Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

CUỘC ĐỜI CỦA THI SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG: NỖI TRUÂN CHUYÊN CỦA KHÁCH MÁ HỒNG

Giới thiệu tập thơ Hồ Xuân Hương do mình dịch trực tiếp từ chữ Nôm sang tiếng Romania, nhà văn Constantin Lupeanu nguyên Đại sứ Romania tại Việt Nam đã viết:”Ở Romania, một tập thơ được in song ngữ: tiếng Romania và tiếng Việt với 70 bài thơ được xuất bản năm 2006 bởi Nhà xuất bản Qilin. Đây là tập thơ đầu tiên của Hồ Xuân Hương được dịch ra tiếng Romania, tập thơ thật sự đã mang lại niềm vui cho công chúng độc giả. Tập thơ đã đến với nhiều thư viện, nhiều cửa hàng sách để đến tay bạn đọc.
Những cảm xúc trữ tình, lãnh mạn của Hồ Xuân Hương đã được tìm thấy sau những ngôn từ Romania, đó là những vần thơ giàu thế giới nội tâm, những rung cảm của một tâm hồn lớn và của một trái tim đa cảm. Thơ của bà không giống với những gì đang hiện hữu trước đó, không sao chép lại cuộc sống, thiên nhiên mà thơ bà kiến tạo một thế giới khác, tự nhiên và đẹp đẽ hơn.
Nhà thơ giống như một nhà phù thuỷ có khả năng xuyên thấu các tri thức bí ẩn của sự tồn tại. Bà đã ghi chép lại bằng những cảm nhận và khuyếch tán nó ra khắp vũ trụ để tiếp cận tới những giá trị siêu việt nhất. Về phương diện này, thơ của bà đã nâng tầm tư tưởng, hiện thực được thêu dệt thành những giấc mơ, hình ảnh trở thành biểu tượng, chuyện thường ngày trở thành huyền thoại và siêu thoát...”
Qua giới thiệu của Lupeanu, chúng ta thấy Hồ Xuân Hương đứng ngang hàng với những nữ sĩ hàng đầu của thế giới; đó là tài thơ? Thế còn cuộc đời chìm nổi đa đoan của bà thì sao ? Chúng ta có thể thấy được qua bài viết công phu sau đây của Minh Giang in trong tạp chí Văn Hiến số 10/2010.
Tác giả: Minh Giang
Để đánh giá tài thơ của Hồ Xuân Hương thì đã có hàng trăm nhà văn, nhà thơ, học giả của nước ta và các nước như Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật… hết lời ca ngợi. Họ đều công nhận thiên tài thơ Hồ Xuân Hương của Việt Nam. Đó là một người phụ nữ Việt Nam với học vấn uyên bác, tài thơ thiên phú, đã có những suy nghĩ, có những khát vọng đi trước xã hội Việt Nam trên hai trăm năm. Tôi chỉ xin tiếp cận “Bà chúa thơ Nôm” từ câu chuyện về Tao đàn Cổ nguyệt đường...
Chúng ta đã từng biết trong lịch sử văn học nước ta có tao đàn hai mười tám ngôi sao. Cái tao đàn này gồm những bậc tài danh như Lê Thánh Tông (nguyên soái), Lương Thế Vinh (phó nguyên soái), Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung… nhưng đây là một tao đàn cung đình, tao đàn của tầng lớp quý tộc. Tất nhiên là những vua quan yêu nước, những vua quan mà nhân cách và tài năng của họ tỏa sáng qua những trang vàng lịch sử, mà nhiều thế hệ nối tiếp ít có người sánh được.
Còn Tao đàn Cỏ nguyệt đường mà Hồ Xuân hương là “Chủ súy” là một tao đàn của bình dân. Hồ Xuân Hương đã tỏa sáng về tài thơ và cả nhân cách mới tập hợp được những nhà thơ tài hoa về tao đàn Cổ nguyệt đường. Tao đàn lịch sử ấy, có mặt tám nhà thơ – mà sau này có người muốn gọi tao đàn này là “tao đàn bát tiên”. Thực ra tài thơ của các nhà thơ tao đàn Cổ nguyệt đường chưa hề sánh với “thần thơ” Hồ Xuân Hương, và cả những thi nhân nổi tiếng đương thời.
Vậy, Cổ nguyệt đường là gì? Ở đâu?. Xin thưa: Khi cụ đồ Hồ Phi Diễn, bố Hồ Xuân Hương, tới Thăng Long mở trường dạy học, đã tìm được một mảnh đất ở Nghi Tàm, bên Hồ Tây mà cụ rất ưng ý. Chủ nhân mảnh đất ấy đã tự nguyện nhường cho cụ đồ để mở trường dạy học.
Năm 1773, vợ chồng thầy đồ Nghệ sinh hạ một gái, đặt tên là Hồ Thị Mai (sau này đổi tên là Hồ Xuân Hương). Ngôi nhà của thầy đồ Nghệ lợp bằng tranh, đẹp và rộng rãi, trước sân có trồng cúc và trồng một cây mai (về sau trong thơ Hồ Xuân Hương mấy lần nói đến “Mai đình” là nhà có cây mai này, và cũng là nhà của Mai).
Bà đồ đã sắm một cái khung cửi để dệt lụa với sự giúp đỡ của các bà thợ dệt ở làng Nghi Tàm. Khi Hồ Xuân Hương 10 tuổi, đã bắt đầu tập dệt lụa với mẹ và khi 15 tuổi thì thay mẹ mang lụa lên “phố” để bán cho các cửa hàng tơ lụa ở phố Hàng Đường, Hàng Ngang. Lúc bấy giờ, vào cuối thế kỷ 18, cửa hàng tơ lụa lớn nhất Thăng Long là cửa hàng Diên Thái ở phố Hàng Đường. Do Hồ Xuân Hương lên phố bán lụa nên mới quen một khách hàng từ thị trấn Sơn Tây về Thăng Long cất hàng, người đó là Tổng Cóc .
Cổ nguyệt đường là gì? Đó là cách chơi chữ của Hồ Xuân Hương. Theo cách chiết tự thì chữ Hồ là do chứ “cổ” và chữ “Nguyệt” ghép thành, còn “đường” là ngôi nhà lớn, khang trang. Có người hiểu “cổ nguyệt” là trăng già hay trăng xưa! Đó không phải là dụng ý của Hồ Xuân Hương, mà chỉ là ngôi nhà của cô gái họ Hồ. Sau này, chúng ta gặp chữ “nguyệt đình” trong một số bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, thì thấy tác giả muốn chỉ rõ “ngôi nhà của Nguyệt”, nên gọi là “Nguyệt đình”, tức là nhà của Hồ Xuân Hương.
Năm 1805, Hồ Xuân Hương thành lập tao đàn Cổ nguyệt đường tại ngôi nhà của mình, vốn là trường dạy học của cụ đồ Hồ Phi Diễn trước đây, mà bây giờ nàng vẫn tiếp tục việc dạy học của bố mình cho con em trong làng. Năm ấy, Hồ Xuân Hương đã 22 tuổi.
Xin mở ngoặc ở đây để nói về những biến cố của gia đình Hồ Xuân Hương trước những biến cố lớn của đất nước.
Năm 1978, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long dưới lá cờ “Phù Lê diệt Trịnh”. Người dân Thăng Long nghe đồn “giặc Tây Sơn” ra đánh họ Trịnh, nên đã gánh gồng rủ nhau tản về các vùng Kinh Bắc, Thái Bình Sơn Tây, Phú Thọ. Chỉ trong mấy ngày cả kinh thành Thăng Long gần như bị bỏ trống. Nhưng vua Lê Hiển Tông và các cận thần cùng quân lính bảo vệ ngai vàng không chịu rời khỏi kinh thành, bởi vì quân Tây Sơn đã cho người bí mật tiếp cận với người của triều đình nhà Lê, nói rõ chủ trương “Phù Lê diệt Trịnh” để mọi người yên tâm.
Cả làng Nghi Tàm cũng như các làng khác đều di tản hết, khiến cho gia đình cụ đồ Nghệ như ngồi trên đống lửa, vì cụ đồ đang ốm nặng, không biết tính sao đây?
Bỗng nhiên ông Tổng Cóc xuất hiện. Bà đồ và Hồ Xuân Hương rất mừng khi nghe ông Tổng Cóc có ý mời gia đình cụ đồ lánh vào nhà ông ở Sơn Tây ít lâu để chờ qua cơn loạn lạc. Cụ đồ Nghệ nhất định không rời kinh đô Thăng Long vì cụ đã hiểu được chủ trương phù Lê diệt Trịnh của quân Tây Sơn, đặc biệt là cụ đã biết rõ nhà vua và triều thần vẫn ở lại kinh thành để đón chờ quân Tây Sơn.
Chỉ mấy tháng sau, cụ Hồ Phi Diễn qua đời, hưởng thọ 83 tuổi, bà mẹ của Hồ Xuân Hương mới 57 tuổi, còn Hồ Xuân Hương 14 tuổi.
Xin nói rõ, Hồ Xuân Hương bắt đầu được học chữ Nho năm lên bảy tuổi. Cả trường học chỉ Hồ Xuân Hương là nữ, nhưng là vì con gái của thầy học, nên bọn học trò nam cũng không dám trêu chọc. Hồ Xuân Hương có trí tuệ phi thường, nên mới học có vài năm, cô bé đã vượt xa nhiều nam sinh ở trường. Năm lên mười tuổi, Hồ Xuân Hương đã thuộc làu cả bộ Kinh Thi.
Năm 12 tuổi, cô bé đã đọc được Ngũ kinh và Tứ thư. Thầy đồ Nghệ bắt đầu dạy cho con gái làm thơ Đường. Tiếng đồn Hồ Xuân Hương là thần đồng, khiến cả làng Nghi Tàm càng quý mến gia đình cụ. Năm Hồ Xuân Hương 16 tuổi, cả làng Nghi Tàm rất hãnh diện có một thiếu nữ đẹp vào loại hoa khôi của Thăng Long, lại là một tài nữ. Nhưng cuộc sống của hai mẹ con bà đồ chưa thật yên ổn, bởi vì cái khung cửi dệt lụa đành vứt xó vì thời buổi loạn lạc, dân kinh thành chưa yên tâm làm ăn, cho nên hàng hóa ế ẩm, không ai mua. Bà đồ phải mở một quán nước ở đầu ngõ để có thêm đồng ra đồng vào. Việc dạy học của Hồ Xuân Hương cũng gặp khó khăn, các học trò con nhà khá giả đều nghỉ học để tạm lánh về quê, không thấy trở lại. Chỉ còn vài ba cháu nhỏ của bà con hàng xóm đến học.
Giữa lúc đó, ông Tổng Cóc cho người đến mai mối dạm hỏi Hồ Xuân Hương về làm vợ lẽ thứ ba. Nàng khóc ròng ba đêm, bỏ cả ăn uống. Cuối cùng, nàng cũng phải chấp nhận vì muốn tỏ lòng hiếu kính người mẹ hiền đã từng vất vả nuôi mình khôn lớn.
Thế là Hồ Xuân Hương trở thành cô Ba nhà Tổng Cóc. Không ngờ cuộc tình duyên của Hồ Xuân hương lại mở đầu một trang đen tối, đau buồn đến như vậy. Ông Tổng Cóc là một người giàu có, lại thuộc dòng dõi nhà Nho, cũng là người có máu mặt ở địa phương nên quan trên cũng như nhân dân đã chọn đưa lên chức chánh Tổng. Ông rất chiều chuộng Hồ Xuân Hương nhưng Hồ Xuân Hương đã thấy rõ sự tỵ hiềm làm bà vợ cả, vợ hai rắp tâm ám hại mình, nên tìm cách trốn khỏi nhà ông Tổng Cóc.
Thế là con chim bị nhốt trong lồng vừa đúng ba tháng thì sổ lồng bay vút ra bầu trời tự do. Hồ Xuân Hương trở lại Nghi Tàm. Hai mẹ con nàng cải tạo cái quán làm kế sinh nhai. Chính nhờ cái quán rượu bên hồ Tây này, Hồ Xuân Hương mới có dịp quen biết nhiều người buôn bán, nhiều nho sĩ của kinh thành Thăng Long và các trấn khác nữa.
Sau khi triều đại Quang Trung được thiết lập ở Bắc Hà, thì Thăng Long được đổi ra Bắc Thành, trấn Sơn Nam được chia làm hai trấn: Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ. Niềm tin và niềm vui trong nhân dân bắt đầu thì cái tin sét đánh đến với mọi nhà: Vua Quang Trung băng hà ở tuổi 40! Mọi người đều linh cảm vận nước sắp rơi vào những năm tháng bi thảm.
Giữa những ngày tháng buồn tẻ này, Hồ Xuân Hương gặp một nhà thơ có nét mặt buồn lững thững đến quán của mình. Người đó là Nguyễn Du. Suốt mấy năm qua, Nguyễn Du ẩn náu ở quê vợ Vũ Thư – Thái Bình, đang sống trong sự thiếu thốn cùng quẫn. Nguyễn Du biết được anh ruột của mình là Nguyễn Nễ đã ra làm quan với triều đại Quang Trung và đã được cấp nhà cửa khang trang cạnh Hồ Tây. Nguyễn Du lên Bắc Thành thăm anh.
Nguyễn Du bất ngờ đến quán rượu Hồ Xuân Hương, và chỉ vài lần trò chuyện, hai bên đã quen nhau. Sau khi biết rõ Nguyễn Du là con trai thư bảy của nguyên Tể Tướng Nguyễn Nghiễm và hiện là em ruột quan tư hàn ở Bắc Thành của triều đình Quang Trung nên càng dễ tin và quý mến. Bởi vì, Hồ Xuân Hương là em họ của nguyên Tham tụng Hồ Sĩ Đống ở phủ chúa Trịnh, và là cháu nội của cụ Huấn đạo Hồ Phi Gia, vốn là dòng dõi của danh gia vọng tộc.
Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là hai con người đa tình, đa cảm và cũng đa tài. Hồ Xuân Hương đẹp đến mức khó tìm chữ để tả, ta chỉ biết về sau này viết truyện Kiều, Nguyễn Du đã có câu thơ in rõ bóng dáng Hồ Xuân Hương:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”.
Hồ Xuân Hương cảm thấy Tố Như là người tình lý tưởng, giàn dị, thẳng thắn và tự trọng. Nguyễn Du dù trong lòng rất yêu Hồ Xuân Hương, nhưng không dám tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát. Bởi vì, Nguyễn Du lúc này đã có vợ và một bầy con cả trai lẫn gái ở Thái Bình.
Một thời gian lâu, Nguyễn Du không trở lại quán Nghi Tàm, vì ông anh ruột Nguyễn Nễ đã được triều đình Quang Toản điều vào Thuận Hóa thăng chức Đông các điện đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần.
Hồ Xuân Hương đành ôm mối tình đơn phương với nỗi buồn mênh mông, vì nàng biết rõ Nguyễn Du có cảm tình sâu sắc với nàng, nhưng không vượt qua được hoàn cảnh gia đình.
Ít lâu sau, Hồ Xuân Hương biết được tin Tố Như đã đưa gia quyến về quê Hồng Lĩnh. Sau khi Nguyễn Du đi rồi, quán rượu Nghi Tàm lại đón một vị khách trẻ, dòng dõi nho gia. Người đó Mai Sơn Phủ. Anh chàng nho sinh này đến tuổi khao khát tình yêu, bất ngờ gặp Hồ Xuân Hương thì dính chặt, không còn gỡ được nữa. Hồ Xuân Hương chỉ biết Mai Sơn Phủ là người cùng quận (Hoan Châu buổi trước – Hà Tĩnh sau này) đang là nho sinh. Danh vọng và sự nghiệp đang gửi vào cả “chí lớn” của một chàng trai ôm mộng gác vàng. Nhưng khốn khổ thay, gần mười năm nay, cả nước chẳng có khoa thi cử nào cả.
Khi các nho sinh đang ngơ ngác trước thời cuộc thì triều đại Tây Sơn sụp đổ, triều đại nhà Nguyễn Gia Long được thành lập! Lại một phen thay đổi sơn hà!
Quán rượu bà đồ Nghệ bên Hồ Tây ngày càng đông khách. Các tài tử văn nhân không ngớt đến quán để xướng họa thơ với Hồ Xuân Hương.
Đã đến lúc Hồ Xuân Hương thấy có đủ điều kiện để thành lập một tao đàn ở cạnh Tây Hồ.
Hồ Xuân Hương bàn với Mai Sơn Phủ lập một tao đàn lấy tên là “Tao đàn Cổ nguyệt đường” và quyết định mở cuộc hội thơ, được các nhà thơ quen biết nhiệt tình hưởng ứng.
Ba nhà thơ trẻ đất Hoan Châu đến Thăng Long đó là Mai Sơn Phủ, Tốn Phong Phan Huân và Nguyễn Công Trứ trở thành bạn thơ của Hồ Xuân Hương. Sau khi thành lập Tao đàn Cổ nguyệt đường, Hồ Xuân Hương đã khéo léo mời được mấy nhà thơ có quyền cao chức trọng đến dự. Đó là quan hiệp trấn Sơn Nam thượng Trần Ngọc Quán và quan hiệp trấn Sơn Nam hạ Trần Quang Tĩnh. Sau này có các quan tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, nguyên là tri phủ Tam Đái vừa được thăng chức tham hiệp trấn.
Ngoài ra, chúng ta còn được biết hai nhà thơ khác nữa mà Hồ Xuân Hương rất quý trọng, đó là: ông Cả Tân, hiệu là Tử Minh, là bà con xa đằng họ mẹ của Hồ Xuân Hương; và ông Dương Trí Tản, học giả nổi tiếng văn chương của đất Quỳnh Lưu.
Trong Tao đàn Cổ nguyệt đường còn có nhiều học trò của cụ Hồ Phi Diễn, là bạn học và bạn thơ của Hồ Xuân Hương.
Thế rồi năm 1807, triều Nguyễn mở khoa thi Hương đầu tiên trên cả nước, nhiều sĩ tử vui mừng đua chen để mong chiếm “bảng vàng”. Cả ba nho sinh Hoan Châu đều trở về Nghệ An để dự thi – kết quả là cả ba chàng đều thi hỏng.
Sau khoa thi Hương năm ấy, Mai Sơn Phủ được lệnh điều động vào quân đội và gia nhập đội quân biên phòng. Mai Sơn Phủ nài nỉ cho làm lễ cưới với Hồ Xuân Hương. Chính vì chuyện kết hôn vội vã đó mà Hồ Xuân Hương bị dư luận chê cười là cô gái “lẳng lơ” (ngôn ngữ cuối thế kỷ 18 là thèo đảnh).
Mai Sơn Phủ đã xướng họa thơ với Hồ Xuân Hương nhiều lần. Sau đây là bài thơ họa của Mai Sơn Phủ ca ngợi tài sắc của Hồ Xuân Hương:
Trên đàn thơ mới hiện thơ thần
Mừng được quen người quận cũ thân
Gác đẹp hỏi ra rành họ lớn
Má hồng ngờ vốn bậc tiên nhân
Châu Hoan thanh nhã hay ngàn thuở
Thơ phú tinh hoa đẹp vạn phần
Chín chục chín non từng có nhớ
Thành đô riêng chiếm đóa mai xuân
(nhà thơ Bùi Hạnh cẩn dịch từ nguyên văn chữ Hán)
Về tài thơ, Mai Sơn Phủ đã tôn vinh Hồ Xuân Hương là bậc “thơ thần”. Còn về sắc đẹp thì Mai Sơn Phủ đã xếp nàng vào “bậc tiên nhân”.
Tiếc thay, Mai Sơn Phủ ra đi đã không trở về nữa. Không rõ nguyên nhân gì đã dưa đến cái chết của Mai Sơn Phủ. Hồ Xuân Hương đau đớn tột cùng.
Sang năm 1814, Tốn Phong trở ra Long Thành đến thăm Hồ Xuân Hương, báo tin: Khoa thi năm ngoái Nguyễn Công Trứ chỉ đỗ sinh đồ (tức tú tài), còn Tốn Phong Phan Huân thì lại hỏng lần nữa. Tốn Phong nói cho Hồ Xuân Hương biết chàng đã từ bỏ con đường khoa bảng và hướng lý tưởng sống sang tìm thú vui trong cuộc sống điền viên và ngao du sơn thủy.
Thật ra, Tốn Phong rất yêu và rất trọng Hồ Xuân Hương, nhưng qua một số bài thơ do hai người xướng họa thì Tốn Phong đã thấy rõ Hồ Xuân Hương “quý mình” mà không yêu mình. Tốn Phong đã cố gắng vượt lên nỗi buồn ấy để giữ tình bạn chân thành với Hồ Xuân Hương. Tốn Phong đã có vợ con ở quê, chàng nho sĩ đành từ giã người bạn thơ Cổ nguyệt đường để trở lại Hoan Châu. Bất ngờ Hồ Xuân Hương trao cho Tốn Phong tập thơ có nhan đề “Lưu Hương ký”.
Đọc tập kỹ tập thơ “Lưu Hương ký”, nhà thơ Tốn Phong viết ngay bài tựa. Tốn Phong đánh giá cao tài thơ của nữ sĩ họ Hồ : “Học rộng mà thuần thục, dúng ít chữ mà đầy đủ, tứ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa”. Bài tựa không chỉ ca ngời tài thơ của Hồ Xuân Hương mà còn nói rõ Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ xuất chúng.
Nhờ đọc kỹ tập thơ “Lưu Hương ký” mà nhà thơ Tốn Phong hiểu rõ mối tình sâu đậm giữa hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Mai Sơn Phủ và càng hiểu được vì sao Hồ Xuân Hương không thể dành tình yêu của nàng cho ai khác.
Một cuộc thi thơ đã được tổ chức chu đáo ở Tao đàn Cổ nguyệt đường. Hội thơ đều nhất trí trao giải nhất cho nhà thơ Trần Ngọc Quán. Lập tức Hồ Xuân Hương liền đưa ra bài thơ ca ngợi Trần Ngọc Quán (bài xướng):
Vác cắm tao đàn một ngọn cờ
Ấy người thân đấy phải hay chưa
Lắc đầy phong nguyệt lưng hồ rượu
Dắt lỏng giang hồ nửa túi thơ
Đình Nguyệt góp người chung đỉnh lại
Trời Nam mở mặt nước non xưa
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá,
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho
Trước hết, Hồ Xuân Hương hoan nghênh nhà thơ Trần Ngọc Quán đã cắm lên Tao đàn Cổ nguyệt đường một ngọn cờ. Bằng một thái độ thẳng thắn, bà nói rằng “nhà thơ” vốn là một ông quan của triều đình mà lại đến tham gia cuộc thi thơ ở Tao đàn Cổ nguyệt đường thì coi như nhà thơ đã là người của chốn giang hồ.
Nhờ có tập “Lưu Hương ký” mà các thế hệ văn chương đời sau mới được đọc bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương gửi cho Nguyễn Du với lời đề “Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu”. Rất tiếc Nguyễn Du đã không được đọc bài thơ tình của Hồ Xuân Hương dành cho mình:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đó gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng xe tấp nập
Phấn son cùng tủi phận long đong
Biết còn mảy may sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong
Theo phân tích của học giả Hoàng Xuân Hãn thì bài thơ này được Hồ Xuân Hương làm sau tháng hai năm Quý Dậu (1813). Lúc này, Nguyễn Du được thăng chức từ Cai bạ Quảng Bình lên Tham tri Bộ Lễ và được lệnh phụng sự đi sứ Trung Quốc. Được tin, Hố Xuân Hương khấp khởi mừng thầm và ước mong Nguyễn Du qua Thăng Long nhất định sẽ đến Tao đàn Cổ nguyệt đường, nên đã có bài thơ này. Đọc lại hai câu cuối bài thơ “Biết còn mảy may sương siu mấy - Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”, người đọc hiểu Hồ Xuân Hương muốn nói gì? Hồ Xuân Hương tự hỏi:- Không biết cố nhân còn nhớ đến ta nữa không? Chữ “sương siu” (tiếng cổ) là bịn rịn, không dứt được, cũng có nghĩa là Hồ Xuân Hương vẫn nhớ Nguyễn Du không dứt được.
Nguyễn Du đến Thăng Long được quan Tổng trấn Bắc Thành mời dự tiệc, trong bữa tiệc ông có gặp người nữ ca sĩ già một thời quen biết xưa kia, và ông đã để lạii bài thơ xuất sắc “Long thành cầm gia ca”. Nguyễn Du không đến thăm Hồ Xuân Hương. Một năm sau, khi ông đi sứ trở về nước, qua Thăng Long vẫn không đến với nữ sĩ họ Hồ.
Tao đàn Cổ nguyệt đường tổ chức cuộc thi thơ lần thứ hai.
Lúc này, Hồ Xuân Hương đã ngoài tuổi bốn mươi. Thế rồi, quan hiệp trấn Trần Phúc Hiển xuất hiện với lời cầu hôn thẳng thắn. Ông quan này người ở phía Nam, khi làm tri phủ Tam Đái nghe tiếng Hồ Xuân Hương là bậc giai nhân và là tài tử nữ về thơ, lại là dòng dõi danh gia vọng tộc, nên rất hâm mộ. Bây giờ, ông đã được thăng chức tham hiệp trấn Yên Quảng, nên muốn cưới Hồ Xuân Hương làm thiếp. Hồ Xuân Hương năm đó đã 46 tuổi, nhưng vẫn rất đẹp, rất yêu kiều, duyên dáng.
Năm 1817, nàng đến Yên Quảng bằng thuyền do quan Trần Phúc Hiển thuê của dân đến Thăng Long đón rước người đẹp. Năm 1818, ông Trần Phúc Hiển bị phát giác là người tham nhũng của dân Yên Quảng trên 700 quan tiền. Triều đình Gia Long giao cho Tổng trấn Bắc Thành nghị án. Quan Tổng trấn tâu về triều đình Huế là phải xử tử hình. Năm 1819, bản án được thi hành.
Hố Xuân Hương choáng váng, bỏ trấn Yên Quảng định trở về Thăng Long, nhưng nàng đã tìm ra một nhà người quen ở vùng Tam Đảo để sống mà không dám về sống ở làng Nghi Tàm với ngôi nhà cũ của gia đình, nơi ghi nhiều kỷ niệm sâu sắc của một thời với cái tên Tao đàn Cổ nguyệt đường.
Những năm tháng này, nàng chỉ mượn chén rượu để cho khuây khoả. Nàng đi đây, đi đó, vào cả Thanh Hoá, Nghệ An. Nhiều nơi danh lam thắng cảnh đã có thơ của Hồ Xuân Hương để lại.
Bất ngờ Hồ Xuân Hương gặp Nguyễn Công Trứ. Hai bạn thơ ở Tao đàn Cổ nguyệt đường thuở trước gặp nhau ở một thời điểm mà cuộc đời mỗi người đã ghi đậm những đau buồn của quá khứ. Hai người phục tài nhau và càng thương cho số phận mỗi người.
Nguyễn Công Trứ đã đỗ giải nguyên và được triều đình nhà Nguyễn đưa lên con đường danh vọng. Nhưng ông làm quan theo cách sống của ông, nên ông được “thăng” lên cũng nhanh và “giáng” xuống cũng nhanh. Nguyễn Công Trứ vốn rất mến mộ Hồ Xuân Hương và thẳng thắn ngỏ ý muốn kết bạn đời với nữ sĩ. Năm đó, Hồ Xuân Hương đã 61 tuổi mà Nguyễn Công Trứ mới 57 tuổi, hiện giữ chức “dinh điền sứ” của hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải .
Nhưng, Hồ Xuân Hương khéo léo từ chối lời cầu hôn của Nguyễn Công Trứ. Nàng đã trở lại Nghi Tàm - Thăng Long một thời gian không lâu rồi mới qua đời. Thiên tài thơ Hồ Xuân Hương đã từ giã Đình Mai – Cổ nguyệt đường lúc lúc gần tròn 68 tuổi. Đó là năm 1841.
Chúng ta đã biết, năm 1842, Tùng Thiện vương Miên Thẩm là nhà thơ nổi tiếng của thi xã cung đình Huế, theo vua Thiệu Trị ra Thăng Long nhận lễ phong vương của triều đình nhà Thanh, đã đến nghĩa trang Nghi Tàm để viếng mộ Hồ Xuân Hương, để tỏ chút tình thương cảm với Hồ Xuân Hương tài nữ.
Đầy hồ rực rỡ hoa sen
Sai người xuống hái để lên cúng giàng
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng
Son tàn phấn rửa mồ hoang
Xuân Hương đã khuất dưới làn cỏ xanh
U hồn say tít làm thinh
Gió xuân mấy độ thổi tình không hay
Đó là bài thơ “Long Biên trúc chi từ thập tứ thủ” gồm 14 khổ, ba đoạn cuối nói về Hồ Xuân Hương.
( Nguồn: Văn Hiến 10/2010 )
Ai cứu Xóm Chùa?
Nguyễn Lân Dũng

Xóm Chùa là tên một làng quê được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn của nữ tác giả Đoàn Lê (trong tập Trinh tiết Xóm Chùa, NXB Hội Nhà văn, 2005) . Có thể đó không phải là một địa danh thật và không phải mọi câu chuyện ở đây đều xảy ra tại một làng quê cụ thể nào, nhưng với cái nhin sắc sảo và nhân ái của tác giả, tôi tin là những câu chuyện xảy ra liên quan đến cái Xóm Chùa này đều là những chuyện có thật tại nông thôn nước ta từ ngày Mở cửa. Tôi khâm phục văn tài của Đoàn Lê vì chị đã làm cho người đọc không thể không khắc khoải suy nghĩ và lo âu cho tương lai của nông thôn nước ta trước những diễn biến đi ngược lại với truyền thống nhân văn, nhân ái qua hàng nghìn năm qua.
.
Xóm Chùa hay Xóm Chùa Ông là nơi dân chúng tụ tập lại sống quanh khu lăng mộ của một liệt sĩ dòng tôn thất nhà Trần. Xóm Chùa đang yên lành thì náo động lên bắt đầu từ cái cát-sét có được sau ngày giải phóng. Nó làm đủ mọi nhiệm vụ trong đám cưới , đám tang. Không ngày nào không có người tìm đến chủ nhân với hàng đống các loại băng khóc cha, khóc mẹ, loại dành riêng cho con dâu, con rể, con nuôi, có cả loại kinh Phật dành cho đối tượng đang thập tử nhất sinh. Cú sốc lớn hơn là từ ngày cái gái Nhớn được tuyển làm diễn viên ở Trung ương quay về làng với hai mắt xanh lè, mí mắt rắc nhũ óng ánh, mặt mũi chỗ đỏ, chỗ nâu, quần áo miếng xanh, miếng tím.. Rồi lại xuất hiện cái ti-vi cho cả xóm xem chung. Tiếp đến bà Chiu bán rượu nếp bị chiếc xe của Tây móc vào đòn gánh kéo lê một quãng gây xây xát nhẹ mà được đền tới 400 đô-la, khiến cho nhiều người ao ước được vướng vào xe của Tây như bà (!). Rồi chuyện cô gái lai đen tên Mừng chuyên hủ hóa với trai làng và quy đổi ra thành gạo. Nhưng chưa có gì đáng xáo trộn bằng chuyện mở đường cao tốc qua làng làm tha hóa cả một tầng lớp cán bộ thất học và tham lam. Chủ tich xã Quang sau bốn năm cầm quyền, bằng cách nhử mồi câu cá, sợi dây bảo hiểm cho gã hoạn lợn đã dài tận Huyện, tận Thành phố, gã cóc sợ ai nữa. Gã thường bật cười bảo dân xóm Chùa: Các vị đi xe đạp lên Tỉnh kiện tôi sao nhanh bằng tôi đi xe máy(!). Thế là lão bán đứt Khu vườn cây của các cụ cho Viện cây giống. Nhưng sự thật là “Viện đứng nhận lấy danh nghĩa thôi. Họ chỉ có ba suất. Còn bác Thái (bí thư) lo cho bảy suất con cháu anh em trong nhà…Còn mười suất phía ông Quang chủ tịch mặc ông ấy lo… Ông biết Viện trưởng Viện cây giống là ai không? Chồng con Cúc nhà dượng Tám gọi chúng tôi bằng bác họ” …Thế đấy, họ Đào vươn ngành, vươn chi như vòi bạch tuộc, bám vào đất xóm Chùa chưa thỏa, sao còn dây mơ rễ má, cốt che mắt thiên hạ ăn cướp với nhau. Họ tranh cướp nhau mặt đường đến nỗi lão Hớn đã nói “ Để có rẻo mặt đường dưới âm, cần phải chết sớm tranh đất, tôi xin chết ngay”. Thiêng thật, sau khi bị mất trộm ba cây vàng có được do bán hớ mảnh đất đáng giá mười ba cây lão đã thắt cổ tự vẫn. Đáng sợ hơn là thời kỳ cô Khờ (có ông nội là mõ làng, bố đi đánh dậm nuôi cả nhà) lấy người Đài Loan đổi tên là Lầy Lầy và với dáng điệu đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ xuôi, để lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm rồi điềm nhiên lắc mông đi về làng. Lầy Lầy mừng tết Trung Thu cho mỗi người 1 đô-la, trẻ con mỗi đưa mỗi gói bánh quy kèm mấy viên kẹo Tàu. Cả làng được dịp rộ lên kéo nhau đi nhận quà như đi nhận phát chẩn. Lầy Lầy về làng để tuyển con gái đi Đài Loan mà tiêu chuẩn phải xinh xắn, dễ coi, trẻ, khỏe…lại còn phải xịn. Lầy Lầy dám bảo bà Duệ lo cho khoản tiền kha khá để vá màng trinh cho con bà trước khi đưa đi xuất ngoại. Và bi thảm nhất là chuyện cả làng há hốc mồm ra khi biết kết quả khám nghĩa vụ quân sự có tới một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản dương tính với con Hít (!).Lão Bản ngậm ngùi: Còn đâu Xóm Chùa ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái đóng mác xuất ngoại, con giai đu đưa ma túy,ca-ve lẻn vào tận làng hoạt động kiếm tiền. Cái tha hóa len lỏi đến cả nhà ông lão đại tá về hưu có thằng con phá hang làm Khu Du lịch sinh thái rởm Hang Dơi. Nó đưa ba gái về nhà nói dối là để chờ lớp đào tạo nhà buồng, không ngờ một cô khiêu khích được lão già đến nỗi làm ông chết vì nhồi máu cơ tim ngay trên giường (!).

Đọc xong 16 truyện trong tập sách này lòng tôi đau xót quá. Đành rằng không phải chỗ nào cũng như Xóm Chùa này, nhưng rõ ràng ở nhiều nơi nông thôn hiện đã không còn bình yên nữa. Tôi thường xuyên trả lời trên báo Nông nghiệp Việt Nam cho nên hàng ngày nhận được khá nhiều thư. Bên cạnh những thông tin đáng mừng về thành công của đổi mới cây trồng , vật nuôi và phát triển nghề thủ công, còn không ít những lá thư tâm tình về sự nghèo đói, bỏ học , buồn chán và cả những thư hỏi rất nhiều về chuyện tình dục trước hôn nhân. Nông thôn đang chuyển động. Cái tốt đang về với làng quê nhưng không ít cái xấu cũng đang len lỏi về theo. Nhà nghỉ, quán Karaokê , cắt tóc thư giãn , Game online …đang tỏa dần đến tận các xóm làng vốn bao đời thanh bình, êm ả. Không it những cán bộ cơ sở hy sinh việc nhà để gánh vác biết bao công tác giúp đỡ dân làng chỉ với những đồng tiền lương hay phụ cấp quá ít ỏi. Nhưng những Xóm Chùa vẫn hiện diện nơi này nơi nọ với những biến tướng khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự tha hóa của cán bộ cơ sở, sự tê liệt hoạt động của Đảng và các đoàn thể quần chúng, sự bóp nghẹt dân chủ , trù giập người cương trực và sự tiếp nhận dễ dãi những lối sống hưởng thụ không lành mạnh.

Ai cứu những Xóm Chùa nói trên? Câu hỏi đó cần được mọi người suy nghĩ trước khi để tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Đừng quên rằng trên 70% cư dân nước ta còn đang sống ở nông thôn và nguồn lực lao động để công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đang trông chờ vào lớp trẻ còn đang chưa rời khỏi đồng ruộng hôm nay.

16.05.2008.

Tại một kỳ họp Quốc hội, GS Nguyễn Lân Dũng đã PR tác phẩm Trinh tiết Xóm Chùa của nữ văn sĩ Đoàn Lê. Ông đề nghị các đại biểu Quốc hội tìm đọc tác phẩm này.


Bài đọc thêm:
Thăm biệt thự Nữ văn sĩ Đoàn Lê
Nguyễn Xuân Diện
Cuối tuần vừa rồi tôi đưa cả gia đình đi nghỉ ở Đồ Sơn. Thú vui non nước Đồ Sơn đều đã được thưởng ngoạn: nào tắm biển, nào đi ngựa, thăm dinh Bảo Đại, thăm Casino Đồ Sơn...

Chúng tôi có đến thăm biệt thự của hai nữ sĩ họ Đoàn. Đó là một biệt thự rộng đến 800 mét vuông, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển. Chủ nhân của biệt thự là hai chị em bà Đoàn Lê và Đoàn Thị Tảo – những người rất nổi tiếng trong văn giới.

Bà Đoàn Lê có những tác phẩm gây tiếng vang như: Cuốn gia phả để lại (tiểu thuyết), Niết Bàn rực cháy (phim), Trinh tiết xóm Chùa (tập truyện) ...Còn bà Đoàn Thị Tảo – em gái bà Đoàn Lê thì nổi tiếng với bài Chị tôi đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc, và cô Mỹ Linh trình bày rất thành công ca khúc này.

Tôi may mắn quen biết bà Đoàn Thị Tảo cũng đã khá lâu. Bà Đoàn Lê, Đoàn Thị Tảo là em gái của bà Đoàn Linh – thân mẫu của TS. Trần Đoàn Lâm, bạn tôi. Trần Đoàn Lâm hiện là GĐ nhà xuất bản Thế giới, Chủ tịch Quỹ Đan Mạch – Việt Nam phát triển văn hóa. Những lần sang chơi, nghe đàn ngâm thơ với Trần Đoàn Lâm, tôi cũng đã có may mắn được dùng cơm với bà Tảo, và được biết bà là một phụ nữ nấu ăn rất ngon.

Gia đình họ Đoàn có 9 chị em. Đây vốn là một gia đình chuyên nghề Nho – Y nổi tiếng nền nếp gia phong ở Phòng. Các bà đều được thụ hưởng nền giáo dục rất nghiêm của song thân. Cả 9 bà đều thành gia thất với những người có vị trí trong xã hội.

Tôi mới hân hạnh được tiếp xúc với 4 bà là bà Linh, bà Ngọc, bà Lê, bà Tảo. Các bà đều đã sáu bảy mươi tuổi mà nói chuyện rất duyên dáng và cuốn hút. Có lẽ vì thế, mỗi lần chị em bà Lê bà Tảo “nhảy lên” mặt báo là cứ phải chiếm trọn một trang báo, bất kể báo to hay báo nhỏ. Nếu tôi là một nhà văn hay nhà báo thì có lẽ tôi phải viết chí ít cũng phải 9 kỳ về 9 chị em nhà bà.

Khi chúng tôi đến, bà Tảo đón chúng tôi ở ngõ. Rồi bà dịu dàng bế đứa con nhỏ của tôi, dịu dàng vui cười với cháu bé như một người bà thân thương.

Chúng tôi cùng trò chuyện về văn học và xã hội, về những tác phẩm mới và cũ của các bà. Rồi bà Đoàn Lê đưa chúng tôi đi thăm hết các nơi trong biệt phủ. Nào non bộ, nào ao cá, nào phòng tranh, nào phòng văn...Bà còn đưa cu Moon nhà tôi đi xem đàn cá vàng trong cái bể lớn ở giữa khu vườn.

Mọi cử chỉ của bà đều toát lên sự dịu dàng, chu đáo ân cần và lịch lãm, khiến cho chúng tôi thấy rất xúc động.

Trò chuyện hồi lâu, bà Lê nhắc bà Tảo chuẩn bị ít đồ ăn để mời các cháu ở lại dùng cơm tối. Chúng tôi vội cảm ơn không thể ở lại, vì đang đi nghỉ cùng đại gia đình ở biệt thự V.T.

Bà Lê vội đi lấy tập Thu biển, tập thơ mới nhất của bà Tảo để bà ký tặng gia đình chúng tôi. Bà Đoàn Lê biết nhà tôi là một người làm công tác nghiên cứu và cũng có vẽ vời, nên bà mời sang năm xuống chơi, bà sẽ dành cho cả một tầng biệt thự để làm xưởng vẽ. Bà Tảo thì bảo nhà tôi cứ yên tâm đem các cháu xuống, bà sẽ chợ búa, trông giữ đám trẻ con cho mà vẽ vời.

Tạm biệt biệt phủ của các nữ sĩ họ Đoàn, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm mà các bà đã dành cho chúng tôi. Trong chuyến đi này, những giây phút êm đềm trong biệt phủ của các nữ sĩ họ Đoàn đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ mà chúng tôi không thể nào quên.

Ngu lâu

Ngu lâu là sự ngu tệ hại nhất trong các loại ngu – tệ hại nằm ngay trong hai cái từ nghe có vẻ vô hại và hơi du dương ấy! Người ngu lâu là người chủ quan nhất trong những người chủ quan: Ngu mà chả bao giờ cho mình là ngu…

Biết, nói không biết – ấy là biết!(Lão Tử)

Ngu si hưởng thái bình (Lời cổ)

Ngu đồng nghĩa với dại. Ngược với ngu, dại là khôn. Vâng, “rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình!”. Lại nữa: “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại!”. Ca dao xưa đã khẳng định như vậy. Ranh giới giữa ngu và dại là ngố. Dân An Nam ta xưa kia vốn rất tự tin, người ngoại quốc nào sang đến đất nước này cũng bị gọi là ngố: Tầu thì có ngố Tàu, Tây thì có Tây ngố, Nga ngố!

Để diễn tả cái sự ngu, dại, ngố, người xưa đã có rất nhiều hình tượng: dại như vích, ngu như lợn, ngu như bò, ngu như chó… Khi chê bai ai đó một cách nhẹ nhàng, thì nói: “Sao mà cậu dại như con vích vậy?”; hoặc “trông cứ như thằng Tây ngố ấy!”. Còn khi đã ví ai đó “ngu như chó” có nghĩa là đã tức về cái sự ngu của người ấy lắm rồi, tức đến tột đỉnh rồi, không thể chịu được nữa!

Suốt nhiều thế kỷ, dân ta đã dùng những từ ngữ đó để nói về cái sự ngu, sự dại, sự ngố. Như vậy tưởng là đã quá đủ rồi, không khiến ai phải sáng tác thêm làm gì!

Vậy mà mấy thập niên gần đây lại nảy nòi ra một hình tượng hoàn toàn mới: Ngu lâu! Mới nghe thì chả ra làm sao cả, chả có gì đặc biệt cả. Ấy thế mà càng ngẫm, càng thấy thấm thía. Ôi! Sao mà nó đúng đến dễ sợ vậy? Nếu tìm ra được tác giả đích thực của câu nói này, chắc đến phải đề nghị trao tặng bằng “tiến sĩ ngôn ngữ danh dự” cho người đó mất thôi (tiến sĩ danh dự thì không phải làm luận án, không mất công thi cử; hệ quả là không sợ bị gọi là học giả, bằng thật, cũng không bị nghi ngờ chạy điểm, cóp bài!).

Ngu lâu là sự ngu tệ hại nhất trong các loại ngu – tệ hại nằm ngay trong hai cái từ nghe có vẻ vô hại và hơi du dương ấy! Người ngu lâu là người chủ quan nhất trong những người chủ quan: Ngu mà chả bao giờ cho mình là ngu; ngay khi đã nhận ra mình ngu lâu, mà vẫn cứ tiếp tục ngu, cứ ngu một cách vô tư trong suốt cả cuộc đời, ngu như kẻ “mộng du… ngu”, ngu triền miên và đôi khi còn đắc chí nữa! Cái tệ hại của ngu lâu là nó kìm hãm tất cả, cả người bị gọi là ngu lẫn người có liên quan đến anh ta! Đó là sự khác biệt cụ thể nhất của ngu lâu so với ngu như lợn, như bò, hay như chó!

Ngược với ngu là khôn. Song hành với khôn thường là ngoan! Cuộc đời có nhiều minh chứng (tuy không là tất cả) rằng kẻ khôn, thường là kẻ ngoan, chí ít cũng là kẻ biết cách ngoan! Dân gian gọi những kẻ khôn như thế là “khôn long khôn lỏi”, “khôn lọc khôn lõi”! Khi ở đâu đó hình thành hai ba phe phái, mà người phe mình khó thắng người phe đối thủ, thì cách lựa chọn đúng đắn nhất của mỗi phe, là dồn sự ủng hộ của mình cho kẻ ngoan, tức kẻ dễ sai khiến. Thế là ngoan nghiễm nhiên được đa số phiếu! Thực tế cuộc đời cho thấy, đã có không ít kẻ NGOAN leo lên đến tột đỉnh của sự “vinh quang”(!).

Cha ông ta, nhiều khi khiêm tốn cũng tự nhận mình không khôn:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao!”

Nhưng đấy chỉ là một cách mỉa mai đời mà thôi. Các cụ đâu có dại? Năm tháng nếm trải mọi cay đắng, ngọt bùi của cuộc sống, mới rút ra được sự “dại” đó. Lớp hậu thế, nhất là khi còn đang ở thời buổi đua chen, đang ở tuổi hăng thi thố để “thiên hạ biết mình là ai”, thì học được chữ “dại” của các cụ là khó lắm lắm! Những kẻ ngu lâu, đâu có được cái cốt cách dại đó của cha ông!

“Khôn ngoan đến cửa quan mới biết!” là một kinh nghiệm đánh giá khôn – dại. Kinh nghiệm này cần nhìn ở cả hai phía: phía quan và phía dân. Được làm quan mà không biết tận hưởng lộc vua là dại, không khôn! Là dân mà đến chỗ công đường không biết biến báo, chạy vạy, không biết phong bao phong bì, có sao khai thật vậy, thì cũng là kẻ khờ khạo, chứ không khôn!

Ở cái thành phố tôi, có tay Nghĩa xe bò nổi tiếng một thời. Anh ta chỉ làm nghề kéo xe bò thôi, vậy mà xây được nhà lầu lúc nào không hay! Cái thời mà tất cả đều là nhà cấp bốn (một tầng trệt, lợp ngói), thậm chí còn tranh tre nứa lá, mà nghe tin Nghĩa ngố xây nhà lầu, lấy mẫu tận Thủ đô, thì chả ngạc nhiên làm sao được? Thực khách dự bữa tiệc mừng nhà mới đều là những người khôn ngoan, rất muốn được Nghĩa ngố giải thích.

Rượu vào rồi, Nghĩa mới thủng thẳng: “Có gì đâu, thiên hạ, kể cả các bác đây cũng vậy, đều chỉ thích khoe khôn, chẳng ai chịu nhận mình dại. Thế là Nghĩa này nhận mình dại, mình ngố! Mà đã ngố thì chả thằng khôn nào lại đi tranh giành thiệt hơn với ngố cả, đúng không? Thế là ngố đây vơ tất! Hóa ra chính thiên hạ dại, chính các bác dại, các bác ngố! Ngay như cái việc hôm nay, chỉ Nghĩa ngố này mới dám cả gan làm ngôi nhà lầu to đoành thế này, lại đàng hoàng mở tiệc khao nữa; chứ các bác có của nhiều đến mấy, bố bảo cũng chả dám. Lại không bị thanh tra kiểm tra ngay tắp lự ấy à! Còn Ngố thì chả ai thèm để ý, chả ai thèm chấp! Ai đi chấp với thằng Ngố kéo xe bò cơ chứ?”. Kết thúc buổi tiệc, có người mừng Nghĩa hai câu:

“Khôn như chúng tớ – là khôn dại

Dại kiểu Nghĩa ngố – ấy dại khôn”!

Vậy ra hai chữ khôn, dại ở đời, không phải là chuyện dễ nhận biết! Bởi vốn dĩ, xưa nay: Đời chỉ toàn những người tranh khôn, mấy ai tranh dại như anh Nghĩa ngố ở thành phố tôi? Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của hai chữ “ngu lâu”. Và phải chăng cũng còn bởi lẽ những người ngu lâu như chính người viết bài này, đâu có bao giờ tự cho mình là không… khôn?

Trần huy Thuận

(Nguồn: Tầm nhìn.net)