Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Tăng lương cơ bản cho lao động phổ thông làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài – Điều cần phải thực hiện ngay

TriVu

Thân tặng các anh chị đang đấu tranh cho quyền lợi người công nhân…

Bắt đầu từ tháng 01/01/2011, mức lương tối thiểu của lao động Việt Nam làm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được tính theo như sau:

Mức lương tối thiểu được tính theo vùng:

- Vùng 1 (gồm các quận của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh): 1.550.000 đồng/tháng. Mức lương năm 2010 của vùng 1 là 1.340.000 đồng. Như vậy được tăng khoảng 15%.

- Vùng 2: 1.350.000 đồng/tháng.

- Vùng 3: 1.170.000 đồng/tháng.

- Vùng 4: 1.100.000 đồng/tháng.

Mức lương thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu của vùng. Lấy vùng 1 làm ví dụ, một lao động phổ thông sau 2 tháng thử việc thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải trả mức lương khoảng 1.658.500 đồng/tháng cho mỗi công nhân.

Theo thông tin chính thống, năm 2010 lạm phát là 11.75%, cho nên mức tăng 15% lương cơ bản hầu như không có cải thiện đáng kể nào lên đời sống công nhân nếu không muốn nói là công nhân tiếp tục bị chủ doanh nghiệp lạm dụng và bóc lột. Trong khi đó, công nhân chính là đối tượng tự nguyện để bị bóc lột.

Lý do tại sao? Một doanh nghiệp khi thuê công nhân, họ luôn luôn dùng mức lương tối thiểu để trả cho công nhân. Sau 1 ca làm việc 8 tiếng, nếu công nhân muốn có thêm tiền để lo cho bản thân và gia đình, thì buộc phải làm tăng ca. Tùy theo nhu cầu doanh nghiệp, số giờ tăng ca trong 1 ngày có thể từ 2 đến 4 giờ. Như vậy thực tế 1 công nhân có hợp đồng (ở vùng 1) có thể lãnh khoảng 2,280,000 đồng đến 2,902,000 đồng một tháng nếu có thời gian tăng ca như trên.

Với số tiền này, nếu sống một mình tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội thì có thể đắp đổi qua ngày. Nếu ai đã lập gia đình rồi thì quả thực cuộc sống vô cùng vất vả. Tiền ăn sáng tạm được cũng phải 10 ngàn một ngày (1 ổ bánh mì), cơm trưa thường công ty cho, cơm tối ít cũng 20 ngàn một ngày. Như vậy tiền ăn đã mất 900 ngàn một tháng/một người. Tiền nhà trọ cũng mất 300 ngàn/tháng khi chia phòng với những người khác. Cộng với các chi phí như tiền xăng đi làm hằng ngày, quần áo, dày dép, tiền gởi về cho gia đình… như vậy hầu như cứ đến cuối tháng thì chẳng mấy ai còn tiền để mà chi tiêu.

Trong khu vực châu Á, công nhân Việt Nam thuộc diện được hưởng mức lương bèo bọt nhất. Nói chi đâu xa, tại Thái Lan, nước có giá cả thực phẩm, giá cả cho sinh hoạt hằng ngày rất gần với Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập tối thiểu của một lao động phổ thông tại Bangkok khoảng 206 baht một ngày hay khoảng 200 USD một tháng. Như vậy, so với Việt Nam, một lao động của họ có thể kiếm được mức lương gấp 2.5 lần một lao động tại Việt Nam.

Trở lại thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chỉ có những doanh nghiệp có kỹ thuật thấp (lắp ráp điện tử, giày dép, may mặc, tái chế, đồ gỗ, chế biến nông sản…), công việc nặng nhọc, độc hại… thì họ mới có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Ngược lại, các công ty lớn, có kỹ thuật cao thì nhu cầu sử dụng nguồn lao động chân tay là rất ít. Vì mức lương qui định theo pháp luật tại nước sở tại quá thấp, nên đây là miếng mồi ngon để cho các công việc tay chân phát triển, hoặc các công việc nếu ở nước họ thì không được phép làm hoặc không có lời gì nếu làm việc đó, nay thì họ mang sang Việt Nam. Tôi từng tham quan một số công ty nằm trong khu công nghiệp đàng hoàng, họ nhập rác điện tử đủ loại như phụ kiện máy tính, điện thoại cũ nát về tân trang sửa chữa, hoặc lau rửa rồi đóng gói xuất ngược lại sang các nước khác hoặc giữ lại Việt Nam tiêu thụ. Hầu hết các ông chủ “low tech” này đều dùng chiến thuật “biển người” khi điều hành công ty. Tại các công đoạn thay vì có thể sử dụng máy móc để giảm sức người, họ không đầu tư vào máy móc mà đưa trực tiếp rất nhiều người vô làm để giải quyết công việc. Lý do vì nhân công quá rẻ, dùng nhiều người để làm thì rẻ hơn đầu tư vào máy móc hiện đại thì không lý gì nhà tư bản họ lại chọn con đường tốn kém hơn để làm cả. Mặt khác, do nhân lực quá nhiều, nên việc quản lý nhân sự không quán xuyến hết, họ không tập trung vào việc nâng cao kỹ năng của mỗi cá nhân, mức độ hiệu quả trong công việc của mỗi công nhân. Trong trường hợp một việc 5 người giải quyết không xong thì họ sẽ đưa 7 người, 10 người vô làm… hoặc tăng ca, tăng giờ cho kịp tiến độ công việc.

Một số các công việc ở các nước tiên tiến được xem là đặc biệt độc hại, bị cấm làm hoặc phải đóng thuế môi trường rất cao, trả lương có phần phụ cấp lao động cao cho công nhân. Tại nước ta, do thiếu cơ sở pháp lý, các công ty này vẫn được mời gọi đầu tư và cấp phép hoạt động. Đã nói thì có dẫn chứng. Tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, hiện nay họ đã áp dụng tiêu chuẩn RoHS cho các sản phẩm điện tử. Nói nôm nay, các sản phẩm điện tử không được sử dụng chì để hàn và không chứa chì trong bất cứ linh kiện cũng như các phụ liệu khác. Tuy nhiên, các công nhân làm việc trong lĩnh vực lắp ráp (assembly) tại Việt Nam hằng ngày vẫn tiếp xúc với chì hàn mà không có phương tiện bảo vệ hữu hiệu. Hoặc ai đã đi xem các dây chuyền xi mạ trong các nhà máy chế tạo PCB, mùi acid, hóa chất nồng nặc bốc lên, cây cối xung quanh khô héo hết tuy nhiên những anh công nhân ốm o gầy mòn với khẩu trang mỏng manh vẫn miệt mài làm việc mà không biết nguy cơ bệnh tật sẽ đổ xuống đầu mình trong một ngày không xa.

Về phía những người công nhân bán sức lao động của mình, hầu hết học vấn thấp, từ thôn quê di chuyển ra thành thị nên suy nghĩ của họ cũng rất ngắn hạn. Do các công ty đều áp dụng mức lương thấp nhất do nhà nước qui định, nên người đi làm rất chú trọng đến việc có được tăng ca hay không. Nếu họ đang làm ở một công ty tốt về điều kiện làm việc nhưng ít về thời gian tăng ca, họ sẵn sàng bỏ việc để đi đến công ty khác có thời gian tăng ca nhiều hơn. Ở đó, họ có thể bán sức lao động nhiều hơn. Một anh công nhân tháng này có thể đang làm ở một khâu lắp ráp điện tử, tháng sau có thể trở thành một anh thợ đứng máy cắt đá, máy đánh bóng gỗ… là chuyện bình thường. Chính vì vậy họ không có tay nghề gì chuyên sâu và khả năng cải thiện thu nhập dựa trên kỹ năng tay nghề là rất thấp. Cũng do mức lương kém, dẫn đến tình trạng tinh thần làm việc không cao. Trong các nhà máy, tình trạng người công nhân mất tập trung trong khi làm việc rất nhiều. Khi không có người quản lý, họ hay tập trung nói chuyện, thái độ uể oải, làm cho qua lần, chất lượng trong công việc thấp, làm ra các sản phẩm có chất lượng không tốt… Điều này dẫn đến hiệu quả làm việc của công nhân Việt Nam không theo kịp các lao động khác trong khu vực. Trong thực tế cuộc sống chúng ta thấy cùng một nhà sản xuất, cùng một loại hàng hóa có cùng nhãn hiệu, tuy nhiên chất lượng của sản phẩm từ Việt Nam luôn kém hơn sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines… Cũng trong thời gian gần đây, chúng ta cũng hay nghe quản đốc Hàn Quốc, Đài Loan… đánh công nhân Việt Nam. Khi biết chuyện này thì mọi người cũng như bản thân tôi cũng thấy rất bất bình. Tuy nhiên khi nhìn kỹ lại vấn đề, bỏ qua các trường hợp có thái độ kỳ thị hay các trường hợp cá biệt khác, đa phần đều do lỗi của nạn nhân. Do họ không được đào tạo về cách làm việc bài bản, vẫn giữ nguyên các nguyên tắc làm việc trong nông nghiệp trong khi đang làm việc trong môi trường công nghiệp, không hiểu cách làm việc trong môi trường kỷ luật cao… cho nên dẫn đến các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Từ các vấn đề nêu trên, chúng ta có thể thấy được các mối liên hệ sau:

- Do nhà nước thiết lập mức lương tối thiểu quá thấp, cho nên các doanh nghiệp dùng mức lương này trả cho lao động phổ thông.

- Các doanh nghiệp thay vì tập trung vào việc đầu tư máy móc, công nghệ; họ lại dùng sức lao động con người là chính và ra sức khai thác nó. Họ cũng ít tập trung vào việc cải thiện tay nghề của công nhân dựa trên nền tảng máy móc hiện đại.

- Người lao động phổ thông do lương thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình cho nên muốn có thêm thu nhập phải làm việc thên rất nhiều giờ. Sự bất mãn của họ là nguy cơ của bất ổn xã hội.

- Sản phẩm tạo ra có chất lượng không cao so với khu vực và thế giới.

Do đó, việc nhà nước cần xem xét lại mức lương tối thiểu áp dụng cho lao động phổ thông tại các doanh nghiệp nước ngoài là điều hết sức cần thiết. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu nhà nước tăng mức lương tối thiểu cho lao động phổ thông tại vùng một lên khoảng 4 triệu đến 5 triệu đồng một tháng thì Việt Nam vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước cũng buộc phải tăng lương theo, đồng thời có những lợi ích như sau:

- Người lao động được hưởng mức lương có thể sống được và hết mình với công việc.

- Loại bỏ bớt các doanh nghiệp có kỹ thuật quá thấp, lạc hậu… trên lãnh thổ Việt Nam. Chính các doanh nghiệp này cũng là nguyên nhân gây tình trạng thiếu điện trầm trọng, ô nhiễm môi trường tệ hại như hiện nay.

- Các doanh nghiệp nước ngoài phải lo tập trung vào việc hiện đại hóa, tối ưu hóa trong sản xuất và quản trị nhân viên. Không dám thuê người bừa bãi, sử dụng nguồn nhân lực thừa thãi nhu hiện nay.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Ngay cả nhà nước cũng phải xét tăng lương cho người làm việc cho nhà nước, tình trạng hống hánh cửa quyền sẽ giảm đi, tình trạng tham nhũng cũng sẽ giảm đi.

- Một lượng lao dộng không tìm được việc làm phải có sự cố gắng nâng cấp bản thân để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Một lượng khác phải trở về nông thôn để làm nông nghiệp. Hiện nay tại khu vực nông thôn, thanh niên chỉ muốn về thành thị làm thuê. Ruộng vườn bỏ hoang, chỉ còn ông già bà lão, thôn quê không còn sức sống.

- Giảm thiểu áp lực lên khu vực thành thị và nhất là hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhân ngày đầu năm, lời chúc mọi người được “an khang thịnh vượng” chỉ trở thành hiện thực nếu các vị lãnh đạo thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động có vị trí thấp nhất trong xã hội và cũng là giai cấp làm nên cuộc cách mạng trong quá khứ. Đừng hy sinh lợi ích của họ để phục vụ cho lợi ích một số cá nhân có quyền, có tiền trong tay. Đừng để lời chúc trở thành lời đãi bôi.

Mong mỏi lắm thay!

T.V.

Tham khảo:

- Lương cơ bản năm 2011: Dantri.com.vn

- Lạm phát năm 2010: Vnexpress.net

Lương cơ bản năm 2010 tại Thái Lan: boi.go.th

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Si-li-cát hóa thủ đô

Đoàn Nam Sinh

Si-li-cát hóa thủ đô

Hơn năm năm trước, chúng tôi có luận bàn với GS Nguyễn Khắc Tụng về tình trạng chất trọng tải lên nền địa bồn cổ ven sông Hồng ắt sẽ dẫn đến tác hại của nó cho thủ đô như sụt lún, hủy hoại hệ thống thoát nước, ngập nước,… Ít lâu sau thì Hà Nội rơi vào thảm trạng đó, đặc biệt là khu nhà tập thể của giáo sư vốn gần một con mương mà nước cũng không thoát nổi. Giờ thì chỉ một cơn mưa thôi, thường thường bậc trung, cũng đủ làm cho nhiều phố xá thông thương trên cùng mặt phẳng… ngập nước.

Hệ lụy của quá trình “si-li-cát” hóa ao chuôm và đất yếu trên “cốt nền cố cựu của cư dân sông nước gắn liền với văn minh thung lũng” – như giáo sư thường nhắc, nhất cận thị, nhị cận giang – đã lưu dấu lên DNA của nó những đột biến tật nguyền và tai họa.

Bây giờ đứng trên cầu Thăng Long nhìn sang trái, sang phải rồi hướng lên thượng nguồn thì ôi thôi, cơ man nào cần cẩu xà lan. Các dòng sông đất Bắc bây giờ chỉ làm một nhiệm vụ quan trọng nhất là chuyên chở cát sỏi và bị móc ruột để khai thác cát sỏi.

Lòng tham sẽ vục sâu và sâu hơn nữa những miệng gàu cỡ khối cắn cạp vào lòng sông qua gương nước ngầm thành những vực sâu, rồi chỗ đó sẽ là những “mỏ cát” nhờ nước ngầm ngày đêm chuyển tới. Cát từ đâu ai cũng hiểu và hố “tử thần” sẽ xuất hiện ở bất kỳ đâu, với quy mô ngày một khổng lồ hơn.

Tai họa có thể bắt đầu từ việc xin “tận thu” cát ở lòng sông, từ việc cần san lấp để làm đường cất phố,… Nhưng nhà quản lý đã không xem xét tận nơi, không nhìn tới viễn cảnh hậu nhiệm kỳ, cũng không kịp nghĩ rằng… tọa thực sơn băng.

Động đất Sơn La ngày cuối năm ‘10

Ôn cố nhi tri tân, nhớ lại cũng cuộc mạn đàm này, có biết bao cụ đã lên tiếng về một nguy cơ do chất trọng tải chục tỉ tấn lên vùng có 5 đứt gãy địa chất và thường xảy ra động đất.



Sơn La xả lũ

Năm 1959, hình ảnh lưu lại cho thấy chiếc xe ủi 9 tấn lao đi trong dòng nước như một thanh củi mục, khi đập Đa Nhim chỉ bị lũ về bất thường trong lúc đang thi công bờ đập, do số liệu thủy văn từ 1938 chưa đủ giá trị thống kê.

Trưa cuối năm nghe tin động đất Sơn La hơn 5 độ rich-te, chiều lại nghe dư chấn khoảng 4 độ, nên lời cảnh báo về một sự cố vỡ đập lớn nhất Đông Nam Á có thể “thổi bay chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây như chiếc lá” là vẫn còn quá dè dặt về hình tượng, mà phải như chiếc lông chim mới thỏa.

Không biết việc trang bị sẵn mỗi người một phao cứu sinh cho hạ lưu Sơn La đã có chưa, với 15 triệu người ta cần có 1000 tỉ để sắm ao phao bọt xốp bọc vải đỏ cam không thấm nước, là một khoảng chi nhỏ trong hơn 2-3 tỉ đô-la, nhưng quá cần thiết khi các đường nứt trên thân đập không tràn cả hai phía phải trái đã xuất lộ rõ.

Hay ta nên xã hội hóa ngay việc tự cứu lấy mình theo chủ trương “4 tại chỗ” của chính phủ như trong tình trạng bão lụt?


Nhìn lại Hồ Nước Trong Quảng Ngãi


Đánh một vòng suốt ngày từ Trà Bồng lên Tây Trà băng đèo lội suối vượt sông qua Trà Sinh về lại Di Lăng, huyện lỵ Sơn Hà mới thấy hết cảnh tượng lòng sông phơi sỏi cát, thi thoảng có vài dàn máy tận thu vàng sa khoáng.

Một số nhà đồng bào Cor, Hrê đã di dời lên cao, rời bỏ đồng ruộng vườn cau ngàn đời dẫu không phì nhiêu nhưng cũng còn cho cái ăn, giờ lên cao hơn mực nước dâng mà rừng đã kiệt, đất rất dốc không biết sống bằng cách gì.



Ruộng bỏ hoang, làng xóm di dời lên vách núi.

Đường tuy lầy nhưng có nhiều cát nên không trơn trợt, cũng không dính bánh xe, lại ít đá lông chông nên có vất vả nhưng không gặp rủi ro vỡ lốc máy. Nhìn kỹ, cả một vùng rộng lớn không thấy lớp đá mẹ vững chắc, thuần là diệp thạch có nguồn gốc cát kết, bùn kết. Chẳng vì thế mà đường lên Tây Trà sạt lở luôn, các dãy núi hết xuất hiện khe nứt lại xuất lộ những mảng sạt, có lúc vùi người phải di dời cả xóm. Mà nguyên nhân sạt lở thì ai cũng biết, rừng tiếp tục bị khai thác, cát sỏi dưới sông bị đào xới đãi vàng, dòng chảy bị đào đắp cho chuyển hướng, đường giao thông đã thay đổi cân bằng về lâm hình lâm tướng, thay đổi địa mạo và cả nước ngầm.



Sạt lở núi Trà Bình

Bây giờ mọi việc dường như đã an bài. Bờ đập của công trình hồ chứa Nước Trong đang vượt lên, đồi núi ngay đầu mối đã được san bạt thành bậc thang hàng chục triệu mét khối. Từ Di Lăng về thượng nguồn phải vượt lên bao đèo dốc nhân tạo tức ngược, có chỗ cao lên tầm trăm mét.

Diện tích hồ chứa khoảng hơn 90 km vuông, chưa bằng phân nửa của hồ Sơn La, chưa phải là những đứt gãy sâu, chưa có biểu hiện động đất, nhưng cấu tạo địa chất thì vô cùng khác biệt: Một đằng là thung lũng đá vôi, một đằng là trầm tích diệp thạch dễ trượt khối.

Các số liệu về thủy văn của chúng ta chỉ cao lắm là 80 năm, không kể đến những biến động dữ dội trong thời gian qua và sắp tới vì thảm trạng biến đổi khí hậu. Nên những kết luận nghe chừng chắc chắn vẫn chưa có cơ sở gì vững vàng.

Có thể nào khi xây xong đóng nước thì nước không đủ vào hồ do rừng đã kiệt? Rồi khi lũ bất thường lại xả nước cứu hồ như bài học A Vương? Có khi nào sau đó dưới hạ lưu vẫn được đào đãi tận thu từ cát tới vàng mà không đoái hoài gì đến thân đập? Và trên thượng nguồn dân tiếp tục bóc kiệt cả đất rừng để kiếm sống qua ngày, là cơ nguyên lũ quét và bồi lắng nghẹt cửa xả như Hố Hô?

Hy vọng cấp nước trong lành cho Dung Quất và thu được ít nhiều điện từ tua-bin nước có vẻ như rất sáng suốt hiện thực, còn các yếu tố chưa lường hết sẽ là rủi ro thiên tai cả sao?

Có lẽ từ khi có nước đến nay, kẻ thù của chúng ta là giặc giã, là bọn cướp nước, bọn đế quốc mang bom lửa dội trên đầu, thì nay lần đầu tiên cả bọn thủy-hỏa-đạo-tặc đủ mặt, với nguy cơ mới là những trận hồng thủy treo lơ lửng trên đầu muôn dân – những quả bom nước không hẹn giờ.

Ngày 01 tháng 01 năm ‘11

Đ. N. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Luận án của Tiến sĩ và sự thật!

Đăng bởi bvnpost


KS Doãn Mạnh Dũng



Tai nạn cầu Ghềnh tại Đồng Nai buộc tôi nhớ lại cái tài liệu ảo về đường sắt Việt Nam mà mình đã có cơ may đọc.Tôi lục lại trong đống sách cũ, vẫn còn tập tài liệu “Hiện trạng và định hướng phát triển ngành đường sắt Việt Nam” do PTS Nguyễn Hữu Bằng biên soạn năm 1995, được Trung tâm thống kê – thông tin Giao thông Vận tải phát hành với mã số 338.45:659.2(957). Tài liệu này tôi mua tại Trung tâm Thông tin thành phố Hồ Chí Minh tại ngã tư đường Nguyễn Du và Trương Định vào cuối thập niên của thế kỷ XX.

Bắt đầu trích tại trang 13:

“2.1 Phát triển cơ sở hạ tầng:

…Mở rộng cơ giới hóa duy tu, đại tu cầu đường để đảm bảo chạy tàu tốc độ cao; Mục tiêu đến năm 2000 rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc-Nam xuống còn 28 giờ và năm 2010 hành trình là 24 giờ”

Hết trích.


Tài liệu viết bằng tiền ngân sách và được Trung tâm Thông tin lưu trữ để cung cấp cho những ai quan tâm. Bạn có thể dễ dàng đến Trung tâm Thông tin để mua tài liệu trên. Hồi đó giá chỉ có khoảng 15.000đ. Mua tự do.

Tôi lên mạng xem PTS Nguyễn Hữu Bằng là ai?

Giật mình, ông chính là: Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty đường sắt Việt Nam (10/5/2007) và kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Hôm nay, 2011, bạn đi xe lửa từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh mất bao nhiêu giờ?

Bạn hoàn toàn có thể tự trả lời!

Thế là chiếc bánh vẽ năm 1995 đã hóa kiếp!

Ông Bằng viết luận án “Hiện trạng và định hướng phát triển ngành đường sắt Việt Nam” năm 1995 khi chưa có quyền lực. Nhưng khi có quyền lực thì ông quên ngay những kỳ vọng của cấp trên và nhân dân.

Đến năm 2010 ông Bằng chán cái bánh 1995 và lại vẽ ra chiếc bánh mới cho năm 2020 đó là đường sắt cao tốc. Nhưng tiếc thay, Quốc hội Việt Nam đã bác đường sắt cao tốc.

Phải chăng đây là hình tượng mang tính phổ biến của giới trí thức Việt Nam!

Các công trình khoa học chỉ là thứ hư cấu tưởng tượng như làm thơ và viết văn nhằm giúp tác giả sớm thăng quan và tiến chức?


D. M. D.

Nguồn: Kinhtebien.vn

Khi ổn định chao đảo

Posted by truongthondlb3


Tạp Chí Phía Trước – Việc mất điện ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là chuyện quá bình thường đối với các cư dân địa phương. Các thang máy khách sạn bị kẹt, thậm chí, cả máy pha ca phê theo phong cách Paris tại Hà Nội cũng thường xuyên bị “ngưng hoạt động”.

Nhiều người khi nhìn vào Việt Nam nghĩ rằng đất nước phát triển với tốc độ chóng mặt đã để lại các triệu chứng này ở phía sau. Tuy nhiên, thực tế thì nền kinh tế hiện đang căng thẳng, nếu không nói là thường thất bại, để chạy theo kịp với các mục tiêu đầy tham vọng tăng trưởng do “các đày tớ” cộng sản Việt Nam đề ra. Lạm phát đang tăng lên, ngân sách thâm hụt, tiền tệ đang giảm, và mọi người đang gấp rút để chuyển tiền tiết kiệm của họ sang đô-la, vàng là những gì đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay.

Hành động giải quyết các vấn đề trên dường như đang được bàn thảo để đưa ra Đại hội Đảng Cộng sản thứ 11 vào cuối tháng này. Cũng như một nền kinh tế nổ ngược, danh sách các vấn đề đáng chú ý bao gồm quan chức tham nhũng, thu hồi đất đai, thiệt hại về môi trường, và hơn bao giờ hết, thiếu minh bạch trong chính trị.

Chính sách trong Đại hội lần này dự kiện sẽ không có gì thay đổi, cũng tương tự như trong hàng ngũ lãnh đạo – và nếu có, thì chỉ xoay quanh các khuôn mặt đã quá quen thuộc và già cỗi. Trước đó, có nhiều hy vọng cho rằng một thế hệ trẻ tuổi với tư tưởng thoáng hơn có thể lên thay thế hệ lớn tuổi hiện nay, nhưng hầu hết đều đã bị thất vọng.

Ngay cả Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa, sau khi ông đã “lãnh trách nhiệm” về vụ sụp đổ của Vinashin. Trong tháng mười hai vừa qua, Vinashin đã xin hoãn về một khoản vay với các ngân hàng quốc tế và điều này đã làm cho tín nhiệm của Việt Nam giảm xuống hạn thấp nhất.

Để chỉ trích chính sách của Việt Nam, sự sụp đổ của Vinashin là một minh chứng sinh động về những nguy hiểm của việc dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để cung cấp động lực cho tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo tài liệu Đại hội đã được thoả thuận, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục đóng “vai trò hàng đầu” trong nền kinh tế như họ đã luôn khẳng định từ lâu nay.

Một chuyên gia về Việt Nam, ông David Koh thuộc Viện Đông Nam Á học tại Singapore nói rằng, trước khi có Đại hội Đảng, chính phủ đã được tham gia một số hành động để cứu vãn nền kinh tế. Chính phủ vừa ban hành chỉ thị đặt hạn chế mới về cách thức doanh nghiệp nhà nước được phép hoạt động, đặc biệt trong việc kinh doanh ra khỏi các lĩnh vực cốt lõi của họ. Nhưng thương mại tại Việt Nam là rất quan liêu. Việc này sẽ đòi hỏi một thời gian rất dài để các doanh nghiệp nhà nước ứng phó với những chỉ thị [nếu quả thực họ cam kết sẽ thực hiện].

Bảo thủ như vậy sẽ làm cho các nhà đầu tư băn khoăn. Những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước đã giải thích kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang suy yếu trầm trọng. Các doanh nghiệp nhà nước cần phải được tự do hoạt động, nhưng để thực hiện điều này, Đảng Cộng sản cần phải từ bỏ sự độc quyền kiểm soát chính trị của nền kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả này tiếp tục “nuôi” tham nhũng và tiếp tục phung phí ngân sách của nhà nước. Trong khi đó, chính phủ cũng đã và đang bội chi, lãng phí ngân sách nhà nước. Năm ngoái, thâm hụt tài chính tăng lên tới 7,4% GDP, vi phạm các mục tiêu 6,2% đã được đặt ra. Ngoài ra, nợ công của Việt Nam đã lên đến 57% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011.

Việt Nam hiện nay cũng theo chạy các mậu dịch lớn và thâm hụt tài khoản vãng lai, vì họ phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu có giá trị thấp như thủy sản chế biến và gạo. Những thiếu hụt, thêm vào lạm phát, đã tăng lên 11,8% năm ngoái, đã gây áp bức cho tiền đồng, buộc chính phủ phải phá giá liên tục ba lần trong 14 tháng qua. Chính vì lý do này mà người dân vội vàng tích trữ đô-la và vàng, như họ đã bị mất niềm tin vào tiền đồng.

Chính phủ vừa qua đã cam kết rằng sẽ cải thiện tất cả những con số ảm đạm nêu trên. Tuy nhiên, theo đuổi tốc độ tăng trưởng 7% một năm trở lên mà không thay đổi cơ cấu điều hành thì chỉ tạo ra thêm nhiều chỉ số ảm đạm tương tự.

Nguyên Ân
© Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

Đấu tranh hay không đấu tranh

ĐỖ VIỆT KHOA

Đọc bài ni tui cảm được tâm trạng của Đỗ Việt Khoa hiện thời dù anh chỉ nói chung, như một luận đề chứ không phải một tâm sự về hoàn cảnh riêng của mình. Tui biết anh đang rất lẻ loi và đang đứng trước sự lựa chọn đau đớn, rằng tiếp tục đấu tranh hay chấp nhận im lặng để được an thân. Bất kì ai ở trong trường hợp của Đỗ Việt Khoa, từ vị trí người đương thời trở thành kẻ thất thế, đều ở trong tâm thế đắng cay và tủi hận như rứa cả.

Tui không quen anh, chưa gặp anh lần nào, chỉ qua báo chí mà biết anh là ai và cuộc đấu tranh tuyệt vọng của anh ở trường Vân Tảo. Khó lắm, cuộc đấu tranh giữa công bằng với vô đạo đã khó nhưng không khó bằng giữa sự hồn nhiên trong sáng với đểu cáng đê tiện. Nói thiệt tui không rõ thực hư cuộc đấu tranh của anh ra sao nhưng tui có cảm giác anh đang mắc phải một vài sai lầm mà những người đấu tranh như anh thường mắc phải. Ấy là từ chỗ đấu tranh trên tinh thần xây dựng anh đã bị người ta đẩy vào và cuốn theo một cuộc đấu tranh sống còn, cuộc đấu tranh có mày không tao. Âý là anh nhầm lẫn giữa đồng đội với bọn giả danh và những kẻ hành nghề “xuýt chó vào bụi”. 30 năm làm báo của mình tui đã chứng kiến biết bao người đấu tranh chống tiêu cực thất bại. Thời xã hội suy đồi, thời của tham nhũng và đạo đức giả chứ không phải thời của liêm chính, thì khó có ai chống tiêu cực như anh mà thành công được cả. Nếu có thành công cũng chỉ nhất thời, chỉ ít lâu sau người ta sẽ lật ngược thế cờ, chắc chắn như vậy. Loại trừ lý do khách quan đó ra, có lý do chủ quan từ phía những người đấu tranh chống tiêu cực là không biết lượng sức mình, nôn nóng rũ sạch một lần cho xong hơn là kiên trì đi lên từng bước một. Nếu không biết mình là ai, sau lưng mình trước mặt mình như thế nào, và nếu ngộ nhận về bản thân và vị trí mà mình đang có thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.

Lời nói thật thường khó nghe nhưng là lời tâm thành, xuất phát từ sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với nhà giáo can trường Đỗ Việt Khoa.

Sau đây mời bà con đọc bài viết của Đỗ Việt Khoa:



Xem trên youtube, thấy cảnh một đàn trâu chiến đấu với cả bầy đàn sư sử để cứu 1 con nghé.Loài trâu ngu si còn biết làm như thế: vừa biết đấu tranh sinh tồn cho bản thân, nhưng cũng biết đấu tranh vì đồng loại.

Loài người có được như loài trâu đó không?

Để có được cuộc sống như hôm nay, mọi người Việt Nam cần phải cảm ơn các thế hệ đi trước đã dày công đấu tranh góp phần dựng nước và giữ nước. Đó là những thế hệ anh hùng, những thương binh liệt sĩ, những người dấn thân đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước từ ngàn xưa tới nay.

Đất nước còn tồn tại nhiều bất cập. Không thể bằng lòng và làm ngơ để các vấn đề bất cập đó tồn tại. Phải tiếp tục đấu tranh với nó.

Triết học Mác-Lê nói đấu tranh là động lực phát triển xã hội.

Đồng thuận 1 cách giả dối thì đó là tai họa. Giả mù-điếc-câm trước cái xấu đó là sống hèn. Đảng CS cũng khuyến khích đấu tranh phê bình và tự phê bình đó thôi.

Xã hội càng nhiễu nhương thì đấu tranh càng phải quyết liệt.

Trên thực tế đấu tranh luôn hiện hữu trên mọi mặt trận kinh tế- xã hội- chính trị. Tra trên google hai chữ đấu tranh, thấy xuất hiện 48 triệu kết quả tìm kiếm, đủ thấy lĩnh vực đấu tranh là rất rộng.

Từ đấu tranh với những thói hư tật xấu nhỏ nhặt đến những vấn đề chính trị xã hội to tát như làm cách mạng kiểu Tuy-ni-di hay Aicập.

Bất cứ thời đại nào thì giới trí thức cũng là tiên phong trong đấu tranh. Quan chức có tâm thời nào cũng đấu tranh. Công dân yêu nước cũng đấu tranh. Đấu tranh bằng mọi kế sách có và không có trong binh pháp Tôn Tử, từ đấu tranh không công khai đến đấu tranh công khai trực diện.

Nhà báo nhà văn và giới bloger thì đấu tranh bằng ngòi bút. Giới này có nhiều người viết rất thâm sâu. Họ viết đủ kiểu mức độ nặng nhẹ nói khéo hay quết liệt thẳng thừng. Có anh muốn mắng Ta, nhưng lại mượn Tây mượn Tàu để mắng. Người đọc đủ khôn để hiểu. Báo chính thống không làm được thì có blog, có diễn đàn.

Quèn như anh thư ký, hễ quan mà đưa ra văn bản gì gì là phô tô dư vài tờ để…dành. Muốn công khai tên nào hủ hóa trong 1 bản danh sách đen nào đó, họ gửi tứ xứ tới đủ các cấp lãnh đạo, rồi đưa ngay lên mạng. Tài thánh mà truy tìm được ai đưa lên. Có bài, chỉ cần có mặt trên báo mạng 5 phút thôi (rồi phải gỡ xuống) cũng là thành công. Nội bộ quan chức cũng có đấu tranh, có điều người ta thích dùng chữ đồng thuận để phủ nhận nó. Quốc hội vừa qua là 1 ví dụ minh chứng: Những ĐBQH có tâm đã mạnh dạn lên tiếng về nhiều vấn đề nóng của đất nước.

Cuộc đấu tranh có thể tự phát hay không tự phát. Có thể thành công hay thất bại. Có thể có tác dụng nhiều hay ít.

Ngược lại cũng có phe phản đấu tranh. Phe này ngoài đám thường dân với những thói hư tật xấu bị phê phán thì đa số là những kẻ có quyền và tiền với đủ căn bệnh đục khoét tham nhũng, dối trá lộng hành, đội trên đạp dưới, bán nước hại dân. Theo đuôi là đám nịnh bợ, cổ vũ, tán tụng chúng để cầu lợi.

Để vô hiệu hóa đấu tranh, chúng sử dụng mọi công cụ, mọi thủ đoạn từ tinh vi đến dối trá trắng trợn, tìm mọi cách bịt mồm, ngăn chặn dân chủ, hoặc sử dụng vũ lực. Chúng sẵn sàng kiếm cớ bỏ tù những kẻ mạnh mồm dám nói sự thật. Vì vậy nhiều thế hệ đấu tranh đã phải trả giá đắt bằng tù đày.

Ngẫm lại các thế hệ cách mạng tiền bối như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Hồng Phong,… hay Che Guevara ở Cu Ba.. chúng ta mãi nhớ ơn họ và thán phục tinh thần bất khuất của họ. Họ đấu tranh không màng lợi ích, bị bắt nhất định không khai báo. Không như vài anh “dân chủ”, vừa bị giam đã thấy xin khoan hồng, xin nhận tội.

Ở giữa phe đấu tranh và phản đấu tranh (Không kể người dân đen bận mưu sinh) là nhóm người mà “gió chiều nào theo chiều ấy”. Nhóm này luôn luôn được lợi từ cả hai phía: Nếu phe đấu tranh thành công thì họ cũng được hưởng dân chủ công bằng. Nếu không thì vẫn được lòng phe phản đấu tranh. Thậm chí sẽ vinh thân phì gia, công danh đầy nhà là đằng khác. Đáng tiếc, nhóm này ngày càng đông và khối người muốn học theo vì coi đó là cách sống khôn.

Một sự thật là đã vài năm nay, về phía các lãnh đạo cao cấp của VN, rất ít nghe, ít thấy các vị khuyến khích động viên nhân dân đấu tranh. Và bản thân các vị hàng ngày đọc được nhiều vụ việc rất bức xúc trên báo chí nhưng rồi cũng im lặng không lên tiếng. Ngày càng nhiều những vụ án oan, những vụ quan chức phạm tội kinh thiên động địa… nhưng chỉ thấy các vị im lặng.

Thường thì cái tốt, cái thiện thắng thế. Khi cái xấu nó cực điểm, nó thắng thế thì đó là thời loạn. Lúc đó cách mạng sẽ bùng nổ.

Một chính quyền mà biết khuyến khích người dân đấu tranh hiệu quả thì đất nước phát triển, chế độ sẽ tồn tại bền vững, xứng đáng để hô “muôn năm”. Ngược lại mà bịt mồm, đàn áp, bảo kê cho cái xấu thì sẽ cản trở sự phát triển, gây mất dân chủ, làm bùng nổ tệ nạn.

Khi đó sẽ ngày càng nhiều người muốn đấu tranh, muốn làm cách mạng.

ĐVK’s blog

Cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: Ba vấn đề cốt lõi khi sửa Hiến pháp

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hi vọng lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ bàn kĩ 3 vấn đề cốt lõi: Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp để đúng nghĩa là người chủ đất nước; Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn; Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước cần được cân bằng hơn để phòng ngừa lạm quyền và thoái hóa quyền lực.

LTS: Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường mới đây khẳng định: đã đến thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp và tư tưởng pháp quyền buộc phải có cách thức viết Hiến pháp khác, không thể “ôm đồm”, “dài dòng” như hiện nay. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam lược ghi lại cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới.

>> Thời điểm chín muồi sửa Hiến pháp

Dân phải được phúc quyết Hiến pháp

Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyết hay không?

Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.

Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng.

Kinh nghiệm các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây là như vậy. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa.

Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.

Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó.

Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam – Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,…

Tuy vậy, chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.

Cho nên, không thể đặt Hiến pháp ngang hàng với các bộ luật khác do Quốc hội thông qua. Hiến pháp là bộ luật cơ bản, luật gốc, luật mẹ được Quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết nên rất ổn định, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, như thể chế chính trị, ai là chủ đất nước, quyền của người chủ đất nước là những gì; ai là nguyên thủ quốc gia, quyền của nguyên thủ quốc gia là những gì?; vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước…

Ai là chủ đất nước?

Thứ hai, tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có nhiều vấn đề, ở đây tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi:

Đầu tiên, Hiến pháp phải làm rõ AI LÀ CHỦ ĐẤT NƯỚC? NGƯỜI CHỦ ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ? Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng Dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều khẳng định như vậy. Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ.

Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…).

Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946:

Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70″.

Điều 32 của Hiến pháp 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý”.

Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây… Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.

Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.

Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:

Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, là cơ quan duy nhất “có quyền lập Pháp”, có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”.

Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp”…

Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.

Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.

Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước.

Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực.

Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ. Song về thực chất thì Quốc hội cũng còn nhiều hình thức.

Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền. Thực tế đó cho thấy, quyền của Dân – của người làm chủ còn bị phân tán quá lớn.

Nói cho dễ hiểu, ai làm chủ đất nước thì người đó phải có hai điều kiện, hai quyền thực chất tối thiểu là:

a/ – Bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình (Quốc hội) để bầu cử ra các cơ quan Nhà nước,

b/ – Phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của Dân cho các cơ quan Nhà nước thực thi.


Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chúng ta nói nhiều về Dân chủ, rằng nhân dân ta là người chủ đích thực của đất nước, rằng nhà nước ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân,… song những quyền tối hậu của người Dân thì lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ trong các Hiến pháp sửa đổi sau Hiến pháp 1946.

Ngay Hiến pháp 1946 tuy đã qui định rất rõ quyền lập Hiến thuộc về nhân dân, song cũng không thực hiện được trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã nổ ra ngay sau đó.

Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nhân dân ta là người chủ đất nước, song Nhà nước ta chưa một lần nào hỏi ý kiến Dân với tính chất là trưng cầu dân ý cả. Nhân dân ta chủ yếu mới làm chủ gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội và HĐND các cấp, nhân dân mới làm chủ trực tiếp trong bầu cử trưởng thôn, bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Như vậy chưa đúng với quyền và nghĩa vụ của người Dân trong thể chế Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện hòa bình và thống nhất đất nước như hiện nay.

Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước.

Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp.

Sửa đổi Hiến pháp lần này cần giao lại quyền phúc quyết cho dân như Hiến pháp 1946 đã quy định cho đúng với bản chất của thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa, hoặc cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

Quyền lực của nguyên thủ quốc gia bị phân tán 3 nơi

Vấn đề thứ hai là việc xác định: AI LÀ NGUYÊN THỦ QUỐC GIA? VÀ NGƯỜI ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ?

Vấn đề này Hiến pháp 1946 ghi rất rõ, và Nhà nước ta khi đó thực hành cũng rất tốt.

Các Hiến pháp sửa đổi sau này lại không rõ ràng bằng Hiến pháp 1946, và trong thực hành cũng rất lúng túng.

Theo quy luật tự nhiên, đàn chim bao giờ cũng có chim đầu đàn, đàn trâu bao giờ cũng có trâu đầu đàn, dàn nhạc phải có nhạc trưởng,… Với một quốc gia cũng vậy, quốc gia nào cũng phải có một nguyên thủ.

Về quy định này, tại Điều 49 của Hiến pháp 1946 ghi cụ thể về quyền của Chủ tịch Nước như sau:

a, Thay mặt cho Nước…

b, Giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc…

c, Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng….

d, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ …

……………….

h, Ký hiệp ước với các nước….

Và Điều 50 của Hiến pháp 1946 cũng ghi: “Chủ tịch Nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”.

Những quy định của Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn, rõ ràng rằng Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ.

Nói cho dễ hiểu, nguyên thủ quốc gia phải có ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu như sau:

a, Thay mặt cho Nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại,

b, Đứng đầu cơ quan hành pháp,

c, Thống lĩnh lực lượng vũ trang,

Các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch Nước, không rõ thực chất quyền của một nguyên thủ quốc gia. Điều đó không phải lỗi của vị Chủ tịch nước nào, mà chẳng qua là do các Hiến pháp sửa đổi sau này quy định như vậy:

Điều 6 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đối nội và đối ngoại”.

Điều 65 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ trang trong toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng”, song thực chất Tổng Bí thư mới là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Điều 66 của Hiến pháp 1959 quy định: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ”. Quy định như vậy là làm giảm nhẹ hẳn vai trò của Chủ tịch Nước trong cơ quan hành pháp so với Hiến pháp 1946.

Như vậy, các Hiến pháp sửa đổi sau này đều quy định không rõ ràng và không tập trung quyền của Chủ tịch nước bằng Hiến pháp 1946. Rõ ràng không có ai hội đủ ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia như Hiến pháp 1946.

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương thống lĩnh lực lượng vũ trang song về pháp lý lại không thay mặt cho nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại, cũng không đứng đầu cơ quan hành pháp.

Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang.

Chủ tịch Nước thay mặt cho nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm ba nơi, do ba người nắm giữ. Tức là ta có ba người thực thi quyền của một nguyên thủ trong điều hành thực tiễn, như thế có phân tán quyền của nguyên thủ quốc gia không? Tôi cho là quá phân tán.

Tới đây, chúng ta phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp làm sao để chỉ có một nguyên thủ quốc gia, tập trung quyền hành pháp vào người đứng đầu để điều hành đất nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.

Việc không rõ nguyên thủ quốc gia, không rõ con chim đầu đàn, không rõ nhạc trưởng, hậu quả thế nào thật dễ hiểu, dễ thấy.

Phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước

Cuối cùng là VẤN ĐỀ PHÂN CÔNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC. Phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch; kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực.

Phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng.

Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa… Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực.

Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện.

Quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng, cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội – Chính phủ – Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất.

Nghiên cứu kỹ các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) thì thấy rằng những quy định để cân bằng và kiểm soát quyền lực lại không được rõ ràng và cân bằng như Hiến pháp 1946.

Ví dụ, Quốc hội có quyền lập Hiến, điều đó có nghĩa rằng quyền lực của Quốc hội vượt trội quá lớn so với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Quốc hội có quyền phân công quyền lực cho cả các cơ quan hành pháp và tư pháp, và cho cả chính mình.

Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ.

Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp.

Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946.

Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác.

Cân bằng và kiềm soát quyền lực là một sự tiến bộ về khoa học và nghệ thuật cầm quyền, là một bước tiến của văn minh nhân loại về quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này phải quan tâm để làm rõ ràng hơn, hoàn thiện tốt hơn sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Tóm lại, ở đây nhấn mạnh có ba vấn đề cốt lõi cần được bàn kỹ trong đợt sửa Hiến pháp tới đây:

1/- Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.

2/- Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.

3/- Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.

Tôi hy vọng tới đây, nhân dân ta sẽ được hưởng quyền và làm nghĩa vụ của người chủ đích thực của đất nước là: Tham gia ý kiến và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này.

Thu Hà (lược ghi)

Kiều phải sống

Bồ Đào Công Tử -
Trong tuần qua, Bồ Đào tôi nhận được bài luận văn của
một học sinh tại một trường trung học ở Việt Nam do huynh
trưởng Paul Tuân sao lục từ Internet và gửi qua điện thư.
Đậy là bài "kiểm tra kiến thức văn học" cuối năm với
đề tài "Bằng kiến thức đã học và kinh nghiệm thực
tế, em hãy phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều và liên
hệ với hoàn cảnh hiện đại
". Trong điện thư, huynh
trưởng cũng hỏi Bồ Đào tôi cho em học sinh này bao nhiêu
điểm. Có vẻ như huynh truởng rất "ấn tượng" với kiến
thức và lập luận của em học sinh.
Bài kiểm tra của em học sinh mang tựa đề "Kiều Phải
Sống!" và có nguyên văn như sau:

"Nguyễn Du là một đại văn hào của
đất nước, và tác phẩm Kiều là một kiệt tác bất hủ của
văn học Việt Nam đã liên tục nhiều thế kỷ lọt vào top ten
những tiểu thuyết được yêu thích nhất trong tuần của MTV.
Chỉ tính riêng trong tháng mười một, nhân vật Kiều cũng như
Sở Khanh đã được lên trang bìa và trang giữa của nhiều báo
với số lượng hơn hẳn các diễn viên Hàn Quốc trong phim
"Anh em nhà bác sỹ." Hằng ngày hiện nay Kim Trong, Mã Giám
Sinh, Từ Hải và Thúy Vân... đều dành hết thời gian trả lời
thư ái mộ của bạn đọc mà cũng không đủ. Riêng các áo in
hình Vương ông và Hoạn thư trong dịp Noel vừa qua đã bán
được với số lượng kỷ lục với giá rất nhiều dollars, có
khuyến mãi cho người mua số lượng lớn.

Bản thân em rất quý mến Kiều vì cô ấy dễ thương, sinh ra
trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gặp nhiều
éo le, trắc trở, nhưng Kiều vẫn phấn đấu vươn lên. Chỉ
tiếc khi Kiều bán mình chuộc cha không chịu coi kỹ giá cả,
đúng vào lúc thị trường nhiều biến động nên bị lừa
đảo, tư thương ép giá quá trời.

Riêng về vấn đề Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang tìm
đường tự vẫn thì đó là một hành động nông nổi, thiếu
suy nghĩ và cũng chứng tỏ thời kỳ này còn lạc hậu về kỹ
thuật, không có nhiều phương án để chọn như chọn số
điện thoại di động trong đợt giảm giá vừa qua. Với kinh
nghiệm thực tế của em, vào lúc này nếu có xảy ra chuyện gì
thì Kiều vẫn phải sống bởi các lý do chủ quan và khách quan
như sau:

1- Nhảy xuống sông thì hiện nay nước ngập, lòng đường
hoặc vỉa hè sau cơn mưa cũng có thể thành sông, nhưng độ
sâu rất thất thường, Kiều mà không biết chỗ (mà làm gì có
ai biết) nhảy bừa vào chỗ cạn thì có thể sứt trán hoặc
trầy đầu gối chứ chết đuối là rất khó khăn.

2- Tất nhiên là Kiều có thể nhảy lầu. Nhưng hiện nay dưới
các lầu đều có dây điện thoại hoặc dây phơi quần áo
chằng chịt. Kiều gieo mình xuống mắc vào những sợi dây này
sẽ bị phơi nắng, dẫn tới việc phải mua kem dưỡng da chứ
không thể chết được. Đã có trường hợp nhảy lầu mười
ngày sau mới tới đất.

3- Sau đó Kiều có thể chọn cách lao vào ô tô đang chạy. Cách
này có lợi là có thể bẹp dí như bánh tráng trong thời hạn
rất nhanh, không sợ bị cứu chữa ngoài ý muốn, và hình như
Kiều đã áp dụng thí điểm ở một số ngã tư. Nhưng ôi chao,
Kiều cứ thử chỗ nào thì chỗ ấy lại kẹt xe cả ngày
trời.

4- Có cách tự vẫn hiện đại nhất là cho điện giật, nhưng
Kiều bị lừa đảo đúng vào mùa khô, mực nước sông đều
cạn kiệt ngoài dự đoán của Sở Điện lực nên Kiều cứ
dùng dây điện châm vào người mấy lần mà điện vẫn bị
cúp hoặc tệ hơn nữa, điện yếu khiến Kiều bị giật tê tê
chứ toàn thân vẫn nguyên vẹn "rõ ràng trong ngọc trắng ngà".

5- Cuối cùng, Kiều áp dụng phương pháp phổ biến và rẻ
tiền nhất là uống thuốc trừ sâu. Nhưng số Kiều quả là
lận đận, nàng đã cẩn thận uống đến mười chai mà vẫn
phây phây tăng trọng lượng. Về sau mới biết đó là loại
thuốc trừ sâu dởm pha bằng nước đường.

Kết luận là trong bất kỳ hoàn cảnh nào em thấy Kiều cũng
cần phải sống. Sống để nhìn thẳng vào sự thật, để lạc
quan yêu đời và để xem cho hết các bộ phim nhiều tập rất
hay đang được chiếu trên tivi. Kiều cũng cần bắt chước
Củng Lợi, phải sống, phải sống và phải sống!"

* * *


Sau đây là điện thư Bồ Đào tôi trả lời huynh trưởng Paul
Tuân:

Paul Tuân huynh đài nhã giám,

Nếu là thầy giáo em này, tôi nhất định phải cho em 100 điểm
cộng thêm năm điểm thưởng (bonus) nữa. Em đã sử dụng chủ
nghĩa duy vật Mác Lê như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn
bộ Truyện Kiều, rồi phân tích đề tài một cách logic, có
hệ thống và biện chứng:

Rằng: Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!


Tuy nhiên, theo đệ, em học sinh đã quên đề cập đến một
biến cố trọng đại trong đời Kiều. Ấy là chuyện nàng
từng bị bán sang Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, rồi Hàn
Quốc; tiếng là làm vợ ngoại nhân nhưng trong thực tế, chỉ
là nô lệ tình dục. Chuyện này đã được cụ Nguyễn Du ghi
rõ trong tác phẩm:

Thoắt buôn về thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!


Tại những nơi này, chốc chốc nàng lại phải cắn răng mà
chịu đựng:

Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.


Là nô lệ tình dục, Kiều phải làm việc nhiều lắm, "làm
ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ". Nói
nôm na là nàng bị chúng xoay, chúng vần đến nơi đến chốn:

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.


Đau đớn, khổ não, và tủi nhục quá, đã vài lần Kiều đi
trốn nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần như vậy, chúng đánh
nàng thừa sống thiếu chết.

Có khi chúng dùng tay chân mà đấm đá:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.


Có khi chúng lấy gậy mà quật:

Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.


Tuy nhiên, may mắn thay, Kiều không đến nỗi bị tử vong như
cô dâu Trần Thị Thu An, quê ở Cần Thơ, bị chồng Hàn Quốc
đánh chết tại Daegu, gần thủ đô Hán Thành, ngày 25 tháng 4
năm 2007 vừa qua.

Khi thương tích chưa lành hẳn, Kiều lại bị chúng xoay, chúng
vần. Chẳng bao lâu, nàng bị nhiễm bệnh SIDA, tức bệnh AIDS,
coi như hết thuốc chữa:

Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?


Đến lúc ấy, chúng mới buông tha cho Kiều. Không một đồng
dính túi, nàng phải làm "ô sin" cả năm trời tại xứ
người để lấy tiền mua vé tầu bay trở về quê quán. Cụ
Nguyễn Du đã thuật lại hoàn cảnh "ô sin" của Kiều qua
những câu như "ra vào theo lũ thanh y, dãi dầu tóc rối da chì
quản bao" và "sớm khuya khăn mặt lược đầu, phận con hầu
giữ con hầu dám sai."

Khi về đến quê nhà, vì không có hộ khẩu, Kiều bị các quan
chức địa phương hạch sách để vòi tiền. Điều này cũng
được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong truyện:

Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.


Ôi thôi, đến nỗi này thi sống làm chi nữa, tự tử quách cho
xong một đời, Kiều đã nhủ với lòng như thế:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!


Viết đến đây, em học sinh mới nên kể đến chuyện Kiều
nghĩ cách tự tử sao cho hiệu quả như đã trình bầy trong bài
luận kiểm tra "Kiều Phải Sống" đăng ở trên. Tự tử mãi
mà không chết vì đảng đã bố trí sẵn hồ cạn trên đường
phố, dây điện chằng chịt ngang trời, xe cộ kẹt suốt ngày,
điện lực thì bữa đực bữa cái, còn thuốc trừ sâu thì
mười lọ đến chín rưỡi là thuốc rởm.

Cuối cùng, sau khi khẳng định Kiều cần phải sống, phải
sống, và phải sống, em học sinh có thể chấm dứt bài bằng
hai câu dưới đây để nội dung bài thêm phần "ấn
tượng":

Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết... Đảng nào đã cho!!!


Khi đọc hai câu trên, ắt hẳn các cụ tự nhận thông thạo
Truyện Kiều sẽ nhăn mặt mà rằng "nói bậy, nguyên văn câu
này là 'người dù muốn quyết Trời nào đã cho' chứ làm
gì có Đảng vào đây." Các cụ nói thế là chỉ biết một
chứ không biết hai. Kể từ ngày xô cả nuớc tiến nhanh tiến
mạnh lên xã hội chủ nghĩa, các bậc đỉnh cao trí tuệ đã
dõng dạc tuyên bố:

Lão Trời hãy xích một bên,
Đảng nay nhất trí đứng lên làm Trời!


Vì thế, tại Việt Nam hiện nay, người dân phải hiểu Đảng
Là Trời và Trời là Đảng mới gọi là giác ngộ Mác-Lê chủ
nghĩa. Cụ Nguyễn Du có sống lại cũng phải sửa thơ như trên
mà thôi.

Ôi, phải chi em học sinh, tác giả bài kiểm tra, viết rõ ràng
về đời Kiều như thế! Dù vậy, thưa Paul Tuân huynh truởng,
đệ vẫn nhất quyết cho em 105 điểm. Hiểu tâm lý Kiều như
đã viết trong bài, mấy ai bằng được em.

Và hiểu Kiều như thế, nhất định em phải là phụ nữ. Phải
chăng em đã mơ hồ thấy mình đang bước vào con đường định
mệnh của Kiều thuở truớc, như hàng trăm ngàn chị em hiện
sống ở Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc:

Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa!


và:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Cuối cùng, hiểu Kiều đến thế thì chắc chắn em học sinh
ấy phải đẹp như Kiều.

Paul Tuân huynh truởng ơi, đệ nhất quyết rồi đấy. Đệ mong
huynh cho đệ "giật nóng" tạm vài cây (vàng) để về Việt
Nam nhờ mai mối nạp sính lễ hỏi cưới em tác giả bài kiểm
tra. Gớm, chắc huynh đang cau mày mà mắng đệ rằng nó còn là
học sinh, dính vào vị thành niên thì chỉ có tù mọt gông.
Huynh nói thế là huynh còn ngây thơ lắm. Sống trong xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, có tiền mua tiên cũng được, huống hồ
là mua mấy em gái nhỏ. Chẳng tin huynh cứ hỏi các quan chức
lãnh đạo nhà nước là biết liền. Quan nào mà chẳng có ít ra
là một em hộ lý. Lắm quan lại có thói quen cứ gặp hên thì
mua (trinh) các em để ăn mừng, còn gặp xui thì cũng mua (trinh)
các em để xả.

Chắc huynh trưởng còn nhớ, khi thuật chuyện người ta mua
đứt Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: "cò kè bớt một thêm
hai, giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm." Ấy là cụ nói
khoác để giữ thể diện dân tộc. Thật ra, giá Kiều thời xã
hội chủ nghĩa chỉ vài cây là cùng. Rẻ lắm huynh ạ!

Vậng, đệ nhất quyết rồi đấy:

Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!


Ít ra là về với đệ, đời em vị thành niên ấy còn may mắn
hơn Kiều rất nhiều. Đệ vốn bản chất tao nhã, có mua em
cũng chỉ để cùng em vui thú cầm kỳ thi tửu: "khi gió gác
khi trăng sân, bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ, khi
hương sớm khi trà trưa, bàn vây điểm nước đường tơ họa
đàn", chứ chẳng thuộc hạng dâm ô và thô lỗ như những
đứa Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, Hàn Quốc chuyên sang nuớc
ta lùng mua phụ nữ (còn trinh) đâu.

Bán mình cho lũ ngoại nhân ấy không những chỉ khổ đến thân
mà còn nhục quốc thể lắm huynh ạ. Chẳng hiểu tại sao
đảng ta đỉnh cao trí tuệ như thế mà lại khuyến khích trò
này? Ngay cả đại vương Nguyễn Minh Triết, khi sang bệ kiến
hoàng đế Bút vào tháng 6 năm nay, đã công khai dụ dỗ các
doanh gia xứ Cờ Hoa rằng con gái Việt Nam đẹp lắm, hấp dẫn
lắm (mại vô, mại vô!!!).

Có dư luận cho rằng những phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan,
Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc đều là những người vô
sản chuyên chính, thành phần cốt cán của xã hội chủ nghĩa,
nên được Đảng và nhà nước bố trí cho kết hôn với ngoại
nhân. Khi theo chồng về nước, những cốt cán này sẽ bắt
rễ, xâu chuỗi giới vô sản ở xứ người để chuẩn bị cho
một cuộc cách mạng tiến lên thế giới đại đồng mà đảng
ta sẽ phát động trong tương lai. Ôi, chẳng biết đâu mà lần!

Paul Tuân huynh ơi, huynh mà không cho đệ giật nóng vài cây là
có khi chúng ta sẽ phải ân hận "xót nàng chút phận thuyền
quyên, cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn" đấy. Vì an nguy
của đời nàng và vì sĩ diện của dân tộc, xin huynh đồng ý,
nhé huynh!!!

Nechemia Shtrassler (Haaretz, Israel) – Nguyên nhân thật sự của cuộc cách mạng Ai Câp

Mới hai tuần trước Ai Cập còn được coi là đất nước có
nền kinh tế phát triển khá. Nước này được liệt vào một
trong số những nền kinh tế "đang thức tỉnh", có sự phát
triển kinh tế ổn định trong suốt cả chục năm. Còn Hosni
Mubarak thì xứng đáng được ngợi khen vì những cải cách kinh
tế mà ông ta đã tiến hành, trong đó có quá trình giải tư và
chống tệ quan liêu. Các quan chức của IMF hồi hộp nói về
sự phát triển đấy ấn tượng của những khoản đầu tư
trực tiếp của nước ngoài vào nền kinh tế Ai Cập, và
thường xuyên viện dẫn khẩu hiệu của chính quyền Ai Cập:
"Ai Cập mở cửa cho kinh doanh".
Thế rồi những cuộc biểu tình bất ngờ bùng phát. Lúc đó
các nhà kinh tế học mới nhận ra rằng họ đã bỏ sót điều
quan trọng nhất. Tình trạng kinh tế ổn định bất ngờ bị
xấu đi, còn nhà cải cách với tinh thần khai sáng Mubarak thì
biến thành nhà độc tài. Các tổ chức tín dụng quốc tế
lập tức hạ điểm tín nhiệm của Ai Cập, còn Barak Obama thì
không những không chìa bàn tay hữu nghị ra cho tổng thống Ai
Cập mà còn tìm mọi cách nhắc nhở ông ta rằng cần phải từ
chức ngay.

Ai Cập lập tức trở thành biểu tượng của nghèo đói, trở
về với địa vị của đất nước thuộc thế giới thứ ba
với rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, trong đó tầng lớp
tinh hoa thiểu số có mức thu nhập cao hơn hẳn hàng chục
triệu người dân, những người chỉ sống với hai dollar một
ngày. Không phải vô tình mà những cuộc bạo lọan của dân
chúng hiện nay được gọi là "Intifada của những người
nghèo đói
".

Các nhà kinh tế học lập tức rút ra kết luận độc đáo là
ờ Ai Cập không có tầng lớp trung lưu, thậm chí họ còn nói
rằng những người có bằng đại học hiện nay (một triệu
người tốt nghiệp đại học một năm) chỉ có mỗi việc là
lau nhà hay làm trong ngành bán lẻ mà thôi. Xin nói thêm rằng
cuộc cách mạng ở Tunisia - ngòi nổ cho cơn tức giận sự bùng
phát ở Ai Cập - bắt đầu từ việc một chàng thanh niên 26
tuổi, tốt nghiệp đại học, đã tự thiêu sau khi cảnh sát
tịch thu quầy rau của anh ta.

Tổng sản phẩm quốc nội của Ai Cập là 220 tỉ dollar, đúng
bằng Israel, nhưng Ai Cập có 80 triệu người, trong khi Israel
chỉ có 7,5 triệu dân. Vì vậy mà mức sống của người Ai
Cập chỉ bằng 10% dân Israel. Nếu cộng thêm vào đây cách
biệt thu nhập cực kì to lớn giữa người giàu và người
nghèo thì người ta sẽ hiểu ngay nguyên nhân của sự tuyệt
vọng và bất bình của dân chúng nước này.

Năm 2010 lạm phát ở Ai Cập là 13%. Giá lương thực thực phẩm
tăng 20%, thất nghiệp chiếm đến 25% dân số. Trong một nước
mà 40% thu nhập được giành để mua lương thực thực phẩm
(ở Israel con số này là 17 %), thì đấy chính là nguyên nhân
quan trọng nhất của sự tức giận và bất bình của quần
chúng nhân dân, những người không thể "vắt mũi bỏ vào
miệng" được nữa. Ngoài ra, Ai Cập còn bị nạn tham nhũng
và thiếu vắng tự do ngôn luận nữa. Các cơ quan bảo vệ pháp
luật có thể bắt người bất cứ lúc nào, bầu cử quốc hội
chỉ là giả tạo. Nếu không thì làm sao có thể giành được
đến 97% phiếu bầu trong suốt 30 năm?

Những cuộc cách mạng trong các nước Arab bao giờ cũng kết
thúc một cách đáng buồn. Cách mạng bao giờ cũng bắt đầu
là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá lương thực thực phẩm
leo thang. Quần chúng xuống đường còn chính quyền thì hạ
lệnh cho quân đội đàn áp. Nếu quân đội thành công thì cách
mạng sẽ bị đẩy lùi trong một vài năm. Nếu không – quân
đội sẽ liên kết với người biểu tình và nhà độc tài
phải ra đi. Sau đó sẽ là "những cuộc bầu cử tự
do
", mà kết quả sẽ chẳng ăn nhập gì với nền dân
chủ mà Obama và Agela Merkel đang kêu gọi. Những nhóm có tổ
chức tốt sẽ nắm được quyền lực. Đấy là những người
Hồi giáo ở Iran hay Hamas ở dải Gaza, Hesbola ở Liban. Mọi
người đều sợ rằng kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra
ở Ai Cập và Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) sẽ nằm
được quyền lực ở Ai Cập.

Nguồn: Haaretz, 06/02/2011 00:05

Tâm thư của một công dân Việt Nam gởi các nhà lãnh đạo ĐCSVN

Posted on Tháng Hai 10, 2011 by truongthondlb1


Kính thưa quý vị trong hàng lãnh đạo ĐCSVN,

Trần Bảo Việt - Trong hoàn cảnh của đất nước như hiện nay, là một công dân VN, tôi xin gởi đến quý vị bức thư này với ước mong là quý vị sẽ biết được những khổ đau mà toàn dân đang gánh chịu và ước nguyện của toàn dân cho tương lai của đất nước. Sỡ dĩ tôi mạnh dạng ngồi bên máy tính để đánh những dòng chữ này gởi cho quý vị là vì, trong bức thư gởi các lực lượng quân đội và công an vừa qua của tôi đã nhận được sự đồng tình của một số chiến sĩ đã đọc được, mặc dù họ không biết bức thư đó là của tôi, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng.

Kính thưa quý vị

Tôi cũng biết là quý vị không rãnh thời gian cũng như không cần đọc bức thư này của tôi đâu. Nhưng tôi hy vọng là thân nhân và con cháu của quý vị sẽ đọc được và qua họ, quý vị sẽ hiểu được lòng dân trong giai đoạn cực kỳ nguy hiểm này. Tôi nghĩ rằng, không có một người nào nhẫn tâm chống lại người ân của mình nếu họ thật sự tốt, càng không thể nào chống lại một chính quyền đã đem cơm no áo ấm, đem hạnh phúc và tự do dân chủ cho toàn dân trong đó có mình nữa, cũng như giữ vững được nền độc lập, chủ quyền của đất nước, giữ vững được niềm tự hào của dân tộc trước ngoại xâm. Trong lúc quý vị đang sống một cuộc đời đầy uy quyền, giàu sang bật nhất và con cái của quý vị thì ăn chơi không thua kém các nhà giàu có trên thế giới, có khi nào quý vị nghĩ lại những cảnh oan ức của hàng trăm ngàn người dân oan đang chịu cảnh màn trời chiếu đất trong suốt cuộc hành trình đi tìm công lý, vì đất đai và tài sản của họ đã bị các quan chính quyền tìm đủ mọi cách, cấu kết với gian tham để làm giàu trên xương máu của người dân trong đó, vẫn có những gia đình liệt sĩ hoặc cựu chiến binh đã từng hy sinh xương máu cho chủ trương và đường lối của đảng để cho quý vị có được ngày hôm nay. Có khi nào quý vị tự hổ thẹn với lương tâm khi dâng đảo, dâng biển, dâng đất của đất nước cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, có khi nào quý vị tự nghĩ là những chủ trương lớn của quý vị như: cho kẻ thù TQ được tự do khai thác quặng Bô xít Tây nguyên, cho kẻ thù TQ thuê trên 300 ngàn km2 rừng chiến lược dọc biên giới trong thời hạn 50 năm, cho các công ty TQ trúng thầu gần hết những công trình trọng điểm quốc gia, cho người TQ được tự do ra vào VN như nhà của chúng…v.v… đó là những lý do để kẻ thù TQ có đủ điều kiện chiếm VN sau này, có khi nào quý vị tự thấy rằng mình đã hèn nhát và bất lực không dám hành động hoặc phản đối mạnh mẽ trước việc TQ ngang nhiên bắt bớ, đánh đập, tịch thu tài sản và đòi tiền chuộc đối với ngư dân của mình?, có khi nào quý vị tự thấy rằng, hành động ra lệnh cho công an thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên, thanh niên và các thành phần khác trong xã hội chống kẻ thù TQ là hành động của kẻ phản quốc?,

Có khi nào quý vị cãm thấy đau lòng khi nghĩ đến trên 60 ngàn chiến sĩ quân đội nhân dân đã hy sinh trong trận chiến xâm lăng của TQ tháng 2/1979?, có khi nào quý vị tự nghĩ là sự trung thành với phương châm 16 chữ vàng 4 tốt của quý vị là nằm trong kế hoạch xâm lăng mềm của TQ?, có khi nào quý vị tự xấu hổ khi những hành động trù dập, bắt bớ, đánh đập, vu khống, cắt đứt đường kinh tế đối với các nhà yêu nước đấu tranh ôn hòa cho nền tự do dân chủ và nhân quyền phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại, phù hợp với hiến pháp do chính quý vị đề ra (điều 69HP) và phù hợp với ước nguyện của toàn dân mà lực lượng công an vì theo lệnh của quý vị đã hành xử thô bạo không có tình người?, có khi nào quý vị nghĩ rằng với những đòi hỏi và góp ý chân thành là đảng phải thay đổi tư duy theo chiều hướng đa nguyên của các nhà trí thức, các tướng lãnh lão thành cách mạng, các sử gia, các nhà khoa học và trí thức trong mọi thành phần của đất nước…v.v…. là sức mạnh tổng hợp không có một thế lực nào có thể cưỡng lại được?, có khi nào quý vị tự thấy rằng: sự giàu có tột cùng của quý vị trước đại bộ phận nhân dân bần cùng, nghèo khổ cùng với sự bao che tham nhũng của quý vị là sự ngăn cách không thể nào hàn gắn nỗi sự phẫn uất của nhân dân?, Có khi nào quý vị tự thấy rằng: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không có điểm đến, là quá sai lầm và mơ hồ đúng như sự nhận định trong biên bản của cựu phó thủ tướng Trần Phương và 22 nhà trí thức của đảng trong cuộc họp ngày 7/10/2010 gởi TW đảng trước thềm đại hội đảng thứ XI, cũng như lời yêu cầu thẳng thắn của cựu chủ tịch QH Nguyễn văn An là hệ thống của đảng đã sai từ gốc, từ trung ương xuống tận địa phương cần phải đổi mới tư duy một cách triệt để về dân chủ, nhân quyền?,

Có khi nào quý vị tự thấy có tội lỗi với nhân dân khi dùng tiền đóng thuế của nhân dân để phục vụ riêng cho đảng, phục vụ riêng cho sự giàu sang của các thành phần lãnh đạo xí nghiệp, tập đoàn quốc doanh để rồi nhân dân phải oan ức gánh chịu một món nợ khổng lồ hàng trăm ngàn tỷ đồng cho những việc làm vô đạo đức của họ?, có khi nào quý vị dám đụng tới những tài sản kếch sù của các quan tham trong bộ máy chính quyền lãnh đạo, các tập đoàn quốc doanh mà nhân dân phải còng lưng gồng gánh những món nợ khổng lồ của họ?, có khi nào quý vị nghĩ rằng: quý vị vẫn còn mang một món nợ rất lớn với nhân dân khi các vụ án tham nhũng long trời lở đất, không thua kém gì cuộc cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm ( 1953-1957 ) ở miền bắc như: TC2, PMU18, PCI, ODA, vụ in tiền tiền Polymer, vụ sập cầu Cần thơ và nhất là con tàu không bến Vinashine…v.v… vẫn chìm vào quên lãng?

Có khi nào quý vị tự thẹn với lương tâm khi vì trung thành với chủ nghĩa CS Marx-Lenin, với định hướng XHCN, với sự lệ thuộc vào kẻ thù TQ mà đất nước ngày nay mới quá te tua và vẫn còn nằm trong danh sách các nước nghèo của thế giới?, có khi nào quý vị tự suy nghĩ lại vì sao mà các đảng viên trí thức, các tướng lãnh về hưu và các cán bộ lão thành
cùng đa số các nhà khoa học, các sử gia lại quay lưng phê bình quý vị?.

Tin chắc rằng những nhân vật và các thành phần này sẽ không phải là những thành phần phản động, hoặc nghe theo các thế lực nước ngoài để chống đảng hay thực hiện diễn tiến hòa bình theo sự suy diễn của quý vị. Về cá nhân, tôi xin quý vị hãy lắng đọng tâm tư của mình để biết rằng sỡ dĩ quý vị bị quá nhiều sự phản đối từ trong nhân dân, từ trong hàng trí thức ưu tú của đảng, của đất nước là vì quý vị cứ khăng khăng kiên định lập trường CNCS Marxs-Lenin mà cả thế giới đã phế bỏ hơn 20 năm rồi, quý vị đã quá độc tài trong chủ trương kinh tế thị trường định hướng CNXH mà thực chất của CNXH là hoang tưởng, là những mơ ước ảo huyền chỉ có trên giấy tờ để mọi người nghiên cứu. Chính vì thế cho nên, 4 nước duy nhất theo CNXH còn sót lại trên thế giới là Việt Nam, Cu ba, Bắc hàn và TQ đều phải áp dụng hình thức kinh tế thị trường của tư bản để phát triển và được sống còn.

Một thực tế quá rõ ràng là trên thế giới, các nước có nền dân chủ đa nguyên từ kinh tế lẫn chính trị thì đều là các nước giàu, còn nước nào theo CNCS hoặc không cộng sản, nhưng độc tài, độc đoán về chính trị không chấp nhận sự tồn tại của đối lập, của tự do và công bằng thì đều là những nước nghèo thua rất xa các nước có nền dân chủ đa nguyên, điển hình là nước VN.

Quý vị đừng nên lấy sự giàu sang của quý vị cùng các quan tham trong sự độc quyền quốc doanh của hệ thống XHCN để rồi tự hào, cái thực tế cho chỉ số GDP tăng trưởng mà quý vị báo cáo hàng năm là kết quả của một đại bộ phận nhân dân đang dở sống dở chết trong nền kinh tế quá bấp bênh hiện nay của đất nước, thử nhìn lại món nợ khổng lồ mà VN đang thiếu các ngân hàng thế giới, cùng với vật giá sinh hoạt leo thang hàng ngày so với đồng lương chết đói chỉ có trên dưới 1triệu rưởi tiền VN đối với công nhân, viên chức cấp nhỏ và giáo viên mới ra trường thì sẽ thấy rằng sau hơn 60 năm của miền Bắc và hơn 35 năm của cả nước xây dựng theo mô hình kiên định CNCS và CNXH là đúng hay
sai.

Có lần khi tôi đối chất với một cán bộ chính quyền, ông ta đưa ra mô hình độc đảng lãnh đạo của Singapore để dẫn chứng là VN không nhất thiết phải đa đảng đất nước vẫn văn minh và tiến bộ, tôi đã thẳng thắn nói với ông ta rằng: nếu các nhà lãnh đạo ĐCSVN mà điều hành đất nước có tầm nhìn và tư duy trí tuệ như các nhà lãnh đạo Singapore điển hình là ông Lý Quang Diệu thì toàn thể nhân dân VN không bao giờ phản đối. Nên nhớ là tuy đất nước Singapore là độc đảng lãnh đạo, nhưng nhân dân vẫn có quyền phê phán chính phủ, vẫn có tự do ngôn luận và các thành phần lãnh đạo đất nước trong nội các cũng có sử dụng những người có tài có trình độ ở ngoài đảng, chính quyền biết lắng nghe và trọng dụng nhân tài. Còn tại VN thì sao, hầu hết những người lãnh đạo các ban ngành trong chính quyền kể cả cơ quan nhỏ nhất nước đều phải là đảng viên, mà trình độ đảng viên thì đa số (tôi không nói hầu hết) đều bất tài chỉ biết có quyền lợi riêng cho cá nhân và gia đình, không phù hợp với chủ trương vì dân, vì nước cũng như công bộc và đầy tớ của nhân dân như đảng thường tuyên truyền.

Kính thưa quý vị

Hiến pháp là cơ quan pháp luật tối cao do chính quý vị đặt ra, BLHS vẫn phải dưới HP và phải phù hợp với HP. Tại sao điều 69HP quy định: công dân có mọi quyền tự do như: ngôn luận, báo chí, phát biểu và tiếp nhận thông tin, lập hội, tín ngưỡng và biểu tình theo quy định của pháp luật…v.v…, nhưng BLHS lại có điều 79 và 88 quá mơ hồ và hoàn toàn có ý nghĩa ngược lại điều 69 của HP để triệt tiêu các thành phần yêu nước bất đồng chính kiến với quý vị.

Tại sao điều 2HP quy định: VN là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nghĩa là nhà nước phải do nhân dân quyết định. Nhưng tại sao điều 4 HP lại quy định chỉ có ĐCSVN độc nhất giữ vai trò lãnh đạo đất nước.

Tại sao điều 6HP quy định: Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhưng trên thực tế, nhân dân chỉ có thể bầu các đại biểu QH trong danh sách mà trước đó đã được chọn sẵn từ UBMTTQ của đảng, còn trong suốt quá trình làm việc của QH thì lúc nào QH cũng phải tuân theo chủ trương của đảng. Do đó, khi có vấn đề lớn ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống an lành của toàn dân và sự mất còn của đất nước, QH cũng không dám vì nhân dân mà cuối cùng rồi cũng phải vì chủ trương lớn của đảng, như trường hợp HS-TS, Ải Nam Quan, bãi Tục Lãm, thác Bản Giốc, khai thác quặng Bô xít Tây nguyên …v.v… là những điển hình.

Tại sao điều 8HP quy định: các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhưng trên thục tế, có tôn trọng nhân dân không khi hàng ngày có hàng trăm ngàn dân oan khiếu kiện trên khắp miền đất nước, khi hàng ngày còn đầy dãy những bất công và không ít trường hợp lực lượng công an ngang nhiên đánh chết người trong lúc điều tra hoặc vì một lỗi vi phạm nhỏ như ở Bắc Giang, Thái Nguyên và Cồn Dầu trong thời gian qua…v.v…, có lắng nghe ý kiến của nhân dân không khi gần 3000 nhà trí thức, khoa học ưu tú của đất nước trong đó có đại tướng Võ nguyên Giáp, phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, bộ trưởng TN-MT Đặng hùng Võ và rất nhiều các cán bộ cấp cao khác trong đảng cùng lên tiếng phản đối việc cho kẻ thù TQ khai thác quặng Bô xít Tây nguyên mà quý vị có nghe đâu.

Tại sao điều 102HP quy định: chủ tịch nước do QH bầu và nhiệm kỳ của chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của QH. Nhưng trên thực tế, toàn bộ chức danh từ chủ tịch nước đến chủ tịch QH và thủ tướng đều do đại hội đảng quyết định điển hình như, trong đại hội thứ XI của đảng vừa qua kết thúc ngày 19/1/2011 mặc dù, QH khóa mới tới tháng 5/2011 mới bầu mà chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng đã được đảng ấn định sẵn rồi…v.v…, còn rất nhiều những vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác nữa, nhưng tôi không muốn nêu ra thêm nữa bởi vì, càng nêu ra thì càng đau lòng thêm.

Kính thưa quý vị

Nếu quý vị chỉ biết có quyền lợi cá nhân, bỏ qua quyền lợi chung của đất nước và nhân dân thì tôi không có gì để nói, nhưng nếu trong lòng của quý vị còn chút tình với quê hương đất nước, còn chút tình với dân tộc đã từng cưu mang và bao bọc quý vị thì xin quý vị đừng để cho ý đảng lòng dân phải rơi vào hoàn cảnh của 2 đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Muốn bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước, muốn có nhân tài và đoàn kết dân tộc để phục vụ đất nước tiến lên ngang bằng với nền văn minh của thế giới, muốn có công bằng, tự do dân chủ và nhân quyền, muốn chống sự độc tài và tiêu diệt tham nhũng đang phá nát nền kinh tế của đất nước thì chỉ có một con đường duy nhất là đa nguyên đa đảng bởi vì, khi đó nhân dân mới chọn được người tài lãnh đạo đất nước, khi đó nhân dân mới có đầy đủ quyền tự do ngôn luận để vạch mặt chỉ tên những con sâu và ung nhọt trong xã hội, chớ còn hiện nay với chủ trương và đường lối của đảng thì không thể nào tốt được. Xin hãy nhìn về đất nước Indonesia sau khi lật đổ được nhà độc tài Xuhacto năm 2004 cho đến hôm nay, chỉ có 6 năm thôi mà đất nước Indonesia đang nằm trong danh sách cường quốc của Châu Á. Còn tại VN sự thụt lùi và mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền càng ngày càng xa cách, khiến cho cậu quý tử Nguyễn Bảo Hoàng (rể yêu quý của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ) khi trả lời phỏng vấn của 2 PV Reuter là Jon Ruwitch và Jason Szep có nói rằng: Nhân dân có thái độ chua cay, khó chịu đối với chính phủ và trong nhiều trường hợp thái độ đó là đúng, còn về vấn đề giáo dục thì cậu
quý tử công nhận là nền giáo dục VN hiện nay là đa số phải học trong nền giáo dục tồi tệ nhất mà ta có thể hình dung được.

Một chân lý khách quan đang hiện hữu trên thế gian này là không có một chủ nghĩa hoặc một việc gì mà tồn tại mãi mãi, muốn tồn tại thì phải thay đổi cho phù hợp với tiến trình phát triển theo thời gian. Hãy nhìn sự trả giá của các nhà độc tài trên thế giới như Hitler của thời đệ nhị thế chiến, Pôn Pốt của Camphuchia, Ceausescu của Rumani, Honecker của Đông đức, Milosevic của Ý…v.v… và hiện nay, sự phẫn nộ của nhân dân tạo thành cuộc cách mạng không gì lay chuyển nổi để lật đổ chề độ độc tài, ngọn đuốc đầu tiên từ đất nước Tunisia lan tỏa đến Yemen, Jordan và nhất là Ai Cập…v.v…, điều chắc chắn VN sẽ không bao giờ là ngoại lệ. Thiết tưởng đây là bài học cho quý vị nhìn lại chính mình, xin đừng để cho con cháu của quý vị sau này phải hổ thẹn khi học lịch sử về các việc làm của quý vị hôm nay.

Sài Gòn ngày 9/2/2011

Trần Bảo Việt