Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ bốn)

Cái ngày 16-3-1968 bi thương ấy đã cướp đi của 3 chị em tôi, dường như tất cả cuộc sống, tuổi thơ hồn nhiên, người mẹ kính yêu, người chị và đứa em hiền từ…

Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi

(tiếp theo kỳ trước)

.... Quãng đời của 3 chị em tôi sau ngày thảm sát ấy thật gian lao cùng cực, về sống với bà ngoại già yếu neo đơn, thiếu thốn đủ bề, đói khát, gian truân, bên cạnh bị chính quyền ngụy tra hỏi và luôn gây khó khăn vì liệt vào gia đình cộng sản cần phải theo dõi. Công việc mưu sinh của 3 chị em chúng tôi hơn 20 năm có khác gì cuộc sống của những kẻ lỡ vận ăn xin, với cảnh màn trời chiếu đất.

Vì nhớ mẹ, đôi lúc muốn vào nhà chứng tích để xem hình mẹ, nhưng trong túi không có tiền mua vé vào cổng đành thôi.

Dần lớn lên, tôi vào nhà chứng tích thường xuyên hơn. Cứ mỗi lần về Tháp Canh thắp nhang cho mồ mẹ, chị Hồng và em Huệ, tôi đều có ý kiến khiếu nại với ban lãnh đạo nhà chứng tích về những thông tin sai lệch về mẹ tôi cũng như tên tuổi trên bia. Họ đón nhận tôi và những thông tin của tôi với thái độ như một kẻ nhà giàu vô tâm, khó chịu,.....


Trần Thị Hà, cô em gái được Đức ôm dìu đi trong bức ảnh lịch sử sáng 16-3-1968

Vì một vài lý do khách quan nên tôi viết những dòng hồi ký này. Đôi lúc nó cũng là thông điệp đến tay một vài người trong số 130 lính Mỹ và những "lãnh đạo, chỉ huy“ của những Ernnest Medina, William Calley, Oran K Henderson, Samuel W Koster, Eugene kotouc... mà 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 16-3-1968 đã từng xả súng sát hại 504 dân lành vô tội quê tôi, gây nên bao thảm cảnh tang thương cho gia đình của họ, bao đứa trẻ mồ côi phải gánh chịu một cuộc đời bất hạnh, bao người già không còn nơi nương tựa, sự hệ lụy thương tâm và tàn khốc ...

Vậy mà gần 42 năm rồi, họ vẫn lẩn tránh, chưa lần nào trở lại làng hồng Pinkville, họ vẫn lẩn tránh chính họ và những gì tang thương nhất mà họ đã gây ra.... Nhưng chắc rằng họ sẽ phải nói với con cháu họ nếu hiện đang trong quân ngũ rằng: đừng bao giờ lập lại “vụ thảm sát Mỹ Lai“ ở bất cứ nơi nào trên quả đất này.

Và tôi muốn nói với các tòa báo rằng, khi cử phóng viên của mình về Mỹ Lai sưu tầm thông tin để viết, nên cố cho thêm tiền lộ phí, để phóng viên của mình cố gắng đi xa hơn, có thể chỉ thêm 800 mét nữa thôi, nhưng sẽ đến được bao gia đình nạn nhân, bao nhân chứng của cái ngày bi thương 16-3-1968 đó. Được như thế, sẽ thấy pinkville không chỉ toàn màu xanh của cuộc sống mới, mà vẫn còn đó những vệt lốm đốm, những chấm màu hồng, những cuộc đời bi thương hệ lụy.

Việt Nam và quốc tế, hàng ngàn, hàng triệu nhà báo, các đoàn làm phim, thậm chí Pinkville và Oliver Stone cũng chỉ làm việc với ban lãnh đạo nhà chứng tích hoặc thông dịch viên, mà bao người đó họ có đồng cảm và đại diện cho chúng tôi đâu?

... Bức tường nhà chứng tích không cao lắm, nhưng nó đủ ngăn cách 2 bề mặt của cuộc đời, đáng thương thay số phận nghiệt ngã và cuộc đời bất hạnh của bao con người còn sống sót....

Qua đây, tôi xin cám ơn ông Ronald L Haeberle. Ông đã chụp được tấm hình mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu, cho dù dân Sơn Mỹ vẫn còn trăn trở rất nhiều về những tấm hình của ông, như 2 tấm hình của 4 đứa bé này, 2 đứa bé nào bị lính Mỹ bắn tan xác sau khi ông chụp hình? Tấm hình màu ông chụp 2 đứa bé nằm trên đường, có phải ông chụp từ trên trực thăng? Hai đứa trẻ ôm nhau dìu lết đi trên bờ ruộng đó chính là anh em tôi đấy. Sau đó không lâu ông vẫn dùng máy này chụp hình bà Nguyễn Thị Tẩu? Người đàn bà chết miệng còn ngậm chiếc nón lá kia chính là mẹ tôi đấy.


... Thực tế không có những tấm hình của ông, vụ thảm sát Sơn Mỹ sáng ngày 16-3-1968 ấy khó có thể làm sáng tỏ được, cho dù Hugh Thompson, Larry Colburn, Ron Ridenhour, Seymour Hersh và William R. Peers có cố gắng đến đâu, nhưng thiếu bao tấm hình tang thương kia thì chính phủ Mỹ vẫn không chấp nhận đó là vụ thảm sát “Massacre“.

Tôi -Trần Văn Đức, nạn nhân còn sống sót ở Mỹ Lai sáng ngày 16-3-1968, xin đại diện cho một số bà con còn sống sót ở Mỹ Lai mà tôi được phép thay mặt, gửi tới ông lời cám ơn chân thành nhất, mãi mãi tri ân và xin chúc ông cùng gia đình dồi dào sức khỏe, vạn an.... !

,

- Bức ảnh màu của Ronald Haeberle chụp sáng 16-3-1968, theo Đức 2 đứa trẻ trong bức ảnh này không phải là Trương Bốn và Trương Năm, mà chính là Đức và đứa em gái Trần Thị Hà của mình.

- Còn bức ảnh trắng đen của Ronald Haeberle chụp sáng 16-3-1968 do Đức tìm sưu tầm được từ tạp chí CBS, BBC và đã gửi về nhà chứng tích Sơn Mỹ tháng 8. 2009. 2 em bé trên bức ảnh này là Trương Bốn và Trương Thị Bảy, con ông Trương Nhị, bị bắn sau vài giây khi Ronald chụp xong tấm hình này. Gia đình 2 em có 5 người bị giặc Mỹ bắn chết: cha Trương Nhị, 4 người con Trương Bốn, Trương Năm, Trương Thị Sáu, Trương Thị Bảy.

Germany- Remscheid 2009

Trần Văn Đức

Khi Trung Quốc du nhập chủ nghĩa tư bản

Phan Huy Đường

Trong bài Một cuộc tranh luận hão, tôi không bàn tới Trung Quốc vì sợ "lạc đề". Hoặc làm loãng vấn đề được đưa ra tranh luận. Tôi chỉ ghi chú vài lời sau:

Riêng ở các nước "đang nổi", tình hình có khác. Họ mới bước vào giai đoạn các công ty tư bản thổ dân hình thành và lớn mạnh dưới sự che chở và giúp đỡ của nhà nước, với vài ưu thế nằm dưới quyền cai quản của nhà nước: kho lao động rẻ tiền, nguyên vật liệu, e tutti quanti.

Ngày nay, chẳng thể không quan tâm tới anh Trung Quốc vừa mới leo lên vị thế cường quốc thứ nhì về mặt kinh tế và, không lâu nữa, sẽ trở thành cường quốc loại đầu sỏ về mặt quân sự. Thôi thì lạm bàn vậy.

Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc "du nhập" chủ nghĩa Cộng Sản và khai sinh ra Tư tưởng Mao Trạch Đông mà không ít người cộng sản Việt Nam đã từng tôn thờ với những hậu quả khủng khiếp ai cũng biết tuy chẳng ai biết "hết" được: Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, Chống xét lại, học tập cải tạo, e tutti quanti.

Đầu thập niên 80, Đặng Tiểu Bình nắm chính quyền ở Trung Quốc, "du nhập" chủ nghĩa tư bản vào Trung Quốc, biến nó thành điều có người gọi là "Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", mở đường cho Trung Quốc tiến tới vị trí hôm nay trên thế giới.

Khi chủ nghĩa cộng sản "du nhập" Trung Quốc nó bèn mang màu sắc Trung Quốc ; khi chủ nghĩa tư bản "du nhập" Trung Quốc, cũng vậy1. Vì sao thành công? trong việc gì? Vì sao thất bại? Hôm nay thế nào? Thật đáng suy ngẫm một tí.

Khi Mao "du nhập" học thuyết mácxít, ông đã học được một kiến thức cơ bản đúng: phân tích mâu thuẫn nội tại của chế độ tư bản và hình thái đế quốc của nó, vạch ra đường lối chống lại nó. Điều ấy nhiều người đã làm được ở nhiều nước khác. Không phải ai cũng thành công. Vì muốn chiến thắng đế quốc tư bản, chữ nghĩa thôi không đủ: đánh đế quốc bằng chữ nghĩa, đánh cạn đời cũng chẳng đi tới đâu. Vì, như Marx từng viết:

Ðương nhiên, vũ khí phê phán chẳng thể thay thế sự phê phán của vũ khí, chỉ có sức mạnh vật chất mới đánh quỵ được sức mạnh vật chất, nhưng lý thuyết cũng có thể biến thành sức mạnh vật chất khi nó nhập hồn quần chúng. Lý thuyết có khả năng nhập hồn quần chúng khi nó chứng minh được giá trị của nó qua bản thân con người, và nó thực hiện điều đó khi nó đào vấn đề tận gốc.2

Bản thân con người ở đây là bản thân anh nông dân Trung Quốc, sức mạnh vật chất khổng lồ của Trung Quốc thời ấy. Và thời nay!

Công trạng lớn của Mao là khẳng định sách lược quân sự lấy nông thôn vây thành thị. Thành quả khổng lồ. Nhưng xét cho cùng, "không" khó lắm vì đất đai Trung Quốc mênh mông, nông đân đông đúc3. Những quân đội hùng mạnh của đế quốc, kể cả Nhật thời ấy, có thể đánh chiếm các thành thị rất nhanh, không thể hàng ngày kiểm soát nông dân được. Huy động được nông dân theo mình4, rồi nhân lúc Nhật đầu hàng Đồng minh, Mỹ Anh Pháp đang gườm ghè với Liên Xô tại Châu Âu, Mao chiến thắng khá nhanh: 4 năm là xong chuyện. Vĩ đại thật. Nhưng so với anh Việt Nam còm phải đương đầu với cả Tây U và Tưởng Giới Thạch, năm 1945 và sau đó, thì cũng vĩ đại vừa vừa thôi.

Còn về xây dựng kinh tế "xã hội chủ nghĩa", toàn chuyện hão. Ngoài vài nguyên tắc chung chung chỉ có thể có giá trị khi phương thức sản xuất tư bản đã phát huy hết mọi khả năng mà nó chứa đựng5, Marx chẳng để lại gì có thể dùng được ngoài một phương pháp tiếp cận và suy luận về thực tế.

Khi Đặng Tiểu Bình lái Trung Quốc vào quỹ đạo tư bản, tình hình thế giới thế nào?

Mỹ thống trị kinh tế thế giới, đang trở thành "siêu cường quốc duy nhất". Giai cấp tư bản Mỹ thấy Nhà nước Mỹ buộc chân mình. Reagan lên nắm quyền để tuyên bố: "Nhà nước không là giải pháp cho nhưng vấn đề của chúng ta… Chính Nhà nước là vấn đề".6 Và ráo riết:

a/ xoá bỏ những luật lệ cho phép nhà nước Mỹ ít nhiều điều hoà thị trường tư bản tại Mỹ, mặc kệ cho nó tự do phát triển theo lôgíc nội tại của nó.

b/ phá những hàng rào quốc gia về mặt kinh tế. Điều này quá dễ hiểu: nếu cả thế giới biến thành một thị trường tự do cạnh tranh, với thế thượng phong vốn có, anh tư bản Mỹ sẽ dễ dàng thống trị thị trường, nuốt gọn mọi đối thủ.

Nhưng, ở mức đáng kể, Mỹ chỉ thành công một nửa: thị trường trao đổi sản phẩm. Nửa còn lại, thị trường sức lao động, vẫn nằm dưới quyền quản trị của các quốc gia. Và đó là thị trường cơ bản nhất. Tất cả giá trị thặng dư, lợi nhuận sản sinh ở đó trước khi đi vào thị trường sản phẩm để biến thành tiền, thành tư bản, lợi nhuận. Rồi chia chác với nhau.

Trung Quốc đi vào quỹ đạo tư bản trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Họ đã khéo lợi dụng ưu thế của họ trong kinh tế thị trường tư bản, một kho sức lao động rẻ tiền khổng lồ: tôi cho phép anh khai thác trong điều kiện của tôi. Những điều kiện ấy rất hấp dẫn với anh tư bản Tây U, có thể khốc liệt dưới con mắt người Tây U nhưng vẫn hấp dẫn với bàn dân Trung Quốc: đói khổ quá rồi mà… Bước đầu trong một số vùng kinh tế đặc biệt, anh Pháp gọi là zones franches, văn hoá ơi là văn hoá7! Hiện nay, vẫn vậy, thị trường sức lao động Trung Quốc chưa hoàn toàn tự do, đã đành, nhưng cũng chưa hoàn toàn mở.

Thế cũng đã đủ để Trung Quốc trở thành nhà máy của thế giới, l'usine du monde, thu một lượng giá trị thặng dư không đùa tí nào, xây dựng được một chế độ tư bản "độc đáo", nửa quốc doanh, nửa tư doanh, với một "giai cấp trung lưu" đáng kể khoảng 250 triệu người. Mà vẫn còn một kho lao động thuê khổng lồ, khoảng 350 triệu lao công, với giá thị trường vài chục đôla / tháng.

Ta nên nhận diện anh Trung Quốc ngày nay như thế nào?

Thử tìm hiểu xem sao, với kiến thức lỗi thời của thế kỷ 19, Marx qua sự hiểu biết giới hạn của tôi. Chẳng có gì đáng xấu hổ. Ngày nay còn biết bao trí giả kinh tế học nhắc tới "bàn tay vô hình" của thị trường của Smith và trăm thứ khác của thời Ricardo?

0/ Như Marx nói, và tôi cho là đúng, xét cho cùng, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất sản sinh ra thượng tầng ý thức hệ của một hình thái kinh tế - xã hội - chính trị - văn hoá. Duy vật máy móc hết sẩy? Về mặt ngôn ngữ thông thường thôi: nói bậy! Tôi ok. Nhưng nội dung thì không bậy…

Đơn vị đo lường của xét cho cùng không là năm tháng của đời ta, như nhiều người tưởng tượng. Là thế kỷ. Bao nhiêu thế kỷ? Như độc giả nọ viết, ai mà biết được? Nhưng đó không là khái niệm hão. Nó có nội dung rất cụ thể này, quan sát được: khi lực lượng sản xuất không thể phát triển được nữa (trong lực lượng sản xuất có… sức lao động!8), nghĩa là khi "mâu thuẫn nội tại" mà tôi đã trình bày trong bài Một cuộc tranh luận hão nổ tung. Hão chăng? Trong thế kỷ 20, nó đã hai lần bùng nổ như thế nào, ai cũng biết. Nó đã vượt qua nhiều cơn khủng hoảng, với chu kỳ càng ngày càng rút ngắn, nhưng chỉ để tái diễn ở quy mô lớn hơn, đương nhiên dưới những hình thái mới. Hiện nay, ở quy mô thị trường càng ngày càng toàn cầu hoá. Thị trường toàn cầu đích thực sẽ là quy mô cuối cùng. Trừ khi con người di dân khai thác thêm hành tinh khác. Ngay như thế, ở đó làm gì có thêm sức lao động để kiếm giá trị thặng dư? Làm gì có thị trường tiêu thụ mới để biến hàng hoá thành tiền, thành tư bản? Để xem sao.

1/ Trong mọi lĩnh vực của tư duy, đụng một vấn đề quá phức tạp, ta không thể ôm đồn mọi kích thước của nó mà hiểu nổi. Phải tạm thời khoanh từng vùng để tìm hiểu từng khía cạnh với giả thuyết hão "mọi điều kiện khác y hệt" (toute chose étant égale par ailleurs). Với kiến thức kinh tế học cũng vậy. Kinh tế là một kích thước của lịch sử, cơ bản nhất, xét cho cùng. Nhưng với lịch sử cụ thể, tức là hành động của những con người đang sống, thì phương thức sản xuất tư bản chỉ là một nhân tố thôi. Nó không từ trên trời rơi xuống để đột ngột thay đổi cả một xã hội và, nhất là, tư duy của con người trong đó! Nó hình thành và phát triển trong một xã hội có lịch sử, có văn hoá. Những hình thái vận động cụ thể của nó ở một nơi, một thời điềm còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nói chung là tuỳ thuộc động cơ hành động của con người. Con người ấy cũng là sản phẩm của lịch sử. Nó có thể mê Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Hugo, thậm chí… Lamartine! Hoặc Hitler, Staline, Mao, Pinochet, Pol Pot, e tutti quanti. Nó dám mê luôn cả Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử! Cứ đọc Tân Tử Lăng viết về Mao thì biết.

2/ Trên cơ sở ấy, cần nhận diện anh Trung Quốc ngày nay:

a/ về mặt kinh tế, cơ bản là kinh tế tư bản, vận động theo lôgíc của tư bản: phải có lời qua thị trường. Nhưng không nhất thiết phải có lời tối đa, tức khắc, liên tục, bất cứ lúc nào! Nếu cần, sẵn sàng lỗ vốn trước mắt (dumping, anh tư bản Tây Âu sành quá từ lâu rồi mà…) để chiếm phần thị trường trước, tiêu diệt đối thủ, rồi tha hồ vơ vét sau khi đã chiếm thế thượng phong, thậm chí độc quyền (monopole). Trong việc này anh tư bản Trung Quốc có lợi thế đặc biệt: kho sức lao động rẻ mạt đông đảo nhất thế giới, chẳng ai bảo vệ cả, còn đang trong hình thái tự-tại chưa biết vì-mình (en-soi, pour-soi, nhại Hegel).

Nhưng nền kinh tế tư bản Trung Quốc có mặt "đặc thù" so với anh tư bản Tây U ngày nay. Nửa quốc doanh kiểu Trung Quốc! nửa tư doanh. Nửa quốc doanh chiếm thế thượng phong. Ta tạm bỏ qua anh tư doanh, nó chẳng khác anh tư bản Tây U bao nhiêu, cũng đã lan tràn qua Pháp từ lâu rồi (Marionnaud).

Anh quốc doanh là sở hữu của ai? Chẳng của ai cả. Của Nhà nước Trung Quốc hay, nói thế cũng được, của Đảng Cộng sản Trung Quốc9. Điều quan trọng nhất: nó chưa là tư hữu của một cá nhân hay một nhóm cá nhân chỉ lo làm ăn thủ lời cho riêng mình thôi. Chính khách lãnh đạo nó có thể hưởng thụ hả hê, ăn cắp thủ túi ít nhiều, nhưng không thể tức khắc biến nó thành của riêng được. Tuy lâu dài có lẽ sẽ thế thôi. Do đó, vốn của nó có thể coi như "vô tận", cần bao nhiêu cũng có mà chẳng phải vay và trả lời ai: cứ đánh thuế bất cứ ai, tư bản or not, là có.

b/ về mặt chính trị: một chế độ độc tài quan lại kiểu Trung Quốc truyền thống khoác áo chủ nghĩa xã hội, dựa trên một bang hội kín kiểu hiện đại: Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tính chất quan lại và bang hội đến từ văn hoá cổ truyền của Trung Quốc. Nữ trang xã hội chủ nghĩa do hoàn cảnh lịch sử khoác lên vai những anh có một cách hiểu – rất "đặc biệt" – tư tưởng của Marx! Tân Tử Lăng gọi là: Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc!

c/ về mặt văn hoá: tư tưởng Khổng Nho (trong trường hợp tốt) hay/và tư tưởng "mèo trắng mèo đen" của Đặng Tiểu Bình, và đầu óc Đại Hán.10

Phải công nhận Đặng Tiểu Bình là người tài khi ông vạch ra đường lối "bật đèn bên trái, bẻ lái qua phải". Ông đã né tránh được sức đàn áp ý thức hệ áp đảo của Mao, "thống nhất" được, trong hành động, văn hoá và tập quán chính trị truyền thống của Trung Quốc, guồng máy quyền lực của Bang hội Cộng Sản Trung Quốc, để lái con thuyền Trung Quốc vào quỹ đạo tư bản, tất nhiên dưới ngọn cờ "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

Trên cơ sở ấy, không thể đồng nhất công ty tư bản quốc doanh Trung Quốc với công ty tư bản Tây U bình thường. Những người chỉ huy nó có được quyền chỉ huy nhờ quyền lực chính trị, không nhờ tư cách chủ vốn. Đối với họ, công ty quốc doanh chỉ là một trong những công cụ họ dùng để thực hiện mục tiêu của họ. Mục tiêu ấy là gì? Vì sao họ đã chọn mục tiêu ấy? Điều đó tuỳ thuộc văn hoá đã khai sinh ra họ, lịch sử cá nhân và cá tính của họ. Chính con người làm nên lịch sử là như thế.

Trung Quốc ngày nay là một nước tư bản hình thành trong một hoàn cảnh, một quá trình lịch sử và một nền văn hoá đặc thù. Nó đã biến thành một đế quốc tư bản "mang màu sắc xã hội chủ nghĩa Trung Quốc".

Kinh lắm! Ta, người Việt, phải chờ đợi từ nó hầu hết những gì của một anh tư bản. Thế chưa đủ. Ta phải chờ đợi từ nó tất cả những gì đặc thù của anh Đại Hán. Trong mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị và văn hoá.

P. H. Đ.

2010-12-26

Nguồn: Diendan

1 Một lối suy luận hình thức hão hết sẩy! Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản là cái quái gì mà tự mình hay do ai "du nhập" được vào nước này nước nọ? Chỉ có điều này thực thôi: một anh Tàu hay Việt Nam học, đọc hay nghe gì đó về chủ nghĩa này nọ, hiểu theo khả năng văn hoá hay/và hoài bão của mình và thể hiện sự hiểu biết đó ở đời, với sự hưởng ứng của người khác đồng văn hoá với mình. Thế thôi.

2 Sans doute, l'arme de la critique ne peut-elle remplacer la critique des armes, la puissance matérielle ne peut être abattue que par la puissance matérielle, mais la théorie aussi devient une puissance matérielle dès qu'elle s'empare des masses. La théorie est capable de s'emparer des masses dès qu'elle démontre ad hominem [sur l'exemple de l'homme], et elle procède à des exemples ad hominem dès qu'elle devient radicale. Karl Marx.

Marx Engels, Études Philosophiques, Éditions Sociales, 1974, p. 27

Vì sao thế? Vì con người vừa là một vật thể, một sinh thể, một… trí thể!

3 Khác hẳn Việt Nam!

4 Quả không dễ đối với những anh trí thức tiểu tư sản lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mặc dù quan hệ của họ với nông thôn vẫn còn đậm.

5 Marx, theo trí nhớ.

6 “l'État n'est pas la solution à nos problèmes... L'État est le problème” (Wikipedia. Mục Reagan)

Mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và Nhà nước Mỹ đó, không thể nói rõ ràng hơn!

7 Ở Pháp, zone franche cũng là một khái niệm lịch sử ám chỉ một số vùng tự do buôn bán (bourgs và foires) đối với quyền lực phong kiến ở Châu Âu xưa (các lãnh chúa). Bạn đi dạo Paris, nên ghé thăm Rue des Francs Bourgeois chơi, thú vị lắm!

8 Xem Tư duy tự do, oép amvc.free.fr.

9 Ở Pháp loại chủ tư bản hậu hiện đại này gọi là: fonds souverains, vốn tư bản chủ quyền! Các trí giả PhuLăngXa thật đáng phục:

“Khi cạn ý, một từ xuất-hiện thật đúng lúc”. Goethe: Faust. Lời của Méphistophélès. Marx trích dẫn. Le Capital, Editions Sociales, tr. 81, chú thích 1.

Thực tế, hiện nay, đó là vốn tư bản của một vài hoàng tộc ở các nước Ả Rập, và của nhà nước Trung Quốc.

10 Cứ vào YouTube xem họ săn người Ouïgour và đập chết trên đường phố như thế nào thì biết.

Ông Nguyễn Văn An đi cùng thời đại

Đại tá nhà báo Hoàng Phố

Việc ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nêu ra vấn đề “Sửa lỗi hệ thống” của Đảng ta, đã tác động mạnh mẽ tới xã hội bởi nó phù hợp với tâm tư nguyện vọng của dân và phủ hợp thời đại. Đọc các bài viết của ông An, tôi có thu hoạch cá nhân như sau:

I. Hợp tâm tư nguyện vọng

Bác Hồ đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Và Người cũng nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân làm chủ”. 35 năm nay dân ta không có thực quyền như đã ghi trong Hiến pháp đầu tiên do Bác Hồ nêu ra, thậm chí Đảng viên cũng không được dân chủ do quy định 19 điều cấm (trong đó điều 3,7 vi phạm điểm 3 mục 3 của điều lệ Đảng và vi phạm Hiến pháp).

Theo chúng tôi hiểu, phạm trù Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai vấn đề khác nhau. Khi chưa nắm chính quyền thì Đảng dựa vào dân. Dân cho ăn, cho ở, cho tiền hoạt động, che chở khi có địch khủng bố, thậm chí hi sinh tính mạng để bảo vệ Đảng, để Đảng tồn tại. Khi Đảng cầm quyền là đổi đời cho dân, từ dân nô lệ đến nguời làm chủ đất nước. Thế mà hiện nay, Đảng với dân như vua với bề tôi, như quan với thứ dân, như chủ với đầy tớ, quan liêu nhũng nhiễu dân. Một chân lý tuyệt đối là có dân mới có Đảng, có dân tộc mới có Đảng, có dân mới có thắng lợi. “Dân vi bản”, đó là lẽ trời.

Cần phân biệt “mở rộng dân chủ” và quyền dân chủ của dân. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. Như vậy, dân chủ là quyền tự nhiên của con người. Việc nói “Ý Đảng lòng dân” cũng chỉ coi dân là đi theo, là bị động, không có chỗ nào là ý chí, trí tuệ, sáng tạo của dân. Cho nên mọi cái gọi là dân chủ hiện nay chỉ là hình thức nửa vời, ban ơn, không có tính pháp lý.

Lấy ví dụ Quốc hội Việt Nam, quyền dân chủ đến đâu? Nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất mà bầu đại biểu cũng phải “Đảng cử dân bầu”, Chủ tịch Quốc hội do Đảng chỉ định trước, Chủ tịch nước, Thủ tướng cũng do Đảng quyết nên đại biểu quốc hội chỉ là “nghị gật”. Chủ tịch Quốc hội điều hành không phải với tư cách đại biểu để cùng bàn bạc thảo luận những công việc trọng đại của đất nước. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đóng vai ủy viên Bộ Chính trị khẳng định: “Khai thác bô xít là chủ trương lớn của Đảng” để cắt không cho bàn nữa. Việc phá hội trường Ba Đình (một di tích đặc biệt của dân tộc, của Đảng), cũng ép Quốc hội phải thông qua.

Rất mừng là trong vài kỳ họp cuối của Quốc hội khoá 12, phần lớn đại biểu đã tỏ rõ thái độ không đồng tình việc làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, việc biến Ba Vì thành thủ đô như ý định của Bộ Chính trị.

Để việc thực thi dân chủ được chính thức đề cao, để Quốc hội trở thành Quốc hội đích thực thì nên:

- Đảng báo cáo dự kiến chủ trương chính sách trước Quốc hội để Quốc hội bàn quyết định trước, rồi Bộ Chính trị dựa vào đó điều chỉnh để ra nghị quyết, chỉ thị. Nghĩa là Quốc hội họp trước, Đảng họp sau. Cũng có thể nói dân chủ trước, tập trung sau.

- Tổ chức trưng cầu dân ý như vua nhà Trần đã mở hội nghị Diên Hồng thống nhất ý dân về vấn đề quyết đánh giắc Nguyên hoặc như Bác Hồ triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt năm 1966 để hạ quyết tâm chống Mỹ (việc phá hay để hội trường Ba Đình lẽ ra cũng phải trưng cầu dân ý như người xưa đã làm).

- Về cơ cấu Quốc hội, cần cân đối số lượng giữa tỉ lệ dân (87 triệu) và số lượng Đảng viên (trên 3,5 triệu). Không nên đòi hỏi tỷ lệ 87% - 90% là Đảng viên, tỷ lệ 30% có thể là hợp lý.

Ngày nay dân trí đã cao, đã qua tiếp xúc với phương tiện truyền thông hiện đại, đã có học vấn, đã qua thực tiễn cuộc sống, biết ai đúng ai sai, biết phân biệt chính ta, phải trái, tốt xấu, đạo đức thật hay đạo đức giả, cơ hội hay trung thực, phản động hay phản biện… Nhân dân biết rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của Đảng và Đảng viên. Trong khi đó, Đảng lại chưa dựa hẳn vào dân, nhất là còn nghi ngờ trí thức (lợi dụng góp ý có động cơ xấu, chống đối, phá hoại). Phải coi trọng những cán bộ, Đảng viên về hưu, số lượng không phải là nhỏ, họ là những người đã qua thử thách lâu năm, có kinh nghiệm trên các lĩnh vực, có uy tín cao trong dân, còn nặng tâm huyết với nước với Đảng.

II. Phù hợp thời đại

1. Thế giới đã và đang có nhiều thay đổi:

- Nước Cộng hoà liên bang Nga, quê hương cách mạng xã hội chủ nghĩa đã không còn kiên trì chủ nghĩa xã hội nữa mà chuyển sang chế độ cộng hoà và xây dựng kinh tế thị trường, làm cho nước Nga nhanh chóng hồi phục và xứng đáng là một cường quốc.

- Trung Quốc mang danh có Đảng theo lý luận Mác nhưng đã thực hiện “một nước hai chế độ”, sử dụng cả “mèo trắng mèo đen”, để vươn vòi bạch tuộc đến các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi, châu Á vơ vét tài nguyên. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thực chất là tư bản chủ nghĩa biến tướng (chưa nói đến việc mang quân “cho Việt Nam một bài học”, chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam…).

- Chỉ còn Cuba, Bắc Triều Tiên là thành trì cuối cùng của mô hình xã hội chủ nghĩa cũ. Nhưng Cuba đã bắt đầu thay đổi, còn Bắc Triều Tiên vẫn là một “chủ nghĩa xã hội” khổ hạnh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

2. Đến nay có thể nói, chủ nghĩa xã hội do Mác - Anghen đề xướng giữa thế kỷ 19 là không thực tế (đến nỗi chính hai ông, cuối thế kỷ 19 đã lập ra đệ nhị quốc tế theo mô hình xã hội dân chủ. Mác còn kết luận: Các nước tư bản phát triển nhất sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội trước tiên).

Các nước tư bản qua nhiều chu kỳ khủng hoảng kinh tế (theo quy luật kinh tế thị trường) đã kịp thời điều chỉnh để tích cực sửa chữa những khiếm khuyết của nền kinh tế tự do, đã bước đầu giải quyết những mấu thuẫn trong xã hội tư bản bằng cách gia tăng các chính sách phúc lợi xã hội để thúc đẩy xã hội tiến lên. Kinh tế tư bản không những thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển, đi tới kinh tế tri thức mà bên cạnh đó còn quan tâm những vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, xoá nợ cho nước nghèo, chống đại dịch HIV-AIDS…

Một số Đảng cộng sản trong các nước tư bản (Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ…) đã tìm các mô hình khác cho phù hợp với xu thế thời đại.

Việc toàn cầu hoá của tư bản có mặt tiêu cực, có mặt tích cực nhưng đó là quy luật tiến hoá tự nhiên.

III. Suy nghĩ cá nhân liên hệ với hiện tình đất nước

Tôi có cảm tưởng trong Đảng ta, nói đúng hơn là trên đầu Bộ Chính trị, đang có vòng kim cô nên không đủ sáng suốt, tỉnh táo để hiểu những vấn đề của thời đại trong thế kỷ 21 đang đổi mới. Thời đại hiện nay, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền song song phát triển. Kinh tế phát triển theo quy luật, sáng tạo, đa dạng. Con người là chủ thể cũng luôn sáng tạo. Mác và Anghen đã viết trong tuyên ngôn cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Kinh tế thị trường muốn phát triển bền vựng và cân đối nhất định phải xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng ta thường nói “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nhà nước quản lý và nhà nước pháp quyền khác nhau, nhà nước pháp quyền điều hành có luật pháp, có luật lệ công khai minh bạch. Không thể nhân danh Tổng bí thư cho phép khai thác bô xít ở Tây Nguyên mà không cần hỏi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Tổng bí thư Đảng không thể đứng trên Quốc hội. Đảng lãnh đạo Quốc hội nhưng không phải chỉ huy Quốc hội. Việc Đảng chủ trương xử lý kỷ luật nội bộ có đúng pháp quyền không hay là bao che, hay để cho cán bộ Đảng viên tiếp tục vi phạm luật dân sự, luật hình sự… Đã có lúc phải có luật về Đảng, để Đảng hoạt động đúng pháp luật, công khai, minh bạch, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vừa chống bao biện, tuỳ tiện, vừa chống dựa dẫm ỷ lại, không rõ trách nhiệm, vừa đề cao được uy tín và trí tuệ của Đảng…

Trên đây là những giãi bày tâm sự hưởng ứng đề xuất “Sửa lỗi hệ thống” của ông Nguyễn Văn An. Tôi cảm ơn ông đã vượt lên chính, đi cùng thời đại.

H. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Cường quốc nông sản, nhưng nông dân nghèo?

Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, thuỷ hải sản trong khi nông ngư dân vẫn thuộc nhóm người nghèo nhất trong xã hội, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nơi đã, đang và sẽ là vựa gạo lớn nhất nước, vùng trái cây lớn nhất nước và mỏ tôm lớn nhất nước. Hiện tượng đối nghịch này kéo dài từ nhiều năm mà vẫn chờ giải pháp giải quyết, dù những giải pháp này đã nhiều lần được đề xuất.

Sơn Văn - Năm 2010, ĐBSCL sản xuất hơn 20 triệu tấn lúa, 500 ngàn tấn trái cây, khai thác 900 ngàn tấn hải sản và nuôi hơn 1,5 triệu tấn thuỷ sản. Lúa đưa vào chế biến gần 11 triệu tấn gạo, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn. Trái cây đưa vào chế biến khoảng 50 ngàn tấn, xuất khẩu khoảng 100 ngàn tấn. Thuỷ hải sản đưa vào chế biến các loại hơn 1 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD. Lượng hàng hoá cung cho thị trường mỗi năm đều tăng, uy tín của sản phẩm mỗi năm đều tăng, nhưng giá cả hoàn toàn do người tiêu thụ trong nước lẫn nước ngoài định đoạt.

Nhà nông đứng đầu gian khó

Do đó, cái cảnh được mùa mất giá là chuyện thường xảy ra mỗi năm, và giá chỉ tăng khi nông ngư dân hết hàng. Chính phủ chỉ giúp các doanh nghiệp mua hàng với giá có lời chứ chưa giúp nông dân bán hàng với giá có lời. Chưa kể có mặt hàng mà các doanh nghiệp không “thèm” mua mà chỉ “thèm” nhập khẩu, như muối. Riêng về gạo, gần như mỗi năm nông dân đều lo lắng bị hạn chế xuất khẩu gạo. Và mỗi lần như thế là giá lúa giảm, gây ra xáo trộn trong sản xuất và đời sống của nông dân, khiến “nhà” này (được xếp hàng đầu trong mối liên kết bốn nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) phải đối phó với nợ phân, nợ thuốc, nợ giống…

Nông ngư dân bên cạnh cần tiêu thụ hết sản phẩm, dĩ nhiên còn cần phương tiện và vật tư cho sản xuất và hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu đời sống, cần những tiện nghi sinh hoạt để nâng cao đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hoá và để giữ chân thanh niên ở lại với ruộng vườn.

Về phương tiện sản xuất, trong khoảng năm năm gần đây, các sáng kiến hay cải tiến kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa, trái cây, nuôi thuỷ sản ngày càng hiếm. Công tác lai tạo giống mới gần như chựng lại mà chủ yếu nhập giống của Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc về thích nghi với điều kiện địa phương là chính. Thỉnh thoảng nông dân gặp nạn giống giả (bắp, gà).

Về bảo vệ động thực vật, có nhiều nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài, kể cả Việt kiều, nói nông dân ĐBSCL đang sử dụng các loại thuốc trừ sâu mà các nước tiên tiến đã cấm dùng chừng 15 – 20 năm rồi. Thỉnh thoảng nạn phân giả, thuốc trừ sâu giả, thức ăn nuôi tôm giả vẫn xuất hiện, nhưng các cơ quan chuyên trách chỉ… theo sau sự thiệt hại của nông ngư dân.

Nông dân tự xoay xở là chính

Việc bảo hiểm cho toàn ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được “nghiên cứu”. Trong kế hoạch năm năm 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không có hạng mục đầu tư nào cho các công trình thuỷ lợi lớn của ĐBSCL. Kênh lớn, kênh nhỏ lần hồi bị bồi lắng, dân tự lo nạo vét thì cũng chỉ nạo được kênh cấp ba. Nạo vét kênh mương còn giúp nông ngư dân đưa sản phẩm trực tiếp đến thị trường tiêu thụ, giảm bớt trung gian của thương lái, tăng thêm thu nhập. Do thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ thống Ba Lai, việc giành đất nuôi tôm và trồng lúa vẫn còn tiếp diễn ở vùng ranh ngọt mặn.

Máy móc nông nghiệp tuy có hiện tượng bùng phát, nhiều sáng kiến cơ giới hoá trong khâu gặt, đập, tuốt, sấy, nhưng tựu trung là do nông dân mua từ Trung Quốc hoặc do các trường nông nghiệp và chính nông dân chế tạo, chưa được các đơn vị Nhà nước với trang bị được đầu tư từ ngân sách nghiên cứu chế tạo rốt ráo, hạ giá thành, hỗ trợ tín dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng. Chưa thấy tổng công ty Nông nghiệp có một cơ sở chuyên doanh máy nông nghiệp có cho nông dân thuê mua (leasing) hoặc khai thác dịch vụ cày, bừa, gặt, đập, sấy, tồn trữ.

Nếu cây lúa của thập niên 80 được các nhà quản lý và các nhà khoa học chăm sóc chu đáo với bốn cái “hoá”: sinh học hoá, hoá học hoá, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá là những cái cầu căn bản cho sản xuất nông ngư nghiệp, thì ngày nay gần như được khoán trắng cho nhà nông. Có được chăng là nhà băng tiếp tục hỗ trợ tín dụng làm mùa, mua máy móc.

Về hàng tiêu dùng và tiện nghi sinh hoạt, ngày nay hàng hoá được đưa về nông thôn ngày càng nhiều, nhưng hàng kém chất lượng cũng không phải ít. Các đơn vị quản lý chất lượng và quản lý thị trường chưa làm hết chức năng, cũng làm nghèo thêm cho dân nông thôn, dù lượng hàng hoá cầu của thị trường nông thôn mỗi năm đều tăng theo nhịp tăng dân số và thu nhập tăng.

Vì sao nông dân nghèo? 1. Đất canh tác ngày càng bị manh mún do dân số nông thôn tăng nhanh; đất nông nghiệp ngày càng teo tóp do phải “hy sinh” cho các khu công nghiệp, các sân golf, đất xây dựng hạ tầng và nhà ở.
2. Lao động ngày càng thiếu do thanh niên nông thôn chán ruộng vườn vì vất vã mà thu nhập thấp, vì nông thôn thiếu tiện nghi sinh hoạt, vì tâm lý nghề nghiệp.

3. Vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn trong tổng vốn đầu tư ngày càng giảm so với sự đóng góp của ngành vào GDP. Các đầu tư vào giống, cơ giới, thuỷ lợi, phòng trừ sâu bệnh, nghiên cứu và phổ biến tin tức thị trường ngày càng ít so nhịp tăng trưởng của nông ngư nghiệp. Mạng lưới tín dụng nông nghiệp của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa mở rộng đến các hợp tác xã và quỹ tín dụng nông thôn. Nội hàm tín dụng nông thôn còn hạn chế cho vay để phát triển các mặt đời sống.

4. Lý do từ chính sách: ngoại trừ các chính sách nhằm thu mua nông ngư sản khi có biến động tăng hay giảm của thị trường thường có lợi cho doanh nghiệp, các chính sách căn bản cho phát triển nông ngư nghiệp như về đất đai, về đào tạo lao động, về tín dụng còn hoặc rất ít hoặc bất cập; chính sách về tam nông, về đầu tư cho nông nghiệp nông thôn không hấp dẫn các nhà đầu tư kể cả trong và ngoài nước; các quy hoạch về nông nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra của nông ngư sản.

http://sgtt.vn/Kinh-te/135906/Bai-1-Cuong-quoc-nong-san-nhung-nong-dan-ngheo.html

Đào Tuấn viết về Trương Duy Nhất nghỉ báo viết blog

“Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết. Ừ thì cũng như muôn vàn nhà báo khác thế thôi. Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác”

Đào Tuấn – Sáng qua, ngồi trong giao ban, mình nhận được tin nhắn của Đại ca Trương Duy Nhất “Đọc bài mới đặc biệt trên Truong Duy Nhat”. Cái tít bài- hình như mình cũng đã linh cảm thấy từ vài hôm trước “Nghỉ báo viết blog”: Nếu không có quyền viết tất cả những điều mình muốn, thì…nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết. Đến nửa đêm, Ma Thanh Hải hốt hoảng gọi điện: Ông đã biết tin gì chưa? Trương Duy Nhất đã nộp đơn xin thôi việc. Thế là cuối cùng cái con người ngang như cua đó đã đi tới tận cùng của sự ngang tàng. Và khi Trương Duy Nhất đã quyết thì chả còn thay đổi được gì nữa.

Cách đây chỉ 3 hôm, mình điện thoại hỏi rằng: Anh có khoẻ không? Có bình an không. Trương Duy Nhất ậm ờ tí chút rồi gọi lại cho mình bằng một số sim rác, bảo đến giao thừa sẽ có 1 entry đặc biệt, chờ đến lúc đấy đọc rồi sẽ biết. Nhưng hoá ra, bi kịch chung của người cầm bút, có người có thể chịu đựng được cả đời, có người lại không thể chịu đựng thêm dù chỉ 1 ngày, 1 phút.

3-4 lần bị địa phương đề nghị trục xuất khi bêu xấu họ lên mặt báo. Cứ đánh ai là y như rằng người đó được thăng quan tiến chức. Liên tục bị có ý kiến, bị nhắc nhở do…viết blog. Và ngay cả đến ngôi nhà của mình cũng bị kẻ gian “đập hộp”. Và tệ nhất, bị cắt bỏ những câu, những chữ mà mình tâm đắc.

“Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết. Ừ thì cũng như muôn vàn nhà báo khác thế thôi. Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác”. Nhưng đây đâu đã phải là bi kịch lớn nhất, bởi chí ít từ lâu anh đã từ chối, đã giữ được cái quyền “không nói những điều người ta ép buộc nói”. Bởi nhiều người cầm bút giờ còn bi kịch hơn khi hàng ngày phải viết những điều không giống với sự thật. Bởi hàng ngày, dù không tin, nhưng vẫn phải viết ra một điều không thật– một cách khéo léo đến dối trá, để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật. Bởi ngẫm ra, đâu phải ai cũng thoát ra ngoài chuyện áo cơm như Trương Duy Nhất!

“Thật ra, tôi đã có ý này từ mấy năm trước. Vì thế, bạn đọc thấy đấy, tôi không coi trang blog của mình là một chiếu rượu hay giản đơn là một cuộc chơi bông lơn. Tôi lập và viết blog với ý thức trách nhiệm hơn cả… viết báo! Tôi chăm chút đêm ngày từng câu chữ, từng dấu phẩy, từng vết vệt xước, cẩn trọng, nâng niu, và cũng đã từng… khóc khi nhìn nó biến mất trên màn hình sau mấy vụ tin tặc cướp đoạt mật khẩu và xóa sạch cách đây vài tháng.

Vì thế với tôi, đó là một quyết định vui và nhẹ nhàng. Để tránh những đồn suy có thể xuất hiện từ chuyện này, tôi xin thưa rõ rằng: việc nghỉ làm báo để viết blog là quyết định chủ động từ tôi, không hề có một yếu tố tác động từ bất cứ ai hoặc cơ quan quản lý nào, cũng như không do bởi từ cơ quan báo nơi tôi công tác”. “Trương Duy Nhất không phải là trang lề trái, càng không phải là trang phản động hay kích động sự thù hằn, chống phá chế độ.

Trương Duy Nhất là trang lề phải và viết theo lẽ phải!

Dù sao cũng xin chúc mừng sự lựa chọn của anh, dù sự lựa chọn đó làm cho không ít người cảm thấy cay đắng.

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5082

Mạn đàm về cái ghế

TS Tô Văn Trường – Cái ghế là vật vô tri, vô giác, nhưng vì nó sinh ra để cho người ta ngồi tức là thân phận của nó liên quan đến con người nên xung quanh nó cũng xảy ra lắm chuyện. Vì chiếc ghế luôn phải có 4 chân nên nếu đặt ghế không phẳng thì ghế cũng không vững được. Về điều này thì ghế kém cái kiềng (vững như kiềng 3 chân mà!).

Ngày nay, nói đến cái ghế là người ta thường nói đến địa vị xã hội, vị trí công tác của ai đó. Vậy thì đối với người thận trọng, trước khi ngồi lên cái ghế dành cho mình hãy chú ý xem “trọng lượng” bản thân và nơi đặt cái ghế có bằng phẳng không? Tức là cái nơi mình sẽ làm việc có ổn định lâu dài không? Khéo rồi ngã gãy xương có ngày! Lại nữa, phải xem cái ghế làm bằng vật liệu gì, có bền chắc không? Nhiều cái ghế trông bề ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng nhưng làm bằng gỗ mọt dễ làm người vô ý ngã dập mặt. Còn có những chiếc ghế mùa đông ngồi thì lạnh, mùa hè ngồi thì nóng gây cảm giác rất khó chịu. Rồi còn cái cách ngồi ghế nữa cũng ảnh hưởng đến độ bền của nó. Nếu anh biết lựa cách ngồi cho khéo thì cái ghế sẽ bền, sẽ vững. Còn đối với anh thô lỗ, cẩu thả thì ghế gì cũng mau hỏng mà thôi!

Chuyện cái ghế cũng là chuyện con người, chuyện cuộc đời. Mỗi người thích một kiểu ghế, mỗi người có một kiểu ngồi xem ra ít giống nhau. Nhưng để được ngồi ghế trên, ghế đẹp, ghế bền thì đều là khát vọng của mỗi người hay cũng là của nhiều người. Bởi vì cái ghế thường được coi là biểu tượng, là sự bảo đảm cho danh vọng và quyền lực của con người. Thế là mới xảy ra chuyện tranh ghế, chiếm ghế với đủ mọi toan tính, thủ đoạn, kể cả việc dùng chiếc ghế làm mồi nhử, làm cái bẫy đối với đồng loại, đồng bào, đồng đội và đồng chí. Có nhiều cái ghế gọi là “ghế nóng” đó thôi! Ai định ngồi vào đây hãy liệu chừng! Đã có biết bao chuyện bi hài, và đau lòng xảy ra xung quanh cái ghế. Có anh vồ trượt ghế ngã biêu đầu, có anh ngồi chưa ấm chỗ đã bị kẻ khác hất ngã hoặc ghế bị gẫy mà ngã. Chiếc ghế, cái vật vô tri, vô giác ấy không hề biết khóc, biết cười. Chỉ có những con người vì nó mà khóc, mà cười mà hả hê sung sướng hoặc nhăn nhó đau khổ thôi.

Nhân nói đến Đại hội Đảng lần thứ XI, trên mạng đang lưu truyền một số văn thư của một số vị cựu ủy viên Bộ chính trị (có người đã từng là nguyên thủ quốc gia), của một số tướng lãnh nhận xét phê phán về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XI. Văn thư có chữ ký của từng người, thậm chí đóng cả dấu “Hỏa tốc”, đúng sai chưa rõ nhưng đó là quyền phát biểu của mỗi người để Đại hội tham khảo. Tuy nhiên, có bức thư ngày 12/12/2010 của 2 vị cựu lãnh đạo cao cấp của Đảng trong một số nhiệm kỳ trước đây, lên án bài viết của đồng chí Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội (đã đăng công khai trên VNN và Tuần VN) về các khuyết điểm là đi ngược đường lối chính trị của Đảng, đòi từ bỏ Cương lĩnh 1991, và Chủ nghĩa Mác, cho rằng chủ nghĩa xã hội là lỗi hệ thống, cán bộ Đảng viên rất phẫn uất về tài liệu của đồng chí Nguyễn Văn An… Thế giới xưa nay hay sử dụng từ đối thoại “Dialog” gốc từ Hy Lạp có nghĩa là biện chứng, cần có lý lẽ, tranh luận không phải thắng thua mà để đi đến sự đồng thuận. Ở Việt Nam, xưa nay công tác lý luận thường đi vào ngõ cụt, không thuyết phục vì tư duy giáo điều, “chụp mũ” làm thui chột những ý tưởng đổi mới.

Không biết người ta thăm dò ý kiến ở đâu, khi nào để kết luận cán bộ, đảng viên rất phẫn uất về tài liệu của đồng chí Nguyễn Văn An? Để minh chứng một cách khách quan khoa học, tôi đã đọc toàn bộ 85 trang báo cáo ngày 7/10/2010 “Hội thảo khoa học của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam” đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng XI. Tất cả có hơn 80 đại biểu tham dự cuộc họp, trong đó có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà kinh tế lâu năm như GS Trần Phương Chủ tịch hội, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Vũ Khoan nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, Hồng Hà nguyên bí thư trung ương Đảng, GS.TSKH Phan Văn Tiệm nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng v.v…Phân tích, lập luận, dẫn chứng đánh giá, so sánh của 23 ý kiến tại cuộc họp rất thẳng thắn, xây dựng có thể nói đây là “bồn trí tuệ”- Think Tank rất thuyết phục người đọc. Chúng tôi tin rằng, Anh Nguyễn Văn An sau khi đọc toàn bộ tài liệu của Hội thảo sẽ thấy nhẹ lòng, thanh thản và vững tin hơn về những chính kiến của mình. Người dân đủ trí tuệ để hiểu và đánh gía những ý kiến vì dân, vì nước của những vị trưởng thượng, chuyên gia gạo cội của nước nhà. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và luôn đòi hỏi đánh giá sự thật và chỉ có sự thật.

Nói về Đại hội Đảng XI, về nguyên tắc thì dân không được dự Đại hội Đảng, dân cũng không được bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là bầu Tổng Bí thư! Tuy nhiên, cuộc sống đòi hỏi người dân phải quan tâm đến các chiếc ghế đại diện cho cho quyền lực và trách nhiệm của Đảng. Ý dân, lòng dân được thể hiện qua việc đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Đảng. Hàng loạt các tờ báo công khai đăng tiêu đề nổi bật: “Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 15 quyết định nhân sự” đọc, ngẫm suy thấy rất phản cảm vì Điều lệ, Nghị quyết đều khẳng định Đại hội mới thực sự là cơ quan cao nhất của Đảng.

Trong chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo, người dân chỉ mong sao những người đảng viên được lựa chọn bầu vào Ban chấp hành TW phải là người yêu nước, tử tế, có trí tuệ, năng lực bản lãnh, khí phách cùng dân tộc đi tới trong thế giới đầy biến động, khó lường. Đất nước ta còn nghèo, các yếu kém trong quản lý nhà nước về lỗi hệ thống ngày càng thấy rõ, khát vọng của nhân dân mong Đảng cần phải “nói và làm” là sửa ngay một số việc “không giống ai” như sau:

Thứ nhất là đừng tái diễn hình ảnh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mỗi khi đón nguyên thủ quốc gia nước ngoài khi duyệt binh vẫn phải có 2 người đi 2 bên (Tổng bí thư và Chủ tịch nước). Ngay các nước Trung Quốc, Cu Ba, Lào, Triều Tiên, đã nhất thể hóa 2 vị trí nói trên thành nguyên thủ quốc gia từ rất lâu rồi. Phải chăng mô hình quản trị của chúng ta sáng tạo, mang bản sắc dân tộc, thông minh hơn tất cả các nước trên thế giới hay thực chất là do hậu quả của tư duy vùng miền và vì “cái ghế”!?

Thứ hai là đất nước có tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là do luật pháp đã thiếu lại yếu. Viện trưởng Viện kiểm sát không thể đặt ngang hàng với Chánh án Tòa án tối cao, có nghĩa là Chánh án Tòa án tối cao phải là nhân vật trọng yếu nằm trong Bộ Chính trị. Tòa án tối cao có quyền xử các hành vi, vi hiến của bất kỳ ai kể cả Chủ tịch nước và Thủ tướng, thu hồi quyết định vi hiến. Sau đó xét nếu thấy vi phạm luật nghiêm trọng thì do tòa án thường xét xử.

Thứ ba là Viện kiểm sát phải đổi thành Viện công tố có chức năng của cơ quan luận tội, ra trước tòa phải bình đẳng với luật sư (gỡ tội). Chánh án căn cứ kết quả tranh luận giữa luật sư và công tố viên, đối chiếu với án lệ (những sự việc không ghi đầy đủ rõ ràng trong luật phải dựa trên những vụ đã xử bởi lương tâm, nghề nghiệp của chánh tòa) vv…

Nếu cứ tỷ mẩn ngồi liệt kê, không biết đến lúc nào mới hết các vấn đề còn bất cập liên quan đến chuyện nhân sự, “cái ghế”, luật chơi hay thể chế! Người dân chỉ biết nhắn nhủ đến các vị có trách nhiệm được ủy nhiệm của dân quản trị đất nước hãy biết nhìn lại mình vì cái đầu, cái lưỡi, tấm lòng chân thực và việc làm thiết thực của người ngồi lên ghế sẽ quyết định mầu sắc và độ vững chắc của cái ghế!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Văn bản do TS Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!

http://nguyenxuandien.blogspot.com/2011/01/man-am-ve-cai-ghe.html

Tụt hậu một cách vững chắc

The Economist – Thủ đô nước Việt Nam quá thường xuyên bị cúp điện. Cầu thang máy tại các khách sạn nửa chừng ngưng chạy và ngay cả máy làm cà phê expresso tại các quán cà phê kiểu mẫu Paris ở Hà Nội cũng thôi không phun cà phê nữa.

Nhiều người tưởng rằng quốc gia phát triền nhanh chóng này đã vứt bỏ những cảnh tượng như trên vào quá khứ rồi. Vả lại hiện nay nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ và suy thoái không bắt kịp tiêu chỉ tăng trường mà các cấp lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam mong muốn. Lạm phát đang gia tăng; tài chính nhà nước thâm thủng; tỷ giá đồng tiền Việt Nam giảm sút; và người dân đổ sô đi mua đô-la hoặc vàng để phòng thân tiết kiệm.


Tôm và gạo rất ngon, nhưng không thể làm những món xuất khẩu hàng đầu
Đã có những đề nghị hành động quả quyết vào cuối tháng vừa qua, nhưng không phát xuất từ Đại Hội thứ 11 của đảng Cộng Sản Việt Nam. Chẳng khác gì nền kinh tế suy thoái, danh sách những vấn nạn bao gồm tình trạng tham nhũng cửa quyền, sự việc quần chúng bất bình trong việc thu mua đất đai, việc phá hủy môi trường sinh thái và vẫn theo thường lệ, sự thiếu minh bạch về chính trị. Người ta không trông mong gì nhiều vào một sự thay đổi trong chính sách, ngay cả thay đổi nhân sự, ngoài việc thay đổi ghế ngồi ở chóp bu đảng. Thiên hạ càng sớm mong có một đội ngũ cán bộ lãnh dạo có tinh thần cải tiến thây thế cho thế hệ già nua, thiên hạ càng thất vọng vì thế hệ này sơ cứng hơn.

Ngay cả ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể ở lại vị trí cũ của mình, mặc dù trước đó người ta ức đoán ông phải chịu hậu quả của một thất bại lớn nhất, sự phá sản của tập đoàn Vinashin, một xí nghiệp đóng tàu khổng lồ của Nhà nước. Năm ngoái, tập đoàn rộng lớn này đã vỡ nợ vì thâm thủng mất 4,5 tỉ Mỹ Kim. Tháng Chạp tập đoàn Vinashin đã phải xin khất nợ với các chủ nợ quốc tế và bó buộc phải cúi đầu van xin chính quyền trả lương cho công nhân.

Đối với một số chuyên gia về chính sách của Việt Nam, sự phá sản của Vinashin là một hình ảnh sống động cho thấy nguy cơ trông cậy vào những Xí Nghiệp Quốc Doanh (SOE =State-Owned Enterprise) để tạo nên động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và canh tân. Vẫn theo những tài liệu của đại hội đã được chuẩn phê, các Xí Nghiệp Quốc Doanh tiếp tục giữ « vài trò tiên phong » trong nền kinh tế, vẫn luôn y hệt như trước. Một chuyên gia về Viêt Nam, ông David Koh thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (South-East Asian Studies) ở Singapore nói rằng ngoài phạm vị của đại hội, chính quyền đã ra một số biện pháp. Chính quyền đã đưa ra một số chỉ thị nhằm hạn chế những hoạt động của những Xí Nghiệp Quốc Doanh, đặc biệt là mức độ phân phối sinh hoạt xa rời những sinh hoạt kinh doanh nồng cốt của xí nghiệp. Nhưng kinh doanh ở Việt Nam rất là hành chánh. Các xí nghiệp Nhà Nước sẽ kéo dài thời gian tuần hành những chị thị trên, nếu họ thực sự có thiện chí. Trong khi chờ đợi, ai là người đứng ra chỉ đạo cho các xí nghiệp đâu là con đường phải đi?

Những trì trệ như vậy sẽ làm cho các nhà đầu tư phát rét. Những vấn đề của các xí nghiệp quốc doanh giải thích viễn tượng sa sút của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nếu chính quyền không chịu giải quyết những xí nghiệp quốc doanh, họ còn rất ít khả năng để làm chuyện khác. Các xí nghiệp quốc doanh cần phải được cởi trói, nhưng để làm việc này cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải từ bỏ quyền kiểm soát chính trị trên kinh tế. Điều này không thể nhượng bộ được. Vì vậy những con quái vật quốc doanh khổng lồ vừa tham nhũng vừa vô năng tiếp tục nuốt ngấu nghiến và rồi phung phí những vốn đầu tư ngoại quốc và những lợi nhuận xuất khẩu đổ vào trong nước. Mặt khác chính quyền đang thổi phồng ngân sách. Mức thâm thủng ngân sách đã lên đến 7,4% Tổng Sản Lượng Quốc Gia năm ngoái, phá vỡ tiêu chí 6,2%.

Hiện nay Việt Nam đang thâm thủng về mậu dịch và tỷ giá hối đoái, vì họ dựa quá nhiều trên việc xuất cảng những loại hàng hóa có giá trị thấp chẳng hạn như thực phẩm biển biến chế và gạo. Những lỗ thâm thủng này, cộng với đà làm phát, năm ngoái đã tăng lên 11,8%, tạo áp lực lên trên đồng tiền Việt nam. Ba lần trong vòng 14 tháng qua, chính quyền đã buộc phải phá giá, do dó người dân đổ xô đi mua đô la và vàng vì họ không tin vào tỉ giá đồng Việt Nam nữa. Chính quyền hứa sẽ khác phục những tệ trạng này. Tuy nhiên việc tìm kiếm tăng trưởng 7% hoặc hơn nữa trong năm mà không có những thay đổi cơ cấu tương ứng chỉ đẻ thêm nhiều tệ trạng khác nữa mà thôi.

The Economist
Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ