Ủy ban Nobel Na Uy đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Nobel Hòa bình hôm Thứ Sáu (10/12) mà người nhận giải – nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc) – không thể có mặt do đang phải thụ án tù tại quê nhà.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban Nobel Thorbjørn Jagland tại buổi lễ.
Tâu bệ hạ và hoàng hậu, kính thưa quý bà, quý ông,
“Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba, cho cuộc tranh đấu trường kỳ bất bạo động của ông ấy đòi các quyền cơ bản của con người ở Trung Quốc. Ủy ban Nobel Na Uy từ lâu đã tin rằng có sự liên quan mật thiết giữa các quyền con người và hòa bình. Các quyền đó là điều kiện tiên quyết cho ‘tình huynh đệ giữa các quốc gia’, là điều mà Alfred Nobel đã viết trong di chúc của mình”.
Tôi xin mượn những lời trên được trích trong đoạn đầu tiên thông cáo của Ủy ban Nobel Na Uy ký ngày 08/10 vừa qua khi công bố Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay, để mở đầu bài phát biểu này.
Chúng ta rất lấy làm tiếc là người đoạt giải lại không có mặt ở đây hôm nay. Ông đang bị cô lập trong một nhà tù ở phía đông bắc Trung Quốc. Ngay cả người thân cận nhất là vợ ông, bà Lưu Hà, cũng không thể đến đây với chúng ta. Do đó, hôm nay, sẽ không có huân chương hay chứng chỉ nào được trao tại đây cả.
Chỉ riêng thực tế đó, đã cho thấy giải thưởng này là quá cần thiết và xứng hợp. Chúng tôi xin chúc mừng ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm nay.
Trước đây, đã từng có những trường hợp người được nhận giải bị ngăn cản đến dự lễ trao giải. Ngay cả khi đã được đến, người nhận giải cũng còn nhiều lần bị lên án nặng nề bởi nhà chức trách ở quê hương mình. Tất cả đã được minh chứng trong ánh sáng của lịch sử rằng hầu hết các trường hợp đó đều là những giải thưởng thực sự quan trọng và xứng đáng.
Chúng ta đã từng gặp khó khăn cực lớn trong năm 1935, khi ủy ban quyết định trao giải thưởng này cho Carl von Ossietzky. Hitler đã vô cùng tức giận và cấm tất cả người Đức không được nhận bất kỳ giải thưởng Nobel nào. Vua Haakon đã không tham dự lễ trao giải. Bản thân Ossietzky cũng không đến Oslo và chết hơn một năm sau đó.
Moscow cũng đã giận dữ không kém khi Andrej Sakharov được trao giải vào năm 1975. Ông cũng bị ngăn cản đến nhận giải thưởng. Vợ ông phải nhận thay. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Lech Walesa (Ba Lan) năm 1983. Các nhà chức trách Miến Điện cũng điên tiết khi bà Aung San Suu Kyi được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1991. Một lần nữa, người đoạt giải đã không thể đến được Oslo.
Năm 2003, Shirin Ebadi nhận Giải Nobel Hòa bình. Bà đã đến lễ trao giải. Người ta có thể nói khá nhiều về phản ứng của các quan chức Iran nhưng rốt cuộc Đại sứ Iran đã tham dự buổi lễ.
Ủy ban Nobel Na Uy đã từng trao bốn giải cho Nam Phi. Tất cả những người đoạt giải đã đến Oslo. Tuy nhiên, các giải thưởng dành cho Albert Lutuli vào năm 1960 và Desmond Tutu năm 1984 đã chọc tức chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi và chịu sự phẫn nộ lớn từ chế độ này, trước khi đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt bởi giải thưởng được trao cho Nelson Mandela và Frederik Willem de Klerk năm 1993.
Tất nhiên, quan điểm khi trao các giải thưởng này không bao giờ có ý xúc phạm bất cứ ai. Mục đích của Ủy ban Nobel là muốn nêu lên mối liên hệ giữa nhân quyền, dân chủ và hòa bình. Và điều quan trọng là để nhắc nhở thế giới rằng các quyền mà chúng ta được hưởng rộng rãi ngày hôm nay là thành quả của sự chiến đấu và giành chiến thắng của những con người đã dám liều mình xông pha, chấp nhận những rủi ro rất lớn.
Họ đã làm tất cả điều đó cho tha nhân. Đó là lý do tại sao Lưu Hiểu Ba xứng đáng nhận được sự ủng hộ của chúng ta.
Mặc dù không ai trong số các thành viên của ủy ban đã từng gặp Lưu, chúng tôi vẫn cảm thấy rằng chúng tôi quen biết ông. Chúng tôi đã nghiên cứu ông cách chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài.
Lưu sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955 tại Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ông lấy bằng Cử nhân văn chương tại Đại học Cát Lâm, rồi bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nơi ông cũng đã tham gia giảng dạy. Ông từng ra nước ngoài với tư cách giáo sư thỉnh giảng ở các Đại học Oslo, Đại học Hawaii và Đại học Columbia ở New York.
Năm 1989, ông quyết định trở về Trung Quốc để tham gia phong trào dân chủ buổi sơ khai. Vào ngày 02 tháng 6, ông và một số người bạn bắt đầu cuộc tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn để phản đối tình trạng thiết quân luật đã được ban bố. Họ đưa ra một tuyên ngôn dân chủ 6 điểm, do Lưu viết, chống đối chế độ độc tài và ủng hộ dân chủ. Ông Lưu cũng đã phản đối bất kỳ cuộc đấu tranh sử dụng bạo lực nào chống lại chính quyền của một bộ phận sinh viên, ông đã cố gắng tìm một giải pháp hòa bình cho sự căng thẳng giữa sinh viên và chính phủ. Bất bạo động đã được định hình rõ nét trong thông điệp của ông. Vào ngày 04 tháng 6, ông và bạn bè đã cố gắng để ngăn chặn một cuộc đụng độ giữa quân đội và các sinh viên. Nỗ lực của ông chỉ thành công một phần. Nhiều người đã chết, hầu hết ở bên ngoài Thiên An Môn.
Lưu đã nói với vợ rằng ông muốn Giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ được dành riêng cho “những linh hồn đã mất từ ngày 04 tháng 6”. Đây là một niềm vui cho chúng ta khi giúp ông hoàn thành mơ ước của mình.
Lưu nói: “Sự vĩ đại của tranh đấu bất bạo động là ngay cả khi phải đối mặt với bạo quyền chuyên chế gây ra bao đau khổ, nạn nhân sẽ đáp lại sự thù ghét bằng tình yêu, định kiến bằng lòng khoan dung, kiêu ngạo bằng sự khiêm nhường, đáp lại tình trạng hạ nhục nhân phẩm bằng phẩm giá và trả lời bạo lực bằng lẽ phải”.
Thiên An Môn đã trở nên một bước ngoặt trong cuộc đời Lưu Hiểu Ba.
Năm 1996, ông Lưu bị kết án ba năm lao động cải tạo cho tội “gây rối trật tự công cộng”. Từ 2003–2007, ông là chủ tịch của Trung tâm văn bút Trung Hoa – một tổ chức độc lập. Ông Lưu đã viết gần 800 bài tiểu luận, trong đó có 499 bài ra đời từ năm 2005. Ông là một trong những kiến trúc sư trưởng của Hiến chương 08 – được thực hiện và phổ biến rộng rãi vào ngày 10 tháng 12 năm 2008 – trong lời nói đầu của tài liệu này có đoạn “nhân dịp kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc ra đời, kỷ niệm 60 năm việc ban hành Tuyên ngôn về Nhân quyền, kỷ niệm 30 năm xây dựng Bức tường Dân chủ và kỷ niệm lần thứ 10 việc chính phủ Trung Quốc ký Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”. Hiến chương 08 bảo vệ các quyền cơ bản của con người và được hàng nghìn người Trung Quốc cả trong và ngoài nước ký tên hưởng ứng.
Ngày 25 tháng 12 năm 2009, ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù giam và 2 năm bị tước các quyền chính trị vì tội "kích động lật đổ chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính dân chủ của nhân dân". Ông đã liên tục tuyên bố bản án này vi phạm chính hiến pháp Trung Quốc và những quyền cơ bản của con người.
Có nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và quan điểm của họ có nhiều chỗ khác biệt. Các hình phạt nặng đối với ông Lưu làm cho ông ngày càng trở nên như một phát ngôn nhân đáng chú ý của phong trào đòi các quyền con người. Thực tế trong một sớm một chiều, ông đã trở thành biểu tượng lớn – ở cả Trung Quốc và trên bình diện quốc tế – của cuộc đấu tranh cho các quyền đó ở Trung Quốc.
Tâu bệ hạ và hoàng hậu, thưa quý bà, quý ông,
Trong thời chiến tranh lạnh, người ta tranh cãi về các mối liên kết giữa hòa bình và nhân quyền. Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, các nhà nghiên cứu hòa bình và các nhà khoa học chính trị hầu như đã thiếu nhấn mạnh thường xuyên cách mà các liên kết đó liên hệ mật thiết với nhau như thế nào. Đây được cho là một trong những phát hiện "mạnh mẽ" nhằm đạt được các giá trị trên. Các nền dân chủ có thể đi đến chỗ chiến tranh chống lại các chế độ độc tài, và tất nhiên phải tiến hành các cuộc chiến thuộc địa, nhưng hình như không có tiền lệ nào cho thấy một nền dân chủ đã phải đi tới chiến tranh chống lại nền dân chủ khác.
Cần hiểu sâu sắc hơn "tình huynh đệ giữa các quốc gia" mà Alfred Nobel đã đề cập trong di chúc của mình và đó là một điều kiện tiên quyết để có hòa bình thực sự – điều khó có thể được tạo ra mà không có nhân quyền và dân chủ.
Lịch sử thế giới hiếm có ví dụ nào tương tự về một siêu cường đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy trong một khoảng thời gian như Trung Quốc. Bắt đầu từ 1978, cứ mỗi năm, mỗi thập kỷ, tỷ lệ tăng trưởng của đất nước này giữ vững ở mức 10% hoặc cao hơn. Một vài năm trước đây, sản lượng quốc gia của Trung Quốc đã lớn hơn của Đức và năm nay nó vượt cả Nhật Bản. Trung Quốc đã đạt được vị trí số hai thế giới về tổng sản phẩm quốc gia. Sản phẩm quốc gia của Hoa Kỳ vẫn còn lớn gấp 3 lần Trung Quốc, nhưng trong khi Trung Quốc đang tiếp tục con đường tăng trưởng của mình thì Hoa Kỳ lại là một trong những khó khăn nghiêm trọng.
Kinh tế thành công đã giúp cho hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát cảnh đói nghèo. Đối với việc giảm số người nghèo trên thế giới, Trung Quốc phải có được sự tín nhiệm hoàn toàn.
Chúng ta có thể đi đến mức khẳng định rằng Trung Quốc với 1,3 tỷ dân của mình, chính là nó đang mang số phận của nhân loại trên vai. Nếu nước này chứng tỏ có khả năng phát triển một nền kinh tế thị trường xã hội với đầy đủ các quyền dân sự, điều này sẽ hứa hẹn một triển vọng rất lớn tác động đến cả thế giới. Bằng không, tồn tại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trong đất nước này, mà hậu quả tiêu cực sẽ giáng lên tất cả chúng ta.
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta lý do để tin rằng việc tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng bao hàm những cơ hội cho tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu và tự do tranh luận. Hơn thế nữa, không có tự do ngôn luận, thì tham nhũng, lạm quyền và vô tổ chức sẽ tràn lan. Mỗi hệ thống quyền lực phải tạo được thế đối trọng dưới sự kiểm soát của người dân qua bầu cử, truyền thông tự do và quyền biểu tình, phản biện của công dân.
Không ít thì nhiều các nước dưới chế độ độc tài có thể tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng không phải ngẫu nhiên mà gần như tất cả các quốc gia giàu nhất thế giới đều theo chế độ dân chủ. Dân chủ mới có thể huy động các nguồn lực mới từ con người và công nghệ.
Vị thế mới đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng trách nhiệm. Trung Quốc phải được chuẩn bị cho những tiếng nói phản biện và phải coi đó là điều tích cực – như là một cơ hội để ngày càng tiến bộ. Bất cứ cường quốc nào cũng phải thực hiện theo cách này. Điển hình, chúng ta có đầy đủ, cụ thể các đánh giá về vai trò của Hoa Kỳ trong những năm qua. Bạn bè và đồng minh đã chỉ trích siêu cường này trong cả cuộc chiến Việt Nam lẫn việc phân biệt đối xử với người da màu trong các quyền dân sự. Nhiều người Mỹ đã phản đối Giải Nobel Hòa bình được trao cho Martin Luther King năm 1964. Nhìn lại, chúng ta có thể thấy Hoa Kỳ càng lớn mạnh hơn khi những người Mỹ gốc Phi có được quyền của họ.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi về sự yếu kém của Trung Quốc – thay vì là tất cả sức mạnh quốc gia hiện có – không cho thấy sự cần thiết phải bỏ tù một con người những 11 năm chỉ vì anh ta đã thể hiện ý kiến của mình về cách thức mà anh ta nghĩ rằng đất nước của mình nên đi theo.
Có thể tìm thấy điểm yếu này thể hiện rõ ràng trong bản án dành cho ông Lưu, điểm được nhấn mạnh là đặc biệt nghiêm trọng chính là vì ông đã phát tán ý kiến của mình trên Internet. Nhưng điều đó còn khiến những người lo lắng cho sự tiến bộ công nghệ có mọi lý do để lo sợ cho tương lai. Công nghệ thông tin không thể bị xóa sổ. Nó sẽ tiếp tục mở ra các giai tầng xã hội. Như Tổng thống Nga Dmitrij Medvedev đã phát biểu về nó trên trang web của Viện Duma: "Công nghệ thông tin cho chúng ta cơ hội để kết nối với thế giới. Thế giới và xã hội vẫn cứ đang ngày càng cởi mở hơn ngay cả khi giới cầm quyền không thích nó".
Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Medvedev đã luôn mang số phận của Liên Xô trong tâm trí. Sự thống nhất một cách cưỡng bách và kiểm soát tư tưởng hòng ngăn cản đất nước tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ diễn ra trong những thập niên 1970 và 1980. Chế độ ấy đã sụp đổ. Đất nước vẫn đứng vững để đạt tới một vận hội lớn hơn khi bước vào giai đoạn đối thoại với những con người như Andrej Sakharov.
Tâu bệ hạ và hoàng hậu, thưa quý bà, quý ông,
Ngày nay, không phải chính phủ quốc gia cũng không phải phe đa số trong các chính phủ quốc gia ấy có quyền lực không giới hạn. Nhân quyền đã giới hạn những gì mà các chính phủ quốc gia hoặc phe đa số trong một chính phủ quốc gia có thể làm. Điều này phải được áp dụng cho tất cả các nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc và những ai đã tán thành Tuyên ngôn về Nhân quyền. Trung Quốc đã ký kết và thậm chí phê chuẩn nhiều công ước quốc tế quan trọng về quyền con người của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Điều thú vị nữa là Trung Quốc đã chấp nhận cơ chế giải quyết xung đột siêu quốc gia khi gia nhập WTO.
Bản thân Hiến pháp của Trung Quốc duy trì các quyền cơ bản của con người. Điều 35 của hiến pháp này chỉ ra rằng: “Công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, tuần hành và biểu tình”. Điều 41 bắt đầu rằng công dân “...có quyền phê bình và đóng góp ý kiến đối với bất kỳ cơ quan nhà nước hay cán bộ nhà nước nào”.
Ông Lưu đã thi hành quyền công dân của mình. Ông đã không làm gì sai cả. Do đó, ông ấy phải được trả tự do ngay lập tức!
Trong 100–150 năm qua, nhân quyền và dân chủ đã giành được một vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên thế giới. Và cùng với các giá trị này, là hòa bình. Điều này có thể trông thấy rõ ở châu Âu, nơi từng có rất nhiều cuộc chiến tranh đã diễn ra, và là nơi khởi đầu của các thế lực thực dân gây ra nhiều cuộc chiến khắp thế giới. Cả châu Âu ngày nay là một lục địa của “hòa bình”. Phi thực dân hóa sau Thế chiến thứ hai đã giúp cho một số quốc gia, đầu tiên ở châu Á và sau đó ở Châu Phi, có cơ hội tự trị với cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Nhiều quốc gia đã nắm chắc lấy cơ hội, trong đó Ấn Độ dẫn đầu. Qua những thập kỷ gần đây nhất, chúng ta đã thấy các nền dân chủ đã củng cố vị thế của mình ở châu Mỹ Latinh, ở Trung và Đông Âu như thế nào. Nhiều quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo đều đang bước đi cùng một con đường (dân chủ): Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia. Một số nước khác cũng đang trong tiến trình mở cửa hệ thống chính trị của họ.
Các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc là những người bảo vệ trật tự quốc tế và các xu hướng chính trong cộng đồng toàn cầu. Với cái nhìn trong ánh sáng như vậy, thì họ không còn là các nhà bất đồng chính kiến, nhưng là đại diện cho hàng ngũ tiên phong cho công cuộc phát triển thế giới hôm nay.
Ông Lưu phủ nhận sự chỉ trích nhắm vào đảng Cộng sản đồng nghĩa với sự xúc phạm đến đất nước và nhân dân Trung Quốc. Ông cho rằng: “Ngay cả nếu đảng Cộng sản đang là đảng cầm quyền, nó không thể được đánh đồng với đất nước, nó phải tách biệt với quốc gia và nền văn hóa dân tộc”. Sự thay đổi ở Trung Quốc có thể mất thời gian, một thời gian rất dài để cải cách chính trị, như ông Lưu nói “được dần dần hòa bình, trật tự và kiểm soát”. Trung Quốc đã có đủ các nỗ lực nhằm thay đổi cách mạng. Chúng chỉ dẫn đến sự hỗn loạn. Tuy nhiên, như ông Lưu cũng viết: “Một biến đổi to lớn hướng tới tính đa nguyên trong xã hội đã xảy ra, và nhà cầm quyền không còn có thể hoàn toàn kiểm soát toàn xã hội”. Tuy nhiên, sức mạnh của chế độ có thể còn lớn, mỗi cá nhân riêng lẻ phải làm hết sức mình để sống “một cuộc sống trung thực với tất cả phẩm giá của mình”, nguyên văn lời nói của Lưu Hiểu Ba.
Đáp lại, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng Giải Nobel Hòa bình năm nay làm nhục Trung Quốc và cung cấp những mô tả hết sức xúc phạm về ông Lưu.
Lịch sử cho thấy nhiều ví dụ về các nhà lãnh đạo chính trị lợi dụng xúc cảm dân tộc và cố gắng “biến thành… quỷ” tất cả những ai có ý kiến ngược lại với mình. Họ nhanh chóng trở thành “tay chân” của các thế lực nước ngoài. Điều này đôi khi còn diễn ra nhân danh tự do và dân chủ, nhưng hầu như luôn luôn có một kết cục bi thảm.
Chúng ta thừa nhận điều này trong luận điệu của cuộc chiến chống khủng bố: “Chỉ có thể theo ta hoặc là chống lại ta”. Các cách thức không dân chủ như là tra tấn và bỏ tù mà không xét xử đã từng được sử dụng nhân danh tự do. Việc này chỉ khiến cho thế giới phân cực lớn hơn và làm hại cuộc chiến chống khủng bố.
Lưu Hiểu Ba là một người lạc quan, mặc dù nhiều năm sống trong tù. Trong kháng cáo gửi cho tòa ngày 23 tháng 12 năm 2009, ông nói: “Tôi, với tất cả sự lạc quan, trông mong sự ra đời của một tương lai tự do cho Trung Quốc. Cho không có lực lượng nào có thể chấm dứt cuộc tìm kiếm nhân lực cho nền tự do và cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia pháp quyền, nơi mà quyền con người mới là sự cai trị tối cao”.
Isaac Newton đã từng nói: “Nếu tôi có nhìn thấy xa hơn, đó là bằng cách đứng trên vai những người khổng lồ”. Khi chúng ta có thể nhìn về phía trước ngày hôm nay, đó là nhờ chúng ta đang đứng trên vai của nhiều người đàn ông và đàn bà, những người trong những năm qua – thường đang trong tình thế rất nguy hiểm – đã dám đứng vững trên những gì họ tin vào và do đó, nền tự do của chúng ta mới có thể được thực hiện.
Vậy thì, trong khi những người khác vào lúc này đang bận đếm tiền, đang tập trung hoàn toàn vào những lợi ích quốc gia ngắn hạn của họ, hoặc đang còn thờ ơ, thì Ủy ban Nobel Na Uy đã một lần nữa chọn cách ủng hộ những chiến binh – cho tất cả chúng ta.
Chúng tôi chúc mừng ông Lưu Hiểu Ba, người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2010. Quan điểm của ông sau cùng sẽ đưa Trung Quốc trở nên vững mạnh. Chúng tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ông và Trung Quốc trong những tháng năm phía trước.
Quốc Ngọc dịch từ Ibtimes
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN