Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Liệu tiền đồng có còn tiếp tục bị phá giá?

Posted on Tháng Hai 19, 2011 by truongthondlb1


Trần Vinh Dự – Ngày 11 tháng 2 vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh tỉ giá VND/USD từ mức tham chiếu cũ là 18,932 đồng ăn một đô la lên mức tham chiếu mới là 20,693 đồng ăn một đô la. Đi kèm với động thái này là việc thu hẹp biên độ giao động cho phép từ +/-3% xuống +/-1%. Nói cách khác, Với mức tỉ giá tham chiếu cũ trước đây là 18,932 đồng/USD, các ngân hàng có thể ấn định tỷ giá tối đa (cho các giao dịch chính thức) là 19,500 đồng/đô la. Với chính sách mới, các ngân hàng có thể ấn định tỷ giá tối đa là 20,900 đồng/USD.

Như thế, nhìn vào hai con số ở ngưỡng trần, mức phá giá do NHNN ấn định thực chất là từ 19,500 lên 20,900, tức là vào khoảng 7.18%. Con nếu nhìn vào hai con số tham chiếu là 18,932 đồng/USD và 20,693 đồng/USD thì mức phá giá này là vào khoảng 9.3% – đây là con số được đại bộ phận báo chí nhắc tới, nó phản ánh mức phá giá lớn nhất trong nhiều năm gần đây của NHNN.



Chuyện gì sẽ xảy ra sau đợt phá giá này? Liệu có còn những đợt tiếp theo? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Câu trả lời thật nhất là đây sẽ không phải là đợt cuối cùng. Chắc chắn sẽ có những đợt phá giá tiếp theo. Đây không phải là câu trả lời của riêng tôi. Trên thực tế thì hầu hết các think tanks nghiên cứu về kinh tế ở VN cũng có quan điểm tương tự. Thí dụ, HSBC dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục điều chỉnh lên mức 21,500 từ mức mới ấn định vào khoảng Q3, 2011.

Lý do vì sao?

Bloomberg trích lời của Johanna Chua, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á của Citigroup rằng “phá giá không thôi không giải quyết được các vấn đề nền tảng về mất niềm tin đối với tiền Đồng”. IMF cũng có quan điểm tương tự khi nhận định rằng cần có “một hệ chính sách rộng lớn hơn để khôi phục ổn định vĩ mô”

Vậy các vấn đề nền tảng là gì? Có thể kể ra nhiều yếu tố, nhưng tựu chung lại có hai điểm chính:

Thứ nhất là mặc cho các cuộc phá giá liên tục trong vài năm trở lại đây, cán cân mậu dịch của Việt Nam hầu như vẫn không có cái thiện đáng kể. Tình trạng thâm hụt mậu dịch triền miên vẫn tiếp diễn. Đợt phá giá này đem tỷ giá chính thức đến gần với tỷ giá chợ đen hơn. Vì thực tế là các doanh nghiệp nhập khẩu từ lâu đã phải huy động USD qua chợ đen nên việc phá giá này không còn làm ảnh hưởng nhiều đến nhập khẩu nữa. Nói cách khác, có có ít ảnh hưởng tới cán cân mậu dịch. Với một nền kinh tế mở, việc thâm hụt triền miên là không bền vững, vì thế đồng tiền sẽ phải suy yếu đi cho tới khi nào sự thăng bằng tương đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu được vãn hồi. Chúng ta hãy còn khá xa mới đạt được sự thăng bằng này.



Thứ hai là giá trị của một đồng tiền tựu trung nằm ở chỗ giữ đồng tiền ấy được lợi gì. Và mấu chốt của lợi ích (hay bất lợi) này nằm ở chỗ lãi suất tiền gửi của đồng tiền ấy như thế nào. Vào thời điểm này thì lãi suất tiền gửi thực tế của NHNN ấn định (tức là lãi suất danh nghĩa của NHNN trừ đi lạm phát) ở Việt Nam vẫn đang là âm. Nói cách khác, giữ tiền đồng của VN hiện nay vẫn đang không có lợi gì, thậm chí bị thiệt vì trượt giá. Trong khi đó thì lãi suất tiền gửi của đồng USD ở Việt Nam rất cao (khoảng 6%) và lạm phát đồng USD thì hầu như không đáng kể. Do chênh lệch này không có lý do gì người dân lại muốn giữ đồng VND.

Nhiều phân tích của nước ngoài cho rằng chìa khóa để ổn định tỷ giá là phải tăng lãi suất tiền gửi lên để không còn sự chênh lệch về lãi suất thực tế giữa đồng VND và đồng USD. Tuy nhiên, việc này là việc ai cũng biết nhưng lại không thể làm được. Lãi suất huy động tối đa hiện nay ở Việt Nam theo quy định của NHNN là 12%, chỉ đúng bằng tốc độ trượt giá của đồng tiền. Nếu phải ấn định mức lãi suất sao cho giữ đồng VND không tệ hơn giữ đồng USD thì Việt Nam phải tăng lãi suất huy động lên ít nhất 4% nữa – tức là đưa mức lãi suất huy động lên tối thiểu khoảng 16%.

Thế nhưng việc này lại tạo ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp – là phía đi vay tiền. Hiện nay với lãi suất huy động của NHNN ấn định là 12%, lãi suất cho vay trung bình trên thị trường đã là khoảng 18% – 20% (bao gồm lãi suất trên hợp đồng cộng thêm với các khoản chia chác “bôi trơn” để vay được tiền). Các khoản vay nóng ngắn hạn hiện nay có lãi suất lên tới 23% – 25% một năm.

Với mức tăng khoảng 4% – 5% nữa thì các bên đi vay sẽ phải trả lãi suất tính theo năm khoảng 22%- 25%, và nếu vay nóng thì có thể phải trả tới 30%. Đây là mức lãi suất hủy diệt – như mọi người được chứng kiến vào năm 2008, khi lãi suất tăng lên khoảng 20% – 22% đẩy hàng loạt các doanh nghiệp vào chỗ gần như phá sản và nhà nước buộc phải tung ra gói cứu trợ mà bản chất là trợ cấp lãi suất 4%.



Thế nên gợi ý tăng lãi suất để ổn định tiền tệ là gợi ý nói thì dễ nhưng làm thì khó. Tựu trung lại, đồng VND vẫn cần phải được điều chỉnh rẻ đi và áp lực đối với NHNN về việc phá giá đồng nội tệ vẫn sẽ kéo dài trong vài năm tới.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/lieu-tien-dong-co-con-tiep-tuc-bi-pha-…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét