Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Trung Quốc phản ứng ngầm vụ Ai Cập

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA


Một bài báo vừa xuất hiện trên trang mạng của Ấn Độ đăng lại bài viết đầy cay cú lên án những nỗ lực của Mỹ đang cố lôi kéo nhiều nước trong khu vực nhằm bao vây Trung Quốc. Ý nghĩa thật sự của bài báo này là gì?

Bài báo này được biết đã đăng trên một tạp chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được trang mạng DNA của Ấn Độ trích đăng lại. Nội dung bài viết đáng chú ý ở chỗ người viết nhận xét những động thái gần đây của Hoa Kỳ nhằm kết hợp những bất đồng của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc để ngấm ngầm thúc đẩy các nước này ngồi lại với nhau sau lưng Hoa Kỳ.

Bài báo nhấn mạnh ở điểm Trung Quốc cần phải nhìn thấy những hiểm nguy tiềm ẩn phía sau những điều mà bài báo cho rằng là không thể chịu đựng nổi. Tờ báo gợi ý rằng trước những ý đồ rõ ràng này thì Bắc Kinh cần phải đưa ra một thông điệp trực tiếp đối với các nước đang có biểu hiện tiến gần về phía Mỹ, mà trước nhất là Ấn Độ, đối trọng tiềm năng nhất đối với Trung Quốc về quân sự lẫn kinh tế.


Bài báo không đưa ra một chính sách cụ thể nào để Trung Quốc lôi kéo Ấn Độ hay các nước nhỏ hơn trong khu vực về phía mình mà tờ báo làm người đọc hết sức ngạc nhiên khi luận điểm chính của bài viết là Trung Quốc cần tỏ rõ sức mạnh của mình qua các hoạt động quân sự, nói thẳng ra tờ báo cỗ vũ cho một cuộc chiến nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho Bắc Kinh.

Hiếu chiến hay không?

Bài báo không ngần ngại khi viết rằng: “Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng Trung Quốc không sợ chiến tranh, và sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia”.



Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào nâng ly cùng TT Mỹ Barack Obama trong buổi tiệc tối tại Tòa Bạch Ốc hôm 19/1/2011. AFP photo

Nguy hiểm hơn, bài viết đưa ra quan điểm mà khi đọc lên bất cứ ai hiểu rõ chủ thuyết bá quyền của nước này đều không khỏi giật mình nhớ lại những gì từng xảy ra trong thời gian gần đây, bài báo nhắc: “Trong suốt lịch sử của nước Trung Hoa mới từ năm 1949 trở về sau, hòa bình ở Trung Quốc chưa bao giờ có được bằng cách nhượng bộ, mà chỉ có được thông qua chiến tranh. Việc bảo vệ lợi ích quốc gia chưa bao giờ đạt được thuần túy thông qua đàm phán, mà phải bằng chiến tranh”.

Lời lẽ hiếu chiến này nêu lên vào lúc này có ý nghĩa gì khi Trung Quốc chính thức nêu trực tiếp đến Ấn Độ, một nước có đường biên giới rất dài với Trung Quốc và đồng thời có những tranh chấp biên giới không thể hàn gắn từ nhiều chục năm qua.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang giảng dạy tại Đại học Main của Hoa Kỳ đưa ra nhận xét về những hiềm khích này:

"Các vấn đề biên giới chung quanh với nước khác thì Trung Quốc đã dàn xếp với nhiều nước rồi, còn riêng với Ấn Độ thì nó luôn luôn hiềm khích và nước này luôn nhượng bộ rất nhiều lần. Năm ngoái, một ông tướng Ấn Độ muốn sang thăm Trung Quốc nhưng Trung Quốc không cho, thành ra tôi nghĩ chuyện này Trung Quốc chỉ dàn dựng để mà đe dọa hay là lấy sự ủng hộ của dân chúng trong nước mà thôi".

Bài viết cũng nhắc đến những nước trong vùng Đông Nam Á khác có liên quan đến nỗ lực mà bài viết gọi là theo chân Mỹ chẳng hạn như Nhật bản, Hàn quốc, Philippines, Ấn Độ, Úc, Indonesia và kể cả Việt Nam.

Bài viết chừng như quên hẳn Việt Nam đã và đang là đồng chí của Trung Quốc kể cả trên chủ thuyết lẫn chính sách. Hà Nội gần như là một phiên bản của Bắc Kinh và mọi thời tiết chính trị thế giới đều khiến hai nước phản ứng gần như tương tự.

Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia láng giềng, rằng Trung Quốc không sợ chiến tranh, và sẵn sàng tiến hành chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trích bài báo

Lịch sử gần đây tuy cho thấy hai nước không còn nồng ấm nhưng kết luận Hà Nội đang quay đầu con tàu quốc gia sang phương Tây, chủ yếu là Mỹ, thì rõ ràng là một kết luận không thể gọi là tỉnh táo và chính xác nếu không muốn nói là đầy ác ý. Trung Quốc luôn luôn canh chừng người láng giềng của mình một cách cẩn thận vì thừa biết tuy nhỏ nhưng Việt Nam không dễ bắt nạt qua hàng ngàn năm chiến tranh. Sự thật lịch sử cho thấy lúc nào thì chiếc hạt tiêu bé tí này cũng đủ khả năng làm cay mắt người khổng lồ phương Bắc và nhiều lúc phải cay đắng quay đầu chạy ngược về hướng xuất phát.

Trong bài viết của cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đọc nhận thấy bài viết kết luận khá rõ ràng rằng các nước đang lợi dụng tình hình để lôi kéo Hoa Kỳ vào cục diện mới chứ không hẳn là do Mỹ chủ động. Bài viết cho rằng các nước đang lợi dụng tối đa để lôi kéo Mỹ vào cuộc chơi đầy nguy hiểm cho Bắc Kinh.

Kinh nghiệm từ ngoại giao



Một người TQ cầm những lá cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc đón chào Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Washington hôm 19/1/2011. AFP photo

Trước những lập luận như vậy, bao nhiêu phần trăm là sự thật đang xảy ra trước hiện tượng mà bài viết cho là nhiều nước đang chủ động tập trung sức mạnh để chống Trung Quốc? Từ Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết ý kiến ngắn gọn của ông thông qua kinh nghiệm ngoại giao mà ông có đối với nước này. Trước câu hỏi về sự thật phía sau 16 chữ mà hai nước ký kết ông nói:

"Lãnh đạo của chúng tôi chưa dám nói gì đâu, còn quan điểm của tôi đối với Trung Quốc thì đã rõ ràng là Trung Quốc nói 16 chữ nhưng trong hành động thực tế thì nó trái với 16 chữ. Tôi đã vạch ra rồi, tôi nói ASEAN rằng là: Hãy xem người Trung Quốc làm chớ vội nghe người Trung Quốc nói”.

Việt Nam cần phải làm gì trước những biến chuyển ngày càng bất lợi cho đất nước khi mà không thể mãi mãi chịu đựng sự chèn ép ngày một vô lý hơn của người đồng chí bất đắc dĩ này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long gợi ý:

"Trước hết, Việt Nam từ trước đến giờ nhiều người nghĩ đến Trung Quốc như một ông anh cả cho nên họ không nghĩ đến chuyện có thể liên kết với nước ngoài trong đó có các nước tại Đông Nam Á kể cả ASEAN. Nhiều người chê ASEAN là một tổ chức hỗn tạp, không đồng nhất nhưng vấn đề không phải chỗ đó, vấn đề là nếu có một vài nước lớn trong ASEAN ủng hộ Việt Nam và cho thấy rằng Việt Nam là đúng thì các nước lớn khác ở ngoài khu vực như Mỹ, Hàn quốc, Nhật hay Úc… cũng sẽ có cái cớ để mà có tiếng nói.

Năm qua, khi chuyện Biển Đông xảy ra, trước hết Mỹ lên tiếng rồi Việt Nam lên tiếng và khi Việt Nam lên tiếng thì nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam. Đó là một bài học. Tôi không nghĩ chỉ có một mình mình ở sát Trung Quốc, khi nhận thấy vấn đề phải làm thì cần phải làm ngay cho sớm đừng để nước tới chân mới nhảy".

Năm qua, khi chuyện Biển Đông xảy ra, trước hết Mỹ lên tiếng rồi Việt Nam lên tiếng và khi Việt Nam lên tiếng thì nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long

Trong thế giới đa cực như hiện nay, việc một nước lớn xâm lăng một nước khác thật không dễ dàng xảy ra. Tuy nhiên trước những răn đe đầy hiếu chiến của Bắc Kinh các nước ASEAN một ngày nào đó sẽ nhận ra nguy cơ và lúc ấy liệu có muộn không khi ngay bây giờ khối 10 quốc gia này không có bất cứ một hành động cụ thể nào cả?

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra liệu bài báo có thật là đang lo ngại cho sự kết hợp các nước trong khu vực để chống Trung Quốc hay không? Khi làm một việc khá phức tạp như thế Hoa Kỳ có lợi gì, và liệu Trung Quốc có đáng để Hoa Kỳ lo ngại như vậy hay không?

Có phải vì lo ngại cách mạng Ai Cập?



Người dân Ai Cập vui mừng như lễ hội khi TT Mubarack từ chức. AFP photo

Người ta có thể không khó khăn lắm để thấy rằng bài báo tung ra vào lúc này thật ra phát xuất từ biến cố Tunisia và Ai Cập. Hai chính phủ cùng lúc sụp đổ trong vòng vài tuần lễ là điều mà trước nay không ai dám nghĩ tới.

Sự bức bối của người dân đặc biệt là giới trẻ đã khiến Trung Quốc giật nảy mình khi nhớ lại biến cố Thiên An Môn, một biến cố đầy máu và nước mắt mà người dân Trung Quốc không thể nào quên. Sự lo sợ này khiến cơ quan ngôn luận của Đảng không ngần ngại gì khi đưa ra một chủ đề kêu gọi tính tự tôn dân tộc của người Hán nhằm gây mê cho một bộ phận dân chúng không hề biết gì đến những quyền căn bản của mình bị xâm hại mà chỉ nghĩ đến quyền lợi dân tộc đang bị đe dọa trước thế lực của Mỹ và các nước kết hợp nhau lại nhằm chống Trung Quốc.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng đồng tình với nhận xét này, ông nói:

Trung Quốc sợ người dân có thể bắt chước Ai Cập để đòi tự do nên dùng vấn đề đe dọa của nước ngoài để đàn áp ở bên trong, làm cho dân chúng cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài nên ủng hộ chính phủ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long

"Thật ra bao nhiêu năm qua thì Trung Quốc là nước gây hấn với các nước láng giềng chứ không phải ngược lại. Biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc thì Trung Quốc rất căng thẳng với Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc lo sợ các mối hiểm họa vì nước này có cái câu là "nầy loàng quầy hoàn" nghĩa là "nội loạn thì ngoại hoãn". Trung Quốc sợ người dân có thể bắt chước Ai Cập để đòi tự do nên dùng vấn đề đe dọa của nước ngoài để đàn áp ở bên trong, làm cho dân chúng cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài nên ủng hộ chính phủ".

Dù sao thì sự lo ngại của Trung Quốc là điều có thể hiểu được, chỉ khó hiểu khi nước này lại sử dụng đến dân tộc chủ nghĩa, một thứ vũ khí rất nguy hiểm để đánh lạc hướng dư luận thì rõ ràng là không thích hợp trong hoàn cảnh khá nhạy cảm hiện nay nhất là trong vấn đề Biển Đông đang ngày càng dậy sóng.

M.L

Nguồn: rfa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét