Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Cuộc bình chọn vô bổ

Trần Anh Tuấn


Lâu nay, ngoài các vấn đề chính trị, xã hội đáng quan tâm thì mối quan tâm âm ỉ và tạm coi là hào hứng nhất trong thiên hạ mạng là câu chuyện bình chọn quốc hoa, quốc tửu, quốc phục,...

Tự nghĩ là người vốn ít lạc quan, kẻ này chẳng mấy lưu ý tới những phấn khích của cuộc bình chọn hài hước này. Tuy nhiên, hễ có nước chảy mãi thì li nước ắt đầy, mấy hôm nay thấy người ta bàn tán sôi nổi thì tự nhiên thấy mình cũng nên quan tâm chút ít cho đỡ là người lạc hậu.

Quốc hoa, hay Quốc phục là những loài hoa hay trang phục đã vượt lên trên tầm giá trị của một thứ thực vật hay quần áo mặc thông thường, nó mang tính chất đặc biệt vì đại diện cho một đất nước, một vùng lãnh thổ. Do đó, khi nhắc tới đất nước đó, thế giới sẽ nhắc đến thứ hoa hay bộ y phục đặc biệt đó. Đó ít nhất là một niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có được (Trừ những thứ “Quốc” khác như “Quốc nạn”,...)

Tôi chẳng rõ những nước khác họ có tổ chức bình chọn rầm rộ trên mạng như thế này không mà sao những ý niệm gắn với bản sắc đất nước họ ấy vẫn định hình? Cứ nghĩ tới Nhật Bản tôi lại hình dung ra Kimono, nghĩ tới Bungari thì không thể khác hơn là hoa hồng. Và chắc rằng rất nhiều người trên địa cầu khi nhắc tới dân tộc Việt Nam thì ấn tượng đầu tiên của họ là sự quả cảm, ý chí bất khuất, mưu trí, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chống ngoại xâm, tất cả vì quyền độc lập, tự chủ. Họ chẳng mấy khi biết tới hoa cau, hoa sen, càng không hiểu rượu quốc lủi nút lá chuối là cái quái gì.

Nghĩa là những thứ “Quốc” ấy được hình thành trải qua thời gian phần nhiều bởi sức nặng của sự công nhận quốc tế chứ chắc chắn không hoàn toàn do tự mình cố gượng ép mà nghĩ ra.

Ví như một gia đình nông thôn nọ, suốt ngày đánh chửi lẫn nhau không ngớt, thế mà cả chồng lẫn vợ đều cố gắng tự hào và rêu rao khắp hàng xóm láng giểng rằng có thằng con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Thế thì, cả làng cả xã nghĩ tới cái gia đình ấy đầu tiên bao giờ cũng là những chuyện ầm ĩ và thiếu văn hóa làm hàng xóm ăn không ngon ngủ không yên... Thử hỏi, cái công PR cho thằng con trai có còn ích lợi gì không nếu chẳng phải là một việc làm thiếu liêm sỉ?

Cứ xem, trong một phạm vi nhỏ, nhắc tới Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm là người ta không thể không nghĩ ngay tới Cụ Rùa mặc dù chưa khi nào có một cuộc bình chọn rầm rộ phong cho Rùa là nét đặc biệt của cái hồ ấy cả... (vậy mà bây giờ cụ Rùa lại đang lâm nạn trong khi chúng ta thì lo tổ chức hết hội thảo này đến hội thảo khác để bình quốc hoa, quốc túy, còn cụ thì... phó mặc cho trời!!!). Cho nên, hãy để ý xem thế giới nhắc tới cái gì đặc trưng của Việt Nam mà mà lưu ý phát triển cái đó lên thành một thứ “Quốc” chứ đừng tưởng cứ cố nống mình lên “Quốc” mà được mọi người thừa nhận đâu.

Có những danh xưng “Quốc” rất đáng trân trọng, tự hào như “Tinh thần bất khuất”. Có những thứ “Quốc” rất đáng xa lánh, bài trừ như “Tham nhũng”. Và khi “Quốc” là một mỹ hiệu để gắn cho một biểu tượng quốc gia thì có lẽ không nên quá nhiều tới mức ô hợp như Quốc hoa, Quốc phục, Quốc thụ, rồi lại Quốc tửu,... Đừng để sau cuộc bình chọn ồn ào này lại sinh ra một thứ đặc trưng mang nhãn hiệu Việt Nam, đó là “Những kẻ no cơm ấm cật” tự nhiên rửng mỡ giữa một xã hội 7, 80% vẫn là nông dân mà nông dân thì hy vọng làm được vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày đã là cả một hạnh phúc!

Giống như bài trước tôi viết “Nước Việt Nam mình đã nên ăn Tết?”, lần này cũng chỉ với một ý muốn nhỏ nhoi rằng cư dân mạng, chủ yếu là các bạn trẻ đừng nên đầu tư thời gian, công sức một cách quá lãng phí vào ngẫu hứng vô bổ cho một ý định chưa giàu mà đã muốn sang. Còn bao nhiêu điều khác để mọi người chúng ta phải quan tâm nhiều hơn.

TAT

Khoa giáo dục học, ĐH KHXH&NV TP HCM.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét