chí ăn bẩn, quan lớn ăn dơ để thực hiện điều tâm huyết học tập đạo đức bác Hồ của đảng ta. Nhiều khi còn âm thầm tìm hiểu để cho đám lợn không biết đường để mà chùi miệng trước. Đáng lý ra đồng chí đã phải tự tìm hiểu trước khi mấy cái tờ báo của đế quốc bên ngoài nó phanh phui ra tùm lum chuyện trong nhà mình. Đằng này đồng chí phải chờ bên trên cho làm!. Vậy cái ghế của đồng chí là để ngồi chờ chăng. Đề nghị: đổi tên cái bộ phận Thanh tra Chính Phủ thành Thanh tra ngồi chờ Chính phủ. Nhất trí nhé.

2. Mà lỡ “bên trên” các đồng chí ấy bốc, hốt, tham ô, nhũng loạn rồi sao cà. Đồng chí ôm ghế ngồi chờ các bác hoạn quan ấy ra lệnh tìm hiểu, điều tra chăng? Chờ nhau chờ đến kiếp nào!? Kẹt cho đồng chí ghê!

3. Đồng chí phán rằng vụ này còn phức tạp, còn nhiều đoạn đường dài như phim bộ thế thì sao không mần sớm sớm, nhảy vào lẹ lẹ mà còn chờ gì nữa? À quên, chờ bên trên! Mà sao đồng chí chỉ đọc báo, không tìm hiểu, điều tra mà lại biết là “phức tạp”. Bộ có dính chùm nhiều “thằng lớn” nhễ?

4. Mà đồng chí đọc báo ở đâu để nắm rõ sự tình thế? Cho biết để nhân dân đọc với? Hay là đồng chí mày mò đọc về mấy cái vụ dơ dáy, làm nhục luôn cả nước này từ các báo / blog / mạng lề trái? He he, cho biết đi mà…

Mới nói có 1 câu mà hỏi đến 4 điều, thiệt tình!!!

Còn nữa. Khi được hỏi: “Nhưng theo ông, báo chí nước ngoài đăng như vậy mà cơ quan hữu quan trong nước không làm gì thì người dân có băn khoăn về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta không?“

Đồng chí cục trưởng lại chèo xuôi con nước đò ngang: “Dư luận người ta không chịu, nhưng cơ chế là như vậy“. Thiệt là bó tay chấm còm, bó chiếu đem chôn luôn á. Mà phải khen đồng chí 1 điều: đồng chí thiệt là thành thật. Có sao nói vậy. Cứ tưởng tượng nếu là đồng chí đang ngồi ở chiếu rượu thì đảm bảo câu nói ấy sẽ được đồng chí hát theo cơn men rằng: Dư luận nhân dân cái con mịa gì, làm điếu được chúng ông, luật là ta, đảng là ta, đất nước cũng là ta! Ai băn khoăn thì cứ băn khoăn, vào đảng mà không ăn thì vào làm quái gì! Không ăn nhiều (chứ không phải ăn không được) mới là điều băn khoăn trầm trọng của chúng tớ.

Khi được hỏi thêm: “Trước đây Thanh tra Chính phủ đã có đoàn vào thanh tra ngân hàng Nhà nước. Đoàn thanh tra có phát hiện được sai phạm gì liên quan đến vụ in tiền polymer không, thưa ông?“.

Cục trưởng trả bài: “Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn thanh tra do một phó tổng Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn thực hiện việc thanh tra rồi nhưng phạm vi chỉ đến thế. Trách nhiệm cày xới sâu hơn nữa thì phải do cơ quan điều tra. Theo tôi biết, cơ quan công an sau đó có vào cuộc, còn thông tin cụ thể thế nào tôi không nắm rõ.”

He he, cái này thì lại chơi trò “xiếc chữ”. Phạm vi chỉ đến thế!!! – thì nói đại là ở trên biểu làm cho qua loa, đừng có khui hũ mắm mà thối cả Ba Đình. Trách nhiệm cày sới sâu hơn!!! - thì cứ toạt móng heo ra mà nói bán cái qua cái đám công an còn đảng còn mình nó mần gì thì mần (mà có mần chi mô!). Đảm bảo nếu đi hỏi mấy đồng chí công an thì sẽ được trả lời rằng thì là “điều tra rồi nhưng phạm vi chỉ đến thế. Trách nhiệm kết luận như thế nào là của các đồng chí thanh tra chính phủ”. Đúng không nào?! Đồng chí còn nói thông tin cụ thể thế nào không nắm rõ. Vậy thì làm thanh tra để chi. Đi thanh tra tới “phạm vi chỉ đến thế” rồi đám khác điều tra ra sao thì kệ tía nó, tui hổng rõ. Mèn ơi!!!

Vậy đó. Cứ mỗi ngày, mỗi chuyện lại càng thấy rõ như ban ngày: chống cái quái gì! Tham nhũng đã trở thành bản chất chứ không còn là hiện tượng. Làm sao có thể chống lại chính mình đồng chí ơi!

Dân Làm Báo

danlambao1.wordpress.com

*

Liên quan đến vụ Securency – Thanh tra Chính phủ chưa được giao theo dõi vụ việc

SGTT.VN – Trước thông tin từ một số tờ báo của Úc về việc công ty Securency của nước này tài trợ học bổng cho con trai ông Lê Đức Thuý, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 25.1, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, phó tổng Thanh tra Chính phủ, cục trưởng cục Phòng chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) Mai Quốc Bình cho biết: hiện tại, đơn vị này chưa nhận được chỉ đạo phải theo dõi, tìm hiểu vấn đề gì về vụ việc trên.

Trước đây, khi có thông tin trên báo chí nước ngoài về vụ việc liên quan đến công ty Securency, Chính phủ hình như đã giao cho bộ Ngoại giao, bộ Công an liên lạc với phía nước ngoài để tiếp nhận thông tin, hồ sơ?

Tôi không được giao theo dõi vụ việc này nên không biết. Tôi chỉ đọc thấy trên báo thôi. Vụ này rất phức tạp, còn nhiều đoạn đường dài lắm và bên trên chưa cho làm…

Thanh tra Chính phủ có chức năng là đầu mối tổng hợp, theo dõi, nắm bắt về công tác phòng, chống tham nhũng. Vậy cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có thể chủ động gửi công văn yêu cầu ông Lê Đức Thuý giải trình vì việc này phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của cục?

Chính phủ chưa giao việc nên mình chưa thể tham gia. Việc này không tự nhiên mà làm được, phải theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

Nhưng theo ông, báo chí nước ngoài đăng như vậy mà cơ quan hữu quan trong nước không làm gì thì người dân có băn khoăn về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta không?

Dư luận người ta không chịu, nhưng cơ chế là như vậy.

Trước đây Thanh tra Chính phủ đã có đoàn vào thanh tra ngân hàng Nhà nước. Đoàn thanh tra có phát hiện được sai phạm gì liên quan đến vụ in tiền polymer không, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn thanh tra do một phó tổng Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn thực hiện việc thanh tra rồi nhưng phạm vi chỉ đến thế. Trách nhiệm cày xới sâu hơn nữa thì phải do cơ quan điều tra. Theo tôi biết, cơ quan công an sau đó có vào cuộc, còn thông tin cụ thể thế nào tôi không nắm rõ.

Mạnh Quân (thực hiện)

*

Nhật báo The Age của Úc hôm 24.1 cho biết các cơ quan pháp lý đã khẳng định việc công ty Securency đã chi trả học phí đại học cho một người con của ông Lê Đức Thuý, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1999 đến 2007. Securency đã thanh toán hàng chục ngàn đôla cho con ông Thuý học đại học Durham (Anh) từ nguồn quỹ đen. Quỹ đen khoảng 15 triệu USD này là hoa hồng chi trả vào các tài khoản Thuỵ Sĩ và Hong Kong mang tên ông “Anh Ngoc Luong” nhờ đã giúp Securency giành được hợp đồng cung cấp giấy in tiền cho Việt Nam trong những năm 2002 – 2009. Theo tờ The Age, Luong là một quan chức Việt Nam. Các nguồn tin của tờ The Age cũng cho biết, hãng tin AFP từ năm trước đã nêu câu hỏi với các quan chức của Securency về chuyện thanh toán học phí này và AFP cho rằng số tiền chuyển vào các tài khoản Anh Ngoc Luong sẽ được chuyển tiếp cho các quan chức Việt Nam khác và thân nhân của họ.

Nguồn tin này cũng cho biết, các lãnh đạo cấp cao của Securency trong những tiếp xúc riêng đã không thừa nhận có liên can đến vụ hối lộ giành hợp đồng cũng như việc trả học phí cho con ông Thuý.

QK

http://sgtt.vn/Thoi-su/136685/Thanh-tra-Chinh-phu-chua-duoc-giao-theo-doi-vu-viec.html

Các chi phí quốc phòng của Việt Nam cần được giám sát

Đoàn Hưng Quốc

Nhà nước Việt Nam đã có sự minh bạch khi công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2009 và ngân sách quốc phòng năm 2010.

Tuy nhiên, qua bài học đắt giá của Vinashin bị phá sản vì quản lý kém, với tình hình tham nhũng hối mại tràn lan từ ngành giáo dục đến các công ty quốc doanh, nhất thiết chi phí quốc phòng cũng cần phải được giám sát chặt chẽ để không bị thất thoát.

Ngân sách 2,7 tỷ USD cho năm 2010 cần được chi xài hữu hiệu từng đồng xu, nhất là trong hoàn cảnh các tranh chấp biển đảo không hề lắng dịu.

Khi Trung Quốc tung tin về máy bay tàng hình J-20 thì VN đã đáp trả với các ảnh chụp dàn hỏa tiễn phòng không tối tân nhất S300 PMU1 mua từ Nga, giá ước lượng 200 triệu USD.

Việt Nam lại có thể là khách hàng đầu tiên mua loại máy bay tàng hình T-50 do Nga và Ấn Độ phối hợp chế tạo, dự trù hoàn thành vào khoảng 2017-2019 với giá từ 80-100 triệu USD mỗi chiếc.

Việt Nam hiện đang đặt nhiều tàu trang bị hỏa tiễn, tàu ngầm và các chiến đấu cơ vô cùng tối tân của Nga trị giá hàng tỷ USD.

Để bảo vệ lãnh hải thì việc chi tiêu cho các trang cụ hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên mặt trái là các hợp đồng vũ khí thường đi đôi với những khoảng tiền hối mại khổng lồ, cho dù là từ Âu hay Á. Đặc biệt đối với bạn hàng Nga, là nước mà lề lối tham nhũng xoi mòn 40% GDP!

Người viết thiết nghĩ có những khía cạnh cần được thảo luận và giám sát – nhưng tựu trung là nhằm bảo đảm các chi phí lớn cho quốc phòng sẽ tăng cường an ninh quốc gia chớ không bị rơi rớt mất mát vào cá nhân hay phe nhóm:

Liệu Việt Nam có cần phải chạy đua vũ khí – khi láng giềng có máy bay tàng hình, hỏa tiễn, tàu ngầm chúng ta cũng phải có những thứ ngang bằng – hay còn có kế sách nào khác? Dĩ nhiên kẻ bán hàng lúc nào cũng rao mời các loại vũ khí hiện đại đắt giá nhất với nhiều hoa hồng béo bở.
Chi phí cho việc thực tập, sử dụng và bảo trì các loại vũ khí hiện đại rất cao; nếu không có sự chuẩn bị thì chẳng khác gì mua hoa kiểng để khoe khoang như bệnh hình thức mà chẳng dùng được việc gì.
Cuối cùng là phải có giám sát để các hợp đồng có tính cạnh tranh và không thất thoát vào những khoản chi tiêu mờ ám.
Thông tin về quốc phòng không thể đòi hỏi bạch hoá như các thông tin thương mại, trong hoàn cảnh chưa có cơ chế giám sát độc lập thì chỉ còn có thể trông cậy vào các thông tin rò rỉ[i] và sự theo dỏi tinh tế của các nhân sĩ trong và ngoài nước.

Đ.H.Q

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chuyện tô phở và lương giảng viên, công an

Hà Văn Thịnh

Đọc BBC, 21.1.2011, bài của Alastair Leithead, viết về chuyện ông ấy đi ăn tô phở có giá 35USD (tức gần 800.000 đồng) ở Hà Nội xong, tôi choáng váng và tự thề với chính mình rằng kể từ nay, phải lập thiền để minh định chính xác là mình còn chưa bằng con cóc ngồi đáy giếng, thực ra mình chẳng biết khu trời, đít bụt ở đâu, thành thử, lâu nay, về cơ bản, là chẳng hiểu chút chi chuyện đời, cứ nói như gã đang ăn ốc và… mò!

Alastair Leihead kể rằng ông “quyết tâm” đi ăn bằng được tô phở đắt nhất Việt Nam (có khi là cả thế giới) vì ông không nghĩ nó có nguyên liệu là thịt bò Kobe (Nhật Bản) nên đắt mà ông muốn biết ai có đủ tiền để ăn, tiền đâu mà ăn?... Câu chuyện kể tiếp rằng một nhân viên chính phủ thấy mình có lỗi khi ăn tô phở đắt chừng ấy và một Ủy viên Trung ương Đảng vội vàng chui vào chiếc xe Mercedes bóng lộn sau khi phát hiện có phóng viên nước ngoài nhìn thấy.

Cái tài của các nhà báo phương Tây là họ luôn phát hiện những vấn đề lớn từ những câu chuyện nhỏ. Phở thì bác Nguyễn Tuân đã bàn từ cái thời anh Ba D. chưa đi mẫu giáo nhưng từ cái chuyện phở để rồi xót xa, nước mắt giàn giụa không phải vì ớt cay thì có lẽ bác Nguyễn phải gọi Leihead là bậc thượng thừa.

Trường đại học nơi tôi công tác, nhận giảng viên (những người giỏi nhất) vào để đi dạy nhằm phát huy nền tảng dân trí, dân khí của nước nhà với lương khởi điểm là 1.290.000 đồng! Chỉ có trời mới biết được giảng viên làm sao sống nổi khi tiền thuê một căn phòng nhỏ nhất có thể là 500.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe, tiền ăn… Làm sao đọc sách cho yên, giảng bài cho tốt khi cái bụng cứ réo những câu khẩu hiệu nhàm chán, nhọc nhằn như có thực mới vực được đạo, cơm ăn một bát sao no? Một cựu sinh viện của tôi, được giữ lại trường hơn 10 năm, lương bây giờ là 2,4 triệu đồng. Thằng bạn cùng lớp với nó, học dốt thì đạt đến cỡ âu thâu rầu (ôi thôi rồi), vào làm công an, nay đeo lon thượng úy, lương hơn 4 triệu đồng – tức là bằng lương của tôi, người đã có 34 năm đứng trên bục giảng đại học!

Sự dối trá không phải tìm ở đâu xa – nó diễn ra ngay trước mắt chúng ta, xung quanh chúng ta. Tại sao lương công an cao vòi vọi còn lương của trí thức thì thấp lè tè, thấp hơn cả cái lai quần chị Dậu? Hỏi là đã trả lời vì nó minh bạch hóa một thực tế phũ phàng rằng coi trọng trí thức, phát triển giáo dục chỉ mãi là những khẩu hiệu rối rắm mà thôi. Nói “thương” (tội nghiệp) cho trí thức cũng chẳng khác gì chuyện dân gian: Một người vợ nghèo, đi làm về, đói bụng, ăn một tô phở xong, thương chồng quá nên mua cho anh ta hai củ khoai.

Chống tham nhũng ở đâu trong khi tại sao không đến quán phở 35USD để lườm ngang một chút? Những lời nói có cánh như bèo dạt, mây trôi, dân đen chúng tôi nghe quen và quá đủ rồi. Ban chống tham nhũng ở tất cả các địa phương trên cả nước có dám công khai tài sản cá nhân, có dám chứng minh rằng lương của một giảng viên đại học chỉ bằng số tiền trả cho một Ủy viên Trung ương ăn một tô phở rưỡi (trong trường hợp BBC không sai)? Tại sao có thể bịp bợm chương hồi, lì lợm khó tả và dối trá thì bền vững đến mức phải bàng hoàng?

Người dân biết nhiều lắm chứ không phải u mê như các ngài vẫn tưởng. Hãy đừng thay đổi bằng mồm mà, trước hết, hãy bắt đầu từ tô phở 35 USD. Bảo đảm rằng ngay cả người giàu khi ăn tô phở như thế cũng phải đắn đo nhiều lắm. Thế nhưng, các quan chức của ta, họ dễ ăn, dễ mặt dày mày hợm lắm, vì tiền của dân đóng góp, các vị cứ vơ vào và tiêu pha có cần phải tính toán gì đâu…

Huế, 24.1.2011.

H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Cái bánh dân chủ

Trần Huy Thuận



Gần đây, hai từ DÂN CHỦ được khá nhiều vị lãnh đạo nước ta nhắc đến. Đầu tiên có lẽ phải kể đến quan điểm khá cụ thể của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi ông đặt vấn đề về việc sửa đổi Hiến pháp: “Toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyếthay không?” (trong bài trả lời phỏng vấn Tuanvietnamnet.vn ngày 24/6/2010:http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap). Tiếp đến, là phát biểu có tính chất hứa hẹn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: “Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang trong suốt 65 năm qua, không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (http://dantri.com.vn/c21/s20-448987/chu-tich-quoc-hoi-tham-dai-tuong-vo-nguyen-giap.htm). Và ngay sau khi đắc cử cương vị mới, ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh: “Đây là dân chủ thực chất chứ không phải là “trình diễn với nhau cho có dân chủ”” 1.

Vậy, thực chất DÂN CHỦ là gì và làm thế nào để DÂN được thực thi một cách có hiệu quả QUYỀN LÀM CHỦ của mình theo đúng nghĩa mà Hồ Chủ tịch đã nói cách nay già nửa thế kỷ: “Mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân”?

DÂN CHỦ là CỤ THỂ, là THỰC TẾ, là HÀNH ĐỘNG chứ tuyệt đối không phải là lời nói suông – là cái bánh vẽ! Nhưng CÁI BÁNH DÂN CHỦ cũng không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn!

Muốn có DÂN CHỦ trước hết DÂN phải có TỰ DO. Tự do ở tất cả mọi mặt đời sống xã hội, như đi lại, cư trú, học hành, chăm sóc y tế; như thành lập hội đoàn, ngôn luận (Hồ Chí Minh nói: “Dân chủ là làm sao cho Dân mở miệng”), hội họp, biểu tình, tín ngưỡng,… Khuôn khổ duy nhất của tự do chỉ là QUYỀN LỢI DÂN TỘC, LỢI ÍCH VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA. Chỉ những gì vi phạm quyền lợi dân tộc, quyền lợi quốc gia mới gọi là LỢI DỤNG TỰ DO để chống lại nhân đân, chống lại Tổ quốc.

DÂN CHỦ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng dù trực hay gián thì cũng chỉ là hình thức. Và hình thức đó tùy thuộc bản chất cũng như mức độ quan trọng của từng vấn đề cụ thể. Không thể khẳng định HÌNH THỨC này dân chủ hơn HÌNH THỨC kia và ngược lại. Ví dụ: Trong bầu cử, thường dùng phương pháp “phổ thông đầu phiêu” – cử tri trực tiếp đi bầu. Lại có trường hợp cử tri bầu ra “đại cử tri”, đại cử tri thay mặt cử tri đi bầu các cơ quan quyền lực… Vấn đề cốt lõi là dân có thực sự được dùng lá phiếu của mình theo đúng nghĩa của nó không?

Dân muốn thật sự TỰ DO, thật sự DÂN CHỦ trước hết phải nâng cao DÂN TRÍ. Dân trí thấp, dân thiếu hiểu biết là trở ngại lớn nhất, trực tiếp nhất và nguy hại nhất đối với việc thực thi tự do và dân chủ (từ những năm đầu thế kỷ trước, dân ta đã được dạy rằng: “Khai dân trí, hậu dân sinh”)2. Nói “Mọi quyền lợi đều thuộc về Nhân dân” không đồng nghĩa với việc Dân trực tiếp làm tất cả. Làm mà thiếu hiểu biết, thậm chí không hiểu gì cả, thì còn tồi tệ và nguy hiểm hơn không làm! Lê-nin nói: “Ngu dốt công nhiệt tình cách mạng thành phá hoại”. Hồ Chí Minh cũng coi sự ngu dốt là một loại giặc, ngay những tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, người đã nêu cao khẩu hiệu “DIỆT GIẶC DỐT”. Nghĩa là việc NÂNG CAO DÂN TRÍ phải luôn đặt lên hàng đầu. Chỉ xét một việc cụ thể như xây dựng LUẬT: Một đạo luật nào đó trước khi ban hành đã được bao nhiêu cái đầu học giả, tiến sĩ có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực nghiên cứu soạn thảo, rồi lại được Quốc hội thảo luận, góp ý sửa đổi từng lời văn, từng dấu chấm câu, ấy vậy mà khi luật đi vào cuộc sống, vẫn có những SƠ HỞ, vẫn bị lợi dụng… Cuộc sống muôn màu, không một ai có khả năng bao trùm tất cả, hiểu biết tất cả. Việc Dân lựa chọn hình thức dân chủ gián tiếp (tự lựa chọn người đại diện cho mình, thay mặt mình, được mình uỷ quyền NÓI lên tiếng nói, nguyện vong, tâm tư… của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình) là hợp lý và nhất là trong môi trường dân trí chưa cao thì việc lựa chọn như thế lại càng quan thiết.

Như vậy, Dân thực hiện quyền dân chủ thông qua QUỐC HỘI – “NHỮNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN” của mình – là bình thường, thậm chí cần thiết, trừ phi người đại diện đó có hành vi phản bội; trừ phi Quốc hội đối lập với Nhân dân! Vậy vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ: Dân có thực sự được tự do lựa chọn người đại diện của mình hay không, người đại diện đó có thực sự hành động vì Dân hay không, Quốc hội được hành động ĐỘC LẬP hay bị phụ thuộc?!

Dân còn thực sự LÀM CHỦ, khi CHÍNH QUYỀN là CÔNG CỤ của Dân. Nói rộng ra, tất cả các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đều THỰC SỰ của Dân, do Dân, vì Dân. Nghĩa là các cơ quan này chỉ được làm những gì có lợi cho Dân, cho Nước, tuyệt đối không vì lợi ích nào khác. Một khi Dân không đồng tình thì các cơ quan đó cần bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chính sách cũng như việc làm của mình chứ không phải cả tiếng chụp cho Dân cái mũ “lợi dụng dân chủ”. “Chụp mũ” là một hành vi CỬA QUYỀN, LỢI DUNG CHỨC QUYỀN, LỘNG QUYỀN chống lại quyền và lợi ích chính đáng của Dân.

Chính quyền muốn thực sự là công cụ của Dân, phải công khai chương trình hành động trước Dân, để Dân – và người đại diện của Dân – có thể kiểm tra giám sát hoạt động của mình. Cán bộ chính quyền ở cấp cao đến mấy, cũng vẫn chỉ là người LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG CỦA DÂN, PHỤC VỤ DÂN. Tám chục năm Dân theo Đảng làm Cách mạng, không ngoài mục đích xoá bỏ chế độ ăn trên ngồi trốc, bóc lột, hà hiếp, đè nén, áp bức, nhũng nhiễu Dân. Không có lý gì lại cứ để tồn tại mãi tình trạng “hành dân là chính”.

Tóm lại, nếu hình tượng DÂN CHỦ là CÁI BÁNH của chung mọi người, thì phải hiểu rằng, cái “bánh” đó không phải là cái bánh dễ làm, càng không phải là cái bánh dễ ăn! Việc thực thi nó phải ở cả hai phía, Dân và Chính quyền của Dân. Phải bằng HÀNH ĐỘNG chứ không phải bằng LỜI NÓI SUÔNG! Dân chủ trên giấy tờ là DÂN CHỦ HÌNH THỨC. Dân chủ mà không có TỰ DO là DÂN CHỦ GIẢ HIỆU! Chỉ hô hào DÂN CHỦ mà không chú trọng việc NÂNG CAO DÂN TRÍ, là MỊ DÂN!

T. H. T.

Nguồn: Nguyentrongtao

Trung Quốc cảnh báo Asean về Biển Đông

Bà Đồng Hiểu Linh nói Asean không nên sợ Trung Quốc


Đại sứ Trung Quốc tại Asean cảnh báo khối Đông Nam Á không nên để chủ đề Biển Đông làm xấu quan hệ giữa hai bên.

Báo The Straits Times của Singapore dẫn lời Đại sứ Đồng Hiểu Linh nói một số thế lực đang muốn tranh chấp lãnh thổ Biển Đông trở thành cái gai trong quan hệ giữa Trung Quốc và Asean, nhưng Trung Quốc hy vọng các nước Asean sẽ không để bị lôi kéo.

"Chúng ta cần cẩn trọng, nhất là khi các thế lực có mưu đồ biến chủ đề này thành chướng ngại vật trong quan hệ Trung Quốc - Asean".

Bà Đồng cảnh báo: "Làm lớn chuyện này không có lợi cho ai cả".

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp quan trọng tại Côn Minh vào thứ Ba 25/01.

Giới phân tích cho rằng phát biểu của bà Đồng Hiểu Linh nhằm ám chỉ Hoa Kỳ, sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi các bên tìm giải pháp cho vấn đề Biển đông và nói an toàn hàng hải là quan tâm quốc gia của Mỹ hồi năm ngoái.

Bà Đồng cũng lặp lại quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp với từng nước trên cơ sở song phương.

Bà nói đây không phải vấn đề giữa Trung Quốc và cả khối Asean, và không thể để nó chen vào nghị sự cuộc họp nhân 20 năm đối thoại Trung Quốc- Asean.

Đại sứ Trung Quốc nói với các phóng viên Việt Nam và Singapore tại một cuộc họp báo: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng hội nghị sắp tới không phải về chủ đề Biển Đông".

Bà cho hay các Ngoại trưởng họp tại thủ phủ tỉnh Vân Nam sẽ bàn về tự do thương mại, an ninh phi truyền thống và trao đổi xã hội.

Theo bà, người dân các nước Đông Nam Á còn có nhiều sự hiểu lầm về Trung Quốc.

"Phải làm sao để (các nước Asean) thấy rằng chúng ta là cùng hội cùng thuyền".

"Để cho họ không sợ Trung Quốc, dù rằng chúng tôi là nước lớn và phát triển vô cùng nhanh chóng".

Khả năng xung đột

Trung Quốc là nước lớn và mạnh nhất về cả kinh tế và quân sự nên cách tiếp cận này sẽ cho phép Bắc Kinh chế ngự các nước láng giềng yếu hơn và gây chia rẽ trong Asean.

Phân tích gia Michael Richardson

Trong khi đó, cũng báo The Straits Times đưa ra cảnh báo về khả năng xung đột Biển Đông sẽ bùng nổ.

Trong một bài phân tích của tác giả Michael Richardson từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, cây bút này viết rằng sự chần chừ của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Tác giả Richardson phân tích rằng hiện tình hình giao thương giữa Asean và Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp, sau một năm thực hiện tự do thương mại, ngân sách buôn bán hai bên nay đạt gần 293 tỷ đôla trong năm 2010.

Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Asean.

Theo bài viết trên Straits Times, trong khi kinh tế sẽ được Trung Quốc thúc đẩy như chủ đề chính tại cuộc họp, các nước Asean vẫn có thể muốn đề cập tới vấn đề Biển Đông và như vậy, tranh cãi sẽ lại nổ ra.

"Tuy Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về cách ứng xử ở Biển Đông với Asean, nước này vẫn không chịu bàn về Quy tắc ứng xử chung với Asean mà chỉ muốn đàm phán với từng nước một".

Tác giả nhận định: "Trung Quốc là nước lớn và mạnh nhất về cả kinh tế và quân sự nên cách tiếp cận này sẽ cho phép Bắc Kinh chế ngự các nước láng giềng yếu hơn và gây chia rẽ trong Asean".

Theo cây bút này, chính sách của Trung Quốc có hiệu quả khi mà một số nước Đông Nam Á không vướng vào tranh chấp Biển Đông đã tỏ ra ngại ngần trong việc tham gia bất cứ động thái nào có thể làm mất lòng nước lớn.

Indonesia, quốc gia Chủ tịch Asean năm nay, đã cố gắng tìm đột phá về Quy tắc ứng xử Biển Đông, nhưng cho tới nay vẫn chưa thành công.

Hôm 05/01, trong bài viết trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo, bình luận gia quen thuộc Lý Hồng Mai lại tiếp tục khẳng định: "Biển Đông liên quan tới chủ quyền của Trung Quốc, bởi vậy luôn là chủ đề nóng".

Theo cây viết Richardson, xung quanh quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh hiện đang trong vị thế yếu hơn so với các quốc gia tranh chấp khác.

"Tuy nhiên, thái độ ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực quan ngại rằng, một lúc nào đó nước này sẽ dùng vũ lực để chiếm những gì không thể giành được qua đàm phán".



Nguồn: BBC

Đại hội xong rồi…thì sao

Nguyễn Hưng Quốc – … Lần này thì không. Báo chí chỉ loan tin được một hai ngày, chủ yếu là tường thuật ngày cuối cùng của đại hội. Và tóm tắt tiểu sử của các ủy viên mới của Bộ Chính trị. Đâu đó, có một bài định ca tụng tân Tổng bí thư về việc ông lái xe gắn máy đi thăm thầy cũ; nhưng ngay sau đó, bị giới blogger quạt lại ngay: Nhảm nhí!..

*

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã kết thúc được hơn một tuần. Nhìn lại, theo tôi, có một điều không-đáng-ngạc-nhiên và một điều rất đáng ngạc nhiên.

Chuyện không đáng ngạc nhiên là kết quả bầu cử trong đại hội. Trước, đã có tin đồn Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang sẽ là hai thế lực lớn trong đảng và trong chính quyền. Đại hội đã xác nhận điều đó. Kết quả bầu cử Bộ Chính trị được công bố vào buổi lễ bế mạc đại hội bao gồm 14 người theo thứ tự số phiếu được bầu:

1. Trương Tấn Sang
2. Phùng Quang Thanh
3. Nguyễn Tấn Dũng
4. Nguyễn Sinh Hùng
5. Lê Hồng Anh
6. Lê Thanh Hải
7. Tô Huy Rứa
8. Nguyễn Phú Trọng
9. Phạm Quang Nghị
10. Trần Đại Quang
11. Tòng Thị Phóng
12, Ngô Văn Dụ
13. Đinh Thế Huynh, và
14. Nguyễn Xuân Phúc.

Theo bản danh sách này, người được nhiều phiếu nhất là Trương Tấn Sang, thứ nhì là Phùng Quang Thanh và thứ ba là Nguyễn Tấn Dũng. Riêng Nguyễn Phú Trọng thì đứng hạng thứ tám; chỉ cao hơn một người duy nhất trong các ủy viên Bộ Chính trị khóa trước được tái cử: Phạm Quang Nghị (thứ 9). Năm người đứng cuối danh sách đều là các ủy viên mới. Tuy nhiên, mặc dù được số phiếu thấp như vậy, Nguyễn Phú Trọng vẫn là Tổng bí thư. Như đã được “cơ cấu” từ trước. Không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Chuyện đáng ngạc nhiên là không khí im ắng một cách kỳ lạ sau đại hội. Thường, sau mỗi kỳ đại hội hay bầu cử với những thay đổi quan trọng như vậy, người ta thấy báo chí Việt Nam làm ầm ĩ một thời gian khá lâu. Ầm ĩ về những thành quả của đại hội. Ầm ĩ về những gương mặt mới sau đại hội, nhất là gương mặt mới ấy lại là Tổng bí thư, người đóng vai trò đầu đàn, có quyền lực và ảnh hướng lớn nhất trong đảng. Cuối cùng, ầm ĩ về những hứa hẹn, về những viễn ảnh huy hoàng sắp tới.

Lần này thì không. Báo chí chỉ loan tin được một hai ngày, chủ yếu là tường thuật ngày cuối cùng của đại hội. Và tóm tắt tiểu sử của các ủy viên mới của Bộ Chính trị. Đâu đó, có một bài định ca tụng tân Tổng bí thư về việc ông lái xe gắn máy đi thăm thầy cũ; nhưng ngay sau đó, bị giới blogger quạt lại ngay: Nhảm nhí! Chuyện đó xảy ra cả mười năm rồi, lúc Nguyễn Phú Trọng còn làm bí thư Thành ủy Hà Nội chứ không phải sau khi ông mới lên làm Tổng bí thư.

Thế là im.

Sự im ắng như vậy rất đáng ngạc nhiên. Xin lưu ý là chưa bao giờ trong Bộ Chính trị lại có nhiều người từng công tác trong lãnh vực văn hóa tư tưởng như lần này. Tổng cộng có bốn người: Nguyễn Phú Trọng từng là Tổng biên tập tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa đang là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh hiện là Tổng Biên tập báo Nhân dân và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; và Phạm Quang Nghị từng là Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin. Trong Ban chấp hành Trung ương cũng có nhiều người từng hoạt động trong lãnh vực này, như: Trần Văn Hằng và Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Lực lượng tuyên truyền đông đảo như vậy mà sao không khí sau đại hội lại im ắng đến thế?

Hay họ không có chuyện gì để nói với dân chúng sau khi đại hội kết thúc?

Mà không chừng đó là sự thật.

Ở các nước khác, sau mỗi kỳ bầu cử, khi những người lãnh đạo cao nhất được thay thế, không những giới quan sát chính trị mà cả quần chúng cũng tò mò nghe ngóng theo dõi tính cách cũng như các chính sách mới, những điều sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia cũng như đời sống của từng công dân cụ thể.

Ở Việt Nam thì khác. Đại hội xong, bầu bán xong, mọi thứ đều trở lại như cũ. Có lẽ không có ai, trừ những người trực tiếp liên hệ đến các cuộc bầu bán ấy, ví dụ những người thắng cử và những người thất cử, thực sự quan tâm. Mọi người đều biết, cuối cùng, không có gì thay đổi cả. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, người ta thường gọi tên các tân Tổng bí thư hay các Đại hội đảng như thế là Vũ Như Cẩn hay Nguyễn Y Vân.

Có lẽ lý do đơn giản là, trong lãnh vực chính trị, việc thay đổi nhân sự chưa đủ. Ở người lãnh đạo, có hai khía cạnh quan trọng nhất: tính cách và chính sách. Trong hai khía cạnh ấy, yếu tố quan trọng nhất là chính sách chứ không phải tính cách. Đã đành tính cách có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách, tuy nhiên, một chính sách ở tầm quốc gia thường được định hình từ nhiều yếu tố khác hơn là sở thích của người lãnh đạo. Những yếu tố ấy bao gồm triết lý lãnh đạo của đảng cầm quyền, thực lực mà người ta đang có, những tính toán lợi hại mang tính thuần lý và hoàn toàn duy lợi, vai trò của bộ tham mưu, và áp lực của các nhóm vận động hành lang từ quốc gia đến quốc tế, v.v…

Ở Việt Nam, trong các yếu tố kể trên, yếu tố quan trọng nhất là triết lý hay ý thức hệ của đảng cầm quyền. Không thể nào có được một chính sách có ý nghĩa cách mạng ra đời nếu ý thức hệ cộng sản không được thay đổi. Mọi chính sách mới, nếu có, dù xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí đến mấy, cũng đều có tính chất vá víu khi nền tảng ý thức hệ của chế độ vẫn còn nguyên vẹn. Kinh tế sẽ tiếp tục èo uột khi tiền bạc của chính phủ cứ đổ vào các thùng không đáy là công ty, xí nghiệp quốc doanh. Dân chủ tiếp tục chỉ là một lời hứa hão khi quyền tự do ngôn luận bị chà đạp. Tham nhũng cũng như khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục tăng vọt khi đảng tiếp tục nằm ngoài và nằm trên luật pháp, v.v…

Gắn liền với ý thức hệ, ở Việt Nam, còn có vấn đề cơ chế. Lâu nay, nhiều người đã từng phân tích và nhiều lãnh đạo đã từng than thở, là cơ chế chính quyền Việt Nam làm vô hiệu hóa mọi nỗ lực đổi mới đất nước. Trong cái gọi là cơ chế ấy, có nhiều vấn đề nổi bật như quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm (trong đó hầu hết những người có quyền lực cao nhất thì lại không phải chịu trách nhiệm gì cả!), và đặc biệt, quan hệ giữa đảng và chính quyền cũng như quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, v.v…

Ngày trước, Phạm Văn Đồng từng than thở là, với tư cách Thủ tướng, ông không có quyền gì trong bộ máy nhân sự của chính phủ, ngay ở cấp địa phương. Gần đây, Nguyễn Tấn Dũng cũng than thở tương tự. Cuối nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, có lẽ ông cũng lại than thở y như vậy nếu cái cơ chế ấy không thay đổi.

Nhưng cơ chế không thể thay đổi nếu ý thức hệ không thay đổi. Mà khi cơ chế và ý thức hệ không thay đổi thì những thay đổi về nhân sự chẳng có ý nghĩa gì cả.

Nó chỉ giống việc thay đổi diễn viên trong một màn kịch cũ.

Ở Việt Nam, đó lại là một màn kịch dở ẹc.

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/dai-hoi-xong-roi-thi-sao-01-26-2011-114658854.html

Tham vọng của Trung Quốc qua đường tàu tốc hành xuyên Đông Nam Á

Trong một khu vực đang có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ, Trung Quốc muốn lôi kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình, trong đó Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo…

Tham vọng đường sắt tốc hành xuyên Đông Nam Á của Bắc Kinh

Thụy My – Một bài báo trên tờ The Economist tuần này với tựa đề “Hội nhập Đông Nam Á, Trung Quốc đưa đường xe lửa xuống phía nam » đã nhấn mạnh đến lợi ích to lớn của Bắc Kinh khi tuyến đường sắt tốc hành xuyên Đông Nam Á được hình thành. Với hình minh họa là một chú gấu trúc điểu khiển đầu máy, điểu khiển một đoàn tàu đang lao xuống, sau lưng là mấy chú cọp, tuần báo kinh tế nhận định là việc bùng nổ giao thông đường sắt hứa hẹn sẽ gắn kết các nước Đông Nam Á lại với nhau, và nâng cao thế mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Theo The Economist, tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở biên giới nước mình, mà nước này đang mong muốn kéo dài tuyến đường sắt đi qua các nước Đông Nam Á. Cường quốc lớn nhất khu vực ngay từ thập niên 90 đã mơ đến một tuyến đường xe lửa nối liền Singapore với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Mạng lưới hỏa xa trong khu vực lâu nay vốn cũ kỹ, chắp vá và thiếu đầu tư. Hầu hết hàng hóa luân chuyển được chuyên chở bằng tàu hàng hay tàu thủy, nhưng tiêu tốn nhiều xăng dầu, và một tuyến đường sắt xuyên suốt có thể là một giải pháp hữu dụng.

Và thế là Bắc Kinh nhảy vào với tiền bạc rủng rỉnh trong hầu bao. Trung Quốc vừa ký thỏa thuận xây các tuyến đường sắt mới với Lào và Thái Lan, và đang chuẩn bị kéo dài mạng lưới hỏa xa nội địa từ Côn Minh sang đến biên giới Trung – Lào. Các tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, sẽ mang lại những lợi ích khổng lồ. Hầu hết các quốc gia mà tuyến đường này đi qua có thể háo hức nối gót nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc, hy vọng rằng thương mại sẽ tăng theo. Hiệp định tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực cách đây một năm, đã cắt giảm thuế quan cho đa số hàng hóa, và khu vực này vẫn còn nhiều tài nguyên thiên nhiên mà Bắc Kinh đang thèm muốn.

The Economist nhận định, trong một khu vực đang có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ, Trung Quốc muốn lôi kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình, trong đó Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo. Việc nối dài đường xe lửa sang Miến Điện vốn có hệ thống hỏa xa rộng lớn nhưng đang rệu rã, đối với Bắc Kinh, là mở ra một cánh cửa sang Ấn Độ Dương đầy hứa hẹn. Một mục tiêu khác là trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, với tỉnh Vân Nam làm trung tâm, sẽ làm tăng sức mạnh kinh tế cho vùng tây nam.

Lâu nay đã có những chuyến tàu con thoi giữa Trung Quốc và Việt Nam, vốn có sẵn tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tuyến hỏa xa mới sẽ mở ra khả năng cho một con đường vòng phía đông đến Đông Nam Á, đi qua Cam Bốt và Thái Lan. Cả hai nước đều thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, một nhóm nước được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Miến Điện. Theo ADB, cần 1,1 tỉ đô la để xây dựng các tuyến còn thiếu dọc theo con đường này, giúp kết nối các nước trong khu vực lại với nhau với chi phí rẻ nhất. Thêm vào đó là khoảng 7 tỉ đô la nữa để nâng cấp các tuyến hiện có và các đầu máy. Vào năm 2014 khi được đưa vào hoạt động, con đường này sẽ vận chuyển khoảng 7 triệu tấn hàng hóa từ các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, và khối lượng này sẽ tăng lên 26 triệu tấn vào năm 2025. Các nước này thuộc Tiểu vùng đã ủng hộ kế hoạch trên.

Nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng làm đảo lộn dự tính. Hồi tháng 12, Lào cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt tốc hành trị giá 7 tỉ đô la, từ biên giới nước này đến thủ đô Vientiane, theo dự kiến sẽ được khởi công vào tháng tư. Trong khi đó Thái Lan cũng thương lượng để xây một tuyến đường Nam – Bắc với vốn vay từ Trung Quốc. Các viên chức ADB đang băn khoăn về ý nghĩa của tuyến đường này so với con đường nối liền Việt Nam – Cam Bốt.

Trên giấy tờ thì con đường Lào – Thái ngắn hơn, nhưng lại đi qua vùng đồi núi hiểm trở, với 190km đường hầm, hơn nữa tại Lào còn đầy bom chưa nổ từ thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng điều này không cản được bước tiến của một quốc gia muốn đưa đường tàu lên tận cao nguyên Tây Tạng.

Còn ở Thái Lan thì rủi ro lại mang màu sắc chính trị. Để tránh đụng chạm với tập đoàn nhà nước vốn hùng mạnh và thủ cựu, chính phủ Thái đề nghị xây dựng tuyến mới chạy song song với tuyến đường sắt cũ, sử dụng kỹ thuật Trung Quốc. Một định chế Trung – Thái sẽ thuê đất của công ty đường sắt quốc doanh và tự xây dựng các ga riêng. Tuyến đường này sẽ chạy ngang vùng đông bắc nghèo khó đang bất mãn, giúp cho nền kinh tế địa phương có cơ phát triển. Tàu khách có thể đạt vận tốc 200km/h, các toa tàu hạng sang dành đưa du khách đến các nước khác. Nhưng việc hợp tác với Bắc Kinh cần được Quốc hội thông qua, mà trong tình trạng chính trị Thái không ổn định, sắp có bầu cử trong năm nay, điều này không lấy gì làm chắc chắn.

Theo The Economist, tuy khách du lịch có thể chú ý đến tuyến tàu tốc hành đi Trung Quốc, nhưng việc hiện đại hóa chủ yếu nằm ở tàu hàng. Trao đổi thương mại giữa các nước ASEAN tăng trưởng nhanh hơn là xuất khẩu sang các nước phát triển. Gần ¼ xuất khẩu của Thái Lan là sang các nước Đông Nam Á, trong đó có khoảng 11% sang Trung Quốc. Vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa hiệu quả và ít ô nhiễm hơn xe tải. Một chuyên gia của ADB ước tính rằng đường sắt từ Bangkok đến Phnom Penh có thể cắt giảm chi phí vận chuyển so với bằng tàu thủy hoặc đường bộ đến 2/3.

Bài báo kết luận, ngay nếu không có mạng lưới đường sắt, các nước trong khu vực đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn. Đường sá đang được nâng cấp, các thủ tục hải quan hiện nay đã bớt quan liêu so với trước.

Trích nguồn RFI

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110123-tham-vong-cua-trung-quoc-qua-duong-tau-toc-hanh-xuyen-dong-nam-a