Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Hai bài viết về việc xử viên Thiếu úy công an đánh chết người

Đăng bởi bvnpost

Một công an đánh chết người – và đánh chết người một cách thú tính, trong khi lẽ ra phải bảo vệ tính mạng của người dân bằng cách nhắc nhở họ dội mũ bảo hiểm trong trường hợp vì xốc nổi, coi thường tính mạng mà họ trót quên – thì anh ta chỉ chịu 7 năm tù. Nhưng rồi đây, 10 người dân trong số hàng ngàn người phẫn uất vì hành vi côn đồ ấy kéo lên trụ sở UBND Bắc Giang phản đối sẽ chịu tổng cộng bao nhiêu năm tù?

Cũng như loại quan tỉnh dâm dật kiểu Nguyễn Trường Tô được Tòa án chúng ta nhân đạo buông thả, nhưng việc buông thả con người mà chất “con” át hẳn chất “người” ấy khiến dư luận hết sức băn khoăn: Liệu điều đó có để một tấm gương cực xấu cho mọi quan chức khác trong toàn đất nước? Liệu việc giam giữ viên Thiếu úy giết người kia chỉ vỏn vẹn 7 năm (mà đoan chắc không đến 7 năm đâu) rồi sau đó vài năm lại cho y đảm nhiệm trở lại chức vụ cũ, cái chất thú trong người y có giảm hay không hay sẽ càng ăn sâu vào máu tủy, và sẽ là một mối lo khủng khiếp đối với dân lành?


Bauxite Việt Nam


1. Sĩ quan công an Việt Nam bị kết án bảy năm tù vì tội đánh chết người


Trọng Nghĩa




Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp tại phiên toà tỉnh Bắc Giang (DR)

Tòa án tỉnh Bắc Giang vào hôm qua đã tuyên phạt một sĩ quan Công an 7 năm tù về tội giết chết một thanh niên ngay trong trụ sở sau khi người này bị giải về đồn công an vì một hành vi phạm luật giao thông. Vào lúc xảy ra, vụ giết người này đã làm cho dân chúng địa phương hết sức bất bình và biểu tình phản đối.

Theo phán quyết của Tòa án tỉnh Bắc Giang, Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, 25 tuổi, đã phạm tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Trên cơ sở đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam và hai năm cấm đảm nhiệm chức vụ kể từ ngày mãn án.

Xin nhắc lại là vụ việc xảy ra ngày 23/07/2010, khi Công an thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Bắc Giang, bắt giữ một thanh niên tên Nguyễn Văn Khương, 22 tuổi, chạy xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Người bị bắt đã bị đưa về trụ sở Công an huyện để xử lý. Tuy nhiên tại đồn Công an, anh Khương đã bị Nguyễn Thế Nghiệp đánh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu và chết tại đấy vì những chấn thương ở đầu.

Khi chính quyền trả xác nạn nhân về cho gia đình vào hôm sau, thân nhân của anh Khương đã quy trách nhiệm cho công an về cái chết của Khương, và đã đưa quan tài đến trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, để đòi đưa những người chịu trách nhiệm về cái chết của anh Khương ra xét xử. Hàng ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình đó, được đánh giá là lớn nhất tại Bắc Giang từ trước đến nay, buộc lực lượng an ninh phải xịt hơi cay để giải tán.

Tâm trạng bất bình của người dân có thể được giải thích bằng thái độ chối tội ban đầu của Công an huyện Tân Yên. Theo báo chí Việt Nam, thoạt đầu, Công an huyện Tân Yên đã giải thích là tại trụ sở công an, nạn nhân đang ngồi trên ghế thì đột nhiên “sùi bọt mép và… ngất xỉu”, lực lượng công an đã đưa nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Lời giải thích này sau đó đã bị kết quả giảo nghiệm tử thi bác bỏ, và cuộc điều tra quy trách nhiệm cho viên sĩ quan Nguyễn Thế Nghiệp.

Tuy nhiên, ngoài việc kết án 7 năm tù đối với thủ phạm vụ đánh chết người tại Bắc Giang, Tòa án tỉnh này sẽ còn xét xử thêm vụ biểu tình sau đó. Theo hãng tin Mỹ AP, vào hôm nay, Thẩm phán phụ trách phiên tòa hôm qua đã cho biết là bên công tố đã truy tố 10 người về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Phiên tòa xét xử những người này sẽ mở ra vào cuối tháng.

Trong thời gian qua, các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lưu ý công luận về các hành vị bạo hành nhắm vào người dân tại Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái (2010) Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng báo động về các vụ bạo hành của công an Việt Nam. Theo HRW, căn cứ vào các nguồn tin báo chí chính thức tại Việt Nam, trong vòng một năm, từ tháng 10/2009 đến 10/2010, đã có ít nhất 19 vụ công an bạo hành, làm cho 15 người dân thiệt mạng.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Phạt tù cảnh sát gây chết người ở Bắc Giang



Anh Nguyễn Văn Khương chết sau khi bị bắt vì không đội mũ bảo hiểm xe máy

Tòa án ở Bắc Giang đã kết án tù giam bảy năm đối với nguyên Thiếu úy làm chết thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Khương.

Nguyên Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, 26 tuổi, bị kết tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ", theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nghiệp, người công tác tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đã bắt thanh niên Nguyễn Văn Khương hôm 23/7/2010 vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Khi đó anh Khương đang chở bạn gái đi chơi.

Hai tiếng sau người thân của anh Khương được báo anh đã chết.

Lúc đó bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam nói về nguyên nhân cái chết của anh Khương:

"Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết".

‘Tàn bạo’

Nay cũng Thông Tấn xã trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Bắc Giang nói ông Nghiệp đã lôi anh Khương vào phòng làm việc và dùng tay đánh vào thái dương khi anh "chần chừ không muốn vào phòng" làm việc của cảnh sát và không muốn ký biên bản vi phạm.

Sau khi đánh anh Khương, cảnh sát Nghiệp bỏ ra ngoài và khi một cán bộ công an huyện khác vào phòng thấy "anh Khương bất tỉnh trên ghế trong tư thế đầu ngoẹo sang một bên,… hai tay buông thõng, miệng có nước bọt chảy ra.

"Khi vỗ vai gọi thì anh Khương trượt khỏi ghế, người mềm không có phản xạ gì và từ từ đổ xuống nền nhà," Thông tấn xã nói dựa vào cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Vụ anh Khương chết và kết luận ban đầu của Hội đồng khám nghiệm tử thi rằng anh đột tử đã khiến gia đình anh tức giận và đưa quan tài lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Nhiều người đã cùng tham gia đoàn rước quan tài và bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân trong vài tiếng.

Thông Tấn xã nói Bắc Giang đang chuẩn bị xử lý hình sự đối với mười người "về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ".

Hãng thông tấn chính thức của Việt Nam cũng cho biết tại phiên tòa ông Nghiệp đã thừa nhận gây chết người trong khi ông Nguyễn Văn Nhương, bố đẻ anh Khương đã "đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt" cho ông Nghiệp.

Gia đình ông Nghiệp cũng đã bồi thường cho gia đình anh Khương 155 triệu đồng, theo Thông tấn xã.

Vụ việc xảy ra đối với anh Khương cũng khiến các tổ chức nhân quyền kêu gọi xem xét lại một số trường hợp mà cảnh sát bị cáo buộc có hành vi tàn bạo với người dân.

Tổ chức Human Rights Watch nói họ đã có hồ sơ về 19 vụ tàn bạo của cảnh sát trong năm 2010 khiến 15 người chết.

Nguồn: bbc.co.uk

Nản… khi Sầm Đức Xương được xử kín

Hồ Thuần Mẫn

Rồi bà con coi: trong vụ xử kín Sầm Đức Xương kỳ này, căn cứ theo lời khai của vợ y và của bản thân y, rằng y đã bị liệt dương, các luật sư cực kỳ dẻo mỏ sẽ có lập luận khác, chứng tỏ Sầm Đức Xương oan.

Chứ lại không oan à? Đã liệt dương thì còn có gì mà đi mua dâm? Và từ lập luận đó, hắn sẽ được thả.

Còn hai cô bé học trò tội nghiệp sẽ vẫn ngồi tù.

Nhưng đây là lập luận phản bác:

1./ Chứng cứ Sầm Đức Xương liệt dương cho thấy chính hắn là kẻ tổ chức và môi giới mãi dâm.

2./ Khách mua dâm nằm trong danh sách đen trong tay luật sư bảo vệ các cháu gái. Đầu bảng danh sách đen đó là 2 ông quan hành pháp tỉnh Hà Giang.

3./ Do học hành chẳng tới nơi (nền Giáo dục hiện thời đào tạo chỉ có thế), và cũng do non nớt về hiểu biết bằng kinh nghiệm, nên các cháu bé ngỡ rằng mình đã "bán dâm" cho Xương, là kẻ chỉ có khả năng lạm dụng kiểu Sở Khanh hoặc Mã Giám Sinh với các nàng Kiều "khi vào qua quít", "khi ra vội vàng".

Phân tích như trên chỉ nhằm cứu hai cháu bé học sinh thôi. Cần đánh động để Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, các Hội Tuyên Văn Giáo Huấn (trong đớ có Hội Nhà báo)… hãy vớt vát chút danh dự để "giữa đường thấy việc bất bằng…"

Còn việc lọt lưới của những phần tử gian manh nhưng được cho là trong sáng, xin hãy coi là chuyện thường tình. Đến như đồng chí Mubarak và đồng chí Ben Ali còn được tung hô anh hùng hảo hớn suốt gần nửa thế kỷ nữa là!

Đạo đức thì muôn năm!

Công bằng thì muôn năm!

Muôn năm thì muôn năm!


Lời bình của Luật gia vỉa hè





Đọc thông tin vụ án Sầm Đức Xương sẽ được xử kín vào 10/3 tới mà thấy nản. Có cái sự “kín” này chắc để làm cho xong cái vụ việc lùm xùm kéo dài bằng một bản án “bỏ túi” đã được soạn sẵn?

Nói ra điều này không phải đoán mò mà là có cơ sở cả đấy. Trước hết, ông Xương bị các cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Giang khởi tố, truy tố, xét xử về tội mua bán dâm từ những chứng cứ, lời khai của hai em học sinh Thúy và Hằng. Thế nhưng 14 quan chức của tỉnh này cũng bị các em khai ra chi tiết hơn, sinh động hơn thì lại được loại khỏi vòng tố tụng! Thế thì nếu ông Xương bị buộc tội và bị bỏ tù xem ra chẳng oan lắm sao?


Hai cô gái trẻ Thúy và Hằng trong phiên tòa tới đây sẽ cô độc đứng trước vành móng ngựa nên chắc chắn sẽ chỉ biết khóc và im lặng. Quá lắm sẽ chỉ trả lời câu hỏi của HĐXX là có hay không! Nếu thế thì không hiểu ông Luật sư của Sầm Đức Xương sẽ tranh tụng với ai trong vụ án này để làm rõ câu trả lời có hay không cái gọi là “mua bán dâm”. Nếu không làm rõ được thì không có cơ sở để buộc tội ông Hiệu trưởng Sầm Đức Xương? Không buộc tội được chẳng lẽ không trả tự do cho “thầy” Xương và tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường theo Nghị định 388?

Nếu tại phiên tòa tới mà em Thúy, em Hằng khai ra cái sự bị đe dọa khống chế buộc phải từ chối Luật sư Trần Đình Triển và không mời Luật sư nào bào chữa thì sao nhỉ? Liệu HĐXX có hoãn phiên tòa hoặc nếu cứ xử thì có đưa vào án văn?

Tôi thấy tiếc cho các nhà báo đã mất nhiều công lăn lội điều tra phanh phui vụ án mà giờ này bị cấm vào nơi công đường của TAND tỉnh Hà Giang để tiếp tục thông tin về vụ án. Nhưng tiếc hơn là Hà Giang đã để mất một cơ hội để làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan. Cái cách làm của TAND tỉnh Hà Giang sẽ chỉ khiến cho vụ án kéo dài khi đá quả bóng tố tụng sang chân TANDTC nếu các bị cáo kháng cáo.

Liệu ông Sầm Đức Xương có nhiều cơ hội trong phiên tòa sắp tới không nhỉ? Trong nhà tạm giam, ông này chắc đang hy vọng lắm đây!?

H. T. M.

Nguồn: Phapluatvn.vn

Sắp xử kín vụ án Sầm Đức Xương

Khoa Lâm

TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” đối với nguyên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và hai học trò cũ là Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy vào ngày 10/3/2011. Việc xét xử sẽ được tiến hành kín nhưng lần này, bị cáo Thúy và Hằng không có người giám hộ và LS bào chữa.



Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm cách đây hơn 1 năm.

Tại phiên toà sơ thẩm lần trước vào tháng 11/2009, Sầm Đức Xương đã bị HĐXX- TAND huyện Vị Xuyên tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội "mua dâm người chưa thành niên". Còn Hằng bị phạt 6 năm tù, Thúy bị phạt 5 năm tù về tội "môi giới mại dâm". Tuy nhiên, bản án sau đó đã bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên huỷ để tiến hành điều tra bổ sung do có một số nội dung còn mâu thuẫn và có thêm lời khai mới của các bị cáo.

Xác định vụ án này là phức tạp, lời khai liên quan đến nhiều quan chức trong tỉnh nên hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc xét xử sơ thẩm lần 2 này sẽ do TAND tỉnh Hà Giang thực hiện (chứ không phải do TAND huyện Vị Xuyên xét xử như trước đây).

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ bị cáo Thúy) cho hay: “Tôi cũng chỉ biết con tôi bị đưa ra vào xử ngày 10/3 tới đây từ thông tin của một số người chứ không nhận được giấy triệu tập của Toà án. Có thể do bây giờ, con tôi đã đủ 18 tuổi nên không bắt buộc phải có người giám hộ tham gia phiên toà như trước đây”. Phiên toà xử kín nên rất có thể bà Thơm cũng sẽ không được vào phòng xử án để theo dõi phiên toà xử con gái.

Cũng do đã trên 18 tuổi nên tại phiên toà tới đây, bị cáo Hằng và Thúy không bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Còn LS Trần Đình Triển (người bào chữa cho bị cáo Thúy tại phiên toà phúc thẩm) đã được TAND tỉnh Hà Giang thông báo: “Bị cáo Thúy đã không đồng ý để LS bào chữa và cũng không mời người bào chữa nào khác”.

Thông tin này đã gây bất ngờ cho ngay cả bà Thơm: “Chắc chắn con tôi vẫn có nguyện vọng muốn LS Triển bào chữa. Không hiểu vì lý do gì mà con tôi lại có ý kiến từ chối LS như vậy”.

Việc từ chối LS trên được thực hiện thông qua cán bộ toà án (giao hồ sơ mời LS cho Thúy tại trại tạm giam) chứ LS Triển đã không được gặp trực tiếp bị cáo Thúy để trao đổi. Trong vụ án này, bị cáo Xương cũng được người nhà mời LS Dương Trí Tuệ (Đoàn LS Vĩnh Phúc) bào chữa. Tuy nhiên, khác hẳn với LS Triển, LS Tuệ đã được Toà cho gặp trực tiếp thân chủ để lấy ý kiến về việc đồng ý hay từ chối LS. Không hiểu sao, đối với bị cáo Thúy, Toà lại “nhiệt tình” vào trại giam lấy ý kiến từ chối LS của bị cáo, gây nghi ngờ về tính khách quan trong việc này?

Luật sư Triển cho biết: “Tôi sẽ có văn bản khiếu nại về việc không được TAND tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận bào chữa và sẽ trực tiếp đến TAND tỉnh Hà Giang làm việc về vấn đề này”. Còn LS Tuệ có quan điểm: “Việc truy tố bị cáo Xương hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào lời khai của của những người được coi là có quan hệ tình dục với bị cáo.

Nhưng giả sử có quan hệ tình dục thì đó có phải là "mua – bán" hay không lại là một chuyện khác. Tại sao bị cáo Xương bị bắt giam, truy tố, trong khi cùng một dạng chứng cứ, lời khai như nhau về cái gọi là "mua dâm" này thì 14 nhân vật khác vẫn vô can?”.

Việc so sánh về chứng cứ và mức độ xử lý của bị cáo Xương với 14 nhân vật bị Hằng, Thúy tố có hành vi “lên gường” với các nữ sinh chắc chắn sẽ được LS Tuệ đề cập trong phiên toà tới đây.

K. L.

Nguồn: Phapluatvn.vn

Bùng nổ đường sắt cao tốc: Không chỉ dừng ở tham nhũng

Đăng bởi bvnpost on 04/03/2011




Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc quy mô lớn.



Cuộc điều tra về tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đang gây xôn xao dư luận nước này và làm dấy lên những câu hỏi về động cơ của việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc quy mô lớn, tốn kém nhiều tỉ dollar tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc đang có hệ thống đường sắt chở khách dài nhất thế giới, tổng cộng 91.000km. Các quan chức nước này cho biết, sẽ chi 700 tỉ NDT (106 tỉ USD) trong năm nay để tiếp tục phát triển các dự án đường sắt, với mục tiêu xây dựng 13.000km đường sắt cao tốc có khả năng đưa vào sử dụng cuối năm.

Các nhà chỉ trích cho rằng, việc mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc là không thực tế, bởi giá vé quá đắt và dịch vụ không đáp ứng nhu cầu đi lại bình thường của người dân. Nhiều ý kiến phản biện đã bị bỏ qua cho đến khi xảy ra cuộc điều tra tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Lưu Chí Quân mới thổi bùng lại những quan ngại về việc phát triển nóng ngành đường sắt ở Trung Quốc.


Trong một diễn biến mới nhất, ông Zhang Shuguang – kỹ sư chuyên nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt cao tốc – vừa bị sa thải vì “vi phạm kỷ luật”. Theo Tân Hoa xã ngày 1.3, ông Zhang chuyên giám sát quá trình đổi mới công nghệ đường sắt cao tốc và là người thường thương thuyết với các công ty nước ngoài.

Việc phát triển đường sắt còn làm gia tăng lo ngại về tài chính cho các dự án. Ngành đường sắt và các công ty đóng toa xe đều do nhà nước quản lý. Các công ty này có cổ phiếu niêm yết ở thị trường Hồng Kông và Thượng Hải. Họ đang ngày càng dựa chủ yếu vào trái phiếu và tiền vay nợ ngân hàng để tài trợ cho các dự án xây dựng. Họ mang trên vai nghĩa vụ trả nợ vô cùng nặng nề mà khó lòng đáp ứng được nếu đối chiếu với doanh thu của nhiều dự án.

Tạp chí tài chính Caijing dẫn lời ông Zhao Jian – Giáo sư Đại học Jiaotong Bắc Kinh – dẫn chứng, riêng tiền trả lãi suất hằng năm cho khoản vay xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thiên Tân đã vượt quá doanh thu bán vé hằng năm. Nhiều tuyến đường sắt khác cũng đối mặt với những nỗi lo tương tự. “Đằng sau sự say mê phát triển đường sắt ở Trung Quốc là nỗ lực thúc đẩy mang tính chính trị, hơn là nhu cầu thị trường” – Thời báo Toàn cầu bình luận và mô tả sự phát triển đường sắt ở Trung Quốc mang lại rủi ro.

Không chỉ thế, tốc độ xây dựng các dự án quá nhanh khiến các chuyên gia nghi ngờ về vấn đề an toàn. Bất chấp những chỉ trích của công luận ngày càng gia tăng, các chương trình đường sắt cao tốc vẫn được phát triển nhanh chóng. Hiện vẫn chưa rõ tác động của vụ bê bối liên quan đến cựu Bộ trưởng Đường sắt sẽ ảnh hưởng thế nào đến các dự án hiện tại và tương lai.

M. Đ. (theo AP)

Nguồn: Laodong.com.vn

Báo cáo nhanh: Bạo loạn Hoa Nhài ở Trung Quốc

Đăng bởi bvnpost on 04/03/2011

Jennifer Richmond (Stratfor, Mĩ, 28/02/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch từ Dispatch: China’s ‘Jasmine’ Rallies

Đợt hai của đợt biểu tình “Hoa Nhài” đã được tổ chức trên nhiều thành phố Trung Quốc trong ngày 27 tháng 2. Đợt hai diễn ra một tuần sau đợt một (20 tháng 2), sau khi một bức thư nổi tiếng được công bố trên trang Boxun.com kêu gọi người Trung Quốc mít tinh một cách hòa bình nhằm phản đối Đảng cộng sản Trung Quốc và ủng hộ cải cách chính trị. Sự kiện này diễn ra khi các cuộc cách mạng và phản đối đang làm rúng động Trung Đông, nhưng ở Trung Quốc phản ứng dây chuyền đã không xảy ra. Đồng thời, tâm trạng bất mãn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc về những vấn đề như lạm phát cũng đang gia tăng. Đây có vẻ như là lúc người dân có thể cố gắng mở rộng không gian chính trị cho mình.

Phát triển kinh tế chính là nền tảng của tính chính danh của Đảng cộng sản Trung Quốc trong 30 năm qua. Phát triển kinh tế chứ không phải tư tưởng đã góp phần làm gia tăng quyền lực của Đảng. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm thì tiếng nói của những người bất mãn được nhiều người nghe thấy hơn. Những vụ phản đối đã xảy ra trên khắp Trung Quốc trong mấy năm vừa qua, nhưng phần lớn các vụ phản đối này đều là những vụ rời rạc và chỉ tập trung vào một vấn đề riêng biệt mà thôi.


Giá trị quan trọng nhất của những cuộc biểu tình Hoa Nhài là họ đã có thể tổ chức trên nhiều tỉnh để đòi một vấn đề là cải cách chính trị. Nhà nước đã đáp lại những lời kêu gọi này bằng cách ngăn chặn mọi thông tin liên quan đến các cuộc biểu tình Hoa Nhài. Chính phủ còn đi xa đến mức chặn cả từ “Jon Huntsman,” tức là tên ông đại sứ Mĩ ở Trung Quốc, người ta đã nhìn thấy ông này trong cuộc biểu tình ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 2. Công dân và các những người hoạt động tích cực đã bị bắt, các nhà báo thì bị đánh đập, chứng tỏ Đảng cộng sản lo lắng về những vụ biểu tình này.

Hiện tên tuổi những người tổ chức các cuộc biểu tình Hoa Nhài vẫn còn nằm trong vòng bí mật, nhưng người ta cho rằng đấy là những người bất đồng ở hải ngoại. Họ không sợ những vụ đàn áp và tiếp tục kêu gọi biểu tình phản đối vào các ngày chủ nhật. Ngoài ra, họ còn tìm được những biện pháp đầy sáng kiến và sáng tạo nhằm tránh được kiểm duyệt. Thí dụ như sau những cuộc biểu tình phản đối diễn ra vào ngày 20 tháng 2, họ đề nghị gọi cuộc phản đối thứ hai là “liang hui”, nghĩa là “hai cuộc họp”. Trên thực tế trong tuần này đúng là có hai cuộc họp: Hội nghị hiệp thương chính trị của nhân dân Trung Quốc và Quốc hội. Nếu kiểm duyệt từ “hai cuộc họp” thì chính phủ chẳng những kiểm duyệt những chuyện liên quan đến những vụ biểu tình Hoa Nhài mà còn kiểm duyệt cả hai cuộc họp quan trọng đó nữa. Điều đó dĩ nhiên là không lợi cho chính phủ trung ương rồi. Hơn nữa, vì hai cuộc họp đó diễn ra trong tuần này cho nên an ninh sẽ được tăng cường.

Do chính phủ càng ngày càng nhạy cảm hơn cho nên sự kiềm chế cũng ngày càng ít đi. Nhưng chúng tôi đã chứng kiến sự kiềm chế của chính phủ Trung Quốc trong ngày 27 tháng 2, họ đã cho đội quân quét rác xua đuổi đám đông chứ không dùng vũ lực. Và nói chung, cả Đảng cộng sản Trung Quốc lẫn các công dân trong nước đều muốn tránh cách mạng. Nhưng Trung Quốc sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với các khó khăn kinh tế, Đảng cộng sản phải đối mặt với sự khủng hoảng tính chính danh đang ngày càng gia tăng. Nếu Đảng không thể giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề kinh tế mà họ đang phải đối mặt thì họ sẽ làm cho một nhóm có tổ chức hơn và gắn bó hơn là các cuộc biều tình Hoa Nhài ngóc đầu dậy. Nhóm này có thể có khả năng tạo ra lực lượng đối lập, chống lại quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Ghi chú của người dịch: Độc giả có thể xem băng Video bài nói của Jennifer Richmond, có cảnh những cuộc biểu tình ở Trung Quốc, theo đường dẫn sau đây:

J. R.

Nguồn: http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/03/jennifer-richmond-stratfor-mi-28022011.html

Phụ lục:


Các địa điểm hội họp “Cách mạng Hoa nhài” Trung Quốc


B. Đ. (lược dịch và giới thiệu) từ: http://www.boxunblog.com/2011/02/227.html


Tiếp theo tuyên bố của những người phát động cách mạng “Hoa Nhài” Trung Quốc ngày 22/2/2011, ngày 23/2/2011 tổ chức này đã công bố 18 địa điểm hội họp tại 18 thành phố lớn tại Trung Quốc vào ngày 27/2/2011 vừa qua

Xin giới thiệu các địa điểm đó cũng như khẩu hiệu do họ đề ra cho cuộc hội họp trên.


Các địa điểm hội họp “Cách mạng Hoa Nhài” Trung Quốc ngày 27/2/2011 đã tăng lên tới 18 thành phố, với biệt hiệu là “Lưỡng hội” (viết tắt chỉ Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc) người tham dự đã gặp nhau tại:

1. Bắc Kinh, trước cửa nhà hàng McDonald, Vương Phủ Tỉnh;

2. Thượng Hải, trước cửa Hòa bình ảnh đô, quảng trường Nhân Dân;

3. Thiên Tân, dưới Cổ Lâu;

4. Nam Kinh, trước cửa bách hóa phố Tú Thủy, quảng trường Cổ Lâu;

5. Tây An, trước cửa Gia Lạc Phúc, phố Bắc Đại;

6. Trịnh Châu, trước cửa Bách hóa đại lầu, đường 27;

7. Thành Đô, trước cửa nhà hàng McDonald, đường Xuân Hy;

8. Tế Nam, trước cửa quảng trường mua bán Ngân Tọa;

9. Trường Sa, trước cửa tòa nhà Tân Đại Tân, quảng trường 1/5;

10. Hàng Châu, một dải từ trước cửa khách sạn Khải Duyệt tới Suối phun nước âm nhạc đường Hồ Tân;

11. Phúc Châu, trước cửa thành phố sách Việt Dương, quảng trường 1/5;

12. Quảng Châu, cửa chính Trung tâm Thể dục Thiên Hà;

13. Thẩm Dương, truớc cửa hàng Kentucky phố Nam Kinh Bắc;

14. Trường Xuân, trước cửa siêu thị Khoái Lạc, phố lớn Tây Dân chủ, quảng trường Văn hóa;

15. Vũ Hán, trước cửa nhâ hàng McDonald, quảng trường WTO, phố lớn Giải Phóng;

16. Lasha, quảng trường Đại Chiêu tự, phố Bát Khoách;

17. Cáp Nhĩ Tân, trước cửa Liên Hoa thế kỷ, đường Khang Ninh, phố Tây Đại Trực;

18. Urumuchi, trước cửa rạp chiếu phim Nhân Dân, đường Kiến Thiết.

Tại các thành phố chưa ghi tên, đề nghị đến tập trung tại quảng trường trung tâm thành phố

Khẩu hiệu:

Chúng tôi cần thực phẩm, chúng tôi cần việc làm, chúng tôi cấn chỗ ở, chúng tôi muốn công bằng, chúng tôi muốn chính nghĩa


Bảo đảm quyền tư hữu, bảo vệ tư pháp độc lập


Khởi động cải cách chính trị, kết thúc một đảng chuyên chính


Mở cửa báo chí, báo chí tự do


Tự do muôn năm, dân chủ muôn năm


Kỷ luật:

Chỉ đến địa điểm chỉ định, nhìn xung quanh từ xa, lặng lẽ theo nhau, thuận thế mà làm, dũng cảm hô lên khẩu hiệu của mình.

Những người tham dự hãy giúp nhau canh gác bảo vệ. Nếu người tham dự hội họp bị đối xử không tốt, hãy xử lý với nhẫn nhục lớn nhất, người bên cạnh nên giúp đỡ kịp thời. Khi kết thúc hội họp, không để lại rác bẩn với phẩm cách tố chất cao của người Trung Quốc và để có điều kiện theo đuổi tự do dân chủ.

B. Đ. (gt)

Người dịch là một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, gửi trực tiếp cho BVN.

Cảnh báo từ bài học đập Mun trên sông Mekong

Đăng bởi bvnpost

Nguyễn Thắng


(Tamnhin.net) – Hôm nay 3/3, Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) cảnh báo các nhà đầu tư vào dự án đập trên sông Mekong cần nghiên cứu bài học từ đập sông Mun, một thất bại về kinh tế điển hình gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và bất ổn xã hội.




Đập Xayabury trên dòng sông Mekong ảnh: Google

Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu phương án mở vĩnh viễn các cửa trên đập sông Mun với hi vọng khôi phục hệ sinh thái khu vực sông và khôi phục đời sống người dân trên một nhánh sông Mekong. Công trình đập sông Mun được xây dựng vào những năm 1990, vượt quá ngân sách và làm giảm lượng thuỷ sản ở đây, khiến cộng đồng phải di cư và thất bại trong việc mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.


Những nguy cơ này cũng có thể lặp lại với đập Xayaburi, đang dự kiến được xây dựng ở dòng chính sông Mekong ở Bắc Lào, dòng sông có đa dạng sinh học lớn nhất châu Á, vì thiếu hiểu biết nghiêm trọng về thủy sản, đa dạng sinh học và dòng chảy trầm tích của sông Mekong.

Theo WWF, đời sống hàng chục triệu cư dân ở khu vực này đang bị đe doạ.

Tiến sĩ Suphasuk Pradubsuk – Điều phối viên về chính sách của WWF Thái Lan, cho biết: "Sông Mekong là một hệ sinh thái rất phức tạp và đặc biệt, nơi đây có nguồn lợi thủy sản nước ngọt cho năng suất lớn nhất trên thế giới và đứng thứ hai, chỉ sau sông Amazon, về số lượng các loài cá".

"Bài học của đập sông Mun Thái Lan vẫn còn đó: việc nghiên cứu vội vàng về những tác động đến môi trường và xã hội có thể dẫn đến tình huống bất lợi cho cả ngư dân và chủ sở hữu con đập".

Tiêu tốn 233 triệu USD, đập sông Mun đã tiêu tốn gấp đôi lượng đầu tư dự tính ban đầu, trong khi đó sản lượng điện đạt được chỉ đạt 1/3 dự tính trong mùa khô. Tỷ suất hoàn vốn chỉ ở mức 5% so với 12% như dự tính.

"Những người ủng hộ xây dựng thuỷ điện trên sông Mekong cần học hỏi từ bài học của đập sông Mun", bà Suphasuk nói. "Những nghiên cứu còn hạn chế hiện tại không đủ lý giải cho tương tác giữa các thành phần khác nhau của hệ sinh thái, vì vậy chúng ta không thể dự đoán chính xác được những tác động của đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong".

"Rủi ro là rất cao đối với người dân, môi trường và vì thế, cho cả nhà đầu tư".

Đập Xayaburi ở Lào, đập đầu tiên được dự kiến xây dựng ở hạ lưu dòng chính sông Mekong, đang kết thúc quá trình tham vấn dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban sông Mekong. Quá trình này nhằm mục đích đảm bảo những đánh giá nghiêm khắc, rõ ràng và khoa học về tác động của con đập.

Một loạt ngân hàng ở Thái Lan bao gồm: Ngân hàng Bangkok, ngân hàng Kasikorm, ngân hàng Krung Thai, và ngân hàng thương mại Siam đang có dự định ủng hộ công ty CH Karnchang PCL trong dự án Xayaburi.

"Trên phương diện một nhà đầu tư, dự án này đơn giản là chứa đầy rủi ro", bà Suphasuk cho biết. "Công ty phát triển dự án và nhà đầu tư cần nghiên cứu những rủi ro về tiếng tăm của mình trong việc xây dựng đập trên con sông đa dạng sinh học nhất ở châu Á".

"Chỉ có ngân hàng Kasikorn đã thảo luận với WWF về những rủi ro của dự án, trong khi ngân hàng Bangkok, Krung Thai, và ngân hàng thương mại Siam chưa hồi âm gì về yêu cầu thảo luận của WWF".

"Việc thảo luận về những rủi ro trước khi đưa ra một quyết định quan trọng đối với người dân và hệ sinh thái của sông Mekong chỉ mang lại lợi ích cho các ngân hàng, cùng với lợi nhuận và hình ảnh của chính họ".

Nghiên cứu tính khả thi của đập Xayaburi mới được phát hành gần đây đã không đề cập gì đến bài học từ đập sông Mun, WWF ghi chú.

"Nghiên cứu này chỉ khẳng định rằng tác động của đập Xayaburi sẽ ở mức thấp mà không đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho kết luận đầy lạc quan này". Phasiri Winichagoon – Giám đốc quốc gia của WWF Thái Lan, lên tiếng: "Những người từng ủng hộ dự án đập sông Mun cũng đã bỏ qua những tác động đến sông Mun, tuy nhiên có những thảm họa về kinh tế và môi trường ẩn giấu trong những gì đã bị bỏ qua, bị coi là không cần quan tâm. Nghiên cứu này hoàn toàn không thể được coi là một báo cáo về môi trường tốt hiện nay".

WWF ủng hộ việc trì hoãn phê duyệt các đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong trong 10 năm để đảm bảo hiểu biết toàn diện về những tác động của việc xây dựng và vận hành đập.

Thay vào đó, WWF và các đối tác khuyến khích sử dụng các công cụ đánh giá để hỗ trợ việc ra quyết định cho những dự án thuỷ điện mang tính bền vững, những dự án có ít tác động đến sự di cư của các loài thuỷ sinh hoặc dòng chảy trầm tích.

N. T.

Nguồn: Tamnhin.net

Các Tập đoàn, Tổng Công ty sở hữu hàng tỉ USD tiền vốn: Hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng

TT - Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đang sở hữu tài sản nhiều tỉ USD nhưng hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng. Đó là nhận định của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2011 tổ chức ngày 3-3 ở Hà Nội.
Theo ông Vương Đình Huệ, qua kiểm toán năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam có tổng tài sản khá lớn, hoạt động có lợi nhuận. Điển hình như Tổng công ty Dệt may có vốn 1 tỉ USD nhưng đã giải quyết việc làm cho 140.000 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng/người.

Quy mô hơn, Tập đoàn Dầu khí có tổng tài sản ước gần 19 tỉ USD, trong đó vốn chủ sở hữu gần 60%. Riêng năm 2009 tốc độ tăng trưởng về doanh thu đạt 24%, lợi nhuận tăng 25% và đã bổ sung cho vốn chủ sở hữu trên 30.000 tỉ đồng. Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN có tổng tài sản khoảng 6 tỉ USD, hoạt động chủ yếu là luân chuyển vốn lưu động, dòng tiền liên tục chảy vào và chảy ra. Đây là một trong những doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100.000 tỉ vào năm 2010.

Nhìn vào quy mô như vậy nhưng theo ông Huệ, hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung theo đánh giá là chưa tương xứng với vốn, tài sản đang có. Do đó, KTNN đang tập trung làm rõ nguyên nhân của vấn đề này ở các tập đoàn và sẽ có các luận chứng cụ thể để kiến nghị về mặt cơ chế, chính sách cũng như thực tiễn hoạt động.

Sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ không đúng mục đích

Cũng tại cuộc họp báo, KTNN đã công bố kết quả kiểm toán một số chuyên đề, trong đó có việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2009, công tác quản lý thu thuế trong hai năm 2008-2009 tại Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế...

Về trái phiếu Chính phủ, trong bốn năm đã huy động được trên 155.000 tỉ đồng và 534 triệu USD để bù đắp bội chi ngân sách và chi cho phát triển. Cũng trong giai đoạn này đã thanh toán gốc và lãi hơn 91.500 tỉ đồng. Đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, KTNN cho rằng còn nhiều hạn chế, thiếu sót như việc bộ, ngành, địa phương đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn còn hạn chế, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt dự án... còn nhiều sai sót, phải điều chỉnh dẫn đến vỡ kế hoạch vốn.

Năm 2009 đã giải ngân vượt tổng mức vốn giai đoạn 2003-2010 nhưng chỉ có trên 50% dự án đã hoàn thành. Vốn trái phiếu Chính phủ còn bị sử dụng không đúng nội dung, mục đích. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính trên 460 tỉ đồng.

Đối với quản lý thu thuế 2008-2009, cả công tác hoàn thuế và giảm thuế đều còn nhiều sai sót. Về hoàn thuế chủ yếu vẫn là hoàn trước, kiểm tra sau nhưng công tác kiểm tra chưa được chú trọng, có cục thuế chỉ kiểm tra 20-30% đối tượng.

Về giảm thuế giá trị gia tăng, KTNN cũng phát hiện còn trường hợp hoàn thuế không đúng đối tượng. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp kê khai thiếu thu nhập, xác định thuế được giảm không đúng và cơ quan thuế chưa kiểm tra, thanh tra xử lý kịp thời. Tại Tổng cục Hải quan, thực hiện miễn thuế theo chế độ còn tình trạng cấp danh mục hàng hóa miễn thuế không đảm bảo chặt chẽ, không đủ điều kiện thủ tục...

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết kết thúc 136 cuộc kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.000 tỉ đồng gồm tăng thu gần 5.000 tỉ và giảm chi hơn 2.500 tỉ đồng. Còn lại là các khoản nợ đọng, các khoản phải nộp, hoàn trả khác... KTNN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ, thay thế, sửa đổi bổ sung trên 40 văn bản không phù hợp. Đối với chuyên đề kiểm toán hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh năm 2009, KTNN đề nghị xử lý hơn 51 tỉ đồng sai phạm gồm hỗ trợ không đúng đối tượng, cho vay hỗ trợ khi hàng đã bán...

MINH QUANG

Cái giá của việc Trung Quốc vượt Nhật?

Tác giả: THU HẰNG (THEO JPTODAY)

Nhật Bản đang xem xét khả năng cắt giảm mạnh khoản viện trợ của nước này dành cho Trung Quốc trong năm tài khóa 2012, sau khi Nhật Bản để vuột ngôi vị á quân kinh tế thế giới vào tay Trung Quốc.

Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Seiji Maehara đã yêu cầu cấp dưới xem xét giảm bớt viện trợ ODA dành cho Trung Quốc, để Tokyo sớm thông qua kế hoạch này trong tháng 6 tới.

Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, viện trợ ODA cho Trung Quốc giờ đây đã không còn hợp lý. Trong năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ hai thế giới. Trong khi, mục tiêu của ODA là dành cho các nước đang phát triển.

Do vậy, khoản viện trợ ODA cho Trung Quốc sẽ được cắt giảm mạnh từ năm tài khóa 2012. Tuy nhiên, các khoản viện trợ để bảo vệ môi trường và đào tạo nhân lực vẫn sẽ được duy trì.


Nhật Bản đã bị Trung Quốc qua mặt về GDP.Trước đó, đầu tháng 2, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố các số liệu thống kê cho thấy GDP của nước này đã giảm trong quý IV năm 2010 do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản đã phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc trong năm 2010.
Mặc dù thoát khỏi suy thoái trong năm 2009, song sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn yếu ớt do tình trạng giảm phát, nợ công cao, nhu cầu nội địa thấp, xuất khẩu giảm và giá đồng yên tăng.

Theo thống kê, trong năm 2010, GDP của Nhật Bản tăng trưởng 3,9%, đạt 5.474 tỷ USD, tuy nhiên vẫn kém tăng trưởng của Trung Quốc với GDP đạt 5.879,9 tỷ USD.

Với đà phát triển tăng vọt, Trung Quốc đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Nhật Bản sau hơn 40 năm giữ ngôi vị "á quân" đã lùi xuống hàng thứ ba.

Nhật Bản bắt đầu viện trợ cho Trung Quốc từ năm 1979 tới nay. Tính đến hết tài khóa 2009, Nhật Bản đã cho Trung Quốc vay tổng cộng 3,32 nghìn tỷ Yên, viện trợ không hoàn lại 54,4 tỷ Yên và hợp tác kỹ thuật 170,4 tỷ yên.

Tuy nhiên, không ít quan chức Nhật Bản lo ngại, động thái này của Tokyo sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh, khi chính quyền Trung Quốc vẫn chỉ xếp nước này vào nhóm "các nước đang phát triển".

Trung Quốc hiện vẫn nằm ngoài bảng xếp hạng 100 nước có thu nhập GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc ước tính, hiện có trên 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, nhiều hơn cả dân số Nhật Bản.

Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm này cũng có thể càng làm dấy lên tâm lý chống Nhật trong dư luận Trung Quốc. Như vậy, các công ty Nhật Bản sẽ khó làm ăn tại Trung Quốc.

Thêm vào đó, ngay trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có ý kiến rằng, việc Nhật Bản cắt viện trợ ODA cho Trung Quốc có thể bị hiểu nhầm, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vẫn đang gặp sóng gió sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010.

Năm 2012, Nhật Bản và Trung Quốc kỷ niệm 40 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, đồng thời có kế hoạch thắt chặt mối quan hệ song phương dựa trên những lợi ích chiến lược chung. Trong bối cảnh này, "việc điều chỉnh để đưa ra một khung hợp tác mới giữa hai nước là rất quan trọng"

Một bộ phận nhật ký của Dương Thượng Côn được công khai

Dương Danh Dy sưu tầm, dịch và giới thiệu

Lời dẫn của Dương Danh Dy:

Dương Thượng Côn một nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 1966 khi mà cái gọi là cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, với tư cách là Bí thư dự khuyết, Chánh văn phòng TW ĐCSTQ, ông bị coi là một thành viên trong nhóm 4 người Bành (Chân) - Lục (Định Nhất) - La (Thuỵ Khanh) - Dương (Thượng Côn) và là nhóm cán bộ cao cấp của ĐCSTQ bị đánh đổ đầu tiên. Sau nhiều năm bị đầy ải, khi “lũ bốn ngưòi” bị đánh đổ, ông được phục hồi danh dự và trở lại công tác, với chức vụ còn cao hơn trước: Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Trong quá trình công tác Dương Thượng Côn có viết nhật ký. Tháng 11 năm 1997 ông thỉnh thị với Bộ Chính trị ĐCSTQ: “sức khoẻ của tôi đã suy yếu lắm rồi, có khả năng đi gặp Các Mác, nên xử lý như thế nào việc lưu giữ tư liệu nhật ký của tôi?” Lý Bằng thay mặt Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ nói với Dương Thượng Côn: “hiện nay công việc quá nhiều, và cũng phức tạp, có lẽ đồng chí tự bảo quản là tốt hơn.”

Ngày 2 tháng 3 năm 1998, sau hội nghị TW lần thứ 3 khoá 15 ĐCSTQ, Dương Thượng Côn lại đề xuất vấn đề tư liệu có liên quan, Giang Trạch Dân Chủ tịch TWĐCSTQ thay mặt Thưòng vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, nói với Dưong Thưọng Côn: “uỷ viên thường vụ và một phần uỷ viên Bộ Chính trị đều đã đọc, vẫn do đồng chí bảo tồn là thích hợp hơn, nên suy tính tới nhiều mặt như: đoàn kết trong đảng, hình tượng của đảng, đánh giá công lao, sai lầm của đồng chí Đặng Tiểu Bình v.v.”

Cho đến lúc Dương Thượng Côn mất, cuốn nhật ký của ông vẫn do Cục Cơ yếu thuộc Bộ Chính trị ĐCSTQ bảo quản.

Tháng 3 năm 2009, ĐCSTQ cho mở niêm phong nhật ký Dương Thượng Côn, coi như để nghiên cứu lich sử đảng trong phạm vi có giới hạn, và không đưa ra kết luận chính trị.

Phần nhật ký của Dương Thượng Côn được giới thiệu trong bài viết này chủ yếu là những đoạn viết liên quan đến Hồ Diệu Bang, Đặng Tiểu Bình, sự kiện Thiên An Môn 5/4 năm 1976 và 6/4/1989.


………
Ngày 14 tháng 7 năm 1988: “Diệu Bang nói với tôi, không ngờ đồng chí Đặng Tiểu Bình lại bá đạo như vậy, không nghe nổi bất kỳ ý kiến bất đồng nào. dù đã là ngưòi buông rèm nghe chính sự. Rất hối hận đã dùng thủ đoạn bỉ ổi để đánh đổ Hoa Quốc Phong, giúp đỡ Đặng Tiểu Bình. Diệu Bang nói, bức tường dân chủ Tây Đơn được dựng nên cũng bởi sự xúi bẩy của Đặng Tiểu Bình, mục đích là để bôi xấu Hoa Quốc Phong, để Đặng TIẻu Bình lên nắm quyền. Thế nhưng không ngờ, sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lại phá bỏ bức tưòng dân chủ đó, giam Ngụy Kinh Sinh vào ngục.”

Ngày 19 tháng 7 năm 1988: “Diệu Bang nói với tôi, sự kiện 5 tháng 4 năm 1976 cũng do Đặng Tiểu Bình xúi bẩy đồng chí gây ra.. Đồng chí đã cùng nhà văn Sư Đông Binh nói chuyện hai lần vào tháng 3 và tháng 4 năm 1988 về nguồn gốc của sự kiện 5/4 .Đó là cuộc gặp mặt bí mật tại nhà ở, nhưng ngay cả ngưòi nhà và thư ký đều bị giấu. Diệu Bang nói với tôi, ngày 15 tháng 1 năm 76 sau khi đọc điếu văn trong lễ truy điệu thủ tưóng Chu, Đặng Tiểu Bình đã tìm tôi nói, hôm nay tôi đọc điếu văn cho thủ tướng, có thể sau khi chúng ta chết sẽ không có ngưòi đọc điếu văn cho chúng ta đâu. Chúng ta không thể ngồi đợi chết, phải có hành động. Trung tuần tháng 3, Đặng lại tìm tôi, nói con ông ấy nghe ngưòi ta nói, vào thời gian thanh minh mùng 5 tháng 4, có ngưòi quyết định tới Thiên An Môn dâng vòng hoa lên thủ tưóng. Đó là cơ hội tốt, phải nghĩ cách làm sự tình to ra, kích thích Chủ tịch một cái, chứng minh không phải ngưòi ngưòi đều nghe ông ấy cả. Diệu Bang lại nói, Tiểu Bình bảo tôi tìm mấy con em cán bộ bảo họ di vào công nhân cổ võ một chút, chĩa mũi nhọn vào đúng Giang Thanh và Truơng Xuân Kiều. Thế nhưng có ngưòi cá biệt chĩa mũi nhọn vào đúng Chủ tich, đó là điều chúng tôi không nghĩ tới. Ngoài ra một số ngưòi đã ra sức đánh ngưòi, đập phá, cướp bóc, đánh bị thưong nhiều giải phóng quân, sau đó Tiểu Bình cũng rất tức giận vì cho rằng đó là dây cháy chậm dẫn tới việc ông ta bị đánh đổ. Và đó cũng là nguyên nhân sau này chúng tôi không bình phản mạnh mẽ cho sự kiện 5/4. Bởi vì nếu mấy ngưòi đó không chĩa mũi nhọn trực tiếp vào Chủ Tịch không đánh người, đập phá, cướp bóc thì về căn bản Chủ tịch không để Tiểu Bình mất chức, và ông sẽ phản kích Giang Thanh và Trương Xuân Kiều tại hội nghị Bộ Chính trị.

Ngày 5 tháng 4 năm 76, Đặng Tiểu Bình ngồi ô tô tới Thiên An Môn quan sát động tĩnh của quảng trường. Sau khi trở về, thông qua ngưòi nhà nói với tôi, quảng trường rất đông ngưòi, làm tốt lắm! Nhưng ông ta nói dối là tới khách sạn Bắc Kinh cắt tóc. Thực ra Đặng TIểu Bình luôn luôn yêu cầu thợ cắt tóc của khách sạn Bắc Kinh đến nhà ông cắt tóc cho mình.”

Ngày 5 tháng 8 năm 1988: “Lại gặp Diệu Bang, Diệu Bang nói, Tiểu Bình là người qua cầu rút ván, đồng chí nên coi chừng. Đồng thời Diệu Bang còn tiết lộ với tôi một việc lớn, nói đây là sự kiện khiến đồng chí ấy thấy mất mặt, nhưng không nói ra thì không phải với lương tâm. Tháng 4 năm 80, lúc đó chúng ta lấy lý do thanh lý “ba loại người” đã đưa 24 cán bộ từ cấp khoa(đon vị hành chính dưới cấp phòng) đến cấp phòng thuộc ngành công an Bắc Kinh tới Đại Lý Vân Nam bí mật xử bắn, và còn cử Vương Chấn đến quan sát hiện trường. Tôi hỏi vì sao lại xử bắn bí mật bọn họ, bọn họ phạm tội gì? Diệu Bang nói, lúc đó bọn họ nắm chắc chứng cớ rằng tôi và Tiểu Bình là chỉ huy đằng sau sự kiên 5/4 năm 76. Ngoài ra có một số ngưòi cũng nắm chắc chứng cớ rằng Đặng Dung(con gái Đặng Tiểu Bình) và thành viên Liên Động-một tổ chức Hồng vệ binh của con em cán bộ cao cấp khác, là hung thủ đánh chết Biện Trọng Vân phó hiệu trưởng trưòng nữ trung học thuộc trường đại học Sư phạm Bắc Kinh ngày 5 tháng 8 năm 1966. Tất nhiên còn có ngưòi nắm chắc chứng cớ thành viên Liên Động đã giết chết một loạt lớn nhân viên của cái gọi là “Loại năm đen” tại huyện Đại Hưng, Bắc Kinh tháng 8 năm 66. Tôi nói, tôi biết sự kiện này, Cao Phúc Hưng và Hồ Đức Phúc chủ mưu giết ngưòi chẳng phải lúc đó đã bị kết tội tử hình ư? Diệu Bang nói, đúng vậy, thế nhưng tháng 8 năm 75, Cao Phúc Hưng và Hồ Đức Phúc đã bất ngờ phản cung, nói là do thành viên Liên Động làm. Bọn chúng bị oan. Thế nhưng tháng 9 năm 75, đồng chí Tiểu Bình lúc đó đã là uỷ viên thưòng vụ Bộ Chính trị đã dìm sự kiện đó đi. Năm 83, Tiểu Bình chỉ thị tôi bình phản cho Cao Phúc Hưng và Hồ Đức Phúc, tôi đã làm theo, nhưng mấy cán bộ trong ngành công an Bắc Kinh đã bí mật thông báo tin tức cho thân thuộc số gia đình “Loại năm đen” nói trên, kết quả là thân thuộc số gia đình này gây sự, phản đối bình phản cho Cao Phúc Hưng và Hồ Đức Phúc. Tiểu Bình rất tức giận chỉ thị cho tôi bí mật giết mấy cán bộ ngành công an Bắc Kinh đó, coi họ thuộc “ba loại ngưòi” . Nghe xong tôi(tức Dương Thượng Côn) rất kinh ngạc, nói chúng ta hiện đang nói tới pháp trị, làm sao có thể tuỳ tiện giết người như vậy, chẳng phải lũ bốn người cũng chưa làm như thế ư? Diệu Bang nói, cho nên trong lòng tôi xấu hổ. Tuy vậy tôi đã xử lý 24 cán bộ đó như những ngưòi hy sinh khi làm việc công, và phát tiền trợ cấp cho thân thích họ. Trong đó có 5 ngưòi còn được phong là liệt sĩ,”

Ngày 6 tháng 8 năm 1988: “Diệu Bang nói, còn một việc rất hối hận nữa, phàm là quần chúng gửi thư cho tôi, công kích Đặng Tiểu Bình, tôi đều chuyển hết cho cơ quan công an, yêu cầu kiểm tra xử lý nghiêm khắc rồi báo cáo kết quả kiểm tra xử lý. Kết quả có hơn 300 ngưòi bị kết án, trong đó có hơn 60 ngưòi tự sát.”

Ngày 23 tháng 6 năm 1989: “Quân đội nhân dân làm sao lại có thể nổ súng vào nhân dân? Tôi thưòng tổng kết con đưòng đã đi qua của mình. Tôi tin tưỏng vững chăc vào con đưòng chủ nghía Mác, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu phấn đấu lý tưỏng của loài người là chủ nghĩa cộng sản. Cải cách mở cửa đã mưòi năm rồi, thế nhưng giá cả phi mã, quan lại hoành hành, quần chúng nhân dân bất mãn dữ dội với đảng và chính phủ. Sự kiện 6/4 học sinh có sai lầm, thế nhưng không thể nổ súng được.”

Ngày 15 tháng 7 năm 1989: “Hôm nay Kiều Thạch(uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị) đến thăm tôi, tôi nói thẳng với đồng chí đó, sự kiện 6/4 hoàn toàn có thể tránh được, nếu đồng chí Tiểu Bình có tấm lòng như đồng chí Tử Dương, chủ động để cho ngành kỷ luật, kiểm sát điều tra tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật của con em mình, nếu đúng như vậy, tình nguyện chịu sự trừng phạt xử lý của kỷ luật đảng và luật pháp nhà nước, thì sự kiện 6/4 đâu có thể phát triển đến mức không thể thu dọn được như vậy?”

Ngày 15 tháng 11 năm 1992: “ Tôi thật sự không thông, Bạch Bân (chưa rõ là ai) chỉ triệu tập hội nghị quân uỷ mở rộng một lần để bàn giao quyền lực mà bị gọi là cướp đảng cướp quyền? Ông ta, Tiểu Bình, ngay uỷ viên Bộ Chính trị cũng không phải mà lại triệu tập hội nghị thưòng vụ Bộ Chính trị tại nhà, thế là cái gì vậy?”

Ngày 26 tháng 9 năm 1997: “ngày 12, Triệu Tử Dưong gửi thư cho chủ tịch đoàn đại hội 15 và nhờ chuyển đến toàn thể các đồng chí đại biểu, yêu cầu bình phản cho sự kiện 6/4. Tôi rất khâm phục dũng khí của của Tử Dương. Đã nhận rõ sự việc quyết không quay đầu. Nhưng tôi chẳng làm được gì nữa rồi”

Ngày 11 tháng 12 1997: “Hôm nay nghe Thiệu Minh nói, dồng chí nghe Triệu Nhị Quân con trai thứ hai của Triệu Tử Dưong nói, bố anh ta đã hoàn toàn bị giam lỏng. Ngay mẹ anh ta khi đi chợ về, làn rỏ đựng rau cỏ cũng phải qua cảnh vệ kiểm tra rồi mới được vào nhà. Tử Dưong vô cùng tức giận, nói việc này không chỉ xỉ nhục nhân cách của mình mà còn là sự dẫm đạp thô bạo lên nền pháp trị xã hội chủ nghĩa. Triệu Nhị Quân mong tôi phản ảnh lên trung ương, bỏ việc giam lỏng Tử Dưong. Tuy nhiên trong sự kiện Triệu Tử Dương, lời nói của tôi, Giang Trạch Dân nghe không lọt. Xem ra chỉ hy vọng Lỹ Bằng hỏi han tới.”

Ngày 20 tháng 1 năm 1998: “ Hôm nay Trác Lâm đến nhà tôi, vừa đến cửa đã khóc lớn, nói Giang Trạch Dân muốn dùng biện pháp pháp luật với Đặng Chất Phương(con trai thứ hai của Đặng Tiểu Bình). Thì ra Đặng Chất Phương lợi dụng công trình tại Vưong Phủ Tỉnh của Công Ty Tứ phưong nhận hối lộ 20 triệu USD, bị người cáo giác. Giang Trạch Dân buộc phải hạ lệnh bắt giam Đặng Chất Phưong. Trác Lâm đã đến nhà Giang Trạch Dân làm loạn một hồi, doạ sẽ tự sát. Trác Lâm muốn tôi nói chuyện tình cảm với Giang Trạch Dân. Tôi đành gọi điện cho Giang Trạch Dân nói, xin nể tình khi xử lý.”

Ngày 25 tháng 3 năm 1998: “ Hôm nay Tưởng Sản Vĩnh bác sĩ tại bệnh viên 301 Bắc Kinh đến nhà tôi, báo cáo tình hình ông thăm Đài Loan, sau khi báo cáo xong ông đề xuất với tôi một vấn đề: tôi có thể báo cáo cách suy nghĩ và những sự việc chân thực của tôi với đồng chí không. Tôi nói tất nhiên là có thể được, Ông nói về tình hình cứu chữa dân chúng bị băn bị thưong trong thời gian 6/4, trong đó có cả một thiếu tá quân đội. Ông hỏi tôi vì sao quân giải phỏng lại có thể nổ súng vào dân chúng. Nghe xong, tôi không nói gì. Ông ta còn nói mình và một số đảng viên khác đã viết thư yêu cầu bình phản cho sự kiện 6/4 và lấy từ trong túi bức thư đó ra cho tôi xem. Đọc xong tôi nói, sự kiện 6/4 là một sai lầm nghiêm trọng nhất mà đảng ta phạm phải trong lịch sử, nhưng tôi nhiều tuổi rồi không còn sức để sửa chữa, nhưng đảng cộng sản là chính đảng kiên trì thực sự cầu thị, nhất định sẽ sửa chữa sai làm này vào thời gian thích đáng”.

Dưới đây là một vài việc liên quan đến cái chết của Hồ Diệu Bang

9 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1989, khi đang dự hội nghị hội nghị Bộ chính trị ĐCSTQ lần thứ 17, Hồ Diệu Bang bỗng cảm tháy đau ngực không thể chịu nổi, sau một thời gian cứu chữa được đưa vào bệnh viện và đến ngày 15 tháng 4 thì qua đời.

Ngày 13 tháng 4 năm 1989 Đặng Tiểu Bình triệu tập hội nghị Bộ Chính trị tại nhà. Trong hội nghị Lý Bằng và Kiều Thạch đề xuất: liệu đồng chí Tiểu Bình có thể thu xếp tới bệnh viện thăm Diệu Bang một chút?” Đặng Tiểu Bình ngần ngừ một lúc rồi nói: Tôi không phải là bác sĩ, tôi nắm được tình hình của đồng chí ấy, không phải là bệnh nặng, vào bệnh viện mấy ngày là khỏi thôi.”

Ngày 14 tháng 4 năm 1989 sau khi bệnh viện ra thông báo thứ hai về bệnh tình nguy hiểm của Hồ Diệu Bang, mấy người Giang Trạch Dân, Lý Bằn, Kiều Thạch, Dương Thưọng Côn... liên danh viết thư gửỉ Đặng Tiểu Bình : “ mong Tiểu Bình có thể tới bệnh viện thăm bạn chiến hữu năm mưoi năm của mình.” Đặng Tiểu Bình nhờ Trác Lâm chuyển lời: “ xưa nay tôi chưa hề cưỡng ép ngưòi khác, cũng hy vọng nguời khác đừng cưỡng ép tôi.”

Ngày 15 tháng 4 năm 1989,Hồ Diệu Bang tạ thế. Ngày 19 Bộ Chính trị xin ỹ kiến Đặng Tiểu Bình xem ông ta có dự lễ truy điệu và có đọc diễn văn truy điệu hay không? Đặng Tiẻu Bình chỉ thị miệng: “không được duy tâm, cũng không được cưỡng ép, Tử Dưong đọc điếu văn là được rồi, sức khoẻ tôi không tốt, không tiện đi.” Thế nhưng ngày 22 tháng 4 do Trác Lâm khuyên và thuyết phục Đặng Tiểu Bình đã tham gia lễ truy điệu Hồ Diệu Bang

Vài lời nói thêm của ngưòi dịch và giới thiệu.

Tôi không xa lạ lắm với những sự kiện, nhận xét.. mà Dưong Thưọng Côn đã viết trong nhật ký. Điều mà tôi muốn nói ở đây là tính chân thực của cuốn nhật ký này, nó có đáng tin hay không?
Chỉ bằng vào một điều, Hồ Diệu Bang tự thú nhận khi nói với Dưong Thưọng Côn, rằng Đặng Tiểu Bình đã sai ông ta dựng ra mọi chuyện để bêu xấu Hoa Quốc Phong, để kết tội Hoa là ngưòi đứng đầu phái “hai cái phàm là” để xóa bỏ mọi công lao của Hoa trong việc bắt “lũ bốn ngưòi” để Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và sự việc đó được kéo dài trong suốt thời gian Đặng Tiểu Bình còn sống, và những điều mà hiện nay ĐCSTQ đang bình phản cho Hoa Quốc Phong , ta có thể thấy phần viết này có thể tin được.

Để minh hoạ, xin xem đề mục một số tin, bài đăng trên báo chí chính thức của Trung Quốc khi Hoa Quốc Phong qua đời và nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông
中国共产党的优秀党员,久经考验的忠诚的共产主义战士,无产阶级革命家,曾担任党和国家重要领导职务的华国锋同志,因病医治无效,于2008年8月20日12时50分在北京逝世,享年87岁。
Đồng chí Hoa Quốc Phong đảng viên ưu tú của ĐCSTQ chiến sĩ cộng sản trung thành được thử thách lâu dài, nhà cách mạng vô sản từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo quan trọng của đảng và nhà nứoc do bị bệnh chữa chạy không có kết quả đã tạ thế hồi 12 giờ 50 phút ngày 29 tháng 8 năm 2008 tại Bắc Kinh(nên nhớ lúc này Đặng Tiểu Bình đã chết- năm 1997)
胡锦涛等为华国锋送别(组图)Hồ Cẩm Đào và một số người đưa tiễn Hoa Quốc Phong
哀送华国锋 党中央政治局九常委集体出席 9 uvthưòng vụ BCT đau buồn tiễn đưa Hoa Quốc Phong
图:北京各界人士吊唁华国锋 Các giới nhân sĩ Bắc Kinh phúng viếng Hoa Quốc Phong
人民日报》让人无语的迟来的评价–论《人民日报》发表的文章《纪念华 ... “Nhân dân nhật báo” binh luận về sự đến muộn khiến ngưòi ta không nói-bàn về bài viết” kỷ niệm Hoa..” đăng trên Nhân dân nhật báo

2011年2月19日 ... 看看昨天这篇,《纪念华国锋同志诞辰90周年》的文章就知道了。 ... 在长达几十年邓小平时代,华国锋是绝对的禁忌人物,华国锋坚持两个凡是,华国锋 ... Đọc bài viết “kỷ niệm 90 ngày sinh của đồng chí Hoa Quốc phong” ngày hôm qua…ngày 19/2/2011 là biết. Thời đại Đặng Tiểu Bình dài mấy chục năm, Hoa Quốc Phong là nhân vật cấm kỵ tuyệt đối, Hoa Quốc Phong kiên trì hai cái phàm là, Hoa Quốc Phong …
fumq2006.wordpress.com/.../《人民日报》让人无语的迟来的评价-论《人民日报/

Bạn đọc có thấy chính sách “sát nhân diệt khẩu” của Ban lãnh đạo Bắc Kinh mà ngưòi tiêu biểu là Đặng Tiểu Bình có đáng sợ và đáng ghê tởm không?

Dương Danh Dy (st và gt)

Những chiều hướng lớn đang nhào nặn và định hình thế giới

Posted on Tháng Ba 4, 2011 by truongthondlb1


Iris Vinh Hayes (danlambao) – Thế giới đang tiến về một trật tự mới và trật tự đó được hình thành bởi sự tổng hợp của những khuynh hướng lớn. Những động lực nào thuận hành với những khuynh hướng lớn đó “sẽ được hỗ trợ” để hòa nhập vào trật tự mới. Những động lực nào nghịch hành với những khuynh hướng lớn đó “sẽ bị nghiền nát” và rồi biến mất vào trật tự mới…

Xin gởi đến 1001 Ghonim của VN…

Tôi đã từng trình bày, trong đề án tạo dựng một LBĐNAC đầu năm 2005, về một số chiều hướng lớn đang nhào nặn và định hình thế giới của chúng ta bây giờ và mai sau. Từ đó đến nay đã trải qua nhiều năm, thời gian càng chứng minh cho thấy tính chính xác và giá trị của những nhận định này. Những chiều hướng lớn đó đã, đang và sẽ tiếp tục. Hôm nay, một lần nữa, tôi xin phép được lập lại nguyên văn những gì tôi đã từng phát biểu và xin được gởi đến 1001 Ghonim của Việt Nam coi như là góp ý. Hy vọng là bức họa của “bối cảnh đang vận hành” [nói theo ngôn ngữ của TS Hà Hưng Quốc] sẽ giúp phần nào trong việc định hướng cho tương lai của Việt Nam một khi các bạn hiện thân lãnh đạo.

1. Thế Giới Đang Định Hình Thành Từng Quần Thể

Những quốc gia trên thế giới đang định hình thành từng quần thể theo từng khu vực. Thí dụ như quần thể Bắc Mỹ Châu, quần thể Nam Mỹ Châu, quần thể Âu Châu, quần thể Đông Nam Á Châu, quần thể Bắc Phi, vân vân. Tiến trình định hình sẽ tiếp diễn trong nhiều thập niên tới cho đến khi hoàn tất. Những quốc gia trong mỗi quần thể nỗ lực tìm kiếm và hình thành những khung mẫu (frameworks) làm nền tảng chung cho toàn khối, những đáp án chung cho quyền lợi của mỗi thành viên trong quần thể. Lý do cốt lõi giúp cho những quốc gia này vượt lên trên những dị biệt cục bộ để cùng hoạch định, đàm phán và gia nhập là vì hiệu năng kinh tế và an ninh của toàn vùng.

2. Nhiều Quốc Gia Mới Đã Ra Đời

Song song với việc thế giới đang định hình thành từng khu vực thì một khuynh hướng khác cho thấy có nhiều quốc gia mới được thành hình trong 5 thập niên cuối của thế kỷ vừa qua. Một quốc gia mới được công nhận là một nỗ lực giải phóng được thành tựu, giải phóng khỏi những cưỡng đoạt kéo dài từ nhiều năm. Một quốc gia mới được công nhận là một nguồn sinh lực mới được hình thành, duyên theo khát vọng chính đáng của quần chúng. Một quốc gia mới được công nhận là một tiếng chuông điểm báo công lý được thực hiện, thời điểm những đế quốc phải trả lại chủ quyền đất nước cho những dân tộc đã bị nuốt trửng và bị hành chánh hóa trong nhiều năm.

3. Bước Tiến Dân Chủ Tự Do

Toàn nhân loại đang khát khao được sống trong một thế giới dân chủ thực sự. Một thế giới mà trong đó con người không bị nuốt sống bởi bạo lực, bởi nghèo đói, bởi ngu dốt. Một thế giới tuy không toàn hảo, nhưng tốt hơn bất cứ một thể chế chính trị nào đã từng hiện hữu trên mặt đất. Đà dân chủ hóa đang bành trướng và lần lượt quật ngã những tập đoàn khống trị, những thể chế cưỡng bức sức sống và ước vọng của người dân, những tà thuyết phi nhân và phi lý, những tên cầm quyền vô loại và tham lam.

4. Ý Thức Bảo Vệ Môi Sinh

Gây ra ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống ngày càng trở thành một vấn nạn lớn. Sự tồn vong của cộng đồng nhân loại trong tương lai tùy thuộc vào ý thức về hiểm họa môi sinh, vào khả năng hạn chế sự lạm dụng và vào thiện chí cải sửa những thiệt hại đã gây ra. Một vòng đai bảo vệ địa cầu hình thành từ hàng triệu người trên khắp thế giới đang lên tiếng và đang hành động để buộc mọi quốc gia, từ những siêu cường cho tới thế giới thứ ba; mọi tổ chức, từ những thành phần chỉ chú tâm vào công tác thiện nguyện cho tới tập hợp điều nghiên khoa học kỹ thuật tiên tiến; mọi cơ sở, từ những đơn vị tư doanh nhỏ bé cho đến tập đoàn quốc tế . . . phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của con người và phải thể hiện thiện chí đúng mức qua hành động thực tiễn. Với đà hưởng thụ vật chất càng ngày càng gia tăng, dân số ngày càng nhiều, nhu cầu kinh tế ngày càng lớn, khai thác tài nguyên ngày càng mạnh . . . nếu không khéo gìn giữ con người có thể biến địa cầu thành một đống rác khổng lồ và làm cằn cỗi mạch sống. Hiện nay lạm sát con người ở một tầm độ rộng đã bị thế giới kết án là tội ác chống nhân loại. Trong tương lai, lạm dụng và cố ý hủy hoại môi trường sống của con người ở một tầm độ rộng có lẽ cũng sẽ bị kết án, và nên bị kết án, là tội ác chống nhân loại.

5. Thiên Niên Kỷ Của Nhân Quyền

Hai chữ “nhân quyền” là âm điệu du dương nhất của thiên niên kỷ 2001. Khái niệm về quyền sống của con người ngày càng phổ cập. Ý thức về những quyền sống của con người ngày càng hiển lộ. Định vị cho những quyền sống của con người trong dòng sinh mệnh của nhân loại ngày càng rõ nét. Trong tương lai, những quyền sống căn bản của con người sẽ là nền tảng cho hiến pháp của đa số quốc gia và là mẫu số chung cho toàn thể nhân loại.

6. Thiên Niên Kỷ Của Thử Thách Lớn, Cơ Hội Lớn Và Chuyển Hóa

Thiên niên kỷ 2001 là thiên niên kỷ của nhiều thử thách lớn và cơ hội lớn đang chờ đợi trước mặt. Một thiên niên kỷ không nương tay cho những thứ lạc hậu dã man còn tồn đọng và ban phát ân sủng cho những chuyển hóa kịp thời mang tính thiện đức và thể hiện tình thương lớn. Một thiên niên kỷ mà con người sẽ có cơ hội nhìn thấy tất cả đế quốc cường quyền còn sót lại sẽ bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Một thiên niên kỷ mà con người sẽ có cơ hội nhìn thấy những quốc gia mới, cũ, lớn, nhỏ kết hợp thành quần thể. Vì chỉ có hình thái quần thể mới đủ khả năng để thể hiện tình thương lớn. Và những quần thể sẽ kết hợp với những quần thể khác để tiến lên một quần thể duy nhất, một quần thể địa cầu. Một sự chuyển hóa rốt ráo để mở cửa không gian nhìn ra bên ngoài và đón nhận những điều “không thể nghĩ bàn” đối với thời điểm hiện tại.

7. Một Trật Tự Mới Đang Hình Thành

Thế giới đang tiến về một trật tự mới và trật tự đó được hình thành bởi sự tổng hợp của những khuynh hướng lớn vừa trình bày. Theo đó, những động lực nào thuận hành với những khuynh hướng lớn đó “sẽ được hỗ trợ” để hòa nhập vào trật tự mới. Những động lực nào nghịch hành với những khuynh hướng lớn đó “sẽ bị nghiền nát” và rồi biến mất vào trật tự mới.

8. Tiến Trình Tái Phân Bố Lực Lượng Của Những Quốc Gia

Sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô dọn ra một khoảng trống cần được lấp đầy để tái lập quân bình của cán cân thế lực quốc tế. Các quốc gia trên thế giới hoặc âm thầm hoặc ra mặt tái phân bố những liên hệ kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng để thiết lập một định vị mới trong cơn lốc khủng hoảng ngắn hạn này. Trong cơn lốc đó, Hồi Giáo cực đoan và Trung Cộng là hai thế lực đã không bỏ lỡ cơ hội để khuấy động và trở thành là những hiểm họa thực sự cho toàn thế giới. Hoa Kỳ tái phân bố lực lượng quân sự và quan hệ ngoại giao để đương đầu với những hiểm họa mới trong thiên niên kỷ mới.

9. Hiểm Họa Thánh Chiến

Hồi Giáo cực đoan lúc nào cũng mang tham vọng trở thành một thế lực đủ sức khống chế địa cầu này. Với số lượng tín đồ Hồi Giáo đông đảo, chiếm khoảng 1/6 tổng lượng dân số của địa cầu và có mặt trên mọi lục địa, những tập đoàn khủng bố và những nhóm giáo sĩ cực đoan mong muốn nối kết tín đồ Hồi Giáo thành một khối và hy vọng khơi dậy một cuộc Thánh Chiến để san bằng những dân tộc không tôn thờ Allah, không tin vào giáo điều cực đoan, hoặc không “thánh thiện” như tín đồ Hồi Giáo. Tôn giáo pha trộn với chính trị khủng bố của những phần tử cực đoan này làm cho toàn khối Hồi Giáo, cực đoan + ôn hòa, trở thành một khối thuốc nổ cực lớn chực chờ kích hỏa.

May mắn là cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Hồi Giáo sẽ liên kết thành một khối. Họ cũng chưa có đủ trình độ kỹ thuật cũng như có đủ tài chính để thực hiện bá quyền tôn giáo hoặc bá quyền quân sự. Tuy nhiên khối Hồi Giáo có nhiều dầu hỏa, nói chung, và sự cuồng tín của những phần tử cực đoan, nói riêng, để cho Trung Cộng lợi dụng bằng cách lén lút cung cấp vũ khí và xúi họ thực hiện những âm mưu bạo hành, thứ thế trận “ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi.” Nếu toàn khối Hồi Giáo bị dẫn dụ vào con đường thánh chiến và chịu liên minh với Trung Cộng, nhân loại có thể sẽ phải chứng kiến một thảm họa chưa từng có.

10. Tham Vọng Bá Quyền Đại Trung Quốc

Mao Trạch Đông từng tuyên bố nếu phải hy sinh 500 triệu dân Tàu để chiếm cả thế giới thì Trung Cộng sẽ không ngần ngại thực hiện. “Lộ đồ Hán hóa địa cầu, chiếm lĩnh kinh tế, nhất thống Đại Trung Quốc” là một giấc mơ ngàn đời của dân Hán. Trước thời đại của Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã không ngừng theo đuổi giấc mơ đó. Sau thời đại của Mao Trạch Đông, Trung Quốc cũng chưa bao giờ ngưng nghĩ theo đuổi giấc mơ đó. Họ đã thành công một phần và sẽ tiếp tục theo đuổi cho đến khi hoàn tất.

Chỉ trong vòng 55 năm trở lại [tính đến 1995] Trung Cộng đã chứng minh dã tâm của mình bằng hành động quân sự rất nhiều lần:

Trung Cộng đã xua quân đánh chiếm Tây Tạng năm 1950 và đàn áp một lần nửa năm 1959. Từ đó đến nay đã thảm sát hơn một triệu người dân hiền hòa của xứ này và đặt họ dưới móng vuốt của Bắc Kinh.
Trung Cộng đã xúi Bắc Hàn xua quân đánh Nam Hàn và rồi sau đó nhảy vào vòng chiến ngày 2 tháng 10 năm 1950, trực tiếp đụng độ với Hoa Kỳ và đồng minh suốt 3 năm dài.
Trung Cộng đã xua quân đánh chiếm Ấn Độ, vào buổi sáng sớm ngày 20 tháng 10 năm 1962. Với 9 sư đoàn, vận dụng con đường mới làm từ Tây Tạng tới biên giới Ấn để chuyển vũ khí nặng lên sát mặt trận trước, Trung Cộng đã mở ra hai mũi tiến công vào chặng phía đông và chặng phía tây của biên giới Ấn-Hoa. Chỉ đến 9 giờ sáng cùng ngày thì quân Trung Cộng hoàn toàn làm chủ tình hình. Sau đó Trung Cộng tuyên bố đình chiến vào ngày 21 tháng 11 năm 1962. Cho tới nay Trung Cộng vẫn làm chủ phần đất đánh chiếm, gần như toàn bộ Arunachal Pradesh tiểu bang ĐB Ấn, còn Ấn Độ thì tiếp tục gặm nhấm bài học về cái gọi là tình lân bang hữu nghị của Trung Quốc.
Trung Cộng đã bí mật cung cấp 100,000 khẩu súng cho quân Cộng Sản Nam Dương để cướp chính quyền. Ngày 30 tháng 9 năm 1965 một cuộc đảo chánh đẫm máu đã bùng nổ. Tướng Suharto và Bộ Trưởng Quốc Phòng của ông ta trốn thoát. Sau đó, quân đội và nhân dân địa phương đã dành lại chủ động và giết hơn nửa triệu thành viên Cộng Sản Nam Dương và Hoa Kiều, trong đó có những người hoàn toàn vô tội bị họa lây.
Trung Cộng đã xua quân qua Miến Điện trong ngày lễ Giáng Sinh của năm 1968. Hàng ngàn quân Trung Cộng tràn qua biên giới và nhanh chóng đánh bại quân Miến rồi gộp chung với quân của Cộng Sản Miến. Trung Cộng đã cung cấp rất nhiều vũ khí cho lực lượng phối hợp này. Sau 6 năm chiến đấu, họ đã làm chủ một địa bàn khoảng 20,000 km vuông nằm sát biên giới Miến-Hoa. Rồi Cộng Sản Miến bị tan rã năm 1989. Nhưng Trung Cộng vẫn không bỏ dở tham vọng. Cuối cùng Trung Cộng cũng nắm được quân đội độc tài Miến để tiếp tục khuynh đảo đất nước Miến. Ngày hôm nay trên 2 triệu dân Tàu Cộng có mặt trên lãnh thổ Miến.
Trung Cộng đã xua quân đánh Liên Xô ngày 2 tháng 3 năm 1969. Đánh lớn đã nỗ ra dọc biên giới Trung-Xô trong ngày hôm đó, và thêm một trận lớn vào ngày 15 tháng 3 năm 1969. Trong vòng 5 ngày đầu tiên của cuộc chiến, Bắc Kinh đã đạo diễn để đưa hơn 260 triệu dân xuống đường biểu tình chống Liên Xô tại nhiều nơi, một nỗ lực có tính toán từ trước. Điện Cẩm Linh bị lọt vào thế trận với cảm giác chạm phải điện cao thế vì không thể ngờ những đồng chí có cùng nghĩa vụ quốc tế đã âm mưu và gian xảo đến mức độ như vậy. Từ đó đến nay Trung Cộng vẫn chiếm giữ đảo Damansky nằm trên sông Ussouri dọc biên giới. Còn Liên Xô thì canh cánh với nỗi lo là có một ngày nào đó Trung Cộng sẽ xua hàng triệu dân Tàu tràn qua chiếm cứ lãnh thổ.
Trung Cộng đã lấn chiếm Crescent Group trong quần đảo Hoàng Sa (Paracel/ Xisha) của Việt Nam vào năm 1974. Hải quân Trung Cộng, với 11 tàu chiến lớn nhỏ trong đó có loại Komar trang bị hỏa tiễn, đã đổ quân lên đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng. Tàu hộ tống Kronstadt của Trung Cộng đã khai hỏa trước lúc 10 giờ 20 sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, nhắm vào tàu HQ4 Trần Khánh Dư. Hải quân của CHMNVN đã phản kích. Cuộc hải chiến gây thương tổn nặng cho cả hai phía. Cho tới nay Trung Cộng vẫn chiếm cứ Hoàng Sa.
Trung Cộng đã giúp cho Khmer Rouge [Miên đỏ] nắm chính quyền tại Cao Miên năm 1975. Hai triệu dân Cao Miên bị thảm sát dã man, một âm mưu diệt chủng của Trung Quốc. Tên đồ tể cuồng tín Polpot đã bị quan thầy Tàu lợi dụng [hay đã bị khống chế?] để thực hiện tội ác chống nhân loại và chống chính dân tộc của hắn, một thảm trạng làm bàng hoàng cả thế giới. Nếu QĐNDVN không can thiệp, chưa biết Cao Miên bây giờ có được như ngày nay.
Trung Cộng đã xua quân đánh Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979. Với 360,000 bộ đội cộng 1,000 xe tăng cộng 1,500 trọng pháo, quân Trung Cộng đã mở 26 mũi tiến công dọc biên giới Việt-Hoa. Quân Trung Cộng đã san thành bình địa khoảng 30 km chiều sâu dọc biên giới Việt-Hoa rồi rút quân về sau khi đã “dạy Việt Nam một bài học” đích đáng.
Trung Cộng đã lấn chiếm Johnson Reef trong quần đảo Trường Sa (Spratley/ Nansha) của Việt Nam năm 1988.
Trung Cộng đã lấn chiếm Mischief Reef của Phi Luật Tân năm 1995.
Những biến cố vừa nói trên chỉ là một số thí dụ điển hình lấn chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc [chưa tính vào những biến cố sau 1995] và chưa nói tới những hoạt động “lũng đoạn chính trị, đánh phá kinh tế, thôn tính văn hóa” của họ.

Trung Cộng vận dụng đội quân thứ năm hơn 60 triệu người Tàu sống khắp nơi trên thế giới để thu lượm tin tức tình báo, thủ tiêu những nhân vật gây bất lợi, diệt trừ những thế lực đối kháng, đánh cấp tài liệu mật, phá hoại kinh tế, lũng đoạn chính trị ngoại giao, và Hán hóa dần dần những quốc gia họ đang cư trú.
Trung Cộng vận dụng đội quân thế lực đen bao gồm những tướng lãnh độc tài (military tyrants), những lãnh chúa ma dược (drug lords) và những lãnh chúa chiến tranh (war lords) để sản xuất và chế biến ma dược rồi phân phối đi khắp thế giới. Hơn 60% số lượng ma dược tung vào Hoa Kỳ hàng năm phát xuất từ vùng Tam Giác Vàng, và Trung Cộng chính là chủ nhân ông thực sự của vùng đất này. Thêm vào đó, hơn 71% số lượng ma dược tung đi khắp thế giới có nguồn gốc từ Afghanistan và có thể đoán là Trung Quốc cũng có dự phần. Cũng qua trung gian của đội quân này, một phần vũ khí Trung Cộng tung ra được chuyển đến tay những lực lượng phá rối trị an và lực lượng khủng bố trên khắp thế giới.
Song song với thế lực đen, Trung Cộng vận dụng đội quân kinh tế, thế lực đỏ trá hình, để tiến hành những âm mưu thâm độc khác, bên cạnh tung ma dược tung vũ khí, nằm trong cái gọi là chiến lược “tiêu hao tiềm lực đối phương” hoặc “làm cho xuất huyết nội đến chết” hoặc “khuấy cho đục nước để chiếm tiện nghi và thời cơ.””
Trung Cộng cũng đã nương vào những mâu thuẫn để ngấm thầm xúi giục những lực lượng Hồi Giáo cực đoan chống phá Hoa Kỳ, tuồng ngao cò tranh nhau cho ngư ông Tàu đỏ có cơ hội thủ đắc.
Từ sau biến cố 9/11/2001, Trung Cộng lợi dụng tình hình chuyển biến phức tạp tại Trung Đông và sự tập trung của Hoa Kỳ vào vùng đất đó nên đã nhanh chóng tiến hành những bước đi chiến lược chuẩn bị thôn tính, ngụy trang bên sau những “hiệp ước kinh tế và quân sự” đầy thiện chí và đầy cởi mở, với sự cả tin và tận tình giúp đỡ của thế giới.
Như binh thuyết “Unristricted Warfare” của hai Đại Tá PLA Qiao Liang và Wang Xiangsui, hé lộ cho thấy Trung Cộng đã không ngần ngại và sẽ không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn và mọi phương tiện miễn sao đạt thắng lợi.

Chưa hết, nỗ lực kinh tế trong ba thập niên qua đã giúp cho Trung Quốc giàu có hơn. Nương vào sức mạnh kinh tế mới có được, Trung Cộng đã tích cực hiện đại hóa lượng lực vũ trang để đạt sức mạnh quân sự cần thiết phục vụ ý đồ đen tối. Với một dân số khổng lồ cần giải quyết và với tham vọng nhất thống thế giới, Trung Cộng đang từng bước thực hiện lộ đồ thôn tính của mình.

11. Chiến Lược Của Hoa Kỳ

Dữ kiện 9/11/2001 đánh dấu một giai đoạn mới của đất nước Hoa Kỳ, một tiếng chuông đánh thức sức mạnh truyền thống của con đại bàng đang bấu quả địa cầu trong đôi chân móng vuốt.

Cuộc chiến Afghanistan theo sau dữ kiện 9/11 khuếch đại tiếng chuông đó để cho cả thế giới chuyển mình và chọn lựa đồng minh. Nhãn hiệu “trục ma quỷ” được dán lên những đối tượng an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ là tiếng pháo lệnh của một “chiến lược chủ động tái phân bố lực lượng Hoa Kỳ” trên khắp mặt địa cầu bên sau cái gọi là “chiến tranh chống khủng bố.” Và cuộc chiến Iraq là nước cờ “hạ thủ bất hoàn” thứ hai trong chiến lược đó. Mục tiêu hiển lộ và chân chính của cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến Iraq là để gieo những hạt giống dân chủ lên mảnh đất Trung Á tới Trung Đông, mảnh đất đã bị cằn cỗi đến độ chỉ còn lại hai thứ là dầu hỏa và những giáo điều cực đoan, một thứ đáng giá và một thứ đáng vứt đi. Mục tiêu ẩn tàng và quan trọng hơn của cuộc chiến Afghanistan là để phá hủy cái nôi sản xuất những tên khủng bố và ma dược đồng thời kéo dài thêm cái hàng rào tiền đồn chiến lược bên mạn Tây của Trung Quốc. Mục tiêu ẩn tàng và quan trọng hơn của cuộc chiến Iraq là để chặt đứt hai bàn tay hữu nghị Iraq-Trung Cộng, hai bàn tay “keo sơn gắn bó” nhờ có chất vàng đen trộn với âm mưu bá quyền.” Iran lọt giữa hai gọng kềm Iraq-dân-chủ-đang-hình-thành và Afghanistan-dân-chủ-đang-hình-thành. Iran thấp thỏm từng ngày chờ đợi một nhát búa của Hoa Kỳ và đồng minh giáng xuống. Một chuỗi những dữ kiện quan trọng khác nữa sẽ diễn ra trong một tương lai không xa . . . cho đến khi nỗ lực tái phân bố của Hoa Kỳ hoàn tất.

Và trong toàn bộ chiến lược tái phân bố, Trung Cộng là một đối tượng lâu dài và là đáng ngại nhất của Hoa Kỳ. Bao vây kềm chế và làm bể Trung Quốc ra thành nhiều mảnh là mục tiêu tối hậu “không thành văn” của Hoa Kỳ dành cho Tàu Cộng, để theo đó những dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Miêu và những nhóm dân tộc thiểu số khác sẽ thoát khỏi móng vuốt tham lam thâm độc của Bắc Kinh và hình thành những quốc gia dân chủ tự trị từ sự tan rã của đế quốc đỏ.

12. Vị Thế Chiến Lược Của Việt, Miên, Lào, Miến Thái, Mã

Trong nỗ lực bao vây kềm chế Trung Cộng, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ lôi kéo những quốc gia chung quanh Trung Quốc để thiết lập một quan hệ ngoại giao và quân sự gắn bó hơn nhằm thành lập một vòng đai “bao vây tiếp cận.” Và dĩ nhiên là sáu quốc gia VMLMTM cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Đi xa hơn, trong nỗ lực làm cho Trung Quốc vỡ bể ra nhiều mảnh, dẫn dụ đối tượng vào một cuộc chiến tiêu hao nội lực trầm trọng đưa đến sự tan rã từ bên trong là một chọn lựa trong số những chọn lựa chiến lược (startegic options) của Hoa Kỳ. Liệu điều này có thể xảy ra hay không? Rất có thể, vì đây là một cuộc thư hùng mà cả hai phía đều có những động lực thúc đẩy. Vấn đề chỉ là nổ ra ở thời điểm nào, ai ra tay trước và trận địa nằm ở đâu.

Về phía Trung Quốc, với áp lực dân số ngày càng tăng (a) một cuộc chiến làm tiêu hao một phần lớn dân số sẽ là một giải pháp “mượn tay người giải quyết giùm” mà chính quyền Tàu Cộng không ngần ngại để hưởng ứng và (b) một cuộc chiến giúp cơ hội cho dân Tàu túa ra như một đàn ong vỡ tổ để ngang nhiên tràn đến di dân tại những quốc gia gần và xa gây ra một cuộc khủng hoảng cho toàn vùng hoặc toàn thế giới lại là một giải pháp tuyệt diệu hơn vì “một phát tên bắn được hai ba con chim” mà chính quyền Tàu Cộng rất muốn thực hiện. Đợi thêm một vài thập niên nữa, nếu chiến tranh Hoa-đối-Hoa chưa kịp xảy ra, khi mà (a) nội lực kinh tế của Trung Quốc sung mãn hơn, (b) kỹ thuật khoa học phục vụ chiến tranh của Trung Quốc hoàn hảo hơn, và (c) đội quân thứ 5 cùng những đội quân khác đã luồn sâu hơn và trèo cao hơn bên trong những “quốc gia đối tượng” khắp trên thế giới, Trung Cộng sẽ không còn ngần ngại để nhanh chóng và trắng trợn hoàn tất phần còn lại của “lộ đồ Hán hóa địa cầu, chiếm lĩnh kinh tế, nhất thống Đại Trung Quốc.” Tới lúc đó Bắc Kinh sẽ sẵn sàng “giáo huấn” bằng sức mạnh quân sự những nước muốn chống lại tiến trình này. Trong khi từng bước tiến dần đến cao điểm của sức mạnh cần có để thực hiện phần còn lại của lộ đồ Trung Cộng đã, đang và sẽ liên tục thực thi “sách lược lũng đoạn chính trị, đánh phá kinh tế, thôn tính văn hóa và lấn chiếm lãnh thổ” của những quốc gia chung quanh với thái độ đầy thách thức. Nếu cộng đồng thế giới can thiệp dưới áp lực vì cần phải “duy trì sự ổn định,” Tàu Cộng áp dụng chiến thuật “ba tiến một lùi” cố hữu để đoạt thắng lợi. Vì là nhược quốc cho nên phải tiếp tục cắn răng nhường nhịn, những quốc gia chung quanh Trung Quốc từng bước từng bước một bị lũng đoạn chính trị, bị thua thiệt kinh tế, bị Hán hóa dần dần và bị cưỡng đoạt một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ.

Về phía Hoa Kỳ, dĩ nhiên là tham vọng và thái độ trịch thượng này của Trung Quốc không thoát khỏi sự quan sát và quan tâm. Hoa Kỳ hiểu rõ một trận thư hùng quân sự trong một tương lai gần sẽ gây thiệt hại và hao tốn cho Hoa Kỳ và đồng minh ít hơn lại có nhiều cơ hội hơn để làm hao tổn nội lực Trung Quốc đến độ nó phải bể thành nhiều mảnh, thay vì một trận thư hùng quân sự trong tương lai xa ở vài thập niên tới. Thêm vào đó sự nhường nhịn kinh tế, quân sự, và ngoại giao của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Trung Quốc như đã làm và đang làm sẽ dần đà dẫn đến kết quả sau cùng là quả địa cầu từ đôi chân của đại bàng sẽ rớt vào giữa những cánh nhung của bông hồng đại đóa.

Với những động lực vừa nêu, cái giả thuyết “khó tránh một cuộc thư hùng vũ lực giữa Trung Cộng và Hoa kỳ” không phải là một giả thuyết mơ hồ khó xảy ra. Nhìn kỹ hơn, sáu nước VMLMTM là một mảnh đất mầu mỡ, giàu tài nguyên thiên nhiên, thưa dân và dễ cho Bắc Kinh chiếm lấy nhất trong số những quốc gia tiếp cận biên giới Trung Quốc, để từ đó tràn xuống Nam Dương và Úc Châu thực hiện xa hơn giấc mơ Đại Trung Quốc. Nếu phương tiện chiến tranh được sử dụng và do Hoa Kỳ chủ động thực hiện, ba nước VML sẽ là miếng mồi thơm ngon để dẫn dụ Trung Quốc vào trận. Nếu phương tiện chiến tranh được sử dụng và do Trung Quốc chủ động thực hiện, ba nước VML sẽ là miếng mồi béo bở Trung Cộng muốn nuốt trước tiên để thách thức Hoa Kỳ và đồng minh. Miếng mồi mà “con thú muốn ăn thợ săn muốn nhử.” Vô hình trung, nếu đúng như giả thuyết, sáu nước VMLMTM sẽ bị lôi cuốn vào thế cuộc dầu sôi lửa bỏng và sự chọn lựa không phải là (a) muốn hay không muốn dính dấp vào cuộc thư hùng khốc liệt mà là (b) trong hoàn cảnh trên đe dưới búa nên chọn ngã theo Hoa Kỳ hay ngã theo Trung Quốc để có cơ hội sinh tồn và tái xây dựng sau khi giông bão đã đi qua.

Ôm chân Trung Quốc có nghĩa là chấp nhận sự đồng hóa và sau đó biến đất nước thành một tỉnh lỵ của Đại Trung Quốc. Ôm chân Trung Quốc có nghĩa là chấp nhận làm đứa con ngoan phục vụ ông cha Hán tộc tham lam và tàn bạo. Ôm chân Trung Quốc có nghĩa là chấp nhận để cho văn hóa và nòi giống bản xứ bị tiêu diệt. Ôm chân Trung Quốc có nghĩa là chấp nhận tiếp tay cho tiến trình “Hán hóa địa cầu, chiếm lĩnh kinh tế, nhất thống Đại Trung Quốc.” Trên tiến trình đó sáu nước VMLMTM cùng với những quốc gia khác đã là nạn nhân, đang là nạn nhân và sẽ tiếp tục là nạn nhân của Trung Quốc. Và là một hệ quả đương nhiên nếu tiến trình “Hán hóa địa cầu – chiếm lĩnh kinh tế – nhất thống Đại Trung Quốc” hoàn tất, ánh dương quang “dân chủ tự do” sẽ biến mất trên mặt địa cầu và từ đó một phần lớn của nhân loại sẽ sống trong bóng tối của sự khống trị tham lam và tàn bạo. Lịch sử minh chứng bóng tối của sự khống trị tham lam và tàn bạo này đã nhiều lần phủ xuống những đất nước tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, từ quá khứ xa xưa cho đến cận đại và hiện đại. Những dân tộc tiếp cận với Hán tộc không may đã phải hứng chịu bóng tối của sự khống trị tham lam và tàn bạo này nhiều lần, từ quá khứ xa xưa cho đến cận đại và hiện đại. Thêm vào đó, nếu để cho Trung Quốc cứ ung dung phát triển kinh tế ở một tốc độ cao thì không bao lâu nữa nguyên liệu và nhiên liệu trên toàn thế giới sẽ bị hút vào nền kinh tế đó với một tốc độ gây khủng hoảng chưa từng thấy và không bao lâu thì trái đất chỉ còn là một địa cầu khô cạn và đầy rác rưởi, đó là chưa nói đến những khủng hoảng giá biểu trên mọi thị trường và những khủng hoảng xã hội tại mọi quốc gia. Chưa hết, nếu để cho Trung Quốc hưởng thụ ẩm thực một cách vô trách nhiệm thì không bao lâu nữa nhiều chủng loại sinh vật bò, bay, máy, cựa trên mặt đất sẽ biến mất và “bào thai người” sẽ biến thành những món ăn phổ thông vì nhu cầu và thói ăn uống quái đản của người Tàu. Chưa hết, nếu để cho Trung Quốc đua nhau mua phụ nữ vừa hưởng thụ tình dục vừa lạm dụng và đầy đọa họ một cách phi nhân tính thì không bao lâu nữa những phụ nữ nhẹ dạ trên mặt đất sẽ bị hút vào kỹ nghệ mai mối “hôn nhân trá hình” và biến thành “nửa gái điếm phục vụ không tiền, nửa nô tì phục vụ không lương” lại còn bị bỏ đói và tra tấn hàng ngày. Chưa hết, nếu để cho Trung Quốc tiếp tục nuôi dưỡng những căn cứ địa sản xuất ma dược và thu mua một cách thong dong thì không bao lâu nữa khó mà tưởng tượng nổi số người trên thế giới bị nghiện ngập ma túy. Những thứ ma dược này được sản xuất hàng tấn, do đội quân thế lực đen -gồm những tên tướng lãnh độc tài, những lãnh chúa chiến tranh, những lãnh chúa ma dược-đảm trách để dùng đó trao đổi vũ khí Trung Quốc, rồi được dấu trong hàng hóa đóng hộp theo đường mậu dịch xâm nhập vào những quốc gia khác trên thế giới để vừa gây băng hoại xã hội và tiêu hao tài nguyên cho những quốc gia đó, điều mà Trung Quốc gọi là “chiến lược phá hoại tiềm lực đối phương” vừa kiếm được ngoại tệ cho đội quân thế lực đỏ. Chưa hết, nếu để cho Trung Cộng thao túng thị trường thì không bao lâu nữa khó mà tưởng tượng nổi số người trên thế giới bị nhiễm độc hóa chất hoặc bị nhiễm vi rút cấy trong thực phẩm và đồ dùng hằng ngày nhập cảng từ Trung Quốc, một sự nhiễm độc dần dà do thử nghiệm hoặc do ý đồ chiến lược, một sự nhiễm độc có thể không làm chết người nhưng làm tiêu hao IQ hoặc làm mất khả năng thụ thai hoặc làm mất sức đề kháng dịch bệnh của “những dân tộc thù nghịch hay chống đối.” Nếu để cho Trung Quốc bành trướng mậu dịch thì không bao lâu nữa, sẵn với đội ngũ chuyển vận hàng hóa ngày càng hùng hậu và mạng lưới thông tin ngày càng tinh vi, khó có thể ước đoán được và ngăn chận được số lượng vũ khí thường và vũ khí sát hại hàng loạt (WMD) lọt vào tay những lực lượng khủng bố (terrorist organizations) hoặc/và vào tay những lãnh chúa chiến tranh (war lords), những lãnh chúa ma dược (drug lords), những nhà cầm quyền độc tài.

Những hiểm họa vừa nói không nhỏ đối với Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới nếu để cho con rồng đỏ mọc cánh bay lên. Những hiểm họa đó càng dễ sợ hơn đối với sáu dân tộc VMLMTM cho nên nhất định là không thể để cho những hiểm họa đó biến thành thảm trạng đã rồi. Một sự lựa chọn khôn ngoan và duy nhất để có thể ngăn ngừa thảm họa cho chính mình và cho nhân loại là phải tiếp tay với Hoa Kỳ và đồng minh để bao vây, kềm chế và làm bể Trung Quốc ra nhiều mảnh. Một chiến lược mà những dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Miêu đang bị quyền lực Bắc Kinh kềm kẹp sẽ rất biết ơn và đang chờ đợi. Nói tóm lại, nhìn dưới góc độ chiến lược BVKCLBTQ, dầu có hay không có vận dụng chiến tranh, VMLMTM vẫn là sáu quốc gia then chốt nằm trong vòng đai bao vây tiếp cận.

Iris Vinh Hayes (danlambao)

Những nguy cơ lớn về chính trị đáng chú ý ở Việt Nam

Posted by truongthondlb1


John Ruwitch-Biên tập: Daniel Magnowski-Ngày 1-3-2011

Hà Nội – Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ 6,8% trong năm 2010, nhưng chi phí cho điều đó là ổn định chính trị. Lạm phát đã tăng vọt lên mức hai con số, đồng nội tệ tiếp tục mất giá.

Cả ba công ty đánh giá xếp hạng lớn – Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s – đều hạ thấp điểm tín nhiệm của Việt Nam năm 2010, làm nổi bật những rủi ro kinh tế vĩ mô và nhấn mạnh các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế của nước Đông Nam Á này, nơi từng một thời là môi trường đầu tư được ưa thích. Các nhà phân tích cho rằng, ở một chừng mực nào đó, lỗi nằm ở chính sách.

Dưới đây là bản tóm tắt những rủi ro chính cần chú ý ở Việt Nam:

HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ

Hoạt động hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam diễn ra chủ yếu trong “hộp đen” (nghĩa là bí mật – ND), và đã trở thành mối lo ngại chính đối với nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư.

Sau khi để cho giá cả tăng lên mức hai con số mà hầu như không có hành động gì ngoài những tuyên bố hùng hồn chống lạm phát, và để cho tiền đồng suy yếu đi bên ngoài biên độ dao động chính thức trong suốt hơn 4 tháng, chính quyền mới bắt đầu đi bước đầu tiên nhằm sửa chữa tình trạng kinh tế, bằng cách phá giá nội tệ vào ngày 11-2.

Cả tuần sau đó ngân hàng trung ương làm các nhà kinh tế, các nhà đầu tư phải tự hỏi liệu việc phá giá chỉ xảy ra một lần, hay nối tiếp nó sẽ là một loạt hành động nhằm giữ giá trị tiền và hạ thấp lạm phát?

Ngày 17-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 200 điểm cơ bản. Vài ngày sau đó, họ tiếp tục một đợt tăng lãi suất lớn nữa. Rồi lại vài ngày sau, thủ tướng chính thức phê chuẩn một gói các biện pháp tiền tệ và tài khóa để giảm lạm phát và đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn (right the listing economy).

Nhiều nhà kinh tế hy vọng lạm phát từ giờ sẽ giảm đi, trong khi đó các ý kiến chỉ trích cho rằng mục đích của chính phủ lẽ ra có thể được thực hiện hiệu quả hơn nếu họ công bố cả gói giải pháp ngay lập tức.

Câu hỏi ám ảnh đối với nền kinh tế là: một khi lạm phát đã nằm trong tầm kiểm soát, liệu chính quyền vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới có quay trở lại với đường lối ưu tiên tăng trưởng, chỉ để trở lại điểm xuất phát của họ?

Cần quan sát gì?

– Theo dõi hàng loạt biện pháp giảm lạm phát và ổn định nền kinh tế.

– Lãi suất hợp đồng hoán đổi nợ xấu.

– Khoảng cách giữa tỷ giá USD/VND trên thị trường chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng – là công cụ chính đo áp lực lên nội tệ.

– Các bước hành động do chính quyền tiến hành nhằm cắt giảm thâm hụt mậu dịch.

TÍNH HIỆU QUẢ CỦA CÁC CUỘC CẢI CÁCH LỚN DO CHÍNH PHỦ TIẾN HÀNH

Theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo Việt Nam phải xúc tiến những chương trình cải cách chủ yếu để duy trì được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong dài hạn và để tăng cường sức khỏe của nền kinh tế. Chính phủ đã lên kế hoạch cho những cải cách đó rồi; thành công sẽ được đo bằng mức độ thực hiện tới đâu.

Nạn quan liêu, thủ tục hành chính bị coi là rào cản phi mậu dịch lớn nhất của Việt Nam, ngăn trở các dự án và gây trở ngại cho hoạt động thương mại. Một sáng kiến rất tham vọng của chính phủ nhằm giảm một phần ba số thủ tục hành chính đã phân loại được hàng nghìn, hàng nghìn thủ tục như vậy. Vẫn còn phải chờ xem cái giai đoạn “phát quang” (slash and burn, nghĩa là “đốt rừng làm rẫy”, chỉ sự mới bắt đầu – ND) trong chiến dịch này sẽ diễn ra như thế nào.

Tình trạng gần như phá sản của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin chiếu rọi một chùm sáng vào cuộc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, và gánh nặng nợ nần của Vinashin đã đưa đến việc một số ngân hàng bị trừ điểm tín nhiệm.

Các quan chức kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực cạnh tranh cốt lõi của mình, và một số doanh nghiệp như thế đã bắt đầu rút dần hoạt động dàn trải của các công ty con. “Cổ phần hóa” (hay là tư nhân hóa từng phần) các doanh nghiệp nhà nước cũng góp phần phân biệt ít nhiều vai trò quản lý của chính phủ với vai trò kinh doanh.

Cần quan sát gì?

– Các biện pháp cụ thể nhằm giảm thủ tục hành chính.

– Sự rút lui mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp nhà nước khỏi những lĩnh vực kinh doanh không phải là cốt lõi của họ.

– Đẩy mạnh “cổ phần hóa” doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động IPO (nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu – ND) và thông qua những quan hệ đối tác chiến lược.

THAM NHŨNG

Tham nhũng, một thứ dịch bệnh ở Việt Nam, là rào cản lớn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Chính quyền thường xuyên nhắc lại cam kết chống tham nhũng và khuyến khích báo chí đóng vai trò nhà quan sát; nhưng có những nhà báo đã bị bắt vào năm 2008 vì đưa tin về các vụ bê bối lớn.

Một loạt vụ án nhỏ được đề cập trên cơ quan truyền thông đại chúng quốc doanh, nhưng ít ai thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng vấn đề đang được nhìn nhận một cách nghiêm túc và hệ thống. Các tiến bộ đạt được trong việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định độ hấp dẫn đầu tư trong dài hạn. Tình hình nếu không được cải thiện sẽ tiếp tục ngăn trở đầu tư và làm xói mòn tình cảm của dân chúng đối với chính phủ.

Trong bảng xếp hạng chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2010 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), vị trí của Việt Nam tăng nhẹ từ 120 của hai năm trước lên 116, cho thấy ít có thay đổi nào về mức độ tham nhũng.

Cần quan sát gì?

– Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng. Một sự cải thiện mạnh mẽ hoặc sa sút mạnh mẽ đều có thể ảnh hưởng tới đầu tư dài hạn, mặc dù chắc chắn phải có những thay đổi căn bản, diễn ra ngấm ngầm.

BẤT ỔN XÃ HỘI

Thường xuyên có những tường trình về các vụ bất ổn xã hội ở Việt Nam, chủ yếu là các tranh chấp về lao động và đất đai.

Trong số những cuộc biểu tình gần đây, có một vụ ở tỉnh Hà Nam, gần Hà Nội, chống việc chính quyền lấy đất để xây dựng khu công nghiệp. Vụ việc này xảy ra sau một số cuộc biểu tình ở nơi khác, hồi năm ngoái.

Cách đây ba năm (ý tác giả là năm 2007 – ND), ở Hà Nội đã xảy ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tranh chấp chủ quyền đảo trên Biển Đông, một chủ đề tái xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn và tần suất những vụ lính tuần tra Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam có vẻ như ngày càng tăng.

Hiện thời không có bằng chứng cho thấy bất ổn chắc chắn sẽ lan rộng hay sắp có nguy cơ chế độ đảng trị bị kình chống từ bên dưới.

Cần quan sát gì?

– Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phong trào phản đối lớn rộng hơn trên bình diện quốc gia sẽ nổ ra, bắt nguồn từ những tranh chấp ở địa phương. Cho tới nay, điều này dường như không có khả năng xảy ra.

– Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Vấn đề này rất căng thẳng ở Việt Nam, nước vốn có mối ngờ vực sâu sắc đối với Trung Quốc. Thái độ quyết liệt ngày càng hung hãn của Trung Quốc khi nói về chủ quyền đối với những hòn đảo còn đang tranh chấp trên Biển Đông, hay sự yếu thế mà Việt Nam tự ý thức được về mình trong vấn đề này, có thể kích động những cuộc biểu tình lớn hơn nữa.

– Vai trò của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Người Thiên Chúa giáo đã tham gia vào những cuộc biểu tình thường xuyên xoay quanh việc chính phủ trưng thu đất nhà thờ, sau năm 1954. Nhà thờ ở Việt Nam, trong khi vẫn chính thức tránh xa chính trị, có tới 6-7 triệu tín đồ và họ được tổ chức rất tốt.

– Giá của những hàng hóa nhạy cảm. Đã có báo cáo về những vụ nông dân trồng cà phê – những người bị thua lỗ khi nhà phân phối hạt cà phê bị khánh kiệt vào đầu năm nay – đập phá nhà ở và cơ sở kinh doanh của đại lý mua sản phẩm. Giá hàng hóa trên thế giới cao cũng sẽ kích thích lạm phát tăng thêm.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Vụ hiệu trưởng mua dâm: xử kín là phạm luật?

- "Xử kín vụ Sầm Đức Xương là vi phạm luật tố tụng", luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội thẳng thắn cho biết khi ngày xét xử sơ thẩm vụ án nguyên hiệu trưởng mua dâm đang cận kề (10/3 tới).

Như đã thông tin, TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” đối với nguyên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và hai học trò cũ là Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý vào ngày 10/3/2011. Việc xét xử sẽ được tiến hành kín nhưng lần này, bị cáo Thuý và Hằng không có người giám hộ và luật sư bào chữa.

Trước thông tin vụ án sẽ được xử kín, trả lời trên Vnmedia, ông Triển nhận định: “Tôi cho rằng phiên xử tới sẽ bất lợi đối với các bị cáo. Theo thông tin tôi nhận được, trong lần xử tới đây, toà lại tiếp tục xử kín và loại trừ người giám hộ của hai bị cáo. Trong phiên toà này cũng chỉ có ông Sầm Đức Xương, hai bị cáo Thuý, Hằng, luật sư của ông Xương và đại diện của các cơ quan tố tụng của Hà Giang. Điều này không đảm bảo được tiêu chí mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Như thế liệu có công bằng và đúng luật?"

Đặc biệt, trước thông tin bị cáo Thúy và Hằng sẽ không có người giám hộ và luật sư bào chữa. Cũng trên báo này, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, đó là điều lạ lùng, bởi theo ông, ở phiên toà lần trước người ta cấm báo chí, nhân dân tham gia phiên toà với lý do các cháu ở độ tuổi vị thành niên nên sợ ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và uy tín của các bị cáo. Nhưng, khi các bị cáo trên 18 tuổi, toà lại từ chối có sự tham gia của luật sư bào chữa.

Theo luật sư Triển, đối với bị cáo Thuý, Hằng, trong thời gian vừa qua, khi điều tra viên kết thúc điều tra rồi kết luận đây là vụ án hình sự không liên quan đến bí mật quốc gia, nhất là các bị cáo phạm tội trong độ tuổi vị thành niên mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Giang không giải quyết việc cho các cháu gặp mặt gia đình cũng là vi phạm luật tố tụng.
Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm vào tháng 11/2009, Sầm Đức Xương đã bị HĐXX- TAND huyện Vị Xuyên tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội "mua dâm người chưa thành niên". Bị cáo Hằng bị phạt 6 năm tù, Thuý bị phạt 5 năm tù về tội "môi giới mại dâm". Một thời gian sau, bản án đã bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên huỷ để tiến hành điều tra bổ sung do có một số nội dung còn mâu thuẫn và có thêm lời khai mới của các bị cáo.
Xác định vụ án này là phức tạp, có liên quan đến nhiều quan chức trong tỉnh Hà Giang nên hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc xét xử sơ thẩm lần 2 này sẽ do TAND tỉnh Hà Giang thực hiện (chứ không phải do TAND huyện Vị Xuyên xét xử như trước đây).
Kiều Trang (tổng hợp)

Tại sao Tống Mỹ Linh không có con?

Nhiều người cho rằng cuộc hôn nhân giữa Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch là một cuộc hôn nhân chính trị và họ giao ước sẽ không có con với nhau, tuy nhiên thư ký của bà lại chứng minh ngược lại.

Tình yêu sét của Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh

Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh (Ảnh: Đời Sống & Pháp Luật)

Từng là thư ký của Tổng Mỹ Linh, Trương Tử Cát đã viết cuốn sách “Những tháng năm bên cạnh Tống Mỹ Linh” và đem đến những câu chuyện mà ít người biết đến về người phụ nữ sắc sảo này. Đã có rất nhiều cuốn sách viết về tình yêu giữa Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh như chuyện ban đầu Tống Mỹ Linh đã từ chối, Tống Ái Linh đã tích cực sắp xếp hay những giai thoại rằng Tưởng Giới Thạch kết hôn vì muốn liên kết với Mỹ.

Tuy nhiên, cuốn sách của Trương Tử Cát lại phản bác lại những lời đồn trên. Khi Tống Mỹ Linh nghe nói một người trợ lý đắc lực của mình cũng tin vào những tin đồn như vậy bà đập tay vào bàn và nói: “Bạn của tôi, tôi không ngờ rằng bạn cũng tin vào những lời nói hoang đường đó”. Bà cho biết mình đã yêu Tưởng Giới Thạch ngay từ cái nhìn đầu tiên tại nhà Tôn Trung Sơn vào năm 1922. “Ông ấy đẹp trai hơn chồng chị tôi nhiều”.

Sau cuộc gặp “sét đánh” đó, hai người đã trao đổi số điện thoại và gửi thư cho nhau thường xuyên, tình cảm của họ cũng ngày càng sâu đậm. Tưởng Giới Thạch đã thổ lộ với Tôn Trung Sơn về sự ngưỡng mộ đối với Tống Mỹ Linh và nhờ Tống Khánh Linh giúp đỡ. “Tôn Văn tỏ ý tán thành nhưng Tôn phu nhân (Tống Khánh Linh) lại kịch liệt phản đối”. Chị cả Tống Ái Linh ban đầu cũng cùng mẹ phản đối hôn sự này nhưng cuối cùng đều bị Tống Mỹ Linh thuyết phục.

Sau khi cưới Tống Mỹ Linh không may bị sảy thai

3 chị em nhà họ Tống (Ảnh: tin247.com)

Nhắc tới Tống Mỹ Linh, không thể không nhắc tới vị trí của bà trong lịch sử cận đại. Một người từ nhỏ đã chịu sự giáo dục của phương tây như bà đã trở thành một trong những huyền thoại cận đại và cuộc hôn nhân của bà với Tưởng Giới Thạch càng bị coi là cuộc hôn nhân có mục đích chính trị vì từ khi kết hôn hai người không hề sinh con. Tuy nhiên, trong cuốn nhật ký của Tưởng Giới Thạch từng ghi rằng “phu nhân bị sảy thai, bệnh nặng”, điều đó chứng tỏ rằng Tống Mỹ Linh đã từng mang thai. Ngoài ra, trong nhật ký của Tưởng Giới Thạch còn bày tỏ khát vọng có một đứa con.

Hôn nhân của Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch có thể có mục đích chính trị từ đầu nhưng sự hâm hộ của Tưởng Giới Thạch với Tống Mỹ Linh là có thật vì trong đoạn nhật ký đã ghi “tài hoa, đức hạnh, thật khó quên”. Mặc dù tình cảm giữa hai người đã được bồi đắp sau khi kết hôn nhưng trong những lúc xuất hiện trước công chúng hai người luôn thân mật với nhau.

Sau khi tới Đài Loan, Tống Mỹ Linh vẫn là người có địa vị cao trong ngoại giao với Mỹ nhưng quyền lực chính trị dần dần bị hạn chế, đối thủ lớn nhất của bà không phải là người ngoài mà chính là Tưởng Kinh Quốc, con trai cả của Tưởng Giới Thạch.

Tháng 5/1975, Tưởng Giới Thạch qua đời. Tưởng Kinh Quốc không chịu đứng sau quyền lực của Tống Mỹ Linh và anh chị em nhà họ Tôn và muốn tạo ra kỷ nguyên của riêng mình. Bác sỹ riêng của Tưởng Kinh Quốc cho biết: “Kinh Quốc và Tống Mỹ Linh không thống nhất về quan điểm ngoại giao. Mỹ Linh đã nói với Kinh Quốc rằng nếu cứ kiên quyết theo ý mình thì sẽ cho Kinh Quốc tự quản, bà sẽ rời đi”. Từ đó, Tống Mỹ Linh tới New York và không bao giờ quay lại. Kinh Quốc cũng là người có cá tôi cá nhân lớn, khi đã quyết định chuyện gì thì nhất định sẽ làm và không thèm quan tâm tới ý kiến của Tống Mỹ Linh.

Trưa ngày 16/9/1975, Tống Mỹ Linh đã đáp máy bay tới Mỹ, trước khi đi bà đã để lại “thư động viên người dân “ dài 3.000 chữ “tôi đã kiên trì mạnh mẽ trong một thời gian dài và chịu nhiều đau khổ, bây giờ tôi cảm thấy mệt mỏi về thể xác và tinh thần, có lẽ tôi đã bị bệnh và cần đi điều trị gấp”.

Tống Mỹ Linh là người chau chuốt trong cách ăn mặc

Tống Mỹ Linh và Eleanor Roosevelt năm 1943 (Ảnh: vanhoaphuongdong.com)

Tống Mỹ Linh là người rất coi trọng việc giữ gìn nhan sắc và vóc dáng và tới cuối đời bà càng chăm chút hơn. Da của Tống Mỹ Linh cực kỳ nhạy cảm tới nỗi chỉ cần ăn chút hải sản hay có phấn hoa là bệnh tái phát và gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới nhan sắc của bà. Vì vậy mà những người phục vụ bà đều phải hết sức cẩn thận. Bà từng được mời tới làm khách tại Nhà Trắng, do da bà quá nhạy cảm nên mỗi ngày đều phải thay vài cái khăn trải giường. Những người phục vụ trong Nhà Trắng không biết chuyện nên đã than phiền vì thói quen này của bà.
Trong những ngày tháng sống ở tuổi 100, ngày nào Tống Mỹ Linh cũng đều trang điểm, nếu như người giúp việc trang điểm không kỹ hay chải đầu chưa gọn gàng thì nhất định bà sẽ không xuống lầu hoặc không bước ra cửa gặp ai. Tuy nhiên, lý do chủ yếu là Tống Mỹ Linh không muốn người khác nhìn thấy bộ mặt mộc của mình, thậm chí Tưởng Giới Thạch cũng hiếm khi được thấy Tống Mỹ Linh không trang điểm.

Để giữ gìn vóc dáng, ngày nào Tống Mỹ Linh cũng cân, chỉ cần phát hiện hơi lên cân một chút là bà lập tức thay đổi thực đơn và ăn nhiều rau xanh, không ăn thịt. Không những chú ý trong chuyện ăn uống, Tống Mỹ Linh còn rất chú trọng trong việc chọn trang phục, bà đặc biệt thích mặc sườn xám. Những người giúp việc của bà cho biết có lẽ Tống Mỹ Linh là người có nhiều áo sườn xám nhất thế giới. Bà còn có hẳn thợ may riêng tên là Trương Thuỵ Hương, người này theo Tống Mỹ Linh đi khắp nơi và ngày nào cũng may cho bà áo sườn xám trừ ngày mùng 1 Tết.

Sống cuối đời cô độc

Trong những năm tháng cuối đời, Tống Mỹ Linh sống tại căn hộ ở hạt Manhattan, New York hoặc dinh thự của gia đình tại Lattingtown, khu ngoại ô Long Island dành riêng cho giới nhà giàu, cách New York 56 km về phía Đông New York và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Tống Mỹ Linh từ chối viết nhật ký hay lưu giữ lại quá khứ của mình vì thế cuộc đời của bà tới nay vẫn còn nhiều bí ẩn.

Sầm Hoa (Theo Xinhuanet

Những nơi máy ATM tự động phun tiền

Cập nhật lúc 04/03/2011 07:00:00 AM (GMT+7)
Người rút tiền vô cùng hoan hỉ khi máy rút tiền tự động (ATM) bất ngờ phun ra gấp đôi hoặc nhiều hơn số tiền họ muốn rút. Thậm chí, có người còn gọi điện cho bạn bè, người thân ra rút tiền kiếm lợi.

Tiền miễn phí ở Australia

Trong sự kiện gần đây nhất, hôm 2/3, cảnh sát Australia cho biết, đã buộc tội 2 thanh niên tội bất lương vì biển thủ số tiền máy ATM nhả thừa. Sự việc diễn ra một ngày sau khi lỗi máy tính khiến ATM của ngân hàng Commonnwealth nhả nhiều tiền hơn số mà khách hàng có trong tài khoản.

Hai thanh niên, một 18 và một 20 tuổi, bị buộc tội chuyển cho nhau tiền bên ngoài một ngân hàng ở tây Sydney hôm 1/3. Cảnh sát không liên kết vụ bắt giữ với lỗi của các máy rút tiền ở Sydney nhưng cảnh báo công chúng rằng việc gian lận tiền qua ATM là phạm tội.

Các báo cáo cho biết, nhiều khách hàng đã lao tới hàng loạt điểm rút tiền ATM của ngân hàng Commonwealth hôm 1/3 sau khi lỗi kỹ thuật xảy ra với hệ thống rút tiền bằng máy được loan báo qua các mạng xã hội. Người rút tiền đã tạo thành những hàng dài tại các điểm ATM quanh Sydney.

"Nhiều người chạy qua chỗ tôi hét vang Tiền miễn phí! Tiền miễn phí!", tờ tin điện hàng ngày Sydney trích lời quản lý nhà thuốc Feriale Zakhia nói. Các khách hàng cho biết, họ nhận được nhiều tiền hơn số họ muốn rút từ máy. Thậm chí là, có người còn rút được nhiều tiền hơn số tiền có trong tài khoản.

Cảnh sát cho biết, bất cứ ai nhận nhiều tiền hơn sẽ bị tịch thu.

ATM nhiều lần tự nhả tiền ở Anh

Máy rút tiền tự động ở Anh đã không ít lần khiến các khách hàng vô cùng sung sướng khi họ rút một, máy lại nhả ra hai. Gần đây nhất, hồi tháng 1 năm nay, một máy ATM ở Dundee tự nhiên nhả rất nhiều tiền ra ngoài khiến hàng chục người dân chen chúc nhau tới rút.

Trước đó, hồi tháng 1/2009, cũng tại Anh, một máy ATM ở một trạm xăng BP tại Stretford, Manchester lớn cũng tự động nhả gấp đôi số tiền mà khách yêu cầu. Thông tin này đã lan nhanh như cháy rừng. Chỉ trong vòng vài phút, khách hàng đầu tiên đã gọi điện cho bạn và người thân kể về số tiền không dám mong đợi.

Ngay sau đó, một hàng dài người rút tiền đã xếp thành hàng dài bên ngoài ATM của ngân hàng Nationwide ở Stretford. Do lỗi này không xảy ra tại một chi nhánh nên phải 6 tiếng sau đó, ngân hàng mới biết. Lúc đó, khoảng 10.000 bảng tiền thừa đã được lấy đi.

Việc rút 30 bảng một lần dường như là thành công nhất, vì khách hàng nhận được thay vì 30 bảng mà là 60 bảng. Tuy nhiên, một số người lại rút gấp đôi con số 30.

Shan Cliff, 21 tuổi nói: 'Hầu hết mọi người rút ra hàng trăm bảng. Tôi không biết liệu nó có thể hiện trên tài khoản không vì đó không phải là lỗi của chúng tôi". Một nam giới 33 tuổi, bỏ túi được hơn 150 bảng tiền thừa mà ATM nhả ra nói: "Bạn tôi nhắn tin cho tôi lúc 2h chiều. Tôi không thể tin được. Tôi phải chờ một lúc vì mọi người thường rút thẻ ra rút thẻ vào từ 5-6 lần. Ngân hàng đã kiếm đủ tiền từ chúng tôi vì thế lấy lại được chút tiền cũng tốt".

Cũng trong tháng 1/2009, một ATM bên ngoài siêu thị Sainsbury ở Weshpool, Mid Wales cũng tự nhả gấp đôi số tiền khách hàng yêu cầu khiến hàng loạt người mua hàng vào ban đêm, một số vẫn mặc quần áo ngủ, xếp hàng dài để rút tiền.

Ngân hàng Sainsbury nói: "Rõ ràng, khách hàng đã có một chút may mắn vào năm mới. Chúng tôi sẽ không tìm cách thu lại tiền".

ATM ở Mỹ mừng tuổi khách hàng

Cuối tháng 11/2008, tổ chức tài chính phi lợi nhuận Industrial Credit Union ở Bellingham, Mỹ nhả ngẫu nhiên 100 tờ 50 USD thay vì tờ 20 USD như yêu cầu tại một trong các máy ATM của mình.

Matt Vance, giám đốc tiếp thị thời điểm đó của Industrial Credit Union nói, tổ chức này đã gửi quảng cáo về việc này cho 5.100 hộ dân trong bán kính 3km của chi nhánh ở Barkley.

Chương trình rút tiền đặc biệt trên chỉ áp dụng tại một máy ATM thay vì hàng loạt máy của Industrial Credit Union

Hoài Linh (Tổng hợp từ Mail, FB, France24)