Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

NHÀ THANH CỬ BAO NHIÊU QUÂN SANG XÂM LƯỢC NƯỚC TA TRONG TRẬN KỶ DẬU 1789 ?

Số quân Thanh sang Đại Việt được ghi chép trong các sử sách của Việt Nam, của Trung Quốc, cũng như của phương Tây có những điểm khác biệt rất lớn. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Tạ Chí Đại Trường, Trần Gia Phụng đã có những tổng hợp về các nguồn tài liệu liên quan tới vấn đề này; nguồn tài liệu do các nhà nghiên cứu Việt Nam dẫn ra khá tương đồng[30]:
Việt Nam
Sử sách của Việt Nam như Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục, Lê Quý Kỷ Sự, Tây Sơn Thuật Lược... không ghi chép rõ số quân Thanh.
Hoàng Lê nhất thống chí có chép lại "Tám điều quân luật" và "Bài hịch" của Tôn Sĩ Nghị. Trong "Bài hịch", Tôn Sĩ Nghị tuyên bố số quân Thanh có 50 vạn. Theo "Tám điều quân luật" thì "mỗi người lính được cấp một tên phu" (điều 8). Vậy số quân Thanh 50 vạn thì số phu cũng 50 vạn và toàn bộ lên đến 1 triệu người.
Hầu hết các nhà sử học đều cho con số đó có tính chất khoa trương lực lượng. Nhưng nó cũng cho ta biết rằng 1 người lính chính quy sẽ có 1 người phu đi theo.
"Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện sơ tập" (Q.30) và "Nguyễn Thị Tây Sơn Ký" chép số quân là 20 vạn, nhưng không xác định con số đó có bao gồm lực lượng thổ binh, nghĩa dũng và dân phu hay không.
Tỷ lệ giữa binh lính và dân phu trong các tài liệu cũng không thống nhất. Điều 8 trong "Quân luật" của Tôn Sĩ Nghị quy định 1 lính được cấp 1 phu, trong lúc "Lê Sử Toản Yếu" và "Minh Đô Sử" của Việt Nam lại chép 1 chiến binh có 3 lương binh phục vụ.
Bài "Chiếu phát phối hàng binh, binh nội địa" của Quang Trung do Ngô Thì Nhậm viết, là tài liệu được công bố ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu. Bài chiếu có đoạn viết:
"Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị nhà các ngươi sức hèn tài mọn, không biết dụng binh, vô cớ động binh đem hai mươi chín vạn quân ra ngoài cửa ải, vượt suối trèo non vào nơi hiểm nguy, xua các ngươi, một lũ dân đen vô tội vào chốn mũi tên ngọn giáo. Đó là tội của tổng đốc của các ngươi".
Theo bài chiếu, tổng số quân Thanh là 29 vạn. Theo ý kiến một nhà nghiên cứu Việt Nam là Nguyễn Phan Quang, bài "Chiếu phát phối hàng binh nội địa" của Quang Trung là một văn bản chính thức, đương thời, đáng tin cậy.[31] còn theo ý kiến của 1 người Việt Nam khác là Giáo sư Trần Gia Phụng thì 29 vạn quân tuy do Ngô Thời Nhậm là người trong cuộc viết nhưng đây là một văn thư có tính tuyên truyền nên cũng chưa hẳn sát với thực tế.[32]
Phương Tây
Một số thương nhân, giáo sĩ phương Tây đến Đại Việt vào khoảng thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 có ghi lại trong hồi ký và thư từ, một ít tư liệu về chiến thắng Kỷ Dậu 1789.
Một thương nhân Anh là J. Barrow đến Đại Việt năm 1792 lại ghi nhận một số liệu khác, số quân Thanh là 10 vạn.
Một nguồn thông tin thư từ của một số người nước ngoài sống ở vùng Thăng Long ngay trong thời gian xảy ra trận chiến này. Số thư từ này còn được ghi lại trong tập "Nhật Ký của hội truyền giáo Bắc Kỳ" lưu trữ tại Nha văn khố quốc gia Paris. Một bức thư gửi từ Thăng Long đề ngày 25/10/1788 phản ánh một "tin đồn" về 30 vạn quân Thanh sắp kéo sang cứu viện cho Lê Chiêu Thống.
Bức thư của một linh mục trông coi giáo dân ở vùng Thăng Long đề ngày 26-12-1788 cho biết rõ:
"Viện binh Trung Hoa gồm độ 28 vạn người, một nửa đóng trong thành phố, nửa còn lại ở bên kia sông". Theo nhận định của Giáo sư Trần Gia Phụng thì:
Nếu một nửa đóng trong thành phố, nghĩa là có 14 vạn quân Thanh trong thành Thăng Long, thì thành Thăng Long lúc đó có đủ sức chứa, chỗ ở và nuôi ăn hàng ngày cho quân Thanh không? Ngoài ra, theo tài liệu Trung Hoa, quân Thanh mất hết một nửa khi trở về nước, vậy mất hết khoảng 14 vạn (so với 28 vạn khi ra đi), vừa chết vừa mất tích, trốn chạy thì con số nầy có thích hợp trong một cuộc chiến bằng vũ khí chưa tối tân? Tuy nhiên con số 28 vạn của tài liệu nầy gần với con số 29 vạn mà Ngô Thời Nhậm đã viết trong "Tờ chiếu phát phối hàng binh người nội địa".[33]
Theo nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường thì:
Còn về số ước tính của giáo sĩ, ta nghĩ rằng họ thấy thanh thế quân Thanh to quá so với cá nhân con người thời loạn trốn chui trốn nhủi như họ và người đương thời, nên đã phóng đại ra...
Một tài liệu khác trong hồi ký của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830) xuất bản tại Pháp năm 1812 cho biết rằng quân Thanh sang Đại Việt khoảng 40.000 người và bị giết tại trận khoảng 20.000 người. Do ông De la Bissachère tới Đàng Ngoài năm 1790-chỉ 1 năm sau trận chiến và ở lại cho đến năm 1798 nên Giáo sư Trần Gia Phụng cho rằng "có thể ông (de la Bissachère) thu thập được nhiều nguồn tin và lượng định con số quân Thanh sang nước Việt"[34].
Trung Quốc
Đại Thanh Thực Lục, bộ sử chính thức của nhà Thanh, ghi chép đầy đủ những lệnh dụ của vua Thanh cho biết toàn bộ quân Thanh được lệnh sang đánh Đại Việt là 18.000, trong đó số quân Lưỡng Quảng do Tôn sĩ Nghị trực tiếp thống lãnh là 1 vạn và số quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy là 8.000. Đó chỉ mới là số quân chủ lực tinh nhuệ điều động ở bốn tỉnh phía nam, chưa kể số "thổ binh", "nghĩa dũng" và dân phu chuyển vận lương thực. Theo tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh thì số dân phu phục vụ cho đạo quân Lưỡng Quảng đã hơn 10 vạn.
Theo bài An Nam Ký Sự của Càn Long thì "số quan quân có hơn một vạn, số phu đài tải lương thực đến hơn 10 vạn".[cần dẫn nguồn]
Trong "Càn Long chinh vũ An Nam Ký", Ngụy Nguyên đời Thanh khoảng vài chục năm sau có chép: số quân Thanh là 18.000, trong đó đạo quân Lưỡng Quảng là 10.000 và đạo quân Vân Quý là 8.000. Nhưng Ngụy Nguyên cho biết thêm: "bấy giờ các thổ binh, nghĩa dũng đi theo, tiếng đồn đại binh có vài chục vạn". Như vậy, số quân chủ lực có khoảng 2 vạn chưa tính số "nghĩa binh", "nghĩa dũng" và dân phu vận chuyển có vài chục vạn người. Dù vậy như Ngụy Nguyễn cũng nói, đây chỉ là "tiếng đồn".
Theo các nhà nghiên cứu Tạ Trí Đại Trường[35], Phan Huy Lê[36], Hồ Bạch Thảo[37] và Trần Gia Phụng, sử sách nhà Thanh hạ thấp số quân viễn chinh để giảm bớt sự thất bại trầm trọng của triều Thanh. Các sử gia Trung Quốc đó không ghi chép đầy đủ các lực lượng của toàn bộ quân viễn chinh, nhưng chính những đoạn ghi chép của sử sách nhà Thanh, nhất là bộ Đại Thanh Thực Lục, lại bộc lộ nhiều mâu thuẫn: Số quân vài vạn mà Đại Thanh Thực Lục ghi không tính đến "thổ binh", "nghĩa dũng" và dân phu[38]. Hơn nữa, với đạo quân vài vạn thì triều đình nhà Thanh chỉ cử tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị làm thống soái và dưới trướng gồm một loạt võ quan cao cấp như: Đề đốc Phó tướng Hứa Thế Hanh, Đề đốc Ô Đại Kinh, Phó tướng Khánh Thành, Phó tướng Hình Đôn Hạnh; các tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hóa Long cùng nhiều Tham tướng, Tri phủ, Tri huyện, v.v... Nếu chỉ điều 1 vài vạn quân, Càn Long không phải quan tâm tới mức vài ngày lại ra một chỉ dụ[39]. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính của Đại học Irvine, Hoa Kỳ thì sổ trả lương và kế toán của nhà Thanh ghi rằng ở phía Đông (vùng Bắc Việt Nam) họ có 10.000 quân, phía Tây có 8.000 và cộng thêm số theo những nguồn tài liệu khác, cũng không quá 30.000 quân chính quy[40]. Và cũng trong phân tích này, tiến sĩ có dẫn lại sử gia Ba Lan tên là Wieslaw Olszewski ghi quân Thanh có 200.000 quân (không ghi rõ là loại quân gì) sang nước Việt nhưng không rõ số đánh nhau với Tây Sơn là bao nhiêu[41]. Theo tính toán của Giáo sư Trần Gia Phụng thì theo chính sử nhà Thanh, hai cánh quân của Tôn Sĩ Nghị và Ô Đại Kinh khi cộng lại có 15.000 người; mỗi quân nhân được quyền đem theo một người phu (điều thứ 8 của quân luật Tôn Sĩ Nghị) thì số người Thanh qua Đại Việt tối thiểu là 30.000, thêm đoàn quân tiếp liệu của Tôn Vĩ Thanh không dưới 10.000 người nên khi cộng lại đã được 40.000 người. Đây là con số tối thiểu, mà thực tế theo ông, phải cao hơn nữa do các tướng lãnh và sĩ quan Thanh chắc chắn mỗi người đem theo hơn một người phu và trước đó để đánh một bộ lạc 150.000 người nhà Thanh huy động đến 8 vạn quân, đại Việt thì dân đông hơn rất nhiều nên con số 1 vạn quân là quá ít[42] Tài liệu này khá khớp với tài liệu của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère khi ông cũng ghi lại rằng quân chính quy của nhà Thanh sang Việt Nam năm đó có tối thiểu (đã bị chính sử Trung Quốc ghi chép giảm bớt) 40.000 người. Giáo sư Phụng tin rằng con số quân Thanh có thể còn cao hơn nữa chút ít, tuy nhiên có thể tạm tin được con số 40.000 quân chính quy[43].
·30 / ^ Nguyễn Phan Quang - Một số công trình Sử học Việt Nam, tr 233-234; Tạ Trí Đại Trường - Việt Nam thời Tây Sơn tr 190-192 (Danh mục tham khảo); CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA - Trần Gia Phụng
· 31/ ^ Nguyễn Phan Quang (2006), Một số công trình Sử học Việt Nam, tr 233-234
·32/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng trích:Con số hai mươi chín vạn viết trên đây tuy do Ngô Thời Nhậm, người trong cuộc, đưa ra trong một văn thư có tính tuyên truyền, thì cũng chưa hẳn sát với thực tế. Có tài liệu thì viết rằng lực lượng quân Thanh xâm lăng Đại Việt lên khoảng hai mươi vạn tức 200,000 quân.
· 33/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng
· 34/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng
· 35/ ^ Tạ Trí Đại Trường, Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771-1802, NXB Công an nhân dân, 2007, tr 190
· 36/ ^ Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc
· 37/ ^ Hồ Bạch Thảo, sách đã dẫn, tr 29
· 38/ ^ Nguyễn Phan Quang, sách đã dẫn, tr 233
· 39/ ^ Hồ Bạch Thảo, sách đã dẫn, tr 29
· 40 ^ Nhắc lại chiến thắng Tết Kỷ Dậu 1789
· 41/ ^ Nhắc lại chiến thắng Tết Kỷ Dậu 1789
· 42/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng…
43/ ^ Mùa Xuân Nói Chuyện Đống Đa -Trần Gia Phụng trích:Nói tóm lại tài liệu của giáo sĩ La Bissachère, người có mặt ở Thăng Long một năm sau trận đánh, phù hợp với số lượng mà chúng ta đã thử cộng lại số người tối thiểu các cánh quân Trung Hoa theo tài liệu chính sử Trung Hoa. Con số nầy có thể còn cao hơn nữa chút ít, tuy nhiên có thể tạm tin được...
VỀ BÀI VĂN TẾ QUÂN THANH CỦA QUANG TRUNG TRONG MÙA XUÂN KỶ DẬU 1789
Sau cuộc chiến đánh bại 29 quân xâm lược nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh.Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà. Bài văn có đoạn:
Nay ta
Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí
Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành
Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống…
Qua nghĩa cử này cho thấy Nguyễn Huệ Quang Trung rất quan tâm đời sống tâm linh; nghĩa cử này vừa làm dịu đi phần nào cuồng vọng xâm lăng của Càn Long mà còn an ủi thân nhân những vong hồn của những tên lính Trung Quốc tử trận…
Qua nghĩa cử này chứng tỏ nhà Tây Sơn không chỉ quan tâm tới binh lính chết trận của giặc, chắc chắn Nguyễn Huệ cũng đã có những ứng xử chu đáo với quân linh của mình hy sinh vì nghĩa nước cả về vật chất lẫn tinh thần… ( Nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Ng%E1%BB%8Dc_H%E1%BB%93i_-_%C4%90%E1%BB%91ng_%C4%90a#Quang_Trung_.C4.91.E1.BA.A1i_ph.C3.A1_qu.C3.A2n_Thanh )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét