Ngoại trưởng Mỹ Clinton trong buổi nói chuyện với Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ hôm qua. Ảnh: AFP.
Nước Mỹ đứng trước nguy cơ tụt hậu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu, trong khi Trung Quốc đang ve vãn các quốc gia giàu tài nguyên ở Thái bình dương, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh.
Lời tuyên bố thẳng thắn bất ngờ này của bà trước tiểu ban quan hệ đối ngoại thượng viện Mỹ chắc chắn khiến Bắc Kinh tức giận, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có chuyến thăm đình đám tới Washington như là một động thái hàn gắn quan hệ và thúc đẩy thương mại giữa hai cường quốc.
Trong khi phản bác yêu cầu cắt giảm ngân sách chương trình viện trợ nước ngoài mà phe Cộng hòa đưa ra, bà Clinton nói: "Chúng ta đang cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Hãy để nhân quyền sang một bên, hãy xét đến mặt tốt của những điều mà chúng ta cần làm. Hãy nói thẳng vào chính trị. Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc".
Theo AP, bà Clinton cho hay Trung Quốc đang hỗ trợ cho chính phủ mà Mỹ coi là độc tài ở Fiji, nơi kế hoạch mở lại văn phòng Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ bị phe Cộng hòa trong quốc hội Mỹ gác lại. Phe Cộng hòa đề nghị cắt giảm mạnh viện trợ phát triển nước ngoài, trong đó có chương trình trị giá 21 triệu USD nhằm giúp các đảo chống chọi tình trạng nước biển dâng cao, với hy vọng buộc chính phủ Fiji giảm chi tiêu. Clinton cũng kể ra ví dụ về việc các công ty Mỹ phải cạnh tranh gay gắt như thế nào ở Papua New Guinea, nơi mới phát hiện trữ lượng tài nguyên khổng lồ.
Clinton cho biết Trung Quốc đã mời tất cả các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái bình dương tới Bắc Kinh để "khoản đãi họ".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng các quốc đảo Thái bình dương là đồng minh của Mỹ, rằng viện trợ là mang tính nhân đạo trên cơ sở đạo đức, nhưng cũng là điều quan trọng trong chiến lược giành ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ.
Trong năm qua, chính quyền của Tổng thống Obama đã giành nhiều nỗ lực ngoại giao để củng cố các mối quan hệ, kể cả quan hệ quân sự, ở khu vực châu Á Thái bình dương. Điều này được nhiều chính phủ, đặc biệt là ở Đông Á, hoan nghênh bởi họ đang lo ngại sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc cũng như những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Bắc Kinh trên những đảo có tranh chấp.
Tuy nhiên Washington cũng luôn khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc vì ổn định toàn cầu và và bởi hai nước có những lợi ích kinh tế chung. Bắc Kinh hiện nắm giữ 1,16 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ.
Charles Freeman, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở Washington bình luận rằng Mỹ "đương nhiên" phải tham gia vào "một cuộc cạnh tranh quyền lực mềm với Trung Quốc. Nhưng đấy không phải là quyền lực kiểu trước đây, kiểu Chiến tranh Lạnh".
Phản bác đề nghị cắt giảm ngân sách mà phe Cộng hòa đưa ra, bà Clinton nói thêm rằng Mỹ đang thua trong cuộc chiến truyền thông, theo FT. "Chúng ta đang tham gia chiến tranh thông tin, và chúng ta đang thua... Al-Jazeera đang thắng", bà nói và thêm rằng trong khi Trung Quốc và Nga đang tiến lên trong cuộc đua truyền thông quốc tế, thì Mỹ và Anh thụt lùi, mà một trong các bằng chứng là việc BBC World Service cắt giảm nhiều chương trình tiếng nước ngoài.
"Chúng ta mất tích", ngoại trưởng Mỹ nói.
Thanh Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét