Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Đốt tiền

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Hữu Quý - Mạng Bauxite Việt Nam (BVN), ngày 06/3/2011 lấy nguồn công khai từ trang web của Văn phòng Luật sư Vì dân, đăng bài “Chạy chức chạy quyền”, nói về sự việc có liên quan đến 5 người, gồm: bà Đặng Thị Bích Hoà, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện; ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; bà Lê Thị Dung (vợ ông Trần Văn Tuấn); ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và quý tử con ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn hiện đang du học ở nước ngoài.

Tôi tin chắc rằng, sẽ có nhiều người có cảm nhận giống như tôi sau khi đọc bài báo này, đó là: Đốt tiền!

Theo như lời đề dẫn của BBT BVN, chỉ tính tiền điện thoại trong một tháng mà quý tử của ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã ngốn hết gần 40 triệu đồng; có thể trong một năm sẽ không bằng 12 lần số đó (gần 500 triệu đồng); nhưng nếu cứ tính cậu quý tử của ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn du học trong 4-5 năm, thì số tiền điện thoại của quý tử này cũng cỡ một đến hai tỷ đồng là chắc; số tiền này lấy ở đâu ra thì chỉ có ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn mới trả lời chính xác được.

Không gọi là đốt tiền thì ta gọi bằng gì?

Tính ra một ngày (trong sự việc nêu trên), cậu quý tử của ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã ngốn hết hơn một triệu đồng tiền điện thoại; xem ra chỉ có con trai của Tổng thống Mubarak (Ai Cập), hoặc con trai của vua dầu mỏ Gaddafi (Libya) thì mới dám “chơi” sang như vậy!

Trong điều kiện nghèo như nước ta, nếu không gọi là đốt tiền thì gọi bằng gì?

Cũng với bài này, được TS Nguyễn Xuân Diện đưa về Blog Nguyễn Xuân Diện, nhưng thêm vào với cái tên “Kinh hoàng! Chạy chức chạy quyền”; trong đó, tôi chú ý comment của một Nặc danh lúc 09:45, nội dung như sau:

Nặc danh nói…

Đảng biết hết nhưng cắt hết lấy đâu ra người làm cứ hỏi các LĐ của VNPT thì rõ giỏi như bà Hòa không dùng thì phí lắm từ cựu bộ trưởng đến tổng giám đốc tập đoàn thời nay đều nức nở khen tài bà Hòa. Ai đã từng làm việc ở VNPT đều biết rõ bà Hòa là con người của sự kết tinh của tinh hoa thời đại bắt đầu từ một vận động viên bóng chuyền bà Hòa đã bằng mọi nghị lực và số vốn tự xoay sở nỗ lực vươn lên để có đầy đủ các loại bằng cấp và chức vụ mà bà cần. Sắp đến 8 tháng 3 có khi mang bà Hòa làm tấm gương để chị em học tập xóa đói giảm ngheo

09:45 Ngày 06 tháng 3 năm 2011

Như vậy là, bà Đặng Thị Bích Hoà, từ là một vận động viên bóng chuyền, nhưng may mắn được sống trong chế độ XHCN, và bằng “số vốn tự xoay sở nỗ lực vươn lên để có đầy đủ các loại bằng cấp và chức vụ mà bà cần” mà ngoi lên; quả thật cơ chế này chỉ thích hợp cho những người như bà và những người như các ông, các bà có liên quan đã đề cập trong bài.

Trong đơn của Văn phòng Luật sư Vì dân, có rất nhiều điều đáng nói đối với bà Đặng Thị Bích Hoà; trong đó có một chi tiết liên quan đến ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; được viết như sau:

Có rất nhiều chuyến đi nước ngoài và đi công tác trong nước của ông Sơn thì bà Hoà tháp tùng đi theo; xin đơn cử sự kiện vừa qua ông Sơn dự kiến có chuyến công tác ở Mỹ, nhưng vì lý do Bộ trưởng Ngoại giao không đồng ý; trong khi đoàn của bà Hoà đã hoàn thiện thủ tục đi Mỹ nên phải đi; sau đó ông Sơn lại đi Nga; đoàn của bà Hoà lại từ Mỹ sang Nga chi phí của chuyến đi này về thanh toán ở Công ty gần khoảng 2 tỷ đồng”.

Không gọi là đốt tiền thì ta gọi bằng gì?

Lâu nay mọi người Việt Nam đều biết, hàng năm không biết bao nhiêu là đoàn “đi nước ngoài tham quan học hỏi kinh nghiệm” từ Bộ Ngành Trung ương đến các địa phương, cứ nườm nượp thay nhau đi và về bằng tiền chùa ngân sách hoặc tiền của doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp tư nhân họ đắn đo với những chuyến đi này lắm, vì tiền là mồ hôi, nước mắt của chủ doanh nghiệp). Trong sự việc nêu trên, xem ra, ngay cả Bộ Ngoại giao, đi cũng được mà không cũng được?! Ta lại nhớ đến ngành Ngoại giao nước nhà đã 65 năm thành lập, đã mở Đại sứ quán và Lãnh sự quán hầu hết ở các nước trên thế giới…; tính ra “đi cả triệu ngày đàng”, nhưng “sàng khôn” mang về cho Đất nước, cho nhân dân… thì than ôi, thảo nào!

“Đi nước ngoài tham quan học hỏi kinh nghiệm”, cũng xứng đáng để gọi là… đốt tiền, lắm chứ!

Bài “Chạy chức chạy quyền”, tôi cũng mang về Blog cá nhân; và trong khi đi tìm hình ảnh ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn để bạn đọc nhìn lại dung nhan, thì tôi tìm được bài “Bộ trưởng Nội vụ: ‘Chạy chức chỉ giảm chứ khó chấm dứt”, đăng trên vnexpress.net từ tháng 11/2009; và tôi rất ấn tượng với tấm ảnh trông rất đẫy đà của ông Bộ trưởng Trần Văn Tuấn; và đặc biệt ấn tượng kèm theo bức ảnh là ghi chú: Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: “Khó chấm dứt nạn chạy chức, chạy quyền”.



Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: “Khó chấm dứt nạn chạy chức, chạy quyền”. Ảnh: TTXVN.

Hôm nay sự việc xảy ra đối với ông; quả thật, nghĩ lại thấy ông nói quả là chí lý; câu nói từ cách đây hơn một năm, chính là đi ra từ “ruột gan” của ông!

Viết đến đây tôi lại nhớ đến Cụ Rùa ở Hồ Gươm; cả nước đang dõi theo lãnh đạo Hà Nội cứu Cụ, mà khắp cơ thể Cụ đã đầy vết thương lở loét, trong đó có chân còn mất cả móng…

Tôi nhắc đến Cụ Rùa là bởi vì, mặc dù sống trong “ao” Hồ Gươm hôi hám, ô nhiễm…, con người thờ ơ với Cụ đã mấy mươi năm, Cụ phải ăn cả xác mèo chết…, nhưng nhân dân ta còn có niềm tin và hy vọng cứu được Cụ.

Nhưng với con bệnh của đất nước hôm nay, có thể đã hết hy vọng thật rồi!



Rùa Hồ Gươm đớp xác mèo chết ở góc hồ – Ảnh: Lãng Phong

06.3.2011

N. H. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Xã hội đang thức tỉnh ở Bắc Triều Tiên

Posted by truongthondlb1


Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ Hai, ngày 7/3/2011

Những sự khiêu khích và những dấu hiệu hoà dịu lần lượt diễn ra giữa hai miền Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã bắn tên lửa đáp trả các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc trên Hoàng Hải. Người ta nói tới một sự trở lại của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề hạt nhân. Mục tiêu của Bình Nhưỡng là gì? Đằng sau một vẻ bề ngoài yên ắng là một không khí sôi sục trong xã hội Bắc Triều Tiên. Bài đăng trên báo “Le Monde diplomatique” số ra tháng 1/2011 viết về vấn đề này như sau:

Tình hình căng thẳng về vũ trang hiện đang tái diễn trên bán đảo Triều Tiên nằm trong một trò chơi mang tính chiến lược phức tạp. Về thực chất, một tình trạng chiến tranh đã diễn ra từ hơn một nửa thế kỷ nay: chỉ có một lệnh đình chiến voà tháng 7/1953 đã chấm dứt những sự thù địch diễn ra trong 3 năm giữa một bên là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc với một bên là Hàn Quốc và các lực lượng của Liên Hợp Quốc dưới sự chỉ huy của Mỹ. Còn không một hiệp ước hoà bình nào được ký từ đó đến nay.

Việc ngày 23/11/2010 Bắc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc nằm trên Hoàng Hải, cách bờ biển ở phía Bắc Triều Tiên khoảng chục km làm 4 người chết và 15 người bị thương, đã cho thấy tình hình chiến tranh tiềm ẩn trên bán đảo Triều Tiên. Chủ quyền của Hàn Quốc tại vùng biển này ở phía Tây của cửa sông Hàn đang bị tranh chấp với Bắc Triều Tiên, người không công nhận tuyến đương ranh giới do Liên Hợp Quốc áp đặt – mà khi đó Bắc Triều Tiên vẫn chưa nằm trong đó – mà không có sự trao đổi ý kiến trước. Các cuộc đụng độ đẫm máu đã diễn ra giữa các lực lượng Hải quân của hai nước vào năm 1999, 2002 và 2009. Nhưng đây là lần đầu tiên hòn đảo Yongpyon, một pháo đài quân sự cũng có người dân sinh sống, bị nhằm vào.

Theo Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, đây là một sự giáng trả lại hành động “khiêu khích” của Hàn Quốc, người đã bắn vào vùng biển mà họ cho là chủ quyền của họ. Tuy nhiên, theo Wada Haruki, chuyên gia của Nhật Bản phụ trách các vấn đề về Triều Tiên, giáo sư kính mến tại trường Đại học Tổng hợp Tôkyô, cuộc tấn công vào dân thường này đã gây nguy hại nghiêm trọng đến chính sách cùng tồn tại vũ trang, không loại trừ tình hình căng thẳng nhưng vẫn hiện hữu từ hội nghị cấp cao liên Triều diễn ra vào tháng 6/2000.

Bằng cuộc leo thang mới này, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đã tìm cách buộc Mỹ – tất nhiên là bằng một phương tiện ít mang tính ngoại giao – phải tiếp tục tiến hành thương lượng để đảm bảo cho sự sống còn của mình, bằng cách có được những sự bảo đảm về an ninh và huỷ bỏ những sự trừng phạt của phwong Tây đối với Bắc Triều Tiên, và cả để có được một phạm vi hoạt động mới bằng cách nới lỏng sự siết chặt của đồng minh duy nhất của mình: Trung Quốc.

Trận bắn phá diễn ra tiếp theo việc một chuyên gia về hạt nhân của Mỹ, ông Siegfried Hecker, người được mời đến Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng 11/2010, tiết lộ về sự tồn tại một mạng lưới hạt nhân làm giàu urani. Mạng lưới này, mà người ta không biết liệu nó có hoạt động hay không bất chấp những lời tuyên bố của Bắc Triều Tiên, cùng với mạng lưới, mà mọi người đã biết, xử lý các chất thải, đã cho phép Bắc Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân, một vào năm 2006 và một vào năm 2009, và sở hữu khoảng một chục quả bom. Bắc Triều Tiên theo đuổi nhiều mục tiêu: có vũ khí răn đe và một đòn bẩy thương lượng, cũng như có thể bán công nghệ mà nước này đã phát triển được. Với việc tiết lộ mạng lưới mới này, chế độ Bình Nhưỡng muốn tăng thêm một nấc cái giá của việc phi hạt nhân hoá của mình.

Cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên, diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong – II (Kim Châng In) đưa con trai của mình là Kim Jong Un lên ngôi, có xu hướng xác nhận hình ảnh mà người ta đã có được về đất nước này: một Nhà nước – pháo đài được đặt dưới sự cai trị của một chế độ hiếu chiến, còn lâu mới sửa đổi, tồn tại mãi đến đời kế tục triều đại thứ hai (ông Kim Jong II đã kế tục cha là Kin II Sung (Kim Nhật Thành) vào năm 1994). Hai sự kiện trên liệu có liên quan đến nhau? Phải chăng cuộc tấn công nhằm mang đến sự bảo đảm cho quân đội để lực lượng này có thái độ kiên quyết? Vào lúc này, do tính mập mờ của chế độ Bắc Triều Tiên, các nhà quan sát buộc phải dựa vào những tin đồn.

Buôn lậu ở biên giới Trung Quốc

Trái lại, việc tình hình căng thẳng tái bùng phát chỉ chiếm vị trí phụ đối với các vấn đề cơ bản mà chính quyền phải đối mặt: sự cô lập và sự trừng phạt của quốc tế khiến cho tình trạng kinh tế trì trệ ngày càng thêm nghiêm trọng; những sự tiến triển về xã hội – kinh tế mà chế độ chỉ chế ngự được từng phần và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Chiến lược gây ra tình trạng căng thẳng do Bắc Triều Tiên thực hiện có thể nhằm nhiều mục đích.

Trước hết, nó phá vỡ chính sách đợi thời của Chính quyền Barack Obama, mà chính sách đối với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên cho đến những tháng qua tỏ ra “kiên nhẫn mang tính chiến lược”, theo cách nói được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng nhiều lần – nói cách khác: không đưa ra một sáng kiến nào chừng nào Bắc Triều Tiên chưa thực hiện những cam kết và huỷ bỏ kho vũ khí hạt nhân (thoả thuận về việc phá huỷ các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào tháng 2/2007 đã cho phép loại chất phóng xạ khỏi lò phản ứng Yongbyon. Nhưng các cuộc thương lượng diễn ra vào cuối năm đã dẫn dến những thủ tục xác nhận việc ngừng các hoạt động hạt nhân. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đề nghị tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ về việc ký một hiệp ước hoà bình thay thế lệnh đình chiến năm 1953). Lý do thứ hai có thể giải thích cho thái độ sốt ruột này: cứu chữa những khó khăn nội bộ.

Việc đưa ông Kim Jong Un vào bộ máy đảng và quân đội – ông này đã được phong quân hàm cấp tướng 4 sao – sẽ bảo đảm cho tính liên tục của chế độ nếu ông Kin Jong II mất đi. Nhất là một sự liên tục mang tính tượng trưng: điều dường như không chắc chắn là người thanh niên 27 tuổi sẽ có quyền lực hoàn toàn giống như cha và ông nội. Quyền lực sữ được thực hiện bằng một ban lãnh đạo có tính tập đoàn tập trung vào gia đình họ Kim, bắt đầu là ông chú, Chang Songtaek, nhân vật số hai của Uỷ ban bảo vệ quốc gia (cơ quan tối cao của đất nước), bằng cách dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp tinh hoa được tạo nên bởi những con cháu của những quân du kích trong cuộc đấu tranh chống Nhật Bản (Nhật Bản đã chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1905 đến 1945). Tuy nhiên, chế độ phải tiến hành việc ổn định hoá đất nước để quá trình chuyển giao này diễn ra mà không gặp trở ngại. Nó tự đặt ra một thời hạn: năm 2012, năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, được coi là đánh dấu sự đạt tới một “đất nước hùng mạnh và phồn vinh”.

Thế nhưng, bất chấp ảnh hưởng ngày cang tăng của nước láng giềng Trung Quốc, những tiến bộ về thông tin học và một mầm mống tự động hoá của nền sản xuất bằng những hệ thống số, nền kinh tế vẫn không thoát khỏi khó khăn. Năm 2010, nền kinh tế của Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục suy giảm: giảm 0,9% theo ước tính của Ngân hàng Hàn Quốc. Những vụ mùa thất thu do thời tiết khắc nghiệt và do những vấn đề cơ cấu của ngành nông nghiệp, năm 2010-2011, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên bị thâm hụt lương thực so với các năm trước đó (một triệu tấn ngũ cốc). Trong số dân 23 triệu người, 6 triệu người phải sống phụ thuộc vào viện trợ quốc tế; nhưng vì không có viện trợ, chương trình lương thực thế giới (PAM) chỉ có thể đáp ứng được một phần tư nhu cầu của người dân nước này. Phần còn lại là nhờ vào khoản viện trợ của Trung Quốc mà người ta chưa biết khối lượng. Tình hình vẫn còn bấp bênh, nếu không nói là bi thảm, đối với nhiều người. Nhất là sự thâm hụt về lương thực cùng với sự suy sụp của hệ thống y tế do thiếu thuốc men và các dụng cụ y tế, thuốc gây mê và các thiết bị cũ nát…

Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa bao giờ khôi phục được từ thảm hoạ của những năm 1990. Sau khi đã trải qua tình trạng trì trệ vào cuối thập niên 1980, nền kinh tế bắt đầu suy yếu với việc ngừng sự đối xử ưu tiên mà các cố vấn Liên Xô và Trung Quốc dành cho nước này tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô và những phương hướng mới của Trung Quốc. Vì không có năng lượng, nên các công xưởng vận hành với nhịp độ chậm, trong khi sản xuất nông nghiệp sụt giảm do thiếu phân bón (do ngành công nghiệp cung cấp) và thiếu điện để vận hành hệ thống tưới tiêu. Năm 1994, ông Kim Jong II đã thừa hưởng một đất nước đang bên bờ sụp đổ.

Sự sụt giảm của nền kinh tế, cùng với các thảm hoạ thiên nhiên, từ năm 1995 đến 1998, đã dẫn đến nạn đói với số nạn nhân từ 600.000 đến 1 triệu người chết và những dấu ấn mà nó để lại trong ký ức mọi người. Thảm kịch dân tộc này đã phá hoại lòng tin đối với chính quyền về khả năng đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Bề ngoài, chế độ dường như không thay đổi. Nhưng Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên của năm 2011 không còn là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên của năm 1994 nữa. Nạn đói và những hậu quả của nó đã dẫn đến những sự biến đổi xã hội sâu sắc. Một nền kinh tế chợ đen, sửa chữa từ sự sụp đổ của hệ thống phân phối công cộng, đã trỗi dậy; nó biến thành một nền kinh tế thị trường khiếm khuyết song song với nền kinh tế, đang hấp hối, của Nhà nước.

Thảm hoạ này đã gây ra một hậu quả tai hại khác đối với nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên: một khả năng tiếp nhận lớn hơn của xã hội đối với những tư tưởng và thực tiễn từ bên ngoài. Cuộc di cư của nhiều người dân sang Trung Quốc để tránh nạn đói phần lớn không phải là những người xin cư trú nhưng đã trở về Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên – hồi hương tự nguyện hoặc bắt buộc – cũng như những sự trao đổi và buôn lậu ở biên giới đã cho thấy một sự mất kiểm soát tương đối của chế độ đối với sự lan truyền thông tin. Cho đến khi đó, việc thực hiện chính sách ngu dân tách khỏi thế giới bên ngoài vẫn là một công cụ kiểm soát xã hội có hiệu quả.

Mặc dù biên giới từ nay đã được canh gác cẩn mật, những cuộc vượt biên bí mật vẫn tiếp diễn, với các cuộc bắt bớ và tấn thảm kịch, như vụ các phụ nữ trong các mạng lưới bám dâm. Điện thoại di động của Trung Quốc hoạt động ở hai bên biên giới tạo thuận lợi cho việc lan truyền các thông tin. Ngoài ra, tại các tỉnh biên giới của Bắc Triều Tiên, có thể bắt được sóng vô tuyến truyền hình của Trung Quốc – một tội bị trừng phạt tống giam.

Trong thời gian đầu, chế độ đã nỗ lực đè bẹp các phong trào xuất thân từ cơ sở và khôi phục nền kinh tế thị trường mới le lói cùng với các cuộc cải cách thực hiện vào tháng 7/2002: tự do hoá giá cả và lương, tiền tệ hoá nền kinh tế, thực hiện quyền tự chủ lớn hơn trong việc quản lý các đơn vị sản xuất. Do hầu như không có ngành thương mại trực tiếp, bị chế độ phân phối của Nhà nước đẩy xuống vị trí thứ yếu, tiền tệ ít được sử dụng và đối với phần lớn các sản phẩm, được thay thế bằng những tem phiếu phân phối. Vào đầu những năm 1990, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn là nước có nền kinh tế ít tiền tệ hoá nhất trên thế giới.

Một “cái chết tự nhiên của chủ nghĩa Xtalin”

Việc huỷ bỏ từng phần chế độ tem phiếu, liên quan đến sự cần thiết đối với một gia đình trong việc quản lý ngân sách, đã dẫn đến những sự thay đổi sâu sắc trong đời sống hàng ngày của người dân Bắc Triều Tiên. Nhà kinh tế Ruediger Frank cho rằng “việc để cho giá cả trở thành vật trung gian giữa cung và cầu có nghĩa là gián tiếp thừa nhận rằng Nhà nước không còn vai trò nữa”. Ông Ruediger Frank thấy ở đó một sự tiến triển cơ bản. Về mặt lý thuyết, Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý giá cả, nhưng… phụ thuộc vào những sự biến động của thị trường. Về mặt chính thức, chế độ đã loại bỏ công thức “cải cách chế độ” với nghĩa mở rộng về chính trị, để dành ưu tiên cho công thức “cải cách bên trong chế độ”, thừa nhận sự tồn tại của “nền kinh tế thị trường khiếm khuyết”. Mặc dù mang tính chất hà khắc nhất kể từ khi thành lập Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên vào năm 1948, các cuộc cải cách này đã có một ảnh hưởng là kích thích về kinh tế có giới hạn.

Theo tinh thần của các nhà lãnh đạo, các cuộc cải cách này sẽ được bổ sung bằng một sự cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để có được vốn, đặc biệt là với Mỹ, nước có quyền phủ quyết trong các tổ chức tài chính quốc tế (Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới hoặc Ngân hàng phát triển châu Á), và với Nhật Bản (nước còn mắc nợ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên về những tổn thất chiến tranh khi mối quan hệ đã được bình thường hoá). Những niềm hy vọng này đã bị phá hoại ngầm bởi cuộc khủng hoảng do Tổng thống George W. Bush gây ra hồi tháng 10/2010, khi đó Tổng thống Mỹ đã nêu lên một chương trình bí mật làm giàu urani, chương trình này khi đó chưa hề được vận hành.

Trong khi thái độ cởi mở của Trung Quốc đã được phần còn lại của thế giới đón nhận nhiệt liệt, thì thái độ cởi mở của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên ngay từ đầu đã bị bóp nghẹt. Không được tiếp sức từ bên ngoài, các cuộc cải cách đã không có được tiếng vang về kinh tế như người ta hy vọng. Trái lại, phối hợp với một sức đẩy mạnh mẽ từ cơ sở, các cuộc cải cách này đã gây ra những sự biến đổi sâu sắc về xã hội, theo nhà sử học Nga Andrei Lankov, nó gây ra một kiểu “cái chết tự nhiên của chủ nghĩa Xtalin”, chậm hơn người ta có thể tưởng tượng nhưng ít rõ ràng hơn.

Trong nỗi ám ảnh bị mất sự kiểm soát đối với những tiến triển xã hội – kinh tế, chế độ đã mưu toan khống chế, sau đó là ngăn chặn và trấn áp các hoạt động của “nền kinh tế thứ hai”. Từ những năm 2005, chế độ đã tìm cách khôi phục nền kinh tế Nhà nước bằng cách làm nản lòng các hoạt động tư nhân thông qua các biện pháp khác nhau như tái thiết lập chế độ phân phối công, nhất là nhằm bảo đảm tới mức tối thiểu sự sống còn của nền kinh tế Nhà nước, cấm phụ nữ và nam giới dưới 50 tuổi làm việc tại các thị trường tư nhân để đẩy nguồn nhân công tới các công xưởng của Nhà nước. Nhưng các quyết định này đã nhanh chóng bị đối phó: theo một cuộc điều tra được tiến hành ở những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Hàn Quốc, năm 2008, đa số người dân đều tham gia vào các hoạt động tư nhân.

Phải chăng mưu toan lại nắm nền kinh tế trong tay có nghĩa là một sự thụt lùi? Việc chế độ muốn kiềm chế sự tiến triển của xã hội là rõ ràng. Tuy nhiên, ý muốn này đã không dập tắt được một sự tiến triển dường như không thể đảo ngược được. Nó gây ra hậu quả là làm sạt nghiệp một bộ phận những người buôn bán. Nhưng sau một thời kỳ lộn xộn, chế độ đã phải buông xuôi, và nền kinh tế song song, hợp pháp và bất hợp pháp, đã phục hồi.

Sự lột xác ngấm ngầm của xã hội, theo cách nhìn của lịch sử Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, sẽ là hiện tượng đáng chú ý nhất của kỷ nguyên Kim Jong – II. Tất nhiên, chế độ vẫn điều khiển đất nước, và chiến thuật bàn cờ của cảnh sát khiến cho một cuộc nổi dậy có qui mô khó có thể xảy ra, cho dù vẫn có những dấu hiệu cho thấy có sự bất bình nổ ra lẻ tẻ. Sự đóng cửa của đất nước, tâm lý của người bị bao vây nằm trong tâm trí của người dân, ảo tưởng về hệ tư tưởng được nuôi dưỡng từ một lòng yêu nước sâu sắc, “mang tính sắc tộc”, mà nhiều nhà sử học đã cho thấy rõ, khiến cho một sự bùng nổ trong thời hạn ngắn khó có thể xảy ra.

Tất cả đều được thương lượng và đều mua được

Bắc Triều Tiên đang đi theo con đường một sự chuyển tiếp tới nền kinh tế thị trường mà không thực hiện tự do hoá về chính trị. Nền kinh tế thị trường này cho phép các đảng viên, các viên chức, các nhà quản lý xí nghiệp Nhà nước và tầng lớp quân sự làm giàu. Đồng thời các chủ thể mới xuất hiện: các thương gia, những người cho vay, các nhà buôn nhỏ, người bán rong, các nhà kinh doanh chạy theo lợi nhận làm trung gian giữa chính quyền chính trị và thị trường… Cùng với những sự bất bình đẳng của quá khứ (giữa các quan chức của bộ máy Nhà nước và phần còn lại của nhân dân) là một sự phân hoá xã hội không rõ rệt hơn, với tầng lớp mới “bơi theo trào lưu” và hoà nhập vào các tầng lớp được hưởng đặc quyền đặc lợi nhưng không vì thế mà thuộc tầng lớp tinh hoa truyền thống.

Cho đến cuối những năm 1980, Bắc Triều Tiên đã đạt tới mức phát triển đáng nể về cơ sở hạ tầng (trong những năm 1970, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đã vượt Hàn Quốc về mặt tăng trưởng). Người dân, trừ các nhà lãnh đạo, đều có một cuộc sống khắc khổ nhưng khá công minh. Sau những “năm đen tối” diễn ra nạn đói, tại Bình Nhưỡng – tủ kính của chính quyền – và trong một mức độ ít hơn, tại các thành phố của các tỉnh, những sự chênh lệch xã hội càng trở nên rõ rệt hơn.

Trong khi một tầng lớp được hưởng đặc quyền đặc lợi, dùng một cách ít nhiều phô trương điện thoại di động mặc dù chỉ bắt được sóng ở trong nước, thì đa số phải vất vả để mưu sinh. Trong các đại sảnh lớn có mái che mà mọi người đều có thể tới, các thị trường được công nhận chứa đầy các mặt hàng (dán mác Trung Quốc và cả mác Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như thực phẩm. Nay các thị trường này vẫn tràn ngập hàng hoá, nhưng cần phải có tiền. Trên các đường phố, các gian hàng đặt ở ngay mặt đất của các nhà buôn bán hàng lậu thưa thớt hơn. Tại các vùng nông thôn, người dân với đôi tay trần vất vả trên các đồng ruộng, sửa chữa các con đường đất bằng cuốc và xẻng hoặc xây dựng các con đê…

Việc mở rộng nền kinh tế thứ hai đã gây ra hậu quả là làm mất ổn định xã hội mà chế độ đang ra sức ngăn chặn nhưng vẫn chưa thực sự làm được: vì không có một qui định mang tính pháp lý thích hợp để ngăn chặn những thực tế mới này xuất hiện từ các “vùng xám”; ngoài ra, việc tiền tệ hoá đã tạo thuận lợi cho nạn tham nhũng. Sự phát triển của nền kinh tế thứ hai sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tán thành của các cán bộ, các viên chức và các thành viên của các cơ quan an ninh dân sự và quân sự khác nhau. Chính quyền vẫn có bộ máy trấn áp, nhưng đã bị mất quyền kiểm soát một phần các hoạt động kinh tế (theo các tổ chức nhân đạo, có từ 150.000 đến 200.000 người trong khoảng một chụ trại giam giữ và các “trang trại Nhà nước”, từ nay được định vị nhờ các hình ảnh vệ tinh). Theo những người tị nạn, cái gì cũng đều thương lượng được và mua được: giấy phép đi lại, miễn tham dự các buổi họp tuyên truyền, sự bảo trợ, biển thủ các thiết bị…

Sự tiến triển ngấm ngầm này của xã hội liệu có thúc đẩy chế độ rời xa đường lối đã từng thắng thế dưới thời Chủ tịch Kim Nhật Thành là tạo ra ảo tưởng về dân tộc trước khi thoả mãn những như cầu về vật chất của người dân không? Trung Quốc đang khuyến khích Bắc Triều Tiên đi theo một con đường thực dụng hơn. Nhưng Trung Quốc có một ưu tiên mang tính chiến lược ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên: đó là sự ổn định. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng một sự mở cửa quá thô bạo sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm cho chế độ. Ông Choi Choonheum thuộc Viện thống nhất quốc gia của chính phủ ở Xơun khẳng định: “Vấn đề hạt nhân ám ảnh phương Tây đang gây phiền nhiễu nhưng chỉ là vấn đề thứ yếu đối với Trung Quốc. Để ngăn chặn mọi nguy cơ bất ổn vào thời kỳ hậu Kim Jong – II, Trung Quốc đang gia tăng sự có mặt về kinh tế và ảnh hưởng chính trị của mình ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên”.

Bắc Triều Tiên đã duy trì mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của mình – một liên minh, kể cả về quân sự, đã được tái khẳng định trong lễ kỷ niệm cuộc can thiệp của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (ngày 25/10/1950), khi quân đội của Kim Nhật Thành bị các lực lượng của Liên Hợp Quốc đẩy lùi cho đến tận sông Áp Lục.

Từ năm 2008 và từ khi Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Li Miêng Pắc từ bỏ chính sách cởi mở đối với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế chính của Bắc Triều Tiên (70% những sự trao đổi bên ngoài) và là nhà cung cấp hàng đầu về thực phẩm, năng lượng và thiết bị cho Bắc Triều Tiên. Những sự trừng phạt quốc tế không có ảnh hưởng mấy đến chế độ này, nhưng nó đã góp phần đẩy Bắc Triều Tiên càng ngã vào vòng tay của Trung Quốc.

Tình hữu nghị giữa hai nước, được củng cố bằng hai chuyến thăm xích lại gần nhau của Chủ tịch Kim Jong II tới Trung Quốc vào năm 2010 và các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên không phải là không có ẩn ý. Dù người ta có cảm tưởng như thế nào trước những thông tin ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ về khả năng Trung Quốc từ bỏ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, thì đối với Trung Quốc, chế độ hiện hành vẫn là sự bảo đảm tốt nhất cho sự ổn định. Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn tồn tại hai trường phái: đối với những người có tư tưởng truyền thống thì Bắc Triều Tiên vẫn là một “nước anh em”; những người có tư tưởng quốc tế thì coi Bắc Triều Tiên là một gánh nặng.

Sự nắm các nguồn tài nguyên

Việc Trung Quốc tính tới tất cả các trường hợp – kể cả sự sụp đổ của chế độ – là một điều rõ ràng. Việc Trung Quốc không nuôi ảo tưởng mấy về tương lại của chính quyền này lại là một điều khác. Nhưng, vào lúc này chắc chắn Trung Quốc không muốn thấy quân Mỹ đóng ở bờ phía bên kia của sông Áp Lục trong trường hợp tái thống nhất dưới sự bảo hộ của Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ gây ra một cuộc di dân ở biên giới Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, về phía Trung Quốc, tại khu vực giáp giới, có một dân tộc thiểu số người Triều Tiên (một triệu người) sinh sống. Một làn sóng người tị nạn có thể thức tỉnh một yêu sách về bản sắc và gây ra một vấn đề giống như ở Tân Cương với người Duy Ngô Nhĩ.

Để ổn định hoá Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc đang tìm cách hoà nhập nước này vào sự phát triển của Mãn Châu cũ, trước tiên là nước này can dự vào việc thành lập một vùng công nghiệp trải dài dọc bờ sông Áp Lục giữa Tùng Hoa và Đan Đông, sau đó là mở rộng phạm vi tới Trường Xuân và tỉnh Cát Lâm cho tới tận sông Đồ Môn (dự án có tên là “Changjitu”). Việc xây dựng các cầu mới nối liên hai nước bắt đầu được tiến hành và Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản ở Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc đã thuê để trưng quảng cáo một phần tài nguyên (nhất là kim loại hiếm) chứa đầy dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên. Nếu một ngày nào đó, Hàn Quốc chiếm được Bắc Triều Tiên thì rất có nguy cơ nước này không còn chỗ nữa…

Việc Trung Quốc dần nắm giữ các nguồn tài nguyên này khiến Bắc Triều Tiên không được hài lòng lắm: cần phải tránh sự sụp đổ của đất nước, Bắc Triều Tiên bắt đầu cho thấy họ có ý muốn độc lập. Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có trí nhớ tốt. Năm 1956, với sự bảo lãnh của Nga, Trung Quốc đã ủng hộ một mưu toan đảo chính chống Kim Nhật Thành được sắp xếp bởi một nhóm người thân Trung Quốc trong đảng. Chừng nào chế độ Bình Nhưỡng vẫn còn phục vụ những lợi ích của Trung Quốc thì chế độ này vẫn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc; và Trung Quốc càng có những lợi ích kinh tế và địa chiến lược ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thì Trung Quốc càng muốn tránh cho chế độ Bình Nhưỡng bị mất ổn định. Một sự bảo đảm chứa đựng nguy cơ làm cho Bắc Triều Tiên trở thành một nước chư hầu của Trung Quốc./.

Siết vốn, chủ đầu tư địa ốc tháo chạy?

Tác giả: LÊ KHẮC

(VEF.VN) - Thời điểm chủ đầu tư bung hàng để bán có thể sẽ đến vào quý II khi các khoản nợ ngân hàng đáo hạn. Từ đó đến cuối năm, dự báo sẽ căng thẳng chuyện bán hay giữ lại, nhưng giữ lại sẽ rất khó khi đa số DN đều đến với bất động sản theo kiểu "mỡ nó rán nó" như xưa nay.

Mặc dù một số nhận định cho rằng dòng tiền từ dân cư sẽ đổ vào bất động sản khiến giá đất có thể tăng, song chừng đó không đủ để làm dịu nỗi lo sợ về chính sách tiền tệ thắt chặt làm cho thị trường đã khó khăn càng thêm khó. Một số chuyên gia bóng gió nói đến khả năng nhiều dự án có thể bán tháo và nhà đầu tư phải rời khỏi thị trường.

Gần như hết "cửa"

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam có 3 nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có, vốn huy động các chủ đầu tư và vốn vay. Đa số các chủ đầu tư đều có nguồn vốn rất nhỏ và yếu, trong thời gian trước, họ vẫn sống khỏe bằng cách vẽ lên dự án và bán trên giấy để huy động tiền nhà đầu tư rồi mới triển khai.

Tuy nhiên, nguồn huy động ngày càng khó do các quy định ngày càng chặt. Nhà đầu tư khôn ngoan hơn, nhất là khi thị trường có nhiều lựa chọn và trong bối cảnh đóng băng kéo dài, họ càng cẩn trọng hơn khi bỏ vốn. Vốn vay đã trở thành một nhân tố quan trọng.

Với việc thắt chặt chính sách tiền tệ và hạn chế cho vay bất động sản, nguồn hy vọng này đang hẹp lại và các chủ đầu tư bất động sản có lý do để lo sợ.

Từ hơn 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã luôn nhắc nhở về hạn chế cho vay chứng khoán và bất động sản. Đó là một nguyên nhân khiến thị trường rơi vào khó khăn. Bất động sản trong năm 2011 gần như đã hết "cửa" khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01.


Lượng cung trên thị trường hiện vẫn đang còn dư rất lớn.
Chính vì thế, đại diện công ty Công ty Địa ốc Đất Lành - một đại gia bất động sản ở phía Nam, thừa nhận, nếu không có quan hệ tốt, việc huy động vốn từ ngân hàng là điều không thể - đây là một đòn chí tử cho thị trường. Ngân hàng siết cho vay sẽ khiến thị trường khó từ hai phía, trước hết là các chủ đầu tư không vay được vốn để triển khai, còn khách hàng cũng gặp khó khăn trong việc vay mượn để đầu cơ.

Thừa nhận tác động không thuận chiều của chính sách tiền tệ đối với bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, sự im ắng của thị trường không chỉ kéo dài trong một vài tháng mà dường như xuyên suốt cả năm qua có tác động từ thị trường tài chính, tiền tệ... Lĩnh vực bất động sản 2010 không mang lại những gì như giới đầu tư, doanh nghiệp kỳ vọng là do tác động của chính sách, trong đó nổi trội là việc siết tín dụng và giảm chi tiêu công.

Với nhận định đó và thực tế siết chặt hơn về tiền tệ và đầu tư trong 2011, bất động sản càng có ít cơ hội.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đang triển khai một sự án khá nổi tiếng ở phía Tây Hà Nội cho biết, bây giờ DN nào bắt đầu triển khai hạ tầng coi như thua vì thời điểm này không thể vay hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, với giá vật liệu tăng, sức ép cạnh tranh từ các dự án đã xong hạ tầng, nếu cố bán để thu hồi vốn thì coi như phương án tạm dừng đã được nghĩ đến. Chính sách tiền tệ có độ trễ 6 tháng.Tuy nhiên, chỉ cần sau 3 tháng bất động sản sẽ dính đủ đòn và lộ rõ bế tắc trong năm nay.

Bất động sản và chứng khoán vốn được định vị là thị trường cao cấp. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính sách vĩ mô. Và điều tất yêu khi vĩ mô có những khó khăn thì các lĩnh vực trên phải gánh chịu tác động rất lớn. Điều này càng trở nên nghiêm trọng trên thị trường bất động sản Việt Nam khi cơ cấu phát triển của thị trường có những bất cập, với sự hoạt động của rất nhiều loại DN không đồng đều về năng lực và phụ thuộc lớn và nguồn tiền vay và đầu tư.

Thực tế siết chặt nguồn tiền, lãi suất lên cao, cộng với chi phí đầu vào tăng lên hiện nay khiến các DN bất động sản dù có lớn cũng khó mà đủ vốn để đảm bảo thực hiện kế hoạch mong muốn của mình.

Bán chạy và tháo lui?

Từ cuối 2010, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện hiện tượng xưa nay chưa từng có là bán khuyến mãi, hạ giá và hỗ trợ vốn dài hạn cho khách mua nhà. Điều đó cho thấy, chủ đầu tư đã phải tìm đủ mọi cách để có thể bán được hàng, thoát nhanh khỏi nguy cơ đóng băng dài hạn của thị trường. Tuy nhiên, những cố gắng đó dường như là không hiệu quả khi nguồn cung trên thị trường lớn và ai cũng muốn bán hàng. Lượng cung trên thị trường hiện vẫn đang còn dư rất lớn.



Thực tế này cộng với những khó khăn mới từ chính sách tiền tệ buộc các DN phải tìm cách để đối phó. Kẻ mạnh có thể chịu đựng được dài hơi, còn kẻ yếu cách tốt nhất tìm cách rút bớt để trụ lại ở những dự án có thể chờ đợi trong dài hạn. Và dự báo về khả năng bán chạy đang được được nói đến.

Chuyên gia phân tích BIDV phán đoán, sau quý II đã có thể nghĩ đến chuyện gom nhà giá rẻ. Thực tế, khả năng nhất loạt bán hàng để tháo lui là có thể xảy ra khi việc siết chặt tiền tệ đã được khẳng định sẽ được thực hiện kiên trì không chỉ cho 2011 mà cho sự bền vững cho phát triển kinh tế vĩ mô.

Theo dự đoán mới nhất từ các chuyên gia bất động sản TP.HCM, một khi đã không vay được vốn đầu tư, thị trường có nguy cơ đóng băng thì không ai muốn cầm dự án lâu. Thời điểm chủ đầu tư bung hàng để bán có thể sẽ đến vào quý II khi các khoản nợ ngân hàng đáo hạn. Từ đó đến cuối năm 2011 là thời điểm căng thẳng để tính chuyện bán hay giữ lại, nhưng khả năng giữ là rất khó khi đa số DN đều đến với bất động sản theo kiểu "mỡ nó rán nó" như xưa nay.

Do vậy, thà bán sớm còn hơn để dang dở rồi chịu lãi vay, hao phí mà giá thì khả năng lên rất thấp.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng các chủ đầu tư sẽ chọn quý II để bung hàng nhằm tính toán cho một chu kỳ kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội khi kinh tế đi vào trạng thái khác.

Tuy nhiên, đấy là tính toán từ phía chủ đầu tư. Liệu thị trường có đủ khả năng nuốt trọn một lượng cung khá lớn, nhất là chung cư ở Hà Nội và TP.HCM? Vốn không có, bán không được... có thể khiến các chủ đầu tư buộc phải để dự án đình trệ và thị trường theo đó sẽ rơi vào khó khăn. Viễn cảnh thực tế được nhiều chuyên gia ở Hà Nội nhận định là nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ chậm tiến độ dự án. Một xu hướng mới có thể tính đến đó là bán rẻ toàn bộ dự án của mình vì không đủ sức "thi gan" với thị trường nhất là đối với DN nhỏ.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, xưa nay, bất động sản luôn được cho là "ăn theo" hạ tầng, cứ nơi nào mở đường, làm đường, làm cầu nhiều thì giá bất động sản càng tăng mạnh. Với chủ trương thắt chặt đầu tư các dự án, trong đó có nhiều dự án hạ tầng của Chính phủ trong năm nay, chắc chắn nhiều dự án đã và đang triển khai cũng phải dừng lại. Động thái này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản thì nên đẩy bớt đi, đừng hy vọng sẽ thu hồi được vốn trong vòng một hai năm tới.

Quốc thơ ?

Mô Phật! Đang có một cuộc vận động rầm rộ chọn “Quốc thơ”. Sau “Quốc hoa”, giờ đến “Quốc thơ”, rồi sẽ là Quốc gì nữa?

Thoạt nghe cứ nghĩ đó là tin khịa để chọc kháy mấy ông nhà thơ hâm hấp. Hóa ra thật. Không những là “Quốc thơ”, người ta còn đang kêu gào để vận động UNESCO công nhận thơ lục bát của Việt Nam là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Mô Phật... thơ!

Mời bạn đọc bấm xem những bài này:

- Có nên lấy lục bát làm “quốc thơ”?

- Thơ lục bát là “Quốc thơ” và “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”

- Cuộc vận động đưa thơ lục bát trở thành "Quốc thơ"

Cuộc vận động chọn “Quốc hoa” đã khiến bao lời đàm tiếu. Nay thêm “Quốc thơ”. Rồi nay mai tiếp tục sẽ là những thứ “Quốc” gì nữa? Hình như cái não tạng người Việt đang có... vấn đề?


Trong bài “Quốc âm”, bạn đọc đã đề xuất hàng loạt các loại “Quốc” sau:

Quốc gia: Việt Nam

Quốc ngữ: tiếng Việt

Quốc tổ: Lạc Long Quân

Quốc mẫu: Âu Cơ

Quốc kỳ: cờ đỏ sao vàng

Quốc hiệu: cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quốc đạo: chủ nghĩa Mác- Lê Nin

Quốc ca: tiến quân ca

Quốc đảng: đảng Cộng sản

Quốc phụ: Kinh Dương Vương (cha Lạc Long Quân)

Quốc khánh: 2 tháng 9

Quốc nạn: tham nhũng

Quốc nhục: vinashin

Quốc hạn: bauxite

Quốc trung: Trung Quốc

Quốc võ: vovinam

Quốc học: quốc tử giám

Quốc báo: thông tấn xã

Quốc sản: lúa

Quốc hoa: sen, đào, mai

Quốc phục: áo dài khăn đóng

Quốc tửu: rượu quốc lủi

Quốc âm: còi xe, 123 zô!

Quốc cấm: biểu tình, khếu kiện đông người.

Quốc kỵ: đa nguyên

Quốc hận: Hoàng Sa, Trường Sa

Quốc giỗ: 10-03 âm lịch

Quốc hồn: lăng Hồ Chí Minh

Quốc túy: tư tưởng Hồ Chí Minh

Quốc bảo: kinh tế thị trường định hướng XHCN

Quốc sư: ban Tuyên giáo trung ương

Quốc trí: đỉnh cao nhân loại

Quốc lương: lương tâm thời đại

Quốc sắc: màu đỏ

Quốc thú: rùa Hồ Gươm

Bài ca cho em

Tôi không biết ” Bài ca cho em” của Phan Nhân sáng tác vào năm nào, chỉ biết bài hát ấy vang lên da diết trong thời kì “Chống Trung Quốc xâm lược” ( 1979-1985). Lần đầu tiên tôi nghe bài hát ấy từ một nam ca sĩ mà tôi quên mất tên thuộc Đoàn văn công Quân Khu 5 khi anh đạo diễn chương trình văn nghệ của sư đoàn 375 đi tham gia Hội diễn Quân chủng Phòng không. Hình như khi đó là một trưa mùa hạ năm 1982, sau buổi tập luyện đã thấm mệt, anh cho cả đội Văn nghệ sư đoàn nghỉ giải lao rồi ôm cây đàn ghi- ta hát một mình. Lúc đầu anh hát nhỏ, như chỉ hát cho riêng anh, sau rồi anh hát to, hát rất to trong một hưng phấn đột khởi. Chúng tôi ngồi lặng lẽ nghe anh hát. Nâng phim đàn, một bài ca viết riêng tặng em/ một bài ca thiết tha riêng tặng em/ một bài ca từ trái tim/ luôn yêu đời/ yêu thương con người/ yêu đất nước và yêu em. Tôi thuộc bài hát ngay tức khắc, không cần nghe anh hát lần thứ 2. Hiếm có một bài hát nào mà ca từ ngắn gọn khúc chiết đến như vậy, chỉ một câu với bảy lần ngắt nhịp đã chứa đựng được tất cả những gì mà những người yêu nước yêu nhau. Lời nhắn nhủ chân thành da diết làm sao, nồng nàn cao cả làm sao. Để yêu em trước hết phải biết yêu đời, yêu thương con người và yêu đất nước. Thật tuyệt vời.

Hôm nay ngày 8 tháng 3, nhắc lại ca khúc này tôi muốn nói với các con tôi, với học trò của tôi, và cả với tôi nữa, rằng tình yêu là như thế đó, phải như thế đó mới gọi là tình yêu.

Nếu bạn không biết yêu đời, đừng nói đến bạn biết yêu người. Nếu bạn không biết yêu người, đừng nói bạn biết yêu đất nước. Nếu bạn không biết yêu đất nước, đừng nói bạn biết yêu em, bạn không thể có một tình yêu đích thực, và chắc chắn bạn sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Cái mà bạn tưởng là tình yêu, hạnh phúc thực ra chỉ là thứ hoa hoè hoa sói lừa mị bạn mà thôi. Chẳng có tình yêu, hạnh phúc nào dành cho người vô cảm.

Chẳng biết tôi nói vậy có sến quá hay không, nhưng đêm nay một mình vợ con xa vắng, ngồi nghe lại ca khúc “Bài ca cho em” tôi không thể kìm được , đã viết ra những lời này.

PHẦN DÀNH CHO CHỊ EM BLOGERS QUÊ CHOA

Mùng tám tháng ba, hãy vui cùng chúng tôi bạn nhé!

Như Mai

Mùng tám tháng ba, thế nào bạn cũng sẽ được nghe, được đọc nhiều lời chúc dành cho phái yếu. Có thể bạn được tặng hoa hồng, được đón nhận những cử chỉ đẹp hơn ngày thường một chút, được tôn vinh hơn một chút, và cũng có thể ngày của bạn trôi qua mà không có gì đặc biệt nhưng gượm đã, tôi chắc bạn sẽ tủm tỉm cười một mình khi đọc những vần thơ vui, những câu chọc ghẹo phái yếu vào dịp này như “hôm nay mùng tám tháng ba, tôi giặt cho bà cái áo của tui”, và hàng trăm câu thơ đại loại như thế.

Mùng tám tháng ba, khi còn đi dạy ở Châu Đức, giáo viên chúng tôi thế nào cũng được nhận một tấm vải may áo dài, một bữa tiệc lẫu mắm lẫu dê bia bọt đình đám và vô số bông hồng của học trò, vui thật vui. Tôi biết bây giờ, những cuộc vui đầy tình cảm ấy vẫn đang tiếp diễn, vẫn rạng ngời trong ánh mắt lấp lánh của các thầy cô giáo và các em học sinh dễ thương, vẫn tràn ngập đầy sắc màu trên các đường phố, cơ quan, ở nhà và trong lòng bạn, trong lòng những người vắng mặt như tôi.

Mùng tám tháng ba, nói là quốc tế phụ nữ, không biết các nước khác thì sao, chứ nơi tôi ở vẫn yên ắng lắm và mọi người không hề biết có ngày này, đồng nghiệp của tôi sẽ hỏi tôi có khoẻ không, hôm nay trời nóng nhỉ, cuối tuần có xem bóng đá không hoặc có làm cỏ trong vườn không. Anh xã tôi sẽ gọi điện thoại vào lúc ba giờ với câu hỏi thường lệ: Tối nay em định nấu món gì? Tối nay nên xem phim ở kênh truyền hình nào?

Mùng tám tháng ba, tôi có thể sẽ không xem phim cùng chồng như thường lệ mà vô nét, tò mò xem mọi người viết gì, chúc nhau điều gì, bạn bè mình làm gì vào hôm nay, kể cả những người bạn online mà chưa bao giờ được gặp mặt nhưng vô hình dung đã hình thành một thế giới tâm tình bé nhỏ, những buổi nói chuyện vu vơ, những lời chúc mặn mòi, những cuộc giao lưu qua lại, những câu đối đáp hài hước nhưng không kém phần duyên dáng.

Mùng tám tháng ba, những fan của Bọ Lập thế nào cũng được đọc một bài viết đặc biệt nào đó mà thường thì được Bọ chọn lọc rất kỹ. Tôi cũng cố đoán xem, năm nay Bọ sẽ đưa lên bài gì, một bài thơ vui vui của một người nổi tiếng, một tấm gương phụ nữ, một bài do nhà thơ nổi tiếng nào đó tặng vợ, một vấn đề bức xúc trong xã hội, một câu chuyện hay do chính Bọ viết. Tôi cũng không biết nữa nhưng cũng như nhiều người theo dõi blog Bọ hàng ngày, tôi hồi hộp chờ đợi.

Mùng tám tháng ba, hãy vui cùng tôi bạn nhé, dù bạn không nhận được bông hoa nào cả, dù bạn không dự một bữa tiệc vui hay người bạn đời của bạn không quan trọng và để ý lắm ngày này. Dẫu bạn là nam hay nữ, già hay trẻ, đang vui hay đang buồn, vẫn có rất nhiều cách để dừng lại một vài giây hít thở khí trời trong lành, để cảm nhận được cái niềm vui chung của mọi người, để thêm yêu đôi má ửng hồng của kẻ đang yêu hay bàn tay lam lũ của bà, của mẹ, của dì, của cô gái.

Mùng tám tháng ba, riêng chiếu rượu quê choa, đã qua rồi những ngày mọi người vào ra tấp nập nói cười xởi lởi, tôi vẫn muốn dành một chút tình cảm thật đặc biệt của mình để gửi tặng đến các anh chị, các bạn và đặc biệt là phái nữ, những chiến sĩ dũng cảm trên chiến trường vất vả của cuộc đời, của cơm áo gạo tiền, của những tất bật thường nhật, vẫn dành ra những phút giây qúy giá của mình, đóng góp nụ cười và niềm vui chung, một thời tạo nên sân chơi văn hóa lành mạnh, vui vẻ và lắm lúc bức xúc, lo toan trước tình hình thế sự của đất nước.

Mùng tám tháng ba, sẽ không bao giờ vắng những tiếng cười ý nhị, khôi hài và vui tươi. Dù trên nét nhưng cảm xúc của mọi người luôn trải dài và rất thật, và vì đôi khi thật, một vài mâu thuẫn be bé qua tranh luận không thể nào tránh khỏi, cũng bằng bài viết nho nhỏ này, tôi mong rằng những mâu thuẫn nếu có sẽ tan biến, rồi mọi người lại cười xuề xoà vui ơi là vui.

Mùng tám tháng ba, có vài câu thơ vui của các bạn quechoa được biên tập bởi hoacaivensong xin được gửi tặng mọi người, có cảm tưởng bữa tiệc bằng thơ chỉ mới bắt đầu và sự chia sẻ thì kéo dài vô tận. Xin được cảm ơn tình cảm của các bạn, để một nơi xa xôi như tôi, lòng luôn cảm thấy ấm áp và yêu làm sao những giây phút ngồi trước máy tính cười tủm tỉm một mình, có khi má lại ửng hồng như người đang yêu say đắm, cuộc đời thế mà vui!

……………..

TÁM THÁNG BA

Tập đoàn Lion của Malaysia đã quy lỗi cho tập đoàn đóng tàu Vinashin

Tập đoàn Lion của Malaysia đã quy lỗi cho tập đoàn đóng tàu Vinashin do nhà nước Việt Nam sở hữu về sự thất bại trong một dự án liên doanh nhiều tỉ đôla.

Tin của Pháp Tấn Xã nói rằng dự án liên doanh giữa Tập đoàn đóng tàu Vinashin của Việt Nam và Lion Group của Malaysia có kinh phí lên tới 9,8 tỉ đôla, bao gồm một nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện và một cảng biển ở tỉnh Ninh Thuận.

Tờ Lao Động, trích lời các giới chức Việt Nam hồi tháng trước nói rằng giấy phép đầu tư cho dự án liên doanh Vinashin-Lion Group bị thu hồi là vì “chủ đầu tư không thực hiện cam kết của mình để triển khai dự án như trong giấy phép đã nêu”.

Trong một thông báo gửi cho hãng tin AFP, tập đoàn công ty Lion của Malaysia nói “Tập đoàn Lion muốn khẳng định rõ rằng tình trạng thiếu tiến bộ là do những vấn đề tài chính và quản trị ảnh hưởng tới Vinashin, khiến cho công ty này không thể đáp ứng đòi hỏi để có thể tiếp tục dự án.”

Thông báo này còn nói thêm rằng tập đoàn Lion đòi hỏi một số điều kiện, kể cả một mức độ bảo vệ về mặt thuế quan cho hàng nhập khẩu, tương xứng với một dự án đầu tư lớn như thế.

Tập đoàn Lion Group nói vì các điều kiện ấy không được đáp ứng, nên tập đoàn Lion đã quyết định không tiến hành dự án liên doanh với Vinashin.

Trước đó, nói chuyện với Hãng tin Dow Jones, ông Phạm Đông, người đứng đầu Phòng Kế Hoạch và Đầu Tư tại Ninh Thuận, nói rằng tập đoàn Lion sở hữu 75% dự án, nhưng gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư. Ông Đông cho biết là ngoài ra, còn có một số vấn đề liên quan tới công nghệ được chọn để sử dụng.

Với nợ nần chồng chất lên tới 4 tỉ đôla, hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Vinashin đã không thanh toán khoản tiền 60 triệu đôla đầu tiên, để trả món nợ 600 triệu đôla do Ngân hàng Credit Suisse dàn xếp hồi năm 2007.

Chủ tịch công ty Vinashin Phạm Thanh Bình và một số giới chức khác của công ty này đã bị bắt giữ. Và sự thất bại của công ty Vinashin đã tác động đến uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Tờ Financial Times bình luận rằng Vinashin đã trở thành một bài học về những nguy cơ đối với vấn đề quản trị nợ đầu tư của các thị trường mới nổi.

Bên bờ phá sản, tập đoàn đóng tàu Vinashin đã mướn công ty KPMG cố vấn để tái cấu trúc nợ nần. Nói chuyện với phóng viên của hãng tin tài chánh Bloomberg, Vinashin cho hay sẽ báo cáo lại cho các chủ nợ vào tháng Năm hoặc tháng 6 năm nay.

Một số chủ nợ than phiền về việc công ty Vinashin tránh tiếp xúc, và không thông tin liên lạc với họ để có thể đi đến giải pháp tốt nhất.

Ông Fred Burke, một đối tác trong chi nhánh Việt Nam của công ty luật Baker & McKenzie nói khó có thể tránh khỏi các vụ tố tụng, nếu các bên liên hệ không thương thuyết để đi đến một giải pháp tương nhượng trong một vài tháng tới.

Nguồn: Financial Times, AFP, Bloomberg

Truyện Ngắn: Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa

Thấy chị Tư Bán Chè đang đứng trên cái ghế, loay hoay gắn
cái bảng hiệu lên phía trên của cái cây trước mặt cái quán
chè cóc bên đường, anh Sáu Xe Ôm dừng xe lại và hỏi:
- Chị Tư, chị có cần tui giúp chị hông?

Chị Tư quay đầu lại nhìn anh Sáu Xe Ôm và nói:

- Chú Sáu! May quá, chú đến thật đúng lúc! Nhờ chú gắn cái
bảng hiệu này lại giùm cho tui nha.

Anh Sáu Xe Ôm vội vàng dắt chiếc xe gắn máy lên trên lề
đường, dựng nó sát vào góc tường và đáp lại:

- Chuyện nhỏ mà chị Tư. Chị để tui giúp cho.

Chị Tư Bán Chè bước xuống chiếc ghế, đưa cho anh Sáu Xe Ôm
cái tấm bảng hiệu và nói:

- Chú Sáu gắn nó lên chỗ cái cây đinh tận trên cao đó nha.

Anh Sáu Xe Ôm cầm cái bảng hiệu từ tay chi Tư Bán Chè và nói:

- Dạ, tui biết rồi. Chị cứ yên tâm.

Nói xong, anh Sáu Xe Ôm quay cái tấm bảng hiệu lại và nhìn
thấy có hàng chữ mới trên tấm bảng đó "Tư Hương - Chè
Ba Màu Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
". Anh Sáu Xe Ôm giựt
mình và quay lại hỏi chị Tư Bán Chè:

- Chị Tư! Chị đang làm cái gì vậy? Sao cái bảng hiệu của
quán chè lại có thêm mấy cái chữ "Định hướng xã hội chủ
nghĩa" trên đó vậy?

Chị Tư Bán Chè mĩm cười và nhẹ nhàn đáp lại:

- Chú Sáu ít theo dõi tin tức trong nước, nên không biết đó
thôi. Mấy hôm nay báo chí đăng rùm beng cái tin "mấy ổng" phát
biểu trong đại hội đảng lần này là cương quyết đeo đuổi
con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, vì vậy, quán chè của
tui cũng phải "định hướng" xã hội chủ nghĩa cho phù hợp
với cương lĩnh của mấy ổng.

- Trời ơi! Chị Tư. Cái này là mấy ổng hô hào thôi, chứ có
ai mà tin đâu chị!

- Ui! Chú Sáu à! Chú chưa hiểu đó thôi. Hiện tại, tui đang
làm ăn cá thể với quán chè cóc bên đường để sinh sống qua
ngày. Nếu tui không cho thêm cái đuôi "định hướng xã hội
chủ nghĩa" vào cái bảng hiệu quán chè, lỡ như họ gán cho
cái tội làm ăn cá thể thuộc "thành phần tiểu tư sản" thì
chết tui!

- Dzị chị có biết "định hướng xã hội chủ nghĩa" là gì
không?

- Nói thiệt với chú Sáu nghe, tui mà biết được nó là cái gì
thì tui chết liền tại chỗ!

Anh Sáu Xe Ôm trố mắt ngạc nhiên nói:

- Trời! Chị không hiểu nó là cái gì, thì tại sao thì lại cho
nó vào cái bảng hiệu quán chè của chị?

Chị Tư Bán Chè ôn tồn trả lời:

- Vậy chú có nghe người ta nói "kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa" không?

- Có, tui có nghe đài và báo chí thường nói vậy.

- Vậy chú có hiểu "kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa" là cái gì không?

- Ừm... Cái này thì tui không hiểu.

- Đúng rồi, có ai hiểu đâu! Mà họ vẫn dùng cái đuôi
"định hướng xã hội chủ nghĩa" hằng ngày và có chết ai
đâu... Nói thiệt với chú Sáu nha. Tui không biết chính trị là
gì đâu, nhưng nếu tui cho mấy cái chữ "định hướng xã hội
chủ nghĩa" vào cái bảng hiệu quán chè của tui, thì chắc bọn
công an trật tự đường phố cũng nể mặt mà không gây phiền
phức đến công việc làm ăn của tui.

Anh Sáu Xe Ôm chợt nghĩ ra "Chị Tư nói rất là chí lý. Mình
đang thuộc loại làm ăn cá thể không thuộc quyền quản lý
của nhà nước và nếu mình không có cái gì đó gọi là định
hướng xã hội chủ nghĩa làm đúng theo cương lĩnh của đảng
và nhà nước, hóa ra tự mình trở thành cái phần tử xa rời
với đảng hay sao? Mà đã bị liệt vào cái thành phần đó
rồi, thì chỉ có nước đi ăn mày mà thôi!" Nghĩ xong, anh Sáu
Xe Ôm quay lại với cái việc giúp cho chị Tư Bán Chè gắn lại
cái bảng hiệu mới.

- Xong rồi chị Tư. Chị nhìn thử lại coi có được không?

- Dạ, được lắm chú Sáu. Cám ơn chú rất nhiều.

- Không có gì đâu chị. Có cần tui giúp gì, thì chị cứ cho
tui biết nghen. Bây giờ tui có chút việc phải đi làm đây.

Nói xong, anh Sáu Xe Ôm dắt chiếc xe máy xuống lòng lề
đường, nổ máy và chạy thẳng về phía trung tâm Sài Gòn. Anh
cho xe chạy thẳng đến đại lộ Trần Hưng Đạo và chạy
chầm chậm qua mấy cái nhà in tư nhân, sau đó anh rẽ vào nhà
in "Tiến Lên", dựng xe trước cửa và bước vội vào trong.

Một cô gái trẻ bên trong nhà in đứng dậy, tươi cười và
hỏi anh Sáu Xe Ôm:

- Thưa chú, chú cần giúp gì ạ?

- Dạ, tui muốn in một ít danh thiếp thương mãi.

- Dạ, chú muốn in loại danh thiếp như thế nào?

- Dạ, tui muốn in loại rẻ tiền thôi.

- Dạ, không sao. Chú muốn nội dung trên những tấm danh thiếp
đó như thế nào?

- À, tui muốn in trên đó là "Sáu Xe Ôm - Làm Ăn Cá Thể
Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Liên Lạc Di Động:
0922.090.234
"

- Dạ, xong rồi. Chiều nay khoảng 5:00h chiều, chú có thể đến
nhận danh thiếp của chú. Tổng cộng là 200.000 ngàn cho tiền
in.

Anh Sáu Xe Ôm lấy ra số tiền 200.000 trao cho cô gái, bước ra
ngoài, nổ máy xe và phóng vụt vào bên trong cái đám hỗn độn
giữa dòng xe cuồng cuộn vô tổ chức, vô luật lệ. Và, chỉ
có những kẻ thí mạng cùi mới dám liều lĩnh hòa nhập vào
nó.

Đúng năm giờ chiều, anh Sáu Xe Ôm đã có mặt trước nhà in
"Tiến Lên", dựng chiếc xe máy cẩn thận, anh bước vào bên
trong và gặp lại cô gái hồi sáng hôm nay. Anh khẻ cúi đầu
xuống chào cô ta:

- Chào cô, tui đến nhận mấy cái tấm danh thiếp mà tui đã
đặt làm sáng nay.

Cô gái vẫn với gương mặt niềm nỡ nhỏ nhẹ đáp lại:

- Dạ chào chú. danh thiếp của chú đã xong rồi, mời chú kiểm
tra lại.

Nói xong, cô gái trẻ đưa cho anh Sáu Xe Ôm một cái hộp nhỏ
đựng những tấm danh thiếp thương mãi mà anh đặt họ làm.

Anh Sáu Xe Ôm mở cái hộp ra, lấy một tấm danh thiếp và đưa
mắt nhìn lên nó. Đúng như là anh Sáu đã mong muốn. Trên tấm
danh thiếp có hàng chữ nổi bật "Sáu Xe Ôm - Làm Ăn Cá
Thể Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
". Anh rất là hài lòng
vì họ đã làm đúng như đơn đặt hàng của anh. Cho cái danh
thiếp vào lại trong cái họp nhỏ, anh Sáu quay lại nói với cô
gái trẻ:

- Cám ơn cô. Tôi xin cáo từ đây.

Nói xong, anh Sáu Xe Ôm bước vội ra ngoài, ngồi lên xe, nổ máy
và chạy về phía quán chè cóc bên đường của chị Tư Hương.
Khi đến trước quán chè, anh Sáu cho xe chạy lên lòng lề
đường, dựng xe ngay ngắn cạnh một bức tường, kéo một
chiếc ghế, ngồi xuống và nói với chị Tư:

- Hôm nay quán chè của chị có đông khách vậy chị Tư?

- Dạ, cũng được chú Sáu. Chú ăn một ly chè nha?

- Dạ, chị cho tui một ly chè ba màu đi. Nè, chị Tư. Tui cho
chị coi cái này.

Nói xong, anh Sáu Xe Ôm rút ra một tấm danh thiếp mới in xong
chiều này và đưa cho chị Tư.

Chị Tư cầm tấm danh thiếp trong tay và đọc hàng chữ nổi
trên đó: "Sáu Xe Ôm - Làm Ăn Cá Thể Định Hướng Xã Hội
Chủ Nghĩa". Chị khẻ reo lên thán phục:

- Trời! Chú Sáu làm ăn chuyên nghiệp dữ ha!

- Cái này thì tui cũng học từ chị thôi. Mình làm ăn cá thể
và phải trốn thuế mới đủ sống. Nay "mấy ổng" kêu gọi
định hướng xã hội chủ nghĩa thì mình cứ hưởng ứng nó
để được yên thân. Chứ thật tình với chị, tui cũng có
biết cái xã hội chủ nghĩa là cái gì đâu! Và, chỉ nghe thấy
"mấy ổng" nói khi nào nước mình tiến lên xã hội chủ nghĩa
thì nước mình được xóa đói, giảm nghèo, dân giàu nước
mạnh...

- Thì đúng rồi! Dân mình còn nghèo quá, phải tiến lên chủ
nghĩa xã hội thôi chú Sáu à!

- Dạ, chị nói rất đúng, nhưng mà có điều này tui chưa
hiểu... Chắc có lẽ chỉ có đám dân lao động nghèo như mình
chưa có tiến lên chủ nghĩa xã hội thôi, chứ còn gia đình
mấy ông cán bộ cách mạng gộc, thì họ đã vượt qua ngưỡng
cửa đó rồi.

- Chú không nói chơi, chứ chú Sáu? Làm gì có chuyện đó!

- Chị Tư à. Chị nghĩ lại thử coi. Khi người ta thi chạy bộ,
thì cũng phải có người đến đích trước và có người đến
sau đúng không?

- Dạ, cái đó thì tui hiểu.

- Thì tiến lên xã hội chủ nghĩa cũng vậy thôi. Chị có thấy
gia đình và dòng tộc của mấy ông cán bộ có ai nghèo không?

- Cái này thì không...

- Đúng rồi, bởi vì họ đang có một cuộc sống giàu sang, nhà
cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, kẻ hầu, người hạ quanh năm
ở trong nhà. Do đó, họ đâu có nghèo như chị và tui đâu. Vì
vậy, họ đã tiến lên chủ nghĩa xã hội trước mình rồi!
Đám dân lao động nghèo như mình, không biết bao giờ mới
đuổi theo kịp họ đây...

Chị Tư Bán Chè thở dài và nói:

- Chú Sáu ơi! Họ làm cách mạng nên tư tưởng họ thông suốt,
chứ có như chú và tui lúc nào cũng đầu tắt, mặt tối lo
từng bửa ăn một đâu...

- Nè, chị Tư. Có cái này tui vẫn chưa hiểu. Mấy cái nước
tư bản như thằng Mỹ hoặc thằng Nhật nó giàu khủng khiếp
luôn, vậy không biết nó đã bước qua xã hội chủ nghĩa
chưa...

- Trời! Chú Sáu. Chắc chắn là phải như vậy rồi! Chú quên
lời diễn văn ông Nông Đức Mạnh đã đọc rồi sao? Ổng nói:
"Định hướng xã hội chủ nghĩa là dân giàu nước mạnh,
xóa đói giảm nghèo...
" Mà mấy cái nước tư bản nó giàu
như vậy, thì nó phải bước qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa
trước chứ!

- Chị Tư, vậy thì có phải nước mình phải tiến lên xã hội
chủ nghĩa trước để xóa đói giảm nghèo, sau đó mình mới
tiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa để giàu mạnh như thằng
Mỹ, thằng Nhật không?

- Chú đã thông suốt lý luận của đảng rồi đó! Phải định
hướng xã hội chủ nghĩa thôi!

Anh Sáu Xe Ôm cười hề hề với vẽ mặt thật là khoái trí
bởi vì cuối cùng anh cũng đã thông suốt được đường lối,
chủ trương và cương lĩnh của nhà nước. Tiến lên chủ nghĩa
xã hội trước, rồi tư bản chủ nghĩa sau đó. Đi từng bước
chậm, nhưng vững chắc. Anh vô cùng khâm phục sự lãnh đạo
tài tình và sáng suốt của đảng và càng khâm phục hơn khi anh
nhìn thấy những ông cán bộ lãnh đạo xuất thân từ những
thằng bần cố nông khăng khăng bám theo cái chủ nghĩa cộng
sản, nay thì họ sống trong cảnh giàu sang và quyền quí vô
cùng.

Anh Sáu Xe Ôm lấy ra tấm danh thiếp của mình, mĩm cười, liếc
mắt đọc chậm hàng chữ "Sáu Xe Ôm - Làm Ăn Cá Thể Định
Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" và nói thầm: "Phải định hướng
xã hội chủ nghĩa thôi!" Mặc dù cả anh, chị Tư và hàng
triệu người dân Việt Nam khác chẳng bao giờ hiểu được
định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ đưa đất nước đi về
đâu.

Tăng trưỏng GDP của Trung Quốc nhanh, nhưng chiếm dụng ruộng đất còn nhanh hơn nhiều

Đăng bởi bvnpost


Dương Danh Dy

Đây có thể chỉ là bài học của nuớc bạn, cải cách mở cửa trước ta. Nhưng rất mong các chuyên gia về lĩnh vực này đánh giá xem chúng ta đã, đang hay chưa gặp phải vấn đề này, nếu có thì mức độ đến đâu, v.v.? Có nên coi đây là một cảnh báo không?


Đảng Quốc Anh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu phát triển nông thôn, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và một số chuyên gia đã phát hiện, từ năm 1985 đến năm 2005, trong tình hình kinh tế phát triển tốc độ cao, đô thị mở rộng vượt mức, lấn hết đất đai trồng trọt, cứ mỗi 1% tăng trưởng kinh tế, đã chiếm dụng khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp. Điều này nói lên cái gì? Để so sánh, ngưòi ta thấy thời ký phát triển tốc độ cao của Nhật Bản, từ năm 1965 đến năm 1984, tại Nhật Bản cứ tăng trưởng mỗi 1% chỉ chiếm dụng khoảng 2.500 ha đất nông nghiệp. Như thế có nghĩa là cứ mỗi 1% tăng trưỏng GDP của Trung Quốc, lượng chiếm dụng ruộng đất cao hơn khoảng 8 lần của Nhật Bản!!!


Và trong đó tốc độ tăng trưởng diện tích xây dựng đô thị mới cũng rất cao, trung bình trong 10 năm từ 1990-2000, mỗi năm tăng 5,34%, từ 2000 đến 2005 tuy có giảm nhưng trung bình mỗi năm vẫn tăng 3,84%.

Những số liệu này cho thấy trong quá trình phát triển, vấn đề lãng phí đất đai của Trung Quốc vô cùng nghiêm trọng. Mà một nguyên nhân quan trọng là giá đất đai quá thấp. Theo qui định, giá đền bù đất đai canh tác bao gồm giá đền bù đất, chi phí hỗ trợ định cư cũng như phí bồi thưòng các vật và cây cối trên mặt đất bị chiếm dụng, trong đó tổng giá đền bù đất và chi phí định cư không quá 30 lần giá trị sản lượng trung bình đất đai 3 năm trước khi bị trưng thu, còn chi phí bồi thường các vật và cây cối trên diện tích bị trưng thu do cấp tỉnh thành phố trực thuộc quyết định. Do vậy tính chung, giá thành mỗi mẫu đất (tức 660m2 đất) dùng cho xây dựng không quá vài vạn NDT.

Chính vì giá đất rẻ nên:

- Có nhiều đô thị mới, nói một cách ngoa ngoắt chỉ là “thành phố trống rỗng, không nguời”. Ví dụ sau 6 năm xây dựng, thành phố X. ở miền Tây đã có một khu vực hiện đại với 32km2 nhưng chỉ có 28 ngàn dân. Hoặc một huyện ven biển đã dành cho nhà đầu tư 1.300 mẫu đất với giá 40 vạn NDT/mẫu, nhưng sau khi có đất, nhà đầu tư chỉ xây dựng một đường phố ngắn rồi không làm gì nữa. Có một số nơi đô thị xây xong nhiều năm nhưng vẫn thiếu “hơi người”.

- Đất đai dùng cho công nghiệp, hầm mỏ rất lớn. Tổng diện tích đất đai dùng cho xây dựng đô thị, nhà máy, hầm mỏ của Trung Quốc đã lên tới 100.000km2, trong đó có 43.000 km2 dùng cho hầm mỏ, trong khi theo qui định thì từ năm 1997-2010 lượng đất được dùng cho hầm mỏ chỉ là 33.000 km2. Có đô thị năm 2009 thu hồi 18 khoảnh đất với diện tích khoảng 1.000 mẫu, nhưng chỉ có 1 khoảnh được dùng để xây dựng nhà ở, còn lại đều dùng cho công nghiệp. Tỷ lệ dung tích đất dùng cho công nghiệp cả nước chỉ có 0,3-0,6 thấp hơn của các nuớc công nghiệp phát triển rất nhiều.

- Đất dùng cho thưong nghiệp có hiện tượng theo đuổi hào hoa, mù quáng, dẫn tới lãng phí rất lớn như đua nhau xây dựng siêu thị, đưòng phố thương nghiệp, khu phục vụ thưong nghiệp trung tâm, thị trưòng bán buôn lớn, v.v., để rồi xuất hiện hiện tượng “trống rỗng”.

D. D. D.

(Theo Tạp chí Bán nguyệt đàm số tháng 11 năm 2010)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Ngày xưa trên trang sách ngày nay

Đăng bởi bvnpost

Cavenui



Nhà văn Trần Thu Trang, tác giả tiểu thuyết Phải lấy người như anh, trên trang web sachcuatrang.com có thuật 1 chuyện liên quan đến quan hệ Việt-Trung:

“đến một vài câu trong tiểu thuyết tình cảm giải trí Phải lấy người như anh nói động đến người Trung Quốc (Hoa kiều) và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 cũng được đề nghị lược bỏ đi”.

Nhà văn trẻ này còn được đề nghị lược bỏ, chứ mấy bác cao cao bên cửa sổ chết rồi thì được biên tập tự lược bỏ.

Đó là phát hiện của Cavenui khi đọc tập 41 văn kiện Đảng toàn tập (gồm các văn kiện năm 1980) in ở NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005. Ông Phan Diễn là chủ tịch Hội đồng xuất bản bộ văn kiện, ông Hà Đăng là trưởng ban chỉ đạo xây dựng bản thảo và bà Phạm Thị Vịnh là chủ biên nhóm xây dựng bản thảo tập 41.

Những người bị kiểm duyệt là các bác Tố Hữu, Nguyễn Khánh và Tổng bí thư Lê Duẩn.


Trong “Chỉ thị của Ban Bí thư số 84-CT/TW ngày 4/1/1980 về kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”do bác Tố Hữu, thay mặt Ban Bí thư ký, có 1 đoạn bị biên tập:

“Toàn dân nâng cao cảnh giác, làm tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, không ngừng tăng cường sự nghiệp quốc phòng, sẵn sàng đánh bại những hành động phiêu lưu quân sự của bọn phản động… “ (tr.4, dòng 17-14 từ dưới lên).

Trong Thông báo số 12-TB/TW ngày 7/6/1980 về hội nghị các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc do Nguyễn Khánh (Phó Văn phòng) ký có nhiều đoạn bị biên tập hơn:

Biên tập ngay từ câu mở đầu: “Trong 2 ngày 26 và 27/5/1980 Hội nghị các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc do Ban Bí thư triệu tập đã họp bàn những công tác trước mắt nhằm tăng cường sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh chính trị, củng cố cơ sở, đánh bại chiến tranh gián điệp của bọn phản động…” (tr.116, dòng 18-14 từ dưới lên)

“Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao những cố gắng của đồng bào các dân tộc, của các cấp, các ngành, của lực lượng quân đội, công an và những kết quả đã đạt được hơn 1 năm qua trong việc tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống quân… xâm lược trên biên giới phía Bắc”. (tr.116, dòng 5-1 từ dưới lên).

“Đến nay, thế và lực của ta ở biên giới phía Bắc đã mạnh hơn trước nhiều, đủ sức giáng… những đòn quyết liệt hơn nữa nếu chúng dám gây ra cuộc chiến tranh xâm lược mới” (tr.117, dòng 7-10 từ trên xuống).

“Bọn phản động… đang ráo riết đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý kết hợp với duy trì áp lực quân sự và hoạt động khiêu khích vũ trang, chống phá ta một cách toàn diện, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc” (tr.117, dòng 13-10 từ dưới lên)

“Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, viên chức và nhân dân thấy rõ những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm và thâm độc của bọn phản động… trong việc tiến hành chiến tranh gián điệp dưới mọi hình thức, nhằm phá hoại ta về mọi mặt” (tr.120, dòng 6-10 từ trên xuống).

“Các cấp ủy Đảng ở địa phương và trong quân đội phải hết sức coi trọng công tác vận động nhân dân… và công tác binh địch vận” (tr.121, dòng 13-11 từ dưới lên)

Đến cả TBT Lê Duẩn (ảnh) cũng bị kiểm duyệt. Bác Lê Duẩn bị biên tập trong “Bài nói của đ/c Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

“Hiện nay, đất nước ta tuy có hòa bình, song phải luôn luôn chuẩn bị chống chiến tranh xâm lược của bọn phản động…” (tr.308, dòng 3-4 từ trên xuống).

Hài nhất là đoạn này:

“Mặc dầu việc chủ nghĩa đế quốc và… xúc tiến liên minh với nhau đang gây ra một tình hình nguy hiểm trong nền chính trị thế giới, cuộc đấu tranh của nhân dân các nước cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội vẫn tiến bước vững chắc với thế mạnh, thế thắng ngày càng rõ rệt”. (tr.309, dòng 5-10 từ trên xuống). Chủ nghĩa đế quốc xúc tiến liên minh với Ba Chấm?

Tiên sư bọn phản động Ba Chấm, Trang hỉ?

Cavenui

Nguồn: cavenui.wordpress.com

Tặng em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08/3.

Nguyễn Hữu Quý

Tôi có “Cô bạn ngày xưa học chung một lớp”, hôm qua 06/3 cô ấy từ Thanh Hoá mail vào cho tôi, đại ý nói rằng: Ngày 08/3 cũng là ngày sinh nhật con gái em, anh nhớ động viên cháu vài câu nhé, nhắn tin cũng được; với em cũng vậy, anh phải có quà bằng một bài thơ, hay là cái gì đó tương tự.

Tôi quý em không những ngay từ thời đi học, em là cô bạn thông minh, học giỏi…; mà bây giờ em có 2 con đều học Đại học Bách khoa Hà nội; cô con gái đầu học ngành Toán tin và vừa tốt nghiệp loại giỏi và đang học cao học; đứa thứ hai là con trai, học khoa Hoá.

Quê tôi vốn nổi tiếng cả nước về sự đói nghèo qua câu ngạn ngữ “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi”; và mặc dù chỉ là tổ trưởng môn văn của một trường cấp 2 tại xã, nhưng vì có con học ngành tin học, cho nên em được các con động viên, học vi tính và cải tiến phương pháp dạy học; và liên tục là giáo viên giỏi của huyện và có báo cáo điển hình tại tỉnh…; và chính em là người đưa tôi biết thế nào là Blog cách đây một năm.

Để không thất hẹn, ngay trong buổi tối hôm qua, tôi đã làm bài thơ tặng em; trong mail trả lời, ”Cô giáo” đã “phê”: “Bài thơ cứ như “có sẵn" trong anh vậy, cảm xúc tốt, ý lời đều được, ngôn từ cũng chuẩn, hay dạo này anh viết báo "luyện bút" quen rồi nên làm thơ nhanh đến thế!”.

Xin giới thiệu cùng các bác, riêng với các bác và chị em là nữ, tôi cũng dành tặng như tôi dành tặng cô bạn gái vậy nhé!

Nhân ngày 08/3 năm nay, ta không khỏi bùi ngùi cho những thân phận phụ nữ Việt Nam mà cô bạn Thanh Chung đã viết trong bài “Kính gửi bà chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”, mà tôi mới vừa coppy về Blog của mình.

Với tôi, phụ nữ là tất cả! ngày còn đi học, tôi đọc đâu đó hoặc ai đó nói một câu mà nhớ mãi tận đến bây giờ, đó là câu: “Cả thế giới trông chờ ở hai bầu vú sữa!”.

He he! tôi cũng tin rằng, 100% các bác là đàn ông cũng đồng ý với tôi?!



Sưu tầm (Blog NXD)
Em ơi mùng 8 tháng 3
Nơi xa anh biết tặng quà gì đây?
Đôi vần thơ gửi hôm nay
Thay lời muốn nói những ngày đã qua
Nhớ nhung thuở tuổi học trò
Nhìn nhau lưu luyến dại khờ ngây thơ
Em theo nghề giáo ước mơ
Anh vào Đại học khù khờ trai quê
Dòng đời đôi ngả nhiêu khê
Tình em lận đận trăm bề ai hay
“Trang đời”(*) anh biết hôm nay
Thấy mình có lỗi những ngày xa em
Thương em phận gái yếu mềm
Tình duyên lận đận ưu phiền bao năm
May thay trời chẳng phụ lòng
Giờ này hạnh phúc bên chồng mơ hoa
Hai con Đại học Bách khoa
Em cô giáo giỏi tiếng xa khắp vùng
Dạy văn tin học đi cùng
Ngay nơi thành thị mấy người như em?
Vần thơ anh tặng anh khen
Mừng em hạnh phúc yêu nghề mê say
Nhân ngày Phụ nữ năm nay
Vần thơ gửi tặng nói thay tấm lòng!

(*) “Trang đời” là tác phẩm (tựa như Hồi ký) của “cô bạn ngày xưa học chung một lớp”.
06.3.2011

Gaddafi, vì đâu nên nỗi này?

Bùi Quang Minh

Ngài Gaddafi kính mến,
Em nghe cô bạn tâm phúc Galyna Kolotnytska - y tá riêng của ngài kể và cho xem một vài bức hình có chân dung ngài, em vô cùng ngưỡng mộ và muốn gửi thư bày tỏ với ngài giống như bao người đua nhau bày tỏ ý kiến, lòng cảm kích tới Lãnh tụ của mình.
Em xin gọi ngài bằng "Papa" như cô bạn em từng đã từng gọi: "Papa là người tuyệt vời nhất thế giới này. Cuộc sống của tôi từ nay sẽ không còn ý nghĩa bởi thiếu vắng Papa". Qua Galyna vừa trở về từ Tripoli, em biết giờ này ngài đang bận rộn rất nhiều chuyện đại sự quốc gia, chuyện sinh mệnh gia đình, nhưng em không viết thư cho ngài bây giờ thì còn vào lúc nào đây? Ngài có chút thời gian đọc lá thư này thì em cũng mãn nguyện lắm!



Nữ y tá tóc vàng, "người tình" Ukraina của Gaddafi
Papa kính yêu,
Những sự kiện trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Papa được em ôn lại hàng đêm luôn làm em dâng trào niềm xúc động và kính yêu Papa vô hạn.
Tuổi thanh niên vượt khó cứu nước, cứu dân của Papa làm em hãnh diện. Papa sinh năm 1942, lớn lên trong một gia đình nghèo khó và Papa sớm đi theo cách mạng, tham gia biểu tình chống Do Thái trong vụ khủng hoảng kênh đào Suez. Papa đã theo quân đội và tốt nghiệp sĩ quan năm 23 tuổi.
Năm 1969, khi mới 27 tuổi, Papa đã quyết đoán lãnh đạo nhóm sĩ quan đảo chính, lập đổ chế độ phong kiến của vua Idris thối nát, lập nên chế độ Nhân dân Cộng hòa, một nhà nước "của nhân dân, do nhân dân cai trị". Papa trẻ tuổi nhưng chẳng màng đến bất cứ quyền lực nào của Nhà nước, dù chỉ là Chủ tịch Hội đồng Cách mạng hay Thủ tướng. Papa chỉ phong “khiêm tốn” mình từ Đại Úy lên Đại Tá mà ở một chế độ mới đã của nhân dân thì đâu cần đến danh hiệu quân đội. Papa thật xứng với danh xưng “Người Hướng Dẫn của cuộc Đại Cách Mạng" và "Người Lãnh đạo Anh em" của chế độ "Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya". Papa là lãnh tụ của Quốc gia theo khẩu hiểu "Tự do, Chủ nghĩa xã hội, Đoàn kết".







Papa là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Libya và cũng là của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Mới 35 tuổi, Papa đã sáng tạo ra tư tưởng cách mạng vĩ đại - Papa gọi tên chúng là "Chủ nghĩa Xã hội Hồi Giáo" mà em ấn tượng nhất là nó có cả "dân chủ trực tiếp và phổ thông", lại có cả "kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, trong đó kinh tế nhà nước là chủ lực, làm nền móng". Tầm vóc của Papa là tầm vóc của cách mạng thế kỷ 20, với em còn vượt trên cả ông Lê nin, ông Mao Trạch Đông về mảng dân chủ và kinh tế. Trong Papa hòa trộn giữa nhà quân sự với nhà cách mạng, nhà tôn giáo học, nhà khoa học, nhà chính trị học, nhà kinh tế học... Papa lỗi lạc, vĩ đại quá! Mọi tư tưởng của Papa in trong 3 tập sách Xanh phát rộng rãi cho nhân dân (giống sách đỏ "Mao Tuyển” của Mao Trạch Đông, sách Ruhnama của Saparmurat Niyazov), em đã đọc và chiêm nghiệm từng ngày. Cầm trong tay bộ sách của Papa do Galyna đưa cho, lòng em ước ao sẽ có ngày được chính Papa tặng riêng cho em. Hiểu được một phần các ý trong tác phẩm vĩ đại của Papa, em nghĩ Papa là một “nhà đại trí”, một “người hướng dẫn” lỗi lạc của dân tộc Lybia và của toàn nhân loại. Papa lại còn hướng dẫn học tập theo sách Xanh của Papa và còn chỉ đạo người thường làm theo những điều vĩ đại Papa đã vạch ra.





42 năm qua, dưới sự lãnh đạo cách mạng tài tình của Papa, nhân dân Libya đã tạo nên bao nhiêu kỳ tích… Điều kỳ lạ đầu tiên với em là Papa đã đi trước nhân loại trong việc chọn lựa mô hình Nhà nước. Papa dù chưa xây dựng được chút gì nhà nước Cộng hòa ngoài việc buộc nhà vua Idris thoái vị, nhưng Papa đã chuyển sang xây dựng Nhà nước có Chính phủ Đại chúng (Jamahiriya). Em hiểu rằng đây là một quyết định của Papa mang tầm cỡ thế kỷ 20-21. Papa hiểu rất rõ lịch sử hào hùng, hoàn cảnh hiện tại của Libya và Papa sáng suốt chỉ ra và chọn lựa mô hình Nhà nước lý tưởng cho Libya tương lai. Ước mơ của loài người trở thành Libya trong hiện thực, dân chủ mà không có hoàng gia, đảng phái, chính phủ, quốc hội hay quân đội chính quy như Nhà nước thông thường gì cả. Em biết, sẽ nhiều kẻ chống đối lựa chọn này của Papa, coi Papa là kẻ hoang tưởng, là "thầy bói" chính trị. Chúng gán cho ý tưởng của Papa là "bánh vẽ" Nhà nước nhân dân giả hiệu, che đậy ý đồ Papa nắm giữ quyền lực tối cao và tuyệt đối - "độc tài" qua một "hệ thống chính trị quái đản" tại xứ sở Libya. Chúng không hiểu rằng Papa không nắm giữ chức vụ chính thức gì cả và chính phủ hoàn toàn của nhân dân, do các hội đồng địa phương quản lý và được chấp thuận bởi Ủy ban cách mạng, những người có công "khai quốc" như Papa. Papa - người sĩ quan quyết đoán, không thể khác được là phải cử các đội hành động thuộc Ủy ban Cách mạng để săn lùng và ám sát những kẻ chống đối đó, thi hành pháp luật và quyền lực của nhân dân trong và ngoài nước một cách nhanh chóng nhất.


Papa nung nấu ý chí cách mạng quốc tế, luôn muốn Libya là trung tâm của phong trào thế giới thứ ba, liên kết các nước châu Phi lại. Nhiều lần Papa đã cố gắng thành lập Liên bang các nước Cộng hòa Ả rập, rồi Liên bang Hồi giáo miền Bắc Phi, Liên bang châu Phi (châu Phi không biên giới) như giấc mơ Papa từng tuyên bố: "Tôi đi ngủ bên cạnh 4 triệu người Libya, tôi thức dậy bên cạnh 400 triệu người châu Phi". Papa cũng nhiệt tình ủng hộ các phong trào giải phóng tự xưng, tài trợ cho các phong trào du kích như: phong trào IRA ở Ireland, du kích Sandino ở Nicaragua, phong trào FARC ở Columbia, phong trào ở Sierra Leone và Liberia, các nhóm du kích tại Ả Rập. Papa đã mang tầm vóc một "Lãnh tụ cách mạng" trên toàn thế giới. Papa từng gặp gỡ và chụp hình với những lãnh đạo cảm tử quân quốc tế chống phương Tây. Papa là người hùng cách mạng đích thực của em, tựa như Che Guevara trong thời đại mới. Papa có riêng một đội quân 70 ngàn chiến sĩ gọi là Dân quân của Libya và lực lượng bán chính thức lính đánh thuê nước ngoài. Papa luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh cách mạng của mình tại Libya và trên toàn thế giới với cách làm vững chắc nhất.



Lính đánh thuê tại Libya
Do vậy, em không lạ gì các vụ khủng bố lớn quốc tế lớn thập niên 80, người ta đều tố cáo Papa dính líu tới như vụ khủng bố Thế vận hội mùa hè 1972, vụ đánh bom vũ trường Berlin 1986, vụ gài bom chuyến bay Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988, gài bom chuyến bay 772 của UTA ở Niger năm 1989... Đế quốc Mỹ cũng đã từng trả đũa dã man bằng cách ném bom Tripoli và Benghazi tháng 4 năm 1986 cũng như Liên hợp quốc trừng phạt suốt một thập kỷ. Nhưng Papa là con người của hòa bình, con người của nhân dân, con người xuất thân từ tầng lớp cần lao. Papa luôn thiện chí và không muốn bất cứ căng thẳng kéo dài nào với thế lực phương Tây. Từ năm 1999 đến năm 2008, với trung gian hòa giải là Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, Papa đã không tiếc 2,7 tỷ USD để đền bù và giải tỏa những mâu thuẫn, cải thiện toàn diện quan hệ với phương Tây. Quốc tế gọi Papa là "Nhà độc tài của nhà nước côn đồ" còn với em thái độ của Papa là một thái độ dũng cảm, trước sau như một chống lại bất công trên phạm vi thế giới, không thể bị gọi là "hợp tác, yểm trợ khủng bố quốc tế". Thay mặt nhân dân tiến bộ toàn thế giới, Papa đã anh dũng và kiên định lập trường chỉ trích phương Tây tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2009 khi gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là "Hội đồng Khủng bố", đòi giải tán Hội đồng, bênh vực nhóm khủng bố Taliban và cướp biển Somali.
Ôi Papa, em còn có thể kể nhiều điều, nhiều thành tích huy hoàng của Papa, mà từ lâu đã nằm sâu trong trí nhớ của em.


Papa lại còn là người gần gũi, chân thành với phụ nữ chúng em. Papa đã từng phái máy bay riêng đi đón cô bạn Galyna của em từ Bồ Đào Nha để đưa về Libya vì vấn đề thị thực. Thời nay, liệu còn có lãnh tụ nào làm được điều kỳ diệu này như Papa không?
Papa là con người của Văn hóa, hâm mộ đua ngựa và nhảy flamenco. Galyna kể chuyện với em Papa đẹp trai, ăn mặc diêm dúa rất cuốn hút phụ nữ. Đã có lần một nữ thích khách được giao ám sát Papa, nhưng khi nhìn thấy Papa, cả hai người đều trúng tiếng sét ái tình. Từ đó Papa đã kết hôn với nữ thích khách và phu nhân của Papa chính là người huấn luyện đội ngũ nữ vệ sĩ bảo vệ Papa.





Các nữ vệ sĩ của Gaddafi

Papa đã phong cho mình các danh hiệu văn hóa khác nhau bởi ngài luôn sống gần với Cội nguồn Văn hóa. Khi ra công du nước ngoài, Papa không chọn ngụ ở khách sạn 5 sao mà vẫn yêu cầu cắm trại, dựng lều Bedouin như tại Libya. Papa còn mang theo cả lạc đà, ngựa. Và Papa đi đâu cũng có một đội nữ vệ sĩ xinh đẹp tháp tùng. Họ là những nữ chiến binh đến từ nhiều quốc gia như Ả rập, Amazon, trinh tiết, thông minh và giỏi võ nghệ.



Trại của Caddafi
Trong một lần đi thăm Ý, Papa đã đề nghị chọn đủ 500 cô gái xinh đẹp, cao trên 1,73 m, không được mặc váy ngắn, áo trễ ngực để tới nghe Papa nói chuyện về sự linh thiêng của Đạo Hồi và nhận sách Xanh và cuốn "Làm thế nào trở thành một người Hồi giáo" của Papa với chữ ký của ngài.

Em được nghe kể và xem TV tình hình Libya những ngày qua. Chúng làm em thấy rất lo lắng cho Papa. Em phân vân không biết tương lai Papa sẽ ra sao?
Em biết rằng rất đông người Libya, có thể tới hàng trăm ngàn người đã tụ tập nhau biểu tình, cầu nguyện với đầy đường những khẩu hiệu “Kaddafi, kẻ thù của Chúa”, “Chiến thắng hay là chết”… Họ đòi Papa phải ra đi sau 42 năm giữ ghế lãnh đạo. Họ đòi xóa bỏ chế độ phong kiến kiểu "minh chủ - chư hầu" theo sáng chế của Papa, chế độ là nguồn gốc của độc tài, phi dân chủ, đầy rẫy tham ô và bất công xã hội. Họ còn reo rắc thông tin bất lợi về Papa, rằng dù cho Libya là quốc gia xuất khẩu giàu mỏ thứ 4 châu Phi nhưng nguồn lợi hàng tỷ USD chủ yếu chảy về gia đình Papa. Papa và 9 "quý tử tài ba" đang sở hữu hàng chục tỷ USD gửi tại các ngân hàng Ả rập, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ... và đầu tư kinh doanh khắp nơi.


Gaddafi thường đeo ảnh kỷ niệm ở ngực
Papa kính yêu, như vậy là có một bộ phận nhân dân Libya thực sự không tin tưởng chút nào vào Papa vĩ đại phải không? Họ gọi Papa kính yêu của em là gã độc tài trá hình, khát máu. Điều đó đúng không Papa? Đây có phải sự thật kinh hoàng Papa đang dấu nhân dân mình và những người đang ngưỡng mộ Ngài như em phải không?
Họ nói họ chính là nhân dân Libya đã vượt qua sự sợ hãi, nhận ra mình là con rối của ai, đang tự dành lại "quyền lực nhân dân"? Hay họ chỉ là vài tên quá khích Libya theo đuôi phong trào tại Tunisia và Ai Cập, hay tệ hơn theo lời Papa trả lời phỏng vấn là đám đông toàn kẻ nghiện hút, những kẻ tâm thần, dại dột bị al-Qaeda hay kẻ thù phương Tây giật dây, truyền thông kích động chia rẽ, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Papa? Chúng xứng đáng bị người của Papa nhằm bắn?
Vì sao Papa muốn xây dựng Nhà nước hoàn toàn của nhân dân, đổi mới và phát triển đất nước không ngừng mà họ lại nói Papa là cản trở lớn nhất của mọi thay đổi?

Họ nói Papa bề ngoài là người đại trí, nhân ái, cao đẹp vĩ đại mà bên trong lại là tay khát máu, man rợ, khủng bố cấp cao? Họ nói Papa hoàn toàn không phải là nhà lãnh đạo, yêu quý gì nhân dân mà chỉ là “tay bạo chúa” và che đậy sự cầm quyền hà khắc chính mình và Papa đang đứng trước giờ phút hấp hối...
Họ nói khẩu hiểu "Tự do, Chủ nghĩa xã hội, Đoàn kết", quốc hiệu “Giamahiriya” - "Đại Dân quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả rập Libya", tư tưởng "Chủ nghĩa Xã hội Hồi giáo" của Papa là bịp bợm, bộ máy truyền thông quốc gia của Papa là "một cỗ máy nói láo, một chiều"? Họ nói Nhà nước dân chủ, toàn dân nhưng đó chỉ là ảo giác, thực ra không có Nhà nước, không có công lý, chỉ là một cơ chế của tội ác, đàn áp dân lành mà không xét xử của Papa...
Vì sao Papa là người luôn sáng suốt, kiệt xuất lại để tình thế bỗng dưng đi đến nông nỗi này? Do đâu mà quân, thuốc phiện của Al-Queda lại kéo đến đất nước yên bình của Papa để nổi loạn? Những điều đang xảy ra có phải kết thúc sự nghiệp chính trị của Papa? Có phải đã là độc tài thì khó tồn tại được lâu dài không? Có phải Papa đang bước vào công cuộc cách mạng mới, thậm chí phải tắm máu thành "những dòng sông" để bảo vệ quyền lực của nhân dân? Và nhân dân Libya vẫn đang yêu quý và bảo vệ Papa hết mình không?


Còn quá nhiều câu hỏi tại sao của em dành cho Papa. Em và cô bạn Galyna chưa thể hiểu nổi mọi chuyện.
Em biết, Papa có ý chí cách mạng sắt đá đến hơi thở cuối cùng, Papa sẵn sàng giáng trả kẻ thù bằng mọi giá. Trong bài phát biểu ngày 22/2/2011, Papa đã nói: “Tôi sẽ không rời khỏi mảnh đất này. Tôi sẽ chết ở đây như một người tử vì đạo. Tôi vẫn thách thức tất cả... Chúng ta sẽ chiến đấu đến người đàn ông và đàn bà cuối cùng…”. Đó là thái độ quyết liệt "tử vì đạo" quý báu của Papa, được Papa tôi luyện từ tuổi trẻ.
Nếu qua được khó khăn, Papa sẽ cùng nhân dân Libya xây dựng lại guồng máy xã hội nhịp nhàng hơn, đất nước Libya thêm đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Và nếu cần sửa lỗi, Papa cũng sẽ chỉnh sửa lại những giáo huấn ghi trong sách Xanh của mình. Lời hứa "phân phối trực tiếp lợi nhuận xuất khẩu dầu mỏ đến từng người dân" Papa đã từng ghi trong những trang sách ấy mới có cơ hội thực hiện, cho dù Papa đã nói và hứa rất nhiều trước nhân dân. Papa cũng hứa với em sẽ chỉ làm những điều cao đẹp vì nhân dân mình, không để bị hiểu nhầm là độc tài đâu nhé!
Em thương Papa nhiều lắm và em mong có ngày được gặp Papa, dù chỉ một lần!






Nguồn: Chungta.com

Chủ trương lớn của Nguyễn tấn Dũng trốn nợ

Các chủ nợ của Vinashin sốt ruột vì tập đoàn đóng tàu Việt Nam 'không thể gặp và bàn việc tái cơ cấu' với họ, theo báo Anh, tờ Financial Times.

Bài của phóng viên Ben Bland từ Hà Nội hôm 7/3/2011 cho rằng một giám đốc quỹ đầu tư rủi ro (hedge fund) không nêu tên bày t̉o sự thất vọng về Vinashin, tập đoàn nổi tiếng vì thua lỗ trên 4 tỷ đô la.

Người này cho hay phía chủ nợ "sẵn sàng ngồi xuống với tập đoàn [của Việt Nam] và thảo ra kế hoạch tái cơ cấu nhưng họ nói chúng tôi không thể gặp các vị vào lúc này".

Họ cũng dọa sẽ có "hành động về mặt pháp lý" để thúc đẩy vụ việc.

Hết kiên nhẫn?


Các quỹ đầu tư rủi ro nằm trong nhóm chủ nợ thực hiện kế hoạch của Credit Suisse nay tỏ ra "không còn kiên nhẫn".

Theo kế hoạch được chính phủ Việt Nam ủng hộ, Vinashin mời công ty tư vấn tài chính KPMG tham gia kế hoạch tái cơ cấu.

Tập đoàn này cũng từng xin giãn tiến độ trả nợ.

Họ nói chúng tôi không thể gặp các vị vào lúc này

Nhà đầu tư nói về Vinashin

Vẫn Financial Times nói hãng tin Bloomberg từng được Vinashin cho hay là tập đoàn này sẽ báo cáo lại cho các chủ nợ vào tháng 5 hoặc 6.

Chừng 3000 tỷ đồng Việt Nam ở dạng trái phiếu được ngân hàng Deutsche Bank đồng ý lo liệu đưa ra trong kế hoạch từ 2007.

Vinashin có 16,2 nghìn tỷ đồng ở dạng trái phiếu và các khoản vay đáo hạn vào năm 2017, theo số liệu của Bloomberg.

Ông Fred Burke, từ văn phòng Việt Nam của hãng luật Baker & McKenzie được trích lời nói "điều không thể tránh khỏi là sẽ có một số hành động về mặt pháp lý", một khi các bên không đồng ý được giải pháp chung.

Thời gian cho các giải pháp này dự kiến là mất tháng tới.

Tuy nhiên, Ben Bland cho rằng các nhà băng lớn như Credit Suisse và Standard Chartered vốn có quyền lợi lâu dài tại Việt Nam sẽ không mặn mà với chuyện va chạm với chính phủ.

Theo nhiều bình luận trong và ngoài nước từ trước tới nay, Vinashin mắc nợ biểu lộ căn bệnh trầm kha của kinh tế do nhà nước chủ đạo ở Việt Nam.

Đó là việc đầu tư công quỹ vào các dự án lớn nhưng kém hiểu quả.

Việc đầu tư bừa bãi của Vinashin ra ngoài cả ngành đóng tàu cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng "gần phá sản".

Trên thực tế, tập đoàn này chỉ không phá sản vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ Việt Nam quyết định đổ tiền vào cứu.

Mới hôm cuối tháng 2/2011, chính phủ Việt Nam đã hủy một dự án luyện kim của Vinashin với đối tác Lion Group của Malaysia, trị giá 9,8 tỷ đô la.

Nhiều nhân vật lãnh đạo cũ của Vinashin thì đã bị bắt hoặc đang bị điều tra.

Các vụ việc nhằm chứng minh chủ trương từ trên luôn đúng đắn và các 'sai phạm' là do cấp dưới gây ra.

Xuống đường làm cách mạng đơn giản là “cool & sexy”

Posted by truongthondlb1


Lê Diễn Đức – Các tổ chức, đảng phái của người Việt nên tạm thời can đảm chui ra khỏi cái bọc háo danh và ích kỷ, tự cho mình hay hơn người, chống cộng dứt khoát hơn người, để kết nối với nhau và với những nhà dân chủ trong nước xây dựng một phong trào chung. Khi Việt Nam có dân chủ, ai mạnh ai yếu, ai giỏi ai dốt, sẽ tha hồ cạnh tranh, phê phán, nhưng kẻ thắng sẽ không phải nhờ có âm lượng giọng nói lớn hơn, mà là người giành được phiếu bầu của người dân nhiều hơn. Hãy chấm dứt tình trạng chưa bắt được gấu mà đảng nào cũng nghĩ mình sẽ là người cầm dao chia da…

Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Ai Cập Mubarak đã thành công sau 18 ngày bền bỉ đối đầu với bạo lực. Cái giá phải trả là mạng sống của gần một trăm người và hàng ngàn người bị thương.

Ai Cập đang đứng trước hai lựa chọn. Một xã hội dân chủ hiện đại với sự tham gia của mọi thành phần vào việc quản lý đất nước, kể cả tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” đã bị Mubarak loại ra ngoài vòng pháp luật. Hoặc sẽ lâm vào bất ổn chính trị, xung đột tôn giáo…

Trước hết Hội đồng Quân sự Cấp cao phải sáng suốt chấp nhận những thay đổi cơ bản, nhượng bộ một số đòi hỏi có thể làm giảm thiểu quyền lực truyền thống, cũng như lợi ích kinh tế của giới elite quân đội và tiến tới dân sự hoá xã hội triệt để.

Bên cạnh, không thể thiếu các hoạt động thúc đẩy, gây áp lực mềm của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, hai đối tác quan trọng nhất của Ai Cập.

Tôi tin và hy vọng 80 triệu người Ai Cập có đủ tài năng để xây dựng một quốc gia dân chủ, văn minh, làm điển hình cho thế giới Ả rập. Cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp trong ngày 19 tháng 3 thể hiện bước đi đầu đúng hướng của tiến trình dân chủ hoá.

Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ thành quả “cách mạng” mà phong trào “6 Tháng Tư” là hạt nhân phải tiếp tục xuống đường. Không còn là cuộc xuống đường trên quảng trường Tahrir (khi cần thiết vẫn có thể) mà là trên bình diện tìm kiếm đồng thuận trong các giải pháp cải cách chính trị, điều chỉnh hiến pháp, thiết lập các định chế dân chủ. Trước mắt là tổ chức tốt cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9.


Tay không chỉ có thể cản được xe tăng bằng biện pháp hoà bình, ”cool & sexy” – Ảnh: Reuters

Tuổi trẻ “6 Tháng 4”

Khi một triệu người tràn xuống đường phố, tình hình đang trong cảnh khó tiên liệu, dư luận vẫn có cảm tưởng đây là một cuộc cách mạng tự phát và không cần lãnh tụ.

Lúc đó ít ai biết rằng, trong căn phòng nhỏ trên phố cổ của Cairo, một nhóm thanh niên đã lập đại bản doanh chỉ huy cuộc biểu dương lực lượng vô tiền khoáng hậu này. Đó là những chàng trai của phong trào tuổi trẻ “6 Tháng 4”, đứng đầu là Ahmed Maher, kỹ sư xây dựng, hiện 30 tuổi, có vợ và con.

Phong trào “6 Tháng Tư” được biết đến ở Ai Cập vào năm 2008. Những người sáng lập – hai thanh niên Ahmed Maher và Ahmed Salah – đưa ra ý tưởng hỗ trợ cuộc đình công của công nhân tại thành phố Mahalla. Họ chọn thời điểm hành động vào ngày 6 tháng Tư, vì thế mà có tên của phong trào. Để huy động, Maher và Salah đã tạo một trang web trên Facebook, kêu gọi mọi người tham gia bằng cách trong ngày 6 tháng 4 mặc quần áo màu đen và không đi làm. “6 Tháng Tư” nhanh chóng trở thành hiện tượng Internet: trên Facebook có khoảng 70 nghìn người ủng hộ.

Sau sự kiện này, phong trào không dừng lại mà tiếp tục phát triển thành viên, củng cố chức. Nắm bắt cơ hội từ cảm hứng của cuộc các mạng Hoa Lài ở Tunisia, họ huy động quần chúng xuống đường chống lại Tổng thống Mubarak.

Không thể thiếu chuẩn bị và tập dượt

Như vậy, để xúc tiến cuộc tổng động viên quần chúng, phong trào “6 Tháng 4” của thanh niên Ai Cập đã phải chuẩn bị 3 năm.

Cũng nên nhắc lại, để giành được thắng lợi toàn diện trong năm 1989, phong trào tranh đấu dân chủ của nhân dân Ba Lan đã được tập dượt rất sớm, bắt đầu từ cuộc tổng đình công, biểu tình đường phố đầu tiên ở thành phố Poznan vào tháng 6 /1956, tức chỉ 8 năm sau khi chính quyền cộng sản được thiết lập. Dưới sự chỉ huy của tướng Liên Xô Stanislav Poplavsky, hơn 10 ngàn công an, binh lính đã tắm máu cuộc biểu tình, làm 57 người chết, hàng trăm người bị thương.

Các cuộc đình công, biểu tình được tiếp tục trong những năm 70, đáng kể là vào tháng 12/1970 tại Gdansk, trong đó 39 người bị giết hại, 1.164 người bị thương và hơn ba ngàn người bị nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan giam giữ.

Trong thập niên 80 thanh niên Ba Lan phát động một phong trào năng động và thông minh: “Orange Alternative” (Pomarańczowa Alternatywa). “Orange Alternative”, hay “lựa chọn màu Cam” – qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt… , là cách chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw. Các phong trào tương tự cũng diễn ra ở các nước Tiệp Khắc và Hungary.

Gần 20 năm trước, nghiên cứu các cuộc cách mạng, đặc biệt đường lối của Gandhi (Ấn Độ) và “Công đoàn Đoàn kết” (Ba Lan), giáo sư khoa học chính trị của University of Massachusetts Dartmouth, Gene Sharp, đã viết cuốn sách cầm tay “Từ độc tài đến dân chủ” (From Dictatorship to Democracy) hướng dẫn cách lật đổ các nhà độc tài và bạo chúa một cách bất bạo động.


Gene Sharp, nhà tư tưởng chiến lược của các cuộc cách mạng bất bạo động – Ảnh: BBC News

Gene Sharp bắt đầu viết “Từ độc tài đến dân chủ” vào đầu thập niên 90 cho phe đối lập Miến Điện. Nhưng vì không biết nhiều về Miến Điện và nhà cầm quyền quân sự nên ông đưa ra những nguyên tắc chung và phổ quát. Chính đây là sức mạnh của cuốn sách vì nó có thể thích nghi với những điều kiện khác (mặc dù không phải luôn luôn thành công).

Sách của Gene Sharp được dịch ra 30 ngôn ngữ, được nhập lậu qua biên giới và tải xuống miễn phí từ trang nhà của Viện Albert Einstein, đã hỗ trợ cuộc tranh đấu trên bốn lục địa chống lại các chế độ độc tài. Những lời khuyên của Sharp đã được các phe đối lập tận dụng, từ Serbia, Ukraine, Gruzia (Georgia), tới Maldives. Và gần đây nhất tại Ai Cập.

Nhận định “đối diện với bạo lực, mọi người sẽ phải tranh đấu trên một bình diện mà bạo chúa gần như luôn luôn ở thế mạnh hơn“, Gene Sharp đề xướng 198 cách phản kháng hòa bình.

Rất nhiều lời khuyên của Sharp đã thu hút sinh viên Serbia đang chuẩn bị lật đổ Slobodan Milosevic. Với trí tưởng tượng và ý thức của thời đại mới họ biến chúng thành hành động thực tế. Sau khi chiến thắng họ đã quyết định chuyên nghiệp hoá phong trào “Otpor” và biến nó thành Canvas – trung tâm tư vấn về cách thức tiến hành cách mạng bất bạo động.

Người của Canvas đã huấn luyện tổ chức Pora ở Ukraine, Kmara ở Gruzia. Dấu vết của họ có thể tìm thấy dường bất cứ nơi nào có cuộc cách mạng màu: Tulip ở Kyrgyzstan, Tuyết tùng ở Lebanon, Jeans tại Belarus… Họ đã dạy làm thế nào khởi động các cuộc biểu tình, tránh được sự theo dõi, đối đầu hoặc tra tấn. Họ cũng khuyên nên thường xuyên có những sáng kiến chọc diễu chế độ, một cái gì đó như “Orange Alternative” ở Ba Lan.

Trong bối cảnh này, luận về “cuộc cách mạng hậu hiện đại” trên “Foreign Policy”, Tina Rosenberg nói ý của Gene Sharp là nhắm vào giới trẻ, kích thích được họ, rằng sự tham gia của họ chỉ đơn giản là “cool & sexy” (có thể hiểu là tươi mát và gợi cảm).

Gene Sharp khuyên nên tận dụng nhiều cách linh hoạt, từ tẩy chay, đến đám tang, bài hát… Cảm hứng được tạo ra giống như phá vỡ được cuộc tẩy chay tình dục, tức là người vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng khi nhu cầu không được đáp ứng.

Quả đấm “Otpor” (biểu tượng của tổ chức này) đã được phát hiện trên Quảng trường Tahrir ở Cairo. Tài liệu “People Power” được phát tán trên Internet cho thấy những người Serbia đã đào tạo các thành viên của phong trào “6 Tháng Tư”. Và họ khởi động cuộc phản kháng trên Internet. Cho đến khi trên đường phố có hơn một triệu người.

Vượt qua nỗi sợ

Theo Gene Sharp, sức mạnh của chế độ độc tài dựa vào con người và trên sự vâng lời của họ. Không có con người chế độ không thể tồn tại. Dân chúng vâng lời từ thói quen, từ thuận tiện, từ sợ hãi, hoặc dưới ảnh hưởng của tuyên truyền. Thách thức là loại bỏ sự vâng lời này. Và chế độ sẽ sụp đổ.

Trong bối cảnh này, nguyệt san “Scientific American” đã trích dẫn lời của Tolstoy. Đặt câu hỏi làm thế nào 30 ngàn lính Anh lại có thể “chinh phục” 200 triệu người Ấn Độ, Tolstoy trả lời rằng “Không phải người Anh đã bắt dân Ấn Độ làm nô lệ – Chính người Ấn đã tự mình làm nô lệ“.

Kỷ niệm 3 năm phát hành tạp chí “Đàn Chim Việt” tại Ba Lan (hiện là trang điện tử) tôi đề nghị toàn ban biên tập phải ra công khai. Một tiếng nói phản kháng chính danh có ý nghĩa hơn giấu mặt sau màn hình máy vi tính. Lúc ấy tôi đã viết bài “Vượt qua nỗi sợ”. Nỗi sợ bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu. Sợ chấm dứt đường về Việt Nam. Sợ bị bè bạn xa lánh. Sợ mất mát lợi ích làm ăn. Sợ liên luỵ đến gia đình. Vân vân. Rõ ràng không dễ dàng! Không phải tất cả đều đồng ý. Mà đây là những người là đang sống ở nước ngoài, trong một quốc gia dân chủ!

Năm 1979, khi chế độ cộng sản Ba Lan còn mạnh, trong chuyến hành hương đầu tiên về cố hương, Giáo Hoàng Jan Paul II trước hàng triệu người đã không sử dụng một lời nào khích động người Ba Lan lật đổ chế độ. Ngài chỉ gửi gắm sứ mệnh của mình bằng câu nói “Các con, đừng sợ hãi!”.

Theo tôi, tâm lý sợ hãi, sợ thay đổi có tính đặc thù trong ba thành phần xã hội Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất. Giới quan chức cộng sản và tất cả những người hoặc sống bằng ân sủng của chế độ, hoặc cam chịu số phận ký sinh trên hệ thống. Bộ phận này, đương nhiên sợ thay đổi vì sợ mất đi đặc quyền, đặc lợi. Không ít người sợ sự trả thù một khi có thể chế chính trị khác, mặc dù mối lo sợ này không chính đáng, không đúng trong một nhà nước dân chủ pháp trị.

Thứ hai. Khá đông đảo. Họ không quan tâm hoặc lãng tránh chính trị, sống với văn hoá nô lệ – như nhận xét của Tolstoy. Thông thường họ cơ hội, sức phản kháng của họ có thể không bị triệt tiêu, nhưng được bọc kín trong sự cam phận, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân. Họ kỵ mọi thứ được xem là nhạy cảm với chính quyền, mặc nhiên chấp nhận bất công, bởi vì bản thân có thể luồn lách, sống chung được với lũ, với văn hoá hối lộ. Họ ít gây tổn hại trực tiếp cho ai, nhưng vô cảm và thiếu trách nhiệm với người xung quanh, chẳng khác thản nhiên vứt rác ra đường, còn dọn dẹp là việc của người khác.

Thứ ba. Dân nghèo. Bao gồm nông dân, dân miền núi, giáo dân, công nhân, sinh viên từ các tỉnh lên thành phố. Họ bươn chải với cuộc sống thiếu thốn, bị cướp đoạt đất đai, bị sách nhiễu, bị bóc lột bởi giới tư bản nước ngoài bắt tay với chính quyền….

Thành phần thứ ba này là lực lượng chủ chốt cho cuộc nổi dậy. Về tâm lý, họ vẫn ngại xung đột với chính quyền, sợ bị đàn áp và phong toả phương tiện sống vốn đã nghèo nàn. Tuy nhiên, họ là những người dễ vượt qua nỗi sợ nhất. Khi bị áp bức thái quá từ phía chính quyền, miếng cơm manh áo trực tiếp bị đe doạ, cảm thấy bị lừa gạt và phản bội, họ sẵn sàng nổi giận và xuống đường. Các cuộc biểu tình của dân oan liên tục suốt nhiều năm qua, những buổi thắp nến cầu nguyện của giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm, các cuộc phản đối công an gây chết người trên quốc lộ 1A, ở Bắc Giang, Thanh Hoá, Đà Nẵng …, và gần 2.700 cuộc đình công trong giai đoạn 1995-2010 (riêng năm 2010 có hơn 200 cuộc), với số lượng người lao động tham gia lên đến hàng trăm ngàn, chứng minh điều này.

Cái khó ở chỗ là ở phần lớn giới lao động nghèo có mặt bằng dân trí thấp, chưa hiểu, thậm chí ấu trĩ về khái niệm dân chủ và tính ưu việt của nó. Nhà báo Trương Duy Nhất đã thốt lên cay đắng: “Một dân tộc mà việc gì tất tật từ lớn đến bé, cất được cái nhà, đào được cái hố tiêu, nhận dăm cân gạo cứu đói cũng đều mở miệng “nhờ ơn đảng và chính phủ”, tin thờ mù quáng vào một con rùa già ghẻ lở thì khó bơi thoát khỏi cái ao làng, chứ nói chi đến Hoa Nhài hay Hoa… Cứt Lợn”.

Cho nên vận động vào cuộc, phải cho họ thấy họ sẽ được cái gì và mất cái gì, vì ai. Trong trường hợp này, dưới phù hiệu hay lá cờ của đảng phái nào cũng mang lại hoài nghi. Có thể không thích đối đầu với chế độ, nhưng họ sẵn sàng ủng hộ thay đổi nếu ý thức được việc làm là đúng, hợp lẽ phải, không chỉ mang lợi hơn cho bản thân, mà còn cho người khác và cho cả đất nước. Các tiêu chí tranh đấu cần được giải thích rõ ràng và đơn giản, những khẩu hiệu nên gắn bó thiết thực với đời sống thường nhật. Trong tài liệu “People Power” có hình ảnh một cô gái trẻ Ai Cập nói cô không thích chính trị, nhưng cô tham gia biểu tình vì thấy có lợi cho đất nước và là ngày hạnh phúc nhất của cô. Quả thật bầu không khí “cool & sexy” rất có lý khi chúng ta nhìn thấy giới trẻ Ai Cập xuống đường đối đầu với bạo lực rộn rã như ngày hội!

Người Việt khi đứng đơn lẻ thường thụ động, thiếu tự tin, nhưng rất dễ thành anh hùng trong đám đông ồn ào. Nếu khuấy động được lực lượng thứ ba, đa số trong hai thành phần đầu sẽ ngả theo.

Kế hoạch chiến lược và chiến thuật

Trên Internet một số cá nhân, hội đoàn kêu gọi làm cách mạng hoa lài, hoa sen, tụ họp ở một số địa điểm công cộng trong nước. Điều này, theo tôi, chỉ dừng lại ở mức tượng trưng, nói lên khát vọng dân chủ, nhưng hoàn toàn chưa có khả năng khởi động thực tiễn.

Gene Sharp cho rằng quan trọng là tính hiệu quả, nhất quán và lập kế hoạch. Sau đó, toàn bộ cuộc cách mạng nhìn có vẻ tự nhiên, nhưng trước tiên phải lập kế hoạch chi tiết – suy nghĩ về những điểm yếu của chế độ, bằng phương tiện nào có thể được, làm thế nào để thu hút dân chúng. Phải hoạch định những kế hoạch chiến lược và chiến thuật. Phù hợp với bối cảnh của đất nước. Sau đó, liên tục, kiên trì theo đuổi. Không thỏa hiệp, lùi bước. Nghiến chặt răng, thậm chí cả khi bị chế độ phản ứng dữ dội.

Theo ông, thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm. Đôi khi không nên kêu gọi mọi người xuống đường ngay, bởi vì đối với nhiều người có thể là đồng nghĩa với sự nhận hậu quả khó chịu. Tốt hơn nên bắt đầu với một số lượng nhỏ và lượng tính xem sự hỗ trợ đến đâu. Cũng không nên đưa ra ngay khẩu hiệu lật đổ chế độ, mà cốt tập hợp sự đoàn kết của mọi người quanh các vấn đề xã hội, đời sống.

Gene Sharp cũng khuyên nên cố gắng kéo quân đội, công an về phía mình: “Những người lính bình thường cũng không hạnh phúc gì và họ cũng sợ hãi”. Hãy xem dân chúng trên quảng trường Tahrir chủ động ứng xử thân thiện với quân đội. Có vẻ hài hước khi những người trẻ tuổi đến với binh lính, họ ôm, bắt tay, hôn, còn những người lính thì lúng túng không biết phải làm gì.

Sharp nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất không phải là lật đổ chế độ độc tài, mà là đưa tới việc xây hệ thống dân chủ. Ông kêu gọi không để mất “cảnh giác cách mạng”. Để không từ chiến thắng lại tạo ra một nhà độc tài mới hay một chế độ quân phiệt. Và vì vậy, người Ai Cập, sau khi chiến thắng, đã xuống đường một lần nữa để nhắc nhở quân đội rằng cuộc cách mạng là của ai. “Lật đổ xong chế độ đừng để con người lâm vào thế giới ảo tưởng. Thay vào đó, là mở cửa cho công việc cực nhọc và nỗ lực lâu dài” – Sharp phân tích.

“Đừng đòi chia da khi chưa bắt được gấu”

Tình hình Việt Nam thiếu hẳn yếu tố huy động quần chúng qua một phong trào chung không nhân danh đảng phái nào.

Được biết đến các hoạt động đơn lẻ, bế tắc vì cô độc của một số đảng phái, tôi cho rằng, hiện nay không một đảng phái hay tổ chức nào có đủ uy tín và thực lực để cuốn hút dân chúng. Đa số các đảng phái, tổ chức lại xuất phát từ nước ngoài, là cái điều mà ngay từ đầu đã kém hấp dẫn, nếu không nói là xa lạ, thiếu sự tin tưởng đối với người trong nước. Còn quá ít những sáng kiến với cảm hứng “cool & sexy” như đợt biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tháng 12/2007 hay thanh niên, dân oan mặc áo mang dòng chữ “HS-TS-VN”.



Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tháng 12/2007 – Ảnh: OnTheNet

Trong thời kỳ cộng sản, số dân Ba Lan lưu vong ở nước ngoài nhiều hơn một chục lần người Việt ở hải ngoại, nhưng họ đã chẳng thành lập bất kỳ một đảng phái nào mà tập trung toàn lực hỗ trợ phong trào “Đoàn kết” trong nước. Trong khi đó người Việt có quá nhiều tổ chức, rất nhiều hữu danh vô dụng, chia rẽ, công kích lẫn nhau.

Trong hơn ba thập niên qua, Khối 8406, phong trào được chủ trương bởi một số nhà dân chủ có tiếng và có uy tín trong nước, lẽ ra đã có thể đảm nhận được sứ mệnh đó. Thật đáng tiếc, ngay khi ra đời nó đã đánh mất sự cuốn hút, kết dính, thậm chí gây ra nghi kỵ. Chỉ một bản tuyên ngôn mà cá nhân này, tổ chức kia tranh giành nhau quyền tác giả. Vào thời gian đó, bất bình đến mức tôi đã viết trên “Đàn Chim Việt” bài “Chia nhau chiếc bánh nhà dân chủ lớn”. Đã có hàng chục ngàn lượt người đọc, hàng trăm ý kiến phản hồi, ủng hộ lắm, mà cho rằng bài viết có hại cho phong trào dân chủ, cũng nhiều.

Các tổ chức, đảng phái của người Việt nên tạm thời can đảm chui ra khỏi cái bọc háo danh và ích kỷ, tự cho mình hay hơn người, chống cộng dứt khoát hơn người, để kết nối với nhau và với những nhà dân chủ trong nước xây dựng một phong trào chung. Khi Việt Nam có dân chủ, ai mạnh ai yếu, ai giỏi ai dốt, sẽ tha hồ cạnh tranh, phê phán, nhưng kẻ thắng sẽ không phải nhờ có âm lượng giọng nói lớn hơn, mà là người giành được phiếu bầu của người dân nhiều hơn. Hãy chấm dứt tình trạng chưa bắt được gấu mà đảng nào cũng nghĩ mình sẽ là người cầm dao chia da.

Sau chiến thắng của người Ai Cập, Gene Sharp lặp đi lặp lại rằng, đây là cuộc nổi dậy của người Ai Cập, ông chưa bao giờ liên lạc với nhóm thanh niên Ai Cập. Ông nói không ai có thể thay thế ai để giải quyết một cuộc cách mạng. Nhưng điểm cốt yếu là làm sao không để mất cơ hội. Để ngọn lửa bất mãn trong xã hội không bị tắt. Và phải giữ nó khéo léo.

Ngọn lửa bất mãn của người Việt trong nước đang cháy âm ỉ. Người Việt hải ngoại không thể thay thế người Việt trong nước là lực lượng quyết định. Trong khi trong nước thì chưa có một phong trào hội đủ điều kiện thổi bùng nó lên, ít nhất từ góc nhìn của các cuộc cách mạng màu và lý thuyết của Gene Sharp.

Cơ hội cảm hứng từ cách mạng Hoa Lài lần này vì thế bị bỏ lỡ. Nhưng lịch sử là chuỗi những sự kiện bất ngờ. Các cơ hội tiếp theo sẽ đến. Tôi tin như thế. ■

© 2011 Lê Diễn Đức

http://www.rfavietnam.com/node/446