Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

TIN ĐỒN: ĐẤT HÀ NÔI ĐÃ LOẠN

Hà Nội loạn giá đất vì tin đồn
Thị trường bất động sản Hà Nội đang "dậy sóng" ở một số nơi do những tin đồn được giới đầu cơ bất động sản tung ra nhằm "làm giá"...

"Sốt giá" do chuyện di dời...

Một tuần trở lại đây, giá đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tăng vùn vụt và khách khảo giá kéo đến ùn ùn. Tại các xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú, giá đất đang được hét tới mức 7-10 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái, thậm chí có nơi còn lên đến 25-30 triệu đồng/m2. Tuy giá tăng, lượng người đến tìm hiểu đông, nhưng lượng giao dịch thành công rất ít.

Trên thực tế, việc giá đất tăng đột biến chỉ bắt đầu khi có thông tin 12 trường đại học, cao đẳng, 25 bệnh viện và 13 viện nghiên cứu có kế hoạch di dời từ nội đô về các huyện ngoại thành Hà Nội là Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh và một số tỉnh lân cận. Theo đó, ở Sóc Sơn rộ lên tin đồn sẽ có 6 trường đại học di dời về. Chỉ vài ngày sau khi có thông tin này, giá đất ở nhiều khu vực tại huyện Sóc Sơn đã đột ngột tăng giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc một dự án bất động sản ở Sóc Sơn cho biết, huyện này đang có một số dự án bất động sản rất tốt, giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 mà vẫn bán chật vật.



"Không có lý gì mà đất nằm trong làng, hạ tầng kém lại sốt và cao giá hơn các khu đô thị hiện đại này. Tất cả là do giới đầu cơ, cò đất đã tung tin nhằm "làm giá" bất động sản ở Sóc Sơn. Người mua nên cẩn thận vì mua thì dễ mà bán thì cực khó", ông Nguyễn Mạnh Hải cảnh báo.

Tăng giá "đón đầu" quy hoạch

Vào giữa tháng 2/2011, có thông tin không chính thức lan truyền trên Internet rằng, tháng 3/2011, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được phê duyệt và trụ sở của nhiều bộ, ngành sẽ được chuyển về Mỹ Đình.

Thông tin này đã khiến giá đất khu vực này đột ngột tăng lên, nhất là đất tại khu vực đường Trần Thái Tông, nối từ đường Cầu Giấy sang đường Phạm Hùng. Giá đất mặt đường tại đây đang được báo giá với mức 400 triệu đồng/m2, cao hơn cuối năm 2010 từ 100 đến 150 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là, cũng giống Sóc Sơn, ở thời điểm này, tại Mỹ Đình không ghi nhận nhiều giao dịch thành công.

Theo nhận định của chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã xác định hướng phát triển về phía Tây, trong đó Mỹ Đình sẽ là tâm điểm, nên việc giới đầu tư bất động sản quan tâm đến địa điểm này là điều dễ hiểu.

Thực tế, từ lúc Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang được xây dựng, việc mua bán, đầu cơ đất đai đã diễn ra sôi động ở nhiều khu vực. Điều này có nghĩa là, thị trường bất động sản vẫn vận hành theo kiểu "nghe nói, nghe đồn". Đây sẽ là môi trường thuận lợi cho nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư, môi giới hoạt động kiểu "đục nước béo cò". Cũng không loại trừ khả năng các đại gia, giới đầu tư đã mua đất từ lâu, nay thổi phồng giá lên để kiếm lời.

Cho đến nay, bài học về cơn say đất do tin đồn "trung tâm hành chính sẽ chuyển lên Ba Vì" vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, chỉ quyết định đầu tư khi có những thông tin xác thực từ cơ quan chức năng, tránh sa lầy vào "cái bẫy" của những tin đồn

(Theo Đầu tư)

Thế giới nhức đầu vì Gaddafi

Maciej Nowicki – Newsweek - Lê Diễn Đức dịch (*)


Dân chúng Libya với ảnh con quái vật khát máu Gaddafi - Ảnh: Interia

Hàng ngàn nạn nhân của cuộc cách mạng Libya kéo theo trách nhiệm lương tâm của các chính trị gia châu Âu. Chính họ, những người bị mùi dầu cuốn hút, đã nhắm mắt làm ngơ cho các tội phạm của Gaddafi.

Tôi không có liên hệ nào với ông ta. Có quá nhiều sự việc diễn ra bên đó. Tôi quyết định không nên làm phiền ông ta - Tuần trước, Silvio Berlusconi đã lúng túng giải thích trước các tin tức về hàng trăm nạn nhân của cuộc nổi dậy ở Libya, khi phóng viên hỏi ông gần đây có nói chuyện với người bạn thân của mình, đại tá Gaddafi, hay không. Rõ ràng Thủ tướng Ý muốn nói gọi điện thoại yêu cầu chấm dứt cuộc tàn sát là vượt quá quy tắc ứng xử tốt. Trước đó không lâu, Anh quốc đình chỉ xuất khẩu vũ khí cho Libya. Trong các mặt hàng quân sự được phép trước đó chiếm chỗ quan trọng gồm những thứ sử dụng cho việc đàn áp các cuộc biểu tình: đạn phóng dùng để phá huỷ tường, hơi cay, đạn dược cho vũ khí của cảnh sát, đạn dùng giải tán đám đông. Người Anh đã tự hào rằng trong các hội chợ vũ khí của Libya, gian hàng của Anh thường là lớn nhất.

Con chó điên

Saif Gaddafi, con trai của đại tá Gaddafi và cho đến gần đây được xem là người kế nhiệm của ông ta, tâm sự rằng cha của anh ta đã dạy cho mình một bài học trên hết: "Cuối cùng thì tất cả các kẻ thù cũng thay đổi ý của họ, đi đến với anh và nói "OK, bây giờ chúng ta là bạn và chúng ta có thể làm ăn với nhau. Trong trường hơp cần thiết chúng tôi có thể giúp anh bảo vệ đất nước, thậm chí nếu có ai đó tấn công anh". Khó tìm được một thầy giáo nào thuyết phục hơn. Trước khi Muammar Gaddafi trở thành bạn bè với các nhà lãnh đạo châu Âu, ông ta được coi là kẻ thù chính của phương Tây.

Một trong những cuốn sách giật gân bán chạy nhất vào thập niên 80 tại Hoa Kỳ nói về ngày tận thế, “The Fifth Horseman”, của Larry Collins và Dominique Lapierre, cho thấy Al Gaddafi cài đặt ở New York một quả bom khổng lồ với lực công phá ba megaton. "Newsweek" đưa hình ảnh này trên trang bìa với dòng chữ: "Con người nguy hiểm nhất trên thế giới". Và Tổng thống Ronald Reagan gọi ông ta là "con chó điên của Trung Đông".

Gaddafi đã làm nhiều thứ để xứng đáng với danh tiếng này. Ông ta hỗ trợ hầu hết các phong trào khủng bố trên thế giới - từ nhóm Abu Nidal của Palestine, Phong trào Giải phóng Hồi giáo Moro ở Philippines, đến IRA. Ông ta là người được uỷ thác bởi Carlos "Jackal" (một tên cộng sản khủng bố khét tiếng của Venezuela – ND). Ông ta đã tài trợ cho nhiều cuộc chiến tranh ở châu Phi. Những hành vi của ông ta không thể liệu đoán trước đến mức vào năm 1975, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã mô tả ông ta là một kẻ bệnh hoạn và bị ma quỷ ám.

Sadat biết ông ta quá rõ - hai năm trước đó, vừa tạm thời chỉ huy một trong những chiếc tàu ngầm của Ai Cập, Gaddafi ngay lập tức ra lệnh phóng ngư lôi vào chiếc tàu khách khổng lồ Queen Elizabeth I với hàng trăm hành khách người Do Thái đang kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Israel. Vào phút chót Sadat đã hạ lệnh cho thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu ngầm đó trở về căn cứ ở Alexandria.

Trong tháng 12/1988, mật vụ Libya đã thực hiện vụ khủng bố máy bay jumbo-jet của Pan Am trên thị trấn Lockerbie của Scotland. 270 người bị chết, chủ yếu là người Mỹ. Chẳng bao lâu Mỹ và Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt Libya. Các hình thức trừng phạt, cùng với giá dầu giảm và sự sụp đổ của Liên Xô, một đồng minh truyền thống của Libya, đã hạ gục Gaddafi. Ông ta phải đầu hàng – đồng ý giao nộp hai nhân viên mật vụ Libya chịu trách nhiệm về cuộc khủng bố máy bay. Nhưng chỉ một trong hai bị kết án.

Làm thế nào để lừa gạt phương Tây

Độ lệch tâm Gaddafi không có giới hạn. Một lần trong cuộc họp thượng đỉnh các nước không liên kết tại Belgrade ông ta xuất hiện với hai con ngựa và sáu con lạc đà được chở đến bằng một máy bay riêng. Ông ta ngủ, như đã thành tập quán, trong lều Bedouin, đóng trước khách sạn và mỗi buổi sáng uống sữa lạc đà tươi. Hình như, theo phóng viên nổi tiếng Robert Fisk, những con lạc đà bị lãng quên vẫn còn sống ở vườn thú của Belgrade (Fisk nhấn mạnh rằng Gaddafi đáng ra cũng nên ở đó).

Hình ảnh của một kẻ lập dị khiêu khích đã coi thường mọi nguyên tắc (trong lần có mặt đầu tiên tại Liên Hợp Quốc năm 2009, Muammar Gaddafi đã khẳng định rằng dịch cúm heo là kết quả từ âm mưu của Mỹ, còn trong cuộc phỏng vấn với truyền hình của BBC, ông ta đã vãi ra một cái rắm thật lớn), đến mức độ là gần như ông ta quên đi những gì quan trọng nhất cho sự nghiệp chính trị của mình. Là bậc thầy của chính trị thực dụng Gaddafi hiểu rất rõ rằng, có trong tay một lượng lớn dầu và khí đốt, trước cơn khát của phần còn lại của thế giới, ông ta có thể đạt được nhiều bất thường.

Đơn giản là chỉ cần điều chỉnh các quy tắc cho thích ứng với cuộc chơi của phương Tây - cùng lúc Gaddafi nói ông ta không có chút ý định nào tôn trọng họ. Phương Tây đang khát nguồn dầu mỏ phong phú của Libya, nên chỉ cần giả vờ tôn trọng các quy tắc, lúc ấy con sói sẽ được khâu kín lại để trở thành một chú cừu nguyên vẹn. Và, thật không may, ông ta hoàn toàn có lý. - Là quốc gia giàu có, khác nhau với Ai Cập, Libya không nhận viện trợ nước ngoài. Các chính trị gia phương Tây đã không thể dùng con bài này để gây áp lực lên Gaddafi - Tiến sĩ Lahcen Achy, chuyên gia của Carnegie Middle East Center ở Beirut cho "Newsweek" biết.

Sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, Gaddafi ồn ào gia nhập liên minh chống lại al-Qaida do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và ông ta tỏ ra trung thực. Ông ta là người đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo nhà nước trong năm 1998 đòi cộng đồng quốc tế truy nã Bin Laden (ông ta cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa cho sự cai trị độc tài của mình). Gaddafi cũng hứa sẽ cho phép thanh tra quốc tế vào Libya, và ngay lập tức ngừng chương trình vũ khí hạt nhân. Chính quyền của George W. Bush đã công bố một thành công lớn: Gaddafi sợ sự can thiệp như đối với Iraq rơi vào mình, và có thể chung số phận của Saddam Hussein. Nhưng sự thật hoàn toàn khác - Gaddafi đã chỉ chi cho chương trình vũ khí hạt nhân một số tiền nhỏ - khoảng 50 triệu USD (số tiền không bảo đảm cho một kết quả nào) và chương trình hình như cũng đã bị dừng lại từ lâu.

Gaddafi đã cho phương Tây gần như không có gì, nhưng màn kịch giả vờ của ông ta đã nhận lại được rất nhiều. Từ tình hữu nghị với Berlusconi, sự thân mật với Tony Blair hay cái bắt tay với Barack Obama, tới ông ta chỉ cách một bước nhỏ. - Từ năm 2004, các chính trị gia châu Âu vui vẻ tới thăm Gaddafi hoặc được tiếp đón tại gia. Họ biết rằng nhân quyền ở Libya không được tôn trọng, nhưng nhắm mắt làm ngơ - Tiến sĩ Achy nói.

Gaddafi biết rất rõ rằng sẽ không ai xía vào những gì ông ta làm trên sân nhà, nơi mà luật pháp chỉ là sự đỏng đảnh của của mình. Và không chỉ chuyện đàn áp chính trị, chẳng hạn như đạo luật số 71 nổi tiếng, trong đó cấm các đảng chính trị, còn hoạt động phản đối bị tội tử hình. Nhà độc tài còn muốn cấm luôn các môn thể thao mạo hiểm, nhưng sau đó đổi ý, vì một trong những con trai của ông ta quyết định trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Dần dần ông ta cho tịch thu tất cả các căn hộ cho thuê (vì không thích thú người dân sở hữu nhà riêng). Ông ta cũng cho huỷ bỏ tất cả tài khoản cá nhân tại ngân hàng và tiền bạc trong tài khoản của họ.

Những quyết định của Gaddafi đã dẫn tới sự hỗn loạn gần dường như không thể tưởng tượng. Ví dụ ông ta quyết định mô hình nhà nước với chi phí thấp bằng loại bỏ một phần quan trọng các Bộ, đóng cửa các trụ sở. Kể từ đó, mỗi lần chính phủ triệu tập cuộc họp, các bộ trưởng đôi khi đi lạc hàng giờ trên sa mạc để biết được cuộc họp ở nơi nào.

Bạn bè châu Âu

Trong vụ bê bối xung quanh cuộc chơi lãng mạn của Berlusconi với một vũ nữ Ma-rốc tên Ruby, nhật báo "La Stampa" tiết lộ rằng Thủ tướng Ý có lẽ có một người tình. Rất có thể là Aysha, 34 tuổi, con gái của Gaddafi, một luật sư và là một trong những cảnh vệ của Saddam Hussein trong phiên tòa của mình. Người ta thậm chí tự hỏi liệu mối quan hệ này có thể kết thúc bằng hôn nhân. Trong thực tế, không có gì đáng ngạc nhiên. Gaddafi là người bạn chính trị thân cận nhất của Berlusconi sau Putin. Ông ta có cổ phần trong hãng truyền thông il Cavaliere. Cả hai đều là những kẻ tham nhũng, đục khoét. Berlusconi đã tăng gấp ba tài sản của mình nhờ địa vị trong nhà nước Ý, chỉ có điều là trước đó ông ta đã có rất nhiều của cải, còn gia đình Gaddafi có số tiền khổng lồ là nhờ vào ăn cắp của dân chúng Libya. Cả hai trước hết đều thích hào nhoáng. Và tất nhiên cả hai đều thích được bao quanh bởi một đàn phụ nữ trẻ. Chính Berlusconi đã học Gaddafi cách chơi Bunga-Bunga (là kiểu vui chơi ăn nhậu, nhảy múa của các nhà lãnh đạo châu Phi bên cạnh các thiếu nữ nửa khoả thân – ND).

Libya là nhà cung cấp dầu chính cho nước Ý, và trong thời gian khủng hoảng các quỹ của Libya đã đầu tư 65 tỷ đô la Mỹ vào các công ty của Ý, giúp Ý hạn chế được suy thoái. Nhưng chưa phải tất cả. Một trong những hứa hẹn quan trọng nhất của Berlusconi cho chiến dịch tranh cử là giảm nhập cư bất hợp pháp. Việc này chỉ thực hiện được với sự giúp đỡ của Gaddafi. Trước khi ký kết thoả thuận, người nhập cư đi từ bờ biển Libya được xem là những người bơi giỏi nhất tới lãnh hải nước Ý, nhờ đó mà có thể nộp đơn xin tị nạn. Một nửa trong số họ đã nhận được. Sau thoả thuận này, bảo vệ của Libya thông báo cho Ý biết về những cuộc khởi hành của người nhập cư và do đó phía Ý đã bắt giữ họ ngay trên vùng biển quốc tế, thay đổi hoàn toàn tình trạng của họ. Các quan chức Ý đã rất xấu hổ về việc làm của mình, nhưng thường không có can đảm để nói với những người tị nạn và nói dối đến phút cuối là đưa họ đến Sicily, nhưng thực sự thì mang họ trở về nước.


Nghĩ sĩ Quốc hội châu Âu người Hà Lan Dirk-Jan Eppink nói Berlusconi thích hôn nhưng hôn không đúng người - Ảnh: TVN24

Trong năm 2009, người Mỹ tức điên lên khi biết vì "lý do nhân đạo", từ một nhà tù của Scotland người ta đã trả tự do cho Abdel Basset al-Megrahi, kẻ bị kết tội tấn công vào chiếc máy bay Pan Am 103 trên Lockerbie. Tại sân bay ở Tripoli đám đông dân chúng chào mừng al-Megrahi như một anh hùng dân tộc. Một vài năm trước đó, công ty dầu BP đã ký kết hợp đồng trị giá vài trăm triệu đô la để khai thác ở Libya. Dường như lãnh đạo tập đoàn BP đã làm mọi thứ để trả tự do cho tên khủng bố bằng cách qua các kết nối chính trị, bởi vì Tripoli phát tín hiệu rằng, nếu không, hợp đồng sẽ bị phá vỡ.

Xung quanh những cuộc làm ăn đen tối loại này thông thường ngự trị sự im lặng. Trong khi đó, Gaddafi đã không ngần ngại khiêu khích các đồng minh phương Tây và khuếch đại âm thanh của các động cơ mua bán. Thông điệp rất rõ ràng - nếu anh chỉ phụ thuộc vào đồng tiền, anh không có quyền gì can thiệp vào những công việc của tôi.

Khi Nicolas Sarkozy thành công trong việc thương lượng trả lại tự do cho các nữ y tá Bungaria bị kết án tử hình vì bị cáo buộc gây nhiễm HIV cho trẻ em, Libya đã thông báo rằng một phần của thoả thuận là việc Pháp bán vũ khí. Trường hợp với Blair cũng tương tự. Saif Gaddafi đã công bố rằng cựu Thủ tướng của Vương quốc Anh là người bạn tốt của Libya, để đổi lấy tiền lương khổng lồ ông đã đồng ý giúp công ty của ông ta trong kinh doanh. Phát ngôn viên của Blair ngay lập tức phủ nhận. Mặc dù vậy, nó cũng bị đưa ra công luận, rằng tận dụng những quan hệ tốt ở Tripoli, Blair tư vấn cho các ngân hàng, như đầu tư vào Libya.

Những điều trên gây ra hậu quả vi phạm các nguyên tắc được thiết lập bởi Gaddafi, những người Thụy Sĩ nói. Trong năm 2008, người ta đã bắt giữ một trong các con trai của nhà độc tài vì tội đánh người phục vụ. Thoạt nhiên có vẻ như là một chiến thắng của công lý, nhưng rồi nhanh chóng biến thành thất bại hoàn toàn. Ngay lập tức Libya đã đình chỉ cung cấp dầu và bắt giữ hai doanh nhân Thụy Sĩ. Sau đó, Tổng thống Thuỵ Sĩ Hans-Rudolf Merz lúc bấy giờ đã phải đi đến Tripoli để xin lỗi vì "sự cố", và ngoài ra còn phải trả một khoản tiền chuộc những người Thụy Sĩ bị bắt giữ. Nhưng Gaddafi vẫn tiếp tục giữ họ trong một thời gian rất dài nữa.

Sự trở lại của con quái vật

Olivier Roy, chuyên gia nổi tiếng nhất của châu Âu về chính trị Hồi giáo, đã nói gần đây rằng chính sách đối ngoại của Pháp như thế nào với các nước Ả Rập. Các nhân viên của Bộ ngoại giao bị cấm có bất kỳ mối quan hệ nào với những người đối lập trong khu vực. Ý ở đây là không được gặp gỡ những người đối lập một cách chính thức. Ngay cả những cuộc trò chuyện riêng tư với họ trong các quán cà phê của Paris cũng bị loại trừ.

Tại sao phương Tây lại ứng xử mồi chài Kaddafi như thế? Thông thường có hai cách giải thích - giống như trong các trường hợp của Tunisia, Ai Cập, Bahrain, v.v... Bởi vì với phương Tây trước hết là tiền. Thứ đến phương Tây muốn một chế độ chuyên chế hơn là cái gì đó chưa rõ ràng như Hồi giáo nắm quyền lực hoặc hỗn loạn.

Với phương Tây, tất nhiên, là tiền bạc - và Libya, một đất nước có cơ sở hạ tầng cổ hủ cần hàng tỷ đôla đầu tư và thêm nữa nó cái gì để mà trả, là cơ hội tốt. Thật không có gì ngạc nhiên trước những sự lo ngại chưa biết đến - chỉ cần nhớ lại hơn 30 năm trước đây, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter hoan nghênh cuộc cách mạng tại Iran như một báo hiệu của hy vọng cho một thế giới tốt hơn. Không ai sáng suốt tâm trí dám đảm bảo rằng nội chiến ở Libya không xảy ra, và ở đó các chiến binh thánh chiến, kẻ thù lớn của Gaddafi, chắc chắn không đóng bất kỳ vai trò quan trọng nào.

Tuy nhiên, thời gian này có vẻ như đã cho thấy một cái gì khác. Trong cuộc cách mạng tại Ai Cập, suốt trong một thời gian dài Obama đã hoàn toàn bị biến mất. Điều này là do chỉ huy lực lượng Mỹ Michael Mullen và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã không có bất cứ ai đáng tin cậy tại Ai Cập có thể thông tin về những gì đang xảy ra ở hậu trường. Các mối quan hệ cũ trở nên vô dụng, còn mới thì chưa được thiết lập.

Trong một nguyên lý tương tự, tình hình trong toàn bộ thế giới Ả Rập là một bí ẩn đối với phương Tây. Người ta đã không ý thức được những thay đổi lớn đã xảy ra trong những năm gần đây: sự suy giảm khủng khiếp về tỷ lệ sinh đẻ đến mức độ gần với Châu Âu, tăng nhanh xu hướng đề cao văn hóa cá nhân, sự sụp đổ hệ thống gia trưởng, xuất hiện một thế hệ mới hoài nghi về ý thức hệ hiện tại, thực dụng hơn và muốn thay đổi nhiều hơn nữa. Người ta vẫn cứ sử dụng biểu đồ đụng độ giữa các nền văn minh. Người ta không hiểu đơn giản rằng đây là một khu vực đang tái cấu trúc, trong đó ngự trị cho đến giờ những luật lệ mới chưa được biết đến đầy đủ.

Đối với phương Tây, thế giới này vẫn là khuôn mặt của Osama bin Laden. Và so sánh với ông ta thì Muammar Gaddafi thậm chí có vẻ chấp nhận được hơn. Và ngoài ra còn thể kiếm được không ít tiền.

Thế nhưng người ta đã không tiên liệu được một điều - đó là khi Gaddafi nhận ra rằng thời đại của ông ta đã đi vào quá khứ, ông ta trở lại ngay với bản mặt cũ của con quái vật Và ông ta bắt đầu tiếp tục giết người. ■

-------------------------------------------
* Tác giả bài viết, giáo sư tiến sĩ Ba Lan Maciej Nowicki, là nhà sinh thái học, nhà khoa học và hoạt động xã hội. Ông đã hai lần giữ chức Bộ trưởng môi trường trong chính phủ Ba Lan. Năm 1996 ông được trao giải thưởng lớn nhất châu Âu "Der Deutsche Umweltpreis", thường được gọi là "Giải Nobel sinh thái". Ông là cây bút chuyên mục (columnist) trên “Europa Magazyn” của nhật báo “Dziennik” thuộc tập đoàn truyền thông Đức quốc Axel Springer. Bài viết được cộng tác với Filip Gańczak.

*Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, đăng trên “Newsweek”, ngày 5/03/2011. Hình minh hoạ của người dịch.

Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức

Giải pháp nào cho vụ án Cù Huy Hà Vũ?

Nguyễn Hữu Quý


Cù Huy Hà Vũ, cả nước đang hướng về anh, anh sắp được tự do!

Cuối cùng thì cái ngày khai toà đối với một vụ án Cù Huy Hà Vũ được nhân dân cả nước quan tâm cũng đã đến; mà theo báo chí đưa tin, đó là ngày 24/3/2011. Vậy là chỉ còn khoảng chưa đến hai tuần nữa.

Mấy hôm nay trên các trang báo mạng và Blog… đã có nhiều bài viết “bình loạn” xung quanh vụ án này; ngay trong sáng nay (12/3), Blog gocomay đã có dự đoán và đưa ra nhận định “Cù Huy Hà Vũ sẽ được thả vào chiều ngày 24.03.2011?”;

Cũng trong sáng nay, mạng Bauxite Việt Nam đăng bài phỏng vấn đối với LS Trần Đình Triển, là một trong những LS tham gia bào chữa cho Cù Huy Hà Vũ, do mạng Bauxite Việt Nam thực hiện; theo đó, bên cạnh luôn luôn khẳng định TS Cù Huy Hà Vũ vô tội; khi được trả lời câu hỏi “Trong phiên tòa sắp tới Luật sư dự đoán người ta sẽ xử ông CHHV như thế nào?”, thì LS Trần Đình Triển trả lời:

Người ta sẽ vẫn xử anh Vũ có tội, bất chấp các luận điểm tôi vừa nêu trên. Và với thực tại như xã hội hiện nay, tôi dự đoán người ta sẽ xử CHHV với mức án 4 – 6 năm tù. Việc họ xử anh CHHV có tội sẽ lại càng khẳng định việc anh CHHV đòi đổi mới là đúng. Tôi cho rằng lịch sử rồi sẽ xét để khẳng định rằng anh Vũ đúng, quan điểm của tôi đúng.

Xung quanh Vụ án này; ngay từ sau tết Nguyên đán Tân Mão; hôm 09/02/2011, tôi đã có bài viết “Có thể Cù Huy Hà Vũ sắp được trả tự do(?!)”; ở bài báo trên, tôi có niềm tin rằng “Đất nước ta còn đâu đó nhiều bất công, nhưng không thể bất nghĩa trong trường hợp này”, và rằng “sự tỉnh ngộ ở đây đang nằm ở phía những người trót đã đưa anh vào vụ án (?!)”; và cuối cùng tôi nhận định “Rồi các bạn xem, không thể làm to chuyện đối với anh được, đó là cách làm khôn ngoan, tôi có linh cảm như thế!”.

Nhận định trên đây, tính đến đến hôm đã vừa tròn một tháng; vậy, Giải pháp nào cho vụ án Cù Huy Hà Vũ tới đây?

Về tổng thể, đến hôm nay tôi vẫn giữ nguyên nhận định như cách đây một tháng; nghĩa là “không thể làm to chuyện đối với anh được, đó là cách làm khôn ngoan”.

Bởi vậy, cách nhìn nhận của tôi có thể phần nào khác với nhận định của LS Trần Đình Triển (nói trên), và theo đó, phần nào giống với nhận định của gocomay mà tôi đã có dịp “mang về” trong bài viết “Cù Huy Hà Vũ sẽ được thả vào chiều ngày 24.03.2011?” đã được đề cập.

Sẽ có nhiều người còn nhớ với tôi rằng; ngày còn học môn lịch sử ở cấp phổ thông, khi đưa ra những bài học kinh nghiệm cho “Cao trào cách mạng Xô Viết – Nghệ Tĩnh năm 1930-1931”; tôi vẫn còn nhớ; đây được xem như là “Một cuộc tổng diễn tập [của những người cộng sản] để đi đến thắng lợi đối với Cách mạng tháng Tám sau này…”. [he he, tôi thuộc lịch sử ra phết đấy nha!].

Vậy đâu là “Cuộc tổng diễn tập” lần này?

Xin thưa, Vụ án… Hà Giang!

Bài viết có thể sẽ dài thêm, nếu tôi có ý định đi sâu thêm phân tích và đưa ra những nhận định tiếp theo; nhưng thiển nghĩ sẽ không cần thiết nữa!

Anh Vũ ơi, Anh sắp được tự do rồi, Hoan hô!!!

Tất nhiên, còn vài vấn đề cần “xử lý kỹ thuật” nữa ngay sau toà tuyên án; bởi vì… “đó là cách làm khôn ngoan” mà lỵ (!).

Cũng nên thưa với bạn đọc rằng, ngay sau khi tôi đăng bài “Có thể Cù Huy Hà Vũ sắp được trả tự do(?!)”, thì chỉ hơn một giờ sau, cũng chính gocomay đã có một comment, nguyên văn như dưới đây:

gocomay nói...

Thưa tiên sinh, cách đây đúng 1 tuần, đón giao thừa cùng gia đình xong, mọi người đi ngủ, còn tôi ngồi một mình bên khóm hoa trà (hải đường), tự dưng tôi giật mình nghĩ đến anh Vũ! Thú thật tôi chưa bao giờ được gặp con người nổi tiếng này. Mặc dù bố anh, ông Cù Huy Cận thì tôi đã gặp rất nhiều làn ở 51 Trần Hưng Đạo.

Mặc dù cái cách mà anh Vũ tranh đấu với cái xấu đôi khi hơi trì triết qúa, khiến người ta sinh oán cừu... Nhưng khách quan mà xét anh là một người yêu dân yêu nước vô bờ. Một nhân cách lớn, đáng để cho nhiều trí thức noi theo. Người ta cứ vin cớ vì anh tự ra ứng cử Bộ trưởng BVH và thưa kiện thủ tướng... như thế là xấu. Nếu người Việt mình vẫn còn tin như thế là xấu thật thì có lẽ còn khướt sinh hoạt chính trị ở xứ mình mới khởi sắc. Cứ miên man như thế và tôi ngủ quên lúc nào không hay. Tới tầm gà gáy sáng thì bỗng dưng giật mình, mồ hôi vã ra như tắm khi trong cơn mơ màng ngày đầu năm ấy thấy anh Vũ được trả tự do, đi bên anh chả có ai khác ngoài gã Lái gió…

Tôi đang định cứ giữ nguyên cái giấc mơ đó để chiêm nghiệm xem sao. Nhưng nay thấy tiên sinh giật cái titte kêu như vậy thì đành phi lộ vậy! Thiết nghĩ nếu người có quyền thế không biết sử dụng quyền cho phải đạo thì lúc hết quyền... ai thèm nhìn nữa. Nếu không biết hành xử đúng thì tiếng xấu sẽ nhơ tới muôn đời....
23:46 Ngày 09 tháng 2 năm 2011
Bác gocomay ơi, bác nhiều tuổi hơn em, bác đã từng gặp cụ Cù Huy Cận, mà bác lại gọi em là “tiên sinh” làm em khó nghĩ quá, em không giám nhận đâu; nhưng thôi bỏ qua, điều mà Bác và tôi, cùng nhân dân cả nước Việt Nam quan tâm, đó là tự do cho Cù Huy Hà Vũ; để qua đó thấy rằng, mặc dù đất nước hôm nay “Tuy chính sự đang còn phiền hà/ để trong nước lòng dân oán hận”… ; nhưng vẫn còn đó chút nào công lý, để Việt Nam còn có cơ may “Non sông một thuở vững âu vàng”, bác ơi!

Chúng ta hãy chờ xem!

12.3.2011

Ghi thêm:

Đọc kiểm tra lại bài sau khi đã lên Blog, tôi có điều gì đó sảng khoái lại kỳ; rồi bỗng ngân lên hai câu trong bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, rằng:

Như cánh chim không mỏi, bay giữa trời quê hương
Như cánh chim không mỏi, bay giữa trời Việt Nam!

Chúc cho Cù Huy Hà Vũ như thế!
Và cả dân tộc Việt Nam ta như thế!