Tom Holland
Theo: BaSam.info
-
Năm 1994, Wall Street Journal đã lần đầu tiên gọi Việt Nam là “nền kinh tế nóng kế tiếp”.
Nếu đánh giá căn cứ vào tình hình Việt Nam thu hút các nhà đầu tư suốt những năm từ 1994 tới giờ, thì dường như Việt Nam từ bấy đến nay đã là “nền kinh tế nóng kế tiếp” rồi, dù chưa bao giờ thật sự gia nhập thị trường nóng bỏng hiện nay.
Trên thực tế, trong ít nhiều một năm qua, kinh tế Việt Nam chưa bao giờ đạt tới mức quá nóng, khi mà tốc độ tăng trưởng ấn tượng che đậy cơn lạm phát ngày càng gia tăng và thâm hụt thương mại ngày một nặng nề.
Phải hy sinh cái gì đó thôi, và thế là hôm thứ sáu vừa qua (11-2), chính phủ đã thực thi một hành động được chờ đợi từ lâu: phá giá đồng nội tệ 9% so với đôla Mỹ.
Việc phá giá – lần này là lần thứ ba trong vòng 12 tháng qua – là không thể tránh khỏi. Việt Nam chịu thâm hụt thương mại hơn 1 tỷ USD một tháng, và theo Standard Chartered thì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam giờ đã giảm xuống mức nghèo nàn 12 tỷ USD.
Nhưng liệu tuyên bố phá giá tiền tệ vào hôm thứ sáu vừa rồi có tác dụng giải quyết các vấn đề của Việt Nam hay không, thì chưa rõ.
Chính phủ đang nuôi hy vọng rằng nội tệ giảm giá sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh hơn, hàn gắn lỗ hổng thâm hụt thương mại của đất nước.
Nhưng không may cho Hà Nội, cán cân thương mại mất cân đối chỉ là biểu hiện của một vấn đề nghiêm trọng hơn, xuất phát từ chính sách quản lý kinh tế sai lầm của chính phủ.
Trong vài năm qua, chính phủ Việt Nam đã theo đuổi đường lối kinh tế tăng trưởng bằng mọi giá. Chiến lược này không chỉ thành công trong việc khuyến khích đầu tư nước ngoài, thu hút khoảng 9 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài riêng trong năm ngoái; mà còn khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước vay mượn từ thị trường quốc tế, trong khi đó lại thúc đẩy hệ thống ngân hàng do Nhà nước kiểm soát cho vay thật hào phóng để các nhà đầu tư nội địa tiến hành các khoản đầu tư.
Ở một chừng mực nào đó, chính sách này đã có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng năm qua ước tính gần đạt 7%, so với mức 5,3% của năm 2009.
Nhưng cái giá cho sự tăng trưởng ấy có vẻ ngày càng cao. Tín dụng của ngân hàng tăng gần 28% trong năm ngoái, đưa tổng nợ nội địa chưa được hoàn trả lên tới 140% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức này thậm chí còn cao hơn mức 130% của Thái Lan thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế 1997.
Tồi tệ hơn nữa là, người ta đang sợ rằng phần lớn những khoản nợ ấy đã mất hút vào “lỗ đen”. 30-40% tài sản của hệ thống ngân hàng quốc doanh Việt Nam được cho là bao gồm cả tiền cho các doanh nghiệp nhà nước vay, mà đó là những doanh nghiệp vốn đầy tai tiếng về khả năng điều hành yếu kém.
Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng vụ vỡ nợ hồi tháng 12 của hãng đóng tàu Vinashin – một doanh nghiệp nhà nước chìm trong nợ nần – chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm nguy hiểm. Người ta đã chuyển sự chú ý sang công ty than khoáng sản Việt Nam Vinacomin, xem liệu doanh nghiệp này còn khả năng trả nợ nữa không.
Cho dù các doanh nghiệp nhà nước ấy có thể trả nợ hay không thì hoạt động vay mượn bừa bãi của họ cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc gia. Không giống như ở Trung Quốc, nơi tiêu dùng cá nhân bị kìm nén đã nhiều năm, Việt Nam có một thị trường tiêu dùng cá nhân đang tăng trưởng rất mạnh, chiếm tới hai phần ba GDP.
Hậu quả là việc bơm thêm tiền (tăng tính thanh khoản), bắt nguồn từ hoạt động mở rộng tín dụng của khu vực ngân hàng, đã góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức chóng mặt 12%.
Thật tệ hại: do nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng của Việt Nam chủ yếu hướng vào hàng hóa nhập khẩu, thâm hụt thương mại của nước này ngày càng xấu đi ghê gớm, ước tính chạm tới tỷ lệ 10% GDP trong năm ngoái.
Chính phủ hy vọng việc phá giá tiền vào hôm thứ sáu 11-2 vừa rồi có thể giúp giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại. Nhưng trong ngắn hạn, chắc chắn phá giá tiền chỉ làm cho tình hình kinh tế tồi tệ thêm.
Tính theo nội tệ, hàng nhập khẩu sẽ còn đắt hơn; thêm vào đó, lạm phát ước tính sẽ vọt lên đến 15% trong vài tháng tới.
Đồng thời, việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam – chiếm khoảng 30% GDP – sẽ trở nên càng khó khăn hơn, đưa tới khả năng có thêm nhiều vụ vỡ nợ và kích thích người dân đổ xô đi mua đôla Mỹ, mà điều này sẽ chỉ gây thêm sức ép cho tiền đồng Việt Nam.
Tình trạng tháo chạy vốn (capital flight) hiện đã là một vấn đề. Khi mà người dân tuyệt vọng đi tìm kiếm sự an toàn ở vàng và ngoại tệ, quyết định phá giá công bố tuần trước đã chỉ khiến cho tỷ giá hối đoái chính thức nhích lại gần hơn với tỷ giá được sử dụng trên chợ đen. Với việc dư luận dự đoán còn nhiều lần phá giá nữa, quyết định phá giá vừa qua chắc chắn sẽ đẩy nhanh dòng chảy ra của vốn.
Trong thời điểm hiện nay, chính quyền vẫn khẳng định rằng các yếu tố vĩ mô căn bản của Việt Nam rất vững mạnh và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn là sáng sủa.
Họ nói đúng. Nhưng trong ngắn hạn, họ phải đối mặt với một sự lựa chọn khắc nghiệt. Một mặt, họ có thể tăng lãi suất và kiềm chế hoạt động vay tiền, nhằm hạn chế tiêu dùng, dập tắt lạm phát và ổn định cán cân thương mại; tất cả những điều này có nghĩa là họ phải chấp nhận hy sinh: giảm tốc độ tăng trưởng.
Nhưng mặt khác, họ có thể tiếp tục duy trì đường lối hiện tại là tăng trưởng thật nhanh, và chịu rủi ro rơi vào lạm phát mạnh, khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng nợ.
Dù chọn cách nào, có vẻ như Việt Nam cũng sẽ một lần nữa để xổng mất vị thế “nền kinh tế nóng kế tiếp” trước các nhà đầu tư.
Người dịch: Đan Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét