Tác giả: NHƯ NGUYỆT (LƯỢC DỊCH THEO NYT)
Các nhà phân tích trong ngành cho rằng sự sụt giảm trong ngành công nghiệp ôtô tại Trung Quốc là không thể tránh khỏi tuy nhiên điều đó có xảy ra cũng chỉ bởi giai đoạn trước đó đã tăng trưởng chóng mặt.
Tuần trước, chuyến thăm của chủ tịch Volvo - ông Stefan Jacoby tới Trung Quốc chỉ là một động thái tiếp theo liên quan đến ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới quan sát đang quan ngại liệu người ta có đang dành sự quan tâm thái quá đến thị trường này hay không?
Trong chuyến viếng thăm này, ông Jacoby công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới của Volvo tại Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu xuất xưởng 200.000 chiếc tại thị trường này từ nay đến 2015. So với tổng số 374.000 xe Volvo bán ra trên toàn cầu năm ngoái, mục tiêu này quả quá đỗi tham vọng.
Xét về nội bộ, kế hoạch vừa đưa ra hoàn toàn nằm trong kế hoạch tổng thể của Volvo khi hãng này vừa được chuyển giao quyền sở hữu từ Ford sang tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group Co. của Trung Quốc. Tuy nhiên, xét trên quy mô ngành, đây chỉ là một trong số nhiều tập đoàn ô tô thế giới đang đổ xô tới Trung Quốc với hi vọng xâm chiếm thị trường này. Thật ngạc nhiên khi số lượng xe General Motors bán ra ở Trung Quốc còn nhiều hơn cả ở Hoa Kỳ.
Động thái gần đây của Volvo hay Daimler (tuần qua, tập đoàn này cũng thông báo xây dựng nhà máy động cơ Mercedes tại Trung Quốc và mở rộng mạng lưới đại lý tại đây) đã dấy lên quan ngại rằng các tập đoàn ô tô đang đầu tư quá dày đặc vào Trung Quốc và có thể tạo ra bong bóng tiếp theo trong ngành sản xuất ôtô cũng như tự đưa mình tới rủi ro không thể cứu vãn.
Thị trường ôtô Trung Quốc mặc dù nhiều rủi ro nhưng rât tiềm năng
Thị trường đã bão hòa?
Cuộc họp của các chủ tịch tập đoàn trong ngành bên thềm Triển lãm Ôtô thường niên tại Geneve đã đưa ra một số cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ sớm lâm vào tình trạng dư thừa giống như Hoa Kỳ và châu Âu bấy lâu nay. Tháng 1 vừa qua, công ty kiểm toán KPMG đã tiến hành khảo sát và chỉ ra rằng một nửa số chủ tịch các tập đoàn tin rằng trong 5 năm qua, quá nhiều nhà máy sản xuất ôtô đã mọc lên tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích của KPMG đánh giá "ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc có thể phải gồng mình để gánh đỡ những chiến binh ngã ngựa nay mai này".
Tới hiện giờ, hầu như không vị chủ tịch nào trong ngành công khai nói về điều gì khác ngoài sự lạc quan tột độ đối với triển vọng thị trường Trung Quốc hay như Brazil, Nga, Ấn Độ và các quốc gia khác thuộc khối BRIC.
Ông Jacoby và có thể rất nhiều vị lãnh đạo khác của Volvo nhận xét rằng Trung Quốc "là một cơ hội lớn trong một ngành tiềm năng lớn nhất thế giới".
Đầu tháng vừa rồi, chủ tịch Daimler - ông Dieter Zetsche - phát biểu tại trụ sở hãng ở Stuttgart rằng "chúng ta kỳ vọng giành được mức tăng trưởng cao nhất tại khối BRIC. Vì vậy, đây là những thị trường chúng ta cần quan tâm đặc biệt trong năm 2011".
Nhu cầu đột biến từ Trung Quốc chính là yếu tố then chốt giúp Daimler, BMW và Volkswagen bù đắp sự sụt giảm nhu cầu tại châu Âu và Hoa Kỳ và vượt qua sóng gió của cuộc suy thoái kinh tế năm 2009. Giờ đây, chính thị trường Trung Quốc đang góp phần giúp các công ty Đức đạt lợi nhuận kỷ lục và cũng là nhân tố chính để hồi phục cả nền kinh tế Đức.
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu - Volkswagen - công bố lợi nhuận 2010 của hãng đạt 7,1 tỷ euro (tương đương 9,8 tỷ đôla), tăng gấp 3 lần lợi nhuận 2009. Dù công ty không nêu chi tiết doanh số của từng thị trường nhưng Trung Quốc chắc chắn đã trở thành thị trường lớn nhất của Volkswagen và doanh số thị trường này có vai trò chủ chốt đến doanh số chung của hãng.
Ôtô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức và thành công của ngành này trong năm vừa qua đã tác động đến toàn châu Âu. Mức tăng trưởng 4% của Đức trong năm vừa qua đã góp phần cân đối cho sự đi xuống ở các quốc gia khác như Tây Ban Nha hay Ý.
Các nhà phân tích trong ngành cho rằng sự sụt giảm trong ngành công nghiệp ôtô tại Trung Quốc là không thể tránh khỏi tuy nhiên điều đó có xảy ra cũng chỉ bởi giai đoạn trước đó đã tăng trưởng chóng mặt. Chẳng hạn, BMW vừa báo cáo doanh số của hãng tháng 1 tại Trung Quốc đã tăng 70% so với cùng kỳ.
Thành viên Hiệp hội Ôtô Đức - ông Marius Baader - cho rằng "rất khó để duy trì mãi mức tăng trưởng cao như thế". Hiệp hội này ước tính năm nay, tổng số xe xuất xưởng của Trung Quốc sẽ tăng 11%, đạt khoảng 12,5 triệu chiếc so với mức tăng trưởng 34% năm 2010.
Tuy nhiên, ông Baader cũng nói thêm "11% cũng là quá tốt rồi".
Thêm nữa, trước quan ngại về tình trạng tắc đường và ô nhiễm, chính phủ Trung Quốc đang hạn chế quyền sở hữu xe ôtô bằng việc hạn chế số xe được đăng ký tại một số thành phố và hạn chế ưu đãi với người mua xe.
Tiềm năng vẫn lớn hơn rủi ro
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu xe ở Trung Quốc hiện vẫn là 40/1 so với 2/1 tại Đức. Ông Baader chỉ ra rằng "ngày càng nhiều người Trung Quốc có khả năng mua xe. Tiềm năng thị trường vẫn vô cùng lớn cho dù tỷ lệ tăng trưởng có biến động"
Vấn đề là tất cả các tập đoàn lớn đều không thể cưỡng lại được sức hút quá lớn của thị trường. Cho dù biết trước rằng, nay mai, họ có thể phải vận hành các nhà máy dưới công suất nhưng các vị chủ tịch vẫn tin rằng nếu không muốn bị tụt hậu, họ phải đầu tư vào Trung Quốc.
Trong bản báo cáo tháng 11 vừa qua, công ty tư vấn Bain & Co cảnh báo rằng các nhà máy tại Trung Quốc có khả năng sản xuất 40 triệu xe/ năm từ nay đến 2015. Dù có tính đến xuất khẩu thì đây vẫn là mức dư thừa tới 35% so với nhu cầu thực tế của thị trường. Chi phí cho các nhà máy sản xuất dưới công suất có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận và giảm lợi thế sản xuất tại Trung Quốc.
Các tập đoàn vẫn không hề nản lòng trước những thông báo như vậy. Giám đốc điều hành Volkswagen tại Trung Quốc - ông Bernd Pichler nói rằng "nếu chúng tôi không đầu tư nhà máy tại đây, chúng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vào tay đối thủ. Vì thế, rủi ro này là chấp nhận được".
Giáo sư Ferdinand Dudenhöffer của trường đại học Duisburg-Essen, Đức nhận định rằng bất chấp mọi cảnh báo, các nhà sản xuất rất ít khả năng thay đổi kế hoạch phát triển tại Trung Quốc. Cho dù tốc độ tăng trưởng ở thị trường này có chững lại thì tiềm năng từ những thị trường khác như Braxin, Nga, Ấn Độ vẫn có khả năng bù đắp. Ấn Độ rộng lớn là thế và bên cạnh đó vẫn còn Việt Nam và các thị trường khác. Tiềm năng vẫn vô tận.
Xét lại, sự chững lại của thị trường Trung Quốc lại là điều tích cực bởi nó sẽ không bị bùng nổ và điều này tốt cho các nhà sản xuất vì thị trường sẽ ổn định hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét