Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Nguyên Lý ÂM DƯƠNG Trong KHÍ CÔNG

Nguyên Lý ÂM DƯƠNG Trong KHÍ CÔNG

NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG TRONG KHÍ CÔNG
::: Ngũ Lang :::
KHÍ CÔNG là một sản phẩm tổng hợp của 2 nền văn hóa lớn ở Đông Phương là Ấn Độ và Trung Hoa.
Khí Công nhằm mục tiêu giúp cho người tập luyện nó:
- ngừa được bệnh tật nếu chưa có bệnh;
- chữa tận gốc bệnh tật nếu bị bệnh;
- làm chậm phát sanh những hiện tượng trong tiến trình lão hoá của con người như da nhăn, mắt mờ, tai yếu, phản ứng chậm chạp, đi đứng khó khăn v.v..
Để đạt được những mục tiêu hết sức khó khăn nói trên, Khí Công dựa trên nguyên tắc cơ bản:
Đưa vào cơ thể, bằng một kỹ thuật đặc biệt, một chất quý nhất trong vũ trụ là khí PRANA để tạo nên sự thăng bằng ÂM, DƯƠNG trong con người. Khi Âm, Dương – 2 dạng năng lượng trong con người – được thăng bằng thì mọi cơ phận, mọi chức năng hoạt động hài hoà và con người được khoẻ mạnh.
Theo Y học Đông Phương, con người bị bệnh là vì 2 năng lượng Âm, Dương trong con người vì một nguyên nhân nào đó mất quân bình hay là mất thăng bằng, Dương trội hơn Âm, hay Âm trội hơn Dương.
Chữa bệnh tận gốc là dùng phương cách nào đó tái lập sự thăng bằng Âm, Dương cho con người.
Trong chiều hướng trị liệu nầy, Đông Phương (Ấn Độ và Trung Hoa) đưa ra nhiều phương cách, uống thuốc, châm cứu, tập luyện. Qua kết quả thực tế, có 3 pháp môn tỏ ra có giá trị trị liệu cao nhất. Đó là Khí Công, Dịch Cân Kinh, Thái Cực Quyền (Tai Chi)
Sau đây chúng ta khảo sát sâu thêm về Âm, Dương để xem 2 dạng năng lượng nầy là gì, sự quan trọng của nó đối với con người, tại sao sự thăng bằng Âm, Dương mang lại sức khoẻ.
I- ÂM, DƯƠNG DƯỚI CÁI NHÌN TÂY PHƯƠNG.
Thông thường, người ta có định kiến ý niệm Âm, Dương là sản phẩm riêng biệt của triết học Đông Phương, Tây Phương không chấp nhận tư tưởng nầy. Đây là một cái nhìn phiến diện. Chúng ta hãy đi vào Vũ Trụ Luận (sự hình thành và biến hoá) của Tây Phương để xem các học giả Tây Phương nghĩ gì về Âm, Dương.
Theo một giả thuyết đưa ra cách dây trên 30 năm, hiện nay được đa số nhà bác học chấp nhận thì vũ trụ hiện tại thoát thai từ một vụ nổ lớn (Big Bang) đã xảy ra cách đây 15 tỷ năm. Con số này là do sự tính toán của các tác giả của giả thuyết, người tiên khởi là nhà bác học Georges Lemaître, người Bỉ.
Trước vụ nổ lớn, không có vũ trụ, tất nhiên là không có không gian, thời gian, không có gì hết, chỉ có cái KHÔNG tuyệt đối (Néant, theo Pháp; Nothingness theo Anh, Mỹ). Không rõ vì một nguyên nhân nào, một tiếng nổ lớn xảy ra trong cái hư vô cách đây 15 tỷ năm. Ngay sau tiếng nổ, gọi là khoảnh khắc O, ở một điểm nhỏ hơn đầu mũi kim, bỗng nhiên xuất hiện một đợt sóng năng lượng khổng lồ. Vài phần tỷ giây sau O, xuất hiện một vũ trụ rất mới, cực kỳ nhỏ, với tỷ trọng cao hơn hàng tỷ lần tỷ trọng của chì và nhiệt độ vượt qua 100 tỷ độ. Một giây sau vụ nổ, nhiệt độ hạ xuống 6 tỷ độ và vũ trụ mới ra đời bắt đầu dãn nở ra vô tận. Vũ trụ nầy không ngừng to lên, lạnh đi và loãng ra nhiều từ điểm xuất phát.
Theo nhà Vật lý Steven Weinbert (giải Nobel Vật Lý 1979) thì 1/10 giây sau vụ nổ, xuất hiện phôi vật chất đầu tiên là các hạt Proton, nhân của nguyên tử khinh khí. Xuất hiện tiếp theo là các hạt cơ bản mọi loại. Khi hạt Proton tích điện Dương gặp hạt Electron tích điện Âm, một cái lực đẩy 2 hạt cơ bản này kết hợp lại. Lực nầy gọi là Lực Điện Từ (force électro-magnétique) do ai tạo ra còn là một bí ẩn, kết hợp 2 hạt tích điện một Âm, một Dương để tạo nên một vật thể gọi là Nguyên Tử (Atome). Nguyên tử đầu tiên là nguyên tử khinh khí. Theo khoa học Tây Phương thì nguyên tử là viên gạch của vật chất vì nhiều nguyên tử phối hợp lại thành Phân Tử (motécule) và từ Phân Tử mới có Tế Bào Phôi của sự sống để đi đến mức cuối cùng của chu kỳ sinh hoá là sự xuất hiện con người với Thể Xác và Trí Tuệ.
Từ lúc khoa học nguyên tử ra đời ở Tây Phương, chúng ta thấy có 2 tư tưởng căn bản trong Vũ Trụ Luận:
- Sự hiện diện của 2 năng lượng gọi là Âm và Dương trong nội tại của Nguyên Tử tức là trong nội tại của bất kỳ vật thể nào trong vũ trụ hiện tại trong đó có con người.
- Sự thăng bằng Âm, Đương nội tại là điều kiện cần thiết để cho vật thể tồn tại và biến chuyển.
Như thế dù Tây Phương không hệ thống hoá Âm Dương thành một học thuyết ứng dụng trong nhiều lãnh vực của đời sống con người như ở Đông Phương, vật lý nguyên tử cho người ta thấy Âm, Dương là 2 năng lượng căn bản trong vũ trụ.
II- ÂM, DƯƠNG DƯỚI CÁI NHÌN ĐÔNG PHƯƠNG
Ở Đông Phương, Vũ Trụ Luận căn cứ trên kinh DỊCH. Tương truyền kinh DỊCH do vua Phục Hy làm ra vào thời đại chưa làm ra chữ, cách đây khoảng trên 4000 năm. Vua Phục Hy trên nhìn thiên văn tinh tú, dưới quan sát muôn vật đã nhận thấy ở bất kỳ nơi đâu từ vật chất cấu tạo đời sống đến đời sống có một sự biến đổi thường trực. Tác nhân gây ra sự biến đổi nằm trong nội tại của sự vật. Đó là 2 động thể đối chọi nhau mà khi hợp lại gây ra biến đổi, được vua Phục Hy gọi là Âm và Dương, căn cứ vào đặc tánh của mỗi động thể như nóng và lạnh, cứng và mềm v.v… Vua Phục Hy đưa ra một thuyết về sự hình thành và biến hoá của vạn vật trong vũ trụ gọi là DỊCH, nghĩa đen là biến đổi.
Theo quan niệm DỊCH thì nguyên thủy của mọi nguyên thủy là vô cực, tức là hư vô – không có gì hết. Vô cực của DỊCH đúng là NÉANT của Tây Phương. Vô cực sinh THÁI CỰC. Trong khi Tây Phương đưa ra thuyết tiếng nổ lớn tức là một hình thức biến chuyển từ KHÔNG tới CÓ, thì Đông Phương dùng chữ SINH đồng nghĩa với sự biến chuyển từ không tới có nhưng không nói rõ hình thức biến chuyển như Tây Phương.
Thái cực là một khối hỗn độn không rõ được bản chất và đặc tính trong đó chứa sẵn 2 động thể tương phản mệnh danh là khí Âm và khí Dương. Nếu so sánh khái niệm Thái Cực với sự xuất hiện của vũ trụ vài phần tỷ giây sau tiếng nổ trong học thuyết Big Bang thì người ta có thể nói đây chỉ có một biến cố và danh từ sử dụng khác nhau ở Tây Phương và Đông Phương.
Một sự trùng hợp lý thú khi Steven Weinberg nói rằng phôi vật chất đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ là hạt Proton, vật nhỏ nhất và đơn giản nhất. Còn Đông Phương quan niệm Thái Cực còn gọi là Đạo là cái gì đồng nhất trong vũ trụ từ lúc chưa sinh hoá, từ lúc còn là vật nhỏ cuối cùng của vật chất.
Khi so sánh tư tưởng của Đông Phương và Tây Phương về sự ra đời và biến hoá của vũ trụ, người ta có thể khẳng định Đông cũng như Tây đều xem căn bản của vạn vật trong vũ trụ là 2 dạng năng lượng với tánh chất tương phản là Âm và Dương.
Theo kinh DỊCH, 2 khí Âm và Dương kết hợp nhau để sinh hoá mãi mãi tạo ra vạn vật.
Tiến trình sinh hoá khởi đầu với sự ra đời 4 bộ mặt gọi là TỨ TƯỢNG (hình dung bằng bốn mùa)
Tứ Tượng nhờ ảnh hưởng không ngừng của Âm và Dương sinh thêm 8 hiện tượng mới là:
- Kiền hay Càn chỉ Trời
- Khôn chỉ Đất
- Chấn chỉ Sấm sét
- Tốn chỉ Gió
- Ly chỉ Lửa
- Cấn chỉ Núi
- Đoài chỉ Đồng cỏ
Tám hiện tượng này gọi là BÁT QUÁI, là 8 hình dạng khác nhau của vũ trụ.
Chất của vũ trụ được thoát sinh ra từ Bát Quái do Âm, Dương làm động lực gồm 5 loại gọi là NGŨ HÀNH : Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ.
Năm HÀNH nầy tương sinh và tương khắc trong một chu kỳ khép kín gọi là QUY LUẬT.
- Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim
- Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, Hoả khắc Kim.
Quan niệm về Sinh, Khắc của 7 yếu tố Âm, Dương và Ngũ Hành là định luật chung của vạn vật trong không gian và thời gian và đó là nguyên tắc căn bản của đạo DỊCH.
Từ vạn vật, cổ nhân cho rằng con người được hình thành là do sự kết hợp của 2 khí Âm, Dương được cụ thể hoá là đàn bà và đàn ông và 5 chất Ngũ Hành.
Vì thế con người được xem là một Tiểu Vũ Trụ, được hình thành và biến hoá theo quy luật Sinh, Khắc của Âm, Dương và Ngũ Hành đối với vạn vật trong Đại Vũ Trụ.
Đại Vũ Trụ sinh động nhờ Âm, Dương, Tứ Tượng, Bát Quái, Ngũ Hành thì con người cũng biến dịch y như thế. Vì đồng chất và đồng biến nên giữa con người và vạn vật có mối tương ứng mật thiết. Đó là tinh lý của thuyết “Thiên Nhân tương dữ” hay là thuyết “Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể”.
III- CON NGƯỜI VÀ TÁC ĐỘNG ÂM – DƯƠNG.
Nguyên lý của Khí Công là mang lại sự thăng bằng Âm, Dương trong con người để được khoẻ mạnh. Chúng ta cần tìm hiểu xem Âm, Dương trong con người nằm ở đâu và tác động lẫn nhau cách nào.
Con người là sự hợp thành của 2 thể với bản chất và tánh chất riêng biệt:
- Một là THÂN (xác thân) : là thể Vật Chất.
- Hai là TÂM (tâm thức): là thể Phi Vật Chất.
Hai thể này có đặc tánh vừa đối lập nhau vừa bổ túc nhau và sự thăng bằng của 2 thể giúp cho con người tồn tại và sống khoẻ mạnh. Như thế, ta có thể xem THÂN và TÂM là 2 dạng năng lượng ÂM và DƯƠNG trong đó THÂN là ÂM và TÂM là DƯƠNG. Sở dĩ chúng tôi gọi Thân là Âm vì khi con người chết, thể xác trở nên lạnh cứng. Trong phân loại Âm, Dương: nóng là Dương, lạnh là Âm.
Sự thăng bằng giữ Thân và Tâm để có sức khoẻ là một hiện tượng mà y học Đông Phương đã công nhận từ ngàn xưa. Ở Tây Phương, y học hiện đại khi công nhận có những bệnh gọi là Thân Tâm bệnh (maladies psycho-somatiques) đã mặc nhiên công nhận tác động hổ tương của Thân và Tâm trong vấn đề sức khoẻ.
1- Âm, Dương của Tâm:
Tâm thức con người bao gồm tánh tình, động thái, cảm xúc, trí nhớ, hoạt động trí tuệ. Mỗi lãnh vực tâm thức đều có Âm, Dương ở trong như vui-buồn, cứng cỏi – mềm yếu, cương quyết – nhu nhược, năng động – thờ ơ, nhớ lâu – mau quên, thông minh – u tối v.v…
Sự thăng bằng Âm, Dương của Tâm là tổng hợp thăng bằng Âm, Dương của toàn thể hợp phần trong Tâm. Trong tình trạng thăng bằng có những yếu tố sau đây. Nếu không chế ngự được, sẽ làm mất đi thăng bằng Âm Dương của Tâm:
- Sự lo sợ
- Buồn rầu, hờn giận
- Dục vọng
- Lòng tham
- Tư tưởng ác độc
- Hận thù
- Sự ganh ghét
Những yếu tố này gần giống như Lục dục, Thất tình trong giáo lý nhà Phật tác động lên Tâm như một chất độc đối với cơ thể. Làm cho Tâm bị “nhiễm độc”, mất đi sự thanh tịnh, từ đó gây ảnh hưởng xấu lên Thân.
Đây là nguồn gốc của những căn bệnh xảy ra do rối loạn chức năng như cao huyết áp, suy nhược thần kinh v.v…
2- Âm, Dương của Thân:
Theo Đông Y, trong cơ thể có 2 yếu tố quan trọng nhất chi phối sức khoẻ là KHÍ và HUYẾT.
Khí, huyết chỉ mang lại sức khoẻ khi được lưu thông điều hoà. Mọi sự tắc nghẽn trong lưu thông của Khí hoặc Huyết đều dẫn đến một căn bệnh.
Về HUYẾT, thể hữu hình thì ai cũng đều biết tính chất, công dụng nên không bàn thêm. Ở đây, chúng ta khảo sát KHÍ, một thể vô hình để biết KHÍ là gì, ở đâu ra, đường di chuyển trong cơ thể, công dụng của nó đối với sức khoẻ.
Theo Đông Y, vạn vật sinh hoá được là nhờ KHÍ . “Sinh hoá chi đạo, dĩ khí vi bản”. Trong con người, khí luôn luôn lưu thông khắp cơ thể, có đường lối nhất định, có trật tự thời gian nhất định, có chu kỳ nhất định, xuất nhập thăng giáng, hết lại bắt đầu, như vòng không nối. Khí dẫn Huyết để nuôi các bộ phận trong cơ thể, bảo toàn sinh mệnh. Khi nói Khí dẫn Huyết thì người học Đông Y phải xem đây là một định đề (postulatum) cực kỳ quan trọng, phải chấp nhận mà không đòi hỏi sự chứng minh bằng phương pháp duy lý.
Cái sức lực vô hình cực kỳ quan trọng cho sự sống nầy ở đâu mà ra?
Ở đây chúng ta phải nhờ ánh sáng khoa học Tây Phương chiếu rọi vào. Khoa học Tây Phương cho rằng chữ KHÍ của Đông Phương là một loại năng lượng tổng hợp do các tế bào, các tổ chức của cơ thể con người sản sinh ra một cách thường xuyên. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nói rõ hơn: KHÍ là năng lượng do Dưỡng Khí (oxygène) đốt tinh hoa dinh dưỡng tại tế bào sinh ra và có nhiều loại năng lượng: năng lượng nhiệt (nhiệt độ), năng lượng vận động (cơ năng), năng lượng điện (điện năng) v.v…
Theo Đông Y, con người sống được là nhờ năng lượng của KHÍ, thiếu nó con người sẽ chết. Dạng thức căn bản của KHÍ là THẦN KHÍ.
THẦN là nguyên lý tối cao, điều tiết mọi hoạt động của cơ thể: Thần lực, Thần sắc, Thần quang v.v… Đông Y cho rằng con người là một chỉnh thể hữu cơ có sự chỉ huy tập trung và thống nhất. Động lực chỉ huy là THẦN. Công cụ mà THẦN vận dụng để chỉ huy mọi hoạt động sinh lý là KHÍ . Khí chu lưu thường trực trong cơ thể theo một hệ thống đặc biệt goị là HỆ KINH LẠC.
KINH là đường chính đi dọc cơ thể. LẠC là đường ngang, những nhánh từ Kinh rẽ ra, nối các Kinh lại với nhau và với tạng phủ. KINH ăn sâu dưới da. LẠC ở cạn dưới da, đem KHÍ chu lưu khắp cơ thể vì HỆ KINH LẠC bên trong liên hệ với các tạng phủ; bên ngoài bao quát khắp đầu mình chân tay là cho cơ thể con người là một khối thống nhất.
Khi KHÍ, HUYẾT lưu thông điều hoà, không có nơi nào bị nghẽn thì Âm, Dương trong cơ thể được thăng bằng. Hậu quả của sự thăng bằng nầy là thể xác khoẻ mạnh.
IV- VAI TRÒ CỦA KHÍ CÔNG ĐỐI VỚI SỨC KHOẺ
Bằng một kỹ thuật đặc biệt, người tập Khí Công đem vào cơ thể nhờ hệ Kinh Lạc một loại khí quý nhất trong vũ trụ, tiếng Phạn gọi là PRANA.
Khí PRANA vào cơ thể tăng cường LỰC cho luồng khí sẵn có thường trực tại đây. Vì một lý do nào đó, Khí trong con người yếu đi không lưu thông điều hoà tạo nên những điểm tắc nghẽn trong hệ Kinh Lạc. Điểm tắc nghẽn càng nhiều, càng lớn, bệnh càng trầm trọng vì Khí tắc nghẽn kéo theo Huyết tắc nghẽn. Nhờ PRANA tăng lực, luồng Khí trong cơ thể đủ sức khai thông những điểm tắc nghẽn. Luồng Khí chu lưu thông suốt, Huyết chu lưu thông suốt theo. Đó là công dụng ngừa bệnh và chữa bệnh của KHÍ CÔNG.
Riêng về khả năng của Khí Công làm chậm tiến trình lão hoá, một lần nữa chúng ta phải nhờ ánh sáng của Y học Tây Phương.
Theo Tây Y, trong con người có những Tuyến Nội Tiết (glandes endocrines) chỉ đạo hoạt động của mọi cơ phận trong thân. Có nhiều tuyến nội tiết, nhưng có 7 tuyến đóng vai trò chính yếu mà quan trọng nhất trong các tuyến đó là tuyến YÊN (glande hypophyse) nằm về phía sau trong vỏ não. Khi con người còn trẻ và khoẻ mạnh, các tuyến nội tiết hoạt động điều hoà, tiết ra những chất gọi là KÍCH THÍCH TỐ (hormones). Các chất nầy thúc đầy và kiểm soát hoạt động mọi cơ phận trong thân người. Tuyến YÊN đóng vai trò “nhạc trưởng” vì nó tiết ra kích thích tố thúc đẩy các tuyến khác hoạt động điều hoà. Trong những kích thích tố của tuyến YÊN, có một chất gọi là Kích Thích Tố Tăng Trưởng, có vai trò hết sức quan trọng trong chức năng giữ cho cơ thể được trẻ trung. Bắt đầu 50 tuổi, tuyến YÊN hoạt động yếu đi, không còn cung cấp kích thích tố tăng trưởng đầy đủ, cần thiết như thời trẻ. Tiến trình lão hoá bắt đầu vào độ tuổi 40 (tùy thể trạng của mỗi người, tiến trình này diễn ra sớm hơn hay chậm hơn) diễn ra nhanh hơn khi cơ thể thiếu kích thích tố tăng trưởng. Hậu quả của sự thiếu nầy là bên trong, sự thay thế các tế bào chết không còn đầy đủ như thời trẻ. Bên ngoài những dấu hiệu lão hoá hiện ra: da nhăn, mắt mờ, tai kém v.v… Trong tình trạng nầy, nếu suy luận hợp lý thì cung cấp cho cơ thể kích thích tố tăng trưởng nhân tạo như thời trẻ thì con người giữ được trẻ. Rất tiếc là Bà Mẹ Thiên Nhiên không chấp nhận như thế. Kích Thích Tố nhân tạo vào cơ thể mang lại hại nhiều hơn lợi, có khi đưa tới tử vong.
Giải pháp hợp lý cho vấn đề trẻ hoá phải phù hợp với thiên nhiên. KHÍ CÔNG đã đáp ứng được những ràng buộc đó vì Khí Công đưa vào Hệ Kinh Lạc khí PRANA có khả năng làm quân bình Âm, Dương toàn thân. Khi Âm, Dương cơ thể quân bình thì mọi cơ phận trong đó có tuyến YÊN hoạt động điều hoà trở lại gần như thời trẻ.
Chúng ta phải hiểu ý nghĩa tương đối trong khả năng trẻ hoá của môn Khí Công. Một người 70 tuổi tập Khí Công không thể trở lại hình dáng lúc 40 tuổi. Thường trông người đó trẻ hơn tuổi thật độ 10 tuổi. Bấy nhiêu đó cũng là quý lắm rồi. Thật ra, sự trẻ nằm trong những điểm khác quý hơn trẻ trong hình dáng. Đó là những người tập Khí Công thành công đạt được những điểm quý báu sau đây so với tuổi thật:
- Ít bị những bệnh thông thường của người già hành hạ như phong thấp, bệnh lẫn (Alzheimer) v.v…
- Mắt sáng
- Tai thính
- Âm thanh giọng nói trong trẻo
- Đầu óc minh mẫn
- Phản ứng linh hoạt.
Giá trị trẻ hoá của Khí Công nằm ở các điểm trên và ngay trong thời đaị quá thiên về vật chất, Khí Công vẫn được xem là một trong những pháp môn quý báu của Đông Phương nói riêng và của loài người nói chung.
Bài viết này nhằm mục đích giúp cho những người muốn học Khí Công biết tiền nhân dựa trên lý thuyết căn bản nào đã sáng tác ra nó để có đức tin mạnh mẽ vào một môn mà mình sẽ bỏ công sức luyện tập.
Ngoài đức tin, người tập Khí Công phải có quyết tâm sắt đá tập đến nơi đến chốn, có đức kiên nhẫn vượt bực, chấp nhận những khó khăn lúc ban đầu và tập thật đúng theo lời dạy của người nào may mắn được học qua môn Khí Công chân truyền nầy. Khi đáp ứng được những đòi hỏi nêu trên, người tập luyện sẽ hưởng được thành quả kỳ diệu của Khí Công về sức khoẻ và duy trì lâu dài tuổi trẻ.
Hải ngoại, ngày 25-7-1997
NGŨ LANG
NGŨ LANG là một trong những bút hiệu của Đại Tá Lê Quang Nhơn,  xuất thân khóa 2 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức   (tức là trường BB Thủ Đức sau nầy ) Từng là Chỉ Huy Trưởng đơn vị 101 Tình Báo Chiến Lược và Chỉ huy phó Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Đơn vị cuối cùng là Chánh Sở 1 An Ninh Quân Đội, Đà Nẵng. Sau khi gia đình đã được di tản qua Mỹ vào ngày 20 tháng 4, 1975 , Ông đã ở lại chiến đấu đến năm 1979 bị VC bắt và kêu án Tử Hình…
Ngoài những bài viết về Chính Trị, ông còn viết những bài biên khảo về Y Học .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét