Tìm thủ phạm “ám sát” văn hiến
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Võ Thị Hảo
Những tâm hồn thấp kém thì không thể thấu hiểu các bậc vĩ nhân. Cũng như những kẻ nô lệ nhe răng cười nhạo khi nghe hai tiếng Tự do.
(J.J Rouseau - 1762)
Nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long, Hà Nội (HN) được ngắm nghía đặc biệt kỹ.
Chăm sóc nhiều. Khen chê cũng lắm.
Nhiều người không khỏi hoang mang tự hỏi: Văn hiến Thăng Long, còn hay mất?
Nếu mất, ai đã cầm nó trên tay và đánh mất? Bọn Người nhập cư đã đánh mất lối thanh lịch Tràng An? Hay kẻ nào? Cần phải tìm địa chỉ để “bắt đền” chứ?!
Quan niệm và ứng xử thế nào về khái niệm Người HN trong kỷ nguyên của Người nhập cư?
Liệu còn làm gì được không để cứu vãn nền văn hiến?
Ta hãy ngắm xem văn hiến còn hay mất.
* Thân xác: đế chế kiến trúc “quan tài bê tông và hộp diêm vụn”
Nếu đến HN từ các ngõ vào thành phố, đặc biệt là từ phía sân bay Nội Bài đến cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Pháp Vân…, với lợi thế ngắm HN từ trên cao, nhiều người sẽ không khỏi băn khoăn: Lẽ nào, đây là nơi mà chúng ta vẫn tự hào là Thăng Long ngàn năm văn hiến?
HN hôm nay trình diện dưới mắt kẻ qua người lại với vô số nhà cửa như một mớ “hộp diêm” hoặc các “quan tài” bằng bê tông lắp ghép bằng các mảnh vụn đủ mọi kích cỡ rồi được ném vô lối xuống mặt đất thành phố qua bàn tay của đứa trẻ chưa biết suy tính đến hậu hoạ ngàn năm.
Những hộp diêm vô hồn ấy ngự ngạo nghễ trên đất HN. Chân của lũ hộp diêm cắc cớ ấy cắm sâu xuống đất, trơ gan cùng tuế nguyệt. Rồi đây, theo các dự án đã được duyệt, sẽ có tới khoảng mấy trăm cao ốc lừng lững dựng ngược dậy, như cọc bùa yểm linh khí, như chông lởm chởm, cắm vào mảnh đất nội đô vốn đã quá tải, vốn đã méo mó hình thù và vô cùng chật chội.
Rồi đây, HN sẽ còn thêm rất nhiều “hộp diêm”, “quan tài” bê tông và toà cao ốc, những chung cư không linh hồn được xây nên. Có đặc điểm nguy hại mà những nhà quy hoạch không để ý. Mỗi lần họ không để ý là một lần bầu trời hoặc những gương hồ HN bị xẻo đi một miếng, mà toàn là những miếng lớn, không có cơ hội vá víu được. Đó là cho phép những toà cao ốc trấn yểm các ngã ba ngã tư thành phố. Cứ theo đà này, sẽ đến ngày một ngày không xa, người HN ngẩng đầu lên mà ngày không thấy trời, đêm không thấy trăng. Đến mặt trăng và mặt trời mà ngày càng xa lạ với con người, thì đương nhiên tầm nhìn của con người ngày càng chật hẹp và bức bối.
Hậu quả là kiến trúc nội đô HN hiện tại không có cách gì sửa chữa được. Nó khủng bố thẩm mỹ của những kẻ hậu sinh, khiến cho thế hệ này đến thế hệ khác ngày càng xa lạ với văn hiến và nền văn minh. Tự động hình thành một tầm nhìn chật hẹp, manh mún, tạp nham nửa quê nửa tỉnh. Một số nhà chuyên môn còn gọi đó là hiện tượng phỉ nhổ kiến trúc, phỉ nhổ những con đường cây xanh, không khí mơ màng bốn mùa, phỉ nhổ những gương hồ quý giá…
Hầu hết mỗi con đường mới tôn tạo đều như những con đê chắn đường thoát nước. Mỗi ngôi nhà mới xây tương tự một cái chốt khổng lồ làm thương tổn nền đất và mạch nước ngầm, đường dẫn nước thải .
Nếu như năm 2008, mọi người đều quá hoảng sợ khi thấy chỉ sau ba ngày mưa mà HN đã thành sông biển và nhiều người chết đuối ngay trên mặt phố nội đô. Để phòng ngừa, Ngân sách đã phải chi một khoản tiền lớn đầu tư chống úng ngập. Hiệu quả sau khi bơm thêm rất nhiều tiền, hai năm sau, kỷ lục chuyển phố thành sông biển sau mưa ở HN nhanh hơn gấp nhiều lần. Sau trận mưa to kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ sáng ngày 13/7/2010, lượng nước mưa ấy không thể tự tiêu. Sau năm giờ đồng hồ các trạm bơm hút cật lực, giao thông HN mới khả dĩ nối lại.
Bên cạnh các đền chùa miếu mạo mà hồn đã lìa khỏi xác, là những khu dân cư lộm nhộm đủ kiểu nhà, đủ kiểu người, đủ kiểu quần áo phơi phóng giăng mắc cơi nới điện mạng nhện lâu nay được điểm tô thêm một cái nốt mụn cóc: đó là tấm biển thô thiển đề “Khu dân cư văn hoá”. Hoàn thiện thêm bức tranh ấy, tiếng loa phóng thanh theo lối thời chiến ngày hai ba lần bất thần nổ ra trên đầu toàn thể cư dân, theo cách tuyên truyền áp đặt, buộc tất cả nam phụ lão ấu và khách nước ngoài đều phải nghe những nội dung tuyên truyền nghèo nàn, chủ yếu là mục chính quyền cơ sở tự khen mình, những bài hát chiến tranh đã cũ mèm, những nội dung thông tin xa rời sự thật, góp phần làm hỏng thẩm mỹ và tâm hồn nhiều thế hệ.
Có thể gọi kiến trúc HN mấy chục năm qua cho đến hiện tại là đế chế kiến trúc “quan tài bê tông và hộp diêm vụn”. Loại ô nhiễm môi trường ở tầm vĩ mô.
Dường như người Việt Nam, đặc biệt là HN, có một năng lực đặc biệt trong việc làm xấu đi những ân sủng do thiên nhiên ban tặng. Quy hoạch đô thị từ mấy chục năm nay vẫn là manh mún và chắp vá, luôn chỉnh sửa theo ý chí của nhiều vị lãnh đạo có khi chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở hoặc không có kiến thức gì về quy hoạch. Theo một số kiến trúc sư cho biết, năm 1972-1973, một đại diện của Hội Mỹ thuật đã đề nghị “nên vẽ một HN hình nắm đấm hướng về phía Nam để thể hiện ý chí “đánh cho Mỹ cút…”.
Còn vùng HN mới xây và đang xây có duyên không? Có “văn hiến” không?
Có một HN mới được tính từ khu Mỹ Đình và mở rộng ra các vùng lân cận ngoại thành HN, một chuỗi những khu đô thị vệ tinh sắp hình thành nay mai.
Nhưng bằng vào tất cả những gì đã xuất hiện, lại đã thấy cái thẩm mỹ trọc phú, manh mún vụn vặt, vô hồn, bắt chước kiến trúc la liệt chung cư của một số TP biên giới của Trung Quốc mà bây giờ người ta đã nhận ra sai lầm và đang cố khắc phục mà không nổi. Bắt chước lối kiến trúc ấy nhưng lại kém xa về thẩm mỹ và về nhịp không gian thư giãn so với Trung Quốc. Những ngôi nhà chọc trời ganh đua mọc trên một diện tích chật hẹp là thứ kiến trúc đã bị nhiều nước tẩy chay, bỗng trở nên mới mẻ và thịnh hành ở HN và Việt Nam. Ta đã thấy kết quả tội nghiệp của việc nhặt nhạnh kiến trúc Trung Quốc Hàn Quốc, những toà nhà không linh hồn được đua nhau đẩy lên cao hết cỡ để kiếm lợi nhuận tối đa bất luận hậu quả thế nào.
Sự tham nhũng gần như không bị ngăn cản của một hệ thống vận hành ráo riết khiến cho mỗi toà nhà cao tầng có thể biến thành những lò nướng người nếu có xẩy ra hoả hoạn. Theo thống kê của ngành phòng cháy chữa cháy, khoảng 90% toà nhà cao tầng đã xây hiện nay không trang bị hoặc trang bị rất hời hợt về thiết bị báo cháy, chống cháy và thoát hiểm, nhìn chung là rất ít khả năng vận hành. Các nhà đầu tư và quản lý cao ốc đã kiếm rất nhiều tiền và còn tiếp tục móc túi người tiêu dùng bằng nhiều lối bội tín.
* Linh hồn: Đốt đuốc đi tìm bản sắc
Trong phố HN mà chúng ta vẫn mơ mòng nựng tai mình bằng các mỹ từ: thanh lịch, ngàn năm văn hiến, hào hoa…, thì trớ trêu thay, lại cứ có những “hiện vật” nhỡn tiền giễu cợt đám mỹ từ đó, khiến cho người ta cứ phải hoang mang trăn trở.
Nói chuyện Thăng Long, đương nhiên phải kể đến Hồ Gươm. Thiên nhiên đã hào phóng đeo chiếc nhẫn ngọc lục bảo quý giá ấy cho HN. Hồ Gươm còn duyên bội phần bởi là nơi duy nhất có các cụ rùa thiêng ngộp thở thỉnh thoảng lên phơi nắng, tha hồ cho lũ con cháu kẻ tưởng bở kẻ lo sợ, khấp khởi đoán già đoán non.
Nhưng Hồ Gươm lâu nay lại là nơi chiếm hữu của những chúng nhân quần đùi áo may ô, đồ bộ, quần lửng nhàu nát mướt mồ hôi… của lũ lượt những người đi tập thể dục ngày vài ba bận dưới cái nhìn ngỡ ngàng của du khách.
Văn hiến và thanh lịch đó chăng? Người HN xung quanh Hồ Gươm, quanh các dẫy phố cổ ăn mặc thế sao? Đâu rồi những bóng áo dài? Kể cả áo dài của những người xay thóc giã gạo và buôn thúng bán mẹt thuở trước? Cái thuở HN còn rất nghèo, còn rất quê mùa, chỉ là nơi ở của những người đánh cá trồng hoa trồng lúa nước và buôn bán vặt vãnh nhưng hễ bước chân ra khỏi ngõ, người ta coi việc ăn vận không tươm tất là một sự tự xỉ nhục.
Thanh lịch đâu rồi? Khi những hậu sinh của họ lâu nay, trên môi luôn trề dài hai chữ “nhà quê “ để miệt thị những người không làm vừa mắt họ?
Những người không làm vừa mắt họ thì quá nhiều. Có thể là những người lao động nhập cư dạt về thành phố kiếm sống và đang phục vụ nhu cầu thuê mướn của người thành phố với giá rẻ mạt và bị chính sách hộ khẩu đã lỗi thời gạt ra rìa xã hội. Cũng có thể là những chúng sinh thành công hơn họ kể cả về địa vị và tài chính do nỗ lực, do có ý chí và dám thay đổi nên nắm bắt được thời cơ… Cái từ nhà quê thường trực nhả ra trên môi nhiều người HN và cách nhìn kỳ thị ghen tỵ không những không làm cho họ thanh lịch lên mà còn thể hiện một sự tự ti thảm hại.
Rất nhiều người từ nơi khác đến đã thốt lên: ở xa nghe phố Hàng Đào Hàng Ngang, tưởng tượng đó là dãy phố hào hoa đẹp đẽ, mang bản sắc HN ghê lắm, đến nơi mới biết trông chẳng khác gì dãy phố chợ quê với rất nhiều hàng rởm hàng nhái và chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Nhiều người, dù đã ở HN vài ba đời và kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn nói ngọng và chửi tục, nhiều hộ gia đình dùng chung những “chuồng xí” thời đổ thùng cách đây vài thế kỷ và luôn đùn đẩy trách nhiệm vệ sinh cho nhau. Họ vận quần áo xộc xệch nhếch nhác đi quanh phố. Họ thà chen vai thích cánh cắn rứt nhau mười mấy người trong vài chục mét vuông, còn hơn là đồng lòng chung sức ra khỏi ngõ hẻm chật hẹp, tìm một lối thoát mới.
Thử vào quán ăn, nhà hàng, công sở, đường phố nào ở HN mà xem, tai bạn thường khi sẽ chứa đầy những tiếng văng tục chửi thề miệt thị mang tính côn đồ. Thậm chí, HN là nơi gần như duy nhất trên cả nước cho phép tồn tại và nhiều người còn vui vẻ chấp nhận kiểu chủ quán ăn tha hồ chửi bới khách hàng. Miếng ăn phải trả tiền ở đây thực sự là mua miếng nhục. Thế mà người HN còn ngồi ăn, ăn đi ăn lại, và nhăn nhở cười! Đó là một dạng bạo lực tinh thần không thể chối cãi.
Nhiều người Sài Gòn và khách nước ngoài lấy làm ngạc nhiên về điều này lắm, hỏi bạn bè rằng, có phải người HN lấy văng tục chửi thề và khạc nhổ làm đầu vị để khẳng định bản sắc không?
Ta có thể tựa vào đám di tích văn hoá lịch sử của cổ nhân để lại để kể lể về bản sắc và hồn cốt dân tộc? Những chùa đình miếu mạo sau trùng tu tổn phí biết bao mồ hôi nước mắt của dân, đang nói lên điều gì?
Theo nhận định của nhiều người trong giới báo chí và giới chuyên môn, thì cần phiên dịch lại cho đúng khái niệm. “Tôn tạo” cần được hiểu là “đổ tiền dân vào để phá nốt”.
Đa phần các di tích đành ngậm ngùi lâm cảnh mất mát rất nhiều cổ vật, với những những đường nét, nghi trượng mới tạo nên bằng bê tông với những bàn tay thô vụng, đứng tẽn tò phô sự giả tạo trước khách thập phương.
Sự hãi hùng quyền lực trong lề thói cầu cúng, không khí hối lộ và mua chuộc, tham lam khẩn thiết xin xỏ vật chất đã hoàn toàn thoán đoạt tín ngưỡng và tôn giáo thuần khiết. Thật đáng sợ khi vào các đền chùa đình miếu ở khu vực HN.
Khấn lạy van vái quyền lực ở cõi dương khốn khổ nhục nhã thế chưa đủ, người ta hăng hái hối lộ cõi âm, dùng cả đến những hành vi bỉ ổi do đám buôn thần bán thánh xúi giục, nhét cả tiền vào tay các pho tượng thần phật để cầu lợi. Những hòm công đức mọc lên như nấm tại các đền chùa miếu mạo là thí dụ cực kỳ nhục nhã đối với sự xuống cấp của nhân cách sống, thế giới tinh thần và tín ngưỡng của HN và người Việt Nam nói chung.
Rồng sẽ bay trên bầu trời nào? Liệu có còn thấy được rồng bay?
Còn làm gì được nữa với một HN cũ – nhiều người nói vớt vát rằng nó cổ. Không nhúc nhích được. Không sửa chữa được. Định mệnh của những kẻ sinh ra và sống ở HN này là mở mắt ra là phải nhìn thấy cái xấu, cái vỡ vụn, cái quái thai hậu quả của một nền giáo dục và kiến trúc, văn học nghệ thuật được chăng hay chớ, thiếu thẩm mỹ cho đến nay đã phát tác đến đỉnh.
Theo khảo sát của ngành du lịch thì hơn 85% du khách đến HN chỉ một lần, không quay lại. Những ưu điểm như cảnh sắc thiên nhiên phong phú tươi đẹp, giá sinh hoạt còn rẻ so với giá ở những nước phát triển, tàn tích của lối sống lộn xộn quê kiểng ở một xứ sở còn nhiều mông muội pha lẫn sự hối hả ban đầu của thời kỳ tư bản hoá còn có thể nhìn thấy ở VN không đủ kéo du khách trở lại bởi sự bẩn thỉu cổ lỗ của những phương tiện đi lại, sự thiếu linh hồn văn hoá và không giữ chữ tín của dịch vụ cùng tai nạn giao thông rình rập.
* Phác thảo bức tranh HN
Để mô tả bức tranh HN ngày nay, lại là những nét phác thảo “nhát gừng”, làm nhức mắt người xem.
HN là:
Là khoảng 700 cái hồ tự nhiên hồi đầu thế kỷ 20 nay đã bị ám sát gần hết, chỉ còn khoảng 44 chiếc, và đang biến thành ao.
Là mấy dòng sông đẹp đựơc biến thành cống rãnh.
Là phố cũ HN bẩn thỉu, nhếch nhác được tự an ủi thành phố cổ và mấy chục năm nay vẫn chưa biết nên bảo tồn và tôn tạo thế nào.
Là hầu hết di tích gặp nạn trùng tu tôn tạo mà hồn lìa khỏi xác.
Là một nền học thuật và văn hoá phong tục lễ nhạc dựa vào chữ Hán và văn hoá Trung hoa làm gốc và ngày nay nhiều người còn nô lệ tới mức khấn khứa cầu xin van vái cũng phải bằng chữ nho( chữ Hán), trong khi 99,9% thần phật ông bà cha mẹ tổ tiên ngự ở trên kia không biết lấy một chữ Hán bẻ đôi.
HN là nơi nhiều người tham nhũng nhất nước. HN là nơi tỉ lệ người cân gian đong thiếu, trộm ngày cướp ngày, nói năng tục tĩu và nói xấu sau lưng nhau nhiều nhất nước và văn hoá thô tục được người ta sử dụng như một cách khẳng định cá tính và ăn trên ngồi trốc thiên hạ.
Những đường phố thơ mộng của HN xưa, nay là những dòng sông người ăn mặc xấu xí bởi áo chống nóng khăn bịt mặt vì quá ô nhiễm, như cả một thế giới khủng bố, một thế giới nặc danh, đi lại hết đờ đẫn là náo loạn trong tiếng động cơ xe rền vang và tiếng còi xé tai. Xê dịch như một đàn kiến đã bị tước bỏ lý trí.
Những công trình chào mừng ngàn năm Thăng Long chủ yếu mang tính hình thức, chủ yếu đầu tư vào lễ hội và công trình xây dựng tốn kém đáng ngờ, mang tính đối phó ăn xổi ở thì…
Cái đẹp và văn hiến Thăng Long, đương nhiên chưa phải đã chết. Nhưng khi cái đẹp chỉ còn rơi rớt đâu đó mà ngoi ngóp ngộp thở trong cái xấu, cái thô lậu, con người vin vào đâu để đảm bảo cho sáng tạo tương lai?
Văn hiến là gì? Có thể có nhiều cách hiểu.
Nhưng không thể quan niệm văn hiến như một mớ thư tịch, khuôn phép, trước tác …đã định hình và được đóng thành khuôn mẫu. Văn hiến được xây dựng, bồi đắp từ các cư dân trong cộng đồng, luôn vận động và thích ứng để cuối cùng, phục vụ cho nền văn minh và chất lượng sống của con người. Về đại thể, văn hiến chỉ trạng thái phát triển của mỗi dân tộc. trạng thái đó bộc lộ khả năng khắc phục tình trạng sơ khai, thấp kém lạc hậu để vươn tới sự tiến bộ, cao đẹp hơn, với sự phong phú của đời sống tinh thần. Văn hiến còn bao gồm một nội dung hết sức quan trọng khác, là phải tạo môi trường đào tạo được những con người ưu tú cả về trí tuệ, phẩm cách, tài năng cho đất nước.
Một khi nền văn hiến suy vi, đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người.
Ám sát văn hiến, cũng có nghĩa là một nền văn minh và tương lai bị ám sát.
Lâu nay, người lạc quan nhất thì cũng nhận thấy rằng nền văn hiến HN đã suy vi tột độ. Thì phải có thủ phạm chứ.
Nếu nhận diện không trúng thủ phạm, lại tự an ủi bằng cách đổ quanh cho nhau, thì nền văn hiến lại cứ bị “ám sát” tiếp.
Ai?
· Dân nhập cư đã “ám sát” văn hiến?
Một số người HN thường hay nói rằng, chúng tôi vốn thanh lịch lắm, chúng tôi làm nên nền văn hiến Thăng Long, chẳng qua dân nhập cư tứ chiếng đến đây bê nguyên những thói hư tật xấu của họ về làm xấu mặt thủ đô đấy thôi.
Có đúng không? Phải chăng người HN đã bắt được thủ phạm ám sát nền văn hiến Thăng Long và chỉ đích danh: dân nhập cư!
Vậy, dân nhập cư là ai?
Quan niệm về dân nhập cư càng ngày càng mở rộng nội hàm. Dân nhập cư bao gồm những người đến từ các địa phương trong cả nước và cả đến từ các quốc gia khác trên thế giới.
Ta hãy xét xem, có phải dân nhập cư là thủ phạm ám sát nền văn hiến không?
HN, vốn xưa là Đại La thành, dân cư thưa thớt, đánh cá buôn bán nhỏ và cày ruộng. HN năm 2010 dân số khoảng 5 triệu người. Và trong một tương lai gần, HN là thủ đô có tới khoảng 10 triệu dân.
Ta có thể nhìn rõ trong dân số hùng hậu đó, tỉ lệ cơ bản là người nhập cư.
Về cội nguồn, HN từ trước đến nay, là TP của người nhập cư. Ngay cả Lý Thái Tổ – tức Lý Công Uẩn – người sáng lập kinh thành Thăng Long lại càng đích thị là dân nghèo nông thôn từ ngôi làng heo hút Cổ Pháp, Tiên Sơn, Hà Bắc nhập cư về kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) rồi về HN. Đến Hồ Chí Minh – người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – cũng là dân nhập cư. Và hiện nay, tỉ lệ những người nhập cư chiếm phần lớn trong hầu khắp các cấp lãnh đạo đảng và chính quyền VN, chưa kể các tầng lớp văn nghệ sĩ và các nhà khoa học, nhà kinh doanh…
Chính bản thân người nhập cư, bằng mồ hôi nước mắt và máu của mình, đã làm nên HN, từ thuở bán khai, từ thuở Đại La thành, rồi cho đến khi Lý Thái tổ dời đô từ Kinh Hoa Lư về, năm 1010, đặt tên là Thăng Long thành.
Bởi thế, sẽ thậm vô lý, nếu quan niệm HN tách rời khỏi những người nhập cư và ngược lại.
HN là Kẻ chợ. Cội nguồn HN là Tứ chiếng. Động mạch nuôi sống kinh đô là hợp lưu của những dòng máu tứ chiếng. Bản chất của kinh đô là dung nạp. Là cái miệng phễu tham lam không đáy thu hút nhân tài tứ chiếng đem về xây dựng, tôn tạo nên nền kinh tế, nền văn hiến và cuối cùng là để tạo nên nền văn minh Thủ đô, tạo nên một kinh thành ánh sáng về mọi mặt, để làm đầu tàu cho cả nước đi tới tương lai tươi sáng.
Nếu một thủ đô, một thành phố, ngay cả một vùng nông thôn, mà không thu hút được người nhập cư, để thu hút tài năng, kinh nghiệm, sức sáng tạo của tứ xứ về làm giàu và làm vui cho vùng đất mình, thì đó là một xứ sở tù đọng và rất dễ chết yểu do bế quan toả cảng và tăm tối.
Đất Thủ đô thời phong kiến là nơi tổ chức những cuộc thi đình và nhiều cuộc thi khác để chọn người tài. Nơi đây trong nhiều năm là cơ hội rồng mây của những hàn sĩ thức chảy máu mắt, dùng ánh sáng đom đóm để học hành tu luyện. Qua lối mở của cách quản lý nhân khẩu và cư trú, qua những cuộc sát hạch ngặt nghèo, người nghèo có năng lực cũng được ngang bằng cơ hội với những công tử, những phú hào trong việc được vua giao những trọng trách gánh vác sơn hà xã tắc và trở nên sang quý bằng kiến thức và ý chí.
Tiếp nối truyền thống đó, đất thủ đô trong chừng ấy năm cho đến ngày nay, đã vớt vát được nhiều học sinh nghèo thực sự có năng lực và bền bỉ. Bằng thi cử, bằng nỗ lực, họ đã có nhiều cơ hội gia nhập vào đội ngũ trí thức và tầng lớp kinh doanh, tầng lớp lao động công nghệ cao, làm nên dưỡng chất nuôi sống HN cả về tinh thần và vật chất.
Cần phải phân định rõ rằng, nếu nền văn hiến HN có bị suy vi, hay những tình trạng tồi tệ đó xẩy ra ở bất kỳ nơi đâu tại VN và trên thế giới, thì hoàn toàn không chỉ do dân nhập cư, cũng không chỉ do dân sở tại( cần nói rõ là dân HN gốc là dân nhập cư sớm hơn so với dân HN mới nhập cư gần đây). Đổ tội cho dân nhập cư là đổ tội cho chính mình. Đó là một nhầm lẫn khiến cho tình trạng càng thêm thảm hại.
Và do nhầm lẫn về nhận định “thủ phạm”, nên gần đây, có một số biện pháp từ phía những người có trách nhiệm thể hiện một thái độ phân biệt đối xử rất rõ ràng với người nhập cư HN.
*Cụ Lý Công Uẩn bị từ chối nhập cư
UBND TP HN hiện có dự án Luật Thủ đô (DL) trình Quốc hội (đã soạn thảo đến lần thứ 4 – dự dịnh ban hành nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long nhưng có nhiều ý kiến phản đối nên tạm hoãn, dự định thông qua và công bố năm 2010). Trong bản DL có nhiều vấn đề bất cập.
Thứ nhất là, có cần phải ban hành luật Thủ đô không?
Trước hết, ban hành Luật Thủ đô là không hợp hiến. Theo ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội, Hiến pháp không có quy định riêng về Thủ đô. Ý kiến của nhiều luật gia và đại biểu Quốc hội là có một số điều DL trái với Hiến pháp. Chẳng hạn quy định cho HĐND TP HN quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi Hiến pháp quy định chỉ có Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Rõ ràng, nếu ban hành Luật thủ đô thì các thành phố khác cũng có cớ để xin ban hành luật riêng cho các tỉnh, thành phố của họ. Chẳng hạn, TP Sài Gòn, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp phần lớn GDP, họ có lý do để đề nghị ban hành Luật TP đặc thù? Điều này sẽ dẫn tới tình trạng khu biệt và cát cứ quyền lực, dễ bị lạm dụng.
Theo công bố của Bộ Tư pháp, trên thế giới rất hiếm nước có luật thủ đô, chỉ trừ một số nước theo mô hình Liên bang như Canađa, Ấn Độ… Cho một thủ đô, chỉ cần quy chế là đủ.
Thứ hai, DL có những quy định ngăn trở quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân như điều 68, điều 55 của Hiến pháp và điều 5 Bộ luật lao động VN. Bên cạnh đó, những quy định này cũng vi phạm điều 23 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá mà VN đã gia nhập và ký cam kết thực hiện từ nhiều năm nay.
Theo DL, người nhập cư phải tạm trú liên tục 5 năm mới có hy vọng được chấp nhận thường trú HN, trong khi Luật cư trú quy định một năm là đủ điều kiện. Chưa kể một bất công khác: khoản 2 điều 19 dự thảo quy định về điều kiện làm việc tại HN phải có Giấy phép lao động do Sở Thương binh Xã hội của thành phố cấp. Đây là một điều khoản gây kinh hoàng cho những công dân đã thấm thía thế nào là thủ tục hành chính và nạn giấy tờ ở HN nói riêng và VN nói chung!
Trên thực tế, việc phân biệt đối xử ấy cũng sẽ không ngăn cản được dòng công dân nhập cư về HN do điều chỉnh tự nhiên của chuyển dịch cơ học dân số. Dẫu cho số người này sẽ họ bị bần cùng hoá do bị phân biệt đối xử, con cái của họ bị gạt ra ngoài lề xã hội không được vào các trường học, bệnh viện, các loại bảo hiểm và phúc lợi xã hội khác như đã từng xẩy ra… Như thế, chẳng những không kiểm soát được mà còn là ngược đãi người lao động lương thiện và làm cho bộ mặt thủ đô càng nhếch nhác hơn.
Xét về phương diện hợp hiến cũng như hợp tình hợp lý, việc ban hành Luật thủ đô là không cần thiết, là xác định sai thủ phạm “ám sát” nền văn hiến và văn minh HN, gây phân biệt đối xử, nạn giấy tờ, nạn sách nhiễu, ảnh hưởng đến quyền con người và hạn chế sự phát triển tự nhiên của Thủ đô.
Để xây dựng một Thủ đô HN có văn hiến và văn minh, không thể dùng các biện pháp hành chính thô bạo, hẹp hòi, những luật lệ riêng biệt để hạn chế người nhập cư và ngăn trở cơ hội thi thố tài năng, cơ hội việc làm của những người nghèo trong cả nước.
Hầu hết các đế vương khởi nghiệp tại Việt Nam đều xuất thân từ con nhà nghèo và từ những miền xa tới, do tài năng mà “nhập cư” về kinh đô. Giả sử thời đó, các đế chế, hoặc những vị cai quản đất Hoa Lư, đất Thăng Long hay đất Huế…mà có chủ trương hạn chế người nghèo nhập cư như bây giờ, thì lịch sử VN đã không là những trang sử anh hùng quật cường như thế này.
Một so sánh có thể khập khiễng, nhưng không phải không có cớ để liên tưởng, dù là một giả tưởng hài hước. Nếu hồi cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11, tại kinh đô Hoa Lư, thời Lê Ngọa Triều – vị vua nổi tiếng tàn ác nhất trong lịch sử VN – mà áp dụng những điều khoản hạn chế người nhập cư tương tự dự luật Thủ đô bây giờ, thì Lý Công Uẩn sẽ bị trục xuất ra khỏi nội đô Hoa Lư. Không có cơ hội Lý Công Uẩn vào kinh, lĩnh chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, có dịp lên ngôi vua khi Lê Ngọa Triều chết. Thế càng không có chuyện dời đô, sáng lập kinh thành Thăng Long vào mùa xuân 1010!
Máu và nước mắt cùng trí tuệ, tài năng của dân tứ xứ đã để lại, đã hoà nhập cùng người HN bản địa để làm nên kinh đô này từ bao đời. Phân biệt đối xử, bạc đãi họ bằng những quyết định hành chính vội vàng, vi hiến là xoá bỏ cơ may duy nhất còn lại của HN, và quan trọng hơn, xoá bỏ điều kiện sinh tồn cốt tử của đất Kẻ chợ này.
Vậy thủ phạm “ám sát” nền văn hiến là ai?
Về trình độ văn hoá mà nói, thì trình độ cư dân HN hiện nay cao hơn rất nhiều so với cái thời còn gọi là Tràng An. Thời đó dân HN nội đô còn lội bùn, răng đen mắt toét, nhiều người mù chữ. Cái lối “giấy rách giữ lề”, ăn mặc cử chỉ thanh lịch, chỉ xuất phát từ trong số rất ít các nhà nho, nhà quan lại…
Số lượng người này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng ảnh hưởng của lề thói ấy lại có sức lan truyền lớn đến xã hội, khiến cho những người mù chữ nơi thôn quê cũng tự thấy thuyết phục bởi cái hay, cái đẹp mà làm theo.
Cái hay, cái đẹp trong văn hoá và lề thói không phải bao giờ cũng đi cùng với cái tiện lợi và điều kiện vật chất. Chẳng hạn như thói quen mặc áo dài (có thể là áo tứ thân với nữ, áo lương khăn xếp với nam…) khi đi ra cộng đồng. Thời ấy, người dân VN còn rất nghèo, nhiều khi cả mấy người trong nhà mới chung nhau may được một manh áo lành, mà công việc lao động thì rất lam lũ, nặng nhọc, đường sá thì lẩy lội. Còn ngày nay, khi vải vóc và điều kiện mua sắm, điều kiện lao động, giao thông đi lại được cải thiện lên hàng vài chục lần, thì người HN và nhiều nơi trong cả nước lại ăn mặc xốc xếch, đồ bộ quăn queo, quần đùi áo may ô đi ra đường và đua nhau nói tục chửi bậy, đua nhau côn đồ lừa lọc.
Như thế, vấn đề nằm ở đâu?
Để trả lời câu hỏi này, cần những công trình khảo cứu nghiêm túc của các nhà chuyên môn để đề ra những biện pháp hữu hiệu cứu vãn.
Một điều mà mọi người đều thừa nhận, là chính những người có vị thế, có trách nhiệm, các chức sắc, các nhà quản lý văn hoá, các văn nghệ sĩ, trí thức trong xã hội, trước hết, phải có trách nhiệm trở thành những hình mẫu đẹp, thanh lịch, có trí tuệ, phẩm cách, ứng xử đẹp… Sự tuỳ tiện, tham nhũng, thiếu thẩm mỹ, kém văn hoá, tính vật chất thực dụng thô thiển ở nhiều người trong đội ngũ tầng lớp trên này đã khiến dân chúng tuyệt vọng, thậm chí còn muốn phá bĩnh như một cách đối phó hoặc xả bớt nỗi tức giận.
Cần phải thừa nhận một thực tế rằng, thủ phạm của việc ám sát văn hiến, trước hết nằm ở chính những người có trách nhiệm.Với cây quyền trượng trong tay, những người lãnh đạo có thể xây dựng văn hiến hoặc nhanh chóng ám sát văn hiến.
* Để cứu vãn: cần cam kết một Khế ước văn minh
Với thời đại mang vận tốc chóng mặt như hiện nay, nếu để tính dã thú tự do khuynh loát, thì không khác gì ta mua chiếc máy bay phản lực rồi đặt một dã thú lên ghế điều khiển bay. Dã thú di chuyển với tốc độ máy bay phản lực, tác hại là khôn lường.
Nếu những người quản lý xã hội không kiềm chế được tính dã thú, thì mọi nỗ lực của cộng đồng sẽ bị vô hiệu hoá và mỗi ngày qua là lùi một bước trở về thời dã man. J.J.Rouseau, nhà văn, nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng ảnh hưởng đến cuộc Cách mạng Pháp 1789, ngay từ năm 1762 đã cay đắng mà viết rằng “Những tâm hồn thấp kém không thể thấu hiểu các bậc vĩ nhân. Cũng như những kẻ nô lệ thì nhe răng cười nhạo khi nghe hai tiếng Tự do…”.
Một đất nước muốn phát triển, đạt đến mục tiêu hạnh phúc cho mỗi người, thì đất nước ấy không thể thiếu những nhà lãnh đạo và công dân có tri thức, có lương tri, có lòng cao thượng và văn minh. Sự tăm tối và giáo điều, sự nô lệ trong hành xử và tư tưởng, nhất là trong thời đại ngày nay, chắc chắn sẽ đưa đến thảm hoạ.
Nhiều kinh thành sở dĩ trở thành Kinh đô ánh sáng, chính vì trước hết, bao nhiêu thế hệ các điền chủ, các chức sắc, các nhà quý tộc và các tổng thống, các Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ và các địa phương, thành phố sau này đã biết chịu học hành, rèn luyện, học cách thưởng thức cái đẹp, trau dồi nhân cách và thẩm mỹ, bổ sung và cập nhật kiến thức về văn hoá, khoa học,văn học nghệ thuật.
Trong cuộc đời của họ, nhiều người đã đầu tư phần lớn tài sản cho các công trình kiến trúc, nghệ thuật, bảo trợ sáng tác cho các hoạ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà khoa học… có thực tài và sau đó, những công trình này lập tức trở thành tài sản quốc gia.
Họ hiểu rất rõ một chân lý: sự sang trọng và quý phái, trước hết và cuối cùng, chỉ là sự sang trọng về văn hoá và văn minh chứ không nằm ở tiền bạc. Trọc phú là một tình trạng đáng xấu hổ. Paris hẳn đã khác nếu các nhà chức sắc của Pháp chỉ quan tâm đến việc tiệc tùng, vui chơi giải trí, ăn nhậu hưởng lạc, làm nô lệ cho tiền bạc và không hiểu biết gì về văn học nghệ thuật…
Rõ ràng, trình độ văn hiến và văn minh của một địa phương nào đó tự nó quảng cáo hoặc tố cáo, tự nó phơi bày tầm nhìn, khả năng lường trước vấn đề, trình độ, trách nhiệm và thẩm mỹ của những chức sắc – những người có trách nhiệm – giai cấp lãnh đạo – tầng lớp trên của địa phương đó. Thực trạng ấy, dẫu có dùng các phương tiện vật chất để che đậy cũng không có tác dụng và càng che đậy chỉ càng thảm hại mà thôi.
Trụ đỡ cho văn hiến, hạnh phúc cho mỗi công dân cũng như của mỗi quốc gia, chính là mọi người phải cam kết một Khế ước văn minh và hành động. Trước hết từ phía những nhà quản lý rồi tới các công dân.
Trong quá khứ, cha ông ta rất cần cù lao động, nhưng đã để lỡ cơ hội đổi mới và phát triển để theo kịp đà tiến của những nước như Nhật Bản. Nhật Bản đã từ một nước kiệt quệ, phong kiến bảo thủ, lệ thuộc giáo lý Khổng Tử và Trung Quốc, trở nên một cường quốc đứng thứ ba thế giới về kinh tế, xã hội cũng như các phát minh sáng tạo, tự do dân chủ và phúc lợi cho người dân. Cũng nhờ thế, Nhật Bản là nơi có nền văn hiến bền vững thuộc loại nhất nhì thế giới. Có được điều đó là nhờ tinh thần khai sáng quyết liệt, mang tên “Thoát Á luận” mà Nhật Bản đã tận dụng rất hiệu quả trong những năm đầu thế kỷ XX. Đặc biệt tinh thần khai sáng này được hưởng ứng và nhân rộng trong giới trí thức và văn nghệ sĩ Nhật Bản, được sự thực hiện mạnh mẽ của vua Minh Trị.
Như thế, nhờ những cam kết văn minh, nhìn thẳng vào thực trạng của chính mình và nhận thức rõ những điều kiện và thách thức của thời đại mà Nhật Bản đã thoát khỏi cái vỏ chật hẹp, vươn mình lớn dậy thành người khổng lồ. Cũng chỉ cần một khởi đầu quyết liệt khai sáng như vậy, cả trăm năm nay, Nhật Bản đã vững bước tiến trên con đường phát triển, mang vận tốc nằm trong tốp các nước tiền phong nhất của thời đại.
Trong khi đó, rất nhiều nước trong phần còn lại của thế giới, cho đến nay, vẫn tiếp tục trong mớ bòng bong tự mãn của mình, chưa thôi bị giam hãm trong những chiếc “túi da” chật hẹp, luôn sợ hãi và chỉ trích kẻ khác chỉ để cố thủ, chỉ loay hoay cố gắng trong việc bắt chước, mô phỏng từ văn hoá tới công nghệ, bán sức lao động rẻ mạt hoặc cho thuê, bán đất đai tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Càng sợ hãi càng cố thủ, những đất nước phát triển theo kiểu ấy càng dễ mất danh dự, thời cơ, biến thành bãi thải công nghệ của các nước phát triển, hoặc bằng mọi giá cung cấp hàng hoá và sức lao động giá rẻ nhưng kém phẩm chất, mang tính lừa đảo, cho đến lúc bị thế giới tẩy chay.
Việt Nam đang cần một sự khai sáng quyết liệt. Một cam kết thực hiện Khế ước văn minh. Nếu không bắt đầu từ bây giờ, sẽ là quá muộn và tất cả chúng ta đều bị tổn thương, đều bị lụi tàn bởi tình trạng dã thú này, kể cả những người ở tầng lớp có quyền lực lớn.
Có những vận hội mới. Nếu biết tận dụng, sẽ vãn hồi nền văn hiến, đem lại văn minh, hạnh phúc và danh dự cho người Việt Nam. /.
V. T. H.
Tìm kiếm Blog này
Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010
Khí tiết Hoàng Diệu và những bài sử ca về Hà thành thất thủ
Khí tiết Hoàng Diệu và những bài sử ca về Hà thành thất thủ
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Kính tặng GS. Hoàng Tuỵ, hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu
Nguyễn Phạm Hùng
Hoàng Diệu tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, xuất thân trong một gia đình nho học ở xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông rất thông minh, có tài văn học, đỗ Cử nhân năm 20 tuổi (1848), đỗ Phó bảng năm 25 tuổi (1853). Lúc đầu ông được bổ làm Tri phủ Tuy Phước, rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định). Do nhầm lẫn trong tra xét tội phạm, ông bị giáng chức và chuyển về làm việc ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Sau đó, ông được phục chức, đổi làm Tri phủ huyện Đa Phúc (Phúc Yên), rồi thăng án sát tỉnh Nam Định, Bố chính tỉnh Bắc Ninh. Năm 1873 ông được thăng chức Tham tri bộ Hình, rồi Tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần. Năm 1878 ông lại được thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh). Cũng năm này, ông còn được cử làm Phó toàn quyền của Việt Nam đàm phán với Tây Ban Nha về việc thương mại của Tây Ban Nha ở Việt Nam. Năm 1879 ông làm Thượng thư bộ Binh. Năm 1880 được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình). Chính sự kiện này đã đưa ông trở thành nhân vật lịch sử sáng chói, là người tử tiết khi Hà thành thất thủ lần thứ hai (1882) bên cạnh Nguyễn Tri Phương, người đã tử tiết cùng thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất (1873).
Phẩm chất và khí tiết của Hoàng Diệu tiêu biểu cho tinh thần và khí phách của người Hà Nội nói riêng, của người Việt Nam nói chung, trong thời kỳ lịch sử đau thương và anh dũng khi phải đương đầu với lực lượng ngoại xâm phương Tây hùng mạnh. Ông trở thành một gương mặt tiêu biểu của văn hóa và văn học Thăng Long cuối thế kỷ XIX.
Một thời đại vinh quang và cay đắng. Thời đại của những anh hùng chiến bại. Thời đại của những người anh hùng phong kiến và nông dân, chống gươm gục ngã dưới làn đạn đại bác của bọn Tây dương, chết mà còn uất hận vì bất lực, vì ngỡ ngàng và thất vọng, chết vì lòng trung muôn thuở của lớp nhà nho ôm chí “tang bồng hồ thỉ” không thành. Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu.
Hãy nghe lời ai oán của Hoàng Diệu, trong bài Di biểu, viết ngày 25 tháng Tư năm 1882, ngày đau thương của toàn dân Hà Nội nói riêng, của toàn dân tộc nói chung, ngày Hà thành thất thủ. Ông căm thù giặc Pháp. Ông oán trách triều đình nhu nhược, đớn hèn. Nhưng đến khi chết, ông vẫn mong những kẻ nhu nhược đớn hèn ấy, cả đấng chí tôn của ông, hiểu ông, cảm thông với ông, thâu nhận ông:
“Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét thấu tấc gang là đủ”. Chỉ thế thôi. Ít ỏi, nhưng là tất cả, với một thần dân, một “bậc đại phu giữ bờ cõi”, về cái chữ “trung” cay nghiệt trói buộc con người ta. Và như thế, cũng đủ thấy ông trống trải, hoang mang, tuyệt vọng đến mức nào. Thất vọng vì vua, mà cũng hy vọng vào vua. Thật là mâu thuẫn.
Ông chết vì trung với vua chăng? Vì ông cố làm một tôi trung như bao tấm gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách ghi lại chăng? Câu chữ, giọng điệu của bài Di biểu có vẻ là như vậy. Mà lại có vẻ không là như vậy.
Ông không phủ nhận lòng ông vì vua. Mà ông cũng không giấu giếm rằng ông không theo ý vua. Có cái trắc trở ở ông nơi chọn câu, chọn chữ để nói cho hợp với khẩu khí nhà nho, khẩu khí kẻ trượng phu của một nước có vua hẳn hoi. Mà vẫn không nén được phải nói trắng ra những hậm hực, cay đắng của lòng mình, một con người phải sống và hành động theo trái tim mình, theo lý tưởng của mình, chứ không phải bị câu thúc bởi một thứ nhãn hiệu hình thức nào khác.
Có trăn trở, đó là cái trăn trở để tìm cách nói cho hợp khẩu khí nhà nho. Còn trong lòng ông đã sẵn một sự quyết định dứt khoát và rành mạch con đường hành động. Tuy nhiên, đó đâu phải là những quyết định dễ dàng. Đó là cả một cuộc đấu tranh, dằn vặt, căng thẳng trong mỗi con người mang tiếng kẻ sĩ thời này. Đó là sự rời bỏ những mệnh đề luân lý sơ cứng, hơn thế, những mệnh đề sống quan trọng nhất, mà cũng máy móc nữa, của con người được gói gọn trong mấy chữ của nho gia về lẽ cương thường.
Hoàng Diệu ở trong hoàn cảnh ấy – hoàn cảnh mà người ta không thể máy móc thực hiện mọi điều tiên thánh, tiên nho dạy. Trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức cay nghiệt này, có khi người ta phải lựa chọn một trong hai con đường, mà sự lựa chọn nào cũng dường như là quá sức, hoặc là trở thành kẻ ngu trung, theo vua, hàng giặc; hoặc là trở thành người chống giặc, cứu nước, nhưng lại cam chịu tiếng nghịch thần.
Đã đành là kẻ sĩ thì phải luôn tâm niệm:
Hễ làm người chớ ở hai lòng; đã vì nước phải theo một phía
Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi.
(Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây)
Điều đó thật dễ dàng trong thời có những đấng “minh quân”, trong buổi thịnh trị, khi mà vua tôi trên dưới một lòng. Nhưng điều đó thật khó đối với kẻ sĩ Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, khi mà ông vua, dù muốn dù không, dù lý do này hay lý do khác, ít nhiều đã tách khỏi dân, khỏi nước, thì kẻ sĩ chân chính cũng khó có thể tuân theo.
Không phải ngẫu nhiên mà ở thời kỳ này, câu nói của Khổng Tử: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm không phải là người dũng vậy) lại được đề cao một cách nhiệt liệt đến thế. Hầu như nhà nho yêu nước nào cũng nói tới nó. Hầu như sĩ phu, dũng sĩ nào cũng nói tới nó. Nó là nguyên tắc sống cao nhất của mọi người, kể cả người có học và kẻ quê mùa. Hơn nữa, đó cũng chính là chỗ dựa tinh thần của những con người vốn là sản phẩm của tư tưởng Nho giáo, của thời đại Nho giáo đã cuối mùa, đã mất hết sức sống trên phạm vị thế giới. Nhưng họ là Nho sĩ, mà là Nho sĩ thì không thể làm việc gì mà không có danh nghĩa. Mà lại phải là danh nghĩa chính đáng, “danh chính ngôn thuận”. Cái danh chính ấy là chữ “Nghĩa” của tiên thánh tiên Nho, vì đó là lời tiên thánh tiên Nho. Nó trở thành triết lý sống, là cứu cánh tinh thần của kẻ sĩ trong thời loạn.
Bởi vậy, đây là thời đại của những người anh hùng vì nghĩa mà hành động, vì nghĩa mà trung hay bất trung với vua, vì nghĩa cũng là vì dân, vì nước. Và vì nghĩa mà cái tiếng “bất trung” lại như được cảm thông, chia sẻ, thậm chí được chiêu tuyết. Bởi thế mới có một Trương Định: “Theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (Nguyễn Đình Chiểu); một Nguyễn Duy Cung: “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa”; một Nguyễn Cao: “Thà chết đi cùng trời đất đi về”; một Hồ Huân Nghiệp: “Việc nghĩa phải làm, không kể đến thành bại”… Vì nghĩa chứ không phải vì cái gì khác mà những kẻ sĩ, những anh hùng thời đại này đã xông lên và ngã xuống dưới làn đạn của bọn Phú Lãng Sa xâm lược, và dưới cả búa rìu tinh thần của triều đình phong kiến nhu nhược, đớn hèn. Họ ngã xuống cho sự sống của cả dân tộc.
Biết bao tấm gương anh hùng hy sinh vì nghĩa đã làm sáng dậy một thời kỳ đen tối, mà trong đó, Hoàng Diệu rực rỡ như biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống Pháp của cả thời đại. Tên tuổi Hoàng Diệu gắn liền với Hà Nội, với đất nước, trong cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này của dân tộc. Tấm gương Hoàng Diệu hy sinh vì nước đã khích lệ lớp lớp anh hùng đứng lên chống Pháp. Ngày 25 tháng Tư năm 1882 là ngày “quỷ khốc, thần sầu” trên thành Hà Nội, và cũng chính là ngày người anh hùng Hoàng Diệu biểu hiện rực rỡ tinh thần và khí phách quyết chiến của mình trước một đội quân xâm lược tàn ác và một triều đình run sợ.
Chỉ còn lại một bài Di biểu của Hoàng Diệu ghi lại vội vàng những nỗi niềm đau đớn của ông trước giờ tự tận, khi giặc phá được thành. Trong đó chất chứa bao hờn căm với lũ giặc ngoại xâm, lời oán trách đến chảy máu triều đình nhu nhược, u mê, phơi bày một tấm lòng son sắt tuyệt vời với dân với nước. Con người ông cứ tự hiện lên, rờ rỡ, lớn lao trên từng chữ, từng câu, thống thiết và cay đắng:
“Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. Ngờ đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng Hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, dồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao. Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nên một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó”.
Một tinh thần chiến đấu chống xâm lược thật quyết liệt và mạnh mẽ. Thế nhưng nỗi niềm ghi lại trong Di biểu lại là nỗi đớn đau, không phải vì giặc mạnh nên ông chống giữ không nổi, mà là vì triều đình, vì đám quan tướng triều đình nhút nhát hèn đớn chịu khoanh tay trước giặc dữ:
“Không ngờ mấy lần có chiếu xuống, hoặc trách tôi nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý không được thích nghi, cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui”.
Đặt trong bối cảnh này, có thể xem nhận xét của Trần Văn Giàu trong Lời giới thiệu bộ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX(1) là thích hợp: “Mối nguy cơ chính của dân tộc là triều đình Huế”. Hoàn cảnh Hoàng Diệu cũng là hoàn cảnh chung của mọi sĩ phu yêu nước chống Pháp thời kỳ này. Người ta không sợ súng đạn giặc Pháp: “Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (Nguyễn Đình Chiểu). Mối lo là những búa rìu do triều đình giáng xuống làm ly tán lòng người, làm nhụt chí chiến đấu. Làm cho người ta hoang mang, không đồng lòng, đồng sức đánh giặc. Tác giả khuyết danh của bài thơ Mất thành Hà Nội đã viết về khí tiết lẫm liệt, về cái chết trong bất lực và oán giận của Hoàng Diệu với triều đình cùng đám quan lại sợ chết lúc bấy giờ:
Trái phá Tây chăm chực bắn vào,
Chỉ không cho đánh, biết làm sao?
Ngọn cờ tướng lệnh oai linh gượng,
Chén rượu Đông môn khảng khái phào.
Uất khí Nùng sơn cây muốn cựa,
Thương tâm Nhị thủy sóng tranh xao,
Rặng hoa Võ Miếu rơi thơm mãi,
Sống trộm ghê trông thẹn biết bao.
Trong một bài chiếu dụ văn thân, vua Tự Đức đã công khai dọa nạt, ngăn cấm các nghĩa binh và sĩ phu tham gia đánh Pháp. Ông ta nói: “Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội, pháp luật thực là đúng đắn”. Vua ngăn dân đánh giặc! Vua khen kẻ “cầu hòa” là để… giữ nước!
Đã qua rồi cái thời “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức” cùng kháng chiến, như xưa kia Trần Quốc Tuấn yêu cầu. Đã qua rồi cái thời quân tướng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như Nguyễn Trãi nếm trải. Đã qua rồi cái thời những ông vua – chiến sĩ khích lệ lòng tướng ở hội nghị Bình Than, khích lệ lòng dân ở hội nghị Diên Hồng dưới triều Trần… Một sự nhu nhược, đớn hèn ít nhiều có thể còn có sự o ép của thời cuộc. Vua thì thế, còn quan tướng của triều đình, như Hoàng Diệu thấy: “Quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt”. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu không thể theo ý vua, không thể theo ý các quan trong triều được: “Hàng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải thịt nát xương tan cũng không bao giờ nỡ làm”. Đó cũng là thái độ của các văn thân yêu nước đương thời đối với chiếu dụ của Tự Đức: “Thánh chỉ nói như thế, há không phải có ý quý âm rẻ dương, theo tà làm loạn chính đấy ư?” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Hoàng Diệu tự tận, vì biết sức kiệt thế cô, vì tỉnh ngộ một sự thật phũ phàng, đó là sự đầu hàng của triều đình Huế trước lũ giặc cướp nước. Ông nhìn thấy sự thất bại của sự nghiệp mình, cũng như những người đồng chí hướng với mình. Chỉ có cái chết mới giúp ông trốn khỏi nỗi tuyệt vọng của một người quá kiêu hãnh, quá hăng hái giúp đời, giúp nước. Cái chết sẽ giải thoát cho ông khỏi những ân hận và sự bất lực của người “sĩ quân tử” trong cơn dâu bể, biểu hiện một thái độ tuyệt đối “bất cộng đái thiên” với lũ giặc cướp nước: “Nơi trung thổ trở nên đất địch, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc Hà; lòng cô trung thề với thành Long, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất” (Di biểu).
Hoàng Diệu mất. Giặc Pháp chiếm thành. Kể từ hôm ấy, ngày 25 tháng Tư năm 1882, đến hơn 60 năm sau, ngày 19 tháng Tám năm 1945, thành Hà Nội mới trở lại về tay người Việt Nam, sau bao hy sinh mất mát, bao máu và nước mắt. Giặc Pháp chiếm thành. Và từ đây, Hà Nội trở thành nơi tung hoành của những mụ Đội Chóp, những quan Tây, quan ta, những me Tây, những mụ đầm Tây…
Mảnh đất đế đô nghìn năm văn hiến bị giày xéo, thành nơi ăn chơi, hành lạc của bọn cướp nước và bán nước: “Để cho đất Thăng Long là nơi danh thắng, lại thành chim yến sợ phải vào rừng; ngựa Hồ uống nước qua sông, đuổi dồn chim nhạn bay về chằm lớn” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Đất nước tuy xưa, mà cảnh đã thay. Đó là cảm xúc đau đớn của nhiều nhà thơ viết về Hà Nội, hay những nơi chịu cảnh như Hà Nội. Đó là cảm giác ngỡ ngàng, chống chếnh, cô đơn trong nỗi hoài cổ da diết của thơ Tú Xương, “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi dò” (Sông Lấp), hay cảm xúc của Nguyễn Khuyến về cảnh “biến cải vũng nên đồi” của Hà Nội những ngày này:
Thập niên thử địa thử trung thu
Thành quách y y cãnh dĩ thù
Bạch chúc hồng đăng mê viễn cận
Tố quan, thanh cái tạp thuỳ ngô
(Mười năm trước đây cũng tiết trung thu ta ở đất này,
Đến nay thành quách vẫn y nguyên, nhưng cảnh đã khác,
Nến trắng, đèn đỏ lấp loáng như gần như xa,
Mũ trắng, lọng xanh, ta với Tây lẫn lộn.)
(Tết trung thu năm Giáp thân ngụ tại HàNội cảm tác, gửi bạn đồng khoa là ông Cử họ Ngô)
Hoàng Diệu mất. Hà Nội lầm than. Nhưng tinh thần và khí phách Hoàng Diệu vẫn sống cùng nhân sĩ và dân chúng Hà Nội, giúp người Hà Nội sức mạnh để sống và chiến đấu. Những bài sử ca ca ngợi chiến công và khí tiết Hoàng Diệu, thái độ của nhân dân đối với giặc Pháp và triều đình nhu nhược. Hoàng Diệu trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chống Pháp của ngươi Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam trong những ngày đau thương, tang tóc ấy. Ca ngợi tấm gương Hoàng Diệu, khí tiết Hoàng Diệu, đó là sự gửi gắm lòng yêu nước của người Hà Nội, của người Việt Nam những tháng năm ấy. Hoàng Diệu trở thành một giá trị biểu trưng cho tinh thần chống Pháp tuyệt đẹp của người Hà Nội, của dân tộc ta. Cũng như biết bao anh hùng khác đứng lên giết giặc cứu nước và hi sinh vì nghĩa lớn, Hoàng Diệu đã hồi sinh trong tâm hồn người Việt Nam, cổ võ tinh thần triệu người đánh giặc. Hoàng Diệu chết mà vẫn đánh giặc:
Sử nhân giai tiên sinh
Hà thành hà chí bĩ?
Duy nhân bất tiên sinh
Hà thành cố nãi nhĩ
Công sinh hữu tử tâm
Công tử hữu sinh khí
Thị phi công luận gian
An túc vi công luỵ
(Nếu mọi người như ông
Hà thành đâu có thế?
Vì mọi người khác ông
Hà thành mới như vậy
Ông sống quyết liều chết
Ông chết vẫn như sống
Người đời bàn phải trái
Không làm luỵ đến ông)
(Điếu Hoàng Diệu tuẫn tiết)
Cực lục thiên thu truyền tiết liệt
Cô thần nhất tử kiến trung can
Thâu sinh tử nhật tâm do quý
Nghịch tặc đương niên cốt dĩ hàn
Thiên tải Nung sơn tiêu chính khí
Anh hùng đáo lệ xứ tương can
(Sử sách nghìn năm còn truyền tiết liệt,
Người cô thần lấy cái chết để tỏ gan trung nghĩa.
Những kẻ sống cẩu thả khi ấy hẳn còn xấu hổ,
Bọn nghịch tặc bấy giờ sợ mất mật.
Nghìn năm núi Nùng còn nêu chính khí,
Khách anh hùng tới đó dòng lệ ngổn ngang.)
(Sĩ tử Hà thành viếng Hoàng Diệu)
Đó là con người “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” (Nguyễn Đình Chiểu). Hàng loạt tác phẩm mang đề tài ca ngợi Hoàng Diệu ra đời, cùng biết bao những hình ảnh của bọn quan lại hèn nhát, tham sống, sợ chết được dựng lên, mà đằng sau nó là cả triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược, hèn nhát làm thành cái nền xám xịt cho hình tượng Hoàng Diệu càng thêm cao, thêm sáng, thêm rực rỡ chói lọi.
Thơ văn thời kỳ này ra sức tuyên truyền, kêu gọi sĩ phu, nhân dân chống Pháp xâm lược. Đồng thời nó cũng ra sức tố cáo, phê phán triều đình, quan lại đầu hàng. Đánh Tây. Thì đã hẳn. Đó là cái việc nên làm, là vì nghĩa cả. Đánh vào triều đình, vào vua quan, đó mới là sự táo bạo và cương quyết của nhân dân, đặc biệt là của tầng lớp nhân sĩ trí thức từng được giáo dục công phu về luân thường đạo lý Nho giáo, về bổn phận và trách nhiệm phải tuân phục vô điều kiện “đấng chí tôn”. Người sĩ phu phong kiến thời kỳ này nhận thức rõ họ cần phải chống vua nào và cần phải theo vua nào. Họ chống Đồng Khánh vì Đồng Khánh theo giặc, nhưng họ lại theo Hàm Nghi, vì Hàm Nghi là ông vua kháng chiến, hành động theo yêu cầu của dân tộc. Họ vẫn mang một lòng trung son sắt với vua, nhưng đó phải là “minh quân”, chứ không phải là đám “hôn quân bạo chúa”. Nếu cần, họ sẵn sàng chống lại mệnh vua, thậm chí chống đối lại vua, nếu vua theo giặc, bán rẻ giang sơn gấm vóc.
Vì thế mà văn chương thời kỳ này đậm đặc tính hài hước, trào phúng, trong khi đả kích mạnh mẽ vào những kẻ sợ giặc, hàng giặc. Đó là những Đề đốc Lê Trinh tham sống sợ chết, lại giả dối tỏ ra muốn chết:
Thắt cổ, tay còn bưng lầy chạc,
Trầm mình, đầu lại gối lên cao.
Rờ lưng tìm thuốc, rơi đâu mất,
Tuốt vỏ gươm ra, cắt chẳng vào
(Khuyết danh – Vịnh quan Đề)
Đó là những Khâm sai đại thần, đứng hàng Nhất phẩm như Trần Đình Túc, phải uốn gối cúi đầu vâng dạ trước một mụ me Tây: “Nhất phẩm khâm gìa dạ dạ ran” (Vịnh cô Đội Chóp) v.v… Cái giọng châm biếm, mỉa mai đó không mất đi cả trong những bài sử ca hào hùng và bi thương về Hà thành thất thủ. Ta gặp lại ở đây cũng Đề đốc Lê Trinh mấy lần làm “động tác giả tự tử”:
Thế mà nghe những mơ hồ,
Rằng quan Đề đốc dưới hồ cửa Tây.
Kẻ rằng treo ở cành cây,
Kẻ rằng hẳn dưới giếng này chẳng chơi
(Hà thành chính khí ca)
Và nhiều nữa, những Tri phủ Hoài Đức, Tri huyện Thọ Xương, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, án sát Tôn Thất Bá, v.v. Ngòi bút tác giả Hà thành chính khí ca đã khái quát bè lũ quan lại bán nước, hại dân bằng những câu cô đúc sau:
Khi bình làm hại dân ta,
Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì.
Đến khi hoạn nạn gian nguy,
Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập ghềnh.
Căm lũ phản bội đê hèn bao nhiêu, lại càng thương xót người anh hùng quyết tử vì tổ quốc bấy nhiêu. Cũng là ăn lộc vua, lộc nước, nhưng chỉ một mình Hoàng Diệu dám vì dân, vì nước:
Được mấy kẻ anh tài phải đạo,
Đều ăn cơm mặc áo trên đời.
Đến khi có việc tày trời,
Trơ trơ chỉ thấy một người tận trung.
(Hà thành thất thủ ca)
Trong bài Di biểu, Hoàng Diệu viết: “Ngày mồng bảy tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng của chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy lan tràn, trong thành ai nấy táng đởm. Tôi vẫn gượng lệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày. Vì chúng nó sung sức mà quân ta tuột hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì”. Đó là lời nói chân thực, ghi trực tiếp cái cảnh mà ông đang nếm trải, nên không che được nỗi thất vọng, ngao ngán, bất lực, đau xót của một kẻ biết mình đã thất bại. Cùng diễn tả cảnh chiến trận ấy, nhưng tác giả những bài sử ca có được một khoảng cách thời gian nhất định để kịp trấn tĩnh trước nỗi đau, để có thể nhìn nỗi đau vỡ thành ấy bằng con mắt lạc quan hơn, bình tĩnh hơn, bằng cái tinh thần và ý chí của chính mình, những người đang và sẽ tiếp tục sự nghiệp của Hoàng Diệu, biến nỗi đau thất bại thành lòng căm thù và hăng hái khích lệ mọi người noi theo Hoàng Diệu, tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy mà khí thế trận đánh này được diễn tả thật hào hùng:
Ra oai xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã ầm ầm pháo ran.
Tiêm cừu nỗi giận xung quan,
Quyết rằng chẳng để chi đoàn chó dê.
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra kể chết cũng nhiều,
Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.
(Hà thành chính khí ca)
Cũng như Hoàng Diệu, tác giả các bài sử ca chỉ ra nguyên nhân thất bại chính là do triều đình nhu nhược, hèn nhát đã ngăn trở chiến đấu, do bọn quan tướng triều đình sợ chết, phản bội đã tiếp tay cho giặc:
Nội công phải những bao giờ,2
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết thảy đều,
Thành Tây, bạch quỷ đánh liều trèo ra.
(Hà thành chính khí ca)2
Tổng đốc Hoàng Diệu thế cùng, phải treo cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu. Như lời ông nói trong Di biểu, lòng trung của ông, vua khó mà nhận nổi. Vậy nên nó là tấm “cô trung”. Cho đến lúc này, ông chỉ thẹn cùng nhân dân, cùng các hào kiệt đang hăng hái đánh giặc, vì ông không giữ vẹn được thành, chứ không phải thẹn với vua, với triều đình bán nước hàng giặc. Đây quả là một tư tưởng lớn lao, táo bạo của Hoàng Diệu đã thức ngộ biết bao kẻ sĩ vẫn còn cấn cái chọn đường./.
N. P. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.
2 Các trích dẫn tác phẩm lấy từ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Kính tặng GS. Hoàng Tuỵ, hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu
Nguyễn Phạm Hùng
Hoàng Diệu tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, xuất thân trong một gia đình nho học ở xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông rất thông minh, có tài văn học, đỗ Cử nhân năm 20 tuổi (1848), đỗ Phó bảng năm 25 tuổi (1853). Lúc đầu ông được bổ làm Tri phủ Tuy Phước, rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định). Do nhầm lẫn trong tra xét tội phạm, ông bị giáng chức và chuyển về làm việc ở huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Sau đó, ông được phục chức, đổi làm Tri phủ huyện Đa Phúc (Phúc Yên), rồi thăng án sát tỉnh Nam Định, Bố chính tỉnh Bắc Ninh. Năm 1873 ông được thăng chức Tham tri bộ Hình, rồi Tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần. Năm 1878 ông lại được thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh). Cũng năm này, ông còn được cử làm Phó toàn quyền của Việt Nam đàm phán với Tây Ban Nha về việc thương mại của Tây Ban Nha ở Việt Nam. Năm 1879 ông làm Thượng thư bộ Binh. Năm 1880 được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình). Chính sự kiện này đã đưa ông trở thành nhân vật lịch sử sáng chói, là người tử tiết khi Hà thành thất thủ lần thứ hai (1882) bên cạnh Nguyễn Tri Phương, người đã tử tiết cùng thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất (1873).
Phẩm chất và khí tiết của Hoàng Diệu tiêu biểu cho tinh thần và khí phách của người Hà Nội nói riêng, của người Việt Nam nói chung, trong thời kỳ lịch sử đau thương và anh dũng khi phải đương đầu với lực lượng ngoại xâm phương Tây hùng mạnh. Ông trở thành một gương mặt tiêu biểu của văn hóa và văn học Thăng Long cuối thế kỷ XIX.
Một thời đại vinh quang và cay đắng. Thời đại của những anh hùng chiến bại. Thời đại của những người anh hùng phong kiến và nông dân, chống gươm gục ngã dưới làn đạn đại bác của bọn Tây dương, chết mà còn uất hận vì bất lực, vì ngỡ ngàng và thất vọng, chết vì lòng trung muôn thuở của lớp nhà nho ôm chí “tang bồng hồ thỉ” không thành. Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu.
Hãy nghe lời ai oán của Hoàng Diệu, trong bài Di biểu, viết ngày 25 tháng Tư năm 1882, ngày đau thương của toàn dân Hà Nội nói riêng, của toàn dân tộc nói chung, ngày Hà thành thất thủ. Ông căm thù giặc Pháp. Ông oán trách triều đình nhu nhược, đớn hèn. Nhưng đến khi chết, ông vẫn mong những kẻ nhu nhược đớn hèn ấy, cả đấng chí tôn của ông, hiểu ông, cảm thông với ông, thâu nhận ông:
“Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét thấu tấc gang là đủ”. Chỉ thế thôi. Ít ỏi, nhưng là tất cả, với một thần dân, một “bậc đại phu giữ bờ cõi”, về cái chữ “trung” cay nghiệt trói buộc con người ta. Và như thế, cũng đủ thấy ông trống trải, hoang mang, tuyệt vọng đến mức nào. Thất vọng vì vua, mà cũng hy vọng vào vua. Thật là mâu thuẫn.
Ông chết vì trung với vua chăng? Vì ông cố làm một tôi trung như bao tấm gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách ghi lại chăng? Câu chữ, giọng điệu của bài Di biểu có vẻ là như vậy. Mà lại có vẻ không là như vậy.
Ông không phủ nhận lòng ông vì vua. Mà ông cũng không giấu giếm rằng ông không theo ý vua. Có cái trắc trở ở ông nơi chọn câu, chọn chữ để nói cho hợp với khẩu khí nhà nho, khẩu khí kẻ trượng phu của một nước có vua hẳn hoi. Mà vẫn không nén được phải nói trắng ra những hậm hực, cay đắng của lòng mình, một con người phải sống và hành động theo trái tim mình, theo lý tưởng của mình, chứ không phải bị câu thúc bởi một thứ nhãn hiệu hình thức nào khác.
Có trăn trở, đó là cái trăn trở để tìm cách nói cho hợp khẩu khí nhà nho. Còn trong lòng ông đã sẵn một sự quyết định dứt khoát và rành mạch con đường hành động. Tuy nhiên, đó đâu phải là những quyết định dễ dàng. Đó là cả một cuộc đấu tranh, dằn vặt, căng thẳng trong mỗi con người mang tiếng kẻ sĩ thời này. Đó là sự rời bỏ những mệnh đề luân lý sơ cứng, hơn thế, những mệnh đề sống quan trọng nhất, mà cũng máy móc nữa, của con người được gói gọn trong mấy chữ của nho gia về lẽ cương thường.
Hoàng Diệu ở trong hoàn cảnh ấy – hoàn cảnh mà người ta không thể máy móc thực hiện mọi điều tiên thánh, tiên nho dạy. Trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức cay nghiệt này, có khi người ta phải lựa chọn một trong hai con đường, mà sự lựa chọn nào cũng dường như là quá sức, hoặc là trở thành kẻ ngu trung, theo vua, hàng giặc; hoặc là trở thành người chống giặc, cứu nước, nhưng lại cam chịu tiếng nghịch thần.
Đã đành là kẻ sĩ thì phải luôn tâm niệm:
Hễ làm người chớ ở hai lòng; đã vì nước phải theo một phía
Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi.
(Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây)
Điều đó thật dễ dàng trong thời có những đấng “minh quân”, trong buổi thịnh trị, khi mà vua tôi trên dưới một lòng. Nhưng điều đó thật khó đối với kẻ sĩ Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, khi mà ông vua, dù muốn dù không, dù lý do này hay lý do khác, ít nhiều đã tách khỏi dân, khỏi nước, thì kẻ sĩ chân chính cũng khó có thể tuân theo.
Không phải ngẫu nhiên mà ở thời kỳ này, câu nói của Khổng Tử: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm không phải là người dũng vậy) lại được đề cao một cách nhiệt liệt đến thế. Hầu như nhà nho yêu nước nào cũng nói tới nó. Hầu như sĩ phu, dũng sĩ nào cũng nói tới nó. Nó là nguyên tắc sống cao nhất của mọi người, kể cả người có học và kẻ quê mùa. Hơn nữa, đó cũng chính là chỗ dựa tinh thần của những con người vốn là sản phẩm của tư tưởng Nho giáo, của thời đại Nho giáo đã cuối mùa, đã mất hết sức sống trên phạm vị thế giới. Nhưng họ là Nho sĩ, mà là Nho sĩ thì không thể làm việc gì mà không có danh nghĩa. Mà lại phải là danh nghĩa chính đáng, “danh chính ngôn thuận”. Cái danh chính ấy là chữ “Nghĩa” của tiên thánh tiên Nho, vì đó là lời tiên thánh tiên Nho. Nó trở thành triết lý sống, là cứu cánh tinh thần của kẻ sĩ trong thời loạn.
Bởi vậy, đây là thời đại của những người anh hùng vì nghĩa mà hành động, vì nghĩa mà trung hay bất trung với vua, vì nghĩa cũng là vì dân, vì nước. Và vì nghĩa mà cái tiếng “bất trung” lại như được cảm thông, chia sẻ, thậm chí được chiêu tuyết. Bởi thế mới có một Trương Định: “Theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (Nguyễn Đình Chiểu); một Nguyễn Duy Cung: “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa”; một Nguyễn Cao: “Thà chết đi cùng trời đất đi về”; một Hồ Huân Nghiệp: “Việc nghĩa phải làm, không kể đến thành bại”… Vì nghĩa chứ không phải vì cái gì khác mà những kẻ sĩ, những anh hùng thời đại này đã xông lên và ngã xuống dưới làn đạn của bọn Phú Lãng Sa xâm lược, và dưới cả búa rìu tinh thần của triều đình phong kiến nhu nhược, đớn hèn. Họ ngã xuống cho sự sống của cả dân tộc.
Biết bao tấm gương anh hùng hy sinh vì nghĩa đã làm sáng dậy một thời kỳ đen tối, mà trong đó, Hoàng Diệu rực rỡ như biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống Pháp của cả thời đại. Tên tuổi Hoàng Diệu gắn liền với Hà Nội, với đất nước, trong cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này của dân tộc. Tấm gương Hoàng Diệu hy sinh vì nước đã khích lệ lớp lớp anh hùng đứng lên chống Pháp. Ngày 25 tháng Tư năm 1882 là ngày “quỷ khốc, thần sầu” trên thành Hà Nội, và cũng chính là ngày người anh hùng Hoàng Diệu biểu hiện rực rỡ tinh thần và khí phách quyết chiến của mình trước một đội quân xâm lược tàn ác và một triều đình run sợ.
Chỉ còn lại một bài Di biểu của Hoàng Diệu ghi lại vội vàng những nỗi niềm đau đớn của ông trước giờ tự tận, khi giặc phá được thành. Trong đó chất chứa bao hờn căm với lũ giặc ngoại xâm, lời oán trách đến chảy máu triều đình nhu nhược, u mê, phơi bày một tấm lòng son sắt tuyệt vời với dân với nước. Con người ông cứ tự hiện lên, rờ rỡ, lớn lao trên từng chữ, từng câu, thống thiết và cay đắng:
“Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. Ngờ đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng Hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, dồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao. Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nên một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó”.
Một tinh thần chiến đấu chống xâm lược thật quyết liệt và mạnh mẽ. Thế nhưng nỗi niềm ghi lại trong Di biểu lại là nỗi đớn đau, không phải vì giặc mạnh nên ông chống giữ không nổi, mà là vì triều đình, vì đám quan tướng triều đình nhút nhát hèn đớn chịu khoanh tay trước giặc dữ:
“Không ngờ mấy lần có chiếu xuống, hoặc trách tôi nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý không được thích nghi, cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui”.
Đặt trong bối cảnh này, có thể xem nhận xét của Trần Văn Giàu trong Lời giới thiệu bộ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX(1) là thích hợp: “Mối nguy cơ chính của dân tộc là triều đình Huế”. Hoàn cảnh Hoàng Diệu cũng là hoàn cảnh chung của mọi sĩ phu yêu nước chống Pháp thời kỳ này. Người ta không sợ súng đạn giặc Pháp: “Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (Nguyễn Đình Chiểu). Mối lo là những búa rìu do triều đình giáng xuống làm ly tán lòng người, làm nhụt chí chiến đấu. Làm cho người ta hoang mang, không đồng lòng, đồng sức đánh giặc. Tác giả khuyết danh của bài thơ Mất thành Hà Nội đã viết về khí tiết lẫm liệt, về cái chết trong bất lực và oán giận của Hoàng Diệu với triều đình cùng đám quan lại sợ chết lúc bấy giờ:
Trái phá Tây chăm chực bắn vào,
Chỉ không cho đánh, biết làm sao?
Ngọn cờ tướng lệnh oai linh gượng,
Chén rượu Đông môn khảng khái phào.
Uất khí Nùng sơn cây muốn cựa,
Thương tâm Nhị thủy sóng tranh xao,
Rặng hoa Võ Miếu rơi thơm mãi,
Sống trộm ghê trông thẹn biết bao.
Trong một bài chiếu dụ văn thân, vua Tự Đức đã công khai dọa nạt, ngăn cấm các nghĩa binh và sĩ phu tham gia đánh Pháp. Ông ta nói: “Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội, pháp luật thực là đúng đắn”. Vua ngăn dân đánh giặc! Vua khen kẻ “cầu hòa” là để… giữ nước!
Đã qua rồi cái thời “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức” cùng kháng chiến, như xưa kia Trần Quốc Tuấn yêu cầu. Đã qua rồi cái thời quân tướng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như Nguyễn Trãi nếm trải. Đã qua rồi cái thời những ông vua – chiến sĩ khích lệ lòng tướng ở hội nghị Bình Than, khích lệ lòng dân ở hội nghị Diên Hồng dưới triều Trần… Một sự nhu nhược, đớn hèn ít nhiều có thể còn có sự o ép của thời cuộc. Vua thì thế, còn quan tướng của triều đình, như Hoàng Diệu thấy: “Quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt”. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu không thể theo ý vua, không thể theo ý các quan trong triều được: “Hàng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải thịt nát xương tan cũng không bao giờ nỡ làm”. Đó cũng là thái độ của các văn thân yêu nước đương thời đối với chiếu dụ của Tự Đức: “Thánh chỉ nói như thế, há không phải có ý quý âm rẻ dương, theo tà làm loạn chính đấy ư?” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Hoàng Diệu tự tận, vì biết sức kiệt thế cô, vì tỉnh ngộ một sự thật phũ phàng, đó là sự đầu hàng của triều đình Huế trước lũ giặc cướp nước. Ông nhìn thấy sự thất bại của sự nghiệp mình, cũng như những người đồng chí hướng với mình. Chỉ có cái chết mới giúp ông trốn khỏi nỗi tuyệt vọng của một người quá kiêu hãnh, quá hăng hái giúp đời, giúp nước. Cái chết sẽ giải thoát cho ông khỏi những ân hận và sự bất lực của người “sĩ quân tử” trong cơn dâu bể, biểu hiện một thái độ tuyệt đối “bất cộng đái thiên” với lũ giặc cướp nước: “Nơi trung thổ trở nên đất địch, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc Hà; lòng cô trung thề với thành Long, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất” (Di biểu).
Hoàng Diệu mất. Giặc Pháp chiếm thành. Kể từ hôm ấy, ngày 25 tháng Tư năm 1882, đến hơn 60 năm sau, ngày 19 tháng Tám năm 1945, thành Hà Nội mới trở lại về tay người Việt Nam, sau bao hy sinh mất mát, bao máu và nước mắt. Giặc Pháp chiếm thành. Và từ đây, Hà Nội trở thành nơi tung hoành của những mụ Đội Chóp, những quan Tây, quan ta, những me Tây, những mụ đầm Tây…
Mảnh đất đế đô nghìn năm văn hiến bị giày xéo, thành nơi ăn chơi, hành lạc của bọn cướp nước và bán nước: “Để cho đất Thăng Long là nơi danh thắng, lại thành chim yến sợ phải vào rừng; ngựa Hồ uống nước qua sông, đuổi dồn chim nhạn bay về chằm lớn” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Đất nước tuy xưa, mà cảnh đã thay. Đó là cảm xúc đau đớn của nhiều nhà thơ viết về Hà Nội, hay những nơi chịu cảnh như Hà Nội. Đó là cảm giác ngỡ ngàng, chống chếnh, cô đơn trong nỗi hoài cổ da diết của thơ Tú Xương, “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi dò” (Sông Lấp), hay cảm xúc của Nguyễn Khuyến về cảnh “biến cải vũng nên đồi” của Hà Nội những ngày này:
Thập niên thử địa thử trung thu
Thành quách y y cãnh dĩ thù
Bạch chúc hồng đăng mê viễn cận
Tố quan, thanh cái tạp thuỳ ngô
(Mười năm trước đây cũng tiết trung thu ta ở đất này,
Đến nay thành quách vẫn y nguyên, nhưng cảnh đã khác,
Nến trắng, đèn đỏ lấp loáng như gần như xa,
Mũ trắng, lọng xanh, ta với Tây lẫn lộn.)
(Tết trung thu năm Giáp thân ngụ tại HàNội cảm tác, gửi bạn đồng khoa là ông Cử họ Ngô)
Hoàng Diệu mất. Hà Nội lầm than. Nhưng tinh thần và khí phách Hoàng Diệu vẫn sống cùng nhân sĩ và dân chúng Hà Nội, giúp người Hà Nội sức mạnh để sống và chiến đấu. Những bài sử ca ca ngợi chiến công và khí tiết Hoàng Diệu, thái độ của nhân dân đối với giặc Pháp và triều đình nhu nhược. Hoàng Diệu trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chống Pháp của ngươi Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam trong những ngày đau thương, tang tóc ấy. Ca ngợi tấm gương Hoàng Diệu, khí tiết Hoàng Diệu, đó là sự gửi gắm lòng yêu nước của người Hà Nội, của người Việt Nam những tháng năm ấy. Hoàng Diệu trở thành một giá trị biểu trưng cho tinh thần chống Pháp tuyệt đẹp của người Hà Nội, của dân tộc ta. Cũng như biết bao anh hùng khác đứng lên giết giặc cứu nước và hi sinh vì nghĩa lớn, Hoàng Diệu đã hồi sinh trong tâm hồn người Việt Nam, cổ võ tinh thần triệu người đánh giặc. Hoàng Diệu chết mà vẫn đánh giặc:
Sử nhân giai tiên sinh
Hà thành hà chí bĩ?
Duy nhân bất tiên sinh
Hà thành cố nãi nhĩ
Công sinh hữu tử tâm
Công tử hữu sinh khí
Thị phi công luận gian
An túc vi công luỵ
(Nếu mọi người như ông
Hà thành đâu có thế?
Vì mọi người khác ông
Hà thành mới như vậy
Ông sống quyết liều chết
Ông chết vẫn như sống
Người đời bàn phải trái
Không làm luỵ đến ông)
(Điếu Hoàng Diệu tuẫn tiết)
Cực lục thiên thu truyền tiết liệt
Cô thần nhất tử kiến trung can
Thâu sinh tử nhật tâm do quý
Nghịch tặc đương niên cốt dĩ hàn
Thiên tải Nung sơn tiêu chính khí
Anh hùng đáo lệ xứ tương can
(Sử sách nghìn năm còn truyền tiết liệt,
Người cô thần lấy cái chết để tỏ gan trung nghĩa.
Những kẻ sống cẩu thả khi ấy hẳn còn xấu hổ,
Bọn nghịch tặc bấy giờ sợ mất mật.
Nghìn năm núi Nùng còn nêu chính khí,
Khách anh hùng tới đó dòng lệ ngổn ngang.)
(Sĩ tử Hà thành viếng Hoàng Diệu)
Đó là con người “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” (Nguyễn Đình Chiểu). Hàng loạt tác phẩm mang đề tài ca ngợi Hoàng Diệu ra đời, cùng biết bao những hình ảnh của bọn quan lại hèn nhát, tham sống, sợ chết được dựng lên, mà đằng sau nó là cả triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược, hèn nhát làm thành cái nền xám xịt cho hình tượng Hoàng Diệu càng thêm cao, thêm sáng, thêm rực rỡ chói lọi.
Thơ văn thời kỳ này ra sức tuyên truyền, kêu gọi sĩ phu, nhân dân chống Pháp xâm lược. Đồng thời nó cũng ra sức tố cáo, phê phán triều đình, quan lại đầu hàng. Đánh Tây. Thì đã hẳn. Đó là cái việc nên làm, là vì nghĩa cả. Đánh vào triều đình, vào vua quan, đó mới là sự táo bạo và cương quyết của nhân dân, đặc biệt là của tầng lớp nhân sĩ trí thức từng được giáo dục công phu về luân thường đạo lý Nho giáo, về bổn phận và trách nhiệm phải tuân phục vô điều kiện “đấng chí tôn”. Người sĩ phu phong kiến thời kỳ này nhận thức rõ họ cần phải chống vua nào và cần phải theo vua nào. Họ chống Đồng Khánh vì Đồng Khánh theo giặc, nhưng họ lại theo Hàm Nghi, vì Hàm Nghi là ông vua kháng chiến, hành động theo yêu cầu của dân tộc. Họ vẫn mang một lòng trung son sắt với vua, nhưng đó phải là “minh quân”, chứ không phải là đám “hôn quân bạo chúa”. Nếu cần, họ sẵn sàng chống lại mệnh vua, thậm chí chống đối lại vua, nếu vua theo giặc, bán rẻ giang sơn gấm vóc.
Vì thế mà văn chương thời kỳ này đậm đặc tính hài hước, trào phúng, trong khi đả kích mạnh mẽ vào những kẻ sợ giặc, hàng giặc. Đó là những Đề đốc Lê Trinh tham sống sợ chết, lại giả dối tỏ ra muốn chết:
Thắt cổ, tay còn bưng lầy chạc,
Trầm mình, đầu lại gối lên cao.
Rờ lưng tìm thuốc, rơi đâu mất,
Tuốt vỏ gươm ra, cắt chẳng vào
(Khuyết danh – Vịnh quan Đề)
Đó là những Khâm sai đại thần, đứng hàng Nhất phẩm như Trần Đình Túc, phải uốn gối cúi đầu vâng dạ trước một mụ me Tây: “Nhất phẩm khâm gìa dạ dạ ran” (Vịnh cô Đội Chóp) v.v… Cái giọng châm biếm, mỉa mai đó không mất đi cả trong những bài sử ca hào hùng và bi thương về Hà thành thất thủ. Ta gặp lại ở đây cũng Đề đốc Lê Trinh mấy lần làm “động tác giả tự tử”:
Thế mà nghe những mơ hồ,
Rằng quan Đề đốc dưới hồ cửa Tây.
Kẻ rằng treo ở cành cây,
Kẻ rằng hẳn dưới giếng này chẳng chơi
(Hà thành chính khí ca)
Và nhiều nữa, những Tri phủ Hoài Đức, Tri huyện Thọ Xương, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, án sát Tôn Thất Bá, v.v. Ngòi bút tác giả Hà thành chính khí ca đã khái quát bè lũ quan lại bán nước, hại dân bằng những câu cô đúc sau:
Khi bình làm hại dân ta,
Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì.
Đến khi hoạn nạn gian nguy,
Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập ghềnh.
Căm lũ phản bội đê hèn bao nhiêu, lại càng thương xót người anh hùng quyết tử vì tổ quốc bấy nhiêu. Cũng là ăn lộc vua, lộc nước, nhưng chỉ một mình Hoàng Diệu dám vì dân, vì nước:
Được mấy kẻ anh tài phải đạo,
Đều ăn cơm mặc áo trên đời.
Đến khi có việc tày trời,
Trơ trơ chỉ thấy một người tận trung.
(Hà thành thất thủ ca)
Trong bài Di biểu, Hoàng Diệu viết: “Ngày mồng bảy tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng của chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy lan tràn, trong thành ai nấy táng đởm. Tôi vẫn gượng lệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày. Vì chúng nó sung sức mà quân ta tuột hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì”. Đó là lời nói chân thực, ghi trực tiếp cái cảnh mà ông đang nếm trải, nên không che được nỗi thất vọng, ngao ngán, bất lực, đau xót của một kẻ biết mình đã thất bại. Cùng diễn tả cảnh chiến trận ấy, nhưng tác giả những bài sử ca có được một khoảng cách thời gian nhất định để kịp trấn tĩnh trước nỗi đau, để có thể nhìn nỗi đau vỡ thành ấy bằng con mắt lạc quan hơn, bình tĩnh hơn, bằng cái tinh thần và ý chí của chính mình, những người đang và sẽ tiếp tục sự nghiệp của Hoàng Diệu, biến nỗi đau thất bại thành lòng căm thù và hăng hái khích lệ mọi người noi theo Hoàng Diệu, tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy mà khí thế trận đánh này được diễn tả thật hào hùng:
Ra oai xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã ầm ầm pháo ran.
Tiêm cừu nỗi giận xung quan,
Quyết rằng chẳng để chi đoàn chó dê.
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra kể chết cũng nhiều,
Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.
(Hà thành chính khí ca)
Cũng như Hoàng Diệu, tác giả các bài sử ca chỉ ra nguyên nhân thất bại chính là do triều đình nhu nhược, hèn nhát đã ngăn trở chiến đấu, do bọn quan tướng triều đình sợ chết, phản bội đã tiếp tay cho giặc:
Nội công phải những bao giờ,2
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết thảy đều,
Thành Tây, bạch quỷ đánh liều trèo ra.
(Hà thành chính khí ca)2
Tổng đốc Hoàng Diệu thế cùng, phải treo cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu. Như lời ông nói trong Di biểu, lòng trung của ông, vua khó mà nhận nổi. Vậy nên nó là tấm “cô trung”. Cho đến lúc này, ông chỉ thẹn cùng nhân dân, cùng các hào kiệt đang hăng hái đánh giặc, vì ông không giữ vẹn được thành, chứ không phải thẹn với vua, với triều đình bán nước hàng giặc. Đây quả là một tư tưởng lớn lao, táo bạo của Hoàng Diệu đã thức ngộ biết bao kẻ sĩ vẫn còn cấn cái chọn đường./.
N. P. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.
2 Các trích dẫn tác phẩm lấy từ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.
Thư giãn Chủ Nhật: Đầu Gối cứu nguy
Thư giãn Chủ Nhật: Đầu Gối cứu nguy
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Sơn Khê
Nghe tin ông chủ vốn là một quan chức, sắp xộ khám vì tham ô. Tất cả các bộ phận trong cơ thể thảy đều lo số vó, bởi chúng thừa biết ổng mà ăn cơm tù thì chúng cũng héo mòn vì suy dinh dưỡng. Do vậy chúng liền triệu tập một cuộc họp bất thường, để tìm xem đứa nào có khả năng đi gặp lãnh đạo, hòng cứu vãn tình thế. Não là bộ phận được hội nghị chỉ định đầu tiên. Nhưng nó giãy nảy như đỉa phải vôi, thú nhận:
- Tao thực ra chỉ là… “mớ bã đậu” mà thôi, có tí tẹo chất xám nào đâu mà biết cách cứu nguy. Xin đề cử Mồm thay tao.
Mồm nghe thế, phản ứng tức thì:
- Tao ư? Xưa nay quen đớp với nói bậy, chứ cái vụ này thì… ngọng luôn. Tao nghĩ Tay làm là hợp lý nhất!
- Hơi bị lầm rồi! Tao chỉ giỏi sờ soạng vuốt ve em út và ký khống chứ biết quái gì chuyện chạy chọt mà nhận, “bó tay chấm cơm” thôi. Theo tao thì Chân là hợp hơn cả. – Tay vội vàng giới thiệu ứng viên thay mình.
Chân nghe nói đến hoảng hốt:
- Ấy chết! Hư đại sự mất nếu giao cho tao. Tao có tài giẫm đạp, đi cửa sau chứ làm quái gì được. Sao không thử chọn Đầu Gối, biết đâu?
Đầu Gối nghe nhắc tên, bèn lên tiếng: “Cái lũ bất tài vô dụng, khi hữu sự mới lòi mặt hèn nhát, chuyện này có gì mà rối lên như canh hẹ thế? Để đó tao lo”.
Nó ra đi một vòng. Lạ thay! Như có phép màu, ông chủ sau đó được hưởng án treo. Bọn chúng lại triệu tập cuộc họp để tung hô Đầu Gối và tìm hiểu sao tài thế. Đầu Gối kể rằng:
- Có mẹ gì đâu! Tao đến nhà sếp lớn, cứ hai đầu gối mà “bước” vào, rồi vẫn hai đầu gối mà quỳ van xin. Hạ mình cỡ đó mà không giảm án mới là lạ. Sau vụ này tao rút kinh nghiệm, muốn cho ông chủ giữ vững cái ghế và mau tiến thân thì cứ phải nhờ đến tao. Đi bằng đầu gối xem ra vừa nhanh lại vừa vững chắc chúng mày ạ!
Nghe vậy, cả bọn sáng mắt ra. Giờ chúng mới biết rõ đầu gối trong con người ông chủ danh giá là dường nào.
S. K.
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Sơn Khê
Nghe tin ông chủ vốn là một quan chức, sắp xộ khám vì tham ô. Tất cả các bộ phận trong cơ thể thảy đều lo số vó, bởi chúng thừa biết ổng mà ăn cơm tù thì chúng cũng héo mòn vì suy dinh dưỡng. Do vậy chúng liền triệu tập một cuộc họp bất thường, để tìm xem đứa nào có khả năng đi gặp lãnh đạo, hòng cứu vãn tình thế. Não là bộ phận được hội nghị chỉ định đầu tiên. Nhưng nó giãy nảy như đỉa phải vôi, thú nhận:
- Tao thực ra chỉ là… “mớ bã đậu” mà thôi, có tí tẹo chất xám nào đâu mà biết cách cứu nguy. Xin đề cử Mồm thay tao.
Mồm nghe thế, phản ứng tức thì:
- Tao ư? Xưa nay quen đớp với nói bậy, chứ cái vụ này thì… ngọng luôn. Tao nghĩ Tay làm là hợp lý nhất!
- Hơi bị lầm rồi! Tao chỉ giỏi sờ soạng vuốt ve em út và ký khống chứ biết quái gì chuyện chạy chọt mà nhận, “bó tay chấm cơm” thôi. Theo tao thì Chân là hợp hơn cả. – Tay vội vàng giới thiệu ứng viên thay mình.
Chân nghe nói đến hoảng hốt:
- Ấy chết! Hư đại sự mất nếu giao cho tao. Tao có tài giẫm đạp, đi cửa sau chứ làm quái gì được. Sao không thử chọn Đầu Gối, biết đâu?
Đầu Gối nghe nhắc tên, bèn lên tiếng: “Cái lũ bất tài vô dụng, khi hữu sự mới lòi mặt hèn nhát, chuyện này có gì mà rối lên như canh hẹ thế? Để đó tao lo”.
Nó ra đi một vòng. Lạ thay! Như có phép màu, ông chủ sau đó được hưởng án treo. Bọn chúng lại triệu tập cuộc họp để tung hô Đầu Gối và tìm hiểu sao tài thế. Đầu Gối kể rằng:
- Có mẹ gì đâu! Tao đến nhà sếp lớn, cứ hai đầu gối mà “bước” vào, rồi vẫn hai đầu gối mà quỳ van xin. Hạ mình cỡ đó mà không giảm án mới là lạ. Sau vụ này tao rút kinh nghiệm, muốn cho ông chủ giữ vững cái ghế và mau tiến thân thì cứ phải nhờ đến tao. Đi bằng đầu gối xem ra vừa nhanh lại vừa vững chắc chúng mày ạ!
Nghe vậy, cả bọn sáng mắt ra. Giờ chúng mới biết rõ đầu gối trong con người ông chủ danh giá là dường nào.
S. K.
Thư giản Chủ Nhật Hai mẩu chuyện của nhà vô phúc
Thư giản Chủ Nhật Hai mẩu chuyện của nhà vô phúc
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Sáu Nghệ
1/ Mạ yên chí
- Mạ ơi, em con ở trong rừng đã điện thoại về rồi, mấy hôm nó bị lạc trong đó.
- Ờ, tại sao nó lại đi lạc trong đó cà?
- Dạ, nó vô rừng hái rau, kiếm nấm hay săn bắn gì đó rồi bị đám người nào đó bắt giữ, tính cướp các thứ em con vừa kiếm được nhưng vì sao đó lại không cướp mà thả em con ra. Rồi trời mưa to quá, em con đi loanh quanh thế nào lại gặp đám người đó và đám người đó giữ lại nữa.
- Đám người đó là đám nào vậy con?
- Con cũng chưa biết nữa.
- Nhưng nãy giờ con đang nói em con đi lạc vào rừng của ai vậy?
- Dạ, rừng của nhà mình chớ của ai đâu mạ.
- Trời đất ơi, rừng nhà mình sao lại có đám người nào vô bắt giữ em con. Vậy con chạy nhanh ra, coi em con có cần gì thì giúp nó rồi anh em đưa nhau về cho an toàn?
- Mạ yên chí, con đã điện thoại yêu cầu đám người kia phải có trách nhiệm đưa em con về.
2/Vay mượn quen rồi
- Mạ thằng Mít đưa tôi mấy trăm nghìn đồng để giúp hàng xóm bị thiên tai?
- Làm gì còn tiền.
- Ủa, lương tháng này mới có đó thôi?
- Lương mới có nhưng cũng trả nợ mất già nửa rồi. Tôi nhầm ông ạ, vay mượn ăn tiêu hơi quá tay mà quên tính khoản phí bảo hiểm đã đến kỳ phải nộp. Lại còn phải trả nợ tiền vay của thằng Mít nữa, nó vay mượn tùm lum, nợ nần đầm đìa mà cứ khoe làm ăn có lãi, bây giờ bể ra mới biết nó nói láo nói toét, chuyên quyền độc đoán.
- Mạ nó cũng nên dứt hẳn bao cấp với thằng Mít đi, đừng vì cái miệng nó thớ lợ rồi vài ba gói quà mà làm hỏng nhau. Nó có gia đình riêng rồi, phải tự bươn chải chớ lương tôi chẳng bao nhiêu, không lo mãi được đâu?
- Tôi cũng đã dự tính rồi, tới đây kiên quyết dứt bao cấp với thằng Mít.
- Tính thì phải làm, chớ dạo này coi bộ mạ thằng Mít sáng cà phê, trưa thăm hàng xóm, chiều đi siêu thị, tối lại đánh bài, con cái dễ bắt chước hư hỏng lắm. Nhưng dù sao mạ nó cũng kiếm ít tiền cho tôi sang giúp hàng xóm, nếu nhà không còn thì chạy vay mượn ở đâu đó, nghe?
- Ông cứ nói như ông không phải là chủ nhà. Hay là ông chịu khó vay mượn ai đó, ông vay mượn quen rồi, giúp tôi chuyến này nữa nha!
S. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Đăng bởi bvnpost on 24/10/2010
Sáu Nghệ
1/ Mạ yên chí
- Mạ ơi, em con ở trong rừng đã điện thoại về rồi, mấy hôm nó bị lạc trong đó.
- Ờ, tại sao nó lại đi lạc trong đó cà?
- Dạ, nó vô rừng hái rau, kiếm nấm hay săn bắn gì đó rồi bị đám người nào đó bắt giữ, tính cướp các thứ em con vừa kiếm được nhưng vì sao đó lại không cướp mà thả em con ra. Rồi trời mưa to quá, em con đi loanh quanh thế nào lại gặp đám người đó và đám người đó giữ lại nữa.
- Đám người đó là đám nào vậy con?
- Con cũng chưa biết nữa.
- Nhưng nãy giờ con đang nói em con đi lạc vào rừng của ai vậy?
- Dạ, rừng của nhà mình chớ của ai đâu mạ.
- Trời đất ơi, rừng nhà mình sao lại có đám người nào vô bắt giữ em con. Vậy con chạy nhanh ra, coi em con có cần gì thì giúp nó rồi anh em đưa nhau về cho an toàn?
- Mạ yên chí, con đã điện thoại yêu cầu đám người kia phải có trách nhiệm đưa em con về.
2/Vay mượn quen rồi
- Mạ thằng Mít đưa tôi mấy trăm nghìn đồng để giúp hàng xóm bị thiên tai?
- Làm gì còn tiền.
- Ủa, lương tháng này mới có đó thôi?
- Lương mới có nhưng cũng trả nợ mất già nửa rồi. Tôi nhầm ông ạ, vay mượn ăn tiêu hơi quá tay mà quên tính khoản phí bảo hiểm đã đến kỳ phải nộp. Lại còn phải trả nợ tiền vay của thằng Mít nữa, nó vay mượn tùm lum, nợ nần đầm đìa mà cứ khoe làm ăn có lãi, bây giờ bể ra mới biết nó nói láo nói toét, chuyên quyền độc đoán.
- Mạ nó cũng nên dứt hẳn bao cấp với thằng Mít đi, đừng vì cái miệng nó thớ lợ rồi vài ba gói quà mà làm hỏng nhau. Nó có gia đình riêng rồi, phải tự bươn chải chớ lương tôi chẳng bao nhiêu, không lo mãi được đâu?
- Tôi cũng đã dự tính rồi, tới đây kiên quyết dứt bao cấp với thằng Mít.
- Tính thì phải làm, chớ dạo này coi bộ mạ thằng Mít sáng cà phê, trưa thăm hàng xóm, chiều đi siêu thị, tối lại đánh bài, con cái dễ bắt chước hư hỏng lắm. Nhưng dù sao mạ nó cũng kiếm ít tiền cho tôi sang giúp hàng xóm, nếu nhà không còn thì chạy vay mượn ở đâu đó, nghe?
- Ông cứ nói như ông không phải là chủ nhà. Hay là ông chịu khó vay mượn ai đó, ông vay mượn quen rồi, giúp tôi chuyến này nữa nha!
S. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Ôi ! Trí thức thời nay sao nhục thế !?
Ôi ! Trí thức thời nay sao nhục thế !?
Posted on 25/10/2010 by danlambaoblog
Nhạc sĩ Tô Hải – Bài này là bài thứ ba trong một tuần tớ tăng năng xuất để trả lời bọn treo “Sinh Tử Lệnh” giết 2 blog của tớ là:
Trừ tao chết , chúng mày không cấm được tao nói thật những gì tao suy nghĩ đâu
Ngày xưa ai đó nói rằng : “Nước ta, ra ngõ gặp anh hùng”, ngày nay tớ nói : “Mỗi bước ta đi đạp phải chân một tay… tiến sỹ!” Quả thật vậy: Không một nước nào tướng hai, ba ,bốn năm sao và tiến sỹ giáo sư lại nhiều như….. ong vỡ tổ, như ở cái nước “làm cái xe đạp cũng phải nhập nguyên liệu phụ tùng nước ngoài”, nơi mà hoa hậu trả lời “Bikini là một món…súp Nga”! Nhiều tiến sỹ đến mức:
“làm đường đường lún, xây nhà nhà nghiêng”…. đi học,
chữa bệnh mất tiền
mà bao “tiến sỹ” ngang nhiên khoe rằng:
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA MUÔN NĂM
Thằng nào chống nó ông… dần đến nơi…
Chết ! lạc đề vì nổi máu thi ca rồi ……Quay lại vậy:
Nhớ lại trí thức xưa
- Ngày xửa ngày xưa, cái năm 1949 ấy mà , khi tớ vào Đảng Lao Động VN, được học những bài chính trị đầu tiên về sắp xếp lực lượng, đối tượng địch, ta, tớ giật mình đến bắn người khi người ta phổ biến “Thế nào là trí thức”, tớ được biết lần đầu tiên khẩu hiệu xặc mùi xà beng, đao búa “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc , trốc tận rễ”! Sau này đã được người ta làm “nhẹ hoá đi bằng cách gọi là những “tiểu tư sản trí thức tiến bộ, trí thức đã “đầu hàng giai cấp công nhân”, đã “vô sản hoá”…để gọi những ai đã theo kháng chiến ! Còn ai còn ở lại thành phố kiểu như bố, mẹ tớ đều là bọn “nguỵ”, bọn “phản động” và chúng tớ phải kiên định lập trường là “bọn chúng là những đối tượng phải tiêu diệt của cách mạng vô sản….vì chính chúng là những kẻ luôn chống phá lại “chúng ta”… Tớ trót bị gọi là “nhạc sỹ”, lại cũng trót dại khai lý lịch thật thà , trót đi học thời Tây đến đâu, nên lúc nào cũng lo ngơm ngớp chẳng biết lúc nào sẽ….mất béng cái bát cơm và đi cải tạo mút mùa.
- Tớ lại nhớ : sau khi giả vờ sửa sai cái vụ CCRĐ, chỉnh đốn tổ chức, tố điêu, giết lầm hàng chục ngàn người, về Hà Nội, năm 1956, tưởng rằng thời cơ được “mở miệng”như ông Hồ nói đã tới, một số số trí thức , văn nghệ sỹ công khai đòi một tí chút dân chủ còm, bằng cách ra một số báo, tạp chí (thời đó chưa có luật cấm báo chí tư nhân như bây giờ) để làm nơi trình bày công khai, thẳng thắn những nguyện vọng của mình với Đảng, Nhà nước…. Tớ nhớ, đi đầu lại là các nhà trí thức không chịu “vô sản hoá”.. .Và a-lê-hấp! Tất cả đã bị trừng trị thích đáng thế nào lịch sử “đào tận gốc, trốc tận rễ” trí thức văn nghệ sỹ “phản động” này được diễn ra sao, cả thế giới này đang còn khá đầy đủ tài liệu. (Các bạn trẻ hãy tìm hiểu trên google hoặc vào các trang mạng như Talawas để biết thêm , tớ không hề bịa).
- Tớ lại nhớ những ngày sau 30 tháng 4/1975 , vào Sài-Gòn , tớ được thực mục sở thị hàng loạt trí thức văn nghệ sỹ bỏ của chạy lấy người, hàng loạt vị khác vì có dính líu tới quân đội “ngụỵ” đã bị đi cải tạo mút mùa…. Một số chết bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc… Còn lại ai chưa kịp “chạy loạn CS” đã “dần dần vượt biên, còn lại chỉ có thằng điên thằng khùng” thì…” cũng “thà bỏ xác ngoài khơi chứ không chịu cộng tác với cs”, hình thành nên một khối dân di cư Việt Nam tỵ nạn đến gần 4.000.000 người khắp thế giới. Một vụ EXODUS chưa từng có trong lịch sử loài người sau cuộc di cư của những người Do Thái… Một số ít, rất ít muốn “thử” ở lại cộng tác với chính quyền mới xem sao thì cuối cùng…. đành vỡ mộng, sống kiếp bịt miệng qua ngày hoặc cam tâm cải tạo đầu hàng về tư tưởng để hưởng tí vinh hoa dỏm! Vậy mà ;…
VÌ SAO HÔM NAY LẠI LẮM TRÍ THỨC ĐẾN NHƯ VẬY.-
- Kể từ khi người ta có chủ trương “đổi mới”, “mở cửa” , “hội nhập”, thì người ta bắt đầu ngộ ra rằng : Muốn hội nhập, muốn xây dựng một đất nước ra cái điều văn minh lịch sự thì , không thể tạo ra một số “Then”, số “Chốt” kiểu mới : những trí thức Việt kiểu mới. Và người ta “đi trước đón đầu bằng cách “sản xuất” ra hàng ngàn “tiến sỹ giáo sư của Đảng”. Ngành nào cũng đầy những vị tiến sỹ, Viện Văn Học chỉ có bà bán nước ngoài cổng Viện và lão Quê Choa là không tiến sỹ mà thôi (blog Quê Choa). Chỉ riêng chính phủ và quốc hội đã có số lượng giáo sư tiến sĩ nhiều hơn cả Mĩ, Anh, Pháp, Nga… Chẳng thế mà ông Nguyễn Sinh Hùng lo rằng bãi nhiệm một ai đó thì sẽ không có người làm việc, và người ta yên trí là trí thức mới nay điều khiển bộ máy nhà nước thì chỉ có tiến lên, tăng trưởng không ngừng . Cái chuyện kinh tế trí thức chỉ là cái họ đang xúc tiến trên khắp đất nước. Khỏi phải góp ý! Cho đến….
Vụ Bauxit, chủ trương lớn của Đảng ở Tây Nguyên bị hàng loạt giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học “thật “, yêu cầu đinh chỉ ngay sau sự cố chết người do bùn đỏ ở Hung ga-ry …Với lý do khai thác Bô-xít ở Đắc Nông- Lâm Đồng là treo những “quả bom bùn đỏ” không biết lúc nào sẽ nổ trên đầu nhân dân ta thì mới lộ ra : Các ông tiến sĩ, giáo sư công chức của nhà nước , phần lớn chỉ là những…. đồ dỏm ! Lá thư kêu gọi đình chỉ ngay với những lí lẽ đầy thuyết phục bị bịt miệng gần nửa tháng trời, không một báo chí nào dám đăng tải . Nhưng Internet đã loan đi khắp hoàn cầu , đã đánh động lương tâm của cả dư luận, quần chúng trong nước lẫn nước ngoài.
Vậy mà, chưa biết người ta phản đối như thế nào, các vị “trí thức nhà nước” đã dám bác bỏ thẳng thừng, phê phán họ như những đồ ngu Mới thấy tai nạn ở Hung-ga-ry đã bàn lui….chẳng lẽ cả thế giới ai khai thác Bô-xít đều bỏ hết hay sao? Nào là: “Chủ trương khai thác Bauxit đã được thống nhất rồi, bây giờ dự án đang triển khai thì cứ tiếp tục” (đại tá Võ Văn Đủ, đại biểu quốc hội, giám đốc công an tỉnh Đắc Nông) hoặc :”Môi trường bảo đảm hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn” ( bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên).-T.Trẻ hai ngày 22-23/10/010-
Cho đến ngày 22/10/2010, khi báo chí, đi đầu là Tuần VN cho đăng tải toàn văn lá thư của hơn 2000 người trong đó đa số là trí thức, tướng tá, nguyên Trung Ương uỷ viên, nguyên các viện trưởng khoa học (chẳng hiểu “đã được phép” hay báo chí lề phải đã dám làm một cú lề trái đây?) thì mới toé loe ra rằng: Ngay ông bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng (nơi đang ôm trọn quả bom bùn đỏ) cũng chẳng biết là có sự phản đối này. Ông nói: “Đến lúc này, ngoài việc tìm hiểu qua kênh báo chí, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan, tổ chức cá nhân nào phản biện, hay phản đối nào. Tỉnh cũng chưa nhận được đề nghị nào của các nhà cách mạng lão thành, các cán bộ nghỉ hưu….Mọi ý kiến góp ý phản biện bao giờ cũng đi tìm địa chỉ trực tiếp….” Còn ông Trần Thế Việt, nguyên bí thư thành uỷ Đà Lạt thì nói: “Không thể đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới ngày nay bởi người ta hướng đến phát triển bền vững nhất. Họ đang cố tránh khai thác Bauxit bằng mọi cách thì mình lại lao vào . Là một trí thức đã từng cùng mọi người đi qua những năm tháng đấu tranh gian khổ mới có được đất nước như bây giờ, khi quốc gia “hữu sự” thì tôi phải lên tiếng chứ”. Còn ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án nhôm của Tổng công ti khoáng sản VN thuộc Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản TKV thì phát biểu thẳng là : “Thiết lập một quy trình công nghệ cho một nhà máy xử lí một loại quặng nhất định thì bắt buộc phải lấy mẫu đại diện nghiên cứu, xác lập công nghệ cho loại quặng đó. Trong nội bộ có người cho tôi biết là tài liệu họ (Trung Quốc) cung cấp thì thấy làm rất sơ sài . Và ông khẳng định như bà Phạm Chi Lan và giáo sư Chu Hảo . Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên “chỉ bảo đảm an toàn hồ chứa bùn đỏ trên lí thuyết “thì “Thảm hoạ bùn đỏ mà Hungary đang phải gánh chịu là một thời điểm thích hợp thậm chí là một cơ hội tốt nhất để chúng ta rút khỏi dự án một cách hợp lí” . Đặc biệt những gì nhóm FIDS cũ, nhân ngày “giỗ” đã phát biểu đều được đăng tải công khai trên báo chí lề phải. Chưa bao giờ một ý kiến phản bác lại một chủ trương lớn của đảng đã được tiến hành thậm chí công bố trên báo chí, cả số liệu1300 nhân viên Trung Quốc và 700 nhân viên Việt Nam đều được chạm nhau toé lửa trên các mặt báo. Lần đầu tiên, các loại trí thức được phản biện nhau công khai trước nhĩ mục quan chiêm, một sự cố văn hoá xã hội bình thường ở nước khác nhưng rất hi hữu ở cái đất nước bị bịt miêng, bịt mắt này..
SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU CUỘC ĐẤU TRANH NÀY?
- Với bản chất một kẻ bị lừa nhiều rồi, nên đặt tay gõ lên keyboard ký tên, (số thứ tự 418) tớ vẫn không bỏ khỏi ý nghĩ : kí gì thì kí, họ đâu có thèm nghe khi họ luôn nghĩ : họ có quyền đứng trên đầu thiên hạ, là chẳng còn ai hơn mình, bộ máy mình làm việc đâu có “xí xố” , toàn tiến sĩ, trí thức, giáo sư cơ mà.! Nhất là lại có sự chỉ đạo sáng suốt của một Đảng đã đánh thắng 2 kẻ thù to thì làm gì chẳng đi tới thắng lợi!
Tuy nhiên, ký rồi mà tớ vẫn nghĩ : để xem ra sao và thực tình , đến giờ tớ vẫn tin rằng phe “trí thức nhà nước” nó sẽ thắng. Cụ thể nhất là cho tới ngày hôm nay, ông “Trọng không có gì mới” vẫn không chịu đưa vào chương trình nghị sự của lần họp quốc hội cuối cùng , các nhân vật to nhất cũng chưa hề hé môi. Cũng có thể họ đang còn đến từng nhà những nhân vật quan trọng như bà Nguyễn Thị Bình, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu… để thuyết phục với những lí do “tế nhị”, những quan hệ “ngoại giao bí mật” mà đình chỉ vụ Bauxit này sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước.
Kèm theo là một món quà tặng, như một tấm huân chương cao quý , một vila cao cấp nào đó như đã từng xảy ra đối với một số nhân vật nghe có mùi hơi…. phản bác hoặc có mòi….”tự diễn biến”!
Đối với tớ, là một thành phần phức tạp luôn lật ngược vấn đề thì qua cái câu chuyện chưa từng xảy ra này tớ nhận thức được thêm những vấn đề sau đây:
1./ Đừng có mơ là tất cả những người kí tên đều là những người muốn đứng vào hàng ngũ đấu tranh cho dân chủ, công bằng, văn minh.
2./ Việc danh sách kí tên ngày càng dài ra thì càng lộ rõ ai là những kẻ ngậm miệng ăn tiền lâu nay. Lần này cũng “té bùn theo mưa”.
3./ Tuy chỉ là kí tên phản đối về một vụ việc bùn đỏ Bauxit nhưng còn cả đống những thằng đại hèn chưa dám đặt bút hoặc nhờ người ký dùm… Đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ thì ngoài một số nhà văn, nhà báo, giới hoạ sỹ, còn thì sao nọ, sao kia đều lặn mất tăm, đạo diễn , diễn viên… đều ngậm miệng kiếm tiền .Còn giới nhạc sỹ thì ngoài 2 cái tên Hồ Bông và Phú Yên, chẳng một ai dám động đậy ngón tay út vì quá quen “nghề muôn năm, muôn năm” quá nên hèn đã là lẽ sống rồi!
4./ Qua cuộc phát biểu trái chiều này càng lộ rõ chân tướng của những tên trí thức của đảng. Những tên “bàn”, tên “ghế”, tên “nồi”, tên “xoong” nào đó hàng ngày xuất hiện trên báo chí và ti vi với hai chữ “tờ sờ” mà chẳng hiểu “tờ sờ” về món gì. Chúng láo khoét chửi bới các nhà trí thức phản biện về mọi mặt mà chẳng biết họ phản biện cái gì. Chúng thà chết vẫn trung thành với nghị quyết dù biết nghị quyết đó đang dẫn toàn dân đến chỗ chết nhưng vẫn gân cổ lói ngọng bằng vài đường ný nuận cùn.
5./ Tớ tìm ra được một hình tượng kinh khủng như sau: Có một cái bệnh viện rất to lớn đầy đủ phương tiện kĩ thuật nhưng ban giám đốc đều là những y tá được cấp bằng tiến sĩ y khoa dỏm, các trưởng khoa đều là những “cứu thương đại đội” được cấp bằng thạc sĩ chuyên khoa tim mạch, thần kinh… Cái bệnh viện ấy dù miễn phí có ai mất trí mà vác xác vào không. Nó không thể ung dung tồn tại. Nó cần phải đập phá đi,đuổi bằng hết những tên bác sỹ, giáo sư mới tốt nghiệp lớp 3 trường làng đi…. Bằng không nó sẽ là cái nơi giết người.
Vậy mà người ta vẫn chỉ có cách: ” Kính gửi ban giám đốc bệnh viện, mong các ông đóng cửa giùm cho chúng em nhờ!” v v và v v . Nghĩ nhục thật!
Đó là nỗi khổ của những trí thức , tướng tá, lão thành cách mạng đành phải phát huy dân chủ bằng cách … làm đơn kính gửi…các trí thức, đỉnh cao trí tuệ để xin ngừng việc khai thác Bauxit hôm nay vậy.
Ôi trí thức thời nay sao nhục thế!
http://tohair.multiply.com/journal/item/21/21
Posted on 25/10/2010 by danlambaoblog
Nhạc sĩ Tô Hải – Bài này là bài thứ ba trong một tuần tớ tăng năng xuất để trả lời bọn treo “Sinh Tử Lệnh” giết 2 blog của tớ là:
Trừ tao chết , chúng mày không cấm được tao nói thật những gì tao suy nghĩ đâu
Ngày xưa ai đó nói rằng : “Nước ta, ra ngõ gặp anh hùng”, ngày nay tớ nói : “Mỗi bước ta đi đạp phải chân một tay… tiến sỹ!” Quả thật vậy: Không một nước nào tướng hai, ba ,bốn năm sao và tiến sỹ giáo sư lại nhiều như….. ong vỡ tổ, như ở cái nước “làm cái xe đạp cũng phải nhập nguyên liệu phụ tùng nước ngoài”, nơi mà hoa hậu trả lời “Bikini là một món…súp Nga”! Nhiều tiến sỹ đến mức:
“làm đường đường lún, xây nhà nhà nghiêng”…. đi học,
chữa bệnh mất tiền
mà bao “tiến sỹ” ngang nhiên khoe rằng:
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA MUÔN NĂM
Thằng nào chống nó ông… dần đến nơi…
Chết ! lạc đề vì nổi máu thi ca rồi ……Quay lại vậy:
Nhớ lại trí thức xưa
- Ngày xửa ngày xưa, cái năm 1949 ấy mà , khi tớ vào Đảng Lao Động VN, được học những bài chính trị đầu tiên về sắp xếp lực lượng, đối tượng địch, ta, tớ giật mình đến bắn người khi người ta phổ biến “Thế nào là trí thức”, tớ được biết lần đầu tiên khẩu hiệu xặc mùi xà beng, đao búa “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc , trốc tận rễ”! Sau này đã được người ta làm “nhẹ hoá đi bằng cách gọi là những “tiểu tư sản trí thức tiến bộ, trí thức đã “đầu hàng giai cấp công nhân”, đã “vô sản hoá”…để gọi những ai đã theo kháng chiến ! Còn ai còn ở lại thành phố kiểu như bố, mẹ tớ đều là bọn “nguỵ”, bọn “phản động” và chúng tớ phải kiên định lập trường là “bọn chúng là những đối tượng phải tiêu diệt của cách mạng vô sản….vì chính chúng là những kẻ luôn chống phá lại “chúng ta”… Tớ trót bị gọi là “nhạc sỹ”, lại cũng trót dại khai lý lịch thật thà , trót đi học thời Tây đến đâu, nên lúc nào cũng lo ngơm ngớp chẳng biết lúc nào sẽ….mất béng cái bát cơm và đi cải tạo mút mùa.
- Tớ lại nhớ : sau khi giả vờ sửa sai cái vụ CCRĐ, chỉnh đốn tổ chức, tố điêu, giết lầm hàng chục ngàn người, về Hà Nội, năm 1956, tưởng rằng thời cơ được “mở miệng”như ông Hồ nói đã tới, một số số trí thức , văn nghệ sỹ công khai đòi một tí chút dân chủ còm, bằng cách ra một số báo, tạp chí (thời đó chưa có luật cấm báo chí tư nhân như bây giờ) để làm nơi trình bày công khai, thẳng thắn những nguyện vọng của mình với Đảng, Nhà nước…. Tớ nhớ, đi đầu lại là các nhà trí thức không chịu “vô sản hoá”.. .Và a-lê-hấp! Tất cả đã bị trừng trị thích đáng thế nào lịch sử “đào tận gốc, trốc tận rễ” trí thức văn nghệ sỹ “phản động” này được diễn ra sao, cả thế giới này đang còn khá đầy đủ tài liệu. (Các bạn trẻ hãy tìm hiểu trên google hoặc vào các trang mạng như Talawas để biết thêm , tớ không hề bịa).
- Tớ lại nhớ những ngày sau 30 tháng 4/1975 , vào Sài-Gòn , tớ được thực mục sở thị hàng loạt trí thức văn nghệ sỹ bỏ của chạy lấy người, hàng loạt vị khác vì có dính líu tới quân đội “ngụỵ” đã bị đi cải tạo mút mùa…. Một số chết bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc… Còn lại ai chưa kịp “chạy loạn CS” đã “dần dần vượt biên, còn lại chỉ có thằng điên thằng khùng” thì…” cũng “thà bỏ xác ngoài khơi chứ không chịu cộng tác với cs”, hình thành nên một khối dân di cư Việt Nam tỵ nạn đến gần 4.000.000 người khắp thế giới. Một vụ EXODUS chưa từng có trong lịch sử loài người sau cuộc di cư của những người Do Thái… Một số ít, rất ít muốn “thử” ở lại cộng tác với chính quyền mới xem sao thì cuối cùng…. đành vỡ mộng, sống kiếp bịt miệng qua ngày hoặc cam tâm cải tạo đầu hàng về tư tưởng để hưởng tí vinh hoa dỏm! Vậy mà ;…
VÌ SAO HÔM NAY LẠI LẮM TRÍ THỨC ĐẾN NHƯ VẬY.-
- Kể từ khi người ta có chủ trương “đổi mới”, “mở cửa” , “hội nhập”, thì người ta bắt đầu ngộ ra rằng : Muốn hội nhập, muốn xây dựng một đất nước ra cái điều văn minh lịch sự thì , không thể tạo ra một số “Then”, số “Chốt” kiểu mới : những trí thức Việt kiểu mới. Và người ta “đi trước đón đầu bằng cách “sản xuất” ra hàng ngàn “tiến sỹ giáo sư của Đảng”. Ngành nào cũng đầy những vị tiến sỹ, Viện Văn Học chỉ có bà bán nước ngoài cổng Viện và lão Quê Choa là không tiến sỹ mà thôi (blog Quê Choa). Chỉ riêng chính phủ và quốc hội đã có số lượng giáo sư tiến sĩ nhiều hơn cả Mĩ, Anh, Pháp, Nga… Chẳng thế mà ông Nguyễn Sinh Hùng lo rằng bãi nhiệm một ai đó thì sẽ không có người làm việc, và người ta yên trí là trí thức mới nay điều khiển bộ máy nhà nước thì chỉ có tiến lên, tăng trưởng không ngừng . Cái chuyện kinh tế trí thức chỉ là cái họ đang xúc tiến trên khắp đất nước. Khỏi phải góp ý! Cho đến….
Vụ Bauxit, chủ trương lớn của Đảng ở Tây Nguyên bị hàng loạt giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học “thật “, yêu cầu đinh chỉ ngay sau sự cố chết người do bùn đỏ ở Hung ga-ry …Với lý do khai thác Bô-xít ở Đắc Nông- Lâm Đồng là treo những “quả bom bùn đỏ” không biết lúc nào sẽ nổ trên đầu nhân dân ta thì mới lộ ra : Các ông tiến sĩ, giáo sư công chức của nhà nước , phần lớn chỉ là những…. đồ dỏm ! Lá thư kêu gọi đình chỉ ngay với những lí lẽ đầy thuyết phục bị bịt miệng gần nửa tháng trời, không một báo chí nào dám đăng tải . Nhưng Internet đã loan đi khắp hoàn cầu , đã đánh động lương tâm của cả dư luận, quần chúng trong nước lẫn nước ngoài.
Vậy mà, chưa biết người ta phản đối như thế nào, các vị “trí thức nhà nước” đã dám bác bỏ thẳng thừng, phê phán họ như những đồ ngu Mới thấy tai nạn ở Hung-ga-ry đã bàn lui….chẳng lẽ cả thế giới ai khai thác Bô-xít đều bỏ hết hay sao? Nào là: “Chủ trương khai thác Bauxit đã được thống nhất rồi, bây giờ dự án đang triển khai thì cứ tiếp tục” (đại tá Võ Văn Đủ, đại biểu quốc hội, giám đốc công an tỉnh Đắc Nông) hoặc :”Môi trường bảo đảm hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn” ( bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên).-T.Trẻ hai ngày 22-23/10/010-
Cho đến ngày 22/10/2010, khi báo chí, đi đầu là Tuần VN cho đăng tải toàn văn lá thư của hơn 2000 người trong đó đa số là trí thức, tướng tá, nguyên Trung Ương uỷ viên, nguyên các viện trưởng khoa học (chẳng hiểu “đã được phép” hay báo chí lề phải đã dám làm một cú lề trái đây?) thì mới toé loe ra rằng: Ngay ông bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng (nơi đang ôm trọn quả bom bùn đỏ) cũng chẳng biết là có sự phản đối này. Ông nói: “Đến lúc này, ngoài việc tìm hiểu qua kênh báo chí, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan, tổ chức cá nhân nào phản biện, hay phản đối nào. Tỉnh cũng chưa nhận được đề nghị nào của các nhà cách mạng lão thành, các cán bộ nghỉ hưu….Mọi ý kiến góp ý phản biện bao giờ cũng đi tìm địa chỉ trực tiếp….” Còn ông Trần Thế Việt, nguyên bí thư thành uỷ Đà Lạt thì nói: “Không thể đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới ngày nay bởi người ta hướng đến phát triển bền vững nhất. Họ đang cố tránh khai thác Bauxit bằng mọi cách thì mình lại lao vào . Là một trí thức đã từng cùng mọi người đi qua những năm tháng đấu tranh gian khổ mới có được đất nước như bây giờ, khi quốc gia “hữu sự” thì tôi phải lên tiếng chứ”. Còn ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án nhôm của Tổng công ti khoáng sản VN thuộc Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản TKV thì phát biểu thẳng là : “Thiết lập một quy trình công nghệ cho một nhà máy xử lí một loại quặng nhất định thì bắt buộc phải lấy mẫu đại diện nghiên cứu, xác lập công nghệ cho loại quặng đó. Trong nội bộ có người cho tôi biết là tài liệu họ (Trung Quốc) cung cấp thì thấy làm rất sơ sài . Và ông khẳng định như bà Phạm Chi Lan và giáo sư Chu Hảo . Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên “chỉ bảo đảm an toàn hồ chứa bùn đỏ trên lí thuyết “thì “Thảm hoạ bùn đỏ mà Hungary đang phải gánh chịu là một thời điểm thích hợp thậm chí là một cơ hội tốt nhất để chúng ta rút khỏi dự án một cách hợp lí” . Đặc biệt những gì nhóm FIDS cũ, nhân ngày “giỗ” đã phát biểu đều được đăng tải công khai trên báo chí lề phải. Chưa bao giờ một ý kiến phản bác lại một chủ trương lớn của đảng đã được tiến hành thậm chí công bố trên báo chí, cả số liệu1300 nhân viên Trung Quốc và 700 nhân viên Việt Nam đều được chạm nhau toé lửa trên các mặt báo. Lần đầu tiên, các loại trí thức được phản biện nhau công khai trước nhĩ mục quan chiêm, một sự cố văn hoá xã hội bình thường ở nước khác nhưng rất hi hữu ở cái đất nước bị bịt miêng, bịt mắt này..
SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU CUỘC ĐẤU TRANH NÀY?
- Với bản chất một kẻ bị lừa nhiều rồi, nên đặt tay gõ lên keyboard ký tên, (số thứ tự 418) tớ vẫn không bỏ khỏi ý nghĩ : kí gì thì kí, họ đâu có thèm nghe khi họ luôn nghĩ : họ có quyền đứng trên đầu thiên hạ, là chẳng còn ai hơn mình, bộ máy mình làm việc đâu có “xí xố” , toàn tiến sĩ, trí thức, giáo sư cơ mà.! Nhất là lại có sự chỉ đạo sáng suốt của một Đảng đã đánh thắng 2 kẻ thù to thì làm gì chẳng đi tới thắng lợi!
Tuy nhiên, ký rồi mà tớ vẫn nghĩ : để xem ra sao và thực tình , đến giờ tớ vẫn tin rằng phe “trí thức nhà nước” nó sẽ thắng. Cụ thể nhất là cho tới ngày hôm nay, ông “Trọng không có gì mới” vẫn không chịu đưa vào chương trình nghị sự của lần họp quốc hội cuối cùng , các nhân vật to nhất cũng chưa hề hé môi. Cũng có thể họ đang còn đến từng nhà những nhân vật quan trọng như bà Nguyễn Thị Bình, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu… để thuyết phục với những lí do “tế nhị”, những quan hệ “ngoại giao bí mật” mà đình chỉ vụ Bauxit này sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước.
Kèm theo là một món quà tặng, như một tấm huân chương cao quý , một vila cao cấp nào đó như đã từng xảy ra đối với một số nhân vật nghe có mùi hơi…. phản bác hoặc có mòi….”tự diễn biến”!
Đối với tớ, là một thành phần phức tạp luôn lật ngược vấn đề thì qua cái câu chuyện chưa từng xảy ra này tớ nhận thức được thêm những vấn đề sau đây:
1./ Đừng có mơ là tất cả những người kí tên đều là những người muốn đứng vào hàng ngũ đấu tranh cho dân chủ, công bằng, văn minh.
2./ Việc danh sách kí tên ngày càng dài ra thì càng lộ rõ ai là những kẻ ngậm miệng ăn tiền lâu nay. Lần này cũng “té bùn theo mưa”.
3./ Tuy chỉ là kí tên phản đối về một vụ việc bùn đỏ Bauxit nhưng còn cả đống những thằng đại hèn chưa dám đặt bút hoặc nhờ người ký dùm… Đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ thì ngoài một số nhà văn, nhà báo, giới hoạ sỹ, còn thì sao nọ, sao kia đều lặn mất tăm, đạo diễn , diễn viên… đều ngậm miệng kiếm tiền .Còn giới nhạc sỹ thì ngoài 2 cái tên Hồ Bông và Phú Yên, chẳng một ai dám động đậy ngón tay út vì quá quen “nghề muôn năm, muôn năm” quá nên hèn đã là lẽ sống rồi!
4./ Qua cuộc phát biểu trái chiều này càng lộ rõ chân tướng của những tên trí thức của đảng. Những tên “bàn”, tên “ghế”, tên “nồi”, tên “xoong” nào đó hàng ngày xuất hiện trên báo chí và ti vi với hai chữ “tờ sờ” mà chẳng hiểu “tờ sờ” về món gì. Chúng láo khoét chửi bới các nhà trí thức phản biện về mọi mặt mà chẳng biết họ phản biện cái gì. Chúng thà chết vẫn trung thành với nghị quyết dù biết nghị quyết đó đang dẫn toàn dân đến chỗ chết nhưng vẫn gân cổ lói ngọng bằng vài đường ný nuận cùn.
5./ Tớ tìm ra được một hình tượng kinh khủng như sau: Có một cái bệnh viện rất to lớn đầy đủ phương tiện kĩ thuật nhưng ban giám đốc đều là những y tá được cấp bằng tiến sĩ y khoa dỏm, các trưởng khoa đều là những “cứu thương đại đội” được cấp bằng thạc sĩ chuyên khoa tim mạch, thần kinh… Cái bệnh viện ấy dù miễn phí có ai mất trí mà vác xác vào không. Nó không thể ung dung tồn tại. Nó cần phải đập phá đi,đuổi bằng hết những tên bác sỹ, giáo sư mới tốt nghiệp lớp 3 trường làng đi…. Bằng không nó sẽ là cái nơi giết người.
Vậy mà người ta vẫn chỉ có cách: ” Kính gửi ban giám đốc bệnh viện, mong các ông đóng cửa giùm cho chúng em nhờ!” v v và v v . Nghĩ nhục thật!
Đó là nỗi khổ của những trí thức , tướng tá, lão thành cách mạng đành phải phát huy dân chủ bằng cách … làm đơn kính gửi…các trí thức, đỉnh cao trí tuệ để xin ngừng việc khai thác Bauxit hôm nay vậy.
Ôi trí thức thời nay sao nhục thế!
http://tohair.multiply.com/journal/item/21/21
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)