Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

MAI THANH HẢI: NÓI VỚI CON VỀ NGÀY 17-2-1979

Viết cho 2 con gái Mai Trần Tường Linh, Mai Trần Thục Linh


Địa đầu Lũng Cú, Hà Giang

Con gái yêu của Ba!

Tháng 2-2009: Con gái yêu của Ba tròn 8 tuổi và đã học đến lớp 2. Con chỉ biết, những ngày này là qua Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và mới phải đi học nhưng con vẫn dậy sớm đến trường và thánh thót khoe với Ba mẹ những điểm 9-10 sau mỗi ngày tới trường từ sáng đến tối. Xung quanh con lúc này, chỉ có những bài học; những phút vui cùng bạn bè, cô giáo ở ngôi trường giữa lòng Hà Nội xanh ngắt cây lá và ngập tràn sắc màu xanh đỏ của những bé con má đỏ, môi hồng...; xung quanh con là đầy đủ, no ấm và con chỉ phụng phịu mỗi khi Ba mẹ tắt ti vi trong giờ ăn, không để con dán mắt vào màn hình chiếu Clip quảng cáo, hay phim dành cho thiếu nhi, nhan nhản trên truyền hình cáp...

Tháng 2-1979: Ba cũng tròn 8 tuổi và cũng học lớp 2 như con bây giờ. Hồi ấy, ông nội của con mới phục viên sau hơn 10 năm chiến đấu trong binh chủng tên lửa của Quân đội nhân dân Việt Nam (1965-1978) và cũng theo chân những đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong năm 1975. Ký ức của Ba về ông nội là chiếc ba lô to đùng đằng sau lưng, trên đó có 1 chiếc khung xe đạp (sau này được lắp thành chiếc xe đạp để ông đi khắp nơi "buôn" chè, củ ấu... nuôi ba và cô Hương, cô Yến học xong Đại học), 1 con búp bê biết nhắm và mở mắt, 1 chiếc ca bằng đuya ra (còn gọi là hăng gô) của lính Mỹ (sau đó và bây giờ, bà Nội của con vẫn dùng để múc nước ở cái bể nước mưa xinh xinh ngay dưới hàng cau trước cửa nhà ở quê)...


Lính Trung Quốc tấn công, phá hoại thị xã Lạng Sơn (17-2-1979)

Thế nhưng, ký ức mãi không thể quên trong tâm trí của Ba là buổi sáng 18-2-1979 (1 ngày sau khi Trung Quốc cho quân bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc), ông Thành, ông Hòa và mấy ông ở gần nhà (cùng đi bộ đội, cùng phục viên, vẫn cùng tụ tập đến nhà mình uống nước trà mỗi tối) đến thì thầm nói chuyện với ông Nội. Câu chuyện của những cựu binh đó là gì, đến khi lớn rồi ba mới hiểu: Các ông thông báo cho nhau tin Trung Quốc tấn công Việt Nam và cùng nhắc nhau chuẩn bị quân tư trang, chuẩn bị lên đường nếu có Tổng động viên.

Ba vẫn nhớ: Buổi trưa ngày hôm đó, ông Nội hì hục chuẩn bị quần áo, tư trang gọn vào chiếc ba lô bộ đội và gọi bà Nội bế cô Yến (sinh năm 1977) cùng Ba và cô Hương cũng mới 5 tuổi ra và dặn dò công việc ở nhà. Lúc ấy, trí óc non nớt của Ba mới cảm nhận: Giặc là gì? Là kẻ đã kéo người thân của Ba ra khỏi ngôi nhà và làm xáo trộn cuộc sống gia đình yên ấm...

Tháng 2 và 3 năm 1979, rút cục ông Nội cũng chỉ lên Huyện đội tập trung, huấn luyện sau thời gian ngắn và vẫn ở lại cùng gia đình. Mỗi tuần, chỉ phải trực tự vệ cùng cơ quan. Tuy nhiên, cuộc sống thời chiến thì không chỉ đơn giản trong việc mỗi tuần, ông phải ở cơ quan 2 đêm, thi thoảng lại về nhà muộn, mệt nhoài vì đào hầm hào, huấn luyện... mà cuộc sống thời chiến còn tác động trực tiếp đến Ba và gia đình bé nhỏ của nhà mình.


Lên chốt giữ đất

Hồi ấy và sau này này nữa, Ba say mê đọc những cuốn truyện tranh kể về chiến công của những anh bộ đội - dân quân - du kích chiến đấu với giặc Trung Quốc ở nơi biên giới, những thủ đoạn thâm độc của những kẻ đội mũ vải, đeo "tiết đỏ" và mặc áo 4 túi chỉ muốn chiếm đất của Tổ quốc mình.. Hồi ấy, Ba cùng các bạn trong lớp cũng phải cùng các anh chị, thầy cô trong trường cấp 1 đào giao thông hào ngay trong sân trường (Bây giờ, đoạn giao thông hào ấy đã bị lấp. Nhưng có dịp, Ba đưa con về quê mình, trèo lên núi Voi gần nhà bà Nội, con vẫn thấy những đoạn giao thông hào bị cỏ che kín mà Ba và các anh chị, thầy cô đã đào thời đó). Hồi ấy, mọi nhà đề phải đào hầm, nhà Nội mình cũng đắp 1 chiếc hầm kèo ngay giếng nước. Lúc mới đào xong, Ba và cô Hương - cô Yến cứ rúc rích chui ra, chui vào chơi trốn tìm. Cạnh nhà mình, có nhà bà Dung, kinh tế khá giả nên đào hầm ngầm: Vách trát xi măng, nắp làm bằng bê tông, bậc lên xuống cũng xây gạch, thế nhưng cứ sau mỗi trận mưa, nước lại tràn vào... lưng hầm và rắn rết, ễnh ương - chão chàng bơi lằng nhoằng, đẻ trứng đầy trong đó...


Tổng động viên 1979 bảo vệ biên giới phía Bắc

Cứ như vậy đó, Ba lớn lên với những câu chuyện kể ở trường, những trang truyện tranh đọc "ké" ngoài hiệu sách phố huyện, những câu chuyện - lời bàn tán của ông Nội cùng những người bạn bên bàn nước vàng ệch màu đèn dầu và cả những tiếng nói bập bõm, ngang ngang giọng người nước ngoài nói tiếng Việt Nam chìm trong tiếng sôi sè xè phát ra từ chiếc đài chạy pin bé tí mà ông vặn nhỏ hết cỡ, ghé tai vào nghe để biết "tình hình chiến sự"... Tất cả đã dần hình thành trong tâm tưởng Ba về một nỗi ám ảnh, nguy hiểm và đe dọa thường trực được gọi là Trung Quốc.


Thác Bản Giốc, Cao Bằng

Tháng 3-2008: Con tròn 7 tuổi và học lớp 1. Buổi sáng Ba ra xe đón lên Nội Bài, bay vào Nha Trang để ra công tác quần đảo Trường Sa, con đứng ngoài đầu ngõ vẫy tay: "Ba về sớm và mua quà cho con nhé!" và lại tất tưởi ngồi sau xe để mẹ chở đến trường, cùng líu lo hát "Em vui vào trường Thành Công B, lấp lánh ban mai chim ca. Em vui vào trường Thành Công B, lá biếc hoa thơm ngọt ngào. Em luôn được thầy cô yêu thương với trái tim của mẹ hiền. Lấp lánh cho con bay cao, giữa trời xanh chim tung cánh bay..." với má đỏ môi hồng cùng lớp. Con có biết, những ngày sau đó, Ba đã cùng hơn 100 người con đất Việt, kề vai nhau trên con tàu HQ 996 của Vùng 4, Hải quân đè sóng biển Đông, xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa ra với dải đất Trường Sa thân thương đang ưỡn lưng bảo vệ vòng cung hình chữ S

Nửa tháng ra với bộ đội, ở với bộ đội, hóa thân thành bộ đội, cảm nhận - chia sẻ cùng bộ đội và vui - buồn - căm hờn cùng bộ đội, Ba càng thêm yêu Tổ quốc của mình và đau cùng Tổ quốc của mình. Buổi trưa trước khi làm lễ tưởng niệm cho gần 100 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì lưỡi lê, báng súng, dao găm và đạn AK bắn gần, pháo hạm của lính Trung Quốc khi làm nhiệm vụ giữ đảo trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma xanh ngăn ngắt, lặng lẽ sóng, Ba đã bật khóc ngay trên mũi tàu HQ996. Khóc thật sự và nước mắt thật sự uất ức, chảy tràn trên má, làm ướt mềm quai mũ cứng gắn quân hiệu sao vàng con ạ!. Con có biết không? Những người lính đang nằm dưới biển sâu kia còn rất trẻ. Ba đã vào phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải Quân và nhìn lại gương mặt những người đã ngã xuống qua những tấm ảnh hiếm hoi. Họ trẻ trung và trong sáng như thể còn ở tuổi học sinh Trung học. Ngay cả những người thuyền trưởng chỉ huy mới mang hàm cấp úy cũng còn trẻ trung, điệu đàng (nhưng đã quyết chiến dùng mọi hỏa lực sẵn có trên những chiếc tàu chỉ có chở đất, đá, bê tông ra xây đảo để bắn trả mãnh liệt vào tàu xâm lược và cho tàu phóng thẳng lên bãi cạn để đánh dấu chủ quyền)...


Bia ghi tên những liệt sĩ Hải quân hy sinh trong khi bảo vệ Trường Sa

Vậy mà họ đã nằm xuống vĩnh viễn dưới lòng biển. Họ nằm xuống trong khi ngăn chặn lính Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo với trang bị đến tận răng. Họ nằm xuống bởi họ là lính công binh Hải quân chỉ có quần đùi, mũ mềm và... tay không ra xây dựng đảo. Họ nằm xuống bởi họ không được "lệnh" từ 1 nơi bí ẩn, nghiêm mật giữa đô thị đầy ánh sáng và no đủ: "Chỉ được ngăn chặn bằng biện pháp mềm dẻo, không được kháng cự, đánh trả"... Dĩ nhiên, da thịt của họ chẳng phải là sắt thép, để chịu đựng những nhát đâm điên cuồng bằng dao găm, lưỡi lê. Gân cốt họ cũng chẳng phải titan để chống lại đạn nhọn của đám lính Trung Quốc điên cuồng xiết cò súng AK để sẵn ở nấc bắn liên thanh... Họ lần lượt nằm xuống, cùng nhau nằm xuống, như vẫn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày quân ngũ ít ỏi. Không nằm xuống sao được khi phải căng mắt nhìn lũ ăn cướp thản nhiên, thoải mái giết đồng đội mình và chính bản thân mình?..


Mộ Liệt sĩ hy sinh trong khi bảo vệ biên giới Phong Thổ, Lai Châu (17-2-1979)

Tháng 3-2008 ở Trường Sa, sau khi đã làm lễ truy điệu những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang nằm dưới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, Ba và những đồng đội của Ba đã tràn ra hết mũi tàu, 2 bên boong tàu lặng nhìn xuống biển xanh nhớ thương những người con đất Mẹ và không ai bảo ai, tất cả đều quay mặt nhìn về tòa nhà cao vài tầng sừng sững của lính Trung Quốc chiếm đóng trên đảo chìm đã chiếm của ta. Lúc ấy, ánh mắt của ai cũng rất lạ, từ Trung tướng Trưởng đoàn công tác cho đến cô Hạ sĩ đoàn văn công Quân khu 4. Ai cũng ráo hoảnh, chong mắt nhìn tàu địch - công sự của địch chứ không rưng rưng nước mắt khi những bó hương dành cho liệt sĩ cháy bùng lên, cuộn khói bay vòng tròn như những dấu hỏi...

Tháng 3-1988: Lúc ấy Ba đã học lớp 11. Cái buổi chiều đông ngày hôm ấy, Ba cùng ông Nội đã sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm danh sách những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh và mất tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, đến bây giờ hình như vẫn còn nguyên trong Ba: Uất ức - bức bối như thể có tảng đá đang đè trên ngực (Cảm giác này càng nhân lên gấp bội và thành ám ảnh khi Ba ra với Trường Sa).

Ngay sáng ngày hôm sau, cái lớp 11B3 của Ba ngày ấy đã không thể học được và hết thảy, những thằng con trai trong lớp đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội, cùng con trai các lớp khác kéo đến đứng đen đặc, câm lặng trước phòng thầy Hiệu phó cũng đang đỏ hoe mắt vì có con trai đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa.

Con có biết không? Ở gần nhà bà Nội mình có 1 dãy núi, gọi là núi Xuân Sơn, cạnh núi có 1 đoàn 679 của Quân chủng Hải quân đóng và trong dãy núi đó có rất nhiều hầm để bộ đội chứa tên lửa đất đối hải. Thi thoảng, những chiếc xe hàng vài chục bánh lại phun khói chở những ống tên lửa khổng lồ đi đâu đó. Hồi ấy, Ba và các bạn rất muốn vào bộ đội tên lửa Hải quân để điều khiển những quả tên lửa bắn nát tàu Trung Quốc...

Ngày 17-2-2011 này: Tròn 32 năm ngày Trung Quốc cho quân bất ngờ tấn công dọc tuyến biên giới nước ta; gần tròn 23 năm Trung Quốc cho quân đánh chiếm một số đảo chìm, bãi cạn của Tổ quốc ta trên quần đảo Trường Sa.


Biên giới Mèo Vạc, Hà Giang

Ngày Tình yêu 14-2. Ba không đưa con đi mua quà tặng cho mẹ Hằng mà ngồi từ trưa đến tối để đọc những dòng của các ông - các bác cựu binh viết về sự kiện tháng 2-1979 và tháng 3-1988. Đọc xong để viết những dòng này cho con và mẹ Hằng cùng những bạn bè của Ba đang ấm cúng bên vợ - người yêu - người tình bên nến hồng, rượu vang.


Giấy báo tử Liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ biên cương tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang

Viết để nhớ một thời bao người đã đổ máu, góp xương cho mỗi tấc đất biên cương nơi xa hút. Sau này, con có đi Lạng Sơn thăm động Tam Thanh, thắp hương bùi ngùi trước nàng Tô Thị, lên Trùng Khánh - Cao Bằng ăn hạt dẻ, ngắm thác Bản Giốc, ngược Hà Giang tắm nước nóng Thanh Thủy, lên Lào Cai đắm mình trong se lạnh Sa Pa, trèo núi đá đến Lai Châu tắm thuốc người Dao, ngắm ruộng bậc thang, xem hoa Ban đầu xuân, ra Trường Sa câu cá chuồn đêm trăng... Con hãy nhẹ chân và nhớ vào các nghĩa trang Liệt sĩ nằm câm lặng dọc ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thắp hương cho các ông, các bác, các chú đã nằm xuống trong những năm tháng chống giặc xâm lược Trung Quốc, trên những vùng đất yên thương của TỔ QUỐC chúng mình, con gái yêu nhé!..


Nghĩa trang Liệt sĩ hy sinh trong khi bảo vệ biên giới phía Bắc (Hà Giang)

Nguồn: Mai Thanh Hải -Blog.

East Asia Forum: Chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Việt Nam và sự đi lên của Đông nam Á

GS Lê Song

17.02.2011

Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy các nền kinh tế “thần kỳ” ở châu Á đã được phục hồi trong thời kỳ sau khủng hoảng tài chính, mặc dù Hoa Kỳ và châu Âu vẫn đang trải qua tình trạng tăng trưởng yếu kém. Những nền kinh tế “thần kỳ” mới của Malaysia, Indonesia và Thái Lan (được gọi chung là MIT) cho thấy rằng những quốc gia không phát triển trong một thế hệ có thể lại tạo được những hình thái hiện đại của Khổng giáo, Hồi giáo và Phật giáo.

Vòng tuần hoàn mới trong tăng trưởng kinh tế của những con hổ Đông nam Á đã được đi chung với chính sách tự do kinh tế và chính trị, và đã đem đến một mức sống tương đối cao.

Liệu chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam sẽ chuyển hoá và đi theo quỹ đạo của các quốc gia MIT? hay liệu Việt Nam cộng sản vẫn tiếp tục con đường cách mạng của mình với “chủ nghĩa tư bản nhà nước” để tối đa hoá cơ hội sống còn của mình?

Trên bề mặt, Việt Nam dường như đang nằm trong quỹ đạo của MIT – gần đây đã trở thành một quốc gia với mức thu nhập trung bình với tỉ lệ Tổng thu nhập nội địa (GDP) bình quân mỗi đầu người là 1.160 đô la. Dự tính mức tăng trưởng GDP của quốc gia này (6,8%) chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Một năm trước đây, Ian Bremmer, người cho rằng mối đe doạ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu là sự đi lên của “chủ nghĩa tư bản nhà nước” chứ không phải là khủng hoảng tài chính, đã nói rằng viễn cảnh của Việt Nam “chưa bao giờ sáng lạn hơn.” Bởi vì Việt Nam có một tiềm năng tăng trưởng khổng lồ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chấp nhận những rủi ro mặc dù đa số cũng đều có sẵn chiến lược thoái bộ.

Vậy thật sự những mặt mạnh và mặt yếu của chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Việt Nam là gì?

Lợi thế tương đối mạnh của chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam là tài nguyên địa chính trị của mình. Việt Nam vẫn là điểm sáng tập trung của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang quay lại trong khu vực (bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga). Quốc gia này có lợi thế địa chính trị để trở thành trung tâm chủ yếu mới của Đông nam Á và có một số quyền “đồng kiểm soát” trong vùng biển Nam Hải, vốn có tiềm năng lớn về mỏ dầu dự trữ.

Mặc dù tài nguyên địa chính trị đang tạo ra những thách thức lớn đối với chủ quyền quốc gia, từ năm 1986, Việt Nam cũng đã bảo vệ nó một cách thành công.

Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 1997, nền kinh tế xuất khẩu và địa chính trị của Việt Nam đã chuyển hướng rõ rệt đến Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Âu. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, Việt Nam đã quay lại với ASEAN và Trung Quốc, với tỉ lệ xuất khẩu đến các nước này chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2007. Họ cũng đã nương tựa vào lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc để giữ vững tốc độ đang tăng của đầu tư nước ngoài trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá kỹ thuật thấp với giá rẻ. Chiến lược này có thể thực sự bảo đảm sự hồi phục kinh tế “hình chữ V” của Việt Nam với tỉ lệ tăng trưởng GDP trong mức 6,5 đến 6,7 trong những năm tới.

Những nhận định gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Khu vực và Chính sách Đối ngoại của chính phủ cho thấy rằng ưu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn liên quan đến những tính toán về sự đi lên của Trung Quốc và “cuộc cách mạng hoà bình” trong mục đích lâu dài của họ đối với Việt Nam. Và trong ngữ cảnh của cơn khủng hoảng tài chính, giới lãnh đạo đảng ở Việt Nam đang tìm cách “phục hồi” quan hệ của mình đối với Trung Quốc.

Các chuyên gia từ các học viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc cũng trông đợi tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tân Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang vừa được bầu lên tại Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng Giêng, sẽ nâng cao quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Sự đi lên hay sụp đổ của chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam sẽ đa phần tuỳ thuộc vào khả năng của chính quyền trong việc tận dụng toàn bộ tài nguyên địa chính trị của mình.

Vì chủ nghĩa tư bản nhà nước phục vụ quyền lợi của những kẻ đang nắm quyền, lịch trình của giới lãnh đạo Việt Nam không nhằm để tăng cường tối đa chất lượng và năng suất của lực lượng lao động của quốc gia. Thay vì thế, nó chỉ nhằm đạt được một mối quân bình để một mặt cho phép chính quyền Việt Nam giữ vững quyền lực chiều dọc và chiều ngang trong xã hội và mặt khác giữ nguyên quá trình phát triển kinh tế.

Ở mặt này, giới lãnh đạo đã không đạt được mục đích. Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam đã chưa bao giờ được quân bình và vẫn dựa dẫm vào nợ tín dụng của chính phủ. Một phần lớn của quỹ tài chính nhà nước được dùng cho những công ty quốc doanh, một số đã đến bờ vực phá sản vào năm ngoái. Việt Nam dẫn đầu khu vực với tỉ lệ lạm phát cao nhất, một ngân sách bị cạn kiệt, nạn nhập siêu, đồng nội tệ và điểm tín dụng quốc gia thấp nhất trong khu vực từ 2009-10.

Việc chuyển hướng vào Trung Quốc có thể sẽ không làm yếu đi “quan hệ bắc-nam” vốn thường định hình quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình châu Á duy nhất có tỉ lệ nhập siêu trầm trọng với Trung Quốc. Trung Quốc cho đến này là một nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam và điều này về lâu dài có thể giới hạn nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

“Chiến lược phát triển xã hội – kinh tế” cho giai đoạn 2011-2020 gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị chỉ trích vì không thể chế ngự được nạn tham nhũng và lạm phát.

Thừa nhận sự suy yếu của những điều kiện vĩ mô, chiến lược của thủ tướng đã kêu gọi các công ty quốc doanh đa dạng hoá quyền sở hữu và phải chịu sự điều chỉnh của thị trường để các công ty nhà nước này không chi dụng nguồn tài nguyên đang cần cho quá trình phát triển đất nước. Nó cũng khuyến khích quá trình “dân chủ trực tiếp” trong đó công dân có cơ hội nghiên cứu và xây dựng một xã hội trên nền tảng kiến thức dưới sự hướng dẫn của Đảng.

Những cải cách này cho thấy Đảng Cộng sản có thể đang nghĩ đến “cuộc cách mạng dân chủ” (với giới lãnh đạo của đảng phải trải qua những dạng thức bầu cử công khai và khả năng chủ thuyết Marxist Leninist có thể bị loại bỏ) để có được một tầng lớp “lãnh đạo đúng đắn” khi thời gian cho phép.

Về vấn đền “thay đổi thế hệ”, các nhà lãnh đạo Đảng lại chuộng phương hướng cẩn trọng hơn là tốc độ, như học giả David Koh lưu ý. Trong quá khứ, cần phải có biện pháp làm chậm kinh tế “hình chữ L”, như đã dùng để đưa đến quá trình đổi mới kinh tế vào năm 1986. Có lẽ chỉ có một bùng nổ và suy sụp kinh tế “hình chữ W” mới có thể thúc đẩy đổi mới chủ nghĩa tư bản nhà nước của Việt Nam và đưa nó vào quỹ đạo của các quốc gia MIT.

Lê S. Long là Giáo sư và Giám đốc chương trình Sáng kiến Quốc tế về Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Houston.

Cụ Cơ Chế – Thỉnh nguyện thư “Xin Được Khai Tử” gởi Lãnh đạo và toàn thể Nhân Dân Việt Nam

Cụ Cơ Chế

Hà Nội ngày 14 tháng 02 năm 2011

Kính gởi ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Kính gởi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
Kính gởi ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Đồng Kính gởi toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu


Tôi tên là Механизм. Còn tên Việt Nam là “Cơ Chế”! Cơ Chế tôi sinh năm 1917 và vốn là gốc người Nga. Sau khi chào đời và lớn lên ở Nga, theo chân phong trào đấu tranh chống áp bức và bóc lột của bọn thực dân, tôi đã đến và nhập tịch Việt Nam. Khi Việt Nam giành được Độc lập thì Cơ Chế tôi tình nguyện ở lại Việt Nam và phục vụ cho Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1945 đến năm 1975.

Sau năm 1975, khi hai miền đất nước không còn chia cắt, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì Cơ Chế tôi vẫn là một người phục vụ tận tụy của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tính đến nay thì Cơ Chế tôi đã phục vụ cho đất nước Việt Nam cũng như phục vụ Nhân Dân Việt Nam đã được 66 năm chẵn. Có thể nói là một thời gian cũng đã khá lâu.

Trong 66 năm qua, Cơ Chế tôi đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của Đất nước và Con người Việt Nam. Có thể nói, cái gì Cơ Chế tôi cũng đã từng trải qua, từng thấy, từng nghe, dù là những nỗi vui, buồn, tủi khổ đã diễn ra trên Đất nước Việt Nam thân yêu và và Con người Việt Nam thân yêu. Từ cải cách ruộng đất, hợp tác xã, lao động cải tạo quân nhân chính của chính quyền miền Nam sau năm 1975, đưa người dân kinh tế mới ở vùng rừng thiêng nước độc, đánh tư sản mại bản ở miền năm sau năm 1975, trói và cởi trói văn nghệ sĩ, hằng triệu người Việt Nam bỏ quê hương vượt biển để rồi biết bao nhiêu chuyện đau thương tang tóc nơi biển cả mà đến nay nghĩ lại cũng thấy rùng mình ớn lạnh…

Trong 66 năm qua, Cơ Chế tôi là một người làm công không lương. Nhưng Cơ Chế tôi không lấy đó làm buồn. Bởi lẽ, một người khi đã dấn thân để phục vụ Đất nước và phục vụ Nhân Dân nên hy sinh những tư lợi nhỏ nhen của mình thì mới được trọn vẹn. Chứ còn một khi đã dấn thân vì Dân vì Nước mà trong lòng lúc nào cũng nặng trĩu một chữ “TIỀN” ở trong lòng thì không bán nước hại dân để rồi bia miệng ngàn đời khó rửa thì ắt cũng sẽ vào tù vì tội tham nhũng –thân bại danh liệt mà thôi.

Trong 66 năm qua, Cơ Chế tôi chưa có một lời than thân trách phận. Dù không ít lần Cơ Chế tôi bị người đời mỉa mai, nguyền rủa. Dù là nỗi oan sâu tựa Biển Đông – tất nhiên là cách xa những nơi mà người Trung Cộng đã chiếm mất – nhưng Cơ Chế tôi vẫn vui vẻ mà sống để làm việc.

66 năm đã qua, một thời gian dài hơn nửa thế kỷ nhưng Cơ Chế tôi chưa một lần ngỏ lời xin sỏ một điều gì. Hôm nay, Cơ Chế tôi có một thỉnh nguyện xin mạo muội xin gởi đến ba vị Lãnh đạo của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Thỉnh cầu này của Cơ Chế tôi sắp gởi đến ba vị Lãnh đạo của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu rất là đơn giản. Cơ Chế tôi không mong ba vị Lãnh đạo cũng như toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu ban cho Cơ Chế tôi bổng lộc, tiền bạc, hay danh vọng gì cả.

Như đã thưa ở trên, Cơ Chế tôi sinh năm 1917. Năm nay, tính ra thì Cơ Chế tôi đã được 94 cái xuân xanh. Ở cái tuổi 94 lên hàng Cụ này thì tiền tài danh vọng còn nghĩa lý gì. Hơn nữa, có nhiều tiền tài và danh vọng nhưng chắc gì đã được thiên hạ bá tánh thương mến. Ngoài ra, người Việt Nam có câu:

- Chết ngoảnh mặt lên trời.

Mà đã một khi nhắm mắt thì cho dù là Vua của một nước hay là thằng ăn mày ngoài chợ cũng bằng nhau. Chỉ cần 6 tấm ván và một chỗ nằm nho nhỏ ngoài nghĩa địa là xong. Còn nghèo hèn lắm thì chỉ một tấm chiếu cũng đủ. Có mấy ai mang theo được những thứ tiền tài, của cải, danh vọng khi xuôi tay nhắm mắt.

Bởi thế, cái điều thỉnh nguyện mà lão già Cơ Chế tôi gởi đến ba vị Lãnh đạo của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu rất là đơn giản và cũng rất dễ làm. Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu không phải tốn đồng xu cắc bạc nào khi chấp thuận điều thỉnh nguyện nhỏ nhoi này của Cơ Chế tôi. Không những vậy, có khi Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu lại được lợi là đằng khác. Ước nguyện của Cơ Chế tôi là chỉ mong được Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu cho phép:

- “Khai Tử” thằng Cơ Chế tôi!

Đúng vậy. Sau 66 năm trời làm việc không biết mệt mỏi để phục vụ Đất nước Việt Nam, phục vụ Nhân Dân Việt Nam thân yêu, Cơ Chế tôi chỉ có một thỉnh cầu nhỏ nhoi giản đơn như vậy mà thôi. Trước khi đi đến quyết định trên đây, Cơ Chế tôi đã đấu tranh với chính mình trong nhiều đêm không ngủ. Bởi lẽ, Cơ Chế tôi cũng là một người bình thường như bao người bình thường khác với đủ cả tham, sân si, hỷ nộ ái ố ở trong người. Do đó, một khi phải hy sinh, từ bỏ những gì mình đang có quả là không đơn giản chút nào. Và sau đây là những lý do đã khiến Cơ Chế tôi đi đến quyết định đau buồn này. Dù trong lòng Cơ Chế tôi vẫn muốn mãi được phục vụ Đất nước Việt Nam và cũng như được phục vụ Nhân Dân Việt Nam –một Đất nước và một Dân tộc hiền hòa nhưng không kém hào hùng trong công cuộc chống ngoại xâm đến từ phương “lạ”.

Kính thưa ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Không nói ra thì mọi người chúng ta cũng đã biết rằng hiện nay những quốc gia đi theo con đường vĩ đại của Marx Lenin chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Đó là người bạn 11 Tốt (Láng giềng Tốt, Bạn bè Tốt, Đồng chí Tốt, Hợp tác Tốt và Tấn Tiến Tới Tóm Tịch Thu Tốt) và 16 chữ Vàng mã Trung Cộng của Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, về bản chất thì các đồng chí Trung Cộng đã thay đổi rất nhiều và đã thay đổi từ rất lâu rồi. Đúng như vậy, các đồng chí Trung Cộng đã thay đổi hoàn toàn khi mà cái khẩu hiệu “mèo đen mèo trắng miễn là mèo nào bắt được chuột”!

Tiếp đến là đồng chí Bắc Hàn. Đồng chí Bắc Hàn vừa mới đây đã phong tướng 4 sao cho con trai út của mình chỉ chừng dưới 30 tuổi. Cái này được bọn thù địch ác mồm ác miệng gọi là “chuyển giao quyền lực”. Không những vậy, bọn thù địch còn nhân dịp này để nói lời bôi nhọ các đồng chí Bắc Hàn là đã đi theo con đường cha truyền con nối của thời phong kiến. Nói như thế mà bọn chúng nó vẫn mở miệng nói được. Đúng là bọn thù địch chỉ giỏi chuyên đi bịa chuyện nói xấu người tốt. Thử hỏi, ai đã có công tạo ra cái Nhà Nước Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn (DPRK)? Thì Kim lãnh tụ vĩ đại chứ còn ai vào đây? Kim lãnh tụ vĩ đại đã qua đời thì Kim thế tử phải tiếp tục truyền thống gia đình để làm lãnh đạo là điều đương nhiên. Và như thế thì Kim thế tôn lại phải dấn thân hy sinh để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình để thay thế Kim thế tử là điều hết sức chính đáng. Cái này không phải là cha truyền con nối của thời phong kiến ngu dân mà là “Truyền thống Cách mạng”! Chỉ những quốc gia đi theo con đường Cách mạng mới có “truyền thống” cao đẹp này.

Xa hơn chút nữa là đất nước Cuba với món xì- gà thơm ngát nơi bốn bể. Hai anh em đồng chí Fidel Castro đang rất kiên cường lãnh đạo nhân dân Cuba. Dù rằng, gần đây, đồng chí Fidel Castro do tuổi già sức yếu khiến đầu óc thiếu minh mẫn nên đồng chí Fidel Castro đã có những lời phát biểu sai quan điểm của Đảng Cubata. Đó là, đồng chí Fidel Castro đã nói rằng “Mô hình nhà nước XHCN của Cuba đã không thành công thì làm sao có thể xuất khẩu qua xứ khác”?!!!

Đất nước cuối cùng vẫn kiên định đi theo chủ nghĩa vĩ đại Marx Lenin để tiến lên XHCN là Việt Nam chúng ta. Có kẻ xấu miệng nói rằng.

- Chủ nghĩa Marx Lenin vĩ đại đến nay đã thất bại nên giờ đây chỉ còn lèo tèo 4 nước vẫn đang cố bám theo cái phao đã rách như cái miếng giẻ lau nhà.

Đó là luận điệu xuyên tạc của bọn thù địch chuyên đặt điều nói xấu chúng ta, nói xấu học thuyết vĩ đại của Marx bởi vì ganh tỵ. Và đây là bằng chứng hiển nhiên bọn thù địch chỉ là những kẻ ưa ăn ốc nói mò. Giáo sư Robert Phelan Langlands đã viết ra Bổ đề Cơ bản của mình vào những năm 1966/1967, đã có biết bao nhiêu nhà Toán học, Giáo sư, và ngay cả tác giả của nó cũng không thành công tìm ra cách giải (1). Phải hơn 40 chục năm sau, Giáo sư Ngô Bảo Châu mới giải được Bổ đề Cơ bản này. Có như vậy thì Giáo sư Ngô Bảo Châu mới giành được giải thưởng Fields cao quý.

Những khám phá vĩ đại của các nhà Bác học vĩ đại của nhân loại như Galileo Galilei, Isaac Newton, Albert Einstein… cùng nhiều Bác học vĩ đại khác của nhân loại đâu thể nào mà viết ra hay chứng minh trong một sớm một chiều. Điều này khẳng định chưa có quốc gia nào thành công mỹ mãn khi đi theo con đường của Marx Lenin vạch ra đã khẳng định học thuyết của Marx và Engel được đưa vào thực tiễn bởi Lenin là một học thuyết vĩ đại. Có thể phải cần vài trăm năm mới có thể đưa nhân loại thấy được một chút xíu ánh sánh vĩ đại của nó. Hoặc có thể phải cần cả một thiên niên kỷ để thấy được cái đích đến cũng không chừng. Thưa ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Thời gian không thành vấn đề. Miễn là chúng ta có lòng kiên định đi theo là được. Và con đường càng vất vả, đi càng lâu thì giá trị của nó càng vĩ đại.

Kính thưa ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Chúng ta đã có học thuyết Marx Lenin làm Kim chỉ nam để định hướng cho công cuộc tiến lên XHCN. Chúng ta đã có tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngời làm tư trang, làm kiến thức đồng hành. Chỉ những người con ưu tú và xuất sắc mới được vào Đảng để làm đầy tớ phục vụ Nhân Dân. Lãnh đạo cao cấp của Đất nước là những người có trí tuệ cao vời vợi. Bộ Chính trị mới được bầu của chúng ta có những 10 Tiến sĩ là một bằng chứng hùnggg hồn không thể chối cãi. Người Việt Nam có chỉ số IQ cao thuộc hàng “top 10” của thế giới. Như vậy, đảng ta là một tập hợp của những con người ưu tú, xuất sắc nhất của Đất nước. Vậy tại sao chúng ta không thành công? Vậy tại sao mỗi khi chúng ta “đụng đâu thì hỏng đấy”? Tại sao con tàu XHCN của chúng ta vẫn không thể rời bến để “Tiến nhanh, Tiến mạnh, Tiến lên XHCN”? Để rồi, bọn thù địch lại có cớ mỉa mai chúng ta rằng:

- Con tàu XHCN chỉ có được “cái còi” (hay cái kèn)?! Hay “XHCN đâu không thấy, chỉ thấy xuống hố cả nước”!

Mà quả là đúng như vậy thưa ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Đường làm chưa xong đã hỏng. Bàn tay sắt thì đúng là toàn sắt – nhưng là sắt vụn. Các doanh nghiệp quốc doanh thì có số vốn khổng lồ nhưng lãi thì bé tí tẹo tèo teo. Do đó, sau nhiều đêm trăn trở cũng như vì Nước vì Dân, Cơ Chế tôi đã tìm ra nguyên nhân vì sao, vì đâu mà con tàu XHCN vĩ đại của chúng ta vẫn nằm ì trong bến đỗ. Xin được thưa với ba vị Lãnh đạo và toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu rằng con tàu vĩ đại XHCN của chúng ta vẫn mãi nằm ì trong ga vắng là do:

- CƠ CHẾ!!!

Vâng. Đúng như vậy thưa ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu. Con tàu vĩ đại XHCN của chúng ta không thể rời bến bởi do thằng Cơ Chế tôi. Nếu ba vị Lãnh đạo và toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu vì mến mộ, vì thương yêu cái thân già Cơ Chế này mà không tin những gì Cơ Chế tôi nói thì sau đây là một số bằng chứng.

Vinashin gây nợ những hơn 4 tỉ đô la. Chính phủ không thể thanh tra, không thể giải quyết trước khi cái ung nhọt này biến tướng thành ung thư. Do đâu và do ai?

- CƠ CHẾ!!!

Tiếp nữa. Sau khi Vinashin vỡ nợ thì đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ đạo “tái cơ cấu” con tàu Vinashin. Hóa ra, lại cũng do bọn thù địch xuyên tạc. Chứ tài sản của Vinashin nào có mất đâu. Những đống sắt vụn trị giá tiền tỉ vẫn còn đó. Và cũng sau khi “tái cơ cấu” thì người lao động đã có công ăn việc làm. Hợp đồng đã không còn bị hủy. Hóa ra, các đồng chí Phạm Thanh Bình và những người khác bị bắt oan. Chỉ vì Cơ Chế tôi mà đã làm liên lụy tới các đồng chí ấy. Lòng tôi áy náy vô cùng.

Quốc hội là cơ quan Quyền lực cao nhất của Nhân Dân. Thế nhưng đại biểu của Nhân Dân – tất nhiên là người ngoài đảng chỉ được tối đa 20 phần trăm mà thôi (2). Còn 80 phần trăm còn lại là đảng viên. Cái này do ai và vì đâu?

- CƠ CHẾ!!!

Dân oan mang đơn đi kiện khắp nơi nhưng nào có được giải quyết. Đâu phải do cán bộ ta không muốn giúp dân? Là đày tớ thì phải hết mình cho chủ. Thế nhưng tại sao không giải quyết được rốt ráo?

- CƠ CHẾ!!!

Mọi công dân đều bình đẳng trong xã hội. Nhưng người dân không được kiện Thủ tướng. Vì đâu và vì sao?

- CƠ CHẾ!!!

Nạn chạy chức chạy quyền và tham nhũng nở rộ như hoa cúc mùa Xuân. Thế nhưng chúng ta không tóm được vụ nào cho ra hồn. Chỉ toàn là “đầu voi đuôi chuột”. Đến ngay tượng đài Điện Biên Phủ – tượng đài của Máu và Nước mắt mà bọn chúng cũng ăn bẩn. Bọn này đáng ra phải tử hình hay chung thân thì mới hợp ý trời. Nhưng rồi cũng chỉ giơ cao đánh khẽ. Vì đâu và vì sao?

- CƠ CHẾ!!!

Cả nước có hơn 60 tỉnh thành thì tính ra cũng có cả hằng mấy ngàn xã. Ấy vậy nhưng chúng ta chỉ tuyển có 600 người có trình độ đại học, hoặc là đảng viên để làm chủ tịch xã (3). Trong khi đó, với số lượng cả trăm trường đại học hằng năm đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước. Và tại sao chỉ tuyển người chỉ làm chủ tịch xã? Tại sao không tuyển người làm cấp huyện trở lên? Vì đâu và vì sao?

- CƠ CHẾ!!!

Chúng ta đã phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc nhưng cán bộ của Nhà nước chưa kê khai tài sản một cách minh bạch, gọn gàng (4). Do đâu và vì đâu?

- CƠ CHẾ!!!

Hơn 10 tỉnh thành qua mặt Thủ tướng ký giấy cho các công ty nước ngoài thuê đất trong thời gian 50 năm. Đường đi đã ủi sát ngay đồn biên phòng. Hứa khai thác bauxite thì không cần luật. Vì đâu có luật “hứa” bao giờ. Nhưng khi muốn dừng lại các dự án khai thác bauxite thì phải “dừng đúng luật”. Vì đâu và vì sao?

- CƠ CHẾ!!!

Báo chí nước ngoài đã nêu đích danh ông nọ ông kia nhận tiền từ những vụ làm ăn bất chính nhưng chúng ta chưa thể đưa các vụ này ra ánh sáng bởi đường còn dài và gian nan. Tham nhũng là quốc nạn nhưng không thể làm mạnh và quyết liệt bởi vì “chặt chém hết thì bầu sao kịp”! Do đâu và vì đâu?

- CƠ CHẾ!!!

Có lẽ, Cơ Chế tôi ngồi kể tới Tết sang năm cũng chưa hết những hệ lụy do lão già Cơ Chế tôi gây ra. Do đó, hôm nay, Cơ Chế tôi gởi thỉnh nguyện này đến ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu cho phép “Khai Tử” cái thân già này. Chứ kẻo sau này, một khi Tổ quốc Việt Nam lâm vào cảnh nợ nần phá sản bởi những dự án hoang tưởng như dự án ĐSCT, hay 50 năm nữa, người Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao của Việt Nam lại tuyên bố rằng:

- Việt Nam có đủ bằng chứng diện tích cho nước ngoài thuê bằng một tỉnh Tây Ninh là của Việt Nam.

Lúc đó, Nhân Dân Việt Nam lại nói rằng:

- Cũng tại cái thằng già “Cơ Chế” chết bằm mà giờ đây chúng ta mới mất đất, mới nợ nần phá sản.

Thì thật là oan cho lão già Cơ Chế tôi lắm. Hơn nữa, qua những điều trên đây thì rõ ràng cái thằng Cơ Chế tôi chính là vật cản trở con tàu XHCN của chúng ta rời bến. Một khi cái thân già Cơ Chế này được hạ huyệt thì lo gì con tàu XHCN của ta không lao nhanh vun vút về bến vinh quang?!!! Lúc đó, tất cả các đồng chí và Nhân Dân Việt Nam có thể ngẩng cao đầu mà tự hào đi cho thiên hạ vay tiền thay vì như hiện nay phải nhờ viện trợ chỗ nọ, vay chỗ kia, hay phải ăn hớt phần tài nguyên khoáng sản của bọn con cháu.

Một quyết định đúng đắn của những người làm lãnh đạo sẽ đưa Quốc gia hưng thịnh. Tiếng thơm ngàn đời sẽ lưu mãi khi vì nước mà Dấn thân. Còn quyết định sai lầm thì đưa Đất nước đi vào con đường lụn bại.

Vậy dám mong ba vị Lãnh đạo cùng toàn thể Nhân Dân Việt Nam làm ơn làm phước “Khai tử” Cơ Chế tôi đặng tôi có thể yên tâm mà nhắm mắt để đi gặp cụ Marx, cụLê nơi tiên cảnh. Có lẽ bao năm nay, nhìn thấy những con tàu XHCN tan tác trên khắp thế giới như thuyền nan gặp bão tố nơi biển cả, hai cụ ấy đau lòng lắm vì nghĩ rằng công trình vĩ đại của mình là đồ bỏ, đồ đểu. Nhưng các cụ nào có biết chỉ vì những thằng Cơ Chế bất tài vô tướng như tôi đây mới chính là thủ phạm chính đã khiến các con tàu XHCN vùi thây nơi biển cả. Còn học thuyết của các cụ vẫn luôn vĩ đại và vô địch.

Nếu ba vị Lãnh đạo vì thương mến cái thân già này mà không thể ra tay thì rất mong ba vị Lãnh đạo hãy làm một cuộc “Trưng Cầu Dân Ý”. Nếu như toàn thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu đồng ý “Khai Tử” cái lão già Cơ Chế tôi thì dẫu Cơ Chế tôi có tan xương nát thịt cũng nguyện vui lòng.

Kính chúc ba vị lãnh đạo cùng toành thể Nhân Dân Việt Nam thân yêu lời chúc Sáng Suốt để đưa còn tàu XHCN Việt Nam tới đích an toàn sau khi hạ huyệt lão già Cơ Chế tôi.
Mong lắm thay.

Cụ Cơ Chế – Механизм

Thụy Sĩ phong tỏa tài sản các nhà độc tài bị lật đổ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2011-02-16

Bốn tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Mubarak từ chức, Tổng Thống Thụy Sĩ ra lệnh phong tỏa tài sản của ông này cũng như các viên chức trong chính quyền Ai Cập gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.


AFP photo

Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey tại buổi khai mạc cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 26 tháng 1 năm 2011 tại Davos - Thụy Sĩ


Tài sản của ai?

Trước đó vài ngày Thụy Sĩ cũng đã áp dụng biện pháp tương tự với tổng thống bị lật đổ của Tunisia là ông Ben Ali.

Làn sóng cách mạng phát xuất từ Tunisia không những thổi tới luồng gió tự do dân chủ cho xứ này mà nó còn mang lại công bằng cho đất nước Tunisia khi những khoản tài sản kếch sù của tổng thống Ben Ali và gia đình có được trong những năm cầm quyền phải trả lại cho người dân cùng khổ Tunisia.

Làn sóng cách mạng tràn vào Ai Cập đã làm cho người dân xứ này phấn khích vì kể từ nay, con số thu nhập đầu người mỗi ngày 3 đô la sẽ vĩnh viễn thay đổi, dân chúng sẽ tự quyết định nền kinh tế của mình thay vì một nhóm người trong gia đình của tổng thống Hosni Mubarak chiếm lĩnh đất nước suốt 30 năm dài trên lãnh thổ Ai Cập.

Thành quả cuộc cách mạng rõ nét nhất là từ nay, người dân hai nước sẽ được hưởng ít nhất là các quyền tự do căn bản của một nước dân chủ. Họ còn có quyền theo dõi hoạt động của các lãnh đạo quốc gia bởi một cơ chế minh bạch và công khai thay vì độc tài và chuyên quyền trong suốt một thời gian dài. Những món tiền khổng lồ bòn rút từ túi tiền của những gia đình nghèo khó sẽ không còn được dịp lộng hành như trước đây và nhất là niềm hy vọng của nhân dân Ai Cập trông chờ vào quốc tế thực hiện công lý cho họ.

Theo Tờ Wall Street Journal trích dẫn tin tức từ Global Financial Integrity, một tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển cho biết theo ước tính của họ thì có tới 57 tỷ đô la tài sản đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2008. Tuy nhiên theo báo chí quốc tế thì số tiền mà gia đình Mubarak bòn rút từ 30 năm qua lớn hơn nhiều, xấp xỉ 70 tỉ đô la, giàu hơn cả Bill Gates với tài sản 53 tỉ vào năm 2010.

Vụ phong tỏa tài sản của ông Mubarak mà Thụy Sĩ tuyên bố là một thách đố đối với thế giới vì những nhà độc tài đó đã được sự hỗ trợ của các nước Tây phương.

Giáo sư Nguyễn Phúc Liên
Gia đình tổng thống Mubarak là những chủ nhân chính của số lượng tài sản khổng lồ này. Tất cả nguồn lợi phát sinh từ tham nhũng hay những vụ làm ăn bất hợp pháp trong nước kể cả số tiền tuồn ra nước ngoài để làm ăn trong các nước có cảm tình với gia đình của Mubarak mà cụ thể nhất là Hoa Kỳ.

Không riêng gì tại Hoa Kỳ, gia đình ông Mubarak tuồn tiền chiếm hữu của người dân Ai Cập ra rất nhiều nước và khi Thụy Sĩ tuyên bố phong tỏa số tài sản này sớm nhất đã khiến nhiều nước bối rối, trong đó có Hoa Kỳ, nước thân cận với tổng thống Mubarak nhất.

Giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, người theo dõi rất sát tiến trình phong tỏa tài sản cho biết những nhận xét của ông về việc này từ Geneve:

"Vụ phong tỏa tài sản của ông Mubarak mà Thụy Sĩ tuyên bố bốn tiếng đồng hồ sau khi ông này thoái vị, là một thách đố đối với thế giới vì những nhà độc tài đó đã được sự hỗ trợ của các nước Tây phương trong suốt bao nhiêu năm trường. Đối với ông Ben Ali thì hầu như là con cưng của Pháp và tất nhiên những liên hệ làm ăn với Pháp rất nhiều và gửi tiền có tài sản ở trên lãnh thổ của Pháp nữa. Có nhà cửa ở bên Luân Đôn nữa thành ra đối với trường hợp của ông Ben Ali thì không hiểu vấn đề phong tỏa của Pháp như thế nào.

Còn đối với Mubarak là con cưng của Hoa Kỳ và làm ăn của họ trong vấn đề địa ốc rất lớn ở New York và Los Angeles. Chính vì vậy mà Hoa kỳ không mạnh miệng được vì là con cưng của mình. Mà để người con cưng đó làm cho dân nghèo quá sức như vậy ăn cắp tiền bạc làm ăn bên Hoa Kỳ thì Mỹ tự nhiên phải có mặc cảm nào đó là tội lỗi của mình. Pháp cũng vậy có mặc cảm đối với dân Tunisia. Hoa Kỳ cũng vậy đối với dân Ai Cập."

Thừa kế quốc gia


Một người đàn ông ngồi ở lối vào một nhà hàng trong Biển Đỏ ở thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh - Ai Cập hôm 16 tháng 2, 2011.
Thụy Sĩ không còn là vùng đất hứa của những đồng tiền bất chính đã làm thất vọng những nhà độc tài trên thế giới. Riêng đối với Hoa Kỳ thì lại càng không phải là vùng đất màu mỡ khi chuyển những đồng tiền đen tối vào để trốn sự dòm ngó của người dân trong nước. Giáo sư Tạ Văn Tài từng phụ giảng môn Luật quốc tế tại đại học Harvard cho biết về quy định phong tỏa tài sản của những nước bị lật đổ như sau:
"Thụy Sĩ đã phong tỏa trương mục của ông Mubarak. Đấy là một thí dụ của chính quyền một nước từng có bang giao với chính quyền Ai Cập, bây giờ phải bang giao với chính quyền mới họ có thề làm một hành động như phong tỏa tài sản vì lý do ngoại giao với chính quyền mới họ phong tỏa tạm thời cái đã. Phong tỏa tạm thời để bảo vệ số tiền đó xem nếu là số tiền bất hợp pháp thì họ sẽ trả lại cho chính quyền mới theo nguyên tắc gọi là thừa kế quốc gia "State succession” có nghĩa là tiền của chính quyền cũ phải giao cho chính quyền mới theo nguyên tắc thừa kế.

Việc này cũng đã có nhiều trường hợp trong lịch sử thí dụ như ở bên Nga sau khi chính phủ Nga Hoàng sụp đổ thì tất cả những số tiền của chính phủ này bị các nước họ giữ lại vì có vấn đề người dân họ đòi tiền. Đấy là trường hợp người dân đòi tiền chưa kể chính phủ Sô Viết đòi tiền nữa. Trường hợp VNCH sau năm 1975 thì những tiền nong mà VNCH có ở New York cũng được giữ lại để chính phủ Mỹ coi xem có phải thanh toán với chính quyền mới bên Việt Nam cũng theo nguyên tắc State succession, có nghĩa là thừa kế quốc gia.

Sau này có sự thương lượng rất dài về các tài sản của Mỹ như hãng dầu Esso bị Việt Nam tịch thu được bù trừ với những trương mục của VNCH bị phong tỏa tại Mỹ. Sau nhiều năm thương lượng số tiền dư của Mỹ có được thay vì Việt Nam phải trả cho Mỹ thì Mỹ đã dùng số tiền đó làm học bổng cho sinh viên Việt Nam du học sang bên Mỹ theo chương trình khoa học. Đó là người Mỹ họ muốn chứng tỏ họ không cần nhận lại số tiền ngày xưa mà họ có dư.

Phong tỏa tạm thời để bảo vệ số tiền đó xem nếu là số tiền bất hợp pháp thì họ sẽ trả lại cho chính quyền mới theo nguyên tắc gọi là thừa kế quốc gia.

Giáo sư Tạ Văn Tài
Các nguyên tắc đó áp dụng chung cho các nước bị lật đổ cũng áp dụng nguyên tắc State succession tức là thừa kế quốc gia. Phần lớn theo chính sách ngoại giao của chính quyền ở ngoại quốc, đối với chính quyền mới thay thế người lãnh đạo mới bị lật đổ."

Đối với Thụy Sĩ, một nước có hệ thống ngân hàng trung lập lâu đời nhất thế giới từng bị kết án là che chở cho những kẻ trốn thuế thì nay lại tỏ ra mạnh tay hơn cả những nước vốn được tiếng là khe khắt với tội phạm xuyên quốc gia như các nước EU và Mỹ. Giáo sư Nguyễn Phúc Liên nhận xét:

"Thụy Sĩ chứng minh rằng chúng tôi không phải là nước như các ông công kích trước đây. Ông Obama công kích rất nhiều Thụy Sĩ là giúp những người trốn thuế. Pháp cũng vậy, công kích rất nhiều và còn muốn kêu gọi EU đưa Thụy Sĩ vào sổ đen."

Bài học cho nước khác

Còn riêng tại Việt Nam thì sao? liệu với số dự trữ ngoại hối không quá 10 tỷ đô la thì các quan chức có thể tích lũy đựơc bao nhiêu trong suốt quá trình tham gia lãnh đạo dất nước?
Chắc chắn là không thể nào bằng ngài tổng thống Mubarak và gia đình. Cho tới nay, nhiều con số đưa ra tố cáo các quan chức tham ô có vẻ dựa trên cảm tính hơn là điều tra khoa học. Tuy nhiên một bản tin vào tháng 10 năm ngoái do chính tổng thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền phát biểu không khỏi làm cho người có lòng với đất nước lo ngại.


Dự án "Madinaty", cách Cairo 40 km về phía đông hôm 15/9/2010. AFP photo
Theo báo Tuổi Trẻ ghi nhận, khi được hỏi về sự tham ô của ông Đặng Hạnh Thu, người bị thôi chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế vì sở hữu 26 lô đất “vàng” ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Truyền trả lời rằng một số trung ương ủy viên và đại biểu Quốc hội có tài sản lớn trong tay nhưng ông không nói rõ là ai và bao nhiêu.
Phát biểu công khai của ông Trần Văn Truyền, một tổng thanh tra cấp nhà nước đã góp phần xác định rằng dân chúng Việt Nam tuy còn nghèo nhưng cấp lãnh đạo của họ không hề chịu thua thế giới về khoản thu nhập ngoài lương và cũng không hề kém cỏi Ai cập về khoản tung tiền đầu tư ở Mỹ trong những công ty hợp pháp có liên hệ mật thiết như người nhà.

Tình trạng bao che cho nguồn tiền của các nhà độc tài đã cáo chung tại Thụy Sĩ, thế nhưng tại Hoa Kỳ và nhiều nước EU thì tình trạng tuồn tiền ra kinh doanh trong những tập đoàn ngoại quốc không phải là hiếm. Hoa Kỳ là vùng đất có lẽ màu mỡ nhất thế giới khi đồng tiền tham nhũng trốn dưới vỏ bọc hợp pháp của một công ty nào đó để kinh doanh.

Liệu có thoát được tấm lưới pháp luật của nước này một khi có biến cố xảy ra hay không? Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết khi nào thì biện pháp phong tỏa được áp dụng vào một tài khoản ám muội, đó là khi tài khoản này được xem là bất hợp pháp:

"Nguyên tắc chung là số tiền bất hợp pháp. Phải được bàn ngay ở chữ đó! thế nào là bất hợp pháp? thì chính phủ Mỹ mới có lý do để giữ số tiền bất hợp pháp này cho chính quyền mới. Thủ tướng có người bên Mỹ này cũng không giữ được. Vấn đề đặt ra là: thế nào là bất hợp pháp. Bất hợp pháp là khi nào những số tiền không phải tạo ra từ kinh doanh.

Chính phủ Mỹ họ sẽ có những biện pháp gọi là Paper trail, tức là hành trình của các tờ giấy...từ trương mục A tới trương mục B trương mục C ... họ sẽ truy lùng ngược lại vì những kỹ thuật về tài chánh của Mỹ rất tinh vi, nhất là sau biến cố 9/11 họ theo dõi rất kỹ tiền mà họ nghi là khủng bố và họ có những kỹ thuật tinh vi để theo dõi."

Bài học Tunisia và Ai Cập ngoài ý nghĩa về sức mạnh của dân chúng, nó còn là một bài học lớn cho các nhà độc tài suy ngẫm làm cách nào để đồng tiền mà họ kiếm được sẽ an toàn hơn trong khi thế giới ngày một siết chặt luật lệ phong tỏa tài khoản bất chính mà họ tình nghi là rửa tiền từ các hoạt động đen tối

Đoàn kết: một danh từ lớn và hệ trọng

Phạm Hồng Sơn
(TTHN) – Đây là một comment hay, đáng suy ngẫm của độc giả Phạm Hồng Sơn viết trong bài “Đôi Điều Tâm Sự Về Bài Viết “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” ?”. Xin phép được trích thành một bài viết để giới thiệu cùng bạn đoc.
Tựa đề do TTHN tự đặt.

Ai cũng biết để có đủ sức mạnh đấu tranh hiệu quả với các chính thể độc tài, những cá nhân bất đồng chính kiến đơn lẻ, những tổ chức, đảng phái đối lập riêng biệt cần phải đoàn kết lại. Tuy nhiên từ đoàn kết đối với các cá nhân, phong trào, hội đoàn phi cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn thường gợi tới một mục tiêu, một ước muốn hơn là vấn đề củng cố một công việc đã hoàn thành.

Nhiều người còn tỏ ra ngao ngán khi thấy đã trên 35 năm kể từ ngày chế độ cộng sản được áp đặt trên toàn cõi Việt Nam, những cá nhân, phong trào phi cộng sản của Việt Nam tại những vùng đất tự do vẫn chưa có được một sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh thống nhất, đôi khi còn thấy những thể hiện kém ôn hòa ở nơi công cộng chỉ do bất đồng quan điểm.

Ở trong nước tình hình cũng có những thể hiện không kém phần lo ngại, khoảng 5 năm trở lại đây thỉnh thoảng lại nổi lên những vụ xúc phạm nhau một cách công khai giữa những người cùng quan điểm phản kháng chế độ độc đảng hiện tại. Những sự kiện dẫn đến các nhận xét u ám vừa nêu đã là quá khứ, nhưng liệu có ai dám chắc chúng không thể lặp lại? Cho dù chúng ta không thể chấp nhận khái niệm đoàn kết như tình trạng đồng nhất cưỡng bức, triệt tiêu các chính kiến, che giấu lục đục trong chính thể độc đảng.

Nhưng vấn đề các cá nhân, các tổ chức đang công khai có một ước nguyện dân chủ đa nguyên chưa hoặc chưa đủ đoàn kết cần phải được coi là một vấn đề cấp thiết không chỉ cho phong trào dân chủ hiện nay mà còn phải được coi là hệ trọng cho tương lai của đất nước, bởi một quốc gia không thể hưng thịnh khi các cá nhân, các tổ chức của quốc gia đó không thể đoàn kết.

Với một tinh thần đa nguyên, đoàn kết rõ ràng không thể được hiểu theo nghĩa chỉ là sự nhất trí với nhau về một (hay nhiều) quan điểm, đoàn kết phải được hiểu là khả năng hợp tác, phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức có quan điểm khác nhau vì một mục tiêu chung.

Cụ thể hóa, đoàn kết phải được thể hiện ở tinh thần khẩn cấp quan tâm, trợ giúp khi đối tác gặp khó khăn, sự sẵn sàng tiếp xúc để bàn thảo với những cá nhân, tổ chức có quan điểm khác biệt nhằm cùng tìm ra một giải pháp cho một vấn đề liên quan.

Tất cả sự quan tâm hay sự sẵn sàng đó chỉ có thể có khi mỗi người chúng ta xác định rõ sự bất đồng giữa những con người là phổ biến tự nhiên, việc coi thường hay chối bỏ lắng nghe ý kiến khác biệt là tự làm mất cơ hội tiếp cận những tri thức, sáng kiến tiềm năng, sự gặp gỡ bàn thảo những quan điểm khác biệt (thậm chí xung đột) là một khả năng duy nhất đến nay được biết chỉ có ở những cộng đồng, xã hội con người muốn phát triển.

Nếu coi tương lai của dân tộc là một dự án chung thì dự án đó chỉ là dân chủ khi mọi quan điểm đều được tham vấn, được ghi nhận cho dù, cuối cùng, nó không được chấp nhận.

Có một yếu tố quan trọng, thường bị tránh né hoặc bỏ sót, giúp cho sự quan tâm, sẵn sàng kể trên trở thành khả thi đó chính là khả năng giữ một phản hồi lễ độ giữa các chủ thể khi có những bất đồng. Đòi hỏi con người không có xúc cảm cáu giận, bực tức là điều phản tự nhiên, nhưng kiểm soát xúc cảm là một khả năng con người có thể rèn luyện. Câu tục ngữ của phương Đông “Khi giận mất khôn” hay của phương Tây “Anger is momentary madness” không chỉ cảnh báo sự rủi ro trong lời nói, hành động khi có xúc cảm không vừa ý mà còn gợi ý sự độ lượng với những lời nói, hành động trong xúc cảm đó.

Các gia đình, các tổ chức, các dân tộc đang hưng thịnh đều từng hoặc đang có những bất đồng, xung đột khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một cách ứng xử lễ độ, cầu thị trong bất đồng.

Đoàn kết hay đoàn kết hơn nữa là mong muốn của các cá nhân, tổ chức đang vận động cho một thể chế dân chủ cho Việt Nam, nhưng đoàn kết sẽ là xa vời nếu như chúng ta chưa thể vượt qua mọi sự suy diễn, sĩ diện, thành kiến, mặc cảm để đến với nhau trong sự sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến “nghịch nhĩ”, mọi ý tưởng “lập dị” với một tinh thần cầu thị và một dự kiến phải kiểm soát phản hồi ở mức lễ độ.

Những vấn đề này không cần đến những nguồn tài chính khổng lồ, những kế hoạch vĩ đại hay đòi hỏi dân tộc phải có một phẩm cách đặc biệt, chúng có thể được áp dụng tức thì ở mỗi cá nhân trong mọi tập thể đoàn kết tiềm năng. Sự chân thành cùng những ngôn từ bình dị như “tôi xin phép”, “tôi không nghĩ thế”, “mong ông thông cảm”, “mong ông nhận lấy”, “mong ông kiên nhẫn hơn” có thể cứu cho một nguy cơ chia rẽ hoặc để lại những cơ hội bắt tay trong tương lai.

Đoàn kết là một danh từ lớn và hệ trọng nhưng nó chỉ có thể thành hiện thực nếu những điều bình dị như thế được quan tâm.

Một vài cảm nghĩ từ một bài viết hay

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Lẩm Cẩm Lão Gia

Tình cờ đọc bài "Sóng biển Lăng Cô" của tác giả Nguyễn Hữu Liêm đăng trên trang BVN (1). Quả là một bài viết rất hay. Do đó, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đã phải đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần. Sau cả hơn chục lần đọc đi đọc lại thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi có một vài cảm nghĩ như sau.
[....Trong tiếng gió, tôi nghe mơ hồ vang tiếng gọi Tự Do và Giải Thoát. Tất cả như những cơn gầm phẫn nộ, ầm ầm của từng đợt sóng biển Thái Bình liên tục vỗ vào bờ không ngừng nghỉ. Từng vết bùn dưới ruộng kia, từng hạt cát bên bờ sông nọ, từng viên đá trên rặng núi cao, từng cây dương liễu cong mình dưới gió, từng con thú run lạnh bên vườn, và tất cả cái khối nhân loại tràn trề và triền miên gian nan này – vâng, tất cả, một tổng thể “lạc loài trong kiếp luân hồi” đang gào thét trong khổ đau, đang mải mê quay cuồng, để tìm về chân trời Tự Do. Ta thấy được điều đó ở mọi nơi và cả trong chính ta!

Gần quán cà phê có một đám thợ đang xây một con đường đi dạo bằng đá bên đồi cát. Những thợ nề, thợ mộc đang chuyển cát đá thành cảnh quan. Chỉ có con người mới có tự do ý chí chuyển hóa đất đá thành cái đẹp cho ý thức. Tất cả phải chuyển động về chân trời Tự Do. Kể cả sỏi đá, đất cát ngàn trùng kia. Hằng tỷ tỷ “Hằng hà sa số” đều phải đứng dậy mà đi. Qua bàn tay con người lao động, qua ý thức thẩm mỹ, nhân loại phải hoàn tất dự án Tự Do vô vàn này.


Tất cả phải sống lại, phải đứng lên từ cõi chết, để cái Đẹp, cái Thiện, và Sự Thật được hoàn tất trong sự tương giao, từ tính vô tri của đất đá, vô cảm của cỏ cây, đến sự khổ đau đầy hồn nhiên của cõi người. Mỗi viên đá mà con người đắp lên thành con đường chính là mỗi nấc thang tiến hóa được hoàn tất.
Hoặc là con người phải có chủ đích và đứng dậy để tìm Tự Do cho mình hay là họ sẽ mãi đọa đày trong vô thức như cây cỏ, sỏi đá kia. Chỉ có chúng ta qua hành trình làm người mới có kinh nghiệm cuộc đời – cây cỏ, muông thú, cát đất không có lịch sử, không khổ đau, dù đang cùng chung đường cứu cánh. Nhưng mà, tôi tự nhủ, con người Việt Nam, như một góc nhân loại ở xứ miền Trung này, như tôi đây, còn cả một xa lộ dài đằng đẵng, đầy khổ đau nằm chờ trước mặt, trải dài về chân trời Giải Thoát. Sẽ còn nhiều gian truân lắm bạn ạ. Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể. Họ sẽ phải được văn minh hóa qua con đường và phương tiện vật chất trước đã. Khối tâm thức Việt Nam, ôi thân yêu hỡi những anh chàng nhà quê mới lên tỉnh, phải tiêu thụ và giải tỏa hết cái năng lực dục thức, trước khi lý tính và ý chí cõi cao hơn được làm chủ sự sống. Vâng, dân tộc này đang là của thân xác trong cõi dục thức. Chúng ta đang cùng nhau trăn trở, ngụp bơi trong một thời quán tiến hóa xác thể sắc tướng để mong được thoát ra ngoài khoảng không gian nặng ẩm này…]


Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không hiểu hai chữ “Tự Do” mà tác giả nói đến trên đây là loại "Tự Do" nào? Còn "Giải Thoát" thì cần phải “Giái Thoát” từ cái gì? Không ai phủ nhận Miền Trung là một dải đất khô cằn, không được thiên nhiên ưu đãi với ruộng đồng phì nhiêu, khí hậu thuận hòa. Để sinh tồn, con người Miền Trung phải luôn vươn lên bằng sức mạnh của chính mình. Nhưng Miền Trung đã sinh ra không ít người nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Quý Cáp….

Như vậy, khi tác giả Nguyễn Hữu Liêm nói rằng “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” mà không giải thích rõ ràng căn nguyên vì sao, vì đâu mà hôm nay “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” là một điều có phần gượng ép, khiên cưỡng.

Những bậc tiền nhân trên đây sinh ra, lớn lên, được học hành, và thành nhân trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước nhà. Một thời kỳ đen tối trong lịch sử Việt Nam. Ấy thế mà tại sao dải đất Miền Trung lại sản sinh ra những nhân tài xuất chúng đến như vậy? Trong khi hiện nay, dải đất Miền Trung được soi sáng bởi ánh sánh chói lòa của Đảng cũng như đang tiến bước trên con đường XHCN. Vậy thì tại sao “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” như lời của tác giả Nguyễn Hữu Liêm trên đây?

[…..Trưa đến, chúng tôi về tới Phân khoa Luật, Đại học Huế. Ra đây lần này, tôi tham dự thỉnh giảng môn Logic và Tư duy phản biện. Về với miền đầy cảm xúc, the realm of feeling, của đất Thần Kinh, sông Hương, núi Ngự, của con người với giọng nói ngọt nhẹ, tôi mong góp chút gì bằng năng thức từ cõi lý tính, the realm of rationality – ôi biết đâu, tôi vọng tưởng – nhằm giúp quân bình tâm hồn Huế, vốn đầy ắp trong tôi. Biết đến bao giờ, Huế và miền Trung mới bước qua cõi cảm xúc ngập tràn để được vượt thoát. Tôi nhớ đến Pythagoras, một triết gia Hy lạp 2.500 năm trước, đã bắt buộc đệ tử phải học toán trước khi truyền dạy bí mật huyền nhiệm. Muốn tiến lên cõi tinh thần con người trước hết phải đi qua cõi lý tính. To be spiritual is to be rational. Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!..

….Sáng sớm tôi đi ra góc phố, co ro ngồi bên vỉa hè, trong cơn mưa lạnh, ăn tô bún Huế cay và nóng để mà cảm thức xứ Huế. Chắc là Huế còn lâu mới thay đổi – như tô bún giò rất nặng hương vị trong một buổi sáng mưa phùn, gió bấc ngập tràn ẩm ướt cả tuần nay, sẽ vẫn còn đó dưới gốc cây nơi từng góc phố. Với cơn mưa rét buốt này, với giọng nói, với thức ăn cay xé lưỡi này, chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an....]

Không hiểu vì sao mà tác giả Nguyễn Hữu Liêm nói rằng “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!…. chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..” Việt Nam hiện nay là một đất nước “Thanh Bình”. Người dân Huế cũng như người dân trên cả ba miền của đất nước đương nhiên được hưởng sự “Thanh Bình” đáng quý kia. Vậy tại sao “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!…. chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..”???

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – theo lời tự giới thiệu của tác giả – đều là những người gốc Huế. Vậy có lẽ phải nhờ đến hai người này mới có thế lý giải vì sao mà “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!… chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..” Hoặc là phải nhờ đến ông Giáo sư Hà Văn Thịnh giải thích hộ thì may ra độc giả xa gần của BVN có có thể mở rộng tầm mắt.

Cách đây cũng chừng hơn một năm, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi cũng tình cờ đọc một bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Liêm đăng trên mạng talawas. Hai tác giả đều trùng tên, trùng họ, và trùng cả chữ lót là Nguyễn Hữu Liêm. Văn phong của bài viết đăng trên talawas và bài viết đăng trên BVN cũng có phần giống nhau. Vì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thấy cả hai bài viết đều trích dẫn Triết học, hay dẫn ý của của những Triết gia nổi tiếng của thế giới để đưa người đọc vào cõi uyên thâm của Triết học.

Chỉ có khác một điều là tác giả Nguyễn Hữu Liêm của bài viết đăng trên talawas thì có được “Một nỗi Bình an” ở Hà Nội giữa Đại hội Việt kiều. Còn tác giả Nguyễn Hữu Liêm của bài viết đăng trên BVN ngày hôm qua thì lại thấy cần tìm “Tự Do và Giải Thoát” nơi bãi biển Lăng Cô cũng như thấy được “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể”!

LCLG

(1) http://www.boxitvn.net/bai/16988

(2) http://www.talawas.org/?p=14276

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

“Ghìm cương” lạm phát

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

A.V

Ông Vũ Viết Ngoạn nói thế này, ông Bùi Kiến Thành nói thế kia, ông Cao Sỹ Kiêm nói thế nọ. (Có lẽ dùng cái tựa này thì đúng hơn: ‘Chuyện ấy’ hỏng bét vì ‘quân sư quạt mo’ (ĐV 16-2-11)

GS Trần Hữu Dũng


Làm thế nào để kiểm soát giá cả, ghìm cương lạm phát là vấn đề được đặt ra hiện nay.
Hạ lãi suất – chống lạm phát?

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn, trong nửa năm 2010, dù tỷ giá được ghìm lại nhưng chỉ số CPI cuối năm vẫn tăng 11,75%. Do đó, cú điều chỉnh tỷ giá vừa rồi của Ngân hàng (NH) Nhà nước thêm 9,3% chắc chắn sẽ khiến CPI chịu tác động không nhỏ. Vì vậy, cần phải có những biện pháp kinh tế, trước tiên là quản lý thị trường, giá cả để tránh tăng giá một cách bất hợp lý nhân điều chỉnh tỷ giá, nhưng đồng thời cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền. “Nếu như biết rút kinh nghiệm từ những năm trước về điều hành giá cả, giữ được thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn. Đặc biệt là các giải pháp vĩ mô giảm tổng cầu của nền kinh tế, thì hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát 7% như mong muốn, mặc dù không đơn giản”, ông Ngoạn nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng bối cảnh hiện nay giảm lãi suất (LS) sẽ có tác động tích cực tới chỉ số giá CPI. Về lý thuyết, nghe có vẻ nghịch lý vì giảm LS dẫn tới tăng cung tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán và gây ra lạm phát. Nhưng tại VN, 90% nguồn tín dụng của hệ thống NH dành cho doanh nghiệp (DN) nên khi hạ LS thì chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hạ xuống. DN hoạt động tốt, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Còn nếu LS quá cao, DN khoanh tay ngồi chơi, hàng trong nước không sản xuất được, hàng hóa nước ngoài ùa vào, giá cả sẽ leo thang. “Khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, các quốc gia phát triển tăng LS để kiềm chế tiêu dùng, giảm giá xuống. Nhưng đó là các quốc gia có cơ cấu tín dụng tiêu dùng chiếm tới 70% trong hệ thống NH. Tại VN, với 90% tín dụng NH dành cho DN, khi LS giảm, DN giống một cánh đồng đang khát nước, nếu mở van cho nước vào ruộng, lúa sẽ mọc tốt hơn”, ông Thành ví von. “DN có hoạt động, sản xuất thì nền kinh tế mới tăng trưởng được xuất khẩu, hạn chế nhập siêu khi đó mới tăng cường được dữ trữ ngoại hối. Tăng dự trữ ngoại hối có đủ khả năng can thiệp tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành chia sẻ.

Cần giải pháp đồng bộ

Giảm bội chi sẽ tác động giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng

TS Cao Sỹ Kiêm

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước lại tỏ ra cẩn trọng hơn. Theo ông Kiêm, để hóa giải áp lực lạm phát mà chỉ giải quyết vấn đề LS thì không đủ. Hiện tại, LS cao một phần do đồn thổi, nhưng cung – cầu vốn có căng thẳng thực sự. Ngoài ra, tâm lý sợ lạm phát cao, sợ đồng tiền mất giá, cho nên đã sinh ra sự găm giữ, đầu cơ vốn không đưa được vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trước mắt phải làm cả biện pháp kinh tế và tâm lý để giảm lạm phát xuống trước. Muốn vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ như sắp xếp lại cơ cấu thu, chi để giảm bội chi ngân sách càng nhiều càng tốt. Phải chi, đầu tư trúng và đúng các đối tượng cần khuyến khích để mang lại hiệu quả cao. “Giảm bội chi sẽ tác động giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng”, ông Kiêm nói. Nhập siêu tuy giảm so với trước kia, nhưng vẫn ở mức độ rất cao, đang kích giá hàng nhập khẩu lên, là nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu để tăng hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhập khẩu chưa cần thiết, không phục vụ trực tiếp sản xuất – kinh doanh, hạn chế tới mức tối đa… Đặc biệt, theo ông Kiêm, với các khoản tín dụng không tạo ra khả năng sử dụng lao động, tạo sức mua, tạo thu nhập thì phải kiên quyết sắp xếp lại. Các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động, sản xuất cho hiệu quả. Cuối cùng, cần giải quyết thông tin về chính sách minh bạch, rõ ràng. “Chính sách điều hành nhất quán, thống nhất cao mới tạo động lực trong thực hiện, lòng tin của thị trường, tránh được găm giữ, đầu cơ đồn thổi, tăng giá. Cần có sự thận trọng nhất định nếu không mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% trong năm nay rất mong manh” ông Kiêm nhấn mạnh.

Đối với việc tăng giá các mặt hàng than, điện, xăng dầu, TS Kiêm cho rằng khi điều chỉnh giá sẽ “ăn” trực tiếp vào chi phí của tất cả các mặt hàng khác, đẩy giá thành tăng lên. Lúc này khả năng thanh khoản hệ thống NH tốt, tiền thu về chưa chi ra nhiều có thể thích hợp để điều chỉnh, nhưng cần cân nhắc điều chỉnh như thế nào, phối hợp ra sao, cái gì trước, cái gì sau phải thông qua việc tính toán định lượng các con số cụ thể.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành chia sẻ ngân sách có hạn nên giá xăng không thể giữ mãi, điện cũng phải tăng để kêu gọi thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng là phải xem chỉ số giá tiêu dùng chịu tác động của nhân tố nào mạnh nhất để biết làm gì trước, cái gì sau. Theo ông Thành, tăng giá, điện, than, xăng dầu để DN có nguyên liệu hoạt động, nền kinh tế không bị trì trệ. Nhưng “tăng giá cũng cần phải có giải pháp đồng bộ đi kèm như hạn chế đầu tư dàn trải, thất thoát. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tránh độc quyền sản phẩm… để hạ giá thành. Đồng thời, phân loại các hộ nghèo để có hỗ trợ thích đáng”, ông Thành bày tỏ.

Nguồn: Thanhnien.com.vn

Những điều vô lý thì phải bỏ

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Lê Hiếu Đằng

SGTT.VN – “Kỳ bầu cử này là lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày. Làm như vậy, vừa tiết kiệm được tiền bạc, vừa không làm mất thời gian của cử tri. Tuy nhiên, để tìm được một đại biểu xứng đáng, cần phải thay đổi quy trình hiệp thương. Cách hiệp thương như hiện tại còn có không ít điều vô lý”, ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh.

Cụ thể, sự vô lý đó là gì, thưa ông?

Ví dụ quy định các ứng cử viên, kể cả người tự ứng cử, phải thông qua tổ dân phố. Thực tế, bây giờ chúng ta đánh giá hoạt động của tổ dân phố rất là hình thức. Có hộ chủ gia đình không đi họp tổ dân phố mà thường xuyên cử người giúp việc đi họp thay. Nhiều vị trí thức, do thấy hoạt động của tổ dân phố quá hình thức nên ít hoặc không đi họp tổ dân phố. Khi họ tự ứng cử, họ sẽ bị đánh rớt ngay tại khu phố mình ở.

Theo tôi, việc đánh giá đại biểu nên để cho cử tri của cả khu vực thực hiện chứ không thể loại trước bằng tổ dân phố được. Ở đây, tôi kêu gọi đổi mới là ở chỗ đó. Chính cách làm trên đã khiến không ít người tự ứng cử nản lòng không ra ứng cử tiếp, hay những người có ý định tự ứng cử không dám ra ứng cử.


Chúng ta khắc phục bằng cách nào?

Theo tôi, trong tổ chức bầu cử không nên lấy ý kiến của tổ dân phố làm yếu tố quyết định, mà chỉ nên tham khảo. Bởi có ứng cử viên khi lấy phiếu tín nhiệm ở tổ dân phố không đạt, nhưng thực tế họ lại là người có đủ tâm, đủ tầm khi tham gia ứng cử. Nếu mình không nói rõ điều này thì khó mà khuyến khích những người có tài, có đức tự ứng cử. Vì vậy, MTTQ phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước dân về việc lựa chọn đại biểu để đưa vào danh sách ứng cử. Đặc biệt, MTTQ phải kiên quyết gạt tên khỏi danh sách những đại biểu nào được bầu nhiệm kỳ trước mà không hề có tiếng nói gì bảo vệ quyền lợi của dân, của đất nước.


MTTQ phải kiên quyết gạt khỏi danh sách những đại biểu nhiệm kỳ trước mà không hề có tiếng nói gì bảo vệ quyền lợi của dân, của đất nước.


Có ý kiến cho rằng việc phân bổ đại biểu cho từng tỉnh thành hiện nay không còn phù hợp?

Bản thân tôi cũng thấy việc phân bổ chỉ tiêu đại biểu như những nhiệm kỳ trước là hết sức bất cập, bởi tình hình phát triển của mỗi tỉnh, thành khác nhau. Chẳng hạn, TP.HCM là thành phố lớn, nếu chỉ tiêu ngang bằng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác như Cần Thơ, Đà Nẵng là vô lý.

Vậy theo ông, bao nhiêu là phù hợp với TP.HCM?

Theo tôi, cần đưa ra quy định bao nhiêu dân số thì được một đại biểu Quốc hội, không nên hạn chế. Như kinh nghiệm của tôi, cứ khoảng 200 ngàn dân thì nên có một đại biểu Quốc hội. TP.HCM khoảng 10 triệu dân thì cứ theo đó mà tính ra số lượng đại biểu của thành phố.

Ông nghĩ thế nào về vai trò của đại biểu chuyên trách?

Nhân anh đặt vấn đề này, tôi xin nói: để một Quốc hội, một HĐND thực chất là một Quốc hội, HĐND đại diện cho tiếng nói của người dân, theo tôi, ít nhất phải có 60% đại biểu chuyên trách. Như vậy mới tạo thế độc lập cho Quốc hội, cho HĐND, chứ không thể như Quốc hội, HĐND vừa rồi.

Theo ông, đại biểu được “lấy” ra từ cơ quan, đoàn thể nào thì hoạt động hiệu quả?

Theo kinh nghiệm cũng như quan sát thực tế của tôi, những đại biểu là người của các đoàn thể, mặt trận, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn hóa là những đại biểu hoạt động hiệu quả hơn so với các đại biểu là quan chức nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, những đại biểu có tiếng nói tích cực, làm nghị trường nóng lên toàn là những đại biểu không phải là quan chức nhà nước. Những đại biểu thuộc các đoàn thể, mặt trận, các nhà hoạt động xã hội,… là những người có thời gian để sâu sát với cuộc sống của người dân. Không phải là quan chức nhà nước nên việc giám sát chính quyền của họ cũng dễ hơn.

Có người cho rằng đa phần đại biểu Quốc hội, HĐND là đảng viên nên họ gặp nhiều chuyện khó nói, không dám nói trên nghị trường…

Thực tế hiện nay có hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Từ thực tế quan sát của mình, tôi cho rằng băn khoăn trên của người dân chưa có cơ sở. Bởi không phải cứ đảng viên là không dám chất vấn. Chỉ có các đảng viên thiếu bản lĩnh mới thế. Thực tế thì mọi đường lối, chủ trương của Đảng đã được Nhà nước thể chế hóa bằng các quy định và văn bản thực thi dưới luật. Thế thì là đảng viên, chiếu theo những quy định trên, anh phát hiện ra những vấn đề đi ngược lại lợi ích của xã hội, của dân tộc, thì dù có ý kiến của chi bộ, đảng bộ địa phương đó thế nào, chúng ta cũng phải trao đổi và có ý kiến trở lại với chính quyền nơi đó, chứ không phải răm rắp thực hiện và cho rằng mình là đảng viên thì phải tuân thủ yêu cầu, chỉ đạo của tổ chức. Ví dụ, ở việc tranh luận xung quanh dự án đường sắt cao tốc, tuy có ý kiến của Đảng rồi nhưng các đại biểu có quyền có ý kiến khác với ý kiến của Đảng. Có như vậy mới cần thành lập Quốc hội, HĐND, nếu không thì thành lập làm gì? Nếu đảng viên là đại biểu Quốc hội hay HĐND mà thực sự có bản lĩnh thì không có gì là mâu thuẫn lợi ích khi thực hiện quyền và nghĩa vụ đại biểu của mình.

Đào Lê (thực hiện)

“Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới, những người được giới thiệu hay tự ứng cử nên làm hai việc công khai minh bạch ngay từ đầu là bằng cấp và tài sản. Những năm trước tôi đã đề nghị phải công khai nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi nào có vấn đề gì hay ai kiện cáo thì mới bổ sung. Nay tôi nhắc lại đề nghị này vì thời gian gần đây, vấn đề bằng cấp gây hoang mang cho không ít cử tri. Về vấn đề tài sản, một khi anh chấp nhận làm đại biểu Quốc hội, HĐND, anh phải chứng minh cho dân thấy mình là người trong sáng, minh bạch. Tôi cho rằng kỳ bầu cử này nếu đổi mới thì trước hết nên đưa hai điều khoản đó vào để người dân có thêm điều kiện dễ dàng lựa chọn” – ông Đằng nhấn mạnh.

Nguồn: sgtt.vn

Trung Quốc phản ứng ngầm vụ Ai Cập

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA


Một bài báo vừa xuất hiện trên trang mạng của Ấn Độ đăng lại bài viết đầy cay cú lên án những nỗ lực của Mỹ đang cố lôi kéo nhiều nước trong khu vực nhằm bao vây Trung Quốc. Ý nghĩa thật sự của bài báo này là gì?

Bài báo này được biết đã đăng trên một tạp chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được trang mạng DNA của Ấn Độ trích đăng lại. Nội dung bài viết đáng chú ý ở chỗ người viết nhận xét những động thái gần đây của Hoa Kỳ nhằm kết hợp những bất đồng của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc để ngấm ngầm thúc đẩy các nước này ngồi lại với nhau sau lưng Hoa Kỳ.

Bài báo nhấn mạnh ở điểm Trung Quốc cần phải nhìn thấy những hiểm nguy tiềm ẩn phía sau những điều mà bài báo cho rằng là không thể chịu đựng nổi. Tờ báo gợi ý rằng trước những ý đồ rõ ràng này thì Bắc Kinh cần phải đưa ra một thông điệp trực tiếp đối với các nước đang có biểu hiện tiến gần về phía Mỹ, mà trước nhất là Ấn Độ, đối trọng tiềm năng nhất đối với Trung Quốc về quân sự lẫn kinh tế.


Bài báo không đưa ra một chính sách cụ thể nào để Trung Quốc lôi kéo Ấn Độ hay các nước nhỏ hơn trong khu vực về phía mình mà tờ báo làm người đọc hết sức ngạc nhiên khi luận điểm chính của bài viết là Trung Quốc cần tỏ rõ sức mạnh của mình qua các hoạt động quân sự, nói thẳng ra tờ báo cỗ vũ cho một cuộc chiến nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho Bắc Kinh.

Hiếu chiến hay không?

Bài báo không ngần ngại khi viết rằng: “Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng Trung Quốc không sợ chiến tranh, và sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia”.



Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào nâng ly cùng TT Mỹ Barack Obama trong buổi tiệc tối tại Tòa Bạch Ốc hôm 19/1/2011. AFP photo

Nguy hiểm hơn, bài viết đưa ra quan điểm mà khi đọc lên bất cứ ai hiểu rõ chủ thuyết bá quyền của nước này đều không khỏi giật mình nhớ lại những gì từng xảy ra trong thời gian gần đây, bài báo nhắc: “Trong suốt lịch sử của nước Trung Hoa mới từ năm 1949 trở về sau, hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ có được bằng cách nhượng bộ, mà chỉ có được thông qua chiến tranh. Việc bảo vệ lợi ích quốc gia chưa bao giờ đạt được thuần túy thông qua đàm phán, mà phải bằng chiến tranh”.

Lời lẽ hiếu chiến này nêu lên vào lúc này có ý nghĩa gì khi Trung Quốc chính thức nêu trực tiếp đến Ấn Độ, một nước có đường biên giới rất dài với Trung Quốc và đồng thời có những tranh chấp biên giới không thể hàn gắn từ nhiều chục năm qua.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Main của Hoa Kỳ đưa ra nhận xét về những hiềm khích này:

"Các vấn đề biên giới chung quanh với nước khác thì Trung Quốc đã dàn xếp với nhiều nước rồi, còn riêng với Ấn Độ thì nó luôn luôn hiềm khích và nước này luôn nhượng bộ rất nhiều lần. Năm ngoái, một ông tướng Ấn Độ muốn sang thăm Trung Quốc nhưng Trung Quốc không cho, thành ra tôi nghĩ chuyện này Trung Quốc chỉ dàn dựng để mà đe dọa hay là lấy sự ủng hộ của dân chúng trong nước mà thôi".

Bài viết cũng nhắc đến những nước trong vùng Đông Nam Á khác có liên quan đến nỗ lực mà bài viết gọi là theo chân Mỹ chẳng hạn như Nhật bản, Hàn quốc, Philippines, Ấn Độ, Úc, Indonesia và kể cả Việt Nam.

Bài viết chừng như quên hẳn Việt Nam đã và đang là đồng chí của Trung Quốc kể cả trên chủ thuyết lẫn chính sách. Hà Nội gần như là một phiên bản của Bắc Kinh và mọi thời tiết chính trị thế giới đều khiến hai nước phản ứng gần như tương tự.

Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng Trung Quốc không sợ chiến tranh, và sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trích bài báo

Lịch sử gần đây tuy cho thấy hai nước không còn nồng ấm nhưng kết luận Hà Nội đang quay đầu con tàu quốc gia sang phương Tây, chủ yếu là Mỹ, thì rõ ràng là một kết luận không thể gọi là tỉnh táo và chính xác nếu không muốn nói là đầy ác ý. Trung Quốc luôn luôn canh chừng người láng giềng của mình một cách cẩn thận vì thừa biết tuy nhỏ nhưng Việt Nam không dễ bắt nạt qua hàng ngàn năm chiến tranh. Sự thật lịch sử cho thấy lúc nào thì chiếc hạt tiêu bé tí này cũng đủ khả năng làm cay mắt người khổng lồ phương Bắc và nhiều lúc phải cay đắng quay đầu chạy ngược về hướng xuất phát.

Trong bài viết của cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đọc nhận thấy bài viết kết luận khá rõ ràng rằng các nước đang lợi dụng tình hình để lôi kéo Hoa Kỳ vào cục diện mới chứ không hẳn là do Mỹ chủ động. Bài viết cho rằng các nước đang lợi dụng tối đa để lôi kéo Mỹ vào cuộc chơi đầy nguy hiểm cho Bắc Kinh.

Kinh nghiệm từ ngoại giao



Một người TQ cầm những lá cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc đón chào Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Washington hôm 19/1/2011. AFP photo

Trước những lập luận như vậy, bao nhiêu phần trăm là sự thật đang xảy ra trước hiện tượng mà bài viết cho là nhiều nước đang chủ động tập trung sức mạnh để chống Trung Quốc? Từ Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết ý kiến ngắn gọn của ông thông qua kinh nghiệm ngoại giao mà ông có đối với nước này. Trước câu hỏi về sự thật phía sau 16 chữ mà hai nước ký kết ông nói:

"Lãnh đạo của chúng tôi chưa dám nói gì đâu, còn quan điểm của tôi đối với Trung Quốc thì đã rõ ràng là Trung Quốc nói 16 chữ nhưng trong hành động thực tế thì nó trái với 16 chữ. Tôi đã vạch ra rồi, tôi nói ASEAN rằng là: Hãy xem người Trung Quốc làm chớ vội nghe người Trung Quốc nói”.

Việt Nam cần phải làm gì trước những biến chuyển ngày càng bất lợi cho đất nước khi mà không thể mãi mãi chịu đựng sự chèn ép ngày một vô lý hơn của người đồng chí bất đắc dĩ này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long gợi ý:

"Trước hết, Việt Nam từ trước đến giờ nhiều người nghĩ đến Trung Quốc như một ông anh cả cho nên họ không nghĩ đến chuyện có thể liên kết với nước ngoài trong đó có các nước tại Đông Nam Á kể cả ASEAN. Nhiều người chê ASEAN là một tổ chức hỗn tạp, không đồng nhất nhưng vấn đề không phải chỗ đó, vấn đề là nếu có một vài nước lớn trong ASEAN ủng hộ Việt Nam và cho thấy rằng Việt Nam là đúng thì các nước lớn khác ở ngoài khu vực như Mỹ, Hàn quốc, Nhật hay Úc… cũng sẽ có cái cớ để mà có tiếng nói.

Năm qua, khi chuyện Biển Đông xảy ra, trước hết Mỹ lên tiếng rồi Việt Nam lên tiếng và khi Việt Nam lên tiếng thì nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam. Đó là một bài học. Tôi không nghĩ chỉ có một mình mình ở sát Trung Quốc, khi nhận thấy vấn đề phải làm thì cần phải làm ngay cho sớm đừng để nước tới chân mới nhảy".

Năm qua, khi chuyện Biển Đông xảy ra, trước hết Mỹ lên tiếng rồi Việt Nam lên tiếng và khi Việt Nam lên tiếng thì nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long

Trong thế giới đa cực như hiện nay, việc một nước lớn xâm lăng một nước khác thật không dễ dàng xảy ra. Tuy nhiên trước những răn đe đầy hiếu chiến của Bắc Kinh các nước ASEAN một ngày nào đó sẽ nhận ra nguy cơ và lúc ấy liệu có muộn không khi ngay bây giờ khối 10 quốc gia này không có bất cứ một hành động cụ thể nào cả?

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra liệu bài báo có thật là đang lo ngại cho sự kết hợp các nước trong khu vực để chống Trung Quốc hay không? Khi làm một việc khá phức tạp như thế Hoa Kỳ có lợi gì, và liệu Trung Quốc có đáng để Hoa Kỳ lo ngại như vậy hay không?

Có phải vì lo ngại cách mạng Ai Cập?



Người dân Ai Cập vui mừng như lễ hội khi TT Mubarack từ chức. AFP photo

Người ta có thể không khó khăn lắm để thấy rằng bài báo tung ra vào lúc này thật ra phát xuất từ biến cố Tunisia và Ai Cập. Hai chính phủ cùng lúc sụp đổ trong vòng vài tuần lễ là điều mà trước nay không ai dám nghĩ tới.

Sự bức bối của người dân đặc biệt là giới trẻ đã khiến Trung Quốc giật nảy mình khi nhớ lại biến cố Thiên An Môn, một biến cố đầy máu và nước mắt mà người dân Trung Quốc không thể nào quên. Sự lo sợ này khiến cơ quan ngôn luận của Đảng không ngần ngại gì khi đưa ra một chủ đề kêu gọi tính tự tôn dân tộc của người Hán nhằm gây mê cho một bộ phận dân chúng không hề biết gì đến những quyền căn bản của mình bị xâm hại mà chỉ nghĩ đến quyền lợi dân tộc đang bị đe dọa trước thế lực của Mỹ và các nước kết hợp nhau lại nhằm chống Trung Quốc.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng đồng tình với nhận xét này, ông nói:

Trung Quốc sợ người dân có thể bắt chước Ai Cập để đòi tự do nên dùng vấn đề đe dọa của nước ngoài để đàn áp ở bên trong, làm cho dân chúng cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài nên ủng hộ chính phủ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long

"Thật ra bao nhiêu năm qua thì Trung Quốc là nước gây hấn với các nước láng giềng chứ không phải ngược lại. Biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc thì Trung Quốc rất căng thẳng với Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc lo sợ các mối hiểm họa vì nước này có cái câu là "nầy loàng quầy hoàn" nghĩa là "nội loạn thì ngoại hoãn". Trung Quốc sợ người dân có thể bắt chước Ai Cập để đòi tự do nên dùng vấn đề đe dọa của nước ngoài để đàn áp ở bên trong, làm cho dân chúng cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài nên ủng hộ chính phủ".

Dù sao thì sự lo ngại của Trung Quốc là điều có thể hiểu được, chỉ khó hiểu khi nước này lại sử dụng đến dân tộc chủ nghĩa, một thứ vũ khí rất nguy hiểm để đánh lạc hướng dư luận thì rõ ràng là không thích hợp trong hoàn cảnh khá nhạy cảm hiện nay nhất là trong vấn đề Biển Đông đang ngày càng dậy sóng.

M.L

Nguồn: rfa.org

Trung Quốc: Chi 22 triệu USD nghiên cứu Biển Đông

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011



SGTT.VN – Cuộc gặp tại Thượng Hải trong hai ngày 26 và 27.1 vừa qua của các nhà hải dương học Trung Quốc, trong đó có cả Hoa kiều, tập trung thảo luận về dự án có tên nghiên cứu sâu ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông). Như tên gọi, dự án này tập trung nghiên cứu ở các vùng có diện tích khoảng 3,5 triệu cây số vuông và giới hạn tối đa độ sâu là 5,5km mà chính quyền Trung Quốc xem như thuộc quyền quản lý của họ.

Dự án do nhà nghiên cứu Wang Pinxian, một nhà khoa học cao niên ở Trung Quốc thuộc Đại học Tongji ở Thượng Hải chủ trì. Nhóm nghiên cứu có thể sử dụng tàu lặn chuyên dụng Jiaolong có khả năng lặn tới độ sâu 7km. Tháng Bảy năm ngoái, tàu này đã lặn tới độ sâu 3,8km. Dự kiến năm nay, họ sẽ thử nghiệm tàu này ở độ sâu 5km và đạt mục tiêu thiết kế trong năm tới.

Các nhà nghiên cứu cho rằng dự án nghiên cứu Biển Đông hình thành sau khi có cuộc nghiên cứu do tàu Dayang Yihao thực hiện năm 2007 ở một vùng ít được biết đến có tên gọi rặng Tây Nam Ấn Độ. Các nhà khoa học trên tàu Dayang Yihao đã phát hiện ra các vỉa quặng đồng, chì và kẽm. Điều đáng chú ý, ngay sau khi Ủy ban quốc tế về thềm lục địa ban hành quy định về quyền khai thác mỏ ở đại dương, phía Trung Quốc lập tức nộp đơn để khai thác.


Từng tham gia nghiên cứu trên tàu Dayang Yihao, nhà hải dương học Lin Jian thuộc Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, đang đứng đầu một tiểu dự án nằm trong dự án nghiên cứu Biển Đông lần này để nghiên cứu về sự kiến tạo lục địa ở Biển Đông. Điều này sẽ giúp lý giải sự hình thành của biển, cấu trúc bề mặt đáy biển. Phần thứ hai của dự án là nghiên cứu trầm tích đáy biển và khí hậu cổ đại, tiếp nối nghiên cứu năm 1999 của Tiến sĩ Wang cũng ở khu vực này. Bất chấp những tranh cãi về chủ quyền, kết quả nghiên cứu sẽ thu hút sự chú ý của giới công nghiệp dầu khí.

Nhà khoa học Jian Zhimin (Đại học Tongji) và các đồng nghiệp hy vọng từ kết quả nghiên cứu trầm tích sẽ đọc lại được diễn biến của nhiệt độ, lượng mưa cũng như mực nước biển trong quá khứ. Qua đó, họ có thể hiểu thêm về khí hậu châu Á gió mùa. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu về dòng hải lưu nóng Tây Thái Bình Dương, với nhiệt độ trung bình 290C. Người ta cho rằng, dòng hải lưu này ảnh hưởng tới gió mùa và hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương.

Phần thứ ba của dự án nghiên cứu về sinh vật học, đặc biệt là các sinh vật dưới sâu, do các nhà khoa học trong đó có Jiao Nianzhi (Đại học Xiamen ở tỉnh Fujian) và Tian Jiwei, Đại học hải dương Trung Quốc ở Qingdao, tỉnh Shandong.

Tổng kinh phí dự án khoảng 22 triệu USD được quỹ Quốc gia về khoa học tự nhiên phân bổ trong tám năm. Đây không phải là đơn vị duy nhất ở Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 60 triệu USD để xây trung tâm công nghệ biển sâu và hệ thống quan sát bề mặt đáy biển có kinh phí lên tới 1,4 tỉ nhân dân tệ.

Phủ nhận ý định nghiên cứu nhằm phục vụ việc mở rộng lãnh thổ, các nhà khoa học của Trung Quốc khẳng định mục đích nghiên cứu nhằm phục vụ sự hiểu biết của con người. Họ cũng cho rằng, dự án tập trung vào các vấn đề cơ bản về khoa học hơn là tìm kiếm dầu hay khoáng sản. Điều này không có gì sai, cũng như nó đúng với nhiều người đi biển dưới sự bảo trợ của hải quân Hoàng gia Anh, thời nước này tung hoành trên biển trong các thế kỷ trước. Nếu các nhà hải dương học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá bí ẩn của vùng biển Tây Nam nước này, các doanh nghiệp Trung Quốc tất yếu có lợi thế hơn để biến những tri thức này thành lợi thế thương mại và hải quân Trung Quốc sẽ có những lợi thế nhất định để bảo vệ các quyền lợi biển. Chính vì vậy khi đưa tin về dự án này, tờ Economist đã ví việc đặt tên gọi và quy mô dự án của Trung Quốc như đế chế La Mã từng làm khi gọi Địa Trung Hải bằng tên Mare Nostrum, có nghĩa là biển của chúng ta.

Phi Giao (Economist)

Nguồn: sgtt.vn

Kỷ niệm chiến tranh 1979 Trung Quốc thừa nhận gài 10 triệu quả mìn tại vùng biên giới Việt-Trung trước khi rút quân về nước

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Vương Quốc Hiến (Trung Quốc)

Sau năm 1975, người Mỹ đã bỏ nhiều công của sang VN tháo gỡ số mìn họ đã rải trên đất liền và trên vùng biển VN trong cuộc chiến tranh họ tiến hành kéo dài cả chục năm (không rõ là ta yêu cầu hay họ chủ động, và đã gỡ hết 100% chưa?). Còn ông bạn phương Bắc thì nhẫn tâm viết những dòng lạnh tanh như dưới đây, gián tiếp thừa nhận họ sẵn sàng tiếp tục giết hại các thế hệ người VN bằng hàng triệu quả mìn họ để lại. Sao có thể gọi đó là cách hành xử nhân đạo, có trách nhiệm theo thông lệ quốc tế đối với các di họa chiến tranh?

Nguyên Hải




Cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc-Việt Nam năm 1979 vô cùng ác liệt và bi thảm. Hai bên đều thương vong nặng nề.

Quân đội Trung Quốc khi rút về nước còn sử dụng thủ đoạn phá hoại tàn khốc. Số lượng mìn chôn xuống dưới đất vùng biên giới Trung Quốc-Việt Nam lên tới cấp số lượng 10 mũ 7 (107, tức 10 triệu quả mìn), cho tới nay vẫn còn nhiều mìn chưa phá dỡ.

Loại vũ khí này nếu không lặng lẽ mọt gỉ thì sẽ lặng lẽ nổ, gây tai nạn trầm trọng cho người dân trong vùng. Nghe nói một xóm 87 người thì chỉ còn 78 chân, bình quân một người chỉ có 0,9 chân. Mìn còn có thể tác động tới vùng biên giới này trong 20 năm.

Nguồn:

Nỗi bất an của một nước Việt Nam phát triển nóng

Tom Holland

Theo: BaSam.info

-

Năm 1994, Wall Street Journal đã lần đầu tiên gọi Việt Nam là “nền kinh tế nóng kế tiếp”.

Nếu đánh giá căn cứ vào tình hình Việt Nam thu hút các nhà đầu tư suốt những năm từ 1994 tới giờ, thì dường như Việt Nam từ bấy đến nay đã là “nền kinh tế nóng kế tiếp” rồi, dù chưa bao giờ thật sự gia nhập thị trường nóng bỏng hiện nay.

Trên thực tế, trong ít nhiều một năm qua, kinh tế Việt Nam chưa bao giờ đạt tới mức quá nóng, khi mà tốc độ tăng trưởng ấn tượng che đậy cơn lạm phát ngày càng gia tăng và thâm hụt thương mại ngày một nặng nề.

Phải hy sinh cái gì đó thôi, và thế là hôm thứ sáu vừa qua (11-2), chính phủ đã thực thi một hành động được chờ đợi từ lâu: phá giá đồng nội tệ 9% so với đôla Mỹ.

Việc phá giá – lần này là lần thứ ba trong vòng 12 tháng qua – là không thể tránh khỏi. Việt Nam chịu thâm hụt thương mại hơn 1 tỷ USD một tháng, và theo Standard Chartered thì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam giờ đã giảm xuống mức nghèo nàn 12 tỷ USD.

Nhưng liệu tuyên bố phá giá tiền tệ vào hôm thứ sáu vừa rồi có tác dụng giải quyết các vấn đề của Việt Nam hay không, thì chưa rõ.

Chính phủ đang nuôi hy vọng rằng nội tệ giảm giá sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh hơn, hàn gắn lỗ hổng thâm hụt thương mại của đất nước.

Nhưng không may cho Hà Nội, cán cân thương mại mất cân đối chỉ là biểu hiện của một vấn đề nghiêm trọng hơn, xuất phát từ chính sách quản lý kinh tế sai lầm của chính phủ.

Trong vài năm qua, chính phủ Việt Nam đã theo đuổi đường lối kinh tế tăng trưởng bằng mọi giá. Chiến lược này không chỉ thành công trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài, thu hút khoảng 9 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài riêng trong năm ngoái; mà còn khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước vay mượn từ thị trường quốc tế, trong khi đó lại thúc đẩy hệ thống ngân hàng do Nhà nước kiểm soát cho vay thật hào phóng để các nhà đầu tư nội địa tiến hành các khoản đầu tư.

Ở một chừng mực nào đó, chính sách này đã có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng năm qua ước tính gần đạt 7%, so với mức 5,3% của năm 2009.

Nhưng cái giá cho sự tăng trưởng ấy có vẻ ngày càng cao. Tín dụng của ngân hàng tăng gần 28% trong năm ngoái, đưa tổng nợ nội địa chưa được hoàn trả lên tới 140% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức này thậm chí còn cao hơn mức 130% của Thái Lan thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế 1997.

Tồi tệ hơn nữa là, người ta đang sợ rằng phần lớn những khoản nợ ấy đã mất hút vào “lỗ đen”. 30-40% tài sản của hệ thống ngân hàng quốc doanh Việt Nam được cho là bao gồm cả tiền cho các doanh nghiệp nhà nước vay, mà đó là những doanh nghiệp vốn đầy tai tiếng về khả năng điều hành yếu kém.

Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng vụ vỡ nợ hồi tháng 12 của hãng đóng tàu Vinashin – một doanh nghiệp nhà nước chìm trong nợ nần – chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm nguy hiểm. Người ta đã chuyển sự chú ý sang công ty than khoáng sản Việt Nam Vinacomin, xem liệu doanh nghiệp này còn khả năng trả nợ nữa không.

Cho dù các doanh nghiệp nhà nước ấy có thể trả nợ hay không thì hoạt động vay mượn bừa bãi của họ cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc gia. Không giống như ở Trung Quốc, nơi tiêu dùng cá nhân bị kìm nén đã nhiều năm, Việt Nam có một thị trường tiêu dùng cá nhân đang tăng trưởng rất mạnh, chiếm tới hai phần ba GDP.

Hậu quả là việc bơm thêm tiền (tăng tính thanh khoản), bắt nguồn từ hoạt động mở rộng tín dụng của khu vực ngân hàng, đã góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức chóng mặt 12%.

Thật tệ hại: do nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng của Việt Nam chủ yếu hướng vào hàng hóa nhập khẩu, thâm hụt thương mại của nước này ngày càng xấu đi ghê gớm, ước tính chạm tới tỷ lệ 10% GDP trong năm ngoái.

Chính phủ hy vọng việc phá giá tiền vào hôm thứ sáu 11-2 vừa rồi có thể giúp giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại. Nhưng trong ngắn hạn, chắc chắn phá giá tiền chỉ làm cho tình hình kinh tế tồi tệ thêm.

Tính theo nội tệ, hàng nhập khẩu sẽ còn đắt hơn; thêm vào đó, lạm phát ước tính sẽ vọt lên đến 15% trong vài tháng tới.

Đồng thời, việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam – chiếm khoảng 30% GDP – sẽ trở nên càng khó khăn hơn, đưa tới khả năng có thêm nhiều vụ vỡ nợ và kích thích người dân đổ xô đi mua đôla Mỹ, mà điều này sẽ chỉ gây thêm sức ép cho tiền đồng Việt Nam.

Tình trạng tháo chạy vốn (capital flight) hiện đã là một vấn đề. Khi mà người dân tuyệt vọng đi tìm kiếm sự an toàn ở vàng và ngoại tệ, quyết định phá giá công bố tuần trước đã chỉ khiến cho tỷ giá hối đoái chính thức nhích lại gần hơn với tỷ giá được sử dụng trên chợ đen. Với việc dư luận dự đoán còn nhiều lần phá giá nữa, quyết định phá giá vừa qua chắc chắn sẽ đẩy nhanh dòng chảy ra của vốn.

Trong thời điểm hiện nay, chính quyền vẫn khẳng định rằng các yếu tố vĩ mô căn bản của Việt Nam rất vững mạnh và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn là sáng sủa.

Họ nói đúng. Nhưng trong ngắn hạn, họ phải đối mặt với một sự lựa chọn khắc nghiệt. Một mặt, họ có thể tăng lãi suất và kiềm chế hoạt động vay tiền, nhằm hạn chế tiêu dùng, dập tắt lạm phát và ổn định cán cân thương mại; tất cả những điều này có nghĩa là họ phải chấp nhận hy sinh: giảm tốc độ tăng trưởng.

Nhưng mặt khác, họ có thể tiếp tục duy trì đường lối hiện tại là tăng trưởng thật nhanh, và chịu rủi ro rơi vào lạm phát mạnh, khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng nợ.

Dù chọn cách nào, có vẻ như Việt Nam cũng sẽ một lần nữa để xổng mất vị thế “nền kinh tế nóng kế tiếp” trước các nhà đầu tư.

Người dịch: Đan Thanh