Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

TIN ĐỒN: ĐẤT HÀ NÔI ĐÃ LOẠN

Hà Nội loạn giá đất vì tin đồn
Thị trường bất động sản Hà Nội đang "dậy sóng" ở một số nơi do những tin đồn được giới đầu cơ bất động sản tung ra nhằm "làm giá"...

"Sốt giá" do chuyện di dời...

Một tuần trở lại đây, giá đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tăng vùn vụt và khách khảo giá kéo đến ùn ùn. Tại các xã Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú, giá đất đang được hét tới mức 7-10 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái, thậm chí có nơi còn lên đến 25-30 triệu đồng/m2. Tuy giá tăng, lượng người đến tìm hiểu đông, nhưng lượng giao dịch thành công rất ít.

Trên thực tế, việc giá đất tăng đột biến chỉ bắt đầu khi có thông tin 12 trường đại học, cao đẳng, 25 bệnh viện và 13 viện nghiên cứu có kế hoạch di dời từ nội đô về các huyện ngoại thành Hà Nội là Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh và một số tỉnh lân cận. Theo đó, ở Sóc Sơn rộ lên tin đồn sẽ có 6 trường đại học di dời về. Chỉ vài ngày sau khi có thông tin này, giá đất ở nhiều khu vực tại huyện Sóc Sơn đã đột ngột tăng giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc một dự án bất động sản ở Sóc Sơn cho biết, huyện này đang có một số dự án bất động sản rất tốt, giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 mà vẫn bán chật vật.



"Không có lý gì mà đất nằm trong làng, hạ tầng kém lại sốt và cao giá hơn các khu đô thị hiện đại này. Tất cả là do giới đầu cơ, cò đất đã tung tin nhằm "làm giá" bất động sản ở Sóc Sơn. Người mua nên cẩn thận vì mua thì dễ mà bán thì cực khó", ông Nguyễn Mạnh Hải cảnh báo.

Tăng giá "đón đầu" quy hoạch

Vào giữa tháng 2/2011, có thông tin không chính thức lan truyền trên Internet rằng, tháng 3/2011, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được phê duyệt và trụ sở của nhiều bộ, ngành sẽ được chuyển về Mỹ Đình.

Thông tin này đã khiến giá đất khu vực này đột ngột tăng lên, nhất là đất tại khu vực đường Trần Thái Tông, nối từ đường Cầu Giấy sang đường Phạm Hùng. Giá đất mặt đường tại đây đang được báo giá với mức 400 triệu đồng/m2, cao hơn cuối năm 2010 từ 100 đến 150 triệu đồng/m2. Điều đáng nói là, cũng giống Sóc Sơn, ở thời điểm này, tại Mỹ Đình không ghi nhận nhiều giao dịch thành công.

Theo nhận định của chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã xác định hướng phát triển về phía Tây, trong đó Mỹ Đình sẽ là tâm điểm, nên việc giới đầu tư bất động sản quan tâm đến địa điểm này là điều dễ hiểu.

Thực tế, từ lúc Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang được xây dựng, việc mua bán, đầu cơ đất đai đã diễn ra sôi động ở nhiều khu vực. Điều này có nghĩa là, thị trường bất động sản vẫn vận hành theo kiểu "nghe nói, nghe đồn". Đây sẽ là môi trường thuận lợi cho nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư, môi giới hoạt động kiểu "đục nước béo cò". Cũng không loại trừ khả năng các đại gia, giới đầu tư đã mua đất từ lâu, nay thổi phồng giá lên để kiếm lời.

Cho đến nay, bài học về cơn say đất do tin đồn "trung tâm hành chính sẽ chuyển lên Ba Vì" vẫn còn nóng hổi. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, chỉ quyết định đầu tư khi có những thông tin xác thực từ cơ quan chức năng, tránh sa lầy vào "cái bẫy" của những tin đồn

(Theo Đầu tư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét