Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Tại sao Hồ Cẩm Đào chịu nhún?

Posted by Báo Dân


Ngô Nhân Dụng – Đây là một bài học cho những người cầm quyền ở Việt Nam: Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cách đối xử cứng rắn có hiệu quả hơn là mềm mỏng. Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào sang Washington kết thúc, ông Hồ chịu thua trên hai mặt trận.

Về chính trị, ông Hồ thú nhận với những lời lẽ nhún nhường, rằng Trung Quốc còn phải cố gắng thêm về nhân quyền. Về mặt kinh tế, ông Barack Obama đem lại cho các công ty Mỹ những hợp đồng thương mại trị giá 45 tỷ đô la, sẽ tạo ra thêm 235,000 công việc. Trong khi đó chính phủ Mỹ không đưa ra một nhượng bộ nào cả. Có thể nói, trận đá bóng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc suốt năm 2010 đã đưa tới kết quả Mỹ 2, Trung Quốc 0.


Trong lúc ông tổng thống Mỹ mang bộ mặt cứng rắn, các đại biểu quốc hội vẫn công khai đòi Trung Quốc phải tăng hối suất đồng nhân dân tệ, phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, phải tôn trọng tác quyền của các hãng General Motors, Boeing, Microsoft hay các nhà sản xuất phim bên Mỹ, cả một bảng liệt kê những đòi hỏi từ trước tới nay, không thay đổi. Ông Hồ phải gặp riêng các lãnh tụ hai đảng ở quốc hội Mỹ, cho thấy ông không muốn bị chất vấn trước đám đông. Nhưng sự kiện này cho thấy ông phải công nhận tại nước Mỹ ông tổng thống không có toàn quyền như vị chủ tịch nước Trung Hoa. Nhất là khi Hạ Viện Mỹ do một đảng đối lập với Toà Bạch Ốc chiếm đa số. Quốc gia nào thương thuyết với Mỹ cũng phải biết như vậy. Vì thế, ông Hồ Cẩm Đào đã phải chịu nhún mặc dù trong suốt năm ngoái đã bị Mỹ tấn công trên nhiều mặt.

Từ đầu năm 2010, chính phủ Mỹ đã bắt đầu tấn công, trên cả hai mặt ngoại giao và kinh tế. Trên các diễn đàn quốc tế, ngay tại Singapore và Hà Nội, các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao tuyên bố ủng hộ lập trường các nước Đông Nam Á trong các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh phản đối ầm lên nhưng vẫn phải nhún. Họ chịu tiếp ông Robert Gates mặc dù trước đó năm ngoái đã cấm cửa ông vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Khi Bắc Hàn gây hấn với Nam Hàn, Mỹ đã đá trái banh cho Trung Quốc phải lo giải quyết với Kim Chính Nhật, trong khi vẫn củng cố quan hệ quân sự với Nam Hàn. Bà Hillary Clinton đã tuyên bố thẳng những bất đồng ý kiến với Bắc Kinh, về nhân quyền, về đồng nhân dân tệ giá quá thấp, về cán cân thương mại thiếu cân bằng, vân vân, ngay trước khi ông Hồ tới Mỹ. Ít có một chính phủ nào chuẩn bị tiếp một quốc khách với thái độ cứng rắn như vậy. Ngay trong các cuộc gặp gỡ ở Toà Bạch Ốc, ông Obama phản đối việc bỏ tù ông Lưu Hiểu Ba, người mà bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Hoa bôi xấu thậm tệ sau khi ông được giải Nobel Hòa Bình. Ông Obama đã lấy ngay khẩu hiệu “Xã hội Hài Hòa” của ông Hồ Cẩm Đào để dậy dỗ rằng “Lịch sử cho thấy các xã hội sống hài hòa hơn, các quốc gia thành công hơn, thế giới công bằng hơn khi các quyền lợi và bổn phận của tất cả mọi quốc gia và mọi con người được tôn trọng.” Một ông tổng thống trẻ, của một quốc gia trẻ mới hơn 200 tuổi, đã “lên lớp” vị chủ tịch một nước với hơn một tỷ dân và 5000 năm văn hiến; đó là một hành động thách đố rõ ràng.

Trên mặt kinh tế, Bộ Tài chánh Mỹ và các đại biểu quốc hội cùng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải nâng giá đồng tiền của họ và chịu để cho các công ty của họ nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Ngay trong lúc tiếp ông Hồ Cẩm Đào, ông Obama cũng than phiền chính phủ Bắc Kinh đã đem tiền mua 200 tỷ đô la ra để cố ý giữ giá đồng tiền của họ thấp mãi. Chính phủ Mỹ có một thứ vũ khí để đe dọa Bắc Kinh trong vấn đề này là dùng Báo cáo của Bộ Ngoại giao cho quốc hội, phê bình Bắc Kinh đã dìm giá đồng tiền của họ một cách không ngay thẳng. Khi nhận được báo cáo đó, quốc hội Mỹ có thể làm luật đặt ra những hàng rào ngăn chặn bớt hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Cuộc tấn công của các ông Barack Obama, Robert Gates và bà Hillary Clinton trong một năm qua đã có kết quả. Ông Hồ Cẩm Đào xuống nước. Ông chính thức thú nhận trong cuộc họp báo chung rằng “Trung Quốc còn phải hành động nhiều hơn trên vấn đề nhân quyền!” Hai chữ “nhân quyền” xưa nay vẫn là những chữ cấm kỵ trong ngôn ngữ ngoại giao của Bắc Kinh. Mỗi khi có ai đặt vấn đề nhân quyền là họ giẫy nẩy lên, lập tức lớn tiếng phản đối, sẽ tố cáo người ta đang can thiệp vào chuyện nội bộ giữa chính phủ và người dân trong nước họ. Nhưng lần này, chính ông Hồ Cẩm Đào chịu thú nhận trong nước Trung Hoa có vấn đề đó và chính phủ của ông còn thiếu sót chưa làm đủ. Và nói điều đó trước công chúng, sau khi bị nhà báo đặt câu hỏi lần thứ hai, và phải nhận lỗi đã không trả lời trước vì không được thông dịch!
Tại sao ông Hồ Cẩm Đào chịu nhún nhường như vậy? Vì những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải biết rằng nếu việc bang giao giữa hai nước căng thẳng thì Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ. Từ 30 năm nay, từ khi ông Đặng Tiểu Bình đi thăm nước Mỹ lần đầu, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn đặt câu hỏi: Giữa Mỹ và Trung Quốc ai cần ai hơn? Thời 1979 khi ông Jimmy Carter tiếp ông Đặng Tiểu Bình, họ cho là Trung Quốc cần Mỹ hơn, cán cân chênh lệch 70 – 30 nghiêng về phía Mỹ. Trong những năm 2007 đến 2009, khi nước Mỹ rơi vào hai cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế, Bắc Kinh cho là đã lập được thế cân bằng, 50 – 50, hai bền đều cần đến nhau. Nhưng thái độ nhún nhường của ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến đi này cho thấy họ có thể thấy họ cần Mỹ hơn là Mỹ cần họ, mặc dù bên nào cũng có lợi nếu hai nước giao hảo. Không những chịu nhượng bộ công khai về vấn đề nhân quyền, ông Hồ Cẩm Đào còn nói rằng Trung Quốc và Mỹ phải cộng tác với nhau trong các vấn đề ở Vòng đai Thái Bình Dương. Trong đó, chắc chắn có vùng các quần đảo ở Đông Nam Á! Trước đây 6 tháng, Bắc Kinh còn nạt nộ rằng Mỹ là kẻ đứng ngoài, không được phép chen chân vào “việc nội bộ” giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng này!

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rõ thực lực của họ. Khi ông Gorbachev chịu nhượng bộ Mỹ trong những năm 1988, 89, chính ông ta biết rõ thực lực của Liên bang Xô viết hơn tất cả các cơ quan tình báo Tây phương. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang được “tiêm thuốc bổ” để tiếp tục lớn lên với những món tiền ngân hàng của nhà nước đưa cho các xí nghiệp vay mà không cần sinh lời. Tình trạng đó không thể kéo dài mãi được. Tình trạng chênh lệch giầu nghèo giữa thành phố và nông thôn cũng không thể kéo dài mãi. Nạn lạm phát đang đe dọa là hậu quả của chính sách bơm tiền vào kinh tế mà không gia tăng hiệu năng sản xuất; lạm phát sẽ còn lên cao nữa, giống như tình trạng ở Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế tăng trưởng một cách giả tạo theo lối kinh tế chỉ huy có thể sẽ vỡ ra nếu lạm phát tiếp tục lên mà việc xuất cảng bị đình trệ. Trung Quốc còn may mắn và giỏi hơn Cộng sản Việt Nam vì cán cân thương mại của họ vẫn thặng dư, nhưng điều đó tùy thuộc vào việc xuất cảng sang Mỹ và các nước Tây phương khác. Âu châu đang lo suy thoái chưa có đường gỡ ra; chỉ còn khối người tiêu thụ ở Mỹ có thể tiếp tục mua hàng. Chính phủ Trung Quốc biết phải bảo vệ thị trường ngon lành này. Không phải chỉ có nền kinh tế Trung Quốc cần việc giao thương ổn định, mà chính vận mạng của chế độ cũng tùy thuộc vào đó. Người dân sẽ không thể chịu đựng sống dưới một chế độ độc tài mãi khi lạm phát làm cho đồng lương họ lãnh về mất giá trị.

Hơn nữa, giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải cũng biết sức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ “đụng trần” khi việc bơm tiền vào như chích thuốc bổ dần dần mất hiệu lực. Kinh tế nước Trung Hoa phải thay đổi cơ cấu nhiều hơn. Đồng thời, phải cho người dân được tự do lên tiếng và tham dự vào công việc quốc gia nhiều hơn, để những nỗi bất mãn có con đường bộc lộ và chuyển hóa, thay vì chờ ngày bùng nổ. Vì vậy, gần đây ông Ôn Gia Bảo đã loan báo trước công chúng rằng kinh tế nước ông không thể tiến bộ nếu không cải tổ chính trị. Khi ông Hồ Cẩm Đào nói ông còn phải nỗ lực thêm về vấn đề nhân quyền, đó là một sự thật, đó là nhu cầu của hơn một tỷ người Trung Hoa. Liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó không, hay là họ sẽ bị giới bảo thủ trong đảng ngăn cản? Chúng ta phải chờ tương lai mới biết.

Nhưng quả thật ông Hồ Cẩm Đào đả chịu nhún. Cho nên đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên mặt ngoại giao, bài học đó là: Đối với chính quyền Trung Quốc, mềm mỏng sẽ bị họ khinh thường; cứng rắn có hiệu quả tốt. Khi ông Obama mới gặp đã nói thẳng với ông Hồ Cẩm Đào về việc giam giữ Lưu Hiểu Ba, đồng thời lại than phiền về cán cân thương mại chênh lệch; điều đó cũng chẳng khác gì một người lãnh đạo chính quyền ở Hà Nội tố cáo thẳng thừng việc các ngư dân Việt Nam bị bắt cóc và cướp bóc, đồng thời than phiền rằng hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập giết chết các xí nghiệp Việt Nam.
Chỉ có điều là ông Obama dám nói. Còn giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thì không. Barack Obama dám nói vì địa vị tổng thống của ông tùy thuộc lá phiếu của dân Mỹ chứ không lệ thuộc vào sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh. Những người cầm đầu chính quyền cộng sản Việt Nam có dám suy nghĩ như vậy hay không?

Barack Obama dám nói, vì ông có thể dùng mối đe dọa của quốc hội, một định chế có thế lực ngang hàng với ông. Việc quốc gia không phải là độc quyền của một chính phủ hay một đảng. Quốc hội Mỹ có quyền cắt ngân sách khiến chính phủ không thể thi hành các chính sách của mình. Ông tổng thống phải lắng nghe ý kiến của dân, và các đại biểu quốc hội cũng vậy. Khi tới Mỹ, ông Hồ Cẩm Đào phải gặp cả ông tổng thống lẫn các người lãnh đạo quốc hội. Không những thế, ông còn gặp riêng các nhà kinh doanh, những người điều khiển các xí nghiệp, ít nhất hai lần chính thức. Tại sao ông chịu nhún nhường như vậy? Vì thể chế chính trị ở Mỹ. Chính các ông tổng thống Mỹ đã vận dụng sức mạnh của thể chế đó mỗi khi phải thương thuyết với các nước khác. Họ sẽ nói: Tôi có thể nhượng bộ, nhưng quốc hội họ sẽ không chịu! Báo chí họ sẽ phê phán, giới kinh doanh không theo! Nhượng bộ nào làm nước Mỹ bị thiệt thì dân sẽ biết hết, tôi sẽ thất cử!

Kỹ thuật thương thuyết này, những người cầm đầu chính quyền ở Việt Nam không thể nào sử dụng được. Vì ai cũng biết họ nắm toàn quyền. Quốc hội chỉ biết gật đầu. Báo chí chỉ chờ nghe lệnh nhà nước. Dân không được phát biểu, cũng không được tự do bầu, chọn người cai trị.

Chỉ khi nào nước Việt Nam được tự do dân chủ thì các chính quyền Việt Nam mới có thế mạnh để thương thuyết ngoại giao với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Trung Quốc. Nghĩ đến tương lai đất nước thì chúng ta phải đòi dân chủ hóa. Khi đó, người Việt Nam mới đủ sức mạnh đương đầu với Trung Quốc. Như Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng ở trong nước đã nêu ra nhận xét của Tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou), chính uỷ Đại học Quốc phòng Trung Quốc: “Vị tướng hai sao này chứng minh rằng nguyên nhân sụp đổ của Đảng Cộng sản Xô viết chính là hệ thống chính trị, chứ không là kinh tế, hay quân sự. Tương phản với Liên Xô, bí quyết thành công của Hoa Kỳ nằm ngay trong chế độ pháp trị bền vững và hệ thống chính trị đằng sau chế độ pháp trị này, chứ không nằm trong sức mạnh tại trung tâm tài chính phố Wall, hay công nghệ cao ở thung lũng Silicon.” Người Việt Nam phải lắng nghe kinh nghiệm này.

http://www.diendantheky.net/2011/01/tai-sao-ho-cam-ao-chiu-nhun.html

Đại hội Đảng quyết tâm đổi mới kinh tế để theo kịp Trung Quốc

Posted by Báo Dân


Nguyễn Quang Duy (danlambao) - Thất nghiệp và lạm phát là hai vấn đề nhức nhối nhất trong việc điều hành một quốc gia. Các chính phủ dân chủ nếu không làm tròn nhiệm vụ để lạm phát tăng, thất nghiệp nhiều thì người dân bằng lá phiếu sẽ chọn lựa những người xứng đáng hơn. Đây là ưu điểm của hệ thống dân chủ, một hệ thống ngày nay được áp dụng tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

Còn tại vài quốc gia cộng sản, khi đảng Cộng sản mất khả năng kiểm sóat kinh tế cũng dẫn đến bất ổn chính trị và cũng là lúc để người dân vùng lên giành lại chính quyền. Đã có lần nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam phải thét to khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”.

Báo cáo khai mạc Đại hội lần này, Tổng Bí Thư cộng sản Nông Đức Mạnh cũng nhắc đi rồi nhắc lại hai từ “đổi mới”. Ông Mạnh cho biết chiến lược phát triển kinh tế trong 10 năm tới gồm ba bước đột phá là thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Về việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, ông Mạnh giải thích là “… từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ sang tăng trưởng chủ yếu do áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh lớn gắn với phát triển kinh tế tri thức; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”

Chiến lược mà ông Mạnh đọc trước Đại Hội thực ra đã được Thủ tứơng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cho đăng trên Tạp Chí Cộng Sản (online) chừng hai tuần trước ngày khai mạc Đại Hội. Điều lạ chính là vịêc con rể của Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Bảo Hoàng trả lời cơ quan truyền thông Reuters như sau “Ngay cả khi tôi nói rằng Việt Nam hiện ở trình độ của Trung Quốc vào những năm ’97-’98, thì Việt Nam thực sự vẫn tụt sau rất nhiều về cơ sở hạ tầng.” Ông Hòang còn cho biết ông mất mất ngủ vì việc quản lý và nạn tham nhũng của chế độ do cha vợ ông đang cầm quyền.

Đúng như ông Hòang nhận xét mô hình “…tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ…” mà ông Mạnh đề cập đến chính là mô hình tăng trưởng Trung Quốc và Việt Nam đang đi sau và cố chạy để theo kịp Trung Quốc.

Bài viết này xin phân tích hiện tình Việt Nam để cho thấy mô hình tăng trưởng Trung Quốc đã hòan tòan thất bại tại Việt Nam, trong khi ấy những yếu tố căn bản để xây dựng chiến lược đổi mới lần này gần như không có và do đó đảng Cộng sản đã và đang mất dần khả năng kiểm sóat nền kinh tế Việt Nam.

Thiếu tài nguyên, thiếu lao động rẻ, thiếu vốn đầu tư

Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa không ít vào việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam . Trên thực tế nguồn tài nguyên này càng ngày càng vơi cạn. Phần khác vì đảng cộng sản Việt Nam đã quá lệ thuộc vào Trung Cộng, lại thiếu khả năng quân sự để bảo vệ thềm lục địa nên Việt Nam khó có thể tiếp tục tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế đảng Cộng sản không còn lựa chọn khác hơn phải để Trung cộng khai thác Bauxit Tây Nguyên . Điều cần nói là việc khai thác không chắc mang lại lợi nhuận và gặp nhiều chống đối từ mọi tầng lớp nhân dân.

Việt Nam đi sau nên các nguồn tài nguyên và môi trường chưa đến nỗi cạn kiệt. Trung Quốc thì ngược lại. Để duy trì tăng trưởng kinh tế đã phải hòan tòan lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên ngọai quốc. Chả thế Trung Quốc phải thúc đẩy Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Vịêt Nam bằng mọi giá khai thác Bauxit Tây Nguyên .

Để thu hút giới đầu tư ngọai quốc, đảng Cộng sản cho kềm hãm mức lương công nhân và ra sức quảng cáo Việt Nam có thị trường “lao động rẻ”. Mặc dù lương công nhân Việt Nam vẫn thua xa lương công nhân các quốc gia trong vùng, nhưng Việt Nam đã mất đi sức thu hút đầu tư. Thậm chí nhiều công ty ngọai quốc đã rời Việt Nam vì những yếu tố khác như tệ nạn tham nhũng, năng suất lao động thấp, giá thuê mướn đất đai cao, cơ sở hạ tầng yếu kém … và niềm tin vào khả năng ổn định kinh tế và chính trị đang mất dần.

Do mức lương quá thấp và nạn lạm phát phi mã, tiền lương càng ngày càng không đủ để bồi hòan công sức lao động, nhiều công nhân bỏ việc, các xí nghiệp lâm vào tình trạng thiếu công nhân. Tình trạng thiếu công nhân lại trực tiếp ảnh hưởng đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Muốn có mức lương cao thì năng suất lao động cần tăng, nếu không việc tăng lương chỉ dẫn đến việc tăng chi phí lao động và tạo ra lạm phát. Tình trạng lạm phát phi mã tại Việt Nam chủ yếu phát xuất từ lý do này và là hậu quả trực tiếp của mô hình tăng trưởng Trung Quốc.

Chênh lệch giàu nghèo

Cũng như tại Trung Hoa , nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam và gia đình đã lợi dụng chức quyền để trở thành những nhà đại tư bản hay tập đòan tư bản đỏ. Nhiều đảng viên cộng sản nhờ lợi dụng quyền thế tham nhũng cũng đã nhanh chóng trở nên giàu có. Khác với Trung Hoa một số đảng viên cao cấp đã bị xử bắn để làm gương, tại Việt Nam nếu trừng phạt đảng viên tham nhũng thì đảng sẽ không còn người kiên định lập trường chính trị và chấp nhận bán nước cho Tầu.

Tình trạng tham nhũng gắn liền với quyền lực và quyền thế. Chả thế khi được báo Pháp Luật phỏng vấn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận, và là đại biểu Đại hội đảng cộng sản lần này cho biết: “Tôi rất đồng tình với việc đưa tiêu chí không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để lựa chọn nhân sự khóa này. Nhưng bây giờ tìm được người gọi là ‘sạch sẽ’ một tí thì chắc là cũng khó, cũng hiếm”.

Trong khi tham nhũng lạm quyền tràn lan trong guồng máy đảng Cộng sản, thì mức lương công nhân lại quá thấp, nên khỏang cách chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng mở rộng giữa tầng lớp công nhân và giới cầm quyền cộng sản.

Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và bảo trợ công nghiệp bỏ mặc nông thôn cũng tạo ra một sự chênh lệch đáng kể giữa nông thôn và thành thị. Việc đảng Cộng sản biến đất nông thôn thành khu vực công nghệ, du lịch hay cư trú liên tục tạo ra những điểm nóng tại nông thôn.

Nhiều tầng lớp xã hội khác như những người về hưu, quân nhân, công chức, dân nghèo thành thị, mức sống trực tiếp chịu ảnh hửơng từ nạn phát phi mã do mô hình tăng trưởng Trung Quốc gây nên. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam , sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo giữa một thiểu số cầm quyền cộng sản và đại đa số dân tộc sẽ là ngòi nổ cho trái bom ổn định chính trị mà hai đảng Cộng sản bằng bạo lực đang cố công dẹp tắt.

Thực chất con số thống kê

Chúng ta vẫn thường nghe về con số thống kê tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên đến 7 hay 8%, hay bình quân mười năm qua lên đến 7,2 % /năm. Những con số trên được đem ra tuyên truyền nhằm đánh bóng chế độ. Ở đây chúng ta không bàn đến độ chính xác của con số mà chỉ xin lấy 1 ví dụ để diễn giải thực chất con số này.

Sài Gòn , Hà Nội hay nhiều thành phố Việt Nam cứ mỗi lần mưa là một lần ngập lụt. Ngập lụt thì xe cộ sử dụng thêm nhiên liệu, xe hư phải sửa, phải mướn người dọn dẹp, phải vân vân … Tất cả những chi tiêu do ngập lụt đều được tính vào con số tổng sản lượng quốc gia.

Ai cũng biết ngập lụt vì hệ thống cống rãnh thóat nước thiếu hay không được bảo trì đúng mức. Chúng ta thường thấy nhiều cảnh đường cống được đào lên sửa chữa rồi tráng lại vội vàng với cát và ít xi măng, chỉ cần một cơn mưa lớn là cống rãnh lại hư. Hư thì một thời gian sau lại có việc để sửa. Có việc sửa là có công ăn việc làm và có sinh họat kinh tế để tiếp tục tính vào con số tổng sản lượng quốc dân.

Làm vậy thực chất là tạo công ăn việc làm giả tạo để giải quyết thất nghiệp, mà quên hẳn phẩm chất và hiệu quả công việc. Chỉ lãnh phí tài lực quốc gia. Người công nhân sửa đường cũng không hiểu rằng nếu dưới một hệ thống tốt hơn, công việc họ làm có phẩm chất hơn, họ có nhiều cơ hội để lãnh một mức lương cao hơn và cuộc sống sẽ tốt hơn.

Đó là chưa kể hệ thống cống rãnh thuộc vệ sinh công cộng người dân phải đựơc chính phủ phục vụ tốt nếu không đây là nguồn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và do đó khả năng lao động của người dân trong vùng. Có điều theo thời gian sống dưới chế độ cộng sản, người Việt dường như chấp nhận hay không còn quan tâm đến những thực tế đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tư tưởng mặc kệ nó như vậy đã đang và sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến họ, gia đình và xã hội.

Ví dụ nêu trên cũng chẳng khác gì chiến lược đổi mới, đổi mới, đổi mới … rồi lại đổi mới một cách nửa vời mà nhà cầm quyền cộng sản luôn đeo đuổi và tuyên truyền.

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc

Cả hai đảng Cộng sản Trung Quốc – Việt Nam đều theo một mô hình tăng trưởng mà họ gọi là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (mang màu sắc Trung Quốc )” theo đó “định hướng xã hội chủ nghĩa” là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo“.

Trước Đại Hội lần này chúng ta được chứng kiến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước qua quyết đinh vỡ nợ của Tập Đoàn Kinh Tế Vinashin. Các công ty tài chính Moody’s và S&P’s đã phải hạ bậc tín nhiệm quốc gia và hệ lụy là chi phí vay mượn vốn quốc tế của Việt Nam cũng phải tăng, việc vay nợ sẽ gặp khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp cả tư nhân lẫn nhà nước đã lên tiếng thiếu vốn kinh doanh nghĩa là thiếu khả năng kinh doanh và không thể tăng trưởng theo kế họach.

Khi thiếu vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, như điện lực, thì sẽ thiếu điện cho sản xuất và như thế sẽ tiếp tục thiếu thu hút đầu tư nước ngòai vào Việt Nam . Cái vòng lẩn quẩn cứ thế bám theo khả năng điều hành kinh tế của đảng Cộng sản Việt Nam .

Nợ

Nhắc đến Vinashin là phải nhắc đến nợ. Chỉ riêng tập đòan kinh tế này đã có khỏan nợ lên đến 5 tỷ Mỹ Kim . Tại Việt Nam , con số nợ quốc tế của các doanh nghiệp nhà nước và của nhà nước cộng sản thường chỉ được biết đến khi có vấn đề như trường hợp của Tập Đòan Kinh Tế Vinashin.

Theo ước lượng chính thức từ nhà nước cộng sản, thì Việt Nam nợ Quốc Tế chừng 60 tỷ Mỹ Kim. Số thực có thể lên tới 100 tỷ. Hầu hết được vay mượn gần đây khi Việt Nam gia nhập WTO. Với một lãi xuất trung bình 7 phần trăm, hằng năm Việt Nam sẽ phải trả 7 tỷ tiền lời. Để tiếp tục vay mượn Việt Nam sẽ phải trả thêm khỏan nợ cơ bản. Như thế hằng năm ít nhất Việt Nam sẽ phải trả hằng chục tỷ Mỹ kim nợ quốc tế.

Trở lại Vinashin, chỉ với 60 triệu Mỹ kim đã không có khả năng hòan trả, thì với hàng chục tỷ Mỹ kim phải trả Quốc Tế hằng năm, Việt Nam chỉ có nước đi vay nợ để trả nợ lời. Kiểu làm ăn kết hợp vừa của Công Ty Minh Phụng và vừa của Công ty nước hoa Thanh Hương ngày trước. Xin nhắc bạn đọc một điều là nợ quốc gia là nợ mà chúng ta, mà con cháu chúng ta phải trả, ngay cả khi chính quyền cộng sản đã bị giải thể.

Ngược với Việt Nam , Trung Quốc lại là nước chủ nợ thế giới. Số Nợ của Trung Quốc cho thế giới vay có thể lên đến vài ngàn tỷ Mỹ kim . Trung Quốc là chủ nợ của Hoa kỳ. Trung Quốc là chủ nợ của Việt Nam . Khỏan nợ mà đảng Cộng sản Việt Nam mượn đảng Cộng sản Trung Quốc là những ký kết bí mật nhằm trói buộc Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam trong vòng quỹ đạo của Trung Quốc . Đây là nỗi đe dọa trực tiếp cho nền độc lập quốc gia dân tộc.

Từ những năm 1980, cán cân thương mãi quốc tế của Trung Quốc luôn luôn thặng dư để Trung Quốc có thể trở thành chủ nợ quốc tế. Áp dụng cùng một một mô hình tăng trưởng mà một thành chủ nợ, một vỡ nợ thì đủ thấy trình độ quản lý kinh tế của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào.

Cán cân thương mãi

Áp dụng cùng một mô hình tăng trưởng, nhưng Trung Quốc ngòai khuyến khích sản xuất để xuất cảng cũng quan tâm đến sản xuất cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngược lại Việt Nam chủ yếu chỉ khuyến khích tăng gia xuất cảng. Vì vậy ngày nay nhiều sản phẩm đã phải nhập cảng từ Trung Quốc, cán cân thặng dư thương mãi nghiêng về phía Trung Quốc hằng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Gần đây Bộ Chính trị ra một chiến dịch vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”. Chiến dịch này không gặt mấy kết quả vì người tiêu thụ chọn lựa món hàng dựa trên giá cả, phẩm chất, hình thức, … của món hàng, thay vì dựa trên “lòng yêu hàng Việt Nam ”. Nói cách khác hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc cũng như không có khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa. Điều buồn cười là giới lãnh đạo cộng sản lại là những người thích hàng ngọai (Tây Phương) ra mặt.

Chiến lược mười năm tới

Tóm lại, tình hình kinh tế Việt Nam là thiếu đầu tư ngọai quốc, thiếu tài nguyên, thiếu lao động rẻ, thiếu khả năng cạnh tranh, vỡ nợ, … đã buộc đảng Cộng sản phải đổi mới một lần nữa. Chiến lược đổi mới đã được ông Mạnh giải thích ở đầu bài chủ yếu sẽ cần vốn và chuyên viên kỹ thuật cao cấp.

Nếu đảng Cộng sản vẫn tiếp tục cai trị kiểu đàn áp chính trị, vận hành thiếu minh bạch, không học hỏi cách hành xử đúng đắn (như không để vỡ nợ), giảm tham nhũng … thì Việt Nam khó có thể được tiếp tục dễ dàng vay nợ hay vận động đầu tư từ thế giới. Như vậy việc đầu tiên là “tiền đâu” để thực hiện chiến lược đột phá như Bộ Chính Trị Cộng sản đã đề ra.

Gỉa thử có tiền thì guồng máy cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đặt hồng (cộng sản) trên chuyên (chuyên môn). Nghĩa là mọi quyết định chuyên môn đều bị guồng máy đảng kiểm sóat và áp đặt. Kiến thức chuyên môn của các sinh viên đại học cũng thấp vì phải dành không ít thời gian học các môn chính trị. Số sinh viên được đào tạo trong nước thì thiếu. Số sinh viên được du học hải ngọai thì ít người quay về. Nói chung guồng máy chính trị hiện tại tạo ra một môi trường cực xấu cho nhân tài Việt Nam .

Nhu cầu đổi mới chính trị

Thực ra, các Chiến lược đột phá của Bộ Chính Trị do ông Mạnh đọc trước Đại Hội Đảng Cộng Sản lần này cũng chỉ là bản sao của mô hình tăng trưởng từ lâu đã được áp dụng tại Trung Quốc. Nói cách khác Đại Hội Đảng Cộng sản lần này quyết tâm đổi mới kinh tế để theo kịp Trung Quốc.

Có điều Bộ Chính Trị Cộng sản không chịu tìm hiểu là so với Việt Nam, Trung Quốc đã thành công trên nhiều mặt, thế mà giới cầm quyền Trung Quốc còn phải ưu tư về nhu cầu thay đổi chính trị để sống còn. Ngày 03/10/2010 vừa qua trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CNN, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết: “Nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự… Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền. … “ Điều mà thể chế hiện nay cần có là một sự thay đổi lớn về các nguyên tắc, chứ không phải chỉ là những sự sửa đổi lẻ tẻ, vụn vặt. Điều này có nghĩa là những nguyên tắc từ trước tới nay của chính thể độc tài toàn trị, như những nguyên tắc của thời Mao Trạch Đông, cần phải được thay thể bởi những nguyên tắc dân chủ pháp trị. Xét theo khía cạnh này thì điều mà chúng ta cần có là một cuộc cách mạng chính trị chứ không phải là cải cách chính trị.”

Trên cũng là đòi hỏi của người Việt Nam , vì thay đổi thể chế chính trị là đòi hỏi bức thiết cho sự phát triển của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam .

Kết

Lại một Đại Hội đảng Cộng sản kết thúc, lại một Bộ Chính Trị được thành hình, lại một Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được đưa ra. Hầu hết kết quả hình thức đều đã được các cơ quan truyền thông quốc tế loan báo trước. Các Chiến lược to lớn và sáng suốt được Bộ Cựu Chính Trị trao cho Bộ Tân Chính Trị thì lại tiếp tục sao chép rập khuôn của mô hình Trung Quốc.

Đại Hội chỉ là trò hề chia chác quyền lợi và quyền lực của nhóm chóp bu cầm quyền. Lần này Đại Hội còn học theo đảng Cộng sản Triều Tiên khi thu xếp để con Nông Đức Mạnh và con Nguyễn Tấn Dũng tham gia Trung Ương Đảng.

Trước Đại Hội khai mạc, phản ứng lời lại kêu gọi giải thể chế độ cộng sản của linh mục Nguyễn văn Lý, Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng đã vội vã ra Công điện hỏa tốc số 2402/CĐ-TTg ra lệnh cho công an sẵn sàng bảo vệ an ninh Đại Hội. Hai nạn nhân đầu tiên của Nguyễn Tấn Dũng lại chính là Tùy viên chính trị của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ông Christian Marchant và Dân biểu Liên Bang Úc ông Luke Simpkins . Sự thật về cái gọi là ổn định chính trị của đảng Cộng sản đã được phơi bày trước thế giới.

Ngày 19/1 là ngày mà giặc Tầu đã cướp Hòang Sa của Việt Nam . Lại cũng là ngày mà đảng Cộng sản tấn phong một ông vua mới, Nguyễn Phú Trọng để tiếp tục con đừơng mà Mao Trạch Đông, mà Đặng Tiểu Bình đã vạch cho Trung Quốc. Đảng Cộng sản thật càng ngày càng “hèn với giặc ác với dân”. Quyết định của Đại Hội là đảng Cộng sản vẫn tiếp tục làm tay sai cho giặc để độc quyền cai trị Việt Nam . Một quyết định càng ngày càng xa dần dân tộc.

Nhưng thực tế lại chứng minh đảng Cộng sản đang mất dần khả năng kiểm sóat kinh tế, kiểm sóat chính trị. Và như tại các quốc gia tiền cộng sản Đông Âu và Liên Sô, cũng là lúc để người dân Việt Nam liên kết vùng lên giành lại chính quyền. Việt Nam phải có Tự Do Dân Chủ.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

Truyện tình Nhân Dân với Đảng

Posted by Báo Dân


Dân Làm Báo – Ngày xửa ngày xưa Đảng và Nhân Dân yêu nhau tha thiết, hồi đó Đảng rất đẹp trai, hát tiếng Nga, nói chuyện Tàu như rót mật vào lòng người. Nhân Dân mới tuổi dậy thì phải lòng Đảng đến nỗi mất ăn, mất ngủ. Một hôm có hội Nhân Dân gặp Đảng đầu mày cuối mắt ưng ý nhau lắm, lúc hội tan Đảng kéo Nhân Dân vào bụi rậm làm chuyên mây mưa. Từ hôm đó Nhân Dân nhung nhớ Đảng đến nỗi héo mòn, tàn tạ.

Ngày nọ Đất Nước thấy cảnh con mình dây tơ quyến luyến như vậy mới gọi Đảng đến bảo rằng:

- Thôi thì giờ con ta cũng đến tuổi lấy chồng, thiên hạ cũng chả còn ai. Ta mong nhà người và con ta nên duyên nợ cầm sắt trăm năm, ta cũng đã già. Sau này chuyện non sông nhờ người gánh vác dùm.

Hôn lễ được tổ chức linh đình, yến tiệc triền miên không ngớt, từ năm này đến năm khác dạ tiệc cứ như vậy liên miên để chúc mừng mối tình thắm thiết của Nhân Dân với Đảng. Đất Nước còng mình bỏ ngân khố mừng ngày vui của con cái mình, nhưng cũng không lấy làm lo lắng lắm vì rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú vô biên.

Thế rồi thời gian nước chảy bèo trôi chốc đã mấy mươi năm. Một hôm Đảng nói với Nhân Dân rằng:

- Ta với nàng gắn bó bao năm, tình ấy không thể nào mai một, nay vua cha phương Bắc cho người gọi ta về gặp mặt vì nhớ nhung. Ta đi chuyến này cũng không dài thời gian, xin nàng gắng đợi chờ.

Đảng về phương Bắc thăm vua cha, chuyến ấy tưởng là bình thường. Ai ngờ vua cha phán:

- Này con, trí làm trai không thể mê đắm chuyện nữ nhi, phải lấy chữ Nghiệp làm trọng. Ta nuôi nấng dạy dỗ con nên người. Nay cũng là lúc con trước báo hiếu với cha ông, sau là con dựng nghiệp cho riêng mình. Con về bên ấy cứ thế, cứ thế…

Đất Nước đã già nua lắm rồi, mọi việc đều giao phó cho con rể là Đảng làm chủ. Từ khi làm chủ Đảng chuyển dần tài sản của Đất Nước về phương Bắc, lúc thì cánh rừng già, lúc thì vài hòn đảo, hay mấy khoanh biển. Thấy việc không ưng lắm, Đảng còn bảo vua cha cho người sang khoét thân xác Đất Nước lấy máu, tim, phổi mang về phương Bắc. Vua cha lấy làm ưng ý lắm.

Lại nói về Nhân Dân, sau khi Đảng làm chủ thân xác thì tình cảm cũng bị Đảng nhạt nhẽo dần. Rồi còn bị hắt hủi thậm tệ, nhưng thỉnh thoảng Đảng cũng tỏ vẻ thương tình tỉ tê vài câu. Lòng dạ đàn bà vốn ưa ngọt, nghe xong lại đâu vào đấy, mà vốn dĩ Nhân Dân nghĩ thuyền theo gái, lái theo chồng. Của nhà chồng hay của nhà mình thì cũng là một đi đâu mà sợ. Bởi vậy Nhân Dân ngày đêm hầu hạ, cơm nước, nuôi trồng, dệt vải chăm sóc Đảng béo phây phây.

Chẳng mấy chốc Đảng đã lấy sạch của Đất Nước không còn chút gì. Đất Nước giờ tỉnh ngộ nhưng sức già, lực kiệt không làm sao chống lại được. Đảng buộc Đất Nước phải theo về phương Bắc. Đất Nước biết mình bị phản bội, nhưng giờ quân địch đã ở khắp mọi nơi. Nửa đêm Đất Nước trèo tường kiếm con ngựa già, lôi Nhân Dân cùng chạy ra phía biển. Nhân Dân vì thương nhớ Đảng vẫn còn lén đi đến đâu rải cở búa liềm đến đó. Đảng theo dấu cho quân đuổi sát sàn sạt. Đất Nước đưa Nhân Dân đến bờ biển, gặp thần Kim Quy đang ngồi khóc. Hỏi vì sao thần nói:

- Giờ biển cũng không còn chỗ cho ta nữa rồi!

Nói xong thần quay lại bảo với Đất Nước:

- Đảng ngồi sau lưng nhà ngươi đó.

Đất Nước bấy giờ mới tỉnh ngộ, bèn rút gươm chém đứt cổ Nhân Dân. Rồi Đất Nước nhảy xuống biển Nam Trung Hoa tự vẫn, ba ngày sau xác dạt vào đảo Tây Sa. Dân ở đó thương tình lập cho cái miếu gọi là miếu Nam Man. Lại nói về Nhân Dân khi chết, máu ở cổ tuôn trào đỏ thắm thành dòng chữ:

- Đời đời trung trinh với Đảng. Đảng sống mãi trong lòng Nhân Dân.

Dòng máu ấy chảy nhiều đến nỗi thành suối, về sau ai đi qua đó nửa đêm còn nghe như tiếng ca của người con gái chung tình, lời ca rằng:

- Đảng đã cho ta bao mùa xuân hy vọng, Đảng là ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao…

Nhiều nhạc sĩ tài hoa đến đó, khi về đã cảm hứng sáng tác nhiều giai phẩm để đời, đến nỗi thành một loại dòng nhạc gọi là dòng nhạc Đảng Ca. Tương truyền ai thuộc những ca khúc này và hát hay nhất sẽ được hồn Nhân Dân phù trợ được nhiều may mắn trong cuộc sống.

Dân Làm Báo

Mưu kế giải phóng mặt bằng

Posted by Báo Dân


Người Buôn Gió – Ở ven con sông xứ Đà có một mảnh đất của đám người dân sống đã mấy trăm năm, họ sinh sống, cày cấy, thờ cúng bao đời trên mảnh đất ven sông đó gọi là Gò Dâu. Khi xưa nơi ấy là đầm lầy, rừng rậm tổ tiên họ di cư từ ngoài Bắc vào lập nghiệp, trải qua đời này đến đời khác mới tạo dựng được làng ấp, nhà thờ, nghĩa địa, ruộng vườn. Bá viện lẽ này nọ, như phát triển đô thị khang trang mãi cũng chả ăn thua, giằng co giá cả đền bù mãi không xong, mọi việc trì trệ mà thời làm quan cũng có hạn. Bá lấy làm sốt ruột lắm, đêm ngày vắt tay lên trán nghĩ mưu sao cho tống khứ cái đám dân nghèo ây nhanh nhanh để bán đất hốt bạc…

Hôm nọ có kẻ gặp mỗ, hỏi rằng dạo này thiên hạ chuyện giải phóng đền bù đất đai nóng hổi. Nhiều nơi dằng dai mãi chưa xong. Có ý gì hay xin chia sẻ.

Mỗ hỏi lại rằng, việc giải phóng liên quan đến hai bên, bên là dân, bên kia là triều đình. Vậy xin hỏi ngài xin ý kiến cho bên nào ?

Kẻ kia nói rằng:

- Tất là xin ý kiến cho triều đình, vừa có thù lao lớn, vừa lại không bị khép tôi xúi dục kích động.

Mỗ nói rằng :

- Chuyện này thì tùy trường hợp mà đối phó khác nhau. Duy có cách giải quyết của quan xứ Đà tên là Bá mà mỗ có lần chứng kiến quả là đặc sắc. Có lẽ anh hùng trong thiên hạ không ai mà mưu lược theo kịp, kẻ ấy dùng mưu kết hợp dùng võ nhuần nhuyễn, tuần tự khớp nhau từng bước mà thực hiện mưu đồ đoạt đất không ai bằng.

Kẻ kia một điều, hai điều nhất quyết xin nghe được câu chuyện, mỗ vào lúc mùa đông giá rét vợ bắt ở nhà trông con. Chẳng có việc gì tiêu khiển, sẵn có kẻ muốn nghe cũng làm tuần trà, nhấp giọng rồi kể.

Ở xứ Đà ở miệt phía Trung nước ta, giáp biển. Đất ây người Tề thích từ lâu , mấy trăm năm trước họ đã nhòm ngó đến nay vẫn còn cả khu phố cổ treo đèn lồng của họ, nhân lúc Tề Vệ thông thương hữu hảo, người tề họ đầu tư nhiêu tiền bạc để mua lại những khoảnh đẹp. Vừa là chỗ ăn chơi , vừa là nhòm ngó biển đảo nước Vệ. Do người Tề mua nhiều quá, nên đất đai xứ Đà ngày càng hẹp đi, quan coi xứ là Bá thấy nhu cầu người mua đất ngày càng cao, bèn nghĩ ra mưu đi chiếm đoạt những vùng đất ruộng lân cận ven đô để đổ nền, làm đường vuông vắn bán thành đất đô thị kiếm lời.

Ở ven con sông xứ Đà có một mảnh đất của đám người dân sống đã mấy trăm năm, họ sinh sống, cày cấy, thờ cúng bao đời trên mảnh đất ven sông đó gọi là Gò Dâu. Khi xưa nơi ấy là đầm lầy, rừng rậm tổ tiên họ di cư từ ngoài Bắc vào lập nghiệp, trải qua đời này đến đời khác mới tạo dựng được làng ấp, nhà thờ, nghĩa địa, ruộng vườn. Bá viện lẽ này nọ, như phát triển đô thị khang trang mãi cũng chả ăn thua, giằng co giá cả đền bù mãi không xong, mọi việc trì trệ mà thời làm quan cũng có hạn. Bá lấy làm sốt ruột lắm, đêm ngày vắt tay lên trán nghĩ mưu sao cho tống khứ cái đám dân nghèo ây nhanh nhanh để bán đất hốt bạc.

Hôm ấy có kẻ tay chân vào báo, ở Gò Dâu có người sắp chết. Bá đang nghĩ vẫn vơ bỗng bật dậy vỗ đùi kêu

- Hay, trời giúp Bá ta rồi đây !

Đoạn Bá sai lính hầu cấp tốc xuống nghĩa trang xứ Gò Dầu cắm cái biển cấm chôn người chết, và sai quân mang vũ khí mai phục bốn mặt, một đám nữa đứng chặn cửa nghĩa trang. Cắt đặt xong xuôi vào đấy, Bá ung dung vuốt râu ngồi đợi. Kẻ thân hữu lấy làm lạ, mới mon men hỏi Bá định thế nào. Bá nói

- Kẻ kia chết tất phải đem chôn, chôn chỗ ta cấm, thế nào cũng phát ức mà sinh sự với quan quân. Bấy giờ ta cho quân mai phục xông vào bắt vì tội chống triều đình. Từ khép tội chống người thi hành công vụ ta mới có cớ cho quân xuống đàn áp xứ đó, nhân thể mà buộc luôn tội không chấp nhận đền bù giải tỏa là ý đồ chống đối.

Quả là Bá liệu việc như thần, đám tang kia không được chôn cất, bị quan quân chặn lại vin vào cái biển cấm mới cắm. Cãi lộn, xô đẩy um xùm, thế là quan vòng ngoài xông tới gô cổ cả lũ vì tội chống lại người thi hành công vụ, bắt mấy chục người nhốt vào ngục. Ở trong ngục quan vừa dọa bỏ tù tội chống người chức trách vừa ngọt nhạt việc đền bù. Bên ngoài quan quân tỏa đi từng nhà uy hiếp nào là tội to lắm, chống lại nhà chức tránh tù mọt gông. Đám dân chỉ nghĩ đến thoát khỏi vòng xiềng xích, đòn vọt là may, hơi đâu mà nghĩ chuyện đất đai thế nào. Nhất là cảnh tù đày đói khát, đánh đập thậm tệ, có kẻ đương trai tráng khỏe mạnh bị đánh chết mang xác về nhà, quan bảo là đột tử. Không ai dám ho he, hãi đến mức mà quan bảo gì nghe hết, nhận hết để được yên thân mà về. Cảnh như thế phải vậy chứ đâu nghĩ được gì hơn. Tinh thần đến năm sau nghe tiếng ngựa công sai đi ngoài được còn tim đập loạn xạ, ăn không ngon, ngủ không yên. Khiếp quá thành nhược.

Cái tài của Bá là nhanh chóng nắm cơ hội, tạo ra sự kiện,biết kết hợp dùng mưu lược, võ lực nhịp nhàng. Giả dụ nếu không có ai chết, người ta cứ ì ra không chấp nhận mức giá bèo bọt mà Bá đưa ra. Thì việc giải phóng mặt bằng của Bá còn lâu mới đạt được, chả lẽ vì thỏa thuận không được mà xua quân vào ép bức thì lý nào biện minh cho thiên hạ lọt tai.

Mỗ kể xong, kẻ kia ngẫn người ra ngẫm một lúc, rồi bật thốt.

- Kế này thật là tuyệt diệu, chả trách ngày xưa giặc phương Bắc tràn sang nước ta, cứ mỗi lần xâm chiếm chúng thường lợi dụng một cơ hội nào đó để lấy làm lý do để mị dân. Có lẽ Bá do mua bán với người Tề lâu nay mà học được diệu kế này chăng.?

Mỗ nghe xong, chỉ cười mà nhủ thầm.

- Ở nước Vệ này, có quan nào mà không học mánh khóe của nước Tề đâu.

http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/218/218

30% đàn ông Việt Nam nuôi con 'tu hú'

Chuyện thật khó tin ở trung tâm xét nghiệm ADN

Anh Phúc không hồi hộp đợi kết quả lắm, vì nghĩ xác suất xảy ra cái điều “không tưởng” kia là vô cùng thấp, thậm chí không có phần trăm nào. Nhưng lúc cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh hoa mắt chóng mặt, rụng rời tay chân khi nhìn thấy dòng chữ: “Không phải cha con”!
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, khoảng 90% khách hàng của trung tâm là đàn ông, đến từ mọi miền của đất nước.

100% số này muốn biết đứa con họ đang nuôi/sắp nuôi có phải con thật của mình hay không. Tuy nhiên, kết quả cho thấy có tới 30% các ông bố đi xét nghiệm đang nuôi con hộ người khác!



Bà Nga đã thuật lại rất nhiều câu chuyện đáng nhớ, vui có buồn có màbà từng gặp khi làm xét nghiệm ADN.



Nuôi con hộ người khác hơn 20 năm



Gia đình anh Phúc là niềm mơ ước của nhiều người đàn ông vì vợ đẹp, con trai ngoài 20 tuổi đang học đại học, kinh tế gia đình rất khá giả. Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên anh Phúc có thời gian rỗi ngồi ngắm nghía kỹ càng khuôn mặt của con trai và phát hiện ra con có nhiều điểm không giống mình. Anh quyết định đi xét nghiệm ADN để kiểm tra.


Anh Phúc không hồi hộp đợi kết quả lắm, vì nghĩ xác suất xảy ra cái điều “không tưởng” kia là vô cùng thấp, thậm chí không có phần trăm nào. Nhưng lúc cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh hoa mắt chóng mặt, rụng rời tay chân khi nhìn thấy dòng chữ: “Không phải cha con”!






Một khách hàng đi xét nghiệm ADN cùng con
tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền
Anh Phúc không tin vào mắt mình và đòi xét nghiệm lại. Kết quả trùng nhau. Anh nổi khùng và tự trách mình ngu xuẩn vì đã "bị cắm sừng", nuôi con hộngười khác hơn 20 năm mà không hay biết gì. Anh nhanh chóng ra vềđể giải quyết với vợ. Không ngờ, sau khianh tra hỏi, vợ anh đã thú nhận trong thời gian sống với nhau, chị đã từng có lần quan hệ với người đàn ông khác.Anh lập tức ly dị.


Dù rất đau khổ, nhưng anh vẫn nghĩ mình phải có một đứa con ruột. Anh tìm một phụ nữ và bỏ tiền ra thuê cô ta đẻ. Thật may mắn, đứa bé đúng là con trai như anh muốn. Tuy nhiên, do nghi ngờ cô gái đẻ thuê cũng có thể lại quan hệ với một người đàn ông khác gần thời gian với mình, anh Phúc đã lấy cuống rốn của bé đi xét nghiệm ADN với yêu cầu 1 ngày phải có kết quả (giá cao gấp 5 lần). Khi cầm kết quả trên tay, anh mừng rơn và yên tâm mang con về nuôi. Hiện giờ, bé đã được 2 tuổi.


Tuy nhiên, cũng không phải người đàn ông nào khi nhận được kết quả là cha con thật cũng tỏ ra vui mừng, tạo ra nhiều cảnh tức cười.


Trường hợp của chị Thu là một ví dụ. Chị Thu mới ngoài 20 tuổi nhưng cặp bồ với một đại gia đã có gia đình và 3 con gái. Đại gia này rất mong chị Thu sinh cho ông một đứa con trai, vì ông đang quá mong mỏi có thằng cu nối dõi tông đường. Việc này, vợ ông lại không làm được.


Khi chị Thu có bầu, đại gia chưahết vui mừng thì phát hiện chị Thu bòn rút tiềntừ túi của ông để tuồn sang cho... người tình trẻ. Ông bắt đầu nghi ngờ cả cái thai trong bụng chị. Tuy nhiên, ông không "cả giận mất khôn", đợi chị Thu sinh con xong thì ông đưa cả... cậu bồ trẻ kia của chị Thu đến xét nghiệm ADN cùng với đứa bé.


Vừa đợi kết quả, ông vừa chắp tay khấn lẩm nhẩm: ”Cầu trời cho nó đúng là con mình!”. Nhưng trời không chiều lòng người. Nghịch cảnh ở chỗ,cậu bồ trẻ lại không mặn mà với đứa nhỏ, làm đại gia dù... tiếc đứt ruột cũng vẫn phải quay đi.


Tương tự với đại gia này, có những đại gia khác 3 lần đến xét nghiệm, mỗi lần mang theo 1 đứa con rơitheo nhưng kết quả ông chẳng là cha của đứa trẻ nào. Ngược lại, có ông may mắn đến nỗi cả 3 đứa con rơi đều là con ruột của mình!


Giúp bạn, phát hiện ra … con giả của mình!



Có nhiều nguồn cơn đẩy các ông bố mang con đi xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, theo thông tin bà Nga tiết lộ thì lý do phổ biến nhất là do phát hiện vợ ngoại tình, dẫn đến nghi ngờ mọi thứ, hoặc nhìn con không giống mình.Tuy nhiên, có những người vì giúp người khác nên mới phát hiện ra sự thật khủng khiếp.


Bà Nga kể về một trường hợp ngoài sức tưởng tượng của bà và đồng nghiệp. Anh Tuân yêu chị Lan nhưng chưa cướiđã có mộtđứa con. Để thuyết phục gia đình và hợp pháp hóa đứa bé, anh Tuân đã thừa nhận đứa bé là con ruột của mình. Gia đình anh không tin, đòi mang kết quả xét nghiệm ADN về thì mới đồng ý.


Anh Tuân nghĩ ra cách nhờ cậu bạn thân tên Hải đưa con trai của anh Hải đi xét nghiệm, khai tên Tuân và Lan vào tên cha mẹ, sau đó anhsẽ lấy kết quả này mang về cho gia đình xem. Anh Hải vui vẻ nhận lời. Nhưng ngày đi lấy kết quả, chính anh Hải “sốc” vì đứa con anh ôm ấp hàng ngày lại không phải con ruột của mình!


“Cậu ấy đã nhờ tôi gọi điện cho cậu Tuân đến đón về vì sốc quá, không đi đứng được”, bà Nga thuật lại.



Các nhân viên Trung tâm đang làm xét nghiệm ADN


Làm xét nghiệm ADN cho nhiều người, bà Nga cho biết nhiều khi chính bà cũng không tưởng tượng được thực tế lại có những câu chuyện khó tin đến thế.


Nghi con dâu có quan hệ bất chính suốt thời gian dài với người khác nhưng không có chứng cứ, ông bà Minh quyết định đưa 2 đứa cháu nội đi xét nghiệm ADN. Cả ông bà lẫn con trai (anh Dũng) đều tin chắc chắn đứa lớn 6 tuổi là ruột thịt của mình, còn con gái 2 tuổi chưa chắc của ai.


Vì quá yêu con gái 2 tuổi, anh Dũng thậm chí còn đề nghị trung tâm hãy làm chậm để lâu có kết quả. Anh sợ phải đối mặt với sự thật phũ phàng… Nhưng sau khi xét nghiệm, kết quả là cả 2 đứa đều không phải con anh Dũng!


Nhìn tấm ảnh cô con gái duy nhất trong ví của mình, anh thốt lên: “Tôi đau quá, có thằng đàn ông nào như tôi không?”.


Quá sốc trước sự việc này khó tin, gia đình anh Dũng quyết định thử chéo với ông nội. Kết quả cho thấy anh Dũng đúng là con ông Minh, nhưng 2 cháu bé đều không liên quan đến ông nội!


Khi mang sự việc về gia đình, vợ anh Dũng thản nhiên thừa nhận. Vợ anh tiếp tục tỏ ra là người đàn bà “dũng cảm, có máu mặt” khi đem cả câu chuyện này lên mặt báo để hỏi về chuyện phân chia, bồi thường tài sản, công chăm sóc, v..v...


Những bi kịch xuất phát từ ADN



Đã tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng, bà Nga cho biết phản ứng đầu tiên của các ông bố khi biết sự thật thường rất sốc, rất tiêu cực.


“Họ thường rất hồi hộp khi cầm kết quả. Sau đó có người reo lên vì mình đã “đầu tư đúng chỗ”, có người thần sắc biến đổi, ngồi phịch xuống, gục đầu lên bàn và khóc nức nở. Sau đó là ngấu nghiến chì chiết người đàn bà “vô lương tâm” đã lừa dối cả gia đình, dòng họ”, bà Nga nói.


Có những người từ phòng xét nghiệm đã ra thẳng quán rượu gần đó vì không kiềm chế nổi. Theo kinh nghiệm bán hàng gần trung tâm xét nghiệm ADN, chủ quán rượu đã phải “mời khéo” vị khách đang trong trạng thái bị “kích động” này ra ngoài.


Biết trước khách hàng sẽ có phản ứng tiêu cực nên trước khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm luôn yêu cầu khách hàng cam kết không gây rối, quấy nhiễu tại trung tâm, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và mọi người xung quanh.


“Bất kể họ có làm gì tôi cũng thông cảm được, bởi họ cũng chỉ muốn giữ được hạnh phúc thật sự. Sự thật đó quả là khó chấp nhận, thậm chí không chấp nhận được. Có nhiều người không chấp nhận nổi sự thật đã nghĩ đến chuyện tự tử”, bà Nga buồn rầu.


Theo thông tin bà Nga cung cấp, bà thường biết diễn biến của gia đình qua lời kể của chính khách hàng. Rất nhiều người đã không thể chung sống tiếp với nhau, nếu cố cũng khó có hạnh phúc.


Tuy nhiên, cũng có những người đàn ông dù biết sự thật vẫn chung sống với vợ, con, giấu kín chuyện “động trời” này và cho vợ một cơ hội để làm lại.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi