Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Trái tim nóng của người thẩm phán

Trái tim nóng của người thẩm phán
Quyết định một bản án tử hình là chuyện không hề đơn giản với thẩm phán này. Sau bao trăn trở, ông đã kiên định bảo vệ số phận của nhiều bị cáo, cho họ một con đường sống khi thấy họ vẫn còn lòng nhân, tính phục thiện…

Trong căn phòng nhỏ của người thẩm phán có một ngăn tủ chứa đầy những bức thư của một cô gái. Mỗi lần mở ra, ông đều cảm thấy ấm lòng. Những bức thư đó được gửi đến từ một trại giam tỉnh – nơi chủ nhân nó đang thụ án tù chung thân về hai tội giết người, cướp tài sản.

Những bức thư không cần hồi âm

Ngày đó, cô gái trẻ vừa bước qua tuổi 19, lang thang không nhà cửa, không gia đình. Cô sống trong trại mồ côi – nơi cô bị bỏ rơi trước cổng khi vừa mới chào đời. Lớn lên, cô phải rời trại, nhường chỗ cho những em nhỏ khác. Từ đó, cô bữa đói, bữa no với đủ trò tiểu xảo học ở nơi đầu đường xó chợ.

Một lần, cô ăn trộm, phải thụ án một năm. Vừa ra tù, cô cố gắng đi xin việc làm nhưng ai cũng sợ cái quá khứ của cô nên từ chối. Đói quá! Cô móc túi một phụ nữ lớn tuổi. Phát hiện mất tiền, nghi ngờ cô là thủ phạm, nạn nhân đi theo mắng nhiếc cô suốt một chặng đường dài. Nổi đóa với những lời chói tai, cô quay lại xô xát với người này. Sau một hồi giằng co, người phụ nữ gục ngã vì bị cô cầm đá đánh vào đầu. Qua cơn hoảng sợ, cô đã quyết định giấu xác nạn nhân xuống một con sông gần đó. Đồng thời, thấy trên cổ nạn nhân có sợi dây chuyền vàng, cô tháo ra cất vào trong túi.

Vài ngày sau, vụ án bị phát hiện, cô nhanh chóng bị bắt. Tòa sơ thẩm nhận định hành vi giết người của cô mang tính côn đồ, nhân thân của cô không tốt, không còn khả năng cải tạo nên tuyên mức án tử hình. Cô kháng cáo mong được khoan hồng.

Tại phiên phúc thẩm, ông ngồi ghế chủ tọa. Nhìn bị cáo nhỏ nhắn bơ vơ, lạc lõng, người thẩm phán chạnh lòng. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án quá rõ ràng, mức án tuyên có phần nghiêm khắc nhưng cũng không thể cho là nặng. Đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Lời nói cuối của bị cáo là mong được sống để còn được một lần nhìn thấy mẹ.

Ánh mắt van xin thiết tha cùng những giọt nước mắt kéo dài thành dòng trên khuôn mặt còn non trẻ đã đánh động thẩm phán. Ông không khỏi băn khoăn, day dứt. Tuyên y án tử hình là chuyện rất dễ. Thế nhưng bao năm nay, ông luôn tâm niệm đã làm nghề xét xử thì đừng để trái tim mình chai sạn, đừng để bản thân mình vô cảm trước những thân phận con người. Cô gái kia có thể do hoàn cảnh đẩy đưa mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng cô ta vẫn còn có lòng phục thiện. Nhất là khi con người khao khát tìm về với cội nguồn, đấng sinh thành, mong được nhìn thấy người mẹ đã bỏ rơi mình mà không lời oán trách thì chưa hẳn đã xấu hoàn toàn.

Ông hoãn phiên tòa với lý do cần xác định lại một số điểm trong nhân thân… Sau đó, ông đã đem nỗi lòng mình trải ra với các đồng nghiệp. Thật may mắn, họ đã hiểu được ông và đồng tình. Cuối cùng, hội đồng xét xử đã nhận định bị cáo phạm tội mang tính nhất thời, không phải dự mưu từ trước… nên giảm án xuống thành tù chung thân.

Cô gái trẻ thoát án tử hình, còn cơ hội được sống, còn cơ hội có thể được nhìn thấy mẹ. Tâm sự, ông nói: “Tôi tin quyết định giảm án đó là đúng, là nhân đạo bởi cô gái đó vẫn còn tình người”.

Bao năm qua, trong cuộc sống của ông đã có những niềm vui nho nhỏ khi nhận được thư cô gái kể về những gì đã phấn đấu cải tạo tốt trong trại giam. Bức thư nào cũng tràn đầy những nỗi niềm kèm với câu “Cháu biết chú rất bận. Cháu chỉ muốn kể chú nghe cháu đang sống tốt, chú không cần tốn thời gian hồi âm thư cho cháu”. Và cũng suốt thời gian qua, ít ai biết rằng ông vẫn để tâm tìm kiếm mẹ cho cô gái này. Việc làm của ông không phải xuất phát từ bất kỳ lời nhờ vả nào mà vì đáy lòng ông thôi thúc thế!

Trăn trở cảnh con không cha

Quay ngược thời gian, ông kể về vụ tử hình đầu tiên trong đời xét xử của mình. Khi tuyên bản án đó, giọng ông run và lạc hẳn đi. Án tuyên ngày đó là sự quyết định của một hội đồng có tới 4/5 người đồng tình xử phạt bị cáo N. mức án cao nhất. Phiếu duy nhất đề nghị án tù chung thân là của ông.

Ông bảo không phải ông do dự vì lần đầu quyết định mức án cao mà vì thấy bị cáo vẫn còn có khả năng phục thiện. Do đó, trong biên bản nghị án, ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình là mong cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt.

Trước đó, bị cáo N. và anh A. mâu thuẫn với nhau trong bàn nhậu. N. bỏ về nhưng vẫn còn bực tức nên đã lấy dao quay lại tìm anh A. Đến nơi, thấy anh A. đang nằm trên võng ngủ, N. đã đâm nhiều nhát vào nạn nhân.

Tranh luận tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định bị cáo giết người mang tính côn đồ, chém nạn nhân liên tục nhiều nhát, thể hiện sự phạm tội quyết liệt nên cần xử phạt với mức án nặng nhất.

Trước khi vào nghị án, vị thẩm phán bỗng thấy phân vân. Ông hé cánh cửa phòng nghị án nhìn bị cáo một lần nữa. Trước mắt ông là cảnh đứa con nhỏ của N. chạy đến ôm chặt chân cha khóc, van xin công an dẫn giải “Đừng giết cha cháu, trả cha cho cháu”… Hai cha con N. ôm nhau khóc nức nở. Trong hồ sơ vụ án thể hiện N. gà trống nuôi con từ khi vợ bỏ đi vì chê chồng nghèo. Không mẹ, giờ lại không cha, đứa bé rồi sẽ ra sao? Câu hỏi ấy cứ làm ông day dứt.

Cuối cùng, án tử hình vẫn tuyên vì phải theo sự quyết định của đa số. Ông dõi theo kết quả của phiên xử phúc thẩm. Ngày nhận tin cấp phúc thẩm y án sơ thẩm, ông đã rất buồn. Ông biết rằng chỉ với sự bảo lưu quan điểm của một mình ông trong biên bản nghị án sơ thẩm chưa thể thuyết phục được mọi người.

Những tháng ngày sau, ông vẫn kiên trì theo dõi số phận của N. Khi nhận được tin Chủ tịch nước đã ra quyết định tha tội chết cho N., lòng ông hân hoan những nỗi niềm khó tả. Ông biết rằng sự bảo lưu quan điểm của ông ngày đó đã được xem xét thấu đáo. Ông vui cho bị cáo, vui cho cha con họ còn có ngày gặp lại nhau…

HOÀNG YẾN (PL.tpHCM)

BÓNG MA “BAO CẤP” ĐANG RÌNH RẬP TRỞ VỀ

Tô Hải

Một tuần sau khi tớ tung lên mạng “Phấn đấu kí số 27”, đã có khá nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ (từ 50 tuổi trở xuống), comment, gửi message và gọi điện hỏi thăm tớ về những hiện tượng bao cấp mà tớ mới lướt qua vài dòng. Tớ mới chợt nghĩ ra: Ừ nhỉ, làm gì mà lớp trẻ, nhất là lớp trẻ ở miền Nam,kể cả các bác già đã xa xứ gần nửa thế kỷ hình dung ra nổi cái bộ mặt gớm ghiếc chưa từng có trong lịch sử loài người mang cái tên “Bao cấp” nó ra sao.? Vậy thì tớ xin giành riêng entry này để “tố khổ” về cái thời kinh khủng chưa xa xôi lắm ấy.:

Có lẽ ,không thể nào định nghĩa 2 chữ “bao cấp” này theo kiểu từ điển mà đầy đủ cả nội dung lẫn hình thức. Nếu chỉ hiểu chữ “bao” theo ý nghĩa của “bao bọc”, “bao ăn”, “bờ bao”, “phong bao”, “bao bì”, “bao thư”, hoặc hiểu chữ cấp như “cung cấp”, “trợ cấp”, “bằng cấp” thì khó mà hình dung ra được một cái tổ chức xã hội phản khoa học, đi ngược lại mọi quy luật phát triển của con người nói riêng và của cả cộng đồng hàng triệu con người nói chung !Thôi thì tớ xin kể lại câu chuyện “được” bao cấp của cuộc đời tớ để các bạn hình dung ra nỗi khổ nhục của hàng triệu sinh linh phải nhắm mắt ôm chặt cái “nỗi nhục bao cấp” này vào lòng gần nửa thế kỉ mà không dám công khai lên án nó lấy nửa lời:

- Bỏ qua những năm làm anh Vệ quốc quân, cơm nuôi 2 bữa, áo quần 2 bộ, 5 đồng phụ cấp mỗi tháng, làm thân đi ở lính mà là lính cách mạng của một nước nghèo nàn, đói khổ, “rên xiết lầm than”. Bỏ qua cái chế độ bao cấp của quân đội mà những anh lính “tạch tạch xè” chúng tớ khi nhìn thấy cảnh những đồng đội nông dân đói khổ đang nhờ vào những gì mà quân đội cấp phát cho mà thoát khỏi chết, anh nào anh nấy đều mủi lòng và cảm thấy cách mạng mang lại cơm no, áo ấm cho con người quả là điều kì diệu. Tất cả đều quên hết mọi quyền lợi cá nhân để đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc. Đảng và nhà nước cấp cho cái gì thì nhận cái đó, chẳng có đòi hỏi, thắc mắc , ý kiến ,ý cỏ gì

- Cho đến ngày “thắng trận Điện Biên trở về” những thành phố Hà Nội, Hải Phòng…. Thì những người lãnh đạo , một tay đang xoá bỏ tư hữu ở nông thôn chưa xong ,đã một tay lập tức lao vào xoá bỏ mọi sự tư hữu ở thành phố . Cụ thể là: Tất cả mọi nhà máy, cửa hiệu, nhà cửa thậm chí đến quán phở, quầy Kem bờ hồ cũng dần dần bị quốc hữu hoá hết. Do được chiếu cố là văn nghệ sĩ-đảng viên cho nên chỉ cần một mảnh giấy có chữ kí của ông bí thư quận Hoàn Kiếm Nguyễn Minh Sơn là a-lê hấp ,tớ được bao cấp ngay cái cửa hàng Bazar “Bình Minh”ngay mặt tiền 26B phố Huế.! Chẳng biết chủ nhân của cái nhà đó là ai. Có chủ nhà phải nhận ở chung cùng 20 cán bộ tập kết ở miền Nam ra vì…. nhà quá rộng. Tất cả hoạt động buôn bán đều bị cấm tiệt. Tất cả các xưởng máy đều được cải tạo thành nhà máy quốc doanh. Các trường học, bệnh viện, rạp chiếu bóng, mọi nơi vui chơi giải trí đều trở thành những cơ sở quốc doanh với những cái tên đôi khi nghe rất ngớ ngẩn như: Công Ty Mai Táng quốc doanh, công ty Đồ Gỗ quốc doanh, Công Ty Điện Máy quốc doanh, Công ty ăn uống quốc doanh, Công ty chiếu bóng quốc doanh,… Mọi nhân sự đều trở thành cán bộ, nhân viên ăn lương tháng của Nhà Nước. Nhiều ông chủ , sau khi học tập kiểm điểm “tiến bộ” hoặc “tự giác” hiến nhà máy, xưởng thợ cho nhà nước cũng đôi khi trở thành những quản đốc, công nhân, nếu có tay nghề. Lương bổng, hàng hoá làm ra đều do nhà nước trả công theo tiêu chuẩn đã quy định: Bất kể xấu tốt, lỗ, lãi!

- Để được chứng nhận là một công dân được nhà nước “bao cấp” thì: Trước hết, anh phải có một sổ hộ khẩu.
- Sau khi có hộ khẩu ghi rõ số (miệng ăn)nhân khẩu thì:

1.
- Anh sẽ được cấp một cuốn sổ lương thực vì nó cho phép anh mỗi tháng được cung cấp 13 cân gạo /tháng /người lớn, 7 cân gạo/tháng/trẻ con ( nếu thiếu gạo thì… bột mì hoặc khoai, sắn thay thế.)

- Một tập tem phiếu đánh số ,ghi ô A,B,C…..từng tháng gọi là phiếu thực phẩm. Khi có thông báo hôm nay, ô số 6 bán đậu phụ thì tất cả thành phố hôm đó nhà nào cũng ăn đậu phụ. Người mua thì xếp hàng rồng rắn, người bán bao giờ cũng vừa lo trao hàng, kiểm tiền, vừa lo cắt sao cho đừng nhầm ô này sang ô khác rồi dán ngay trên một miếng bìa kẻo nó bay mất tối về không đủ “chứng từ thanh toán”với cửa hàng trưởng! (vì mỗi ô chỉ nhỏ bằng nửa con tem)

- Anh lấy vợ ư? Xin mời đi đăng ký kết hôn. Tiếp theo, mang tờ đăng ký kết hôn đến cửa hàng đồ gỗ nhà nước. Anh sẽ được mua một cái giường rẻ quạt 1m8x1m2. Sau đó,mời đến “Bách hoá tổng hợp”, cửa hàng trưởng sẽ duyệt cho anh một chiếc màn đôi, một vài gói chè Hồng Đào hay Thanh Hương gì đó,, một vài lạng kẹo bánh để anh liên hoan ngày “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”!

- Khi vợ anh sinh con thì có bao cấp cả tã lót và sữa Liên Sô nếu có chứng nhận vợ anh mất sữa. Khi anh chết hoặc cha mẹ anh chết, đều có cán bộ nhà nước lo cho anh từ cái quan tài,5 thước khăn xô để tang. cũng như 2 mét rưỡi chỗ nằm tạm vì sau 3 năm anh phải… di dời đi Bất Bạt để nhường chỗ cho người chết khác.

Nói tóm lại, trong chế độ bao cấp, nhà nước lo cho dân từ lúc mở mắt chào đời đến khi vĩnh biệt đất mẹ ra đi. Tỉ mỉ từng li từng tí chẳng bỏ xót 1 chi tiết nào. Thật là dân chủ công bằng, ai cũng như ai đến nỗi có chuyện tiếu lâm: Có một anh công nhân , đêm đi làm về, mất điện, đẩy cửa leo lên giường ngủ ,đánh một giấc thẳng cẳng đến sáng hôm sau. Té ra người đang gác chân lên anh ngủ ngáy gỗ khò khò lại là bà vợ ông hàng xóm vì từ cái nhà, cái giường bài trí kiến trúc y hệt nhau!

Tuy vậy, chính cái chế độ bao cấp đó nó lại đẻ ra mọi sự phi lí ,bất công mới mà kinh tế chỉ huy của nhà nước không sao lường trước được. Đó là: Một nền sản xuất tụt lùi ghê gớm cả về chất lượng cũng như về số lượng. Nguyên nhân cơ bản nhất chính là vì chẳng còn ai làm chủ ruộng đồng, xưởng máy. Chẳng còn ai lo tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm vì lúa về thì vào kho hợp tác xã, người nông dân ăn công chấm điểm, người công nhân cứ theo lương bậc mà lĩnh hàng tháng, thiếu nguyên vật liệu ,mất điện càng được nghỉ khoẻ , chẳng lo bị trừ lương.

- Các bộ máy phân phối 0 đ 40 xu một kí gạo, 2 đồng 50 xu một mét vải, cứ thế mà bán. Nhà nước đã tính toán thiệt hơn. Chẳng việc gì phải lo…. Tuy nhiên, chính cái sự bao cấp này đã bắt đầu mở đường cho những sự suy thoái khủng khiếp về đạo đức con người:

- Để khỏi cào bằng mọi sự hưởng thụ, người ta bắt buộc phải chia ra từng tầng lớp hưởng thụ riêng biệt. Sổ mua hàng, tem phiếu cũng phải chia ra làm 3,7 hạng 3,4 mầu ! Có sổ dành cho dân Bờ Hồ, sổ dành cho dân Tôn(Tông) Đản, sổ dành cho dân Nhà Thờ (những địa chỉ có các cửa hàng dành riêng, ưu tiên) và….. một nền kinh tế chui, thịt chui, vải chui, phở chui, một chợ kinh doanh tem phiếu chui hình thành khắp mọi nơi. Vợ một ông giáo sư, con một ông bộ trưởng mang bán những hàng được ưu tiên mua sắm ở bờ Hồ , ở Tôn Đản tại những phố hàng Buồm, hàng Gai cho dân con phe (affaire) là cảnh náo nhiệt diễn ra hàng ngày.

- Sự phân biệt bao cấp này gây nên những phản ứng, kèn cựa, ghen tị, so sánh làm sự hô hào đoàn kết càng ngày càng mất đoàn kết thêm!, Chẳng thế mà có câu: “Tôn Đản là chợ vua quan,”/ “Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần”/, “Bờ Hồ là chợ thương nhân”,/ “Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng”!

Cái tình hình bao cấp ,kinh tế nhà nước chỉ huy này cũng đã được áp dụng sau khi chiếm gọn Miền Nam. Cũng may mà chỉ mới có sổ gạo chứ chưa kịp in tem phiếu thì xẩy ra cuộc cấm vận để toàn dân mới được “giải phóng” mới chỉ nếm qua mùi bao cấp ….bo bo! Dân tình cực khổ,xã hội rệu rão đã làm cho những người muốn bao cấp cả nước phải trắng mắt ra mà xoá bỏ ngăn sông cấm chợ và đổi mới… y như cũ!

Một nền kinh tế tự do không cần ai chỉ huy từ miền Bắc đến miền Nam đã mang lại cho toàn dân Việt Nam không cần phải mỗi sáng trước khi đi làm, đặt một cục gạch xí chỗ bản thân mình đến phiên được mua 3 bìa đậu phụ

Vậy là, chẳng cần có một văn bản , nghị quyết nào, chế độ bao cấp bị lẳng lặng vứt vào sọt rác. Tính toán muốn biến cả triệu con người được ăn, được mặc, được sống chết ra sao, kế hoạch muốn biến mỗi cá nhân thành một hòn bi, con ốc, con vít, chiếc bánh xe răng, nhỏ, to của một bộ máy khổng lồ, một trại lính toàn quốc do một nhóm người độc chiếm vận hành đã hoàn toàn sụp đổ !.

Riêng chuyện chấp nhận kinh tế thị trường nhưng lại có cái đuôi xã hội chủ nghĩa, nó đã đẻ ra biết bao nhiêu hệ luỵ. Bao nhiêu tệ nạn xã hội, bất công bởi sự điều khiển của một bộ máy không chính danh là tư bản hay xã hội chủ nghĩa này ,đã làm nảy sinh ra đủ thứ bệnh ung thư di căn đến mọi mặt đời sống ,tham nhũng ,tội ác …ra sao thì các bạn đã đọc và biết quá nhiều, tớ xin miễn nhắc lại. Ấy vậy mà:

BÓNG MA BAO CẤP ĐANG RẬP RÌNH TRỞ LẠI.

Lần này, trước tình hình “làm loạn” của quá nhiều những tập đoàn kinh tế, những ngân hàng nhà nước, những ông vua con ở các địa phương đang xâu xé, chia chác đất đai, tài nguyên, đã biến những “tài sản toàn dân” thành tài sản tư nhân một cách trắng trợn, ông nhà nước chẳng biết vô tình hay hữu ý lại đang cho “thằng bao cấp” tái xuất hiện chỗ này, chỗ khác. Nhà nước bắt buộc lại phải giở đòn phép kinh tế chỉ huy để duy trì sự tồn tại của các nhóm lợi ích bằng những chỉ thị ,công văn ,quyết định ,thông tư, quy định… mà chỉ đọc những con số đánh dấu văn bản đó cũng đã đủ điên cái đầu. Việc cứu “Vinashin mẹ” bằng cách đổ tiền cho những “Vinashin con” khi được tái cơ cấu chỉ là một hành động được công khai tuyên bố và được bộ máy truyền thông ra sức đêm ngày quảng cáo ầm ĩ:“Vinashin sắp có lãi”, “Vinashin sắp trả được nợ”, “chưa ai đòi nợ Vinashin!” …..Liệu còn có bao nhiêu tập đoàn đã báo cáo láo như Vinashin mà nhà nước chưa biết sẽ bị phanh phui,? Liệu còn bao nhiêu những tập đoàn kinh tế “quốc doanh là chủ lực”, những “quả đấm thép” của chủ nghĩa xã hội sẽ cần phải đổ tiền của ngân quỹ ra để tồn tại?…Chỉ cần nhìn những con số mà các báo chí nêu ra khi các dự án kéo dài như Dung Quất,các PMU,những khối tiền khổng lồ đổ thêm do…đội giá là những ai dù dốt về kinh tế đến mấy cũng ngửi thấy vì sao mà đồng tiền nó cứ bị coi như muối đổ xuống biển!

Riêng các ngân hàng,thị trường chứng khoán,thị trường địa ốc….có tháng nhà nước can thiệp trực tiếp bằng những quy định thay đổi nhanh như chong chóng mà kẻ được lợi không ai khác chính là những người nắm trước được những quy định này. Từ 12,13,14% lãi suất đến tận 20% lãi suất ngân hàng mà được tự do “du di thả nổi” kéo theo 1 phong trào mạnh ai nấy làm để kiếm chác giữa những “kẽ hở phần trăm” mà báo chí đã phải quay phim lén, phỏng vấn lén những nhân viên ngân hàng về việc làm “xé rào”mà không bị luật pháp trừng phạt là đủ thấy kinh tế nhà nước đang được bao cấp trong mọi hành động để tồn tại và phát triển ra sao?. Không phải là chuyện “hai giá” mà báo Tuổi trẻ báo động trong một bài xã luận có đóng khung đâu! Khắp nơi đang là “loạn giá”,là 3,4 giá, giá dỏm, giá ảo để lừa nhau như vụ 1 loạt các tổng giám đốc mới bị bắt vừa qua do lũng đoạn thị trường chứng khoán!. Những người trực tiếp sản xuất ra các mặt hàng trợ giá thì chẳng được hưởng lợi lộc gì. Chỉ mấy anh được nhà nước bao cấp để mua hàng dự trữ ,ngồi máy lạnh,chờ ngày tung hàng ra hay xuất cảng đi là ngày càng béo phì vì chỉ cần giữ lại trong kho chậm một ngày để rồi xuất kho bán ra sản phẩm hết thời hạn trợ giá (hàng Tết chẳng hạn) thì tiền tỉ đã chui vào túi các ông bà chủ tịch, hội đồng, tổng giám đốc nào đó đễ ợt!

Tình trạng bao cấp cho nền kinh tế nhà nước này, chỉ có cái khác với hệ thống bao cấp thời xưa ở chỗ :

- Dùng tiền của nhân dân để cứu một nhóm lợi ích mà nhân dân chẳng có xơ múi gì.

- Dùng tiền của nhân dân để giúp các nhóm lợi ích mua hàng và bán cho nhân dân tuỳ tiện,thậm chí bán cho dân thì nhỏ giọt, còn bán cho con buôn hoặc tuồn ra các chợ tư nhân, đầu mối thì lại tuỳ theo những phần trăm được hưởng lợi của những kẻ “tích trữ đầu cơ được phép”.

- Khác với khi xưa, hàng đổ về các cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước thì nay đổ về các Coopmart, Siêu thị… nên lợi ích chẳng có đến tay người tiêu dùng,cũng như mọi dự án “ nhà đất cho người thu nhập thấp” chỉ là một trò bịp!

- Các doanh nghiệp tư nhân muốn vay vốn làm ăn thì không chịu nổi lãi suất từ 20% trở lên đành chịu bó tay. Có vị còn tuyên bố thẳng thừng trên tivi: “lãi suất tăng cao như thế này còn đồng nào chúng tôi bỏ vào ngân hàng lấy lãi còn hơn là tham gia sản xuất.”!

- Mỗi đợt tăng giảm, giá vàng, giá ngoại tệ. Những kẻ nắm trước chủ trương ,ngày,giờ chỉ việc thông báo cho nhau bán ra, mua vào hoặc ách lại hoặc tạo ra những cơn sốt ảo trở thành những tỉ tỉ phú trong 1 đêm thời gian vừa qua là nhiều…vô kể!.

- Vừa xin người ta “công nhận mình là kinh tế thị trường” (mới đây với Đoàn Luxembourge)vừa bao cấp cái nền kinh tế nhà nước bênh hoạn đáng xoá bỏ, nên bị lên án là trái luật với điều lệ của WTO ,phá giá đồng bạc gây khó khăn cho những nhà đầu tư nước ngoài là những điều cảnh cáo trực tiếp và gần đây nhất . Liệu báo chí và các vị lãnh đạo có khả năng đánh chữ lờ mãi được không?

Tóm lại, nhà nước điều khiển kinh tế thị trường bằng cách bao cấp nền kinh tế của riêng mình chỉ làm cho đồng tiền ngày càng mất giá vì nó được những kẻ “thắng đậm” tung ra thị trường như rác như rơm.

Tớ có một ông bạn cựu chiến binh đã 81 tuổi , lĩnh đồng lương còm cõi chưa được 3 triệu đồng đến chơi, bàn chuyện kinh tế thời cuộc xong bỗng thở dài phát biểu:Thà quay mẹ nó về cái thời bao cấp ngày xưa còn hơn cái nền kinh thế thị trường này Rừng rú !Dã man !Vô cảm !”

Tớ vội vàng chặn ngay :”Thôi! Thôi bác ơi!Ít nhất hôm nay tôi với bác còn được ngồi đây phê phán cái quái thai “Kinh tế thị Trường định hướng XHCN này ,được biết nhiều bạn bè,đồng chí cũ của ta cũng lớn tiếng lên án nó,người dân lên án nó, thế giới lên án nó!” Còn như thời ông Duẫn , ông Thọ, ông Mười, cứ thử có ý kiến khác xem! Tiêu đời ,mất xác là cái chắc!.

http://ngoclinhvugia.wordpress.com/

Philippines không tham dự lễ trao giải Nobel do lo ngại án tử hình công dân Philippines của Trung Quốc

Philippines vì quyền lợi công dân của họ, lo bị Trung Quốc trả đũa, tử hình công dân Phi, nên đã không đến dự lễ trao giải Nobel. Sự kiện này cho thấy Philippines đánh giá thấp Trung Quốc như một nước sẵn sàng giở trò bẩn, bất chấp công lý. Việt Nam cũng không đến Na Uy tham dự, vì một lý do khác: lo ngại tình hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt bị tổn thương! Về chủ quan, hành động của Việt Nam hẳn không phải để gửi tới Trung Quốc một thông điệp có hàm ý như của Philippines. Nhưng Trung Quốc có lẽ hài lòng: mặc cho các anh đánh giá tôi thế nào, càng có nhiều nước không dự lễ trao giải Nobel thì càng tốt. Mèo trắng hay mèo đen thì hề gì, miễn bắt được chuột!



MANILA, Philippines (AP) – Tổng thống Benigno Aquino III nói rằng, Philippines đã không gửi đại diện đến dự lễ trao giải Nobel hòa bình, tôn vinh nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị bỏ tù là vì những nỗ lực của ông để dành cho các bản án tử hình những người Philippines ở Trung Quốc.

Ông Aquino cho biết trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên báo Philippines Inquirer hôm Chủ Nhật rằng, đặc sứ của ông vắng mặt tại buổi lễ ở Na Uy hôm thứ Sáu, không có nghĩa là chính phủ của ông không tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.

"Mối quan tâm của chúng tôi là thúc đẩy cho nhu cầu của công dân chúng tôi trước tiên", ông nói với tờ báo này trong lần phát biểu đầu tiên kể từ khi các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích quyết định của Philippines tẩy chay buổi lễ hôm thứ Sáu với Trung Quốc và 16 nước khác.

Trung Quốc đã bị sỉ nhục tại giải thưởng dành cho người ủng hộ dân chủ, ông Lưu Hiểu Ba, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã biến ông thành quỷ dữ và mô tả giải Nobel như một công cụ tuyên truyền của Tây phương nhằm làm suy yếu Trung Quốc. Họ cũng tìm cách thuyết phục và gây áp lực với các nước khác để không tham dự buổi lễ, và hầu như tất cả các nước tẩy chay [buổi lễ] là các nước đồng minh Trung Quốc và các đối tác kinh doanh.

Đại sứ Trung Quốc, ông Lưu Kiến Siêu cho biết, chính phủ của ông đã không gây áp lực hay ảnh hưởng đến Philippines.

Ngoại trưởng Philippines, ông Alberto Romulo cũng nói rằng, sự thay đổi của Manila không nên được hiểu là "đứng về phía Trung Quốc".

Ông nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng, chính phủ của ông vẫn "rõ ràng và nhất quán về tranh đấu cho quyền con người", trích dẫn chiến dịch của mình tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á về việc đòi phóng thích khôi nguyên giải Nobel hòa bình, bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ của Myanmar. Chính quyền quân phiệt đã phóng thích bà hồi tháng trước, sau một thời gian dài giam giữ.

Ông Aquino cho biết, ông đã gửi một lá thư cho chính phủ Trung Quốc, tìm sự khoan hồng cho năm người Philippines bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy.

Bộ Ngoại giao [Philippines] nói rằng, các án tử hình đã được tòa án cao nhất của Trung Quốc xem xét. Nếu được khoan hồng, các án tử hình có thể được giảm xuống thành tù chung thân.

Philippines không có án tử hình, trong khi Trung Quốc xử tử các tù nhân nhiều hơn bất kỳ nước nào khác và áp dụng hình phạt tử hình cho một loạt các tội phạm.

Ông Aquino cũng cho biết, Philippines đang tìm kiếm một "kết cục" với Trung Quốc qua vụ giết tám du khách Hong Kong trong một cuộc khủng hoảng con tin hồi 23 tháng 8 tại Manila. Phản ứng của cảnh sát trong vụ bắt giữ con tin đã bị dư luận chỉ trích là không thích hợp, và nó làm hỏng mối quan hệ ngoại giao của hai quốc gia.

Ông Aquino nói, Phó Tổng thống Jejomar Binay dự kiến sẽ gặp các quan chức Trung Quốc trong tuần tới để thảo luận về các kết quả điều tra đối với những cái chết của con tin.

Trung Quốc đã đầu tư vào nền kinh tế Philippines, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng hai nước cũng đang đối mặt với tranh chấp nóng bỏng về các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), nơi mà Hoa Kỳ đang thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình.

Ngọc Thu dịch từ Cbsnews

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Thực trạng Vinashin: những quả bom chưa nổ…

Trần Thành Nam – Kỹ sư đóng tàu.

Hiện nay Vinashin đã qua tái cơ cấu đợt 1 rồi đợt 2; Chính phủ và ban lãnh đạo mới đưa ra nhiều chiến lược mới được cho là hứa hẹn tương lai sáng sủa: sau vài ba năm nữa sẽ trả hết nợ và phát triển. Thế nhưng hiện nay thì tất cả vẫn bùng nhùng, không biết thưc chất Vinashin nợ bao nhiêu, trị giá tài sản còn lại thực chất là bao nhiêu, các bước trả nợ như thế nào, khất nợ, hoãn nợ có được không? V.v. và v.v.

Sở dĩ có tình trạng trên là do tất cả những con số về Vinashin bấy nay như doanh số, tài sản, lãi, lỗ, đơn hàng, hợp đồng đã ký… đều là hư ảo, mà Chính phủ và Ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận là do Vinashin báo cáo không trung thực. Điều lạ là đến nay các con số không trung thực đó vẫn được dùng lại trong các báo cáo rồi kế hoạch cải tổ của Chính phủ và ban lãnh đạo mới của Tâp đoàn Vinashin…

Tôi chỉ xin đơn cử câu chuyện thực về một con người và những con số về tài sản, tức giá trị đã đầu tư trong một tổng công ty của Vinashin ở Hải Phòng như sau:

Anh bạn chí thân của tôi, một chuyên gia cơ khí giỏi với gần 30 năm trong ngành, nguyên Phó Giám đốc Kỹ thuật một công ty con của một tổng công ty to trong tập đoàn Vinashin, từ giữa năm 2008 được rút về Tổng công ty làm quản lý kỹ thuật cho một dự án đầu tư lớn nhưng chưa xong, tâm sự:

“Sáu tháng nay công ty mình không trả lương, những người biết làm việc và có trình độ trong ban Kỹ thuật của mình đã lần lượt bỏ công ty đi hết rồi, chỉ còn chủ yếu là những người không ai ở ngoài muốn thuê thì ở lại, nhưng cũng không có việc làm vì đầu tư đã xong đâu. Thế là Tổng công ty quyết định giải tán công ty, hàng trăm con người tự nhiên “ra đường” sau sáu tháng không lương, chỉ giữ lại ban quản lý dự án đầu tư, vẫn làm việc không lương. Nhưng lương bổng không phải vấn đề làm mình đau đầu nhất.”

Bạn tôi là dân kỹ thuật, thật như đếm, không biết kinh doanh chút nào, nên đi đâu cũng phụ trách kỹ thuật thôi…

“Đáng sợ nhất là dự án đầu tư dở dang mình đang phải nhận, cảm giác chẳng khác nào đang ôm vào một quả bom chưa nổ! Đời thuở nhà nào mà có chuyện người ta giao cho mình công trình trị giá trên sổ sách những hơn nghìn tỷ gồm nhà xưởng trống trơ, máy móc ngổn ngang hoen rỉ, bến bãi lôm nhôm cỏ nước… tất cả đang thực hiện dở dang nhưng không có chứng từ, tài liệu, số sách, hợp đồng… gì hết. Tất cả những công ty, con người đã làm việc này vốn là các công ty sân sau, thân hữu… của Tổng công ty đều đã biến mất, không dấu vết!”

Anh bạn tôi, kỹ sư chế tạo máy tốt nghiệp xuất sắc K21 Bách Khoa Hà Nội được xung thẳng vào pháo binh, vào Đảng và trở thành chiến sĩ thi đua toàn quân sau 3 năm phục vụ quân đội, trung úy đại đội trưởng pháo binh lục quân trước khi về ngành đóng tàu, mà lại tin người ta có phép thần thông như của Tôn Ngộ Không (!), nói tiếp:

“Bàn giao diễn ra thế này: Họ dẫn ra hiện trường và khoát tay: đấy mấy nhà xưởng kia đã chi hơn 300 tỷ, các máy móc, cần cẩu kia hơn 200 tỷ, còn bãi cát kia mấy chục hecta đã san lấp mất gần 200 tỷ, con lại các thứ lặt vặt như văn phòng tường rào và thiết bị văn phòng, chi phí quản lý ba năm qua là gần 200 tỷ nữa, còn thiếu 500 tỷ là công trình hoàn thành để khai thác, nhưng… đề nghị anh ký nhận trong biên bản bàn giao này!”. Rồi:

“Mình gần 30 chục năm trong nghề, nhìn đống sắt rỉ với mớ chữ Tàu tớ biết là đồ dổm rồi, không biết có dùng được không mà bảo tớ ký nhận không có sổ sách, hồ sơ kỹ thuật, hợp đồng, nhà cung cấp, nhà chế tạo, chứng chỉ… với giá trị hàng trăm tỷ (!) thì có chết tớ cũng không ký! Tớ cứ băn khoăn không biết đống sắt đó có đáng giá chục tỷ không? Hay là hai chục tỷ? Nhưng làm sao thành trên hai trăm được nhỉ?! Toàn bộ dự án đầu tư này chắc chỉ đáng khoảng hai hay ba trăm tỷ thôi và nếu thế thì tớ sẽ làm nó thành có lãi được. Còn trên một nghìn tỷ thì chịu.”

Hai tuần sau đó, bạn tôi được nhân viên phát hiện bất tỉnh nhân sự trong văn phòng, được đưa đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ kết luận: sức khỏe tốt, làm việc căng thẳng quá. Một tháng sau bạn tôi lại được gia đình đưa đi cấp cứu trên Hà Nội vì bất tỉnh buổi tối ở nhà, phải nằm viện 2 tuần. Bác sĩ kết luận: không tìm ra nguyên nhân, phải nghỉ ngơi lâu dài, không được làm việc căng thẳng. Tôi vừa ở TP HCM bay ra, câu đầu tiên là thì thào vào tai bạn trước mặt gia đình vợ con nó: “Cậu ký biên bản nhận công trình trên nghìn tỷ chưa? Tốt!” Tôi ôm nhẹ cái đầu đang lắc lắc của bạn. Ôi, người hùng Vinashin của tôi!

Sau đó, hàng loạt các cuộc họp nội bộ gia đình và bạn bè đã chớp nhoáng hay chậm chạp diễn ra về đề tài sức khỏe của bạn tôi. Tất cả đều kết luận như bác sĩ: bạn tôi phải nghỉ làm việc vô thời hạn vì lý do sức khỏe, tất nhiên là không lương bổng hay trợ cấp gì hết.

Thôi, vẫn còn may chán. Nếu không thì cứ đi làm không lương mà ôm quả bom nổ chậm (hay bom xịt ngòi?) kích thước khoảng 700-800 tỷ đồng mang nhãn hiệu Vinashin ấy hay sao!

Thế mới biết sức khỏe của một công ty như Vinashin có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ nhân viên của nó thế nào. Bạn tôi chỉ là cán bộ quèn trong Tập đoàn Vinashin thôi mà suýt ôm phải một quả bom nổ chậm như thế! Không biết cái bọn cài bom, đặt bom, cài mìn nổ chậm nó biến đâu tài thế?!

Và có bao nhiêu quả bom to nhỏ như thế được cài lại trong tài sản của Vinashin hiện nay nhỉ? 100 quả ư? 1000 quả ư? Ôi, nghĩ mà kinh! Chả lẽ hàng trăm hàng nghìn cán bộ giỏi và trung thực như bạn tôi trong Vinashin phải vào viện hết ư? Và nếu họ, những chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất Vinashin vào viện hết thì lấy ai làm việc cứu Vinashin nhỉ?

Xin bật mí thông tin nữa về bạn tôi: từng là Giám đốc Kỹ thuật của công trình đóng tàu lớn nhất của Vinashin và của ngành đóng tàu Việt Nam cho đến nay, trị giá trên ba nghìn tỷ, làm việc trực tiếp dưới sự điều hành của Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin.

T. T. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN