Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Khi các bác vô thần làm công tác tôn giáo

Posted by truongthondlb1


Dân Làm Báo – Điều đầu tiên là các bác ta hân hoan “đánh giá cao công tác đã đi đúng đường hướng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội“. Mới nghe các bác hân hoan mở màn có một câu thôi là đã thấy lòng rối như canh hẹ!

Chuyện tôn giáo mà đi đúng đường theo con đường của các bác, những kẻ lúc nào cũng hăm he tín ngưỡng là thuốc phiện thì quả là con đường chết còn sướng hơn. Cũng chẳng hiểu được mấy bác công tác này làm cái gì để góp phần phát triển kinh tế. A nhớ rồi, biết rồi! Các bác đã góp phần bằng cách “giải phóng mặt bằng”, nghĩa trang nghĩa địa gì cào ráo, giáo dân nào phản đối ta bắt tuốt và cho đột tử tại đồn, đám táng đám ma rình rang là ta bỏ tù một lũ. À há, nó đó! chính sách đầy khoan hồng và bao dung của đảng!. Còn mỗi lần nghe các bác nói đến chuyện ổn định xã hội là cứ đâu đây vọng về tiếng còng loang xoang và hình ảnh đám côn đồ quần chúng tự phát có thẻ công an trong túi. Không tin cứ hỏi giáo dân Cồn Dầu, Thái Bình, Đồng Chiêm là biết liền. Họ rành sáu câu chính sách tôn giáo của đảng đến độ bầm dập.

Cái bác đăng đàn báo cáo công tác này là đồng chí phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người được bình bầu vào top-ten những câu nói ấn tượng “Đừng hỏi Bộ trưởng vì sao trường học thiếu nhà vệ sinh“, và là người vừa mới hoàn tất nhiệm vụ phá nát nền giáo dục đã nát cho nát thêm. Bây giờ đồng chí í thò tay phá tiếp lãnh vực tín ngưỡng cũng đã và đang ngắt ngoải sau mấy chục năm mến Chúa yêu Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.

Trong việc báo cáo đồng chí ta cũng theo bài bản kinh niên của những kẻ không làm nên tích sự là vừa mới đánh giá cao xong bèn ngay lập tức bước sang phần… tuy nhiên:

“Tuy nhiên, Phó chủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo; cũng như hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo chưa hoàn thiện, chế độ chính sách bồi dưỡng cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác này còn hạn chế. ” .

Chung chung thì cũng cái màn cái thằng cơ chế, trên bảo dưới không nghe, đổ thừa đổ lỗi, văn bản pháp luật là luật rừng. Điều chú ý là cái màn bồi dưỡng còn hạn chế! Tức là sao vậy ta? Bộ cũng theo kiểu còn đảng còn tiền, còn ra sức đàn áp sư sãi, phật tử, linh mục, giáo dân là sẽ có thêm bồi dưỡng?!

Cái vụ “bồi dưỡng” còn được khai triển thêm rằng “việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được mở rộng“. Từ lúc nào đảng ta đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành vậy cà? Đào tạo cái gì ? kinh kệ A Di Đà Phật hay kinh điển Mác Lê Tôn Giáo Là Thuốc Phiện? Bồi dưỡng cái gì ? Đồ ăn chay trường hay thịt chó và gái gung cho các công an trọc đầu hoặc mật vụ áo đen đeo thánh giá?

Đồng chí chuyên nghề phá lại còn hăm he:

“động viên đồng bào có đạo tham gia tốt các hoạt động đời sống xã hội, không nghe xúi giục làm những điều bất lợi cho địa phương, cho chính bản thân mình…. “;

“cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục…”,

“phối hợp công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo và đấu tranh nhân quyền. Toàn ngành chủ động nắm tình hình, động viên chức sắc, nhân sĩ các tôn giáo đấu tranh với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, âm mưu tạo dựng lực lượng đối lập trong các tôn giáo, gây chia rẽ trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Ngành tiếp tục củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp“

Tới đây thì hết dám bàn ra, viết tiếp. Lỡ đồng chí phó thủ tướng ta nổi sùng bốc điện thoại ra lệnh quần chúng vừa mới được gia tăng đào tạo và bồi dưỡng đến tận nơi ân cần động viên thì có đường về với Chúa với Phật sớm hơn dự trù.

Cho nên, xin “nhường” phần này lại cho các còm sĩ của Thôn.

Dân Làm Báo
danlambao1.wordpress.com

*

“Công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng”

Đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo; cũng như hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo chưa hoàn thiện, chế độ chính sách bồi dưỡng cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác này còn hạn chế.

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2010 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011, ngày 25/2, ở Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đưa ra đánh giá: Năm 2010, tình hình tôn giáo cơ bản ổn định và tuân thủ pháp luật. Sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ diễn ra bình thường và được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Lễ trọng của các tôn giáo thu hút đông đảo tín đồ, nhân dân tham gia. Việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được mở rộng. Các tổ chức tôn giáo chú trọng xây dựng sửa chữa, nâng cấp cơ sở đào tạo, thờ tự tôn giáo; tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; mở rộng quan hệ quốc tế thông qua các khóa đào tạo tôn giáo và các hoạt động quốc tế.

Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác tôn giáo và công tác vận động quần chúng phải tiếp cận phù hợp với đặc điểm tín ngưỡng, động viên đồng bào có đạo tham gia tốt các hoạt động đời sống xã hội, không nghe xúi giục làm những điều bất lợi cho địa phương, cho chính bản thân mình. Bên cạnh việc công nhận các tổ chức tôn giáo, cần xem xét, hoàn thiện cơ chế hướng dẫn hoạt động của các tổ chức này, chuẩn hóa điều kiện tối thiểu để họ hoạt động và phải dự báo được số lượng các tổ chức tôn giáo được công nhận theo kế hoạch năm. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tôn giáo tại địa phương, giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền với khối Đảng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai tổng kết 10 năm tình hình công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo, định hướng 10 năm tới để có phương hướng giải quyết chế độ, chính sách cho người làm công tác tôn giáo và các cộng tác viên ở địa phương; tập trung tổng kết các văn bản quan trọng, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Qua thực tế làm việc tại các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố có hướng dẫn về chế độ gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, thành phố với chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Ngay trong quý I này, cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, đời sống các tôn giáo Việt Nam năm 2010 diễn ra rất sôi động, các tôn giáo đã tổ chức nhiều lễ lớn, có tác động tích cực đến đời sống tâm linh của đông đảo người dân, đến dư luận trong nước và quốc tế.

Trong năm qua, các tôn giáo đã có đường hướng chung của mình, Phật giáo có đường hướng “đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Công giáo là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; đạo Tin lành là “sống phúc âm phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; đạo Cao Đài có đường hướng “nước vinh, đạo sáng”… Năm 2010, có trên 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp, hoàn thành các khóa bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành.

Thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005 NĐ-CP, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp đăng ký và chứng nhận cho 3 tổ chức tôn giáo: Cao đài Việt Nam (Bình Đức), Ban Đại diện Cộng đồng Bà la môn giáo tỉnh Bình Thuận, Hội đồng chức sắc lâm thời Chăm Bà la môn tỉnh Ninh Thuận. Cả nước có 1.160 người được phong chức, hơn 1.600 người được bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo để chăm lo việc đạo. 506 cơ sở thờ tự được xây mới và 558 cơ sở thờ tự được cải tạo, nâng cấp.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và cán bộ làm công tác tôn giáo được thực hiện khá tốt. Với lợi thế của mình, các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện như vận động quyên góp làm công tác từ thiện giúp đỡ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trẻ mồ côi người già không nơi nương tựa với hàng nghìn tỷ đồng. Hàng trăm ngàn suất cơm miễn phí hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho hàng chục ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động quốc tế thông qua việc trao đổi đoàn, tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế. Năm 2010 có 240 lượt chức sắc, nhà tu hành đi nước ngoài tham gia các khóa đào tạo tôn giáo và các hoạt động quốc tế liên quan.

Năm 2011, ngành Tôn giáo xác định 5 nhiệm vụ chính, trong đó, tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về công tác tôn giáo và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Công tác thông tin trong nước cũng như thông tin đối ngoại tôn giáo được tăng cường, phối hợp công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo và đấu tranh nhân quyền. Toàn ngành chủ động nắm tình hình, động viên chức sắc, nhân sĩ các tôn giáo đấu tranh với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, âm mưu tạo dựng lực lượng đối lập trong các tôn giáo, gây chia rẽ trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Ngành tiếp tục củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/Home/Cong-tac-ton-giao-on-dinh-di-dung-duong-huong/20112/79568.vnplus

Thúy đã đi rồi

Posted by truongthondlb1


Tưởng Năng Tiến – Sau quyết định “Nghỉ Báo Viết Blog” của Trương Duy Nhất, có độc giả “bình” rằng đây là một “cáo phó” cho báo bổ thời bao cấp. Ông Mặc Lâm thì mô tả hành động này như là một phương cách “thoát khỏi vòng kim cô” của nhà báo nổi tiếng này.

Trương Duy Nhất, nói nào ngay, không phải là người đầu tiên có quyết định ngon lành như thế. Hơn nửa thế kỷ trước, Nguyên Hồng còn tuyên bố một câu (ngon) hơn thế nữa kìa:

1. “Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.”

Ấy thế nhưng chả bao lâu sau, vẫn theo lời kể của Tô Hoài:

“Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.

Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp.”

Tôi nghe nói, Bộ Thương Nghiệp, vào thời điểm vàng son của nó, quản luôn cả đến cây kim và sợi chỉ nữa cơ. Nhà Nước, qua đó – có thể – cột chặt được tất cả mọi người, không xót một ai. Muốn “đéo chơi” (với chúng nó) nữa cũng chả phải là chuyện dễ dàng gì.

Cái thời hoàng kim (thổ tả) đó, của chúng nó, may quá, đã qua. Bây giờ, cả ông hai ông Hữu Thỉnh và Đinh Thế Huynh dù có tam cố thảo lư, và khiêng đủ “200 chiếc xe đạp Diamont mới cứng” đến tận nhà (chắc) cũng không cách chi thuyết phục được Trương Duy Nhất trở lại cái “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” của nhà nước nữa.

Thuý đã đi rồi!

Hợp Tác Xã Tư Tưởng là chữ dùng (riêng) của Trương Duy Nhất để mô tả những sinh hoạt có liên quan đến sách báo thời bao cấp. Cái thời mà blogger Đào Tuấn đặt tên, một cách (vô cùng) lãng mạn, là “Thời Đại Buông Rèm.” Tôi vốn sính Tây nên gọi cái thứ của nợ này là một loại ghetto, dành cho những người cầm viết, ở Việt Nam.

Trong Thế Chiến Thứ II, ghettos được Đức Quốc Xã tạo nên (ở nhiều thành phố Đông Âu) để làm nơi tập trung người Do Thái. Với thời gian, hạn từ ghetto được phổ biến theo một nghĩa rộng rãi hơn – để chỉ những nơi biệt cư, thường là nghèo nàn và chật hẹp, của một nhóm người (nào đó) trong lòng phố thị: Black Ghetto, Mexican Ghetto, Chinese Ghetto, Student Ghetto, Gay Ghetto…

Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhà đương cuộc Hà Nội cũng thiết lập một loại ghetto bẩn chật (tương tự) để làm nơi quần tụ cho những người cầm viết. Kẻ nào lỡ bước qua (hay bị đẩy ra) khỏi lằn ranh của cái ghetto văn hoá này là sẽ bị rơi ngay vào “bước đường cùng” – theo như (nguyên văn) lời của Bùi Ngọc Tấn:

“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.

Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…

Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…

Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:

Chính Yên!

Phan Kế Bảo!
…..

Phương Nam!

Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006. 65 – 67).

Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở, cho dù là phở quốc doanh. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:
“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007. 32).

Ở trong vòng ghetto, tuy bẩn chật nhưng được cái an toàn. Nó an toàn đến độ khiế không ít kẻ sinh tật múa gậy vườn hoang – theo như lời than phiền của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, về một cây viết và một tờ báo tăm tiếng (và tai tiếng) nhất hiện nay:

“Vì sao Nguyễn Như Phong và báo An Ninh Thế Giới dám tự tung tự tác, ngang nhiên hoành hành, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người như vậy?”

An Ninh Thế Giới không phải là tờ báo duy nhất chuyên ngậm máu (hay ngậm cứt) phun người như thế. Ngày 31 tháng 10 năm 2009, qua một bài báo (“Bán dâu – Hủ tục man rợ vẫn hoành hành”) tờ Tiền Phong cũng đã ngang hiên xỉ nhục người dân ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, về điều mà họ mô tả là “tập tục vô luân” nơi địa phương này: ”Thích thì bỏ tiền cưới vợ, khi ‘bực mình’ thì rao bán cả vợ cả con, bố mẹ chồng cũng có quyền bán con dâu và cháu nội…”

Một tuần sau, cũng báo Tiề Phong, số ra ngày 8 tháng 11, đăng lời “xin lỗi nhân dân và chính quyền xã Phong Dụ cùng bạn đọc…” vì “tác giả bài báo đã xào xáo và không hiểu biết gì về tập tục và đời sống bà con đồng bào dân tộc, thêm thắt, thổi phồng sự việc…”

Xin lỗi quấy quá, cho có lệ vậy thôi, chứ mãi cho đến hôm nay, ngày 25 tháng 2 năm 2010, bài báo thượng dẫn vẫn còn nằm nguyên si ở tờ An Ninh Thủ Đô – và hàng chục trang web khác – thuộc lề bên phải. Nói cho cùng thì “đổi trắng thay đen” hay “thêm thắt, thổi phồng sự việc” để phỉ báng thiên hạ – đối với những người cầm viết trong ghetto Việt Nam – chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để họ phải bận tâm. Họ còn được dung túng để thay mặt cho cả ngành tư pháp của xứ́ sở này kết án hết người này, đến người nọ về tội danh này hay tội danh khác nữa cơ.

Qua một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Niên Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, nhà văn Trần Đăng Khoa cho biết:

”Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối thoại đấy. »

“Thế … đấy” nhưng tập Chân Dung Và Đối Thoại vẫn được tái bản đều đều. Lý do: ghetto chữ nghĩa ở VN là một loại công ty độc quyền, không có đối thủ, miễn có cạnh tranh, và thường kín như bưng. Bởi thế, khi Trần Đăng Khoa hé mở cho chút xíu ánh sáng (sự thật) soi rọi vào một vài mảng tối là tác phẩm của ông liền được đón chào nhiệt liệt.

Dù thế, chỉ hơn một năm sau, qua một cuộc phỏng vấn khác – đọc được vào hôm 13 tháng 7 năm 2009, do Hồng Thanh Quang thực hiện – Trần Đăng Khoa đã nói khác ngay. Ông không đề cập đến chuyện “viết không cần cảm xúc” hay “viết theo đơn đặt” nữa. Thay vào đó, ông nêu lên“thiên chức của nhà văn” bằng những lời lẽ hết sức trang trọng và cảm động:
“Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội.”

Cảm ơn Trần Đăng Khoa, và cảm ơn Trời. Thế thời, rõ ràng, đã đổi. Và đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Mới bữa nào người dân Việt còn thi thoảng uống cà phê chui, nay thì họ ngồi đầy những tiệm cà phê internet.

Cái phương tiện truyền thông (tân kỳ) này đã làm cho quả địa câu nhỏ lại. Nhân loại nhích lại gần nhau hơn. Việt Nam không còn là một nơi biệt cư, dành riêng cho một dân tộc hoàn toàn mù thông tin, như trước nữa. Bây giờ mà vẫn cứ “viết theo đơn đặt hàng” thì rách việc như không. Và điều này thì Trương Duy Nhất biết rõ hơn rất nhiều người.

Cuối bài “Viện Sĩ Tự Sướng” (viết ngày 4 tháng 2 năm 2011) ông cho biết: “Tôi post bài này lên lúc 14 giờ 57, xong đi một vòng chúc Tết. Chưa đầy 2 tiếng sau về mở lại thì thấy báo Nhân Dân đã tháo bài này xuống khỏi trang Nhân Dân điện tử.”

Trước đó không lâu, báo Pháp Luật cũng bị một tai nạn tương tự vì bài báo “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Xuất Sắc Nhất Châu Á” của ông hay bà Phượng Lê nào đó. Nó cũng được “tháo xuống” tức thì.

Và mấy hôm nay thì blogger Trần Quốc Việt và Dân Làm Báo đang đặt vấn đề về một bài dịch láo (“Thể chế chính trị phải hoàn thiện cùng kinh tế”) vừa xuất hiện trên đăng trên Vietnam.net hôm 12 tháng Hai năm 2011.

Hệ thống truyền thông quốc doanh, rõ ràng, không còn là nơi để có thể múa gậy vườn hoang (như xưa) nữa. Dù nấp dưới bút danh nào, và trong ngõ ngách nào chăng nữa, hễ cứ nói bậy hay nói láo là bị chúng “vả” vào mồm – khiến mặt mũi sưng vù – ngay tức khắc.

Cái ghetto chữ nghĩa Việt Nam bây giờ, ví von mà nói, là một con thuyền lủng. Nó sắp đắm đến nơi. Bởi thế, khi Trương Duy Nhất tuyên bố “bỏ thuyền” thì ai cũng lấy làm mừng. Đây là một tin vui. Một người ngay thoát nạn!

Tuy nhiên, đây không phải là niềm vui trọn vẹn. Vì cùng lúc cũng có một tin buồn: ông Đinh Thế Huynh bắt đầu đảm nhận vai trò Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Thủ Trưởng Ghetto Chữ Nghĩa Việt Nam – một con thuyền sẽ đắm.

Là thuyền trưởng, tất nhiên, ông Đinh Thế Huynh cũng sẽ phải… đắm theo. Vĩnh biệt Đinh Thế Huynh, một người gian mắc nạn, và xin cầu chúc cho vong linh ông sớm được tiêu diêu nơi miền cực lạc!

Tưởng Năng Tiến

http://tuongnangtien.wordpress.com/2011/02/25/thuy-da-di-r%E1%BB%93i/

Hiểu rõ hơn về cách mạng Hoa Nhài

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Quang Minh (Chungta.com) - Các chế độ Ben Ali tại Tunisia và Hosni Mubarak tại Ai Cập vì sao sụp đổ? Có phải người dân chỉ đòi cơm ăn áo mặc, việc làm hay còn gì sâu xa hơn? Có phải nước ngoài nhúng tay xúi giục người dân các nước, cho tiền họ để họ phản đối lật đổ chính phủ? Hệ quả lan tỏa của hương hoa nhài đến đâu? Những câu hỏi cứ dồn dập buộc chúng ta suy nghĩ sâu hơn. Chungta.com mời triết gia, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức cùng trò chuyện về các cuộc cách mạng vừa diễn ra.

Bùi Quang Minh: Ông đánh giá gì về diễn biến cách mạng (revolution) Tunisia và Ai Cập vừa qua? Một số người cho là chính biến/ nổi loạn (revolt), một số cho là cách mạng (revolution). Ý kiến của ông là như thế nào?

Nguyễn Hoàng Đức: Chính chủ nghĩa Marx Lenin đã nói: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đây có thể được xem như là một hiện tượng – biểu tượng được đồng nhất giữa các nhà lý luận CNXH và CNTB. Cụ thể hơn, một số chuyên gia tư bản cho rằng, chỉ có những cá nhân xuất sắc mới làm nên lịch sử hay làm nên những cuộc cách mạng. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa Marx lại coi rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cả hai bên dù coi nặng cá nhân hay coi nặng vai trò quần chúng thì đều phải tiến đến một chung kết rằng sự diễn ra một cuộc cách mạng làm rung chuyển toàn xã hội nguyên nhân có thể khởi đầu từ hạt nhân là vài cá nhân nào đó, nhưng nó phải được biểu hiện bằng xã hội với đông đảo quần chúng. Đấy là điểm có tính học thuật.

Nhưng người Việt và người phương Đông nói chung từ lâu đã cho rằng, nhân dân là nước, nước đẩy thuyền đi nước cũng làm lật thuyền. Người Việt còn có một câu rất giản dị, nước nổi lo chi bèo chẳng nổi. Một dân tộc một quốc gia chính là nước có tầm vóc đại phổ thông. Mà khi nước đó nổi thì những cá nhân hay tổ chức chỉ là những cánh bèo nổi lên theo (hoặc chìm xuống theo).

Trong phương ngôn nổi tiếng “Quốc phá, sơn hà tại”, Quốc là quốc gia dù mang tên gọi của thể chế nào đó có thể nhú lên tàn phá hay diệt vong, nhưng sơn hà vẫn luôn luôn còn đấy. Sơn hà đây cũng được hiểu là nhân dân. Cho nên thuật ngữ trên có thể nói là: Dù Quốc có phá, nhân dân vẫn tồn tại.

Người ta luôn luôn nói một câu như một chân lý xuyên suốt rằng: Thời gian sẽ kiểm nghiệm. Thời gian ở đây là gì? Đó chính là lịch sử hiện đại! Đó chính là nhân dân. Bởi vì cá nhân này hay cá nhân kia, học thuyết này hay học thuyết khác có thể sai, nhưng nhân dân là cái vĩnh cửu hoặc cái chí ít ra còn lại sau cùng luôn luôn là người phán xử chung kết. (đồng nghĩa với thời gian).





Từ những quan điểm trên chúng ta có thể nhìn nhận tình hình Tunisia và Ai Cập. Tại sao vũ trụ này với trời đất, càn khôn hệ mặt trời còn tồn tại hệ vận động? Chúng ta biết rằng trái đất này xoay quanh mình nói 24 giờ mỗi ngày 365 ngày mỗi năm, luân hồi qua xuân hạ thu đông… cuộc sống tồn tại, mỗi đêm thức dậy chúng ta lại nhìn thấy bình minh và qua buổi trưa chúng ta lại được đón một hoàng hôn đầy xao xuyến. Vũ trụ tối kỵ nhất sự bất dịch ù lỳ, tất cả sự ù lỳ đều tạo ra sự ứ đọng, mốc thếch, sự ngưng nghỉ và cũng là diệt vong. Chính thế mà ở rất nhiều nơi trên thế giới (cả chính chúng ta) đã từng có khẩu hiệu: Đổi mới hay là chết!, Cách mạng hay là chết! Có nhiều chuyên gia đưa ra những lý do cho cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai cập như nạn độc tài, cửa quyền hay tham nhũng… còn tôi thấy rõ một nguyên nhân bao trùm lên những nguyên nhân: Nhân dân khát khao một bầu không khí đổi mới, giống như người ta khao khát một môi trường mở rộng, tinh khôi trong cuộc sống. Chế độ độc tài quản trị tất cả mọi lĩnh vực là một thứ gia đình trị biến tướng, giống như Từ Hy Thái Hậu nói thiên hạ là của nhà Thanh, đã biến toàn thể nhân dân và xã hội thành một gia đình biến tướng nối dài của mình. Nhân dân khao khát Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng, như được sống trong một vườn hoa rực rỡ, mọi sắc hoa, mọi hương hoa. Cho nên người ta đã ào ra đường quàng tay theo những cô vợ yếu đuối, mảnh dẻ và bồng trên vai những đứa trẻ thơ miệng cười rạng rỡ. Tôi lại nhớ tới câu nói của Các Mác: Cách mạng là ngày hội của quần chúng.

Qua số tiền mà Hosin Mubarak tham nhũng khoảng 70 tỷ USD của dân tộc hơn dăm chục triệu dân chúng ta thấy một mình ông ta có số tiền hơn toàn dân cộng lại, như vậy có thể coi rằng ông ta và gia đình, vợ con của mình đã tiêu tiền hộ toàn dân, đã sống hộ toàn dân, đã hít thở không khí của toàn dân… Mà mọi người đã xổ tung ra đường như đã xổ tung ngôi nhà gia đình trị quá trật hẹp, đã tước đoạt và “sống hộ” quyền sống của cá nhân mỗi người. Mà chúng ta biết ở đời, không ai sống hộ được ai cả. Anh không thể ăn hộ tôi, anh ăn mà tôi không thấy no. Anh không thể yêu hộ tôi, anh yêu mà tôi thấy sung sướng. Và anh cũng không thể làm công tác vệ sinh thay hộ tôi được. Cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã bùng ra một vườn hoa thay vì bông hoa Ali và Mubarak, người ta đã được trở thành rừng hoa của Tunisia và Ai Cập.





Bùi Quang Minh: Vâng, vai trò của cá nhân là dẫn dắt cách mạng, còn vai trò của quần chúng là sức mạnh của cách mạng. Đó là quan điểm biện chứng nhất.

Tôi cũng cho rằng đây không phải là chính biến bạo lực của một nhóm nhỏ chính trị nào đó nhằm cướp chính quyền. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân biểu tình trong hòa bình đòi phế truất chính quyền độc tài. Nhà độc tài và gia đình họ không chỉ tham nhũng hàng chục tỷ USD, không chỉ lạm quyền để vơ vét tài sản quốc gia, nhũng nhiễu các nhà đầu tư và dân, mà còn lũng đoạn sự thật, thông tin, công lý cũng như đẩy đông đảo người dân vào trạng thái thiếu tự do, bằng mọi biện pháp để họ không thực hiện được đầy đủ quyền công dân. Sự tha hóa tuyệt đối của những nhà chính trị nắm giữ quyền lực tuyệt đối chính là nguồn gốc của sự tù túng, tăm tối, dẫn tới bất ổn, thúc đẩy đòi hỏi phải thay đổi, đã thổi bùng nên cách mạng như vừa qua. Chính phủ của Ben Ali, Hosni Mubarak không giải quyết các vấn đề của nhân dân, họ không có cơ hội tồn tại tiếp.

Nguyễn Hoàng Đức: Đó hoàn toàn là tình thế hợp lý cho một cuộc cách mạng. Hãy xem lại những gì ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam hay Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng được đặt nền móng bằng sự khẳng định lại Quyền của con người như quyền được nở hoa và Sự vi phạm chúng có hệ thống của các chế độ cũ (thực dân Pháp hay triều đình Anh) – kìm hãm không cho hoa nở. Chế độ cũ đó sẽ không có cơ hội tiếp tục tồn tại!



Tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trích): Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.







Ngày 4/7/1776, hội nghị Lục địa lần 2 chính thức tuyên bố nền độc lập và thành lập Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Bản Tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson tuyên bố hành động xóa bỏ vương quyền, quốc hội và người Anh. Nó đặt nền tảng chính nghĩa cho cuộc cách mạng bằng sự thật hiển nhiên về con người.

Bản Tuyên ngôn nhắc đến những quyền không thể bị tước đoạt của con người và để bảo vệ quyền đó, người ta phải tổ chức chính phủ và chính phủ ấy phải thi hành các quyền lực do nhân dân đồng thuận và giao phó. Khi một chính phủ không còn tôn trọng quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân có bổn phận thay đổi chính phủ ấy, hoặc hủy bỏ nó để thay vào một chính phủ mới…

Bản Tuyên ngôn Độc lập là chiến thắng của người Mỹ tại các tiểu bang đối với đế quốc Anh, vương triều Anh hùng mạnh.

Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ:

“Ông ta – tức Vua nước Anh – đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp và cần thiết nhất đối với lợi ích công chúng.

Ông ta đã triệu họp ác cơ quan lập pháp ở những điểm không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ trương của ông ta.

Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau đây:

- Cho phép những đội quân có vũ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta

- Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực khác trên thế giới

- Tước đoạt hiến chương của chúng ta, hủy bỏ những bộ luật giá trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của chúng ta.

- Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp

Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.

Tóm lại, một ông Hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người của một dân tộc tự do
…”



Bùi Quang Minh: Nhưng anh có ý kiến gì khi một số người cho rằng, Thế lực xấu nào đó xúi giục dân, làm cho họ dùng bạo lực/ đập phá gây mất trật tự xã hội và chưa chắc kết quả này làm cho nhân dân sống tốt hơn?

Nguyễn Hoàng Đức: Có một phương ngôn rằng: Kẻ khôn nó đi một mình, thì không ai lừa được. Nhưng khi chúng tập trung lại thì rất dễ bị lừa. Ngược lại, kẻ dại đi một mình rất dễ bị lừa, nhưng khi họ tập trung lại thì không ai lừa được. Tại sao vậy? Vì kẻ khôn đi 1 mình thì nó tự tin, nhưng khi tập trung lại thì chúng chủ quan nên dễ bị lừa. Còn kẻ dại khi đi xé lẻ dễ bị lừa, nhưng khi tập trung họ lại họ trở thành một khối khôn ngoan không dễ bị lừa. Người Việt có 1 câu tương tự “Nó lú nhưng chú nó khôn”, nghĩa là người ta có thể coi thường cá nhân nào dại nhưng đừng coi thường gia đình nó bởi vì gia đình nó có đủ cả kẻ khôn lẫn người dại sẽ không dễ bị qua mặt.

Nhân dân là gì? Đơn giản như ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng có nhà và đều muốn ngôi nhà của mình đứng vững. Ngôi nhà muốn đứng vững thì nó phải xây dựng chắc chắn. Quốc gia là một ngôi nhà to hơn bao trùm lên những ngôi nhà con và nhân dân hoàn toàn dự hưởng được ngôi nhà nào đang lung lay sẽ sụp đổ lên nhà mình. Và trí tuệ khi muốn xây lại nhà của họ là một trí tuệ chính đáng nhất. Nếu Mubarak và Ben Ali lên ngôi từ mới hôm qua đã bị xúi giục ám sát hay gây sụp đổ thì chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản quần chúng nhẹ dạ bị xúi giục, nhưng thời gian cầm quyền của Ben Ali và Mubarak nếu coi 10 năm là thế hệ của tuổi trẻ thì họ đã cầm quyền sình lầy và ứ đọng dăm bảy thế hệ rồi.

Tóm lại, họ chính là sự ách tắc của quốc gia và lịch sử. Cái xấu của họ là đội sổ cuối cùng mà bất kỳ sự chữa bệnh nào kể cả của lang vườn đều tốt hơn duy trì sự tồn tại của căn bệnh đó. Chúng ta nên nhớ, thuốc đắng dã tật, mọi cuộc mổ xẻ đều gây đau đớn nhưng như triết gia Socrate đã nói người bệnh nhìn thấy thuốc đắng mà hạnh phúc chứ không phải kẻ có bệnh bị lờ đi là hạnh phúc. Tunisia và Ai Cập đã tự trị liệu căn bệnh của mình. Nếu có 1 cái gì là thế lực bên ngoài chỉ là những người đem đến tí củi, tí dầu, viên thuốc mà không bao giờ là lực lượng quyết định “con bệnh bị giải phẫu”. Bởi vì, nếu việc can thiệp mà làm được thì những thế lực kia họ làm từ lâu rồi chứ không phải vào lúc giải phẫu này.

Người Việt có câu: “Nhà có mối mọt (cột kèo ngả nghiêng xiêu vẹo do bất chính) chỉ cần hẩy nhẹ là đổ”. Khi đó thì đừng trách người gẩy nhẹ, mà hãy trách chủ nhân làm nhà có cột kèo xiêu vẹo, mối mọt.

Bùi Quang Minh: Vâng tôi đồng tình với anh. Đó là thái độ cảnh giác, thận trọng trước mọi mưu đồ xấu xa, đôi khi quá đà lại thành đi theo Thuyết Âm mưu là: đằng sau mọi chuyện đều có âm mưu của thế lực đen tối nào đó. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng: lãnh đạo của họ tài giỏi, nhưng kẻ nào đó ở nước ngoài đứng đằng sau kích động xúi giục người dân nổi loạn để lật đổ chế độ, dựng nên các chế độ thân phương Tây còn lãnh đạo tài giỏi của họ duy nhất bị xét xử, đông đảo nhân dân tiếp tục sống trong u mê, dễ bị giật dây (?). Một cách nghĩ tương xứng, tôi cũng theo Thuyết Âm mưu và có giả thuyết khác rằng: Ai đó đứng đằng sau chế độ độc tài, giật dây nhà độc tài bòn rút tài sản quốc gia, bóp méo công lý, đàn áp các lực lượng trong xã hội làm cho xã hội đầy rẫy những bất công, người dân lâm vào cùng cực… Và thực tế là, tôi chỉ thấy người ta đã xử tử những kẻ độc tài, tham nhũng và những kẻ đã ra lệnh bắn vào nhân dân. Mọi tội ác đã xảy ra đều phải bị trừng trị! Có nghĩa là hãy nhìn vào thực tế để loại bỏ các giả thuyết ly kì!

Nhưng theo ông nhân dân Tunisia, Ai Cập chống lại các cá nhân độc tài hay còn nhằm đạt được gì khác?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi cho rằng câu hỏi của bạn quá sai. Bản thân Ali và Mubarak cũng giống như Từ Hy Thái Hậu xưa là 1 bà lọm khọm vớ vẩn không đáng để người dân chống mình. Trong phim Cộng Hòa, khi Từ Hy Thái Hậu chạy nạn, già lọm khọm, chỉ cần đứa đầy tớ gái xô nhẹ 1 cái bà ta sẽ ngã xuống vực chết liền. Nhưng đã không ai làm thế cả, mặc dù tất cả đều căm ghét bà ta, tại sao? Bởi vì không một người nào dại dột đến mức đánh đổi nhân cách, đạo đức và ân phúc của mình lấy mạng sống của một bà già. Sẽ không thỏa đáng khi cho rằng dân tộc Tunisia, Ai Cập đông hàng trăm triệu người lại phải chống lại một Ali và Mubarak bằng chứng rõ ràng rằng họ đã xuống đường cách mạng tay không chỉ để bày tỏ thái độ muốn mở tung cánh cửa ra, để hít thở không khí của mình. Việc xổ tung cánh cửa o bế, tù hãm để được hít thở không khí mát mẻ tinh khôi không bao giờ đồng nghĩa với việc chống lại cá nhân A hay B. Vì để chống lại cá nhân A hay B thì chỉ cần một nhóm lật đổ hay đánh bom liều chết là giải quyết được cá nhân A hay B rồi. Việc những ông chồng xuống phố kéo theo cả vợ con trên tinh thần hoan hỉ thể hiện rõ rằng họ khao khát một cuộc chuyển mùa xã hội giống như vũ trụ làm mới mỗi mùa xuân.



Bùi Quang Minh: Cá nhân khi có nhiều quyền lực trong tay có thể gây hại rất lớn. Vậy thì, không chống một mình cá nhân nào thì cuộc cách mạng chống lại tập thể/ nhóm người nào theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi xin trả lời kỹ về việc này. Một số người bị o bế, trong một ngôi nhà thiếu khí nào đó, khao khát – giống như bản năng sống của họ – giống như bản năng sống của mọi động vật (con chim sống ở trong lồng), họ muốn xổ tung cửa ra để hít thở không khí mới, những kẻ giam họ lại hô lên: Mày chống lại tao? Nhưng chúng ta nên hiểu, không có cá nhân nào đủ cao thượng đến mức cả dân tộc xuống đường với vợ con ở bên mình bất chấp cái giá phải trả có thể hy sinh cả nhà để chống lại cá nhân đó. Người Anh có câu: Trò chơi không xứng đáng một ngọn nến. Mỗi cá nhân chỉ là con kiến của một dân tộc không đến để cả dân tộc thắp nến đi tìm nó. Cái nhân dân khao khát là một nguyên lý sống, một đời sống mới, và chỉ sống trong công lý mới người ta mới hạnh phúc. Người ta đẩy cửa ra để đòi không khí mới, không phải chống ai cả. Người ta đòi công lý, sống có công lý cũng chẳng nghĩa là để chống ai. Còn những kẻ phi lý tự nhiên chúng ngược với công lý và chúng muốn quy tội những người muốn công lý là kẻ chống lại chúng.

Bùi Quang Minh: Trong lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ hay sự kiện Bức tường Béc Lin đã từng là những biểu tượng gây bùng nổ và thắng lợi các cuộc cách mạng Giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng tại Đông Âu. Vậy theo ông liệu hai rừng hoa Tunisia và Ai Cập có tỏa hương khắp thế giới hay không? Nói tóm lại nó có mang theo hiệu ứng domino không theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Cuộc cách mạng này đang có dấu hiệu lan rộng: Bắc Phi: Libya, Algérie, Maroc; Trung Đông: Syria, Bahrain, Jordani, Yemen, Liban, Iran… và đang có dấu hiệu xuất khẩu cả sang châu Á. Cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập phải được xem là phép lạ không phải từ trời rơi xuống không phải thần kỳ từ đá chui lên mà nó kỳ diệu ở chỗ nó là những hạt giống ở những nơi sỏi đá nhất đã trổ sinh những bông hoa Cộng Hòa. Nhà nước theo triết gia John Stuart Mill trong cuốn Bàn về Tự do chỉ xuất hiện trong lịch sử hiện đại khi nhà nước đó bao hàm nhân dân. Còn toàn bộ chiều dọc của lịch sử, nhà nước phong kiến chỉ là một gia đình to, gia đình trị kéo dài, không đáng là một nhà nước. Một nhà nước nói toẹt như Từ Hy Thái Hậu, thiên hạ là của nhà Thanh.

Nhà nước theo nghĩa kinh điển đặc biệt nhà nước đại nghị Cộng Hòa chỉ xuất hiện với nghị viện Aten-Hy Lạp, Cộng hòa La Mã, Quân chủ Lập hiến Anh, và Cộng hòa Pháp…



Nhà nước cộng hoà dân chủ chủ nô Aten – chính thể Cộng hòa đầu tiên của nhân loại,
thế kỷ 6 TCN



Họp nghị viện Cộng hòa La Mã (Nhà nước ra đời sau khi lật đổ chế độ quân chủ,
thế kỷ 5 TCN)

Cách mạng Pháp nhìn kỹ lại chúng ta thấy nó không chỉ là niềm tự hào còn là nỗi xấu hổ. Tại sao? Chẳng hạn nước Anh khi họ ý thức được phải thực hiện nền cộng hòa, họ đã tự giác chuyển biến sang Quân chủ lập hiến. Nhưng người Pháp không làm được vậy, đã phải xuống đường đổ máu khốc liệt với ngục Bastille để đạp đổ chế độ phong kiến vua chúa, đổi lấy chế độ cộng hòa.



Nghị viện Anh họp (Nhà nước quân chủ lập hiến Anh lập năm 1689, năm thông qua đạo luật Declaration of Rights – hiến pháp bất thành văn Vương quốc Anh)



Cách mạng Pháp (Nhà nước cộng hòa Pháp hình thành năm 1789,
sau khi lật đổ chế độ quân chủ và tăng lữ)

Cách mạng, nhà nước cộng hòa, nhân dân, dân chủ chỉ là những khái niệm chỉ dành cho người da trắng như đã nói bên trên còn những nước châu Phi, châu Á da đen, da vàng là những nước nhiễm nặng từ trong truyền thống và máu thịt trong chủng tộc và nòi giống chế độ phong kiến cha truyền con nối cho nên họ chưa bao giờ có cái gọi là Nhà nước đúng nghĩa càng chưa có lịch sử xây dựng nhà nước cộng hòa đúng nghĩa. Cũng chưa thể có cái gọi là nhân dân đúng nghĩa – là những công dân lập hiến (Chúng ta chỉ có những thảo dân sợ sệt vua chúa, dám ăn dám nói những ý kiến của mình mà không sợ phạm húy. Từ xa xưa nói phạm chữ húy của vua quan và vợ con vương gia đều có thể bị tội chết). Chính vì thế mà cuộc cách mạng đòi dân chủ cộng hòa và lập hiến ở Tunisia và Ai Cập là phép lạ trong phẩm chất của những người da màu.

Một hạt men sẽ làm dậy cả đống men, không cách gì hạt men này không lên men ở nơi khác cả. Người Việt có câu, mẻ không ăn cũng chết, hiểu theo nghĩa rằng, ở đâu chưa có men mà có cơm nguội thì men cũng mò đến. Vì thế, hiệu ứng domino tất cũng xảy ra nhưng lan theo “giới tuyến của cơm nguội”. (Nghĩa là ở đâu có men và tốt đẹp rồi thì hiệu ứng domino không xảy ra)

Bùi Quang Minh: Tunisia và Ai Cập đều từ giữa thế kỷ 20 đã là nước Cộng hòa (Cộng hòa Tunisia, Cộng hòa Ả rập Ai Cập), còn đảng cầm quyền đã mang tên là Đảng Dân chủ (Đảng Dân chủ Quốc gia Ai Cập, Tập hợp dân chủ Hiến pháp Tunisia). Vậy theo ông cuộc cách mạng hiện nay được xem bản chất là gì (cuộc cách mạng Cộng hòa hay là cuộc cách mạng Lập nước)?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đã trình bày ở bên trên với bạn, chỉ có vài nơi trên thế giới có nhà nước và lịch sử xây dựng Nhà nước đúng nghĩa mà họ thuộc về những người da trắng, dân trí cao, còn cái gọi là Nhà nước Cộng hòa đã trải khắp trên thế giới là “hàng nhập khẩu”, đối với một số nước dân trí cao họ coi “hàng nhập khẩu” như thế là giá trị và thiết thực và họ biến hình thức nhà nước cộng hòa thành nội dung nhà nước cộng hòa.

Còn ở rất nhiều nơi Nhà nước cộng hòa chỉ là một danh hiệu biến tướng, giả cầy treo đầu dê bán thịt chó để che đậy quyền lực của một số cá nhân và một nhóm người. Tên nhà nước Cộng hòa không ăn nhập gì với nội dung nhà nước Cộng hòa. Thậm chí ở những nước này, cái nhà nước cộng hòa đó không thiết lập bất cứ thể chế nào để “Cộng hòa hóa” cả.

Bùi Quang Minh: Tôi đồng ý với ý kiến này. Tunisia trở thành nước Cộng hòa năm 1956 từ tay thực dân Pháp, Cộng hòa Ả rập Ai Cập trở thành nước Cộng hòa năm 1953 từ sau một cuộc đảo chính quân sự, quân Anh rút hẳn khỏi quốc gia này năm 1956. Cộng Hòa mới chỉ là ở tên gọi, ở ý nguyện trở thành nhà nước như vậy. Việc thực hành Nhà nước Cộng hòa đến nay đã bộc lộ những sai lầm. Tôi cho rằng những cuộc cách mạng đang diễn ra sẽ nằm ở các nước thế giới thứ ba như ở châu Á, châu Phi là dịp để nhân dân kiểm soát, siết lại cái thể chế gọi là Cộng hòa của mình. Đi xa hơn nữa nếu họ kiểm soát được hiện tượng lạm quyền/lộng hành, mở rộng được quyền tự do cho con người thì ta có thể gọi chúng với tên gọi Cách mạng Dân chủ Nhân dân 2.0. Còn các Đảng tên gọi là Dân chủ lại không hoạt động theo lý tưởng Dân chủ hóa, còn là nơi ẩn nấp của các kẻ độc tài.

Qua những sự kiện này chúng ta có thể rút ra bài học gì thưa ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Bài học thứ nhất, tôi vẫn nhắc lại bài học kinh điển của lịch sử, thuộc về 2 cường quốc văn minh Anh và Pháp. Người Anh do ý thức được Cộng hòa đại nghị đã tự giác biến chuyển thành quân chủ lập hiến và đã tránh được những cuộc bạo loạn. Người Pháp lại không tự giác làm được việc này nên đã có rất nhiều cuộc xuống đường đẫm máu xảy ra.

Bài học thứ hai, cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập được gọi là cuộc cách mạng Hoa Nhài mới đây thêm một lần nữa ta lại ngước mắt chiêm ngưỡng bài học của thánh Mahandar Gandhi về Bất bạo động. Nhân dân đòi công lý, công lý đó được thể chế bằng pháp lý, để giúp họ lập hiến ra một quốc gia có pháp luật, mong được sống công bằng và hạnh phúc. Nhân dân đòi quyền sống nhưng không nên đòi sự tàn sát (giải quyết nhanh để tồn đọng lại những hậu quả hằn thù dai dẳng của thế lực hay cá nhân. Cái thiết yếu là nhân dân muốn công lý và hiến pháp. Và người ta đã theo đuổi việc đó một cách hòa bình thuần khiết. Và cuộc cách mạng đã chiến thắng vẻ vang như lòng nhân ái của con người đã chiến thắng. Tôi cho rằng đây là một kỳ tích mà lịch sử chưa bao giờ có được, như chúng ta đã kể ra bên trên từ Dân chủ Aten đến Cộng hòa La mã, đến nghị viện Anh và Pháp, rõ ràng kiến trúc thượng tầng của Cộng hòa chưa bao giờ nở hoa tự giác trong lòng các quốc gia da màu, các nước thế giới thứ ba.

Cả hai bài học trên dù là của người da trắng đến sớm hay của người da màu đến muộn đều cho chúng ta nhân dân đang kiên nhẫn đòi hỏi một yêu cầu thuần khiết về môi trường sống của mình được thiết lập thành quốc gia: Quốc gia lập hiến là môi trường sống cao nhất cho con người đã được chứng kiến trước kia và ngay nhãn tiền!

Bùi Quang Minh: Nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã từng có hiến pháp, luật pháp thì có phải họ đã là nhà nước pháp quyền và cuộc sống theo công lý chưa?

Nguyễn Hoàng Đức: Phải phân biệt 2 điều về Quốc gia pháp quyền: một là tự giác pháp quyền với dân trí đã chín muồi của nhân dân; hai là quốc gia pháp quyền đó chỉ là “hàng nhập khẩu” trong khi nhân dân chẳng tự ý thức gì cả, trái lại còn bị một nhóm lãnh đạo cầm quyền thao túng và lợi dụng, thậm chí che mắt quyền lập hiến của mọi người.

Bùi Quang Minh: Vâng, tôi đồng ý với ông. Và cũng có một số rất ít nước da vàng (châu Á) khi họ có ý thức và tinh thần dân tộc, họ sớm học hỏi “công nghệ lập và quản lý Nhà nước”, sử dụng hết sức thành công “công nghệ nhập khẩu”, như Nhật Bản, Singapore.

Các nhà khai quốc của chúng ta như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thuộc “Thế hệ vàng” thuở lập quốc cũng đã sang tận Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… để học hỏi những điều hay của phương Tây về để thực hành cách mạng và xây dựng Nhà nước.

Nhưng cũng như các nước thế giới thứ ba khác, Việt Nam còn tụt hậu so với Nhật Bản, Singapore rất nhiều trong việc hoàn thiện thể chế nhà nước Cộng hòa của mình.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi nói chuyện thú vị hôm nay.

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Hieu_ro_hon_ve_cach_mang_hoa_nhai/

Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát

Posted by truongthondlb1


James Hookway, với sự cộng tác của Nguyễn Anh Thư (Hà Nội) - Vấn đề lớn ở đây là liệu Việt Nam có thể chấp nhận những tổn hại trong ngắn hạn của việc áp dụng các chính sách mới, ngặt nghèo hơn, hay là sẽ quay lại với các chính sách ủng hộ tăng trưởng rất thô bạo kia – những chính sách mà họ đã áp dụng trong quá khứ…

Hôm qua (thứ năm, 24-2), giới lãnh đạo Việt Nam đã công bố một loạt biện pháp, nhằm kiềm chế cơn lạm phát đang leo thang – thậm chí leo thang ngay vào lúc dân chúng đang lo ngại về chuyện nâng giá xăng, giá điện khiến chi phí năng lượng tăng tới 24%.

Bây giờ là khi những bất ổn của nền kinh tế tăng trưởng nhanh này bắt đầu lan tràn. Nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chính quyền cộng sản đã phải chịu một trong những đợt lạm phát tồi tệ nhất ở châu Á, với chỉ số giá tiêu dùng tháng này lên đến 12,31%, cao nhất trong hai năm qua. Giá cả sẽ còn tăng cao nữa trong những tháng tới, khi tác động của việc tăng giá năng lượng và đợt phá giá nội tệ 8,5% so với USD gần đây – biến cố cuối cùng trong một loạt biến cố – bắt đầu thấm vào nền kinh tế. Chính phủ nhận thức được những vấn đề đáng lo ngại này, và hôm qua họ đã nói rằng chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của họ.



Trong số các biện pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn, có việc giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay xuống thấp hơn 20%, so với mức trên 28% của năm 2010, và giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với mức 5,3% trước đây. Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải bán dự trữ ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng trong nước để giảm bớt áp lực đè nặng lên nội tệ của quốc gia, đồng Việt Nam.

Biện pháp này được tiến hành cùng một loạt đợt tăng lãi suất vào tuần trước – trong đó có một lần tăng lãi suất (mà Ngân hàng Trung ương áp dụng đối với các ngân hàng thương mại khi cho vay vốn) thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 11%. Theo các nhà kinh tế, thay đổi đó đánh dấu một sự chia tay với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng không ngừng, vẫn được áp dụng từ nhiều năm nay. Các chính sách ấy, mặc dù tạo ra tăng trưởng mau lẹ, nhưng cũng khiến rất nhiều người Việt lo sợ, vì chi phí đời sống ngày càng tăng cao và tiền tệ thì mất giá nhanh chóng.

Sherman Chan, nhà kinh tế làm việc tại HSBC ở Hong Kong, nhận định rằng các biện pháp gần đây cho thấy giới lãnh đạo của Việt Nam cuối cùng cũng đang cố gắng áp đặt chút ít kiểm soát lên nền kinh tế tăng trưởng trồi sụt của mình. Bà nói: “Việt Nam đã tiến đến một giai đoạn khi mà họ không nên thay đổi chính sách liên tục nữa, và chúng tôi nghĩ là sẽ được chứng kiến Việt Nam chắt chặt tiền tệ hơn trong những tháng tới”.

Giới kinh tế theo dõi sát sao mọi nỗ lực của Hà Nội nhằm kiềm chế tăng giá, như một cách để đo mức độ ổn định của thị trường – nơi cho đến giờ vẫn là một trong những thị trường đang nổi lên hứa hẹn nhất châu Á, đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,78% năm ngoái.

Vấn đề lớn ở đây là liệu Việt Nam có thể chấp nhận những tổn hại trong ngắn hạn của việc áp dụng các chính sách mới, ngặt nghèo hơn, hay là sẽ quay lại với các chính sách ủng hộ tăng trưởng rất thô bạo kia – những chính sách mà họ đã áp dụng trong quá khứ. Chẳng hạn, vào năm 2010, các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất và giới hạn tăng trưởng tín dụng, nhưng tới giữa năm khi tình hình có vẻ đã được cải thiện, họ lại nới lỏng tăng trưởng lãi suất, và thế là lạm phát bắt đầu nhích lên mức hai con số.

Nhiều nhà kinh tế cũng coi Việt Nam như là biểu hiện của những gì các nước khác có thể phải đương đầu nếu không giải quyết được một cách hiệu quả tình trạng tăng giá đúng vào thời điểm chi phí lương thực thực phẩm và xăng dầu dâng lên, làm giới đầu tư vào các thị trường mới nổi lo sợ.

Mặc dù đối với một nước Việt Nam đầy công an cảnh sát, rất ít có khả năng nổ ra những cuộc biểu tình phản đối làm rung chuyển chế độ như ở Trung Đông, nhưng không khí lo ngại vẫn đang lan tràn trên đường phố Hà Nội về đợt tăng giá mới đây, và về việc liệu chính phủ có khả năng kiềm chế lạm phát hay không.

Xe hơi và những chiếc xe máy, vốn hiện diện khắp nơi ở Việt Nam, đã xếp hàng dài ở các trạm bán xăng tại Hà Nội và nhiều thành phố khác. Người ta cố sức mua cho xong trước 10 giờ sáng, là thời điểm giới cung cấp xăng được phép nâng giá xăng 17,5% lên mức 19.300 đồng (92 xu tiền Mỹ) một lít, giá dầu diesel tăng 24% lên 18.300 đồng một lít.

Những người bỏ lỡ dịp mua xăng này sẽ phải hối tiếc vì giá cả sau đó. “Tối qua tôi lười không chịu đi đổ đầy bình, thế là bây giờ sẽ phải chi thêm 200.000 đồng nữa”, một người lái xe 39 tuổi tên là Hoàng Hợp phàn nàn.

“Không tưởng tượng nổi là giá có thể vọt lên cao thế” – Dương Minh Hoàng, 54 tuổi, nói. “Bây giờ tôi chỉ lo lương không theo kịp với giá”.

Chính phủ Việt Nam trợ cấp tiền xăng và chịu một số chi phí cho người nhập khẩu. Khi giá dầu thô thế giới tăng vì bất ổn chính trị ở Lybia, tổng chi phí nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đã tăng lên; và do giá dầu được tính theo đôla, nên việc phá giá nội tệ tuần trước càng làm tình hình tội tệ thêm. Giá điện sẽ tăng 15% kể từ 1/3, với hy vọng sẽ làm hoạt động sản xuất điện có lãi hơn để từ đó thu hút được đầu tư nước ngoài vào xây dựng những nhà máy điện, vốn đang vô cùng cần thiết.

Giới phân tích cho rằng, thước đo mấu chốt đối với đường lối chính sách mới của Việt Nam sẽ là đồng nội tệ. Việt Nam đồng đã giảm 20% giá trị kể từ giữa năm 2008, và nhiều người dân thường đầu cơ vào vàng, vào bất động sản để bảo tồn giá trị tài sản, những người khác tìm đến ngoại tệ.

“Khi nào mọi người dân lại cảm thấy thoải mái khi sử dụng đồng Việt Nam, và không tiêu tốn năng lượng để đầu cơ vào những hoạt động phi sản xuất như mua bán vàng, thì khi đó chính phủ mới biết được là họ thành công” – một nhà kinh tế Việt Nam giấu tên cho biết.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://basam.info/2011/02/25/362-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1m-phat/

Nguyễn Nguyên Bình – Thư gửi anh Nguyễn Phú Trọng

Posted by truongthondlb1


TNc: Chị Nguyễn Nguyên Bình gửi đến trang TNc lá thư này nhờ công bố sau khi không thấy hồi âm. Với những ý kiến tâm huyết, xây dựng, TNc thấy cần phải cho lên trang nhà đẻ góp thêm tiếng nói với Tổng bí thư. Xin giới thiệu với bạn đọc chị Nguyễn Nguyên Bình là con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một cựu sinh viên đồng môn với TBT Nguyễn Phú Trọng.

Hà Nội ngày 03/02/2011.
Kính gửi: Anh Nguyễn Phú Trọng

Thưa anh,

Trong giờ phút đầu tiên của năm Tân Mão, tôi viết lá thư này. Theo phong tục xưa nay, đó là giờ khai bút thiêng liêng, vì vậy tôi mong được anh hiểu dưới đây là những lời tâm huyết nhất. Anh có ngạc nhiên vì tôi dám gọi ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội là “anh” hay không? Có thể anh đã từng biết tôi nhưng nay không còn nhớ nữa. Còn tôi thì vẫn biết ngày xưa anh học trên tôi 2 lớp ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khoa chúng ta sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, Bắc Thái. (lúc đó trường ta lấy bí danh là T104-BC11C, lớp anh là E3, lớp tôi là E1). Vì học sơ tán, “nội trú 100%” nên nói chung sinh viên cả khoa đều quen biết nhau, có xa lạ gì đâu (về sau chắc hẳn là có các anh chị thành đạt lớn, nhiều việc quan trọng nên quên những người bình thường như chúng tôi, điều đó cũng chẳng có gì lạ và chẳng đáng trách gì đâu anh ạ). Vì là đồng môn với nhau, chỉ kém anh vài tuổi nên tôi xin mạn phép vẫn gọi anh là anh như trước đây; tôi nghe nói anh không quan cách, vẫn giữ tác phong giản dị gần người, có tờ báo còn đưa tin đã có lần anh đi xe máy về dự hội trường Nguyễn Gia Thiều, thăm hỏi các thày, bạn rất chan hòa khiêm tốn, như vậy chắc chắn anh không khó chịu khi đọc thư của tôi với tư cách một người đồng môn.

Thưa anh Trọng,

Tôi xin chúc mừng anh giờ đây đã trở thành Tổng bí thư của Đảng, đồng thời vẫn còn là Chủ tịch Quốc hội. Thời điểm này thật là hiếm hoi và quý báu. Với hai chức vụ tối quan trọng này, anh có thể làm được, quyết được những việc cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của Đất nước chúng ta. Có thể anh sẽ nói nguyên tắc của Đảng là lãnh đạo tập thể, cá nhân người đứng đầu mà quyết những việc lớn thì sẽ trở thành “độc đoán”? Thực tế cho thấy, vai trò người chủ trì quan trọng lắm, nhất là những năm gần đây. (Ai cũng thấy, trong các phiên họp Quốc hội, người chủ trì có thể gạt bỏ hay chấp nhận cho Quốc hội bàn thảo, biểu quyết những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng).

Tôi thấy anh thực sự có những điều kiện mà người khác khó có được, ví dụ hiện nay trong dư luận, dù là lề phải hay lề trái, ta hay “địch” đều chưa có ai đưa tin rằng anh bị dính những chuyện nợ nần khuất tất với người nước ngoài để họ có thể ép anh phải làm trái với quyền lợi của dân tộc của đất nước. Vì vậy, anh có đủ tự tin và đàng hoàng lãnh đạo Đảng, Quốc hội để quyết định những việc đúng với lòng mong mỏi của Nhân dân mà chả sợ ai sẽ tung ra những điều “bí mật” gì ảnh hưởng đến thanh danh của mình. (Chỉ tội vừa qua, dư luận trên mạng internet đã đưa tin một nhân vật quyền thế to lắm, ông ta nói đại ý là người nước ngoài có âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư. Đó là một sự xúc phạm to lớn, theo tôi anh có thể và cần phải công khai xử lý việc này để toàn dân được yên tâm).

Một việc mà toàn dân đang mong nhất, mà anh cũng đã tuyên bố sau khi nhận chức Tổng bí thư là “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, anh coi đó là vấn đề “chiến lược”. Quá đúng! Phải chăng muốn đoàn kết thì phải có dân chủ, phải để Dân được mở miệng, phải quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề Dân thấy bức xúc và dư luận thắc mắc kéo dài như các vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên, vấn đề biển Đông, vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ở những địa điển có nguy cơ đối với an ninh quốc phòng (ở đây, tôi xin nhắc lại là cho thuê đất rừng 50 năm chứ không phải bán đất rừng như một số cử tri đã nói thiếu chính xác khiến anh đã phản ứng mạnh: “Hiện nay, các tỉnh cho thuê đất rừng theo luật chứ không có chuyện bán đất giá rẻ”). Thực tế, từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội vừa qua, vấn đề về cho thuê đất rừng đã không được lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát. Mặc dù, anh đã nói với cử tri là “Quốc hội sẽ lựa chọn những nội dung thích đáng để đưa vào chương trình giám sát”. Như vậy chẳng lẽ vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng kia vốn được đông đảo cử tri quan tâm lại là nội dung không “thích đáng” ư?…

Có nhiều ý kiến trong nhân dân và của các cán bộ cao cấp trong Đảng, trong quân đội đã nêu nguyện vọng muốn dân chủ hóa xã hội và đoàn kết toàn dân bằng cách trở lại với Hiến pháp năm 1946 do Bác Hồ trực tiếp cùng soạn thảo, hiến pháp đó cũng đã được toàn dân thừa nhận thông qua phúc quyết. liệu sự đúng – sai của các ý kiến đó có được Quốc hội, Đảng cho thảo luận và trưng cầu ý kiến toàn dân không? Tôi nghĩ nếu Dân được hỏi ý kiến, nếu ý kiến đa số đã tán thành các việc quan trọng của Đất nước rồi đem ra tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì đó là cách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hữu hiệu và thiết thực nhất!
Bác Hồ đã từng nói rất sâu và rất kỹ về lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân Việt Nam, vậy giờ đây ta có thể hiểu muốn đáp ứng lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân (thể hiện qua việc giữ gìn an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ – bao gồm cả lãnh hải -, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia) chính là một nội dung quan trọng nữa để thực hiện mục tiêu “phát huy sức mạnh đại đoàn kết Dân tộc” – mục tiêu này vốn cũng là mong muốn thiết tha của anh mà.

Anh Trọng ạ, một số điều tôi trình bày trên đây chẳng những là nguyện vọng của riêng tôi, một công dân, một cử tri (và cả là một cựu đảng viên), mà còn là nguyện vọng của nhiều bạn bè trong khoa Ngữ văn (thủa khoa ta còn sơ tán ở Vạn Thọ, Đại Từ – ngày nay chúng tôi thường gặp nhau) và của các thày cô giáo đáng kính của cả anh và tôi nữa đấy anh ạ.

Các thày cô dạy cả anh và tôi nay còn lại rất ít, chắc anh còn nhớ cô Sâm, cô Hạnh, thày Đính, thày Yên chứ? Các thày cô, dĩ nhiên rất lấy làm may mắn có một học trò là người làm to nhất nước. Khi nói chuyện với chúng tôi, các thày cô đều bày tỏ: “Mong Phú Trọng đừng làm gì khiến thày cô phải xấu hổ.” (Đáng tiếc khi tôi viết lá thư này cho anh thì thày Yên cũng vừa ra đi).

Thư đã qua dài, xin lỗi anh trước, nếu có ý gì khiến anh phật ý. Nhân dịp năm mới chúc anh luôn mạnh giỏi.

Kính
Nguyễn Nguyên Bình
(một người đồng môn)
Điện thoại: 04. 39781121

Chú thích: Lá thư trên tôi viết vào lúc giao thừa (Tết vừa qua) nhưng mãi đến ngày mùng 7 Tết mới mua được tem để gửi. Tôi chờ mãi đến nay không thấy ai hồi âm, dù chỉ là một cú điện thoại do thư ký của Tổng bí thư gọi lại (vì tôi đã ghi số điện thoại của mình trong thư mà). Tôi cho rằng thư của tôi đã bị thất lạc đâu đó trên dduwwofng nó đến tay Tổng bí thư. Vì thư không có nội dung gì riêng tư nên tôi muốn đưa lên mạng, hi vọng Tổng bí thư đọc được thư này từ trên mạng.

Nguồn: Trang nhà Trần Nhương

http://www.x-cafevn.org/node/1863

Thật đau lòng!

Posted on Tháng Hai 25, 2011 by truongthondlb1


B.S. Hồ Hải – Có phải chăng khi sở hữu chính trị được quy định độc quyền trong hiến pháp, thì các chính khách có quyền làm như thợ đụng, không có lộ trình khoa học, mọi sai lầm của chính khách không có ai chịu trách nhiệm, và lúc đó người dân chỉ biết than trời?…

Đầu tháng 6/2010 tôi có viết bài về giá xăng dầu của chúng ta đang cao hay thấp so với thế giới, với cái tựa: Khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên (1). Một phép tính so sánh giữa giá xăng dầu của ta và của Mỹ lúc ấy, thì giá xăng của ta cao hơn giá xăng của Mỹ ỡ tiểu bang đắt giá nhất nước Mỹ là California tới 4850VNĐ tương đương với 25cents USD thời giá lúc ấy. Trong đó, giá xăng nước Mỹ tại California đã có lãi cho doanh nghiệp và nhà nước là 12cents để cho việc xây dựng và tu bổ giao thông nước Mỹ rồi. Hơn thế nữa với thu nhập bình quân đầu người nước Mỹ lại cao gấp 30 lần so với ta. Nhưng hệ thống giao thông nước Mỹ lại là số 1 thế giới, trong khi của ta là ổ gà, ổ voi, lô cốt và ngập úng khi thuỷ triều lên, nhưng lại gọi là “triều cường. Giao thông nghẽn tắc vì thiếu tầm nhìn trong quy hoạch.

Sau một thời gian gắng gượng để không thể gượng được nữa vì sáng nay xem tin chào buổi sáng trên VTV1, thì Daklak không có dầu, xăng để bán cho nông dân trồng cà phê, tiêu, ca cao vì công ty xăng dầu miền Trung, là công ty chịu trách nhiệm đến 60% nhu cầu xăng dầu của tỉnh, không cung cấp đủ xăng dầu cho nông dân. Khi vào trang web của tỉnh Daklak thì thấy thông tin rằng 49 đại lý xăng dầu trong tỉnh ghim xăng dầu chờ tăng giá! Trong khi hạn hán sắp tới, ai đã từng sống ở Daklak, sẽ thấy rằng mùa tưới tiêu sau tết với cây cà phê rất cần thiết để cho ra sản lượng. Thật đau lòng cho nông dân.

10h sáng hôm nay bất ngờ thông báo tăng giá xăng dầu đến một tỷ lệ kịch trần trong lịch sử tăng giá xăng dầu từ trước đến nay. Với xăng A92 tăng 2.900/lít tương đương với 17.7% mỗi lít xăng. Còn với dầu Diesel tăng 3.550VNĐ/lít, tương đương với 24.1% mỗi lít. Dầu hoả thì tăng thêm 3.100VNĐ/lít, tương đương với tăng 20.5% mỗi lít. Lại thật đau lòng cho toàn dân.

Chỉ mới cách đây chưa đước nửa tháng chính phủ đã phá giá đống tiền cũng với một tỷ lệ chưa từng có trong lịch sử sau ngày cỡi trói. Sự phá giá đó đã làm cho chỉ số CPI tháng 02/2011 này tăng 2.09%. Nó góp phần làm tăng lạm phát chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011 lên đến con số 3.87%. Trong khi con số báo cáo của chính phủ trước Quốc hội cuối năm ngoái là sẽ giữ lạm phát năm 2011 này chỉ 7%. Như vậy chỉ mới 2 tháng đầu năm tốc độ lạm phát trong năm đã chiến hơn 50% chỉ tiêu mà chính phủ mong muốn. Cũng thật đau lòng cho chính phủ và quốc hội.

Qua câu chuyện tăng giá xăng dầu và phá giá đồng tiền trong đầu năm Tân Mão có mấy vấn đề cũng đau lòng không kém, cần phải phân tích để thấy cách điều hành tiền tệ và giá cả của các think tanks rất không khoa học:

Thứ nhất, khi tăng không ai tăng giật cục một tỷ lệ quá lớn như năm nay. Tăng cao như vậy, phản ứng của thị trường sẽ là sự trả đủa thực sự rõ ràng và cuối cùng là người dân nghèo và công nhân viên chức sống bằng lương – chỉ bằng một tô phở của các “đại gia” ăn trên ngồi trốc – sẽ gánh những sự thật trần trụi đau lòng và hậu quả khó lường.

Thứ hai, khi đã tăng xăng dầu hay phá giá đồng tiền cần phải tuyệt đối bí mật. Nhưng qua lần này, trước tết hầu hết ai cũng biết sẽ có sự phá giá đồng bạc. Nên sẽ làm cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ và xăng dầu vụ lợi trong việc này. Lại thêm cho tung ra 132 nghìn tỷ tiền mới trước tết cho các ngân hàng, với cái gọi là “đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân hàng”, để dẫn đến những hiện tượng ghim vàng, đô la và xăng dầu chờ ngày phá giá, tăng giá để hưởng lợi, và góp phần cho lạm phát kịch trần. Cuối cùng cũng chỉ có dân nghèo và công nhân viên lãnh hậu quả đau lòng, khi cầm đồng lương lãnh ra không biết tiêu ra sao để có thể tồn tại, mà không cần sống đúng nghĩa.

Thứ ba, đối với mỗi quốc gia, chiến lược làm giá xăng dầu và giá ô tô có khác nhau hòng kích thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giải quyết vấn đề giao thông phân phối và tiết kiệm trong chi tiêu.

Ví dụ như Singapore, một đảo quốc nhỏ chỉ bằng 1/3 Sài Gòn cả về diện tích và dân số, nhưng mật độ dân số của họ gấp rưởi của Sài Gòn. Nên họ có chiến lược tiết kiệm đất đai để không có nạn kẹt xe. Họ đưa ra chiến lược giá ô tô và xăng dầu cao gấp nhiều lần so với ta. Nhưng không vì thế mà làm một bài toán so sánh với ta như một bài báo đăng trên trang diễn đàn kinh tế.

Nếu thực sự đất nước chúng ta cần có chiến lược ấy, thì quốc hội và chính phủ phải soạn thảo ra hiến pháp và pháp luật qui định rõ ràng, chứ không nên làm việc tăng giá với một tỷ lệ kịch trần và giật cục như thế, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho dân rất đau lòng.

Thứ tư, không hiểu vì nguyên nhân gì, mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đầu năm Tân Mão mà có đến 3 cuộc tấn công của các bộ ngành nhà nước đẩy giá cả thị trường lâm vào cảnh khốn cùng. 11/02/2011 phá giá đồng tiền 9.3%. 24/02/2011 tăng giá nhiên liệu từ 17% đến 24%. và ngày 01/3/2011 tới đây tăng giá điện lên hơn 15%. Kiểu tăng như một dòng thác cuốn trôi tất cả. Lại thật đau lòng cho cả nhà nước lẫn dân đen.

Và cuối cùng là, khi chính phủ đã ra chủ trương họp khẩn đầu năm là chống lạm phát mạnh mẽ, với ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh động và thận trọng… Nhưng cái cách tăng giá xăng dầu như hôm nay là không hợp lý. Nếu muốn chống lạm phát, thì chính phủ phải có lộ trình tăng giá xăng dầu cụ thể hơn. Cụ thể, nếu ai sử dụng phương tiện giao thông cho việc chuyên chở hàng hoá và hành khách thì được mua giá xăng dầu cũ. Nếu các phương tiện giao thông dành cho di chuyển đi làm riêng của bản thân, đi du lịch, v.v… thì phải chịu giá tăng xăng dầu như đãtăng. Chỉ có như thế thì giá hàng hóa nhu yếu phẩm hằng ngày mới không tăng giá. Và lạm phát mới được kềm chế.

Trong khi đó, tất cả các động thái sau tết nguyên đán của nhà nước là luôn như thợ đụng, mà không có lộ trình một cách khoa học cho việc đại sự quốc gia.

Lẽ ra chính phủ phải đưa ra giải pháp buộc các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước phải bán USD cho ngân hàng trước khi đưa ra biện pháp có nên phá giá đồng Việt Nam vì thiếu hụt ngoại tệ hay không? Nhưng chính phủ lại quyết định ngược là phá giá đồng tiền trước, rồi sau khi phá giá vẫn không có khả năng kềm chế giá USD leo thang, thì lúc đó, hôm nay mới ra quyết định buộc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các nguồn ngoại tệ cho ngân hàng. Một cách làm không khoa học và thợ nhiều hơn thầy. Với cách làm việc này thì hậu quả sẽ do ai chịu? Thật đau lòng cho chính phủ.

Đã thế, do cách làm không khoa học, hôm nay chính phủ lại ra một quyết định trở về thời kỳ bao cấp là cấm thị trường tự do buôn bán vàng miếng. Tiến tới trên thị trường không còn sử dụng, buôn bán vàng miếng. Thật đáng buồn. Sau hơn 20 năm cỡi trói, hôm nay lại quay về chỗ cũ. Cái chỗ mà cách đây 21 năm những Quốc phụ nước Việt đã công nhận mình sai.

Có phải chăng khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên, thì chính các tổ chức kinh tài độc quyền ấy đủ mạnh để quyết định dùm cho các chính khách vì lợi nhuận của riêng họ?

Có phải chăng khi sở hữu chính trị được quy định độc quyền trong hiến pháp, thì các chính khách có quyền làm như thợ đụng, không có lộ trình khoa học, mọi sai lầm của chính khách không có ai chịu trách nhiệm, và lúc đó người dân chỉ biết than trời?

Thật đau lòng,

Tư gia, 21h49′, ngày 24/02/2011

http://bshohai.blogspot.com/2011/02/that-au-long.html