Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Nước mình đã nên... ăn Tết?

Trần Anh Tuấn

Nếu “Ăn tết” được hiểu là một sự tận hưởng niềm vui, thì tôi xin mạnh dạn đề xuất:, Tổ quốc Việt Nam mình chưa nên ăn tết.

Vâng! Nếu ai đó nói tôi là một người bi quan, một kẻ cầu toàn, hay là một đứa chuyên môn bực bội, hậm hực với các sự vật, hiện tượng chung quanh thì đành chịu... Dẫu sao dòng chảy của cuộc đời cũng khiến ai đó bắt gặp chính mình trong những khúc quanh của cuộc đời người khác... Có thể đó là những lúc vui, có thể đó là những lúc buồn, có thể đó là những lúc lắng mình chiêm nghiệm trong khi ở bên ngoài phơi phới những sự vận động, tuôn trào đầy sức sống...

Trong không khí mùa xuân, tôi đã rảo qua nhiều đô thị sầm uất, đã rón rén ướm nhẹ bàn chân lên những đám cỏ ở nhiều vùng quê xa xôi. Ở đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ, không khí lễ hội tưng bừng, các Pano, khẩu hiệu luôn thường trực ở trên đó chữ “Mừng”: MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG,...

Rồi các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước cũng hồ hởi góp vui bằng các bài đăng về sự thành công tuyệt diệu của xí nghiệp này, công ty nọ, của chiến lược, mục tiêu ABC gì đó cả ở tầm vĩ mô, trung mô lẫn vi mô... Tóm lại, nếu nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ thì đó là một hình thức “Tự sướng”!

Nghĩa là chúng ta sẵn sàng ngâm nốt bơ gạo cuối cùng để nấu bánh chưng và thẳng thừng ném những trăn trở lo toan của năm cũ lên gác bếp. Nghĩa là không màng gì tới những trắc trở chông gai phía trước, một chén rượu xuân đã thấy miền cực lạc...

Có phải chúng ta đã thỏa mãn vì bữa cơm ngày hôm nay có nhiều chất hơn 20 năm trước? Có phải khi 18 tuổi chúng ta vui vì thấy suy nghĩ hơn hẳn sự ấu trĩ của khi lên 9 lên 10? Bên ngoài chúng ta, cuộc sống chuyển động bằng tốc độ của máy bay, tên lửa nhưng chúng ta vẫn là người lạc quan nhất thế giới dù chỉ đi với tốc độ của xe đạp, xe ba gác? Cho nên ngày xuân, chúng ta mừng vì tăng trưởng GDP gần hai con số mà quên đi sự đì đẹt của một quốc gia bao năm nay thường trực phía cuối bảng xếp hạng cả về kinh tế lẫn xã hội?

Những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một đất nước anh hùng, con người quả cảm, mưu trí, tài nguyên thiên nhiên phong phú với “rừng vàng biển bạc, sông Cửu Long rẽ nước bắt cá”. Chúng tôi sung sướng nhâm nhi sự khinh bỉ và chờ đợi ngày sụp đổ của các quốc gia bạo tàn, bất công mang tên TBCN. Cùng thời điểm đó, Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang trỗi dậy trong một niềm tâm sự đau đáu rằng quốc gia họ nghèo nàn, con người họ cần phải học hỏi. Họ bước qua đống đổ nát của chiến tranh bằng sự nỗ lực và nhún nhường hết mình. Khái niệm thỏa mãn và tự phụ không tồn tại trong tư duy kiến thiết đất nước của họ. Để rồi tới ngày hôm nay, những người Việt Nam một thời “Ngày ngày sống trong không khí mùa xuân” đang đối diện với một sự thật rằng: Phải mất vài ba chục năm thậm chí có thể đến cả thế kỷ nữa mới theo kịp sự phát triển của những đất nước biết khiêm nhường ấy.

Như mọi năm, mùa xuân này chúng ta lại “Ăn tết”, lại “Tự sướng” với chính mình của nhiều năm trước. Lại ê hề rượu thịt, lại không thể thiếu từ “may mắn, phát tài” trong mỗi lời chúc, lại những mỹ từ “Thành công, vượt kế hoạch” thường xuyên xuất hiện trong mỗi báo cáo tất niên,... Và lại nhẹ nhàng quên đi những bất cập của nền giáo dục đang xuống đến đáy, nhẹ nhàng gạt sang bên món nợ chềnh ềnh của Vinashin, nguy cơ tiềm tàng của Boxit Tây Nguyên, cũng như những hậm hực từng âm ỉ trong suốt năm vì bị “tàu lạ”, “nước lớn” chèn ép, bắt nạt....

Đã nên “Ăn tết” chưa? Hay khi nào thì chúng ta thực sự ăn tết? Câu trả lời chỉ có thể có khi nhận thức đúng mình là ai so với thế giới? Mình ở đâu trong sự phát triển? Và mình còn phải đi đâu?... Thật tiếc, hàng loạt câu hỏi đó hình như bất cứ ai cũng đã từng tự hỏi, nhưng để đi tới đáp án thì có vẻ là chưa có...

TAT

Khoa Giáo dục học, Đại học KHXH&NV TP. HCM.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Ai Cập: Khi một dân tộc thức tỉnh, độc tài sẽ sụp đổ

Thanh Phương


Niềm vui của người biểu tình tại quảng trường Tahrir (REUTERS)


Không chỉ cả thế giới, mà ngay chính người dân Ai Cập cũng không ngờ là một ngày nào đó họ có thể lật đổ được Hosni Mubarak, sau ba thập niên sống dưới chế độ độc tài. Trong 18 ngày qua, mặc dù bị chính quyền đàn áp đẫm máu, nhưng phong trào biểu tình vẫn không thuyên giảm, với niềm tin sắt đá là họ sẽ thắng.

Vì sao dân Ai Cập, vốn vẫn ngủ quên như những pho tượng nhân sư, nay đã thức tỉnh như vậy? Muốn hiểu được điều đó phải trở ngược về tháng 6 vừa qua, với vụ cảnh sát Ai Cập đánh chết một thanh niên 28 tuổi, Khaled Said. Anh này đã bị hai cảnh sát mật vụ câu lưu trong một quán cà phê Internet vì đã phổ biến trên mạng một đoạn băng vidéo tố cáo nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát. Vì không chịu trình giấy tờ tùy thân, Khaled Said bị cảnh sát lôi ra ngoài đường đánh đập dã man, đầu bị dập nát.

Được lan tuyền rộng rãi qua mạng xã hội Facebook, thông tin nói trên đã ngay lập tức làm dấy lên một phong trào biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, được sự ủng hộ của giới trí thức văn nghệ sĩ, trong cũng như ngoài nước. Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng bị dập tắt, nhưng tinh thần phản kháng vẫn âm ỉ cho đến gần đây, trước khi chuyển thành phong trào biểu tình rầm rộ, mà nay có người gọi là "cách mạng Hoa Sen" (hoa sen là một trong những biểu tượng của Ai Cập cổ), trong đó Khaled Said là hình ảnh tiêu biểu.

Thật ra trong quá khứ, dân Ai Cập cũng đã từng xuống đường bốn lần, nhưng vì những lý do khác, chủ yếu là do nghèo đói, nhưng lần này là cuộc cách mạng vì tự do, dân chủ, với ý thức rằng chỉ khi nào người dân nắm vận mệnh đất nước trong tay, cuộc sống của họ mới khá hơn.

Trong 18 ngày qua, mặc dù bị chính quyền đàn áp đẫm máu, với hàng trăm người chết, phong trào biểu tình vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn lan rộng từ thủ đô Cairo ra các vùng khác. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người vẫn xuống đường một cách bình thản, nhưng với niềm tin sắt đá là họ sẽ thắng. Không những thế, trong những ngày cuối, phong trào đấu tranh chính trị này còn có sự tiếp sức của các phong trào đấu tranh xã hội của nhiều giới, từ nhân viên hỏa xa, công nhân dệt may, cho đến Bác sĩ.

Trước làn sóng ngày càng lớn mạnh này, Tổng thống Mubarak đã lùi từng bước, ban đầu hứa sẽ không tái tranh cử, rồi sau đó loan báo giao quyền cho Phó tổng thống Suleiman, nhưng cả triệu người hôm qua vẫn duy trì áp lực tối đa. Có lẽ là cộng thêm sức ép của quân đội, cuối cùng Mubarak đã buộc phải từ bỏ chiếc ghế Tổng thống.

Như đã nói ở trên, "cách mạng Hoa Sen" ở Ai Cập đã khởi đầu từ giới trẻ và cũng chính giới trẻ đã là đầu tàu trong suốt cuộc đấu tranh này. Có học thức, chịu ảnh hưởng nhiều từ thế giới bên ngoài, giới trẻ Ai Cập đã biết khai thác các phương tiện công nghệ thông tin như mạng xã hội Facebook làm vũ khí chống chế độ Mubarak. Ngay chính báo chí của chính phủ Ai Cập hôm nay cũng thừa nhận rằng: "Giới trẻ Ai Cập đã buộc Mubarak ra đi", như tựa của tờ báo Al-Ahram.

Một điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có một cuộc cách mạng quần chúng mang tính ôn hòa ở Ai Cập, mà kể từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Điều mà các nhà quan sát sợ nhất đã không xảy ra, tức là nội chiến bùng lên tại một quốc gia cảnh sát trị, nơi mà người dân ngày càng bất mãn vì thất nghiệp, nghèo đói, bất công, trong khi gia đình Mubarak vơ vét mọi tài sản quốc gia.

Tất nhiên, cách mạng chưa phải là kết thúc ở đây, vì chưa ai biết rõ về thái độ của quân đội Ai Cập, nay đang nắm quyền lãnh đạo thông qua một hội đồng quân sự. Trách nhiệm của quân đội Ai Cập rất lớn lao: vừa bảo đảm ổn định, vừa đáp ứng khát vọng dân chủ của nhân dân. Liệu họ có bảo đảm cho cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ diễn ra êm thắm hay không? Chúng ta hãy chờ xem.

Người dân Ai Cập hôm nay vui mừng vì đã thoát khỏi ách độc tài, nhưng cũng đang lo lắng nhìn về tương lai. Tuy vậy, trước mắt họ có thể tự hào đã làm nên cách mạng tại quốc gia Ả rập đông dân nhất. Sau Tunisie, nay đến Ai Cập, các chế độ độc đoán khác, trong thế giới Ả rập và trên thế giới nói chung, nay đang run sợ sẽ đến lượt mình.

T.P

Nguồn: Viet.rfi.fr

Nhức nhối chuyện cụ Rùa Hồ Gươm chằng chịt vết thương

Nguyễn Hoàng Hà
Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các báo chí trong và ngoài nước như báo Tiền phong, báo Người lao động, báo Express VN, VNMedia, báo Pháp luật, v.v. và cả báo Người Việt ở nước ngoài đã cùng một lúc đồng loạt báo động và lên tiếng phẫn nộ về thái độ vô cảm trước tình trạng tính mạng cụ Rùa Hồ Gươm đang bị đe dọa hàng ngày. Chúng tôi trân trọng giới thiệu tình cảm của bà con Việt kiều ở châu Âu về vấn đề này.

Nếu ai đó đọc bất kỳ trên báo nào đều có tin đăng về cụ Rùa Hồ Hoàn Kiếm đang bị rùa tai đỏ khủng bố và đang nghẹt thở vì ô nhiễm nước hồ... rồi cụ yếu đi rất nhiều, vân vân và vân vân. Người ta lại đọc không biết bao nhiêu tít hứa hẹn của lãnh đạo thành phố, như tham khảo ý kiến làm thế nào để diệt rùa tai đỏ mà đến nay cũng đã gần 2 tháng từ khi phát hiện cụ Rùa bị khủng bố "bin Laden tai đỏ" tấn công. Thế mà kẻ khủng bố vẫn sống nhởn nhơ, cụ Rùa vẫn ngày ngày bị chúng gặm nhấm từ khắp bốn phía và người lãnh đạo thành phố vẫn cứ ngồi rung đùi, còn đồng bào cả nước thì buồn rầu lo lắng.

Hôm nay báo Người lao động lại đăng tin mới nữa là PGS-TS Hà Đình Đức chiều 12-2 cho biết những ngày qua, cụ rùa Hồ Gươm – Hà Nội nổi lên mặt nước nhiều lần với nhiều vết thương rất nặng. Đây là điều ông chưa từng thấy trong hơn 20 năm nghiên cứu về cụ Rùa.

Theo ông Đức, việc cố tìm cách leo lên bờ phía đường Đinh Tiên Hoàng hay cắn vào đường ống cao su dẫn từ trong bờ ra đền Ngọc Sơn dường như là cách thể hiện sự giận dữ của cụ Rùa. Môi trường sống và các vết thương nặng trên lưng đang khiến cụ Rùa sống ngắc ngoải. PGS-TS Hà Đình Đức từng đề xuất đưa cụ Rùa lên bờ để bôi thuốc sát trùng vào các vết thương, đồng thời cơ quan chức năng cần nhanh tay tiêu diệt rùa tai đỏ trong hồ nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa có chút chuyển biến. Dự kiến giữa tháng 2-2011, Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội sẽ tổ chức một buổi tọa đàm về các biện pháp cứu cụ Rùa Hồ Gươm.

Người dân Hà Nội tự hỏi: họp nhiều quá, rồi chần chừ khiến cả nước chê cười làm bẽ mặt người thủ đô. Câu trả lời là có làm hay không thì cứ nói thẳng. Cụ Rùa chết thì Hồ Gươm chẳng ai còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm nữa vì trả kiếm cho ai? Thần Kim Quy chết rồi hỏi còn Hoàn Kiếm cho ai? Thử hỏi nếu các vị lãnh đạo thành phố bị kẻ khủng bố cắn, gặm trên thân tứ phía như vậy các vị nghĩ sao? Có cần đến dân chúng lập tức viện trợ chống kẻ khủng bố và đưa mình đến bệnh viện nhờ bác sĩ chữa trị không hay là nằm đó chờ chết? Thật tội nghiệp cho một thần Kim Quy sinh không đúng thời chăng? Nếu cụ Rùa chết thì chắc chắn người ta sẽ gọi Hồ Gưom là Hồ Vô Cảm và đền Ngọc Sơn sẽ có tên mới là Đền Rùa Tai Đỏ.

Người ta đặt ra một câu hỏi lớn là tại sao ông Phó Chủ tịch thành phố phụ trách về Tài nguyên và môi trường hễ đâu có đổ đất, quy hoạch là ông có mặt và rất năng nổ dù xa tận Hà Tây, Ba Vì hay Kinh Bắc hoặc xuống sông Hồng, v.v. nhưng về một danh lam thắng cảnh lịch sử của đất nước, về một Thần Kim Quy tính mạng đang bị đe dọa thì ông lại vô cảm quay lưng?

Chắc chắn vấn đề này sẽ lôi kéo nhiều bạn đọc trong cả nước phải lên tiếng vì Hồ Gươm không phải là của riêng Hà Nội mà là của tất cả người Việt Nam chúng ta.

Là Việt kiều sống ở châu Âu, chúng tôi đọc các bài báo viết về tin này mà xúc động không sao cầm được nước mắt và cũng có cả sự tức giận đối với những sự thờ ơ vô cảm đến mức khó thể diễn tả của những người chịu trách nhiệm trước thủ đô, trước đất nước đã để tình trạng đau lòng đến như vậy?

N. H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Bắc Kinh cảnh báo nguy cơ các láng giềng liên kết với Mỹ chống Trung Quốc.

Đức Tâm

Báo trên mạng của Ấn Độ The Hindu, ngày hôm qua, 12/02/2011, đã trích đăng một bài viết trên tạp chí Trung Quốc Cầu thị nói về việc Bắc Kinh quan ngại trước khả năng các nước láng giềng tham gia một «liên minh chống Trung Quốc» do Mỹ dẫn đầu. Bài viết gợi ý một «chiến lược bảy hướng», sử dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để tạo dựng một liên minh mới ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Cầu thị là một tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại chính sách đối ngoại và phát triển một quốc gia có đủ khả năng đối phó những thách thức mới do Mỹ đặt ra.

Tác giả bài viết trên tạp chí Cầu thị là Từ Vận Hồng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ.

Đối với nhiều nhà quan sát, 2010 là một năm đầy thử thách đối với ngoại giao của Bắc Kinh do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và những quan ngại trước việc Hoa Kỳ cam kết quan tâm trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bài báo trên tạp chí Cầu thị viết, «Hoa Kỳ dường như quan tâm đến việc thành lập một liên minh mạnh mẽ chống Trung Quốc». Điều này không chỉ đánh dấu việc Mỹ thông báo quay trở lại Bắc Á, mà còn muốn lãnh đạo châu Á. Vẫn theo bài báo, «điều đặc biệt không thể dung thứ được là Mỹ đã trắng trợn khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc đi vào con đường chống Trung Quốc» và «những nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Úc, Philippines, Indonesia và Hàn Quốc đang cố gắng gia nhập nhóm chống Trung Quốc bởi vì mỗi nước này đã từng có chiến tranh hoặc xung đột quyền lợi với Trung Quốc».

Báo The Hindu của Ấn Độ nhận định, Cầu thị có thể là tạp chí có ảnh hưởng nhất trong các vấn đề chính trị, thường xuyên trình bày rõ ràng lập trường của Trung Quốc hơn là những ngôn từ ngoại giao mà các quan chức thường sử dụng. Tuy nhiên, không rõ bài viết trên đây có phản ánh quan điểm của Bắc Kinh hay không, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều chiến lược gia Trung Quốc trong các nhóm tư vấn chính thức của chính quyền đã liên tục lên tiếng bày tỏ những quan ngại tương tự liên quan đến ý đồ của Mỹ muốn sử dụng các nước láng giềng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bài viết nêu ra 6 biện pháp của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc: đó là chiến tranh thương mại, chiến tranh tỷ giá, chiến tranh chinh phục công luận, các cuộc diễn tập quân sự, phát động chiến dịch chống Trung Quốc và phát triển các liên minh với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Để đối phó lại, tạp chí Cầu thị gợi ý «chiến lược 7 hướng» như sử dụng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, tổ chức các cuộc tập trận tốt hơn, xây dựng liên minh với các nước không thân Mỹ, tập trung chú ý tới châu Âu và Nam Mỹ. Bài báo viết, «Vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay là gì ? Đó là sức mạnh kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ của chúng ta. Vấn đề then chốt là sử dụng tốt sức mạnh này».

Tác giả Từ Vận Hồng nhấn mạnh, «Trung Quốc cần đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho các nước láng giềng biết rằng chúng ta không sợ chiến tranh và chúng ta chuẩn bị để có thể tiến hành chiến tranh bất kỳ lúc nào nhằm bảo vệ các quyền lợi của chúng ta», rằng «thương mại quốc tế cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần» và tăng cường sức mạnh kinh tế Trung Quốc là «những cách thức có hiệu quả nhất để tránh chiến tranh».

Nguồn: Viet.rfi.fr

Hình ảnh của Truyền hình Trung Quốc bị đem ra so sánh với cảnh phim Top Gun.

Trọng Nghĩa

Nguồn: Internet
Cuối tháng Giêng 2011 vừa qua, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV bị lật tẩy là đã dùng hình ảnh lấy từ một bộ phim Mỹ, nhưng trình bày như là cảnh thật quay được khi làm phóng sự về không quân Trung Quốc. Đó là một cảnh trong Top Gun - một bộ phim Mỹ nổi tiếng.

Từ lúc vụ gian lận bị phát hiện, câu hỏi đặt ra là làm sao một định chế truyền thông nhà nước tầm cỡ như CCTV lại có thể trắng trợn, thậm chí ngô nghê, khi đánh cắp hình từ một bộ phim nổi tiếng thế giới như Top Gun, đã có biết bao người xem qua, thậm chí xem đi xem lại cho đến thuộc lòng từng cảnh một.

Ngày 8/2 vừa qua, tờ Wall Street Journal, một trong những tờ báo đầu tiên phanh phui vụ việc, đã bước đầu tìm ra một lời giải thích: Đài CCTV không trực tiếp quay cóp, mà dùng lại một đoạn phim của một phía thứ ba, và chính phía này mới là thủ phạm “đánh cắp phim Mỹ”. Tuy nhiên, theo giới phân tích, kể cả khi giả thuyết trên được xác minh là có thực, điều đó vẫn không xóa bỏ thực tế là CCTV đã ngụy tạo phóng sự.

Vụ tai tiếng này khởi sự từ hạ tuần tháng Giêng. Ngày 23/01, đài này đã phát đi một bài phóng sự về hoạt động tập huấn của một phi đội chiến đấu cơ J-10 của không quân Trung Quốc, đặt căn cứ tại miền Nam. Trong phim có cảnh một chiếc J-10 bắn ra một tên lửa phá tan một chiếc máy bay địch. Cảnh này với chiếc phi cơ địch nổ tung coi rất hoành tráng, như muốn cho thấy kỹ thuật siêu đẳng của không quân Trung Quốc

Rủi thay, cư dân mạng Trung Quốc ngay sau đó đã chỉ ra rằng cảnh chiếc tên lửa làm nổ tung máy bay địch lại giống y hệt cảnh trận không chiến cuối cùng trong phim Top Gun, hoàn thành từ năm 1986, với nam diễn viên Tom Cruise thủ vai chính. Trong đoạn phim Top Gun, Tom Cruise trên một chiến đấu cơ F-14 đã phóng tên lửa phá hủy một chiếc F-5.

Một blogger Trung Quốc đã đăng tải song song hình ảnh từ bản tin của CCTV và từ bộ phim Top Gun cho thấy ảnh trong hai phim khác nhau lại hoàn toàn giống nhau. Một blogger khác ghi nhận là hình thù, hướng bay của các mảnh vỡ, và khói tỏa ra sau vụ nổ giống hệt nhau trong hai bản phim. Blogger này đã mỉa mai: "CCTV là vua quay cóp".

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, sau khi bị lật tẩy, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã vội vàng xóa bỏ clip phóng sự đó trên trang web của họ, còn chính quyền thì ngăn chặn không cho truy cập vào các bài viết và hình ảnh liên quan đến vụ việc. CCTV cũng từ chối trả lời báo chí nước ngoài.

Thái độ im hơi lặng tiếng của Đài Truyền hình Trung Quốc lại càng khẳng định mối nghi ngờ là chính họ đã thực hiện trò “đạo phim”. Tuy nhiên hồi đầu tuần này, nhật báo Mỹ Wall Street Journal, trong mục thông tin về Trung Quốc China Real Time Report, đã đưa ra một giả thuyết khác : CCTV có thể là không trực tiếp lấy hình ảnh từ phim Top Gun, mà lại dùng hình ảnh trích từ phim video quảng cáo cho loại chiến đấu cơ J-10 mà không quân Trung Quốc đang sử dụng.

Đoạn video này do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc China Aviation Industry Corporation, gọi tắt là AVIC, thực hiện. AVIC là hãng chế tạo ra chiếc J-10. Video quảng cáo cho chiến đấu cơ J-10 đã được nhiều website Trung Quốc đăng tải vào đầu năm 2007 với ghi chú là đoạn phim đã được công bố nhân một cuộc họp báo ngày 05/01 cùng năm.

Theo một độc giả của Wall Street Journal, ngoài đoạn phim bị phát hiện rất giống với phim Top Gun, phóng sự của CCTV cũng chứa đựng một số cảnh khác trong phim video quảng cáo cho chiếc J-10. Khi được hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của Đài truyền hình CCTV cho biết là không có người để trả lời, viện lẽ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Còn tập đoàn AVIC thì xác nhận đã làm ra đoạn video quảng cáo cho chiến đấu cơ J-10 vào năm 2006, nhưng bác bỏ cáo buộc là họ đã dựa vào phim ảnh Hollywood để tô điểm thêm cho phần quảng cáo của mình.

Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Giao tế của AVIC tuyên bố: "Chúng tôi không thể và không cần làm một điều như vậy. Phi cơ J-10 là một thành tựu mà chúng tôi rất tự hào, tại sao chúng tôi lại phải cần đến cảnh trong phim 'Top Gun' cơ chứ?". Nhân vật này xác nhận là ông không biết chuyện CCTV sử dụng đoạn video của AVIC, nhưng cho rằng: "Tôi nghĩ là một số cư dân mạng hơi quá thích phim Top Gun và luôn luôn gắn tất cả những cái hay, cái đẹp với phim đó. Họ nghĩ rằng phải Mỹ mới đẹp".

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào lúc này CCTV đã lấy hình ảnh trực tiếp từ Top Gun, hay là từ phim video quảng cáo chiếc J-10 của AVIC, một sản phẩm cũng đánh cắp hình ảnh từ bộ phim Mỹ ? Trong cả hai trường hợp, việc làm của CCTV đều đồng nghĩa với hành động đánh lừa khán giả.

Dẫu sao, vì CCTV là một trong những phương tiện tuyên truyền chính của Bắc Kinh, các nhà phân tích cho rằng bài phóng sự là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tô điểm hình ảnh, mà cụ thể là lực lượng không quân của họ. Có điều, theo giới quan sát, để phục vụ mục tiêu phô trương thanh thế, Bắc Kinh không ngần ngại ngụy tạo thực tế, và lần này không phải là lần đầu tiên. Một trong những ví dụ điển hình là loạt sự kiện nhân lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2008.

Trước hết là cảnh bắn pháo hoa huy hoàng chung quanh thành phố Bắc Kinh nhân đêm khai mạc Thế vận hội đã được truyền đi khắp thế giới cho hàng triệu khán giả chứng kiến. Tưởng là cảnh thực, thế nhưng, người ta đã phát hiện ra là chính quyền Bắc Kinh không ngần ngại làm giả nhiều cảnh bằng hình ảnh kỹ thuật số 3 chiều, lồng ghép khéo léo vào cảnh thật khiến cho người xem bị lầm.

Khi bị lật tẩy, các quan chức Trung Quốc đã biện bạch là với bầu trời Bắc Kinh đầy sương khói, làm sao có thể cho thấy màn pháo hoa thành công được. Theo các nhà báo phương Tây có mặt tại chỗ vào khi ấy, ngay cả những người ngồi tại sân vận động quốc gia dự lễ khai mạc cũng bị lừa khi xem cảnh pháo hoa giả tạo trên màn hình vĩ đại đặt trong sân.

Trò đánh lừa thứ hai là cảnh cô bé ca sĩ tí hon được vinh dự lên hát trong lễ khai mạc. Mọi người đều ngây ngất trước giọng ca thiên phú này, ngờ đâu cô bé Lâm Diệu Khả chỉ hát «nhái» trên sân khấu, còn người hát thật là một bé gái khác, tên Dương Bái Nghi, phải ở trong hậu trường vì ngoại hình xấu xí!

T.N

Nguồn: Viet.rfi.fr

Lột xác khỏi chế độ cộng sản để trở nên kỳ diệu

Posted by truongthondlb1


Lê Diễn Đức – Khi đọc được những thông tin mới nhất về Mông Cổ, tôi không khỏi kinh ngạc Lột xác ra khỏi hệ thống cộng sản, xây dựng chế độ dân chủ từ năm 1990, trải qua nhiều biến động khó khăn, trong hơn 20 năm qua đất nước của Thành Cát Tư Hãn đã không ngừng đi lên và sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong 5 năm tới, tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Mông Cổ sẽ tăng khoảng 50%!

Kỷ niệm

Khởi hành từ ga Bắc Kinh lên phía bắc, trước khi tới Mông Cổ chúng tôi được người phục vụ trên toa tàu Trung Quốc phân phát cho mỗi đứa một gói lớn thức ăn. Đưa thì lấy nhưng không hiểu vì sao. Chúng tôi, những đứa trẻ nhà quê lần đầu tiên đi nước ngoài, ngôn ngữ duy nhất mang theo hành trang là tiếng mẹ đẻ. Sau đó chúng tôi được người phụ trách cho biết thức ăn là của hai ngày đi đường qua Mông Cổ, bởi vì ngoài thủ đô Ulan Bator, cho đến biên giới Liên Xô tàu sẽ chạy liên tục, không dừng lại lấy thực phẩm. Bọn tôi kháo nhau chắc dân Mông Cổ uống sữa dê, ngựa, tanh lắm, ăn thịt sống phơi khô, tóm lại dân Việt Nam sẽ không nuốt nổi. Qua Ulan Bator, chúng tôi tò mò nhìn những cô gái Mông Cổ trên sân ga, chân đi bốt, mắt híp, hai má đỏ au.

Hơn hai ngày đêm băng qua thảo nguyên, sa mạc mênh mông, lác đác có những túp lều của dân du mục và những đàn cừu, ngựa. Mãi sát biên giới Nga mới nhìn thấy một con sông nhỏ.

Mông Cổ nằm lại trong ký ức tôi như thế. Tại Ba Lan, ở thành phố tôi học có vài sinh viên Mông Cổ. Nói chung họ học kém nên dưới ánh mắt của nhóm sinh viên giỏi tụi tôi thường bị coi thường. Thế nhưng tụi tôi ghen với họ, vì chỉ cần cộng kết quả các môn thi chia đều, trên trung bình (điểm 3) là họ được nhà nước Mông Cổ đãi ngộ vé tàu về thăm nhà vào dịp hè; trên điểm 4 được đi máy bay. Mỗi lần trở lại họ mang theo mũ, áo, găng tay da hoặc lông bán kiếm thêm tiền, nên cuộc sống xúng xính hơn tụi tôi nhiều. Du học sinh Việt thuộc loại “cùng đinh”, sống duy nhất bằng tiền học bổng do Ba Lan viện trợ, chuyện về nước thăm nhà chỉ có trong mơ. Nghèo mạt vậy mà tụi tôi còn phải nộp 10% “chống Mỹ cứu nước”! Không dưới một lần tụi tôi khiếu nại, đề nghị đại sứ quán cho biết số tiền đó có thật sự đưa về nước hay không.

Vào thập niên 70 dân số Mông Cổ có khoảng một triệu người. Sinh viên nước ngoài thầm thì với nhau đừng đụng đến các em Mông Cổ mà… bỏ mạng, vì con gái Mông Cổ hay mắc bệnh giang mai do sinh hoạt du mục thiếu vệ sinh, tương lai còn có thể bị triệt nòi giống. Nghe đâu sinh viên Mông Cổ sau khi tốt nghiệp đại học mang được chồng hoặc vợ ngoại quốc về nước còn được trọng thưởng!

Đúng là đồn tầm bậy! Sau hơn 30 năm, dân số Ba Lan và vài nước châu Âu văn minh khác hoặc tăng không đáng kể, hoặc giẫm chân tại chỗ, đa số sụt giảm thấy rõ. Trong khi đó, người Mông Cổ tăng hơn gấp đôi!

Mông Cổ xưa

Mông Cổ có diện tích lớn hơn 4 lần Việt Nam, dân số khoảng gần 3 triệu người chủ yếu là nông dân, trong đó thủ đô Ulan-Bator chiếm tới 38% số người sinh sống. Đại đa số người Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng (hơn 93 %), còn lại Shaman giáo 1,3%, Thiên chúa giáo 2%, Hồi giáo 4,5%.

Thống nhất các bộ lạc Turk-Mông Cổ, năm 1206 Thành Cát Tư Hãn thiết lập đế quốc Mông Cổ và trở nên hùng mạnh nhất thế giới sau các cuộc chinh phục suốt từ Á sang Âu. Ở Ba Lan quân Mông Cổ được gọi là giặc Tatar. Người Ba Lan ngày nay vẫn duy trì món ăn truyền thống có tên “Tatar” làm bằng thịt bò sống xay, trộn với lòng đỏ trứng gà và các loại gia vị, quết lên bánh mỳ, dùng khi uống bia, rượu. Hungary cũng bị quân Mông Cổ chiếm đóng và tàn phá nặng nề. Tôi không biết văn hoá Hungary có bị ảnh hưởng gì bởi sự chiếm đóng này không, nhưng món salami thịt ngựa của Hungary ngon nổi tiếng thế giới và tiếng Hungary chẳng giống ai!



Quân Nguyên với Thành Cát Tư Hãn – Ảnh: pl.Wikipedia

Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết (1227), các triều Hãn rạn nứt, tách ra thành các triều đại Ilkhanate ở Ba Tư, triều Chagatai ở Trung Á, Kim Trướng Hãn quốc ở địa phận nước Nga ngày nay, và triều Nhà Nguyên ở Trung Quốc.

Bị người Hán đánh bại, người Mông Cổ rút lui về nước và Nhà Nguyên tiếp tục tồn tại ở đó, được các nhà sử học hiện đại gọi là nhà Bắc Nguyên. Nhà Minh đánh chiếm Mông Cổ năm 1380 và năm 1388 đã giành được Karakorum (thủ đô Mông Cổ). Từ đây Mông Cổ về cơ bản nằm trong hệ thống chư hầu của Nhà Minh.

Vào thế kỷ 17 người Mông Cổ bị người Mãn Châu (Nữ Chân) tấn công. Năm 1636, Mông Cổ trở thành một phần của đế chế Mãn Thanh. Năm 1911 Nhà Mãn Thanh sụp đổ, Mông Cổ trở thành nước tự trị từ năm 1911 đến 1919.

Năm 1921, quân đội chống lại Bolshevik của người Nga do Ungern von Sternberg chỉ huy chiếm được thủ đô Ulan Bator và kiểm soát gần như cả nước, mở đầu cho cuộc nổi dậy chống lại Trung Quốc. Tháng 7 năm 1921 Hồng quân Liên Xô viện lý do giúp những người cách mạng đã mang quân chiếm đóng Ngoại Mông, đánh tan quân Ungern và quân Mông Cổ. Một chính phủ cộng sản được thiết lập, nhưng vẫn duy trì chế độ thần quyền và do Bogda Khan đứng đầu.

Năm 1924, sau cái chết của Bogda Khan, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ được thành lập, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Moscow, nhưng vẫn bị xem như một phần của Trung Quốc.

Trong những năm 1929-1932 nhà cầm quyền cộng sản đã thẳng tay sát hại tầng lớp quý tộc Mông Cổ, tập thể hoá nông dân, thanh lý các công ty nước ngoài và ngành tiểu thủ công. Năm 1937 hàng nghìn tăng lữ Phật giáo Mông Cổ bị giết, 750 tu viện bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn sót lại 4. Chiến dịch Xô Viết hoá thực hiện đến mức thay cả chữ viết Mông Cổ bằng chữ Cyrillic vào năm 1941 và quốc hữu hoá còn tiếp diễn trong giai đoạn 1955-1959.

Sau 1945, nằm trong sự giằng kéo giữa Liên Xô và Trung Quốc, mãi đến năm 1961 Mông Cổ mới được Liên Hiệp Quốc thừa nhận tính hợp pháp quốc tế, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Liên Xô.

Mông Cổ lột xác

Nếu ai đó cho rằng hệ thống chính trị dân chủ, đa nguyên là phép thần có thể biến một đất nước trở nên thịnh vượng là suy nghĩ hoàn toàn nông cạn. Đây mới chỉ là một trong những yếu tố cơ bản để xây dựng một xã hội dân sự, cho phép các đảng phái chính trị, các tổ chức phi chính phủ cạnh tranh, chống lạm quyền, kiểm soát lẫn nhau, thông qua bầu cử tự do.

Mọi cuộc lột xác để có lớp da mới đều trải qua đau đớn, thậm chí nếu không biết lèo lái tốt, cải cách triệt để ngay từ đầu, thành quả của cách mạng có thể bị bỏ lỡ. Các nước cộng hoà Trung Á, thậm chí các nước Nga, Ukraine, Gruzia (Georgia) là những bài học nhãn tiền.

Từ một xã hội bị huỷ hoại, đặc biệt về đạo đức và tâm lý bởi chế độ cộng sản, một quốc gia thực hiện tiến trình dân chủ hoá, phát triển kinh tế, nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác: lịch sử, văn hoá, vốn liếng, tài nguyên, xuất phát điểm của cơ sở hạ tầng, nền giáo dục, tính bền vững của các định chế dân chủ, v.v… Nhưng trên hết vẫn là yếu tố con người, tức là trí tuệ sáng tạo của dân tộc đó.

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mông Cổ bắt đầu tiến trình dân chủ hóa, cải tổ kinh tế, chính trị, chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng với 18 chính đảng hoạt động, trong đó Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ là lớn nhất. Năm 1992, nước Nga rút toàn bộ quân đội ra khỏi lãnh thổ Mông Cổ.

Sau những cú sốc chuyển tiếp đầu thập niên 90, từ nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, sản xuất nội địa của Mông Cổ đã từ từ tăng lên. Trong năm 2003, lĩnh vực dịch vụ chiếm 58% GDP, với gần 1,5 triệu người tham gia. Tăng trưởng kinh tế ổn định từ năm 2002 ở tốc độ khoảng 7,5%.

Món nợ Liên Xô cũ 11 tỷ đôla quy từ đồng Rúp chuyển nhượng đã được chính phủ Mông Cổ thanh toán cho nước Nga trong năm 2004 với khoản chi trả 250 triệu đôla.

Người Mông Cổ tái lập tự do tôn giáo. Phật giáo Tây Tạng, tôn giáo phổ biến nhất bị đàn áp trong chế độ cộng sản, lại nổi lên trở thành tôn giáo có số tín đồ đông nhất. Các tôn giáo khác như Hồi giáo và Thiên Chúa giáo cũng phát triển nhanh. Số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo chỉ từ 4 người trong năm 1989 đã lên khoảng 40 ngàn năm 2008.

Cơ cấu hệ thống là dân chủ nghị viện, đứng đầu nhà nước là tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm. Ông Tsakhiagiin Elbegdorj, từng hai lần làm thủ tướng, thành viên của Đảng Dân Chủ, trúng cử tổng thống ngày 24/05/2009. Chính phủ hiện nay của Mông Cổ là chính phủ liên hiệp gồm nhiều đảng, Thủ tướng đương nhiệm là ông Batbold.

Trong thời kỳ cộng sản, nhà nước Mông Cổ kiểm soát chặt chẽ truyền thông và kiểm duyệt khắt khe xuất bản, không có báo chí tư nhân. Cùng với sự xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ đa đảng, quyền tự do truyền thông được đặt lên hàng đầu. Luật mới về tự do báo chí, được soạn thảo với sự giúp đỡ của các Tổ chức phi chính phủ quốc tế ngày 28/8/1998, thông qua ngày 1/1/1999. Hiện Mông Cổ có khoảng 300 tờ báo in và các đài phát thanh, truyền hình.

Cũng từ năm 1990, các chỉ số y tế chính như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tử vong trẻ em đã được cải thiện vững chắc.

Đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ là Trung Quốc. Trong năm 2006, 68,4% xuất khẩu của Mông Cổ sang Trung Quốc, còn Trung Quốc cung cấp 29.8% nhập khẩu của Mông Cổ. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ thay đổi trong một ngày gần đây trước sự cạnh tranh mạnh của các nước Nga, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Canada, Hoa kỳ…

Mông Cổ với phép mầu và những điều lý thú

Mông Cổ bắt đầu lật trang sử mới.

Đất nước Mông Cổ hôm nay như chiếc nam châm khổng lồ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Người ta đã phát hiện ra kho báu vô giá nằm dưới sa mạc mênh mông, khô cằn. Đó là đồng, than đá, uranium, sắt, vàng, và những kim loại quý hiếm nằm cuối bảng tuần hoàn Mendeleev mà thiếu nó con người không thể làm ra máy bay, xe hơi, máy tính hoặc điện thoại di động.

Đất đai Mông Cổ chứa ít nhất là 138 tỷ tấn hơn 80 nguyên tố dành cho sự phát triển công nghệ cao và kinh tế toàn cầu.

Hiện tại các nhà đầu tư tập trung ở phía nam, nơi có biên giới với Trung Quốc, dưới lòng đất là mỏ than cốc trải dài. Chính phủ Mông Cổ có lẽ phải đóng lại danh mục các công ty muốn vào khai thác. Đây là mỏ than cốc lớn nhất trên thế giới, trữ lượng khoảng 6,4 tỷ tấn, tính theo thời giá khoảng 1.100 tỷ đôla!

Kho báu của Mông Cổ xuất hiện làm giá trị sản xuất của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng vọt, 10 năm trước đây chưa quá 110 triệu đôla, trong năm qua đã đạt 2,4 tỷ đôla, và trong bốn năm tới sẽ tăng, như dự toán của chính phủ, lên 6,3 tỷ đôla.

Trên quốc gia rộng lớn này, ai may mắn tìm được mảnh đất với vàng, than, đồng, sau giấc ngủ lập tức trở thành triệu phú. Sớm hay muộn họ cũng sẽ tìm thấy vì các tập đoàn tư bản đua nhau cử đặc phái viên tới đề nghị mua lại hoặc liên doanh.

Trữ lượng 15 mỏ lớn nhất ước tính có khoảng 280 tấn vàng nguyên chất, 1,8 tỷ tấn đồng và 20 tỷ tấn than. Chỉ bấy nhiêu, đã cho con số 5 ngàn tỷ đôla, tương đương với hơn 750 năm tổng sản phẩm quốc nội hiện giờ! Trong khi đó, các phương tiện truyền thông hầu như mỗi ngày lại mang đến tin vui về những khám phá tiếp theo. Mới đây, gần làng Urt Baruun, nhà nghiên cứu Australia đã tìm thấy trữ lượng lớn quặng sắt. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng thu nhập tính theo đầu người trong năm 2018 sẽ tăng lên 8.000 đôla từ 2,3 ngàn hôm nay.

Sự bùng nổ kinh tế nhìn thấy rõ nhất ở các trung tâm mua sắm. Các cửa kính đều dán thông tin những thương hiệu Apple, Levi’s, Esprit, Ermenegildo Zegna, Hugo Boss, Burberry, Armani… sẽ sớm phục vụ khách hàng. Năm ngoái, doanh thu thương mại bán lẻ của Mông Cổ tăng hơn 23%, tới 650 tỷ Tugrik (tiền Mông Cổ), tương đương 515 triệu đôla. Với 3 triệu dân đây là con số không nhỏ.



Ulan-Bator hôm nay – Ảnh: Guardian

Tâm lý của người Mông Cổ cũng thay đổi. Công ăn việc làm dường như không được coi trọng lắm (có lẽ vì cảm thấy đang ngồi trên đống của chăng?). Sở hữu nhà nước nhầm lẫn với sở hữu tư nhân là chuyện thường tình. Khổ nhất là chuyện hẹn giờ. Đặt ăn sáng ở khách sạn lúc 8 giờ sáng, nhân viên phục vụ với đôi mắt ngái ngủ có thể tới lúc 6 giờ 30, hoặc cũng có thể là 10 giờ sau khi đẫy giấc!

Đi tới các cuộc gặp gỡ bằng taxi hoặc xe hơi nhỏ sẽ mất đi sự tôn trọng của các doanh nghiệp Mông Cổ. Tốt nhất nên đi Toyota Land Cruiser đời mới, hay Lexus. Ngay cả điện thoại di động, máy chụp hình, iPhone hay BlackBerry… đều được tính thêm điểm. Quan trọng hơn, làm sao số điện thoại di động bắt đầu với 9911, là số dành cho giới doanh nghiệp tinh hoa. Để có những số tốt này, các nhà đầu tư phải chi trả số tiền tương đương với một chiếc xe hơi đã qua sử dụng. Không phải chỉ là vấn đề thời trang, mà vì không có số như thế, khả năng bắt máy của người cần nói chuyện gần như bằng zero!

Kết luận

Tương lai của Mông Cổ đang được nhìn qua lăng kính màu hồng, nhưng đất nước vẫn còn đứng trước nhiều thách thức và những vấn đề nghiêm trọng, như nạn tham nhũng và đời sống tại vùng nông thôn.

Tỷ lệ dân số dưới mức nghèo khổ mỗi năm tuy giảm dần nhưng vẫn cao, ước tính 35,6% năm 1998; 36,1% năm 2002 – 2003; 32,2% năm 2006.

Trong khi ở thủ đô Ulan Bato, xe hơi địa hình sang trọng chạy đầy đường, thì hơn một phần ba dân chúng ở các tỉnh thu nhập dưới 2 đô la mỗi ngày.

Về mặt chính thức, Mông Cổ có khoảng 39 ngàn người thất nghiệp, nhưng trong một đất nước với truyền thống du mục, con số thường bị giao động và khó xác định chính xác. Vào mùa đông giá lạnh, người ta đổ về các vùng ngoại ô của thủ đô. Khi ấm áp họ lại ra đi, rong ruổi trên những thảo nguyên để sống với cỏ hoa và săn bắt thú.

Nhà nước đang nỗ lực giải quyết chống nghèo đói bằng tiền thu được từ công nghiệp khai thác mỏ. Năm ngoái, chính phủ phân chia đồng đều cho mỗi công dân khoảng 300 đôla và thưởng hơn 200 đôla. Tuy nhiên số tiền thu được từ khai thác tài nguyên trong thời gian qua chỉ là phần nhỏ. Một sự phồn vinh không xa thực sự đang nằm ngay trước mắt người Mông Cổ.

Nhưng tất cả còn phụ thuộc vào sự sáng tạo và tài năng quản lý kho báu của nhân dân Mông Cổ. Tài nguyên không phải là vô tận, cho nên phải biết đầu tư sinh lãi, của ăn của để cho thế hệ mai sau, như mô hình của Na Uy.

Sau một năm nữa sẽ có bầu cử. Đây là cơ hội cho các đảng vận động cử tri bằng các chương trình chấn hưng kinh tế, xã hội và nâng cao mức sống toàn dân.

Một cuộc lột xác đau đớn nhưng đầy ý nghĩa. Sự may mắn không tự dưng mà đến. Bởi vì cũng trên mảnh đất này, với hơn 60 năm ngự trị, những người cộng sản Mông Cổ và các nước anh em trong khối xã hội chủ nghĩa đã nằm trên kho báu mà không hề biết. Vì sao? Câu trả lời thuộc về bạn đọc!■

————————————-

Chú thích: Trong bài viết trích một số tư liệu lấy từ pl.wikipedia và phóng sự “Ulan-Bator Business, tức phép mầu kinh tế Mông Cổ” của nhà báo Ba Lan Marek Rabij đăng trên tuần báo “Newsweek”, ấn bản Ba Lan ngày 31/01/2011.

© 2011 Lê Diễn Đức – Radio Free Asia

Xin hãy tự hỏi và tự trả lời!

Posted by truongthondlb1


Song Chi – “Nếu một khi tôi đã có thể trả lời được tất cả những câu hỏi này, có nghĩa là chế độ này đã tốt đẹp và chúng ta không cần thay đổi nữa. Còn nếu không, xin hãy nhìn các dân tộc Đông Âu trước đây, Tunisia và Ai Cập bây giờ, vì sao họ phải xuống đường, vì sao họ chọn lựa sự thay đổi. Dù biết rằng có khi phải trả giá bằng sinh mạng. Người Việt Nam còn ngủ đến bao giờ?”…

Thế giới trong suốt hơn một tháng qua sôi sục với những diễn biến xảy ra tại Tunisia và Ai Cập. Trên các phương tiện báo chí, truyền thông và thế giới mạng toàn cầu, thông tin về những cuộc cách mạng và chiến thắng của nhân dân Tusinia, Ai Cập trong việc lật đổ các chế độ độc tài được tất cả mọi người quan tâm theo dõi từng ngày từng giờ. Không khí những ngày này gợi nhớ đến thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, trước sự sụp đổ của khối các nước cộng sản cũ tại Đông Âu và Liên Xô. Cũng đầy bất ngờ như thế.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì sao?

Thời gian trước Tết, khi cuộc cách mạng hoa nhài diễn ra tại Tusinia thì người Việt trong nước đang bận…chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán. Còn Tết ra, sau những ngày ăn chơi nghỉ ngơi là lúc hầu hết người Việt Nam tiếp tục đối mặt với bao nhiêu vấn đề phải lo toan của cuộc sống thường ngày, trong một môi trường có quá nhiều bất ổn về kinh tế và xã hội.

Trước hết là vấn đề vật giá. Một vài năm gần đây giá cả sinh hoạt ở Việt Nam thường xuyên tăng theo tốc độ phi mã trong lúc đồng tiền bị trượt giá và đồng lương thì chẳng nhích lên được bao nhiêu. Trước và sau Tết, giá cả lại càng tăng gấp mấy lần, trước Tết thì do nhu cầu mua sắm tăng lên và một phần do tâm lý “chặt chém” của người bán nhân dịp Tết, còn sau Tết, nhu cầu của người dân vẫn cao mà rau, thịt, một số mặt hàng thực phẩm… thời điểm này lại khan hiếm nên thông thường trong vòng một vài tuần lễ vật giá vẫn chưa thể trở lại ổn định.

Cũng ngay đầu năm, người dân đã nhận được hàng loạt thông tin không lấy gì làm vui về đời sống và kinh tế. Nào “lượng điện thiếu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2010” và ngành điện sẽ “cắt điện nhiều từ cuối tháng 2” (Theo bài “Lượng điện thiếu hụt nặng so với năm 2010”, báo Thanh Niên số ra ngày 9 tháng 2, 2011). Vẫn là cái điệp khúc thiếu điện, cắt điện thường xuyên diễn ra từ bao năm nay, đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người cho đến công việc kinh doanh sản xuất, công-nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước là một thực tế mà ai cũng thấy. Không chỉ thiếu điện, ngành điện lực thông báo giá điện sẽ tăng lên. Và “có thể tăng đến 32%” (báo Dân Việt ngày 11 tháng 2, 2011). Giá xăng dầu cũng tăng. Báo Người Lao Ðộng ngày 12 tháng 2, 2011 đưa tin “Ðiều chỉnh giá điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường”.

Mỗi khi giá xăng dầu, điện nước tăng, người dân chỉ còn biết thở dài, than trời. Xăng dầu hay điện ở Việt Nam là những ngành độc quyền của các công ty nhà nước, muốn tăng lúc nào, tăng bao nhiêu thì tăng. Người dân tự hỏi vì sao các tập đoàn kinh tế quốc doanh được hưởng bao nhiêu chính sách ưu ái từ nhà nước mà chỉ thấy kêu lỗ? Như ngành điện chẳng hạn, lúc nào cũng than lỗ rồi nâng giá, bắt dân phải gánh chịu, trong khi năm 2008, báo chí đã từng đưa tin Tập Ðoàn Ðiện Lực VN xin trích 1,002 tỷ đồng để khen thưởng cho cán bộ viên chức của ngành!

Bên cạnh đó là hàng loạt những biện pháp, chính sách về kinh tế của nhà nước cũng “gây choáng” cho người dân. Từ lãi suất ngân hàng. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 2 năm 2011 “Trái với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, ngay những ngày đầu năm 2011 nhiều doanh nghiệp, người vay tiền lại nhận được thông tin tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay mới lên đến 19-20%, ngang mức “đỉnh” của năm 2008.”! Với mức lãi suất như vậy thì người kinh doanh chỉ có cách thu hẹp sản xuất lại chờ thời mà thôi.

Ðể thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và các ngoại tệ chính như đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do, các ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cho điều chỉnh tỷ giá chính thức 9.3%, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990 đến nay. “Với động thái này, tỷ giá chính thức đang giao dịch tối đa là 19,500 VND/USD được nâng lên 20,900 VND/USD. Và mỗi USD đắt hơn so với trước đó một ngày là 1,400 VND, tăng tương ứng 7.17%. Còn nếu so với một năm trước, lúc tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 18,544 VND/USD và biên độ tỷ giá là +/-3%, tỷ giá chính thức được phép mua bán tối đa là 19,100 VND/USD thì đồng USD hiện nay đã tăng giá tới 9.42%! Hay nói cách khác, VND đã bị giảm giá trị chừng đó phần trăm sau một năm so với đồng USD.” (Báo VNEconomy ngày 11 tháng 2, 2011).

Theo nhiều chuyên viên về kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền là cần thiết, giúp cho việc bình ổn thị trường ngoại hối, tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, hạn chế nhập siêu, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về các vấn đề lạm phát từ việc điều chỉnh này. Ðiều đó cho thấy kinh tế Việt Nam, bất chấp con số tăng trưởng, vẫn chứa đầy bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao, đồng tiền liên tục mất giá, nợ nước ngoài tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ còn 10 tỷ đô la Mỹ cuối năm 2010 từ con số 16 tỷ một năm trước đó (theo BBC ngày 9 tháng 2, 2011).

Thực tế ở Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, từ kinh tế, chính trị cho đến giáo dục, các biện pháp của nhà nước luôn luôn chỉ là thay đổi vừa đủ, không triệt để, không tận “gốc” nên những vấn đề tồn tại từ lâu trong từng lĩnh vực vẫn còn đó. Còn với người dân, họ chỉ lờ mờ hiểu được sự bất ổn của nền kinh tế qua những ảnh hưởng cụ thể, sát sườn trong cuộc sống hàng ngày từ giá, lương, tiền, và thực sự là sức chịu đựng của họ đã bị thử thách quá lâu.

Cơm áo gạo tiền đã trở thành những nỗi ám ảnh hàng ngày với số đông người Việt, bên cạnh đó là muôn vàn nỗi lo lắng, sợ hãi khác: nếu là người dân thành thị, đó là nỗi lo tai nạn giao thông, sụp hố tử thần, cây đổ, điện giật khi trời mưa, môi trường ô nhiễm…; nếu là dân nông thôn thì lo năm nay có bị mất mùa không, gạo bán ra có bị Tổng Công ty lương thực tìm cách kìm giá mua rẻ không; miền Trung thì chuẩn bị đối phó với một mùa bão lũ mới, sẽ lại tang thương chết chóc mất sạch tài sản…Rồi lo thực phẩm không an toàn đụng thứ gì cũng thấy hàng giả, bị nhiễm độc, cho đến trứng gà, gạo cũng giả…Rồi lo kiếm tiền để khi đau yếu, thất nghiệp, già cả…không thể trông cậy vào bất cứ đâu trừ chính mình. Nếu có con thì lo môi trường đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, nó sẽ bị nhiễm phải đủ thứ thói hư tật xấu bên ngoài; nếu khấm khá thì lo cho con đi học nước ngoài để “tị nạn giáo dục”, tiếp theo lại lo chạy chỗ làm cho con, chạy bằng chạy chức cho bản thân để kiếm một “chỗ ngồi” khá hơn…Bao nhiêu là nỗi lo! Có thể nói không ngoa, người Việt từ lúc mở mắt thức dậy cho đến trong tận giấc ngủ, hàng ngày và cả cuộc đời cho đến tận lúc chết, là hàng ngàn nỗi lo, sợ, toan tính bám theo tâm trí. Trong hoàn cảnh đó dễ hiểu vì sao số đông trở nên “phi chính trị”, không có thì giờ bận tâm ngay với số phận của đất nước thì lấy đâu ra thì giờ mà bận tâm chuyện thế giới?

Người Việt lại giỏi chịu đựng, và hay tự so sánh với cuộc sống của ba mẹ, ông bà mình thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước năm 1975 và thời bao cấp để tự bằng lòng với cuộc sống của thế hệ mình, con cái mình bây giờ. Cái thời cả nước sống bằng tem phiếu, nhà nước cho mua cái gì, cho ăn cái gì thì biết cái đó, bữa cơm nào may mắn lắm mới được ăn cơm còn thì phải độn khoai, sắn, bo bo, cao lương, bột mì…; cả nước ăn giống nhau, mặc giống nhau, xài giống nhau từ cục xà bông Việt Nam cho tới cái quần đùi, thèm khát từ miếng thịt cho đến điếu thuốc lá thơm, cái thời mà có ai đó ăn khác đi, mặc khác đi là bị dòm ngó, lên án… Nếu so sánh với thời đó thì rõ ràng cuộc sống bây giờ là…thiên đường rồi chứ còn gì nữa.

Chưa nói đến những khái niệm tự do, dân chủ…sẽ xa vời lắm với dân tộc tôi, khi mà nỗi bận tâm lớn nhất của số đông hiện nay vẫn là làm sao để có thể tồn tại, và số khác, nếu vượt qua được cái mức kiếm gạo từng ngày thì vẫn còn biết bao nhiêu điều khác phải lo toan. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu có lúc nào đó, trước khi bênh vực cái thể chế này, chế độ này, nếu chúng ta có thể tự trả lời được cho mình những câu hỏi sau, thì có nghĩa là cuộc sống hiện nay ở VN đã tốt rồi, và cái chế độ này là đúng, không cần phải thay đổi nữa.

Đó là, môi trường sống hiện nay ở VN đã thực sự tạo cho tôi/gia đình tôi cái cảm giác được sống trong một xã hội công bằng chưa? Nếu tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, hoặc chỉ cần trung lưu thôi, ở hai thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, và ngược lại, trong một gia đình nghèo ở tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa, tôi có được thụ hưởng một môi trường giáo dục và điều kiện học tập, giải trí như nhau không? Nếu tôi là con em gia đình cán bộ có chức có quyền hoặc có tiền và tôi là con em của một gia đình công nhân, công nhân viên bình thường, sau khi học xong đại học, cơ hội công việc của tôi có như nhau không? Và sau đó, cơ hội thăng tiến của tôi có như nhau không? Nếu xảy ra một vụ vi phạm pháp luật, giữa hai trường hợp, là cán bộ/hoặc con em gia đình cán bộ có chức quyền và một người dân thường hoặc con em họ, thì bản án của tòa dành cho tôi có giống nhau hay nói khác đi, cơ hội bình đẳng trước pháp luật của tôi có như nhau? Chênh lệch thu nhập và sự thụ hưởng cuộc sống của tôi, một công nhân/nông dân/công nhân viên bình thường với một người có chức có quyền gấp bao nhiêu lần?

Cuộc sống hiện nay trong xã hội VN đã thực sự tạo cho tôi/gia đình tôi cảm giác an toàn, không phải lo âu, sợ hãi trước quá nhiều vấn đề chưa? Chẳng hạn, khi thất nghiệp tôi có thể trông cậy vào chính phủ giúp đỡ hoặc trợ cấp? Khi tai nạn xảy ra mà lỗi thuộc người khác hoặc lỗi do cơ quan/công ty nơi tôi làm việc, tôi có được đền bù thỏa đáng hoặc trợ cấp suốt đời nếu hoàn toàn mất sức lao động? Nếu bị bệnh do một nguyên nhân khách quan, tôi có thể kiện và được bồi thường hay phải chết oan uổng như những người dân trong phóng sự “Nỗi đau làng ung thư” ở Thạch Sơn, Phú Thọ đăng trên báo Người lao động ngày 13.2.2011 và rất nhiều những trường hợp khác? Nếu không giàu có, chỉ đi làm công nhân, công nhân viên bình thường, liệu khi đau ốm, nhất là những căn bệnh hiểm nghèo, tôi có thể có đủ tiền chạy chữa hoặc được nhà nước trợ giúp một phần? Nếu chỉ có tiền đóng bảo hiểm y tế nhà nước, liệu các bệnh viện nhà nước có chữa trị cho tôi đàng hoàng, đầy đủ? Khi tuổi già đến sau bao nhiêu năm làm việc cống hiến sức lực cho nhà nước, đồng lương hưu có giúp cho tôi đủ sống? Chưa kể muôn vàn nỗi lo khác đã kể ở trên…

Bây giờ mới nói đến tự do dân chủ là những thứ xa xỉ đối với số đông người Việt. Tôi có được tự do đi bầu chọn lựa ra những người có tài có đức lãnh đạo đất nước từ trên xuống dưới? Từ khi còn bé cắp sách đến trường cho đến lúc là một công dân trưởng thành trong xã hội, tôi có được quyền phát biểu những điều mình nghĩ, nói lên những thực trạng sai trái của đất nước hay nếu nói/viết ra thì hoặc là bị ghép tội phản động, bị cho vào tù hoặc những lời góp ý, phản biện ấy chỉ như rơi vào khoảng không-điều đã từng xảy ra nhiều lần với giới trí thức, các nhà khoa học, những người cách mạng lão thành khi góp ý phản biện với đảng, với nhà nước trong bao nhiêu dự án, chính sách sai lầm? Tôi có được quyền biểu tình phản đối một chính sách nào đó của nhà nước hay đơn giản, biểu tình chống lại Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa chứ chưa nói gì đến biểu tình chống nhà nước VN? Và vì sao VN lại nằm trong số ít các quốc gia mà việc viết blog có thể dẫn đến bị tù và facebook bị chặn?

Đất nước này có thật là của chung 86 triệu người VN hay chỉ của riêng một đảng, thậm chí của một nhóm người khi ai cho phép một nhóm người ấy có quyền ra những quyết định ảnh hưởng đến toàn bộ vận mệnh quốc gia, sự sống còn và tương lai của 86 triệu dân như những quyết định có liên quan đến lãnh thổ lãnh hải (như Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000 ký kết với Trung Quốc), có liên quan đến môi trường sống chung (như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay cho các công ty nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dọc biên giới)…mà không trưng cấu ý dân cũng không công khai, minh bạch hậu quả? Ai cho phép họ tham nhũng, ăn trên đầu trên cổ nhân dân, làm ăn thua lỗ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng như vụ Vinashin và bắt dân phải gánh nợ hay những dự án điên rồ như đường cao tốc chỉ để dành cho một thiểu số có tiền?

v.v…và v.v…

Nếu một khi tôi đã có thể trả lời được tất cả những câu hỏi này, có nghĩa là chế độ này đã tốt đẹp và chúng ta không cần thay đổi nữa.

Còn nếu không, xin hãy nhìn các dân tộc Đông Âu trước đây, Tunisia và Ai Cập bây giờ, vì sao họ phải xuống đường, vì sao họ chọn lựa sự thay đổi. Dù biết rằng có khi phải trả giá bằng sinh mạng.

Người Việt Nam còn ngủ đến bao giờ?

Song Chi

VÀI NÉT VỀ TÌNH TRẠNG HÀNG GIẢ TẠI TRUNG QUỐC

Vài nét về tình trạng hàng giả tại Trung Quốc

Lời dẫn của Dương Danh Dy:

Gần đây hầu như toàn thế giới đã biết thế nào là “mùi hàng giả, hàng nhái” của Trung Quốc. Ngưòi ta đã có nhiều phản ứng ngăn chặn, nhưng không đạt mong muốn. Vì sao “hàng giả, hàng nhái” Trung Quốc lại có sức sống ghê gớm như vậy. Vì sao một nước luôn tự nhận là mình có nền văn minh huy hoàng rực rỡ, luôn luôn lên giọng dạy thiên hạ nào là phải biết sống văn minh, phải biết sống hài hoà… lại trở thành thế giói hàng giả, hàng nhái như vậy?...

Hy vọng bài tổng hợp từ các tư liệu của chính ngưòi Trung Quốc viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc thấy thêm được vấn đề.



Ai cũng biết hiện nay tại Trung quốc hàng giả đang phát triển tràn lan, không có mặt hàng nào là không bị làm giả, thậm chí hàng chính thống chưa tung ra thị trường mà hàng giả đã xuất hiện.Câu nói có chút hơi cường điệu: “Hễ có sản xuất là có hàng giả đi kèm” cho thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề Ngưòi ta đã kiểm tra được tại thành phố cấp huyện Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang mà có tới 3500 cửa hàng qui mô hoàn chỉnh, tiêu thụ khoảng 100.000 loại hàng, mỗi ngày có khoảng 200.000 lượt ngưòi tới mua bán khoảng 2000 tấn hàng hoá, doanh số năm 1996 tăng lên đến 2,2 tỷ USD, thế nhưng tại đây chỉ riêng mặt hàng xà phòng thơm các loại chí ít đã có tới 90% là hàng giả. Các mặt hàng khác mặt hàng nào cĩng có hàng giả nhưng ngưòi ta chưa thể (hay chưa muốn) đưa ra số liệu cụ thể như mặt hàng xà phòng thơm. Vì sao lại có tình trạng ấy?

Trước hết cần nhắc lại một khái niệm chắc nhiều người đã biết, nhưng vẫn phải nhắc lại để dễ có sự đồng thuận trong việc phân định phải trái, đúng sai và bác bỏ một số lập luận không đúng: hàng giả là những mặt hàng được làm ra bằng việc sử dụng các thủ đoạn phi pháp, thông qua việc bắt chước hoặc làm giả các thưong hiệu hoặc sản phẩm nổi tiếng với mục đích kiếm được lợi nhuận cao.

Nhìn suốt lịch sử phát triển của kinh tế loài người, trong các giai đoạn phát triển kinh tế đều tồn tại việc làm hàng giả, hiện nay ngay tại Mỹ, nước được coi là có nền pháp chế cao nhất xã hội phương tây, mà cũng vẫn tồn tại hiện tượng làm hàng giả(một ví dụ làm USD giả), nhưng trong lịch sủ từ xưa tới nay chưa có bất kỳ quốc gia hoặc đối tưọng nào như Trung Quốc, mà trình độ làm hàng giả cho dù là tính theo độ rộng, độ sâu, độ cao, đều ở vào giai đoạn chưa hề có. Nguyên nhân tạo thành cục diện đó vô cùng phức tạp, bao gồm các nguyên nhân như chính trị, kinh tế, văn hoá, lịch sử v.v. Dưói đây là một số phân tích:

Nguyên nhân kinh tế.

Để phân tích nguyên nhân này cần nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc từ ngày thành lập nuớc CHND Trung Hoa. Trong giai đoạn trước cải cách mở cửa(1949-1978) Trung Quốc thực hiện chính sách kinh tế kế hoạch. Trong tình hình đó, mọi sản xuất đều do quốc gia thống nhất kế hoạch điều chỉnh và khống chế, không có thị trưòng và cũng không có lưu thông hàng hoá. Chúng ta cần biết mục đích của sản xuất hàng giả là dùng thủ đoạn phi pháp để kiếm lợi nhuận cao, mà trong môi trường lúc đó lại không có trao đổi hàng hoá thì làm gì có việc kiếm được nhiều lợi nhuận.Thời ấy không có đất cho làm hàng giả. Từ cuối năm 1978 trở đi, Trung Quốc thi hành chính sách kinh tế thị trường, thực hiện trao đổi hàng hoá rộng rãi, và từ đó có thể rút ra mấy điều sau:

-Kinh tế hàng hoá tất nhiên tồn tại việc làm hàng giả, Trung Quốc không thể tránh được qui luật đó.

-Hàng giả tại Trung Quốc có những biểu hiện đặc biệt là, do nền kinh tế từ chỗ bị đóng cửa hết mức bỗng đột ngột chuyển sang quá trình mở cửa nên có sức công phá rất mạnh dễ gây ra hỗn loạn, làm hàng giả dễ dàng có được mảnh đất mầu mỡ để phát triển.

-Trong suốt quá trình cải cách câu nói : “bất kể mèo trắng hay mèo đen, hễ bắt được chuột là mèo tốt” tại một trình độ nào đó đã có sự dung túng nhất định cho kinh tế hàng giả phát triển. Vì vậy có thể nói hàng giả là một sản phậm phụ của chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc.

Nguyên nhân chính trị.

Nguyên nhân khiến việc làm hàng giả trở nên điên cuồng có liên quan chặt chẽ với chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc, nhưng cần thấy là nhận thức và sự hiểu biết của các cán bộ cũng như chính quyền địa phương đối với hàng giả có nhiều chỗ chưa thấu đáo và có sai lầm, do đó chưa có những xử lý thoả đáng, triệt để đối với hàng giả ngay từ đầu để dần dần tạo nên cục diện ngày nay. Cụ thể là:

-Nhận thức chưa đầy đủ về hàng giả, không ý thức được là làm hàng giả, tiêu thụ hàng giả là một hành vi phạm tội. Một số quan chức địa phương cho rằng chức năng của chính quyền chỉ là làm tốt kinh tế địa phương mình, không thấy làm hàng giả cũng là tội phạm rõ rệt như buôn lậu, buôn bán ma tuý mà có ngưòi còn cho rằng nó là một thủ đoạn làm sống động nền kinh tế địa phưong mình, chính vì vậy trong việc chống hàng giả họ “mở một mắt , nhắm một mắt” dung túng cho việc làm hàng giả phát triển.

-Do chế độ cán bộ, nên một số ngưòi chỉ muốn yên thân khi tại chức, nên khi xử lý hàng giả không muốn dùng biện pháp mạnh.

-Một số cán bộ trước sự cám dỗ của tiền bạc, sắc đẹp đã bị bọn làm hàng giả mua chuộc trở thành ô bảo vệ, là hậu đài cho bọn chúng. Cũng không loại trừ khả năng một số rất ít cán bộ cấp cao dính líu vào.

Nguyên nhân thị trường

Về chủ quan mà nói, chủ nghĩa địa phưong nghiêm trọng đã làm cho việc làm hàng giả phát triển mạnh.

Trung quốc là một nước mà chủ nghĩa địa phương do những nguyên nhân lịch sử và địa lý mà đã thâm căn cố đế. Chính quyền địa phương để bảo vệ lợi ích thị trường địa phương mình thưòng rộng rãi trong việc cấp giấy phép sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc công khai hay ngấm ngầm tiến hành khống chế hàng hoá đến từ nới khác, hình thành những lô cốt bảo vệ thị trường địa phương. Có nơi biết dùng ô tô do địa phưong mình sản xuất giá sẽ đắt gấp ba ô tô mua tại tỉnh khác trong nước mà không tốt bằng nhưng vẫn dùng ô tô địa phương với lý do để kích thích kinh tế địa phưong. Trong tình hình đó hàng hoá dù tốt hơn rẻ hơn vẫn không dễ tiêu thụ sang nơi khác.. Cho nên muốn giải quyết vấn đề làm hàng giả thì phải triệt để giải quyết chủ nghĩa địa phương rất nghiêm trọng ở Trung Quốc.Có một bài viết cho biết vì chủ nghĩa địa phưong rất nặng nề, nên muốn chống làm hàng giả ở cấp xã thì phải cấp huyện làm, chống hàng giả ở cấp huyện thì cấp tỉnh phải làm, chống hàng giả ở cấp tỉnh thì cấp trung ương phải làm chứ trong cùng một địa phương ngưòi ta không chống lẫn nhau.

Về khách quan mà nói, cơ chế giám sát kiểm tra thị trường không thông suốt khiến hàng giả dễ lưu thông vào thị trưòng. Đất nước Trung Quốc quá rộng lớn, có nhiều tỉnh thành rất lớn với số dân rất đông, giao thông từ nơi này sang nơi khác xa xôi, có nơi còn cách trở, một số nơi dân trí còn thấp, cuộc sống còn nghèo…, điều này làm cho quá trình quản lý lưu thông hàng hoá từ nơi sản xuất tới thị trường, tới tay ngưòi tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn và là nguyên nhân khiến hàng giả dễ bề hoạt động

Nguyên nhân luật pháp

Luật phát là vũ khí tốt nhất để đối phó với hàng giả, nhưng hiện nay tại Trung Quốc luật pháp chưa phát huy được hiệu quả của mình, mà nguyên nhân là bản thân các điều luật liên quan còn chưa đầy đủ chưa chặt chẽ. Ngoài ra khi xử lý còn thiên về nhẹ tay, phạt tiền hay phạt tù chưa đủ sức làm kẻ phạm tội run sợ

Nguyên nhân văn hoá.

Cần nói rằng văn hoá Nho gia truyền thống của Trung Quốc ở trình độ rất lớn đã giúp thêm sức cho làn gió làm hàng giả mạnh lên, đó là “nhẫn nhường là một mỹ đức”, “nhiều việc chẳng bằng ít việc”.Lấy một ví dụ cho tình trạng này, sau khi mua phải một bao thuôc lá rởm biết là hàng giả nhưng phần lớn người mua phải đều im lặng, tự cho mình xúi quẩy, sau đây không mua thuốc lá ở cửa hàng này nữa, vì ít tiền cãi nhau với ngưòi ta làm gì, thôi nhẫn, nhẫn đi. Ngoài ra triết lý “việc không liên quan tới mình, dính vào làm chi”, hoặc “ tránh lửa cháy vào mình là được”.

Chính quyền các cấp nhất là chính phủ trung ương Trung Quốc trong mấy năm gần đây đã đưa ra nhiều chủ trưong chính sách và tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ để chống nạn làm hàng giả đang lan tràn trong nuớc vì không chỉ nhiều nguời dân Trung Quốc đang phải chịu những tác hại nghiêm trọng do hàng giả gây ra(ví dụ gấy chết người) mà còn vì nhãn hiệu”made in China” nổi tiếng một thời nổi tiếng ở nuớc ngoài hiện đang mất uy tín tại nhiều nơi trên thế giới.

Thế nhưng làm được việc này không dễ.

Dương Danh Dy(gt)

Nguồn :dựa theo Blog alijiujiu, Trung Quốc Giao Thuỷ võng ngày 19/6/2010 và một số blog của Trung Quốc khác.