Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Hiểu rõ hơn về cách mạng Hoa Nhài

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Quang Minh (Chungta.com) - Các chế độ Ben Ali tại Tunisia và Hosni Mubarak tại Ai Cập vì sao sụp đổ? Có phải người dân chỉ đòi cơm ăn áo mặc, việc làm hay còn gì sâu xa hơn? Có phải nước ngoài nhúng tay xúi giục người dân các nước, cho tiền họ để họ phản đối lật đổ chính phủ? Hệ quả lan tỏa của hương hoa nhài đến đâu? Những câu hỏi cứ dồn dập buộc chúng ta suy nghĩ sâu hơn. Chungta.com mời triết gia, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức cùng trò chuyện về các cuộc cách mạng vừa diễn ra.

Bùi Quang Minh: Ông đánh giá gì về diễn biến cách mạng (revolution) Tunisia và Ai Cập vừa qua? Một số người cho là chính biến/ nổi loạn (revolt), một số cho là cách mạng (revolution). Ý kiến của ông là như thế nào?

Nguyễn Hoàng Đức: Chính chủ nghĩa Marx Lenin đã nói: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đây có thể được xem như là một hiện tượng – biểu tượng được đồng nhất giữa các nhà lý luận CNXH và CNTB. Cụ thể hơn, một số chuyên gia tư bản cho rằng, chỉ có những cá nhân xuất sắc mới làm nên lịch sử hay làm nên những cuộc cách mạng. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa Marx lại coi rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cả hai bên dù coi nặng cá nhân hay coi nặng vai trò quần chúng thì đều phải tiến đến một chung kết rằng sự diễn ra một cuộc cách mạng làm rung chuyển toàn xã hội nguyên nhân có thể khởi đầu từ hạt nhân là vài cá nhân nào đó, nhưng nó phải được biểu hiện bằng xã hội với đông đảo quần chúng. Đấy là điểm có tính học thuật.

Nhưng người Việt và người phương Đông nói chung từ lâu đã cho rằng, nhân dân là nước, nước đẩy thuyền đi nước cũng làm lật thuyền. Người Việt còn có một câu rất giản dị, nước nổi lo chi bèo chẳng nổi. Một dân tộc một quốc gia chính là nước có tầm vóc đại phổ thông. Mà khi nước đó nổi thì những cá nhân hay tổ chức chỉ là những cánh bèo nổi lên theo (hoặc chìm xuống theo).

Trong phương ngôn nổi tiếng “Quốc phá, sơn hà tại”, Quốc là quốc gia dù mang tên gọi của thể chế nào đó có thể nhú lên tàn phá hay diệt vong, nhưng sơn hà vẫn luôn luôn còn đấy. Sơn hà đây cũng được hiểu là nhân dân. Cho nên thuật ngữ trên có thể nói là: Dù Quốc có phá, nhân dân vẫn tồn tại.

Người ta luôn luôn nói một câu như một chân lý xuyên suốt rằng: Thời gian sẽ kiểm nghiệm. Thời gian ở đây là gì? Đó chính là lịch sử hiện đại! Đó chính là nhân dân. Bởi vì cá nhân này hay cá nhân kia, học thuyết này hay học thuyết khác có thể sai, nhưng nhân dân là cái vĩnh cửu hoặc cái chí ít ra còn lại sau cùng luôn luôn là người phán xử chung kết. (đồng nghĩa với thời gian).





Từ những quan điểm trên chúng ta có thể nhìn nhận tình hình Tunisia và Ai Cập. Tại sao vũ trụ này với trời đất, càn khôn hệ mặt trời còn tồn tại hệ vận động? Chúng ta biết rằng trái đất này xoay quanh mình nói 24 giờ mỗi ngày 365 ngày mỗi năm, luân hồi qua xuân hạ thu đông… cuộc sống tồn tại, mỗi đêm thức dậy chúng ta lại nhìn thấy bình minh và qua buổi trưa chúng ta lại được đón một hoàng hôn đầy xao xuyến. Vũ trụ tối kỵ nhất sự bất dịch ù lỳ, tất cả sự ù lỳ đều tạo ra sự ứ đọng, mốc thếch, sự ngưng nghỉ và cũng là diệt vong. Chính thế mà ở rất nhiều nơi trên thế giới (cả chính chúng ta) đã từng có khẩu hiệu: Đổi mới hay là chết!, Cách mạng hay là chết! Có nhiều chuyên gia đưa ra những lý do cho cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai cập như nạn độc tài, cửa quyền hay tham nhũng… còn tôi thấy rõ một nguyên nhân bao trùm lên những nguyên nhân: Nhân dân khát khao một bầu không khí đổi mới, giống như người ta khao khát một môi trường mở rộng, tinh khôi trong cuộc sống. Chế độ độc tài quản trị tất cả mọi lĩnh vực là một thứ gia đình trị biến tướng, giống như Từ Hy Thái Hậu nói thiên hạ là của nhà Thanh, đã biến toàn thể nhân dân và xã hội thành một gia đình biến tướng nối dài của mình. Nhân dân khao khát Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng, như được sống trong một vườn hoa rực rỡ, mọi sắc hoa, mọi hương hoa. Cho nên người ta đã ào ra đường quàng tay theo những cô vợ yếu đuối, mảnh dẻ và bồng trên vai những đứa trẻ thơ miệng cười rạng rỡ. Tôi lại nhớ tới câu nói của Các Mác: Cách mạng là ngày hội của quần chúng.

Qua số tiền mà Hosin Mubarak tham nhũng khoảng 70 tỷ USD của dân tộc hơn dăm chục triệu dân chúng ta thấy một mình ông ta có số tiền hơn toàn dân cộng lại, như vậy có thể coi rằng ông ta và gia đình, vợ con của mình đã tiêu tiền hộ toàn dân, đã sống hộ toàn dân, đã hít thở không khí của toàn dân… Mà mọi người đã xổ tung ra đường như đã xổ tung ngôi nhà gia đình trị quá trật hẹp, đã tước đoạt và “sống hộ” quyền sống của cá nhân mỗi người. Mà chúng ta biết ở đời, không ai sống hộ được ai cả. Anh không thể ăn hộ tôi, anh ăn mà tôi không thấy no. Anh không thể yêu hộ tôi, anh yêu mà tôi thấy sung sướng. Và anh cũng không thể làm công tác vệ sinh thay hộ tôi được. Cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã bùng ra một vườn hoa thay vì bông hoa Ali và Mubarak, người ta đã được trở thành rừng hoa của Tunisia và Ai Cập.





Bùi Quang Minh: Vâng, vai trò của cá nhân là dẫn dắt cách mạng, còn vai trò của quần chúng là sức mạnh của cách mạng. Đó là quan điểm biện chứng nhất.

Tôi cũng cho rằng đây không phải là chính biến bạo lực của một nhóm nhỏ chính trị nào đó nhằm cướp chính quyền. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân biểu tình trong hòa bình đòi phế truất chính quyền độc tài. Nhà độc tài và gia đình họ không chỉ tham nhũng hàng chục tỷ USD, không chỉ lạm quyền để vơ vét tài sản quốc gia, nhũng nhiễu các nhà đầu tư và dân, mà còn lũng đoạn sự thật, thông tin, công lý cũng như đẩy đông đảo người dân vào trạng thái thiếu tự do, bằng mọi biện pháp để họ không thực hiện được đầy đủ quyền công dân. Sự tha hóa tuyệt đối của những nhà chính trị nắm giữ quyền lực tuyệt đối chính là nguồn gốc của sự tù túng, tăm tối, dẫn tới bất ổn, thúc đẩy đòi hỏi phải thay đổi, đã thổi bùng nên cách mạng như vừa qua. Chính phủ của Ben Ali, Hosni Mubarak không giải quyết các vấn đề của nhân dân, họ không có cơ hội tồn tại tiếp.

Nguyễn Hoàng Đức: Đó hoàn toàn là tình thế hợp lý cho một cuộc cách mạng. Hãy xem lại những gì ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam hay Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng được đặt nền móng bằng sự khẳng định lại Quyền của con người như quyền được nở hoa và Sự vi phạm chúng có hệ thống của các chế độ cũ (thực dân Pháp hay triều đình Anh) – kìm hãm không cho hoa nở. Chế độ cũ đó sẽ không có cơ hội tiếp tục tồn tại!



Tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trích): Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.







Ngày 4/7/1776, hội nghị Lục địa lần 2 chính thức tuyên bố nền độc lập và thành lập Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Bản Tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson tuyên bố hành động xóa bỏ vương quyền, quốc hội và người Anh. Nó đặt nền tảng chính nghĩa cho cuộc cách mạng bằng sự thật hiển nhiên về con người.

Bản Tuyên ngôn nhắc đến những quyền không thể bị tước đoạt của con người và để bảo vệ quyền đó, người ta phải tổ chức chính phủ và chính phủ ấy phải thi hành các quyền lực do nhân dân đồng thuận và giao phó. Khi một chính phủ không còn tôn trọng quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân có bổn phận thay đổi chính phủ ấy, hoặc hủy bỏ nó để thay vào một chính phủ mới…

Bản Tuyên ngôn Độc lập là chiến thắng của người Mỹ tại các tiểu bang đối với đế quốc Anh, vương triều Anh hùng mạnh.

Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ:

“Ông ta – tức Vua nước Anh – đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp và cần thiết nhất đối với lợi ích công chúng.

Ông ta đã triệu họp ác cơ quan lập pháp ở những điểm không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ trương của ông ta.

Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau đây:

- Cho phép những đội quân có vũ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta

- Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực khác trên thế giới

- Tước đoạt hiến chương của chúng ta, hủy bỏ những bộ luật giá trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của chúng ta.

- Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp

Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.

Tóm lại, một ông Hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người của một dân tộc tự do
…”



Bùi Quang Minh: Nhưng anh có ý kiến gì khi một số người cho rằng, Thế lực xấu nào đó xúi giục dân, làm cho họ dùng bạo lực/ đập phá gây mất trật tự xã hội và chưa chắc kết quả này làm cho nhân dân sống tốt hơn?

Nguyễn Hoàng Đức: Có một phương ngôn rằng: Kẻ khôn nó đi một mình, thì không ai lừa được. Nhưng khi chúng tập trung lại thì rất dễ bị lừa. Ngược lại, kẻ dại đi một mình rất dễ bị lừa, nhưng khi họ tập trung lại thì không ai lừa được. Tại sao vậy? Vì kẻ khôn đi 1 mình thì nó tự tin, nhưng khi tập trung lại thì chúng chủ quan nên dễ bị lừa. Còn kẻ dại khi đi xé lẻ dễ bị lừa, nhưng khi tập trung họ lại họ trở thành một khối khôn ngoan không dễ bị lừa. Người Việt có 1 câu tương tự “Nó lú nhưng chú nó khôn”, nghĩa là người ta có thể coi thường cá nhân nào dại nhưng đừng coi thường gia đình nó bởi vì gia đình nó có đủ cả kẻ khôn lẫn người dại sẽ không dễ bị qua mặt.

Nhân dân là gì? Đơn giản như ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng có nhà và đều muốn ngôi nhà của mình đứng vững. Ngôi nhà muốn đứng vững thì nó phải xây dựng chắc chắn. Quốc gia là một ngôi nhà to hơn bao trùm lên những ngôi nhà con và nhân dân hoàn toàn dự hưởng được ngôi nhà nào đang lung lay sẽ sụp đổ lên nhà mình. Và trí tuệ khi muốn xây lại nhà của họ là một trí tuệ chính đáng nhất. Nếu Mubarak và Ben Ali lên ngôi từ mới hôm qua đã bị xúi giục ám sát hay gây sụp đổ thì chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản quần chúng nhẹ dạ bị xúi giục, nhưng thời gian cầm quyền của Ben Ali và Mubarak nếu coi 10 năm là thế hệ của tuổi trẻ thì họ đã cầm quyền sình lầy và ứ đọng dăm bảy thế hệ rồi.

Tóm lại, họ chính là sự ách tắc của quốc gia và lịch sử. Cái xấu của họ là đội sổ cuối cùng mà bất kỳ sự chữa bệnh nào kể cả của lang vườn đều tốt hơn duy trì sự tồn tại của căn bệnh đó. Chúng ta nên nhớ, thuốc đắng dã tật, mọi cuộc mổ xẻ đều gây đau đớn nhưng như triết gia Socrate đã nói người bệnh nhìn thấy thuốc đắng mà hạnh phúc chứ không phải kẻ có bệnh bị lờ đi là hạnh phúc. Tunisia và Ai Cập đã tự trị liệu căn bệnh của mình. Nếu có 1 cái gì là thế lực bên ngoài chỉ là những người đem đến tí củi, tí dầu, viên thuốc mà không bao giờ là lực lượng quyết định “con bệnh bị giải phẫu”. Bởi vì, nếu việc can thiệp mà làm được thì những thế lực kia họ làm từ lâu rồi chứ không phải vào lúc giải phẫu này.

Người Việt có câu: “Nhà có mối mọt (cột kèo ngả nghiêng xiêu vẹo do bất chính) chỉ cần hẩy nhẹ là đổ”. Khi đó thì đừng trách người gẩy nhẹ, mà hãy trách chủ nhân làm nhà có cột kèo xiêu vẹo, mối mọt.

Bùi Quang Minh: Vâng tôi đồng tình với anh. Đó là thái độ cảnh giác, thận trọng trước mọi mưu đồ xấu xa, đôi khi quá đà lại thành đi theo Thuyết Âm mưu là: đằng sau mọi chuyện đều có âm mưu của thế lực đen tối nào đó. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng: lãnh đạo của họ tài giỏi, nhưng kẻ nào đó ở nước ngoài đứng đằng sau kích động xúi giục người dân nổi loạn để lật đổ chế độ, dựng nên các chế độ thân phương Tây còn lãnh đạo tài giỏi của họ duy nhất bị xét xử, đông đảo nhân dân tiếp tục sống trong u mê, dễ bị giật dây (?). Một cách nghĩ tương xứng, tôi cũng theo Thuyết Âm mưu và có giả thuyết khác rằng: Ai đó đứng đằng sau chế độ độc tài, giật dây nhà độc tài bòn rút tài sản quốc gia, bóp méo công lý, đàn áp các lực lượng trong xã hội làm cho xã hội đầy rẫy những bất công, người dân lâm vào cùng cực… Và thực tế là, tôi chỉ thấy người ta đã xử tử những kẻ độc tài, tham nhũng và những kẻ đã ra lệnh bắn vào nhân dân. Mọi tội ác đã xảy ra đều phải bị trừng trị! Có nghĩa là hãy nhìn vào thực tế để loại bỏ các giả thuyết ly kì!

Nhưng theo ông nhân dân Tunisia, Ai Cập chống lại các cá nhân độc tài hay còn nhằm đạt được gì khác?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi cho rằng câu hỏi của bạn quá sai. Bản thân Ali và Mubarak cũng giống như Từ Hy Thái Hậu xưa là 1 bà lọm khọm vớ vẩn không đáng để người dân chống mình. Trong phim Cộng Hòa, khi Từ Hy Thái Hậu chạy nạn, già lọm khọm, chỉ cần đứa đầy tớ gái xô nhẹ 1 cái bà ta sẽ ngã xuống vực chết liền. Nhưng đã không ai làm thế cả, mặc dù tất cả đều căm ghét bà ta, tại sao? Bởi vì không một người nào dại dột đến mức đánh đổi nhân cách, đạo đức và ân phúc của mình lấy mạng sống của một bà già. Sẽ không thỏa đáng khi cho rằng dân tộc Tunisia, Ai Cập đông hàng trăm triệu người lại phải chống lại một Ali và Mubarak bằng chứng rõ ràng rằng họ đã xuống đường cách mạng tay không chỉ để bày tỏ thái độ muốn mở tung cánh cửa ra, để hít thở không khí của mình. Việc xổ tung cánh cửa o bế, tù hãm để được hít thở không khí mát mẻ tinh khôi không bao giờ đồng nghĩa với việc chống lại cá nhân A hay B. Vì để chống lại cá nhân A hay B thì chỉ cần một nhóm lật đổ hay đánh bom liều chết là giải quyết được cá nhân A hay B rồi. Việc những ông chồng xuống phố kéo theo cả vợ con trên tinh thần hoan hỉ thể hiện rõ rằng họ khao khát một cuộc chuyển mùa xã hội giống như vũ trụ làm mới mỗi mùa xuân.



Bùi Quang Minh: Cá nhân khi có nhiều quyền lực trong tay có thể gây hại rất lớn. Vậy thì, không chống một mình cá nhân nào thì cuộc cách mạng chống lại tập thể/ nhóm người nào theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi xin trả lời kỹ về việc này. Một số người bị o bế, trong một ngôi nhà thiếu khí nào đó, khao khát – giống như bản năng sống của họ – giống như bản năng sống của mọi động vật (con chim sống ở trong lồng), họ muốn xổ tung cửa ra để hít thở không khí mới, những kẻ giam họ lại hô lên: Mày chống lại tao? Nhưng chúng ta nên hiểu, không có cá nhân nào đủ cao thượng đến mức cả dân tộc xuống đường với vợ con ở bên mình bất chấp cái giá phải trả có thể hy sinh cả nhà để chống lại cá nhân đó. Người Anh có câu: Trò chơi không xứng đáng một ngọn nến. Mỗi cá nhân chỉ là con kiến của một dân tộc không đến để cả dân tộc thắp nến đi tìm nó. Cái nhân dân khao khát là một nguyên lý sống, một đời sống mới, và chỉ sống trong công lý mới người ta mới hạnh phúc. Người ta đẩy cửa ra để đòi không khí mới, không phải chống ai cả. Người ta đòi công lý, sống có công lý cũng chẳng nghĩa là để chống ai. Còn những kẻ phi lý tự nhiên chúng ngược với công lý và chúng muốn quy tội những người muốn công lý là kẻ chống lại chúng.

Bùi Quang Minh: Trong lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ hay sự kiện Bức tường Béc Lin đã từng là những biểu tượng gây bùng nổ và thắng lợi các cuộc cách mạng Giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng tại Đông Âu. Vậy theo ông liệu hai rừng hoa Tunisia và Ai Cập có tỏa hương khắp thế giới hay không? Nói tóm lại nó có mang theo hiệu ứng domino không theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Cuộc cách mạng này đang có dấu hiệu lan rộng: Bắc Phi: Libya, Algérie, Maroc; Trung Đông: Syria, Bahrain, Jordani, Yemen, Liban, Iran… và đang có dấu hiệu xuất khẩu cả sang châu Á. Cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập phải được xem là phép lạ không phải từ trời rơi xuống không phải thần kỳ từ đá chui lên mà nó kỳ diệu ở chỗ nó là những hạt giống ở những nơi sỏi đá nhất đã trổ sinh những bông hoa Cộng Hòa. Nhà nước theo triết gia John Stuart Mill trong cuốn Bàn về Tự do chỉ xuất hiện trong lịch sử hiện đại khi nhà nước đó bao hàm nhân dân. Còn toàn bộ chiều dọc của lịch sử, nhà nước phong kiến chỉ là một gia đình to, gia đình trị kéo dài, không đáng là một nhà nước. Một nhà nước nói toẹt như Từ Hy Thái Hậu, thiên hạ là của nhà Thanh.

Nhà nước theo nghĩa kinh điển đặc biệt nhà nước đại nghị Cộng Hòa chỉ xuất hiện với nghị viện Aten-Hy Lạp, Cộng hòa La Mã, Quân chủ Lập hiến Anh, và Cộng hòa Pháp…



Nhà nước cộng hoà dân chủ chủ nô Aten – chính thể Cộng hòa đầu tiên của nhân loại,
thế kỷ 6 TCN



Họp nghị viện Cộng hòa La Mã (Nhà nước ra đời sau khi lật đổ chế độ quân chủ,
thế kỷ 5 TCN)

Cách mạng Pháp nhìn kỹ lại chúng ta thấy nó không chỉ là niềm tự hào còn là nỗi xấu hổ. Tại sao? Chẳng hạn nước Anh khi họ ý thức được phải thực hiện nền cộng hòa, họ đã tự giác chuyển biến sang Quân chủ lập hiến. Nhưng người Pháp không làm được vậy, đã phải xuống đường đổ máu khốc liệt với ngục Bastille để đạp đổ chế độ phong kiến vua chúa, đổi lấy chế độ cộng hòa.



Nghị viện Anh họp (Nhà nước quân chủ lập hiến Anh lập năm 1689, năm thông qua đạo luật Declaration of Rights – hiến pháp bất thành văn Vương quốc Anh)



Cách mạng Pháp (Nhà nước cộng hòa Pháp hình thành năm 1789,
sau khi lật đổ chế độ quân chủ và tăng lữ)

Cách mạng, nhà nước cộng hòa, nhân dân, dân chủ chỉ là những khái niệm chỉ dành cho người da trắng như đã nói bên trên còn những nước châu Phi, châu Á da đen, da vàng là những nước nhiễm nặng từ trong truyền thống và máu thịt trong chủng tộc và nòi giống chế độ phong kiến cha truyền con nối cho nên họ chưa bao giờ có cái gọi là Nhà nước đúng nghĩa càng chưa có lịch sử xây dựng nhà nước cộng hòa đúng nghĩa. Cũng chưa thể có cái gọi là nhân dân đúng nghĩa – là những công dân lập hiến (Chúng ta chỉ có những thảo dân sợ sệt vua chúa, dám ăn dám nói những ý kiến của mình mà không sợ phạm húy. Từ xa xưa nói phạm chữ húy của vua quan và vợ con vương gia đều có thể bị tội chết). Chính vì thế mà cuộc cách mạng đòi dân chủ cộng hòa và lập hiến ở Tunisia và Ai Cập là phép lạ trong phẩm chất của những người da màu.

Một hạt men sẽ làm dậy cả đống men, không cách gì hạt men này không lên men ở nơi khác cả. Người Việt có câu, mẻ không ăn cũng chết, hiểu theo nghĩa rằng, ở đâu chưa có men mà có cơm nguội thì men cũng mò đến. Vì thế, hiệu ứng domino tất cũng xảy ra nhưng lan theo “giới tuyến của cơm nguội”. (Nghĩa là ở đâu có men và tốt đẹp rồi thì hiệu ứng domino không xảy ra)

Bùi Quang Minh: Tunisia và Ai Cập đều từ giữa thế kỷ 20 đã là nước Cộng hòa (Cộng hòa Tunisia, Cộng hòa Ả rập Ai Cập), còn đảng cầm quyền đã mang tên là Đảng Dân chủ (Đảng Dân chủ Quốc gia Ai Cập, Tập hợp dân chủ Hiến pháp Tunisia). Vậy theo ông cuộc cách mạng hiện nay được xem bản chất là gì (cuộc cách mạng Cộng hòa hay là cuộc cách mạng Lập nước)?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đã trình bày ở bên trên với bạn, chỉ có vài nơi trên thế giới có nhà nước và lịch sử xây dựng Nhà nước đúng nghĩa mà họ thuộc về những người da trắng, dân trí cao, còn cái gọi là Nhà nước Cộng hòa đã trải khắp trên thế giới là “hàng nhập khẩu”, đối với một số nước dân trí cao họ coi “hàng nhập khẩu” như thế là giá trị và thiết thực và họ biến hình thức nhà nước cộng hòa thành nội dung nhà nước cộng hòa.

Còn ở rất nhiều nơi Nhà nước cộng hòa chỉ là một danh hiệu biến tướng, giả cầy treo đầu dê bán thịt chó để che đậy quyền lực của một số cá nhân và một nhóm người. Tên nhà nước Cộng hòa không ăn nhập gì với nội dung nhà nước Cộng hòa. Thậm chí ở những nước này, cái nhà nước cộng hòa đó không thiết lập bất cứ thể chế nào để “Cộng hòa hóa” cả.

Bùi Quang Minh: Tôi đồng ý với ý kiến này. Tunisia trở thành nước Cộng hòa năm 1956 từ tay thực dân Pháp, Cộng hòa Ả rập Ai Cập trở thành nước Cộng hòa năm 1953 từ sau một cuộc đảo chính quân sự, quân Anh rút hẳn khỏi quốc gia này năm 1956. Cộng Hòa mới chỉ là ở tên gọi, ở ý nguyện trở thành nhà nước như vậy. Việc thực hành Nhà nước Cộng hòa đến nay đã bộc lộ những sai lầm. Tôi cho rằng những cuộc cách mạng đang diễn ra sẽ nằm ở các nước thế giới thứ ba như ở châu Á, châu Phi là dịp để nhân dân kiểm soát, siết lại cái thể chế gọi là Cộng hòa của mình. Đi xa hơn nữa nếu họ kiểm soát được hiện tượng lạm quyền/lộng hành, mở rộng được quyền tự do cho con người thì ta có thể gọi chúng với tên gọi Cách mạng Dân chủ Nhân dân 2.0. Còn các Đảng tên gọi là Dân chủ lại không hoạt động theo lý tưởng Dân chủ hóa, còn là nơi ẩn nấp của các kẻ độc tài.

Qua những sự kiện này chúng ta có thể rút ra bài học gì thưa ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Bài học thứ nhất, tôi vẫn nhắc lại bài học kinh điển của lịch sử, thuộc về 2 cường quốc văn minh Anh và Pháp. Người Anh do ý thức được Cộng hòa đại nghị đã tự giác biến chuyển thành quân chủ lập hiến và đã tránh được những cuộc bạo loạn. Người Pháp lại không tự giác làm được việc này nên đã có rất nhiều cuộc xuống đường đẫm máu xảy ra.

Bài học thứ hai, cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập được gọi là cuộc cách mạng Hoa Nhài mới đây thêm một lần nữa ta lại ngước mắt chiêm ngưỡng bài học của thánh Mahandar Gandhi về Bất bạo động. Nhân dân đòi công lý, công lý đó được thể chế bằng pháp lý, để giúp họ lập hiến ra một quốc gia có pháp luật, mong được sống công bằng và hạnh phúc. Nhân dân đòi quyền sống nhưng không nên đòi sự tàn sát (giải quyết nhanh để tồn đọng lại những hậu quả hằn thù dai dẳng của thế lực hay cá nhân. Cái thiết yếu là nhân dân muốn công lý và hiến pháp. Và người ta đã theo đuổi việc đó một cách hòa bình thuần khiết. Và cuộc cách mạng đã chiến thắng vẻ vang như lòng nhân ái của con người đã chiến thắng. Tôi cho rằng đây là một kỳ tích mà lịch sử chưa bao giờ có được, như chúng ta đã kể ra bên trên từ Dân chủ Aten đến Cộng hòa La mã, đến nghị viện Anh và Pháp, rõ ràng kiến trúc thượng tầng của Cộng hòa chưa bao giờ nở hoa tự giác trong lòng các quốc gia da màu, các nước thế giới thứ ba.

Cả hai bài học trên dù là của người da trắng đến sớm hay của người da màu đến muộn đều cho chúng ta nhân dân đang kiên nhẫn đòi hỏi một yêu cầu thuần khiết về môi trường sống của mình được thiết lập thành quốc gia: Quốc gia lập hiến là môi trường sống cao nhất cho con người đã được chứng kiến trước kia và ngay nhãn tiền!

Bùi Quang Minh: Nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã từng có hiến pháp, luật pháp thì có phải họ đã là nhà nước pháp quyền và cuộc sống theo công lý chưa?

Nguyễn Hoàng Đức: Phải phân biệt 2 điều về Quốc gia pháp quyền: một là tự giác pháp quyền với dân trí đã chín muồi của nhân dân; hai là quốc gia pháp quyền đó chỉ là “hàng nhập khẩu” trong khi nhân dân chẳng tự ý thức gì cả, trái lại còn bị một nhóm lãnh đạo cầm quyền thao túng và lợi dụng, thậm chí che mắt quyền lập hiến của mọi người.

Bùi Quang Minh: Vâng, tôi đồng ý với ông. Và cũng có một số rất ít nước da vàng (châu Á) khi họ có ý thức và tinh thần dân tộc, họ sớm học hỏi “công nghệ lập và quản lý Nhà nước”, sử dụng hết sức thành công “công nghệ nhập khẩu”, như Nhật Bản, Singapore.

Các nhà khai quốc của chúng ta như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thuộc “Thế hệ vàng” thuở lập quốc cũng đã sang tận Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… để học hỏi những điều hay của phương Tây về để thực hành cách mạng và xây dựng Nhà nước.

Nhưng cũng như các nước thế giới thứ ba khác, Việt Nam còn tụt hậu so với Nhật Bản, Singapore rất nhiều trong việc hoàn thiện thể chế nhà nước Cộng hòa của mình.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi nói chuyện thú vị hôm nay.

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Hieu_ro_hon_ve_cach_mang_hoa_nhai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét