Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Trung Quốc có thể ‘đánh đô la Mỹ’ hay không?

Ngô Nhân Dụng

Như nhật báo Người Việt đăng tin, một bài đăng trên tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Tác giả bài đăng ngày 10 tháng 12 là Từ Vận Hồng, một ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Hồng kết án chính phủ Mỹ có kế hoạch 6 điểm nhằm tấn công Trung Quốc. Và ông bày ra một kế hoạch 7 điểm mà Trung Quốc có thể dùng để chống lại Mỹ. Trong cuộc đấu Mỹ-Hoa này, ông Hồng nói các nước lân cận Trung Quốc không được thân với Mỹ, phải đứng về phía Bắc Kinh.

Một lý do ông Hồng nghĩ sẽ buộc các nước từ Nhật Bản, Nam Hàn cho tới Việt Nam phải ủng hộ Trung Quốc là cán cân mậu dịch của các nước này thâm thủng đối với Trung Quốc. Có lẽ ông Hồng nghĩ tới Việt Nam trong khi viết điều này. Vì cán cân thương mại của Việt Nam khiếm hụt nặng nề, và chính phủ Việt Nam thì rất dễ bảo. Còn đối với Nhật Bản và Hàn Quốc thì chưa chắc họ sẽ bị ép buộc. Vì trong hoạt động thương mại quốc tế, một nước thặng dư mậu dịch không chắc đã đe dọa được một nước bị khiếm hụt. Một nước mua quá nhiều hàng của nước khác và bán thì quá ít sẽ lâm vào cảnh thâm thủng mậu dịch. Nhưng chính nước mà cán cân thương mại được thặng dư lại cần đến nước kia nhiều hơn. Có thể nói là bị lụy chứ không phải chỉ cần mà thôi. Lý do là vì nếu hai nước xung đột, thương mại đình trệ, thì người dân nước đang thâm thủng sẽ chỉ chịu thiệt hại chút đỉnh, vì không mua được hàng rẻ, phải đi mua nơi khác đắt hơn. Ngược lại, chính quốc gia không bị khiếm hụt mà đang thặng dư trong cán cân thương mại sẽ lo lắng hơn. Vì nếu không tiếp tục bán được hàng thì kinh tế sẽ bị đình trệ, có thể suy yếu đi. Lấy thí dụ 2 nước Mỹ và Trung Quốc. Cán cân thương mại Mỹ thâm thủng nặng đối với Trung Quốc; trong năm 2010 dân Mỹ trả cho Trung Quốc 365 tỷ đô la mua hàng trong khí chỉ thu về 92 tỷ nhờ bán hàng; thâm thủng 273 tỷ. Nay nếu việc giao thương hai nước ngưng trệ thì Trung Quốc sẽ lo kiếm đâu ra 273 tỷ một năm bây giờ? Không bán được hàng thì hàng triệu dân thất nghiệp sẽ làm gì?

Cho nên lý luận về kinh tế của ông Từ Vận Hồng rất lỏng lẻo. Ông định nói năng như vậy để đe dọa các nước láng giềng mà nói năng lúng túng như thế thì họ không sợ đâu! Những nước đã sợ Trung Quốc sẵn thì không cần dọa thêm làm gì nữa; dù dọa về kinh tế hay về quân sự! Chỉ cần nêu cao mối tình “trước là đồng chí sau là anh em” thì tự nhiên “anh bảo em nghe,” không cần dọa dẫm chi cho mệt!

Ông Từ Vận Hồng còn đề nghị Trung Quốc hãy liên kết với các nước khác, tấn công đồng đô la Mỹ, làm cho Mỹ “khốn đốn về kinh tế.” Không biết ông có kế hoạch cụ thể nào hay chưa; nhưng hiện nay thì chính phủ Bắc Kinh đang làm ngược lại, phải nói là hoàn toàn ngược lại. Tức là họ cứ muốn cho đồng đô la Mỹ đứng thật vững, không muốn cho địa vị của nó bị lung lay.

Thí dụ, mấy tháng trước khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, gọi là Fed, đưa ra kế hoạch sẽ chi 600 tỷ Mỹ kim mua công trái của chính phủ Mỹ, Bắc Kinh đã phản đối không ngớt. Tại sao? Vì hành động này sẽ làm cho đô la Mỹ xuống giá! Không khác gì Fed in thêm 600 tỷ đô la đưa cho các ngân hàng ở Mỹ để họ cho vay; hậu quả sẽ làm cho đồng đô la Mỹ xuống giá. Khi chính phủ Mỹ cho thêm nhiều đô la chạy từ trong ngân hàng ra ngoài xã hội, thì những đồng tiền đó không phải chỉ chạy quanh trong nước Mỹ. Chúng sẽ vượt biên chạy đi khắp thế giới! Tại sao chính phủ Trung Quốc không muốn đô la xuống giá? Có nhiều nguyên nhân. Một lý do là họ không muốn đồng “tiền nhân dân” của họ bị lên giá vì giá đô la Mỹ xuống.

Từ nhiều năm qua, các đại biểu Quốc Hội cũng như các nhân viên chính quyền Mỹ đã luôn miệng than phiền chính phủ Bắc Kinh cố ý ghìm giá trị đồng “nhân dân tệ” của họ thật thấp, thấp một cách bất bình thường. Không riêng gì nước Mỹ mà các nước Âu Châu cũng than phiền chính sách “Ghìm giá hàng xuống thật rẻ” của Trung Quốc, qua việc ghìm giá đồng tiền của họ trên thị trường hối đoái.

Họ ấn định giá “đồng Nguyên” theo một tỷ lệ cố định so với đô la, không cho giá Nguyên tăng lên. Nếu giá đồng Nguyên tăng thì hàng Tầu bán sang Mỹ sẽ tăng giá; bán sang Âu Châu và các nơi khác cũng tăng giá. Nền kinh tế Trung Quốc sống nhờ xuất cảng, trong đó dân Mỹ là những bạn mua hàng chịu chi nhất. Không bán được hàng ra ngoài thì hàng trăm triệu thanh niên Trung Quốc sẽ thất nghiệp. Ðó là một lý do chính khiến Bắc Kinh chỉ muốn “ủng hộ” cho giá trị đồng đô la được vững vàng, tức là đồng tiền của Trung Quốc cứ giữ cho thấp tốt hơn. Phá đồng đô la tức là phá chính sách đó của Trung Quốc! Ông Từ Vận Hồng phải tìm kế hoạch khác nếu muốn tấn công Mỹ !

Một lý do nữa khiến Bắc Kinh cần chính phủ Mỹ giữ giá trị của đồng đô la không cho nó xuống, là vì mỗi lần giá đô la Mỹ xuống thì chính sách tiền tệ của nước Tầu phải điều chỉnh theo. Có một quy tắc tài chánh rất giản dị: Khi một quốc gia ấn định hối suất cố định đối với đô la Mỹ, thì coi như quốc gia đó đã từ bỏ phần nào chủ quyền của họ trong chính sách tiền tệ. Coi như Bắc Kinh đã nhường cho Ngân Hàng Trung Ương Mỹ một phần quyền quyết định chính sách tiền tệ của nước Trung Hoa.

Tại sao lại có vụ “chuyển giao” quyền quyết định này? Chúng ta hãy lấy một thí dụ giản dị. Các chính sách về tiền tệ nhắm điều chỉnh khối lượng tiền lưu hành trước nước; một khí cụ quan trọng là ấn định lãi suất. Ngân Hàng Trung Ương tăng hay giảm lãi suất làm cho số tiền chạy trong dân gian bớt đi hay nhiều hơn. Do đó, sẽ ảnh hưởng tới giá cả mọi thứ. Khi có thêm nhiều tiền lưu hành quá thì các món hàng đều tăng giá, chúng ta gọi là lạm phát. Ngược lại, khi tăng lãi suất làm giảm bớt số tiền lưu hành thì người tiêu thụ sẽ bớt mua sắm, các nhà sản xuất cũng bớt làm ăn. Quyền quyết định trên lãi suất, và nói chung, quyền quyết định trên số lượng tiền lưu hành, là một chủ quyền của mỗi quốc gia, không khác gì chủ quyền trên lãnh thổ vậy.

Nhưng khi đồng tiền nước nào được ấn định “gắn chặt” vào đô la Mỹ, thì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ có ảnh hưởng trên lãi suất cũng như số tiền lưu hành của nước đó. Thí dụ, khi mỗi đô la Mỹ được đổi thành 6 đồng Nguyên không cho xê xích, thì nếu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng hay giảm lãi suất ở Mỹ, sớm muộn gì Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng phải tăng hoặc giảm lãi suất theo cùng chiều.

Nếu họ không chịu tăng hoặc giảm theo thì sao? Giả thử lãi suất ở Mỹ giảm bớt 1% mà lãi suất bên Trung Quốc không giảm theo, thì một hiện tượng gọi là “làm trọng tài” (arbitrage) sẽ diễn ra để lập lại thế cân bằng. Giống như bất cứ khi nào cùng một món hàng mà bán với giá chênh lệch ở hai cái chợ gần nhau. Nếu ở chợ A bán món hàng đó rẻ, người ta sẽ đi mua hàng ở chợ A, rồi đem sang bán ở chợ B được giá cao hơn. Nhiều người làm như vậy, sẽ khiến cho giá hàng ở chợ A đang rẻ phải tăng lên (vì cầu tăng), còn giá bán ở chợ B sẽ giảm xuống (vì nguồn cung cấp tăng). Cuối cùng, giá hàng phải đạt tới một trạng thái quân bình, cho nên việc mua bán trên gọi là “làm trọng tài.”

Tương tự, nếu lãi suất bên Trung Quốc không giảm trong khi lãi suất ở Mỹ giảm; điều này cũng giống như giá hàng ở bên Trung Quốc rẻ hơn bên Mỹ. Nhiều người sẽ đi vay tiền ở Mỹ (trả lãi thấp) rồi đem sang Tầu cho vay (được hưởng lãi suất cao hơn). Hệ thống ngân hàng quốc tế bây giờ cho phép người ta vay và cho vay xuyên qua lục địa, qua máy điện toán trong mấy phút đã xong. Cứ như vậy, cuối cùng lãi suất ở bên Trung Quốc sẽ phải giảm xuống giống như bên Mỹ đã giảm.

Hiện tượng Trọng Tài này không có nghĩa là lãi suất ở hai nước phải bằng nhau. Vì khi người ta đi vay đô la thế nào họ cũng bằng lòng trả lãi suất cao hơn khi đi vay đồng nhân dân tệ. Ðiều quan trọng là khi đồng tiền hai nước gắn chặt với nhau lãi suất hai nước phải cùng tăng hay cùng giảm giống nhau. Tức là Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng chính sách của Hệ thống Dự Trữ Liên Bang bên Mỹ, mất một phần nào chủ quyền quyết định về tiền tệ. Trên đây là một thí dụ về lãi suất. Mỹ thay đổi thì Tầu cũng phải lo thay đổi. Những khí cụ khác trong chính sách tiền tệ cũng vậy.

Chính vì thế, chính phủ Bắc Kinh chắc chắn muốn đồng đô la Mỹ phải ổn định. Tiền Mỹ ổn định thì tiền Tầu cũng yên. Phá cho đô la lên xuống bấp bênh tức là tự gây phiền phức cho chính nước Trung Hoa!

Nếu bây giờ Trung Quốc quyết định cắt đứt sợi dây cuống rún, tách ra khỏi đồng đô la Mỹ thì sao? Họ sẽ hoàn toàn độc lập về chính sách tiền tệ của họ, không lệ thuộc vào các quyết định của Hệ thống Dự Trữ Liên Bang Mỹ nữa. Hiện nay chính phủ và Quốc Hội Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc làm đúng như vậy: Xin quý ông thả cho đồng Nguyên nổi chìm theo cung cầu ở thị trường. Nhưng cho tới nay chính phủ Trung Quốc vẫn nhất định không theo yêu cầu của Mỹ. Vì thả nổi đồng Nguyên sẽ đưa chính sách tiền tệ của Trung Quốc vào một cuộc phiêu lưu họ chưa có kinh nghiệm, không biết làm sao kiểm soát các hậu quả.

Một ý kiến khác được ông Từ Vận Hồng đưa ra trên tạp chí Cầu Thị, là Trung Quốc dùng ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn trên thế giới để thuyết phục các nước thay thế vai trò của đô la Mỹ bằng đồng nhân dân tệ. Ðây là một giấc một giấc mơ của nhiều người Trung Hoa trong lục địa. Nhưng từ giấc mơ tiến tới sự thật sẽ còn rắc rối lắm!

Anh Sáu Dân nghĩ về một Quốc hội thật sự đại diện dân

Theo: TVN

-

Những người thường được anh Sáu Dân mời gặp, trao đổi ý kiến mỗi khi anh ra Hà Nội đều cảm nhận được sự trăn trở của anh trong mấy năm cuối đời tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới chính trị

LTS: Nhân ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23/11, nhớ về ông, nhớ về một nhân cách lớn chúng ta càng thấy trống vắng. Đất nước đang cần ông, cuộc đời càng nhớ ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đây cũng là dịp để cùng nhìn lại và suy ngẫm về những tư tưởng, trăn trở của ông về sự phát triển đi lên của đất nước. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết củanhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên và nhà thơ Trần Việt Phương, những người trong một thời gian dài gắn bó với ông, thường xuyên trao đổi, bàn bạc về nhiều vấn đề của đất nước. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong hơn 10 năm cuối đời, khi không còn giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy công quyền, dù tuổi đã cao, anh Sáu Dân (xin được gọi tên thân thương đã quen dùng khi nói về đồng chí Võ Văn Kiệt) vẫn tìm cách nắm sát tình hình thực tế, không ngừng suy nghĩ, nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những công việc hệ trọng đối với đất nước. Trong điều kiện không có bộ máy giúp việc như khi còn đương chức, anh tận dụng các mối quan hệ đồng chí thân thiết để tạo nên môi trường làm việc, nghiên cứu, trao đổi ý kiến về những vấn đề mà anh ấp ủ, trăn trở.

Ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội, anh thường gặp một số anh em như là nhóm nòng cốt cùng anh nghiên cứu, biên tập về các vấn đề đặt ra. Đó là những người đã từng làm việc với anh nhiều năm, được anh tin cậy về tấm lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, có kiến thức và năng lực nghiên cứu ở tầm chính sách. Hầu hết những người này đã về hưu, không ở trong bộ máy đương quyền, tự nguyện tham gia nghiên cứu với tư cách chuyên gia độc lập[1].

Mỗi khi ra Hà Nội, anh Sáu Dân đều gặp nhóm chuyên gia độc lập, nêu các vấn đề mà anh đang trăn trở. Anh thường chưa nói ngay quan điểm và giải pháp của mình mà khêu gợi để anh em phát biểu ý kiến. Anh lắng nghe, nêu câu hỏi, thảo luận khi có ý kiến khác nhau.

Khi vấn đề đã tương đối rõ, anh yêu cầu một hoặc hai người viết thành bài. Bài này được anh đưa cho một số đồng chí khác có hiểu biết và quan tâm đến chủ đề của bài, trong đó có người lãnh đạo đương chức và một số đã nghỉ hưu. Nếu vấn đề được đề cập có yếu tố về khoa học-công nghệ thì bao giờ anh Sáu cũng hỏi ý kiến các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật am hiểu lĩnh vực đó.


Các góp ý cho anh đều mang tính chất cá nhân. Sau khi có ý kiến phản hồi, anh lại gặp nhóm cộng tác viên nòng cốt để thảo luận, làm rõ những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau và nhờ một hai người tu chỉnh bài viết. Cuối cùng, anh trực tiếp đọc và sửa nhiều lần, cân nhắc từng câu, từng chữ, hoàn thành bản kiến nghị gửi các đồng chí lãnh đạo đương chức hoặc bài đăng báo. M

ỗi kiến nghị hoặc bài báo mang tên anh dù được người khác giúp công việc biên tập, kể cả khi bài viết tốt, anh ít sửa chữa, cũng đều mang đậm dấu ấn tư duy và cách diễn đạt của anh.

Những người thường được anh Sáu Dân mời gặp, trao đổi ý kiến mỗi khi anh ra Hà Nội đều cảm nhận được sự trăn trở của anh trong mấy năm cuối đời tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới chính trị. Anh cho rằng trong công cuộc đổi mới của nước ta, nền chính trị đổi mới chậm hơn cả; tuy có một số tiến bộ về từng mặt, nhưng nhiều mặt vẫn giữ thể chế, tổ chức và phong cách như thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp, gây cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Điều này càng bộc lộ rõ khi nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chỗ thiên về tốc độ theo chiều rộng chuyển sang coi trọng chất lượng, hướng mạnh về chiều sâu, đòi hỏi rất cao về tính năng động, sáng tạo của con người để bảo đảm sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Trong các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI, vấn đề đổi mới chính trị cũng được đặt ra mạnh mẽ hơn; như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 khi đề ra các quan điểm phát triển trong thời kỳ mới đã xác định: “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đổi mới chính trị trên nguyên tắc nào, nhằm mục tiêu gì? Khi đặt ra câu hỏi ấy, anh thường nhắc tới bài học lớn nhất, thấm thía nhất rút ra từ cuộc sống thực tế và từ sự trải nghiệm bản thân qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau; đó là bài học phát huy đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tự do, mà anh coi là một nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển truyền thống lịch sử và văn hoá của dân tộc.

Theo anh, không thể nói đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do chỉ như một khẩu hiệu động viên mà phải hiểu sâu sắc sự gắn kết bên trong như hai mặt của một vấn đề để có chủ trương và hành động đúng. Muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải thực hiện dân chủ, tự do và phải bảo đảm quyền tự do của công dân thì mới có dân chủ thực sự.

Có thể nói mọi thắng lợi của cách mạng, của kháng chiến, của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong thời gian qua cũng như những sai lầm phải trả giá, đều in dấu của sự thực hiện tốt hoặc chưa tốt về đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do.

Ngày nay, việc phát huy đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ, tự do gắn kết với nhau chính là nhân tố quyết định sự phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Đó là mục tiêu và động lực đổi mới nền chính trị, phải thấm vào nội dung đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cũng như phải thấu suốt cả trong việc xây dựng thể chế chính trị và tổ chức thực hiện thể chế.

Từ quan điểm đó, anh đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương cụ thể về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đổi mới tính chất và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng theo hướng xây dựng xã hội dân sự.

Theo quan điểm của anh, đổi mới về chính trị kết hợp với đổi mới về kinh tế sẽ có hiệu quả cao khi được tiến hành đồng bộ, song song trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng là một tiền đề quan trọng.

Mặt khác, sức năng động của nhân dân và của bộ máy nhà nước có thể thúc đẩy nhanh việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng, có khi đi trước một bước và tác động tích cực đến việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Những ý kiến đề xuất này đang trong quá trình chuẩn bị để hình thành kiến nghị chính thức gửi tới các đồng chí có trách nhiệm thì anh Sáu Dân đã ra đi. Riêng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày nhân dân cả nước bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2006), anh Sáu Dân đã có bài tham luận mang tiêu đề “Vì một Quốc hội thật sự đại diện cho dân” gửi tới cuộc hội thảo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 23-24 tháng 12 năm 2005, được in trong kỷ yếu của cuộc hội thảo này [2]. Sau cuộc hội thảo đó, anh Sáu Dân vẫn tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu cụ thể thêm về đổi mới Quốc hội trong chủ đề chung về đổi mới chính trị.

Những người viết bài này được tham gia nghiên cứu, biên tập chủ đề nói trên, xin nêu những suy nghĩ của anh Sáu Dân về đổi mới Quốc hội đã thể hiện một phần qua bài tham luận của anh đăng trong sách kỷ yếu hội thảo.


Xuất phát từ quan điểm một Nhà nước pháp quyền theo thể chế dân chủ phải có Quốc hội thật sự đại diện cho dân, anh Sáu Dân ghi nhận những đổi mới và tiến bộ về vai trò và hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua nhưng thấy vẫn còn nhiều điều phải thay đổi, bổ sung về chức năng, tổ chức và hoạt động thì mới thực hiện đúng vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bảo đảm quyền làm chủ của dân.

Có lần anh hỏi chúng tôi có nhớ đã bầu ai vào Quốc hội hay không; chúng tôi thú thật là không nhớ, cũng chưa lần nào được tiếp xúc với người mình đã bầu làm đại biểu cho mình. Anh cười và nói tôi hỏi nhiều người cũng trả lời như các anh; nhưng vì sao như vậy?

Trước hết là vì cử tri không được thật sự lựa chọn người để bầu mà hầu như bỏ phiếu đúng như sự gợi ý, hướng dẫn theo cách “Đảng cử, dân bầu”, khiến cho chế độ trách nhiệm của đại biểu trước dân rất khó được xác lập” (Trích Tham luận, trang 546). Do không cần và không có điều kiện cân nhắc, lựa chọn nên tình trạng một người đi bỏ phiếu thay cho nhiều người khá phổ biến. Vì vậy, muốn có một Quốc hội thật sự đại diện cho dân thì việc đầu tiên là phải bảo đảm dân chủ đích thực trong cách tổ chức bầu cử; số ứng viên phải đông hơn nhiều so với số người cần bầu; khuyến khích người tự ứng cử; người ứng cử hoặc được đề cử phải công khai quan điểm, nhân thân và tài sản, có tranh cử đường hoàng để cử tri có cơ sở xem xét, lựa chọn; bảo đảm sự chặt chẽ, trung thực trong việc kiểm phiếu.

Hầu hết cử tri không nhớ đã bầu cho ai vì sau khi bầu cử, hầu như không có cơ hội tiếp xúc với đại biểu của mình để phản ảnh tình hình, tâm sự, đề đạt nguyện vọng. Vì vậy, theo anh Sáu Dân “các đại biểu được bầu phải giữ quan hệ với những cử tri đã bầu ra mình và làm tất cả để có được sự ủng hộ của các cử tri đó. Như vậy các đơn vị bầu cử phải tồn tại song song với các đơn vị hành chính của đất nước, chứ không chỉ xuất hiện trong thời gian bầu cử rồi sau đó biến mất” (Trích Tham luận, trang 548-549).

Anh Sáu Dân yêu cầu chúng tôi tìm hiểu kỹ kinh nghiệm ở Mỹ và nhiều nước phương Tây quy định số đơn vị bầu cử tương ứng với số nghị sĩ do dân bầu vào hạ nghị viện; mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một hạ nghị sĩ; do đó, nghị sĩ phải gắn bó với cử tri đã bầu mình, có quy chế tiếp xúc thường xuyên và chịu sự giám sát chặt chẽ của cử tri về thái độ của mình đối với các vấn đề biểu quyết tại nghị viện và về những đóng góp khác của mình với tư cách nghị sĩ [3].

Theo anh Sáu, dân số và điều kiện của nước ta hoàn toàn có thể áp dụng cách làm này và như vậy có thể bỏ được việc “xuân thu nhị kỳ trước và sau các kỳ họp, các vị đại biểu của nước ta đều tiếp xúc cử tri, nhưng các cuộc tiếp xúc cử tri này đang bị dư luận xã hội coi là hình thức. Với cách thức tiếp xúc cử tri như vậy thì các vị đại biểu Quốc hội chỉ nghe được ý kiến của cán bộ là chính chứ không hẳn là ý kiến của nhân dân“.(trích Tham luận, trang 545)

Anh Sáu Dân cho rằng “tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội chiếm đến 90% trong khi các đảng viên chỉ chiếm 5-6% trong tổng số cử tri của cả nước là không hợp lý. Điều quan trọng là phải giới thiệu được nhiều hơn số ứng cử viên là người ngoài Đảng và giảm số ứng cử viên là đảng viên. Số đại biểu là người ngoài Đảng chiếm tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý? Con số này có lẽ cần được tính toán cụ thể cho từng thời kỳ. Tuy nhiên một đảng cầm quyền chỉ cần có được đa số trên 50% số ghế trong Quốc hội là đủ” (trích Tham luận, trang 546 -547).

Theo quan điểm của anh Sáu Dân, một đất nước với dân số như nước ta hoàn toàn xứng đáng có được một Quốc hội chuyên nghiệp để thực hiện tốt chức năng đại diện cho dân gắn với các chức năng lập pháp, quyết định và giám sát. Hiện nay “một tỷ lệ lớn các vị đại biểu Quốc hội kiêm chức vụ hành chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các vị đại biểu kiêm chức hành chính chỉ có 30% thời gian làm đại biểu, còn 70% làm quan chức hành chính. Với tư cách là các quan chức hành chính, phần nhiều các vị đại biểu này là cấp dưới của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng. Đã là cấp dưới thì giám sát cấp trên sẽ rất khó. Lợi ích của các vị đại biểu này xung đột với việc triển khai có hiệu quả chức năng giám sát. Muốn vượt qua sự xung đột lợi ích này, chúng ta cần có một Quốc hội chuyên nghiệp. Về cơ bản, đã làm đại biểu Quốc hội thì thôi không làm các quan chức hành chính nữa (trừ một số ít chức danh thuộc hành pháp chính trị như Thủ tướng và một số bộ trưởng)“(Trích Tham luận, trang 548).

“Nếu chúng ta vẫn muốn việc cải cách chính trị phải được thực hiện từng bước một thì ít nhất tất cả các thành viên của các ủy ban đều phải hoạt động theo chế độ chuyên trách” (Trích Tham, luận, trang 550).

Suy nghĩ tiếp về sự hình thành một Quốc hội chuyên nghiệp, anh Sáu cho rằng khi hầu hết đại biểu hoạt động chuyên trách thì số lượng đại biểu có thể không cần đông như hiện nay nhưng có đủ điều kiện và phương tiện để thực hiện đúng chức năng đại diện cho dân nắm giữ quyền lực nhà nước cao nhất. Các đại biểu chuyên trách làm việc thường xuyên trong các ủy ban, tiểu ban được kiện toàn và có bộ máy giúp việc đủ năng lực chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ của Quốc hội, nhất là trong hoạt động lập pháp và giám sát.

Quốc hội làm việc thường xuyên chứ không chỉ tập trung trong hai kỳ họp. Do đó vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thay đổi. Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội theo đơn vị hành chính như hiện nay đặt các đại biểu Quốc hội vào tư thế vừa đại điện cho cử tri cả nước vừa đại diện cho đơn vị hành chính tỉnh dẫn tới những vướng mắc khi có xung đột lợi ích giữa toàn cục và cục bộ, sẽ không còn lý do tồn tại.

Những nét khởi sắc trong vai trò và hoạt động của Quốc hội thời gian gần đây khiến cho lòng dân càng mong đợi Quốc hội khóa mới (bắt đầu từ giữa năm 2011) sẽ đổi mới tổ chức và hoạt động một cách căn bản hơn, tạo một bước tiến mạnh mẽ về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam theo thiết chế dân chủ.

Những ý kiến đề xuất của anh Sáu Dân chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, làm cơ sở cho việc xây dựng thiết chế tổ chức cùng với quy chế làm việc của Quốc hội khóa mới và có thể vận dụng vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng Hội đồng nhân dân các cấp. Điều kiện và khả năng thực hiện đã có; chỉ cần có quyết tâm chính trị của cơ quan lãnh đạo cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình và đóng góp ý kiến của dân, nội dung đổi mới nêu trên sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống.



[1] Nhiều người trong số này là thành viên Tổ Chuyên gia tư vấn do Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập năm 1993, sau chuyển thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi tổ chức này bị giải thể từ tháng 7 năm 2006 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới, một số thành viên vẫn nhiệt tình cộng tác với anh Sáu Dân.

[2] Kỷ yếu của cuộc hội thảo này đã được Văn phòng Quốc hội soạn thành sách mang tên “Quốc hội VN – 60 năm hình thành và phát triển”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2006. Tham luận của anh Sáu Dân ở trang 541-552. Trong bài này, những đoạn trích Tham luận đều in nghiêng và ghi số trang theo sách kỷ yếu hội thảo

[3] Như ở Mỹ, thượng nghị sĩ được dân bầu ở mỗi bang hai người, không phụ thuộc vào dân số. Hạ nghị viện có 435 nghị sĩ, được bầu ở 435 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị có số dân tương đương nhau bầu một hạ nghị sĩ. Đơn vị bầu cử được điều chỉnh 10 năm một lần theo kết quả tổng điều tra dân số. Hạ nghị sĩ phải làm việc toàn thời gian, được nhà nước trả lương, có văn phòng ở đơn vị bầu cử của mình để tiếp xúc và giải quyết các vấn đề mà cử tri yêu cầu, và ở thủ đô cũng có văn phòng giúp việc được nhà nước trả kinh phí.

Nguyễn Vạn Phú - GDP đầu người của Việt Nam còn bao nhiêu?

Cuối năm, báo cáo chính thức của các cơ quan nhà nước đều
nói GDP đầu người của Việt Nam tính đến hết năm 2010 lên
đến 1.168 USD.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước tính theo
giá thực tế trong năm 2010 là 1.980.941 tỷ đồng. Nếu lấy tỷ
giá trước lúc điều chỉnh là 19.500 đồng/1 USD thì GDP đầu
người của Việt Nam đúng là vào khoảng 1.168 USD.

Nếu lấy tỷ giá sau điều chỉnh vào tuần trước là 20.900
đồng/1 USD thì GDP đầu người còn 1.089 USD.

Còn nếu lấy tỷ giá thực tế vào chiều hôm qua, thứ Sáu
18/2/2011 là 22.250 đồng thì GDP của mỗi người dân Việt Nam
chỉ còn lại 1.023 USD.

Đừng tin tưỏng mù quáng vào
GDP

Dương Danh Dy (gt)
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Lâu nay, một luận điệu phổ biến
và khá bùi tai do các vị quan chức chúng ta thường xuyên đưa
ra khiến dân đen nghe đến mà sướng mê tơi: GDP của nước ta
ngày một tăng so với nhiều nước láng giềng, nó là tín hiệu
cho thấy chúng ta đang sớm trở thành một "con hổ Đông Nam
Á". Nhưng vì sao GDP tăng mà tình trạng kinh tế lại đi
xuống, và hiện nay đang đứng bên bờ vực của sự lạm phát
đáng lo ngại? BVN đã từng có lần giải thích sơ lược, muốn
hiểu thực chất GDP tăng có làm cho dân giàu nước mạnh thật
hay không thì phải nghiêm túc xem xét cái gọi là tăng trưởng
GDP ấy là do những yếu tố gì cấu thành. Chẳng hạn, nếu
chỉ là đi vay vốn của nước ngoài về đầu tư thêm một số
công trình – mà lại là những công trình với dây chuyền công
nghệ cũ kỹ lạc hậu nước cho vay vốn đã xếp xó, cốt
đẩy nó đi để thay cho dây chuyền công nghệ mới, thì trước
mắt chúng ta có tạo thêm được một số việc làm, khiến
việc tính GDP có vẻ như tăng lên thật, nhưng chỉ cần qua
một thời đoạn rất ngắn, khi các nhà máy mà chúng ta rước
về bộc lộ sự hỏng nát của chúng, là biết tay nhau lập
tức. Nợ nước ngoài sẽ ùn lên không thể nào trả nổi, còn
công nhân thì thất nghiệp, bấy giờ số liệu GDP liệu còn che
mắt được ai?

Tưởng rằng cách giải thích của chúng tôi chỉ là một
tiếng nói đơn độc thôi, nào ngờ thật là may, vừa đây nhà
Trung Quốc học Dương Danh Dy mới cung cấp cho một bài của các
học giả Trung Quốc phê phán chính hiện tượng tăng GDP của
Trung Quốc được làm rùm beng trên thế giới lâu nay. Tất
nhiên, so với Việt Nam thì việc tăng GDP Trung Quốc có giá trị
đích thực gấp bao nhiêu lần mà chúng ta không nên so sánh, vì
Trung Quốc làm là làm thật chứ không phải làm như kiểu tập
đoàn "quả đấm thép" Vinashin của chúng ta; họ nói cũng là
nói thật chứ không phải là cách che đậy nói đằng nào cũng
được như các "chuyên gia" nhà nước vừa đây đang trở
lại reo ca Vinashin "tái cơ cấu" sẽ sớm lấy lại tư cách
một "quả đấm" lợi hại, nghĩa là một tập đoàn làm ăn
lại sẽ có lãi cho đất nước. Tuy nhiên, dầu là thế thì bài
báo của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cũng sẽ vô cùng có ích
cho những ai đang có tâm huyết xây dựng nền kinh tế Việt Nam
một cách trung thực, nhằm rút nhiều kinh nghiệm quý báu để
đưa đất nước đi lên, chứ không phải chỉ muốn thu quyền
lực vào tay để… tự tung tự tác, nói chung là những ai thực
sự cầu thị, thực lòng muốn nghe tiếng nói của chuyên gia.

Vì vậy, xin trân trọng giới thiệu bài báo bổ ích này
đến bạn đọc.

Nguyễn Huệ Chi


Cách đây không lâu, Ban Biên Tập Hoàn cầu thời báo tổ chức
cuộc thảo luận nghiên cứu về sự phát triển của Trung Quốc
trong 10 năm tới. Tại cuộc họp đó một số học giả được
gọi là tinh anh nhất của Trung Quốc đã cho rằng, năm 2009 GDP
đã vượt Nhật Bản (thực tế là năm 2010) thì chỉ cần qua 10
năm nữa là GDP của Trung Quốc có thể vượt Mỹ.

Thế nhưng nhân định này đã bị một số ngưòi Trung Quốc
đại lục cho là kỳ đàm quái luận (luận điểm kỳ quái).
Họ đã bác lại bằng các lập luận sau:

Năm 1840, GDP của Trung Quốc bằng 1/3 thế giới còn GDP của
đế quốc mặt trời không bao giờ lặn – nước Anh, chỉ
chiếm 1/20 thế giói; cộng toàn bộ châu Âu lại cũng còn kém
Trung Quốc xa. Thế mà vì sao Trung Quốc không phân chia được
châu Âu mà lại bị châu Âu chia cắt?

Ngay vào lúc đã suy tàn năm 1894, GDP của Trung Quốc vẫn còn
hơn 9 lần của GDP Nhật Bản, thế mà vì sao Trung Quốc không
đánh bại được Nhật Bản thu hồi đảo Lưu Cầu (Nansei-shoto)
mà ngược lại bị Nhật Bản đánh thua, và mất luôn Đài Loan.
Trên lịch sử, số lưọng GDP không có nghĩa là vị thế nước
lớn; vì sao ngày nay nó lại trở thành tiêu chí của nước
lớn?

Có người hỏi vì sao GDP hiện nay của Mỹ và Nhật mới
được coi là GDP của nước lớn? Đó là vì cấu thành GDP của
họ là kỹ thuật cao, là công nghệ thông tin, là công nghiệp
vũ trụ, là công nghiệp hàng hải, là ngành chế tạo cơ khí
lớn, là công nghệ vi sinh và nông nghiệp hiện đại. Những
ngành sản xuất đó trong thời bình đều có tính bành trướng
thế giới, đều có thể thu lợi nhuận lớn kiếm được
nhiều tiền của thế giới; còn vào thời chiến, toàn bộ
chúng đều có thể chuyển thành thực lực quân sự quốc gia,
tiêu diệt kẻ thù, cướp đoạt của cải.

Còn Trung Quốc thì sao? GDP thời nhà Thanh là chè uống, tơ tằm,
còn hiện nay GDP chủ yếu là nhà đất, về căn bản không thể
bành trướng ra thế gíới và kiếm tiền của ngưòi ta, chỉ
có thể trấn lột dân chúng mình và giúp tư bản quốc gia
cướp của của cải của nhân dân mình. Các thứ khác như hàng
dệt, đồ chơi, thuốc lá, đều là thứ kỹ thuật thấp mang ra
nước ngoài kiếm được ít tiền mang về thì cũng là đổi
bằng mồ hôi xưong máu, ngoài ra khó có thể chuyển đổi thành
thực lực quốc phòng khi có chiến tranh.

Hãy thử nhìn các loại ô tô đang chen chúc chạy trên đưòng,
xem có loại nào hoàn toàn do Trung Quốc tự chế tạo ra không?
Trên những chiếc tàu thủy lớn, những máy bay chiến đấu
chủ lực của Trung Quốc có chiếc nào không dùng động cơ mua
của nước ngoài không? Những cái tạo nên GDP của Trung Quốc
bây giờ không có cái nào có thể chuyển hóa thành chiến tranh
mạng và chiến tranh vũ trụ hiện đại, chỉ có thể cung cấp
những hưởng thụ nhỏ cho quốc dân và hưỏng thụ lớn cho
một số tham quan ô lại, nhưng cuối cùng vẫn có thể bị
ngưòi nước ngoài lấy đi mất!

____________________

Ngưòi giới thiệu xin mạn phép nói thêm đôi lời:

Mấy nhận định của người Trung Quốc nói trên là thẳng
thắn và tương đối chính xác. Tuy vậy ông ta đã quá hạ
thấp một số thành tựu của Trung Quốc mà ai cũng thấy, như
có ngành công nghiệp vũ trụ của mình, tự đưa ngưòi thành
công vào vũ trụ, có công nghiệp quốc phòng đáng nể, và có
cả những tin tặc nổi tiếng thế giới. Trung Quốc đang vươn
tay, đặt chân tới nhiều nơi trước đây họ chưa thể vươn
tay tới, đặt chân tới như Trung Đông, Châu Phi và ngay cả
một phần châu Âu v.v. Những cái đó cũng đều do trong tiến
trình phân đấu thực hiện GDP tăng cao, tăng mạnh của Trung
Quốc sản sinh ra đấy chứ!

Một câu hỏi đặt ra, vì sao họ lại nói quá như vậy? Để
nhắc nhở nhau đừng chủ quan bốc đồng? Hay để đánh lừa
dư luận quốc tế?

Tháng 2/2011

DDD

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lẩm cẩm thiên hạ sự hay là “Hữu nghị Made in China”

Lẩm Cẩm Lão Gia

Đọc xong bài báo “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào tiếp Đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam” (1) đăng trên tờ báo điện tử Đảng CSVN mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thấy ấm lòng và yên lòng.

Người Việt Nam chúng ta có câu “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Bởi thế, còn gì vui bằng khi “quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước”.

Như vậy, kể từ hôm nay, bà con ngư dân nghèo miền Trung sẽ yên tâm mà ra biển để kiếm cơm vì không còn sợ bị lính hải quân Trung Quốc quấy nhiễu, bị cướp cá và ngư cụ, bị đánh đập, bị bắt giam để đòi tiền chuộc, hay tệ hơn nữa là bị bắn chết bởi “tài sản quý báu hữu nghị” này của hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Thế nhưng, vừa rời báo điện tử Đảng CSVN để vào mạng www.vnexpress.net để coi “Trương Tử Lâm trút bỏ xiêm y….” thì cái tựa “Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa” (2) nằm chình ình ngay trước mắt. Lẩm Cẩm Lão Gia tôi liền đi lấy cái khăn ướt để lau mắt cho tỉnh thức vì nghĩ rằng mình nhìn không rõ do mắt mũi lem nhem bởi tuổi cao sức kém.

Sau khi lấy khăn ướt lau mặt vài lần, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi liền dán mắt vào màn hình và xem thử có phải mình đọc lộn, đọc nhầm hay không. Ai dè, té ra cái tựa “Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa” là thật 100 phần trăm. Xin được trích dẫn nguyên văn bản tin này để bà con xa gần đọc qua cho biết.

[Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga hôm nay tuyên bố, việc hải quân Trung Quốc diễn tập tại quần đảo Hoàng Sa vừa qua là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó, mạng Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin, hạm đội Nam Hải của hải quân nước này đã tiến hành diễn tập phòng ngự đảo tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 3/2/2011.

Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập tại quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình, ổn định ở khu vực”.

”Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai; cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm].

Ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là người mới đắc cử cái ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN. Đến nay thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa trao lại cái chức Chủ tịch Quốc hội cho người kế nhiệm. Vừa là tân Tổng Bí thư và cũng là đương kim Chủ tịch Quốc hội, lẽ nào ông Nguyễn Phú Trọng không biết hải quân Trung Quốc đang (sắp) “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”???

Đảng CSVN lãnh đạo đất nước. Có nghĩa các bộ ngành đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Vậy thì lẽ nào ông tân Tổng Bí thư không biết chuyện hải quân Trung Quốc đang (sắp) “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” mà Bộ Ngoại giao lại biết chuyện này??? Có ba cách hiểu như sau.

Thứ nhất. Ông tân Tổng Bí thư và đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng không biết gì về tình hình của đất nước cũng như không biết được nguy cơ, tiềm ẩn của những mối đe dọa đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đến từ đâu.

Thứ hai. Bộ Ngoại giao và bà Nguyễn Phương Nga không còn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, cũng như dưới sự lãnh đạo của ông tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó, Bộ Ngoại giao của Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã đi ngược đường lối của Đảng CSVN. Từ đó, thông qua phát ngôn viên của Bộ là bà Nguyễn Phương Nga, Bộ Ngoại giao đã đi ngược lại “quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước”!

Thứ ba. Ông tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết chuyện hải quân Trung Quốc đang (sắp) “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” và những gì mà bà phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga của Bộ Ngoại giao đưa ra là đúng, là có thật chứ không phải chuyện phịa. Và “tình hữu nghị” giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc mà bài báo đăng trên mạng điện tử của Đảng CSVN là tình “Hữu Nghị Made in China”!

Ghê gớm thay cho lũ mặt dày.

Miệng thì Bồ tát mà bụng đầy dao găm.

L.C.L.G.

(1) cpv.org.vn

(2) vnexpress.net

(3) vtc.vn

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phụ lục:

Hồ Cẩm Đào tiếp đặc phái viên Việt Nam



Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCS vừa có chuyến thăm Trung Quốc.

Ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc vừa tiếp ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCS Việt Nam tại Bắc Kinh.

Ông Hoàng Bình Quân sang Trung Quốc với tư cách đặc phái viên của tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến đi của ông Quân sang Trung Quốc có "nhiệm vụ" thông báo về kết quả Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Việt Nam đưa tin.

Cạnh đó người đứng đầu Ban Đối ngoại Trung ương chuyển lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời ông Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam.

Chưa có tin nói phía Trung Quốc nhận lời mời, theo bản tin của một số thông tấn xã.

Đáp lại ông Hồ Cẩm Đào “đề nghị” đặc phái viên Hoàng Bình Quân chuyển lời mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “sớm” sang thăm chính thức Trung Quốc, tin của TTXVN cho hay.

"Đảng và chính phủ Trung Quốc coi quan hệ với Việt Nam là mối bang giao lâu dài và có tầm chiến lược,” Tân Hoa Xã trích lời ông Hồ Cẩm Đào nói.

Trong khi đó ông Hoàng Bình Quân chuyển lời thăm hỏi và cám ơn của tân Tổng bí thứ ĐCS Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc.



PNN Bộ Ngoại giao VN phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa.

Và nói thêm ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để phát triển quan hệ song phương.

Phản đối

Trước đó một ngày Việt Nam vừa chính thức phản đối Trung Quốc diễn tập phòng thủ tại quần đảo Hoàng Sa.

Hôm 17/2, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói: "Việc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập tại quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này".

Bà Phương Nga lên tiếng sau khi Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin cuộc diễn tập được tiến hành hôm 03/02.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai; cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Thế nào là yêu nước và mất nước

Nhân dịp kỷ niệm 32 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung, chúng tôi dịch hai đoản văn ngắn sau như nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân những người đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Nếu không có họ, hôm nay chúng ta chỉ còn là đám người Việt mờ nhạt và tan biến dần như những hạt cát trong sa mạc Trung Quốc.

1. Lòng yêu nước

George Orwell /Trần Quốc Việt dịch

Tình anh em gợi tưởng đến người cha chung. Vì thế người ta thường cho rằng con người không bao giờ có thể hình thành nên ý thức cộng đồng trừ phi họ tin Chúa. Câu trả lời là dù không hẳn nhận ra, đa số mọi người đã hình thành nên ý thức ấy. Con người không phải là cá nhân, con người chỉ là tế bào trong cơ thể bất tử, và con người ý thức lờ mờ được điều này. Không có cách nào khác để giải thích tại sao người ta lại sẵn sàng chết trong chiến trận. Thật vô lý khi nói họ phải ra trận chỉ vì họ bị lùa đi. Nếu toàn bộ các quân đội phải bị cưỡng bức, chiến tranh không bao giờ diễn ra. Người ta chết trong chiến trận, dĩ nhiên, không vui gì, nhưng dù sao cũng tự nguyện - vì những điều trừu tượng mang tên "danh dự", "nghĩa vụ", "lòng yêu nước" vân vân.

Tất cả điều này thật sự có nghĩa là họ [người lính] ý thức về tổ chức nào đấy cao quý hơn chính họ, trải dài đến tương lai và quá khứ, và bên trong tổ chức ấy họ cảm thấy mình bất tử. "Ai chết nếu nước Anh sống?" nghe tưởng như lời khoa trương, nhưng nếu ta thay từ "nuớc Anh" thành bất kỳ từ gì ta thích, ta có thể thấy nó diễn tả một trong những động cơ chính của hành vi con người. Người ta hy sinh mình vì những cộng đồng nhỏ rời rạc - quốc gia, dân tộc, tín điều, giai cấp - và chỉ trở nên nhận thức họ không còn là những cá nhân vào chính lúc họ đối mặt với bom đạn. Ý thức tăng lên rất ít, và ý thức trung thành của họ có thể được truyền sang chính con người, mà không phải là sự trừu tượng.(1)

2. Thuế mới hay bài học đầu tiên sau khi mất nước
Đạt Lai Lạt Ma/Trần Quốc Việt dịch

Sau khi chúng tôi gặp nhau ở Thịnh Nam chúng tôi cùng đi tiếp đến Bắc Kinh, và ra tiếp chúng tôi ở đấy là Phó chủ tịch nước Chu Đức, Thủ tướng Chu Ân Lai, cùng những quan chức khác của Chính phủ Bắc Kinh. Tại nhà ga xe lửa có nhiều đám đông hoan nghênh chào đón chúng tôi. Đa số họ có vẻ là học sinh hay đoàn viên thanh niên, và họ vỗ tay và hoan hô chúng tôi vang trời. Nhưng tôi có cảm giác hoài nghi họ sẽ sẵn sàng quay sang biểu lộ lòng căm thù ngay tức khắc nếu họ được ra lệnh làm như thế. Điều này khiến tôi liên tưởng đến một cuộc đối đáp nghe được trong dịp một viên chức Trung Quốc đến thăm một làng Tây Tạng. Khi ông đến, tất cả mọi người trong làng đều tập trung lại để chào đón ông, và họ vỗ tay rất nồng nhiệt. Mãn nguyện, ông hỏi một người dân trong đám đông là họ có hạnh phúc dưới chế độ mới.

"Vâng, rất hạnh phúc", người Tây Tạng được hỏi trả lời.

"Quá tuyệt".

"Chỉ có điều chúng tôi không thích thuế mới này".

"Thuế mới?"

"Dạ. Thuế vỗ tay. Mỗi lần có người Trung Quốc đến đây, tất cả chúng tôi đều phải ra đón chào và vỗ tay" (2).
Các tựa đề đều của người dịch
Nguồn:
[1] George Orwell, My Country Right Or Left 1940-1943, Edited by Sonia Orwell and Ian Augus, Harcourt Brace Jovanovich 1968, trang 17
[2] My Land and My People, Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala
Corporation, 1983 trang 114

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

GDP đứng thứ hai thế giới: nhưng cảm giác hạnh phúc của ngưòi dân Trung Quốc thế nào?

Dương Danh Dy (gt)


Năm 2010, GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Gần đây chính phủ Nhật Bản công bố, GDP năm 2010 của họ là 5.474,2 tỷ USD, nhưng sớm hơn một chút, Chính phủ Trung Quốc đã công bố GDP của mình là 5.787,6 tỷ USD, nhiều hơn Nhật Bản khoảng 400 tỷ USD. Con số này phản ảnh thành tựu vĩ đại của sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong hơn 30 năm cải cách mở cửa. Thế nhưng vẫn cần phải thấy rằng đó chỉ là thành tích bước đầu trong quá trình trỗi dậy của nước lớn Trung Quốc, cần phải nâng chỉ số hạnh phúc của đông đảo quần chúng thành mục tiêu quan trọng trong việc đo đếm và đánh giá sự phát triển hài hòa của nền kinh tế xã hội Trung Quốc, với tư cách là điểm cơ sở, cốt lõi của sự phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc. Vì thế trăm họ dường như không quan tâm đến việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giói, bởi vì cuộc sống của họ không vì GDP trở thành “thứ hai trên thế giới” mà có thể tốt hơn chút nữa. Còn Nhật Bản dưòng như cũng không có cảm giác cùng đưòng mạt lộ. Bộ trưỏng Bộ Kinh tế Nhật Bản biểu thị, Nhật Bản sẽ không cạnh tranh xếp hạng GDP với Trung Quốc, kinh tế không phải là tranh xếp hạng mà là để làm cho người dân Nhật Bản có cuộc sống hạnh phúc. Câu nói này không chỉ thích hợp với Nhật Bản mà cũng thích hợp với Trung Quốc.

Có ba biện pháp tốt nhất để gia tăng GDP: một là xuất khẩu; hai là đầu tư; ba là thúc đẩy nhu cầu trong nuớc. Xét từ xuất khẩu thấy, “Trung Quốc chế tạo” nổi tiếng thế giói là do sức lao động giá rẻ, mỗi đồng GDP làm ra đòi hỏi càng nhiều công nhân Trung Quốc phải trả giá hơn (sự kiện công nhân nhảy lầu tự tử, công nhân thiếu nhi làm giày nặng nhọc, nô công tại các mỏ than…). Bọn họ đều là quân chủ lực trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng họ không phải là quân chủ lực trong hưỏng thụ sự tăng trưỏng của kinh tế. Những ngưòi này có cảm giác hạnh phúc không?

Mấy năm nay, Trung Quốc điên cuồng đầu tư về đưòng sắt, đưòng bộ, xây dựng cơ bản cộng thêm nhà đất, những cái đó là động cơ làm tăng trưỏng kinh tế, thế nhưng liệu có bao nhiêu hạng mục mang lại thực huệ cho dân chúng? Là giá đường sắt cao tốc còn đắt hơn vé máy bay? Hay là nhà đất trở thành cái bóc lột của cải của đại chúng? Cải cách mở cửa hơn 30 năm rồi, ngoài GDP đứng thứ hai ra, chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc vẫn đứng thứ nhất thế giới. Kể từ ngày trăm họ ra đời, là đã phải sống trong 3 sự việc đau khổ: nhà ở, giáo dục, y tế. Hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc hiện vẫn đang ở trong giai đoạn ban đầu cất bức xúc. Xây dựng, bảo đảm y tế giáo dục tại thành phố, nông thôn, chưa được phủ khắp, chi phí cho giáo dục của gia đình còn chiếm tỷ lệ quá lớn… khoảng cách với các nước phát triển cũng không giảm.

Một trường đại học Hà Lan đã tiến hành 3 lần điều tra về cảm giác hạnh phúc của ngưòi dân Trung Quốc, trong đó chỉ số hạnh phúc năm 1990 là 6,64, năm 1995 tăng lên 7, 08 nhưng năm 2001 lại giảm xuống 6,6. Và tháng 12 năm 2009, một điều tra hạnh phúc được một trường đại học Mỹ công bố cho thấy càm giác hạnh phúc của người Trung Quốc vẫn đang giảm.

Nâng cao chỉ số hạnh phúc của quần chúng phải dựa vào việc cùng điều hòa phát triển, thức đẩy kinh tế xã hội. Về một mặt nào đó mà nói xây dựng xã hội còn quan trọng và then chốt hơn.

Thủ tưóng Ôn Gia Bảo trong báo cáo công tác của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ ba Quốc hội khóa 11 đã chỉ ra: “phải làm cho cuộc sống của nhân dân hạnh phúc hơn, tôn nghiêm hơn”. Đó mới là phương hưóng chân chính và mục tiêu phát triển của Trung Quốc với tư cách là nước lớn trỗi dậy.

DDD



Nguồn: Mạng Hoàn cầu ngày 18/2/2011, Vương Cẩm Tư bình luận

Tác giả bài giới thiệu gửi trực tiếp cho BVN.

Cuộc bình chọn vô bổ

Trần Anh Tuấn


Lâu nay, ngoài các vấn đề chính trị, xã hội đáng quan tâm thì mối quan tâm âm ỉ và tạm coi là hào hứng nhất trong thiên hạ mạng là câu chuyện bình chọn quốc hoa, quốc tửu, quốc phục,...

Tự nghĩ là người vốn ít lạc quan, kẻ này chẳng mấy lưu ý tới những phấn khích của cuộc bình chọn hài hước này. Tuy nhiên, hễ có nước chảy mãi thì li nước ắt đầy, mấy hôm nay thấy người ta bàn tán sôi nổi thì tự nhiên thấy mình cũng nên quan tâm chút ít cho đỡ là người lạc hậu.

Quốc hoa, hay Quốc phục là những loài hoa hay trang phục đã vượt lên trên tầm giá trị của một thứ thực vật hay quần áo mặc thông thường, nó mang tính chất đặc biệt vì đại diện cho một đất nước, một vùng lãnh thổ. Do đó, khi nhắc tới đất nước đó, thế giới sẽ nhắc đến thứ hoa hay bộ y phục đặc biệt đó. Đó ít nhất là một niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có được (Trừ những thứ “Quốc” khác như “Quốc nạn”,...)

Tôi chẳng rõ những nước khác họ có tổ chức bình chọn rầm rộ trên mạng như thế này không mà sao những ý niệm gắn với bản sắc đất nước họ ấy vẫn định hình? Cứ nghĩ tới Nhật Bản tôi lại hình dung ra Kimono, nghĩ tới Bungari thì không thể khác hơn là hoa hồng. Và chắc rằng rất nhiều người trên địa cầu khi nhắc tới dân tộc Việt Nam thì ấn tượng đầu tiên của họ là sự quả cảm, ý chí bất khuất, mưu trí, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chống ngoại xâm, tất cả vì quyền độc lập, tự chủ. Họ chẳng mấy khi biết tới hoa cau, hoa sen, càng không hiểu rượu quốc lủi nút lá chuối là cái quái gì.

Nghĩa là những thứ “Quốc” ấy được hình thành trải qua thời gian phần nhiều bởi sức nặng của sự công nhận quốc tế chứ chắc chắn không hoàn toàn do tự mình cố gượng ép mà nghĩ ra.

Ví như một gia đình nông thôn nọ, suốt ngày đánh chửi lẫn nhau không ngớt, thế mà cả chồng lẫn vợ đều cố gắng tự hào và rêu rao khắp hàng xóm láng giểng rằng có thằng con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Thế thì, cả làng cả xã nghĩ tới cái gia đình ấy đầu tiên bao giờ cũng là những chuyện ầm ĩ và thiếu văn hóa làm hàng xóm ăn không ngon ngủ không yên... Thử hỏi, cái công PR cho thằng con trai có còn ích lợi gì không nếu chẳng phải là một việc làm thiếu liêm sỉ?

Cứ xem, trong một phạm vi nhỏ, nhắc tới Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm là người ta không thể không nghĩ ngay tới Cụ Rùa mặc dù chưa khi nào có một cuộc bình chọn rầm rộ phong cho Rùa là nét đặc biệt của cái hồ ấy cả... (vậy mà bây giờ cụ Rùa lại đang lâm nạn trong khi chúng ta thì lo tổ chức hết hội thảo này đến hội thảo khác để bình quốc hoa, quốc túy, còn cụ thì... phó mặc cho trời!!!). Cho nên, hãy để ý xem thế giới nhắc tới cái gì đặc trưng của Việt Nam mà mà lưu ý phát triển cái đó lên thành một thứ “Quốc” chứ đừng tưởng cứ cố nống mình lên “Quốc” mà được mọi người thừa nhận đâu.

Có những danh xưng “Quốc” rất đáng trân trọng, tự hào như “Tinh thần bất khuất”. Có những thứ “Quốc” rất đáng xa lánh, bài trừ như “Tham nhũng”. Và khi “Quốc” là một mỹ hiệu để gắn cho một biểu tượng quốc gia thì có lẽ không nên quá nhiều tới mức ô hợp như Quốc hoa, Quốc phục, Quốc thụ, rồi lại Quốc tửu,... Đừng để sau cuộc bình chọn ồn ào này lại sinh ra một thứ đặc trưng mang nhãn hiệu Việt Nam, đó là “Những kẻ no cơm ấm cật” tự nhiên rửng mỡ giữa một xã hội 7, 80% vẫn là nông dân mà nông dân thì hy vọng làm được vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày đã là cả một hạnh phúc!

Giống như bài trước tôi viết “Nước Việt Nam mình đã nên ăn Tết?”, lần này cũng chỉ với một ý muốn nhỏ nhoi rằng cư dân mạng, chủ yếu là các bạn trẻ đừng nên đầu tư thời gian, công sức một cách quá lãng phí vào ngẫu hứng vô bổ cho một ý định chưa giàu mà đã muốn sang. Còn bao nhiêu điều khác để mọi người chúng ta phải quan tâm nhiều hơn.

TAT

Khoa giáo dục học, ĐH KHXH&NV TP HCM.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Vượt qua hận thù: Trường hợp của nước Pháp và Đức

Giữa hai dân tộc nước Pháp và nước Đức đã từng có một sự hận thù nặng nề ghê gớm kéo dài trong nhiều thế hệ, phát sinh từ ba cuộc chiến tranh liên tục, bắt đầu từ năm 1870 với cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (franco-prussian war), rồi đến đệ nhất thế chiến 1914 – 1918, và sau cùng là đệ nhị thế chiến 1939 – 1945. Nhưng kể từ giữa thập niên 1950, hai nước này đã vượt qua được sự thù hận ân oán lâu đời đó,
để mà cùng hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm góp phần cực kỳ quan trọng vào việc xây dựng được một khối thị trường chung Âu châu (European Common Market). Và rồi tiến tới thêm một bước kỳ diệu nữa, đó là thiết lập được một thực thể chính trị kinh tế quan trọng bậc nhất trong thế giới hiện đại, tức là tổ chức Liên Hiệp Âu châu (European Union EU), mà hiện gồm có 27 quốc gia thành viên, với dân số tổng cộng là 500 triệu người, với đơn vị tiền tệ chung gọi là đồng euro, và tổng sản lượng quốc gia GDP lên đến 20 ngàn tỷ dollar (20 trillion).
Sự hòa giải và hợp tác giữa hai quốc gia cựu thù này có thể được coi là một sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử của Âu châu nói riêng, cũng như của cả thế giới nói chung, trong thời cận đại kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945, cho đến đầu thế kỷ XXI của chúng ta ngày nay. Cái thành tựu vĩ đại và ngoạn mục như thế là do sự đóng góp về cả trí tuệ và về cả tâm hồn của biết bao nhiêu nhân vật xuất chúng từ phía cả hai dân tộc Pháp và Đức. Và bài viết này xin được ghi lại cái quá trình phục hồi và xây dựng hết sức tích cực của một số nhân vật kiệt xuất đó.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin trình bày sơ lược về bối cảnh lịch sử tại khu vực Tây Âu, trước khi mô tả chi tiết về tiến trình hòa giải và hợp tác của hai nước Pháp và Đức trong nửa sau của thế kỷ XX.

I – Bối cảnh lịch sử cận đại tại Tây Âu.


Như ta đã biết vào năm 1870, nước Pháp do Napoleon III lãnh đạo đã bị thất trận nhục nhã trước đội quân tinh nhuệ của nước Phổ (Prussia) dưới thời cầm đầu của thủ tướng Bismarck. Việc thất trận này đưa đến sự thóai vị của Hòang Đế Napoleon III và sự giải thể của nền Đệ nhị Đế chế ( the Second Empire) và sự ra đời cùa nền Đệ Tam Cộng Hòa ( the Third Republic) của nước Pháp. Nhưng nước Pháp lại còn mất cả vùng đất Alsace-Lorraine ở phía đông bị chuyển vào tay người Đức. Đây là cả một nỗi cay đắng hận thù sâu đậm của dân Pháp đối với người Đức. Chỉ cần đọc bài viết “ Buổi học cuối cùng” (La derniere classe) của nhà văn Alphonse Daudet, ta cũng đủ thấm thía cái nỗi niềm tủi nhục uất hận của người dân Pháp trong vùng đất bị tước đọat này.

Tiếp theo vào năm 1914 – 18, lại xảy ra cuộc thế chiến thứ nhất giữa phe Đức – Áo và phe Đồng Minh do Pháp – Anh đứng đầu. Cuộc chiến tranh này gây thiệt hại rất nặng cho cả hai nước Đức và Pháp. Vì Đức cuối cùng bị thua trận, nên vùng đất Alsace-Lorraine lại trở về với Pháp. Nhưng vì nước Đức bại trận bị đối xử quá khắc nghiệt, nên người Đức thật bất mãn, hận thù phe Đồng Minh, đặc biệt đối với dân tộc láng giềng là Pháp.

Cho nên, đến năm 1939 lại xảy ra thế chiến thứ hai rất tàn bạo khủng khiếp, mà bắt đầu vào năm 1940 nước Pháp thua trận và bị quân đội Đức quốc xã của Hitler chiếm đóng với sự đàn áp hết sức tàn bạo khốc liệt. Vì thế mà mối hận thù giữa hai dân tộc Pháp-Đức lại càng thêm nặng nề bi đát. Rốt cuộc, năm 1945 nước Đức lại thua trận nữa, và cả Âu châu bị tàn phá kiệt quệ với hàng chục triệu nhân mạng bị tiêu vong.

Như vậy là chỉ trong vòng 70 năm từ năm 1870 đến năm 1940, giữa hai dân tộc Pháp và Đức đã xảy ra 3 cuộc chiến tranh đẫm máu với bao nhiêu triệu người bị giết và tàn phế, bao nhiêu tài sản bị hủy họai, và nhất là sự căm thù giận ghét mỗi ngày lại càng thêm chồng chất tích lũy giữa hai bên.

II – Quá trình Hòa giải và Hợp tác Pháp – Đức sau năm 1945.

Sau khi cuộc chiến tàn bạo dã man kết thúc, người dân hai nước bàng hòang trước sự đổ nát hoang tàn và kiệt quệ về mọi mặt. Rồi tiếp liền theo là cuộc chiến tranh lạnh gay go căng thẳng giữa hai phe cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và phe tư bản do Mỹ dẫn đầu. Nhằm lôi kéo khu vực Tây Âu về phía mình, kể từ năm 1948 nước Mỹ đã hào phóng viện trợ đến trên 13 tỉ dollar cho các quốc gia đồng minh tại đây thông qua một chương trình tái thiết Âu châu, mà thường được gọi là kế hoạch Marshall.

Nhưng vai trò chủ yếu trong công cuộc phục hồi, tái thiết và hòa giải ở Tây Âu là do các nhà lãnh đạo chính trị có tầm vóc đặc biệt lớn lao, điển hình như thủ tướng Konrad Adenauer của Tây Đức, ngọai trưởng Robert Schuman của Pháp, và đặc biệt là kế hoạch gia đại tài với viễn kiến sâu sắc Jean Monnet người Pháp. Đã có quá nhiều sách báo viết về sự đóng góp đồ sộ làm nền móng vững chắc cho sự tiến bộ của Âu châu từ trên 65 năm nay của những nhân vật chính trị kiệt xuất này, cho nên tôi thấy không cần phải trình bày dài dòng chi tiết thêm nữa về họ.

Mà đúng theo với nhan đề của bài này, tôi muốn viết về một nhân vật tiêu biểu của Xã hội Dân sự ở Âu châu, mà có sự đóng góp thật vĩ đại vào tiến trình hòa giải của hai dân tộc Pháp và Đức trong mấy thập niên gần đây. Nhân vật lỗi lạc đó chính là bà Irène Laure người Pháp, mà tôi xin dành được đề cập đến với nhiều chi tiết hơn trong phần tiếp theo liền sau đây.

III – Câu chuyện của Irène Laure ( 1898 – 1987).

Irene Laure xuất thân là một cán sự điều dưỡng và đã từng giữ nhiệm vụ quản lý bệnh viện. Victor người chồng của bà là một thủy thủ và là môn đệ của nhà lãnh đạo cộng sản Pháp Marcel Cachin. Trong thế chiến thứ hai, Irene tranh đấu trong hàng ngũ kháng chiến tại vùng hải cảng Marseille chống lại quân Đức quốc xã. Bà có người con trai bị mật vụ Gestapo tra tấn tàn bạo, nên đã có sự căm thù tột cùng đến độ mong cho mọi người dân Đức phải chết hết, và “ quốc gia này phải bị xóa bỏ khỏi bản đồ của Âu châu”. Sau khi chiến tranh kết thúc, Irene được bầu vào Quốc hội Lập hiến và làm Tổng thư ký của tổ chức “Phụ nữ Xã hội Pháp” với số đòan viên lên tới 3 triệu người.

Tháng chín năm 1947, Irene đến tham dự một hội nghị quốc tế tại thành phố Caux Thụy sĩ, cùng với nhiều đại biểu từ các nước Âu châu. Hội nghị này là do tổ chức Moral Re-Armament MRA (Tái Võ trang Tinh thần) đảm trách, nhằm quy tụ nhiều nhân vật văn hóa xã hội, tôn giáo để cùng nhau trao đổi về vấn đề tái thiết Âu châu. Sẵn có sự căm thù đối với người Đức, Irene đã chuẩn bị rời bỏ Hội nghị khi được biết là có một số người dân Đức cũng tham dự cuôc gặp mặt này. Nhưng bà đã ngưng chuyện bỏ về, khi được một người trong Ban Tổ chức nói với Irene rằng : “ Bà là một người theo khuynh quốc tế xã hội, làm sao mà bà lại có thể tái thiết được Âu châu, nếu bà loại trừ cả một dân tộc Đức?”

Dẫu vậy, khi được mời ăn bữa trưa với một phụ nữ Đức, thì Irene đã bị “sốc rất nặng”, đến nỗi phải nằm lì trong phòng suốt hai ngày đêm liền, không ăn không ngủ. Bà bị dằn vặt trăn trở với lửa hận thù còn ngùn ngụt nóng chảy trong tâm can, và cầu xin ơn trên hướng dẫn soi sáng cho mình. Sau cuộc tranh đấu nội tâm gay go căng thẳng này, Irene đã lấy lại được sự bình tĩnh và chấp nhận đến gặp người phụ nữ Đức như đã được giới thiệu cách đó mấy bữa. Trong bữa ăn này, Irene không hề động đến món nào, mà lại xổ ra tất cả những gì đã chất chứa trong mình sau khi đã trải qua bao nhiêu sự tàn bạo của quân đội Đức quốc xã. Rồi bà nói với người đối diện: “ Tôi phải nói ra tất cả chuyện này, vì tôi muốn được giải thoát khỏi nỗi giận ghét này “ (I want to be free of this hate).

Một sự im lặng kéo dài. Thế rôi người phụ nữ Đức mới lên tiếng, chia sẻ với Irene về những gì mình đã trải qua trong thời chiến tranh. Bà này tên là Clarita von Trott có chồng là Adam là một người chủ chốt trong vụ âm mưu ám sát Hitler vào ngày 20 tháng Bảy năm 1944. Âm mưu thất bại và Adam bị tử hình, để cho một mình Clarita phải nuôi nấng hai đứa con. Clarita tâm sự với Irene: “Người Đức chúng tôi đã không chống đối đủ, đã không chống lại chế độ quốc xã sớm hơn và với quy mô đủ lớn, và chúng tôi đã đem lại cho chị và cho mình và cho cả thế giới những đau khổ đầy đọa dằn vặt không sao kể cho xiết được. Tôi muốn nói lời xin lỗi với chị “ (I want to say I am sorry).

Sau bữa ăn này, hai bà phụ nữ cùng các thông dịch viên đã yên lặng ngồi trên gác thượng nhìn xuống hồ Geneva. Rồi Irene lên tiếng nói vời người bạn mới người Đức rằng bà tin tưởng là nếu cả hai người cùng cầu nguyện, thì Thiên chúa sẽ giúp họ. Irene cầu kinh trước, xin cho mình được giải thoát khỏi lòng hận thù để có thể xây dựng được tương lai. Và rồi đến lượt Clarita cầu nguyện bằng tiếng Pháp. Irene bất giác đặt tay trên đầu gối của kẻ thù địch trước đây của mình. Sau này, Irene tâm sự: “Từ lúc đó, cây cầu bác ngang qua sông Rhin đã được xây, và cây cầu đó đã đứng vững mãi, không bao giờ gẫy đổ được.” (And that bridge always held, never broke).

Cuối cùng Irene đã phát biểu trong một phiên họp khoáng đại của Hội nghị trước sự hiện diện của 600 tham dự viên. Bà nói: “ Tôi đã ghét nước Đức đến độ muốn thấy nước này bị xóa khỏi bản đồ châu Âu. Nhưng tại đây tôi thấy sự hận thù của mình là điều sai lầm. Tôi xin lỗi và tôi mong được xin tất cả các bạn người Đức có mặt nơi đây tha thứ cho tôi…” Liền sau đó, một phụ nữ Đức bước lên và nắm tay bà Irene. Sau này Irene thuật lại: “ Lúc đó, tôi biết rằng tôi sẽ dành hết cuộc đời còn lại của mình để đem cái thông điệp của sự tha thứ và hòa giải này đến khắp thế giới.”

Và quả thật vào năm sau 1948, Irene cùng chồng là Victor đã qua bên nước Đức suốt 3 tháng , đi khắp nơi để tham dự 200 phiên họp và phát biểu tại Quốc hội của 10 tỉnh bang của xứ này. Ở đâu, bà cũng nói lời xin lỗi của mình. Và đổi lại, thì cũng có rất nhiều vị tướng lãnh và sĩ quan, cùng các chính khách người Đức cũng đều lên tiếng xin lỗi với bà.

Và đó là sự khởi đầu của cả một quá trình lâu dài của sự hòa giải và hàn gắn giữa hai dân tộc Pháp và Đức, ngay từ hạ tầng cơ sở của quảng đại quần chúng nhân dân tại hai nước. Có thể nói là cái “phong trào quần chúng tự phát này” đã có tác động mãnh liệt thúc đảy cho tầng lớp lãnh đạo chính trị tại hai quốc gia này thực hiện mau chóng sự Hòa giải và Hợp tác Hội nhập giữa hai dân tộc và góp phần chủ yếu vào công cuộc xây dựng thành công cho Liên Hiệp Âu châu như ta thấy ngày nay ở thế kỷ XXI vậy.

California, Tháng Hai 2011

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

DẤU CHẤM HẾT CHO KỶ NGUYÊN ỔN ĐỊNH TẠI ĐÔNG NAM Á?

Nhận định về môi trường an ninh tại khu vực Đông Nam Á, chuyên mục phân tích tháng 1/2011 của Viện Hoàng gia An ninh và Quốc phòng Anh đăng bài của chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á Brijesh Khemlani từ Trường Đại học Kinh tế Chính trị Luân Đôn (LSE) cho rằng sự hứng thú cũng như sự can dự ngày càng lớn của Ấn Độ,
Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á có thể sớm đặt dấu chấm hết cho môi trường an ninh tương đối ôn hoà mà Đông Nam Á đã có đựơc trong 2 thập kỷ qua.
Chạy đua vũ trang trong khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Inđônêxia Purnomo Yusgiantoro hiện đang thực hiện nhiệm vụ tăng cường thực lực cho các lực lượng vũ trang dần già cỗi của quốc đảo này. Với ngân sách quốc phòng 2011 lên tới 6,3 tỷ USD, ông Yusgiantoro đang mường tượng về một loạt các phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi thế hệ mới nhất, các tàu ngầm và tàu chiến tân tiến và một thực lực tiếp viện trên không hiện đại cùng với một ngành công nghiệp quốc phòng nội địa được phục hồi. Không muốn bị rớt lại phía sau, các quốc gia khác tại Đông Nam Á có vẻ như cũng đang theo đuổi con đường của Inđônêxia.

Trong bối cảnh một Trung Quốc ngày càng “quyết đoán” hơn và những tranh chấp lãnh thổ, chính trị kéo dài, môi trường an ninh ổn định tại Đông Nam Á đang phải chứng kiến một sự thay đổi âm thầm. Một làn sóng mua vũ khí quốc phòng từ Mianma cho tới Inđônêxia đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang khu vực. Theo số liệu từ Hệ thống Dữ liệu Chuyển giao Vũ khí của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm thì số vũ khí chuyển giao tới Đông Nam Á đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2005-2009 so với 5 năm trước đó, trong đó vũ khí chuyển giao tới Malaixia tăng 722%, Xinhgapo tăng 146% và Inđônêxia tăng 84%.

Xinhgapo đã nổi lên trở thành thành viên đầu tiên của ASEAN lọt vào danh sách 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu kể từ Chiến tranh Lạnh. Inđônêxia đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2011 của mình lên 6,3 tỷ USD và mức chi tiêu này lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 1% GDP trong nhiều năm qua. Việt Nam cũng đã ký một thoả thuận khoảng 2 tỷ USD với Nga để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo chạy dầu ngay sau một thoả thuận mua 20 máy bay chiến đấu Sukhoi-30 tầm xa. Thái Lan cũng đã đặt 12 máy bay chiến đấu JAS Gripen từ Thuỵ Điển để hiện đại hoá lực lượng không quân đang già cỗi của mình. Malaixia thì vừa nhận 2 tàu ngầm Scorpene và đặt tại cảng hải quân Borneo.

Một Trung Quốc ngày càng “quyết đoán”

Bất kể các mối liên hệ kinh tế mạnh mẽ của khu vực với Trung Quốc, việc mua sắm các loại vũ khí tinh vi đã được thúc đẩy bằng sự phát triển quân sự hết sức nguy hiểm của con vật kếch xù (mô tả Bắc Kinh – PV) cũng như những tuyên bố chủ quyền đối với Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – PV). Báo cáo hàng năm của Lầu Năm góc về thực lực quân sự của Trung Quốc đã nêu bật những thực lực ngày càng lớn mạnh của nước này trong lĩnh vực tên lửa tầm xa, các lực lượng hải quân và kho hạt nhân. Động lực phát triển quân sự một cách bí mật đã cho phép người khổng lồ Đông Á phát triển quân sự một cách bí mật đã cho phép người khổng lồ Đông Á phát triển các thực lực triển khai sức mạnh bên ngoài biên giới. Xét về truyền thống, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trước đây bị giới hạn ở các chiến dịch xuyên eo biển, nhưng giờ đây PLA được cho là đã có đủ thực lực để tiến hành các chiến dịch quân sự vượt ra ngoài cả Đài Loan, khiến cho các láng giềng trong khu vực hết sức lo ngại.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông cũng là một sự khó chịu đáng kể đối với một số thành viên nhất định của ASEAN. Tháng 7/2010, Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Biển Đông và tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở vùng biển này, coi đây là một lời cảnh báo đối với các nước láng giềng nhỏ hơn. Một loạt các quốc gia ASEAN, trong đó có Malaixia, Việt Nam, Brunây, Philippin và Inđônêxia, cũng có tuyên bố chủ quyền một phần đối với vùng biển tranh chấp vốn được cho là giàu dầu mỏ, khoáng sản và đã chứng kiến những cuộc đụng độ dữ dội trong quá khứ. Sự bùng phát của cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010 có thể được coi là một dấu hiệu của những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Với thực tế đó, các quốc gia Đông Nam Á đang phải tự củng cố để sẵn sàng cho một viễn cảnh như vậy khi mà những căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Việc Trung Quốc tăng cường tuần tra tại vùng biển này đã làm gia tăng quan ngại và các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực đối phó với sự lớn mạnh này thông qua việc hình thành liên minh với các cường quốc khác.

Những “bên tham gia” khác trong khu vực

Tình hình địa chính trị không thể dự báo trước được của khu vực đã thu hút sự quan tâm của các đối thủ nặng ký khác như Mỹ và Ấn Độ. Sau nhiều năm thờ ơ về chính trị, Mỹ đã chuyển sự chú ý trở lại khu vực với mục đích kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17 tại Việt Nam tháng 10/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã “cân não” Trung Quốc khi đưa ra đề nghị làm trung gian cho tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Nhân tố nổi bật nhất trong lời đề nghị này của Mỹ là mối quan hệ quân sự đang nồng ấm trở lại giữa Mỹ và Việt Nam. Vấn đề còn đóng băng trong mối quan hệ song phương nồng ấm này có lẽ là thoả thuận hạt nhân dân sự đang được các quan chức Mỹ và Việt Nam đàm phán, theo đó sẽ cho phép quốc gia Đông Nam Á này được mua các công nghệ và nhiên liệu hạt nhân.

Ấn Độ cũng tích cực lôi kéo các nước trong khu vực để thực hiện “chính sách hướng Đông” của mình, tăng cường các thoả thuận thương mại và hợp tác quân sự với các quốc gia như Việt Nam và Malaixia. Trong khi “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ ban đầu chỉ là nhằm tăng cường các mối quan hệ thương mại và kinh tế với Đông Á nhưng chính sách này ngày càng mở rộng về quy mô quân sự và chiến lược nhằm đối trọng với chiến lược “chuỗi ngọc trai” đang được thảo luận rộng khắp của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Cụm từ nói trên được dùng để mô tả việc cung cấp tài chính và xây dựng các cảng biển, các căn cứ thiết bị hải quân của Trung Quốc tại các quốc gia như Mianma, Bănglađét, Xri Lanca và Pakixtan.

Nhờ có mối quan hệ chính trị chặt chẽ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam được coi là một đầu mối quan trọng trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ nhờ vị trí địa chính trị chiến lược và có mối quan hệ thù địch trong lịch sử với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, cả Niu Đêli và Hà Nội đã tăng cường hợp tác quân sự: các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã cung cấp cho các đối tác phía Việt Nam các hệ thống rađa tân tiến, cung cấp các thiết bị duy tu và sửa chữa các loại vũ khí quân sự hạng nặng (thường có nguồn gốc từ Nga), và hai bên cũng đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập hỗn hợp. Ngoài ra, một bước đi quan trọng nữa của Ấn Độ là việc Không quân nước này hồi tháng 9/2010 đã nhất trí với chương trình huấn luyện 2 năm để đào tạo các đối tác phía Malaixia trong việc điều khiển và vận hành các máy bay chiến đấu Sukhoi-30 do Nga sản xuất.

Sự hiện diện ngày càng lớn của Ấn Độ tại khu vực cũng cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh các mối quan hệ của nước này với Trung Quốc đang đi xuống liên quan đến tranh chấp tại Himalaya. Việc truyền thông Ấn Độ đưa tin về việc ngày càng có nhiều đơn vị của Quân đội Trung Quốc thâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ, cùng với quyết dịnh của Bắc Kinh trong việc cấp các loại thị thực có đóng dấu khác nhau cho công dân của Casơmia, đã dẫn tới những căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng giữa hai người khổng lồ châu Á. Trong khi chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Ấn Độ hồi cuối năm ngoái là một nỗ lực để hàn gắn chiếc cầu nối và thúc đẩy ngoại giao thương mại, tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp không nhắc lại chính sách một Trung Quốc – một sự khác biệt lớn từ các tuyên bố trước đây và là dấu hiệu cho thấy quan điểm cứng rắn hơn của Ấn Độ đối với nước láng giềng lớn hơn này. Lo ngại về tầm với chiến lược ngày càng lớn của Bắc Kinh cũng như ảnh hưởng của nước này tại sân sau của mình, Niu Đêli đang nỗ lực lôi kéo các quốc gia láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn có cùng những quan ngại về việc phải sống dưới cái bóng của một Trung Quốc đang lên.

Chiến lược nước đôi của các thành viên ASEAN cũng đã tạo ra nhiều sự lo lắng từ phía Bắc Kinh, nơi các nhà hoạch định chính sách đang hết sức quan ngại về một sự bao vây do Mỹ dẫn đầu. Tháng 7/2010, chuyên mục xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra một lời cảnh báo đối với ASEAN: “Các nước Đông Nam Á cần phải hiểu rằng bất cứ một nỗ lực nào nhằm tối đa hoá lợi ích bằng việc chơi trò chơi cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là hết sức mạo hiểm. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền được bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình bằng các biện pháp quân sự”. Trong khi khả năng về một cuộc chiến tranh vẫn còn xa nhưng động lực mua sắm vũ khí tại Đông Nam Á là một dấu hiệu cho Trung Quốc thấy rằng các quốc gia khu vực sẽ không phải “dễ bảo” khi mà họ buộc phải bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình, và điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình an ninh tại khu vực.

Môi trường an ninh khu vực đang bị huỷ hoại

Việc mua bán vũ khí ngày càng tăng cũng cho thấy sự bất lực của ASEAN trong việc tạo ra một cấu trúc an ninh mới cho khu vực. Những tranh cãi chính trị, các phong trào nổi loạn, tranh chấp lãnh thổ khiến bức tranh an ninh khu vực thêm u ám và đổ thêm dầu vào ngọn lửa mua sắm vũ khí. Bị khoá chặt trong cuộc tranh chấp đường biên với Campuchia, Thái Lan cũng đang nỗ lực kiềm chế sự bất ổn kéo dài 6 năm tại các tỉnh miền Nam của mình. Mianma đang tăng cường kho vũ khí và thực lực quân sự của mình vì lo ngại các cuộc nổi loạn của các bộ tộc và cả vì sự lo ngại của giới quân sự cầm quyền về một cuộc xâm lược từ bên ngoài. Malaixia và Inđônêxia thì vẫn đang tranh cãi về biên giới trên biển với căng thẳng có vẻ như ngày càng gia tăng liên quan tới vụ cảnh sát biển Malaixia bắt giữ 3 quan chức ngư nghiệp của Inđônêxia hồi tháng 8/2010. Trong khi khu vực Đông Nam Á nhiều thập kỷ qua chỉ phải đối mặt với nguy cơ xung đột ở mức thấp, nhưng việc gồng mình về tài chính cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của giới quân sự tại các quốc gia như Inđônêxia và Thái Lan có nghĩa là sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn sẽ được đổ vào để nâng cấp các hệ thống vũ khí cũ nhằm đối phó một cách hiệu quả hơn với các nguy cơ khu vực và tại mỗi nước.

Việc phát hiện mới đây về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Mianma cũng đã rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn khu vực. Trong khi ASEAN vẫn im lặng về sự việc, vì thiếu thông tin liên quan tới bản chất các hoạt động hạt nhân của Mianma, những tham vọng hạt nhân không được kiểm soát của giới cầm quyền quân sự tại nước này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực và có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Bước vào năm 2011, bức tranh an ninh ôn hoà của Đông Nam Á có vẻ như chắc chắn tiến tới một kỷ nguyên không thể đoán định được. Vấn đề mấu chốt đối với hoà bình và ổn định của ASEAN nằm ở sự kiểm soát cẩn trọng các mối quan hệ với Trung Quốc và một sự phụ thuộc lớn vào đối thoại chính trị hai bên để giảm những căng thẳng song phưong trong khối. Đồng thời, việc đầu tư lớn hơn vào các mối quan hệ với các nước lớn trong khu vực như Ấn Độ hay Nhật Bản cũng sẽ giúp cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ký ức về những năm tháng dữ dội của Chiến tranh Lạnh vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Đông Nam Á. Cuộc ganh đua gay gắt giữa các cường quốc và sự tồn tại dai dẳng của những tranh chấp và căng thẳng gây ra sự tàn phá cho cả hai bên giữa các quốc gia ASEAN sẽ chỉ dẫn tới một chu trình xung đột bất ổn khác.

*

* *

(Đài TNHK 11/2)

Hiện có quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Tại một cuộc hội thảo có chủ đề ‘Hiện đại hoá quân đội ở Đông Nam Á: Một cuộc chạy đua vũ trang?’ ở trung tâm Đông Tây tại Oasinhton, các nhà quan sát cho rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á đã gia tăng chỉ tiêu quốc phòng thời gian qua và tăng cường ‘mua sắm’ các thiết bị quân sự tối tân. Như nhận định của Tiến sĩ Richard Bitzinger từ Trường Quan hệ Quốc tế S.Rajaratnam ở Xingapo, cho dù việc mua sắm khí tài đó không đáp ứng các tiêu chí về một cuộc chạy đua vũ trang, thì quá trình hiện đại hoá quân đội mạnh mẽ có thể làm thay đổi đáng kể quy mô của các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai. Dưới đây là các ý kiến của ông Bitzinger trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ kỳ này:

- Theo đánh giá của ông, các lý do nào dẫn tới quá trình hiện đại hoá vũ khí tăng tốc ở Đông Nam Á?

+ Tôi muốn chia các lý do thành hai phần: một là các yếu tố mang tính thúc đẩy và hai là các yếu tố mang tính điều kiện. Đối với thành phần đầu tiên, những lý do khiến nhiều nước Đông Nam Á tiến hành hiện đại hoá quân đội gồm có: các căng thẳng trong khu vực như vấn đề tranh chấp lãnh hải hay các tuyên bố chủ quyền trái ngược tại các khu đặc quyền kinh tế ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông); nhu cầu tăng cường khả năng quân sự để có thể chống đỡ được các thế lực khác nhau cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng; việc chuyển hướng các hoạt động quân sự của Mỹ từ Đông Á sang Đông Nam Á cũng như ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc gia tăng ở khu vực biển Nam Trung Hoa. Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ hải quân, triển khai tàu ngầm cũng như máy bay chiến đấu trên đảo Hải Nam ở khu vực biển tranh chấp này. Còn về thành phần thứ hai mang tính điều kiện, thì có thể kể tới chuyện các quốc gia có thêm ngân quỹ để mua sắm vũ khí. Tổng cộng, chi tiêu quân sự của các nước Đông Nam Á gia tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 20085. Thêm nữa, một yếu tố khác là khả năng sẵn sàng đáp ứng khách hàng của các nhà máy sản xuất vũ khí. Phần lớn các nước sản xuất vũ khí hàng đầu, đặc biệt là ở Tây Âu, Nga hay Ixraen về cơ bản sản xuất vũ khí để xuất khẩu sang các nước khác, chứ không phải để dùng ở trong nước.

- Có ý kiến cho rằng nhiều quốc gia mua sắm vũ khí để cho ‘bằng bạn, bằng bè’, ông có đồng ý với quan điểm đó không?

+ Có một số yếu tố khác tôi gọi là không mang tính chiến lược như niềm tự hào hay thanh thế của một quốc gia. Nước nào cũng muốn có máy bay chiến đấu mới bay trên bầu trời hay xe tăng chạy dọc trên đường phố nhân ngày quốc khánh. Ngoài ra còn là tư duy ‘anh có thì tôi cũng muốn mua’. Thêm nữa, còn là vấn đề tham nhũng. Nhiều nơi người ta có thể lợi dụng các hợp đồng vũ khí để trục lợi. Cuối cùng, nếu vũ khí sẵn có trên thị trường, và các nhà sản xuất mạnh mẽ thúc đẩy việc bán các sản phẩm với chất lượng cao nhất, thì dĩ nhiên việc mua bán sẽ dễ dàng hơn.

- Vậy các quốc gia trong vùng này mua sắm khí tài gì, thưa ông?

+ Tôi muốn nhấn mạnh một điều, rằng thị trường vũ khí Đông Nam Á tương đối nhỏ, trung bình chi ra khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, nhưng đây là một thị trường đang tăng trưởng và mở ngỏ cho các nước sản xuất khác nhau. Về không lực, phần đông các quốc gia lớn thuộc khu vực ASEAN đã chi tiền mua máy bay chiến đấu thế hệ mới, mà người ta gọi là thế hệ 4 hay 4+. Xinhgapo mau máy bay chiến đấu F15. Trong quá khứ, họ mua nhiều máy bay F16. Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam thì mua máy bay chiến đấu Su-30 của Nga. Về hải quân, Xinhgapo, Malaixia và Inđônêxia đều mua thêm các tàu khu trụccủa Thuỵ Điển, Anh và Hà Lan. Việt Nam cũng ký hợp đồng mua tàu ngầm lớp kilo của Nga. Các lực lượng bộ binh của các nước này cũng tăng cường khí tài. 10 -15 năm trước đây, ý tưởng về việc xe tăng chiến đấu loại lớn có mặt ở Đông Nam Á là điều không tưởng, nhưng giờ thì chuyện đó đã thay đổi.

- Vây, việc các quốc gia ASEAN tăng cường mua sắm vũ khí thời gian qua có thể được coi là một ‘cuộc chạy đua vũ trang’ không?

+ Những sự kiện xảy ra thời gian qua ở khu vực khiến người ta nghĩ rằng dường như đang có một cuộc chạy đua vũ trang gây bất ổn ở Đông Nam Á. Trong khi nghiên cứu, bản thân tôi đã xem xét các học thuyết của các tác giả khác nhau về các thành tố cấu thành một cuộc chạy đua vũ trang, như vấn đề đối đầu giữa hai nước kiểu như Mỹ và Liên Xô trước đây; việc chủ tâm tái cơ cấu quân đội dựa trên thái độ của đối thủ cũng như lập kế hoạch về quân sự dựa trực tiếp trên các tính toán về khả năng và mục tiêu của đối thủ hay tăng cường chi tiêu quốc phòng và gia tăng mua sắm vũ khí với tốc độ nhanh và số lượng lớn. Xét về tất cả các tiêu chí trên, thì tôi cho rằng khó có thể coi khu vực Đông Nam Á đang chạy đua vũ trang. Điều tôi muốn nói là ít quốc gia ở Đông Nam Á đang thực sự tham gia cuộc chơi. Tại nhiều quốc gia ASEAN như Brunây, Mianma, Campuchia hay Lào, ngân quỹ dành cho quốc phòng dưới một tỷ USD một năm và ít tăng thêm. Họ không mua nhiều vũ khí và mất nhiều thời gian để mua một thứ gì đó.

- Yếu tố Trung Quốc có tác động tới công cuộc hiện đại hoá quốc phòng tại các quốc gia Đông Nam Á không, thưa ông?

+ Phải nói rằng yếu tố Trung Quốc làm phức tạp việc hoạch định chính sách mua sắm vũ khí ở khu vực và cũng củng cố các giả thuyết về ‘cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực’. Xét về một khía cạnh nào đó, dĩ nhiên có thành tố ‘chống Trung Quốc’ trong việc mua sắm vũ khí ở Đông Nam Á, nhất là khi xét về việc tăng cường hải quân của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt nam, nhưng khó có thể nói rằng ASEAN đang chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng vậy, tôi không nghĩ là họ cho rằng mình vũ trang để chạy đua với các quốc gia Đông Nam Á./.

Những 'nước cờ" trong vụ nhà báo bị đốt

- Trước khi có thông tin bà Trần Thúy Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng đến cơ quan Cảnh sát điều tra vào đêm ngày 20/2/2011 để tự thú về hành vi giết chồng, luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) đã gửi cho VietNamNet bài viết phân tích các yếu tố pháp lý của vụ án. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật cho việc điều tra của cơ quan công an nên chúng tôi chưa đăng tải bài viết. Nay, đã có thông tin bà Liễu tự thú, VietNamNet đăng bài viết của luật sư Ngô Ngọc Trai để bạn đọc tham khảo.

Vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt ngay trên giường ngủ nhà mình, nhiều nghi vấn thủ phạm chính là người thân trong gia đình. Là người công tác trong ngành luật tôi xin phân tích một số yếu tố pháp lý xung quanh vụ án giúp bạn đọc tham khảo.
Đây rõ ràng là tội ác đã được thủ phạm lên kế hoạch kỹ lưỡng, kẻ thủ ác cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý và những lời khai trước khi đối mặt với cơ quan điều tra. Do vậy đây thực sự là cuộc đấu trí giữa tội phạm và những người bảo vệ luật pháp, trong cuộc đấu trí này, luật chơi chính là luật pháp.
Trước khi phân tích các tình tiết vụ án, chúng ta hãy hình dung lại không gian, thời gian, bối cảnh tội phạm được thực hiện.
Dựng lại hiện trường tội phạm – Tội ác trong màn đêm
Long An, rạng sáng thứ tư, ngày 19/01/2011, đêm khuya vắng lặng, khí trời tạnh tẽ, ánh trăng chiếu hiu hắt khi tỏ khi mờ. Thi thoảng có cơn gió thổi từ mạn Bắc đem đến làn hơi mát, thành phố Tân An chìm trong giấc ngủ.
Khu đô thị mới Đại Dương thuộc phường 6, dân cư thưa thớt, con đường nhựa chạy ngang dọc qua những ô đất trống. Trên những con phố vắng, một hai căn nhà nằm im lìm, hoang lạnh giữa đêm khuya. Đâu đó từ xa vẳng lại tiếng xe máy ì ì của người đi đêm, tiếng chó nhấm nhẳng như cắn ma không rõ từ nơi nào.

Bà Trần Thị Thúy Liễu (thứ hai từ phải sang) tại lễ tang nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh: NLĐO Kẻ thủ ác đứng trong căn phòng mờ tối lặng im nghe ngóng, cánh cửa chính đi ra ban công tầng 2 được mở hé. Hắn hít một hơi sâu để lấy bình tĩnh và căng mắt nhìn xác định vị trí, tư thế nằm của nạn nhân. Chất lỏng gây cháy được rưới nhẹ nhàng xuống người nạn nhân bắt đầu từ tay chân, từ dưới lên trên. Hắn tránh nơi đầu mặt sợ nạn nhân thức giấc. Bất chợt, hắn nhanh tay hơn rưới mạnh như đổ lên người đang nằm, rồi nhanh tay quệt lửa.
Phân tích hành vi phạm tội
Dựa vào các dấu vết của tội phạm, các sự kiện liên quan, các lời khai được thu thập, đặt ra giả thiết, từ đó sử dụng khả năng suy luận logic để xác định kẻ tình nghi. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là kẻ thủ ác đã vô cùng táo tợn khi quyết định sử dụng chất lỏng gây cháy, xâm nhập vào phòng, rưới và đốt cháy nạn nhân ngay khi đang ngủ tại nhà.
Xem ra kẻ thủ ác đã lựa chọn đúng cách thức phức tạp và nguy hiểm nhất. Có thể là hắn đã được đào tạo chuyên môn về xâm nhập, hạ thủ và đào thoát. Hoặc hắn lựa chọn phương thức này vì nó thực sự là phương thức đơn giản và ít rủi ro nhất cho chính hắn.
Thứ nhất: Nếu kẻ gây án là người ngoài xã hội thì việc lựa chọn phương án hạ thủ bằng cách xâm nhập vào nơi ở, giết nạn nhân ngay trên giường ngủ là hết sức nguy hiểm.
Tại sao không tìm cách giết người ngoài đường mà lại đột nhập vào nhà người ta để giết? Duy chỉ việc xâm nhập từ bên ngoài vào căn nhà đã khó, kẻ thủ ác lại còn đem theo chất lỏng gây cháy, hắn đựng bằng gì, mang theo thế nào, leo trèo ra làm sao? Sợi dây buộc ở lan can tầng hai có tác dụng gì? Phải chăng kẻ thủ ác buộc sợi dây vào đó thể đánh lừa mọi người rằng hắn ra vào bằng cách đó?
Căn cứ vào độ chắc của dây và nút buộc có thể biết được một vật nặng đã từng đeo bám vào dây đó hay không. Lan can tầng 2 đua ra bên ngoài, bức tường tầng 1 lùi vào bên trong, như vậy khi leo lên sẽ rất khó khăn do không có chỗ tì bám, kẻ thủ ác phải như một vận động viên thể thao leo thẳng lên sợi dây. Đặc biệt, khi chưa lên tới tầng hai thì làm sao buộc sợi dây vào lan can để mà trèo lên?
Loại trừ trường hợp đặc biệt kẻ thủ ác đã được huấn luyện đào tạo, trong điều kiện người bình thường thì kẻ thủ ác không thể lựa chọn phương thức ra vào bằng sợi dây dù. Kẻ thủ ác chỉ có thể thâm nhập bằng hai con đường, hoặc là lối đi bằng cửa chính của căn nhà hoặc từ ban công tầng 2 của nhà ông Nguyễn Văn Sữa như chính ông Sữa đã hai lần sang dập lửa.
Thứ hai: Giả sử kẻ thủ ác là người được đào tạo về xâm nhập và hạ thủ, thì sự lựa chọn giết nạn nhân bằng xăng hay cồn lại cũng hết sức nguy hiểm.
Kẻ thủ ác đi vào lén lút nhưng khi thoát ra sẽ rất nguy hiểm vì sự ầm ĩ của nạn nhân. Ánh lửa và tiếng la hét trong đêm sẽ rất gây chú ý và vô cùng nguy hiểm nếu chẳng may có ai đó nhìn thấy. Kẻ thủ ác thừa biết rằng hành vi phạm tội của hắn nếu bị phát hiện sẽ phải đối mặt với án tử hình. Hắn không sợ chết chăng? Làm sao hắn dám chắc là người nhà nạn nhân sẽ không kịp trông thấy hắn?
Làm sao hắn chắc rằng người sống trong căn nhà liền kề sẽ không trông thấy hắn? Làm sao hắn không sợ việc chẳng may có người đi ngoài đường bắt gặp? Hắn không sợ điều này chỉ có thể là vì hắn đã không xâm nhập, không tẩu thoát, hẵn vẫn ở đó tại chỗ, hắn ở đó giả vờ cứu giúp, hắn nhìn nạn nhân trong lửa khói và hồi hộp chờ đợi.
Tại sao hắn không dùng dao hoặc dùng búa? Hắn sợ gặp phải khó khăn trong việc tiêu hủy vật chứng gây án chăng? Nếu hắn thoát ra ngoài thì việc quẳng đi con dao hay cái búa là không khó? Hay kẻ thủ ác quá tự tin vào khả năng của hắn, hắn muốn giết bằng cách đốt để gây khiếp sợ cho người khác? Hắn tài giỏi, lại tự tin nên đã hành động mạo hiểm. Nhưng hắn lại đã suýt không thành công.
Thế nào mà nhà báo Hoàng Hùng lại có mối oán hận sâu sắc và kéo dài với một kẻ tài giỏi về xâm nhập, hạ thủ và tẩu thoát như thế? Hay kẻ thủ ác là người được thuê mướn? Với cách thức thực hiện tội phạm như trên thể hiện giữa thủ phạm và nạn nhân có mối oán hận sâu sắc kéo dài. Những kẻ thù mới, mâu thuẫn mới nảy sinh sẽ không đủ thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng địa hình và nắm bắt thói quen sinh hoạt của nạn nhân. Nhưng kẻ được thuê mướn có thể tài giỏi và tự tin vào khả năng của mình nên mới chọn cách thức mạo hiểm, chứ kẻ đi thuê thì mục đích là giết người thì phải chọn cách nào cho an toàn chứ?
Tất cả những phân tích trên cho thấy các giả thuyết về một kẻ ngoài xã hội, có oán thù, đột nhập, hạ thủ và đào thoát khỏi nhà báo Hoàng Hùng là hết sức vô lý. Do vậy mà đối tượng tình nghi là chính người trong gia đình.
Niềm tin nội tâm
Trong rất nhiều vụ án, không phải vụ nào cũng có chứng cứ mười mươi chứng minh một kẻ phạm tội. Tội phạm không phải lúc nào cũng do bị bắt quả tang. Tội phạm không phải lúc nào cũng tự thú. Trong những trường hợp như thế thì việc giải quyết vụ án như thế nào?
Trong lĩnh vực pháp lý có thuật ngữ được gọi là “niềm tin nội tâm”. Những người tham gia tố tụng dựa trên những tình tiết vụ án, những lời khai, những chứng cứ, từ đó suy luận logic dẫn đến nhận định rằng người này bị oan hoặc kẻ kia chính là thủ phạm. Niềm tin nội tâm có cơ sở là thông tin hồ sơ tình tiết vụ án, kỹ năng chuyên môn được trau dồi, do vậy mà niềm tin nội tâm của người này có thể khác với người kia.
Trong việc phán xét, phải sử dụng đến khái niệm niềm tin nội tâm, điều này có gốc rễ từ việc con người nhận thức được rằng bản chất của con người là có thể sai lầm. Song do nhu cầu phải xử lý tội phạm bảo vệ cuộc sống, con người phải vượt qua nỗi lo lắng về việc mình có thể sai lầm, để ra phán quyết một người có phải là tội phạm hay không và hình thức xử lý như thế nào là phù hợp. Phán quyết đó được dựa trên toàn bộ kiến thức và tấm lòng của người thực thi pháp luật, dù là gây đau thương cho kẻ khác nhưng trong thâm tâm họ cần nghĩ rằng mình làm thế là cần thiết và đúng đắn. Với ý nghĩa như vậy, việc xử lý tội phạm có thể xem như là công việc của bác sĩ chữa bệnh giữ cho lành mạnh xã hội.
Để hung thủ thú nhận
Trong vụ án này, chúng ta có quyền đòi hỏi tội phạm phải được khẩn trương xử lý, nhưng cũng cần yêu cầu việc xử lý tội phạm phải đảm bảo tôn trọng các chuẩn mực pháp luật văn minh.

Nhà báo Hoàng Hùng trên giường bệnh trước khi qua đời Trong khi giải quyết vụ án, có nên mong chờ kẻ phạm tội tự thú nhận hành vi của mình? Quan niệm thường thấy lâu nay là bị can, bị cáo không khai báo hoặc khai báo quanh co gian dối được cho là thể hiện bản chất lỳ lợm, gian dối, ngoan cố của tội phạm. Mặt khác luật pháp lại khuyến khích kẻ tội phạm tự thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Nhưng xét về bản chất con người thì không ai phản bội lại chính mình. Việc có lời khai ngày hôm nay có thể là tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Việc mong muốn kẻ phạm tội khai nhận hành vi của mình là hoàn toàn không đúng xét về đánh giá bản chất con người.
Để bảo vệ các quyền con người và nâng cao tính đúng đắn, khoa học của các quy định pháp luật, ta cần sửa đổi bổ sung quy định pháp luật theo hướng giải thích và cho phép bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng trong quá trình điều tra và chỉ công nhận lời khai hợp pháp khi việc lấy lời khai có sự tham gia của luật sư bào chữa.

Có như vậy việc giải quyết vụ án mới không xâm phạm tới các quyền con người và đảm bảo các chuẩn mực giá trị của luật pháp. Việc xử lý tội phạm khi đó đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao của những người tiến hành tố tụng và các trang thiết bị máy móc hiện đại giúp cho việc xác định tội phạm.
Trong vụ án này, kẻ tội phạm đã đi nước cờ đầu và dự liệu sẵn những áp lực từ phía cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra đi nước cờ tiếp theo và luật chơi chính là luật pháp.
Luật sư Ngô Ngọc Trai – Đoàn luật sư tỉnh Nam Định

Đây thôn lạm phát

Nguyễn Hữu Quý Blog:

Theo điểm tin sáng nay 29/02 của BA SÀM, trong mục tin KINH TẾ có bài “Đây thôn lạm phát”, bác BA SÀM còn trích 4 câu trong khổ đầu của bài thơ; tiếp đó là bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử.

Tò mò, theo theo link để đến với 2 bài này, và coppy về đây để bạn đọc ta “chuẩn bị tinh thần” cho ... thời bão giá (?!).

Thực tế là, tôi chỉ mới xuống đến Long An, nhưng cũng cách đây 15 năm rồi; Tuy nhiên, các sự kiện liên quan đến Nam bộ nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long thì thôi theo dõi thường xuyên, hàng ngày qua báo chí…; đặc biệt là về sự bất hợp lý trong khâu xuất khẩu gạo, và nỗi ám ảnh: “… 68 cô gái bị phát hiện đang xếp hàng chờ ra mắt 5 người đàn ông Hàn Quốc, trong đó 1 người chọn vợ, 4 người tư vấn”; “… khoảng 20 cô gái đang được "xem mặt" để lấy 1 ông chồng Hàn bị liệt”; “… hơn 50 cô gái trẻ (từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ) để 2 người đàn ông Hàn Quốc xem mặt chọn vợ” ; “161 cô gái Việt xếp hàng cho 6 người Hàn tuyển… vợ”, vân vân & vân vân, mà tôi đã có dịp trình bầy trong các bài “Đầu năm lạm bàn: Ngành nào sẽ là “vật tế thần” để “ổn định kinh tế vĩ mô”?, hoặc “Đầu năm nghĩ về “Sửa Hiến pháp để dân nắm mọi quyền lực”.

Những người thuộc thế hệ 5x; hoặc 6x không được học thơ Hàn Mạc Tử, vì ngày đó còn cấm, không nằm trong chương trình giảng dạy phổ thông…; Đất nước ta là thế, tất cả những sự thật thì có khi không được đụng đến, chỉ tuyên truyền một chiều, tô hồng… nhiều chính sách chủ trương ngang phè phè, thậm chí là ngu dốt, phản dân hại nước… nhưng một khi là “chủ trương” rồi thì chỉ biết phục tùng, làm theo.

Xin mời các bạn đọc đọc bài thơ “Đây thôn lạm phát” mà BA SÀM đã giới thiệu; tôi cũng không quên coppy bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, để các bác tuổi như tôi, chỉ mới nghe mà chưa đọc.

Ngoài ra, tôi có cảm tác một bài, dựa theo bài “Đây thôn lạm phát”, đăng kèm dưới đây.


Đây thôn lạm phát

mỹ tho, 18-02-2011

Sao anh không về xem bão giá
Nhìn giá vàng lên, mọi thứ lên
Tiền! Ôi mất giá, cầm đi chợ
Bão giá vây quanh, mặt xanh dờn.
Giá theo lối giá, lương đường lương
Đời sống giờ đây thật thảm thương
Tiền lương tiền thưởng như chiếc lá,
Có trụ qua mùa bão giá không?
Mơ đến ngày nao đến ngày nao.
Lương mình được lãnh tăng thật cao.
Xã hội "không còn chia giai cấp"
Thiên đường cộng sản ở đâu nào?

(Có thể là thơ Hàn Mặc Tử)

©2011 Xuồng Tam Bản blog

Những hệ lụy từ việc đôla tăng giá

(bài này bác Trần Hữu Dũng khen là khá, coppy về để lấy tư liệu)
Nguồn: vnexpress.net
Việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua không hẳn đem lại toàn những tác động tích cực.
> Tỷ giá 'ngược dòng'
Gần đây, có nhiều quan điểm cho rằng giảm giá tiền đồng không quá nguy hại, đây là việc làm đúng đắn, kịp thời, tốt cho các mục tiêu xuất khẩu, dù nhập siêu tăng nhưng đó là nhập cho phục vụ sản xuất, giảm đầu cơ, xóa chợ đen…Tuy nhiên, một biện pháp được ban hành bao giờ cũng có tính hai mặt.
Với quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này, cũng như nhiều lần trước đó, tôi cho rằng đây không phải hành động trọn vẹn mà chỉ là động thái đối phó tình thế ở "thế chẳng đặng đừng".

Phá giá tiền đồng sẽ gây nhiều tác động. Ảnh: Lệ Chi

Hãy thử làm vài phép so sánh về chính sách tiền tệ chung của Việt Nam và Trung Quốc, với cùng một cách thức quản lý chế độ tỷ giá nhưng có hai hiệu ứng khác nhau. Trong khi đồng nhân dân tệ ngày càng gia tăng mạnh lên do chính nội lực của nó (do năng lực sản xuất mạnh, dự trữ ngoại hối tăng cao) cũng một phần do sức ép từ bên ngoài thì VND ngày càng phải vật lộn để không bị giảm giá quá nhiều.
Do đó, chúng ta có thể thấy nguyên nhân hàng đầu chính là khả năng sản xuất hàng hóa của nền kinh tế. Khi sản xuất không tốt sẽ dẫn tới hệ lụy là cán cân thương mại suy giảm, thâm hụt thương mại quốc gia tăng… Điều này làm giảm niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng khả năng mất giá trong tương lai.
Nguyên nhân thứ hai chính là các dòng vốn nóng của quốc gia và vốn ngoại (FDI…) mất cân đối trong cách điều hành khiến nó chảy nhiều vào bất động sản hoặc chứng khoán với mục đích đầu tư nóng (chứ không phải lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu). Điều này khiến lĩnh vực bất động sản luôn nóng và đẩy giá tăng cao quá mức, bất hợp lý (Việt Nam trên bảng xếp hạng các quốc gia phát triển với thứ bậc là 120 nhưng giá trị bất động sản đứng ở mức 20 trên thế giới).
Dù chế độ vàng bản vị đã bỏ từ lâu nhưng do hoàn cảnh lịch sử, tâm lý và thói quen định giá và thanh toán, nó vẫn tồn tại, gắn chặt với mọi giao dịch trong cuộc sống, đặc biệt là nhà đất. Đây chính là hiện tượng vàng và đôla hóa nền kinh tế ngày một nghiêm trọng. Với nền tảng như vậy, khi có dấu hiệu khủng hoảng tài chính, các diễn biến thường phức tạp và khó kiểm soát hơn nhiều lần.
Việc chính phủ quyết định nới lỏng tỷ giá từ 18.932 đồng đổi một đôla Mỹ lên 20.693, nhưng siết biên độ 1% ngày 11/2 đồng nghĩa với việc phá giá có kiểm soát. Mục đích của việc làm này là kích cầu xuất khẩu, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thương mại vốn đã bị thâm hụt nghiêm trọng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam mang một dấu ấn đặc thù. Trong thời gian qua, dù xuất khẩu có cải thiện nhiều nhưng cán cân thương mại vẫn luôn thâm hụt. Lý do là lượng hàng hóa nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng cũng như tái xuất vẫn luôn chiếm thế áp đảo.
Với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu thì chi phí đầu vào, nguyên liệu… đã chiếm hơn 80% giá trị của hàng hóa, trừ một vài sản phẩm nông nghiệp hay nguyên liệu thô đơn thuần. Nguyên nhân sâu xa đó chính là một nền sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thiếu vắng hẳn ngành nghiên cứu và công nghiệp phụ trợ. Tình trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ và hiện vẫn chưa có gì thay đổi tương ứng với thời đại công nghiệp hoá cũng như nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng ở trong nước.
Hơn nữa, chi phí sản xuất ra một sản phẩm của Việt Nam vẫn cao. Dù có lợi thế về giá công nhân nhưng các khoản chi phí chính thức như lãi suất, thuế không hề thấp cộng thêm những khoản chi phí ngầm khiến cho giá thành phẩm không hề rẻ đi mà vẫn tăng mạnh.
Theo quy luật thông thường khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh trong ngắn hạn khoảng 3 năm (giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp hơn, hàng hóa nội địa rẻ hơn, gia tăng khả năng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế...). Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào các mốc điều chỉnh tỷ giá và cán cân thương mại Việt Nam để làm phép so sánh.
Các mốc điều chỉnh tỷ giá qua các giai đoạn
2005-07 : 13.000 - 15.000 VND = 1 USD
2007- 08 : 15.500 - 17.500 VND = 1 USD
2008-10 : 17.500 – 19.500 VND = 1 USD
2010-11: 20.800 VND = 1 USD (trên thị trường tự do 21.800, ngày 16/02/2011).

Các mốc thể hiện thâm hụt cán cân thương mại
2006 -07 trên 5 tỷ USD
2007-08 trên 17 tỷ USD
2008-09 trên 10 tỷ USD
2009-10 trên 12 tỷ USD

Sự tương thích của hai biểu đồ số liệu này trong những năm qua cho thấy, không phải cứ giảm giá đồng Việt Nam để kích thích xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế là một sự lựa chọn đúng đắn.

Ngoài ra, hệ quả tiêu cực, độ trễ của chính sách và các biện pháp hành chính thường chậm, không có sự cân nhắc hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động từ biện pháp trên có thể gây thêm tâm lý bất an. Chỉ khi nào các yếu tố vĩ mô minh bạch, ổn định, cải thiện được nguồn cung và dự trữ ngoại hối thì mới mong chấm dứt hoặc hạn chế được hiện tượng hai tỷ giá cũng như tâm lý găm giữ vàng và USD của người dân.
Trong tương lai gần (2011), các nhân tố bất ổn trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia phân tích thì vàng, dầu, lương thực… vẫn tiếp tục tăng giá, đặc biệt giá lương thực sẽ tiến tới ngưỡng nguy hiểm cho các nước có mức thu nhập trung bình. Chính nó sẽ góp phần gây sức ép lên VND trong thời gian tới ngoài yếu tố tâm lý. Cũng vì thế, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh, sự lựa chọn khôn ngoan cũng như chiến lược chủ động ứng phó hợp lý trong cả ngắn hạn và lâu dài.
Đặng Hào QuangChuyên gia kinh tế độc lập

Cái Chết Của Nghị Sĩ Trần Điền Tết Mậu Thân (1968) Tại Huế

Sunday, 20 February 2011

Năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm vụ "Thảm Sát Mậu Thân ở Huế" (1968-1998), Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại có xuất bản một tuyển tập tài liệu nói về biến cố nầy, trong đó cá nhân chúng tôi cũng như một số bạn bè, với tư cách nhân chứng, đã thuật lại phần nào những điều mắt thấy tai nghe về Tết Mậu Thân ở Huế. Rất tiếc, vì có nhiều vấn đề cần phải được trình bày ưu tiên nên chúng tôi chưa có dịp đề cập đến cái chết của Nghị Sĩ Trần Điền. Chúng tôi cũng có đọc một vài bài báo có đề cập đến trường hợp nầy, nhưng so với những điều chúng tôi thu nhặt được, có chỗ khác nhau. Vì thế, sau một thời gian tìm hiểu qua các nhân chứng trực tiếp, trong đó có Anh Trần Tiễn San là trưởng nam của nạn nhân, kể lại. Thể theo yêu cầu của một số bạn bè, nhân dịp Tết Nhâm Ngọ (2002), 34 năm sau biến cố Mậu Thân 1968, chúng tôi xin được phép nhắc lại chuyện xưa để tưởng nhớ một bậc đàn anh, một bậc thầy mà chúng tôi hằng quý mến.

1.VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI CỦA NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN:
Theo gia phả họ Trần, ông Trần Điền sinh ngày 19 tháng 3 năm Tân Hợi, giờ Dần tức 17 tháng 4 năm 1911, nhưng giấy khai sinh lại ghi ngày 01-01-1912. Ông bị Việt Cộng thảm sát trong Tết Mậu Thân 1968, lúc đó vào khoảng 67 tuổi.
Tổ tiên vốn là người tỉnh Phước Kiến, nhân việc người Mãn Thanh đánh chiếm Trung Quốc (đời nhà Minh), nên đã bỏ nước ra đi, đến lập nghiệp tại Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Đời tổ thứ sáu có Ông Trần Bá Lượng, thi đỗ cử nhân khoa Canh Thìn (1820) đầu đời Minh Mạng, được bổ nhiệm Tri Phủ Tân Bình (Gia Định). Tổ đời thứ bảy (con trưởng của Ông Trần Bá Lượng) tên húy là Dưỡng Độn, tự Thời Mẫn, hiệu Tồn Trai, thi đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) dưới thời Minh Mạng, sau vì kỵ húy vua Tự Đức (tên là Thời) nên được vua Tự Đức cho đổi tên là Trần Tiễn Thành, làm đến Thượng Thư Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Cơ Mật Viện Đại Thần, Phụ Chính Đại Thần, tước Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, đứng đầu triều. Sau khi vua Tự Đức mất, hai vị đồng Phụ Chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế vua Dục Đức (con nuôi vua Tự Đức), lập vua Hiệp Hòa (em vua Tự Đức) lên ngôi, rồi lại phế vua Hiệp Hòa lập vua Kiến Phước.
Lúc bấy giờ, Ông Trần Tiễn Thành đã ngoài 70 tuổi, từ chức về nhà nhưng hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn sai người mang bản thảo đề nghị truất phế vua Hiệp Hòa đến nhà ông, xin ông phải ký vào "đồng ý". Ông từ chối.
Trưa ngày 30 tháng 10 Quý Mùi (tức 29-11-1883), vua Hiệp Hòa bị hai ông Nguyễn Văn Tường và Tốn Thất Thuyết ép phải uống thuốc độc chết. Quá nửa đêm hôm đó, hai ông Tường và Thuyết đã sai bộ hạ đến nhà ám sát ông Trần Tiễn Thành (bắt đầu ngày 01 tháng 11 Quý Mùi, giờ Tý tức 30-11-1883). Sử sách đời sau gọi vụ nầy là "Tứ Nguyệt Tam Vương" (trong 4 tháng có đến ba người được lập lên làm vua) đó là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước.
Trong số các con của ông Trần Tiễn Thành có ông Trần Tiễn Huấn (cử nhân, làm Tri Huyện Hậu Lộc) và Trần Tiễn Hối (đậu giải nguyên tức đậu đầu cử nhân, làm Án Sát tỉnh Bình Định), ông Trần Dương, hiệu Quế Lâm làm nghề thuốc Bắc, không ra làm quan. Sau khi Ông Trần Tiễn Thành bị mưu sát, con cháu bỏ quê, trốn tránh đi xa, bỏ chữ lót "Tiễn", chỉ lấy họ Trần. Đời thứ 8 là ông Trần Dương (hiệu Quế Lâm) sinh ra Ông Trần Chánh (đời thứ 9) là thân phụ của ông Trần Điền (đời thứ 10).
Ông Trần Điền tự Nghênh Hòe, hiệu Hà Trì, con thứ tư của ông Trần Chánh.
Sau khi đậu Cao Đẳng Tiểu Học Pháp Việt tại Huế (1931), Ông Trần Điền ra học trường Bưởi ở Hà Nội. Chương trình Tú Tài phải học 3 năm, nhưng ông chỉ học trong 2 năm và thi đậu Tú Tài Triết học Pháp (1933). Ông trở về Huế làm giáo sư Trung học tư thục Thiên Hựu (instituit de la Providence). Sau đó, ông qua ngành Hành Chánh, làm công chức tại Thanh Hóa (1-7-1936) và hoạt động cho Hội Hướng Đạo. Năm 1941, ông được thuyên chuyển về Huế làm Kiểm Sự tại Bộ Tài Chánh rồi lên tới Ngự Tiền Văn Phòng và Văn Hóa Viện. Năm 1944, ông thi đỗ Tri Huyện đứng hàng thứ 4 trong 5 thí sinh được trúng tuyển mà đa số đã có bằng cử nhân Luật. Từ 01-02-1944 đến 9-1945, ông làm tri huyện Tiên Phước rồi Đại Lộc (Quảng Nam). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, ông về Huế làm Thẩm Phán tại quận Hương Trà cho đến 19-12-1946. Khi cụ Trần Văn Lý ra làm Hội Đồng Chấp Chánh Trung Phần (tương đương Thủ Hiến), ông được cử làm Chủ Sự Phòng Thông Tin Trung Phần (từ 15-4-1947 đến 15-4-1948). Sau đó ông xin nghỉ giả hạn không lương vì không chịu hợp tác với Thủ Hiến Phan Văn Giáo (từ 16-4-1948 đến 5-10-1949). Từ 06-10-1949 đến 06-08-1951, ông làm Giám Đốc Thông Tin Trung Phần (dưới thời cụ Trần Văn Lý làm Thủ Hiến). Sau đó, ông làm Phủ Trưởng Triệu Phong (1952) rồi Tỉnh Trưởng Quảng Trị (1954-1955). Ông có công tái lập an ninh trật tự, lập các đồn hương vệ, kiểm soát được các đường giao thông trong quận. Sau Hiệp Định đình chiến 20-7-1954, thường gọi là hiệp định Genève, ông lo đón tiếp đồng bào Quảng Trị từ phía Bắc vĩ tuyến 17 di cư vào Nam. Tết năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đến thăm tỉnh Quảng Trị, đã ban tặng cho ông Bảo Quốc Huân Chương.
Mùa Xuân năm 1955, nhân vụ đảng Đại Việt lập chiến khu Ba Lòng, ly khai chống chế độ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, ông bị mất chức Tỉnh Trưởng và bị bắt giam tại Huế 3 tháng, sau đó được tại ngoại hầu cứu. Trước ngày Lễ Quốc Khánh 26-10-1957 (Đệ I Cộng Hòa), Tòa án quân sự tại Huế họp phiên đại hình do Ông Nguyễn Tri Chỉ ngồi ghế Chánh Án, Thiếu Tá Nguyễn Văn Chuân (sau nầy là Thiếu Tướng, Nghị Sĩ...) ngồi ghế Công Tố, xử vụ Ba Lòng. Ông Trần Điền tự biện hộ, không cần đến luật sư . Ông bị kết án 6 năm tù nhưng theo lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông được miễn thụ hình (không bị ở tù).
Từ 1957-1964, ông dạy học tại Huế và làm Hiệu Trưởng trường Bình Minh (do LM Nguyễn Văn Lập để lại). Mùa Hè 1964, theo lệnh của Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng, Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I, trường Bình Minh bị nhà nước tịch thu vì đó là tài sản của ông Ngô Đình Cẩn. Sau đó, ông Trần Điền rời trường Bình Minh qua làm Giám Đốc Viện Hán Học Huế (từ 17-6-1964 đến 15-8- 1966) thay thế Ông Võ Như Nguyện từ chức.
Từ 1964, ông và một số nhân sĩ Công Giáo tại Huế được mời vào Ủy Ban Đặc Biệt đại diện cho Giáo Dân bên cạnh Hội Đồng Linh Mục để cố vấn cho Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền về các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị...
Tháng 9-1966, ông ứng cử vào Quốc Hội Lập Hiến tại đơn vị Thừa Thiên. Liên danh Nguyễn Văn Ngải-Trần Điền đắc cử, dẫn đầu phiếu. Ông có ra ứng cử Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến nhưng thua ông Phan Khắc Sửu 3 phiếu ở vòng đầu.
Tháng 9-1967, ông đắc cử Nghị sĩ trong liên danh "Nông Công Binh" do Trung Tướng Trần Văn Đôn làm thụ ủy và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Canh Nông Thượng Nghị Viện.
Ông đã bị Cộng Sản sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế tháng 2-1968.

2.HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI:
Ngoài các hoạt động trong lãnh vực hành chánh, chính trị, giáo dục như đã nói trên, ông còn là một nhà hoạt động thanh niên và xã hội nổi tiếng từ 1934 cùng thời với Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy, v.v...trong Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên lập tráng đoàn Hướng Đạo tại Huế và tổ chức trại huấn luyện trung ương ở Bạch Mã (thừa Thiên). Năm 1934, ông chủ trương tạp chí "Bạn Đường" tại Thanh Hóa, ngoài mục đích huấn luyện Hướng đạo sinh, còn thêm phần nghị luận về văn chương và xã hội. Ông cũng đã thành lập một Ban Văn Nghệ của Hướng Đạo để đi trình diễn nhiều nơi, rất thành công. Ông là một trong những trưởng Hướng Đạo đầu tiên được lãnh "Bằng Rừng" và đã tham dự trại họp bạn quốc tế của tổ chức Hướng Đạo tại Úc (1952), được bầu chức Tổng ủy viên Hướng Đạo toàn quốc năm 1966. Ông được anh em Hướng Đạo quý mến như là bậc đàn anh đạo đức, gương mẫu và có tài hùng biện, xứng đáng với truyền thống của tổ chức nầy.

3.ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH:
Năm 1936, ông lập gia đình với bà Hà Thị Việt Nga, một nữ Hướng Đạo tại Huế (con Ông Hà Thúc Huyên - Thượng Thư Bộ Lễ - và bà Tôn Nữ Thị Hiệp). Qua tổ chức Hướng Đạo, ông bà Trần Điền đã gặp được Thiên Chúa và đã trở lại đạo Công Giáo năm 1937 mặc dầu cả hai ông bà đều xuất thân trong một gia đình danh gia, vọng tộc với truyền thống Nho học. Đặc biệt, hai cụ thân sinh của bà Trần Điền đã lập chùa Phổ Tế và đã quy y theo Phật. Ông bà sinh hạ được 10 người con, 4 trai và 6 gái. Ngoài thú đọc sách, nghiên cứu và bơi thuyền, ông không có một đam mê nào khác như hút thuốc lá, rượu chè, cờ bạc.
4.TẾT MẬU THÂN VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN.
Ông sống với gia đình tại Huế nhưng từ tháng 10-1966, ông vào Sài Gòn họp Quốc Hội Lập Hiến (1966-1967) rồi Thượng Nghị Viện (10-1967...), thỉnh thoảng ông về thăm gia đình vào những dịp Quốc Hội hưu khóa. Tháng 01-1968, ông về Huế ăn Tết với gia đình tại số 19 B đường Lý Thường Kiệt, Quận 3, Huế.
Từ tháng 08-1967, trong thời gian có cuộc vận động bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống, Việt Cộng gia tăng các hoạt động phá hoại tại nông thôn Thừa Thiên, gây áp lực quân sự nặng nề toàn vùng I và đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên.
Tại quận Phú Lộc, phía Nam tỉnh Thừa Thiên, Việt Cộng xuất hiện quấy phá nhiều nơi, thỉnh thoảng pháo kích vào các đồn và căn cứ của quân đội VNCH trong quận, đánh các trụ sở xã, v.v...Sư Đoàn I Bộ Binh do Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đã điều động chiến đoàn Dù của Thiếu Tá Đào Văn Hùng mở cuộc hành quân trong vùng Phú Lộc nhưng vì VC khéo giấu quân nên không phát hiện được gì. Trong lúc đó, tin tình báo cho biết khu rừng thuộc quận Hương Trà (Bắc Thừa Thiên) xuất hiện nhiều điện đài. Sư Đoàn 1 cũng cho hành quân vùng sông Bồ, nhưng cũng không có đụng độ. Tuy nhiên trong các cuộc hành quân trong vùng nầy, quân đội ta đã bắt được một số súng ống và dụng cụ giải phẩu chôn giấu của VC. Những dụng cụ nầy hoàn toàn mới. Ngoài ra còn bắt được những mô hình để nghiên cứu hành quân trong đó VC đã phác họa địa thế gồm thành lũy, hào sâu và chuẩn bị thang leo vô thành. Các dụng cụ y khoa đó, theo nhận xét của bên quân y thì có thể phục vụ cho cấp quân đoàn. Do những dữ kiện đó, nhiều người nghĩ rằng Việt Cộng có thể đánh Huế. Nhưng Tướng Ngô Quang Trưởng thì nhận đinh rằng VC có thể đánh quận Hương Trà hoặc có thể đánh vào một vị trí quân sự nào đó thuộc Bắc Thừa Thiên. Tướng Trưởng không ước tính rằng VC có thể đánh Huế.
Trước Tết Mậu Thân, Sư Đoàn 101 của Hoa Kỳ hành quân bắt được một chuẩn úy Việt Cộng, y khai dang thực tập đánh Huế. Tin Phòng Nhì và An Ninh Quân Đội cũng cho biết Việt Cộng có thể đánh Huế. Hai ngày trước Tết, ông Đoàn Công Lập, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên báo cáo có đặc công Việt Cộng xâm nhập vào thành phố trong dịp Tết. Một số sinh viên, học sinh tham gia vụ tranh đấu chống chính quyền trung ương năm 1966, bị đàn áp, đã chạy theo Việt Cộng vào rừng, nay trở lại hoạt động nội thành, hướng dẫn cho bọn đặc công CS vào thành phố Huế...Khoảng 20 tháng 12 năm 1967, trước lễ Giáng Sinh mấy hôm, Việt Cộng đã tấn công vào xã Thủy Phước (làng Công Giáo Phủ Cam) thuộc quận Hương Thủy, bên cạnh TP Huế. Chúng đã xâm nhập từ nghĩa địa phía sau núi Ngự Bình và phía lầu Jerard, bắn B.40 vào làm một số người chết và bị thương, một số nhà dân bị cháy. Với tư cách Dân Biểu tỉnh Thừa Thiên, ngay lúc đó, tôi có gởi một văn thư cho Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng đề nghi tăng cường hỏa lực cho Nghĩa Quân xã Thủy Phước với súng cối 60 ly và đại liên... để có khả năng ngăn chận sự xâm nhập của địch từ hướng Nam Giao, Ngự Bình... vào thành phố.
Trước tình hình như thế, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 BB và Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế, vẫn đinh ninh rằng Việt Cộng không thể đánh Huế được. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chính Phủ tại Vùng I cho chúng tôi biết ông đã tăng cường phòng thủ Huế hai đơn vị lính nhảy dù thiện chiến. Hai tiểu đoàn này đã được Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng bố trí ở quận Quảng Điền (Bắc Thừa Thiên) cách Huế 15 cây số và phía Nam phi trường Phù Bài, cách Huế 17 cây số về phía Nam. Do đó, khi Việt Cộng tấn công vào thị xã Huế thì hai đơn vị nầy đều ở ngoài thành phố, không làm nhiệm vụ bảo vệ Huế được...
Trước Tết, tôi có đến thăm Nghị Sĩ Trần Điền tại tư thất của ông, 19 B Lý Thường Kiệt, Quận Ba, Huế. Sau đó, tôi đi ra Quảng Trị và có đến thăm Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu tại tư thất, đường Phan Thanh Giản, thị xã Quảng Trị vào sáng 30 tháng Chạp...Tôi có bày tỏ sự lo lắng của tôi về tình hình trong vùng. Cả hai vị đều tỏ ra quan tâm.
Tổng hợp các tin tức và tài liệu sách vở, báo chí của Việt Cộng cũng như của VNCH, nói về Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, chúng tôi được biết:
Việt Cộng đã tấn công Huế vào đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân (đêm 30 tháng 01-1968 bước qua sáng 01 tháng 2 năm 1968). Sáng mồng một Tết (01 tháng 2 năm 1968) người ta đã thấy Việt Cộng xuất hiện trên đường phố rồi.
Tại Cửa Chánh Tây, phía VNCH lúc đó có một Tiểu đội thuộc Đại Đội "Hắc Báo" (lính thám báo) trấn giữ. Phía Việt Cộng do Phan Nam (tức Lương) cán bộ Thành ủy nằm vùng phụ trách "đặc công". Theo lời Nam, chất nổ và vũ khí đã được đưa vào Thành nội trước 10 tiếng đồng hồ. Bọn đặc công CS đã hạ được vọng gác của Lực Lượng Thám Báo VNCH và dùng chất nổ phá cổng cho lực lượng chính quy CS từ bờ đối diện sông đào tràn vào thành nội. Rạng sáng mồng một Tết, đơn vị Hắc Báo chống không nổi phải rút lui. Việt Cộng đã đóng chốt, cố thủ trên thành kiên cố. Do đó, việc đánh đuổi chúng ra khỏi thành nội phải kéo dài nhiều ngày...
Tại khu vực An Hòa, một tiểu đoàn của Trung Đoàn E.9 (SĐ 309 Bắc Việt) có nhiệm vụ tấn công cầm chân Tiểu Đoàn 2 Dù của Thiếu Tá Thạch từ phía Bắc Thừa Thiên tiến vào làng An Hòa. Khoảng 2 giờ 30 sáng, một mũi đặc công VC đã vượt sông đột nhập cổng An Hòa và cùng với cánh quân của E.9 tràn vào làng An Hòa. Tuy nhiên từ chiều mồng một Tết, Tiểu Đoàn 2 Dù đã không còn ở làng An Hòa nữa. Cộng Quân chiếm cầu Bạch Hổ và phá hủy một nhịp cầu bên tả ngạn để chặn viện binh Mỹ.
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 do Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đóng tại đồn Mang Cá bị một Dại Đội của Tiểu Đoàn 12 đặc công VC do Nguyễn Trọng Tấu chỉ huy tấn công. Đại đội nầy được chia làm 4 mũi từ thôn Triều Sơn Tây (thuộc quận Hương Trà, Bắc Huế) dùng phao ny-lông vượt sông rồi men theo bờ thành tiến vào Mang Cá. VC đã mở nhiều đợt tấn công vào đồn nầy nhưng không chiếm được vì quân VNCH trú đóng bên trong đã chống trả quyết liệt và bên ngoài Mang cá, có Thiếu Tá Nguyễn Hữu Đệ, Quận Trưởng Hương Trà và đơn vị Hải Quân Mỹ đóng ở Bao Vinh yểm trợ.
Tại phi trường nhỏ Tây Lộc (trong thành nội), một cán bộ nằm vùng VC đã cắt giây kẽm gai ở miệng cống Thủy Quang để cho đặc công VC chui qua cống vào bên trong, đốt kho đạn, kho xăng và khu nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, lực lượng chủ lực của CS bị lạc đường qua trại Quân Cụ. Lính quân cụ ở đây chiến đấu rất hăng say, suốt mấy tuần, VC không chiếm được đồn nầy. Nhờ vậy, lực lượng phòng thủ bên phi trường, kịp thời bố trí, bảo vệ được sân bay.
Dũng, con trai hãng gỗ Lê Hữu Tý ở cửa Thượng Tứ, đang học ở Sài Gon, được bố gọi về đưa vào mật khu huấn luyện một tuần lễ, vừa mãn lớp huấn luyện, Dũng nhận công tác đưa đơn vị E.6 từ cửa Hữu vào Kỳ đài (cột cờ) để treo cờ "Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình" một tổ chức trá hình của CS Bắc Việt. Cờ rộng 94 mét vuông, gồm hai vạt xanh kèm lấy một vạt đỏ có sao vàng ở giữa (đây cũng là cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Đơn vị chiếm cột cờ thành nội nầy tiến ra cửa Thượng Tứ, rạp Hưng Đạo, đồn Cảnh sát Đông Ba. Các cơ sở khác như Ty Chiêu Hồi, Ty Thông Tin, Tòa Thượng Thẩm, v.v. đều bị chiếm...
Phía Nam Huế do Đại Tá Thân Trọng Một của VC, người Thừa Thiên, biết rõ địa hình địa vật vùng nầy. Lực lượng của Một có "Đoàn 5" gồm 4 tiểu đoàn bộ, Trung đoàn 9 của SĐ 309 Bắc Việt, một tiểu đoàn ĐKB và 4 đội đặc công. Lực lượng của Thân Trọng Một đánh căn cứ thiết giáp VNCH ở đồn Tam Thai (An Cựu), nhưng không thành công vì hệ thống phòng thủ ở đây rất kiên cố. Cộng quân đã vượt sông An Cựu tiến vào thị xã Huế, 7 giờ sáng mồng một Tết người ta đã thấy Cộng quân ở ngoài đường phố. Chúng đã chiếm Đại đội quân cụ ở đường Nguyễn Huệ gần cầu Phủ Cam, Bưu điện, Ty Ngân khố, Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên Trung Phần, Tòa Hành Chanh Thừa Thiên, Lao Xá Thừa Phủ và giải thoát hàng ngàn tù nhân. Phía VNCH còn giữ Đài Phát Thanh gần cầu Trường Tiền, Tiểu Khu, Ty Cảnh sát, trụ sở MACV (tức Khách sạn Thuận Hóa) và bến tàu hải quân. Những căn cứ nầy ở gần nhau nên hỗ trợ nhau khiến cho Cộng quân không chiếm được.
Bộ Chỉ Huy chiến dịch của Việt Cộng đóng tại làng La Chữ (Hương Trà, Thừa Thiên) và tại đây đã xảy ra một trận đánh rất ác liệt với Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ do trực thăng chuyển quân đến. Phía Hoa Kỳ có 9 trực thăng bị bắn hạ và khảong 100 binh sĩ tử trận. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng thì phía Việt Cộng có hai tướng lãnh tử trận.
Sau khi chiếm toàn bộ quận Ba (Hữu Ngạn) thành phố Huế, Việt Cộng chia nhau đi kiểm soát từng nhà, bắt người. Chúng cho xe chạy đi khắp nơi kêu gọi các thành phần quân nhân, công chức trình diện. Chúng đã bắt được ông Nguyễn Văn Đãi, Phụ Tá Hành Chánh tại Tòa Đại Biểu Chính Phủ Vùng I, lúc đó đang có mặt tại Huế. Ông Bảo Lộc, Phó Tỉnh Trưởng Thừa Thiên đang có mặt tại tư thất (đường Lý Thường Kiệt) đối diện với Tòa Lãnh Sự Mỹ, cũng bị bắt đem tạm giam tại trường Thiên Hữu (đường Nguyễn Huệ). Những người nầy được giải lên núi và đưa thẳng ra Bắc trước khi Cộng quân rút lui khỏi thành phố nên không bị giết tập thể.
Tại Huế, Việt Cộng đã lập ra "Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ, Hòa Bình" và đưa Lê Văn Hảo (GS Đại Học Văn Khoa), lên làm Chủ Tịch và Thượng Tọa Thích Đôn Hậu (chùa Thiên Mụ) và Bà Nguyễn Đình Chi (cựu Hiệu Trưởng trường Đồng Khánh) làm Phó Chủ Tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường (GS trường Quốc Học, thoát ly theo Việt Cộng mùa Hè 1966) làm Tổng Thư Ký...Chúng lập tòa án nhân dân tại thành nội và Gia Hội (khu vực bị chúng kiểm soát lâu ngày) để xét xử thành phần quân nhân, cảnh sát, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng, v.v...Một số thường dân thuộc thành phần buôn bán cũng bị bắt đem ra xét xử...Một số người bị giết một cách dã man như Thiếu Tá Từ Tôn Kháng (Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên) bị giết trước mặt vợ con tại 176 đường Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba, Huế), ông Lê Đình Thương (Phó Thị Trưởng Huế), ông Lê Ngọc Kỳ (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Phạm Đức Phác (Việt Nam Quốc Dân Đảng), vợ chồng ông Trần Ngọc Lộ (Đại Việt Cách Mạng), ông Trần Mậu Tý (sinh viên, Đại Việt Cách Mạng)...ông Võ Thành Minh (nhân vật Hướng Đạo nổi tiếng) bị bắt tại từ đường cụ Phan Bội Châu (Bến Ngự Huế) và bị giết...
Những sinh viên trong các Phong Trào Tranh Đấu chống chính phủ tại Sài Gòn thoát ly theo Việt Cộng vào mùa Hè 1966 như Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Phan...cũng xuất hiện tại Huế trong Tết Mậu Thân. Phan Chánh Dinh (tức Phan Duy Nhân) xuất hiện ở Đà Nẵng...hướng dẫn Việt Cộng đi bắt bạn bè (trước đây đã tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt Cách Mạng...) và những ai có tinh thần chống Cộng mà chúng biết.
Việt Cộng cũng đã vào nhà thờ Phủ Cam bắt đi ba, bốn trăm thanh niên, đàn ông trong đó có anh em Lê Hữu Bôi, Lê Hữu Bá (từ Bến Ngự chạy đến Phủ Cam ẩn núp)...Số người nầy đã bị giết tập thể một cách dã man tại Khe Đá Mài (vùng núi thuộc quận Nam Hòa, Thừa Thiên). Hàng trăm, hàng ngàn người bị chôn sống tại vùng Gia Hội, Tiểu Chủng Viện, khu lăng Đồng Khánh, chùa Therevada Gia Hội, An Ninh Thượng, Chợ Thông, Lang Xá Cồn...Phú Vang, Phú Thứ...Những nạn nhân gồm đủ mọi thành phần từ các nhà tu hành như Linh Mục Bửu Đồng, Linh Mục Hoàng Ngọc Bang, Linh Mục Urbain (Dòng Thiên An) LM Guy (Dòng Thiên An), LM Lê Văn Hộ (Quảng Trị), các Thầy Dòng La San ở Phú Vang...cho đến học sinh, sinh viên, thường dân buôn bán...Đặc biệt chúng đã giết các bác sĩ người Đức đến giúp giảng dạy tại Đại Học Y Khoa và giúp bệnh viện Huế như BS Alterkoster, BS Discher, Ông và Bà BS Krainick...đem chôn sống tại chùa Tuyền Vân. Tổng số nạn nhân tại Huế, Thừa Thiên lên đến trên 4.000 người. (Chúng tôi đã có dịp trình bày chi tiết về Tết Mậu Thân trong tuyển tập tài liệu "Thảm Sát Mậu Thân ở Huế" tái bản 1999 có bổ túc và hiệu đính).

NGHỊ SĨ TRẦN ĐIỀN ĐÃ BỊ VIỆT CỘNG BẮT VÀ SÁT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO ?
Tất cả mọi người trong gia đình Nghị Sĩ Trần Điền đều có mặt đông đủ vào dịp Tết , kể cả người con trai trưởng là anh Trần Tiễn San (Sĩ Quan Biệt Động Quân). Thấy Việt Cộng xuất hiện, anh San liền cởi bỏ bộ đồ quân nhân, mặc quần đùi chạy trốn. Để tránh bom đạn, dân cư ngụ chung quanh khu Dòng Chúa Cứu Thế Huế trong đó có gia đình Nghị Sĩ Trần Điền, kéo nhau chạy vào ẩn núp trong nhà Dòng. Tất cả mọi người chạy vào phòng sinh hoạt của nhà Dòng, riêng Nghị Sĩ Trần Điền và mấy người con trai vì quen biết với các Linh Mục nên được đưa vào trong khu nội viện của Dòng, nơi dành riêng cho các tu sĩ ở. Nghị Sĩ Trần Điền ẩn trốn trong một căn phòng kín bên trong nhà Dòng.
Được hơn một tuần, đến ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch (tức 8 tháng 2-1968) Việt Cộng đến Dòng Chúa Cứu Thế, kiểm soát và lùa tất cả mọi người ra ngồi ngoài sân, bắt công chức, quân nhân, thanh niên, sinh viên học sinh ngồi riêng theo thành phần của mình và bắt kê khai lý lịch từng người. Khi chúng đến trước mặt Nghị Sĩ Trần Điền và hỏi ông là ai ? Ông trả lời "Tôi là Nghị Sĩ Trần Điền". Bọn chúng không hiểu "nghị sĩ" là gì thì ông giải thích cho chúng hiểu ông là người được dân bàu vào làm đại diện dân tại Quốc Hội.
Ông và hai người con trai của ông bị tách riêng ra khỏi đám đông dân chúng và bị dẫn qua bên sân nhà thờ cũ, quay mặt ra đường Quỳnh Lưu.(Đường nầy nay đã đổi tên mới). Mọi người đều bị trói tay lại phía sau lưng. Anh Trần Tiễn Hà, con trai thứ của Nghị Sĩ Trần Điền thừa lúc lộn xộn đã bỏ trốn khỏi Dòng Chúa Cứu Thế, chạy đi ẩn núp ở chỗ khác. Còn anh Trần Tiễn San vẫn đi chung với ông cụ.
Tại sân nhà thờ cũ phía sau lưng nhà thờ lớn (thường gọi là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hay nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế), anh Trần Tiễn San đang ngồi trước liền đổi chỗ ra ngồi cuối cùng, rồi tự cỡi trói và bỏ trốn. Anh San trốn thoát được còn Nghị Sĩ Trần Điền cùng những người còn lại thì bị dẫn đi về phía chợ An Cựu. Người ta thấy đoàn người đi dọc theo bờ sông An Cựu về ngã Lang Xá Cồn. Lúc đó trong người ông chỉ mặc một bộ áo quần ngủ, bên ngoài khoác thêm một áo choàng bằng vải nỉ. Trong mười ngày đầu tháng 2 năm 1968, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã tái chiếm khu vực Hữu Ngạn (Quận Ba) Huế, do đó Việt Cộng chưa kịp lập Tòa Án Nhân Dân tại đây như đã làm ở Thành Nội và Gia Hội (phía Bắc sông Hương). Mãi đến tuần cuối tháng 2-1968, toàn bộ Thành Nội Huế mới được giải tỏa, quân đội VNCH kiểm soát hoàn toàn thành phố Huế. Những nạn nhân bị giết chết cá nhân hay bị chôn sống tập thể hoặc bị bom rơi đạn lạc được chôn trong thành phố Huế, trong cuối tháng 2 và tháng 3/68 đã được cải táng. Riêng các nạn nhân bị bắt đi mất tích, chưa ai biết chết sống ở đâu, mãi đến tháng 4 năm 1968, nhờ các cuộc hành quân của quân đội VNCH mở rộng để bình định các vùng nông thôn nên người ta đã phát hiện ra nhiều mồ chôn tập thể tại Phú Vang, Phú Thứ, Hương Thủy, Nam Hòa,v.v...Ngày 09 tháng 4 năm 1968, Quân Đội và Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã khám phá ra nhiều mồ chôn tập thể tại Lang Xá Cồn, cách An Cựu chừng 5 cây số thuộc quận Hương Thủy. Một người con nuôi trong gia đình Nghị Sĩ Trần Điền đã đi theo đoàn người đi tìm thân nhân, đến tại Lang Xá Cồn và nhận ra xác của Nghị Sĩ trong một mồ chôn tập thể. Ông bị chôn chung với một số người khác, áo quần còn nguyên vẹn, trong người vẫn còn giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước bọc nhựa. Mặt của ông nằm úp xuống, dính với lớp đất sét ướt. Vì là mùa Đông, mưa lạnh, nên xác của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị thối rữa.
Người con nuôi nầy đã trở về nhà báo tin cho bà Trần Điền và các con. Gia đình liền báo tin đi khắp nơi cho bà con họ hàng biết. Đài Phát Thanh Huế cũng đã đọc tên các nạn nhân vừa tìm được xác...Chính Quyền tỉnh Thừa Thiên cũng như gia đình đã báo tin cho Quốc Hội (Thượng Nghị Viện) biết. Báo chí và các đài phát thanh tại Sài Gòn và khắp VNCH đều loan tin về cái chết của Nghị Sĩ Trần Điền.
Thi hài của nạn nhân được đưa về quàn tại tư gia và gia đình đã tổ chức lễ tẩm liệm, nhập quan. Hiện diện trong ngày hôm đó có Trung Tướng Trần Văn Đôn, Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Nghị Viện cùng Bà Luật Sư Nguyễn Phước Đại (Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện), Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân (Nghị Sĩ trong liên danh Nông Công Binh của Trung Tướng Trần Văn Đôn)...và phái đòan từ Sài Gòn ra thăm.
Lễ an táng được tổ chức một cách long trọng tại tư thất vào lúc 15 giờ 30 ngày 12 tháng 4 năm 1968 trước sự hiện diện của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật đại diện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu, Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, Trung Tướng Trần Văn Đôn (Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng TNV) và đại diện chính quyền địa phương, đại diện các đoàn thể chính trị từ trung ương đến địa phương. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã đọc bản Tuyên dương công trạng và gắn Bảo Quốc Huân Chương đệ tứ đẳng cho Cố Nghị Sĩ Trần Điền.Chủ Tịch Thượng Nghị Viện và Nghị Sĩ Trần Văn Đôn đã đọc điếu văn nói lên lòng thương tiếc một người bạn đồng viện xuất sắc, một chiến hữu có nhiều khả năng và tâm huyết đối với quốc gia, dân tộc. Quan tài được đưa đến an táng tại nghĩa trang Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Lễ hạ huyệt vào lúc 17 giờ 30 chiều ngày 12-4-1968. Hôm đó bầu trời âm u, nhiều mây và có gió lạnh vào cuối mùa Đông còn sót lại, gây cho mọi người một hình ảnh vĩnh biệt đầy thương tiếc.
Tại Sài Gòn, lễ truy điệu cố Nghị Sĩ Trần Điền đã được tổ chức lúc 16 giờ 30 ngày 22 tháng 4 năm 1968 tại Hội Trường Diên Hồng (Thượng Nghị Viện VNCH) có mặt đầy đủ các Nghị Sĩ, Dân Biểu. Về phía chính phủ có Phó Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ,-Luật Sư Nguyễn Văn Lộc, Thủ Tướng Chính Phủ,-các vị Tổng Bộ Trưởng, Ngoại Giao Đoàn. Vợ con, họ hàng, bạn bè của Cố Nghị Sĩ cũng có mặt đầy đủ trong buổi lễ ruy điệu nầy.
Một buổi lễ cầu nguyện cho Cố Nghị Sĩ Trần Điền cũng đã được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn do Thượng Nghị Viện và Hội HướngĐạo VN tổ chức.
Gia đình đã chọn ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch hằng năm (là ngày ông bị Việt Cộng bắt) làm ngày húy nhật.

NẮM TRO TÀN:
Sau năm 1975, gia đình đã cải táng và gởi bình tro cốt của ông vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Khoảng 1990, trước khi qua định cư tại Hoa Kỳ theo diện Cựu tù nhân chính trị (HO), anh Trần Tiễn San (Thiếu Tá Biệt Động Quân) là con trai trưởng của Cố Nghị Sĩ Trần Điền, đã từ Sài Gòn ra Huế gặp Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế xin nhận lại bình tro cốt của ông cụ để đưa vào để ở Sài Gòn vì ở Huế cũng không còn ai là họ hàng gần.
Gia đình cố Nghị Sĩ Trần Điền gồm có bà cụ và các con trai, một số con gái, cháu chắt...hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Xin cám ơn anh Trần Tiễn San đã giúp chúng tôi một số tài liệu về gia phả họ Trần và cố Nghị Sĩ Trần Điền. Nếu có điều gì sai sót, xin quý vị bổ túc cho.

Xin cám ơn.

( Nguyễn Lý Tưởng )