Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Nguyên Lý ÂM DƯƠNG Trong KHÍ CÔNG

Nguyên Lý ÂM DƯƠNG Trong KHÍ CÔNG

NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG TRONG KHÍ CÔNG
::: Ngũ Lang :::
KHÍ CÔNG là một sản phẩm tổng hợp của 2 nền văn hóa lớn ở Đông Phương là Ấn Độ và Trung Hoa.
Khí Công nhằm mục tiêu giúp cho người tập luyện nó:
- ngừa được bệnh tật nếu chưa có bệnh;
- chữa tận gốc bệnh tật nếu bị bệnh;
- làm chậm phát sanh những hiện tượng trong tiến trình lão hoá của con người như da nhăn, mắt mờ, tai yếu, phản ứng chậm chạp, đi đứng khó khăn v.v..
Để đạt được những mục tiêu hết sức khó khăn nói trên, Khí Công dựa trên nguyên tắc cơ bản:
Đưa vào cơ thể, bằng một kỹ thuật đặc biệt, một chất quý nhất trong vũ trụ là khí PRANA để tạo nên sự thăng bằng ÂM, DƯƠNG trong con người. Khi Âm, Dương – 2 dạng năng lượng trong con người – được thăng bằng thì mọi cơ phận, mọi chức năng hoạt động hài hoà và con người được khoẻ mạnh.
Theo Y học Đông Phương, con người bị bệnh là vì 2 năng lượng Âm, Dương trong con người vì một nguyên nhân nào đó mất quân bình hay là mất thăng bằng, Dương trội hơn Âm, hay Âm trội hơn Dương.
Chữa bệnh tận gốc là dùng phương cách nào đó tái lập sự thăng bằng Âm, Dương cho con người.
Trong chiều hướng trị liệu nầy, Đông Phương (Ấn Độ và Trung Hoa) đưa ra nhiều phương cách, uống thuốc, châm cứu, tập luyện. Qua kết quả thực tế, có 3 pháp môn tỏ ra có giá trị trị liệu cao nhất. Đó là Khí Công, Dịch Cân Kinh, Thái Cực Quyền (Tai Chi)
Sau đây chúng ta khảo sát sâu thêm về Âm, Dương để xem 2 dạng năng lượng nầy là gì, sự quan trọng của nó đối với con người, tại sao sự thăng bằng Âm, Dương mang lại sức khoẻ.
I- ÂM, DƯƠNG DƯỚI CÁI NHÌN TÂY PHƯƠNG.
Thông thường, người ta có định kiến ý niệm Âm, Dương là sản phẩm riêng biệt của triết học Đông Phương, Tây Phương không chấp nhận tư tưởng nầy. Đây là một cái nhìn phiến diện. Chúng ta hãy đi vào Vũ Trụ Luận (sự hình thành và biến hoá) của Tây Phương để xem các học giả Tây Phương nghĩ gì về Âm, Dương.
Theo một giả thuyết đưa ra cách dây trên 30 năm, hiện nay được đa số nhà bác học chấp nhận thì vũ trụ hiện tại thoát thai từ một vụ nổ lớn (Big Bang) đã xảy ra cách đây 15 tỷ năm. Con số này là do sự tính toán của các tác giả của giả thuyết, người tiên khởi là nhà bác học Georges Lemaître, người Bỉ.
Trước vụ nổ lớn, không có vũ trụ, tất nhiên là không có không gian, thời gian, không có gì hết, chỉ có cái KHÔNG tuyệt đối (Néant, theo Pháp; Nothingness theo Anh, Mỹ). Không rõ vì một nguyên nhân nào, một tiếng nổ lớn xảy ra trong cái hư vô cách đây 15 tỷ năm. Ngay sau tiếng nổ, gọi là khoảnh khắc O, ở một điểm nhỏ hơn đầu mũi kim, bỗng nhiên xuất hiện một đợt sóng năng lượng khổng lồ. Vài phần tỷ giây sau O, xuất hiện một vũ trụ rất mới, cực kỳ nhỏ, với tỷ trọng cao hơn hàng tỷ lần tỷ trọng của chì và nhiệt độ vượt qua 100 tỷ độ. Một giây sau vụ nổ, nhiệt độ hạ xuống 6 tỷ độ và vũ trụ mới ra đời bắt đầu dãn nở ra vô tận. Vũ trụ nầy không ngừng to lên, lạnh đi và loãng ra nhiều từ điểm xuất phát.
Theo nhà Vật lý Steven Weinbert (giải Nobel Vật Lý 1979) thì 1/10 giây sau vụ nổ, xuất hiện phôi vật chất đầu tiên là các hạt Proton, nhân của nguyên tử khinh khí. Xuất hiện tiếp theo là các hạt cơ bản mọi loại. Khi hạt Proton tích điện Dương gặp hạt Electron tích điện Âm, một cái lực đẩy 2 hạt cơ bản này kết hợp lại. Lực nầy gọi là Lực Điện Từ (force électro-magnétique) do ai tạo ra còn là một bí ẩn, kết hợp 2 hạt tích điện một Âm, một Dương để tạo nên một vật thể gọi là Nguyên Tử (Atome). Nguyên tử đầu tiên là nguyên tử khinh khí. Theo khoa học Tây Phương thì nguyên tử là viên gạch của vật chất vì nhiều nguyên tử phối hợp lại thành Phân Tử (motécule) và từ Phân Tử mới có Tế Bào Phôi của sự sống để đi đến mức cuối cùng của chu kỳ sinh hoá là sự xuất hiện con người với Thể Xác và Trí Tuệ.
Từ lúc khoa học nguyên tử ra đời ở Tây Phương, chúng ta thấy có 2 tư tưởng căn bản trong Vũ Trụ Luận:
- Sự hiện diện của 2 năng lượng gọi là Âm và Dương trong nội tại của Nguyên Tử tức là trong nội tại của bất kỳ vật thể nào trong vũ trụ hiện tại trong đó có con người.
- Sự thăng bằng Âm, Đương nội tại là điều kiện cần thiết để cho vật thể tồn tại và biến chuyển.
Như thế dù Tây Phương không hệ thống hoá Âm Dương thành một học thuyết ứng dụng trong nhiều lãnh vực của đời sống con người như ở Đông Phương, vật lý nguyên tử cho người ta thấy Âm, Dương là 2 năng lượng căn bản trong vũ trụ.
II- ÂM, DƯƠNG DƯỚI CÁI NHÌN ĐÔNG PHƯƠNG
Ở Đông Phương, Vũ Trụ Luận căn cứ trên kinh DỊCH. Tương truyền kinh DỊCH do vua Phục Hy làm ra vào thời đại chưa làm ra chữ, cách đây khoảng trên 4000 năm. Vua Phục Hy trên nhìn thiên văn tinh tú, dưới quan sát muôn vật đã nhận thấy ở bất kỳ nơi đâu từ vật chất cấu tạo đời sống đến đời sống có một sự biến đổi thường trực. Tác nhân gây ra sự biến đổi nằm trong nội tại của sự vật. Đó là 2 động thể đối chọi nhau mà khi hợp lại gây ra biến đổi, được vua Phục Hy gọi là Âm và Dương, căn cứ vào đặc tánh của mỗi động thể như nóng và lạnh, cứng và mềm v.v… Vua Phục Hy đưa ra một thuyết về sự hình thành và biến hoá của vạn vật trong vũ trụ gọi là DỊCH, nghĩa đen là biến đổi.
Theo quan niệm DỊCH thì nguyên thủy của mọi nguyên thủy là vô cực, tức là hư vô – không có gì hết. Vô cực của DỊCH đúng là NÉANT của Tây Phương. Vô cực sinh THÁI CỰC. Trong khi Tây Phương đưa ra thuyết tiếng nổ lớn tức là một hình thức biến chuyển từ KHÔNG tới CÓ, thì Đông Phương dùng chữ SINH đồng nghĩa với sự biến chuyển từ không tới có nhưng không nói rõ hình thức biến chuyển như Tây Phương.
Thái cực là một khối hỗn độn không rõ được bản chất và đặc tính trong đó chứa sẵn 2 động thể tương phản mệnh danh là khí Âm và khí Dương. Nếu so sánh khái niệm Thái Cực với sự xuất hiện của vũ trụ vài phần tỷ giây sau tiếng nổ trong học thuyết Big Bang thì người ta có thể nói đây chỉ có một biến cố và danh từ sử dụng khác nhau ở Tây Phương và Đông Phương.
Một sự trùng hợp lý thú khi Steven Weinberg nói rằng phôi vật chất đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ là hạt Proton, vật nhỏ nhất và đơn giản nhất. Còn Đông Phương quan niệm Thái Cực còn gọi là Đạo là cái gì đồng nhất trong vũ trụ từ lúc chưa sinh hoá, từ lúc còn là vật nhỏ cuối cùng của vật chất.
Khi so sánh tư tưởng của Đông Phương và Tây Phương về sự ra đời và biến hoá của vũ trụ, người ta có thể khẳng định Đông cũng như Tây đều xem căn bản của vạn vật trong vũ trụ là 2 dạng năng lượng với tánh chất tương phản là Âm và Dương.
Theo kinh DỊCH, 2 khí Âm và Dương kết hợp nhau để sinh hoá mãi mãi tạo ra vạn vật.
Tiến trình sinh hoá khởi đầu với sự ra đời 4 bộ mặt gọi là TỨ TƯỢNG (hình dung bằng bốn mùa)
Tứ Tượng nhờ ảnh hưởng không ngừng của Âm và Dương sinh thêm 8 hiện tượng mới là:
- Kiền hay Càn chỉ Trời
- Khôn chỉ Đất
- Chấn chỉ Sấm sét
- Tốn chỉ Gió
- Ly chỉ Lửa
- Cấn chỉ Núi
- Đoài chỉ Đồng cỏ
Tám hiện tượng này gọi là BÁT QUÁI, là 8 hình dạng khác nhau của vũ trụ.
Chất của vũ trụ được thoát sinh ra từ Bát Quái do Âm, Dương làm động lực gồm 5 loại gọi là NGŨ HÀNH : Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ.
Năm HÀNH nầy tương sinh và tương khắc trong một chu kỳ khép kín gọi là QUY LUẬT.
- Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim
- Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, Hoả khắc Kim.
Quan niệm về Sinh, Khắc của 7 yếu tố Âm, Dương và Ngũ Hành là định luật chung của vạn vật trong không gian và thời gian và đó là nguyên tắc căn bản của đạo DỊCH.
Từ vạn vật, cổ nhân cho rằng con người được hình thành là do sự kết hợp của 2 khí Âm, Dương được cụ thể hoá là đàn bà và đàn ông và 5 chất Ngũ Hành.
Vì thế con người được xem là một Tiểu Vũ Trụ, được hình thành và biến hoá theo quy luật Sinh, Khắc của Âm, Dương và Ngũ Hành đối với vạn vật trong Đại Vũ Trụ.
Đại Vũ Trụ sinh động nhờ Âm, Dương, Tứ Tượng, Bát Quái, Ngũ Hành thì con người cũng biến dịch y như thế. Vì đồng chất và đồng biến nên giữa con người và vạn vật có mối tương ứng mật thiết. Đó là tinh lý của thuyết “Thiên Nhân tương dữ” hay là thuyết “Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể”.
III- CON NGƯỜI VÀ TÁC ĐỘNG ÂM – DƯƠNG.
Nguyên lý của Khí Công là mang lại sự thăng bằng Âm, Dương trong con người để được khoẻ mạnh. Chúng ta cần tìm hiểu xem Âm, Dương trong con người nằm ở đâu và tác động lẫn nhau cách nào.
Con người là sự hợp thành của 2 thể với bản chất và tánh chất riêng biệt:
- Một là THÂN (xác thân) : là thể Vật Chất.
- Hai là TÂM (tâm thức): là thể Phi Vật Chất.
Hai thể này có đặc tánh vừa đối lập nhau vừa bổ túc nhau và sự thăng bằng của 2 thể giúp cho con người tồn tại và sống khoẻ mạnh. Như thế, ta có thể xem THÂN và TÂM là 2 dạng năng lượng ÂM và DƯƠNG trong đó THÂN là ÂM và TÂM là DƯƠNG. Sở dĩ chúng tôi gọi Thân là Âm vì khi con người chết, thể xác trở nên lạnh cứng. Trong phân loại Âm, Dương: nóng là Dương, lạnh là Âm.
Sự thăng bằng giữ Thân và Tâm để có sức khoẻ là một hiện tượng mà y học Đông Phương đã công nhận từ ngàn xưa. Ở Tây Phương, y học hiện đại khi công nhận có những bệnh gọi là Thân Tâm bệnh (maladies psycho-somatiques) đã mặc nhiên công nhận tác động hổ tương của Thân và Tâm trong vấn đề sức khoẻ.
1- Âm, Dương của Tâm:
Tâm thức con người bao gồm tánh tình, động thái, cảm xúc, trí nhớ, hoạt động trí tuệ. Mỗi lãnh vực tâm thức đều có Âm, Dương ở trong như vui-buồn, cứng cỏi – mềm yếu, cương quyết – nhu nhược, năng động – thờ ơ, nhớ lâu – mau quên, thông minh – u tối v.v…
Sự thăng bằng Âm, Dương của Tâm là tổng hợp thăng bằng Âm, Dương của toàn thể hợp phần trong Tâm. Trong tình trạng thăng bằng có những yếu tố sau đây. Nếu không chế ngự được, sẽ làm mất đi thăng bằng Âm Dương của Tâm:
- Sự lo sợ
- Buồn rầu, hờn giận
- Dục vọng
- Lòng tham
- Tư tưởng ác độc
- Hận thù
- Sự ganh ghét
Những yếu tố này gần giống như Lục dục, Thất tình trong giáo lý nhà Phật tác động lên Tâm như một chất độc đối với cơ thể. Làm cho Tâm bị “nhiễm độc”, mất đi sự thanh tịnh, từ đó gây ảnh hưởng xấu lên Thân.
Đây là nguồn gốc của những căn bệnh xảy ra do rối loạn chức năng như cao huyết áp, suy nhược thần kinh v.v…
2- Âm, Dương của Thân:
Theo Đông Y, trong cơ thể có 2 yếu tố quan trọng nhất chi phối sức khoẻ là KHÍ và HUYẾT.
Khí, huyết chỉ mang lại sức khoẻ khi được lưu thông điều hoà. Mọi sự tắc nghẽn trong lưu thông của Khí hoặc Huyết đều dẫn đến một căn bệnh.
Về HUYẾT, thể hữu hình thì ai cũng đều biết tính chất, công dụng nên không bàn thêm. Ở đây, chúng ta khảo sát KHÍ, một thể vô hình để biết KHÍ là gì, ở đâu ra, đường di chuyển trong cơ thể, công dụng của nó đối với sức khoẻ.
Theo Đông Y, vạn vật sinh hoá được là nhờ KHÍ . “Sinh hoá chi đạo, dĩ khí vi bản”. Trong con người, khí luôn luôn lưu thông khắp cơ thể, có đường lối nhất định, có trật tự thời gian nhất định, có chu kỳ nhất định, xuất nhập thăng giáng, hết lại bắt đầu, như vòng không nối. Khí dẫn Huyết để nuôi các bộ phận trong cơ thể, bảo toàn sinh mệnh. Khi nói Khí dẫn Huyết thì người học Đông Y phải xem đây là một định đề (postulatum) cực kỳ quan trọng, phải chấp nhận mà không đòi hỏi sự chứng minh bằng phương pháp duy lý.
Cái sức lực vô hình cực kỳ quan trọng cho sự sống nầy ở đâu mà ra?
Ở đây chúng ta phải nhờ ánh sáng khoa học Tây Phương chiếu rọi vào. Khoa học Tây Phương cho rằng chữ KHÍ của Đông Phương là một loại năng lượng tổng hợp do các tế bào, các tổ chức của cơ thể con người sản sinh ra một cách thường xuyên. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nói rõ hơn: KHÍ là năng lượng do Dưỡng Khí (oxygène) đốt tinh hoa dinh dưỡng tại tế bào sinh ra và có nhiều loại năng lượng: năng lượng nhiệt (nhiệt độ), năng lượng vận động (cơ năng), năng lượng điện (điện năng) v.v…
Theo Đông Y, con người sống được là nhờ năng lượng của KHÍ, thiếu nó con người sẽ chết. Dạng thức căn bản của KHÍ là THẦN KHÍ.
THẦN là nguyên lý tối cao, điều tiết mọi hoạt động của cơ thể: Thần lực, Thần sắc, Thần quang v.v… Đông Y cho rằng con người là một chỉnh thể hữu cơ có sự chỉ huy tập trung và thống nhất. Động lực chỉ huy là THẦN. Công cụ mà THẦN vận dụng để chỉ huy mọi hoạt động sinh lý là KHÍ . Khí chu lưu thường trực trong cơ thể theo một hệ thống đặc biệt goị là HỆ KINH LẠC.
KINH là đường chính đi dọc cơ thể. LẠC là đường ngang, những nhánh từ Kinh rẽ ra, nối các Kinh lại với nhau và với tạng phủ. KINH ăn sâu dưới da. LẠC ở cạn dưới da, đem KHÍ chu lưu khắp cơ thể vì HỆ KINH LẠC bên trong liên hệ với các tạng phủ; bên ngoài bao quát khắp đầu mình chân tay là cho cơ thể con người là một khối thống nhất.
Khi KHÍ, HUYẾT lưu thông điều hoà, không có nơi nào bị nghẽn thì Âm, Dương trong cơ thể được thăng bằng. Hậu quả của sự thăng bằng nầy là thể xác khoẻ mạnh.
IV- VAI TRÒ CỦA KHÍ CÔNG ĐỐI VỚI SỨC KHOẺ
Bằng một kỹ thuật đặc biệt, người tập Khí Công đem vào cơ thể nhờ hệ Kinh Lạc một loại khí quý nhất trong vũ trụ, tiếng Phạn gọi là PRANA.
Khí PRANA vào cơ thể tăng cường LỰC cho luồng khí sẵn có thường trực tại đây. Vì một lý do nào đó, Khí trong con người yếu đi không lưu thông điều hoà tạo nên những điểm tắc nghẽn trong hệ Kinh Lạc. Điểm tắc nghẽn càng nhiều, càng lớn, bệnh càng trầm trọng vì Khí tắc nghẽn kéo theo Huyết tắc nghẽn. Nhờ PRANA tăng lực, luồng Khí trong cơ thể đủ sức khai thông những điểm tắc nghẽn. Luồng Khí chu lưu thông suốt, Huyết chu lưu thông suốt theo. Đó là công dụng ngừa bệnh và chữa bệnh của KHÍ CÔNG.
Riêng về khả năng của Khí Công làm chậm tiến trình lão hoá, một lần nữa chúng ta phải nhờ ánh sáng của Y học Tây Phương.
Theo Tây Y, trong con người có những Tuyến Nội Tiết (glandes endocrines) chỉ đạo hoạt động của mọi cơ phận trong thân. Có nhiều tuyến nội tiết, nhưng có 7 tuyến đóng vai trò chính yếu mà quan trọng nhất trong các tuyến đó là tuyến YÊN (glande hypophyse) nằm về phía sau trong vỏ não. Khi con người còn trẻ và khoẻ mạnh, các tuyến nội tiết hoạt động điều hoà, tiết ra những chất gọi là KÍCH THÍCH TỐ (hormones). Các chất nầy thúc đầy và kiểm soát hoạt động mọi cơ phận trong thân người. Tuyến YÊN đóng vai trò “nhạc trưởng” vì nó tiết ra kích thích tố thúc đẩy các tuyến khác hoạt động điều hoà. Trong những kích thích tố của tuyến YÊN, có một chất gọi là Kích Thích Tố Tăng Trưởng, có vai trò hết sức quan trọng trong chức năng giữ cho cơ thể được trẻ trung. Bắt đầu 50 tuổi, tuyến YÊN hoạt động yếu đi, không còn cung cấp kích thích tố tăng trưởng đầy đủ, cần thiết như thời trẻ. Tiến trình lão hoá bắt đầu vào độ tuổi 40 (tùy thể trạng của mỗi người, tiến trình này diễn ra sớm hơn hay chậm hơn) diễn ra nhanh hơn khi cơ thể thiếu kích thích tố tăng trưởng. Hậu quả của sự thiếu nầy là bên trong, sự thay thế các tế bào chết không còn đầy đủ như thời trẻ. Bên ngoài những dấu hiệu lão hoá hiện ra: da nhăn, mắt mờ, tai kém v.v… Trong tình trạng nầy, nếu suy luận hợp lý thì cung cấp cho cơ thể kích thích tố tăng trưởng nhân tạo như thời trẻ thì con người giữ được trẻ. Rất tiếc là Bà Mẹ Thiên Nhiên không chấp nhận như thế. Kích Thích Tố nhân tạo vào cơ thể mang lại hại nhiều hơn lợi, có khi đưa tới tử vong.
Giải pháp hợp lý cho vấn đề trẻ hoá phải phù hợp với thiên nhiên. KHÍ CÔNG đã đáp ứng được những ràng buộc đó vì Khí Công đưa vào Hệ Kinh Lạc khí PRANA có khả năng làm quân bình Âm, Dương toàn thân. Khi Âm, Dương cơ thể quân bình thì mọi cơ phận trong đó có tuyến YÊN hoạt động điều hoà trở lại gần như thời trẻ.
Chúng ta phải hiểu ý nghĩa tương đối trong khả năng trẻ hoá của môn Khí Công. Một người 70 tuổi tập Khí Công không thể trở lại hình dáng lúc 40 tuổi. Thường trông người đó trẻ hơn tuổi thật độ 10 tuổi. Bấy nhiêu đó cũng là quý lắm rồi. Thật ra, sự trẻ nằm trong những điểm khác quý hơn trẻ trong hình dáng. Đó là những người tập Khí Công thành công đạt được những điểm quý báu sau đây so với tuổi thật:
- Ít bị những bệnh thông thường của người già hành hạ như phong thấp, bệnh lẫn (Alzheimer) v.v…
- Mắt sáng
- Tai thính
- Âm thanh giọng nói trong trẻo
- Đầu óc minh mẫn
- Phản ứng linh hoạt.
Giá trị trẻ hoá của Khí Công nằm ở các điểm trên và ngay trong thời đaị quá thiên về vật chất, Khí Công vẫn được xem là một trong những pháp môn quý báu của Đông Phương nói riêng và của loài người nói chung.
Bài viết này nhằm mục đích giúp cho những người muốn học Khí Công biết tiền nhân dựa trên lý thuyết căn bản nào đã sáng tác ra nó để có đức tin mạnh mẽ vào một môn mà mình sẽ bỏ công sức luyện tập.
Ngoài đức tin, người tập Khí Công phải có quyết tâm sắt đá tập đến nơi đến chốn, có đức kiên nhẫn vượt bực, chấp nhận những khó khăn lúc ban đầu và tập thật đúng theo lời dạy của người nào may mắn được học qua môn Khí Công chân truyền nầy. Khi đáp ứng được những đòi hỏi nêu trên, người tập luyện sẽ hưởng được thành quả kỳ diệu của Khí Công về sức khoẻ và duy trì lâu dài tuổi trẻ.
Hải ngoại, ngày 25-7-1997
NGŨ LANG
NGŨ LANG là một trong những bút hiệu của Đại Tá Lê Quang Nhơn,  xuất thân khóa 2 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức   (tức là trường BB Thủ Đức sau nầy ) Từng là Chỉ Huy Trưởng đơn vị 101 Tình Báo Chiến Lược và Chỉ huy phó Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Đơn vị cuối cùng là Chánh Sở 1 An Ninh Quân Đội, Đà Nẵng. Sau khi gia đình đã được di tản qua Mỹ vào ngày 20 tháng 4, 1975 , Ông đã ở lại chiến đấu đến năm 1979 bị VC bắt và kêu án Tử Hình…
Ngoài những bài viết về Chính Trị, ông còn viết những bài biên khảo về Y Học .

Nguyên Nhân Tục Đốt Vàng Mã

Nguyên Nhân Tục Đốt Vàng Mã

Nguyên Nhân Tục Đốt Vàng Mã
::: Cố HT. Thích Tố Liên :::

Lời BBT: Tục đốt vàng mã đã xuất hiện từ rất lâu và đã có một sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội ở nước ta, nhất là vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Lễ hội Vu Lan… có không ít người đốt vàng mã để cúng ông bà tổ tiên. Vậy tục lệ đó bắt nguồn từ đâu? Nó có tác dụng như thế nào? Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của Hòa thượng Tố Liên, một bậc “Tông tượng Thiền lâm”, đề cập đến vấn đề này.
Ở đời, cái gì cũng phải có nguyên nhân mới có kết quả, tục đốt vàng mã cũng vậy.
Đọc kinh Dịch nhà Nho, chúng ta thấy rằng: tục chôn người chết của người Trung Hoa về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván, lại cũng không khanh phần mộ gì cả. Đến đời vua Hoàng đế (267 tr. TL) cho rằng: con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế, đến đời Đường Ngu, tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế.
Nối nhà Ngu là nhà Hạ (2205 tr. TL), người Trung Hoa mới bắt đầu dùng đất sét nặn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông khánh, đàn sáo v.v… để chôn theo người chết. Các đồ vật đó được gọi là minh khí, hoặc gọi là quý khí, tức là những đồ vật đem chôn theo cho thần hồn người chết dùng ở âm phủ, lễ nhạc đối với người chết bắt đầu có từ đấy. Đã chế ra đồ dùng cho người chết, tất nhiên phải có kẻ hầu hạ người chết, thế là người ta lại chế ra người bù nhìn bằng gỗ đem chôn theo người chết. Đến đời nhà Ân (1765 tr.TL), lại không dùng mâm bát đồ đất và nhạc khí bằng tre gỗ để chôn theo người chết nữa, họ dùng toàn đồ thật chôn theo.
Đến đời nhà Chu (1122 tr.TL), người Trung Hoa đã bắt đầu văn minh hơn; cố nhiên lễ nhạc đối với người chết cũng được ăn nhịp mà tiến bộ, người chết đối với người chết, đã được người sống phân ra giai cấp sang, hèn trong việc thực hiện lễ nghi chôn cất. Từ vua cho đến các quan lớn khi chết đi, sẽ được dùng cả đồ vật giả theo lệ nhà Hạ, đồ vật thật theo lệ nhà Ân để chôn theo các vua chúa đã chết; còn từ hạng sĩ phu tới bình dân, khi chết chỉ được chôn theo độc nhất một thứ đồ giả thôi. Nếu người hèn hạ nào mà dùng lễ nghi ngang với người sang, tức khắc phải tội “tiếm lễ”.
Không những thế, dã man nhất, độc ác nhất là người ta còn bịa đặt ra những “tuẫn táng”; nghĩa là khi các vua và các quan lớn chết đi, từ vợ con đến bộ hạ của các vua, các quan lớn, đồ yêu quý của người chết khi còn sống, sẽ phải đem chôn sống để làm đồ dùng khi đã chết. Sách Tả Truyện chép: “Đời vua Văn Công thứ sáu, vua Trần Mục Công tên là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo Mục Công. Người trong nước tỏ lòng thương tiếc ba anh em họ Tứ Xa là người hiền đức, mới làm ra thơ Hoàng Diệu để tỏ ý than vãn, mỉa mai. Trong thơ đại ý nói: Ba anh em họ Tứ xa đều là những người hiền đức gấp trăm nghìn người khác, trời đất ơi! Sao nỡ đem chôn sống để đi theo người đã tận số là Mục Công. Nếu ba trăm người như chúng tôi này được chết theo Mục Công để thế mệnh cho ba người hiền đức ấy, chúng tôi rất vui lòng mà chết thay”.
Về sau người ta cũng biết đem người sống chôn theo với người chết là vô nhân đạo, mới chế ra người cỏ Sô Linh, sau vì người cỏ không được mỹ thuật, người ta lại dùng đồ gỗ “Mộc ngẫu” như trước. Sách Trang Tử chép: “Vua Mục vương nhà Chu (1001 tr. TL) có người tên là Yến Sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này liền than rằng: Kẻ nào sinh ra tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân. Thầy Mạnh Tử cũng đau buồn với tục hình nhân thế mệnh mà nguyền một câu rằng: Kẻ nào dùng người bù nhìn là tuyệt tự”.Đến thời nhà Hán, giới trí thức Nho học cảm động với lời tuyệt cự thống thiết của ngài Khổng, Mạnh trong tục lệ dùng người sống chôn theo với người chết, mới bỏ tục lệ “tuẫn táng”, không dùng người sống chôn theo với người chết nữa, nhưng lại làm ra nhà mồ để cho vợ, con, tôi, tớ người đã chết ra để ấp mộ. Còn các thức đồ ăn mặc… của người chết kia, khi còn sống dùng những thứ gì, khi chết cũng đem chôn theo hết. Ngôi nhà mồ kia muốn cho thêm oai vẻ, người ta lại đục phỗng đá, voi, ngựa đá để bài trí chung quang phần mộ.
Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo v.v… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách Thông Giám cương mục chép: “Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào hàng thủy tổ nghề vàng mã được”.
Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Thế thì tại sao ngày rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo, mà một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để kính biếu gia tiên?
Nguyên nhân đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy là thế này: Vào thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762) bên Trung Hoa, nhằm lúc Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: rằm tháng Bảy là ngày của Diêm Vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ, trong việc lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân dùng.
Vua Đạt Tôn đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế là nhân dân Trung Hoa lại được dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy để kính biếu gia tiên. Nhưng chẳng bao lâu lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ, vì cho rằng việc đốt vàng mã vào ngày lễ trọng của Phật giáo đã làm cho cái lệ ngày 15/7 không còn có chính nghĩa nữa. Phần lớn dân chúng Trung Hoa hồi đó đã tỉnh ngộ, cùng nhau bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề nghiệp vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là người Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã.
Thất nghiệp, Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, đã có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn, nước uống. Đương khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân với gia nhân và họ hàng của ông, đem cả hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mệnh ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ. “Chà! Chà! Phép quỷ thần mầu nhiệm quá nhỉ! Thiêng liêng quá nhỉ!” – khi mọi người đương suýt xoa khấn khứa, bỗng trăm nghìn mắt như một, trông thấy hai năm rõ mười, cỗ quan tài rung động lên.
Bấy giờ, Vương Luân đã đứng sẵn bên quan tài. Chàng giả cách chết kia cũng lò dò ngồi dậy, giả vờ lù dù, trông trước, trông sau, mới bước từ quan tài ra, với một điệu bộ như người chết đi sống lại, rồi thuật lại chuyện với công chúng rằng: “Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mệnh cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế”. Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thành thần trong tam, tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng vì không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã, mà đến cả thiên, địa, quỷ, thần trong tam, tứ phủ cũng tiêu dùng đồ, thì nhiên là vàng mã phải đắt hàng. Chuyện này còn chép rõ ràng ở sách Trực Ngôn Cảnh Giáo.
Như thế, chúng ta nên thẳng thắng nhìn nhận rằng: “Bịa đặt ra tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ người Vương Luân. Người Trung Hoa đã bị cái bả mê tín vàng mã do Vương Luân đầu độc đến nay đã được 1847 năm (1052-1952). Dân tộc Việt Nam chúng ta mê tín cũng chẳng kém thế, nhưng vì trước đây, chúng ta bị họ đô hộ hơn 1.000 năm. Phong tục của người họ như thế nào, người mình cũng dập theo đúng khuôn khổ như vậy, bất luận hay, dở, phải, trái, tà, chính. Đó là do cái tính cẩu thả, phụ họa của người mình.
Nếu chúng ta đã thừa nhận tinh thần của dân tộc Việt Nam đều nhờ Phật giáo và Nho giáo đào tạo nên, vậy thì xin hỏi giới trí thức Việt Nam: hiện tại có ai tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần tôi xin thiết tha yêu cầu người Việt Nam ta bỏ tục vàng mã đi, và khuyên mọi người cùng bỏ tục ấy. Chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy.
(nguồn: hophap.net)

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp: Kết Luận

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp: Kết Luận

Kết Luận
bian_tienkiephaukiepNhà triết học nổi danh Schopenhauer đã có một suy nghĩ về số kiếp sinh vật khi ông bàn về vấn đề siêu hình của sự chết: “Nếu ta nghĩ lại một cách khách quan và vô tư rằng khi ta giết một sinh vật nào đó, hoặc là con chó, con chim, con ếch hay là một con côn trùng nhỏ nhoi… thì quả thật ta không thể nào tưởng tượng được sinh vật ấy mà trước đây đầy sinh lực và kỳ diệu đến thế bỗng nhiên lại bị giết đi một cách tức tưởi vì một hành động tàn ác dửng dưng hay xuẩn ngốc của ta và trước mắt ta hàng triệu sinh linh khác đủ cỡ đủ loại đầy sức sống và đầy ham muốn, chúng được sinh ra và trước khi sinh, không thể là một cái gì cả và từ không ấy lại khởi đầu mọi thứ. Như thế ta không thể không ngạc nhiên tự hỏi rằng: “cái gì biến đi và cái gì lại thay thế chúng khi ta mãi thấy chung quanh mình sinh vật này mất đi thì sinh vật khác xuất hiện cũng như phải thắc mắc về điều sinh vật ấy từ đâu đến nhất là những sinh vật cùng hình dạng, cùng đời sống và tập tính, chỉ khác ở thể chất mà thôi?”
Đại Đức Dhammananda đã có lần phát biểu như sau: “Nếu trong vũ trụ hay trong đời này chỉ có một kiếp sống độc nhất thì tại sao Thượng Đế nhân từ bác ái vô biên lại dửng dưng trước đau khổ trước sự sống chết, thọ yểu của con người. Tại sao lại có sự bất công vô lý khi người này mới ra đời đã chết còn người khác lại sống thọ? Hay người này bệnh hoạn khổ đau, nghèo nàn, còn người kia lại mạnh khỏe, giàu sang, hạnh phúc? Làm sao Ngài lại bất công đến như vậy được? Hay phải chăng tất cả đều có nguyên nhân và nguyên nhân đó có phải phát sinh từ những hành động xấu xa tội lỗi hoặc tốt lành của con người đã tạo ra hay không? Nói khác đi họ đã tạo nhân thì nhân sẽ phát sinh quả? Nếu thế thì những gì xảy ra trong cuộc đời người này hoặc người kia đều không phải do sự tình cờ ngẫu nhiên mà chính là do hậu quả của mọi hành động và sự bất đồng đều, bất tương xứng hay bất công trong cuộc sống giữa kẻ này, người kia, giữa người giàu, người nghèo, người sung sướng người đau khổ, người cô đơn, người hạnh phúc, người bệnh nan y tật nguyền người mạnh khỏe… đều do nghiệp báo, tái sinh mới giải thích được một cách hợp lý đối với sự bất công vô lý trong cuộc sống của mỗi con người mà thôi.”
Rõ ràng hiện tượng tái sinh đã mở ra cho con người chúng ta những cánh cửa mới khác để từ đó giúp ta hiểu rõ hơn về cuộc đời, về cuộc sống của con người và đặc biệt nhất là ngay chính bản thân mình về những gì từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai. Trong cuốn Life After Life của Raymond A. Moondy có một đoạn nói đến sự hiểu biết về sống chết, về Luân Hồi tái sinh đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống trong hiên tại của mỗi con người chúng ta. Dịch giả Hoàng Phi Lưu Hoàng Nguyên đã dịch lại đoạn ấy như sau: (trong Giai Phẩm Pháp Duyên Bộ mới số 3)
“Ảnh hưởng của kinh nghiệm túc lâm chung đối với đời họ dường như hiện ra dưới dạng những dạng tế nhị, thầm lặng hơn. Nhiều người cho tôi biết nhờ kinh nghiệm đó, đời họ trở thành sâu rộng hơn, họ trở nên trầm tư hơn và quan tâm nhiều đến những vấn đề triết lý cơ bản.
“Lúc đó trước khi lên học trường cao đẳng tôi sống tại một tỉnh nhỏ với những người trí óc hẹp hòi, những người mà dù muốn dù không tôi cũng từng cộng tác. Tôi là một thằng nhóc điển hình của hội học sinh trung học. Bạn sẽ không giống như thế, trừ phi bạn gia nhập hội chúng tôi.
Nhưng sau khi chuyện đó xảy ra, tôi muốn biết nhiều hơn nữa. Song lúc ấy tôi nghĩ chắc không ai biết rành chuyện này bởi lẽ tôi chưa ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình. Tôi nào biết chi về tâm lý học hoặc những gì tương tự. Tôi nào biết chi về tâm lý học hoặc những gì tương tự. Tôi chỉ biết đã cảm thấy bỗng chốc trở nên già dặn sau khi chết hụt, vì nó đã mở ngõ cho tôi cả một thế giới mới mà tôi đâu ngờ nó có thể hiện hữu. Tôi cứ mãi băn khoăn: “Quả có nhiều điều mình cần khám phá.” Nói cách khác, cuộc sống phong phú hơn là việc xem chiếu bóng tối thứ sáu và chơi đá banh. Tôi thấy có nhiều cái mình mù tịt. Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ: “Đâu là giới hạn của con người, của tâm thức?” Nó chỉ hé mở ngõ cho tôi thấy một thế giới mới mà thôi”
Có người lại nhận định:
“Từ đó, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những gì mình đã làm trong đời và những gì mình sẽ làm. Tôi tự mãn với quá khứ. Tôi không nghĩ là cõi đời có nợ tôi chi, vì tôi đã làm tất cả những điều mình muốn, tôi đã làm theo ý mình, và tôi hiện còn sống, còn có thể làm thêm nữa. Nhưng từ khi chết hụt, bỗng nhiên ngay sau lúc hồi sinh, tôi bắt đầu hỏi mình đã làm những điều trước kia từng làm vì chúng là điều thiện, hay vì chúng ích lợi cho tôi.
Xưa kia tôi phản ứng khi có sự xúc động, nay thì tôi suy nghĩ chậm rãi, kỹ lưỡng trước đã. Mọi việc dường như phải qua tâm trí tôi và được tiêu hóa cái đã.
Tôi cố gắng làm những việc có nhiều ý nghĩa hơn, điều này làm hôn tôi thoải mái hơn. Tôi có gắng không có thành kiến, tránh phê phán người khác. Tôi muốn làm những việc thiện chứ chẳng phải những việc ích kỷ. Và dường như tôi trở nên lịch lãm hơn. Tôi cảm thấy thế vì những gì đã xảy ra cho tôi, và những nơi tôi đã đến và những điều mình thấy trong cơn thập tử nhất sinh.”
Những người khác cho biết có sự thay đổi thái đô đối với cuộc sống dương trần mà họ đã trở lại. Chẳng hạn một bà đã nói thật đơn giản: “Nó làm đời tôi trở nên quý báu hơn nhiều đối với tôi.”
Người khác kể:
“Về phương diện nào đó, nó đã rất hữu ích trước khi bị cơn đứng tim, tôi quá quân rộn hoạch định tương lai cho lũ con và lo nghĩ chuyên đã qua, nên lỡ dịp vui sống những giây phút hiện tại. Giờ tôi có thái độ khác biệt nhiều.”
Nhiều người cho rằng việc trải qua kinh nghiệm chết sống đã thay đổi quan niệm của họ về tâm thức, về tầm quan trọng tương đối của thể xác đối với tinh thần. Đoạn văn sau đây của một bà từng xuất hồn trong cơn thập tử nhất sinh minh họa khá rõ ràng điều này:
“Lúc tôi ý thức về tâm hồn mình nhiều hơn về thể xác. Tâm hồn là phần quan trọng nhất, thay vì hình dáng của cơ thể. Thế mà trước đây, trong suốt cuộc đời, nó hoàn toàn ngược lại. Tôi đã chủ yếu chú trọng đến thân thể, còn cái gì đang lướt qua trí chỉ là những điều đang lướt qua, thế thôi.
Nhưng sau khi sự việc xảy ra tâm hồn tôi là cái đáng chú ý, hình hài là thứ yếu. Hình hài chỉ có cái vỏ để bọc tâm hồn. Có hay không có thể xác tôi cóc cần, điều đó không thành vấn đề vì mới thái độ hoàn toàn dửng dưng, tâm hồn tôi vẫn là cái quan trọng.”
Qua mấy trăm trang sách, tuy không đủ vào đâu so với vấn đề huyền vi rộng lớn vô cùng của hiện tượng được gọi là Luân Hồi, tái sinh, tiền kiếp, hậu kiếp nhưng một phần nào cũng giúp làm rõ nét những gì có liên quan đến vấn đề trọng đại của những kiếp người. Những kiếp người liên hệ nhân quả với nhau hay tổng quát hơn là sự Luân Hồi chuyển kiếp qua những đời sinh vật. Tuy nhiên có nhiều người đã nghĩ sai lạc về sự Luân Hồi chuyển kiếp. Chẳng hạn họ cho rằng ta cứ việc sát sinh càng nhiều càng tốt vì làm như thế là đã “hóa kiếp” cho các loài sinh vật. Đây là một sự hiểu lầm tai hại vì Luân Hồi được xem như một định luật tự nhiên, khi ta giết một con vật với ý nghĩ giúp hóa kiếp sớm cho nó thì chẳng khác nào hành động vặn kim đồng hồ hay xé từng xấp lịch cho thời gian, ngày tháng tới nhanh hơn.
Đã là sinh vật thì luôn luôn chịu ảnh hưởng của sự tái sinh mà nguyên do chính hành động, nó là nguyên lý tác động làm phát sinh sự Luân Hồi chuyển hóa tái sinh. Kinh Bhagavad Gita có câu:
“Nghiệp chính là lực sáng tạo, vì lực sáng tạo ấy mà vạn vật có được đời sống của chúng.”
Sự Luân Hồi tái sinh thật sự không do ai gây ra ngoài chính bản thân sinh vật. Tại sao tôi lại sinh ra, tôi lại phải chịu nhiều trong cõi đời, đau khổ, bệnh tật, rồi chết? Khi chết lại không phải là chấm dứt đời đời? Cái nguyên nhân sâu xa ấy có thể thấy được hoặc qua giấc ngủ thôi miên, qua giấc mộng, tự nhiên thấy được hoặc sâu xa hơn có thể suy diễn từ những gì mà con người đang gánh lấy. Đọc qua các chương chúng ta có được một số khái niêm sơ lược về những giải thích vì sao xon người lại phải khổ đau? Tại sao có người giàu người nghèo, tại sao có người trường thọ có người chết yểu, tại sao có kẻ tài hoa có người đần độn, tại sao có người hạnh phúc?… Đi xa hơn nữa ta còn suy đoán được một sự kiện thường gây thắc mắc từ biết bao đời nay. Như nguyên nhân nào kẻ làm ác đôi khi lại được sống lâu còn được giàm sang phú quý còn kẻ hiền lương, thường làm việc thiện đôi khi lại chịu cảnh oan trái, nghèo khổ, đắng cay? Tất cả mọi sự kiện xảy ra ở mỗi đời người đều có nguyên nhân. Nguyên nhân này quả thật vô cùng sâu xa và thuộc về quá khứ xa xăm hay gọi là tiền kiếp. Biết được cái nguyên nhân phát sinh ấy khiến ta suy đoán thêm rằng ngay trong cuộc sống hiện tại, mình phải sống và hành động thế nào để tạo nhân cho quả của đời sau (hậu kiếp). Nhân tốt thì quả tốt và ngược lại. Có những việc mà lúc sống, chúng ta đã hăng say mong chu toàn vì lo sợ cái chết đến sẽ làm ta không hoàn tất được. Nhưng khi ta đã hy vọng có cuộc sống mai sau thì điều này sẽ giúp ta tiếp tục đạt sở nguyện.
Luân Hồi là định luật tự nhiên, định luật này tác động lên mọi kiếp người nhưng kiếp người chuyển hóa tốt lành hạnh phúc, giàu sang hay nghèo hèn, bệnh tật hay mạnh khỏe đều có nguyên nhân và việc đinh số kiếp như thế rõ ràng là do chính ta. Định luật Luân Hồi cho thây có sự tự do của chính con người. Nếu con người biết mình khổ đau là do những hành động xấu xa tội lỗi của chính mình đã tạo ra từ tiền kiếp thì trong kiếp hiện tại ta có toàn quyền định đoạt phần nào số phận kế tiếp của mình.
Sự hiểu biết về định luật Luân Hồi nghiệp báo đã giúp con người tin tưởng và chịu đựng trong cuộc sống, cố gắng làm điều thiện, sẵn sàng quên mình và giúp đỡ người. Không còn tiếp nuối cho tuổi đời đi qua vì cuộc đời còn tiếp nối qua nhiều kiếp và con người có thể tạo được sự hạnh phúc tốt lành cho mình ở kiếp lại sinh.
Đoàn Văn Thông
- HẾT-

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp: Sự Tái Sinh Của Những Vị Hoá Thân

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp: Sự Tái Sinh Của Những Vị Hoá Thân

X- Sự Tái Sinh Của Những Vị Hóa Thân
bian_tienkiephaukiepSự tái sinh Luân Hồi được hiểu đơn giản là sự đầu thai lại và người Tây Tạng tin tưởng rằng có những vị cao tăng, những vị sư trưởng, khi chết thường có ý nguyện được tái sinh trở lại để giúp đỡ chúng sinh. Các vị Bồ Tát mặc dù đã thoát khỏi vòng Luân Hồi Nhân Quả nhưng họ vẫn muốn được đầu thai trở lại để hoàn tất ước nguyện cứu độ những kẻ còn chìm đắm trong mê mờ tối tăm ở cõi thế.
Danh từ Hóa Thân được dịch từ chữ Tulkus và được hiểu như đã nói trên. Thật ra từ Hóa Thân chỉ dùng cho những vị Bồ Tát còn muốn tái sinh trở lại. Nhiều sách vỡ đôi khi còn dịch chữ Hoá Thân qua từ Reincamation. Từ Reincamation chỉ sự đầu thai của tất cả những chúng sinh còn bị nghiệp quả Luân Hồi tác động. Trái lại từ Tulkus chỉ sự đầu thai trở lại theo ý muốn, vì những người đầu thai này thật sự đã thoát khỏi sự ràng buộc của Luân Hồi. Những vị này sau khi đã đầu thai rồi, họ vẫn ý thức được rõ ràng về tiền kiếp của mình và biết rằng mình tái sinh trở lại là để thực hiện một ý tưởng vị tha cao cả cho chúng sinh.
Theo các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng và nhất là những cuộc đời của Đức Đại Lai Lạt Ma Tây Tạng (mà chúng tôi may mắn đã có được một tài liệu giá trị của tác giả Phương Dung viết về đề tài này trên báo Hồn Việt và báo Việt Nam (1993) thì từ năm 1419 Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân khi Đại Sư Tsong Khapa qua đời. Vị này đã chỉ định sư Gedum Truppa thay thế mình. Chính vị sư này đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh trở lại để cứu độ chúng sinh và hoàn tất những gì mình chưa làm xong cũng như phát triển việc huấn luyện các tu sĩ phái Gelugpas thường được gọi là phái Mũ Vàng lúc đó đang gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Theo Đại Sư Gedun Truppa thì hóa thân trở lại trần gian, ông sẽ đầu thai trở lại qua các vị Đạt Lai Lạt Ma. Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, Đại sư đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hằng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt. Ngày sau cứ theo đó mà suy đoán. Sau khi Đại sư Gedun Truppa viên tịch được 2 năm, các đệ tử đã thăm dò, theo dõi, tìm kiếm khắp nơi những gì khả dĩ nói lên được sự tái sinh của Đại Sư.
Lúc bấy giờ ở một vùng kế cận Thủ Đô, có một bé trai mới 2 tuổi nhưng ăn nói và hiểu biết thông thạo như người lớn. Nghe được tin này, các đệ tử của Đại Sư đã tìm đến tiếp xúc. Họ thấy cậu bé trả lời những câu hỏi do họ đưa ra rất trôi chảy. Sau đó là cuộc thử thách, họ đặt những di vật của Đại Sư Gedun Truppa lẫn lộn với nhiều đồ vật khác của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé rồi hỏi như sau:
- Hãy cho biết những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?
Cậu bé nhìn tất cả các thứ rồi lựa chọn những di vật của Đại Sư Gedun Truppa để riêng ra một bên rồi nói:
- Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước.
Các đệ tử vô cùng kinh ngạc, một người nhớ lại bài kệ liền đưa cho cậu bé đọc thử. Không ngờ vào tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé lại đọc được cả bài kệ và còn giải thích luôn những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe.
Sau khi đã chắc chắn đó là vị Hóa Thân của Đại Sư Gedun Truppa. Các đệ tử đã rước cậu bé về tu viện và tôn lên làm Sư Trưởng với danh hiệu là Gedun Gyatso. Tại tu viện, cậu bé đã được huấn luyện rất kỷ về giáo lý quy luật và mọi thứ dành cho vị Sư Trưởng sau này. Gedun Gyatso rất thông minh, học một biết mười, có lần cậu bé thấy nhiều người trong tu viện kinh ngạc về trí thông minh của mình nên đã nói một câu như sau:
- Thế các người không biết ta chính là Đại Sư Gedun Truppa hay sao?
Về sau, cậu bé đã lớn lên trong tu viện cùng với các tài năng xuất chúng của mình. Lúc bấy giờ ông là một Sư trưởng nổi danh về tài đức, thông suốt mọi kinh điển Phật giáo và đã đi rao giảng, giúp đỡ mọi người từ những làng mạc xa xôi đến những nơi heo hút khiến mọi người dân ở Tây Tạng đều tôn sùng kính nể. Sư trưởng có nhiều ước nguyện trong vấn đề cứu độ chúng sanh. Nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu thì bệnh bất ngờ và qua đời. Trước khi tắt hơi, vị Sư trưởng này đã trăn trối lại mình sẽ tái sinh lần nữa để mong hoàn tất ý nguyện. Lần này, ông để lại một số di vật khác trước và một bài kệ mới để các đệ tử dùng trong việc tìm ra người mà Sư trưởng sẽ đầu thai vào. Không đầy một năm rưỡi sau, người ta phát hiện được một ngôi làng ở rất xa thủ đô có một cháu bé ra đời trong một gia đình nghèo. Bé này có những cử chỉ và lời nói rất lạ lùng. luôn luôn tỏ vẻ nôn nóng và yêu cầu về đến được chính tu viện để gặp mặt một số vị sư ở đó. Tu viện chính liền cử ba người đến ngôi làng ấy. Khi đi, họ đem theo các di vật của Sư trưởng cùng bài kệ. Trước lúc phái đoàn đến nhà một ngày, cháu bé đã báo cho gia đình biết là: “Ngày mai sẽ có khách quý đến thăm, hãy chuẩn bị trà nước đón khách”. Quả nhiên ngày hôm sau phái đoàn tu sĩ của tu viện chính đến, cháu bé đã nhận ra một người trong đoàn, đó là một vị sư già thường lo việc giao tiếp giữa các ngôi chùa, các tu viện, cháu bé đã hỏi thăm về tình hình ở tu viện cùng những việc mà lúc sinh tiền, Sư trưởng Gedun Gyatso đã biết qua. Các vị sư lại bày ra các di vật của sư trưởng chen lẫn với những thứ khác vào và yêu cầu cháu bé chọn ra hai đồ vật mà trước đây Sư trưởng Gedun Gyatso thường dùng và còn chỉ vào một vật thứ ba rồi bảo rằng:
- Vật này ta thường dùng hằng ngày. Nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo sứt mẻ.
Riêng bài kệ, cháu bé đọc song suốt và còn bảo rằng: “bài kệ ngày xưa vẫn còn lưu trữ tại tu viện chứ?”
Cháu bé được tôn vinh sau đó làm vị Đại Sư tên là Sonaw Gyatso. Đây là vị Đại Sư tài ba nỗi lạc còn hơn cả vị Sư trưởng trước. Điều này được các vị Trưởng Lão giải thích rằng: qua nhiều lần tái sinh và học hỏi, lần tái sinh sau bao giờ cũng đặc sắc hơn vì đây là một sự tiến hóa, trong đó có sự tiến hóa rõ ràng về kiến thức. Hơn nữa vì sự Hóa thân nên các vị này luôn luôn tu bồi thêm công quả và sự học hỏi của mình. Đại sư Sonaw Gyatso đã là người tạo sự giác ngộ lạ lùng cho danh tướng hung dữ Đại Hãn và cũng từ đó mà tướng Mông Cổ này đã phong Đại Sư làm Đạt Lai Lạt Ma và cầu mong Đại Sư bảo vệ và giáo hóa cho người Mông Cổ.
Năm 1588, Đại Sư Sonaw Gyatso qua đời, lần này vị Đại Sư căn dặn các đệ tử trước khi xuôi tay là mình sẽ lại tái sinh một lần nữa để cứu độ người Mông Cổ. Vị Đại Sư đã để lại một số di vật và một bài kệ ngắn để các đệ tử đối chiếu và tìm kiếm người hóa thân.
Đến khoảng năm 1593, các đệ tử mới tìm gặp một bé trai 5 tuổi có những điều rất phù hợp với cuộc thử nghiệm. Bé trai này được đưa về tu viện và phong danh hiệu là Yonsten Gyatso Tưởng nên biết rằng bé trai này gốc gác là cháu nội của Đại Hãn Mông Cổ Về sau, bé trai này trở thành Đạt Lai Lạt Ma và chính nhờ vị này mà nhân dân Mông Cổ trải qua được một thời đại vững bền, an cư lạc nghiệp.
Khi Yonsten Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 này qua đời, các đệ tử lại theo truyền thống như trình bày từ trước để tìm người kế vị. Đó là Hóa thân của chính Yonsten Gyatso. Đây là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 danh hiệu là Lobsang Gyatso. Trong đời ngài, cung điện Potala được xây dựng cùng với nhiều tu viện và đào tạo nhiều tu sĩ có nhiều khả năng từ đạo đức đến học vấn. Tây Tạng nhờ đó ngày càng phát triển mạnh về nhiều mặt. Các vị Đạt Lai Lạt Ma tuần tự nối tiếp theo phương thức Hóa thân đã cố gắng chăm sóc nhân dân và gìn giữ đất nước được độc lập lâu dài trong suốt mấy trăm năm.
Nhưng rồi tai họa lại xảy đến cho toàn dân vì Tây Tạng nằm bên áp lực của những nước lớn như Nga và Trung Cộng, ngoài ra còn chịu áp lực của những nước khác nữa. Lúc bấy giờ vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng là Thupten Gyatso đã tìm đủ mọi cách để chống đỡ đất nước nhưng càng ngày Tây Tạng càng bị ngoại bang nhòm ngó. Ngài biết trước thế nào đất nước ngài cũng gặp thảm họa nhưng ngài lại không thể sống thêm để cứu nguy dân tộc và đạo pháp. Sau khi ngài qua đời, Trung Cộng tung quân xâm lược, đàn áp người dân Tây Tạng và tìm cách triệt hạ tôn giáo.
Tục truyền rằng khi vị Đạt Lai Lạt Ma Thupten Gyatso qua đời, nhục thân ngài ở vị thế ngồi tĩnh tọa và được ướp xác theo phương pháp cổ truyền. Nhưng sau đó các tu sĩ thấy mặt ngài đã chuyển về hướng Đông Bắc. Vị sư già nhiều kinh nghiệm đã suy ra rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ hướng, nơi mà ngài lại tái sinh. Từ đó cuộc tìm kiếm vị Hóa thân của ngài được tiến hành. Phái đoàn lên đường nhắm hướng Đông Bắc mà đi. Trên đường họ thu thập thêm các sự kiện có liên hệ. Một hôm họ nghe đồn về một cháu độ 3 tuổi rất thông minh và thường nhắc đến các vị sư cũng như thích kinh điển. Phái đoàn đến ngôi nhà đó. Đây là một ngôi nhà xây bằng đất tọa lạc bên cạnh một cây cổ thụ sum xuê. Khi phái đoàn bước vào thì gặp cháu bé. Cháu bé rất vui mừng khi thấy các nhà sư vào nhà mình nên chạy vội đến mà ngồi lên đùi một vị trưởng lão hòa thượng vì vị này có đeo một chuỗi hạt rất đẹp vị sư hỏi:
- Tên ngươi là gì?
Cháu bé đáp:
- Tôi là Lhamo
Vị sư lại chỉ một nhà sư đứng bên cạnh và hỏi:
- Đây là ai?
Cháu bé đáp:
- Đây là Lạt Ma Scra.
Phái đoàn đã biết được một phần nào kết quả khi trắc nghiệm cháu bé Lhamo, nhưng họ còn phải tìm hiểu thêm nữa trước khi quyết định tháp tùng Lhamo về tu viện. Lần sau họ đưa ra một số xâu chuỗi khác nhau và yêu cầu Lhamo phân biệt thử xâu chuỗi nào là của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 thường dùng. Lhamo liền bước đến dùng xâu chuỗi không đúng của Đạt Lai Lạt Ma ra và chỉ giữ lại xâu chuỗi của ngài đã dùng trước đây. Các vị tu sĩ đều kinh ngạc vì quả thật xâu chuỗi đó chính là xâu chuỗi của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Các cuộc trắc nghiệm kế tiếp đều được Lhamo làm đúng hoàn toàn. Do đó phái đoàn quyết định đưa Lhamo về kinh đô. Mặc dầu đường sá khó khăn lại thêm quân đội Trung Cộng gây cản trở nhưng cuối cùng phái đoàn cũng đưa được Lhamo về cung điện Potala. Đến năm gần 5 tuổi. Bé Lhamo chính thức được tôn vinh là Đạt Lai Lạt Ma lần thứ 14. Trong suốt 20 năm, vị phật sống này phải được huấn luyện về mọi mặt. Tuy nhỏ tuổi nhưng ngài phải vượt qua nhiều thử thách cam go về giờ giấc, học hành, và nhất là thực hành các pháp môn và giáo lý Phật giáo… Trong khi đó, tình hình chính trị không yên. Trung Cộng tìm đủ mọi cách để gây hấn vì thế năm 1959 Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã phải trong đêm khuya trốn khỏi điện Potala để vượt biên giới để lánh nạn ở Ấn Độ. Trên đây là những giai đoạn Hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng. Thật sự thì sự hóa thân được xem như khởi đầu từ Đại Sư Gedun Truppa trở đi.
Khi một vị Đạt Lai Lạt Ma qua đời, vị này thường có được ước nguyện tái sinh trở lại, việc đi tìm cho đúng ai là người Hóa thân của những vị này là cả một vấn đề rất khó khăn. Đôi khi phải mất 3, 4 năm hay hơn mới tìm ra được vị hóa thân. Vì thế mỗi khi một vị lãnh đạo tôn giáo cao cấp của Tây Tạng qua đời thì họ sẽ đầu thai trở lại.
Mới đây các vị sư Tây Tạng trú tại Ấn đã lưu ý đến trường hợp một cậu bé 5 tuổi tên là Simon cậu bé này có lời nói và cử chỉ rất lạ lùng. Khi gặp tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel, 62 tuổi( viện trưởng của trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở San Dioge) cậu bé đã bước tới nói một câu rất tự nhiên:
- À! Tôi biết ông nhưng có lẽ ông không nhận ra tôi?! Chính tôi là người mà ông thường ở kề cận.
Lúc đầu tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel cứ tưởng cậu bé tập nói theo kiểu người lớn nhưng khi ông này cuối xuống nhìn vào mắt cậu bé Simon và hỏi lại một câu rằng: “vừa rồi Simon đã nói gì?” thì bé vẫn trả lời: “tôi biết ông!” vừa nói Simon vừa đưa tay mân mê chiếc còng của tu sĩ Geshe tỏ vẻ thân mật vô cùng.
Vị tu sĩ này sau đó, trở lại hỏi người trong gia đình này về trường hợp của bé Simon thì được cha mẹ Simon cho biết thêm chi tiết như sau:
Bé Simon rất khác thường nếu so sánh với các trẻ con khác, suốt ngày Simon chỉ ngắm trời mây, đi dạo trong nhà hay trong sân. Ít thích chơi đùa nghịch ngợm, thường tư lự như một người đứng tuổi. Mới đây Simon lại có các biểu hiện lạ lùng như tự nhiên nói những lòi tiên tri. Có lần Simon khuyến cáo trong nhà không nên nghe lời người hàng xóm để đi xa thì thật sư nơi đó chẳng có gì. Lần khác Simon bảo người cha nên ở nhà trong một ngày mà Simon bảo ngày ấy là rất xấu cho ông. Quả hôm đó chỗ ông định tới lại bị lụt lớn, gãy cầu, nếu ông đi sẽ bị kẹt lại đó một thời gian.
Cậu bé Simon sinh tại California Hoa Kỳ và đã tình cờ gặp tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel khi vị này đến thăm Victoville thuộc vùng sa mạc Nam Cali. Sau khi thấy ở bé Simon những biểu hiện lạ lùng, vị tu sĩ này trở về và hôm sau nằm mộng thấy vị thầy của mình thuở trước. Đó là Lạt Ma Lobsang Phakpa, người đã viên tịch tại Trung Quốc vào đầu thập niên 1950, trong giấc mơ, vị Lạt Ma này như có điều gì nhắn gởi với tu sĩ Geshe Lobsang Tsepel. Khi vị tu sĩ giật mình thức dậy, ông tự nhiên có ý nghĩ rằng có lẽ bà Simon là Hóa thân của Lạt Ma Lobsang Phakpa chăng vì ngày xưa tu sĩ Geshe Lobsang thường sống gần gũi bên vị Lạt Ma này và vị này mỗi khi nói điều gì cũng thường hay lấy tay sờ hay ấn vào cằm tu sĩ Geshe Lobsang giống như bé Simon đã làm. Sau đó, tu sĩ này đã viết một bức thư đầy đủ chi tiết gởi về Ấn Độ để thỉnh ý quý vị lãnh đạo tu viện cũ có liên hệ với Lạt Ma Lobsang Phakpa.
Sau một thời gian tìm hiểu, trắc nghiệm, quý vị trong ban lãnh đạo tu viện đã quyết định gởi bé Simon qua Ấn để tìm hiểu thêm và nếu quả thật thì bé Simon sẽ được giáo dục theo phương pháp và chương trình giáo dục của tu viện Tây Tạng.
Cũng cần biết thêm là trước đó vài năm, tại Tây Ban Nha người ta cũng phát hiện được một cháu bé được nghi ngờ là một Hóa thân của một vị Lạt Ma. Và năm 1992 người ta cũng phát hiện được một bé trai có cử chỉ và lời nói hoàn toàn giống Đức Phó Tăng Thống Tây Tạng. Sau đó Đạt Lai Lạt Ma đã đồng ý gởi bé qua Ấn Độ tìm hiểu thêm đó có phải là một Hóa thân của vị Tăng Thống ấy không.