Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

KIẾP SỐNG CỦA CÁC CHÚ CÁ HỒI ĐẠI DƯƠNG

Tin bên lề: Báo Thanh Niên, số ra ngày 4 tháng 1 năm 2011, hớn hở đi tin: “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), VN đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Dự báo năm 2011, lượng kiều hối chuyển về VN sẽ tăng thêm 6,2%. Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, 2010 là một năm thắng lợi của kiều hối khi đạt được mức cao nhất trong các năm qua.

”Trước hết, để tránh mọi ngộ nhận, xin nói ngay rằng đây là chuyện của cá hồi, và chỉ riêng có cá hồi mà thôi. Nói theo tiếng Mỹ là cá hồi only. Chớ còn cá chim, cá chuồn, cá chép, cá lóc, cá lạt, cá lìm kìm, cá mập, cá mú, cá măng, cá cơm, cá cam, cá cờ, cá trê, cá trích, cá trẻm, cá heo, cá hương, cá hố, cá lù đù, cá lìm kìm, cá lia thia, cá đổng, cá đối, cá đèn cầy, cá bè, cá bẹ, cá bống – bất kể là bống kèo hay bống đá – hoặc bất cứ một loại cá thổ tả nào khác đều hoàn toàn (và tuyệt đối) không có dính dáng gì tới vụ này.
Cá hồi sinh ở sông nhưng phần lớn thời gian sống ở biển. Ðặc điểm của loài cá này là dù có rong chơi phiêu du ở chân trời góc biển nào chăng nữa, thế nào cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh nở. Cá hồi Thái Bình Dương (Pacific salmon), sau khi từ giã nếp sống hải hồ, sẽ không bao giờ trở lại biển cả nữa. Lý do giản dị chỉ vì chúng sẽ chết sau khi đẻ và cho thụ tinh lứa trứng đầu tiên.
Cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon) thì khác. Chúng có thể đi đi về về từ sông ra biển và ngược lại nhiều lần mà không hề do dự hay nao núng, dù khoảng cách phải vượt qua có thể dài đến hàng ngàn dặm, với vô số khó khăn và chướng ngại.
Bản năng về nguồn của cá hồi, tất nhiên, đã được loài người ghi nhận và khai thác từ lâu. Riêng người Nhật, dân tộc đứng thứ nhì về kỹ nghệ cá hồi, vẫn đều đặn sản xuất ra thị trường mỗi năm cỡ một trăm ba mươi ngàn tấn.
Xét về số lượng, mức sản xuất của người Nhật không hơn người Nga bao nhiêu và thua xa người Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mà dân Nhật bắt cá hồi mới là điều cần cần phải được lưu tâm và học hỏi.
Họ thiết lập nhà máy đóng hộp cá hồi ngay ở ven sông. Cũng chính nơi đây cá được nuôi nấng, đẻ trứng, thụ tinh để mỗi cặp sẽ cho từ hai đến mười ngàn chú cá hồi con ra đời. Sau đó, chúng sẽ được cho phiêu lưu vào đại dương, để bắt đầu cuộc đời “tha phương cầu thực.”
Tùy theo từng loại, cá hồi sẽ sống ở biển từ sáu tháng đến năm năm. Nhờ vào khả năng “cảm” được từ trường của lòng đất và sự chuyển động của hải lưu, nó sẽ tìm được về chốn cũ. Khi vào gần đến bờ, giác quan đặc biệt của loài cá này giúp chúng nhớ được đúng hương vị quê nhà – tức sông xưa bến cũ – và cứ theo đó mà lần về nguồn cội, đến tận nơi sinh nở.
Người ta đặt sẵn nhiều dụng cụ từ cửa sông để giúp cho cá hồi dễ dàng và mau chóng vào đến nhà máy. Tại đây, họ sẽ tạo ra một loại chướng ngại vật giả khiến chúng phải phóng lên cao và khi rơi xuống thì rớt ngay vào một mạng lưới di động. Màng luới này chuyển động không ngừng, qua nhiều khâu chế biến, để đưa cá từ sông vào… hộp!
Nói tóm lại là người Nhật thả cá hồi con ra biển, theo kiểu “đem con bỏ chợ,” để biển cả nuôi nấng. Rồi khi chúng theo bản năng trở về, họ dụ cho cá vào nhà máy để đóng hộp, và mang bán…

Hiện nay một số quốc gia đang học theo cách của Nhật Bản nuôi cá hồi: tìm cách tác động, o ép, bóp hầu bóp cổ dân... để dân khó sống trong nước, tìm cách vượt biên trái phép ra nước ngoài để phấn đấu trở thành các loại " kiều " yêu nước ?!

NGƯỜI VIỆT NAM NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRANH TRUNG-VIỆT

Vương Cẩm Tư (Trung Quốc) ( 1 )


Nhân dịp kỷ niệm chiến tranh 17/2/1979:


Khác với tư duy quen thuộc của người Trung Quốc, trong mắt người Việt Nam, chiến tranh Trung-Việt không chỉ là cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam kéo dài nhiều năm sau năm 1979 dưới góc nhìn của người Trung Quốc, mà còn gồm cả cái gọi là sự “xâm chiếm” Việt Nam do các vương triều Trung Quốc trước đây tiến hành kéo dài tới hai nghìn năm kể từ thời Đông Hán.
Thượng tuần tháng 9 năm 2010, tác giả Vương Cẩm Tư xuất phát từ Bắc Kinh cùng mấy người bạn sang Việt Nam xem tình hình thị trường gỗ hồng (hồng mộc). Lúc rảnh rỗi, chúng tôi đã tìm hiểu về cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam.
Đối với một người lớn lên ở vùng Đức Huệ tỉnh Cát Lâm như tôi, Việt Nam là nơi rất xa xôi, hầu như tôi không có quan hệ gì với quốc gia này. Thế nhưng mối liên hệ [với Việt Nam] lại từng gần gũi đến thế, bởi lẽ hồi ở tuổi thiếu niên tôi nhận được sự giáo dục chủ nghĩa yêu nước chính tông và lây nhiễm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quen thuộc “Phong thái nhuốm máu” và “Vòng hoa dưới núi cao” [bài hát và tiểu thuyết Trung Quốc viết về chiến tranh 1979], từng cùng thày trò toàn trường nghe các anh hùng Lão Sơn [một ngọn núi ở Hà Giang, nơi Trung Quốc tấn công lấn chiếm đất Việt Nam] báo cáo chuyên đề tại Cung Văn hoá công nhân Đức Huệ, tôi lại còn hăng máu đòi ra tiền tuyến Việt Nam liều mạng với quốc gia này mà không ngại hy sinh, cho dù sức mình còn chưa xách nổi ngọn giáo có tua hồng.
Để tìm hiểu cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam, tôi có chủ ý đi thăm Bảo tàng Quân đội Việt Nam tại Hà Nội. Thật may là Bảo tàng này ở ngay chếch phía trước Đại sứ quán Trung Quốc, cách chưa đầy 100 mét, nhà Bảo tàng không lớn.
Tác giả từng thăm Bảo tàng Quân sự cách mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, cảm thấy nơi ấy cực ký hùng vĩ, oách hơn Bảo tàng Việt Nam nhiều. Quy mô và phong thái hai nhà bảo tàng quân sự của hai nước là sự thể hiện và hình ảnh thu nhỏ các mặt sức mạnh kinh tế, diện tích lãnh thổ và sức mạnh quân sự của hai nước.
Nhưng khi vào xem thì căn bản chẳng thấy có trưng bày nội dung về cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam, chỉ có các tư liệu Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mỹ. Máy ảnh tôi mang theo thế là vô dụng, tôi cảm thấy có chút hẫng hụt.
Thỉnh thoảng có du khách Trung Quốc vào xem Bảo tàng, họ đến Việt Nam theo các đoàn du lịch. Khi nhập cảnh họ được nhắc nhở chớ nói chuyện với người Việt Nam về cuộc chiến tranh này nhằm tránh tổn thương tình cảm của đối phương.
Nhưng tôi thì bất chấp cái tình cảm gì gì ấy, xông thẳng tới hai nhân viên đứng ngoài sân Bảo tàng Quân đội Việt Nam hỏi cho ra nhẽ. Họ cũng mặc quân phục, một nam một nữ. Vì không hiểu tiếng Trung Quốc tôi nói nên họ lập tức đi gọi một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đến. Anh này chừng 30 tuổi, nói tiếng Trung rất thạo.
Nghe tôi hỏi đoạn lịch sử ấy, nụ cười của anh trở nên nghiêm trang: “Tôi biết Trung Quốc các ông tuyên truyền đây là cuộc chiến phản kích tự vệ, nhưng ông hãy thử nghĩ xem, có thể như thế được không? Việt Nam chúng tôi một nước nhỏ thế này mà có thể xâm lược nước các ông được sao? Hồi ấy cuộc Cách mạng Văn hoá của các ông vừa mới chấm dứt, rất nhiều mâu thuẫn và nguy cơ chưa giải quyết được, các ông bèn xâm lược Việt Nam để đổ vấy nguy cơ. Dĩ nhiên nguyên nhân không chỉ có vậy.”
Tôi nói, vì Việt Nam quấy nhiễu biên giới và xua đuổi Hoa kiều nên Trung Quốc mới phản kích tự vệ. Anh ta nói, chúng ta hãy tạm chưa tranh cãi ai sai ai đúng. Ai ngờ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam này nhắc đến cả chuyện Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc đi váo vùng biển đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku]. “Tôi thấy nhiều thành phố Trung Quốc bắt đầu [biểu tình chống Nhật], thực ra đó là kết quả việc chính phủ và giới truyền thông Trung Quốc kích động. Người Trung Quốc các ông quá thù hận. Người Việt Nam chúng tôi xưa nay không bao giờ thù hận nước khác, chúng tôi là một dân tộc hoà bình.” – anh nói.
Điều khiến tôi kinh ngạc không phải ở chỗ anh ta nói có đúng hay không mà là tôi không nghĩ anh hiểu Trung Quốc nhiều như vậy. Bên cạnh còn có một người Việt Nam biết tiếng Trung nói xen vào: Trung Quốc các ông một mặt nói thù hận là không hợp trào lưu của loài người, một mặt lại hết mức thù hằn Nhật Bản và các nước khác. Như thế chẳng phải là tự mâu thuẫn với mình, rất giả dối đó sao? Kinh tế các ông có thành công nữa cũng không được người ta tôn trọng.
Tôi bảo, Nhật Bản có sai, họ cũng từng xâm lược Việt Nam, Trung Quốc căm thù là bình thường, nhưng nhà nước chúng tôi không kích động, người Trung Quốc chúng tôi không căm thù Việt Nam.
Tôi kể, khi lính Trung Quốc gánh nước cho phụ nữ Việt Nam thì bị người phụ nữ ấy bắn lén từ sau lưng mà hy sinh, cả đến trẻ con Việt Nam 11, 12 tuổi cũng bắn giết Giải phóng quân, thật là lấy oán trả ơn. Tôi hỏi hướng dẫn viên du lịch thấy chuyện ấy như thế nào, anh bảo: “Các ông xâm lược vào đây, có thể nào không đánh các ông hay sao?”
Tôi cảm thấy đây là chuyện làm người Trung Quốc chúng ta xấu hổ khó xử. Sau này hướng dẫn viên du lịch ấy có gửi E-mail cho tôi, trình bày quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến tranh này, viết bằng Trung văn.
Có lẽ là cách viết sách giáo khoa của Việt Nam bắt chước cách viết của Trung Quốc 40 năm sau khi lập quốc, Trung Quốc tô sơn cho cuộc Kháng chiến chống Nhật : năm 1979, “Quân đội Trung Quốc tự cho là có thể chiếm toàn cõi Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng rốt cuộc đã rơi vào biển cả chiến tranh nhân dân của con em Việt Nam anh hùng chúng ta, sau khi trả giá lớn buộc phải hoảng hốt tháo chạy ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.”
Sách giáo khoa và dân chúng Việt Nam còn nói về cái gọi là quân đội Trung Quốc “làm đủ mọi điều hung ác”, “Việt Nam nghèo khổ lạc hậu chính là do Trung Quốc xâm lược và cướp bóc gây ra”.
Cho dù nhà Bảo tàng Quân đội Việt Nam không có nội dung cuộc chiến Trung Quốc tự vệ đánh trả Việt Nam nhưng khi tôi đến Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thì lại nhìn thấy cái gọi là ghi chép về việc các vương triều Trung Quốc trước đây xâm lược Việt Nam; tại đây người ta có phản phát các tài liệu tiếng Trung Quốc giới thiệu lịch sử chuyện đó. Lại còn có trưng bày cái gọi là “Trung Quốc chiếm Việt Nam lâu tới 1000 năm”.
[Tài liệu của] Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viết bằng Trung văn giới thiệu thế này: “Nhân dân Việt Nam từng nhiều lần bị nước ngoài xâm lược, gồm các vương triều Trung Quốc trước đây như triều Tống (thế kỷ 11), triều Nguyên (thế kỷ 13), triều Minh (thế kỷ 15) và triều Thanh (thế kỷ 18).” Người Việt Nam tự hào vì đã đánh bại quân Trung Quốc từ phương Bắc đến, lưu lại nhiều cái gọi là sự tích anh hùng “Chống Nguyên”, “Chống Minh” và “Chống Trung Quốc”. Trong thời gian đó liên tiếp xảy ra các cuộc khởi nghĩa anh hùng do Hai Bà Trưng (đời Hán), Triệu Trinh Nương (đời Tam Quốc), Mai Thúc Loan (đời Đường), Dương Đình Nghệ (đời Ngũ đại thập quốc) lãnh đạo chống lại sự thống trị tàn bạo của Trung Quốc, nhưng đều bị đàn áp.” Những nhân vật ấy được người Việt Nam coi là thần minh phù hộ bình yên và mưa thuận gió hòa để thờ cúng.
Tác giả Vương Cẩm Tư còn thấy tại trung tâm Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc Việt Nam, có dựng một bức tượng đồng cao hơn ba chục mét, theo giới thiệu là “bà Lê Chân nữ anh hùng Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược thời kỳ Đông Hán”.
Tương truyền Lê Chân xinh đẹp, tính tình hiền thục, quan lại Trung Quốc thèm khát muốn lấy làm vợ. Cả gia đình Lê Chân phản đối, kết quả quan Trung Quốc giết người nhà Lê Chân. Quyết tâm trả thù cho gia đình mình, bà Lê Chân vô cùng đau buồn căm phẫn về quê triệu tập binh sĩ tình nguyện chiến đấu anh dũng, cuối cùng bà hy sinh vẻ vang.
Tại Việt Nam, các nơi đều có nhiều nghĩa trang quân nhân, chủ yếu là kết quả chiến tranh với Mỹ, tiếp sau là các binh sĩ Việt Nam chết trong tác chiến với quân đội Trung Quốc; có thể thấy người Việt Nam vẫn rất tôn trọng họ. Nghe nói có phụ nữ trung niên Việt Nam không bán hàng cho người Trung Quốc, nguyên nhân do chồng bà bị quân đội Trung Quốc bắn chết trong cuộc chiến tranh Trung-Việt hồi trước.
Hiện nay việc hoạch định biên giới trên bộ giữa hai nước Trung-Việt đã được giải quyết. Theo nguồn tin tin cậy, nước ta có một anh hùng chiến đấu năm xưa từng cố thủ trận địa, coi thường cái chết, có thành tích nổi bật, nhưng cuối cùng khi phân chia biên giới thì trận địa đó lại thuộc về Việt Nam; mới đầu tư tưởng người anh hùng ấy rất không thông, về sau anh đã nghĩ thông suốt, lợi ích quốc gia trên hết.
Nói tới chuyện cách nhìn nhận người Trung Quốc, nhiều người Việt Nam đánh giá còn được, cũng có người nói thẳng: “Thường thôi”, “Không tốt, không bằng Nhật”. Lý do là Trung Quốc còn đe dọa họ, phẩm chất người Trung Quốc không tốt, bịp bợm lừa đảo; chất lượng hàng Trung Quốc không tốt, xe máy dùng 1-2 năm là hỏng; xe máy Nhật cấp cao hơn, dùng lâu bền. Quả vậy, tại Việt Nam tôi thấy xe máy hàng đàn mà hầu như rất ít xe Trung Quốc, tuyệt đại đa số là xe Nhật.
Lần này tôi sang Việt Nam đúng vào dịp đại lễ 1000 năm thủ đô Hà Nội Việt Nam, tại nhiều nơi có thể cảm nhận thấy ảnh hưởng lớn của lịch sử, văn hoá Trung Quốc.
Phụ nữ Việt Nam dung nhan xinh đẹp, thân hình nhỏ nhắn, dáng đi uyển chuyển.
Như có người nói, trong lịch sử mấy nghìn năm của mình, Việt Nam chiến tranh nhiều, hoà bình ít, xáo động nhiều, yên ổn ít, [ngườì Việt Nam] không suy tính quá nhiều những ân oán trong lịch sử và quý trọng hoà bình không dễ đến với mình.
Năm 2010 là dịp kỷ niệm 60 năm Trung Quốc-Việt Nam lập quan hệ ngoại giao, hai nước tận hưởng hoà bình, người buôn bán đi lại ngày càng thân mật, Hữu Nghị Quan thực sự hưởng tình hữu nghị chứ không phải là tranh chấp và khói súng. Phần lớn người Việt Nam rất nhiệt tình với Trung Quốc. Trên đoàn tàu hỏa cũ nát từ Hải Phòng đi thủ đô Hà Nội, tôi trò chuyện với các cô gái Việt Nam bằng thứ tiếng Anh đơn giản. Có một anh chàng chỉ biết nhõn một câu tiếng Trung nói oang oang với tôi trước mặt mọi người trên toa tàu: “Tôi yêu bạn!” Chúng tôi đều cười.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch
( Nguồn: Trannhuong.com )

Nguyên văn đầu đề:
Chiến tranh Trung-Việt trong mắt người Việt Nam: Nghèo nàn lạc hậu là do Trung Quốc gây ra



Nguồn:- 越南人眼中的中越战争:贫穷落后是中国造成 2010-12-16 光明网

Các ghi chú trong dấu [ ] là của người dịch

Giới thiệu tác giả:
1/Vương Cẩm Tư người Cát Lâm, nay ở Bắc Kinh. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Đại học Bắc Kinh ngành truyền thông điện ảnh, từng làm nhà báo, ca sĩ. Nay hoạt động tự do. Hội viên Hội Lịch sử Thế chiến II TQ, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế. Từng bỏ nhiều công sức sưu tầm tư liệu về tội ác chiến tranh của Nhật, chủ trương ghi nhớ sự kiện lịch sử, nhưng không hận thù. Tác phẩm nổi tiếng của VCT: “Nhật Bản được, Trung Quốc lại càng được”, phân tích sự thịnh suy của TQ trong 100 năm qua, vạch ra thực tế TQ thua kém Nhật. Sau vụ đâm tàu ở đảo Senkaku/Điếu Ngư, Vương viết bài kiến nghị TQ cứ bán đất hiếm cho Nhật; do đó bị dân mạng mắng là “thân Nhật”. Vương còn dám viết bài nói lên sự thật TQ từng ủng hộ Nhật đòi thu hồi 4 đảo phương Bắc (quần đảo Kuril) do Liên Xô cũ chiếm đóng theo thỏa thuận quốc tế sau Thế chiến II. Đọc các bài viết khác của VCT, có thể thấy tác giả có ý định tìm hiểu sự thật lịch sử (dù là bất lợi cho TQ, nhằm uốn nắn cách hiểu sai của người TQ). Dù sao quan điểm của VCT còn nhiều hạn chế do bị tiêm nhiễm quá sâu bởi cách tuyên truyền sai lệch của nhà nước TQ. Có thể nói người TQ hầu như hoàn toàn hiểu sai về lịch sử VN. Sai này có lỗi của chúng ta: sách TQ viết sai, ta không hề phản đối, đính chính.

(Người dịch)

NHÀ THANH CỬ BAO NHIÊU QUÂN SANG XÂM LƯỢC NƯỚC TA TRONG TRẬN KỶ DẬU 1789 ?

Số quân Thanh sang Đại Việt được ghi chép trong các sử sách của Việt Nam, của Trung Quốc, cũng như của phương Tây có những điểm khác biệt rất lớn. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Tạ Chí Đại Trường, Trần Gia Phụng đã có những tổng hợp về các nguồn tài liệu liên quan tới vấn đề này; nguồn tài liệu do các nhà nghiên cứu Việt Nam dẫn ra khá tương đồng[30]:
Việt Nam
Sử sách của Việt Nam như Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục, Lê Quý Kỷ Sự, Tây Sơn Thuật Lược... không ghi chép rõ số quân Thanh.
Hoàng Lê nhất thống chí có chép lại "Tám điều quân luật" và "Bài hịch" của Tôn Sĩ Nghị. Trong "Bài hịch", Tôn Sĩ Nghị tuyên bố số quân Thanh có 50 vạn. Theo "Tám điều quân luật" thì "mỗi người lính được cấp một tên phu" (điều 8). Vậy số quân Thanh 50 vạn thì số phu cũng 50 vạn và toàn bộ lên đến 1 triệu người.
Hầu hết các nhà sử học đều cho con số đó có tính chất khoa trương lực lượng. Nhưng nó cũng cho ta biết rằng 1 người lính chính quy sẽ có 1 người phu đi theo.
"Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện sơ tập" (Q.30) và "Nguyễn Thị Tây Sơn Ký" chép số quân là 20 vạn, nhưng không xác định con số đó có bao gồm lực lượng thổ binh, nghĩa dũng và dân phu hay không.
Tỷ lệ giữa binh lính và dân phu trong các tài liệu cũng không thống nhất. Điều 8 trong "Quân luật" của Tôn Sĩ Nghị quy định 1 lính được cấp 1 phu, trong lúc "Lê Sử Toản Yếu" và "Minh Đô Sử" của Việt Nam lại chép 1 chiến binh có 3 lương binh phục vụ.
Bài "Chiếu phát phối hàng binh, binh nội địa" của Quang Trung do Ngô Thì Nhậm viết, là tài liệu được công bố ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu. Bài chiếu có đoạn viết:
"Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị nhà các ngươi sức hèn tài mọn, không biết dụng binh, vô cớ động binh đem hai mươi chín vạn quân ra ngoài cửa ải, vượt suối trèo non vào nơi hiểm nguy, xua các ngươi, một lũ dân đen vô tội vào chốn mũi tên ngọn giáo. Đó là tội của tổng đốc của các ngươi".
Theo bài chiếu, tổng số quân Thanh là 29 vạn. Theo ý kiến một nhà nghiên cứu Việt Nam là Nguyễn Phan Quang, bài "Chiếu phát phối hàng binh nội địa" của Quang Trung là một văn bản chính thức, đương thời, đáng tin cậy.[31] còn theo ý kiến của 1 người Việt Nam khác là Giáo sư Trần Gia Phụng thì 29 vạn quân tuy do Ngô Thời Nhậm là người trong cuộc viết nhưng đây là một văn thư có tính tuyên truyền nên cũng chưa hẳn sát với thực tế.[32]
Phương Tây
Một số thương nhân, giáo sĩ phương Tây đến Đại Việt vào khoảng thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 có ghi lại trong hồi ký và thư từ, một ít tư liệu về chiến thắng Kỷ Dậu 1789.
Một thương nhân Anh là J. Barrow đến Đại Việt năm 1792 lại ghi nhận một số liệu khác, số quân Thanh là 10 vạn.
Một nguồn thông tin thư từ của một số người nước ngoài sống ở vùng Thăng Long ngay trong thời gian xảy ra trận chiến này. Số thư từ này còn được ghi lại trong tập "Nhật Ký của hội truyền giáo Bắc Kỳ" lưu trữ tại Nha văn khố quốc gia Paris. Một bức thư gửi từ Thăng Long đề ngày 25/10/1788 phản ánh một "tin đồn" về 30 vạn quân Thanh sắp kéo sang cứu viện cho Lê Chiêu Thống.
Bức thư của một linh mục trông coi giáo dân ở vùng Thăng Long đề ngày 26-12-1788 cho biết rõ:
"Viện binh Trung Hoa gồm độ 28 vạn người, một nửa đóng trong thành phố, nửa còn lại ở bên kia sông". Theo nhận định của Giáo sư Trần Gia Phụng thì:
Nếu một nửa đóng trong thành phố, nghĩa là có 14 vạn quân Thanh trong thành Thăng Long, thì thành Thăng Long lúc đó có đủ sức chứa, chỗ ở và nuôi ăn hàng ngày cho quân Thanh không? Ngoài ra, theo tài liệu Trung Hoa, quân Thanh mất hết một nửa khi trở về nước, vậy mất hết khoảng 14 vạn (so với 28 vạn khi ra đi), vừa chết vừa mất tích, trốn chạy thì con số nầy có thích hợp trong một cuộc chiến bằng vũ khí chưa tối tân? Tuy nhiên con số 28 vạn của tài liệu nầy gần với con số 29 vạn mà Ngô Thời Nhậm đã viết trong "Tờ chiếu phát phối hàng binh người nội địa".[33]
Theo nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường thì:
Còn về số ước tính của giáo sĩ, ta nghĩ rằng họ thấy thanh thế quân Thanh to quá so với cá nhân con người thời loạn trốn chui trốn nhủi như họ và người đương thời, nên đã phóng đại ra...
Một tài liệu khác trong hồi ký của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830) xuất bản tại Pháp năm 1812 cho biết rằng quân Thanh sang Đại Việt khoảng 40.000 người và bị giết tại trận khoảng 20.000 người. Do ông De la Bissachère tới Đàng Ngoài năm 1790-chỉ 1 năm sau trận chiến và ở lại cho đến năm 1798 nên Giáo sư Trần Gia Phụng cho rằng "có thể ông (de la Bissachère) thu thập được nhiều nguồn tin và lượng định con số quân Thanh sang nước Việt"[34].
Trung Quốc
Đại Thanh Thực Lục, bộ sử chính thức của nhà Thanh, ghi chép đầy đủ những lệnh dụ của vua Thanh cho biết toàn bộ quân Thanh được lệnh sang đánh Đại Việt là 18.000, trong đó số quân Lưỡng Quảng do Tôn sĩ Nghị trực tiếp thống lãnh là 1 vạn và số quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy là 8.000. Đó chỉ mới là số quân chủ lực tinh nhuệ điều động ở bốn tỉnh phía nam, chưa kể số "thổ binh", "nghĩa dũng" và dân phu chuyển vận lương thực. Theo tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh thì số dân phu phục vụ cho đạo quân Lưỡng Quảng đã hơn 10 vạn.
Theo bài An Nam Ký Sự của Càn Long thì "số quan quân có hơn một vạn, số phu đài tải lương thực đến hơn 10 vạn".[cần dẫn nguồn]
Trong "Càn Long chinh vũ An Nam Ký", Ngụy Nguyên đời Thanh khoảng vài chục năm sau có chép: số quân Thanh là 18.000, trong đó đạo quân Lưỡng Quảng là 10.000 và đạo quân Vân Quý là 8.000. Nhưng Ngụy Nguyên cho biết thêm: "bấy giờ các thổ binh, nghĩa dũng đi theo, tiếng đồn đại binh có vài chục vạn". Như vậy, số quân chủ lực có khoảng 2 vạn chưa tính số "nghĩa binh", "nghĩa dũng" và dân phu vận chuyển có vài chục vạn người. Dù vậy như Ngụy Nguyễn cũng nói, đây chỉ là "tiếng đồn".
Theo các nhà nghiên cứu Tạ Trí Đại Trường[35], Phan Huy Lê[36], Hồ Bạch Thảo[37] và Trần Gia Phụng, sử sách nhà Thanh hạ thấp số quân viễn chinh để giảm bớt sự thất bại trầm trọng của triều Thanh. Các sử gia Trung Quốc đó không ghi chép đầy đủ các lực lượng của toàn bộ quân viễn chinh, nhưng chính những đoạn ghi chép của sử sách nhà Thanh, nhất là bộ Đại Thanh Thực Lục, lại bộc lộ nhiều mâu thuẫn: Số quân vài vạn mà Đại Thanh Thực Lục ghi không tính đến "thổ binh", "nghĩa dũng" và dân phu[38]. Hơn nữa, với đạo quân vài vạn thì triều đình nhà Thanh chỉ cử tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị làm thống soái và dưới trướng gồm một loạt võ quan cao cấp như: Đề đốc Phó tướng Hứa Thế Hanh, Đề đốc Ô Đại Kinh, Phó tướng Khánh Thành, Phó tướng Hình Đôn Hạnh; các tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hóa Long cùng nhiều Tham tướng, Tri phủ, Tri huyện, v.v... Nếu chỉ điều 1 vài vạn quân, Càn Long không phải quan tâm tới mức vài ngày lại ra một chỉ dụ[39]. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính của Đại học Irvine, Hoa Kỳ thì sổ trả lương và kế toán của nhà Thanh ghi rằng ở phía Đông (vùng Bắc Việt Nam) họ có 10.000 quân, phía Tây có 8.000 và cộng thêm số theo những nguồn tài liệu khác, cũng không quá 30.000 quân chính quy[40]. Và cũng trong phân tích này, tiến sĩ có dẫn lại sử gia Ba Lan tên là Wieslaw Olszewski ghi quân Thanh có 200.000 quân (không ghi rõ là loại quân gì) sang nước Việt nhưng không rõ số đánh nhau với Tây Sơn là bao nhiêu[41]. Theo tính toán của Giáo sư Trần Gia Phụng thì theo chính sử nhà Thanh, hai cánh quân của Tôn Sĩ Nghị và Ô Đại Kinh khi cộng lại có 15.000 người; mỗi quân nhân được quyền đem theo một người phu (điều thứ 8 của quân luật Tôn Sĩ Nghị) thì số người Thanh qua Đại Việt tối thiểu là 30.000, thêm đoàn quân tiếp liệu của Tôn Vĩ Thanh không dưới 10.000 người nên khi cộng lại đã được 40.000 người. Đây là con số tối thiểu, mà thực tế theo ông, phải cao hơn nữa do các tướng lãnh và sĩ quan Thanh chắc chắn mỗi người đem theo hơn một người phu và trước đó để đánh một bộ lạc 150.000 người nhà Thanh huy động đến 8 vạn quân, đại Việt thì dân đông hơn rất nhiều nên con số 1 vạn quân là quá ít[42] Tài liệu này khá khớp với tài liệu của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère khi ông cũng ghi lại rằng quân chính quy của nhà Thanh sang Việt Nam năm đó có tối thiểu (đã bị chính sử Trung Quốc ghi chép giảm bớt) 40.000 người. Giáo sư Phụng tin rằng con số quân Thanh có thể còn cao hơn nữa chút ít, tuy nhiên có thể tạm tin được con số 40.000 quân chính quy[43].
·30 / ^ Nguyễn Phan Quang - Một số công trình Sử học Việt Nam, tr 233-234; Tạ Trí Đại Trường - Việt Nam thời Tây Sơn tr 190-192 (Danh mục tham khảo); CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA - Trần Gia Phụng
· 31/ ^ Nguyễn Phan Quang (2006), Một số công trình Sử học Việt Nam, tr 233-234
·32/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng trích:Con số hai mươi chín vạn viết trên đây tuy do Ngô Thời Nhậm, người trong cuộc, đưa ra trong một văn thư có tính tuyên truyền, thì cũng chưa hẳn sát với thực tế. Có tài liệu thì viết rằng lực lượng quân Thanh xâm lăng Đại Việt lên khoảng hai mươi vạn tức 200,000 quân.
· 33/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng
· 34/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng
· 35/ ^ Tạ Trí Đại Trường, Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771-1802, NXB Công an nhân dân, 2007, tr 190
· 36/ ^ Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc
· 37/ ^ Hồ Bạch Thảo, sách đã dẫn, tr 29
· 38/ ^ Nguyễn Phan Quang, sách đã dẫn, tr 233
· 39/ ^ Hồ Bạch Thảo, sách đã dẫn, tr 29
· 40 ^ Nhắc lại chiến thắng Tết Kỷ Dậu 1789
· 41/ ^ Nhắc lại chiến thắng Tết Kỷ Dậu 1789
· 42/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng…
43/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng trích:Nói tóm lại tài liệu của giáo sĩ La Bissachère, người có mặt ở Thăng Long một năm sau trận đánh, phù hợp với số lượng mà chúng ta đã thử cộng lại số người tối thiểu các cánh quân Trung Hoa theo tài liệu chính sử Trung Hoa. Con số nầy có thể còn cao hơn nữa chút ít, tuy nhiên có thể tạm tin được...
VỀ BÀI VĂN TẾ QUÂN THANH CỦA QUANG TRUNG TRONG MÙA XUÂN KỶ DẬU 1789
Sau cuộc chiến đánh bại 29 quân xâm lược nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh.Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà. Bài văn có đoạn:
Nay ta
Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí
Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành
Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống…
Qua nghĩa cử này cho thấy Nguyễn Huệ Quang Trung rất quan tâm đời sống tâm linh; nghĩa cử này vừa làm dịu đi phần nào cuồng vọng xâm lăng của Càn Long mà còn an ủi thân nhân những vong hồn của những tên lính Trung Quốc tử trận…
Qua nghĩa cử này chứng tỏ nhà Tây Sơn không chỉ quan tâm tới binh lính chết trận của giặc, chắc chắn Nguyễn Huệ cũng đã có những ứng xử chu đáo với quân linh của mình hy sinh vì nghĩa nước cả về vật chất lẫn tinh thần… ( Nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Ng%E1%BB%8Dc_H%E1%BB%93i_-_%C4%90%E1%BB%91ng_%C4%90a#Quang_Trung_.C4.91.E1.BA.A1i_ph.C3.A1_qu.C3.A2n_Thanh )

Nguyễn Quang A - Vui xuân ngẫm về năng suất của Việt Nam

1. Mồng 4 Tết, ngày 6/2/2011, chúng tôi đi Thanh
Hóa. Đường phố Hà Nội vẫn còn vắng và do xuất phát từ 6
giờ sáng nên xe ra khỏi thành phố khá thuận lợi. Đoạn cao
tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng dễ đi. Tuy nhiên, một tai nạn
khủng khiếp xảy ra trước đó khoảng vài giờ ở phía
đường đối diện làm hai người chết khiến chúng tôi rất
buồn.
Mười một giờ trưa chúng tôi đến Thanh Hóa. Ở đó thăm
viếng 3 tiếng, 2 giờ chiều chúng tôi quay về Hà Nội. Đoạn
cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân ùn tắc, nhiều xe vượt dải ngăn
cách đi ngược chiều ở phía bên kia kiếm cách ra đường 1
cũ. Cảnh tượng thật lộn xộn. Bảy giờ cũng về tới nơi.

Quãng đường cả đi và về khoảng tròn 300 km, hết 10 giờ!
Chúng tôi không nghỉ giữa đường, xe cũng tốt và những
người khác cũng thế chứ đâu chỉ chúng tôi. Tốc độ trung
bình 30 km/giờ! Không hiểu ngày thường thì sao?

Cách đây hàng chục năm đi Thanh Hóa hết khoảng 4 giờ. Một
sự thụt lùi đáng kể?

Đường được mở rộng, được sửa sang đến đâu nhà mặt
tiền mọc lên đến đó. Quốc lộ biến thành đường phố.
Công an hạn chế tốc độ 40km/giờ khi qua khu dân cư. Phủ Lý,
Ninh Bình nhà cao tầng đang xây san sát cạnh quốc lộ. Nạn
tắc nghẽn nhất định xảy ra khi hàng ngàn hàng vạn người
đến làm việc và ra về từ các nhà cao tầng đó. Có lẽ tốc
độ di chuyển sẽ còn chậm nữa! Về mặt này, có sự tăng
trưởng kinh tế, nhưng dường như không có sự phát triển.

2. Xe container Hà Nội – Hải Phòng một ngày cố
lắm được 2 chuyến. Ở Thái Lan, cũng cung đường như vậy
họ chở được 8 chuyến. Năng suất của ta bằng 1/4 của Thái
Lan.

Chẳng ở nơi nào trên thế giới có cách quy hoạch xây dựng
kỳ quặc như ở Việt Nam. Ô nhiễm, nạn kẹt xe sẽ gia tăng
và năng suất lao động (vận tải) sẽ giảm. Tốc độ trung
bình 30 km/giờ, năng suất giao thông thấp hơn 3-4 lần các
nước khác.

Tôi nhớ lại vài chục năm trước có đi thăm một nhà máy
thép ở Nhật Bản. Họ nói chúng tôi đang bàn liên doanh với
Gang thép Thái Nguyên, nơi mỗi năm sản xuất hơn 100 ngàn tấn
với 10 ngàn công nhân. Nhà máy của họ có 1000 công nhân một
năm sản xuất 1 triệu tấn. Chắc liên doanh đã không thành. Khi
đó năng suất của ta bằng 1 phần trăm của họ (tức là
lương sản phẩm của ta chắc chắn đắt hơn của họ rất
nhiều)!

3. Năng suất lao động là cái quyết định tất
cả. Không cải thiện năng suất, hiệu quả thì các con số
tăng trưởng có nghĩa chi.

Từ người đứng đầu đến lãnh đạo các địa phương, từ
doanh nghiệp đến người dân thường phải suy nghĩ và hành
động để nâng cao năng suất nếu không muốn đất nước tụt
hậu thêm nữa.

Một Đà Lạt “thơ mộng” – còn hay mất?

Mai Thái Lĩnh


Ảnh 1: Năm đỉnh của dãy núi Lang-Bian (tranh vẽ đăng trong sách của Tardif)


Vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp khám phá ra cao nguyên Lang Bian, một trong những điểm gây ấn tượng nhất chính là địa hình của vùng đất ngày nay mang tên Đà Lạt. Bác sĩ Etienne Tardif – người tham gia một đoàn khảo sát trong hai năm 1899-1900, đã mô tả hình dáng của cao nguyên như sau: “Toàn bộ diện tích rộng lớn ấy (…) bao gồm một chuỗi những quả đồi tròn kế tiếp nhau, đồi này nằm cạnh đồi kia, đồi này chế ngự đồi kia, đồi này thì sườn dốc đứng, đồi kia thì duỗi ra và nằm dài trên mặt đất. Những gợn sóng ấy bị chia tách bởi những thung lũng nông hay sâu, rộng hơn hay hẹp hơn. Con đường nối liền Đà Lạt với Dankia len lỏi giữa những quả đồi ấy. Tất cả những ngọn đồi ấy được bao phủ bởi một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, mọc cao vào mùa mưa, rất dày và khá cứng. Trong những thung lũng nhỏ là những bụi cây đủ loại, những đám sậy, và trên một vài bờ dốc là những đám thông và dẻ.[1] Những dòng nước chảy qua những thung lũng theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi người ta tìm thấy những dòng suối chảy siết, nhưng thường thì chỉ là những vũng nước tù hãm, rất sâu, bị che giấu dưới những thảm thực vật mọc rất dày và rất mạnh mẽ.”

Tardif đã leo lên một trong năm đỉnh của dãy núi Lang Bian. Từ cao độ 2.000m nhìn xuống, ông thấy toàn bộ bề mặt của cao nguyên là màu xanh lá của hàng trăm quả đồi (nguyên văn: 150 quả đồi), trông giống như một “giỏ cam” lớn (un vaste “panier d’oranges”).[2]

Chính là dựa trên cái nền địa hình đó mà các nhà quy hoạch đô thị người Pháp đã xây dựng nên diện mạo của Đà Lạt trong thế kỷ XX vừa qua. Đặc điểm của tất cả các đồ án được thiết kế trong các thập niên 1920-1940 là sự phối hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Một số quả đồi cao được dành cho những dinh thự hay các biệt thự hạng 1, với diện tích được cấp rất lớn nhưng chỉ được phép xây dựng trong một phạm vi rất nhỏ. Vd: mỗi lô đất cấp cho tư nhân có diện tích từ 0,5 đến 2,5 hec-ta, trong đó phần được phép xây dựng không vượt quá 1/25 diện tích và không lớn hơn 800 m2, mỗi lô đất dùng cho lợi ích xã hội hay tập thể có diện tích từ 1,5 đến 3,5 hec-ta, trong đó phần được phép xây dựng không vượt quá 1/15 diện tích và không thể lớn hơn 2.000 m2; phần diện tích còn lại chỉ được dùng làm công viên, rừng, vườn hoa, vườn rau hay chăn nuôi theo quy định. Các khu biệt thự từ hạng 2 đến hạng 5 có diện tích từ 4.000 đến 600 m2, nhưng diện tích xây dựng được quy định cũng chỉ nằm trong khoảng từ 12 đến 25%.[3]



Ảnh 2: Hồ Xuân Hương (khoảng 1925-1930)

Mặt khác, vì cao độ của các tòa nhà bị khống chế, hầu như tất cả các công trình kiến trúc, kể cả các dinh thự lớn (như Nhà thờ Lớn, dinh Toàn quyền tức dinh II, trường trung học Yersin,…) đều không vượt quá ngọn cây. Chỉ có một vài công trình đặc biệt – như tháp chuông của Nhà thờ Lớn hay tháp chuông của trường trung học Yersin, là vượt lên trên những đám thông (xem ảnh 3).

Cách thức quy hoạch và thiết kế đô thị như thế đã tạo nên dáng vẻ đặc biệt của Đà Lạt: nhà xen lẫn giữa những cây thông; những cụm thông – thậm chí cả rừng thông, mọc xung quanh các dinh thự và xen lẫn vào giữa lòng thành phố. Chính điều đó làm nên một vẻ đẹp thơ mộng hiếm có: nhà thấp thoáng trong rừng, rừng tràn vào trong thành phố. Màu xanh của thiên nhiên tràn ngập khắp nơi, làm nên vẻ đẹp mê hồn say đắm lòng người. Vào thời đó, Đà Lạt có những đồi thông rất sạch, lá thông rụng trên thảm cỏ và người ta có thể nằm dài trên đó để ngửi thấy mùi của thiên nhiên. Vào thời đó, cuối tuần mỗi gia đình có thể lên Đồi Cù để cho trẻ con thả diều, người lớn có thể thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc. Mỗi người sinh ra ở Đà Lạt hay sống lâu năm ở Đà Lạt đều có ít nhiều kỷ niệm gắn liền với thiên nhiên: rừng thông, hồ và thác nước, đỉnh núi Lang Bian hay các đồi cỏ tương tự như Đồi Cù, …



Ảnh 3: Hồ Xuân Hương nhìn từ trường Yersin (không ảnh - chụp năm 1968)

Có thể nói vẻ đẹp của Đà Lạt không phải chỉ là vẻ đẹp của những công trình kiến trúc mà là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: nhân tạo và tự nhiên. Thiên nhiên ở đây không hoàn toàn hoang dã mà được chỉnh trang phần nào bởi bàn tay và khối óc của con người, dựa trên nguyên tắc tôn trọng, mô phỏng tự nhiên chứ không gán ghép, áp đặt sản phẩm nhân tạo vào thiên nhiên một cách khiên cưỡng, biến nhân tạo thành giả tạo.

Sau khi người Pháp rời Việt Nam, những nguyên tắc quy hoạch và kiến trúc của thời Pháp thuộc vẫn còn được giữ vững mãi cho đến giữa thập niên 1970.

Điều đáng buồn và đáng tiếc là từ cuối thập niên 1970, nhất là từ thời kỳ “đổi mới kinh tế”, cùng với áp lực của dân số, tác động của các quy luật kinh tế thị trường kiểu “hoang dã” cộng với một khả năng quản lý đô thị kém cỏi, những “tầm nhìn” thiển cận và luôn luôn thay đổi của các cấp thẩm quyền, Đà Lạt đã dần dần đánh mất vẻ đẹp hài hòa trước đây. Những người dân Đà Lạt ngày càng cảm thấy ngột ngạt trước cảnh ồn ào tấp nập, nhất là cảnh xe cộ chen chúc nhau một cách lộn xộn trên những đường phố “không có đèn xanh đèn đỏ”. Nhiều người dân Đà Lạt định cư ở nước ngoài trở về cảm thấy luyến tiếc vẻ đẹp của Đà Lạt ngày xưa. Mặc dù thành phố ngày nay có nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi sinh hoạt hiện đại hơn nhưng người ta không thể tìm thấy dáng vẻ thơ mộng trước đây – vẻ đẹp mà không thành phố đồng bằng nào có thể sánh kịp cho dù ra sức đầu tư thật nhiều tiền của hay công sức.

Những du khách đến Đà Lạt ngày nay dễ cảm thấy choáng ngợp trước các tòa nhà có kiến trúc hiện đại nhưng sắp xếp một cách hỗn độn, không dựa trên một ý tưởng quy hoạch nào rõ rệt.



Ảnh 4: Khu trung tâm thương mại Đà Lạt ngày nay (ảnh NVP)

Người ta có cảm tưởng trong thời gian qua, các nhà quy hoạch có trách nhiệm đối với Đà Lạt chỉ chú ý đến từng công trình kiến trúc chứ không lưu ý đến toàn cảnh, cũng không mấy quan tâm đến phong cảnh và môi trường thiên nhiên. Trong khi khoa kiến trúc của thế giới đã phát triển thêm nhiều chuyên ngành như kiến trúc phong cảnh (landscape architecture), thiết kế đô thị (urban design), quy hoạch đô thị (urban planning), v,v… thì dường như các “chuyên gia” quy hoạch đô thị Đà Lạt chỉ dừng lại ở việc thiết kế từng tòa nhà, từng dinh thự, chỉ chú ý đến tiểu tiết mà quên đi cái toàn thể.



Ảnh 5: Khu trung tâm thương mại Đà Lạt 1968 (không ảnh)

Một thành phố đẹp cần có sự hài hòa, đòi hỏi khéo bố trí, sắp xếp các công trình kiến trúc. Một thành phố trên cao nguyên lại cần có sự hài hòa giữa kiến trúc và phong cảnh. Vì vậy, có thể nói: một thành phố đẹp không phải chỉ là những tòa nhà đẹp hay những đường phố đẹp. Nếu không biết cách quy hoạch một cách hợp lý, tổng số của các tòa nhà đẹp và các đường phố đẹp có thể làm nên một thành phố xấu xí.

Tin tức báo chí gần đây cho biết các nhà lãnh đạo địa phương đang bật đèn xanh cho phép xây dựng những building (ngày nay thường gọi là “cao ốc”) ngay tại khu trung tâm, trước mắt là hai cao ốc có chiều cao 45m và 49m. Nhưng trong khi ban hành những quyết định táo bạo đó, vẫn chưa có ai xác định được những nguyên tắc căn bản: nơi nào được phép xây cao ốc và chiều cao cho phép là bao nhiêu? Bất cứ ai có chút kiến thức về Đà Lạt đều thấy rõ nơi đây không phải là một thành phố đồng bằng, cho nên khi nói cao nguyên Lang-Bian có cao độ trung bình là 1.500m thì điều đó không có nghĩa là tất cả các địa điểm ở vùng này đều cao bằng nhau. Do địa hình cao thấp khác nhau, một tòa nhà 49m xây phía sau chợ Đà Lạt (điểm A trong ảnh 6), nghĩa là trong một thung lũng có cao độ khoảng 1480m, sẽ đạt đến độ cao 1529m. Chiều cao này trong thực tế đã vượt hơn ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ ở phía bắc (điểm C) vì cao độ ở đây là 1525,3m. Trong khi đó, một cao ốc 45m đặt tại Khu Hòa Bình (điểm B, có cao độ 1494m) sẽ đạt đến độ cao 1539m, nghĩa là cao hơn 10m so với tòa cao ốc thứ nhất, cao hơn 13,7m so với ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ, thậm chí còn cao hơn cả ngọn đồi Dinh III (1535,8m). Chưa hết: người ta còn đang lăm le xây một cao ốc ngay trên đỉnh đồi phía sau lưng trường Đoàn Thị Điểm – có cao độ 1504,3m.[4] Như vậy, sự xuất hiện các tòa cao ốc sẽ làm cho “diện mạo Đà Lạt” thay đổi hoàn toàn chứ không phải chỉ là “thay áo mới” như lời phát biểu của một quan chức của tỉnh Lâm Đồng với phóng viên báo chí vào tháng 9 năm 2010.[5]



Ảnh 6: Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt 1968

Việc cho phép xây dựng cao ốc một cách tùy tiện sẽ tạo ra nguy cơ phá hỏng toàn bộ các nguyên tắc bao hàm trong các đồ án quy hoạch mà người Pháp đã dày công xây dựng từ năm 1923 cho đến đầu thập niên 1940. Chính vì vậy mà trong dư luận đang nảy sinh mối hoài nghi về động cơ cho phép xây dựng các tòa cao ốc: phải chăng cái gọi là “quỹ đất vàng” đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời gợi lên lòng tham nơi những người có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép trong ngành xây dựng? Phải chăng quy luật thị trường “hoang dã” đã và đang làm phát sinh nguyên tắc “đồng tiền mua được chiều cao” bất chấp các quy định về quy hoạch - kiến trúc, về môi trường thiên nhiên?

Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, nhà đầu tư mua một mảnh đất luôn luôn có xu hướng muốn xây cao ốc. Do chỗ giá đất cao hơn nhiều so với vốn đầu tư để xây dựng công trình, cho nên tòa nhà càng cao thì diện tích sử dụng càng lớn, khả năng sinh lợi càng gia tăng. Trong trường hợp đó, “nhà tư bản” sẵn sàng bỏ tiền ra để mua chuộc những người có thẩm quyền nhằm có được chiều cao như ý muốn, coi như tính luôn trong số vốn đầu tư. Trong bộ Tư bản, Marx có trích dẫn một câu văn của một nhà hoạt động công đoàn người Anh tên là T.J. Dunning: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”.[6] Nguyên lý này xem ra áp dụng đúng cả trong trường hợp của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Điều mà lý thuyết của Marx không tiên liệu là: nhà tư bản chỉ sợ “bị treo cổ” trong hoàn cảnh của một quốc gia “tư bản phát triển”, nơi mà nền kinh tế thị trường bị quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nơi mà quyền lực chính trị phải áp dụng nguyên tắc “tam quyền phân lập”, nơi mà báo chí tự do có thể phanh phui, phơi bày bất cứ chuyện gì. Còn trong hoàn cảnh của Việt Nam, khi mà quyền lực chính trị dựa trên nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nền kinh tế thị trường lại được nhét vào cái khung của “chủ nghĩa xã hội” thì pháp luật hoàn toàn nằm trong tay của những người cầm quyền, mọi quy định pháp lý đều có thể bị uốn nắn cho phù hợp với túi tiền của nhà đầu tư và ý chí của các nhà lãnh đạo. Cộng với một nền báo chí chỉ chăm chăm “chạy theo lề phải”, quanh năm suốt tháng chỉ biết ngóng nhìn chiếc gậy chỉ huy thì một khi nhà đầu tư mua được chiều cao của công trình, họ hoàn toàn có thể yên chí chạy theo lợi nhuận, không sợ bị treo cổ, càng không lo ngại báo chí gây phiền nhiễu.

*

Trong những ngày cuối năm, so sánh những tấm ảnh toàn cảnh chụp Đà Lạt ngày xưa với những tấm ảnh chụp hiện nay, người viết không thể không cảm thấy xót xa. Có lẽ đã đến lúc những người yêu Đà Lạt sẽ phải chào vĩnh biệt “thành phố mộng mơ” mà họ đã từng biết và đã từng dệt nên bao nhiêu kỷ niệm. Một Đà Lạt như đã từng được miêu tả trong thơ, trong nhạc, trong văn chương, sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng…

Một Đà Lạt khác sẽ ra đời: đó là một Đà Lạt “hiện đại” được hình thành từ những bộ óc “đi tắt đón đầu”, “dám nghĩ dám làm” (kể cả nghĩ sai, nghĩ bậy và làm ẩu, làm dối), được thúc đẩy bởi khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và được điều khiển từ xa bởi những đòn bẩy của của kinh tế thị trường nhưng lại bị che đậy dưới cái vỏ đạo đức giả của chiêu bài “định hướng XHCN”. Những đòn bẩy đó, cộng với một quyền lực chính trị vô biên (không ai có thể kiểm soát, cũng không ai dám phê bình) sẽ đem lại cho Đà Lạt một diện mạo mới – đẹp như thế nào thì chưa ai có thể nhìn thấy, nhưng những đường nét xấu xí thì ngày càng bộc lộ, không một ai có thể che đậy.



Ảnh 7: Toàn cảnh Đà Lạt năm 1966 (ảnh Trần Văn Châu)

Mai đây, cho dù diện mạo Đà Lạt có hiện đại hơn, thành phố có tráng lệ hơn do những tòa cao ốc nguy nga mọc lên như nấm sau cơn mưa rào, điều mà ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là: thiên nhiên sẽ ngày càng biến mất để nhường chỗ cho những khối bê-tông khổng lồ chen chúc nhau giữa lòng một thành phố từng làm say đắm lòng người do những rặng thông xen vào giữa lòng phố thị, do những ngôi biệt thự thấp thoáng giữa những tán lá xanh, do những dinh thự ẩn hiện trên đỉnh những ngọn đồi…

Nếu chức năng chủ yếu của Đà Lạt là một thành phố du lịch – nghỉ dưỡng, thì điều đầu tiên cần phải bảo tồn, nâng cấp chính là môi trường thiên nhiên và các thắng cảnh. Trong vài thập niên qua, Đà Lạt sở dĩ còn hấp dẫn được du khách là nhờ đã “ăn bám” vào thanh danh của ngày xưa, nhờ vào những hình tượng mà các văn nghệ sĩ lớn của Việt Nam đã ghi lại trong các tác phẩm của mình. Nếu vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt bị hủy hoại để thay vào đó là những khối bê-tông chồng chất trong các thung lũng hay trên các ngọn đồi, nếu du khách đến đây để nhìn thấy hồ Than Thở chỉ còn như một cái “ao nuôi vịt”, thác Cam Ly trở thành nơi chứa nước thải thì liệu các hình tượng văn học nghệ thuật “vang bóng một thời” ấy có cứu vãn nổi cái tiếng thơm của Đà Lạt hay chỉ đem lại cho khách phương xa cái cảm giác bị lừa dối và sự thất vọng khi nhìn thấy một thực tế hoàn toàn khác xa với truyền thuyết?

Ngày nay, giữa lòng một thành phố Đà Lạt vàng thau lẫn lộn, nơi mà những kẻ lớn tiếng tự xưng là “người yêu Đà Lạt” lại có thể chính là kẻ đang từng ngày từng giờ phá hoại vẻ đẹp của Đà Lạt, những người thật sự yêu Đà Lạt đang có nguy cơ trở thành những con người cô đơn ngay trên mảnh đất quê hương của mình…

Dù sao thì Đà Lạt không phải chỉ là “tài sản” của riêng người Đà Lạt, lại càng không phải là tài sản riêng của một số vị có chức có quyền. Nếu chỉ nói một cách khiêm tốn, không phô trương, Đà Lạt ít nhất cũng là một “tài sản quốc gia” cần phải bảo tồn, trân trọng. Không lẽ tất cả những người dân Việt trong cả nước, và cả những người Việt hiện đang cư trú ở khắp nơi trên toàn thế giới, lại chịu im lặng, bó tay để “Đà Lạt thơ mộng” chết dần chết mòn như thế sao?

Đà Lạt, những ngày tất niên âm lịch năm Canh Dần,

26.1.2010

M. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.


[1] Nguyên văn: chênes (cây sồi). Theo bộ sách Cây cỏ Việt Nam của GS Phạm Hoàng Hộ, ở vùng Đà Lạt – Langbian, người ta tìm thấy rất nhiều loại cây thuộc các chi: Castanopsis, Lithocarpus, Quercus, tất cả được xếp vào họ Dẻ (Fagacae, còn gọi là họ Sồi).

[2] Etienne Tardif, La mission du Lang-Bian 1899-1900, Ogeret & Martin, Vienne, 1902, pp. 35-36.

[3] Commune de Dalat – Voirie municipale, Plan d’aménagement et d’extension de Dalat – Programme des servitudes, 27 Avril 1943 (dactylographié)

[4] Cao độ của một số địa điểm trên đây dựa trên bản đồ Đà Lạt tỷ lệ 1/10.000 do Nha Địa dư Quốc gia phát hành năm 1960.

[5] Khắc Lịch, Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt, Bee.net 28/09/2010:

http://bee.net.vn/channel/1983/201009/Tinh-chuyen-thay-ao-cho-da-Lat-1769993/

[6] Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ - Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250

Thư giãn Chủ Nhật : Tết mèo, kể chuyện chú mèo nhà!

Trần Huy Thuận

Nhà lắm chuột quá! Trước kia chúng còn tránh ban ngày, chỉ hoành hành về đêm. Nay thì “moa-phú”, đêm ngày như nhau, cứ hở ra cái gì là lũ chuột chết tiệt lại ngoáy cái đuôi tởm lợm của nó vào ngay! Người ta bảo: Chó treo, mèo đậy, chứ với giống chuột, các cách ấy chả nghĩa lý gì. Thùng gạo đậy kín hẳn hoi, mà còn bị chúng khoét cả nắp để chui vào ăn thoải mái; nồi thịt treo vào quang sắt, vẫn bị chúng leo lên, nạy vung, khoắng gần hết! Thế thì thử hỏi ai mà chả điên chứ? Không chỉ ăn, lũ khốn kiếp này còn bậy ra khắp nơi; vo gạo thổi cơm mà không chú ý nhặt đãi, có ngày lẫn cả phân chuột là chuyện thường!

Như vậy là đã dùng đủ cách phòng ngừa rồi, nhưng chuột vẫn ngang nhiên hoành hành. Buộc chủ nhà phải tỏ thái độ dứt khoát, nghĩa là quyết định phải chuyển sang lấy "chống làm chính". Chống tích cực chính là phòng hiệu quả! Nhưng chống bằng cách nào? Bàn luận mãi, cuối cùng gia đình mới đi đến thống nhất: nuôi mèo. Bởi vì các cách khác, đều đã dùng qua, đầu tiên là thuốc diệt chuột của ta, rồi thuốc diệt chuột của Tàu, thuốc nào cũng diệt được vài con là sau đó không lừa được con nào nữa. "Keo dính" mới đầu tưởng hiệu quả lắm, ai dè mấy hôm sau mất mồi toi. "Lồng bẫy chuột" cũng vô tác dụng. Lần nọ, một con đã bị sập bẫy, chủ nhà thức dậy, nhìn rõ chú chuột kễnh đang lồng lộn ở trong lồng, thế là yên trí trở vào giường ngủ tiếp. Sáng ra, chỉ thấy lồng trống không!

Thì ra, nó đã phá lồng sắt, chạy biến mất từ lúc nào rồi (hay là có con chuột khác mò đến phá lồng, cứu đồng đội?). Người ta nói: “Mèo già hóa cáo”, chứ tôi đồ rằng, chuột sổ lồng mới dễ thành cáo, bởi vì từ ngày đó, cái bẫy lồng, chả bắt được con chuột nào nữa! Thế là hết sách! Có cảm giác lũ chuột ngày càng rút được nhiều kinh nghiệm để phòng chống lại các biện pháp phòng chống chuột của con người! Hay cũng có thể nói, càng ngày, chuột ở cái nhà này, càng nhờn với mọi cạm bẫy mà người ta dành cho chúng! Thế mới tức chứ!

Chú mèo được bắt về nuôi từ hai tháng tuổi. Đó là giống mèo tam thể, xinh đáo để! Ngày đầu, chú xa mẹ, lạ nhà nên cứ meo, meo suốt. Chú bé, làm gì đã bắt được chuột, nhưng từ ngày có chú, có tiếng kêu meo, meo, nhà bặt hẳn giống chuột. Chắc nó sợ bóng sợ vía nhà mèo! Mọi người mừng lắm. Ít ngày sau, chú mèo con quen dần môi trường sống mới, bắt đầu tập trèo, tập nhảy, tập vờn chuột, trông hay đáo để! Ai cũng bảo: Chú mèo này lớn lên là hay chuột lắm đấy! Cả nhà kỳ vọng vào chú trong công việc trừ khử lũ chuột hôi thối. Mọi thành viên trong gia đình đều chăm chút cho chú mèo con. Luôn luôn cho chú ăn khi con cá, con tôm, khi miếng thịt, miếng mỡ. Có hôm người này cho ăn, người kia lại cho ăn. Bởi vì trông chú ăn, thích lắm mà cũng còn bởi trong lòng, ai cũng muốn chú mau lớn, khỏe mạnh để đủ sức vồ chuột. Chú mèo lớn trông thấy. Bây giờ đã ra dáng một tiểu hổ rồi! Niềm hy vọng bấy lâu mọi người trông chờ, nay hẳn là sắp thành hiện thực!

Nhưng quái lạ! Sau một số ngày yên ổn không còn nạn chuột gặm nhấm, đục khoét, lục lọi thức ăn, bỗng mấy hôm nay lũ chuột lại quay trở lại. Dấu hiệu là phân chuột có ở khắp nơi, rồi nải chuối trên bàn thờ cũng bị khoét một hai quả, xoong nồi bị lục tung cả vung! Thôi chết, đúng là chuột đã trở lại nhà! Thế con mèo đâu? Niềm hy vọng tràn trề bấy nay chả đi đâu cả, chú vẫn nằm đấy, béo tròn, vểnh bộ ria mép vừa dài vừa cong một cách rất khuê các nhìn mọi người, trong lúc ai cũng đang như muốn điên lên vì tức! Thôi đúng rồi, đây chính cống là một chú mèo lười! Có ai đó từng nói: mèo trắng, mèo đen, thế nào cũng được, miễn là bắt được chuột. Đây lại là mèo tam thể, chỉ có mẽ đẹp thôi, còn lười biếng quá! Nó chỉ thích biểu diễn trò vờn chuột – "trò mèo" cho các cô cậu con chủ nhà xem, chứ không biết rình bắt chuột thật. Mà các cô cậu chủ thích cái trò ấy của mèo lắm, mèo rất biết thế mà!

Mèo lười, tội trước tiên là tại chủ chứ không phải tại mèo! Mèo trắng, mèo đen hay mèo tam thể cũng thế thôi. Chăm sóc nó quá, lúc nào cũng cho ăn, nó không kịp đói bữa này, đã được ăn bữa khác, thức ăn tự đến với nó, nên nó không có khái niệm phải kiếm tìm. Thức ăn của chủ thừa thãi, mèo nghĩ vậy, vì có bao giờ mèo bị bỏ đói đâu? Thế thì việc gì phải gây sự với lũ chuột hôi hám ấy cơ chứ? Mi không động đến ta, thì ta cũng không động đến mi! Mèo lý luận thế. Người có lý luận của người, thì mèo cũng có lý luận của mèo chứ? Ấy là chưa kể, có lần tức quá, chủ nhà quyết định bỏ đói mấy ngày liền không cho mèo ăn. Tưởng phen này bị "xóa bỏ bao cấp" thế, chắc mèo sẽ phải lo bắt chuột kiếm sống. Ai dè, chuột vẫn hoành hành khắp mọi nơi trong nhà, còn mèo thì vẫn thường xuyên... ngủ! Một sáng thức dậy, bà chủ bỗng dưng phát hiện có khúc cá kho nằm ngay cạnh cái bát ăn lâu nay vẫn dành cho mèo. Bà chủ kêu với ông chủ: Mấy hôm nay nhà mình làm gì có cá, sao mèo lại có cá? Chả nhẽ lũ chuột ở cái nhà này lại học được cách "hối lộ mèo" trong tranh dân gian "đám cưới chuột" hay sao? Ôi! Nhận định này mà đúng, thì đến bó tay quy hàng lũ chuột mất thôi!

Và thế là, dần dần, chú mèo lười đã trở thành chú mèo cảnh lúc nào không hay! Vâng, một chú mèo tam thể, xinh đáo để, hàng ngày thường hay theo chủ ra nằm ở phòng khách, ve vẩy đuôi làm cảnh!





T. H. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thư giãn Chủ Nhật: Những chuyện đáng ghi nhớ: Sài Gòn - Hà Nội - San José

Nguyễn Khoa Thái Anh


(Trái sang phải): Sinh nhật Bùi Tín, blogger Bùi Tín và thẩm phán Phan Quang Tuệ cầu chúc sức khoẻ cho... Việt Nam


Chủ Nhật tuần rồi (January 16, 2011) là một ngày đáng ghi nhớ ở San José. Đáng ghi nhớ không phải vì một chuyện lớn tiếng mà tôi có can dự trong buổi họp báo hội Tết Dancing with the Troops ở café Paloma trong khu Grand Century Mall. Đáng ghi nhớ không phải vì tật thói cố hữu hay đi trễ của (một số) người Việt. Đáng ghi nhớ cũng không phải tánh thói không chịu đọc, không chịu tìm hiểu sự kiện nên không nắm bắt vấn đề nhưng lại thích góp ý vung vít của một số người mang danh nghĩa báo chí.

Nhưng chuyện đáng ghi nhớ có lẽ lời khước từ không có thì giờ đi họp báo và sau đó trở thành lời khuyên của Trần Đệ, chủ nhiệm tuần báo VTimes: "Đừng nên dính dấp, sa đà vào nhiều chuyện phức tạp của cộng đồng!" Và cũng xin thưa, có bao giờ tôi được ai nhận mình là một người của cộng đồng San José đâu? Có lẽ vì vậy nên hôm đó Vũ Khang của Việt Weekly lớn tiếng gạn hỏi muốn biết tôi là ai, viết cho báo nào!

Đúng ra chuyện tôi muốn bàn tới đây là chuyện tình cờ gặp những nhân vật đáng ghi nhớ ở Việt Nam rồi sự việc tuần tự diễn biến đưa đến chuyện gặp gỡ họ ở San José trong hôm chủ nhật vừa qua. Ở Sài Gòn, tôi tình cờ gặp ông đại biểu Quốc hội, nhà văn, nhà báo và sử gia Dương Trung Quốc nơi nhà hàng và khách sạn Lotus qua sự giới thiệu của chủ nhân. Sau đó được biết ông sẽ sang Cali thăm gia đình đúng khoảng thời gian tôi về Mỹ nên hẹn sẽ gặp lại. Thứ Sáu - thứ Bảy, hai ngày cuối tuần ở Mỹ vừa qua, liên lạc nhau qua điện thoại di động, nhưng không gặp vì chương trình du ngoạn của ông Quốc quá khít khao.

Bùi Tín và Dương Trung Quốc

Chiều Chủ nhật được tin bác Bùi Tín ở Paris sang chơi thăm gia đình, tôi ghé nhà anh Quang ăn mừng sinh nhật thứ 85 của bác. Cùng lúc anh Quốc đi chơi San Francisco về gọi điện đi động mời tôi sang nhà bà dì dùng cơm. Nghe tin có Dương Trung Quốc ở San José, bác Bùi Tín chào hỏi anh qua điện thoại. Sau đó anh Quốc cho người nhà chỉ đường tôi đến nhà anh chơi. Vì tôi đã dùng cơm rồi, nên khi đến nơi chúng tôi ngồi salông nói chuyện với nhau. Dương Trung Quốc năm nay 65, thua ông Bùi Tín 20 tuổi, là một người tốt tướng da dẻ hồng hào, tóc bạch kim. Ông Bùi Tín 85, già yếu hơn, nhưng vẫn tinh tường, sắc sảo và khoẻ mạnh, tuy đi đứng có phần chậm hơn những năm trước. Hai người cùng phục vụ trong guồng máy nhà nước vào hai thời điểm khác nhau, hai vai trò khác nhau.

Dương Trung Quốc đang ở cuối nhiệm kỳ thứ hai trong vai đại biểu Quốc hội, ông Bùi Tín đã thôi vai Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân 20 năm nay. Điều khác biệt: một người còn trong guồng máy, một người đã ra khỏi. Một người lên án mạnh mẽ chế độ. Một người nhẹ nhàng hơn. Lý do dễ hiểu. Trong khi tôi lại ao ước ngược đời: người tại chức trong nước sẽ ăn nói mạnh bạo hơn, người ngoài nước bày tỏ thái độ từ tốn hơn.

Không hiểu có phải vì bản tính triết học hay do làm một đại biểu Quốc hội (tuy không là đảng viên), mà ông Quốc ăn nói lặng lẽ, khoan thai hơn. Trong khi người ở ngoài không hiểu do tuổi già chồng chất hoặc do không thấy ánh sáng le lói ở đường hầm mà trở nên gay gắt hơn. Nghe hai cách nói chuyện của hai ông, tôi không biết cảm phục tánh ngoại giao của anh Quốc hay tánh không cả nể của ông Bùi Tín hơn.

Buổi chiều trước khi sang nhà bà dì của ông Quốc, tôi ngồi nghe ông Tín bàn với các đàn anh (của tôi) về tình hình chính trị trong nước, sự đã rồi của đại hội XI Đảng, chuyện anh Cù Huy Hà Vũ, không khí hào hứng hơn khi ông Tín kể chuyện tiếp thu 16 tấn vàng của miền Nam và ai quản lý số tài sản kếch sù ấy, cũng như cách quyết định nhân sự của đại hội Đảng kỳ VI vào giờ phút chót, v.v..



Tác giả và Dương Trung Quốc

Trên xe riêng với bác Tín, tôi hỏi ông có muốn về Việt Nam thăm gia đình không vì nghe bác kể có người trong Sứ quán, giữ trọng trách về khâu visa đã thông tin cho ông biết là họ sẵn sàng cho ông về: "Anh cứ về thoải mái… viết như vậy đã đủ rồi, trong nước có nhiều người, nói và viết còn mạnh hơn anh” Đương nhiên cảm nhận được thông điệp của nhà nước nên tôi thiển nghĩ ông Tín cũng phân vân trong chuyện về hay không về. Trong khi đó khi hỏi chuyện với anh Quốc, anh góp ý: “Tôi đã từng rất phục ngòi bút của Bùi Tín khi anh còn là Thành Tín thời chiến tranh… Anh Bùi Tín tuổi đã cao rồi nên về Việt Nam vui thú với con cháu... và chứng kiến thế sự…" Trong khi đó có nhiều người ở hải ngoại cho rằng chuyện về nước là đầu hàng Cộng sản.

Vốn là một người sinh sau đẻ muộn, không can dự vào cuộc nồi da xáo thịt vừa qua nên có lẽ mức chịu đựng của tôi cao hơn những người đã bị mất mát quá nhiều trong cuộc chiến và hệ quả của nó. Cho nên những khi về Việt Nam trước tiên tôi thích tìm gặp những tâm hồn cao thượng, sau là tìm hiểu những người sống trong lòng chế độ, kể cả những người bị gán cho nhãn-mác Việt Cộng.

Ngay cả tôi, một người từ nhỏ đến lớn không bao giờ bị mê hoặc, ưa thích hay tin vào chủ nghĩa Cộng sản, cũng đã từng bị gán cho cái mác thân Cộng! Thật tình mà nói nếu như chuyện tìm hiểu, bắc được một nhịp cầu tri âm, thông cảm giữa người Việt trong và ngoài nước nhằm tô đắp cho một Việt Nam tươi sáng hơn, nhân bản và công bằng hơn thì có gán cho tôi 1.000 cái mác "thân Cộng" tôi cũng không màng!

Điều quan trọng đối với tôi là chuyện tìm về nhân cách của con người, cũng như lối hành xử tử tế và đạo đức của mỗi cá nhân – vốn là bản tính thuần Việt – và làm thế nào để khôi phục lại những đức tính này trong khi một số đông đang bị cuốn kéo trong nếp sống ồ ạt của kinh tế thị trường theo định hướng – không phải là xã hội chủ nghĩa – mà là cá lớn đớp cá bé, mackeno, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi mới chính là vấn đề.

Đương nhiên, đây là một ao ước huyễn hoặc, một chuyện khó khăn trong một xã hội đang giằng co trong thế tranh tối tranh sáng, nhá nhem giữa văn minh và lạc hậu, giữa tiến bộ toàn cầu hóa của nhân văn và tụt hậu cục bộ của Mácxít-Lêninnít, cấp tiến và chậm tiến trong thế kỷ 21 này. Có phải Việt Nam đang bị trì trệ nhưng vẫn cố vươn lên giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo đức và vô luân, đàng hoàng và tạm bợ, mà kết quả là sự kết hợp quái quỷ giữa hai thái cực tác hại nhất của Tư bản và Cộng sản?

Tuy thế, nan đề của Việt Nam không chỉ nằm ở cội rễ của những đảng viên Cộng sản chuyên chính, tham quyền cố vị, không chịu cải thiện, không biết đặt ưu tiên cho sự tồn vong của đất nước lên trên sự trục lợi của cá nhân và đảng phái, mà nó còn tồn tại nơi sự ù lì của dân tình, dai dẳng chịu đựng những chuyện trái tai gai mắt, những chuyện nửa vời, vá víu và tạm bợ trong cuộc sống, chối bỏ chuyện liên đới trách nhiệm và tư cách công dân của mình chỉ vì bao năm nay họ đã được Đảng nhận lãnh trách nhiệm sở hữu đất nước thay cho họ rồi.

Nói như vậy không phải không có những gương sáng trong Đảng, trong dân chúng. Ở đây ta chưa cần nói đến những nhân vật nổi cộm như luật sư Cù Huy Hà Vũ và Lê thị Công Nhân, linh mục Nguyễn Văn Lý, hòa thượng Thích Quảng độ, v.v. và v.v. Có nhiều cá nhân – bất chấp những chuyện bất cập chung quanh – vẫn âm thầm có những cố gắng giữ lấy nề nếp trong gia đình, trong cuộc sống, làm những chuyện hữu ích cho xã hội. Về Việt Nam tôi đã gặp những trường hợp điển hình đó.

Những con người đạo đức

Tạ Duy Anh

Một hôm ở Hà Nội đang ngồi café, nói chuyện với nhà văn Tạ Duy Anh bỗng điện thoại di động reo:



Tạ Duy Anh và tác giả

"Xin lỗi anh Thái Anh nhé, thằng con nhà em nó gọi". Duy Anh áp di động vào tai: "Làm bài vở xong rổi à? Đúng thế phải không?… Có cần bố giúp gì không? Không à? Được… Mày gỉỏi nhỉ… Ừ, xem TV một tiếng thôi nhé, rồi lo tươm tất nhà cửa… Thế nhé!"

"Mình phục thật, trong khi học đường ngày nay đầy dẫy những chuyện ma-le dối trá, thì con trai Duy Anh ở nhà một mình, cứ việc coi TV, cần gì gọi điện xin phép bố? Bố không biết thì đã sao! Anh rất đỗi ngạc nhiên, phục cách giáo dục con của em sát đất!"

"Nhiều lúc cô nói hay xử sự điều gì nó không cho là đúng, nó cũng về kể lại, hỏi em." Tôi gục gặc đầu, cảm phục.

Chuyện Bé Cún, cháu ngoại của đạo diễn Trần Văn Thủy

Khi ở Hà Nội tôi được hân hạnh tá túc ở nhà anh Trần Văn Thủy dăm mười ngày. Hai vợ chồng anh có một đứa cháu ngoại tên Cún rất dễ thương và xinh xắn. Đối với một đứa bé 8 tuổi, nó thật là đằm thắm, đáo để và sâu sắc.



Đạo diễn Trần Văn Thuỷ và bé Cún

Một hôm Cún đi học về, ngồi trong lòng bà ngoại ngoan ngoãn như một con mèo con. Bà yêu cháu, ôm Cún vào lòng dặn dò, khuyên bảo cháu đủ điều, nào là:

"Cún phải ngoan này, Cún phải chăm học này, Cún phải thuộc bài này, phải nghe cô giáo giảng dạy này, Cún phải chịu khó này…"



Chị Hằng (vợ anh Trần Văn Thuỷ) và bé Cún

Bé Cún ngồi im trong lòng bà nghe bà dặn dò thắm thiết nhưng lại im như thóc, chẳng thèm vâng dạ, ừ à chi cả. Chốc sau bà ra bếp làm cơm. Cún ở góc phòng hí hoáy, nắn nót viết những dòng chữ gì đó trên bảng. Một lúc sau Cún nói rất to:

"Này bà ơi!"

Bà quay lại hỏi: "Gì, cháu bảo bà cái gì?" Cún chỉ lên bảng: "Bà đọc đi!" Bà nheo mắt lẩm bẩm đọc những dòng chữ đều đặn Cún viết trên bảng: "Trên con đường đi đến sự thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng!" Rồi nó tỉnh bơ chẳng nói thêm câu gì nữa. Cũng như thế, một hôm không nhớ nó đòi mua hay bà nó hứa hẹn mua cho nó một cái gì. Bẵng đi vài ngày, có lẽ bà đã quên. Cún lại chỉ lên bảng bảo: "Bà! Đọc đi!" Bà lại nheo mắt để đọc những dòng chữ rất nắn nót: "Nói thời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay." Ước gì những người có trọng trách và phận sự to tát hơn cũng nhớ những gì họ hứa với đất nước.

“Hẹn hò là giả dối, gặp gỡ là bắt được!”

Phạm Lân: chủ nhân khách sạn và nhà hàng Lotus

Yên Ba: đại tá Quân đội Nhân Dân

"Em đến ngay nhé! Chị chờ em ở chỗ anh Lân. Em cỏ nhớ không… 369B Nguyễn Trãi, góc Trần Khắc Chân, trước mặt đồn Công An cũ nhé… khách sạn Lotus đấy!", giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái thúc giục tôi hôm ở Sài Gòn.

Khách sạn Lotus là một điểm hẹn, một nơi hội tụ của của nhiều văn nhân nghệ sĩ Bắc Hà, cũng như Nam Bộ. Nói chung, đây là một nơi lý tưởng để gặp gỡ hàn huyên, ăn ở và nhậu nhẹt. Giá cả phải chăng. Chủ nhân là một người Hà Nội tên là Phạm Lân, định cư Sài Gòn lâu năm sau 75. Anh Lân là một người vui tánh, hiếu khách, dễ mến, hào phóng, và lịch lãm. Giao thiệp rộng nên anh quen biết hầu hết những nhân vật tiếng tăm.

Gặp anh lần thứ hai, thứ ba, tôi không đùa khi ví anh là một hảo hớn ưa tiếp đãi những người có lòng (quốc hồn quốc túy), cũng như có máu mặt. Không biết tự bao giờ khách sạn Lotus ở Nguyễn Trãi, quận 1 đã nghiễm nhiên trở thành một salon littéraire của Sài Gòn, tiếp nối truyền thống các mệnh phụ phu nhân của Paris ngày xưa. Trước khi rời Việt Nam vài ngày, tôi lại nhà hàng anh để trao cho đại tá Yên Ba một số sách vở vật dụng cho phó giáo sư tiến sĩ Minh Thái vì bận việc không kịp vào Nam để gặp tôi. Anh Lân gọi tôi mãi không được, cho đến khi tôi gọi lại mới vỡ lẽ đã mất di động trên taxi (lần này là Mai Linh). Vừa gặp tôi ở nhà hàng, anh Lân đã cười toe toét:

"Này, cậu còn gì quý để mất nữa không?"

"Anh khỏi bảo, mất con tim ở Hà Nội là mất của quý nhất trần đời rồi!"

"Thôi chả sao, tôi xin chia vui với cậu, thôi ngồi xuống đây uống vài cốc bia với tụi này!"

"Này, xin giới thiệu với Thái Anh Đại tá Yên Ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bạn thân của Minh Thái!"

"Không dám, mình là đàn em thôi," anh Yên Ba tươi cười, chìa tay bắt tay tôi. Anh nói thêm:

"Này anh đừng để chuyện mất mát đồ đạc mà nghĩ xấu về quê hương nhé!"

(Tôi định nói mất nước còn chả sao huống hồ ba cái chuyện lẻ tẻ, nhưng kịp ngưng.)

Ngồi nói chuyện một chặp, tôi khám phá anh Yên Ba là một sĩ quan trẻ, 46 cái xuân xanh, một người rất văn nghệ. Khi anh soạn ba lô để cất các thứ tôi giao cho, tôi thấy nhiều quyển sách cũ bià và giấy đã ngã màu vàng vọt, nhiều giá trị văn học, không kể quyển 'Việt Nam máu lửa quê hương tôi', bút ký của ông Đỗ Mậu.

"Này anh lùng đâu ra những quyển này thế!"

"Anh sắp về Mỹ, thôi để chuyến sau tôi sẽ chỉ chỗ cho mà mua." Sau đó anh cho biết đã qua Mỹ vài lần trau dồi quân sự, rồi cũng tìm mua một số sách Việt bên Mỹ. Giao lưu văn hóa kiểu này có lẽ hơi hạn chế, nhưng có người làm được còn hơn không.

Chúng tôi nói chuyện vui vẻ, như bạn thân quen nhau lâu ngày. Anh Yên Ba lại quen cả hai vợ chồng giáo sư Peter Zinoman - Nguyệt Cầm ở đại học Berkeley gần nơi tôi ở.



Dương Trung Quốc, Phạm Lân, thiếu tá CA Thắng (?)

"Xin anh làm ơn cho tôi một chuyện: Xin hai vợ chồng Peter và Nguyệt Cầm một quyển Dumb Luck có chữ ký của họ nhé. Khi nào hai vợ chồng, Đỗ Hoàng Diệu hay có ai về cầm về cho mình được thì quý quá!" Lúc đầu tôi còn ngạc nhiên vì không ngờ anh lại hỏi một quyển sách tiếng Anh: Dumb Luck, tức là Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đã được hai vợ chồng Peter - Nguyệt Cầm dịch ra tiếng Anh. Người trong nước mà để ý đến chuyện văn học hải ngoại như thế là một chuyện đáng ghi nhớ.

"Cám ơn anh Lân đã giúp em gặp được những người tốt, lý thú… văn nghệ văn gừng (định nói có lòng với văn hóa hải ngoại, yêu đồng hương nhưng thấy nó giả tạo, đãi bôi nên thôi). Anh Lân cười xuề xòa: "Có gì đâu, khi nào cậu về, cứ đến đây chơi, anh sẽ giới thiệu cho những người khác." Anh Yên Ba nhắn nhủ trước khi chúng tôi chia tay: "Nhớ nhé, đừng vì mất đồ đạc mà quên quê hương nhé!"

Hẹn hò là giả dối, gặp gỡ là bắt được! Là châm ngôn của tôi," anh Phạm Lân cười ha hả, tuyên bố. "Mình gặp nhau là vui rồi, hẹn hò làm chi rồi không tới." Chí lý!

Tôn Nữ Thị Ninh và Đại học Trí Việt (http://trivietuniversity.edu.vn)

Mấy hôm trước ngồi uống bia với anh Lân và anh Dương Trung Quốc, anh Lân cho biết: "Nếu Thái Anh đến sớm hơn nửa tiếng thì đã gặp Tôn Nữ Thị Ninh và một số nhân vật quan trọng rồi, chị ấy phải về đi họp. Anh Quốc đây cũng trong Hội đồng Cố vấn của chị ấy đấy." Nhớ lại chuyến về Hà Nội mấy năm trước không gặp bà, tôi không bỏ lỡ cơ hội: "Anh có số điện thoại chị Ninh không? Không hiểu dự án xây đại học mấy năm nay của chị ấy đến đâu rồi." Anh Quốc nghe tôi hỏi liền lấy di động ra gọi ngay: "Chị Ninh ơi, có một người dòng họ Nguyễn-Khoa bên Mỹ về… đang ngồi đây, muốn nói chuyện với chị." Rồi anh đưa điện thoại cho tôi tiếp lời. Tôi cho biết sắp về Mỹ nên muốn gặp bà nói chuyện. Bà cho địa chỉ và số điện thoại và hẹn gặp.

Hôm thứ Hai trước khi về Mỹ tôi ghé thăm bà Tôn Nữ Thị Ninh và Đại học Trí Việt ở 180 đường Pasteur, quận 1 Sài Gòn. Bà Ninh trước là phát thanh/ngôn viên của nhà nước, là đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và Liên hiệp Âu châu và cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam, cũng như Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Văn phòng Trí Việt nằm trên tầng 3 một toà nhà 4 tầng. Sau năm phút chờ bà họp xong, tôi được mời vào trong một phòng họp với bà và ông tổng thư ký, một người đàn ông trạc 60, tên là Phạm Như Hổ, nhưng hiền từ và lịch sự; được biết ông là Việt kiều Bỉ. Bà Ninh năm nay có lẽ cũng ngoài sáu mươi, khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất một nét buồn diệu vợi, người không quen có thể cho rằng gương mặt bà đượm vẻ lạnh lùng. Nhưng được biết bà là một người giàu tình cảm, có lòng với đất nước, lúc nào cũng canh cánh mong làm được một chuyện gì cho quê hương, tuy ở hải ngoại không biết có mấy ai hiểu được tâm tư của bà.

Được biết Đại học Trí Việt sẽ được xây trong vùng kinh tế trọng điểm Sài Gòn - Gò Vấp, dự kiến khai trương 2013, và hoạt động toàn phần 2016. Khi thành hình sẽ có khoảng 8.000 sinh viên theo học, vừa ở cấp 2 năm, 4 năm và cao học. Mô hình đại học liên ngành chuyên chú vào các khoa sau đây:

*Công nghệ và Khoa học Ứng dụng;

*Quản lý;

*Thiết kế và Truyền thông;

*Ngoại ngữ;

*Bộ môn Kiến thức & Kỹ năng Nền tảng;

*Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế; và

*Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững

Nhưng có lẽ tôi thích nhất là những tiêu chí sau đây (được ghi trong tờ phát/pamphlet):

*Thành phần Ban Giáo sư gồm những giảng viên Việt Nam và quốc tế có óc sáng tạo là động lực của trường.

* Cố đào tạo những sinh viên có bản lĩnh, ý chí vươn lên và tinh thần phục vụ là sức sống của trường

*Phấn đấu là một trường đại học "xanh"

*Biết cân đối chất Việt (1) và tính toàn cầu

*Ưu tú về khoa bảng nhưng bình đẳng về cơ hội

*Tận tình hỗ trợ hướng nghiệp và tìm việc làm

*Một trường đại học đào tạo môi trường sống và rèn luyện cho sinh viên học thực làm thực

*Một đại học quy tụ các hoạt động trí thức và xã hội

*Giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh (2)

Bà Ninh cũng cho biết lương bổng sẽ tương đương với các đại học nước ngoài và Trí Việt sẽ nỗ lực để trở nên một đại học hàng đầu ờ Việt Nam, thể hiện tầm nhìn lâu dài, tư duy rộng mở và phương pháp sư phạm tiên tiến.



Tôn Nữ Thị Ninh và tác giả (Đại học Stanford, tháng 5/2006)

Ngồi nghe bà Ninh và ông Hổ trình bày về đại học Trí Việt xong, bỗng dưng tôi muốn khóc, phần vì cảm phục cho nỗ lực dai dẳng của bà trong nhiều năm nay (từ ngày nghe bà trình bày ở Stanford và Palo Alto, 2006) nhằm vượt qua các khó khăn và rào cản, phần vì những trạng thái suy đồi của nền giáo dục Việt Nam cũng như văn hoá và lối sống thực dụng của dân tình trong một xã hội thời thượng mà tiền tài và vật chất lên ngôi trong khi đạo đức và nhân phẩm con người bị hạ bệ. Tất nhiên đây là lực cản lớn cho mọi ai muốn đóng góp cho xã hội Việt Nam đương thời. Nhất là chuyện đào tạo xây dựng một đạo ngũ nòng cốt thiết nghĩ phải bắt đầu với "Tiên học Lễ, hậu học văn" hay đúng hơn "phải lấy đạo đức, nhân cách làm đầu". Đây là những tiêu chí mà bà Ninh nêu ra trong tờ tài liệu về đại học, thiết nghĩ không những sinh viên phải thực hành mà thành viên ban giảng huấn phải lấy làm điều tâm niệm.

Mục tiêu và lý tưởng tối hậu của Trí Việt – nếu tôi không lầm – là đào tạo được những thành phần cốt cán nhằm xây dựng lại một xã hội tốt lành – nếu không phải là một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (3). Đó là một nan đề vì khởi sự từ cấp đại học e rằng quá muộn. Ở Mỹ, vì một số sinh viên không đủ tiêu chuẩn vào đại học nên các nhà giáo dục (ở mọi cấp cho đến tiểu bang và liên bang) đều điên đầu. Trung học cấp II thì đổ thừa cho Trung học cấp I, cấp I thì đổ thừa cho Tiểu học, Tiểu học thì đổ thừa cho cha mẹ và các trường dạy trẻ. Ở Việt Nam thì khỏi nói, từ thời chiến tranh đến giờ – nhất là sau “giải phóng”, sau “đổi mới” – đạo đức suy đồi, cả một xã hội loạn cuồng theo đồng đô la.

Chuyện “trăm năm trồng người” (của Đại học Trí Việt) do đó có khó không khi tưởng như những ai đi đúng lý tưởng, lương tri, phép tắc và lề luật sẽ bị bỏ lại đằng sau dòng chảy ồ ạt của xe cộ (xã hội), thể hiện và phản ảnh đúng mức nếp sống lèn lách của Việt Nam hiện thời?

Có phải Đại học Trí Việt tốt và khác hơn các đại học ngoại quốc ở chỗ: du sinh sẽ ít người trở về nước khi họ kiếm được việc làm ở các nước sở tại. Sinh viên Trí Việt ở trong nước là thành phần nào? Nghèo hơn du sinh? Thiếu phương tiện hơn gia đình du sinh? Có thể là một điều tốt chăng? Nếu gia đình họ còn giữ được đạo đức và nhân phẩm. Đây có phải là một động lực chính của Đại học Trí Việt? (Có phải Trí Việt sẽ tạo ra những thang học phí theo khả năng tài chánh gia đình, tạo ra học bổng, trợ giúp cho những gia đình nghèo?)

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Ca dao Việt Nam

N. K. T. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Cù Huy Hà Vũ, tôi còn nợ anh một lời hứa

Đỗ Trường

Trung tuần tháng 9 năm 1995, tôi nhận được điện của ông cậu, họ Đặng người làng Hành Thiện, Nam Định. Dòng họ có rất nhiều người làm cách mạng, đều có chức tước to lớn ở cả hai phía Bắc và Nam trước năm 1975, và sau này cũng vậy . Ông hiện là cán bộ cao cấp của chính phủ, sang Paris học về quản lý hành chánh. Ông bảo chỉ cỡi ngựa xem hoa vài tháng thôi, nên cuối tuần đó tôi sang thăm ông ngay, tiện đi Monaco thăm bà bác lấy chồng người Ý, định cư ở đó trước năm 1945.

Trường Hành chánh Quốc gia Pháp cách trung tâm Paris có lẽ cũng đến mấy chục km, nên loay hoay mãi năm giờ chiều tôi mới tới nơi. Ở phòng khách, tôi thấy ông cậu đang nói chuyện rất vui vẻ với một người đàn ông trẻ dáng vóc nhỏ nhắn, thư sinh. Sau cái bắt tay, ông cậu giới thiệu với tôi:

- Đây là Vũ, con của nhà thơ Huy Cận, đang học luật.

Trạc tuổi nhau, nên tôi và anh nói chuyện tự nhiên, cởi mở. Biết tôi từ Đức sang anh hỏi thăm tình hình xã hội Đức, và điều kiện làm ăn, sinh sống của người Việt một cách tỉ mỉ. Khi nghe tôi kể về không khí ngày bức tường Berlin sụp đổ và những điều kiện đi đến thống nhất nước Đức, anh nghe rất chăm chú, một lúc sau tôi thấy anh thở dài. Chuyện trò một lúc, tôi rủ ông cậu và anh ra quận 13 khu người Việt chơi và nhậu. Anh đùa bảo ăn và chơi thôi chứ nhậu anh không biết, vì tửu lượng anh không tốt. Lúc đầu thấy anh gọi ông cậu tôi là sếp. Ông cậu tôi cũng cậu cậu, tớ tớ với anh. Tôi tưởng họ làm cùng cơ quan, nhưng không phải, vì quí nhau nên gọi nhau thân mật như khi còn ở Việt Nam.

Hình như bữa tối hôm đó chỉ có mình tôi uống. Anh và ông cậu tôi ăn, uống rất ít. Phải nói Hà Vũ có trí nhớ rất tốt, những dữ kiện lịch sử, những văn kiện của Việt Nam, của Âu, Mỹ anh đọc cứ vanh vách. Tôi là người rất dốt về chính trị, và những khái niệm, thuật ngữ của luật pháp. Hồi còn đi học tôi sợ nhất môn chính trị. Ấy vậy mà cũng đề tài này, nghe anh nói tôi cảm thấy hấp dẫn là đằng khác. Biết tôi cũng tập tọng viết lách, anh bẻ giò lái sang đề tài văn chương. Anh nói lý luận, phê bình bằng những từ ngữ dân dã, bỗ bã thế mà hay. Tôi xin bảo đảm hấp dẫn hơn các thầy, hoặc giáo sư, phó giáo sư đã dạy tôi môn lý luận ở trường sư phạm. (Đặt vấn đề và lý giải vấn đề đó của anh rất mới, đơn giản, sinh động, không lòng vòng, nên hút được người nghe).

Đang hứng khởi nói, thấy ông cậu tôi đứng dậy tìm nhà vệ sinh, anh ghé vào tai tôi:

- Đang lúc nước sôi, lửa bỏng thế này, cụ [tức ông cậu tôi] sang đây học hành làm gì không biết? Ở nhà thế quái nào nó cũng vặt hết tay chân, lông cánh.

Quả thật lúc đó tôi cũng không để ý đến câu nói của anh. Nhưng sau khi ông cậu tôi về nước được mấy tháng, nhận tin ông đã trần trụi về hưu không kèn không trống. Ngẫm nghĩ tới lời nói khi trước của anh, tôi giật mình bái phục.

Chúng tôi khật khừ có lẽ cũng đến gần nửa đêm. Tôi đã loạng choạng, đề nghị thuê khách sạn. Anh bảo giờ này còn khách sạn, khách sọt gì, về nhà khách sứ quán ngủ cho rẻ. Tôi nghe anh, móc chìa khóa xe, anh lại bảo:

- Đi taxi thôi, ông muốn mất giấy phép lái xe hay sao?

Sáng hôm sau ông cậu mắc chứng đi ngoài liên tục, tôi định không đi Monaco nữa. Anh bảo tôi cứ đi đi, ở đây có anh lo. Trước khi lên xe, anh đưa cho tôi danh thiếp công ty của anh ở Việt Nam, và dặn khi nào về Việt Nam nhớ tới chơi. Tôi hứa nếu về Việt Nam dứt khoát sẽ đến thăm anh. Nếu tôi nhớ không lầm ngày đó anh có công ty điêu khắc mỹ nghệ thì phải.

Từ đó đến nay tôi về Việt Nam một lần vào năm 2001, khi mẹ tôi mất, vì thời gian eo hẹp nên không đến thăm anh được. Nhưng tôi vẫn theo dõi anh và những việc làm của anh qua báo chí trong nước. Anh dùng sở học, tấm lòng của mình để cứu di tích lịch sử ở Huế khỏi bàn tay tàn phá của những ông chủ trọc phú mới. Tôi mừng khi anh tham gia ứng cử Bộ trưởng Văn hóa, một người có tâm, có tầm như anh làm bộ trưởng thì còn gì bằng. Tôi cũng đã sống ở nước ngoài gần hai mươi bảy năm. Tôi không hiểu luật pháp Việt Nam, nhưng ở Đức một người dân kiện thủ tướng cũng là chuyện bình thường. Tất nhiên tòa án nơi người dân khởi kiện phải thụ lý. Tòa sẽ gọi cả bên nguyên đơn, và bị đơn là ông thủ tướng ra tòa. Đúng sai có tòa phân xử, nếu ông Thủ tướng thua kiện, ông phải nộp tiền tòa, và chấp nhận hình phạt. Ngược lại người kiện bị thua, phải trả án phí… Tôi tin luật pháp Việt Nam cơ bản giống như Đức,vì tôi đọc báo thấy Việt Nam và Đức đang hợp tác chặt chẽ về lập pháp và hành pháp. Gần đây tôi nghe tin anh và công ty luật của anh lại đứng ra bào chữa miễn phí cho bà con nông dân nghèo. Quả thật tấm lòng vì dân vì nước của anh ít có ai làm được như vậy.

Rồi, đánh đùng một phát, anh lại dính vào vòng lao lý. Thật chẳng hiểu ra sao nữa! Một người không rành về luật pháp như tôi, không thể hiểu được hết những việc làm của anh, và những góc khuất của luật pháp Việt Nam. Nhưng tôi tin một ngày gần đây sẽ sáng tỏ, chứ tôi đọc báo trong nước, họ kết tội anh, trái tim nhút nhát của tôi cứ run lên cầm cập. (Tôi cũng không hiểu sao, báo chí Việt Nam được phép kết tội người khác, khi chưa có phán quyết của tòa?).

Năm hết, tết đến người người sum họp, nhà nhà sum họp, tất cả đang tất bật chuẩn bị đón mừng năm mới. Riêng anh lặng lẽ trong bốn bức tường giam, gió phương bắc đang tràn xuống chắc làm anh lạnh lắm. Cầu nguyện cho anh và gia đình chân cứng đá mềm vượt qua những khó khăn này. Còn tôi chưa biết khi nào được về thăm nhà. Lời hứa với anh tôi vẫn còn nợ đó.

Đ. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Ý chí của nhà cai trị và lòng dân?

Trần Minh Thảo

Tác giả đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề rất căn bản của thể chế, của đường lối đối nội, đối ngoại hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 chưa khiến ông (và chắc chắn là rất nhiều người nặng lòng với đất nước ) yên tâm. Trong đó vấn đề bản chất của nhà nước hiện hành chắc là đề tài gây nhiều tranh cãi. Có một chuyện khá tế nhị, “tưởng dzậy mà không phải dzậy”. Đó là chuyện “linh hoạt, sáng tạo” của người cai trị. Tất nhiên “linh hoạt, sáng tạo” thì không thể có nhà nước pháp quyền, thì sẽ có nền hành chính không giống ai, sẽ vô chính phủ, phe cánh, mafia… Nhưng cũng chính “linh hoạt, sáng tạo” nên mới có Nghị quyết 6 phá vỡ vòng kim cô của “chủ nghĩa xã hội” về kinh tế. Đó là mặt tích cực của “linh hoạt, sáng tạo” trong hoàn cảnh ta cứ bị cái bóng của “hai ông Tây có râu” nó đè mãi không thoát ra nổi nên cứ phải hô to “kiên trì”. Vậy các nhà cai trị kỳ này lại “linh hoạt, sáng tạo” một lần nữa để giải phóng sức bật của đất đai khỏi cái gông “công hữu”, giải phóng sức sáng tạo của người dân khỏi cái cùm “độc… lãnh…”. Cứ thế mà “diễn biến” dần cho đến đứt cái đuôi “định hướng”. Xong việc rồi ta sẽ thề đoạn tuyệt với “linh hoạt, sáng tạo” để quyết trung thành với nguyên tắc dân chủ pháp quyền. Khi ấy mới mong “dân giàu, nước mạnh” để không ai có thể “thỏa hiệp trên lưng mình”.

Bauxite Việt Nam

Một vị tướng (vừa trở thành Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) trả lời phỏng vấn rất mạnh, hợp lòng dân, bộc lộ ý chí của một dân tộc tự quyết định vận mệnh của đất nước: Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình. Trăm năm qua, đã mấy lần Việt Nam trơ mắt nhìn người ta bắt tay thỏa hiệp trên lưng? Đã phản ứng thế nào? Nếu người ta lại thỏa hiệp lần nữa thì Việt Nam hành xử ra sao? Thử xem bằng cách nào Đảng biến lời nói thành sức mạnh chặn đứng những bàn tay bẩn thỉu âm mưu “đẩy tốt qua sông” lần nữa (thỏa hiệp trên lưng hay bắt tay qua đầu khi có cùng một điều kiện: kẻ có lưng sẵn sàng khòm, có đầu sẵn sàng cúi).

Có thể khẳng định, một nhà nước tồi với một dân tộc hèn thì tránh sao được việc người ta “múa gậy vườn hoang” trên vận mệnh dân tộc mình.

Nói về nhà nước, trước hết phải xem xét từ kiểu nhà nước (quốc gia, chính quyền).

Đặc điểm của nhà nước hình thành sau mỗi cuộc khởi nghĩa nông dân thành công là:

-Bộ máy cai trị cha truyền con nối (phụ thừa tử kế, con thầy chùa lại quét lá đa)

-Công hữu tài sản (chủ yếu là đất đai, dạng của cải quan yếu nhất của nền kinh tế nông nghiệp tuy đã phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại, “đất đai” là nhân tố quyết định nổ ra khởi nghĩa nông dân).

-Nhà nước vô chính phủ (cai trị bằng ý chí của giai cấp thống trị đại diện bởi vị hoàng đế danh nghĩa – tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung gì đấy). Nhà nước ấy tất yếu là duy ý chí, điều hành bởi lợi ích phe nhóm, thỏa hiệp phe nhóm, coi nhà nước pháp quyền là thứ yếu, thậm chí là thù địch, là âm mưu diễn biến hòa bình. Luật pháp chỉ áp dụng cho thứ dân.

-Quan hệ xã hội là quan hệ trên-dưới, lớn-nhỏ, chủ-tớ.

-Quyền lực cai trị là tập hợp các thế lực, các thủ lĩnh của mỗi thế lực tạo địa bàn cát cứ khi mạnh lên sẽ tiêu diệt các thế lực khác, chưa mạnh hẳn thì thỏa hiệp phân chia quyền lực. Ông vua chỉ còn là “nhân danh”.

-Ngay khi cuộc khởi nghĩa nông dân toàn thắng thì đã manh nha trong lòng nó một cuộc khởi nghĩa nông dân khác.

Mô hình cai trị sau khởi nghĩa nông dân thành công từng bị những nhà lý luận Mác-xít kết án là phản bội giai cấp.

Xét khái quát tình hình chính trị xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì thấy đúng như vậy. Bộ máy cai trị ở Trung Quốc là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khởi nghĩa nông dân thành công, đi lên từ hai thế lực: thái tử đảng (cha truyền con nối) và đoàn phái (còn gọi là đội hậu bị của Đảng – cũng là thành phần cốt cán – con ông cháu cha, phần còn lại không phải là con ông cháu cha thì chỉ là thành phần “giơ tay nhất trí”), đất đai vẫn được coi là tài sản chủ yếu thuộc quyền quản lý của tầng lớp thống trị (công hữu), ý chí của tầng lớp thống trị là vô đối, trái với ý chí đó đều bị buộc tội là phản động (vụ Lưu Hiểu Ba và Hiến chương 08 là một dẫn chứng. Do đó, giải Nobel Hòa bình cho ông được coi là một cú đánh vào thành trì thống trị của Đảng, là chống phá nhà nước Trung Quốc, thứ nhà nước “khởi nghĩa nông dân”).

Việt Nam giống Trung Quốc đến mức nào?

Nhà nước linh hoạt, sáng tạo hay nhà nước vô chính phủ và cơ chế thủ lĩnh?

Do thói quen hay cố ý, khái niệm nhà nước và chính quyền thường dùng thay thế nhau gây nhầm lẫn. TS Cù Huy Hà Vũ bị cáo buộc tội chống nhà nước (Xhcnvn) nhưng xét việc làm của ông thì “nhà nước” ở đây là “chính quyền”, không phải là “quốc gia”. Phản đối chính quyền, phê phán chính quyền, buộc tội chính quyền không coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, chỉ chú ý vun vén lợi ích phe nhóm, xâm hại lợi ích quốc gia thì không phải là chống nhà nước. Việc ấy, trong các xã hội trọng pháp, người công dân có quyền làm dựa trên luật pháp. Cũng không chừng, việc bắt vị tiến sĩ luật là theo phương thức “thần thiêng nhờ bộ hạ”, bộ hạ thực hiện mà thần muốn còn thiêng nên cũng phải gật đầu (tức là thực quyền nằm ở bên dưới). Xét rộng ra, theo tôi, những việc làm rất có trách nhiệm của TS Cù Huy Hà Vũ là để bảo vệ, kiện toàn nhà nước ở cả hai nghĩa: quốc gia, chính quyền.

Tại một địa phương, vị Chủ tịch UBND bị “đấu tố”: làm gì cũng luật và luật, không có năng lực sáng tạo, linh hoạt. Vị Chủ tịch bị mất chức, bị thuyên chuyển. Ở một địa phương kế cận, vị Chủ tịch UBND lại được khen biết làm việc, rất linh hoạt. Vị này được cho đi tham quan, học hỏi nước anh em, tương lai còn lên. Sáng tạo, linh hoạt chính là mị dân, tùy tiện, vô chính phủ, bất chấp luật lệ, lợi ích nhân dân, quốc gia (một thứ chủ nghĩa dân túy kiểu châu Á?). Nhưng tại sao đảng cầm quyền đánh giá cao những đảng viên “sáng tạo, linh hoạt”, lên án những đảng viên nào có ý thức về kỷ cương, luật pháp là chống Đảng? Phương thức điều hành việc nước của đảng cai trị nói lên điều đó. Đó là phương thức “kiên định, sáng tạo” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI. “Kiên định, sáng tạo” phải chăng là tùy tiện, duy ý chí, coi nhẹ lợi ích của nhân dân, đất nước?

Vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ phá sản tập đoàn Vinashin, đại dự án đường sắt cao tốc, bán đất rừng… cũng nằm trong “phạm trù” nhà nước (chính quyền) linh hoạt, tùy tiện, nhân danh nhà nước (quốc gia) làm những việc xâm hại an ninh quốc gia. Chứng minh ai đó nhân danh Đảng chấp chính hay nhà nước, làm trái luật có hại cho dân tộc là không khó. Nhà nước linh hoạt, tùy tiện thực chất là nhà nước vô chính phủ. Một nhà nước vô chính phủ lại buộc tội người khác chống phá nhà nước, vi phạm pháp luật thì có hợp lý, hợp lẽ? Không hợp lý lẽ nhưng phải chăng hợp với quyền lợi của từng phe nhóm, từng vùng ảnh hưởng của các thủ lĩnh trong đảng cai trị?

Một vài dẫn chứng cho thấy cai trị kiểu “vô chính phủ” đã đưa đất nước lâm vào tình trạng tệ hại hiện nay:

-Về nội trị

1/Tấm bản đồ lốm đốm

Trong Hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI do Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tổ chức, với sự tham dự của 22 trí thức - đảng viên cao cấp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, có một vị yêu cầu Đảng, Nhà nước công khai bản đồ Việt Nam ghi rõ các nơi có sự đứng chân của Trung Quốc. Nếu Đảng, nhà nước làm việc đó thì bản đồ Việt Nam là một thứ lốm đốm, da báo, xôi đậu (một thứ dư đồ rách của Tản Đà).

(Nguyễn Trung: “Tôi chỉ xin đề nghị thế này, nếu Đại hội chưa làm được cái việc này xin làm ơn vẽ cho một cái bản đồ của nước ta ở những địa điểm nào Trung Quốc có những xí nghiệp gì. Các anh chỉ cần nhìn vào cái bản đồ này thôi các anh sẽ thấy vấn đề nó ra làm sao.”). (Toàn văn hội thảo nghe, xem tại đây).

Vậy TS Cù Huy Hà Vũ chống nhà nước nói chung – là quốc gia (thực chất, chống như vậy cũng là vô chính phủ) – hay chống loại nhà nước (chính quyền) rước người ngoài vào “chiếm đóng”, “khai thác”, khuynh loát đất nước? Xét các cáo buộc của vị tiến sĩ luật thì thấy ông không chống nhà nước, ông chỉ chống những người nhân danh lợi ích đảng cai trị, nhà nước làm khốn quốc gia.

Tấm bản đồ lốm đốm, xôi đậu còn cho thấy tư tưởng nước lớn nước nhỏ, dưới trên, chủ tớ của văn hóa Khổng Nho được Đảng Trung Quốc hiện đại hóa về ngôn từ (anh em đồng chí “4, 16” gì đấy).

2/ Hành tinh Oxy

Là nhan đề cuốn truyện khoa học giả tưởng của một nước Đông Âu ("Hành tinh Oxy" của Klara Seher, nữ văn sĩ người Hungary (?), đã được dịch và nhà xuất bản Kim Đồng phát hành 30 năm trước). Trên hành tinh này có một thiên đường của tầng lớp cai trị thừa mứa oxy và một địa ngục mà oxy được bọn thống trị cấp phát hàng ngày như một thứ ân huệ hoặc trừng phạt.

Ở Việt Nam, thỉnh thoảng nghe nói ông này, bà kia chỉ dùng rau trái sạch trong nhà kính, có bệnh viện riêng rất hiện đại, ăn uống hàng ngày cũng khác dân thường (BBC: Phở cộng sản)... Trung Quốc và Việt Nam có những đặc điểm của hành tinh “thiên đường oxy”? Việt Nam hiện nay có không một tầng lớp ngồi ở trên và đại bộ phận sống lay lắt ở dưới? Ai đụng đến “thiên đường oxy” đều bị khoác tội “chống phá nhà nước XHCN”?

3/”Kẻ ăn không hết, người lần không ra”

Vinashin mất khả năng chi trả nợ đến hạn, Evn thì tự thú đang đứng ở chân tường và kiên quyết tăng giá điện trong năm 2011 (xem tại đây )... Nhiều ý kiến chuyên môn nói nợ quốc gia ở mức báo động nhưng chưa nghe Đảng khẳng định nợ nhà nước đang ở mức an toàn. Trong khi đó các đại gia ngày càng giàu, các nhà văn, nhà báo có tâm huyết gọi họ là “trọc phú” do cách xài tiền “kiểu Mỹ”. Trong một xã hội phần nhỏ “ăn không hết”, phần lớn “lần không ra”, của cải xã hội nhiều lên do đổi mới chủ yếu nằm trong tay ai? Sự sụp đổ, nợ nần, thua lỗ của các tập đoàn nhà nước làm ai giàu lên, ai nghèo đi, thành phần nào trong xã hội dễ bị tổn thương do các cuộc khủng hoảng sinh ra từ đường lối, chính sách “vô chính phủ”?

Về ngoại giao

4/ Bán và mất

Phải bán gì và phải mất gì để Việt Nam trở thành “hành tinh Oxy”? Một quyền lực cai trị không thể không linh hoạt, không thể không vô chính phủ là vì lẽ gì? TS Cù Huy Hà Vũ và những vị đang ngồi tù vì tội “chống phá nhà nước” có lẽ tin rằng có thể chuyển hóa một nhà nước (chính quyền) lạc hậu, vô chính phủ, chia năm xẻ bảy thành một nhà nước thống nhất, văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật? Có thể chặn đứng việc “bán” và “mất” những thứ quý giá nhất của Tổ quốc? Theo tôi, sau Đại hội, Đảng nên mở một đợt sinh hoạt chính trị nội bộ, cung cấp đủ thông tin về “bán” và do đó bị “mất” những gì cho 3,5 triệu đảng viên và người dân biết. Có làm được không? Ít ra là nên cho đảng viên và người dân biết về “tấm bản đồ lốm đốm” và “tình hình biển Đông không có gì mới”.

5/ Ý bạn là ý trời?

Vụ hai lãnh đạo cũ kết tội ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội tội chống Đảng do ông ấy đề nghị sửa hiến pháp (xem tại đây), vụ bauxite Tây Nguyên được nói là “chủ trương lớn” của Đảng, đường sắt cao tốc được khẳng định không thể không làm,… những việc lớn đó là theo ý muốn của ai? Dư luận trong, ngoài nước nói Việt Nam không thoát ra được cái bóng của Trung Quốc, không thể có độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ? Ai đã đưa đẩy đất nước vốn “ra đường gặp anh hùng” đến tình trạng tồi tệ đó?

6/ Kim chỉ nam hay kim chỉ bắc?

Một nhà nước sinh ra từ cuộc khởi nghĩa nông dân thì luôn là một nhà nước vô chính phủ, mất định hướng, phát triển tùy tiện dù cho nó tự nói về kim chỉ nam, ánh sáng của chủ nghĩa này, tư tưởng nọ nếu nhà nước ấy không bước ra khỏi truyền thống, tập quán vô chính phủ của các cuộc khởi nghĩa nông dân có trong lịch sử Trung Quốc, Việt Nam. Dù nói gì thì kim chỉ nam của cuộc cách mạng vẫn là “sáng tạo”, “linh hoạt”, “vô chính phủ” để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước đi tới chủ nghĩa xã hội. “Kim chỉ nam” nào chỉ ra con đường chuyển cuộc khởi nghĩa nông dân thành ra cuộc cách mạng dân chủ, nhà nước pháp quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa?

Không thấy có con đường nào, không có con người nào, không có kế sách nào vì chính trị thì cấm đa đảng, kinh tế thì công hữu về thực chất và nước ngoài đang đứng chân trên nhiều địa bàn trọng yếu của tổ quốc Việt Nam. Trong tình hình đó muốn giữ vững ổn định chính trị thì chỉ có một cách: xây thêm nhà tù, tăng cường lực lượng trấn áp… Có người nói, định hướng thế nào được khi “kim chỉ nam” lại là “kim chỉ bắc”?

Tùy tiện, tùy hứng vẫn là cách làm việc nước phổ quát với khẩu hiệu “kiên định” và “sáng tạo” làm cho xã hội lúng túng như gà mắc tóc.

Chưa rõ đảng cai trị giải quyết hình thái chiếm hữu và quan hệ xã hội chủ-tớ thế nào để đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp văn minh tiến bộ, giữ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển bền vững. Cũng chưa thấy đảng cai trị làm gì để cải tạo chế độ chính trị dựa trên thành tích “khởi nghĩa nông dân” khi vẫn cứ coi “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (tức là lãnh đạo cho đến khi nào có chủ nghĩa xã hội) là lý tưởng chính trị của Đảng. Có thứ chủ nghĩa xã hội nào không coi công hữu của cải xã hội là mục đích? Lịch sử nhân loại chưa có bằng chứng về công hữu tài sản có tên chủ nghĩa xã hội mà chỉ có tên gọi cho kiểu chiếm hữu ấy là quân chủ phong kiến – coi của cải nói chung là của nhà vua, nhân dân là tôi tớ của nhà vua.

Cuối cùng là chưa thấy đảng cai trị làm gì để không bị nước lớn bắt tay nhau trên đầu (trên lưng?) khi phương thức cai trị đã làm suy đồi mọi thứ kể cả lòng tin của người dân vào chế độ, vào bộ máy cai trị và các giá trị nhân văn khác.

Vị tướng trả lời phỏng vấn (thể hiện ý Đảng) có chí khí nhưng cũng “lực bất tòng tâm”, chỉ tại cái “la bàn chỉ bắc” làm cho “lòng dân đổi khác”.

T. M. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BoxitVN

Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý

Posted by truongthondlb3



Trần Xuân Trí *Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Đặt vấn đề

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Do đó nó có tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục, đạo đức, lối sống, tư tưởng tình cảm của cộng đồng quốc gia dân tộc. Đạo Phật không nằm ngoài quy luật đó. Xuất thế tới Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một đạo nhập thế và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có chính trị. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đó tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định, phụ thuộc vào các chính sách của giai cấp cầm quyền.

Lịch sử dân tộc trong giai đoạn Lý – Trần là thời kì phát triển rực rỡ, thời kì”hoàng kim” của đạo Phật đặc biệt là vương triều Lý. Đây cũng là giai đoạn Đại Việt có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước đó về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa xã hội. Đạo Phật có mối quan hệ gì đối với sự phát triển đó của vương triều Lý? Đây là một vấn đề khoa học đầy lí thú song cũng rất phức tạp đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc. Trong phạm vi báo cáo này chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu những ảnh hưởng của đạo Phật đối với đường lối nội trị, ngoại giao, tổ chức chính quyền và luật pháp của triều Lý. Kiến giải được những vấn đề nêu trên phần nào lý giải được mối quan hệ giữa tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng với chính trị. Đồng thời qua đó đánh giá một cách đúng đắn vai trò của đạo Phật đối với sự hưng thịnh của triều Lý và sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Nội dung

1. Quá trình truyền bá, phát triển đạo Phật ở Việt Nam

Đạo Phật ra đời vào khoảng thế kỉ VI trước công nguyên tại Ấn Độ. Ngay từ khi ra đời, đạo Phật đã trở thành nhưu cầu tinh thần của nhân dân để chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt trong xã hội Ấn Độ. Chính vì thế trong giáo lý của đạo Phật chứa đựng những quan điểm nhân sinh quan rất tiến bộ đặc biệt là tư tưởng hướng thiện,“từ bi hỉ xả” cứu vớt con người ra khỏi mọi khổ đau. “Trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lí giải về nỗi khổ đau… cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn. học thuyết của ta chỉ có một mục đích là cứu vớt” [12; 60]. Những quan điểm giáo lí của đạo Phật được đông đảo quần chúng ủng hộ và tin theo. Đến thế kỉ III trước công nguyên, đạo Phật trở thành quốc giáo của Ấn Độ. Sau đó phật giáo nhanh chóng được truyền bá sang các nước châu Á trong đó có Việt Nam thông qua các tăng đoàn và các thương thuyền người Ấn.

Đạo Phật được truyền bá vào nước ta từ rất sớm theo hai con đường; từ Trung Quốc xuống và từ Ấn Độ sang “Vốn dĩ từ rất sớm Phật giáo đã cắm dễ vào mảnh đất này. Vào mấy chục năm đầu của thế kỉ thứ nhất, đã có dấu vết của nó rồi. Nó đến đây bằng nhiều con đường; con đường bộ từ Bắc xuống, con đường thủy từ Tây sang” [ 6; 589]. Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và Tông pháp triều Lý có dẫn ra câu chuyện hoàng hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) với nhà sư Trí Không: Thái hậu hỏi “Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Đạo tới xứ ta từ đời nào? truyền thụ Đạo ấy ai trước, ai sau?”. Nhà sư Trí Không trả lời “Phật và Tổ là một, Phật truyền Đạo cho Ca Diệp, về đời Hán có Ma Đằng đem đạo vào Trung Quốc. Đạt Ma truyền vào Lương, Ngụy. Đạo rất thịnh khi dòng Thiên Thai được thành lập dòng ấy gọi là Giao Tông. Sau lại có thêm dòng Tào Khê tức là dòng Thiền Tông hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm”. Những chứng cứ nêu trên cùng với việc giai đoạn này Âu Lạc đã bị Triệu Đà xâm luợc và thống trị tiếp đó là nhà Hán thì việc đạo Phật theo gót kẻ xâm lược vào nước ta hồi đầu công nguyên là có thể tin cậy.

Cùng với nhiều hiện vật là những đồng tiền bằng Bạc của người Tây Vực mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại Việt Nam và câu chuyện chùa Pháp Vân ở Luy Lâu ( Thuận Thành – Bắc Ninh) có nhắc tới hai vị sư người Ấn Độ là Kì Vực và Khâu Đà La là những chứng cứ cho chúng ta phỏng đoán đạo Phật còn được truyền bá vào nước ta từ Ấn Độ.

Với tinh thần dung hợp và khai phóng, cùng với những quan điểm, tư tưởng gần gũi với truyền thống của người Việt nên đạo Phật nhanh chóng phát triển và có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội ở nước ta, số lượng người theo đạo Phật ngày càng đông “Đất Giao Châu ngày nay dân chúng rất tôn sùng Phật giáo, lại có nhiều vị cao tăng giáo hóa, bốn phương thấy vậy đều quy y” [ 14; 133].

Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV, đạo Phật phát triển mạnh mẽ, và trở thành quốc giáo. Trong dân gian đến quá nửa là sư sãi, các vua Lý đều là những người sùng đạo Phật chính vì thế đạo Phật ngày càng ăn sâu, bén dễ vào mọi mặt của đời sống xã hội, phạm vi ảnh hưởng của nó ngày càng sâu rộng trong đó có chính trị.

Trong những thế kỉ XV – XVIII, ở nước ta có sự chuyển giao trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo: Nho giáo vươn lên thành hệ tưởng độc tôn của giai cấp thống trị, Phật giáo chỉ giữ một vị trí rất khiêm tốn trong đời sống xã hội.

Từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, là thời kì đạo Phật hưng thịnh trở lại, nhiều chùa, tháp được tu bổ và xây dựng mới.

Trong những năm 1954 – 1975, các tăng ni, Phật tử tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Từ năm 1975 tới nay, đất nước được thống nhất, đạo Phật ngày càng có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các nhà sư, tăng ni, phật tử luôn sống “tốt đời đẹp đạo” góp phần to lớn vào giải quyết các vấn đề xã hội.

2. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý

2.1. Khái quát về vương triều Lý

Cuối triều tiền Lê, Lê Long Đĩnh hoang dâm, hung tàn và bạo ngược làm cho lòng người vô cùng oán hận. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết. Thế lực nhà chùa đã đưa Lý Công Uẩn lên làm vua lập ra vương triều Lý.

Vương triều Lý tồn tại từ năm 1009 đến năm 1225. Trải qua hơn hai trăm năm tồn tại với chín vị vua trị vì, triều Lý đã tăng cường củng cố chế độ trung ương tập quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố vị thế của một quốc gia độc lập. Hệ thống chính quyền được củng cố từ trung ương đến địa phương. Năm 1042, triều Lý ban hành bộ luật hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Năm 1075, triều Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Quân đội nhà Lý được phiên chế quy củ, kỉ luật nghiêm minh đặc biệt nhà lý thực hiện chính sách”ngụ binh ư nông” kết hợp giữa kinh tế và quân sự theo tinh thần”tĩnh vi nông, động vi binh”.

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển triển triều Lý đã có chính sách bảo vệ sức kéo, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, mở mang buôn bán… làm cho nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp thời Lý tương đối phát triển.

Triều Lý hết sức quan tâm tới phát triển văn hóa, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ổn định xã hội. Dưới triều Lý cả đạo Phật, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và phát triển không hề có sung đột tôn giáo”tam giáo đồng nguyên”. Tuy nhiên, đạo Phật được các vua Lý tôn sùng và có những chính sách ưu ái tạo điều kiện cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ.Do đó Phật giáo trở thành tư tưởng chính thống quốc gia chi phối mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có chính trị.

2.2. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị vương triều Lý

Tổ chức chính quyền

Đến thế XI, cùng với quá trình đánh bại các thế lực ngoại xâm giữ vững nền độc lập dân tộc, mở rộng lãnh thổ, dân số gia tăng, kinh tế, văn hóa phát triển thì một bộ máy chính quyền cũng được xây dựng từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh những ảnh hưởng do quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, ý thức tự tôn dân tộc thì đạo Phật đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong việc tổ chức bộ máy chính quyền của triều Lý.

Đứng đầu nhà nước là vua. Vua là thủ lĩnh tối cao, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước. Đôi khi vua được thần thánh hóa, là người chủ tế trong các nghi lễ tôn giáo. Dưới triều Lý các ông vua đều tôn sùng đạo Phật do đó đã có ông vua tự xưng mình là Phật như trường hợp của Lý Cao Tông (1176 – 1210). Giúp việc cho vua là một hệ thống quan lại gồm Tam thái, Tam thiếu, Tể tướng, Á tướng… Đặc biệt trong bộ máy chính quyền trung ương của triều Lý có một nghạch quan dành riêng cho những người tu hành gọi là hệ thống Tăng quan. Đứng đầu hệ thống Tăng quan là Tăng Thống. Tăng Thống là một chức sắc của đạo Phật , là người đứng đầu tăng ni cả nước. Dưới là Tăng Lục, ngoài ra còn có Tăng Ty giác nghĩa, Tăng đạo chánh, phó Tăng đạo chánh đều chật tòng cửu phẩm. Các Tăng quan và nhà sư có tài được nhà vua rất trọng dụng và có vai trò lớn trong việc ban bố các chính sách của nhà nước. Nhiều khi họ được trực tiếp tham gia bàn chính trị với nhà vua và bá quan văn võ trong triều. Các vị sư Đa Bảo, Viên Thông, Nguyên Thường… nhiều lần được Lý Thái Tổ (1010 – 1028) mời vào cung để luận bàn việc nước. Một số nhà sư có công lao đối với đất nước được nhà vua phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông, (1080 – 1151), Quốc sư Thông Biện ( ? – 1134)… các Tăng quan được ví như những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua.

Sự có mặt của các nhà sư trong bộ máy chính quyền triều Lý ở trung ương, việc trực tiếp tham gia vào guồng máy chính quyền nhà nước hiện rõ nét ảnh hưởng của đạo Phật đối với tổ chức chính quyền của triều Lý.

Tinh thần nhân ái, khoan dung trong luật pháp.

Trước triều Lý Việt Nam chưa có luật pháp thành văn. Triều Đinh, Tiền Lê thường nuôi hổ, đặt vạc dầu để ngăn đe, xử phạt những ai vi phạm những quy định của nhà nước.

Triều Lý được thành lập, kinh tế, văn hóa, xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trước, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Để quản lý đất nước, điều chỉnh hành vi của dân chúng, củng cố hơn nữa chế độ quân chủ trung ương năm 1042 vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư – bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Nếu như triều Đinh, Tiền Lê luật Pháp có phần dã man “người nào trái phép sẽ bị chịu tội bỏ vạc dầu nấu hay cho hổ ăn” [2;148] thì luật pháp triều Lý lại chứa đựng tinh thần nhân ái, khoan dung mang dấu ấn của tư tưởng” từ bi hỉ xả” của đạo Phật. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh châm trước cho thích dụng với thời bây giờ, chia ra môn loại, biên ra nhiều khoản làm sách hình luật của một triều đại”[ 1;206]. Chính “lòng thương xót” của vua Lý đối với dân chúng đã chi phối nội dung luật pháp của nhà nước, lòng thương xót ấy là sự dung hợp giữa truyền thống của dân tộc Việt Nam với tư tưởng nhân ái, cứu khổ của đạo Phật.

Đối với những người vi phạm vào các quy định của nhà nước vua Lý thường lấy lòng khoan dung mà tha thứ. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi đã tha tội làm phản cho Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương. Năm 1043, Nùng Trí Cao ở Châu Quảng Nguyên làm phản, sau khi bắt được Trí Cao vua không những tha tội mà còn ban cho đô ấn, phong làm Thái bảo và ban cho mấy châu,q. Đối với tội giết người pháp luật triều Lý quy định tranh nhau ruộng đất mà lấy đồ khí nhọn sắc đánh chết hoặc làm bị thương người khác thì bị đánh 80 trượng và chịu đày. Giết người, làm phản là những trọng tội, các triều đại sau này liệt nó vào những tội “thập ác” thế nhưng với tinh thần thương dân, lòng nhân ái, khoan dung các vua Lý đã xử phạt rất nhẹ. Sử thần triều Lê Ngô Sĩ Liên đánh giá “Giết người thì phải xử tội chết đó là phép của đời xưa, nay tội giết người cũng xử như tội khác thật là không phân biệt mức độ, mất sự cân nhắc nặng nhẹ” [1;333]. Từ đó Ngô sĩ Liên chỉ ra nguyên nhân “Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua” [ 1; 273].

Luật pháp triều Lý đặc biệt chú ý tới người già, trẻ nhỏ, coi trọng công tác giáo dục, ngăn ngừa. Pháp luật triều Lý quy định những người trong độ tuổi từ 70 đến 80, trẻ nhỏ từ 15 đến 10 tuổi nếu phạm tội thì cho phép dùng tiền để chuộc tội. Trong xét xử các vua Lý thường khoan dung, lấy giáo dục làm chính. Có lần khi đang xét xử vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên mà nói “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không kể tội gì nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm” [1; 273].

Thương dân không chỉ bằng việc khoan dung đối với những người phạm tội, luật pháp triều Lý còn có những quy định rất cụ thể để bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp, bảo vệ người lao động như việc cấm giết mổ, ăn trộm trâu, bò, cấm không được buôn bán hoàng nam làm gia nô hay thiến, hoạn nam giới…

Luật pháp là công cụ của giai cấp thống trị để bảo vệ trước hết là quyền lợi của họ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đạo Phật, luật pháp triều Lý chứa đựng những nhân tố rất tiến bộ trong đó nổi bật là tinh thần nhân ái, khoan dung đối với nhân dân, bảo vệ, chăm lo tới cuộc sống của dân.

“Yêu dân như con” là đạo trị nước của triều Lý.

Tư tưởng nhân ái, từ bi của đạo Phật hòa quyện với truyền thống”thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam đã tạo nên cái tâm trị nước của triều Lý.

Các vua Lý có quan hệ gần gũi với nhân dân, coi trăm họ trong bốn biển như con đỏ, chăm lo tới cuộc sống của dân, xót xa khi thấy dân khổ, vỗ về khi lòng dân không yên. Các vua Lý đều có lệ thân chinh đi làm lễ cày ruộng tịch điền, xem dân chúng sản xuất, kinh lý nắm bắt tình hình cuộc sống của dân. Trong những năm lũ lụt, hạn hán mất mùa nhà nước đều thực hiện cấp thóc gạo, tiền, lụa, giảm, xóa thuế cho dân chúng. Năm 1010, sau khi lên ngôi Lý Thái Tổ đại xá thuế khóa cho thiên hạ trong ba năm, những người già yếu, mồ côi, góa chồng thì được xóa thuế nợ…

Dường như lòng nhân ái của các vua quan triều Lý đã vượt ra khỏi danh giới giai cấp, địa vị xã hội, vượt qua không gian, xuyên suốt thời gian tồn tại của vương triều. Thật cảm động khi Lý Thánh Tông thương xót và đồng cảm với nỗi khổ của những tù nhân trong mùa đông lạnh giá “Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét Lý Thánh Tông nói với các quan rằng ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật thấy làm thương” [6; 364]. Ngay sau đó vua sai người mang chăn, chiếu cùng với hai bữa cơm mỗi ngày cho phạm nhân. Vua Lý Nhân Tông thường hay mở hội Phật và tha cho những người có tội, còn Lý Thần Tông thì không có việc gì cũng tha bổng cho những người mắc tội… Lòng nhân ái, thương người của các vua Lý không chỉ đối với nhân dân Đại Việt mà còn cả với những tù binh Chiêm Thành. Năm 1010, Lý Thái Tổ đã tha cho 28 người Chiêm Thành bị Lê Ngọa Triều bắt trước đó. Không những Thế vua Lý còn sai người cấp thuốc men, quần áo, lương thực để họ trở về quê hương.

Tư tưởng”yêu dân như con” trong đạo trị nước của triều Lý không phải là sự giả dối của giai cấp cầm quyền mà là”phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên”[6; 365].

Tuy nhiên, cần phải nói rằng đây là một trong những chính sách của nhà nước phong kiến, xuất phát từ nhưu cầu, lợi ích của giai cấp thống trị nhằm củng cổ địa vị thống trị của họ trong xã hội.

Mềm dẻo, linh hoạt và nhân văn trong chính sách đối ngoại

Đối với Chiêm Thành, triều Lý luôn giữ mối quan hệ hòa hiếu. Tuy nhiên, do nhiều lần Chiêm Thành đem quân quấy rối biên giới phía Nam, cướp của, bức hãm nhân dân cho nên nhiều lần vua Lý đã thân chính cầm quân đi đánh dẹp. Năm 1044, Lý Thái Tông cầm đánh Chiêm Thành bắt được hơn 5000 tù binh. Vua không những không cho giết mà còn cho họ nhận hộ thuộc làm ăn sinh sống ở Vĩnh Khang (Nghệ An ngày nay). Năm 1069, Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm Thành vua cũng không giết một ai.

Đối với nhà Tống, triều Lý có quan hệ hòa hiếu, ân cần nhận sắc phong đồng thời thực hiện lễ sính và triều cống đều đặn. Sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống triều Lý giao trả cho nhà Tống những dân phu, quân lính bị bắt tại Khâm Châu, Ung Châu năm 1075.

Chính sách ngoại giao khôn khéo của triều Lý đối với Chiêm Thành và nhà Tống trước hết là nhằm bảo vệ, củng cố chính quyền của giai cấp phong kiến nó tưởng chừng như không có liên quan gì đến tôn giáo song việc triều Lý đối xử nhân ái với những tù binh bị bắt trong chiến tranh xuất phát từ cái tâm của người cầm quyền. Cái tâm ấy được tắm mình trong truyền thống nhân ái của người Việt hòa quyện với tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật.

3. Một vài đánh giá, nhận xét

Đạo Phật, một tôn giáo ngoại sinh đã nhanh chóng ăn sâu, bám dễ vào đời sống tinh thần của người dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam đặc biệt là triều Lý ( 1009 – 1010). Tư tưởng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật cùng truyền thống thương yêu đồng loại của dân tộc Việt Nam hun đúc nên chủ nghĩa nhân đạo, tính nhân văn trong ứng xử của con người Việt Nam. Tư tưởng ấy thẩm thấu vào đạo đức, tư tưởng của người cầm quyền, ảnh hưởng tới chính sách nội trị ngoại giao của nhà nước.

Lòng nhân ái, sự khoan dung, yêu dân như con đỏ của vua quan triều Lý là một trong những nhân tố quan trọng làm cho nhân dân no ấm, kinh tế, văn hóa được mở mang, đất nước thái bình thịnh trị, Nam bình Chiêm, Bắc phá Tống uy vũ biểu dương hiển hách.

Tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng ra đời không nhằm phục vụ mục đích chính trị, nhưng trong tay người làm chính trị đạo Phật đã phát huy vai trò tích cực. Đó là do triều Lý đã biết phát huy yếu tố tích cực, tiến bộ của đạo Phật để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, chăm lo tới cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh những ảnh hưỏng tích cực, đạo Phật còn có những ảnh hưởng mang tính chất không tiến bộ; nhiều khi các vua Lý bị chi phối bởi quan điểm duy tâm, việc xây dựng nhiều chùa, Tháp đã ảnh hưởng tới quốc khố của nhà nước, nhiều sư sãi làm trái với điều răn của Phật, quy định của nhà nước, đôi khi còn lộng hành trên vũ đài chính trị làm rối loạn triều đình.