Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Những câu nói "bất hủ" của ngài Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

nguyensinhhung.jpg

Dưới đây xin điểm lại vài câu nói bất hủ của ngài Phó
thủ tướng để mọi người xem thử đóng góp của Ngài cho
sự khó khăn hiện nay của Việt Nam lớn đến chừng nào.

1. "Với những chính sách điều chỉnh thị
trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất
lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi
sẽ mua cổ phiếu
". Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi
trẻ ngày 6/3/2008

http://nld.com.vn/217238P1010C1002/that-chat-nhung-phai-linh-hoat.htm

2. "Thị trường đã giảm đến đáy, nên trong
điều hành Chính phủ quyết tâm không để giảm thêm. Thời
điểm này, nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ
thất bại, ngược lại người nào có quyết định mua vào
thông minh sẽ thắng
".

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-vn/75/43/2/2/97/28457/Default.aspx

Đây là khẳng định của ngài PTT Nguyễn Sinh Hùng tại Lễ kỷ
niệm ba năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động
hạng Ba của Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) ngày
19/3/2008

Khi ngài PTT nói 2 câu trên thì chỉ số giá chứng khoán đang
đứng ở mức khoảng trên dưới 600 điểm, sau thời điểm
ngài PTT phát biểu thì mọi người đều biết giá chứng khoán
đã đi xuống một lèo và đáy thực
sự của TTCK là khoảng 220 điểm
.

3. "Tôi thì vẫn chưa lo": Ngày
8/6/2010, PTT vừa cười vô tư vừa nói câu này khi được các
phóng viên hỏi về những lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại
Vinashin trong kỳ họp Quốc hội. Chỉ 1 tháng sau, tháng 7/2010,
thông tin về vụ bê bối ở Vinashin bung ra (đương nhiên là ông
không phải lo rồi, có mất gì tiền của ông đâu mà ông lo).

http://dantri.com.vn/c20/s20-401064/co-su-lan-lon-giua-thu-nhap-va-luong-tai-scic.htm

4. "Việt Nam không thể không làm đường sắt cao
tốc
": Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào
ngày 12/6/2010

http://vneconomy.vn/20100612021457983p0c9920/pho-thu-tuong-khong-the-khong-lam-duong-sat-cao-toc.htm

Sau đó Quốc hội đã bác dự án xây dựng ĐSCT. Vậy theo ông
Hùng thì Quốc hội đã đi ngược lại xu thế đi lên của
đất nước?

5. "GDP năm nay của Việt Nam tuy chỉ có 106 tỷ
USD, nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD và năm 2030 là 700
tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 - 1,4 nghìn tỷ USD. Đến 2050,
khi hoàn thành toàn tuyến, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp
đôi
". "Thu nhập bình quân đầu người
hiện nay là 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế
tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng lên
mức 6.000, rồi 12.000 và sẽ đạt 20.000 vào năm
2050
". Ngài PTT giải thích về những lo ngại của
các đại biểu Quốc hội là Việt Nam không đủ nguồn lực
làm ĐSCT.

http://vneconomy.vn/20100612021457983p0c9920/pho-thu-tuong-khong-the-khong-lam-duong-sat-cao-toc.htm

Không hiểu ngài PTT lấy con những con số trên từ những cơ
quan tham mưu nào, dùng tỷ giá hối đoái là bao nhiêu chứ TS.
Nguyễn Văn Tuấn khi tính trực tiếp bằng đồng USD thì cho ra
con số bé hơn nhiều. Tới năm 2050 GDP bình quân đầu người
của Việt Nam chỉ vào khoảng 5400 USD chứ không thể là 20.000
USD như ngài nói:

http://nguyenvantuan.net/news/6-news/912-pho-thu-tuong-qua-lac-quan

6. "Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có
thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm
việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật
cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp
".

http://vneconomy.vn/20100612021457983p0c9920/pho-thu-tuong-khong-the-khong-lam-duong-sat-cao-toc.htm

Câu này gần giống y với câu của cựu thủ tướng thời Việt
nam Cộng hòa, Trần Văn Hương là: "Trị hết tham nhũng thì
lấy ai mà làm việc". Tư tưởng này đã được quán triệt
đầy đủ trong việc Bộ Chính trị cho rằng Vinashin làm thất
thoát 4,5 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP của Việt Nam là chuyện
nhỏ, không đáng xử lý kỷ luật ai cả (lưu ý tính về tỷ
trọng GDP thì thất thoát từ Vinashin bằng với trận động
đất, sóng thần lịch sử đã làm tan hoang Nhật Bản vừa qua).

7. "Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái
phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh
doanh cho các tập đoàn
". Trả lời than thở của
Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin trong cuộc họp ngày 23/4/2008:
"Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng
tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay
nhưng chưa được phê duyệt
".

http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/04/779904/

Và ông Hùng thể hiện quyết tâm này bằng việc quyết liệt
ký ban hành văn bản cho phép Vinashin được huy động 20.000 tỷ
đồng, trong đó quan trọng nhất là đã chỉ định hay nói
đúng hơn là ép các ngân hàng phải cho Vinashin vay 10.000 tỷ
trong thời điểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó
khăn vì thiếu vốn. Xin hỏi 10.000 tỷ này bây giờ đã bốc
hơi đi đâu rồi, chừng này đủ để kỷ luật ông được
chưa? Các ngân hàng phải khoanh nợ và giãn nợ cho Vinashin, mỗi
ngân hàng ngàn tỷ bị chôn vốn ở đó thì họ đã được
giải cứu bằng cách nào để không bị phá sản? Có phải NHNN
đã phải in tiền ra để tái cấp vốn cho các ngân hàng này?
Và đó có phải là 1 trong những nguyên nhân đẩy lạm phát
hiện nay lên rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại?

http://vneconomy.vn/20080925093234837P0C6/vinashin-duoc-huy-dong-gan-20000-ty-dong-cho-cac-du-an.htm

Trên đây chỉ là vài tổng kết chưa đầy đủ về những câu
nói bất hủ của ông Sinh Hùng, người đã gọi các DNNN là
"anh cả đỏ của nền kinh tế" rồi cho rằng nhà nước
nuôi các DNNN ba năm để dùng một giờ. Xin thử hỏi trên khắp
thế giới này là doanh nghiệp làm ra tiền để nuôi nhà nước
hay nhà nước làm ra tiền để nuôi doanh nghiệp? Và kết quả
kinh doanh của các con cưng "anh cả đỏ" và các "cú đấm
thép" đã đấm vỡ mặt người tiêu dùng và nền kinh tế
Việt Nam này như thế nào có thể đọc bài này là rõ:

http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Rung-minh-voi-nhung-vu-thua-lo-bac-ty-cua-ong-lon/20114/141587.datviet

Cùng với người đồng sự tốt mã (giẻ cùi) là sếp của
ông, ông lúc nào cũng hô hào phải "quyết liệt" thực thi
các chính sách này nọ. Xin thưa các ông, trong nền kinh tế thị
trường thì cách thức điều hành là phải chủ yếu dựa trên
các qui luật thị trường, đặt ra các khuyến khích đúng đắn
cho các tác nhân trong nền kinh tế để tự họ làm là chính
chứ không phải suốt ngày ban hành các chỉ đạo, chỉ thị,
cầm tay chỉ việc theo kiểu duy ý chí. Không thể điều hành
nền kinh tế theo kiểu chụp giựt, ngắn hạn theo kiểu "đi
tắt đón đường" rồi cho rằng "làm công tác điều hành
cũng như người ra trận"
(http://toancanh.tamnhin.net/doi-song/58601/Neu-tap-trung-day-tang-truong-lam-phat-se-len.html)
như các ông được. Tại sao các nước ngay kế Việt Nam như
Thái Lan, Malaysia trong thời gian gần đây chả phải "quyết
liệt" điều hành gì cả mà kinh tế vĩ mô của họ ổn
định, lạm phát thấp? Lúc nào cũng hô hào "quyết liệt"
như các ông chả qua chỉ là thùng rỗng kêu to, càng "quyết"
nhiều thì chỉ tổ càng làm đất nước "liệt" đi nhanh hơn
thôi. Trong nhiệm kỳ của Chính phủ 5 năm qua liên tục xảy ra
lạm phát cao, kinh tế bất ổn. Vẫn những con người với
trình độ đó, vẫn những tầm tư duy đó (chưa nói tới những
sự tham lam đó) lại tiếp tục nắm giữ các vị trí điều
hành chủ chốt của Việt Nam thì đã có thể thấy trước
tương lai của kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới sẽ như thế
nào rồi.

KT

Yêu trên chữ

BÍCH XUÂN


Yêu nhau trên chữ đẹp nõn nà
Mỗi ngày hò hẹn đổi màu da
Gõ trên bàn viết anh ẩn hiện
Nhưng vẫn mơ hồ tít mù xa…
Em chẳng mơ chi chuyện sang giầu
Men tình bay tận bến sông Ngâu
Dìm trong lòng ngực sâu mắt biệc
Đọng phut yêu đương ấp ý đầu
Đêm ru rên rỉ lời đa tình
Nổi dậy trong em chuyện chúng mình
Không ai biết được lời âu yếm
Khít sát bên anh mắt diễm tình
Ngả nghiên đuôi mắt lẫn đêm ngày
Rung chuyển tình em trong vòng tay
Chếnh choáng lưng thon mềm xiêm áo
Đất trời bén lửa sập đổ bay
E-mail không mực cũng thành thơ
Chữ một chữ đôi điệu lẳng lơ
Lý đâu gặp gỡ chừ khắng khít
Tống rẩy hoa đèn khắp lối mơ

YÊU MÃI SAIGON

Việt Dương Nhân



Yêu Em từ thuở vào đời
Khi cành hoa búp lả lơi gió chiều
Áo dài tha thướt dặt dìu
Màu hoa cà tím mỹ miều nhởn nhơ

Yêu Em lúc tuổi ngây thơ
Trăng tròn chưa vướng bợn nhơ của đời
Biết bao mơ mộng tuyệt vời
Mùa xuân phơ phới ngát trời hương thơm




Năm tàn, tháng lụn chiều hôm
Tròn ba mươi tuổi, đời buồn mây đen,
Bão giông mưa lũ lấn chen
Paris trôi dạt, bao phen bẽ bàng.

Lần tay nay sắp lục tuần
Sống đời hiu quạnh, lạnh lùng chăn đơn
Nhớ về Em, trong tủi hờn
Biết Em còn chịu những cơn đau ngầm.

Lòng ta gan, ruột tím bầm
Cắn răng chờ đợi về thăm một ngày
Với lá cờ Vàng* trong tay
Món quà dâng tặng, lâu nay Em chờ.

Trong tim, Em chẳng lu mờ
Sài Gòn thương nhớ, ngàn đời mãi yêu
Xin hẹn với Em một chiều,
Ngày về mình sẽ dặt dìu Đường Xưa.

Xuân Viết Cho Nhau

- Hoàng Hương Trang


Mình đã xa nhau trót nửa đời
Đã mòn con mắt ngóng về khơi
Đã ru điệu hát nghìn xưa ấy
Tình cũng theo mùa con nước trôi

Đám lục bình nở hoa tim tím
Theo gió về xa đến thuở nào
Xuân đã vơi rồi, xuân khép kín
Anh cũng như bèo, dạt phương nao ?

Nhánh cây tình trổ nhiều lá mới
Lá vẫn phơi sầu trên nắng hanh
Một thuở nào xa anh đã tới
Rồi cũng vô tình như lá xanh

Con đường đá sỏi mình từng đi
Từng hẹn hò xưa, từng thầm thì
Tình chết rồi, đường rêu đã phủ
Một thoáng ngậm ngùi thương tiếc chi ?

Tôi không trở lại vào mùa xuân này

Phiên bản tiếng Anh của Nguyễn Hữu Lý

Tôi biết rằng mẹ đang chờ tin tức của tôi
Khi nhìn thấy hoa mai, hoa đào nở hoa sống động bên cạnh lĩnh vực sân thượng
Năm ngoái, tôi hứa sẽ trở về nhà vào đầu mùa xuân
Đàn nhạn đang bay bổng trên trước hiên nay
Nhưng tin tức của tôi vẫn còn xa ...
Oh, tôi nhớ hòa bình lò xo ở thời xa xưa
Thính âm thanh của pháo vào đêm giao thừa năm mới ở khắp mọi nơi
Ngồi quanh bếp với than sống, bên cạnh một ngôi nhà nghèo
Để xem sau khi nấu cơm, bánh
Và trong chờ đợi cho buổi sáng bình minh
Nó mang một tuôn ra để đôi má hồng
Nếu tôi không trở lại, chắc chắn mẹ cảm thấy rất buồn
Không ai bỏ căn nhà nghèo sửa chữa
Đào hoa là ngắn trong vườn để chào đón mùa xuân
trẻ em vô tội đang chờ anh em họ của anh trở về
Ai cung cấp cho họ quần áo mới
Trong hiển thị chúng ra dọc theo các đường phố vào ba ngày lễ hội của mùa xuân
Tôi biết rằng mẹ và các anh em đang chờ tôi ngay bây giờ
Nhưng tôi trở về theo bạn bè của tôi 'tất cả mong đợi
Nhiều lứa thanh niên đang chào mùa xuân mới trên chiến trường
Nó không có ý nghĩa nếu tôi muốn được hạnh phúc ích kỷ
Ôi, em yêu mẹ, tôi vắng mặt mình vào mùa xuân này
Nếu bạn yêu tôi, xin vui lòng chờ đợi cho tôi trong ngày mai các ...

Xa Cách

XUÂN DIỆU

Có một bận, em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút; anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa

Anh sắp giận, em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "Em đây !"
Anh vui liền; nhưng bỗng lại buồn ngaỵ
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.

Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của của người yêu !
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất-vọng.

Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn lý trường thành
Của hai vũ-trụ chứa đầy bí-mật.

Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
Quá khứ anh; anh không nhắc cùng em.
- Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mợ
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu những điều quá thực...

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!

Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!"

Vườn cau quê ngoại

HỒ TRƯỜNG AN




Đêm qua vườn ngoại tàu cau rụng
Vàng ố loang từng bẹ lá khô
Mo xám quắt queo bao cữ nắng
Hồn xanh phai nhạt giữa mơ hồ

Thềm vắng, xế nay ngồi vót chổi
Ngoại đưa cần mẫn chiếc dao cau
Chừng nghe tiếng chổi khua sàn sạt
Quét rụng niềm vui tự thuở đầu

Sống lá từng tàu cau chuốt mỏng
Dẻo mềm lạt buộc chổi tinh khôi
Ngoại từ xanh tóc nay đầu bạc
Vót chổi bao năm một chỗ ngồi

Đêm qua bão rớt, bông cau rụng
Mai mốt buồng cau thưa trái non
Vững mạnh nọc trầu bên mé nước
Dây dài, rễ tủa, lá xanh rờn

Nắng tắt, hiên ngoài se sắt lạnh
Gió chiều quét sạch lớp mây giăng
Ngoại đưa đẩy chổi trên sân vắng
Quét lá, làm sao quét ánh trăng?

Làm sao quét nỗi buồn giăng mắc?
Đèn lửa đêm dài chong hắt hiu
Cau sấy ba canh, than cháy đỏ
Làm sao hong ráo lệ bao chiều?

Vườn cau quê ngoại thời niên thiếu
Ươm giữa hồn thơ nét đẹp buồn
Ký ức tháng ngày rung bóng lá
Thơm hương cau tỏa dưới trăng sương

Vườn cau hòa tiếng tim châu thổ
Dựng mộ bia sau mái miếu đường
Có bóng ma người bao thuở trước
Suốt đời bám riết đất quê hương

VÀO THU

Nguyễn Đăng Hưng




Thu về theo bước em đi
Miên man chiếc lá từ ly ngập ngừng
Buồn men cho đến ngang lưng
Lâng lâng ý nắng xem chừng thoảng bay
Gần nhau nói chuyện chưa đầy
Anh còn lảng vảng như mây ngang trời
Then thùa để úa cả lời
Rung rinh mái tóc cho trời mưa ngâu
Ngoài sân chưa hái buồng cau
Đợi anh hái mấy lá trầu mới bay
Ta còn có mỗi đêm nay
Em đi đem hết cả ngày cả đêm
Thôi đừng nói chuyện trăng thềm
Gió còn heo hút theo em dặm trường
Mây còn đánh phấn soi gương
Môi em cài mấy giọt sương trong ngần
Bao la trùm lấy phân vân
Sầu lên kín cả bước gần bước xa

Ướt mi…

Hoa Hướng Dương






Nàng nơi đất khách đời êm ấm
Có nhớ người xưa chung chiếu chung chăn
Gối mộng chia đôi bờ tóc xõa
Hòa chung nhịp thở đã bao lần!

Thăm thẳm cảnh đời sầu vạn lối
Tưởng chừng hạnh phúc đến trăm năm
Tháng tư ngày đó…đời đen tối
Nàng đã đi rồi , tim buốt căm
Bỏ lại giường xưa chăn chiếu lẻ
Sợi buồn con nhện mãi giăng mau
Cho ta ngâm lại thơ Huy Cận
Để thấy tình xưa đã bạc màu

Bỏ lại bên kia bờ dĩ vãng
Nàng đi tìm mộng bến tương lai
Còn ta hiu quạnh theo ngày tháng
Đốt mảnh tình sầu trông khói bay

Khói tỏa mù sương lấp khoảng đời
Thuyền tình năm cũ đã ra khơi
Sao ta ngồi mãi bên bờ vắng!
Dõi mắt trông theo tận cuối trời…

Nàng bỏ tình tôi chẳng tiếc thương!
Trách ai xem nhẹ đạo cương thường
Ái ân ngọt lịm qua đầu lưỡi
Phụ rãi làm hoen phận má hường

Thôi nhé!Đành thôi đã biệt ly…
Nàng đi tan giấc mộng xuân thì
Gối chăn sưởi ấm đời người khác
Lối nhỏ ta về mưa ướt mi…

TUỔI VÀO YÊU

Lại Mỹ Hà



Em nắn nót tên mình trên giấy trắng
Nhưng ngại ngùng chẳng dám viết tên anh
Sợ bạn bè tụi nó sẽ bu quanh
Tên ai đó? Tên anh nào vậy hả?
Thời đẹp nhất phải chăng thời đi học
Ước mơ nhiều dệt mộng đẹp tương lai
Mộng có thành hay tan vỡ ngày mai
Nào ai biết vì đời nhiều bước ngoặc…
Em mơ thấy một cánh chim cô độc
Bay lang thang buồn rũ với thời gian
Chim cô đơn không thấy bóng thiên đàng
Bay lảng vảng trong mây sầu giá lộng
Rồi thức giấc ngỡ ngàng qua giấc mộng
Em lại buồn và thầm trách vu vơ
Tuổi vào yêu khi tuổi chỉ dại khờ
Anh không đến mà sao chờ đợi mãi…

Tuổi trẻ ta đâu?

HÀ THƯỢNG NHÂN



"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Câu sách ấy thuộc lòng từ thủa nhỏ,
Sáu mươi năm bỗng nhớ lại chiều nay,
Thửa ruộng sâu thấy lại bóng trâu cày,
Thấy khóm ruối (*), bờ tre rung tiếng sẻ,
Thấy bạn hữu, thấy lại mình tuổi trẻ
Thấy quê hương dù xa cách muôn trùng!

Tấm ảnh ấy thật tầm thường, đơn giản:
Một đứa bé, giữa buổi mai bình thản
Trên lưng trâu, thiếu cả chiếc roi tre.

Câu da dao chẳng hát vẫn lòng nghe,
Mùi lúa sớm vẫn tưởng chừng ngây ngất
Tưởng em gái long lanh đôi khóe mắt,
Áo bà ba khỏa nước dưới cầu ao,
Con chuồn kim bay chấp chới bên rào
Nhớ sông nước miền Nam
Ai hát đó?
Ai lại hát những câu ca vọng cổ?
"Lý ngựa ô"...
Con sáo cũ sang sông.

Mây như tơ, chiều ánh sắc mây hồng
Nhớ anh Bảy, chị Ba đi chợ tết,
Nhìn chậu cúc lại ghé hàng bánh tét.
Bụi Sài Gòn phảng phất, nhớ mùi xăng.

Ta ước ao được thấy một con trăng
Treo lơ lửng trên bến phà năm cũ

Quê hương đó! Quê hương là nỗi nhớ
Còn nhớ ai hơn nhớ chính mình xưa?
Một bức tranh vô nghĩa
Lạ lùng chưa!
Đủ khơi động cả một trời dĩ vãng
Những hình ảnh tưởng đi vào quên lãng
Bỗng chiều nay!
"Ai dám bảo chăn trâu"
Ta tìm đâu? Tuổi trẻ của ta đâu?

TƯƠNG TƯ

Nguyên Sa



Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?


Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?




Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?


Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương


Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa


Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em

TỪ ĐÓ YÊU EM

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích



Không là biển vẫn dạt dào cơn sóng,
Dâng ngọn triều phủ cát lạnh bờ xa!
Không là trăng vẫn tỏa ánh ngọc ngà,
Soi lối mộng thuyền quay về bến đổ!
Em phong kín tựa vịnh đời chắn gió,
Đôi tay mềm ấp ủ bến bình yên.
Gởi đam mê trong ánh mắt dịu hiền,
Chút hành lý vào đời ta giong ruổi...
Tình yêu em tuôn mạch tràn suối tưới,
Vào dòng đời giữa mùa cạn lòng nông,
Cho xanh tươi mùa lúa mượt cánh đồng,
Chim ríu rít bên bông vàng trĩu hạt!



Vườn hạnh phúc xanh trời Nam bát ngát...
Bỗng mịt mù mây kéo phủ tang thương!
Loài quạ đen rình rập mọi nẻo đường,
Chim vỗ cánh tìm bờ xa bến lạ,
Chim chết tiếng trong lồng đời nghiệt ngã,
Tháng năm dài mong đợi những mùa Xuân!
Ta đớn đau : Em nước mắt nhọc nhằn,
Em hờn tủi : ta mồ hôi pha máu!
Mồ hôi thắm tình ta thành ngọc báu,
Em sáng ngời giữa cơn lốc đại dương!
Như loài trai đá kết tủa dị thường,
Nơi biển mặn vết thương thành ngọc quý!

Em yêu ơi, trọn đời ta trân quí,
Hạt ngọc tình kết đọng Ba lăm năm.
Nụ hôn xưa ôi, mật ngọt trong ngần,
Nghe mát rượi tim ta mùa ký ức!
Trái chín tình em đầu đời rạo rực,
Thuở hẹn hò nao nức đẹp mùa trăng;
Mái tóc mây che lấp nẻo cung hằng,
Ta lạc lối đêm Nghê Thường Vũ Khúc!
Tháng Chạp mưa bay, tháng Mười trăng khuất,
Tuổi trăng tròn em lồng lộng vườn yêu.
Cây trái đơm bông kết nụ mỹ miều,
Ta gieo hạt em nẩy mầm hạnh phúc!

Tạ ơn em những chuỗi ngày cơ cực,
Lặn lội thân cò xuôi ngược miền xa.
Dấu kín thương đau, gối mỏng lệ nhòa,
Nghe muôn giọt đọng sầu trong tim vỡ!
Thao thức vườn xưa, trăng mùa cách trở,
Căm hận đời, cắn từng hạt phân ly...!

Còn lại cho em, nào đươc những gì,
Sự nghiệp tan hoang, lao tù khốn khổ.
Duy một trái tim - món quà rất nhỏ,
Ta tặng Mình Ngày Cươí Ba Lăm Năm!

TỨ ĐỨC

CÔNG
Khéo tay kim chỉ ấy là CÔNG,
Son sắt đinh ninh phải để lòng,
Khâu vá chớ nề khi nắng Hạ,
Thêu thùa đừng quản lúc mưa Đông

Miếng ngon xào nấu dâng Bà Cố,
Vật lạ hầm chiên hiến Cụ Ông.
Quét dọn cửa nhà cho sạch sẽ,
Dâu hiền phải giữ nếp gia phong.

DUNG
Trang điểm xưa nay lẽ rất cần,
Phải chiều theo ý của lang quân.
Đen huyền mái tóc năm ba tấc,
Trắng nõn hàm răng tám chín phần.

Má phấn chớ tô màu quá đậm,
Môi son nên điểm nét vừa cân.
Chồng thương vì nết, yêu vì sắc,
Trái ý trăm đường thiệt đến thân.

NGÔN.
Giao tế thân sơ cũng dịu dàng,
Chớ nên lớn giọng nói oang oang.
Tiếng chào hơn cỗ, không bàn ngược,
Hũ mật chết ruồi, chẳng nói ngang.

Lời ngọt còn hơn trăm nén bạc,
Giọng êm không kém chục thoi vàng.
Lựa lời mà nói cho vừa bụng,
Trên dưới ai người chẳng nể nang.

HẠNH
Tính ăn, nết ở phải nêu gương,
Tôn kính người trên, dưới nhún nhường.
Nghèo khó, trẻ già đều quý mến,
Sang hèn, lớn nhỏ cũng thân thương.

Vợ hiền nên nhớ câu gia pháp,
Dâu thảo đừng quên chữ kỷ cương.
Nết tốt xưa nay hơn sắc đẹp,
Đáy lòng hiếu hạnh tự nhiên hương.

TRƯỜNG GIANG

Trường xưa

Thu Giang




Chiều nắng hạ em âm thầm đếm bước
Con đường xưa thương lắm lá Me bay
Nón nghiêng nghiêng e ấp bờ vai gầy
Nhịp guốc gõ nhẹ nhàng trên đường phố
Tá áo lụa đẹp eo thon muôn thuỏ
Tóc em bay theo gió lộng muôn chiều
Anh theo sau nhanh nhẹn thật đáng yêu
Như cái đuôi một ngày trời trong sáng

Bức thư tình cứ vờn nhau thấp thoáng
Cánh bướm nào liếc vội đoá hoa thơm
Bốn mùa qua Xuân lại cứ chờn vờn
Tình thắm mãi như vườn hồng mầu sắc

Theo dòng đời chia tay không thắc mắc
Chẳng tại em và cũng chẳng tại anh
Để chiều thu nhìn chiếc lá xa cành
Chợt nỗi buồn len tâm tư trống vắng

Trường xưa đây qua bao mùa mưa nắng
Gốc Phượng già hoa vẫn đỏ sân trường
Lớp học xưa vẫn thế sao vấn vương
Tìm người cũ ….chỉ tiếng ve rời rã .

chẳng muốn khóc mà dòng sầu lả tả
Tiếc thương nhau kỷ niệm cũ qua rồi
Lặng lẽ buồn đời như cánh hoa trôi
Theo mặt nước chút bọt bèo tan biến .

Trường Tương Tư

HÀN MẶC TỬ


Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy
Của lời câm muôn vì sao áy náy
Hiểu gì không em hỡi! hiểu gì không?
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn trề say chới với
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi;
- Cho em buồn trời đất ứa sương khuya,
Để em buồn, để em nghiệm cho ra
Cái gì kết lại mới thành tinh tú;
Và uyên ương bởi đâu không đoàn tụ,
Và tình yêu sao lại dở dang chi,
Và vì đâu, gió gọi giật lời đi.
- Lời đi qua một chiều trong kẽ lá,
Một làn hương mới nửa lừng sa ngã
Anh mến rồi ý vị của làn mơ. Lệ Kiều ơi! em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo,
Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo
Bên kia trời hãy chụp cả hồn anh.
Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành,
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy,
Náo không gian cho lửa lòng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên,
Đang say sưa trong thế giới Hão Huyền
Đang trửng giỡn ở bên sông Ngân biếc...

Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi!
Lau mắt đi đừng cho lệ đầy vơi.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Trong im lìm lẻ loi trong dãy động.
- Cũng hình như, em hỡi! động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
"Một hồn đau rã lần theo hương khói,
"Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
"Một lời run hoi hóp giữa không trung,
"Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng,
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn".

Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ,
Cùng tình em tha thiết như văn thơ,
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.

Trúc Đào - Nguyễn Tất Nhiên

Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng
Quên người - nhất quyết tôi quên
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào

Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ... ngơ ngẩn nhìn
Thế rồi trăng sáng lung linh
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ
Sang năm mười bảy không ngờ
Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày

Chiều nay ngang cổng nhà ai
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười ?

Trăng Sáng Tình Quê

Trùng Quang





Nhớ ánh diệu huyền soi bước ta
Nhớ gương hiền dịu ngự muôn nhà
Hòa sương thu biếc nơi lều cỏ
Ẩn khói xuân xanh chốn tháp ngà
Ngọc rắc vườn thơ Quỳnh trắng nụ
Son tô xứ mộng Cúc vàng hoa
Hương quan dài giấc mơ canh vắng
Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa

Chốn cũ người xưa nét chẳng nhòa
Bao mùa lá đổ mấy mùa hoa
Bến quê trăng lạc sương mờ trắng
Quán khách đèn chong tuyết úa ngà
Hỏi bóng còn tròn in đáy nước
Và tơ vẫn mảnh lướt bên nhà ?
Gió đàn vang mãi cung phiêu hận
Dằng dặc đêm trường ta với ta

Dằng dặc đêm trường ta với ta
Ngẩn ngơ nghĩa nước với ân nhà
Thôn xưa xán lạn khung mây gió
Lối cũ thanh tao nét ngọc ngà
Cám cảnh ly hương sầu kết trái
Chờ tin phục quốc bút lên hoa
Thái bình một dải chung dòng biếc
Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa



Ðôi mảnh trời chia khói sóng nhòa
Gốc đào đã trổ mấy lần hoa
Gió sương còn vững trang thơ gấm
Sắt thép nào nghiêng cán bút ngà
Úa cánh sao khuya thuyền cách bến
Tím phương trời lạ khách xa nhà
Lòng mang nặng mối hờn ly quốc
Gió hắt hiu sầu theo bước ta

Gió hắt hiu sầu theo bước ta
Dẫu coi bốn bể cũng như nhà
Vương tơ tằm nhớ cành dâu biếc
Tung cánh chim thương cội trúc ngà
Man mác bầu không mây dựng lũy
Dạt dào gương nước sóng sôi hoa
Mười phương chín hướng đầy nhung nhớ
Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa

Trải mấy thời gian cũng chẳng nhòa
Vườn hương lan huệ lộng màu hoa
Chọn câu hiếu nghĩa làm khuôn mẫu
Giữ nếp thanh cao thế ngọc ngà
Cách núi chia sông chung xót nước
Rời Nam lià Bắc những thương nhà
Giờ đây bao nẻo đường chia ngả
Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?
Ta nhớ người xa … ai nhớ ta ?
Vương vương giao cảm đến muôn nhà
Trang thơ son mộng thêm màu thắm
Vườn hạnh trăng mơ tỏ ánh ngà
Trời biển tâm tình trao cánh nhạn
Ðông Tây thương nhớ mượn tờ hoa
Tinh cầu dù xẻ làm đôi nữa
Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa

Thì khối băng thanh cũng chẳng nhòa
Giữa trời thuần khiết một khung hoa
Những mong nhạc trổi nơi ngàn tiá
Hằng ước thơ bay chốn đỉnh ngà
Chưa đủ cang tràng xây dựng nước
Thời mang tâm não điểm tô nhà
Mai kia gió chuyển sang chiều mới
Trăng lại cười duyên với chúng ta

Trùng Quang 1985

“Trẫm” Nhớ Ái Khanh Không

Nhất Tuấn



Chỉ tại anh, nên hôm qua về trễ
Cứ “phim hay, tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo và ‘tô mầu’ giỏi thế”
Hỏi ai còn nỡ khất hẹn ngày mai
Chỉ tại anh nên trờì thu đổi gió
Mimosa … phủ kín mặt đường khuya
Vương đầy tóc em bắt đền anh đó
Gỡ dùm đi đứng cười mãi... ô kìa

Chỉ tại anh, em về nhà không ngủ
Trằn trọc hoài, thao thức suốt một đêm
Và bỗng thấy hình như là thoáng nhớ
Đến một người không biết lạ hay quen

Chỉ tại anh nên hôm nay dậy muộn
Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu
Bốn consigne (cô giáo già ác gớm
Còn bắt em chép phạt mấy trăm câu!)

Ngày thứ tám, em vào ngồi chép phạt
Mấy trăm câu mà viết mãi không xong
Bà giám thị cầm giấy xem chỉ thấy
Chúa nhật này “Trẫm”… nhớ… Ái khanh không

Tống biệt - Tản Đà

Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa, có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

TÌNH THU MUÔN THUỞ

Mùa thu một thuở yêu nhau
Lá vàng rơi rụng mưa ngâu nghẹn ngào
Trong lòng bao nỗi xuyến xao
Con đường tình sử hoa sao rơi đầy

Tình yêu tha thiết đắm say
Cúc vàng hoa nở vàng mây một trời
Vần thơ tiếng nhạc buông lơi
Tình ca vang vọng vạn lời yêu thương

Mùa thu áo trắng vấn vương
Tung bay tà áo sân trường thân thương
Heo may gió thoảng mùi hương
Hương tình ngây ngất gọi thương yêu về

Tình yêu trong trắng đam mê
Mùa thu đậm nét câu thề ái ân
Nắng thu trải nhẹ ngoài sân
Em bên song cửa âm thầm mộng mơ

Mùa thu em dệt vần thơ
Cung đàn anh nắn thẫn thờ không gian
Tình ca tha thiết vang ngân
Tình thu một thuở muôn vàn thắm tươi

Phạm Sĩ Trung

tình thu

CÁT DƯƠNG



mùa thu vương mắt em buồn
như sương khói tỏa từ muôn kiếp nào
thu ơi, nhớ độ thu nào
hơi thu hiu hắt,vàng chao lìa cành
mắt em một khoảng trời xanh
mà lòng băng giá như vành trăng thu
tôi đi lạc cõi sa mù
gió thu vàng rụng, tình thu hững hờ
em về hong lại trang thơ
nắng thu vàng úa, dấu mờ nhớ thương
mắt em biển sóng vô lường
tàu tôi nghiêng ngả giữa đường viễn du
tình em vàng tựa lá thu
lá bay trong gió, cành ru nỗi buồn …

Tình cô y tá

DUNG VIỄN XỨ




Em trở về trong đoàn người y tá
Đem tình thương cao cả giúp quê hương
Chữ thập hồng trong đội nữ cứu thương
Tà áo trắng hiền lương bay trước gió
Giúp mọi ngưới em chẳng nề khốn khó
Hành trang em mang nặng lúc lên đường
Hy sinh cho đời với cả tình thương
Lòng bác ái, bao la tình dân tộc
Thuở còn nhỏ xa nhà em đã khóc
Tuổi dạy khờ phải cách mẹ xa quê
Em ra đi mang nặng một lời thề
Và em hứa sẽ quay về ngày nắng ấm
Niềm mơ ước một ngày không xa lắm
Đem tình em nồng ấm hiến quê hương
Từ thôn quê thành thị đến phố phường
Em xoa dịu tình thương người y tá
Băng vết thương những anh hùng nghĩa cả
Đã hy sinh lăn xã giửa sa trường
Và khi em về đến chốn hậu phương
Lau giọt lệ mẹ già vương khóe mắt
Vì nhớ em thân mẹ già héo hắt
Suốt cuộc đời buồn bã chốn quê xưa
An ủi người trong cơ cực gió mưa
Vá lại mảnh than tàn đang tơi tả

THƯƠNG EM 14

Tôn Thất Phú Sĩ



Chiều hôm qua
Tình cờ thăm phố cổ
Không hẹn hò
Nên chỉ đứng ngó mông lung
Ngại ngùng ngắm những ngả đường ngang dọc
Dòng sông Seine con nước chảy hửng hờ
Anh lặng im
Dưới trời xanh yên tỉnh
Lá xạc xào nghe nhịp bước thân quen
Tiếng dương cầm đâu đây vang vọng lại
Đưa anh về một nỗi nhớ xa...



Năm mười bốn
Em xuân hồng rạng rỡ
Anh dây leo quấn quít suốt một thời
Mãi ước ao được làm cây cổ thụ
Ru em vào giấc mộng đẹp bình yên
Hạ chói chang
Anh sẽ là bóng mát
Đông lạnh lùng
Anh che gió che mưa

Hôm nay đây trở về chốn cũ
Anh bơ vơ vắng lặng ở nơi này
Con đường đó Beautreillis một thuở
Lời yêu thương ấp ủ chuyện trăm năm
Làm sao bước ra ngoài bao ngăn cách
Để cùng em sống lại phút ban đầu
Anh nhớ quá , nhớ điên người ngây dại
Mong bây giờ em giấc ngủ thần tiên

Đầu Tháng Năm anh hái chùm hoa may mắn
Gửi tặng em cành Muguet * lung linh
Cõi mịt mù một mình anh an nghỉ
Giấc mộng hờ đâu đó ánh sao băng

Thu giết trong lòng ta nơi viễn xứ

Thái Tú Hạp



thức dậy mùa thu gõ cửa vào
trong vườn sương tỏa lạnh âm hao
mặt trời lười biếng chưa thấy đến
chim hót nghe buồn trên mái cao

có phải tình thu đến sớm mai
hay chiều hiu hắt nắng vàng phai
nguyệt chìm mấy kiếp sông vời vợi
gặp lại suối nguồn trong mắt ai?

lửa đốt biên thùy em trú thân
con đường thăm thẳm gió qua tâm
động chút tình ta sầu thuở đó
nhắc nhở càng đau thu vọng âm

không hẹn mùa thu hăm hở về
trời nghiêng xuống thấp phủ hiên che
sáng nay tay bắt mây hè phố
tưởng đất mê cuồng cơn ngủ say

em hỏi ta còn tuổi biết yêu
mùa thu đày đọa nhớ thương nhiều
lang thang trong bóng chiều hoang phế
cổ tích nào mang mộng chắt chiu?

phố cũ u trầm xa xót thương
đường mai huyễn hoặc bóng tà dương
đông, xuân lẫn lộn già nua nhớ
mấy cõi nào thu nhớ cố hương

Thái Tú Hạp

THU NHUNG NHỚ

Dung Viễn xứ






Với thời gian nầy đã thành dĩ vãng
Kỷ niệm buồn, năm tháng mãi xót xa
Sang thu nầy là đã mấy thu qua
Ta rời bỏ quê cha đầy kỷ niệm
Nhớ lúc tiễn đưa lòng ta chết lịm
Nhìn cha mẹ già tim buốt lòng đau
Cổng phi trường trước phút sắp xa nhau
Tiếng mẹ gọi không sao ta quên được!
Lau ngấn lệ mắt nhìn, chân chùng bước
Kỷ niệm buồn mùa thu trước xa xăm
Giờ đây trên đất khách đã bao năm
Đổi tự do bằng giá khó đo lường
Xót xa lòng nhìn con bước ly hương
Hy sinh cả trời thương đầy nước mắt
Giờ chia biệt tim người đau quặn thắt
Con xa rồi cha mẹ cõi lòng đau
Nhưng đó là tâm nguyện mẹ ước ao
Ngày kỷ niệm thu xưa hằn trong trí
Hận chia ly bởi kẻ ở người đi
Nhớ thương nhiều cách trở mấy sơn khê
Xin gỏi mấy thu những buổi chiều về
Mang ray rứt não nề người viễn xứ…

Thu - Chế Lan Viên

Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ,
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.

Cũng mới độ nào trong gió lộng,
Nến lau bừng sáng núi lau xanh.
Bướm vàng nhẹ nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành.

Thu đến đây! Chừ, mới nói răng?
Chừ đây, buồn giận biết sao ngăn?
Tìm cho những cánh hoa đang rụng,
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!

Trời ơi! Chán Nản đương vây phủ.
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!

Thơ xuân - Nguyên Sa

Thơ xuân áo vàng

Mùa xuân em mặc áo vàng ,
Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay .
Em vừa xoay nhẹ vai gầy ,
Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ .
Nhìn coi chỗ cuối bài thơ ,
Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào .
Anh nhìn em mới bước vào,
Nhìn xuân, xuân cát tiếng chào đầu năm .


Thơ xuân áo xanh

Mùa xuân em mặc áo xanh,
Biển thu mình lại dưới cành lá nâu .
Bướm vàng cột tóc mái sau,
Cám ơn em đã mang màu cho xuân .
Cuộc đời dẫu có phù vân,
Ở trong mây nổi có phần thiên thu .


Thơ xuân áo tím

Trời sang trước, núi sang sau ,
Tranh nhau gõ cửa lúc đầu sớm mai .
Ta chưa kịp hỏi coi ai ,
Ðã nghe tiếng biển reo vui rộn ràng .
Thơ xanh, thơ trắng , thơ vàng,
Giục nhau cất tiếng mừng em đã về .
Trong vũ trụ có sao tua,
Em khoe áo tím. trời vừa sang xuân .

Thề non nước

Tản Ðà *



* Tản Ðà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1888 tại làng Khuê Thượng ( Sơn Tây). Thuở nhỏ theo học Hán Văn nhưng bị hỏng mấy khoa thi Hương . Ông ra làm báo . Viết cho tờ Ðông Dương tạp chí , Nam Phong tạp chí, rồi vào Sài Gòn viết cho báo Thần Chung, Ðông Pháp thời báo . Ông qua đời tại Hà Nội ngày 7-5-1939 . Tác phẩm : Thề non nước, Giấc Mộng lớn, Giấc Mộng con I và II , dịch thuật Ðường thi, Liêu trai chí dị ...
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời "nguyện nước thề non",
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày,
Xương mai một nắm hao gày,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Trời tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tưổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.

Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.

TA VỀ

Tô Thùy Yên





Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nổi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta



Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nổi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở ?
Mười năm, cây có nhớ người xa ?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nổi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

Tà áo dài VN khắp hoàn cầu

AN HẢI BÌNH NGUYÊN




“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường” (*)
Đàn chim Việt lưu lạc khắp muôn phương
Áo ai dài cho lòng ai nhớ nước

Tà áo bay giữa trời đông tuyết đổ
Lạnh không em, ơi dáng Việt mong manh
Sưởi ấm lòng anh nơi miền đất lạ
Áo em dài thêm yểu điệu, thướt tha

Cho tôi nâng tà áo tuyết sương hòa
Ve vuốt cổ tròn, nắn nót bờ vai
Lướt nhẹ nhàng cánh tay dài mềm mại
Trào dâng thương yêu một dải quê xa

Tà áo bay cao giưã trời mùa hạ
Nắng cháy tim nhưng lại mát thịt da
Đôi chân dài gót ngọc lướt phong ba
Hòa nhịp bước với thăng trầm đất nước

Áo thấm ướt giữa cơn mưa tầm tã
Nước vô tình làm buốt dáng kiêu sa
Áo quấn lưng, chân trần em lặn lội
Qua đoạn đường lầy, vời vợi áo bay

Áo dài bay cho lòng ai thêm say
Cho địa cầu này không lỗi nhịp quay
Cho hồn nước Việt rời xa quyện lại
Kết nối tình người lưu lạc đó đây!

---------------
(*) Hai câu đầu trích thơ Nguyên Sa.

Quê hương và nổi nhớ

TRỌNG LỄ



Rời bỏ quê hương lúc tuổi thơ
Lê thân phiêu bạt kiếp sông hồ
Xứ người nương náu thân tầm gửi
Mỗi độ xuân về… dạ ngẩn ngơ

Thuốc nào chữa bệnh nhớ quê hương ?
Chữa bệnh tương tư nhớ phố phường
Chữa bệnh lòng thương em gái nhỏ
Khi hoàng hôn xuống dưới trời sương…
Thuốc nào xoa dịu quả tim tôi?
Quên kỷ niệm xưa có một người
Đã một lần yêu rồi cách biệt
Lòng ai đau xót mãi khôn nguôi !

Bên một dòng sông ,một chiếc cầu
Ngút ngàn nổi nhớ giữa trời Âu
Đâu đây thoáng bóng cầu tre nhỏ
Qua rạch Cầu Ngang..nước bạc màu

Mơ ngày trở lại chốn quê xưa
Nhìn lại dòng sông soi bóng dừa
Nhìn lại con kinh đào thẳng tắp
Cánh buồm thấp thoáng buổi ban trưa…

Quê hương là cả những gì tôi
Trìu mến thiết tha nhất cuộc đời
Hoàn cảnh éo le đành phải chịu,
Mang đời viễn xứ…lệ đầy vơi!

Phố Cũ - Vũ Hoàng Chương

Ôi chốn này xưa ai sánh vai
Trán cao hoài vọng tóc buông cài
Tuổi thơm mười sáu tình thơm mới
Duyên đượm hàng mi ngập nắng mai

Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu
Hàng Trống Hàng Khay rộn bước người
Sách vở lên hương trầm ngát nẻo
Hoa soan hoa phượng chói màu tươi

Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng
Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời

Đôi lứa mê say cùng gắn bó
Mẹ cha cùng hẹn sẽ dành nơi
Trường chung một hướng nhà chung ngõ
Hoa gấm cùng mơ dệt cuộc đời

Thế mà tan tác mười năm mộng
Có kẻ ra đi chẳng một lời
Nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ
Một mình trơ với tuổi ba mươi

Lớp học nào tan đường rộn rã
Tình thơm mộng nhỏ tóc buôngvai...
Hàng Khay Hàng Trống hoa nào rụng
Màu tím thờ ơ vạt áo ai

PHẢI CHI NGÀY XƯA

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích



Cho MTrinh thuở áo trắng sân trường

Ước chi giữ được mây trời
Che cơn nắng hạ Sài Gòn lối xưa
Ngọn nồm thổi mát song thưa
Bên hiên nhà cũ cánh dừa ru đêm

Phải chi em thích hoa sim
Tôi đem nhuộm tím con tim thuở nào
Đường mòn guốc nhỏ xôn xao
Giờ tan lớp tối tôi thao thức chờ

Phải chi biết em yêu thơ
Từng đêm nhả mật thấm tờ giấy trao
Ngu ngơ thơ chửa ngọt ngào
Bằng tình tôi đậm rót vào mật hương

Nếu tình không kết tơ vương
Thì đâu mỗi buổi tan trường đứng trông
Gió bay tóc xõa hương nồng
Tôi như lạc giữa rừng trầm quế châu

Nếu không là mối tình đầu
Đã đem trút cả gánh sầu bến sông
Ngày em rời bến theo chồng
Hồn tôi cặp mạn thuyền rồng – nước trôi

Phải chi ngày ấy ngỏ lời !!!

NỢ NÚI SÔNG

Huỳnh Tâm Hoài



Món nợ hàng quân bỏ súng gươm
Cuối mặt vào tù khổ nhục thầm
Bỏ nước ra đi thân hoại chí
Món nợ muôn đời với núi sông

Thà chết cho cam lòng oan thác
Con hơn lê lết nỗi thương tâm
Cứ buốt lòng đau như dao cắt
Rướm hoài giọt lệ khó mà ngăn




Mỗi lần ngồi nhớ mẹ, nhớ cha
Nhớ mãnh vườn xưa một cõi nhà
Thấy còn nợ bỏ từng luống cãi
Thấy còn nợ bỏ những vuông dừa

Thấy còn nợ bỏ đồng ruộng lúa
Người dân cơm áo chẵng đủ ăn
Thấy còn nợ bỏ khung trường học
Lớp trẻ bị nhồi thứ vô luân

Nợ giòng chử nghĩa trôi dân tộc
Vào nơi âm vực những sa đà
Nợ ngôi chùa cổ sư ngồi khóc
Nợ nốc giáo đường lạc mất Cha

Nợ con phố nhỏ thân quen cũ
Những tà áo vui khắp nẽo đường
Bây giờ dáo dát người qua lại
Sợ lủ công an bước phập phòng

Nợ bạn bè xưa ngôi mộ lạng
Nợ những thân tàn nợ đệ huynh
Nợ những oan hồn ngoài biển cả
Nợ biết bao người vọng cố hương

Bao giờ trả hết món nợ chung
Thân đã già nua sức cạn cùn
Đã lỡ một lần buông tay súng
Làm sao trả nổi nợ non sông!!!

Nỗi Buồn - Trọng Lễ

Tôi về đất mẹ Trà Vinh
Qua cầu Mỹ Thuận xót tình bơ vơ
Lục bình theo nước lững lờ
Dòng sông lặng lẽ đôi bờ quạnh hiu
Em đi, để nhớ thương nhiều
Để chiều nhạt nắng tiêu điều xóm quê
Tôi như chìm đắm cơn mê
Dấu chân em mất, lời thề em quên
Chạnh lòng đợi chuyến xe đêm
Qua đường phố cũ càng thêm não nùng
Chiều sương nhuộm trắng cây rừng
Lá khô, chân bước ngập ngừng, lẻ loi
Giờ đây góc bể chân trời
Lang thang đất khách một đời đắng cay
Nỗi buồn tiếp nối tháng ngày
Đêm đêm văng vẳng tiếng ai thì thầm…

Nghĩa Trang Quân Đội VNCH

Mả mồ chiến sĩ khắp thôn trang

Vắng vẻ người thăm, hương khói tàn

Vị quốc cảnh đồng, thương nội cuộc

Vì thù tâm dị, hận bàng quan

Đừng mong phá tượng mờ chân sử

Chớ tưởng đào mồ phá nghiệp oan

Mặt nạ càng tô càng nhạt nhẽo

Thế gian sáng suốt xét thau, vàng

NGUYỄN DUY AN

NGÀN NĂM MÂY BAY

Hồng Vũ Lan Nhi



Ngàn năm mây vẫn mây bay
Mang theo cơn gió rót đầy mộng mơ.
Tình ai một thoáng phù du
Lòng thêm giá lạnh vương tơ nghìn trùng.

Từng đêm thao thức nhớ mong
Bóng người như có, như không chập chờn.
Cô đơn gậm nhấm nỗi buồn
Người đi đi mãi, sao còn ngóng trông ?

Sao còn chờ đợi viển vông
Khác gì sâu nhỏ nằm trong kén đời.
Bên tai thoảng tiếng của Người,
Như lời ru của một thời xa xăm ...

Tình nào đẹp mãi ngàn năm,
Tình nào trọn vẹn trăng rằm thiết tha?
Cô đơn dòng lệ nhạt nhoà
Từ trong khoé mắt chảy ra gối sầu.

Mơ vòng tay ấm bên nhau
Đôi môi nồng cháy khát khao ân tình.
Sương khuya từng giọt ưu phiền
Rơi trong hồn vắng, triền miên giấc sầu.

Hồng Vũ Lan Nhi
6/7/04

Ngậm Ngùi - Huy Cận

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi ! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau ?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...

NHỚ QUÁ MỘT THỜI XƯA ÁO TRẮNG

Hồng Vũ Lan Nhi

Ôi, nhớ quá một thờì xưa áo trắng,
Nón bài thơ, guốc rộn rã trên đường.
Bước chân sáo tung tăng cùng gió nắng,
Lòng rộn ràng theo ánh mắt thân thương.

Ngồi trong lớp mà mắt ngoài cứa sổ
Hồn đi hoang tìm nét đẹp hoang sơ
Lời cô giảng, nghe vang vang xa tắp
Trí óc còn mải uơm mộng dệt mơ.

Trong chiếc cặp, có dăm ba quyển sách,
Vở học trò, màu mực tím thương yêu.
Những dòng chữ trên đường thẳng kẻ sẵn,
Tuổi vô tư, chưa biết nghĩ ngợi nhiều.

Giờ ra chơi, chạy vội sang lớp khác,
Kiếm tìm xem, cô bạn nhỏ cùng đường
Đôi mắt đen to, mảnh mai dáng hạc
Tóc buông dài làm bao kẻ vấn vương.

Chuông tan trường, cả một rừng áo trắng,
Như đàn ong vỡ tổ, nối nhau đi.
Như cái chợ, có bao giờ im lặng
Tiếng nói cười trong phút tạm chia ly.

Rồi đường vắng dần bóng dáng nữ sinh.
Gió hạ hồng đong đưa lá thắm tình.
Lác đác đàng xa, còn vài đốm trắng,
Lầm lũi đi, từng bước nhỏ, một mình.

Nhớ nguồn cội

THU GIANG




Đã lâu rồi con không về quê ngoại
giòng sông xưa còn sóng cuộn nước tuôn
quốc kêu sương như nhắc nhở gợi buồn
rời quê ngoại là xa vời nguồn cội

một thoáng u hoài mơ về với nội
nội đâu còn thương chiếc võng đong đưa
không gian giờ chỉ là những âm thừa
trưa hè bức ai quạt lồng huơng gió

ơi quê hương có còn con đò nhỏ
đầy nghĩa tình từ lúc mới nằm nôi
cố hương ơi đêm thao thức bồi hồi
dường như tiếng côn trùng đang rên rỉ .

tìm đâu đây bóng hình người tri kỷ
đã bao năm ta vẫn đợi vẫn chờ
nắm tay về cùng chọn một bến mơ
trong xuân mới thanh bình trên vạn nẻo

Cát Dương

Nhớ Biển



Mười chín năm dài nhớ biển khơi
Tình đem chôn kín mãi phương trời
Áo kia vẫn trắng chờ tao ngộ
Trắng cả hồn thơ mộng rã rời

Mười chín năm dài ta nhớ biển
Lòng như chưa dứt mộng trăng sao
Biển khơi nồng mặn tình thương nhớ
Nhớ bạn bè xưa lệ muốn trào…

Nhớ mãi tàu đi giữa biển xa
Hải hành trên sóng động phong ba
Gió mưa gào thét, thân tàu lướt
Nghiêng ngả đời trai mộng nhạt nhòa
Mộng nhạt theo từng cơn sóng đẩy
Đời trôi theo mấy kiếp phiêu du
Biển ơi một thuở xưa vang dậy
Ngang dọc đời ai, khiếp kẻ thù...

Mười chín năm dài ta nhớ biển
Người đi tàn lụn tuổi hoa niên
Biển ơi bủa sóng vây ta lại
Rửa hộ giùm ta những muộn phiền…

Mười chín năm dài nhớ biển đông
Biển xưa giờ vẫn thắm hơi nồng?
Gió nam còn thổi khơi mùa động?
Ôi đến bao giờ thỏa ước mong…

Mười chín năm dài nhớ biển khơi
Mà ta mãi đứng một bên trời…
Gươm thiêng đã ngả màu năm tháng
Cuối nẻo đời ai, tiếc một đời!

Nhớ...!

Tháng tư về nhớ cái rừng
Nhớ con suối cạn, nhớ từng dấu chân
Ba lô, súng đạn, hồng trần ...
Giày sô, áo trận tuột thân, nhớ hoài


Đói no lưu lạc xứ người
Trong đau tiếng khóc, ngoài cười gượng vui
Ba mươi tháng tư nữa rồi
Ba mươi năm đủ, phủ đời rong rêu


Không là số đẻ bọc điều
Thiên di toạ mệnh, hẩm hiu bóng tà
Nhớ cha , nhớ mẹ, nhớ bà
Nhớ cô hàng xóm chắc gìa hơn xưa

Lê Biên Hòa

Nhặt lá thu rơi

Nguyên Khoa



Em về nhật lá Thu rơi
Đếm từng chiếc lá khóc đời quanh hiu
Con đường lá úa buồn thiu
Sầu đau nhỏ lệ tình yêu mất rồi


Em về nhặt lá Thu rơi
Nhớ người tình cũ đã rời chốn xưa
Con đường lá thắm mộng mơ
Âm thầm đếm bước thẫn thờ chơi vơi


Em về nhặt lá Thu rơi
Viết tên người cũ một thời luyến thương
Con đường lá đổ vấn vương
Dấu xưa kỷ niệm đoạn trương người ơi


Em về nhặt lá Thu rơi
Nhặt thương nhặt nhớ bời bời long đau
Con đường lá rụng lao xao
Khóc tinh tan vở úa nhàu đời em.

Nếu Em Về Thăm Quê Nước Việt

AN HẢI BÌNH NGUYÊN


Nếu em về thăm quê nước Việt
Ngắm giùm tôi một dải sơn hà
Nghe mênh mang cung đàn tha thiết
Mây trời, hoa lá vọng tiếng ca

Nếu em về thăm quê Trung Việt
Tắm giùm tôi giếng cạn bên nhà
Gàu nước mát, tình quê chân chất
Rửa bụi đường, tươi thắm làn da

Nếu em về thăm quê Bắc Việt
Ngồi giùm tôi dưới một gốc đa
Thoáng nhẹ vang giọng hò khoan nhịp
Hội Lim rộn ràng, thưỏ đã qua

Nếu em về thăm quê Nam Việt
Nâng giùm tôi những cành trĩu quả
Vườn cây rộng, thực lòng dân miệt
Sóng gợn xa, sông nuớc hiền hòa

Nếu em về Cao Nguyên Trung Việt
Thấm giùm tôi bụi đất đậm đà
Màu nâu sẩm, chân tình xứ núi
Lễ cúng Giàng, cồng chiêng ngân xa

Nếu em về Liên Sơn Bắc Việt
Nhuốm giùm tôi sương đọng mái nhà
Dải biên cương bao đời chống giặc
Khua động núi rừng, khèn - phèng - la

Nếu em về rong chơi phố Việt
Đầy hào nhoáng, rực rở, xa hoa
Có biết rằng bên bước em đi
Bao cuộc đời gian lao, khốn khó

Em đã thấy mọi miền nước Việt
Vui thấp thoảng, triền miên thê lương
Tình dân tộc, nghĩa ân bất diệt
Em và tôi, chung nỗi đoạn trường!

NBHA 1/2006. Rev 003-final.
BOSTON. NQL. 2005.