Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Anh Sáu Dân nghĩ về một Quốc hội thật sự đại diện dân

Theo: TVN

-

Những người thường được anh Sáu Dân mời gặp, trao đổi ý kiến mỗi khi anh ra Hà Nội đều cảm nhận được sự trăn trở của anh trong mấy năm cuối đời tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới chính trị

LTS: Nhân ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23/11, nhớ về ông, nhớ về một nhân cách lớn chúng ta càng thấy trống vắng. Đất nước đang cần ông, cuộc đời càng nhớ ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đây cũng là dịp để cùng nhìn lại và suy ngẫm về những tư tưởng, trăn trở của ông về sự phát triển đi lên của đất nước. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết củanhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên và nhà thơ Trần Việt Phương, những người trong một thời gian dài gắn bó với ông, thường xuyên trao đổi, bàn bạc về nhiều vấn đề của đất nước. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong hơn 10 năm cuối đời, khi không còn giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy công quyền, dù tuổi đã cao, anh Sáu Dân (xin được gọi tên thân thương đã quen dùng khi nói về đồng chí Võ Văn Kiệt) vẫn tìm cách nắm sát tình hình thực tế, không ngừng suy nghĩ, nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những công việc hệ trọng đối với đất nước. Trong điều kiện không có bộ máy giúp việc như khi còn đương chức, anh tận dụng các mối quan hệ đồng chí thân thiết để tạo nên môi trường làm việc, nghiên cứu, trao đổi ý kiến về những vấn đề mà anh ấp ủ, trăn trở.

Ở thành phố Hồ Chí Minh và ở Hà Nội, anh thường gặp một số anh em như là nhóm nòng cốt cùng anh nghiên cứu, biên tập về các vấn đề đặt ra. Đó là những người đã từng làm việc với anh nhiều năm, được anh tin cậy về tấm lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, có kiến thức và năng lực nghiên cứu ở tầm chính sách. Hầu hết những người này đã về hưu, không ở trong bộ máy đương quyền, tự nguyện tham gia nghiên cứu với tư cách chuyên gia độc lập[1].

Mỗi khi ra Hà Nội, anh Sáu Dân đều gặp nhóm chuyên gia độc lập, nêu các vấn đề mà anh đang trăn trở. Anh thường chưa nói ngay quan điểm và giải pháp của mình mà khêu gợi để anh em phát biểu ý kiến. Anh lắng nghe, nêu câu hỏi, thảo luận khi có ý kiến khác nhau.

Khi vấn đề đã tương đối rõ, anh yêu cầu một hoặc hai người viết thành bài. Bài này được anh đưa cho một số đồng chí khác có hiểu biết và quan tâm đến chủ đề của bài, trong đó có người lãnh đạo đương chức và một số đã nghỉ hưu. Nếu vấn đề được đề cập có yếu tố về khoa học-công nghệ thì bao giờ anh Sáu cũng hỏi ý kiến các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật am hiểu lĩnh vực đó.


Các góp ý cho anh đều mang tính chất cá nhân. Sau khi có ý kiến phản hồi, anh lại gặp nhóm cộng tác viên nòng cốt để thảo luận, làm rõ những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau và nhờ một hai người tu chỉnh bài viết. Cuối cùng, anh trực tiếp đọc và sửa nhiều lần, cân nhắc từng câu, từng chữ, hoàn thành bản kiến nghị gửi các đồng chí lãnh đạo đương chức hoặc bài đăng báo. M

ỗi kiến nghị hoặc bài báo mang tên anh dù được người khác giúp công việc biên tập, kể cả khi bài viết tốt, anh ít sửa chữa, cũng đều mang đậm dấu ấn tư duy và cách diễn đạt của anh.

Những người thường được anh Sáu Dân mời gặp, trao đổi ý kiến mỗi khi anh ra Hà Nội đều cảm nhận được sự trăn trở của anh trong mấy năm cuối đời tập trung nhiều vào vấn đề đổi mới chính trị. Anh cho rằng trong công cuộc đổi mới của nước ta, nền chính trị đổi mới chậm hơn cả; tuy có một số tiến bộ về từng mặt, nhưng nhiều mặt vẫn giữ thể chế, tổ chức và phong cách như thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp, gây cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Điều này càng bộc lộ rõ khi nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chỗ thiên về tốc độ theo chiều rộng chuyển sang coi trọng chất lượng, hướng mạnh về chiều sâu, đòi hỏi rất cao về tính năng động, sáng tạo của con người để bảo đảm sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Trong các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XI, vấn đề đổi mới chính trị cũng được đặt ra mạnh mẽ hơn; như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 khi đề ra các quan điểm phát triển trong thời kỳ mới đã xác định: “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đổi mới chính trị trên nguyên tắc nào, nhằm mục tiêu gì? Khi đặt ra câu hỏi ấy, anh thường nhắc tới bài học lớn nhất, thấm thía nhất rút ra từ cuộc sống thực tế và từ sự trải nghiệm bản thân qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau; đó là bài học phát huy đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tự do, mà anh coi là một nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển truyền thống lịch sử và văn hoá của dân tộc.

Theo anh, không thể nói đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do chỉ như một khẩu hiệu động viên mà phải hiểu sâu sắc sự gắn kết bên trong như hai mặt của một vấn đề để có chủ trương và hành động đúng. Muốn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải thực hiện dân chủ, tự do và phải bảo đảm quyền tự do của công dân thì mới có dân chủ thực sự.

Có thể nói mọi thắng lợi của cách mạng, của kháng chiến, của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong thời gian qua cũng như những sai lầm phải trả giá, đều in dấu của sự thực hiện tốt hoặc chưa tốt về đoàn kết dân tộc và dân chủ, tự do.

Ngày nay, việc phát huy đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ, tự do gắn kết với nhau chính là nhân tố quyết định sự phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Đó là mục tiêu và động lực đổi mới nền chính trị, phải thấm vào nội dung đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cũng như phải thấu suốt cả trong việc xây dựng thể chế chính trị và tổ chức thực hiện thể chế.

Từ quan điểm đó, anh đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương cụ thể về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đổi mới tính chất và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng theo hướng xây dựng xã hội dân sự.

Theo quan điểm của anh, đổi mới về chính trị kết hợp với đổi mới về kinh tế sẽ có hiệu quả cao khi được tiến hành đồng bộ, song song trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng là một tiền đề quan trọng.

Mặt khác, sức năng động của nhân dân và của bộ máy nhà nước có thể thúc đẩy nhanh việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng, có khi đi trước một bước và tác động tích cực đến việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Những ý kiến đề xuất này đang trong quá trình chuẩn bị để hình thành kiến nghị chính thức gửi tới các đồng chí có trách nhiệm thì anh Sáu Dân đã ra đi. Riêng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày nhân dân cả nước bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2006), anh Sáu Dân đã có bài tham luận mang tiêu đề “Vì một Quốc hội thật sự đại diện cho dân” gửi tới cuộc hội thảo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 23-24 tháng 12 năm 2005, được in trong kỷ yếu của cuộc hội thảo này [2]. Sau cuộc hội thảo đó, anh Sáu Dân vẫn tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu cụ thể thêm về đổi mới Quốc hội trong chủ đề chung về đổi mới chính trị.

Những người viết bài này được tham gia nghiên cứu, biên tập chủ đề nói trên, xin nêu những suy nghĩ của anh Sáu Dân về đổi mới Quốc hội đã thể hiện một phần qua bài tham luận của anh đăng trong sách kỷ yếu hội thảo.


Xuất phát từ quan điểm một Nhà nước pháp quyền theo thể chế dân chủ phải có Quốc hội thật sự đại diện cho dân, anh Sáu Dân ghi nhận những đổi mới và tiến bộ về vai trò và hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua nhưng thấy vẫn còn nhiều điều phải thay đổi, bổ sung về chức năng, tổ chức và hoạt động thì mới thực hiện đúng vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bảo đảm quyền làm chủ của dân.

Có lần anh hỏi chúng tôi có nhớ đã bầu ai vào Quốc hội hay không; chúng tôi thú thật là không nhớ, cũng chưa lần nào được tiếp xúc với người mình đã bầu làm đại biểu cho mình. Anh cười và nói tôi hỏi nhiều người cũng trả lời như các anh; nhưng vì sao như vậy?

Trước hết là vì cử tri không được thật sự lựa chọn người để bầu mà hầu như bỏ phiếu đúng như sự gợi ý, hướng dẫn theo cách “Đảng cử, dân bầu”, khiến cho chế độ trách nhiệm của đại biểu trước dân rất khó được xác lập” (Trích Tham luận, trang 546). Do không cần và không có điều kiện cân nhắc, lựa chọn nên tình trạng một người đi bỏ phiếu thay cho nhiều người khá phổ biến. Vì vậy, muốn có một Quốc hội thật sự đại diện cho dân thì việc đầu tiên là phải bảo đảm dân chủ đích thực trong cách tổ chức bầu cử; số ứng viên phải đông hơn nhiều so với số người cần bầu; khuyến khích người tự ứng cử; người ứng cử hoặc được đề cử phải công khai quan điểm, nhân thân và tài sản, có tranh cử đường hoàng để cử tri có cơ sở xem xét, lựa chọn; bảo đảm sự chặt chẽ, trung thực trong việc kiểm phiếu.

Hầu hết cử tri không nhớ đã bầu cho ai vì sau khi bầu cử, hầu như không có cơ hội tiếp xúc với đại biểu của mình để phản ảnh tình hình, tâm sự, đề đạt nguyện vọng. Vì vậy, theo anh Sáu Dân “các đại biểu được bầu phải giữ quan hệ với những cử tri đã bầu ra mình và làm tất cả để có được sự ủng hộ của các cử tri đó. Như vậy các đơn vị bầu cử phải tồn tại song song với các đơn vị hành chính của đất nước, chứ không chỉ xuất hiện trong thời gian bầu cử rồi sau đó biến mất” (Trích Tham luận, trang 548-549).

Anh Sáu Dân yêu cầu chúng tôi tìm hiểu kỹ kinh nghiệm ở Mỹ và nhiều nước phương Tây quy định số đơn vị bầu cử tương ứng với số nghị sĩ do dân bầu vào hạ nghị viện; mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một hạ nghị sĩ; do đó, nghị sĩ phải gắn bó với cử tri đã bầu mình, có quy chế tiếp xúc thường xuyên và chịu sự giám sát chặt chẽ của cử tri về thái độ của mình đối với các vấn đề biểu quyết tại nghị viện và về những đóng góp khác của mình với tư cách nghị sĩ [3].

Theo anh Sáu, dân số và điều kiện của nước ta hoàn toàn có thể áp dụng cách làm này và như vậy có thể bỏ được việc “xuân thu nhị kỳ trước và sau các kỳ họp, các vị đại biểu của nước ta đều tiếp xúc cử tri, nhưng các cuộc tiếp xúc cử tri này đang bị dư luận xã hội coi là hình thức. Với cách thức tiếp xúc cử tri như vậy thì các vị đại biểu Quốc hội chỉ nghe được ý kiến của cán bộ là chính chứ không hẳn là ý kiến của nhân dân“.(trích Tham luận, trang 545)

Anh Sáu Dân cho rằng “tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội chiếm đến 90% trong khi các đảng viên chỉ chiếm 5-6% trong tổng số cử tri của cả nước là không hợp lý. Điều quan trọng là phải giới thiệu được nhiều hơn số ứng cử viên là người ngoài Đảng và giảm số ứng cử viên là đảng viên. Số đại biểu là người ngoài Đảng chiếm tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý? Con số này có lẽ cần được tính toán cụ thể cho từng thời kỳ. Tuy nhiên một đảng cầm quyền chỉ cần có được đa số trên 50% số ghế trong Quốc hội là đủ” (trích Tham luận, trang 546 -547).

Theo quan điểm của anh Sáu Dân, một đất nước với dân số như nước ta hoàn toàn xứng đáng có được một Quốc hội chuyên nghiệp để thực hiện tốt chức năng đại diện cho dân gắn với các chức năng lập pháp, quyết định và giám sát. Hiện nay “một tỷ lệ lớn các vị đại biểu Quốc hội kiêm chức vụ hành chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Các vị đại biểu kiêm chức hành chính chỉ có 30% thời gian làm đại biểu, còn 70% làm quan chức hành chính. Với tư cách là các quan chức hành chính, phần nhiều các vị đại biểu này là cấp dưới của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng. Đã là cấp dưới thì giám sát cấp trên sẽ rất khó. Lợi ích của các vị đại biểu này xung đột với việc triển khai có hiệu quả chức năng giám sát. Muốn vượt qua sự xung đột lợi ích này, chúng ta cần có một Quốc hội chuyên nghiệp. Về cơ bản, đã làm đại biểu Quốc hội thì thôi không làm các quan chức hành chính nữa (trừ một số ít chức danh thuộc hành pháp chính trị như Thủ tướng và một số bộ trưởng)“(Trích Tham luận, trang 548).

“Nếu chúng ta vẫn muốn việc cải cách chính trị phải được thực hiện từng bước một thì ít nhất tất cả các thành viên của các ủy ban đều phải hoạt động theo chế độ chuyên trách” (Trích Tham, luận, trang 550).

Suy nghĩ tiếp về sự hình thành một Quốc hội chuyên nghiệp, anh Sáu cho rằng khi hầu hết đại biểu hoạt động chuyên trách thì số lượng đại biểu có thể không cần đông như hiện nay nhưng có đủ điều kiện và phương tiện để thực hiện đúng chức năng đại diện cho dân nắm giữ quyền lực nhà nước cao nhất. Các đại biểu chuyên trách làm việc thường xuyên trong các ủy ban, tiểu ban được kiện toàn và có bộ máy giúp việc đủ năng lực chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ của Quốc hội, nhất là trong hoạt động lập pháp và giám sát.

Quốc hội làm việc thường xuyên chứ không chỉ tập trung trong hai kỳ họp. Do đó vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thay đổi. Tổ chức và hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội theo đơn vị hành chính như hiện nay đặt các đại biểu Quốc hội vào tư thế vừa đại điện cho cử tri cả nước vừa đại diện cho đơn vị hành chính tỉnh dẫn tới những vướng mắc khi có xung đột lợi ích giữa toàn cục và cục bộ, sẽ không còn lý do tồn tại.

Những nét khởi sắc trong vai trò và hoạt động của Quốc hội thời gian gần đây khiến cho lòng dân càng mong đợi Quốc hội khóa mới (bắt đầu từ giữa năm 2011) sẽ đổi mới tổ chức và hoạt động một cách căn bản hơn, tạo một bước tiến mạnh mẽ về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam theo thiết chế dân chủ.

Những ý kiến đề xuất của anh Sáu Dân chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, làm cơ sở cho việc xây dựng thiết chế tổ chức cùng với quy chế làm việc của Quốc hội khóa mới và có thể vận dụng vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng Hội đồng nhân dân các cấp. Điều kiện và khả năng thực hiện đã có; chỉ cần có quyết tâm chính trị của cơ quan lãnh đạo cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình và đóng góp ý kiến của dân, nội dung đổi mới nêu trên sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống.



[1] Nhiều người trong số này là thành viên Tổ Chuyên gia tư vấn do Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập năm 1993, sau chuyển thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi tổ chức này bị giải thể từ tháng 7 năm 2006 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới, một số thành viên vẫn nhiệt tình cộng tác với anh Sáu Dân.

[2] Kỷ yếu của cuộc hội thảo này đã được Văn phòng Quốc hội soạn thành sách mang tên “Quốc hội VN – 60 năm hình thành và phát triển”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2006. Tham luận của anh Sáu Dân ở trang 541-552. Trong bài này, những đoạn trích Tham luận đều in nghiêng và ghi số trang theo sách kỷ yếu hội thảo

[3] Như ở Mỹ, thượng nghị sĩ được dân bầu ở mỗi bang hai người, không phụ thuộc vào dân số. Hạ nghị viện có 435 nghị sĩ, được bầu ở 435 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị có số dân tương đương nhau bầu một hạ nghị sĩ. Đơn vị bầu cử được điều chỉnh 10 năm một lần theo kết quả tổng điều tra dân số. Hạ nghị sĩ phải làm việc toàn thời gian, được nhà nước trả lương, có văn phòng ở đơn vị bầu cử của mình để tiếp xúc và giải quyết các vấn đề mà cử tri yêu cầu, và ở thủ đô cũng có văn phòng giúp việc được nhà nước trả kinh phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét