Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Xin mạnh dạn góp thêm với bác Trần Lâm chỉ một điều này thôi.

Phạm Toàn

Bằng vào trải nghiệm và kiến thức uyên thâm, bằng cả cách nói năng dễ chấp nhận ngay cả khi bác dùng nhiều khái niệm “nhạy cảm”, Bác đã nói gần hết những chỗ gọi bằng KHÓ KHĂN trong vụ xử anh Cù Huy Hà Vũ. Điều chúng tôi muốn bàn thêm với bác là: xin cùng bác gợi ý thêm và mọi người cùng suy nghĩ với nhau về sự THUẬN LỢI trong việc giải quyết vụ án co giãn như cao su này.

Xin gợi ý cho những ai có trách nhiệm (cả những vị có quyền chức, và cả những cử tri đã bầu chọn ra những chức quyền) rằng: khi xử lý vụ Cù Huy Hà Vũ này, quý vị đó có trong tay một cơ hội để có thể chỉ trong một lần này lại GHI ĐIỂM CỰC KỲ TỐT trước con mắt toàn thể dân tộc Việt Nam (Ta không cần quan tâm lắm đến con mắt người bên ngoài – ta không cần lắm chăm chăm làm mọi điều chỉ để phù hợp với hệ thống phổ quát bên ngoài – ta cần làm hết sức mình để người Việt Nam được hài lòng, được thấy mình đáng sống trong một Tổ quốc chung).

Đây, đơn giản lắm: quý vị từng ghi điểm về thành tích GIẢI PHÓNG DÂN TỘC. Nay, xin quý vị hãy can đảm dấn thêm một bước nữa, ghi điểm cho thành tích DÂN CHỦ HÓA đất nước.

Cù Huy Hà Vũ không hề xóa công lao của quý vị. Cù Huy Hà Vũ cũng không tích trữ vũ khí để định bụng lật đổ quý vị. Anh bạn luật gia còn trẻ đó chỉ khơi dậy LÒNG TỰ TRỌNG, TINH THẦN LUẬT PHÁP, và SỰ ĐOÀN KẾT TOÀN THỂ DÂN TỘC để cùng xây dựng đất nước có cuộc sống hạnh phúc, cùng giữ gìn bờ cõi và tài nguyên, cùng triệt để chống tham nhũng. Xin quý vị hãy cùng Cù Huy Hà Vũ ghi điểm chung về LÝ TRÍ và TÌNH CẢM dân tộc trong thời kỳ cần huy động toàn dân HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC chúng ta.

Không hiện đại hóa được Tổ quốc này thì sẽ là đón nhận cái chết nhục của một dải đất chứa đựng những nô lệ hiện đại. CHẤM HẾT.

P.T.

LS Trần Lâm: 'Vụ Cù Huy Hà Vũ khó xử'



Ông Cù Huy Hà Vũ là con của vị khai quốc công thần Cù Huy Cận và có quan hệ với nhiều vị lãnh đạo ở Việt Nam

Tòa án ở Hà Nội đã quyết định hoãn vụ xử Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Vụ xử này đáng ra sẽ được tiến hành vào ngày kia, 24/3 nhưng nay chưa rõ ngày giờ mới của vụ xử.

Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ được thông báo sẽ không thể tham dự phiên xử cho dù tòa tuyên bố đây là vụ xét xử công khai.

Ông Trần Lâm, một luật sư có tiếng ở Hà Nội nói với đài BBC vụ xử ông Hà Vũ sẽ phức tạp do các diễn biến ở các nước Ả Rập và Bắc Phi cũng như sự can thiệp của các quan chức Việt Nam.

Ông nói:

"Cái vụ này cũng có thể gọn nhẹ thôi, chứ cũng không phải là căng thẳng lắm.

"Thế nhưng mà cái việc nó cứ thêm cái nọ, thêm cái kia, để kéo dài... rồi người này can thiệp, người kia can thiệp bây giờ trở thành cái việc lại khó xử.

"Lắm thầy nhiều ma, nhiều cha con khó lấy chồng. Nay ý này, mai ý kia, rồi quốc tế, rồi trong nước, rồi ông to, rồi ông nhỏ nên tự nó thành vụ án lớn.

"Cũng như cái bệnh bây giờ nó biến chứng, nó phát sinh thì phải ngồi lại, hội chẩn lại. Bây giờ tình thế trong nước như thế này, rồi Trung Đông, Bắc Phi, Địa Trung Hải lắm chuyện, rồi ở Việt Nam và lại còn ông Trung Quốc nữa.

"Người ta phải ngồi bình tĩnh xét lại. 'Bây giờ thôi, nó đã đến thế này rồi thì chúng ta, cũng như con bệnh ấy, chữa theo phương án nào'.

"Vì thế bây giờ người ta phải lùi lại, lùi lại để bình tĩnh vì bây giờ nó không phải là vụ án có cách đây hai ba tháng mà nó là vụ án khác."

Công khai

Luật sư Trần Lâm cũng nói mặc dù tòa nói phiên xử sẽ diễn ra công khai, điều này sẽ không đơn giản.

"Chữ công khai cũng phải nên hiểu nó nhiều nghĩa lắm.

"Nói công khai nó cũng thế nọ thế kia."

Hiện nay Đảng ta ở Việt Nam là một chế độ toàn trị, phải dứt khoát như thế chứ không nói rằng nó là một chế độ dân chủ được.

Ông nói trong nhiều vụ xử trước đây các nhân viên ngoại giao không được ngồi ở trong phòng xử và những người có mặt cũng được chọn trước.

Trước câu hỏi của BBC về chuyện có những luật sư cho rằng Điều 88 của Bộ Luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa là vi hiến, ông Lâm nói:

"Cái việc vi hiến hay không vi hiến thì ở nước Việt Nam này trong giai đoạn hiện nay nó phức tạp lắm.

"Thí dụ như ngay trong hiến pháp cũng có những điều rất tự do nhưng tự nhiên lại có Điều 4 thì nó thủ tiêu tất cả các điều khác đi

"Hiện nay Đảng ta ở Việt Nam là một chế độ toàn trị, phải dứt khoát như thế chứ không nói rằng nó là một chế độ dân chủ được.

"Nhưng mà chúng ta lại có những luật pháp, những chế tài... có dáng dấp của dân chủ, thế nó mới khó khăn.

"Chẳng hạn ở các nước kiện thủ tướng không là gì cả nhưng hôm nay tôi nghe người ta nói là quốc hội hay là nhà nước đã ra luật là không được kiện từ bộ trưởng trở lên.

"Như thế cũng là trái với thông lệ quốc tế.

"Ở ngoài nước các bạn cứ muốn nhà nước Việt Nam này theo phổ cập của các bạn.

"Việt Nam theo là nói cho nó đẹp vậy thôi

"Nếu đã phổ cập như các bạn thì coi như không có chế độ này nữa. Chế độ này không còn."

Chỉ trích tới đâu?

Ông Lâm cũng nói ông tin rằng Việt Nam sẽ rộng lượng hơn với các chỉ trích trong thời gian tới đây.



Luật sư Trần Lâm nói chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi dân chủ

Ông nói một phần đây cũng là xu thế chung của các nước trong đó có Trung Quốc:

"Người ta cũng đang có xu hướng bớt căng thẳng vì đây là xu hướng thế giới chứ không phải riêng Việt Nam.

"Ông Trung Quốc thế nào thì ông Việt Nam thế thôi chứ Việt Nam đã có gì sáng tạo nhiều lắm đâu."

Hiện tại ông nói những chỉ trích không gây phiền nhiễu và ảnh hưởng lớn vẫn được chấp nhận:

"Nhiều người đòi xóa Điều 4 nhưng không việc gì.

"Cái luật pháp ở Việt Nam nó không theo cái phổ cập.

"Khi thì nó theo cái phổ cập thì nó không bắt tội, nhưng mà khi nó thấy cần có tội thì nó cho đấy là chống đối.

"Ngay ở Trung Quốc cũng thế, ông Ôn Gia Bảo kêu gọi dân chủ một cách thẳng thừng

"Nhưng bây giờ chắc ông ấy bị kiểm thảo thế nào đấy nên độ này cũng hãm hãm rồi, không hung hăng như kỳ trước.

Lãnh đạo tập thể

Trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC hôm 22/3, luật sư Lâm cũng giải thích thêm:

"Khi một người chỉ trích nhà nước thì việc đầu tiên là cơ quan an ninh người ta phải xem chỉ trích đó vì động cơ gì, mục đích gì và cái người chỉ trích ấy động cơ ra làm sao, suy nghĩ ra làm sao.

Người ta bắt khi người ta thấy nguy hiểm, anh làm cho người ta phiền toái quá, anh làm tác động nhiều quá.

"Người ta bắt khi người ta thấy nguy hiểm, anh làm cho người ta phiền toái quá, anh làm tác động nhiều quá.

"Còn có những người viết mềm mỏng hơn, có ý thức xây dựng hơn thì cũng có thể người ta không bằng lòng nhưng trong tập thể của người ta cũng có người bằng lòng thì sao.

"Cái chế độ quản lý nhà nước của Việt Nam là dựa trên tập thể. Có tập thể hôm nay cái ý chủ đạo nó về nhóm này, nhưng ngày mai ý chủ đạo nó lại về nhóm kia.

"Thế nên người ta có thể nói tại sao ở Việt Nam một sự việc lại có hai đường lối."

Ông Lâm nói các nhà lãnh đạo Việt Nam thường gây nhiều thắc mắc vì quá trình ra quyết định của họ không rõ ràng.

Ông nói Việt Nam không đưa nhiều vấn đề gây tranh cãi ra quốc hội bàn thảo bởi vậy người dân trong nhiều trường hợp thiếu thông tin.

Nhưng ông nói ông tin rằng Việt Nam cũng sẽ có những biến chuyển tích cực hơn theo xu thế chung của thế giới.

Nguồn: bbc.co.uk

Ngày Cù Huy Hà Vũ

J.B. Nguyễn Văn Ba


Lịch sử Việt Nam đã có ngày 17.6.1930, ngày Nguyễn Thái Học. Người trí thức Việt Nam yêu nước Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái chết vì Tổ quốc Việt Nam ở tuổi 28. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái chống Pháp xâm lược nổ ra vào hai ngày, ngày 9.2.1930 ở Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái và ngày 15. 2.1930 ở Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương đều thất bại. Ngày 23.3.1930, trước Hội đồng Đề hình Pháp xét xử Nguyễn Thái Học cùng 82 đồng chí của ông trong một trại lính pháp ở Yên Bái, Nguyễn Thái Học lớn tiếng bác bỏ phiên tòa của thực dân Pháp: Tôi không có tội! Đây chỉ là nơi cường quyền đàn áp công lý! Ngày 17.6.1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí trung kiên của ông bị Pháp đưa ra hành quyết. Trên đoạn đường ngắn đi đến máy chém, Nguyễn Thái Học bình thản ngâm mấy câu thơ tiếng Pháp: Mourir pour sa patrie / C’est le sort le plus beau / Le plus digne d’envie (Chết vì Tổ quốc / Lòng ta thanh thản / Trí ta nhẹ nhàng).

Lịch sử Việt Nam đã có ngày 31.7.1931, ngày Tống Văn Sơ. Nhà cách mạng Tống Văn Sơ, tức người Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt ở Hồng Kông. Chính quyềh Anh ở Hồng Kông định giao Tống Văn Sơ cho Pháp đưa về Việt Nam và bản án tử hình sẽ đợi Tống Văn Sơ ở đó. Nhờ có luật sư Francis Henry Loseby can thiệp, chính quyền Anh ở Hồng Kông phải mở phiên tòa ngày 31.7.1931 tha bổng và trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông.

Lịch sử Việt Nam đã có ngày 27.7.1968, ngày Võ Thị Thắng. Cô nữ sinh trường trung học Gia Long, Sài Gòn, Võ Thị Thắng tham gia hoạt động chống chính quyền Sài Gòn và đội quân nước ngoài đang giày xéo đất nước Việt Nam. Võ Thị Thắng bị chính quyền Sài Gòn bắt và phiên tòa ngày 27.7.1968 kết án Võ Thị Thắng 20 năm tù! Trước quan tòa, trước họng súng cảnh sát, Võ Thị Thắng mỉm cười, nói: Chính quyền của các ông còn tồn tại được bao lâu nữa mà cầm tù tôi 20 năm?

Lịch sử Việt Nam hôm nay lại có ngày 4.4.2011, ngày Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đứng trước tòa án nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyền con người, quyền tư do dân chủ của tám mươi triệu người dân Việt Nam. Ngày Cù Huy Hà Vũ!

Ngày 5.11.2010, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt ở thành phố Hồ Chí Minh với tội danh mà những người có chút tự trọng khi nhắc đến đều thấy xấn hổ cho luật pháp của một nhà nước, vì thế ở đây không nhắc lại tội danh làm nhơ bẩn cả một nền tư pháp! Sau đó viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội viện dẫn ra những bài viết, những bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Vũ đã công bố trên các mạng toàn cầu và phát trên các đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài từ nhiều tháng trước để truy tố Luật sư Vũ “tội” Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khác hẳn với “tội” lúc bị bắt! Chỉ riêng điều này đã cho thấy pháp luật vốn ngay thẳng, minh bạch đã bị những người nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn dắt đi vòng vèo, quanh co, lắt léo, khuất tất, bất minh như thế nào!

Chỉ những người đã cắt đất đai thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam dâng cho đế quốc cộng sản phương Bắc mới là những người mồm nói yêu nước nhưng thực sự họ chỉ yêu chiếc ghế quyền lực và yêu bổng lộc từ chiếc ghế quyền lực mang lại cho họ mà thôi! Còn mọi người dân Việt Nam đều yêu nước bằng chính cuộc đời, bằng chính năm tháng sống, làm lụng, cống hiến của họ. Lúc thanh bình, người dân tần tảo, lam lũ làm ăn đóng thuế nuôi Nhà nước. Lúc giặc đến cướp nước, người dân mang cả máu xương, tính mang ra giữ nước. Nhờ thế đất nước Việt Nam mới còn lại đến hôm nay. Người dân đã đổ mồ hôi ra nuôi Nhà nước, đổ máu ra bảo vệ Nhà nước, nay có kẻ “Tuyên truyền chống Nhà nước”, làm sao người dân có thể để yên và kẻ chống Nhà nước làm sao còn chỗ đứng trên đất nước Việt Nam, làm sao còn chỗ nương náu trong lòng dân Việt Nam! Thế mà với tội “chống Nhà nước” người dân Việt Nam lại coi Luật sư Cù Huy Hà Vũ là anh hùng: Hà Vũ bộc trực vô ưu, khả dĩ Anh hùng khí tiết (Hà Sĩ Phu).

Bảy trăm tờ báo của Nhà nước theo lệnh của một tổng biên tập quyền uy là Ban Tuyên giáo trung ương cấp tập đưa tin vụ việc giật gân: Nửa đêm công an từ cấp phường tới cấp bộ bất ngờ đột nhập quây bắt luật sư Cù Huy Hà Vũ trong phòng khách sạn! Một tờ báo của cơ quan công cụ bạo lực còn hung hăng đi xa hơn cả cơ quan cảnh sát điều tra sục sạo vào quan hệ gia đình, thọc mạch bới lông tìm vết đời tư rồi đi trước cả tòa án, hùng hổ kết tội Luật sư Vũ! Việc làm phạm pháp trắng trợn này đã bị người thân của Luật sư Vũ phản ứng tức thì và đã có nhiều đơn khiếu nại nhưng cho đến nay tờ báo quen thói bạo lực ngôn từ vẫn im lặng, chưa công khai trả lời khiếu nại! Bảy trăm tờ báo áp đảo dư luận tưởng sẽ đánh gục Luật sư Vũ cùng người vợ trung trinh cùng lí tưởng thẩm mĩ với anh ngay từ đòn độc địa phủ đầu! Nếu chỉ có hai số phận nhỏ bé của một gia đình đơn độc nhận ngón đòn độc ác đó thì sẽ hết đường sống! Nhưng ngón đòn thấp hèn và hiểm độc đó không phải chỉ đánh vào Luật sư Vũ và người vợ trung hậu của anh mà nó đã đánh vào lương tri tám mươi triệu người dân Việt Nam, đánh vào lòng yêu nước, ý chí độc lập, hòa hợp dân tộc, đánh vào ý chí giành quyền con người, giành quyền tự do dân chủ của tám mươi triệu người dân VIệt Nam. “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói thì người khác cũng nói” (Lời công thần dựng chế độ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh). Vì nói tiếng nói của tám mươi triệu người dân Việt Nam mà Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt bớ, giam cầm, bị hạch tội, bị xét xử, bị bảy trăm tờ báo đưa ra pháp trường ngôn từ, thì tám mươi triệu người dân Việt Nam cùng ở bên anh Vũ chị Hà ngay từ đòn đầu tiên bảy trăm tờ báo đánh vào gia đình anh chị: Tám mươi triệu đồng bào âu lo cho chị / Khi bảy trăm tờ báo phát một bản tin / Trái tim người vợ nhận bảy trăm mũi tên (Tống Văn Công. Bài thơ Ngợi ca). Tám mươi triệu người dân Việt Nam bên anh Vũ trong ngục tù! Tám mươi triệu người dân Việt Nam bên anh Vũ trong công đường tòa án!

Ngày 4. 4. 2011, ngày Luật sư Cù Huy Hà Vũ ra trước tòa án của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tám mươi triệu người dân Việt Nam, mỗi người có một cách riêng, mỗi người có một hình thức riêng đều có mặt ở công đường tòa án bên Luật sư Cù Huy Hà Vũ!

Sẽ có hai thắc mắc.

Một. Sao lại chỉ có “Tám mươi triệu đồng bào âu lo cho chị”? (Câu thơ của Tống Văn Công) Dân số Việt Nam là hơn tám mươi triệu kia mà? Vâng, tám mươi triệu người dân Việt Nam bên cạnh anh Vũ chị Hà. Khối Nhân dân tám mươi triệu vĩ đại đó mới làm nên Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam: “Tổ quốc và Nhân dân bên cạnh Anh, Chị” (Dải chữ trên lẵng hoa của những người dân thầm lặng gửi đến nhà Anh Vũ, Chị Hà). Vài triệu ít ỏi còn lại là bộ máy công quyền đang giam cầm Anh Vũ và đang mưu toan đè bẹp ý chí độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, hòa hợp dân tộc, ý chí đòi quyền con người, đòi quyền tự do, dân chủ của tám mươi triệu người dân Việt Nam mà Cù Huy Hà Vũ là người tiêu biểu, là người nói lên ý chí đó. Vài triệu ít ỏi trong bộ máy công quyền bạo lực chuyên chính vô sản, công an, tòa án, nhà tù, nhân danh Nhà nước nhưng dứt khoát họ không phải là Tổ quốc và Nhân dân!

Hai. Nguyễn Thái Học đứng trước tòa án của bọn thực dân Pháp đang xâm chiếm đất nước Việt Nam. Tống Văn Sơ đứng trước tòa án của đế quốc Anh đồng lõa với thực dân Pháp. Võ Thị Thắng đứng trước tòa án chế độ Sài Gòn tồn tại nhờ sự có mặt của nửa triệu quân Mĩ. Cù Huy Hà Vũ đứng trước tòa án nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sao lại đồng nhất Cù Huy Hà Vũ với Nguyễn Thái Học, Tống Văn Sơ, Võ Thị Thắng?

Mẫu số chung của Nguyễn Thái Học, Tống Văn Sơ, Võ Thị Thắng, Cù Huy Hà Vũ là lòng yêu nước. Lòng yêu nước cháy bỏng thôi thúc họ hành động như họ đã hành động. Đó là hành động của mọi người Việt Nam yêu nước.

Mẫu số chung của những phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Học, Tống Văn Sơ, Võ Thị Thắng, Cù Huy Hà Vũ là những nhà nước, dù là nhà nước đô hộ hay nhà nước tự trị, khi đã đi ngược ý chí Nhân dân đều phải tồn tại bằng bạo lực! Công an, tòa án, nhà tù là hiện thân của bạo lực đó và những sự bắt bớ tràn lan, những phiên tòa hào phóng tuyên những bản án nặng nề, chế độ tù đày khắc nghiệt sẽ được thi thố để bóp chết ý chí, nguyện vọng về tự do dân chủ của Nhân dân!

Với người dân yêu nước, dù có phải nhận bản án tử hình như Nguyễn Thái Học cũng thanh thản: Chết vì Tổ quốc / Lòng ta thanh thản / Trí ta nhẹ nhàng! Dù có phải nhận bản án nghiệt ngã 20 năm tù như Võ Thị Thắng cũng vững tin: Chính quyền đó tồn tại được bao lâu nữa mà tuyên bản án 20 năm!

Tòa án không phải chỉ là nơi chính quyền xét xử người dân. Tòa án còn là nơi người dân nhận ra bản chất chính quyền, nơi người dân xét xử lại chính quyền! Càng tạo dựng ra tội để triệt hạ những người yêu nước, càng ban ra những bản án khắc nghiệt dành cho những người yêu nước thì chính quyền càng bộc lộ sự đối lập với Nhân dân, càng bộc lộ sự lo lắng, hốt hoảng trước Nhân dân! Tám mươi triệu người Dân Việt Nam sẽ nhìn vào phiên tòa ngày Cù Huy Hà Vũ, ngày 4.4.2011 để xét xử lại chính quyền!

22.03.2011

J.B. N.V.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Thổi “hồn” vào con số thống kê

Nguyễn Văn Tuấn



Mỗi con số là cả một câu chuyện. Thổi “hồn” vào con số là phản ánh câu chuyện đằng sau con số, chứ tôi không có ý nói chuyện thần thánh ở đây. Một con số hàm chứa nhiều hồn là con số tài trợ cho nước bạn trong lúc hoạn nạn...

Ví dụ như con số tiền Việt Nam giúp Nhật trong thiên tai sóng thần và động đất vừa qua là một câu chuyện. Thoạt đầu đọc trên hãng thông tấn Kyoto của Nhật cho biết Việt Nam sẽ tài trợ cho Nhật 500 triệu USD, tôi mừng thầm nhưng cũng lo. Mừng là vì Việt Nam mình ăn ở có tình có nghĩa với nước bạn trong lúc hoạn nạn. Lo là vì số tiền lớn quá, nửa tỉ USD chiếm gần 0.5% GDP của quốc gia! Năm trăm triệu USD cũng có nghĩa là mỗi người Việt Nam chi ra 5.8 USD để giúp bạn. Mà, 5.8 USD là tương đương với 3 ngày làm việc của một người nông dân.

Thế nhưng mừng và lo chẳng bao lâu thì lại thấy Kyoto đính chính là Việt Nam sẽ giúp Nhật 200,000 USD – hai trăm ngàn USD. Không hiểu tại sao có sự khác biệt lớn như thế? Sai số đến 2500 lần! Chẳng lẽ đó là sai số ngẫu nhiên? Hay là lại lỗi cậu đánh máy? Nhưng con số này cũng làm tôi suy nghĩ, không còn mừng nữa, mà là… lo. Như một blogger khác nhận xét rằng 200 ngàn USD còn thấp hơn con số một công ti Nhật bồi thường tai nạn lao động trong khi thi công cầu Cần Thơ. Một chiếc xe auto xịn của các đại gia Việt Nam nhập về cũng đã hơn 200 ngàn USD. Nhìn như thế để thấy số tiền hỗ trợ này (200 ngàn USD) khiêm tốn quá!

Để thấy sự khiêm tốn của nó, tôi sẽ thử “thổi hồn” vào nó để các bạn thấy. Cái hồn của một con số chỉ nổi lên khi chúng ta làm so sánh (dù biết so sánh là… nguy hiểm). Biết thế, nhưng hãy thử so sánh với Thái Lan xem sao. Quốc hội Thái Lan đã quyết định giúp Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo. Những con số này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy xem bảng số liệu sau đây:


Việt Nam

Thái Lan

Thái Lan / Việt Nam

Dân số

86 triệu

64 triệu

0.74

GDP

90 tỉ USD

264 tỉ USD

2.93

Giúp Nhật trong nạn sóng thần

0.2 triệu USD

65 triệu USD

325 lần

Tỉ lệ tiền giúp so với GDP

0.0002%

0.02%

100 lần

Sản lượng gạo

40 (?) triệu tấn

30 triệu tấn

0.75 (?)

Tài trợ gạo cho nhật

0 tấn

15,000 tấn

Vô hạn

Như chúng ta thấy, Thái Lan có dân số ít hơn ta, nhưng tính theo GDP họ giàu hơn ta. Do đó, họ tài trợ nhiều cho Nhật cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng dù GDP của họ chỉ hơn ta khoảng 3 lần, nhưng số tiền họ giúp Nhật cao hơn ta đến 325 lần. Cái hồn của con số tài trợ là ở đó. Cái hồn của con số tài trợ còn là nghĩa cử hào hiệp. Số tiền Thái Lan giúp Nhật chiếm 0.02% GDP, trong khi của ta thì chỉ 0,0002% – một sự khác biệt đến 100 lần. Nếu dùng tỉ lệ tài trợ trên GDP là một thước đo của nghĩa cử “hào hiệp”, chúng ta phải ngậm ngùi công nhận rằng Thái Lan hào hiệp hơn ta 100 lần.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số 1 trên thế giới, dù sản lượng gạo của họ thấp hơn ta (30 triệu tấn so với 40 triệu tấn – ước tính cho năm 2008). Điều đáng nói là Thái Lan quyết định giúp Nhật 15 ngàn tấn gạo, còn Việt Nam thì chưa thấy tuyên bố giúp một hạt nào. Hôm qua một bạn đọc bày tỏ mong muốn Việt Nam nên tài trợ gạo cho Nhật trong thiên tai sống thần và động đất vừa qua. Tôi thấy bạn đọc đó đã nói lên tâm tư của hàng triệu người Việt Nam. Có lẽ không nên “mong muốn”, mà chúng ta phải thực hiện. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp Nhật 20 ngàn tấn gạo chứ? Tôi nghĩ một nền kinh tế thứ 2 trên thế giới không cần 200 ngàn USD, hay thậm chí chưa chắc cần 15 triệu USD, nhưng họ cần gạo để giúp cho những người đang trong cơn hoạn nạn.

Nhật là một trong những nước giúp Việt Nam rất nhiều trong quá khứ và hiện nay. Từ những năm trong phong trào Đông Du, đến những năm Việt Nam còn khó khăn về kinh tế và bị cô lập trên trường quốc tế, Nhật luôn hỗ trợ Việt Nam. Giúp nhau trong lúc hoạn nạn mới có ý nghĩa hơn là giúp nhau trong lúc bình thường. Có thể nói Nhật quả là một người bạn đặc biệt thủy chung của Việt Nam. Ấy thế mà trong lúc Nhật gặp nạn, nghĩa cử của Việt Nam chưa tương xứng với tình thủy chung của Nhật dành cho Việt Nam. Chợt nhớ đến câu nói của Trịnh Công Sơn, “sống ở đời phải tử tế với nhau”, mang tính thời sự biết bao. Cái hồn của con số ở đây chính là cái thước đo tấm lòng của chúng ta dành cho bạn và cách sống tử tế của ta với bạn.

N. V. T.

Nguồn: Nguyenvantuan.net

Bài học và hệ lụy nào rút ra từ cuộc chiến ở Libya?

Nguyễn Hoàng Hà

Người ta rất ngạc nhiên là tại sao hệ thống phòng không của ông Gaddafi ngay từ ngày đầu đến ngày thứ ba mà chưa thấy phát huy tác dụng? Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề thì chính là do ông ta đã chỉ chăm lo cho túi tiền của mình hơn là lo lắng bảo vệ đất nước và chăm lo đời sống nhân dân.

Về sức dân thì chúng ta đã biết, người dân Libya tính theo đầu người chỉ đạt được mức sống 250 đô-la tháng trong khi là đất nước xuất khẩu dầu lửa hàng thứ 7 của thế giới. Hầu như kinh tế quốc gia này đều nằm trong tay ông Gaddafi và túi tiền riêng của ông – như dự đoán sẽ là 70 tỷ đô-la, riêng số tiền ông để ở các ngân hàng Mỹ và đầu tư vào các ngành sản xuất nước mình cũng lên đến 20 tỷ đô-la. Trong khi đó, số vũ khí hiện có của Libya hầu như là các loại vũ khí cũ kĩ như sau:

Về Phòng không-Không quân: Lực lượng không quân Libya bao gồm 18.000 người với hơn 400 máy bay chiến đấu. Trong đó có: Tu-22, MiG-23, MiG-25, MiG-21; Su-17; Su-24 do Liên Xô/Nga sản xuất; Mirage F1 do Pháp sản xuất. Phi đội trực thăng gồm có: 35 máy bay tấn công được thiết kế theo kiểu của Nga; 11 máy bay trinh sát ngoài biển, 90 máy bay trực thăng vận tải… Các nhà phân tích ước tính, một số máy bay Libya không còn bay được. Ngoài ra, không quân Libya đã mất 6 chiếc máy bay kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc nổi dậy.

Libya có lưới phòng không tương đối dày nhưng lạc hậu.

Các tên lửa đất đối không đã cũ và không được bảo dưỡng đầy đủ thường xuyên do lệnh cấm vận. Lực lượng chủ lực là 8 Tiểu đoàn tên lửa phòng không S-200 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250km. Ngoài ra, Libya còn có 3 Lữ đoàn tên lửa phòng không S-125, 5 Lữ đoàn tên lửa phòng không S-75 và nhiều tên lửa đất đối không khác như: Strela-1, Strela-2, Strela-10 do Liên Xô/Nga sản xuất và Crotale do Pháp sản xuất. Theo các nhà phân tích, mối đe dọa lớn nhất đối với các máy bay của Mỹ và đồng minh là hệ thống pháo phòng không và các tên lửa vác vai. Ước tính Libya có 500 khẩu pháo phòng không với cỡ nòng khác nhau và rất nhiều tên lửa vác vai. Trong cuộc chiến Cô-sô-vô, những loại vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả trước lực lượng không quân NATO. Bên cạnh đó, các máy bay trực thăng chiến đấu Mi-17 và Mi-24 cũng sẽ gây nhiều khó khăn với lực lượng NATO. Kinh nghiệm từ cuộc chiến Bô-xni-a cho thấy, các máy bay tiêm kích có tốc độ cao rất khó có thể đánh chặn được các trực thăng đang thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Về Bộ binh: Libya có 25.000 lính tình nguyện và 25.000 lính nghĩa vụ, được tổ chức thành 11 đơn vị biên phòng, 4 quân khu, một Lữ đoàn an ninh quân đội, 10 Tiểu đoàn tăng, 10 Tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 18 Tiểu đoàn bộ binh, 6 Tiểu đoàn đặc công, 2 Tiểu đoàn pháo binh. Ngoài ra, ông Gaddafi còn có khoảng 10.000 đến 12.000 binh sĩ rất trung thành và đặc biệt tinh nhuệ, trực thuộc Lữ đoàn Vệ binh 32 do con trai của ông Gaddafi là Khamis chỉ huy. Vũ khí, khí tài của lực lượng bộ binh Libya đang sử dụng phần lớn mua của Liên Xô (trước đây). Theo ước tính của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), vào năm 2009, Libya có 2.025 xe tăng, gồm 200 chiếc T-72, 100 chiếc T-62, 500 chiếc T-55, 1.040 chiếc T-54, 50 xe thiết giáp BRDM-2 và 70 chiếc EE-9 Cascavel; 1000 chiếc BMP-1, chưa kể BMD. Bộ binh có hơn 400 tên lửa chống tăng MILAN do Pháp sản xuất; hơn 620 tên lửa chống tăng AT-3, AT-4, AT-5 do Liên Xô sản xuất và hơn 400 tên lửa đất đối đất FROG-7 và SCUD-B.

Về Hải quân: Hải quân có 8.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng tuần duyên, được trang bị 2 tàu ngầm tuần tra, 3 khu trục và 15 tàu cao tốc tấn công.

Lực lượng Dân quân gồm khoảng 40.000 thành viên, có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và hoạt động dưới sự lãnh đạo của các chỉ huy quân sự địa phương.

Theo Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), Libya có thể đã phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học trong nỗ lực xích lại với phương Tây năm 2004. Nhưng OPCW cho rằng, rất có thể Libya vẫn cất giữ gần 10.000 tấn khí gaz hơi ngạt i-pê-rít tại một địa điểm bí mật trong sa mạc. Đây chính là điều mà Mỹ, Pháp, Anh v.v. không dám mạo hiểm đổ quân vào nước này mà dựa trên thế mạnh bằng không quân là chính.

Rõ ràng nhìn vào kho vũ khí của ông Gaddafi thì người ta thấy rõ ông là nhà trọc phú tham giàu sang và khoe mẽ hơn là người chăm lo cho dân, cho xứ sở mình. Cho nên, mấy ngày qua máy bay của Mỹ, Pháp, Anh bay vào ném bom xuống thủ đô và dinh lũy của ông không gặp mấy khó khăn. Nhưng cái khó hiện nay chính là liên minh này đang như rắn mất đầu vì Mỹ không muốn dính sâu vào cuộc chiến vừa tốn kém vừa bị thế giới ngày càng lên án bởi các cuộc ném bom đã gây ra thương vong cho rất nhiều dân thường. Con số dân thường bị chết vì bom liên quân thả nay đã là 198 người và hàng ngàn người bị thương. Đến nỗi, nhiều người trong phe dân quân đang quay ra ủng hộ ông Gaggafi chống Mỹ và liên quân. Theo Phó Giám đốc Tổ chức Tư vấn về nguy cơ chính trị Mappecroft Anthny Skinner, ông Gaddafi hiển nhiên phải kéo dài mọi diễn biến để tồn tại và nếu liên quân muốn lật đổ ông thì cần phải có bộ binh.

Nhà phân tích George Friedman, thuộc Tổ chức Stratfor, cũng nhận định rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công là thay đổi chế độ. Anh và Pháp từng can thiệp vào nội chiến ở châu Phi như Sierra Leone nhưng họ đứng về phía chính quyền.

Theo ông Friedman, đứng về phe nổi dậy khó hơn nhiều; tình thế đòi hỏi phải can thiệp sâu hơn để chính quyền của ông Gaddafi sụp đổ.

Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công thực sự là nhằm thay đổi chế độ. Theo các chuyên gia thì phe nổi dậy ở Libya hầu như chưa từng có một bộ tư lệnh đúng nghĩa và thiếu khả năng kiểm soát quyền lực, nên họ cần người nước ngoài.

Mặt khác, các nhà chiến lược cũng nhận xét rằng khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi trà trộn vào khu dân cư thì chỉ có bộ binh mới có thể chiến đấu với họ được, không quân khó có thể làm tròn nhiệm vụ.

Nhà phân tích Henry Wilkinson, thuộc Tổ chức Janusian, nói: “Không lực có giới hạn của nó”. Ông cho rằng chỉ có bộ binh mới có thể giành đất, bảo vệ an ninh cho địa phương và thiết lập chính quyền.

Cuộc chiến gây tổn hại cho người dân vô tội

Cuộc chiến gây tổn hại cho người dân vô tội và tốn kém tiền của vô ích

Trong khi đó, tuần báo Mỹ National Journal lưu ý về chi phí không kích Libya, theo đó, ngày đầu tiên ước lượng lên đến 100 triệu USD. Việc duy trì vùng cấm bay - vốn cần có thiết bị quân sự để theo dõi và ứng phó - tốn từ 30 triệu USD đến 100 triệu USD mỗi tuần.

Việc tuần tra trên bầu trời Libya tốn mỗi tuần từ 100 triệu USD đến 300 triệu USD. Đây là một trở lực khác khi kéo dài cuộc chiến. Đối với quân đội Mỹ, chi phí cao nhất cho cuộc chiến này phải kể đến giá thành đắt đỏ của các loại vũ khí tối tân, nhiên liệu cho máy bay, tiền chiến đấu cho binh sĩ... Tất cả những nhân tố đó sẽ chồng chất lên mỗi ngày chừng nào mà quân Mỹ còn tham gia chèo lái chiến dịch. Tính riêng trong ngày không kích đầu tiên, liên quân do Mỹ dẫn đầu bắn 112 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk, ngốn từ 1 đến 1,5 triệu USD mỗi chiếc. Như vậy, riêng tên lửa đã ngốn khoảng 112 đến 168 triệu USD.

Nhưng ngược lại như đã nói, muốn lật đổ ông Gaddafi không thể chỉ bằng ném bom hay không quân mà phải can thiệp bằng bộ binh. Điều này trái với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa thông qua không cho phép đưa bộ binh vào Libya mà sứ mạng là lập vùng cấm bay để bảo vệ dân thường Libya khỏi bị sát hại bởi lực lường trung thành với ông Gaddafi. Ba ngày qua với hàng trăm vụ oanh kích, cho người dân libya và thế giới thấy, ý tưởng bảo vệ người dân vô tội không đạt được mà trái lại đã có hàng trăm dân thường chết và hơn 500 người khác bị thương. Ông Gaddafi chẳng chết mà trái lại từ một người bạn thân của Mỹ, Pháp, nay đang là tâm điểm quy tụ người dân Libya và cả thế giới Hồi giáo vốn có nhiều nợ nần và thành kiến với Mỹ và phương Tây vào cuộc chiến chống Mỹ và liên quân. Cuộc sa lầy đã bắt đầu từ đây.

Nội bộ chia rẽ

Chỉ sau 2 ngày ném bom Libya, nội bộ liên quân quốc tế do 3 nước Pháp-Anh-Mỹ lãnh đạo đã có dấu hiệu bất đồng về vai trò của NATO (Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương) trong giai đoạn 2. Đứng ra phối hợp tác chiến trong giai đoạn 1 hiện nay là đại bản doanh Mỹ ở Ramstein (Đức) và Napoli (Ý). Máy bay Pháp-Anh ném bom Libya, trong khi Mỹ chỉ đảm nhận vai trò bắn tên lửa từ chiến hạm. Máy bay Mỹ không tham gia.

Trong các nước tham gia liên quân bao gồm Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp và Tây Ban Nha, đa số đều muốn NATO lãnh đạo cuộc chiến trong giai đoạn 2, ngoại trừ Pháp. Pháp đã lên tiếng phản đối với lý do nếu giao quyền lãnh đạo cho NATO, các nước Ả Rập – thật ra chỉ có Qatar, còn UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) chỉ tham gia “cứu trợ nhân đạo” – sẽ rút khỏi liên minh, thậm chí có thể lên tiếng tố cáo ngược.

Trong khi đó, Tổng thống Obama muốn NATO nắm quyền lãnh đạo “trong vài ngày tới, chứ không chờ vài tuần”. Rõ ràng, ông Obama đang muốn sớm “giao bóng” cho NATO vì ở trong nước, ông bị phe Cộng hòa chỉ trích kịch liệt. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, bà Ileana Ros - Lehtinen, trách ông Obama đã không giải thích rõ ràng cho nhân dân Mỹ biết Libya đe dọa an ninh Mỹ như thế nào.

Thủ tướng Ý Berlusconi cũng muốn “chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO”. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini cho biết thêm nếu vấn đề lãnh đạo không ngã ngũ, Ý sẽ lấy lại những căn cứ không quân mà Ý cho liên quân quốc tế mượn.

Na Uy bức xúc tuyên bố đình chỉ các chuyến bay F-16 đã có mặt ở Ý từ ngày 21-3 chừng nào “chưa làm rõ vấn đề lãnh đạo”. Trong khi đó, Đức và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phản đối NATO, một khi được giao quyền lãnh đạo, đưa máy bay ném bom Libya như liên quân đã làm trong 96 giờ qua.

Ngoại trưởng Đan Mạch đề xuất một biện pháp khác: Đưa Đại tá Gaddafi ra tòa án quốc tế để xét xử về tội ác chống lại nhân dân Libya. Đan Mạch – nước có 6 chiếc F-16 tham gia cuộc ném bom – muốn “chế độ Gaddafi phải bị chính người dân Libya lật đổ” vì ai cũng biết “không thể thắng cuộc chiến ở Libya chỉ bằng những cuộc không kích”.

Hậu quả trước mắt nặng nề nhưng hệ lụy cuốc chiến còn dai dẳng mãi khó dứt.

Tuy cuộc phát động ném bom của Mỹ và Liên quân mới chỉ có vài ngày mà hệ quả của nó đã rất lớn, vượt ra khỏi tầm suy nghĩ tính toán của chính tác giả đã gây ra nó. Đó là:

Lòng căm thù của người dân Libya với Mỹ và thế giới phương Tây càng lên cao khó có thể làm phai nhạt khi mà máu hàng trăm dân thường đã đổ.

Vì bị ép vào đường cùng khiến ông Gaddafi phát các loại vũ khí đến toàn dân, chắc chắn các tên lửa vác vai, các tên lửa bắn tàu chiến, có khi cả vũ khí sinh học v.v. càng có khả năng sẽ vô tình trang bị cho cả những người theo đạo Hồi quá khích vốn căm thù Mỹ và phương Tây có dịp trả đũa trong đó Israel hứng chịu là điều chắc chắn. Và sau cùng, từ nay trở đi các máy bay kể cả máy bay hàng không dân dụng, các tàu chiến và cả tàu hàng của phương Tây, không thể đi lại an toàn trong khu vực quan trọng này nữa. Đấy mới là hậu quả nằm ngoài sự mong muốn của các cái đầu nóng hiện nay.

Những bài học được rút ra

Bài học được rút ra cho cả hai phía là dùng vũ lực để giải quyết vấn đề dân chủ tự do trên thế giới không phải là liều thuốc đúng mà thậm chí lại phản tác dụng. Người dân bất kỳ quốc gia nào khi xảy ra chiến sự với sự có mặt của ngoại bang đều cho đấy là hành động xâm lược hơn là thành tâm giúp đỡ họ. Nhiều người lên tiếng rằng cuộc chiến nay đã bốc mùi dầu hỏa là vì như vậy.

Còn với ông Gaddafi thì đã có bài học để đời, đó là tham lam, cố vị, độc đoán, chuyên quyền và vô trách nhiệm trước đời sống khốn khổ của nhân dân là nguồn cơn để đẩy đất nước vào vòng nội chiến tương tàn có nguy cơ đe dọa đến độc lập chủ quyền của đất nước mình và đe dọa đến chính ngai vàng và tính mạng của của ông ta. Đây cũng là bài học cho cả các nước khác trên thế giới, phải lấy đó mà tự soi mình.

Qua đây, chắc chắn các nhà quân sự Việt Nam và các nước có dải bờ biển dài lại có nhiều tài nguyên khoáng sản dầu mỏ trên biển đều thấy ra, việc mua sắm hỏa tiễn các loại tầm xa, tầm trung, tầm ngắn đất đối biển hay hỏa tiễn phòng không là rất quan trọng để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của mình.

Người ta cho rằng cuộc chiến đã đi qua xa và cuối cùng thì chỉ có người dân Libya là nạn nhân của cả hai phía mà thôi.

Ngày 22 tháng 3 năm 2011

N.H.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Thực chất cuộc cách mạng Hoa Lài

Ỷ Lan

Thông tín viên RFA

Cuộc Cách mạng Hoa Lài làm rúng động hầu khắp Bắc Phi và một số nước Trung Đông liệu có gây tiếng động đáng kể ở Á Châu như một số người mong và đoán? BVN không tin vào hiệu ứng này, và đương nhiên, khi bom đạn liên quân Anh Pháp Mỹ bắt đầu cày xới Libya thì hình như mùi hương trong trẻo thơm ngát ban đầu của nó đã bị mùi khói bom ít nhiều làm cho nhạt loãng. Dù vậy, cái nguyên nhân sâu xa tích tụ nên nội lực làm bùng nổ cuộc cách mạng ấy, trong bước diễn tiến ban đầu của nó, cũng như hệ quả hiện tại của nó ở những nước đã thanh toán xong các chính phủ độc tài, rất đáng để các nhà nghiên cứu chính trị-xã hội để tâm tìm hiểu. Dưới đây là tiếng nói của một học giả Tunisia đang là Giáo sư tại Đại học Pháp, chúng tôi xin đăng lên để bạn đọc tham khảo, mặc dù không nhất thiết những dự đoán của ông về ảnh hưởng lâu dài của "niềm khát vọng Tunisia" là một hiện thực mà ai cũng công nhận.

Bauxite Việt Nam

Cuộc Cách mạng Hoa Lài khởi sự ở Tunisie miền Bắc Phi đang lan tràn trong thế giới Ả Rập và làm bùng dậy khối người mới đây còn nhẫn nhục cúi đầu dưới gót độc tài. Có những niềm hy vọng nào, và những mối lo gì nảy sinh từ đó?



Cảnh sát Tunisie đàn áp. RFA photo

Ai ai cũng tưởng như mọi sự đều “bình thường” và “an hảo”, nhưng ai ngờ ngọn đuốc cách mạng Tunisie như ngòi thuốc súng làm sôi sục Ai Cập, Algérie, Yemen, Bahrain và nay Libya. Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Cherif Ferjani, người Tunisie, để tìm hiểu thực chất cuộc Cách mạng Hoa Lài.

Niềm hy vọng lớn

Ỷ Lan: Xin chào Giáo sư Cherif Ferjani. Trước hết xin Giáo sư vui lòng tự giới thiệu đôi lời.

Cherif Ferjani: Hiện nay tôi là giáo sư Đại học Lyon 2 ở Pháp. Tôi là cựu tù nhân, thành viên sáng lập Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Tunisie.

Ỷ Lan: Mọi người trên thế giới đều hứng thú theo dõi những đổi thay cơ bản ở Tunisie; Giáo sư có thể cho biết cảm tưởng chung về những gì đang xảy ra tại Tunisie?

chúng tôi đang trên đường tháo gỡ mọi guồng máy độc tài

GS Ferjani

Cherif Ferjani: Cảm tưởng của tôi là: Một niềm hy vọng lớn cho dân chủ trên quê hương tôi. Trong vòng 4 tuần lễ, một phong trào bất bạo động đã hạ bệ một tên độc tài, và chúng tôi đang trên đường tháo gỡ mọi guồng máy độc tài. Trước hết là giải tán cái đảng ngự trị độc tôn trên đất nước chúng tôi kể từ ngày Tunisie tuyên bố độc lập vào thập niên 50. Đồng thời, cho về vườn hay sa thải các Bộ trưởng, các viên chức cảnh sát, viên chức hành chánh chống đối tiến trình dân chủ hóa đất nước; trả tự do cho tù chính trị; mời giới lưu vong hồi hương, cũng như tham gia các Công ước quốc tế về nhân quyền, như hủy bỏ án tử hình, như cấm tra tấn, gia nhập Tòa án quốc tế xử các tội ác chống nhân loại, và đặc biệt là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Tuy phê chuẩn Công ước này trước đây, nhưng Tunisie đã đặt ra một số điều kiện trên hai điểm: bất bình đẳng trong việc chia gia tài và việc cưới hỏi giữa người Hồi giáo và không Hồi giáo. Đối với chúng tôi, những biện pháp thực hiện trên đây mang lại hướng dân chủ cho cuộc cách mạng.

Mối lo trọng yếu

Tuy nhiên nỗi lo lắng lớn hiện nay là quyền lực của Ben Ali khóa miệng mọi biểu tỏ tự do trong xã hội, gây thành khoảng trống trên bình diện chính trị. Các nhà dân chủ bị phân hóa. Các phong trào dân chủ ở Tunisie chia rẽ nhau giữa phe ủng hộ một chính quyền chuyển tiếp và phe chống lại chính quyền này. Một số kêu gọi cho việc bầu cử một Quốc hội lập hiến. Nhưng với điều luật bầu cử nào đây? Làm sao vừa thoát ly nền độc tài lại có thể tiến thẳng vào những cuộc bầu cử. Đây là một nan đề. Hiện có một mặt trận đang thành lập, gọi là “Hội đồng bảo vệ Cách mạng”.



Biểu tình ở Bahrain

Mặt trận tự xem như một chính phủ thứ hai, một chính phủ kép. Thật không thể an tâm trong tình trạng lưỡng quyền. Tôi hy vọng rằng một chính quyền lâm thời cùng với “Hội đồng bảo vệ Cách mạng” hãy hợp tác với nhau cho một cuộc bầu cử dân chủ thực sự, tác tạo những điều kiện hình thành cuộc đầu phiếu dân chủ. Đó là hiện tình chính trị ở Tunisie.

tôi mong mỏi có một bộ luật bầu cử tính theo tỉ lệ, nhằm ngăn chặn một đảng độc tôn

GS Ferjani

Điều bất hạnh hiện nay là lực lượng có tổ chức lại là lực lượng Hồi giáo. Dù rằng giới lãnh đạo Hồi giáo có những tuyên bố ủng hộ dân chủ, nhân quyền, kể cả quyền phụ nữ. Họ nói rằng họ sẽ không đặt lại những vấn đề này. Thật là điều không nên, nếu họ là lực lượng chính trị duy nhất. Vì vậy mà tôi mong mỏi có một bộ luật bầu cử tính theo tỉ lệ, nhằm ngăn chặn một đảng độc tôn thủ đắc mọi quyền hành, dù đảng này quan trọng đến thế nào, để các chính đảng khác nhau có thể cộng tác điều hành việc nước.

Giúp Tunisie là giúp chính châu Âu

Ỷ Lan: Giáo sư lượng giá như thế nào về phản ứng của cộng đồng quốc tế?

Cherif Ferjani: Cộng đồng thế giới đã đồng lõa với chế độ độc tài Tunisie cho tới ngày Ben Ali bị hạ bệ. Bây giờ, chắc là những thành viên của cộng đồng quốc tế muốn chuộc lỗi, ví dụ như phong tỏa các chương mục của Ben Ali và đồng bọn, và họ hứa sẽ hoàn trả cho Tunisie. Chúng tôi cần những ngân khoản này. Những ngân khoản tương đương với ngân quỹ quốc gia Tunisie, tương đương với một phần ba nợ của Tunisie. Nếu được hoàn trả sẽ là một món tài chính lớn cho nền kinh tế Tunisie.

Tôi nghĩ rằng có một việc rất quan trọng và chủ yếu là việc châu Âu giúp Tunisie trang trải các nhu cầu, đặc biệt về công ăn việc làm và phát triển công minh cho Tunisie. Đây cũng là lợi ích cho châu Âu. Nếu người dân Tunisie có công ăn việc làm và được hưởng nền dân chủ tự do trên quê hương họ, thì chẳng còn cớ gì cho họ di cư sang nước khác. Tính mạng họ rất nguy hiểm khi họ đáp tàu hay dùng những con thuyền con tạm bợ để di cư. Nếu họ phải chết trên biển, ấy chỉ vì họ không có công ăn việc làm ở Tunisie, vì họ chẳng còn hy vọng gì trên xứ sở họ.

Phải có công ăn việc làm người ta mới không tìm cách trốn sang nước khác

GS Ferjani

Cuộc cách mạng này đang mang lại hy vọng cho dân chủ, nhưng cuộc cách mạng phải kéo theo sự thành công trên lĩnh vực kinh tế và xã hội, đồng thời giải quyết nạn thất nghiệp, bởi vì thiếu công ăn việc làm, con người sẽ mất nhân phẩm. Cuộc cách mạng ở Tunisie theo lệnh của ba chữ: Công ăn việc làm, Tự do và Nhân phẩm. Phải có công ăn việc làm người ta mới không tìm cách trốn sang nước khác. Vì quyền lợi của châu Âu mà bên bờ biển phía Nam của Địa Trung Hải dân chủ phải ra đời, kinh nghiệm dân chủ phải thành công ở đây cùng với sự thành công trên lĩnh vực kinh tế và xã hội. Đó sẽ là một luồng gió mới cho chính nền kinh tế Châu Âu.

Việt Nam: đã thắng xâm lược, sẽ thắng độc tài đảng trị.

Ỷ Lan: Xin Giáo sư câu hỏi chót. Cuộc phỏng vấn này sẽ được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam. Nước Việt Nam cũng đang chờ ngóng tự do. Hiện nay Việt Nam vẫn còn trong chế độ độc đảng. Trước tình trạng như thế, Giáo sư sẽ nói gì với người Việt hôm nay?



Dân Tiền Giang biểu tình đòi đất

Cherif Ferjani: Tôi thì tôi tin rằng nhân dân Việt Nam từng chiến thắng những cuộc dội bom của Mỹ, tất nhiên cũng sẽ chiến thắng chế độ độc tài độc đảng đang ngự trị nhờ lý do là chế độ này từng lãnh đạo chống xâm lược Mỹ. Người Việt tự hào giành được độc lập, nhưng ngày nay, người Việt cũng như nhân dân toàn thế giới không thể nào sống mãi với niềm tự hào đã giải phóng dân tộc.

Chính khối nhân dân này cũng sẽ chiến thắng nạn độc tài đang vây hãm họ kể từ khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hoàn thành

GS Ferjani

Ngày nay ai cũng có nhu cầu hướng về tương lai. Chẳng lợi ích chi việc giải phóng khỏi cùm ách ngoại lai để biến đất nước thành nhà tù cho dân Việt. Cho nên theo tôi, tôi tin tưởng vào nhân dân Việt Nam, vào các dân tộc Đông Nam Á đã chiến thắng những đội quân khổng lồ trên thế giới, chiến thắng bom napalm, chiến thắng những cuộc dội bom long trời lở đất. Chính khối nhân dân này cũng sẽ chiến thắng nạn độc tài đang vây hãm họ kể từ khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hoàn thành

Ỷ Lan: Trong vấn đề Giáo sư vừa đề cập, thì quan điểm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam là chính cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công giành lại chủ quyền cho nhân dân và họ coi như đây là trọng điểm của Nhân quyền, họ bác bỏ mọi khái niệm nhân quyền khác trong thế giới. Giáo sư nghĩ sao về một luận điểm như thế?

Cherif Ferjani: Luận điểm này sai lầm, và các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa rút được bài học lịch sử. Đây là thứ diễn văn của Staline bên Liên Xô cũ, đây là thứ diễn văn của Mao Trạch Đông bên Trung quốc, thứ diễn văn mà Kim Nhật Thành bô bô ở Bắc Triều Tiên, thứ diễn văn mà các lãnh tụ đệ tam thế giới rêu rao ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh. Bọn chúng tưởng rằng chỉ cần có độc lập dân tộc là đủ. Tự do bị rút gọn vào công cuộc giải phóng để thay thế cho ngoại nhân xâm chiếm. Quyền tự quyết không chỉ là nền độc lập với ngoại bang, mà là quyền tối thượng của nhân dân. Mà nhân dân không thể hưởng quyền tối thượng của họ khi họ bị tước đoạt các quyền cơ bản, các quyền tự do cơ bản và các quyền tự do của công chúng.

Ỷ Lan: Xin cám ơn Giáo sư Cherif Ferjani.

Y.L

Nguồn: rfa.org

Luật sư Fathi Tirbil, người khơi dậy mùa xuân Libya

Anh Vũ / Minh Anh


AFP PHOTO/PATRICK BAZ


Ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ lại khởi phát từ vụ cảnh sát của chế độ độc tài Tripoli bắt giam Fathi Tirbil, một Luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật.

Cuộc nổi dậy tại Libya nổ ra từ Benghazi hôm 15/02/11, nhưng ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ Kadhafi lại khởi phát từ vụ cảnh sát bắt giam Fathi Tirbil, một Luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật. Đặc phái viên của báo Le Monde tại Libya đã trở lại với vị Luật sư, người đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người dân Libya. Le Monde gọi ông là “người làm nên mùa xuân” Libya.

Tác giả bài báo kể lại, tất cả bắt đầu vào buổi chiều ngày 15 tháng Hai vừa qua khi mà 23 nhân viên có vũ trang của lực lượng an ninh Libya ập đến nhà bắt vị Luật sư Fathi Tirbil, 38 tuổi tại Benghazi. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ sau đó, một số các đồng nghiệp và những nhà họat động nhân quyền biết tin đã kéo đến trụ sở cảnh sát, đòi phải giải thích về sự việc bắt giữ Fathi Tirbil.

Tiếp sau đó hàng trăm người dân khác cũng đổ về trước nơi giam giữ biểu thị tình đoàn kết với vị Luật sư vì dân của mình. Họ đâu có biết rằng chính sự kiện Fathi Tirbil đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy lớn thứ ba ở Bắc Phi sau Ai Cập và Tunisia.

Với người dân ở Benghazi thì Fathi Tirbil là một trong những gương mặt hàng đầu của cuộc cách mạng tại Libya. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng từ nhiều năm qua Luật sư Fathi Tirbil dành hết tâm huyết làm việc với một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất của đất nước này. Đó là đi tìm sự thật, bảo vệ cho gia đình các nạn nhân của những người bị mất tích trong nhà tù Abou Salim ở Tripoli, nơi mà ngày 29 tháng 6 năm 1995, 1.270 tù nhân, mà phần đông là tù chính trị, bị quân đội của chính quyền tàn sát trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Lý do chỉ vì họ đòi cải thiện điều kiện giam giữ và quyền được chăm sóc thăm thân.

Không một thi thể người bị chết nào được trao lại cho gia đình. Không một ai bị buộc tội vì vụ thảm sát này. Gia đình các nạn nhân vẫn ngậm ngùi chịu nỗi bất công nghiệt ngã này trong nỗi sợ hãi cho đến khi Luật sư Tirbil dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo bài báo, chính vì kiếm chuyện trấn áp Luật sư này nên Mouammar Kadhafi đã mở lại vết thương khơi dậy nỗi đau của những người dân oan bị chính quyền đè nén từ quá lâu nay.

Gặp gỡ với vị Luật sư, tác giả bài viết nhận thấy ở anh một con người có lý tưởng, một người bình dị nuôi dưỡng bên trong một niềm khát khao vì công lý. Fathi Tirbil đã từng 5 lần bị cảnh sát Libya bắt và đánh đập. Anh suy nghĩ, cách duy nhất để đối mặt với chế độ độc tài này là bằng luật pháp.

Luật sư Tirbil bắt đầu tập hợp hồ sơ những tù nhân mất tích và theo đuổi vụ kiện chính quyền từ năm 2008 cho đến cái ngày 15 tháng 2 vừa qua thì bị bắt như trên đã đề cập đến.

Nhưng lần này, qua mạng Facebook, người dân đã kêu gọi tập hợp biểu tình toàn quốc. Chính quyền lo ngại và nghi ngờ anh là người xúi giục dân chúng, nên đã yêu cầu Luật sư đứng ra kêu gọi dân chúng ngừng biểu tình. Đe dọa không thành và bị sức ép, cuối cùng cảnh sát đành thả Fathi Tirbil vào ngày 16 tháng 2.

Ngày hôm sau đó phong trào bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước Libya và kéo dài cho đến nay. Tác giả bài báo kết luận, Fathi Tirbil là người đã mở ra con đường mà theo đó phẩm giá của con người được trỗi dậy mạnh mẽ hơn là nỗi sợ hãi.

A. V. / M. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr
Anh Vũ / Minh Anh


Benghazi thành trì của phe nổi dậy Libya

AFP PHOTO/PATRICK BAZ


Ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ lại khởi phát từ vụ cảnh sát của chế độ độc tài Tripoli bắt giam Fathi Tirbil, một Luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật.

Cuộc nổi dậy tại Libya nổ ra từ Benghazi hôm 15/02/11, nhưng ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ Kadhafi lại khởi phát từ vụ cảnh sát bắt giam Fathi Tirbil, một Luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật. Đặc phái viên của báo Le Monde tại Libya đã trở lại với vị Luật sư, người đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người dân Libya. Le Monde gọi ông là “người làm nên mùa xuân” Libya.

Tác giả bài báo kể lại, tất cả bắt đầu vào buổi chiều ngày 15 tháng Hai vừa qua khi mà 23 nhân viên có vũ trang của lực lượng an ninh Libya ập đến nhà bắt vị Luật sư Fathi Tirbil, 38 tuổi tại Benghazi. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ sau đó, một số các đồng nghiệp và những nhà họat động nhân quyền biết tin đã kéo đến trụ sở cảnh sát, đòi phải giải thích về sự việc bắt giữ Fathi Tirbil.

Tiếp sau đó hàng trăm người dân khác cũng đổ về trước nơi giam giữ biểu thị tình đoàn kết với vị Luật sư vì dân của mình. Họ đâu có biết rằng chính sự kiện Fathi Tirbil đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy lớn thứ ba ở Bắc Phi sau Ai Cập và Tunisia.

Với người dân ở Benghazi thì Fathi Tirbil là một trong những gương mặt hàng đầu của cuộc cách mạng tại Libya. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng từ nhiều năm qua Luật sư Fathi Tirbil dành hết tâm huyết làm việc với một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất của đất nước này. Đó là đi tìm sự thật, bảo vệ cho gia đình các nạn nhân của những người bị mất tích trong nhà tù Abou Salim ở Tripoli, nơi mà ngày 29 tháng 6 năm 1995, 1.270 tù nhân, mà phần đông là tù chính trị, bị quân đội của chính quyền tàn sát trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Lý do chỉ vì họ đòi cải thiện điều kiện giam giữ và quyền được chăm sóc thăm thân.

Không một thi thể người bị chết nào được trao lại cho gia đình. Không một ai bị buộc tội vì vụ thảm sát này. Gia đình các nạn nhân vẫn ngậm ngùi chịu nỗi bất công nghiệt ngã này trong nỗi sợ hãi cho đến khi Luật sư Tirbil dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo bài báo, chính vì kiếm chuyện trấn áp Luật sư này nên Mouammar Kadhafi đã mở lại vết thương khơi dậy nỗi đau của những người dân oan bị chính quyền đè nén từ quá lâu nay.

Gặp gỡ với vị Luật sư, tác giả bài viết nhận thấy ở anh một con người có lý tưởng, một người bình dị nuôi dưỡng bên trong một niềm khát khao vì công lý. Fathi Tirbil đã từng 5 lần bị cảnh sát Libya bắt và đánh đập. Anh suy nghĩ, cách duy nhất để đối mặt với chế độ độc tài này là bằng luật pháp.

Luật sư Tirbil bắt đầu tập hợp hồ sơ những tù nhân mất tích và theo đuổi vụ kiện chính quyền từ năm 2008 cho đến cái ngày 15 tháng 2 vừa qua thì bị bắt như trên đã đề cập đến.

Nhưng lần này, qua mạng Facebook, người dân đã kêu gọi tập hợp biểu tình toàn quốc. Chính quyền lo ngại và nghi ngờ anh là người xúi giục dân chúng, nên đã yêu cầu Luật sư đứng ra kêu gọi dân chúng ngừng biểu tình. Đe dọa không thành và bị sức ép, cuối cùng cảnh sát đành thả Fathi Tirbil vào ngày 16 tháng 2.

Ngày hôm sau đó phong trào bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước Libya và kéo dài cho đến nay. Tác giả bài báo kết luận, Fathi Tirbil là người đã mở ra con đường mà theo đó phẩm giá của con người được trỗi dậy mạnh mẽ hơn là nỗi sợ hãi.

A. V. / M. A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Chú chó đứng ở sân ga 10 năm đợi chủ (rất cảm động!)

Chú chó đứng ở sân ga 10 năm đợi chủ
Nguồn: Vietinfoeu



Câu chuyện xảy ra vào năm 1925, tại nhà ga Shibuya. Hachi, nickname là Hachiko - là một chú chó nhỏ, lông màu trắng, chào đời vào tháng 11 năm 1923 ở tỉnh Akita, Nhật Bản; được giáo sư Ueno của trường đại học Tokyo nuôi.
Gia đình giáo sư không có con nên ông coi Hachiko như con ruột. Như thường lệ, buổi sáng, Hachiko tiễn giáo sưUeno Eizaburo tại nhà ga để ông lên tàu đi làm đi bộ tới nhà ga Shibuya. Vì Hachiko không được phép theo giáo sư đến Đại Học Hoàng Gia (nay là Đại Học Tokyo), nơi ông đang giảng dạy nên cứ đúng 3h chiều hàng ngày, Hachiko lại ra nhà ga đợi giáo sư.

Nhưng vào ngày 12 tháng 5 năm đó, giáo sư Ueno đã qua đời sau một cơn đột quỵ khi đang ở trường đại học và mãi mãi không thể trở về được. Còn Hachiko như mọi ngày, vẫn đến nhà ga vào lúc 3 giờ chiều để đón chủ nhân. Hôm ấy, đã qua 3 giờ chiều rất lâu, bao nhiêu chuyến tàu đã đi qua, trời đã tối mà không thấy giáo sư về. Và Hachiko, chú cho trung thành không hề nản lòng,Hachiko vẫn đứng đợi...

Hachiko linh cảm rằng có chuyện gì chẳng lành đã xảy ra, tuy vậy nó vẫn ra ga đợi chủ nhân vào lúc 3h chiều mỗi ngày. Chẳng bao lâu sau, những người xung quanh bắt đầu để ý tới sự chờ đợi vô vọng của của Hachiko đối với người chủ nhân đã qua đời của mình. Lần lượt, từ người làm vườn trước đây của giáo sư, đến giám đốc nhà ga và những người dân trong vùng đã cho Hachiko ăn và thay phiên nhau chăm sóc nó.



Câu chuyện về chú chó trung thành nhanh chóng được lan truyền khắp nơi và Hachiko được coi như một tấm gương sáng về lòng trung thành. Người ta tìm đến Shibuya chỉ để nhìn Hachiko, cho nó ăn, hoặc nhẹ nhàng xoa đầu vào đầu nó để chúc may mắn. Năm 1932, khi Hachiko đợi chủ nhân được 7 năm, 1 sinh viên của giáo sư Ueno đã viết 1 bài báo kể về chuyện cảm động này và gửi đăng ở 1 tờ báo lớn ở Tokyo. Ngay lập tức có rất nhiều người quan tâm lo lắng cho chú chó trung thành này. Cũng từ Hachiko mà người Nhật thêm vào từ điển từ mới "chukhen" - chú chó nhỏ trung thành.



Nhiều ngày, nhiều tháng, rồi nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và đã quá già yếu rồi. Cuối cùng vào ngày 8 tháng 3 năm 1935 (một số tài liệu nói là ngày 8 tháng 3 năm 1935), gần 11 năm kể từ ngày nó nhìn thấy chủ nhân lần cuối cùng, người ta tìm thấy Hachiko -lúc đó đã 12 tuổi -nằm gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình trong suốt nhiều năm.
Cái chết của Hachiko được đăng lên trang nhất của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ và người đã dành hẳn một ngày để để tang Hachiko. Từ số tiền đóng góp của dân chúng trong cả nước, người ta đã thuê nhà điêu khắc Ando Teru để làm một bức tượng Hachiko bằng đồng. Khi bức tượng được hoàn thành và được đặt trang trọng ở bên trong sân ga, tại chính vị trí nó đã đứng đợi chủ nhân trong gần 10 năm.



Tuy nhiên, vài năm sau đó, Nhật Bản lâm vào chiến tranh, tất cả những thứ gì là kim loại đều bị lấy đi để làm vũ khí, không ngoại trừ bức tượng Hachiko. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1948, con trai của Ando Teru là Takeshi đã làm một bức tượng Hachiko mới. Bức tượng đó được đặt ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay.
Nguồn viettorrent

Phản động trong quốc hội đảng ta!!!

Posted on Tháng Ba 24, 2011 by truongthondlb1


Danlambao – Trong kỳ họp thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng, “bè lũ phản động” đã chui vào “cuốc hội của đảng ta” diễn đàn. Qua những phát ngôn này, người dân mới thấy rõ như ban ngày là tại sao đảng và nhà nước ta phải dành độc quyền lãnh đạo. Nếu bầu cử tự do, đa nguyên đa đảng thì… bố ai bầu cho mấy bố mang thẻ đỏ này!

“Chúng ta cứ thử điều tra xã hội học, sẽ thấy người dân không lo lắng về kinh tế mà bức xúc chủ yếu là tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Cứ mỗi dịp đại hội các cấp, mỗi lần cơ quan có cất nhắc, đề bạt cán bộ là thấy chạy chức, chạy quyền rất rõ”. – Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội Lê Quang Bình

“Dư luận râm ran việc mua chức, có tiền mới có chức. Có hay không tình trạng này, Chính phủ cũng cần phải nói để dân biết” – Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam)

“Chính phủ phải đánh giá là có hay không tình trạng chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm của mình để đánh giá và rút ra kinh nghiệm” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận.

“Chính phủ đánh giá sự lãng phí, quan liêu, tham nhũng khá mờ nhạt. Tôi thấy có những vụ chỉ bắt trộm hai con vịt thôi đã bị phạt tù trong khi có những đơn vị thua lỗ, nợ đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại không ai bị kỷ luật cả. Như thế dân không hài lòng đâu!”. – Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (BR-VT).

“Đề nghị đang trong thời bão giá, nhiều vấn đề khó khăn, Chính phủ nên xem xét lại những dự án lớn. Dẫn ra các ví dụ “Dự án bauxite giải thích chưa ổn lắm”; “Điện hạt nhân nói ở Nhật Bản công nghệ cũ còn ta mới không thuyết phục”…, ông Dũng nói: “Nhà nước nên lắng nghe công luận, đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học”. – Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (BR-VT)

“Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ cho thấy Chính phủ chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong công tác chống tham nhũng. Cử tri băn khoăn không hiểu chúng ta có thực lòng chống tham nhũng hay không!… Kỳ vọng của tôi trong nhiệm kỳ tới là vấn đề phòng chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Nhiều nơi muốn xin việc là phải có quyền. Tôi có cô cháu ở quê đi xin việc thì mẹ cháu bảo với cô ấy: “Phải quyết định cho rõ là muốn đi làm hay học tiếp để còn tính, vì xin việc không phải là xin không!”. Chúng ta cũng cần có cơ chế cạnh tranh công bằng để tìm người tài và tốt nhất. Trong phòng chống tham nhũng, chúng ta có biện pháp đủ rồi, vấn đề còn lại là hành động… ”. – Đại biểu Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

“Đây là một nhiệm kỳ mà thành tích cũng có, yếu kém cũng có nhưng thành tích nhiều quá. Khen thưởng, danh hiệu quá nhiều so với các nhiệm kỳ trước trong khi kỷ luật thì lại không có gì. Có đồng chí lãnh đạo bảo: “kỷ luật nhiều quá thì người đâu mà làm?”. Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri. Vụ Vinashin chẳng hạn – không kỷ luật ai cả. Không phải chúng ta muốn kỷ luật nhưng cũng phải có người chịu trách nhiệm với những tồn tại đó chứ!” – Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội

“Việc cho nước ngoài thuê rừng được dư luận rất quan tâm nhưng sau đó không thấy các bộ, ngành phản ứng, không kết luận là đúng hay sai. Riêng vụ Vinashin “cái chủ quan là chậm, là không phát hiện được” – Đại biểu Nguyễn Viết Thịnh (Hà Nội)

“Xin lỗi anh (Nguyễn Sinh) Hùng, nhưng tôi phải nói là tôi chưa yên tâm về phần báo cáo của Chính phủ liên quan đến Vinashin” – Đại biểu Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh)

“Cử tri Đà Nẵng rất quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Vinashin, nhưng “báo cáo về Vinashin như thế, cử tri chưa hài lòng” – Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

“Nhân dân không bằng lòng nếu nói thiếu sót không đến mức kỷ luật… Cho rằng không thể nói đơn giản quá như vậy. Bởi việc tái cơ cấu Vinashin rất khó khăn tốn kém, trách nhiệm của Chính phủ đến đâu ít ra phải nói rõ, chứ không thể nói đơn giản là đã kiểm điểm” – Đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM)

“Một số chương trình, dự án quan trọng quốc gia, việc chuẩn bị của Chính phủ còn hời hợt, chưa sâu sắc nên khi trình Quốc hội không tạo được sự đồng thuận cao. Ví dụ việc sáp nhập Hà Nội – Hà Tây, quy hoạch Hà Nội, khai thác bauxite, đầu tư đường sắt cao tốc… ” – Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa)

“Lẽ ra báo cáo đánh giá phải được lập căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ theo hiến pháp và pháp luật. Chính phủ phải đánh giá lại việc mình làm, cái gì được, cái gì chưa được, nguyên nhân là gì, giải pháp là gì…” – Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội)

“Bao nhiêu trong đó là do sản xuất kinh doanh, bao nhiêu là do đồng tiền mất giá? Tính được cụ thể thì mới lý giải được tại sao tăng trưởng cao mà đời sống người dân không đi lên. Người nghèo, công chức bậc trung bị bão giá tác động nên đời sống vẫn vô cùng khó khăn. Vì thế mà càng gia tăng tham nhũng vặt” – Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận

“Nếu chỉ nói sai phạm ở Vinashin chưa đến mức kỷ luật ai là chưa được. Cần phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cụ thể. Cho dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rồi nhưng, cái gì liên quan đến Đảng thì Đảng vẫn có quyền xem xét lại, liên quan đến Quốc hội thì Quốc hội vẫn có quyền yêu cầu xem xét lại” – Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu

“Thâm hụt ngân sách ngày càng cao, nợ công ngày càng lớn, vậy lấy đâu trả nợ trong tương lai? Vốn chiếm hơn 57% tăng trưởng kinh tế, lấy đâu cho công nghiệp hóa?… Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến than phiền, lạm phát tăng quá cao so với các nước trong khu vực, gấp 2 lần Trung Quốc, 3 lần Thái Lan. Khoảng cách giàu-nghèo chênh lệch tới 9,10 lần. Lạm phát khiến người nghèo càng nghèo thêm trong xã hội. ” – Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai)

Dân Làm Báo tổng hợp

Nguồn:

http://phapluattp.vn/2011032311292039p0c1013/khong-ky-luat-ai-lam-sao-chong-duoc-tham-nhung.htm

Dân buồn

Posted on Tháng Ba 24, 2011 by truongthondlb1


Đào Tuấn – Nếu Chính phủ chỉ có 500 chữ thông báo lại việc “Bộ Chính trị quyết định không kỷ luật ai”, với một hậu quả lên tới 86 ngàn tỷ, thì làm sao có thể bảo rằng lại không có một vinashin thứ hai tiếp tục đắm? thì quả thực đã xem thường dân chúng quá đáng…

Nỗi bức xúc, chán nản, bất bình từ xã hội trước việc xì hơi quả bong Vinashin, hôm nay đã tràn vào Quốc hội. “Dân không đồng tình”. “Dân không yên tâm”. “Dân buồn”…Rất nhiều tâm trạng đã được các vị đại biểu QH nhắc tới khi góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng. Chỉ còn thiếu một câu chưa ai dám nói thẳng là nếu Chính phủ định xì hơi quả bóng trách nhiệm một cách thản nhiên như thế này thì lòng tin của dân chúng sẽ rất nhanh chóng trở thành của hiếm, thành một thứ đồ xa xỉ hiếm có khó tìm.

“Cử tri rất mong muốn Thủ tướng làm hết trách nhiệm. Quyền hành rộng lớn thì cần trách nhiệm cao thì mới hoàn thành nhiệm vụ”- một cách đầy nữ tính, nữ nghị sĩ Trần Thị Quốc Khánh phát biểu.

Dân không đồng tình

Trong nhiệm kỳ Chính phủ, 4 vấn đề nóng đã được các vị đại biểu QH đề cập: Việc mở rộng thủ đô; Dự án Bauxite ở Tây Nguyên; Đại dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) và đặc biệt là “vụ án Vinashin”. Ông Lê Minh Hồng đã phát biểu vô cùng bức xúc: Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ cho thấy Chính phủ chưa quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống tham nhũng. Cử tri băn khoăn không hiểu chúng ta có thực lòng chống tham nhũng hay không! Riêng vụ Vinashin, kết luận của Chính phủ không thuyết phục, nhân dân không đồng tình, không thể nói đơn giản là “chưa đến mức kỷ luật”. Chúng ta mang tài sản của nhà nước, của nhân dân đi kinh doanh mà để như vậy thì nhận khuyết điểm không thôi là nhân dân không đồng tình. Cấn phải có giải trình kỹ hơn để nhân dân thấy rằng Chính phủ nghiêm túc. Ông Vũ Quang Hải thì dùng từ “đau” khi nói về vụ Vinashin. Và trong khi “Báo cáo Chính phủ hình như muốn khép lại” thì “Trong lòng dân, cán bộ thì vẫn còn…Bởi vì “Người dân vay vài triệu mua con trâu nuôi bị chết vấn phải trả nợ, lãi.. chậm thì bị siết nợ. Trong khi Vnashin được khoanh nợ hàng nghìn tỷ nhẹ như lông hồng” và “Không ai bị kỷ luật thì thật không hợp lý”.

Đại biểu Đoàn Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh cũng cho rằng nhiều vụ không có cử tri, không có nhân dân phản ánh như việc cho các công ty nước ngoài thuê rừng hay chính vụ Vinashin “Nếu không phát hiện thì Chính phủ chắc sẽ im”. Ông Thịnh nói vụ cho thuê rừng sau đó không thấy Chính phủ phản ứng, không kết luận là đúng hay sai. Riêng vụ Vinashin “Cái chủ quan của Chính phủ là chậm, là không phát hiện được”. Ông Thịnh cũng nói: Các tờ trình, dự án quốc gia chưa khách quan, chưa đúng sự thật. Một ví dụ được nêu là dự án ĐSCT và việc mở rộng Thủ đô “4/6 căn cứ trong tờ trình là không đúng thực tế”. Ông Thịnh nhắc lại câu chuyện: Trong lúc QH đang bàn xem có nên làm hay không làm dự án ĐSCT thì Phó TTG khẳng định: “Chúng ta phải làm ĐSCT”. Còn Bộ trưởng thì sao? Bộ trưởng vừa nói hôm trước chưa tăng giá xăng dầu nhưng ngày hôm sau tăng luôn.

Dân không yên tâm, dân buồn

Ông Nguyễn Lân Dũng thì đề nghị đang trong thời bão giá, nhiều vấn đề khó khăn, Chính phủ nên xem xét lại những dự án lớn. “Như dự án đường sắt cao tốc hình như chúng ta vẫn quyết tâm làm” trong khi “Đi Đài Loan thì khoang hành lý rất ít. Còn ở VN, như ông Dương Trung Quốc nói đùa “có mang quang gánh lên không” là cũng có lý ở đó. Dẫn ra các ví dụ “Dự án boxit giải thích chưa ổn thỏa”; “Điện hạt nhân nói ở Nhật bản công nghệ cũ còn ta mới thì không thuyết phục”; “Dư luận ầm ĩ vụ phá núi Tản chẳng hạn nhưng chủ tịch huyện vẫn nói không có gì”, thậm chí cả chuyện “ầm ĩ, tốn tiền tốn của quá mức” như chuyện rùa, ông Dũng nói “Nhà nước nên lắng nghe công luận không nên bịt công luật trừ công luật thiếu ý xây dựng. Đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học”. Bởi “hiện nay nhân dân không yên tâm, nhân dân buồn”.

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) cũng nhận xét: Có khuyết điểm nhưng chưa đến mức kỷ luật. về mặt tổ chức là chưa ổn. Cũng theo ông Long: Báo cáo Chính phủ không đề cập đến phân hóa giàu nghèo hiện nay; Trong khi cái phân hóa đó là vấn đề nền tảng, là ổn định xã hội.. lại lờ đi.

Trong khi đó, thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nhiều đại biểu đã băn khoăn nhắc lại rằng trước khi “chìm”, Vinashin đã được tặng huân chương. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu: Có nhiều những huân chương được trao tặng gây phản ứng cho cử tri. Họ hỏi liệu có xứng đáng không? “Cử tri đã có lần nêu thắc mắc vì sao nhà nước vừa tuyên bố cấm hút thuốc lá thì ngay lúc đó Chủ tịch nước đi trao huân chương cho một công ty thuốc lá”. Bà Trần Thị Quốc Khánh thì “Mong Chủ tịch nước sau đây sẽ “quan tâm hơn” tới việc: Nhiều anh hùng lao động được tuyên dương rực rỡ nhưng sau đó sa vào vòng lao lý. Vậy thì việc xem xét trước đó đã kỹ chưa? Còn việc đặc xá, tha tù, trong thực tiễn rất nhiều trường hợp tái phạm.

Nếu Chính phủ chỉ có 500 chữ thông báo lại việc “Bộ Chính trị quyết định không kỷ luật ai”, với một hậu quả lên tới 86 ngàn tỷ, thì làm sao có thể bảo rằng lại không có một vinashin thứ hai tiếp tục đắm? thì quả thực đã xem thường dân chúng quá đáng.

Dẫu sao vẫn còn có những đại biểu nói lên tiếng nói của dân chúng. Chứ hôm nay, nghĩ mà buồn. Năm ngoái, có tới hơn 360 đại biểu tự ứng cử. Năm nay chỉ chưa tới 90. Mà 90 đó là những ai? Là diễn viên gợi cảm Hồng Ánh; là cụ già Nguyễn Phúc Giác Hải hỏi gì cũng được đáp lại “hở?”, “cái gì hở?”, là một bác quan chức đã về hưu vẫn còn bệnh “Hỏi gì thì làm câu hỏi gửi sang đây”, trong khi đó giáo sư Thuyết nghỉ, Tiến sĩ Võ thì lên xe hoa.

Đào Tuấn

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5246

Nhìn Nhật Bản, nghĩ về những rủi ro của nguyên tử

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Hưng Quốc – Nói chung, ở đâu cũng thấy nổi lên một thái độ dè dặt và rất thận trọng trước cái nguồn điện lực vừa cần thiết lại vừa đầy nguy hiểm ấy. Trừ Việt Nam…

Đọc báo chí tiếng Anh và tiếng Việt viết về các thảm họa tại Nhật hiện nay, tôi nhận thấy, ngoài sự quan tâm chung đến diễn tiến của tình hình với những con số mất mát từ vật chất đến nhân mạng, có một sự khác biệt đáng chú ý: trong khi người Việt chú ý nhiều đến những bài học về văn hóa ứng xử, như sự bình tĩnh, can đảm, kỷ luật và vị tha của người Nhật; người ngoại quốc lại bàn cãi nhiều về một vấn đề khác: sự hiện diện của các lò điện hạt nhân.

Ở khắp nơi, người ta đều đặt vấn đề: Nên hay không nên xây dựng các lò điện hạt nhân? Nếu đã xây thì độ an toàn của các lò ấy ra sao, có cần phải sửa chữa hay nâng cấp không? Nếu đang xây thì có nên tiếp tục và tiếp tục như thế nào? Còn nếu chưa thì nên bắt đầu hay ngưng, hoặc, thậm chí, hủy hẳn các dự án ấy? v.v…

Các cuộc thảo luận không chỉ giới hạn trong phạm vi giới trí thức mà còn lan rộng sang cả các nhà cầm quyền. Trước sự lo ngại chính đáng của dân chúng cũng như trước bài học nhãn tiền tại Nhật, chính phủ nhiều nước tuyên bố dứt khoát: một, sẽ kiểm tra lại tất cả các nhà máy điên hạt nhân đã có; hai, sẽ gác hoặc tạm gác các dự án liên quan đến điện hạt nhân đang được chuẩn bị.

Nói chung, ở đâu cũng thấy nổi lên một thái độ dè dặt và rất thận trọng trước cái nguồn điện lực vừa cần thiết lại vừa đầy nguy hiểm ấy.

Trừ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố: họ vẫn tiếp tục dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để có thể đi vào hoạt động vào năm 2020 như dự trù. Lý do, theo lời ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, thứ nhất, đó là quyết định mang tính chiến lược của nhà nước nên không thể thay đổi được; thứ hai, Việt Nam sẽ chọn kỹ thuật cao hơn, do đó, sẽ an toàn hơn Nhật Bản. Ông Tấn phân tích kỹ hơn các yếu tố bảo đảm sự an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân sắp được xây dựng của Việt Nam: một, chọn công nghệ an toàn; hai, chọn địa điểm an toàn; và ba, quản lý một cách an toàn.

Với ngành nguyên tử học, tôi là kẻ ngoại đạo, hoàn toàn ngoại đạo, nhưng thành thực mà nói, tôi cảm thấy những luận điểm ông Vương Hữu Tấn nêu ra không hoàn toàn thuyết phục.

Thứ nhất, đồng ý nhà nước không thể cứ thay đổi chiến lược một cách xoành xoạch như thay áo. Tuy nhiên cũng không thể nhân danh tính chất lâu dài ấy mà cứ khư khư theo đuổi một chiến lược nào đó bất chấp những nguy cơ thất bại và thiệt hại không những cho quốc gia mà còn cho cả quốc tế, không những trong lãnh vực kinh tế mà còn cả trong lãnh vực y tế và sinh mạng của con người. Tại sao không thể tạm dừng lại để tìm hiểu thêm hay cân nhắc thêm? Hoặc nếu không, tại sao không để giới trí thức và giới chuyên môn bàn thảo thêm cho kỹ lưỡng?

Thứ hai, về sự an toàn, các công nghệ mới đã đành là an toàn hơn các công nghệ cũ, cách đây cả mấy chục năm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng an toàn hẳn. Người Nhật, khi xây các lò điện hạt nhân ở Fukushima cách đây mấy chục năm, đã dự tính đến nạn động đất, nhưng điều họ không ngờ là động đất lại có cường độ mạnh đến như vậy. Mà đó lại là điều khó tiên đoán nhất. Theo nhiều bình luận gia, một trong những bài học lớn nhất có thể rút ra từ những tai họa và tai biến ở Nhật lần này là: không có bất cứ một sự chuẩn bị nào có thể được xem là đầy đủ cả. Xin lưu ý là, theo sự ghi nhận của các nhà nghiên cứu, trong những thập niên gần đây, nhịp độ và cường độ của các thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt và núi lửa, càng lúc càng nhiều, càng dồn dập và càng dữ dội hơn hẳn trước kia. Cứ theo nhịp độ và cường độ ấy, ai biết trước được những gì sẽ xảy ra trong vài thập niên sắp tới?

Hơn nữa, về sự an toàn của địa điểm, nơi được chọn để xây các lò điện hạt nhân là tỉnh Ninh Thuận, với dân số tương đối ít, khoảng hơn nửa triệu. Nhưng nếu xảy ra sự cố, phóng xạ sẽ không dừng lại với hơn nửa triệu con người bất hạnh ấy mà còn lan rộng sang nhiều tỉnh và thành phố khác, cách đó cả hàng trăm cây số. Bởi vậy, cái gọi là an toàn của địa điểm ở đây chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Hơn nữa, trong lịch sử, vùng đất Ninh Thuận cũng đã từng bị sóng thần ghé “thăm”. Đã “thăm” một lần, nó có thể thăm lần khác nữa. Và cũng không ai có thể đoán được là cường độ của lần ‘thăm” tới sẽ như thế nào.

Nhưng quan trọng nhất trong việc bảo đảm an toàn là con người. Liên quan đến yếu tố này, không có ai có thể nghi ngờ người Nhật được: chắc chắn họ là những người được chuẩn bị tốt nhất để vận hành các nhà máy hạt nhân: cả trình độ chuyên môn lẫn tinh thần kỷ luật đều cao, cực cao, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Vậy mà vẫn xảy ra tai biến.

Còn người Việt Nam?

Thứ nhất, trong lãnh vực điện nguyên tử, chúng ta có rất ít chuyên gia và kỹ thuật viên. Đã ít, lại còn thiếu kinh nghiệm.

Thứ hai, quan trọng hơn, liên quan đến tính cách, liệu chúng ta có thể tin cậy vào ý thức trách nhiệm và sự cẩn thận vốn vô cùng quan trọng trong cái lãnh vực rất dễ gây ra chết người này?

Tôi hoàn toàn không có chút kiến thức gì về nguyên tử học, nhưng nhìn vào các dự án thuộc loại xoàng xoàng ở Việt Nam từ trước đến nay, ở đâu cũng thấy sự giả dối và tắc trách, làm đâu hư đấy, nhiều công trình vừa khánh thành là đã thấy hư hỏng ngay tức khắc, thực tình, tôi không có chút an tâm nào cả.

Nếu phải về Việt Nam sinh sống, nhất định tôi sẽ không dám ở gần mấy cái nhà máy điện-hạt-nhân-tử-thần ấy.

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/nguyen-tu-nhat-ban-03-22-2011-118452509.html

Đồng chí Kim Ngân nên học tập BCT

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Quang Lập – Mới đọc tin cứ tưởng BCT quyết định không kỷ luật về Đảng thôi, còn về mặt chính quyền có kỷ luật hay không cứ để Quốc Hội tự quyết. Té ra không. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCT đã chỉ thị cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rứa rồi, cứ rứa mà mần. Rứa mới sáng mắt ra. Nhại theo cụ Khổng, Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất mà không cao nhất, không cao nhất mà cao nhất, ấy là cao nhất vậy…

*

Hôm qua báo chí trong nước đưa tin BCT đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin. Nỏ biết tin vui hay tin buồn vì tuyệt không một tờ báo lề phải nào dám bình luận. Chỉ biết tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: ” Tuy nhiên, với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm “. Rứa là đã rõ, thiểu sót khuyết điểm thì chỉ nhắc nhở rút kinh nghiệm chứ kỷ luật mần chi. Dù Vinashin thua lỗ 5 tỉ đô thì cơ quan chủ quản cũng chỉ thiếu sót thôi, không đến mức phải kỷ luật. Con người là vốn quí chứ 5 tỉ đô là cái đinh, nói như ông Nguyễn Sinh Hùng, cứ kỷ luật hết thì lấy ai mà mần việc.

Mới đọc tin cứ tưởng BCT quyết định không kỷ luật về Đảng thôi, còn về mặt chính quyền có kỷ luật hay không cứ để Quốc Hội tự quyết. Té ra không. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCT đã chỉ thị cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rứa rồi, cứ rứa mà mần. Rứa mới sáng mắt ra. Nhại theo cụ Khổng, Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực cao nhất mà không cao nhất, không cao nhất mà cao nhất, ấy là cao nhất vậy.



Chợt nhớ đến chuyện cô Kim Ngân kiện cô Trần Thuỳ Dương thấy chẳng ra làm sao. Người ta mới lừa dối chứ có lừa đảo chiêm đoạt tài sản gì đâu. Có chục triệu đồng cô Thuỳ Dương đã trả lại người cho hoặc gửi cho cô “Lượm thật” hết rồi. Rứa mà cô Kim Ngân vẫn cứ đeo lấy kiện. Bác Nguyễn Trọng Tạo vốn yêu mến lực lượng chân dài, đặc biệt chân dài ti vi, cũng đã phải kêu lên: cô Kim Ngân quá thiếu lòng bao dung.

Hôm qua vào blog Nguyễn Hữu Quý thấy cô Kim Ngân còm rất dài. Toàn bộ cái còm không một chữ nào nhận ra thiếu sót, chỉ “thiếu sót” như BCT nói thôi cũng không có. Tất cả lý lẽ của Cô Kim Ngân chỉ để kết tội cô Thuỳ Dương.*

Trên tình đồng nghiệp, nhiều ngươoì nói rồi, tâm sự có, khuyên nhủ có, mắng mỏ có… thấy vẫn không có tác dụng gì. Thường khi hết tình nghĩa người ta mới gọi nhau bằng đồng chí. Tui cũng rứa, trên tinh thần đồng chí tui nói như ri: Đồng chí Kim Ngân hãy học tập lòng bao dung của BCT. Cơ quan chủ quản để Vinashin thua lỗ đến 100 nghìn tỉ, bằng 1/20 tổng thu nhập quốc dân mà BCT của chúng ta vẫn kiên quyết khẳng định đó chỉ là thiếu sót và kiên quyết không kỷ luật ai. Đồng chí có thấy BCT của chúng ta giàu lòng vị tha đến thế nào không? Tại sao người ta mắc lỗi đã xin lỗi mà đồng chí vẫn cứ kiện cáo tùm lum. Mất 100 nghìn tỉ BCT còn không tiếc, đồng chí tiếc gì một lời xin lỗi?

Lòng bao dung của BCT thật bao la, đồng chí Kim Ngân nên ra sức học tập.

…………………..

* Đoạn này AnhBaSàm đã góp ý: “Có điều, trước khi đưa vào, nên góp ý về một nhận xét hơi vội vàng, cho là đoạn phản hồi trên trang Nguyễn Hữu Quý đích thị là của “đồng chí Kim Ngân”. Dù với lối viết đó, có thể phỏng đoán vậy, nhưng ta không thể xác quyết Kim Ngân “Người xây tổ …” là tác giả được.” Góp ý của AnhBaSàm là chuẩn không cần chỉnh. Cảm ơn AnhBaSàm.

http://quechoa.info/2011/03/23/d%E1%BB%93ng-chi-kim-ngan-nen-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-bct/

Khổng Tử thay Mao

Posted by truongthondlb1


Ngô Nhân Dụng – Sau trận động đất ở Nhật Bản, một ký giả tờ Trung Ương nhật báo của Nam Hàn mô tả: “Hầu như không thấy có một người Nhật nào gặp phải thảm cảnh này mà khóc lóc than van. Cũng không nghe nói có chuyện thừa cơ trong lúc lộn xộn vì động đất để giết người cướp của.” Nói với đồng bào người Hàn quốc, ký giả viết: “Chúng ta vẫn còn phải học hỏi nhiều từ Nhật Bản, và còn xa chúng ta mới có thể trở thành một nước tiên tiến (như họ).”

Trong mục này bài trước đã dẫn những lời khen tương tự của ông Vương Hy Văn, ký giả Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Khi chứng kiến hành vi của dân Nhật sau trận động đất, ông thốt lên: “50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức công dân cao như người Nhật hiện nay.” Ông phải thú nhận: “Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa bằng họ.”

Có thể nói Khổng Giáo là một gia tài văn hóa chung của các nước Á Ðông. Tại Việt Nam, trước cửa trường Trung học Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn năm xưa có đôi câu đối, vế đầu là “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt.” Khi chúng ta nhắc nhau hãy noi theo tấm gương của những Chu An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, không ai quên rằng tất cả các bậc tiền nhân đó đều được đào tạo trong “Cửa Khổng Sân Trình” và họ không bao giờ từ bỏ gia tài văn hóa đó để theo một chủ nghĩa ngoại lai nào cả.

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng nhiều năm và áp dụng những chính sách rất tàn bạo. Ai cũng biết hai dân tộc đó rất quật cường, nhưng các khái niệm Nhân Nghĩa, Trung Tín, mà hiện nay họ vẫn dạy trong các trường học đều xuất phát từ Nho Giáo. Khi nhìn thấy những cảnh đáng khâm phục ở nước Nhật, các ký giả trên đã thành thực nói lên ý nghĩ của mình mà không sợ đồng bào của họ chỉ trích. Nếu không biết thán phục những cái hay của người khác thì cũng không ý thức được cái dở của mình, và không bao giờ sửa đổi được.

Trong khi ở Nhật Bản và Nam Hàn Nho giáo vẫn được kính trọng và được dạy dỗ cho giới trẻ, thì ở chính trong nước Trung Hoa số phận ông Khổng Tử không được may mắn như vậy. Chế độ Mao Trạch Ðông đã quét sạch các “tàn tích” của Nho giáo, để thay thế bằng những giáo điều mới của Marx và Lenin, qua lời dẫn giải của Mao Trạch Ðông. Ký giả Vương Hy Văn chắc cũng biết rằng nếu đồng bào Trung Hoa của ông đã không thi hành đạo Nhân Nghĩa của Không Tử được bằng người Nhật, thì đó là do đảng Cộng Sản gây ra. Ở Việt Nam cũng vậy. Vừa rồi một ông ngoại trưởng Nhật Bản phải từ chức sau khi thú nhận đã vô tình nhận một món tiền ủng hộ tranh cử sai luật, vì do một người di dân không có quốc tịch Nhật đóng góp. Số tiền chỉ đáng 600 đô la Mỹ. Nhưng các quan chức Trung Quốc và Việt Nam ăn hối lộ hoặc tẩu tán tài sản công, hàng chục triệu Mỹ kim, hoặc hàng tỷ Mỹ kim như trong vụ Vinashin, thì không sao cả!

Ðầu năm 2011, trước khi ông Hồ Cẩm Ðào sang thăm nước Mỹ, một bức tượng Khổng Tử cao 8 mét được dựng lên tại Quảng trường Thiên An Môn, đối diện với cái lăng trưng xác ướp của Mao Trạch Ðông. Nhật báo Nhân Dân đã mở cuộc trưng cầu ý kiến độc giả, có hơn 800 ngàn người góp ý kiến, và 62% họ không đồng ý việc dựng pho tượng này! Tỷ số này đáng ngạc nhiên, vì trong hai mươi năm qua đảng Cộng Sản đã bắt đầu cho Khổng Từ “sống lại” rồi. Hội Khổng Học đã được chính thức thành lập năm 1990, sau biến cố Thiên An Môn đẫm máu dân lành. Chủ Tịch Giang Trạch Dân tới khai mạc hội này, đã hãnh diện kể chuyện rằng chính ông ta hồi nhỏ vẫn được thân phụ lén lút dạy Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ tính bản thiện,” một câu trong Luận Ngữ!. Một chương trình ti vi do Giáo Sư Vu Ðan phụ trách bàn về Luận Ngữ rất được hâm mộ. Sau cô đã xuất bản thành sách, tựa đề “Luận Ngữ Tâm Ðắc” bán ngay được mười triệu cuốn; cô được mời đi khắp thế giới thuyết trình; bản dịch tiếng Anh tựa là “Confucius From The Heart.” Căn cứ vào các sự kiện đó, phải nói là người Trung Hoa hiện nay cũng thiết tha muốn học lại nền tảng đạo đức của Nho Giáo. Sau khi đã bỏ qua các Sách Ðỏ của Mao, họ cũng muốn lấp vào khoảng trống tinh thần đó những lời nhân nghĩa, đạo đức, thay vì chỉ học “làm giầu là vinh quang” như ông Ðặng Tiểu Bình dạy!

Chúng ta có thể hiểu tại sao gần hai phần ba độc giả góp ý với báo Nhân Dân không đồng ý với việc dựng pho tượng Khổng Tử; nếu biết họ là những người nào. Ai cũng biết chỉ các cán bộ cộng sản cấp cao mới chịu bỏ thời giờ đọc báo Nhân Dân, để xem “các cụ ở trên” đang nói gì! Sau hơn nửa thế kỷ nghe bộ máy tuyên truyền bài bác, đả kích, bôi nhọ Nho giáo, các cán bộ này không thể hiểu tại sao bây giờ hình ảnh Khổng Tử lại được tôn kính như vậy!

Nhưng câu chuyện Giang Trạch Dân trên đây cho thấy ngay dưới chế độ Mao Trạch Ðông, người dân bình thường vẫn tôn kính Khổng Tử. Phần lớn thế hệ những người cầm đầu đảng Cộng Sản cũng đã được cha mẹ dạy Nho giáo, ảnh hưởng của nền giáo dục cổ truyền vẫn rất sâu đậm. Một lãnh tụ cộng sản biết bắt chước ngôn ngữ Nho giáo sớm nhất là Lưu Thiếu Kỳ. Trong cuốn “Ðể làm một người cộng sản tốt” do ông soạn (Như hà tố nhất cá hảo đích cộng sản chủ nghĩa, 1949). Lưu Thiếu Kỳ đã dùng động từ Tố, theo chữ Tố Nhân, nghĩa là Làm Người mà Nho giáo hay dùng. Lưu Thiếu Kỳ còn liệt kê những khẩu hiệu “Cách vật, Chí tri, Chính tâm, Thành ý, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ” trong sách Ðại Học, một trong Tứ Thư. Ông nói các đảng viên cộng sản phải học thuộc các khẩu hiệu mới, giống như nhà Nho xưa vẫn thuộc lòng các khẩu hiệu Tu Tề Trị Bình! Muốn thúc đẩy các đảng viên “học tập tốt,” ông còn trích dẫn lời Trình Tử đời Tống, “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân,” (Mỗi ngày tôi tự hỏi tôi ba điều) để nói đảng viên cộng sản phải bắt chước mà “học tập” và “tự phê bình!”

Nhưng một “hảo cộng sản” như Lưu Thiếu Kỳ vẫn không được yên. Năm 1966, ông bị Mao hất ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo. Ðến thời Cách Mạng Văn Hóa, bộ máy tuyên truyền của Mao Trạch Ðông đả kích cuốn “Cẩm nang đảng viên” của Lưu Thiếu Kỳ, tố cáo ông ta là kẻ đã muốn phục hồi “Chủ nghĩa Cá nhân” của Khổng giáo! Lưu bị bắt giam rồi chết trong ngục tối.

Tất nhiên Khổng Tử cũng không được yên. Cuối thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, nhóm Tứ Nhân Bang được lệnh Mao đã mở chiến dịch “Phê Lâm Phê Khổng.” Mục tiêu thứ nhất là để xóa trong trí nhớ người Trung Hoa mối sai lầm của Mao khi chọn Lâm Bưu làm “đông cung thái tử.” Lâm đã viết lời tựa cho Cuốn Sách Ðỏ của Mao, được coi như tài liệu học tập tương đương với cuốn sách “Luận Ngữ” của Khổng Tử đời xưa. Lâm Bưu đã được Mao chỉ định sẽ lên kế vị, điều này được ghi cả vào cương lĩnh đảng. Tháng 9 năm 1971, con trai Lâm Bưu tính đảo chính lật đổ vợ chồng Mao nhưng bị lộ, cùng bố mẹ chạy trốn, chết trong tai nạn máy bay trên đường sang Nga. Mãi một năm sau, người Trung Hoa ở lục địa mới biết Lâm Bưu đã chết. Rồi đến năm 1973, chiến dịch Phê Lâm Phê Khổng bắt đầu; mục tiêu thứ hai cốt nhắm đánh vào Thủ Tướng Chu Ân Lai. Khổng Tử bị phê là một “tên phản động.”

Tại sao Khổng Tử bị gán tội phản động? Mao đã phân chia các thời kỳ trong lịch sử Trung Hoa theo Duy vật Lịch sử của Karl Marx. Thời Xuân Thu được gọi thời kỳ Trung Quốc đang chuyển từ chế độ Nô lệ sang chế độ Phong kiến mà nền tảng là giai cấp các địa chủ. Khổng Tử bị tố cáo là “tên phản động” vì ông muốn bảo vệ quyền lợi tầng lớp quý tộc, chống giai cấp đang lên thiết lập chế độ “địa chủ chuyên chính” trong lịch sử! Năm 1974, phong trào “Phê Lâm Phê Khổng” được đẩy lên tột đỉnh. Tất cả các chi bộ đảng được lệnh học tập đấu tranh. Không những Khổng Tử bị đấu mà cả đến Beethoven và Shubert cũng bị liệt vào hàng ngũ phản động nữa! Lâm Bưu được gắn cho nhãn hiệu là một trong số nhiều ông “Khổng Tử Ðương Ðại!” Chu Ân Lai cũng được xếp loại như một “Khổng Tử Con,” nhưng may mắn ông ta bị ung thư đang nằm chờ chết cho nên không bị đem ra đấu trường.

Trong lúc đó, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc khi còn ở lục địa cũng như khi chạy qua Ðài Loan vẫn tuyên dương Nho giáo. Năm 1948, khi Liên Hiệp Quốc soạn thảo bản Tuyên Ngôn Nhân quyền, phái đoàn Trung Hoa Quốc gia đã nhất thiết yêu cầu ghi được vào Lời Nói Ðầu một lời của Khổng Tử: “All Men are brothers,” dịch câu “Tứ hải chi nội giai huynh đệ,” (Luận Ngữ, chương XII Nhan Uyên, câu số 2). Ðến khi chính quyền Trung Cộng được vào Liên Hiệp Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc vào cuối năm 1972, đại diện của Bắc Kinh đã kịch liệt công kích việc ghi tên Khổng Tử trong bản Tuyên Ngôn; họ muốn xóa bỏ đi! Vì cũng trong thời gian đó, chiến dịch Phê Lâm Phê Khổng sắp được Mao phát động!

Với những thành tích chống Khổng Mạnh quá khứ như thế, bây giờ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc định sử dụng Khổng Tử vào mục đích củng cố chế độ chuyên chế độc đảng. Nhưng rồi họ sẽ thất bại. Vì khi được học hỏi, nghiên cứu và trao đổi với thế giới bên ngoài một cách tự do, người Trung Hoa sẽ thấy: Khổng Tử, Mạnh Tử không phải là những người ủng hộ một chính quyền chuyên chế, ngay trong thời đại của họ, dưới chế độ quân chủ và phong kiến. Chủ trương “tôn quân quyền” tuyệt đối chỉ bắt đầu xuất hiện từ đời Hán, ba, bốn thế kỷ sau thời Khổng, Mạnh. Dân Nhật Bản vẫn coi Khổng Tử là một vị thầy muôn đời nhưng tất cả mọi người Nhật vẫn tuân thủ một hiến pháp tự do dân chủ, không có điều gì mâu thuẫn cả

Người Trung Hoa ở lục địa cũng như người Việt Nam trong nước, vẫn có thể học được những quy tắc đạo lý mà Nho Giáo đã truyền bá suốt hai ngàn năm, mà không cần phải nhắm mắt tuân theo ý muốn của những kẻ nắm quyền, như ý đồ của Cộng Sản Trung Quốc. Người ta có thể học các quy tắc Trung Tín, Nhân Nghĩa, Chánh Trực Quang Minh, vân vân, mà không cần phải nhắc đến tên Khổng hay Mạnh! Chính những quy tắc đạo đức đó, khi được đem giảng dạy trong trường hy vọng sẽ thay đổi cách sống của thế hệ thanh niên mới lớn. Sau một vài thế hệ, thanh niên ở Việt Nam và Trung Quốc sẽ được đào tạo trong môi trường đạo lý không khác gì những người dân Nhật Bản ngày nay. Nhưng muốn cho họ không những học mà còn thực hành các quy tắc nhân nghĩa, thì tất cả guồng máy cai trị từ trên xuống dưới phải thi hành các quy tắc đó trước. Nếu không thì cảnh “nhà dột từ nóc dột xuống” sẽ khiến cho xã hội vẫn chìm đắm trong cảnh vô đạo! Nói theo lối nhà Nho, đó là “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=128532&z=7

Bác sỹ cứ yên tâm, nhà em bán đi một đứa con gái là đủ

Posted by truongthondlb1


Lê Dũng – Có đi viện mới thương bà con dân nghèo, nhìn cảnh vạ vật đầu hè xó đường, gầm cầu thang, cạnh toa lét hôi hám vẫn chen nhau xét nghiệm với chụp chiếu sao mà cám cảnh cho cái cuốc gia của mình. Đi toa lét cũng phải trả tiền, một chị béo bự ngồi thu và có biển ghi rõ: “đi nhẹ: 1000; đi nặng: 2000″. Nhân quyền là chỗ ấy đấy chứ đâu ?…

*

Đưa ông nội cu Bim vào cấp cứu ở Xanh pon, anh bạn bác sỹ nội khoa khám xong bảo cho cụ sang ngay viện tim kẻo muộn !

Cấp cứu, cho cụ nằm lên giường và lắp máy hỗ trợ vào ngay.

Tiêm, uống thuốc ba ngày liền thấy cụ “cá hồi” trở lại, ăn được cơm, cháo, miến mà đỡ lo. Chiều 5 giờ viện cho bà con vào cơm cháo cho bệnh nhân. Một em áo trắng sang bảo : ai là người nhà của cụ thì sang phòng họp, vâng tôi đây – sang ngay.

Chị lớn tuổi có vẻ là lãnh đạo của ban nhìn mặt mình rồi bảo : tình hình của cụ đã khá cho cái mạch vành, còn cái van thì phải thay, viện gọi người nhà cho ý kiến xem điều kiện thế nào … ?

Dạ, phải thay chứ ạ…

Vấn đề là kinh tế gia đình có cho phép không, nên chúng tôi cần thông báo nếu không…

Dạ thay ạ, trăm sự em cứ nhờ các bác giúp cho cụ nhà em, không có điều kiện cũng phải thay ạ. Bí quá thì…dạ cụ nhà em có đến 3 cô gái, cùng lắm em đề nghị mang một cô đi bán cho Tàu là đủ thôi ạ.

Cả phòng mấy cháu và chị kia cười như nắc nẻ.

Dạ trăm sự nhờ các bác ạ, em nhà quê chân đất chả biết chuyên môn nên cứ tin tưởng vào các bác.

Khổ cái bệnh của tuổi già, như ở thành phố thì chớm đau là có viện hiện đại, bác sỹ giỏi đầy. Khốn nỗi cái nhà quê viện tuyến huyện hay tỉnh chỉ toàn phán bừa : không vấn đề gì đâu, cho vài viên alphachoay về nhà uống cho …to tim. May mà về quê kịp đưa ngay cụ ra không thì kèn xong lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân mất rồi.

Anh bạn trưởng khoa bảo : nhà có tiền để mổ không? dạ khoảng chục triệu thì em lo được ạ. Chục là chục thế nào, cậu tưởng van tim như ở tim lợn chắc ? tim lợn giờ cũng tiền nửa triệu một cân chứ tưởng à, chắc cậu chả bao giờ đi chợ ?

Dạ bác cứ cho em biết để nhà em lo liệu ạ. Trên dưới trăm chưa tính các thứ linh tinh khác !

Ối giờ ơi, công chức quèn như em thì phen này cái sổ đỏ chung cư có khi vĩnh viễn nằm chỗ con mẹ Ngân béo đầu phố rồi. Chả có nhẽ lại chỉ vì cài lỗ chui ra chui vào mà không dám cắm, để Bố mình chấp nhận cái van tim xì xoẹt ?

Dạ em lo được ạ, bác cứ giải quyết cho cụ giúp em, trăm sự nhờ cả vào các bác đấy ạ.

Đời người, ai mà biết lúc nào thì bệnh ? sinh lão bệnh tử ai tránh được họa có là thánh thần. Chưa nói đến ở một xứ mà ô nhiễm từ không khí đến đồ ăn nước uống như thế này thì bảo sao viện tim giờ đông như trẩy hội cướp ấn đền Trần ?

Có đi viện mới thương bà con dân nghèo, nhìn cảnh vạ vật đầu hè xó đường, gầm cầu thang, cạnh toa lét hôi hám vẫn chen nhau xét nghiệm với chụp chiếu sao mà cám cảnh cho cái cuốc gia của mình.

Đi toa lét cũng phải trả tiền, một chị béo bự ngồi thu và có biển ghi rõ : ” đi nhẹ : 1000; đi nặng : 2000″. Nhân quyền là chỗ ấy đấy chứ đâu ?

Bước thấp bước cao về phòng, thấy cụ 80 tuổi vừa mổ tuần trước bảo hai cụ giường bên cách mà các bác sỹ gây mê, nói chuyện để trấn an ” không đau đâu, họ nhoáy cái mình đã chả còn biết gì”. Hỏi cụ nhà mình : bố có lo đau không ? tao thì sợ gì, trước đánh Quảng trị nó bắn vèo vèo bên tai, 12 ly 7 nó xuyên đầy lưng chả biết đau, vài nhát dao kéo nhằm nhò gì.

Bố cứ đem cái bom đạn xưa ra bì bây giờ làm gì, giờ dao nó bé nhưng đau cả các con các cháu đấy cụ ạ.



Lê Dũng

Những cái lồng khác cỡ

Posted by truongthondlb1


Tưởng Năng Tiến – “Nếu cả dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để chỉ đổi được từ cái lồng này sang một cái lồng khác, cùng cỡ, thì… đỡ (khổ) biết chừng nào. Cái lồng sắt của chế độ thuộc địa tuy (ngó) đen sì nhưng ít nhất thì nó cũng đủ rộng để qúi vị tiền bối cách mạng có thể tha hồ hô hào đình công mà chả ai phải lãnh chịu mấy chục năm tù – như bản án mà Đảng và Nhà Nước vừa dành cho ba công nhân: Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Nguyễn Tấn Hoành”…

Trong một bài viết trước đây, tôi đã từng kể chuyện người lính già Vũ Cao Quận, sau rất nhiều năm xông pha chiến đấu vị độc lập và tự do cho đất nước, đã phải ngậm ngùi ví von tình cảnh dân tộc như được chuyển từ một cái lồng sắt đen sì sang một cái lồng sơn son thếp vàng nhưng cũng chẳng lấy gì làm sung sướng. Rồi cụ băn khoăn: “Chẳng lẽ cả dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để chỉ đổi được từ cái lồng này sang một cái lồng khác hay sao?” (“Một nền dân chủ nhọc nhằn”. Gửi lại trước khi về cõi. Tiếng quê hương, Hoa Kỳ, 2006, 125).

Chính là từ cái “lồng sơn son thếp vàng” này, ngày 12 tháng 2 năm 2006, bạn Nguyễn An Nguyên, Nghiên cứu sinh ngành kinh tế học Rice University, thành viên nhóm Vietnam Economic Society, có bài viết “Công đoàn – Đình công – Lương tối thiểu: Từ góc nhìn vĩ mô” tường thuật rằng:” Người công nhân có khi không thấy ánh mặt trời vì vào công xưởng từ 6g30 sáng tới 8-9 giờ khuya. Điều kiện sinh hoạt quá khó khăn bên lề trung tâm kinh tế lớn nhất nước cũng làm cho công nhân dễ coi mình là kẻ bị gạt ra lề” (