Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Kiều phải sống

Bồ Đào Công Tử -
Trong tuần qua, Bồ Đào tôi nhận được bài luận văn của
một học sinh tại một trường trung học ở Việt Nam do huynh
trưởng Paul Tuân sao lục từ Internet và gửi qua điện thư.
Đậy là bài "kiểm tra kiến thức văn học" cuối năm với
đề tài "Bằng kiến thức đã học và kinh nghiệm thực
tế, em hãy phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều và liên
hệ với hoàn cảnh hiện đại
". Trong điện thư, huynh
trưởng cũng hỏi Bồ Đào tôi cho em học sinh này bao nhiêu
điểm. Có vẻ như huynh truởng rất "ấn tượng" với kiến
thức và lập luận của em học sinh.
Bài kiểm tra của em học sinh mang tựa đề "Kiều Phải
Sống!" và có nguyên văn như sau:

"Nguyễn Du là một đại văn hào của
đất nước, và tác phẩm Kiều là một kiệt tác bất hủ của
văn học Việt Nam đã liên tục nhiều thế kỷ lọt vào top ten
những tiểu thuyết được yêu thích nhất trong tuần của MTV.
Chỉ tính riêng trong tháng mười một, nhân vật Kiều cũng như
Sở Khanh đã được lên trang bìa và trang giữa của nhiều báo
với số lượng hơn hẳn các diễn viên Hàn Quốc trong phim
"Anh em nhà bác sỹ." Hằng ngày hiện nay Kim Trong, Mã Giám
Sinh, Từ Hải và Thúy Vân... đều dành hết thời gian trả lời
thư ái mộ của bạn đọc mà cũng không đủ. Riêng các áo in
hình Vương ông và Hoạn thư trong dịp Noel vừa qua đã bán
được với số lượng kỷ lục với giá rất nhiều dollars, có
khuyến mãi cho người mua số lượng lớn.

Bản thân em rất quý mến Kiều vì cô ấy dễ thương, sinh ra
trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gặp nhiều
éo le, trắc trở, nhưng Kiều vẫn phấn đấu vươn lên. Chỉ
tiếc khi Kiều bán mình chuộc cha không chịu coi kỹ giá cả,
đúng vào lúc thị trường nhiều biến động nên bị lừa
đảo, tư thương ép giá quá trời.

Riêng về vấn đề Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang tìm
đường tự vẫn thì đó là một hành động nông nổi, thiếu
suy nghĩ và cũng chứng tỏ thời kỳ này còn lạc hậu về kỹ
thuật, không có nhiều phương án để chọn như chọn số
điện thoại di động trong đợt giảm giá vừa qua. Với kinh
nghiệm thực tế của em, vào lúc này nếu có xảy ra chuyện gì
thì Kiều vẫn phải sống bởi các lý do chủ quan và khách quan
như sau:

1- Nhảy xuống sông thì hiện nay nước ngập, lòng đường
hoặc vỉa hè sau cơn mưa cũng có thể thành sông, nhưng độ
sâu rất thất thường, Kiều mà không biết chỗ (mà làm gì có
ai biết) nhảy bừa vào chỗ cạn thì có thể sứt trán hoặc
trầy đầu gối chứ chết đuối là rất khó khăn.

2- Tất nhiên là Kiều có thể nhảy lầu. Nhưng hiện nay dưới
các lầu đều có dây điện thoại hoặc dây phơi quần áo
chằng chịt. Kiều gieo mình xuống mắc vào những sợi dây này
sẽ bị phơi nắng, dẫn tới việc phải mua kem dưỡng da chứ
không thể chết được. Đã có trường hợp nhảy lầu mười
ngày sau mới tới đất.

3- Sau đó Kiều có thể chọn cách lao vào ô tô đang chạy. Cách
này có lợi là có thể bẹp dí như bánh tráng trong thời hạn
rất nhanh, không sợ bị cứu chữa ngoài ý muốn, và hình như
Kiều đã áp dụng thí điểm ở một số ngã tư. Nhưng ôi chao,
Kiều cứ thử chỗ nào thì chỗ ấy lại kẹt xe cả ngày
trời.

4- Có cách tự vẫn hiện đại nhất là cho điện giật, nhưng
Kiều bị lừa đảo đúng vào mùa khô, mực nước sông đều
cạn kiệt ngoài dự đoán của Sở Điện lực nên Kiều cứ
dùng dây điện châm vào người mấy lần mà điện vẫn bị
cúp hoặc tệ hơn nữa, điện yếu khiến Kiều bị giật tê tê
chứ toàn thân vẫn nguyên vẹn "rõ ràng trong ngọc trắng ngà".

5- Cuối cùng, Kiều áp dụng phương pháp phổ biến và rẻ
tiền nhất là uống thuốc trừ sâu. Nhưng số Kiều quả là
lận đận, nàng đã cẩn thận uống đến mười chai mà vẫn
phây phây tăng trọng lượng. Về sau mới biết đó là loại
thuốc trừ sâu dởm pha bằng nước đường.

Kết luận là trong bất kỳ hoàn cảnh nào em thấy Kiều cũng
cần phải sống. Sống để nhìn thẳng vào sự thật, để lạc
quan yêu đời và để xem cho hết các bộ phim nhiều tập rất
hay đang được chiếu trên tivi. Kiều cũng cần bắt chước
Củng Lợi, phải sống, phải sống và phải sống!"

* * *


Sau đây là điện thư Bồ Đào tôi trả lời huynh trưởng Paul
Tuân:

Paul Tuân huynh đài nhã giám,

Nếu là thầy giáo em này, tôi nhất định phải cho em 100 điểm
cộng thêm năm điểm thưởng (bonus) nữa. Em đã sử dụng chủ
nghĩa duy vật Mác Lê như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn
bộ Truyện Kiều, rồi phân tích đề tài một cách logic, có
hệ thống và biện chứng:

Rằng: Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!


Tuy nhiên, theo đệ, em học sinh đã quên đề cập đến một
biến cố trọng đại trong đời Kiều. Ấy là chuyện nàng
từng bị bán sang Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, rồi Hàn
Quốc; tiếng là làm vợ ngoại nhân nhưng trong thực tế, chỉ
là nô lệ tình dục. Chuyện này đã được cụ Nguyễn Du ghi
rõ trong tác phẩm:

Thoắt buôn về thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!


Tại những nơi này, chốc chốc nàng lại phải cắn răng mà
chịu đựng:

Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.


Là nô lệ tình dục, Kiều phải làm việc nhiều lắm, "làm
ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ". Nói
nôm na là nàng bị chúng xoay, chúng vần đến nơi đến chốn:

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.


Đau đớn, khổ não, và tủi nhục quá, đã vài lần Kiều đi
trốn nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần như vậy, chúng đánh
nàng thừa sống thiếu chết.

Có khi chúng dùng tay chân mà đấm đá:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.


Có khi chúng lấy gậy mà quật:

Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.


Tuy nhiên, may mắn thay, Kiều không đến nỗi bị tử vong như
cô dâu Trần Thị Thu An, quê ở Cần Thơ, bị chồng Hàn Quốc
đánh chết tại Daegu, gần thủ đô Hán Thành, ngày 25 tháng 4
năm 2007 vừa qua.

Khi thương tích chưa lành hẳn, Kiều lại bị chúng xoay, chúng
vần. Chẳng bao lâu, nàng bị nhiễm bệnh SIDA, tức bệnh AIDS,
coi như hết thuốc chữa:

Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?


Đến lúc ấy, chúng mới buông tha cho Kiều. Không một đồng
dính túi, nàng phải làm "ô sin" cả năm trời tại xứ
người để lấy tiền mua vé tầu bay trở về quê quán. Cụ
Nguyễn Du đã thuật lại hoàn cảnh "ô sin" của Kiều qua
những câu như "ra vào theo lũ thanh y, dãi dầu tóc rối da chì
quản bao" và "sớm khuya khăn mặt lược đầu, phận con hầu
giữ con hầu dám sai."

Khi về đến quê nhà, vì không có hộ khẩu, Kiều bị các quan
chức địa phương hạch sách để vòi tiền. Điều này cũng
được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong truyện:

Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.


Ôi thôi, đến nỗi này thi sống làm chi nữa, tự tử quách cho
xong một đời, Kiều đã nhủ với lòng như thế:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!


Viết đến đây, em học sinh mới nên kể đến chuyện Kiều
nghĩ cách tự tử sao cho hiệu quả như đã trình bầy trong bài
luận kiểm tra "Kiều Phải Sống" đăng ở trên. Tự tử mãi
mà không chết vì đảng đã bố trí sẵn hồ cạn trên đường
phố, dây điện chằng chịt ngang trời, xe cộ kẹt suốt ngày,
điện lực thì bữa đực bữa cái, còn thuốc trừ sâu thì
mười lọ đến chín rưỡi là thuốc rởm.

Cuối cùng, sau khi khẳng định Kiều cần phải sống, phải
sống, và phải sống, em học sinh có thể chấm dứt bài bằng
hai câu dưới đây để nội dung bài thêm phần "ấn
tượng":

Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết... Đảng nào đã cho!!!


Khi đọc hai câu trên, ắt hẳn các cụ tự nhận thông thạo
Truyện Kiều sẽ nhăn mặt mà rằng "nói bậy, nguyên văn câu
này là 'người dù muốn quyết Trời nào đã cho' chứ làm
gì có Đảng vào đây." Các cụ nói thế là chỉ biết một
chứ không biết hai. Kể từ ngày xô cả nuớc tiến nhanh tiến
mạnh lên xã hội chủ nghĩa, các bậc đỉnh cao trí tuệ đã
dõng dạc tuyên bố:

Lão Trời hãy xích một bên,
Đảng nay nhất trí đứng lên làm Trời!


Vì thế, tại Việt Nam hiện nay, người dân phải hiểu Đảng
Là Trời và Trời là Đảng mới gọi là giác ngộ Mác-Lê chủ
nghĩa. Cụ Nguyễn Du có sống lại cũng phải sửa thơ như trên
mà thôi.

Ôi, phải chi em học sinh, tác giả bài kiểm tra, viết rõ ràng
về đời Kiều như thế! Dù vậy, thưa Paul Tuân huynh truởng,
đệ vẫn nhất quyết cho em 105 điểm. Hiểu tâm lý Kiều như
đã viết trong bài, mấy ai bằng được em.

Và hiểu Kiều như thế, nhất định em phải là phụ nữ. Phải
chăng em đã mơ hồ thấy mình đang bước vào con đường định
mệnh của Kiều thuở truớc, như hàng trăm ngàn chị em hiện
sống ở Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc:

Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa!


và:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Cuối cùng, hiểu Kiều đến thế thì chắc chắn em học sinh
ấy phải đẹp như Kiều.

Paul Tuân huynh truởng ơi, đệ nhất quyết rồi đấy. Đệ mong
huynh cho đệ "giật nóng" tạm vài cây (vàng) để về Việt
Nam nhờ mai mối nạp sính lễ hỏi cưới em tác giả bài kiểm
tra. Gớm, chắc huynh đang cau mày mà mắng đệ rằng nó còn là
học sinh, dính vào vị thành niên thì chỉ có tù mọt gông.
Huynh nói thế là huynh còn ngây thơ lắm. Sống trong xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, có tiền mua tiên cũng được, huống hồ
là mua mấy em gái nhỏ. Chẳng tin huynh cứ hỏi các quan chức
lãnh đạo nhà nước là biết liền. Quan nào mà chẳng có ít ra
là một em hộ lý. Lắm quan lại có thói quen cứ gặp hên thì
mua (trinh) các em để ăn mừng, còn gặp xui thì cũng mua (trinh)
các em để xả.

Chắc huynh trưởng còn nhớ, khi thuật chuyện người ta mua
đứt Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: "cò kè bớt một thêm
hai, giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm." Ấy là cụ nói
khoác để giữ thể diện dân tộc. Thật ra, giá Kiều thời xã
hội chủ nghĩa chỉ vài cây là cùng. Rẻ lắm huynh ạ!

Vậng, đệ nhất quyết rồi đấy:

Định ngày nạp thái vu quy
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!


Ít ra là về với đệ, đời em vị thành niên ấy còn may mắn
hơn Kiều rất nhiều. Đệ vốn bản chất tao nhã, có mua em
cũng chỉ để cùng em vui thú cầm kỳ thi tửu: "khi gió gác
khi trăng sân, bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ, khi
hương sớm khi trà trưa, bàn vây điểm nước đường tơ họa
đàn", chứ chẳng thuộc hạng dâm ô và thô lỗ như những
đứa Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, Hàn Quốc chuyên sang nuớc
ta lùng mua phụ nữ (còn trinh) đâu.

Bán mình cho lũ ngoại nhân ấy không những chỉ khổ đến thân
mà còn nhục quốc thể lắm huynh ạ. Chẳng hiểu tại sao
đảng ta đỉnh cao trí tuệ như thế mà lại khuyến khích trò
này? Ngay cả đại vương Nguyễn Minh Triết, khi sang bệ kiến
hoàng đế Bút vào tháng 6 năm nay, đã công khai dụ dỗ các
doanh gia xứ Cờ Hoa rằng con gái Việt Nam đẹp lắm, hấp dẫn
lắm (mại vô, mại vô!!!).

Có dư luận cho rằng những phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan,
Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc đều là những người vô
sản chuyên chính, thành phần cốt cán của xã hội chủ nghĩa,
nên được Đảng và nhà nước bố trí cho kết hôn với ngoại
nhân. Khi theo chồng về nước, những cốt cán này sẽ bắt
rễ, xâu chuỗi giới vô sản ở xứ người để chuẩn bị cho
một cuộc cách mạng tiến lên thế giới đại đồng mà đảng
ta sẽ phát động trong tương lai. Ôi, chẳng biết đâu mà lần!

Paul Tuân huynh ơi, huynh mà không cho đệ giật nóng vài cây là
có khi chúng ta sẽ phải ân hận "xót nàng chút phận thuyền
quyên, cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn" đấy. Vì an nguy
của đời nàng và vì sĩ diện của dân tộc, xin huynh đồng ý,
nhé huynh!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét