Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Thụy Sĩ phong tỏa tài sản các nhà độc tài bị lật đổ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2011-02-16

Bốn tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Mubarak từ chức, Tổng Thống Thụy Sĩ ra lệnh phong tỏa tài sản của ông này cũng như các viên chức trong chính quyền Ai Cập gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.


AFP photo

Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey tại buổi khai mạc cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 26 tháng 1 năm 2011 tại Davos - Thụy Sĩ


Tài sản của ai?

Trước đó vài ngày Thụy Sĩ cũng đã áp dụng biện pháp tương tự với tổng thống bị lật đổ của Tunisia là ông Ben Ali.

Làn sóng cách mạng phát xuất từ Tunisia không những thổi tới luồng gió tự do dân chủ cho xứ này mà nó còn mang lại công bằng cho đất nước Tunisia khi những khoản tài sản kếch sù của tổng thống Ben Ali và gia đình có được trong những năm cầm quyền phải trả lại cho người dân cùng khổ Tunisia.

Làn sóng cách mạng tràn vào Ai Cập đã làm cho người dân xứ này phấn khích vì kể từ nay, con số thu nhập đầu người mỗi ngày 3 đô la sẽ vĩnh viễn thay đổi, dân chúng sẽ tự quyết định nền kinh tế của mình thay vì một nhóm người trong gia đình của tổng thống Hosni Mubarak chiếm lĩnh đất nước suốt 30 năm dài trên lãnh thổ Ai Cập.

Thành quả cuộc cách mạng rõ nét nhất là từ nay, người dân hai nước sẽ được hưởng ít nhất là các quyền tự do căn bản của một nước dân chủ. Họ còn có quyền theo dõi hoạt động của các lãnh đạo quốc gia bởi một cơ chế minh bạch và công khai thay vì độc tài và chuyên quyền trong suốt một thời gian dài. Những món tiền khổng lồ bòn rút từ túi tiền của những gia đình nghèo khó sẽ không còn được dịp lộng hành như trước đây và nhất là niềm hy vọng của nhân dân Ai Cập trông chờ vào quốc tế thực hiện công lý cho họ.

Theo Tờ Wall Street Journal trích dẫn tin tức từ Global Financial Integrity, một tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển cho biết theo ước tính của họ thì có tới 57 tỷ đô la tài sản đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2008. Tuy nhiên theo báo chí quốc tế thì số tiền mà gia đình Mubarak bòn rút từ 30 năm qua lớn hơn nhiều, xấp xỉ 70 tỉ đô la, giàu hơn cả Bill Gates với tài sản 53 tỉ vào năm 2010.

Vụ phong tỏa tài sản của ông Mubarak mà Thụy Sĩ tuyên bố là một thách đố đối với thế giới vì những nhà độc tài đó đã được sự hỗ trợ của các nước Tây phương.

Giáo sư Nguyễn Phúc Liên
Gia đình tổng thống Mubarak là những chủ nhân chính của số lượng tài sản khổng lồ này. Tất cả nguồn lợi phát sinh từ tham nhũng hay những vụ làm ăn bất hợp pháp trong nước kể cả số tiền tuồn ra nước ngoài để làm ăn trong các nước có cảm tình với gia đình của Mubarak mà cụ thể nhất là Hoa Kỳ.

Không riêng gì tại Hoa Kỳ, gia đình ông Mubarak tuồn tiền chiếm hữu của người dân Ai Cập ra rất nhiều nước và khi Thụy Sĩ tuyên bố phong tỏa số tài sản này sớm nhất đã khiến nhiều nước bối rối, trong đó có Hoa Kỳ, nước thân cận với tổng thống Mubarak nhất.

Giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, người theo dõi rất sát tiến trình phong tỏa tài sản cho biết những nhận xét của ông về việc này từ Geneve:

"Vụ phong tỏa tài sản của ông Mubarak mà Thụy Sĩ tuyên bố bốn tiếng đồng hồ sau khi ông này thoái vị, là một thách đố đối với thế giới vì những nhà độc tài đó đã được sự hỗ trợ của các nước Tây phương trong suốt bao nhiêu năm trường. Đối với ông Ben Ali thì hầu như là con cưng của Pháp và tất nhiên những liên hệ làm ăn với Pháp rất nhiều và gửi tiền có tài sản ở trên lãnh thổ của Pháp nữa. Có nhà cửa ở bên Luân Đôn nữa thành ra đối với trường hợp của ông Ben Ali thì không hiểu vấn đề phong tỏa của Pháp như thế nào.

Còn đối với Mubarak là con cưng của Hoa Kỳ và làm ăn của họ trong vấn đề địa ốc rất lớn ở New York và Los Angeles. Chính vì vậy mà Hoa kỳ không mạnh miệng được vì là con cưng của mình. Mà để người con cưng đó làm cho dân nghèo quá sức như vậy ăn cắp tiền bạc làm ăn bên Hoa Kỳ thì Mỹ tự nhiên phải có mặc cảm nào đó là tội lỗi của mình. Pháp cũng vậy có mặc cảm đối với dân Tunisia. Hoa Kỳ cũng vậy đối với dân Ai Cập."

Thừa kế quốc gia


Một người đàn ông ngồi ở lối vào một nhà hàng trong Biển Đỏ ở thành phố nghỉ mát Sharm el-Sheikh - Ai Cập hôm 16 tháng 2, 2011.
Thụy Sĩ không còn là vùng đất hứa của những đồng tiền bất chính đã làm thất vọng những nhà độc tài trên thế giới. Riêng đối với Hoa Kỳ thì lại càng không phải là vùng đất màu mỡ khi chuyển những đồng tiền đen tối vào để trốn sự dòm ngó của người dân trong nước. Giáo sư Tạ Văn Tài từng phụ giảng môn Luật quốc tế tại đại học Harvard cho biết về quy định phong tỏa tài sản của những nước bị lật đổ như sau:
"Thụy Sĩ đã phong tỏa trương mục của ông Mubarak. Đấy là một thí dụ của chính quyền một nước từng có bang giao với chính quyền Ai Cập, bây giờ phải bang giao với chính quyền mới họ có thề làm một hành động như phong tỏa tài sản vì lý do ngoại giao với chính quyền mới họ phong tỏa tạm thời cái đã. Phong tỏa tạm thời để bảo vệ số tiền đó xem nếu là số tiền bất hợp pháp thì họ sẽ trả lại cho chính quyền mới theo nguyên tắc gọi là thừa kế quốc gia "State succession” có nghĩa là tiền của chính quyền cũ phải giao cho chính quyền mới theo nguyên tắc thừa kế.

Việc này cũng đã có nhiều trường hợp trong lịch sử thí dụ như ở bên Nga sau khi chính phủ Nga Hoàng sụp đổ thì tất cả những số tiền của chính phủ này bị các nước họ giữ lại vì có vấn đề người dân họ đòi tiền. Đấy là trường hợp người dân đòi tiền chưa kể chính phủ Sô Viết đòi tiền nữa. Trường hợp VNCH sau năm 1975 thì những tiền nong mà VNCH có ở New York cũng được giữ lại để chính phủ Mỹ coi xem có phải thanh toán với chính quyền mới bên Việt Nam cũng theo nguyên tắc State succession, có nghĩa là thừa kế quốc gia.

Sau này có sự thương lượng rất dài về các tài sản của Mỹ như hãng dầu Esso bị Việt Nam tịch thu được bù trừ với những trương mục của VNCH bị phong tỏa tại Mỹ. Sau nhiều năm thương lượng số tiền dư của Mỹ có được thay vì Việt Nam phải trả cho Mỹ thì Mỹ đã dùng số tiền đó làm học bổng cho sinh viên Việt Nam du học sang bên Mỹ theo chương trình khoa học. Đó là người Mỹ họ muốn chứng tỏ họ không cần nhận lại số tiền ngày xưa mà họ có dư.

Phong tỏa tạm thời để bảo vệ số tiền đó xem nếu là số tiền bất hợp pháp thì họ sẽ trả lại cho chính quyền mới theo nguyên tắc gọi là thừa kế quốc gia.

Giáo sư Tạ Văn Tài
Các nguyên tắc đó áp dụng chung cho các nước bị lật đổ cũng áp dụng nguyên tắc State succession tức là thừa kế quốc gia. Phần lớn theo chính sách ngoại giao của chính quyền ở ngoại quốc, đối với chính quyền mới thay thế người lãnh đạo mới bị lật đổ."

Đối với Thụy Sĩ, một nước có hệ thống ngân hàng trung lập lâu đời nhất thế giới từng bị kết án là che chở cho những kẻ trốn thuế thì nay lại tỏ ra mạnh tay hơn cả những nước vốn được tiếng là khe khắt với tội phạm xuyên quốc gia như các nước EU và Mỹ. Giáo sư Nguyễn Phúc Liên nhận xét:

"Thụy Sĩ chứng minh rằng chúng tôi không phải là nước như các ông công kích trước đây. Ông Obama công kích rất nhiều Thụy Sĩ là giúp những người trốn thuế. Pháp cũng vậy, công kích rất nhiều và còn muốn kêu gọi EU đưa Thụy Sĩ vào sổ đen."

Bài học cho nước khác

Còn riêng tại Việt Nam thì sao? liệu với số dự trữ ngoại hối không quá 10 tỷ đô la thì các quan chức có thể tích lũy đựơc bao nhiêu trong suốt quá trình tham gia lãnh đạo dất nước?
Chắc chắn là không thể nào bằng ngài tổng thống Mubarak và gia đình. Cho tới nay, nhiều con số đưa ra tố cáo các quan chức tham ô có vẻ dựa trên cảm tính hơn là điều tra khoa học. Tuy nhiên một bản tin vào tháng 10 năm ngoái do chính tổng thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền phát biểu không khỏi làm cho người có lòng với đất nước lo ngại.


Dự án "Madinaty", cách Cairo 40 km về phía đông hôm 15/9/2010. AFP photo
Theo báo Tuổi Trẻ ghi nhận, khi được hỏi về sự tham ô của ông Đặng Hạnh Thu, người bị thôi chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế vì sở hữu 26 lô đất “vàng” ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Truyền trả lời rằng một số trung ương ủy viên và đại biểu Quốc hội có tài sản lớn trong tay nhưng ông không nói rõ là ai và bao nhiêu.
Phát biểu công khai của ông Trần Văn Truyền, một tổng thanh tra cấp nhà nước đã góp phần xác định rằng dân chúng Việt Nam tuy còn nghèo nhưng cấp lãnh đạo của họ không hề chịu thua thế giới về khoản thu nhập ngoài lương và cũng không hề kém cỏi Ai cập về khoản tung tiền đầu tư ở Mỹ trong những công ty hợp pháp có liên hệ mật thiết như người nhà.

Tình trạng bao che cho nguồn tiền của các nhà độc tài đã cáo chung tại Thụy Sĩ, thế nhưng tại Hoa Kỳ và nhiều nước EU thì tình trạng tuồn tiền ra kinh doanh trong những tập đoàn ngoại quốc không phải là hiếm. Hoa Kỳ là vùng đất có lẽ màu mỡ nhất thế giới khi đồng tiền tham nhũng trốn dưới vỏ bọc hợp pháp của một công ty nào đó để kinh doanh.

Liệu có thoát được tấm lưới pháp luật của nước này một khi có biến cố xảy ra hay không? Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết khi nào thì biện pháp phong tỏa được áp dụng vào một tài khoản ám muội, đó là khi tài khoản này được xem là bất hợp pháp:

"Nguyên tắc chung là số tiền bất hợp pháp. Phải được bàn ngay ở chữ đó! thế nào là bất hợp pháp? thì chính phủ Mỹ mới có lý do để giữ số tiền bất hợp pháp này cho chính quyền mới. Thủ tướng có người bên Mỹ này cũng không giữ được. Vấn đề đặt ra là: thế nào là bất hợp pháp. Bất hợp pháp là khi nào những số tiền không phải tạo ra từ kinh doanh.

Chính phủ Mỹ họ sẽ có những biện pháp gọi là Paper trail, tức là hành trình của các tờ giấy...từ trương mục A tới trương mục B trương mục C ... họ sẽ truy lùng ngược lại vì những kỹ thuật về tài chánh của Mỹ rất tinh vi, nhất là sau biến cố 9/11 họ theo dõi rất kỹ tiền mà họ nghi là khủng bố và họ có những kỹ thuật tinh vi để theo dõi."

Bài học Tunisia và Ai Cập ngoài ý nghĩa về sức mạnh của dân chúng, nó còn là một bài học lớn cho các nhà độc tài suy ngẫm làm cách nào để đồng tiền mà họ kiếm được sẽ an toàn hơn trong khi thế giới ngày một siết chặt luật lệ phong tỏa tài khoản bất chính mà họ tình nghi là rửa tiền từ các hoạt động đen tối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét